MỤc lục lời giới thiệu phần III: cuộc du lịch đẾn xứ laputa, balnibarbi, luggnagg, glubbdubdrib, VÀ nhật bảN



tải về 1.07 Mb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu28.11.2017
Kích1.07 Mb.
#34665
1   2   3   4   5   6

Chú thích:

4[1] Tên cũ của Madras, thành phố của Ấn Độ.

5[2] Dặm Anh, 1dặm bằng 1609 mét

6[3] Đơn vị đo chiều dài Anh bằng 91, 44 cm


Chương II

Tính cách và nếp sống của người Laputa - Khoa học Laputa - Quốc vương và các quần thần của Người - Cuộc tiếp đón tác giả ở hoàng cung - Những nỗi sợ hãi và báo động của người Laputa - Những người vợ Laputa.



Khi tôi vừa mới đặt chân lên hòn đảo, một đám đông dân chúng đã vây lấy tôi. Những người đứng gần tôi hơn cả rõ ràng thuộc về giai cấp quyền quí. Mọi người nhìn ngó tôi với vẻ hết sức kinh ngạc. Nhưng chính tôi đối với họ cũng vậy: chưa bao giờ tôi nhìn thấy những con người trần mắt thịt mà lại gây cho tôi ngạc nhiên như thể trước hình dạng, quần áo và vẻ mặt của họ. Tất cả bọn đều có đầu hoặc nghiêng sang phải hoặc sang trái, một số có mắt lác vào trong, còn một số lại trợn ngược mắt lên trên. Quần áo ngoài của họ được trang hoàng bằng những hình tượng mặt trời, mặt trăng, các vì sao xen lẫn với hình vẽ vĩ cầm, ống sáo, thụ cầm, tiêu, guitar, clavico và nhiều nhạc cụ khác mà châu Âu chưa từng biết. Xa hơn một chút tôi nhận thấy có một số người ăn mặc quần áo gia nhân. Trong tay họ có các gậy nhỏ. Đầu gậy buộc một quả bóng thổi hơi.

Như sau này tôi đã kể, trong quả bóng đó có một ít hạt đậu khô hoặc mấy viên sỏi nhỏ. Thỉnh thoảng những người hầu lại đập các quả bóng ấy vào môi hoặc tai của những người đứng bên cạnh.

Mãi tôi không thể hiểu điều đó để làm gì. Thật vậy, những người này đã trầm tư mặc tưởng đến mức hầu như không có khả năng nghe được lời nói của người cùng tiếp chuyện, hoặc trả lời lại. Để thức tỉnh họ thì cần phải có tác động cơ học thuần túy nào đó bên ngoài vào các cơ quan ngôn ngữ và thính giác. Chính vì thế những người giàu có bao giờ cũng giữ trong số gia nhân một người được gọi là người đập bóng (theo tiếng địa phương là climenole) và thiếu người ấy thì họ không bao giờ đi ra khỏi nhà. Nghĩa vụ của người đập bóng là khi có cuộc gặp mặt của một số người thì anh ta phải đập bóng nhẹ vào môi ai cần phải nói và vào tai phải của ai cần phải nghe. Trong những lúc dạo chơi, người đập bóng thỉnh thoảng lại phải đập nhẹ bóng vào mắt của chủ mình, vì trường hợp ngược lại chủ nhân có nguy cơ ngã xuống hố trong mỗi bước đi, hoặc va đầu vào cột, hoặc giả, đâm sầm vào người qua đường khác.

Tôi thấy cần thiết phải kể cho độc giả tất cả những chi tiết này. Nói khác đi, độc giả cũng như tôi thật khó hiểu biết chừng nào đối với những bộ tịch của những người này, khi họ hộ tống tôi leo theo các bậc thang lên đỉnh hòn đảo, đến cung điện của quốc vương. Trong khi đi lên theo các bậc thang họ quên bẵng mất là họ cần phải làm gì và tụt lại sau tôi. Khi ấy những người đập bóng lại thức tỉnh các chủ nhân của mình. Ở họ, rõ ràng chẳng có một chút ấn tượng nào đối với diện mạo, quần áo của tôi, cũng chẳng hề có tiếng kêu ngạc nhiên nào như của một dân tộc giản đơn, chưa từng biết đến trầm tư mặc tưởng.

Cuối cùng chúng tôi cũng đi đến cung điện và được dẫn vào nơi triều yết. Ở đây quốc vương ngồi trên một cái ngai cao có các quan đại thần danh tiếng nhất vây quanh. Trước ngai vàng có một cái bàn lớn, trên đặt quả địa cầu, vòng hành tinh và các dụng cụ toán học khác nhau. Quốc vương không chú ý mảy may nào đến chúng tôi, mặc dù sự xuất hiện của chúng tôi kèm theo sự hộ tống của thị đồng, gây nên sự ồn ào khá lớn. Quốc vương đang chú mục vào việc giải một bài toán khó và chúng tôi đã phải chờ ít ra là một giờ khi Người còn chưa giải xong. Hai bên quốc vương có hai thị đồng đang đứng cầm bóng trong tay. Nhận ra quốc vương đã giải xong bài toán, một viên thị đồng đập bóng một cách kính cẩn vào môi quốc vương, còn viên thị đồng kia thì đập bóng vào tai phải. Quốc vương nghĩ một lát và hướng tầm nhìn của mình vào tôi và đoàn tùy tùng đi với tôi. Người phán một vài lời, sau đó một người còn trẻ cầm bóng ngay lập tức tiến lại gần tôi và khẽ động nhẹ vào tai phải của tôi. Tôi ra hiệu là không cần những sự nhắc nhở tương tự. Điều đó như tôi đã biết sau này, đã khiến cho quốc vương của họ và toàn thể triều đình đánh giá thấp về khả năng thông minh của tôi.

Quốc vương đặt cho tôi một số câu hỏi. Tôi đã trả lời người bằng tất cả các ngôn ngữ mà tôi biết được. Khi đã thấy rõ ràng chúng tôi không thể nào hiểu được nhau, quốc vương ra lệnh đưa tôi đến một trong các cung điện, và phái đến chỗ tôi hai gia nhân. Khác với tất cả các tiên vương của mình, đức vua này rất lịch thiệp đối với những người nước ngoài. Người ta dâng bữa ăn trưa và bốn nhân vật quan trọng mà tôi đã nhìn thấy đứng cạnh vua tại gian thiết triều dành cho tôi vinh hạnh là ngồi cùng bàn ăn với tôi. Bữa ăn trưa có hai hiệp, mỗi hiệp có ba món. Ở hiệp đầu, người ta đưa ra món bả vai cừu, được cắt thành dạng tam giác đều, một miếng thịt bò hình thoi lệch và bánh pudding dạng cycloid. Trong hiệp thứ hai người ta dâng hai con vịt được chế biến thành dạng vĩ cầm và xúc xích với giò hình ống sáo và kèn ô boa còn thịt ức bê có hình thụ cầm. Những người hầu cắt bánh mì cho chúng tôi thành những hình nón, hình trụ, hình bình hành và các hình học khác.

Sau bữa ăn trưa, tôi tự cho phép mình đặt một số câu hỏi về tên gọi những vật khác nhau bằng tiếng nước này. Khi có sự trợ giúp của những người đập bóng, những nhân vật quan trọng này đã trả lời tôi rất nhã nhặn. Chắc họ hy vọng rằng sự khâm phục của tôi vào khả năng của họ sẽ tăng thêm nếu tôi có thể nói chuyện một cách thoải mái với họ. Chẳng mấy chốc tôi đã có thể xin bánh mì, nước và tất cả những gì mà tôi cần.

Sau bữa trưa, những nhân vật quan trọng cùng ngồi ăn với tôi rút lui. Một nhân vật mới có người đập bóng đi cùng đến gặp tôi theo lệnh của quốc vương. Người này mang theo bút lông, mực, giấy và ba hay bốn quyển sách rồi bằng cách ra hiệu, ông đã làm cho tôi hiểu rằng ông được giao trách nhiệm dạy tôi ngôn ngữ địa phương. Chúng tôi đã ngồi học bốn giờ đồng hồ và trong khoảng thời gian đó tôi đã viết được mấy cột chữ và đã học thuộc một số đoạn ngắn. Thầy giáo của tôi nhiều lúc ra lệnh cho người hầu mang đến một vật gì đó hoặc quay người, cúi chào, ngồi, đứng, đi lại, v. v.. Còn tôi thì nhắc lại và ghi từng đoạn mà ông đã đọc. Ông chỉ cho tôi những hình vẽ trong sách về mặt trời, mặt trăng, các vì sao, hoàng đạo, các chí tuyến và vòng cực và dạy tên gọi các hình của hình học phẳng và các hình thể không gian. Ông gọi tên và viết cho tôi tên gọi các loại nhạc cụ và dạy cho tôi các thuật ngữ sử dụng khi chơi trên các nhạc cụ ấy. Khi ông đi khỏi, tôi đã sắp xếp tất cả những từ này cùng với lời giải thích nghĩa của chúng theo trật tự vần chữ cái. Nhờ có trí nhớ tốt mà trong vài ngày tôi đã tiếp thu được một số kiến thức bằng tiếng Laputa.

Tôi vẫn chưa tài nào biết được cái từ Laputa xuất xứ từ đâu, nên tôi dịch thành từ "hòn đảo bay". Lap- là một từ cổ, xuất xứ từ một từ có nghĩa là "cao", untuh - là người cầm quyền , từ này như các nhà bác học khẳng định, sinh ra từ Laputa, đọc trại đi của từ Lapuntuh. Nhưng tôi không thể nào đồng ý với cách giải thích tương tự, tôi cảm thấy nó gượng gạo thế nào ấy. Tôi mạnh bạo nói với các nhà bác học ở đây điều phỏng đoán nguồn gốc của từ này.

Theo tôi, Laputa chẳng có gì khác với: Quasi lap outed: lap có nghĩa là sự lấp lánh của các tia nắng mặt trời trên biển, còn uted là cảnh. Hơn nữa, tôi cũng không tin điều ức đoán của tôi là đúng, tôi chỉ đưa nó ra cho các độc giả khôn ngoan phán xét.7[1]

Các vị cận thần được nhà vua giao cho chăm sóc tôi đã để ý thấy bộ quần áo rách nát và bẩn thỉu của tôi, nên ngay lập tức gọi thợ may tới đo cắt cho tôi bộ quần áo mới. Để thực hiện việc này, người thợ may ở đây đã hành động hoàn toàn khác với đồng nghiệp của anh ta ở châu Âu. Trước hết, anh ta xác định tầm vóc của tôi nhờ góc phần tư, sau đó dùng com-pa và thước tính toán trên giấy các kích thước và hình vẽ cơ thể tôi. Sau sáu ngày, quần áo đã may xong. Bộ quần áo được may hoàn toàn không vừa với người và mặc vào trông rất cộc cỡn. Người thợ may giải thích với tôi là trong tính toán của anh ta chắc là có sai sót nào đó. Trái lại tôi không đồng ý với điều đó. Xét đoán theo quần áo của các quần thần xung quanh tôi thì những sai sót như thế khá thường tình.

Tôi thấy mình rất mệt sau những thử thách mà tôi đã trải qua. Hơn nữa, tôi không có quần áo tử tế. Bởi thế tôi đã ở trong phòng suốt mấy ngày liền và trong thời gian đó đã mở rộng đáng kể kiến thức của mình bằng ngôn ngữ ở đây. Trong những lần đến thăm cung điện mới, tôi đã có thể trả lời thỏa mãn nhiều câu hỏi của quốc vương. Quốc vương đã ra lệnh đưa hòn đảo theo hướng Đông Bắc, đến Lagado, kinh đô của vương quốc, nằm ở trên mặt đất phía dưới. Để làm việc này cần phải đi qua chín mươi dặm và cuộc hành trình của chúng tôi kéo dài bốn ngày rưỡi. Điều thú vị là tôi hoàn toàn không cảm nhận thấy sự chuyển động dần dần của hòn đảo trong không trung. Sang ngày hôm sau, lúc gần mười một giờ, quốc vương, giới quý tộc và các quan lại cầm các nhạc cụ bắt đầu hòa nhạc. Cuộc hòa nhạc kéo dài ba giờ liên tục. Tôi hoàn toàn bị đinh tai nhức óc và không thể nào hiểu là làm như thế để làm gì. Nhưng người thầy của tôi liền giải thích cho tôi là dân chúng sống trên hòn đảo bay có tai nhạc. Âm nhạc ấy chỉ có thể được nghe theo quy định thời gian nghiêm ngặt. Thời gian ấy đã tới gần và mỗi một cận thần sẵn sàng tham gia vào cuộc hòa nhạc chung trên nhạc cụ mà người ấy chơi tốt hơn cả.

Trong thời gian chúng tôi bay đến Lagado, quốc vương đã ra lệnh dừng hòn đảo trên một số thành phố và làng mạc để nhận các đơn thỉnh cầu từ các thần dân của mình. Nhằm mục đích này người ta thả xuống phía dưới những sợi dây mảnh có buộc một tải trọng nhỏ ở đầu. Dân chúng treo các đơn từ của mình vào đấy và chúng được kéo lên trông như những mẩu giấy mà các học sinh đính vào dây của các cánh diều. Đôi khi chúng tôi còn nhận được rượu vang và thực phẩm đóng thành các khối được kéo lên. Những kiến thức toán học của tôi đã giúp tôi rất nhiều khi nghiên cứu ngôn ngữ hội thoại của họ. Trong ngôn ngữ này nhiều thành ngữ được vay mượn từ toán học và âm nhạc. Trong đầu của những con người này chứa đầy các hình và vật thể hình học. Chẳng hạn khi họ muốn ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ họ thường xuyên vay mượn các thuật ngữ hình học như: hình thoi, hình tròn, hình bình hành, hình ellipse - hoặc giả các so sánh vay mượn từ âm nhạc. Trong nhà bếp của quốc vương, tôi trông thấy các dụng cụ toán học và nhạc cụ các kiểu, mà theo mẫu ấy, các đầu bếp sẽ thái món ăn dâng lên bàn của quốc vương.

Nhà cửa của người Laputa được xây dựng rất tồi. Các bức tường bao giờ cũng xiên xẹo, không thể nào tìm thấy một góc nhà vuông vức trong bất cứ phòng nào. Vấn đề chính là ở chỗ họ hết sức khinh thường môn hình học thực nghiệm. Theo ý kiến họ, đó là một môn khoa học cực kỳ tầm thường, chỉ có những thợ thủ công thô lậu mới học nó. Họ chỉ chú ý tới các vấn đề trừu tượng cao siêu, mọi mệnh lệnh mà họ ban phát cho công nhân phức tạp, không thực tế đến mức phi lý, đầy dẫy những khiếm khuyết sơ đẳng nhất. Họ sử dụng thước kẻ, bút chì và com-pa khá thành thạo. Nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy những người trong cuộc sống thường ngày vụng về, lóng ngóng, hậu đậu, chật vật hiểu tất cả những gì liên quan đến toán học và âm nhạc đến thế. Họ tư duy rất tồi: bác bỏ các lập luận của họ chẳng khó nhọc chút nào - có lẽ trừ những trường hợp khi chân lý về phía họ, nhưng điều đó thường rất hiếm. Những con người này đã mất hết trí tưởng tượng, ước mơ và tính sáng tạo. Trong ngôn ngữ của họ thậm chí không có những từ ngữ để thể hiện các khái niệm này. Ngoài toán học và âm nhạc họ chẳng biết gì hết và thậm chí không muốn biết.

Phần lớn người Laputa, đặc biệt những ai nghiên cứu thiên văn học, tin vào chiêm tinh học, mặc dù họ thấy xấu hổ khi phải thừa nhận công khai điều này. Nhưng điều làm tôi kinh ngạc hơn cả là sự say mê không hiểu nổi của họ đối với chính trị. Họ thường xuyên hỏi han về các vấn đề mới nhất trong chính trị, bàn luận hàng giờ về các công việc quốc gia đại sự và gây ra các cuộc tranh cãi gay gắt mà nguyên do chỉ là bất đồng phe phái. Hơn nữa, tôi cũng thấy khuynh hướng ấy ở đa số các nhà toán học châu Âu, mặc dù chưa bao giờ thấy có gì chung giữa toán học và chính trị. Tôi có cảm giác khuynh hướng này bắt nguồn từ điểm yếu khá phổ biến của những người thích khêu gợi chúng ta quan tâm và chú ý tới những việc mà thật ra chúng ta chẳng có quan hệ gì.

Người Laputa thường xuyên hoảng hốt. Họ chẳng bao giờ có tâm hồn thư thái. Đáng chú ý là họ lo sốt vó chỉ vì những điều mà người trần tục khác chẳng mảy may bận tâm. Họ sợ hơn hết là khả năng thay đổi trong các thiên thể. Họ sợ trái đất cứ xích gần mãi vào mặt trời thì cuối cùng sẽ bị mặt trời nuốt chửng. Họ còn run sợ vì những ý nghĩ đến lúc nào đó mặt trời sẽ bị bọc bởi một lớp vỏ cứng và sẽ không phát ra ánh sáng. Họ cũng còn cho rằng trái đất sẽ biến mất do va chạm với đuôi của sao chổi gần nhất và sao chổi tương lai mà sự xuất hiện của nó theo tính toán của họ còn phải qua ba mươi mốt năm nữa, chắc chắn sẽ tiêu diệt trái đất. Nhưng điều đó chưa phải là đã hết. Theo ý kiến của người Laputa, mặt trời hàng ngày tiêu hao năng lượng để phát sáng mà chẳng có gì bù đắp lại lượng tiêu hao, cuối cùng sẽ cháy hết và tiêu diệt Trái đất và tất cả cách hành tinh nhận năng lượng từ mặt trời cũng sẽ dẫn tới hủy hoại.

Người Laputa thường xuyên bị ám ảnh bởi tất cả các tai biến ấy nên không thể nào ngủ yên và thưởng thức những lạc thú và niềm vui thông thường của cuộc sống. Sáng sáng, khi gặp người quen, người Laputa thường đặt các câu hỏi: mặt trời ra sao, nó có dạng gì lúc mọc và lúc lặn, có hy vọng tránh va chạm với sao chổi gần nhất hay không? Những cuộc nói chuyện như thế họ có thể tiến hành hàng giờ với sự say mê giống như trẻ em say mê nghe những chuyện khủng khiếp về ma quỷ, chúng nghe những chuyện ấy một cách háo hức rồi sau đó lại không dám ngủ vì sợ hãi. Các phụ nữ của hòn đảo hoàn toàn không giống với giới mày râu. Đó là những người linh hoạt và bạo dạn, yêu cuộc sống thường nhật và khinh rẻ chồng mình. Họ thường than vãn về cuộc sống hiu quạnh trên hòn đảo, mặc dù theo tôi, đó là góc tuyệt diệu nhất trên thế giới này. Những nữ cư dân đảo ấy khao khát những trò giải trí của thủ đô, mà tất cả những xa xỉ và tiện nghi sinh hoạt quanh họ trên hòn đảo không thể nào thỏa mãn họ. Tai họa chính là ở chỗ chỉ có thể xuống đất theo lệnh đặc biệt của quốc vương. Mà mệnh lệnh đó lại ban phát rất hiếm hoi. Mấu chốt là chỗ các cận thần có thế lực dựa trên kinh nghiệm từ lâu đời biết chắc rằng khó mà buộc phụ nữ dời lục địa để quay trở lại đảo do đó gây mọi trở ngại cho chuyến đi tới thủ đô của họ.

Qua một tháng, tôi đã giành được những kết quả khá tốt trong tiếng Laputa và có thể trả lời thoải mái phần lớn các câu hỏi mà quốc vương đặt ra cho tôi. Quốc vương chẳng hề quan tâm tới luật pháp, cách cai trị, lịch sử, tôn giáo, phong tục và tập quán của các nước mà tôi đã từng đi qua. Quốc vương chỉ hạn chế trong việc hỏi han về tình hình toán học, nhưng khi nghe những câu trả lời của tôi thì lại hết sức coi thường và thờ ơ, cho dù những người đập bóng cố công thức tỉnh sự chú tâm cần thiết của quốc vương.



Chú thích

8[1] Swilt chế nhạo một số điều bịa đặt vũ đoán của các nhà bác học thời đó về nguồn gốc của từng từ riêng biệt.


Chương III

Nhiệm vụ được triết học và thiên văn học hiện đại giải quyết - Những thành tựu to lớn của người Laputa trong lĩnh vực thiên văn - Phương pháp của quốc vương đàn áp cuộc khởi nghĩa.

Tôi được quốc vương ban cho ân huệ đi thăm các thắng cảnh của hòn đảo. Người thầy giáo của tôi được lệnh đi cùng với tôi. Điều khiến tôi quan tâm hơn cả là những cơ chế, hay những lực tự nhiên nào khiến cho hòn đảo chuyển động được. Tôi sẽ kể về điều này ngay bây giờ.

Hòn đảo bay có dạng tròn trặn đường kính khoảng bảy nghìn tám trăm ba mươi tám yard, hoặc gần bốn dặm rưỡi: thật vậy diện tích bề mặt của đảo khoảng chừng chục nghìn mẫu Anh . Chiều cao của đảo chừng ba trăm yard. Một tấm kim cương phẳng dùng làm nền cho hòn đảo có bề dày gần hai trăm yard. Mặt dưới của tấm kim cương luôn luôn hướng vào đất. Trên tấm kim cương này có các lớp núi đá khác nhau, trên cùng, phủ một lớp đất đen màu mỡ sâu mười hoặc mười hai foot .

Ở trung tâm của hòn đảo có một vực thẳm đường kính gần năm mươi yard, qua đó các nhà thiên văn tụt xuống một cái hang lớn. Hang có dạng vòm và vì thế được gọi là Flandona gagnole hay là hang Thiên văn, nó nằm ở độ sâu một trăm yard trong lớp kim cương. Trong hang này luôn có hai mươi ngọn đèn cháy sáng do chúng được các bức tường kim cương phản chiếu nên soi tỏ từng góc hang một. Trong toàn hang có đặt các kính lục phân đa dạng, các hình vuông, các kính thiên văn, các dụng cụ đo độ cao thiên thể và các dụng cụ thiên văn khác. Nhưng cái đáng chú ý nhất trong số đó mà số phận hòn đảo phụ thuộc vào là một cục nam châm lớn có dạng giống như con thoi dệt, có chiều dài chừng sáu yard, chiều rộng và phần dày nhất chừng ba yard. Ở chính giữa thanh nam châm có một lỗ thủng xuyên ngang, một trục kim cương cực kỳ chắc chắn xuyên qua lỗ này. Trục này được lắp chính xác tới mức chỉ cần khẽ đụng tay là thanh nam châm bắt đầu quay. Một vòng kim cương khổng lồ có bề dày bốn foot và cao bốn foot, đường kính tới mười hai foot gắn thanh nam châm vào sàn nhà. Vòng này được gắn ngang bằng lên tám chân kim cương, mỗi cái cao chừng sáu yard. Ở mặt trong của vách trụ kim cương này chính giữa có khoét hai ổ, mỗi cái sâu chừng mười hai inch , những đầu của trục trên đó có thanh nam châm quay được gắn vào hai ổ này.

Chẳng có một lực nào có thể dịch chuyển thanh nam châm mà chúng tôi đã miêu tả dời khỏi chỗ, bởi vì trụ kim cương cùng với các chân cùng là một khối lớn với tấm kinh cương tạo nền của hòn đảo. Nhờ có thanh nam châm này mà đảo có thể nâng lên, hạ xuống và dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, tùy thuộc vào ý muốn của quốc vương, vì một phần mặt đất sẽ có lực hút với một đầu của thanh nam châm, còn đầu kia là lực đẩy. Khi thanh nam châm đặt thẳng đứng và cực dương của nó hướng vào đất thì hòn đảo hạ xuống, còn khi cực âm của thanh nam châm hướng xuống dưới, hòn đảo nâng lên. Khi đặt xiên thanh nam châm thì hòn đảo chuyển động theo hướng xiên, bởi vì lực của thanh nam châm này luôn luôn hướng vào phía mà đầu dương quay vào.

Để hiểu sự chuyển động của hòn đảo như thế nào, chúng ta giả thiết là đường AB cắt ngang qua vương quốc Balnibarbi, đường CD là thanh nam châm, điểm C là cực âm của nó, còn điểm D là cực dương. Chúng ta giả dụ hòn đảo đang ở trên điểm C. Hãy đặt thanh nam châm ở vị trí CD sao cho cực âm hướng xiên xuống phía dưới, khi ấy hòn đảo bắt đầu chuyển động theo thường đến D. Khi hòn đảo đã đến điểm này, chúng ta sẽ quay thanh nam châm sao cho cực dương của nó hướng đến điểm E, khi đó hòn đảo sẽ chuyển động xiên hướng đến E. Nếu bây giờ chúng ta đặt thanh nam châm hướng đến điểm F, cực âm hướng xuống dưới, hòn đảo sẽ nâng chếch đến F, tại đây ta lại hướng cực dương đến G, hòn đảo lại có thể dịch chuyển đến G. Bằng cách như vậy, trong khi thay đổi vị trí của thanh nam châm, có thể nâng lên hoặc hạ hòn đảo xuống theo đường chéo và nhờ các lần nâng lên và hạ xuống như thế mà hòn đảo dịch chuyển từ phần này của vương quốc đến phần khác.

Tuy nhiền cần nhận xét thêm là hòn đảo bay chỉ có thể dịch chuyển trên lãnh địa của quốc vương Laputa. Mấu chốt vấn đề là ở chỗ các khoáng vật tác động đến thanh nam châm lớn chỉ nằm trong ranh giới của vương quốc này. Hơn nữa hòn đảo không thể nào nâng lên cao hơn mặt đất bốn dặm, bởi vì ở độ cao lớn như thế thanh nam châm mất tác dụng.

Nếu đặt thanh nam châm ở vị trí thật cân bằng, thì hòn đảo đứng lại. Giải thích hiện tượng này không có gì khó cả, các cực của thanh nam châm có khoảng cách như nhau với mặt đất, bị tác động với cùng một lực giống nhau, một, kéo hòn đảo xuống phía dưới, một, đẩy hòn đảo lên trên và do đó hòn đảo đứng yên một chỗ.

Thanh nam châm chịu sự điều khiển của các nhà thiên văn học có kinh nghiệm. Họ thay đổi vị trí của thanh nam châm theo mệnh lệnh của quốc vương. Những nhà bác học này đã giành phần lớn đời mình để tiến hành các quan sát chuyển động của các thiên thể. Các kính thiên văn ở đây về mặt chất lượng hơn đứt các kính thiên văn của chúng ta. Các kính thiên văn lớn nhất trong số đó dài không quá ba foot, nhưng chúng mạnh hơn các kính một trăm foot của chúng ta rất nhiều, sự ưu việt này cho phép người Laputa vượt xa các nhà thiên văn châu Âu của chúng ta rất nhiều trong những phát minh của họ. Chằng hạn họ đã lập được danh mục của hai trăm nghìn ngôi sao bất động , trong khi bản danh mục phổ biến nhất của chúng ta chỉ có không hơn một phần ba con số này. Ngoài ra, họ đã khám phá ra hai ngôi sao tý hon hay là vệ tinh quay quanh sao Hỏa. Vệ tinh gần nhất cách trung tâm của hành tinh này một khoảng cách bằng ba lần đường kính của nó, vệ tinh thứ hai ở khoảng cách gấp năm lần đường kính hành tinh .

Những người Laputa khẳng định rằng họ đã tiến hành quan sát chín mươi ba sao chổi khác nhau và đã xác định với độ chính xác cao thời kỳ quay trở lại của chúng. Nếu điều đó là đúng thì rất mong sao cho những kết quả quan sát của họ trở thành sở hữu công cộng. Điều này chắc có thể hoàn thiện lý thuyết về các sao chổi hiện nay còn quá yếu . Chằng khó khăn gì cũng có thể hiểu được rằng việc làm chủ hòn đảo bay tạo cho vương quốc Laputa ưu thế rất lớn so với các quốc gia khác trên trái đất. Ngài có thể dễ dàng trở thành vị chúa tuyệt đối trên thế giới nếu như ngài thuyết phục được các vị thượng thư cùng hành động được với mình. Nhưng các thượng thư hiểu rất rõ rằng tình thế của người sủng thần thực chẳng bền vững chút nào trong thời kỳ của vị chúa tể tuyệt đối. Hơn nữa, mỗi thượng thư lại có những lãnh địa rộng lớn trên lục địa. Bởi thế sự nô dịch đất nước không có lợi cho họ và họ không đồng ý với điều đó.

Nếu như có một cuộc khởi nghĩa nào nổ ra tại một thành phố nào đó và thành phố từ chối nộp thuế, thì quốc vương thi hành hai biện pháp để khiến nó phục tùng. Biện pháp đầu tiên khá là mềm mỏng như sau: quốc vương ra lệnh dừng hòn đảo trên thành phố đó và các đất đai lân cận, bằng cách này quốc vương làm ngăn cản tác động thuận lợi của mặt trời và mưa đối với những kẻ ngang bướng, trong thành phố bắt đầu có nạn đói và bệnh tật. Nếu theo ý kiến của quốc vương, các công dân tự bôi nhọ thanh danh của mình bằng những hành vi tội lỗi nghiêm trọng, ngài có thể tăng cường sự trừng phạt này: theo lệnh quốc vương, những hòn đá lớn được ném xuống thành phố và dân chúng chỉ có cách chui vào các hầm ngầm và các hầm mộ bởi vì các nhà ở sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng nếu những kẻ khởi loạn tiếp tục đấu tranh thì quốc vương sẽ thi hành biện pháp cứng rắn hơn: hòn đảo sẽ hạ thẳng xuống đầu những kẻ ngoan cố và đè bẹp chúng cùng với nhà cửa của chúng. Tuy nhiên, biện pháp cực đoan này của quốc vương chỉ áp dụng trong những trường hợp hết sức hiếm hoi. Các thượng thư cũng thường không đề xuất biện pháp tương tự với quốc vương. Một mặt họ sợ sự căm thù và sự trả thù của dân chúng, mặt khác họ sợ là bằng biện pháp ấy sẽ làm tổn hại tất cả những lãnh địa của chính họ. Không nên quên rằng, hòn đảo là sở hữu riêng của quốc vương, còn tất cả đất đai, nhà của và lâu đài của các cận thần đều nằm trên lục địa.

Nhưng còn cả một nguyên nhân khác, quan trọng hơn, bởi thế quốc vương của đất nước này chỉ trong trường hợp cực kỳ cần thiết, thậm chí bất đắc dĩ mới sử dụng đến biện pháp đáng sợ này.

Nếu thành phố sẽ bị tiêu diệt nằm giữa các tảng đá cao - mà phần lớn các thành phố ở đây hoàn toàn có chủ định phân bố ở nơi như vậy - hoặc nếu trong thành phố ấy có nhiều tháp chuông hay các tháp bằng đá, thì sự hạ nhanh của hòn đảo có thể làm hỏng nền kim cương của nó. Sự thật, nền kim cương này như tôi đã kể, cấu tạo từ một khối kim cương nguyên sinh dày hai trăm yard, nhưng dù sao khi va chạm mạnh nó có thể bị vỡ hoặc bị nứt nẻ do các đám cháy bùng lên từ các ngôi nhà bị phá hủy gây ra. Tình hình này được dân chúng biết rõ và họ đã tính toán rất giỏi tới điều ấy khi tổ chức chống lại việc xâm phạm tới tự do và tài sản của chính họ.

Về phía quốc vương, khi áp dụng quyết nghị xóa sạch những cư dân của thành phố nổi loạn ra lệnh hạ hòn đảo xuống chậm hơn và thận trọng hơn nữa. Trong khi đó ngài lại nói về lòng từ bi và thương hại của mình, nhưng thực chất nỗi sợ hãi làm vỡ đĩa kim cương khi tiếp xúc với mặt đất đã khống chế ngài.

Khoảng ba năm trước khi tôi tới đây, đất nước Laputa đã có xảy ra một sự kiện không bình thường mà suýt trở thành nỗi bất hạnh đối với vương triều này. Quốc vương đi tuần thú lãnh địa của mình. Thành phố đầu tiên mà ông đến thăm là Lindalino, một trong những thành phố lớn nhất của vương quốc. Dân chúng thành phố đã tâu trình quốc vương rất nhiều điều oán thán về sự ức hiếp của viên thống đốc. Cũng như trước đây, mọi điều ta thán chẳng đạt được kết quả gì. Chưa được ba ngày sau khi quốc vương rời thành phố, dân chúng đã đóng chặt cổng thành, bắt giam viên thống đốc và trong một thời gian hết sức ngắn ngủi đã dựng lên ở bốn góc thành phố bốn tháp lớn có cùng độ cao với một tảng granite nhọn đầu nổi lên ở chính trung tâm thành phố. Trên các ngọn tháp và tảng đá họ đặt những thanh nam châm lớn, và nếu trong trường hợp các thanh nam châm không có tác động đến việc điều khiển hòn đảo, họ đã chuẩn bị một số lượng lớn nhiên liệu dễ bốc cháy, dự tính nhờ ngọn lửa mà có thể làm tổn hao nền kim cương của hòn đảo.

Những tin tức về cuộc khởi nghĩa ở Lindalino chỉ đến tai quốc vương tám tháng sau. Quốc vương ra lệnh hướng hòn đảo đến Lindalino. Sau một vài ngày hòn đảo đã dừng lại chính trên thành phố, chắn ánh nắng và mưa đối với dân cư ở đây. Biện pháp này dường như vô hiệu. Có một con sống lớn chảy qua thành phố. Dân chúng đã kịp dự trữ lương thực và không sợ sự phong tỏa. Họ đã có đầy đủ quyết tâm để chống cự đến cùng. Quốc vương ra lệnh thả từ đảo vô số dây thừng nhỏ xuống. Nhưng thay cho những lời cầu xin tha tội ngoan ngoãn là những yêu sách ngang ngược bay trở lại đảo: về những bồi thường thiệt hại gây nên, phục hồi những đặc quyền của thành phố, cho phép dân chúng có quyền bầu cử thống đốc và những điều phi lý tương tự như vậy. Để trả lời, quốc vương ra lệnh ném xuống đầu dân cư của thành phố những hòn đá lớn. Nhưng dân thành phố đã tránh khỏi sự trừng phạt tàn bạo này bằng cách ẩn náu trong các tháp và các hầm nhà và đem theo cả những tài sản nhỏ mọn của mình.

Khi đó quốc vương kiên quyết trừng phạt cứng rắn đối với những kẻ kiêu ngạo này, ra lệnh hạ hòn đảo xuống độ cao cách đỉnh các ngọn tháp và tảng đá chừng bốn mươi yard. Lệnh của quốc vương được thực hiện. Tuy nhiên các viên quan khi quay thanh nam châm đã nhận thấy rằng hòn đảo hạ xuống nhanh hơn bình thường rất nhiều. Sau khi điều khiển thanh nam châm trở lại vị trí ngang bằng, họ đã có thể làm ngừng sự hạ xuống thêm, nhưng nhờ đó mà đã phát hiện thấy hòn đảo bị hút mạnh về phía mặt đất và có thể bị rơi. Họ lập tức tâu trình điều đó với quốc vương và xin cho nâng hòn đảo lên cao hơn. Quốc vương lập tức ban ra lời đồng ý. Hòn đảo được nâng lên độ cao lớn nữa. Sau đó một hội đồng các viên quan điều khiển thanh nam châm nhận được lệnh đến gặp quốc vương. Một nhà bác học có kinh nghiệm nhất trong số họ xin cho phép được tiến hành thí nghiệm. Nhà bác học lấy một sợi dây thừng dài và chắc chắn, đầu kia buộc một mẩu kim cương, trong đó chứa một ít quặng sắt (giống như loại kim cương tạo nên nền hòn đảo) và bắt đầu từ từ thả nó từ hành lang thấp nhất thẳng xuống đỉnh của một trong các ngọn tháp. Nhưng mẩu kim cương vừa được thả xuống vài yard thì vị quan đã cảm thấy nó bị kéo xuống dưới với một lực mà ông khó khăn lắm mới giữ được sợi dây trong tay. Khi đó viên quan ném mấy mẩu vụn kim cương và nhận thấy ngọn tháp hút chúng vào mình. Thí nghiệm như thế cũng được tiến hành với các tháp còn lại. Các kết quả ở đâu cũng như nhau.

Quốc vương sợ hãi đã từ bỏ ý định phá hủy thành phố và để mặc thành phố đó.

Một vị thượng thư đã khẳng định với tôi rằng, nếu như hòn đảo hạ xuống trên thành phố thấp đến mức không thể nào trở lên được nữa, thì dân chúng thành phố sẽ tước đoạt vĩnh viễn khả năng chuyển động của nó, sẽ giết quốc vương và tất cả những tùy tùng và sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách nắm quyền.

Đạo luật cơ bản của quốc gia cấm quốc vương và hai hoàng tử lớn nhất rời hòn đảo. Điều cấm này cũng áp dụng cả với hoàng hậu.




Chương IV

Tác giả rời Laputa - Người ta cho tác giả xuống Balnibarbi - Tác giả thăm thủ đô - Mô tả thủ đô và các vùng phụ cận. Một viên quan hiếu khách tiếp tác giả - Cuộc nói chuyện với viên quan ấy.

Mặc dù tôi không thể nào than phiền điều gì về việc tiếp đón đối với tôi trên hòn đảo nhưng dù sao cũng cần phải thừa nhận rằng tôi không giành được sự chú ý nào đặc biệt. Hơn nữa người Laputa hơi khinh thường tôi. Điều đó cũng dễ hiểu nếu ta nhớ rằng quốc vương và dân chúng không chú ý gì khác ngoài toán học và âm nhạc. Mà trong lĩnh vực kiến thức này tôi khá là lạc hậu so với họ vì thế không thể nào giành được sự kính trọng. Mặt khác, sau khi xem tất cả các danh lam thắng cảnh của hòn đảo, bản thân tôi cũng muốn rời bỏ nó. Tôi quả thực đã chán ngấy những con người ở đây. Họ thực sự am hiểu tinh tường trong toán học và âm nhạc. Nhưng những người Laputa có giáo dục lại đắm chìm vào lâp luận trừu tượng mà chưa bao giờ tôi có dịp gặp những người tiếp chuyện chán ngắt hơn ở đây. Bởi thế trong thời gian ở thăm hòn đảo, tôi cố gắng hết sức tránh tiếp xúc với họ để trò chuyện và chủ yếu tôi nói chuyện với các phụ nữ, thương gia, những người đập bóng và các thị đồng. Đó là những người duy nhất mà tôi có thể nhận được từ họ câu trả lời thông minh về câu hỏi đặt ra. Nhưng vì thế những người Laputa có giáo dục lại đối với tôi hết sức khinh miệt.

Nhờ có sự nỗ lực học tập mà tôi đã học khá tốt tiếng địa phương. Tôi cảm thấy buồn kinh khủng phải ở hòn đảo, nơi mà tôi cảm thấy chẳng có gì đáng chú ý. Tôi quyết định rời khỏi nó khi có cơ hội đầu tiên.

Tại cung đình, tôi thường xuyên gặp gỡ với một viên cận thần, thân thích với quốc vương. Tình thế này là một nguyên nhân duy nhất khiến cho triều thần kính trọng ông ta. Thật ra họ coi ông ta là một người cực kỳ ngu xuẩn và không lịch lãm. Ông là người đóng góp rất quan trọng cho quốc gia, có các khả năng tự nhiên rất lớn và khác biệt bởi tính trung thực và trọng danh dự. Nhưng tiếc thay tai của ông ta lại chẳng nhạy cảm với âm nhạc, và theo sự cam đoan của những kẻ có ác ý, ông thường xuyên đánh nhịp không đúng. Tình trạng cũng giống như thế với toán học, những thầy giáo hết sức khó khăn mới có thể dạy ông chứng minh các định lý toán học hết sức sơ đẳng. Viên cận thần này có thiện cảm đặc biệt với đối với tôi. Ông thường đến thăm tôi, mong thu nhận được được những kiến thức về châu Âu, về luật pháp và các tập tục và khoa học của các nước khác nhau mà tôi đã từng đi thăm. Ông nghe tôi rất chăm chú rồi đưa ra những nhận xét thông minh về những chuyện kể của tôi. Đi hầu ông bao giờ cũng có hai người đập bóng, nhưng ông không bao giờ cần đến họ, trừ trường hợp tại những nghi lễ cung đình và trong các cuộc viếng thăm chính thức. Khi chỉ có chúng tôi với nhau, ông bao giờ cũng cho họ nghỉ.

Tôi yêu cầu con người đáng kính này xin quốc vương cho tôi được phép rời khỏi hòn đảo. Viên cận thần mặc dù rất lấy làm tiếc như ông đã nói với tôi, đã hoàn thành yêu cầu của tôi. Mong muốn giữ tôi lại hòn đảo, ông đã đặt cho tôi rất nhiều đề nghị tế nhị, nhưng tôi đã từ chối với một lòng biết ơn sâu sắc.

Ngày 16 tháng 2, tôi từ biệt quốc vương và triều thần. Quốc vương đã tặng tôi những tặng vật trị giá gần hai trăm bảng Anh, tôi cũng nhận được tặng vật tương tự từ người bảo hộ của tôi, người thân thích với quốc vương. Ngoài ra, ông đưa cho tôi một bức thư giới thiệu cho người bạn của mình sống ở Lagado thủ đô của vương quốc. Trong thời gian đó hòn đảo đang bay ở cách thủ đô hai dặm và tôi được hạ xuống từ hành lang thấp nhất của hòn đảo nhờ vào cái ghế ngồi gắn vào các dây xích mà trên đó hai tháng trước đây tôi đã được nâng lên.

Lãnh địa trên đất liền của quốc vương hòn đảo bay được gọi là Balnibarbi còn thủ đô của vương quốc này như tôi đã kể, gọi là Lagado. Tôi không thể nào tả hết niềm hân hoan khi chân mình đặt lên nền đất cứng. Bởi vì tôi đã mặc bộ quần áo địa phương và tôi đã nắm ngôn ngữ khá vững để trao đổi với dân địa phương, do đó tôi chẳng khó khăn gì đã đặt chân được vào thủ đô. Tôi đã nhanh chóng tìm được ngôi nhà mà người bảo hộ của tôi đã chỉ tôi đến và trao cho ông ta bức thư giới thiệu và đã được đón tiếp rất lịch thiệp. Đó là một viên quan tên là Munodi, ông ra lệnh sửa soạn cho tôi một căn phòng trong nhà mình và tôi đã ở đó trong suốt thời gian lưu lại thủ đô.

Sang ngày hôm sau, vị chủ nhân mời tôi ngồi xe ngựa và hướng dẫn tôi đi thăm thủ đô. Thành phố này nhỏ hơn Luân đôn hai lần. Nhà cửa trong thành phố được xây dựng rất kì quái, phần nhiều chúng đã bị bán hủy hoại. Những người qua đường có dáng vẻ hoang dại thế nào đó. Hầu hết họ đều ăn mặc rách rưới, họ giương mắt lên đi lại hiên ngang trên đường phố. Sau khi đi qua cổng thành, chúng tôi ra tới cánh đồng. Ở đây chúng tôi nhìn thấy những người nông nhân đang làm việc với các công cụ hết sức đa dạng. Nhưng tôi không sao hiểu được chính thực họ đang làm việc, vì trên cánh đồng tôi chẳng thấy có một vết tích nhỏ nhặt nào của cỏ cây và lúa mì, mặc dù đất thật sự màu mỡ. Tôi cực kì kinh ngạc trước tất cả những điều trông thấy và quyết định tìm lời giải thích ở người bạn đi cùng với mình. Ở tất cả những người gặp trên đường đều có nét mặt băn khoăn lo nghĩ. Họ đang vội vã đi đâu đó, đang bận gì đó trong thành phố cũng như trên cánh đồng, nhưng kì thực sự hoạt động sôi nổi ấy không đem lại kết quả nào. Ngược lại tôi chưa bao giờ được trông thấy những cánh đồng được canh tác tồi tệ hơn, những nhà cửa được xây dựng xấu hơn và những con người có bộ mặt đăm chiêu như thế, trong những bộ quần áo rách rưới nghèo nàn đến như vậy.



Ngài Munodi là người rất có tiếng tăm. Trong một số năm ông đã giữ chức thống đốc Lagado nhưng theo tham mưu của các vị thượng thư, ông bị cắt chức dường như vì không có khả năng đảm đương chức vụ. Nhưng dù sao ông không bị mất thiện cảm của quốc vương, ngài đánh giá ông là một người đáng tin cậy, tốt bụng dù có hơi nông cạn. Munodi trả lời một cách thận trọng và ngắn gọn. Ông chỉ hạn chế bằng các nhận xét rằng tôi ở đây quá ít thời gian để có thể rút ra những nhận định đúng đắn về con người và đất nước của nó, rằng mọi dân tộc đều có phong tục và tập quán của riêng mình, rồi lái câu chuyện sang một chủ đề khác. Nhưng khi chúng tôi đã quay trở về nhà, ông hỏi tôi có thích ngôi nhà của ông không, tôi có nhận thấy thiếu sót nào đó trong kiến trúc của ngôi nhà hay không, tôi có những nhận xét gì về vẻ bề ngoài và cách ăn mặc của những người hầu của ông không. Ông đã có thể bình tĩnh đặt những câu hỏi đại loại như: tất cả ở chỗ ông hoàn toàn bình thường, được khác biệt bởi sự trang nhã và sang trọng không? Tôi trả lời là trí thông minh, sự hiểu biết và sự giàu có của ông có thể giúp đỡ ông tránh khỏi tất cả những phi lý mà những người đồng hương của ông bị ràng buộc bởi sự thiếu suy xét, hoặc sự khốn cùng cùng cực. Về điều này Munodi nhận xét là những cuộc nói chuyện đại loại như vậy tốt hơn cả là tiến hành ở biệt thự ngoại ô của ông, cách thành phố chừng hai mươi dặm. Ông đề nghị ngày mai sẽ đi đến đấy và tôi rất vui lòng về điều này.

Dọc đường, Munodi lưu ý tôi tới các phương pháp khác nhau được các trại chủ sử dụng để canh tác đất. Tất cả các phương pháp này tôi hoàn toàn không biết và khó hiểu vì chỉ trừ ngoại lệ rất hiếm, tôi không thể nào thấy một bông lúa hay một cọng cỏ nào trên các cánh đồng. Nhưng sau ba giờ đi đường, phong cảnh hoàn toàn đổi khác. Xuất hiện những căn nhà xinh đẹp của nông dân, những cánh đồng có rào giậu, những vườn nho, những cánh đồng đã cày xới, những ruộng lúa tươi tốt, những đồng cỏ xanh rì. Từ lâu tôi chưa từng thấy một phong cảnh đẹp mắt đến như vậy. Munodi sau khi nhận thấy vẻ mặt của tôi tươi tỉnh lên, ông nói với tôi là từ đây bắt đầu lãnh địa của ông. Đồng thời ông thở dài một cách nặng nề nói thêm rằng, những người đồng hương của ông khinh thường ông vì ông đã cai quản sản nghiệp tồi đến như vậy và đã nêu một tấm gương xấu.

Cuối cùng chúng tôi đã tới gần nhà. Đó là một ngôi nhà lộng lẫy với kiểu kiến trúc cổ tuyệt đẹp. Những vòi phun nước, những vườn cây, những đường đi trồng cây hai bên, những cánh rừng, tất cả được sắp đặt rất thông mình và thẩm mỹ rất cao. Tôi không tiếc lời khen ngợi những gì mà tôi thấy, nhưng vị chủ nhân của nó chẳng để ý gì đến những lời của tôi. Sau khi ăn bữa chiều, khi chúng tôi chỉ còn lại một mình, chủ nhân với vẻ buồn rầu nói rằng thỉnh thoảng ông có ý nghĩ sẽ dựng lại ngôi nhà của mình theo những mốt mới nhất và tiến hành các biện pháp canh tác mới nhất với lãnh địa của mình. Ngược lại, ông đã mạo hiểm lôi kéo về mình những lời chỉ trích về tính kiêu ngạo, lập dị, thói làm bộ làm tịch, vô lễ, độc đoán cùng tất cả những gì gây ra sự bất bình của quốc vương. Còn quốc vương dù không có những cái đó cũng không tin tưởng vào ông. Ông bày tỏ nỗi lo ngại rằng sự kính phục của tôi sẽ bị nguội đi nhanh chóng khi ông thông báo cho tôi biết những chi tiết nào đó mà chắc tôi đã nghe thấy ở cung đình. Chính ở đó, nơi cung đình ấy, mọi người cứ đắm chìm trong suy tưởng cao siêu, chẳng có lúc nào chú ý đến những gì tạo ra trên mặt đất.

Thực chất câu chuyện của ông có thể đại lược như sau. Gần bốn mươi năm trước đây, một số cư dân của thủ đô được đưa lên Laputa. Họ đã ở trên đó năm tháng và trở lại với những kiến thức hết sức nông cạn về toán học nhưng lại tích lũy quá nhiều những điều khinh suất và hời hợt tiêm nhiễm trong bầu không khí ở trên đó. Trong thời gian lưu lại trên đó, những người này đã ăn sâu ý tưởng khinh mạn đối với tất cả những gì mà chúng tôi tạo ra và bắt đầu lập ra những dự án cải tổ lại khoa học, nghệ thuật, luật pháp, ngôn ngữ và kĩ thuật theo phương thức mới. Với mục đích này họ đã cạy cục xin được đặc ân của quốc vương cho lập Viện Hàn Lâm của những kẻ sính thảo dự án ở Lagado. Dự định này đã dẫn đến kết quả là chẳng một thành phố lớn nào lại không có một Viện như thế. Trong các Viện ấy các giáo sư chế tạo phương pháp mới canh tác đất đai và xây dựng nhà cửa, những công cụ và máy móc cho tất cả các ngành thủ công. Họ tin rằng nhờ những máy móc và công cụ ấy mà một người sẽ hoàn thành công việc của hàng chục người. Theo lời của họ khi sử dụng các phương tiện do họ tạo ra chừng một tuần lễ có thể xây dựng một cung điện bằng loại vật liệu chắc chắn đến mức cung điện sẽ tồn tại vĩnh viễn không cần bất kỳ sự sửa chữa nào, tất cả các hoa quả trên trái đất sẽ chín vào bất kỳ thời gian nào của năm, hơn nữa những hoa quả này sẽ có kích thước vượt các loại hiện có hàng trăm lần... Không thể nào kể hết bằng lời tất cả những dự án mang lại hạnh phúc cho loài người. Đáng tiếc là chẳng có một dự án nào được tiến hành cho đến cùng. Trong lúc đó đất nước vẫn chờ đợi lợi ích tương lai mà đi đến hoang tàn, nhà cửa đổ nát, dân chúng thì đói khát và rách rưới.[1]

Tuy nhiên tất cả các điều đó không làm nguôi lạnh lòng nhiệt thành của những kẻ sính thảo dự án. Ngược lại, được cổ vũ bởi niềm hy vọng cũng như thất vọng như nhau, họ còn cố gắng thực hiện ráo riết hơn những dự án của mình vào cuộc sống.

Nhưng bản thân Munodi thì lại là một con người không tháo vát lắm, ông vẫn sống trong ngôi nhà do tổ tiên xây dựng và noi gương tổ tiên trong mọi việc, chẳng thực hiện điều gì mới mẻ. Một số người trong giới quyền quý và quý tộc bậc trung cũng xử sự như vậy. Người ta nhìn họ với sự khinh bỉ và không thân thiện, như là đối với các kẻ thù dốt nát của khoa học và những thành viên thù địch của xã hội, hy sinh sự phồn thịnh của xã hội bằng sự lười nhác và yên tĩnh của bản thân.

Để kết luận vị chủ nhân nói rằng ông không định thông báo cho tôi những tiểu tiết tiếp theo. Ông không muốn tôi mất niềm vui của tôi mà tôi chắc chắn sẽ có được khi tự mình đi thăm Viện hàn lâm vĩ đại, nơi ông quyết định sẽ dẫn tôi đến. Ông chỉ yêu cầu hãy chú ý đến những cảnh đổ nát nhìn thấy rõ ở trên sườn núi cách chúng tôi ba dặm.

Ngày xưa cách không xa ngôi biệt thự của chúng tôi có một cối xay nước tốt nằm bên một con sông lớn. Cối xay đã phục vụ chủ nhân của nó và tất cả những ai đến thuê. Gần bảy năm trước đây xuất hiện một đoàn các nhà thảo dự án đến chỗ cối xay với đề nghị phá bỏ cối xay này, xây dựng cối xay mới trên sườn núi. Trên đỉnh núi họ cho đào một con kênh dài, con kênh này sẽ dùng để chứa nước. Nước dự kiến bơm bằng các bơm đặc biệt vào kênh. Theo ý kiến của họ, nước tích tụ trên đỉnh núi sẽ được tăng cường sức mạnh bởi gió và không khí trong lành có khả năng đẩy nước trong các sông chảy mạnh hơn ở chỗ bằng phẳng, ngoài ra do chỗ chảy từ phía trên xuống, nước sẽ có một sức mạnh gấp đôi và vì thế cối xay sẽ làm việc nhanh gấp đôi chỗ kia. Đồng thời, quan hệ của ông với cung đình đang bị lung lay. Mong muốn chấn chỉnh lại quan hệ này ông chấp nhận đề nghị của họ theo lời yêu cầu của các bạn bè. Sau hơn hai năm xây dựng với sự tham gia của hơn một trăm người, công trình bị đổ vỡ. Những nhà dự thảo trốn biệt và đổ tất cả lỗi lầm cho ông. Từ đó đến nay họ thường xuyên chế giễu ông và xúi giục những người khác thực hiện những thử nghiệm tương tự cũng với bảo đảm thành công như thế.

Sau đó vài ngày chúng tôi quay trở về thành phố. Vị chủ nhân đã có thanh danh không được tốt trong Viện hàn lâm. Bởi thế ông không định dẫn tôi đến đấy mà tự mình giao phó tôi cho một người bạn của mình. Vị chủ nhân của tôi giới thiệu tôi như là một người quan tâm tới các dự án rất hiếu kỳ và nhẹ dạ. Nhưng dù sao điều đó cũng không xa với sự thật vì lúc trẻ tôi cũng là một người sính thảo dự án lớn.




tải về 1.07 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương