MỤc lục chương một: CÁc khái niệm chung về sinh thái họC


SINH THÁI HỌC VỚI QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN RỪNG



tải về 3.98 Mb.
trang23/24
Chuyển đổi dữ liệu01.06.2018
Kích3.98 Mb.
#39208
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24

5.3. SINH THÁI HỌC VỚI QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN RỪNG

5.3.1. Vai trò của rừng đối với đời sống và sản xuất


Rừng đem lại lợi ích nhiều mặt đối với sinh quyển, khí hậu, mùa màng … Nghĩa là, rừng đem lại những lợi ích trực tiếp, gián tiếp đối với sản xuất và đời sống con người. Ngoài ra rừng còn là nơi cung cấp các nguyên liệu quan trọng (năng lượng truyền thống: than, củi) không thể thiếu được trong đời sống của con người.

5.3.1.1. Vai trò của rừng với đất


Rừng với đất có mối quan hệ mật thiết với nhau. Rừng tham gia vào sự hình thành và phát triển của đất, đất được duy trì và bảo vệ lại chính là cơ sở duy trì và phát triển rừng. Mối quan hệ giữa rừng và đất được liên hệ bằng chu trình kín:

nuôi nuôi nuôi nuôi

Rừng  Đất và nước  Cây và con  Người  Rừng

   


Hệ thống “rừng - đất” trong sinh quyển đã đảm nhiệm chức năng quan trọng, duy trì sự sống tồn tại, nhờ có sự tiếp thu bức xạ mặt trời chuyển thành sinh khối, thực hiện chu trình hoàn nguyên các yếu tố hóa học như oxi, nitơ, cacbon, photpho, canxi… và gắn chúng vào những liên kết mới.

Rừng cung cấp độ phì cho đất rừng (cành lá rừng rụng xuống tạo mùn cho đất). Đất rừng hầu như là tự bón phân, những nguyên tố dinh dưỡng phân hủy từ thực vật được cây rừng hấp thụ dễ dàng hơn so với các yếu tố dinh dưỡng khác được con người cung cấp. Kết quả nghiên cứu của GS.TS. Nguyễn Văn Trương năm 1989 cho thấy, đất dưới tán cây rừng thuần loại từ 5-6 tuổi có tổng lượng cành, lá rụng từ 5-10 tấn/ha/năm, tương đương với từ 80-90kg N, 8kg P2O5 và 8kg K2O. Rừng nhiệt đới là kho dự trữ sinh khối rất lớn, trong đó có 75% cacbon hữu cơ với một khối lượng đạm thực vật quan trọng. Chất khoáng ở cây xanh thường tích tụ nhiều nhất trong lá, khi lá rụng chúng được phân hủy sẽ trả lại khoáng cho đất. Năng suất sinh khối ở rừng nhiệt đới thường lớn hơn 5 lần so với rừng ôn đới nên đất nhận được chất hữu cơ từ rừng cũng tỷ lệ thuận. Như vậy quá trình sinh học giữa đất và rừng là liên tục, bảo đảm độ phì cho đất.

Rừng giữ màu cho đất, đất tạo ra năng suất sinh học của rừng. Tuần hoàn sinh học trong hệ sinh thái rừng sẽ ở thế cân bằng bền vững nếu không có sự can thiệp của con người. So sánh lượng dinh dưỡng mất đi từ đất, thí nghiệm của giáo sư Hoàng Hòe cho biết, trung bình cứ 4 năm 1 ha đất nông nghiệp có luân canh chỉ mất đi khoảng 2,4 tấn Canxi; 7,4 tấn Phôt pho và 1 tấn Kali. Trong khi đó đất rừng chỉ mất đi: 0,5 tấn Canxi, 0,2 tấn phôt pho và 0,05 tấn Kali. Nghĩa là đất dưới tán rừng dinh dưỡng mất đi ít hơn từ 5-40 lần. Vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy rừng sinh trưởng rất mạnh lại trên tầng đất mặt không dầy lắm (60-70cm), ngay cả ở nơi có độ dốc cao. Khi rừng bị khai phá thì hàng loạt sự cố tiêu cực xảy ra: Độ phì nhiêu của đất giảm sút nhanh chóng, nếu độ dốc lớn sẽ xảy ra xói mòn nghiêm trọng, ở tầng đất nền quá trình kết von và đá ong bắt đầu xuất hiện.

Rừng có tác dụng giữ đất trên sườn dốc và chống xói mòn, rửa trôi. Nghiên cứu rễ hút của các loài cây người ta thấy các loại cây lớn và cây nhỡ đều dồn rễ hút vào lớp đất mặt dày khoảng 50cm. Ở độ sâu quá 50cm tỷ lệ rễ hút chỉ còn lại 10-20%, ở tầng sâu hơn rễ chỉ bám vào cây cho cây vững chắc. Vì vậy trên đất dốc có cây rừng che chắn bảo vệ sẽ giảm thiểu được phần lớn lượng đất mất đi do xói mòn.



Rừng giữ nhiệt cho tầng đất mặt, rừng còn làm tăng khả năng sinh học cho đất, theo D.e.Farcy (giáo sư kinh tế nông nghiệp, người Pháp) cho biết, có tới 350-450 triệu tấn đạm do muôn vàn cây bộ đậu trong rừng cung cấp cho đất hàng năm. Trong các loài keo và cây bộ đậu, có loài lượng đạm do vi khuẩn cố định cho từ 300-400 kg/ha/năm. Người ta nói rừng là quỹ tiết kiệm nước và dinh dưỡng cho cây, thông qua vai trò của tán lá; gốc và rễ cây; cùng với lớp thảm mục luôn che phủ trên mặt đất. Từ những yếu tố trên có thể nói rừng là “áo giáp xanh” của trái đất.

5.3.1.2. Rừng với thu hoạch mùa màng


Rừng phòng hộ cho cây trồng nông nghiệp là nhân tố quan trọng trong việc bảo vệ đất và năng suất cây trồng khỏi sự xói mòn do gió và do nước chảy. Đặc biệt đối với vùng Duyên Hải phía bắc chịu ảnh hưởng gió mạnh, vùng khô hạn kéo dài về mùa hè như khí hậu Địa Trung Hải, hoặc đối với vùng khí hậu lục địa ít mưa, người ta đã áp dụng những dải rừng phòng hộ để tăng năng suất cây trồng nông nghiệp. Lợi ích của những dải rừng phòng hộ đó là:

- Giảm cường độ gió, cường độ mưa rơi, cường độ dòng chảy… hạn chế xói mòn. Ví dụ ở Giang Tô TQ nhờ trồng rừng chắn gió đã làm giảm tốc độ gió từ 17-27%. Ở Nghệ Tĩnh trồng rừng chắn gió làm năng suất lúa tăng 10% ở những năm thời tiết bình thường, với những năm thời tiết bất thuận thì năng suất thậm chí tăng 100% so với nơi không có rừng. Khả năng chắn gió của rừng bằng từ 7-10 lần chiều cao cây rừng.

- Giữ nhiệt độ cho tầng đất mặt và cho lớp khí quyển sát mặt đất, điều hòa khí hậu. Nhờ có rừng phòng hộ nhiệt độ đất tăng từ 0,75-1,080C về mùa lạnh, làm năng suất cây trồng tăng lên tới 41% (N.P.Anutchin et al., 1978).

- Giảm sự thoát ẩm và thoát hơi nước ở các loại cây. Nhờ có dải rừng phòng hộ độ ẩm không khí trên đồng ruộng tăng từ 1,1-2,1%, độ bốc hơi mặt đất giảm 4,5-10,3%.

- Chống gió mạnh, chống rét và băng giá cho đàn gia súc.

Hiệu quả của dải rừng phòng hộ đối với đất, với khí hậu, với nước, hay với mùa màng làm năng suất cây trồng tăng lên rõ rệt, đặc biệt là các nước ở châu Âu.

Ví dụ: Ở các nước châu Âu năng suất khoai tây, rau ăn củ tăng 6%. Ở Na Uy, Thụy Điển năng suất tăng lên 19%, táo tăng từ 10-45%. Ở Hà Lan năng suất cây ngũ cốc tăng 15%, rau ăn lá tăng từ 200-300%. Thí nghiệm ở Nga cho thấy vai trò chắn gió của rừng không những làm tăng năng suất cây trồng mà còn tăng chất lượng sản phẩm. Ví dụ họ đã trồng rừng chắn gió làm tăng năng suất lúa mì mùa đông lên 30% và hàm lượng protein trong lúa mì cũng tăng 14,3%.

Ngoài ra có một số mặt hàng nông sản đòi hỏi phải được sấy bằng năng lượng củi và than củi thì mới đảm bảo chất lượng, mới có hương vị đặc trưng, nâng cao giá trị sản phẩm (quay gà, nướng cá, sao chè, sấy sơ chế thuốc lá…) nếu thay bằng năng lượng khác chất lượng sản phẩm sẽ giảm hẳn.


5.3.1.3. Rừng đối với khí quyển


Rừng có tác dụng điều hòa khí hậu, đặc biệt là thành phần các chất khí của khí quyển. Khí quyển và sự sống trên hành tinh là một thể thống nhất do những điều kiện cơ bản trong thành phần của nó cấu tạo nên. Người ta đã chứng minh thành phần khí trong khí quyển trái đất hầu như không đổi, tuy chúng thường xuyên bị hấp thụ hoặc gắn vào các kết hợp hóa học trong quá trình tự nhiên. Trong thành phần chất khí, đặc biệt quan trọng là ôxy, một điều kiện quan trọng của sự sống, thành phần O2 trong khí quyển luôn luôn không đổi dù O2 liên tục vào các phản ứng ôxy hóa dưới nhiều dạng khác nhau. Sở dĩ như vậy là khi bị hấp thụ trong trường hợp này ôxy lại được hoàn nguyên trở về khí quyển trong trường hợp khác. Oxy tham gia vào mọi thành phần của sinh quần xã, đảm bảo quá trình hô hấp ở động thực vật, sự biến đổi các chất hữu cơ và tiến trình hàng loạt phản ứng hóa học tự nhiên. Riêng ở cây xanh oxy biểu hiện rõ vai trò chức năng cả 2 mặt (cây hô hấp thì hấp thụ O2; quang hợp lại giải phóng O2). Người ta tính rằng, hàng năm bằng quang hợp cây xanh đã tạo ra chừng 1.1011 tấn chất hữu cơ và thoát ra một lượng ôxy tự do tương đương. Trung bình rừng cây xanh đã đưa vào khí quyển 16 tấn oxy/ha/năm, riêng rừng thông lượng oxy còn sản xuất ra nhiều hơn (30 tấn/ha/năm), trong khi đó cây trồng hàng năm, rừng trồng mới và rừng nghèo kiệt chỉ cung cấp khoảng 3-10 tấn/ha/năm. Trung bình mỗi người cần khoảng 400kg ôxy/năm, nên cần phải có từ 0,1-0,3 ha cây xanh/người mới đủ cung cấp O2 cho hô hấp.

Rừng còn là tấm màng chắn lọc bụi, hạn chế nhiều loại vi khuẩn, virut làm cho bầu không khí trong lành, một số cây gỗ còn có khả năng hút được các chất độc trong không khí như: có cây hút bụi chì, bụi benzen, butan (1 năm 1 ha rừng có thẻ chắn lọc được tới 300 tấn bụi). Chính vì vậy người ta đã nói “rừng là lá phổi xanh của nhân loại”.

Do ích lợi trực tiếp của rừng đối với nhu cầu của cơ thể con người, dân số càng tăng càng cần nhiều diện tích rừng. Vai trò của rừng ở đây không chỉ là cung cấp oxy mà còn giữ màng khí trong lành; cản khói bụi; hạn chế nhiều loại vi khuẩn và virut gây bệnh bằng Phytonxit, đặc biệt khả năng làm giàu khí quyển bởi số lượng các ion âm ảnh hưởng tới sức khỏe con người như: Tác động đến hoạt động thần kinh; tăng cường dung tích sống; kích thích hoạt động tuần hoàn của máu (Cao Liêm, Trần Đức Viên, 1990).

5.3.1.4. Rừng - Ngân hàng gen quý giá


Rừng nhiệt đới là một ngân hàng tài nguyên gen to lớn và giầu có. Theo FAO, tài nguyên động thực vật tự nhiên quý giá của nhân loại nằm phần lớn ở rừng, đặc biệt là rừng nhiệt đới. Đây là nơi trú ngụ của trên 60% các loài cỏ cây, 40% các loài chim săn mồi và 80% các loài côn trùng đã được biết. Mức độ phong phú về các chủng loại đặc hữu không thể có ở nơi khác. Ví dụ nước Ecuador diện tích bằng nước Anh, nhưng có gấp 7 lần số loài chim (1.435 loài so với 219 loài). So với các nơi khác, rừng nhiệt đới châu Á có nhiều loài cây và con có giá trị kinh tế cao hơn cả.

Trong nhiều tài liệu nghiên cứu về tài nguyên thực vật rừng nước ta cho biết, số lượng các loài cây từ 4 phương chiếm tới 40%, số lượng loài thực vật bậc cao có mạch dự kiến khoảng 20.000 loài. Công trình khảo cổ đã phát hiện tổ tiên của những cây gỗ quý như vàng tâm, giổi có mặt ở nước ta từ thời kỳ cây lá rộng mới xuất hiện trên trái đất. Riêng cây làm thuốc phòng chữa bệnh đã sơ bộ điều tra được khoảng 3000 loài. Rừng là nơi trú ngụ và nuôi dưỡng nhiều loài chim và thú, gần 1000 loài chim, 800 loài thú, 300 loài bò sát và ếch nhái là món quà lớn và quí giá mà thiên nhiên đã dành cho chúng ta.

Ở nước ta, rừng Cúc Phương có tới 1967 loài thực vật (có cây đường kính 5-6m, cao 40-70m), 250 loài động vật có xương sống (trong đó có 64 loài thú, 137 loài chim, 36 loài bò sát và 17 loài lưỡng cư), đa dạng và phong phú hơn cả là các loài công trùng, đặc biệt là các loài bướm đủ các màu sắc. Tây Nguyên trước đây được gọi là “thiên đường của những người đi săn”, nghĩa là rất giầu về động vật có giá trị kinh tế cao.

Rừng là nguồn bảo tàng thiên nhiên, các nhà di truyền học đang tập trung nghiên cứu tài nguyên gen động, thực vật để phát huy những đặc tính di truyền quí giá của chúng ta. Bởi tính hoang dại bao giờ cũng đi đôi với tính bền vững.


5.3.1.5. Rừng với lợi ích nhiều mặt


Nhân dân ta từ lâu đã có câu “rừng vàng”, điều đó nói lên rừng rất quý, rất giàu và có lợi cho con người về nhiều mặt. Ngoài những vai trò chung mà ta đã đề cập ở trên thì rừng còn thể hiện lợi ích nhiều mặt như: điều hòa dòng chảy; ngăn lũ; chống hạn hán; một nguồn cung cấp lâm sản dồi dào; nguồn dược liệu quý giá; nơi du lịch và săn bắn lý tưởng v.v.

Về mặt tài nguyên thì một trong những vai trò quan trọng hàng đầu là gỗ và các sản phẩm của gỗ (vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí, chất đốt, lấy sợi dệt, làm bột giấy, tinh dầu v.v.).

Trong lĩnh vực cung cấp gỗ, theo số liệu của UNESCO lục địa có 3,8 tỷ ha rừng, đảm bảo một trữ lượng 3,6 tỷ m3 gỗ. Hàng năm con người lấy đi từ rừng 2.400-3.500 triệu m3 gỗ. Tuy diện tích rừng không ngừng bị thu hẹp, song nhu cầu gỗ của thế giới lại không ngừng gia tăng (trung bình tăng 53 triệu m3/năm), riêng nhu cầu gỗ xẻ tăng 1,7%/năm, xelluloza và bột giấy tăng 5,4%/năm. Sản phẩm chính của rừng (gỗ) được con người sử dụng như sau:

+ Sản lượng gỗ đưa vào chất đốt 45% (mỗi năm 500-600 triệu tấn);

+ Sản lượng gỗ đưa vào xây dựng 35%;

+ Sản lượng gỗ đưa vào làm bột giấy 12%.

Rừng là kho nước ngọt trong canh tác đất dốc, nỗi lo lớn nhất của người nông dân là xói mòn, tác nhân gây xói mòn chủ yếu là do nước chảy trên mặt đất. Hệ rễ cây rừng xới xáo đất, đào sâu xuống đất, tiêu bớt khối nước chảy, giảm thiểu nguyên nhân gây xói mòn. Tuy nhiên, vai trò giữ nước của rừng còn phụ thuộc vào cấu trúc của rừng, kích thước cây rừng và độ khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu ở từng vùng khác nhau. Người ta đã tính toán được mối tương quan giữa khối lượng rễ với khối lượng cây rừng và cho biết, rễ của cây gỗ lớn tiêu nước nhiều hơn rễ của rừng cây gỗ nhỏ hoặc cây ăn quả và cây công nghiệp (chè, cà phê). Trên đồi trọc, đất bị chặt cứng, lớp đất mặt đã bị bào mòn, cuốn trôi, tốc độ ngấm nước rất chậm khoảng 1cm/giờ. Trên đất rừng tơi xốp có nhiều mùn, rễ cây đào sâu giúp nước ngấm với tốc độ nhanh hơn từ 5-7 lần. Nước đi xuống sâu và tạo ra mạch nước ngầm (kho nước ngọt trong lòng đất) nuôi sống các sinh vật và cung cấp nước cho mùa khô khi trời không mưa, như vậy rừng đã nuôi dưỡng tài nguyên nước ngọt, nuôi dưỡng cuộc sống của các tài nguyên sinh vật. Rừng càng rậm rạp, nhiều cây cao lớn thì năng lực tạo nước ngầm càng mạnh. Ở các nước công nghiệp phát triển, do chất thải của các nhà máy nhiều, nguồn nước bị ô nhiễm, người ta đã dùng biện pháp khoanh nuôi những khoảnh rừng lớn để bảo vệ và gìn giữ nguồn nước ngọt trong lành.

Rừng đã bảo vệ chống bồi lấp lòng sông, lòng hồ, các công trình thủy lợi và thủy điện. Người ta đã ghi nhận có hàng vạn làng mạc bị nước cuốn trôi do hiện tượng sông đổi dòng (dòng cũ bị bồi tụ tắc nghẽn, sức nước phá mạnh tạo ra dòng chảy mới). Như vậy loài người cũng tốn kém rất nhiều tiền của, công sức để nạo vét lòng sông, lòng hồ, bến cảng nhằm giữ nước. Theo nhiều tài liệu, nếu một con sông có lưu vực cỡ nhỏ (khoảng 500 km2) mà không còn rừng rậm đầu nguồn, vào mùa mưa ở vùng nhiệt đới nó phải tải từ 7-10 triệu tấn đất, đó là đất rừng và đất của lưu vực chứa nước nơi bị mất rừng. Do tốc độ của dòng chảy nhỏ làm phù sa lắng đọng, lượng phù sa khổng lồ này đã gây bồi lấp, nâng cao lòng sông, lòng hồ, nước chảy không những gây ra xói mòn mà còn gây sạt lở đe dọa giao thông. Vì vậy, để bảo vệ chống bồi lấp lòng sông, hồ, các công trình thủy lợi, thủy điện thì ta cần phải có rừng đầu nguồn.

Rừng là kho thực phẩm quý giá cho con người và các sinh vật. Ở những khu rừng ngập mặn ta thấy đước và một số loài cây khác làm thức ăn rất tốt cho một số sinh vật nước, những sinh vật này lại làm thức ăn cho tôm, từ đó nhân dân trong vùng có câu “con tôm ôm cây đước, cây đước rước con tôm”. Nhân dân ta từ lâu đã biết trồng cây sung ở quanh ao cá để tỏa bóng mát và cung cấp thức ăn trực tiếp hoặc gián tiếp cho các loài cá, đặc biệt là cá trắm.

Rừng còn là kho thuốc quý giá với nhiều loài cây và con làm thuốc được. Có rất nhiều cây thuốc trong rừng đã được con người sử dụng trong đời sống, riêng cây thuốc phòng chống ung thư đã có tới 1.400 loài. Việt Nam có 1.500 loài cây có tác dụng chữa bệnh đã được tìm thấy và sử dụng. Ngày nay con người đã tìm cách tận dụng mọi khả năng của rừng, đặc biệt là trong việc phục hồi sức khỏe, điều dưỡng, nghỉ ngơi và giải trí. Với khả năng cung cấp cây và con làm thuốc phong phú và vai trò kể trên người ta đã nói “rừng là bệnh viện xanh” của nhân loại.




tải về 3.98 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương