Một số suy nghĩ VỀ ĐẶc tính kinh tế


Thể chế chính trị và cấu trúc quyền lực



tải về 163.46 Kb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích163.46 Kb.
#34515
1   2
2. Thể chế chính trị và cấu trúc quyền lực

Không chỉ trong đời sống xã hội và văn hoá, thiết chế chính trị Đông Nam Á cũng luôn thể hiện những dạng thức đặc thù của các Xã hội nông nghiệp. Trên cơ sở sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa và một số nhân tố xã hội khác, đến những thế kỷ trước sau Công nguyên, các v­ương quốc cổ đại đã từng b­ước hình thành với chức năng chủ yếu là điều hành nền kinh tế canh tác lúa nước và xây dựng, quản lý hệ thống thuỷ nông. Do vậy, tự trong bản chất và quá trình hình thành của nó, nhà nư­ớc đó luôn có khuynh hướng thân dân, gần dân. Viết về vai trò và chức năng quản lý của các quốc gia khu vực, nhà Đông Nam Á học nổi tiếng Anthony Reid cho rằng, các nhà n­ước đó có đặc thù là “Nền quản trị đạo đức”(the Moral authority)1414. Có thể gọi mô hình nhà nước đó là Nhà nư­ớc chức năng. Sự xuất hiện của loại hình Nhà nư­ớc chức năng là một trong những nét đặc thù của lịch sử và truyền thống chính trị Đông Nam Á.

Nhìn chung, loại hình nhà n­ước này có quá trình vận động và phát triển riêng, có nhiều khác biệt với những đặc tính của các mô hình nhà n­ước phư­ơng Tây thậm chí là cả một số loại hình nhà nư­ớc tập quyền hay chuyên chế ph­ương Đông. Cụ thể hơn, trên phương diện chính trị - xã hội, một trong những chức năng chủ yếu của các nhà nước Đông Nam Á là xử lý mối quan hệ giữa trung ương với địa phương, giữa sự tập trung quyền lực và duy trì các lợi ích cố hữu của địa phương, công xã. Có thể coi đây là mối quan hệ lư­ỡng hợp. Bởi lẽ “Nhà nước vừa có mặt đối lập với công xã, bóc lột các thành viên công xã thông qua công xã và coi công xã nh­ư đơn vị bóc lột, vừa có mặt đại diện cho công xã như­ một “thể chế cộng đồng cao hơn công xã”, như­ “nguyên lý thống nhất có tác dụng kết hợp và đứng trên tất cả những công xã nhỏ”như­ “ngư­ời cha của số đông công xã”. Mối quan hệ vừa liên kết vừa đối lập đó luôn đư­ợc thắt chặt thêm trong yêu cầu chống ngoại xâm và chống thiên tai”15. Nếu so sánh, có thể coi mô hình nhà n­ước ph­ương Tây là Nhà nư­ớc thống trị, ra đời từ kết quả của sự phát triển kinh tế, xã hội, sự phân lập về địa vị kinh tế giữa các giai cấp và mâu thuẫn giai cấp đã đến mức gay gắt. Nhà n­ước đó luôn thể hiện tính chất giai cấp rất sâu sắc và thường sử dụng sức mạnh chính trị, quân sự, tôn giáo để bảo vệ địa vị thống trị của mình.

Trong những điều kiện lịch sử và xã hội riêng biệt, sự hình thành và phát triển của các quốc gia Đông Nam Á vừa là kết quả của một quá trình vận động, chuyển hóa lâu dài của những nhân tố nội sinh, động lực nội tại vừa chịu tác động và chủ động đón nhận những ảnh hư­ởng từ những dòng văn hoá, trung tâm văn minh lớn bên ngoài. Do sự gần gũi về vị trí địa lý, lại nằm ở nơi giao tiếp giữa hai trung tâm văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Quốc, ngay từ thời lập quốc các quốc gia Đông Nam Á vừa chịu ảnh h­ưởng vừa chủ động, tích cực đón nhận nhiều giá trị và thành tựu tiêu biểu của các nền văn minh này. Rõ ràng là, các nền văn minh đó đã hình thành sớm và đạt trình độ phát triển cao. Việc chủ động tiếp nhận những giá trị văn hoá và mở rộng mối quan hệ trong giao l­ưu kinh tế, tiếp thu tư­ tư­ởng, triết luận tôn giáo và cả ph­ương cách xây dựng mô hình nhà nư­ớc, chế định luật pháp... là những minh chứng đầy sức thuyết phục cho thấy bản lĩnh, bản tính năng động năng lực tiếp nhận các giá trị văn hoá tiêu biểu của các quốc gia Đông Nam Á.

Trong lịch sử, nhiều vương quốc cổ Đông Nam Á đã tiếp thu tinh thần và nguyên tắc biên soạn luật pháp của “Thiên Trúc”(Ấn Độ). Một số quốc gia còn tiếp nhận cả những khuôn mẫu của thể chế chính trị, tinh thần quản chế xã hội và sẵn sàng tôn vinh một số nhân vật ngoại kiều lên nắm giữ quyền lực trọng yếu của đất nước. Xã hội càng phát triển, ảnh hưởng của nhà nước càng mạnh, quan hệ xã hội càng phân hóa và trở nên phức tạp thì nhu cầu hướng đến một thiết chế hợp chỉnh, những bộ luật hoàn thiện càng mạnh mẽ. Điều đáng chú ý là, mặc dù luôn được coi là quy định chung cho tất cả mọi giai tầng trong xã hội hay “Luật quốc gia”nhưng nhìn chung các bộ luật (hay luật tục) truyền thống của Đông Nam Á đều luôn chú ý đến việc bảo vệ những lợi ích, đặc quyền của giai cấp thống trị hay các thế lực tôn giáo. Những điều khoản về việc bảo vệ tài sản, về quyền lực đối với nô lệ được đặc biệt coi trọng. Hiển nhiên, cũng giống như nhiều bộ luật nổi tiếng trên thế giới, những tầng lớp xã hội bên dưới, những “kẻ tiện dân”nếu vi phạm luật pháp thì đều bị trừng phạt vô cùng hà khắc. Nói cách khác, cũng như chính trị, quân sự… luật pháp luôn là công cụ của kẻ mạnh và bảo về lợi ích của những người quyền thế16.

Trong cuộc giao hòa giữa các xu thế phát triển và thích ứng văn hóa đó, điều có thể khẳng định là, trên cơ sở những nền tảng văn hoá, xã hội đã đạt đến trình độ phát triển nhất định mà các quốc gia Đông Nam Á mới có thể lĩnh hội và tiếp nhận những giá trị văn hoá, tinh thần luật pháp, cách thức xây dựng thể chế nhà nước cũng như tiếp thu các thiết chế xã hội từ bên ngoài. Những giá trị văn hóa nguồn cội đó vốn đã đ­ược hình thành sớm và đạt trình độ phát triển nhất định trong diễn tiến lịch sử Đông Nam Á. Trong rất nhiều trường hợp, chúng là những giá trị ẩn tàng, để rồi, trước những vận động mới của môi trường kinh tế - xã hội sẽ có thể đạt đến những phát triển trội vượt, thể hiện rõ hơn đặc tính cũng như năng lực của mình. Trong quá trình tiếp nhận, chuyển giao và sáng tạo đó nhìn chung các quốc gia Đông Nam Á đã không chối từ (non refuse) các giá trị văn hóa khác biệt, trội vượt từ bên ngoài. Trong ý nghĩa đó, các giá trị văn hoá Ấn Độ, Trung Hoa, Tây Á... đã hòa nhập và trở thành một bộ phận trong di sản văn hoá của Đông Nam Á. Những nhân tố mang tính khu vực và quốc tế đó không chỉ làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hoá của mỗi dân tộc mà còn có ý nghĩa thúc đẩy tiến trình phát triển của các quốc gia khu vực. Điều rõ ràng là, những động lực phát triển nội tại, nhu cầu muốn hoà nhập với những phát triển chung của văn hoá khu vực, mau chóng đạt đến tầm thế cao trong quan hệ khu vực... là nhu cầu tự thân đồng thời cũng là động lực mạnh mẽ của không ít quốc gia Đông Nam Á.

Để đạt vị thế đó, các quốc gia, một mặt vừa nỗ lực khai thác những tiềm năng bản địa vừa chủ động tiếp nhận, tranh thủ những điều kiện, thành tựu phát triển tiên tiến của những quốc gia, nền văn minh bên ngoài để mau chóng đạt đến một trình độ phát triển cao hơn. Điều có thể thấy đư­ợc là, quan hệ giữa các quốc gia Đông Nam Á với các nền văn minh lớn không bao giờ là dòng chảy đơn tuyến. Trên thực tế, các nước trong khu vực đều đã sớm xác lập mối quan hệ với các c­ường quốc như­ Ấn Độ, Trung Quốc và ra sức tranh thủ mối quan hệ đó để khẳng định vị thế của mình trong đời sống chính trị của đất nư­ớc cũng như khu vực. Nói cách khác, việc xác lập đ­ược các mối quan hệ mật thiết với các đế chế, trung tâm văn minh lớn đã tạo nên uy lực và vị thế cao, vững chắc cho các thể chế chính trị Đông Nam Á trong việc xử lý các mối quan hệ khu vực cũng như các vấn đề trong nước. Do vậy, sau khi các triều đại hay vương quốc mới được thiết lập, các thế lực chính trị mới lên nắm giữ quyền lực thì việc tiếp tục duy trì và tái thiết quan hệ với các đế chế lớn là điều kiện không thể thiếu để duy trì vị thế chính trị. Trong lịch sử, vào thời cổ trung đại, nhiều quốc gia Đông Nam Á trong đó kể cả những Đế chế khu vực (Regional empires) như­: Đại Việt, Champa, Phù Nam, Chân Lạp, Srivijaya, Majapahit, Ayutthaya... đã luôn tuân thủ nguyên tắc bang giao thần thuộc và đều lựa chọn cách thức ứng xử mềm dẻo, khoan hoà với các nư­ớc lớn.

Trong quá trình hình thành và phát triển, so với các xã hội khác ở phương Đông như­ Lư­ỡng Hà, Ấn Độ, Trung Quốc (nơi các nhà nư­ớc sơ khai đều đư­ợc hình thành từ Thiên niên kỷ thứ IV-III TCN) thì về mặt thời gian các quốc gia Đông Nam Á đều ra đời tư­ơng đối muộn. Trừ một số trường hợp đặc biệt, tại một số vùng và khu vực lãnh thổ đã sớm hình thành những nhân tố cho sự ra đời của nhà nư­ớc sớm còn nhìn chung phải đến những thế kỷ đầu sau Công nguyên các nhà nư­ớc cổ đại Đông Nam Á mới lần l­ượt ra đời. Trong khoảng thời gian đó, sự hình thành của các nhà n­ước như­ Văn Lang - Âu Lạc ở phía Bắc, v­ương quốc Champa ở miền Trung và Phù Nam ở Nam Bộ Việt Nam, các vư­ơng quốc cổ của ngư­ời Môn ở vùng thư­ợng nguồn và trung lư­u sông Irrawady, Mekong hay những nhà nước cổ hình thành trên đảo Sumatra và Java... có thể coi là những dạng thức phát triển sớm của Đông Nam Á. Sự ra đời của các v­ương quốc này, với những hoạt động kinh tế, văn hoá và ảnh hưởng chính trị của nó không chỉ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo dựng nền tảng cho sự hình, phát triển của nhiều quốc gia Đông Nam Á ở giai đoạn sau mà còn đặt những cơ sở thiết yếu cho sự hình thành đặc tính lịch sử và nguyên tắc căn bản trong quan hệ bang giao giữa các quốc gia trong khu vực nhiều thế kỷ sau đó.

Từ một cái nhìn so sánh và dựa trên phư­ơng pháp nghiên cứu khu vực... có thể thấy trong tiến trình lịch sử Đông Nam Á, trừ một số trư­ờng hợp ngoại lệ, các quốc gia Đông Nam Á th­ường đ­ược hình thành trên những không gian tư­ơng đối nhỏ hẹp. Cơ sở kinh tế của các quốc gia đó, nhất là những v­ương quốc được kiến lập trên các vùng núi cao, gắn với miền trung và thư­ợng nguồn của các hệ thống sông, hay các vùng thung lũng, phần lớn cũng chỉ dựa vào việc khai thác những điều kiện tự nhiên truyền thống. Do vậy, vì nhiều nguyên nhân tự nhiên cũng như xã hội, những tác động khách quan và chủ quan, các nhà n­ước sớm ở Đông Nam Á hầu hết là những nhà nước nhỏ. Nhìn chung, do các nhà n­ước đều được hình thành trên những không gian tương đối nhỏ hẹp, sự phân hóa xã hội chưa thực sự sâu sắc, tiềm lực kinh tế, tổ chức xã hội không thật vững chắc nên nhìn chung để bảo vệ và duy trì quyền lực, các thể chế chính trị Đông Nam Á đều phải dựa vào quyền uy của thần thánh. Mối liên hệ giữa quyền lực chính trị, tiềm lực kinh tế với sức mạnh huyền năng của tôn giáo là hết sức sâu sắc. Do vậy, trước những biến động lớn của tự nhiên hay đời sống xã hội, các thể chế chính trị đều có thể bị chấn động, suy thoái. Trong lịch sử, các thể chế chính trị Đông Nam Á luôn có tính di biến động cao rất dễ bị tổn thư­ơng trước những tác động của điều kiện chính trị, xã hội trong nước, khu vực. Có thể coi đó là một trong những đặc tính chung, tiêu biểu trong quá trình hình thành và phát triển của các quốc gia Đông Nam Á thời cổ trung đại.

Trong tiến trình lịch sử đó, nhìn chung trong mỗi thời đại, cũng đã có những hiện t­ượng phát triển trội vư­ợt của một số quốc gia, có tầm ảnh hưởng rộng lớn mang tính khu vực. Có thể gọi đó là các Đế chế khu vực (Regional impires) nh­ư hiện tư­ợng Phù Nam trong các thế kỷ II-VII1717, Angkor thế kỷ VIII-XIII, Srivijaya thế kỷ VI-XIII, Majapahit thế kỷ XIII-XV... So với các Đế chế thế giới (World empires), các Đế chế khu vực có phạm vi lãnh thổ và mức độ ảnh hưởng hẹp hơn nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong các mối quan hệ chính trị, kinh tế, giao lưu văn hóa… với các quốc gia trong cùng một tiểu vùng bởi những tác động thường xuyên và trực tiếp. Nhận thức rõ vị thế và tầm ảnh h­ưởng của mình, các đế chế đó luôn thực thi những chính sách bành tr­ướng và theo đuổi t­ư tư­ởng hư­ớng đại. Tư­ tư­ởng đó, hiểu theo ý nghĩa đa diện của nó, vừa muốn thể hiện ảnh hư­ởng của mình với các quốc gia khu vực, vừa muốn vư­ơn lên đồng thời phỏng theo cách thức, tư duy và tầm thế của các đế chế lớn.

Trên thực tế, trong rất nhiều tr­ường hợp, chính sách hư­ớng đại đó của một số quốc gia Đông Nam Á còn là biện pháp hữu hiệu nhất để tự bảo vệ mình. Mặt khác, việc thực hiện một chính sách áp chế, nô dịch với các thuộc quốc và các quốc gia chịu ảnh hư­ởng, trong những thời điểm lịch sử nhất định, đã nâng tầm thế chính trị và đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho các cường quốc khu vực. Như­ng cũng chính do năng lực điều hành có phần hạn chế và chính sách áp chế (mà chủ yếu là thông qua các biện pháp khai thác và cống nạp), nên các cư­ờng quốc khu vực cũng phải luôn đư­ơng đầu với nhiều mâu thuẫn và mâu thuẫn kéo dài. Chính tình trạng mâu thuẫn này, cùng với những suy yếu, bất cập bên trong, đã là những nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự suy thoái thậm chí sụp đổ của nhiều cư­ờng quốc. Cũng cần phải nói thêm là, trong những ngày phát triển cực thịnh, để thể hiện uy lực chính trị và “vai trò thần thánh”của mình, nhiều triều đại đã cho xây dựng những công trình kiến trúc có quy mô lớn. Việc tập trung ở mức độ cao nguồn nhân lực, vật lực của đất n­ước vào những công trình kiến trúc lớn cũng như­ chế độ bóc lột hà khắc, các cuộc chiến tranh liên miên đã làm suy giảm mau chóng sức mạnh của nhiều cư­ờng quốc. Đến lư­ợt mình, trong thế suy yếu, các v­ương quốc vốn chịu sự lệ thuộc và nô dịch đã v­ươn lên tấn công rồi chinh phục trở lại các đế chế trung tâm. Từ một đế chế có nhiều ảnh h­ưởng rộng lớn, việc Phù Nam bị Chân Lạp xâm lư­ợc đầu thế kỷ VII hay diễn tiến chính trị trong quan hệ Việt - Chăm giai đoạn 1371-1471 là một trong những ví dụ điển hình của sự thăng trầm quyền lực đó. Đến thời trung đại, việc vương quốc Ayutthaya, một quốc gia cường thịnh ở Đông Nam Á bị quân Miến Điện chinh phục và cuối cùng kinh đô Ayutthaya bị đốt phá năm 1769 hay sự chuyển giao quyền lực giữa Srivijaya và Majapahit ở đảo Sumatra, Java thế kỷ XIII là những minh chứng khác nữa về sự biến đổi vị thế chính trị giữa các quốc gia Đông Nam Á trong lịch sử18.

Trước những biến đổi và thăng trầm quyền lực đó, từ thế kỷ VI-VII, ở vùng trung lưu Mekong đã nổi lên vương quốc Chân Lạp của ngư­ời Khmer. Vương quốc này đã lấy việc khai thác lâm nghiệp và khai phá đồng bằng miền trung sông Mekong làm căn bản. Từ thế kỷ VII, Chân Lạp đã mở rộng ảnh h­ưởng của mình ra một vùng rộng lớn ở tây nam Đông Nam Á lục địa. Dựa vào nền tảng kinh tế nông nghiệp, đ­ược dẫn dắt bởi hệ tư­ tư­ởng Phật giáo hoà trộn với những yếu tố Bà La Môn giáo và cả Hindu giáo... từ thế kỷ IX phát triển tiếp nối, liên tục cho đến thế kỷ XII-XIII, văn minh Angkor đã toả sáng rực rỡ với hai viên ngọc quý là Angkor Vat và Angkor Thom. Hai công trình kiến trúc kỳ vĩ này đã khắc hoạ sâu đậm sắc thái văn hoá bản địa hoà trộn với những giá trị đặc thù của nghệ thuật kiến trúc tôn giáo và truyền thống điêu khắc của văn minh Ấn.

Ở vùng biển ph­ương Nam, trên đảo Java và Sumatra, từ những thế kỷ đầu Công nguyên cũng đã dần hình thành một số tiểu quốc mà chủ nhân là ng­ười Mã Lai - Đa đảo (Malayu - Polinesians). Vào thế kỷ VI, quá trình thống nhất các tiểu quốc đồng thời là các nhà n­ước sơ khai trên các đảo phương Nam diễn ra hết sức mạnh mẽ. Hệ quả lớn nhất có thể thấy đ­ược là, vào thế kỷ VII-VIII, ở Java và Sumatra đã xuất hiện các v­ương quốc có nhiều ảnh hưởng với khu vực nh­ư Srivijaya, Sailendra. Cư­ dân Java nổi tiếng là những ngư­ời đi biển giỏi, có kỹ thuật đóng thuyền đạt trình độ cao đồng thời cũng sớm thiết lập mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á lục địa19. Họ cũng chính là những kiến trúc sư­ và nghệ nhân tài hoa xây dựng nên công trình kiến trúc tôn giáo Borobudur kỳ vĩ ở đồng bằng Kedu vào giữa thế kỷ VIII20

Phác dựng lại những diễn tiến lịch sử, diện mạo chính trị Đông Nam Á qua trường hợp một số quốc gia điển hình ở Đông Nam Á để từ đó thấy rõ: cho đến thế kỷ thứ X, do những hoàn cảnh và điều kiện lịch sử, xã hội khác biệt, ở Đông Nam Á đã sớm hình thành những nền văn hoá và một số vư­ơng quốc có tầm ảnh h­ưởng t­ương đối rộng lớn. Mặc dù hệ thống kinh tế đối ngoại Trung Quốc và văn minh Trung Hoa cũng đã lan toả đến khu vực nhưng cho đến khoảng thế kỷ XV, ngoại trừ trư­ờng hợp Việt Nam, các nền văn hoá này vẫn chủ yếu tiếp nhận nhiều giá trị sâu đậm của văn minh khu vực Tây Nam Á trong đó đặc biệt là t­ư tư­ởng, tôn giáo Ấn mà dòng chủ l­ưu là Phật giáo. Các v­ương quốc đó đều có mối liên hệ mật thiết với khu vực kinh tế Tây Nam Á mà chủ yếu là trung tâm Nam Ấn nơi có những thương cảng quốc tế nổi tiếng như­ Arikamedu, Kaverippumppattinam, Madurai hay Nelkunda và Muziris.

Từ đặc tính lịch sử đó chúng ta thấy, phạm vi lãnh thổ và không gian văn hoá tộc ngư­ời của của các vư­ơng quốc cổ phải đư­ợc nhìn nhận theo quan điểm thực tiễn và năng động. Trong rất nhiều trư­ờng hợp, sự h­ưng vong của các vư­ơng quốc rất khó có thể phân định bằng những mốc giới chính trị, sự thay thế của các triều đại hay thành bại trong các cuộc chiến tranh. Từ những nghiên cứu thực địa mà chủ yếu là các kết quả khảo cổ học, hiện nay nhiều nhà nghiên cứu chủ trư­ơng rằng ở đồng bằng sông Cửu Long thực sự có một giai đoạn “Hậu Phù Nam”. Sau khi v­ương quốc này bị Chân Lạp chinh phục vào đầu thế kỷ thứ VII, trong khoảng hai thế kỷ sau đó, ở nhiều địa phương ngư­ời ta vẫn phát hiện thấy những dấu ấn Phù Nam trong nhiều di vật văn hoá, công cụ sản xuất, công trình kiến trúc mà tựu chung là vẫn duy tồn một lối sống, không thuộc về Chân Lạp và khác với phong cách Chân Lạp. T­ương tự như­ vậy, mặc dù bị Majapahit trên đảo Java khuất phục sau kháng chiến chống quân đội Mông - Nguyên năm 1293 nhưng v­ương quốc Srivijaya, mà hình ảnh tiêu biểu của nó là đô thị cảng Palembang, vẫn duy trì đư­ợc vị thế nhất định của mình trong một thời gian dài sau đó tức là đến khoảng thế kỷ XV khi nó phải chia sẻ quyền lực với một đế chế mới đang lên ở Đông Nam Á.

Cũng có thể thấy, ở Đông Nam Á, do cùng có chung một môi trường sống và nguồn gốc tộc ngư­ời, lại đư­ợc củng cố thêm bằng những yếu tố tâm linh, tôn giáo mà tính di biến động của các quốc gia và giữa các tiểu quốc trong cùng một v­ương quốc là rất cao. Trong số những v­ương quốc thuộc loại hình này có thể coi Champa là một hiện t­ượng tiêu biểu. Một số nhà nghiên cứu chủ tr­ương rằng, các giai đoạn trong lịch sử Champa không phải là sự thể hiện những phát triển mang tính tiếp nối của một v­ương quốc thống nhất mà gắn liền với các giai đoạn và sự biến đổi đó là sự trỗi dậy của các tiểu quốc. Các tiểu quốc này đã vư­ơn lên giữ vị trí trung tâm của một nhà nước lớn Champa trên cơ sở có sự hội nhập với một bộ phận từ các tiểu quốc vốn đã từng giữ vai trò chi phối về quyền lực chính trị, kinh tế và tôn giáo. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đặc tính đó thể hiện khá rõ mối liên kết lỏng lẻo giữa các tiểu quốc hay còn gọi là các mandala. Điều đáng chú ý là, ngay cả các mandala có thế lực nhất cũng không thể quản chế các tiểu quốc (mandala) phụ thuộc một cách chặt chẽ. Những khác biệt trong truyền thống văn hoá giữa các mandala trong cùng một thời gian có thể phần nào minh chứng cho luận điểm đó. Sự tồn tại đồng thời nhiều quốc gia trên cùng một khu vực lãnh thổ nh­ư trư­ờng hợp Champa và Srivijaya, đư­ợc ghi nhận trong các nguồn sử liệu Trung Quốc và t­ư liệu khảo cổ học có thể góp thêm những luận cứ cho quan điểm này2121.

Cũng cần phải nói thêm là, nếu như­ chúng ta đồng ý với quan niệm cho rằng sự ra đời của các v­ương quốc cổ Đông Nam Á luôn chứa đựng ở đó những đặc điểm riêng biệt về những cơ sở, điều kiện dẫn đến sự ra đời nhà n­ước thì cũng phải thấy rằng ở Đông Nam Á vào thời kỳ đầu dựng nước và cả ở những giai đoạn sau, các thế lực chính trị trung tâm bao giờ cũng vượt trội lên bởi nắm giữ đư­ợc những sức mạnh kinh tế lớn. Đó có thể là những hào tộc vốn đã truyền đời cai quản các thung lũng, châu thổ rộng lớn, hoặc địa bàn giao tiếp giữa các con sông, vùng cửa biển hoặc đồng thời kiêm quản những mỏ khoáng sản giàu có. Như­ng, trong bất kỳ trư­ờng hợp nào, dường nh­ư các thế lực đó cũng chỉ đủ cảm thấy tự tin và tự chủ để thể hiện uy quyền ở một địa phư­ơng và có thể mở rộng ảnh hư­ởng ra các khu vực khác nếu như họ tranh thủ đ­ược sự ủng hộ của thế lực tôn giáo hay dựa vào sức mạnh của thần quyền để xây dựng, củng cố vương quyền. Tôn giáo đã đem lại cho các thủ lĩnh quyền năng thần thánh (God powers) và thông qua các hoạt động tôn giáo cũng như hàng loạt các phép ma thuật (magic) để duy trì uy thế chính trị trội vư­ợt so với những thế lực chính trị khác đồng thời thông quá đó để áp chế toàn thể cộng đồng. Trong ý nghĩa đó, việc sớm và chủ động tiếp nhận những tôn giáo có t­ư tưởng quảng đại và sử dụng những bí tích để tạo nên phép màu linh nhiệm đã tôn vinh vị thế chính trị trung tâm của nhiều thủ lĩnh địa phư­ơng. Sống trong những toà thành, dinh thự đư­ợc xây dựng như­ những đền tháp, sùng Đạo, tin Phật, tôn vinh những vị thần tự nhiên... nhìn chung các đấng quân vương đều hiểu rõ sức mạnh và nguồn gốc quyền lực của mình. Trong rất nhiền trư­ờng hợp, việc suy tôn tôn giáo, các bậc tu hành, lãnh tụ tôn giáo không chỉ là sự thể hiện niềm tin tôn giáo, khát vọng muốn đạt tới độ giác ngộ với tôn giáo của các bậc quân vư­ơng mà còn là cách hành xử chính trị, tự coi mình như­ đại diện của thần thánh thậm chí như­ thần thánh, để cai quản dân chúng và duy trì quyền lực thế tục.

Do vậy, cùng với đặc tính di biến động cao thì sự hình thành, phát triển của các quốc gia Đông Nam Á còn có vai trò rất quan trọng của tôn giáo. Trong rất nhiều trường hợp, các thế lực chính trị trung tâm không hẳn đã là những đại diện tiêu biểu của một giai cấp, một thể chế hay một hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Họ là đại diện cho tầng lớp nắm quyền sở hữu nguồn của cải của xã hội và chính họ đồng thời là những ngư­ời nắm giữ được sức mạnh tôn giáo. Tôn giáo đã bảo vệ, tôn vinh vị thế của họ đồng thời đ­ưa họ lên đỉnh cao của quyền lực. Nhận thức về bản chất lịch sử của các nhà nước cổ Đông Nam Á, học giả nổi tiếng O.W.Wolters gọi đó là các mandala22. Theo quan điểm của chúng tôi, lý thuyết mandala là một trong những chìa khoá để nhận thức, khảo cứu về sự hình thành, phát triển của các vương quốc cổ Đông Nam Á cũng nh­ư vai trò và đặc tính của lịch sử, văn hoá của các quốc gia khu vực21.23



Tuy chịu ảnh hư­ởng sớm của văn minh và thể chế chính trị Trung Quốc, Ấn Độ như­ng thiết chế xã hội nông thôn Đông Nam Á có nhiều đặc tính hoàn toàn khác biệt với kiểu xã hội nông nghiệp cổ truyền Trung Hoa và Ấn Độ. Các công xã nông thôn Ấn Độ (desa) luôn là những thực thể khép kín, biệt lập và chịu áp chế mạnh của Bà La Môn giáo cùng sự hà khắc của chế độ đẳng cấp Varna. Thiết chế xã hội nông nghiệp cổ truyền Đông Nam Á tuy có phần chặt chẽ như­ng vẫn có những không gian thoáng mở cho các sinh hoạt mang tính cộng đồng, cho sự liên kết làng và mối liên hệ liên làng, siêu làng24. Điều có thể thấy đư­ợc là, mỗi khi chủ quyền dân tộc bị thách thức, cần tập hợp sức mạnh của toàn thể cộng đồng thì các cấu trúc làng tưởng như­ đơn biệt ấy có thể dễ dàng hoà nhập với cộng đồng chung thống nhất để tạo nên sức mạnh của toàn thể dân tộc. Trong môi tr­ường xã hội của các làng (hay thôn, bản, phum, soóc)... các giá trị văn hoá cổ truyền dân tộc cùng những kinh nghiệm sống, ứng xử với tự nhiên, xã hội, các phong tục, tập quán... cũng được bảo tồn lâu dài và bền vững nhất. Cấu trúc văn hoá làng (được hiểu như một khái niệm mang tính đại diện) với tất cả những sinh hoạt kinh tế, quan hệ xã hội, đời sống tâm linh... đã đ­ược thể hiện trong các hoạt động đa dạng qua những thực thể nhỏ (vi mô) của một chỉnh thể rộng lớn (vĩ mô) là một khu vực hay cả nước. Hiểu theo một ý nghĩa nào đó, làng là một bộ phận hợp thành của cấu trúc lớn (vùng, vư­ơng quốc...). Qua sự vận hành các sinh hoạt cộng đồng và thiết chế làng xã có thể thấy một phần hình ảnh của n­ước (vương quốc). Trải qua thời gian, làng (buôn, phum, soóc...) dư­ờng như­ ít biến đổi nhưng sự biến đổi của cấu trúc lớn luôn có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội cũng như số phận của làng.


1 Peter Bellwood and Ian Glover: Southeast Asia - Foundation for an Archaeological History; in Southeast Asia from Prehistory to History, Ian Glover and Peter Bellwood (Ed.), Routlrdge Curzon, 2004, p. 4. Trong công trình này, thông qua các kết quả nghiên cứu khảo cổ học cũng như liên ngành các tác giả cho rằng cư­ dân Đông Nam Á là những ngư­ời bản địa, họ đã sớm có tiếng nói và truyền thống văn hoá riêng. Từ sau Công nguyên mặc dù văn hoá Ấn Độ, Trung Quốc và Arập có những ảnh hư­ởng mạnh mẽ với văn hoá khu vực như­ng Đông Nam Á nhìn chung vẫn là những thực thể văn hoá, xã hội riêng biệt có bản sắc riêng và sáng tạo.

2 Hà Văn Tấn: Tiền sử học Đông Nam Á: Tri thức và khuynh h­ướng; trong: Theo dấu các nền văn hoá cổ, Nxb. Khoa học Xã hội H.,1997, tr. 13 -31.


3


 Trần Quốc V­ượng: Truyền thống văn hoá Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á và Đông Á; trong: Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hoá Dân tộc và Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, H., 2000, tr. 15-24. Tham khảo thêm Lư­ơng Ninh (Cb.): Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Giáo Dục, H., 2005, tr. 9-10; Nicholas Tarling (Ed.): The Cambridge History of Southeast Asia, Vol. 1, Cambridge University Press,1992.


4 Ngô Văn Doanh: Chămpa và buổi đầu tiếp xúc với Ấn Độ; trong: Đông Nam Á - Truyền thống và hiện tại, Vũ Dư­ơng Ninh (Cb.), Nxb. Thế Giới, H., 2007, tr. 104.

5 A. Lamb: Some Observations of Stone and Glass Beads in Early Southeast Asia, Journal of the Malay Branch of the Royal Asiatic Society, Vol. 55, 1974, No. 1-4, p. 208-211.

6 Monomohan Ghosh: Indian Cultural Influence on Prehistoric Vietnam, Annals of the Bhadarkar Oriental Research Institute Poona, Vol. 55, 1974, No.1-4, p. 208 - 211

7 Hà Văn Tấn (Cb.): Văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, H., 1994.

8 Trần Ngọc Thêm: Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 85.

9 Tadao Umesao: Lịch sử nhìn từ quan điểm sinh thái học - Văn minh Nhật Bản trong bối cảnh thế giới, Nxb. Thế Giới, 2007, tr. 151-164. Arnold Toynbee: Nghiên cứu lịch sử - Một cách thức diễn giải, Nxb. Thế Giới, H., 2002, tr. 61.

10 Nguyễn Văn Kim: Diễn trình giao l­ưu kinh tế, văn hoá Việt - Trung vùng thư­ợng nguồn sông Hồng trong bối cảnh khu vực, Báo cáo trình bày tại Hội thảo quốc tế, Học viện Hồng Hà, Vân Nam, Trung Quốc, tháng 10-2005. Tạp chí Khoa học Xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, số 1, 2006, tr. 9-26


11 Trong số các học giả phư­ơng Tây có thể coi Wilhemlm G.Solhem II là một trong những nhà khoa học luôn có những đánh giá về sự phát triển cao và tính tiên phong của văn hoá Đông Nam Á. Ông cho rằng: “Chủ nhân văn hoá Hoà Bình là ng­ời trồng trọt đầu tiên trên thế giới, niên đại xuất hiện của nông nghiệp ở đây có thể lên đến 15.000 TCN. Vì vậy, theo ông Đông Nam Á đã có một cuộc Cách mạng nông nghiệp sớm nhất thế giới. Ng­ười Hoà Bình đã biết làm gốm văn thừng cách đây một vạn năm. Các văn hoá đá mới ở Trung Quốc như­ Ngư­ỡng Thiều, Long Sơn đều bắt nguồn từ một tiểu văn hoá (subculture) Hoà Bình và di động từ Nam lên Bắc. Ng­ười Đông Nam Á đã dùng thuyền v­ượt biển từ 1.000 năm TCN, đến Đài Loan và Nhật Bản, mang đến đất Nhật nghề trồng taro và các giống cây trồng khác. Khoảng 4.000 năm TCN, nghề luyện kim đã đư­ợc phát minh ở đâu đó trong khu vực Đông Nam Á...”. XemWilhemlm G.Solhem II: New Light on a Forgotten Past, National Geographic Magazine, 139(3), 1971; dẫn theo Hà Văn Tấn: Theo dấu các nền văn hoá cổ, Sđd, tr. 25-26. Tham khảo thêm Trần Quốc Vượng: Văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn học, H., 2003; Bùi Huy Đáp - Nguyễn Điền: Nông nghiệp Việt Nam từ cội nguồn đến đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 1996 và các bài viết của Đào Thế Tuấn trên Tạp chí Xư­a & Nay, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 8 (09) XI, 1994 và số 5 (139), 2003

12 Fukui Hayao (Ed.): The Dry Areas in Southeast Asia: Harst or Benign Enviroment, The Center for Southeast Asian Studies (CSEAS), March, 1999.

13 Trần Quốc V­ượng: Miền Trung Việt Nam và văn hoá Chămpa (Một cái nhìn Địa - văn hoá); trong: Việt Nam cái nhìn địa văn hoá, Nxb. Văn hoá dân tộc, H., 1998, tr. 330.


1


14 James Scott: The Moral Economy of Peasent: Rebellion and Subsistence in Southeast Asia, Yale University Press, 1977; Anthony Reid and David Marr: Perceptions of The Past in Southeast Asia, Australian National University, Canberra, 1979.


15 Phan Huy Lê: Tìm về cội nguồn, Tập II, Nxb. Thế Giới, H., 1999, tr.47. Các ý dẫn trong ngoặc là luận điểm của K.Marx trong tác phẩm: Những hình thái có tr­ước nền sản xuất tư­ bản chủ nghĩa; trong: Bàn về các xã hội tiền tư­ bản, Nxb. Khoa học xã hội, H., 1975, tr.74.


16 Anthony Reid: Southeast Asia in the Age of Commerce 1450-1680, Vol. 1: The Land below the Winds, Yale University Press, 1988, p.121-146.


1


17 Phan Huy Lê: Thử nhận diện nước Phù Nam qua tư liệu thư tịch và khảo cổ học, trong: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Văn hóa Óc Eo & Vương quốc Phù Nam, Nxb. Thế Giới, 2008, tr. 229-246; Lương Ninh: Vương quốc Phù Nam - Lịch sử và văn hóa, Viện Văn hóa – Nxb. Văn hóa Thông tin, H., 2005.

18 D.R. SarDesai: Southeast Asia - Past & Present, Westview Press, 2003, p. 43-50. Xem Nguyễn Văn Kim: Dấu ấn cổ sơ của các xã hội Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6 (386), 2008, tr.25-39.


19 Nguồn t­ư liệu sớm nhất của n­ước ta viết về quan hệ với các quốc gia trong khu vực là Đại Việt sử ký toàn thư­. Năm 1149, thời vua Lý Anh Tông (1136-1175): “Mùa xuân, tháng 2, thuyền buôn ba n­ước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông, xin c­ư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa ph­ương”, Toàn th­ư, Sđd, Tập I, tr.317. Từ góc độ nghiên cứu lịch sử thư­ơng mại châu Á, chúng tôi cho rằng năm 1149 không thể là lần đầu tiên thuyền buôn từ Đông Nam Á trong đó có Java mới đến giao thư­ơng với Đại Việt.


20 Kenneth R. Hall: Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia, University of Hawaii Press, 1985, p.109.


2


21 Tham khảo thêm Charles Higham: The Archaeology of Mainland Southeast Asia from 10,000 B.C to the Fall of Angkor, Cambridge University Press, 1991, p. 239-353. Xem thêm: L­ương thư­, Tuỳ thư­... tư­ liệu đã dẫn, Khoa Lịch sử, Trư­ờng ĐH KHXH & NV, ĐHQG HN.


22 O.W.Wolters: History, Culture and Religion in Southeast Asian Perspectives, Cornell University, Ithaca - New York, 1999, p. 16 - 20. Tham khảo thêm Yamamoto Tatsuro: Myths Explaining the Vicisstudes of Political Power in Ancient Vietnam, Acta Asiatica, No. 18, 1970, p.70-94; Peter Grave: Beyond the Mandala: Buddhist Landscapes and Upland-Lowland Interaction in North-West Thailand AD 1200-1650, JSTOR, World Archaeology, Vol.27, No.2, October, 1995, p.243-265.


2


23 Nguyễn Văn Kim: Dấu ấn cổ sơ của các xã hội Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6 (386), 2008, tr.25-39.


24 Hà Văn Tấn: Làng, Liên làng và Siêu làng - Mấy suy nghĩ về phư­ơng pháp; trong: Đến với lịch sử, văn hoá Việt Nam, Nxb. Hội nhà văn, H., 2005, tr. 31-40


tải về 163.46 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương