Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1 印光 法 師文 鈔 參 編 卷 一


Thư trả lời cư sĩ Trần Phi Thanh



tải về 2.21 Mb.
trang23/29
Chuyển đổi dữ liệu10.03.2018
Kích2.21 Mb.
#36455
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   29

180. Thư trả lời cư sĩ Trần Phi Thanh (thư thứ tư)
Nhận được thư, biết ông tâm nguyện rộng lớn, công phu thuần mật, khôn ngăn vui mừng, an ủi. Chỉ xin ông nhất tâm niệm Phật, chẳng cần phải mong cầu gặp Quang. Gặp hay không gặp, mặc cho nhân duyên! Nếu đọc kỹ Văn Sao, hành theo đó, chính là thấu hiểu lòng Quang, há chẳng thân thiết như gặp mặt Quang hay sao? Con người hằng ngày khổ sở trong phiền não, vẫn chẳng biết là phiền não. Nếu biết là phiền não thì phiền não sẽ tiêu diệt. Ví như tưởng lầm gã trộm cắp là người nhà thì tất cả của cải trong nhà đều bị hắn trộm mất. Nếu biết là giặc, hắn liền trốn đi. Vàng chẳng luyện chẳng ròng, đao chẳng mài chẳng bén; chẳng từng trải phiền não thì gặp cảnh phiền não tâm thần sẽ tán loạn. Biết nó chẳng có thế lực gì, chuyện nhọc tâm mệt trí nẩy sanh đều do ta tự chuốc lấy.

Kinh dạy: “Nếu biết Ngã Không, ai bị hủy báng?” Nay phỏng theo đó nói: “Nếu biết là vô ngã, phiền não nào sanh?” Thí dụ của ông rất có đạo lý. Cổ nhân nói: “Vạn cảnh bổn nhàn, duy tâm tự náo. Tâm nhược bất sanh, cảnh tự như như” (Muôn cảnh vốn nhàn, chỉ có tâm tự rộn. Nếu tâm không sanh, cảnh tự như như). Công khóa vốn đã quen thực hiện, cũng không cần phải sửa đổi, chỉ cần luôn lấy hồi hướng vãng sanh làm chủ.

Niệm Phật nên niệm sáu chữ, hoặc trước hết phải niệm sáu chữ, đến lúc sắp xong niệm bốn chữ. Từ đầu đến cuối niệm bốn chữ, hơi không hợp lẽ, bởi hai chữ Nam Mô có nghĩa là Quy Y, Cung Kính, Đảnh Lễ, Cứu Độ Con v.v… Người ta thường mong lẹ, mong nhiều, nên phần nhiều có kẻ niệm bốn chữ. Thường nghe nói có người chủ trương lợi ích do “chuyên tu”, chỉ dạy người khác niệm bốn chữ, phát nguyện, lễ Phật đều bảo là không cần, tức hoàn toàn là một gã ở ngoài cửa: Chỉ biết chính mình thực hiện công phu, chẳng biết cầu sức từ bi của Phật!

Pháp môn Tịnh Độ lấy ba pháp Tín - Nguyện - Hạnh làm tông, họ chỉ xét trên mặt Hạnh, nhưng trên mặt Hạnh lại gạt bỏ lễ bái, Hạnh ấy khó thể mười phần khẩn thiết; lâu ngày sẽ thành hờ hững, hời hợt! Xin hãy y theo Văn Sao, đừng y theo lời họ nói. Bọn họ chỉ dựa vào ý kiến của chính mình, chứ không y theo tông chỉ Tịnh Độ. Tâm chúng sanh cần phải dùng đủ mọi pháp lành để điều trị, ví như ăn cơm cần phải kèm theo thức ăn. Chỉ định kỳ đả thất để có thể chuyên trì một câu Phật hiệu. Hết thảy kinh chú đều chẳng cần phải trì tụng, nhưng cũng chớ nên hoàn toàn phế trừ lễ bái và phát nguyện. Trừ khi đả thất ra, vẫn cứ chiếu theo thường lệ trì tụng, đều chẳng trở ngại gì. Người tu hành sợ nhất là thuận theo cái tâm [ức đoán của chính mình] tự lập [ra một đường lối riêng]. Thường nghe nói có những kẻ thiên tư, bẩm tánh vốn tốt đẹp, nhưng kiến thức lệch lạc! Chuyên niệm một đức Phật còn được, nhưng phế bỏ lễ bái, phát nguyện v.v… là lầm lẫn lớn lắm!

Ông không cần bế quan, chỉ tự tu ở nhà là được rồi. Hiện thời, quân lính, giặc cướp nhâu nhâu, ông thường ở trong nhà, những kẻ nhỏ mọn, không ra gì chẳng đến nỗi sanh lòng khác lạ. Nếu ông thường không ở nhà, bọn chúng sẽ thừa dịp sơ hở trộm cắp và cướp đoạt, đáng lo vô cùng! Sư Đàm Hư đặc biệt giữ ông lại, chẳng tính đến điều này, cũng là không hiểu sự việc cho lắm. Ngàn vạn phần chớ nên lìa rời khỏi nhà, ở tại nhà suất lãnh thê thiếp, con cái, dâu, cháu v.v… cùng tu; công đức ấy lại càng thù thắng nhiều hơn.

Quang trải đời sáu mươi tám năm, tuy sở học Phật pháp chưa thể trội hơn người khác, nhưng lo liệu sự việc so ra có phần suy xét kỹ càng hơn người khác đôi chút. Ông đã tin Quang, chớ nên thuận theo cái tâm tưởng là đúng!254 Chỉ nên tu tại gia, ngàn vạn phần chớ nên bế quan trong chùa Cực Lạc. Ngay cả đả thất cũng chớ nên đả thất trong chùa Cực Lạc, do lúc này chẳng thể luận theo lúc thời thế thanh bình được! Nếu nhằm thời thế thanh bình, tuy không lo xảy ra chuyện ngoài ý muốn, cũng khó dẫn dắt quyến thuộc cùng gieo thiện căn. Đợi tới tháng Nhuận, Quang sang Thượng Hải sẽ gởi cho ông mấy gói Di Đà Kinh Bạch Thoại Giải do ông Hoàng Trí Hải biên soạn. Hằng ngày, khi rảnh rỗi, hãy nên bảo ban quyến thuộc thì mọi người đều cùng sanh lòng tin tu Tịnh nghiệp để mong cùng sanh về Tây Phương. Tướng lành khi lâm chung không cần phải mong mỏi sẵn. Chỉ cần lúc thường ngày niệm sao cho tương ứng với Phật thì lâm chung tự nhiên được theo Phật vãng sanh mà thôi!


181. Thư trả lời cư sĩ Tế Thanh

Hôm nay cư sĩ Trần Hạc Niên tới đây, cầm theo thư ông và cuốn “Phê bình về Bát Thức trong Phật Học”, khôn ngăn khiến người ta phải thở dài. Ông học Phật nhiều năm, do lời Cẩm Hán mà ngờ vực kinh Phật và cổ đức nhiều đời “có lẽ có những chỗ không được thỏa đáng!” Tức là trở thành “tin đạo nhưng không chuyên dốc!” Ông ta cực lực đả phá ba tên gọi của tám thức255, cho là sai lầm, chỉ nghĩ [các thức ấy do] động lực mà biến đổi, tự cho rằng mình có thể sửa đúng những chỗ sai ngoa trong kinh Phật từ trước đến nay! Cái tâm hiếu danh có thể nói là đến mức cùng cực! Lại còn chẳng biết xấu hổ, không thẹn thùng, cũng có thể nói đến mức cùng cực không chi hơn được nữa! Ông ta gọi tuốt Chân Như Phật Tánh là “hậu thiên vật”, chẳng hiểu tâm tánh, chỉ biết vật chất, đáng thương thay! Ông tuổi gần bảy mươi, chuyên tinh niệm Phật sợ còn không kịp, rảnh rang đâu để hỏi đến chuyện này! Há lẽ nào lời nói của phàm phu đời sau lại đâm ra hay hơn lời Như Lai nói mà phải đợi hắn ta đính chánh [lời Phật] đó ư?

Nói đến chuyện thọ Tam Quy Ngũ Giới, hãy nên theo cách đối trước đức Phật tự thọ như đã được nói trong lá thư gởi cho bà Từ [trong bộ Văn Sao Tăng Quảng Chánh Biên]. Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Thanh, nghĩa là dùng trí huệ để thanh tịnh cái nghiệp của mình lẫn người khiến cho lúc sống thì làm bậc thánh hiền, mất lên cõi Cực Lạc. Đối với việc giáo hóa người khác, hãy tùy phận tùy sức mà khơi gợi, dẫn dắt. Hãy nên kể với họ chuyện người thuở xưa đời nay niệm Phật có công hiệu, ngõ hầu họ sẽ dễ nhận lãnh. Nếu chẳng chú ý điều này thì đúng là trò cười cho bọn họ.

Hơn nữa, tuổi ông đã già lụn rồi, tháng ngày chẳng còn mấy, hãy nên nói với gia quyến về lợi ích niệm Phật và lợi ích do trợ niệm khi lâm chung, nỗi tổn hại do bị phá hoại [chánh niệm]. Hãy chiếu theo những điều đã được nói trong Văn Sao, Gia Ngôn Lục để bảo với bọn họ sao cho họ biết sẵn, ngõ hầu chẳng đến nỗi khi ông lâm chung [họ sẽ] thể hiện lòng hiếu kiểu “đã té xuống giếng còn bị quăng đá”. Lại nên viết ra một chương trình, thỉnh hai ba người cùng chí hướng chứng minh, để khi ông sắp chết đừng bị [quyến thuộc] phá hoại chánh niệm, hòng thành tựu chánh niệm. Mất rồi, đừng sát sanh để khỏi tạo thêm nghiệp lụy cho ta. Nếu chẳng làm như thế, thiên địa quỷ thần ắt sẽ giám sát. Dùng những điều ấy để uốn nắn tri kiến thế tục, ngõ hầu chánh niệm rỡ ràng, theo Phật vãng sanh.



Những lời phê bình bậy bạ về Bát Thức do ông gởi tới, tôi đã thay ông đốt đi rồi, vì thế không cần gởi tới nữa. Bởi lẽ, dẫu ta chẳng bị loại sách ấy xoay chuyển thì tâm cũng phân vân, chắc đến nỗi nẩy sanh phiền não! Viết ra điều này, mong ông hãy sáng suốt soi xét. Người bạn ông đọc Gia Ngôn Lục bèn nghi Tịnh Độ, đấy là do ác nghiệp đời trước mà ra. Nay tôi dùng một ví dụ: Như con giòi trong nhà xí, [cảm thấy] vui sướng không chi bằng. Nếu nói với nó ngoài hầm xí còn có lầu đài nhà cửa hết sức thanh tịnh, rộng rãi, nó có tin được hay không? Dẫu có kẻ nhiều chuyện, chẳng ngại thò tay bắt nó ra khỏi nhà xí, dùng nước trong, nước thơm lần lượt gột rửa nó, cũng chỉ thành ra khiến cho nó mau chết mà thôi! Đối với ông ta, hoàn toàn chẳng được lợi ích gì nơi [Gia Ngôn Lục] cũng giống như vậy đấy! Các ông là một bọn phàm phu, ngay đối với chính mình mà còn hoàn toàn không biết (chỉ bậc đại triệt đại ngộ mới có thể nói là “biết được chính mình” mà thôi) mà vẫn nói lời chư Phật, lời chư Tổ hoằng truyền, lời đề xướng, dẫn dắt của các vị đại thiện tri thức đều chẳng chân thật, là ngụ ngôn để gạt người. Thật đáng gọi là “tâm thô, mật lớn”, chẳng sợ sau này bị đọa vào địa ngục Kéo Lưỡi hay sao? “Toàn chân thành vọng” là ước theo tâm chúng sanh mà nói. Ví như nước do gió động mà thành sóng, toàn thể nước biến thành sóng. Gió lặng thì toàn thể sóng biến thành nước! “Toàn chân thành vọng”, hễ trái ngược với vọng thì “toàn vọng tức là chân”. Ông thông minh, nhưng thật ra là ngu si!
182. Thư trả lời cư sĩ Ngọc Trưởng
Niệm Phật nên niệm nhỏ tiếng hoặc niệm thầm, chớ nên một mực dốc sức lớn tiếng niệm. Nếu không, ắt sẽ bị bệnh. Hãy nên lắng lòng tịnh niệm, đừng ham niệm gấp! Muốn hỏa tắt, mắt sáng thì đấy chính là pháp mầu nhiệm để hỏa tắt, mắt sáng! Ông quy y Phật - Pháp - Tăng Tam Bảo, muốn cầu thọ cho cha mẹ, hãy nên chí thành niệm Phật, hoặc niệm kinh Phật, há nên cầu Táo Vương (ông Táo), tụng Táo Vương Kinh? Vua bếp là thần, còn kém Ngọc Hoàng rất xa. Ngọc Hoàng còn kém La Hán rất xa, La Hán kém Phật rất xa. Ông đúng là một gã hồ đồ, chẳng niệm Phật hiệu để cầu thọ cho cha mẹ, lại niệm Táo Vương Kinh, thí tặng Táo Vương Kinh! Táo Vương Kinh là kinh do kẻ phàm tục ngụy tạo. Đệ tử Phật niệm thứ kinh ngụy tạo ấy chính là tà kiến, nhưng do ông thành tâm nên cũng chẳng thể nói là không có công đức, nhưng vẫn chỉ giống như một giọt sương. Công đức niệm Phật giống như sông to, biển cả. Ông không biết niệm Phật cũng đáng thương xót thay! Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều chẳng đủ, từ nay vĩnh viễn không muốn ông gởi thư đến nữa. Gởi đến quyết chẳng trả lời, mong hãy sáng suốt suy xét. Một Bức Thư Trả Lời Khắp hãy xem xét kỹ, hành theo đó thì công đức lớn lắm!
183. Thư trả lời cư sĩ Phó Huệ Giang
Nhận được thư, thấy hình chụp của Ngọc sư (sư Ngọc Trụ), khôn ngăn nghĩ tới thuở xưa và hiện thời mà thương cảm! Quang già rồi, mục lực chẳng đủ. Bài tụng tôi đã soạn ý nghĩa không châu đáo, nét chữ không ra lề lối gì, chỉ biểu lộ lòng Thành của tôi mà thôi. Từ nay, hễ không có chuyện gì quan trọng, đừng gởi thư tới! Người học Phật làm thầy thuốc, hễ gặp người bệnh nặng đều nên lấy chuyện tiêu trừ túc nghiệp làm chánh, dạy người bệnh ăn chay, niệm Phật và niệm Quán Âm. Nếu [do nghiệp nhân] đáng được lành bệnh, chắc chắn sẽ chóng khỏi bệnh. Nếu tuổi thọ hết, chắc chắn được chết tốt lành, chẳng đến nỗi mong sống không được, cầu chết không xong. Những điều khác đã nói tường tận trong Một Bức Thư Trả Lời Khắp.
184. Thư trả lời cư sĩ Dương Thận Dư
Thư nhận được đầy đủ, cảnh tượng khi cha ông lâm chung vẫn còn tốt đẹp. Hãy nên thường niệm Phật cho cụ, cầu cho cụ chưa được vãng sanh liền được vãng sanh, đã vãng sanh liền cao thăng phẩm sen. Còn như ông nhiều năm [cho đó là chuyện] hoang đường, chẳng sanh lòng tín niệm là do túc nghiệp của ông [gây ra]; mà cũng là do lúc ông còn bé, cha mẹ chẳng thật sự bỏ công giáo huấn ông về luân lý, nhân quả, [cho nên ông] “thường thường bậc trung” cũng không ra “thường thường bậc trung”, mà giỏi giang cũng chẳng thành giỏi giang. Vì vậy, người ta thường vui mừng vì có cha anh hiền đức. Nay ông may mắn biết sai, sửa lỗi, cũng là do thiện căn từ đời trước. Hãy nên chú trọng trọn hết bổn phận làm cha mẹ đối với con cái thì con cháu nối tiếp nhau đều là người hiền, không bị chìm đắm trong đường hiểm như thế nữa.

Ông nói đến chuyện “hễ lễ bái bèn có các thứ rung động và trong chốn tối tăm có đốm sáng xẹt ra”, đấy đều là vì ông căng thẳng tinh thần quá mức mà nên nỗi. Từ nay hễ lễ tụng chỉ chí thành khẩn thiết là được rồi, bất tất phải căng thẳng tinh thần. Tâm hãy nên tưởng hướng xuống phía dưới, hoặc tưởng ngồi trên tòa sen. Chỉ tưởng nơi hoa sen đang ngồi, trọn chẳng cần so đo thân mình có ở trên hoa sen hay không. Lâu ngày những tập khí hư phù ấy sẽ tiêu diệt không còn nữa! Có hiện tượng ấy phần nhiều là vì [cái tâm] bộp chộp, lao chao mà ra, còn chưa dụng công mà đã muốn mau được thành tựu! Kẻ chẳng biết tốt - xấu tưởng [những hiện tượng rung động, đốm sáng xẹt ra] là công phu [đắc lực], sẽ bị ma dựa phát cuồng. Nhưng đối với cảnh giới tốt cũng chẳng sanh lòng vui mừng, đối với cảnh giới xấu cũng không sanh lòng kinh sợ. Hễ kinh sợ thì tà ma bèn thừa dịp, hễ vui mừng ắt trước hết sẽ bị mất chánh niệm. Ông vẫn là loại tiểu tử khinh cuồng, [cho nên] ngày nay có tướng ấy. Nhắm mắt cũng là cái gốc gây ra bệnh! Từ nay chẳng những không nhìn chi khác mà cũng đừng nhắm mắt. Bình thường niệm Phật quyết chớ nên niệm quá gấp gáp. Hễ gấp sẽ bị tổn khí. Hễ tổn khí chắc sẽ có chấn động. Cũng đừng niệm quá rề rà, quá rề rà chẳng tiếp hơi được, cũng dẫn đến tổn khí.

Phẩm [Phổ Hiền] Hạnh Nguyện, phẩm Phổ Môn, kinh Kim Cang đều nên thọ trì. Hoặc mỗi ngày trì mỗi thứ một biến, hoặc hằng ngày chỉ trì một loại, luân phiên trì tụng; học chú Lăng Nghiêm hay không đều tùy ý. Cần nên biết: Bất luận tụng kinh hay trì chú đều phải lấy cung kính chí thành làm gốc, đều phải hồi hướng Tây Phương cho khắp bốn ân ba cõi pháp giới chúng sanh thì lợi ích lớn lắm. Như kẻ vô tri trong thế gian chuyện gì cũng vì mình thì lợi ích sẽ thuận theo tâm lực mà hèn kém. Ví như một ngọn đèn đem thắp cho trăm ngàn ngọn đèn khác, ánh sáng của ngọn đèn ấy trọn chẳng bị tổn giảm. Nếu chẳng thắp cho ngọn đèn khác, ánh sáng của nó cũng chẳng tăng mạnh hơn và sáng lâu hơn được! Khi hồi hướng hãy nên biết đến ý này. Chẳng những vì cha mẹ, ân nhân của chính mình mà [hồi hướng] như thế, ngay cả đối với oán gia cũng [hồi hướng] như thế thì mới có thể trên khế hợp với tâm Phật, dưới kết các duyên, giải các oán thù.

Mẹ ông có ăn chay được hay không? Đừng nghĩ đem huyết nhục phụng dưỡng mẹ là tận hiếu. Cắt đùi kẻ khác để thể hiện lòng hiếu, đấy là đại nghịch, huống là giết hại ư? Chính mình cũng nên kiêng giết, ăn chay. Nếu nói “ở trong giới buôn bán, mọi chuyện chẳng tiện” thì đấy là vì miệng bụng chưa quên được [cảm giác thỏa thích khi ăn thịt]. Nếu chẳng mong mỏi vị ngon thì rau xanh, dưa muối một hai thứ, chẳng lẽ người ta không bằng lòng xếp dọn cho ông ư?

Nói đến chuyện vọng ngữ thì chẳng được coi hệt như nhau. Nếu là chuyện không quan trọng khẩn yếu thì vẫn chưa phạm lỗi lớn; chứ nếu là chuyện quan trọng khiến cho người khác bị hỏng việc thì quyết chẳng thể [nói dối]. Chuyện nặng đã không nên làm, cớ sao đối với chuyện nhẹ lại đặc biệt làm? Do vậy biết rằng: Gọi là “vọng” vì hoàn toàn xuất phát từ vọng tâm.

Ông muốn quy y, nay đặt pháp danh cho ông là Tông Thận. “Thận” (愼) tức là giữ gìn, nuôi dưỡng tấm lòng phản tỉnh, quán sát, khắc chế ý niệm. Xưa kia do mất niệm nên thành cuồng, nay há chẳng thể khắc chế ý niệm để thành thánh ư? Tâm thể của thánh hay cuồng vốn tương đồng, nhưng tâm tướng, tâm dụng của thánh và cuồng khác biệt vời vợi như trời với đất. Cho nên nói: “Thánh mất niệm thành cuồng, cuồng khắc chế được ý niệm bèn thành thánh”. Mạnh Tử nói: “Nhân giai khả dĩ vi Nghiêu - Thuấn; dĩ Nghiêu - Thuấn chi sở dĩ vi Nghiêu - Thuấn, hiếu đễ nhi dĩ” (Ai cũng có thể là Nghiêu Thuấn. Sở dĩ Nghiêu - Thuấn có thể trở thành Nghiêu - Thuấn chỉ vì hiếu đễ mà thôi!) Phật dạy: “Nhất thiết chúng sanh giai đương tác Phật” (Hết thảy chúng sanh đều sẽ thành Phật). Ví như một trang giấy trắng, vẽ hình Như Lai thì chính là Như Lai, vẽ hình kẻ ăn mày thì là ăn mày! Hãy nên thận trọng từ lúc ban đầu sẽ chẳng đến nỗi trên là cô phụ sự giáo hóa của Phật, dưới chẳng phụ bạc tánh linh của chính mình.

Cõi đời gần đây nguy hiểm muôn phần, hãy nên khuyên người nhà niệm Phật và niệm Quán Âm để làm kế dự phòng. Đối với mẹ ông, hãy nên cực lực khuyên cụ chuyên tu Tịnh nghiệp, cầu sanh Tây Phương. Quang già rồi, tinh thần chẳng đủ, chớ nên thường gởi thư đến. Thường đọc Văn Sao, Gia Ngôn Lục thì chẳng cần phải viết thư xin tôi khai thị. Nhưng đấy là ước theo chuyện tu Tịnh Độ mà nói; nếu không giết chết cái tâm vọng tưởng, cứ muốn làm một vị đại thông gia, mong ở trước mặt người khác tuyên nói, phô diễn trí thức của chính mình thì chuyên theo [học hỏi với] một vị pháp sư chắc vẫn chưa thể mãn ý, huống là [chỉ đọc] mấy cuốn sách ấy ư? Trộm sợ rằng ông không thể làm một vị đại thông gia được, mà sự tu trì của ngu phu ngu phụ cũng bỏ luôn thì kết quả chẳng thể nào tưởng tượng nổi đâu! Xin hãy rất cẩn thận!
185. Thư trả lời hai vị cư sĩ Liễu Phàm và Dã Công
Thư và truyện sư Ngọc Trụ đều nhận được cả. Truyện ấy văn từ tường thuật sự việc quá rườm rà, nhưng cũng không trở ngại gì. Chỉ có điều Thiên Lãng và ma vương ngoại đạo sáng lập ra thuyết Lục Bộ Thiền256, [hai ông] đưa kẻ ấy vào trong truyện thì chắc rằng kẻ hiểu biết sẽ tưởng thuyết “Lục Bộ Thiền” là cao diệu. Gã ấy còn chưa biết đến hơi hướng nhà Thiền! Nếu biết, sao đã tham thấu triệt [bộ sách] thứ nhất rồi lại cần phải [tham thấu bộ sách] thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm cho tới bộ thứ sáu257 ư?

Đoạn văn ngầm [so sánh sư Ngọc Trụ] với ngài Trí Giả và đoạn văn so sánh rõ ràng [ngài Ngọc Trụ chẳng kém] ngài Vĩnh Minh chính là đem phàm lạm thánh, tội ấy chẳng nhỏ! Quang sợ kẻ vô tri ai nấy đều bắt chước theo thì Phật pháp sẽ do đấy mà bị diệt, chẳng thể không nói rõ với các ông. Quang suốt một đời chẳng khen xằng người khác, mà cũng hết sức ghét kẻ khác khen ngợi tôi bừa bãi! Các ông do khen ngợi thầy Ngọc Trụ mà nói như vậy thì chính là bày trò cho kẻ học Phật làm chuyện dối trá, chẳng thể không cẩn thận ư? Báo ân thầy Ngọc Trụ kiểu ấy, nếu thầy Ngọc Trụ biết được, chắc sẽ đau đớn khóc lóc!

Quang đã bảy mươi chín tuổi rồi, hai mươi bữa nữa sẽ tròn tám mươi, hoặc là chết trong năm nay, hoặc phải chịu tội mấy năm nữa! Quang chết rồi chỉ mong các ông sốt sắng dùng pháp môn Tịnh Độ để tự lợi, lợi tha. Nếu lo viết tiểu sử tán dương, soạn văn phúng điếu cho Quang để đưa tặng khắp xa - gần thì chính là oán gia của Quang. Quang một đời chẳng nhận tiếng khen rỗng tuếch của người khác, bởi chết rồi sẽ chẳng biết đến tiếng khen xuông nữa; [làm như thế] chính là [mang lòng] lừa dối. Quang chỉ mong từ phụ A Di Đà chịu rủ lòng thương xót, ngoài ra chẳng muốn nghe chuyện gì khác!
186. Thư trả lời cư sĩ Hùng Hách
Hằng ngày niệm Phật, cầu Phật tiếp dẫn người đời trước đã khuất được vãng sanh là đủ rồi, cần gì phải đặt pháp danh? [Về chuyện thọ] Ngũ Giới, hãy nên dựa theo cách đã nói trong bức thư gởi cho bà Từ Phước Hiền nơi cuốn một bộ Văn Sao: Ở trước đức Phật lễ bái, tự thệ thọ giới. Theo Luật, [cư sĩ chỉ được phép] đắp loại y năm miếng thẳng, gọi là Mạn Y258, không có những sọc ngang một dài một ngắn. Người đời nay phần nhiều chẳng đúng pháp, hoặc đắp y năm điều một dài một ngắn, hoặc đắp y bảy điều hai dài một ngắn, đều là trái luật. Ngay cả với Mạn Y đúng pháp, người tại gia cũng chỉ nên đắp khi lễ bái, trì tụng, kính lễ Tam Bảo, chớ nên thường đắp. Y năm điều của người xuất gia trước kia khá ngắn hẹp, giống như một cái khăn bông lớn thường chẳng rời thân, vì thế gọi là Vụ Y (y mặc để làm lụng). Nay thì y năm điều và y bảy điều to rộng như nhau, khi làm việc cũng chẳng thể đắp. Đấy chính là sự khác biệt giữa chế định xưa và nay vậy.

Hiện thời, bất luận là ai đều nên chuyên tu Tịnh nghiệp, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Gần đây do chiến sự dữ dội, càng nên niệm Quán Thế Âm Bồ Tát cho nhiều. Nay tôi gởi kèm thêm một tờ Khuyến Niệm Quán Âm Văn, mong hãy nói với hết thảy mọi người. Quang già rồi, mục lực lẫn tinh thần đều không đủ, lại còn hằng ngày niệm Phật, niệm Quán Âm và chú Đại Bi để cầu chúc cho quốc dân, cầu siêu cho những người đã khuất nên không rảnh rỗi để nói nhiều.


187. Thư trả lời cư sĩ Tông Nguyện
Qua các thứ cảnh tượng lúc lâm chung của lệnh thê259 đã được ghi chép đủ thấy pháp trợ niệm lợi ích lớn lao. Đã biết lợi ích của pháp trợ niệm, sao trong lúc thường ngày chẳng khuyên khắp hết thảy mọi người niệm Phật cầu sanh Tây Phương? Nếu lời ông nói chẳng phải là thêu dệt thì [bà nhà] quyết định vãng sanh. Đối với phẩm vị, do bà ta trọn không có chánh tín, lâm chung chưa từng phát đại Bồ Đề tâm nên sẽ sanh vào Hạ Phẩm. Chớ nói “theo như kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật đã dạy thì người thuộc Hạ Phẩm đều là chúng sanh tạo nghiệp!” Bọn họ vốn là người ác niệm Phật, tức là báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, được khuyên nhủ nhiều lần vẫn chẳng tin, thân - miệng - ý đều báng Tam Bảo, đến khi lâm chung sợ chết, nghe nói đến lợi ích của sự vãng sanh Tây Phương mới sanh lòng tin, quyết định sanh trong Hạ Phẩm. Nhưng sanh trong Hạ Phẩm so với sanh lên trời làm thiên đế, thiên vương vẫn còn cao siêu hơn vô lượng vô biên lần. Nghiệp đã siêu phàm nhập thánh thì đâu còn thiếu sót chi?

Người đời nay ưa phô trương hư vọng, chuyện này (tức chuyện tướng trạng vãng sanh tốt lành) chớ nên làm giả. Hễ bày trò giả dối thì người mất bị tổn hại, mà chính mình cũng mắc tội đem phàm lạm thánh. Hãy bảo lại lời này với các xã hữu, khuyên họ chú trọng tu hành thật sự để là chân Phật tử. Nếu không, sẽ trở thành quyến thuộc ma. Bệnh lao phần nhiều là do thường ăn nằm quá độ mà ra, đến nỗi phải chết sớm. Nhưng lúc chết lại nẩy sanh lòng tin và nhờ sức trợ niệm, ấy chính là biến nghiệp nhân duyên thành thiện nhân duyên. Nay gởi Thọ Khang Bảo Giám, Sức Chung Tân Lương, Liễu Phàm Tứ Huấn, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục mỗi thứ một bộ và sớ cầu con, ba điều trọng yếu để cầu con, xin hãy đọc kỹ ngõ hầu con cái sau này chẳng đến nỗi bị chết thảm như thế!


188. Thư trả lời cư sĩ La Khanh Đoan (thư thứ nhất)
Bản chú giải kinh Kim Cang của ngài Tông Lặc260 khá ổn thỏa. Thạch Thiên Cơ261 tự phụ bản [chú giải của ông ta] rất hay, nhưng thật ra những chỗ trái nghịch kinh nghĩa [trong bản chú giải ấy] chẳng thể nêu trọn từng điều được! Ở Nam Kinh, có bản Tâm Kinh được chú giải bởi năm vị thiện tri thức, hãy nên khuyên hết thảy mọi người xem bản ấy. Người ta thỉnh bản chú giải kinh Kim Cang [về đọc] là vì muốn hiểu nghĩa. Đối với Nghĩa lý kinh Kim Cang, nếu chẳng chí thành thọ trì, đọc tụng, dẫu hiểu được ý nghĩa kinh văn thì vẫn như mây mù che lấp mặt trời, chẳng thấy được chân tướng. Hiềm rằng người đời chỉ biết coi trọng chuyện hiểu nghĩa, chẳng biết lợi ích thật sự là do cung kính, chuyên tinh thọ trì!

Mười bảy người cùng nguyện quy y ấy, nay đặt pháp danh cho mỗi người, viết thẳng vào đơn ghi danh. Ông hãy nên bảo họ: Đã phát tâm quy y thì hãy nên nương theo Phật pháp để tu trì. Phàm những pháp luyện đan, vận khí v.v… của ngoại đạo đều nên bỏ hết đi. Nếu vẫn tu tập theo pháp của bọn ngoại đạo ấy sẽ trở thành tội nhân trong Phật giáo, ví như người dân trong nước nương nhờ bọn giặc cướp vậy! Luyện đan, vận khí chẳng phải là không có điểm tốt, đấy là pháp để dưỡng thân. Bọn họ cho rằng đấy là Phật pháp chân truyền, ngược ngạo bảo Phật pháp chẳng bằng pháp của họ. Do vậy, kẻ vô tri tưởng luyện đan, vận khí của ngoại đạo chính là Phật pháp! Cái tội gây lầm lạc cho người khác nặng hơn ưu điểm dưỡng thân trăm ngàn vạn lần! Vì thế, chẳng thể không nói toạc ra để bọn họ khỏi vì hảo tâm mà chuốc lấy quả báo báng pháp, hoại pháp.

Nhân dân hiện thời đang ở trong cảnh nước sâu lửa bỏng, hãy nên niệm Phật, niệm Quán Âm để làm phương cách đề phòng sẵn. Lệnh nghiêm262 là người thật hiếm thấy trong đời Mạt, đủ nêu gương cho đời. Tôi sẽ sửa chữa bài ghi chép đại lược của Quách Trí Úc để cho lời văn được sáng sủa, gãy gọn hơn. Nhưng gần đây khá bận bịu, chẳng rảnh rỗi lo đến, đợi sau này có lúc rảnh rang sẽ chấp bút. Phận làm con nêu tỏ đức hạnh của cha mẹ thì cần phải chú trọng nơi tận tụy thực hành. Nếu chính mình có thể lập đức, thể hiện lòng nhân thì người khác sẽ tự tôn kính cha mẹ mình là bậc đức hạnh tốt đẹp. Nếu không, người ta sẽ nói: “Người có đức hạnh tốt ắt sẽ có con cháu đáng trọng. Con đã chẳng được như vậy, chắc là [cha mẹ] có điều ác ẩn giấu nên mới thành ra như thế!” Do vậy nói: “Làm rạng danh cha mẹ chỉ do chính mình tận tụy thực hành, chứ không phải do văn tự, lời lẽ”. Nhưng nếu không có văn tự, lời lẽ thì không thể nào làm cho người khác nức lòng. Vì thế, Quang cũng đồng ý viết bài kỷ niệm cho cha ông. Hãy nên đem điều này dạy khắp những kẻ làm con thì lợi ích sẽ lớn lao lắm!

[Nghi thức] Mông Sơn thì chiếu theo kinh văn mà đọc, cũng chẳng có gì rất bí mật cả! Đối với việc kết ấn, ngay ở tùng lâm cũng là phô diễn, chứ thật ra chưa dựa theo thật nghĩa mà kết ấn263, vì thế chẳng cần phải kết ấn!


189. Thư trả lời cư sĩ La Khanh Đoan (thư thứ hai)
Chuyện thọ giới nên lấy chí thành sám hối làm chánh. Tự thọ trước đức Phật, Quang thay mặt [Tam Bảo] chứng minh, nhưng quan trọng là ở chỗ phản tỉnh, quán sát nơi khởi tâm động niệm. Phản tỉnh, quán sát được như thế thì sẽ tự có thể “chẳng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành”. Nếu chẳng phản tỉnh, quán sát ở nơi ấy thì tuy có thọ giới vẫn là kẻ thường phạm giới! Trong khoảng tháng Tám, các loại sách sẽ được dần dần gởi tới. Hiện thời thế đạo nhân tâm đã suy hãm đến cùng cực, nếu chẳng tích cực đề xướng nhân quả báo ứng và giáo dục trong gia đình, chắc chắn chẳng có lợi ích thật sự! Giáo dục trong gia đình càng phải chú trọng nhân quả báo ứng. Đấy chính là phương tiện lớn lao để thánh hiền, Phật, Bồ Tát bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh.

Tu trì trong hiện thời chỉ có Tịnh nghiệp thật là bậc nhất. Chớ nên nghe Thiền uyên áo, mầu nhiệm, Giáo uyên thâm, Mật lạ lùng, đặc biệt, mà bị lay chuyển để rồi do vậy liền thấy khác, nghĩ lạ, bỏ mất đạo phổ độ chúng sanh của đức Như Lai đến nỗi chính mình vẫn làm kẻ luân hồi trong sanh tử nơi thế giới Sa Bà này; đáng buồn, đáng đau lắm! Ắt phải nên chuyên tu tịnh hạnh, giải quyết cho xong ngay trong đời này, ngõ hầu chẳng uổng đời này và dịp gặp gỡ này. Chuyện đả thất hãy nên dựa theo chương trình của Thiền Môn Nhật Tụng, bỏ bớt những đoạn kinh văn rườm rà, chuyên chú nơi niệm Phật thì sẽ được lợi ích lớn.

Bát Quan Trai [Giới] lấy “không ăn quá Ngọ” làm Thể. Người đời nay thể chất yếu đuối, lắm bệnh, mà còn đả thất niệm Phật, đấy chính là tinh tấn hành đạo. Lắng lòng tọa Thiền chẳng thể nào sánh bằng được, có lẽ không nên chấp trước! Nếu không, sợ rằng sẽ bị bệnh. Hơn nữa, phương Nam khi đả thất ăn điểm tâm với phân lượng quá nhiều, chẳng những tâm không thể quy nhất, mà thức ăn cũng chẳng dễ tiêu! Hãy nên kiêng ăn nhiều! Hai lượt cháo hoặc hai lượt cơm là được rồi. Nói đến chuyện “hôm trước [ngày mở thất] liền trì Bát Quan Trai” cũng không phải là lời bàn luận đích xác. Đã trì vào ngày hôm trước [bữa khai thất] thì trong suốt một thất không nên trì hay sao? Cần biết rằng: Một pháp Niệm Phật sự lý rất sâu, chúng ta hãy lượng theo sức mà làm, chớ nên ép buộc người khác gây khó khăn khiến cho người ta chẳng khởi lên ý tưởng mạnh mẽ; như vậy là được rồi. Chuyện trong thiên hạ lý có nhất định nhưng pháp tùy cơ, chi tiết có thể sửa đổi, nhưng đường lối tổng quát chẳng đổi thì mới mong có thành tựu. Giữ khăng khăng quy củ đã thành lập hay lầm lạc lập ra chương trình mới đều khó thể thâu được hiệu quả. Mong hãy khéo cân nhắc ngõ hầu đích thân đạt được Tam Muội vậy!


Каталог: Luan -> aqvstambien
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài
aqvstambien -> Ấn Quang Pháp Sư

tải về 2.21 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   29




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương