MỤc lục chương một: CÁc khái niệm chung về sinh thái họC


Tài nguyên rừng trên thế giới



tải về 3.98 Mb.
trang24/24
Chuyển đổi dữ liệu01.06.2018
Kích3.98 Mb.
#39208
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24

5.3.2. Tài nguyên rừng trên thế giới

5.3.2.1. Hiện trạng sử dụng tài nguyên rừng trên thế giới (tự học)


Rừng thế giới phân bố không đều trên các châu lục về thể loại cũng như về diện tích. Thế giới có xấp xỉ 29% diện tích lục địa được che phủ bởi rừng (khoảng 4 tỷ ha), trong đó 33% diện tích là rừng ôn đới và rừng thông ở miền lạnh, 67% diện tích là rừng rậm miền xích đạo và rừng nhiệt đới.

Rừng phản ánh các đai khí hậu qua cấu trúc và thành phần của nó. Ở vùng cực, do khí hậu lạnh, các cây gỗ lớn thường không phát triển được. Vùng ôn đới hình thành 2 loại cây: rừng cây lá kim và rừng cây lá rụng về mùa đông. Vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới chủ yếu là loại rừng thường xanh, chúng cho năng suất gỗ cao hơn cả. Vùng khí hậu khô nóng thường có rừng cây bụi nghèo nàn kiểu savan. Từ Bắc cực về xích đạo, thảm thực vật rừng biến đổi về kích thước cây, chủng loại và cấu trúc. Người ta đã phát hiện và biểu thị mối quan hệ giữa cường độ gia tăng tổng sinh khối với nhiệt độ, ẩm độ và độ chiếu sáng mặt trời. Ví dụ chỉ số Paterson ước tính tổng sinh khối thực vật sản sinh ra ở các đai khí hậu như sau:

+ Vành đai ở vĩ độ 500: 30 tấn/ha/năm;

+ Vành đai ôn đới: 50 tấn/ha/năm;

+ Vành đai nhiệt đới: 120 tấn/ha/năm;

Vành đai xích đạo: <120 tấn/ha/năm.

Mỗi mái rừng nhiệt đới ẩm là một sinh cảnh riêng, có 95% loài chim sống được ở dưới tán rừng nhiệt đới, trong khi rừng ôn đới chỉ có 15%. Đất dưới tán rừng nhiệt đới tuy nghèo nhưng nuôi được số loài rất lớn. Sở dĩ vậy là do chu trình vật chất được khép kín, chất dinh dưỡng chu chuyển nhanh chóng, không bị mất đi khỏi hệ. Bởi vậy, nếu để mất chu trình vật chất kín là mất rừng nhiệt đới, đất hầu như không tích lũy được chất dinh dưỡng. Nhiều tài liệu cho thấy, rừng nhiệt đới là nơi trú ngụ của trên 60% các loài cỏ cây, 40% các loài chim săn mồi, 50% loài động thực vật của trái đất, bình quân cứ 10 km2 rừng đã có 1500 loài thực vật có hoa, 125 loài thú, 400 loài chim, 100 loài bò sát, 60 loài ếch nhái, 150 loài bướm và 42.000 loài côn trùng.

Tình trạng khai thác rừng bừa bãi làm mất rừng khá phổ biến. Diện tích rừng nhiệt đới ngày càng bị tàn phá nặng nề do khai thác gỗ, lập các trại chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng các đập nước và đường cao tốc. Hiện nay, rừng nhiệt đới hàng năm mất đi 11 triệu ha, trong đó 4,9 triệu ha rừng nguyên sinh. Việc phá rừng có tính phổ biến đang làm cho vô số loài động thực vật bị tuyệt chủng, uy hiếp các nền văn hóa bản địa và đời sống của hàng triệu con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu khu vực và toàn cầu. Về mặt sinh học, qua các niên đại địa chất lâu dài, sự phát triển các loài mới đã vượt quá mức bị hủy diệt, do đó thế giới mà chúng ta đang thừa hưởng là vô cùng phong phú về mặt sinh học. Nhưng trong các thập niên gần đây, tiến trình đó đã bị đảo ngược, các loài đang bị tiêu diệt với tốc độ nhanh chóng là do việc tàn phá nơi sinh sống của chúng (mất rừng) và sự ô nhiễm môi trường gây nên.


5.3.2.2. Nguyên nhân làm diện tích rừng thế giới bị giảm


- Do làm đường. Ví dụ tuyến đường BR364 ở bang Rondonia thuộc Bang Amazon đã tạo ra những dòng người di cư hỗn độn và làm cho độ che phủ của rừng ở vùng này từ 97% (năm 1980) giảm xuống còn 76% (năm 1990).

- Do hoạt động du canh: Chặt cây đốt rừng làm nương là phương thức canh tác gây ra những tai hại cho sự giảm sút diện tích rừng.

- Phá rừng để lấy đất cah tác. Do các kế hoạch tái định cư dân ở Indonesia và Brazil đã khuyến khích nhân dân đến sống ở các vùng đất rừng và biến rừng thành đất trồng trọt. Hàng năm, bình quân khoảng 5 triệu ha rừng nhiệt đới trên thế giới bị phá do nông dân nghèo không có đất; riêng ở Indonesia mỗi năm khoảng 200.000 ha rừng nhiệt đới bị biến thành đất trồng trọt.

- Do việc đốn chặt cây để sưởi ấm và đun nấu. Trên thế giới có 2/3 số dân ở các nước đang phát triển dùng gỗ làm nhiên liệu chính để đun nấu và sưởi ấm.

- Hiện tượng phá rừng lấy đất trồng cỏ. Đây được coi là một tệ nạn lớn, đặc biệt vấn đề này xảy ra mạnh ở châu Mỹ La Tinh làm diện tích rừng giảm 39%. Trong 2 thập niên 1980 và 1990 các trại chăn nuôi gia súc đã phá 20 triệu ha rừng và mỗi năm lại có khoảng 2 triệu ha rừng bị phá để làm bãi cỏ chăn nuôi.

- Hiện tượng bán gỗ lấy ngoại tệ. Những nước kém phát triển, nghèo thường khai thác gỗ quá mức cho phép, bán cho các nước hoặc đổi lấy các loại hàng hóa phục vụ cho đời sống làm cho diện tích rừng giảm nhanh chóng.



- Cháy rừng. Việc đốt phá rừng nhiệt đới tác động nghiêm trọng tới khí hậu địa phương và toàn cầu: Tại nước sở tại tiết trời nóng bức ngột ngạt hơn, lượng mưa giảm đi, hạn hán thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn. Mất rừng là mất đi khả năng hấp thụ 1,1-3,6 tỷ tấn cacbonic tức là khoảng 30% tổng số cacbonic được phát thải ra.

5.3.3. Tài nguyên rừng Việt Nam

5.3.3.1. Vai trò của rừng Việt Nam (tự học)


Nhân dân ta từ lâu đã thấy được giá trị to lớn của rừng. Cái tiềm thức “Rừng vàng biển bạc” bao đời nay ăn sâu vào tâm trí con người Việt Nam vốn yêu thiên nhiên đất nước của mình.

Về mặt tài nguyên, rừng cung cấp cho chúng ta các sản phẩm động thực vật quý, đặc biệt về mặt y dược. Ngoài ý nghĩa về mặt tài nguyên, rừng Việt Nam còn thể hiện là một yếu tố địa lý không thể thiếu được trong tổng thể tự nhiên. Rừng đóng vai trò chi phối các loại cảnh quan khác. Có thể nói rừng chính là cái áo giáp của trái đất, nó duy trì đáp ứng độ phì, bảo vệ đất. Rừng điều hòa khí hậu, làm tăng dự trữ nước ngầm, điều chỉnh chế độ thủy văn. Rừng thiết lập các điều kiện vệ sinh và đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đối với cuộc sống của con người, cung cấp thức ăn và tạo điều kiện sinh sống thuận lợi cho mọi sinh vật. Một yếu tố đặc biệt mà rừng của Việt Nam có được là đã góp phần chiến thắng giặc ngoại xâm, giành lại độc lập thống nhất đất nước nhờ vai trò “Rừng che Bộ đội, rừng vây quân thù”.

Việt Nam có một diện tích rừng nhiệt đới khá rộng lớn với nhiều nét độc đáo. Rừng nhiệt đới có nhiều đặc tính ưu việt về mặt sinh thái học so với các kiểu thảm thực vật khác. Do bức xạ dồi dào, lượng mưa lớn, nhiệt độ cao, rừng nhiệt đới có sinh khối lớn có khả năng tạo ra một năng suất cao gấp 2,0-2,5 lần rừng ôn đới.

Tuy nhiên, rừng nhiệt đới cũng có nhiều hạn chế về mặt sinh thái học như: thành phần loài phức tạp nhưng số cá thể trong loài ít, đất dễ bị rửa trôi, sâu bệnh phát triển mạnh. Nếu con người tác động hợp lý, nó cho năng suất cao, nếu tác động bừa bãi không tuân theo các quy luật tự nhiên của nó thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại.

Rừng Việt Nam phân bố trên khắp các dạng địa hình và ở đâu cũng có vai trò bảo vệ, phòng hộ. Với những nét độc đáo của một vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, rừng Việt Nam càng thể hiện rõ tác dụng về mặt cân bằng sinh thái cho môi trường sống của con người, của các quần thể sinh vật và các hệ sản xuất. Với 3/4 diện tích cả nước là trung du, đồi núi, rừng giữ vai trò rất lớn đến chế độ canh tác và hoàn cảnh sống của con người.

Cảnh quan rừng Việt Nam rất đa dạng: Có nhiều rừng xanh quanh năm, rừng già nguyên thủy, rừng cây lá rộng, cây lá hẹp, rừng thứ cấp, rừng cây bụi, savane, rừng ngập mặn v.v... Nhiều khu rừng có ý nghĩa rất to lớn về mặt khoa học, nhất là các khu rừng nguyên sinh, rừng trên núi đá vôi, rừng trên đảo.

5.3.3.2. Sự suy thoái rừng ở Việt Nam


Theo số liệu của Pháp, năm 1945 nước ta có 14 triệu ha rừng, chiếm 43,8% tỷ lệ che phủ so với diện tích tự nhiên của cả nước. Diện tích này ngày càng giảm (sau 30 năm đất nước có chiến tranh) đến năm 1975 còn 9,5 triệu ha (29,1%). Năm 1985 đất nước đã hoàn toàn giải phóng được 10 năm, song diện tích rừng vẫn tiếp tục giảm còn 7,8 triệu ha (23,6%). Năm 1989 còn 6,7 triệu ha (19,6%), đây là giai đoạn khủng hoảng lớn về diện tích rừng Việt Nam. Trong mấy năm gần đây diện tích rừng có chiều hướng tăng lên, năm 1998 có 28,8%, năm 2000 là 29,7%, năm 2005 Việt Nam có 11,7 triệu ha rừng (35,5%) và năm 2009 có 13,2 triệu ha, chiếm 39,1%. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (2013) hiện nay có 13,5 triệu ha với 39,7% độ che phủ, trong đó rừng tự nhiên còn 10,3 triệu ha. Nhưng thực tế rừng tự nhiên vẫn còn bị xâm hại, chỉ còn khoảng 10% diện tích rừng là rừng giầu và rừng trung bình, số còn lại là rừng nghèo và rừng trồng mới, đồng thời trong tổng số diện tích rừng thì có tới 6 triệu ha thuộc loại rừng dễ cháy. Ở nhiều tỉnh miền núi, độ che phủ còn lại rất thấp, ví dụ ở Lai Châu chỉ còn 7,88%, ở Sơn La 11,95%, và ở Lào Cai 5,38%.

5.3.3.3. Nguyên nhân làm cho rừng Việt Nam suy thoái


1. Chiến tranh: Trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, đế quốc Mỹ đã thực hiện một chương trình hủy diệt sinh thái (ecocide) với ý đồ quân sự trong phạm vi lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh. Với 72 triệu lít chất diệt cỏ và làm chụi lá cây rải xuống nhiều vùng nông thôn và rừng núi Việt Nam, hủy diệt hàng triệu ha rừng. Những xe ủi đất khổng lồ đã ủi sạch nhiều khu rừng rộng lớn. Dùng bom napan đốt cháy rừng Tràm và nhiều khu rừng khác (riêng tỉnh Cà Mau cháy 4.500 ha rừng tràm do chất độc hóa học), tấn công vào các động vật rừng, các loài động vật quý cần được bảo vệ như voi, tê giác... Mỹ đã leo thang tấn công miền Bắc, dội bom vào những khu rừng núi đá vôi gây sụt lở lớn (Bắc Thái cũ, Hoàng Liên Sơn, Lạng Sơn). Đất nước Việt Nam phải gánh chịu tới 15.352.000 tấn bom đạn, tương đương 450 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirosima hủy hoại nhiều vùng đất đai và rừng núi. Tính bình quân mỗi người dân Việt Nam phải chịu 280kg bom đạn, gấp 29 lần so với chiến tranh thế giới thứ nhất và 12 lần so với chiến tranh thế giới thứ 2 của thế giới. Tỉnh Quảng Trị có giai đoạn bình quân mỗi ngày chịu tới 1.200 tấn bom đạn.

Trên thực tế hậu quả còn nghiêm trọng hơn nhiều, với khoảng 25 triệu hố bom đạn lớn nhỏ các loại, sau 30 năm nhiều khu rừng và đất đai bị tàn phá vẫn không thể hồi phục được. Hiện nay vẫn còn khoảng 3,5 triệu quả bom chưa nổ nằm rải rác ở các tỉnh Phú Yên, An Giang, Nghệ An, Quảng Bình... Để tháo gỡ một quả bom cần phải tốn khoảng 3000 đô la Mỹ. Tỉnh An Giang có 15% diện tích đất canh tác không sử dụng được do vẫn còn bom mìn.

Năm 1979, chiến tranh biên giới Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến rừng đầu nguồn. Trên 50% rừng đầu nguồn sông Bằng Giang ở Cao Bằng và sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn bi TQ tàn phá. Riêng Cao Bằng 70% diện tích rừng bị phá. TQ đã dùng súng đạn bắn vào các khu rừng quý (rừng hồi), sau đó lại mua rễ hồi với giá đắt.

2. Cháy rừng: Ở nước ta, cháy rừng thường xuyên xuất hiện vào mùa khô hanh (tháng 11 đến tháng 5 năm sau), tập trung ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắklăk, Kon Tum, Gia Lai, Kiên Giang, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên...

Nguyên nhân cháy rừng ở nước ta chủ yếu do các hoạt động nhân sinh đốt nương làm rẫy, đốt cỏ để làm phân bón, hun khói để lấy mật ong, khai thác gỗ trái phép, bừa bãi để lại nhiều lá và gỗ khô, du lịch sinh thái, làm đường giao thông… Trong điều kiện khí hậu khô, nóng và có thể bị ảnh hưởng của El Nino chỉ vô tình để bắt lửa là rừng rất dễ bị cháy. Ngoài ra lực lượng phòng cháy rừng của Việt Nam chưa đầy đủ, chưa được tổ chức một cách chặt chẽ và thống nhất, trang thiết bị giám sát, cảnh báo phòng cháy chữa cháy còn nghèo nàn, lạc hậu nên chưa có khả năng hạn chế được nhiều nạn cháy rừng. Từ 1963-1998 ở nước ta đã có 45.942 vụ cháy rừng, phá hủy 626.501 ha rừng, tỉnh Lâm Đồng 38.000 ha rừng bị cháy, Kiên Giang cháy 53.000 ha, chủ yếu là rừng tràm. Riêng năm 1998 xảy ra 1.685 vụ, đốt cháy 14.782 ha rừng, năm 1999 xảy ra 184 vụ cháy, năm 2000 có 245 vụ. Trong 2 tháng (3 và 4) năm 2002 có 2 vụ cháy rừng liên tiếp đã thiêu trụi 4.600 ha rừng tràm tại U Minh thượng và U Minh Hạ tại Bình Thuận. Tổng diện tích rừng bị cháy năm 2002 lên tới 15.370 ha với 1050 vụ, ước tính thiệt hại lên tới 150 tỷ đồng chưa kể đến việc ảnh hưởng tới môi trường, điều kiện sinh thái và đa dạng sinh học... Từ đó đến nay, mỗi năm có từ vài chục đến hàng trăm vụ cháy rừng tại Việt Nam. Trong tháng 5 năm 2013 xảy ra 21 vụ cháy rừng với diện tích bị cháy là gần 80 ha. Tính chung năm tháng đầu năm nay, tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 674 ha, trong đó diện tích rừng bị cháy là 526 ha.



Cháy rừng không chỉ để lại nhiều hậu quả xấu cho kinh tế, môi trường, cảnh quan sinh thái, làm mất nhiều loài cây con quý hiếm, mà còn cường hóa xói mòn và lũ lụt, đe dọa sức khỏe con người.

3. Khai thác gỗ không hợp lý: Trong giai đoạn từ 1986 - 1991 các lâm trường quốc doanh đã khai thác trung bình 3,5 triệu m3 gỗ/năm, tương đương khoảng 80.000 ha rừng. Đó là chưa kể đến hậu quả của nạn khai thác gỗ trộm xảy ra khắp mọi nơi. Năm 1996 và 1997 tỉnh Bình Thuận đã để bọn lâm tặc phá hại hàng trăm ngàn ha rừng đầu nguồn và rừng đặc dụng. Theo đánh giá của bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đây cũng là nguyên nhân gây lũ lụt lớn ở Bình Thuận vào tháng 7 năm 1999 làm hàng trăm người chết, ngập lụt hàng ngàn ha trong nhiều ngày liền, gây thiệt hại 94 tỷ đồng. Từ năm 1995 đến năm 1999 ở 4 tỉnh Tây Nguyên đã có hơn 18.500 ha rừng bị khai phá (Cục kiểm lâm, 1999). Tháng 7 năm 2003, tỉnh Bình Thuận bắt được trên 100 tên lâm tặc đã khai thác trái phép trên 100m3 gỗ thuộc các nhóm 1 và 2. Đây cũng là vụ lớn nhất trong vài năm gần đây, để khai thác 1 cây gỗ chúng đã để hơn 10 cây khác bị chết theo.

4. Khai thác lấy củi đốt: Trong phạm vi toàn quốc, 90% năng lượng dùng cho gia đình là các sản phẩm từ thực vật. Hàng năm một lượng củi khoảng 21 triệu tấn khai thác từ rừng để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Lượng củi này nhiều gấp 6 lần lượng gỗ xuất khẩu hàng năm.

5. Do khái thác đất rừng làm nương rẫy: Xây dựng các khu kinh tế mới, khai hoang nương rẫy mới. Trong giai đoạn từ 1976 - 1982 tỉnh Minh Hải cũ đã chuyển giao 26.300 ha đất rừng ngập mặn cho đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới. Lâm Đồng, Sông Bé trong 4 năm mất đi 34-36 nghìn ha. Từ năm 1992-1997 Tây Nguyên do hiện tượng dân di cư vào đã khai phá 140.000 ha rừng trồng cà phê và làm rẫy. Rừng Cấm Sơn (Bắc Giang) lúc đầu có diện tích là 19.000 ha, đến nay chỉ còn khoảng 600 ha do nông dân khai phá trồng cây ăn quả và làm nương rẫy.

6. Nạn du canh du cư: Hiện nay cả nước có khoảng 1,5 triệu gia đình vẫn sống du canh du cư, bình thường đất rừng còn rộng mỗi gia đình phá 1 ha, nay đất hẹp mỗi gia đình phá khoảng 0,5 ha, gieo trồng vài 3 năm năng suất giảm thì họ lại phá tiếp, do đó diện tích rừng giảm nhanh chóng. Ví dụ tháng 4 năm 2002 có 15 hộ (hơn 40 khẩu) gia đình người Dao đỏ đã di cư tự do từ tỉnh Tuyên Quang đến sinh sống ở khu vực Thần Sa của huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ở Việt Nam trung bình mỗi năm mất từ 140-150 nghìn ha rừng do hiện tượng du canh du cư.

7. Do xây dựng cơ bản: Việc xây dựng cơ bản như giao thông, thủy lợi, khu công nghiệp, thủy điện, đường dây truyền tải điện, nhà ở... cũng là những nguyên nhân trực tiếp làm giảm diện tích rừng. Các hồ chứa nước được xây dựng hàng năm ở Việt Nam đã làm mất đi khoảng 30.000 ha rừng (WB, 1995).

5.3.4. Sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng


Nỗi lo chung của hành tinh chúng ta về rừng trong đó bao gồm phát triển nghề rừng, nạn phá rừng, về môi trường sống... đã được thể hiện từ lâu. Nỗi lo âu ấy có khác nhau ở từng khu vực trên thế giới và biện pháp giải nỗi phiền muộn đó còn tùy thuộc vào các điều kiện kinh tế, xã hội và sự hiểu biết của con người. Châu Âu sớm phá hoại rừng thì cũng sớm thấy được nguy cơ mất rừng. Bắt đầu từ thế kỷ 20 công cuộc khôi phục và bảo vệ rừng đã đem lại những kết quả bước đầu. Trồng rừng trở thành chính sách lớn của nhiều quốc gia, khai thác gỗ song song với tu bổ và đảm bảo cho rừng phục hồi.

5.3.4.1. Chiến lược khôi phục và bảo vệ rừng trên thế giới


Nhìn chung, chiến lược khôi phục và bảo vệ vốn rừng trên thế giới tập trung vào mấy vấn đề chủ yếu sau:

- Ngăn chặn càng nhanh càng tốt nạn phá rừng, nhất là rừng nhiệt đới. Các nước phát triển là những nước phá rừng nhiệt đới ghê gớm nhất, đứng đầu là Nhật Bản - kẻ thù số 1 của rừng nhiệt đới. Theo tài liệu của ECOROPA (Hội quốc tế bảo vệ rưng, bảo vệ hành tinh) cho biết, Nhật Bản là nước đứng đầu thế giới về nhập khẩu gỗ, với 15 triệu tấn/năm, vượt xa mức tiêu thụ của tất cả các nước trong cộng đồng kinh tế châu Âu gộp lại. Chỉ tính riêng việc dùng đũa ăn mỗi năm Nhật đã tiêu tốn đến 2 tỷ đôi đũa dùng 1 lần và bỏ đi.

Các nước đang phát triển sử dụng tới 80% lượng gỗ củi trên thế giới, ước tính mỗi người dùng 0,2-0,3 m3/năm để nấu ăn, bằng 10 lần số gỗ dùng để làm nhà, làm đồ mộc và làm giấy. Vì vậy, việc chế tạo ra các lò đun tiết kiệm năng lượng là một biện pháp quan trọng ngăn chặn nạn phá rừng.

- Phải tích cực trồng rừng, thâm canh rừng sao cho trồng rừng nhiều hơn phá rừng. Trong hội nghị quốc tế lần thứ 8 về rừng ở Giacacta đã khẳng định: Rừng cũng phải thâm canh như đồng ruộng; cách mạng xanh không phải chỉ ở nông nghiệp mà có cả trong lâm nghiệp.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục toàn dân về vai trò của rừng, thực trạng của rừng, đưa nội dung bảo vệ rừng vào các chương trình giáo dục và đào tạo. Vận động định canh, định cư, phát triển nông lâm kết hợp.

- Chú trọng công tác quy hoạch, quản lý và bảo vệ rừng, tránh khai thác bừa bãi, khuyến khích toàn dân trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng. Đẩy mạnh chương trình nghiên cứu toàn diện về bảo vệ môi trường rừng, hoàn thiện các phương thức nông lâm kết hợp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

- Giảm áp lực dân số lên tài nguyên rừng bằng cách tăng cường giáo dục dân số, áp dụng các biện pháp kiểm soát kế hoạch hóa gia đình.

- Động viên toàn dân thực hành tiết kiệm trong sản xuất và đời sống, trong đó tiêt kiệm lương thực, thực phẩm, tiết kiệm gỗ củi... Trồng cây mọc nhanh, tích cực trồng rừng đa dạng, đồng thời xây dựng hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên.


5.3.4.2. Chiến lược khôi phục và bảo vệ rừng Việt Nam


Suy thoái rừng của nước ta là điều rất đáng lo ngại, gây những ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, xã hội và môi trường, do đó việc bảo vệ rừng và tài nguyên rừng là vấn đề cấp bách. Trước hết cần tích cực bảo vệ những rừng hiện có.

- Đẩy mạnh trồng rừng, đưa tỷ lệ che phủ lên 45% diện tích tự nhiên. Theo Đề án ứng phó biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ nâng độ che phủ rừng lên 45%, ổn định diện tích rừng đặc dụng trên 2 triệu héc ta, phục hồi 0,62 triệu héc ta rừng tự nhiên, trồng thêm 250.000 héc ta và tái sinh tự nhiên 750.000 héc ta rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, cải tạo 350.000 héc ta rừng tự nhiên nghèo.

Trong đó, cần tập trung ưu tiên trước mắt vào việc bảo vệ và xây dựng một hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, ven sông, suối và các công trình thủy lợi, thủy điện quan trọng; trồng rừng phòng chống gió và cát ven biển; xây dựng vành đai cây xanh cho các trung tâm dân cư và khu công nghiệp.

- Đẩy mạnh phương thức nông lâm kết hợp, tăng cường thâm canh trong nông nghiệp, giải quyết căn bản nhu cầu lương thực, thực phẩm, củi đun, gỗ gia dụng.

- Bảo vệ tính đa dạng di truyền của các loài động, thực vật có ý nghĩa kinh tế và khoa học, tích cực xây dựng các khu bảo vệ thiên nhiên.

- Tăng cường giáo dục môi trường cho toàn dân, kiểm soát sinh đẻ kế hoạch, quy hoạch tối ưu đất đai v.v.



Chúng ta ngày càng thấy thấm thía ý nghĩa sâu sắc những lời căn dặn của Hồ Chủ Tịch khi người phát động tết trồng cây vào đầu năm 1960. Người luôn luôn quan tâm và theo dõi vấn đề bảo vệ rừng. Người nhắc nhở “rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ và xây dựng thì rừng rất quý”, đây là lời phát biểu trong Hội nghị tuyên giáo miền núi năm 1963 của Người. Trong bức thư gửi Đại hội hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du ngày 11-4-1964 Bác viết: “Hợp tác xã nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng. Nếu rừng kiệt thì không có gỗ, mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán... phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình”.

5.3.4.3. Những điều lưu ý khi sử dụng rừng Việt Nam


- Đối với rừng tự nhiên còn nhiều cây gỗ: Phải khai thác hợp lý, tức là khai thác những cây đến tuổi khai thác, cây sâu bệnh, cong queo, chặt cây nhỡ, cây nhỏ, cây loại cần thiết để mở khoảng sống cho cây có ích... sao cho sau khi khai thác, rừng trở nên trẻ hơn, khỏe mạnh hơn, khoảng sống được điều tiết, phát huy tái sinh cây có giá trị kinh tế.

- Đối với rừng tự nhiên khai thác kiệt: Phải làm giầu rừng bằng cách kết hợp tái sinh tự nhiên với tái sinh nhân tạo. Đến khi đủ điều kiện khai thác thì chia rừng thành từng dải, chặt từng dải hẹp và trồng cây có giá trị kinh tế cao, trồng cây rừng xen kẽ dải rừng chừa lại để thúc đẩy tái sinh tự nhiên (băng chặt băng chừa). Những dải rừng trồng được che chắn bởi những dải rừng chừa lại có tác dụng giữ đất, giữ nước và che chắn các yếu tố bất lợi. Đồng thời phải xử lý những dải rừng tự nhiên như loại bỏ cây sâu bệnh, cây nhỏ ở nơi quá dầy để tái sinh tự nhiên tốt hơn, tránh sự cạnh tranh không gian dinh dưỡng.

- Rừng trồng: Trước kia ta thường trồng rừng quảng canh, giống xô bồ, không bón phân và chăm sóc ít. Hiện nay, với xu thế chung là trồng cây mọc nhanh xen với cây bản địa, trồng rừng đa dạng, thâm canh, chọn giống tốt, áp dụng trồng cành chiết, trồng hom lấy ở cây ưu tú. Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, trồng quảng canh chỉ cho năng suất 8-10 m3/ha/năm, thâm canh cho năng suất từ 20-30 m3/ha/năm.

- Kinh doanh rừng tre trúc: Việt Nam có khoảng 1,5 triệu ha tre trúc, chúng tái sinh bằng cách đâm măng. Cây 2-3 năm tuổi có năng lực đâm măng lớn nhất, măng thường mọc vào mùa mưa ẩm. Nếu ta khai thác vi phạm qui luật đâm măng sẽ làm tổn hại lớn đến sự phát triển của loại rừng này, do đó nên khai thác tre trúc ở tuổi hợp lý. Nhiều tài liệu cho thấy, khai thác tre trúc tốt nhất khi cây 4 tuổi, cứ 4 năm khai thác 1 lần có thể đạt 3,5 tấn/ha/năm. Khai thác rừng tre trúc ở tuổi non quá sẽ bị suy kiệt dần, cây nhỏ, bị lão hóa, cây ra hoa rồi chết (hiện tượng khuy).

- Kinh doanh rừng lâm sản quí: Việt Nam nên quy hoạch các loại lâm sản quý như quế, rừng trầm hương và kỳ hương là những lâm sản quý và đắt. Các loại sâm, tam thất, ngũ gia bì, sa nhân, thảo quả. Các cây quý có lợi ích nhiều mặt như: cây lấy gỗ, lấy dầu, làm thuốc, lấy nhựa... như thông, trám, trẩu, sở...Từ lâu nước ta đã có quế nổi tiếng (quế Quì Châu, quế Thanh Hóa). Quế phát triển tốt ở vùng núi cao trên 400m so với mực nước biển. Tại các tỉnh Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Phú Khánh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh,… và vùng Đông bắc có khả năng phát triển khoảng 15.000 ha.

- Kinh doanh chim thú rừng: Chim, thú là một bộ phận của tài nguyên rừng, được thế giới quan tâm phát triển. Ở Cộng hòa dân chủ Đức và một số nước châu Âu, giá trị thu được từ chim thú rừng/ha bằng 1/4-1/2 giá trị gỗ. Ở Đông Nam Á có nhiều nước đã thành lập các công ty kinh doanh động vật rừng. Ở nước ta tuy còn non kém về mặt này song gần đây đã có các trại nuôi rắn, trăn, tắc kè, gấu, hươu sao... Hươu sao là con vật duy nhất đã được nuôi khá lâu đời ở Nghệ Tĩnh cũ. Hiện nay, một số nơi khoanh nuôi chim, thú để phục vụ khách tham quan du lịch như đồi cò Ngọc Nhị, Sơn Tây, khu sinh thái Đầm Long và rừng Bằng Tạ tại Sơn Tây.



- Sử dụng rừng vào mục đích văn hóa và nghỉ ngơi giải trí: Các đô thị lớn và các khu công nghiệp tập trung của nước ta ngày một đông đúc do nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp. Trong vài thập kỷ nữa sẽ có hàng chục thành phố từ 50 vạn đến1 triệu dân sinh sống, chúng ta cần phải dành một diện tích rừng thích đáng cho cảnh quan và nghỉ ngơi. Có kế hoạch nuôi dưỡng các loài chim thú quý để người dân thêm gần gũi thiên nhiên và càng yêu đất nước hơn. Đó là những công trình văn hóa thể hiện đầu óc thẩm mỹ và trình độ học vấn của người dân đô thị.

- Sử dụng rừng để đảm bảo nguồn nước ngọt cho thủy lợi và thủy điện. Nghề nông cổ truyền đã đánh giá đúng vị trí số 1 của nước trong canh tác “nhất nước, nhì phân...”, 8 triệu ha đất nông nghiệp của ta mỗi năm cần 8.106 x 15000m3 nước. Mặt khác, do nhu cầu sử dụng điện năng của nước ta ngày càng tăng nên việc phát triển thủy điện là cần thiết. Để có nước và giữ được nước thì các lưu vực sông phải có rừng rậm phủ kín, có nhiều cây cổ thụ. Người ta đã chứng minh được hệ số dòng chảy ở đồi trọc là 0,8-0,9, còn trên đất rừng thì chỉ có 0,1-0,2 hoặc thấp hơn. Vì vậy, sử dụng rừng để giữ nước ngọt, giữ đất mặt là rất cần thiết.

- Sử dụng rừng để tạo cho đất nước sự hài hòa của cảnh quan và sự thịnh vượng. Một đất nước có diện tích đất liền 33 triệu ha mà có trên 6 triệu ha đất trống đồi núi trọc là một điều rất đáng lo ngại. Nhiễu loạn thiên nhiên, cảnh quan hoang mạc, khe khô suối cạn gia tăng theo diện tích rừng bị giảm sút. Vì vậy, chúng ta phải trồng rừng nếu như không muốn đẩy mình và các thế hệ con cháu vào chỗ bế tắc.

- sử dụng rừng để phát triển sản xuất nông lâm kết hợp. Có 3 hình thái:

(1). Cây rừng và rừng tạo điều kiện sinh thái thuận lợi cho cây lương thực và cây thực phẩm;

(2). Cây rừng và rừng cho cây công nghiệp và cây ăn quả;

(3). Cây rừng và rừng cho đồng cỏ chăn nuôi.

Phải biết rõ yêu cầu sinh thái và sự phát triển bộ rễ để bố trí cây ở các tầng, đảm bảo thu hoạch và bảo vệ rừng rậm có tác dụng phòng hộ nhờ kết cấu rừng nhiều tầng, vườn nhiều tầng, nhiều mục đích, đó chính là sự vận dụng một cách thông minh cấu trúc của rừng nhiệt đới, vừa có hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ được môi trường và các điều kiện sinh thái.


5.3.5. Vai trò của cây rừng trong hệ sinh thái nông nghiệp (tự học và thảo luận nhóm)


Ngăn chặn sa mạc hóa, hay cải tạo sa mạc thành vùng sản xuất nông nghiệp đều phải dùng cây rừng hoặc một loại cây hoang dại khỏe mạnh, chống chịu được với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường (nóng, lạnh, gió, bão...).

Cây rừng có thể tạo ra cho con người những cảnh quan thật kỳ lạ. Vùng khô hạn nứt nẻ của tỉnh Thuận Hải cũ (Ninh Thuận và Bình Thuận) vào những ngày trời nắng, mặt trời nhiệt đới thiêu đốt không khí như muốn nóng sôi lên. Theo các logic thông thường thì cuộc sống khó mà có được ở đây. Nhưng trên cồn cát trắng nóng bỏng ấy lại là một thị trấn và xóm làng thịnh vượng. Những cây phi lao, dừa và những cây họ đậu mọc quanh những vườn cây ăn quả. Có người gọi cây keo là niềm hy vọng chống sa mạc hóa và nạn đói. Những cây phi lao đã góp phần đắc lực cải thiện môi trường sống rất khắt khe cho cây trồng và con người vùng cát, chúng chống gió, chống nóng, chống cát bay, che phủ mặt đất, làm giầu dinh dưỡng cho đất: Đó là sự cộng sinh bởi cây keo dậu ôm lấy những đám ngô, những vườn cây ăn quả... Không phải ở đây mà tất cả mọi vùng cát đều có hiện tượng cộng sinh như vậy. Biển, rừng và nương vườn là một hệ sinh thái tuyệt đẹp vốn không có trong tự nhiên mà do con người sáng tạo ra, bắt đầu bằng trồng cây phòng hộ. Ở vùng ven biển, lượng mưa không phải là thấp nhưng vẫn thiếu nước, do gió gây khô, cát thoát nước và bắt nóng nhanh, cây nông nghiệp có bộ rễ ngắn không thể sống nổi. Có đai rừng và bờ cây che chắn gió, lá rụng che phủ mặt đất, có mùn giữ nước, giảm bốc hơi nước. Nhờ những cây rừng, cây hoang dại vốn quen sống ở vùng khô hạn, có bộ rễ phát triên, nó đã tạo ra điều kiện sống thuận lợi cho những sinh vật khác. Rừng đã trở thành chủ thể trong hệ sinh thái vùng ven biển.

Cảnh quan ở những vùng đồi núi, nhờ sức sống mãnh liệt và bộ rễ phát triển bền vững trên sườn dốc, rừng đã tồn tại và phát triển từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Rừng che phủ kín mặt đất bằng các tầng lá trên không và lớp thảm mục, chúng giữ nước, giữ đất và tạo cho rừng thế đứng bền vững. Ở những nương sắn, đồi chè không che kín nổi mặt đất để cho mưa xói và nước chảy bào mòn, sản lượng sút kém dần và cuối cùng thì mất sức sản xuất vì thiếu nước và dinh dưỡng. Người dân vùng đồi núi đã bắt chước thiên nhiên tạo ra một kiểu vườn đồi khá rậm kín với nhiều loài cây to nhỏ sắp xếp theo kiểu kiến trúc rừng, đó là những mô hình nông lâm rất khoa học, ở đây cây rừng được thay bằng cây ăn quả như mít, xoài, nhãn, vải, cam, quýt... sau đó đến chè và các loại cây lương thực. Trên các đồi trồng chè theo kiểu kiến trúc ấy nhiều nơi đã trồng thêm dứa ăn quả theo vành đai và đào mương hứng nước. Kiểu kiến trúc rừng vườn đó có tác dụng tạo cho rừng vườn có nhiều tầng lá từ thấp lên cao tận dụng ánh sáng, che chắn mặt đất, khối lượng nước mưa được tiêu đi nhờ rễ cây, thảm mục và mương máng. Sức mạnh của dòng chảy bị hãm lại nhờ nhiều thân cây lớn và các vành đai chè, dứa.

Những mô hình nông lâm kết hợp ấy đã tồn tại và phát triển tốt trên vùng đồi, vườn đồi là công trình kiến tạo rất bền bỉ và khôn ngoan, có sự hiểu biết các qui luật sinh thái, biết chọn các loài cây quí thay cho cây hoang dại. Một mảnh vườn như vậy quanh năm xanh tốt và sản xuất ra nhiều loại sản phẩm quý giá.

Ngoài kiến trúc vườn rừng còn có cảnh đầm ấm của rừng bảo vệ phía trên với ruộng bậc thang phía dưới, ở đây rừng làm giầu cho ruộng bậc thang bằng phân xanh, dinh dưỡng và nước tưới, rừng phía trên càng xanh tốt thì ruộng bậc thang càng xum xuê sai hoa trĩu quả. Do đó mà phải giữ gìn rừng vốn có, nếu là đồi núi trọc thì cần phải trồng cây gây rừng. Rừng và cây rừng đúng là người bảo hộ vĩ đại cho cây trồng nông nghiệp, mặt khác chúng còn là người bạn gần gũi và quý giá của người nông dân.

* Câu hỏi thảo luận: Tại sao nông lâm kết hợp là phương thức sản xuất có ý nghĩa chiến lược của Việt Nam?

Sử dụng đất theo phương thức nông lâm kết hợp là cách làm thích hợp với điều kiện tự nhiên-kinh tế-xã hội của nước ta. Việt Nam là một trong 13 nước đông dân nhất thế giới. Đất chật, người đông, nhưng chúng ta mới sử dụng 2/3 diện tích đất của cả nước, trong đó đất dùng cho nông nghiệp năm 2012 là 9,3 triệu ha (chiếm 28,2%), diện tích đất lâm nghiệp (rừng tự nhiên và rừng trồng) của cả nước còn rất thấp, chưa sử dụng hết khả năng cho phép. Diện tích đất trống đồi núi trọc, đất cồn cát và đất ngập nước còn tương đối lớn (trên 6 triệu ha), đó là điều cần quan tâm xem xét. Chúng ta thấy rõ cần phải sử dụng đất đai hợp lý theo hướng thâm canh và kết hợp nông lâm, đó là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề do cuộc sống đặt ra về lương thực, thực phẩm, củi gỗ và cải thiện môi trường... khai thác tối đa tiềm năng sinh học to lớn của vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa.

Trong tập quán và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của nhân dân ta từ rất xa xưa đã có hình thức “luân canh rừng-rẫy”, sau này do áp lực dân số, vòng quay luân canh đó bị rút ngắn dần lại. Độ màu mỡ của đất chưa được hồi phục lại đã phải thay chỗ cho rẫy lần sau, đất bị thoái hóa dần và rừng tái sinh đã nhường chỗ cho các trảng cỏ. Người Mường Thanh Hóa còn có tập quán trồng luồng xen lúa nương, ngô trong 2 năm đầu để tận dụng đất đai khi luồng chưa khép tán. Đồng bào các dân tộc vùng núi tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh cũng có tập quán trồng quế kết hợp với lúa nương và sắn trong 3 năm đầu để tạo bóng che cần thiết cho quế lúc còn non, đó chính là những mô hình nông lâm kết hợp, hợp lý và bền vững.

Nông lâm kết hợp là bao gồm các hệ canh tác sử dụng đất đai hợp lý, trong đó các loại cây thân gỗ được gây trồng và sinh trưởng trên các dạng đất đai canh tác cây nông nghiệp và ngược lại, các cây trồng nông nghiệp cũng được trồng trên các dạng đất canh tác cây lâm nghiệp. Các thành phần cây gỗ và cây nông nghiệp được sắp xếp hợp lý trong không gian, hoặc được kế tiếp nhau theo thời gian. Giữa chúng luôn có tác động qua lại lẫn nhau về phươgn diện sinh thái và kinh tế (Lundgren, 1982).

Chữ “kết hợp” ở đây biểu thị sự gắn bó hữu cơ giữa các cây nông nghiệp với các cây lâm nghiệp trên một vùng hoặc một địa bàn sản xuất. Thành phần của các hệ canh tác nông-lâm kết hợp bao gồm 3 yếu tố chính: (1) cây thân gỗ sống lâu năm; (2) cây thân thảo (cây nông nghiệp hoặc cây cỏ); (3) con vật nuôi. Căn cứ vào sự kết hợp giữa 3 thành phần chính trên thực địa, phân tích mối tương quan giữa 3 yếu tố đó chúng ta có thể sắp xếp thành các hệ canh tác kết hợp khác nhau. Sau đây là một số hệ canh tác thường gặp ở nước ta.

(1). Hệ canh tác Nông-Lâm kết hợp: Với mục đích sản xuất chính là cây nông nghiệp, việc trồng xen các loài cây thân gỗ lâu năm nhằm phòng hộ, che chắn cho cây nông nghiệp như: chắn gió, rét, chống xói mòn, cải tạo đất, giữ độ ẩm, che bóng... giúp ta thâm canh tăng năng suất cây trồng nông nghiệp, kết hợp cung cấp thêm củi, gỗ gia dụng... Hệ canh tác này phải đảm bảo nguyên tắc chung là cây lâm nghiệp không làm giảm năng suất của cây trồng nông nghiệp.

(2). Hệ canh tác Lâm-Nông kết hợp: Trong hệ canh tác này mục đích sản xuất cây lâm nghiệp là cơ bản, việc tiến hành trồng xen các loài cây nông nghiệp nhằm hạn chế cỏ dại, thúc đẩy cây rừng phát triển tốt hơn, chăm sóc bảo vệ được rừng trồng. Tận dụng đất và giải quyết một phần lương thực thực phẩm tai chỗ ở vùng đồi núi (lấy ngắn nuôi dài). Việc trồng xen này cũng phải tuân theo nguyên tắc cây nông nghiệp không được làm giảm năng suất và chất lượng cây rừng.

- Hệ canh tác này có 2 kiểu sau:

+ Giai đoạn cây rừng chưa khép tán: Có mô hình trồng xen cây nông nghiệp với loài cây rừng ưa sáng (bồ đề, tếch, tre luồng). Mô hình trồng xen cây nông nghiệp với các loài cây rừng cần che bóng trong giai đoạn đầu như (mỡ, quế, sao, dầu).

+ Kiểu trồng xen cây lương thực, thực phẩm, cây dược liệu dưới tán rừng: Trồng cà phê chè dưới tán rừng; trồng dứa ta, sa nhân, thảo quả hoặc trồng gừng dưới tán rừng.

(3). Hệ canh tác Nông-Lâm-Súc kết hợp: Bao gồm các đồng cỏ chăn thả được trồng xen các loài cây thân gỗ lâu năm có thể mọc rải rác hoặc tạo thành các băng rừng ngăn súc vật, che chắn gió rét. Áp dụng phương thức chăn thả luân phiên, chú ý phát triển các cây gỗ họ đậu có khả năng cố định đạm, vừa nâng cao độ phì cho đồng cỏ, cải tạo đất, đồng thời lá của chúng có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc.

(4). Hệ canh tác Lâm-Ngư kết hợp: Các hệ canh tác ở vùng rừng ngập mặn với tôm, cá; và kiểu rừng tràm với cá và ong.

(5). Hệ canh tác Nông-Lâm-Ngư kết hợp: Thường được tổ chức kết hợp trồng rừng tràm với lúa nước của đồng bào vùng ven biển (lúa nước xen với tràm trong 2 năm đầu); hoặc cấy lúa ven rừng tràm với cá, tôm và ong).

(6). Hệ canh tác Nông-Lâm-Ngư-Súc kết hợp: Hệ canh tác này cần được thực hiện trên địa bàn rộng như ở các vùng đất cát ven biển, đất ngập mặn ven biển, đất phèn, phù sa châu thổ, đất đồi và cao nguyên, đất núi...

CÂU HỎI ÔN TẬP


  1. Thế nào là tài nguyên, môi trường? Phân loại tài nguyên theo khả năng tái tạo?

  2. Cho biết lịch sử phát triển của con người tác động đến tài nguyên, môi trường? Trong các giai đoạn đó những giai đoạn nào con người tác động vào tài nguyên và môi trường mạnh mẽ nhất? Tại sao?

  3. Tại sao sự cần thiết và đồng bộ phải bảo vệ tài nguyên và môi trường?

  4. Thế nào là đất? Công thức toán học của đất? Trong các yếu tố hình thành đất thì yếu tố nào là quan trọng? Vì sao?

  5. Trình bày vai trò của đất đối với đời sống con người?

  6. Nêu tình hình chung về đất của thế giới? Hai tai họa về đất của thế giới?

  7. Tình hình chung về đất Việt Nam?

  8. Những vấn đề về đất trung du và miền núi của Việt Nam? Liên hệ địa phương?

  9. Thế nào là ô nhiễm đất? Thoái hóa đất? Cho ví dụ cụ thể?

  10. Nêu nguyên nhân làm đất Việt Nam bị thoái hóa và ô nhiễm?

  11. Nêu một số biện pháp sử dụng hợp lý tài nguyên đất ở Việt Nam?

  12. Trình bày vai trò của rừng đối với đời sống và sản xuất

  13. Cho biết nguyên nhân làm cho diện tích rừng thế giới bị giảm

  14. Trình bày hiện trạng tài nguyên rừng Việt Nam, suy thoái rừng VN nguyên nhân suy thoái?

  15. Nêu chiến lược khôi phục và bảo vệ rừng thế giới và Việt Nam?

  16. Trình bày biện pháp sử dụng, bảo vệ hợp lý tài nguyên rừng của Việt Nam.

Tài liệu học tập:

1. Đặng Kim Vui, Bùi Tuyết Nhung, Nguyễn Thị Mão, 2003, Giáo trình Sinh thái học nông nghiệp và quản lý tài nguyên - môi trường, NXBNN Hà Nội.



Tài liệu tham khảo:

  1. Cao Liêm. Trần Đức Viên, 1990, Sinh thái học nông nghiệp và Bảo vệ môi trường (2 tập). Nhà xuất bản Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp. Hà Nội.

  2. Lê Văn Khoa, 1999. Nông nghiệp và Môi trường. Nhà xuất bản Giáo dục. Hà Nội.

  3. Chu Công Phùng (1996), Vì sao phải bảo vệ môi trường - NXB Khoa học kỹ thuật.

  4. Võ Quý (2007), Tổng quan những vấn đề môi trường ở Việt Nam.

  5. Vũ Trung Tạng, 2000. Sinh thái học cơ bản. NXB Giáo dục.

  6. Dương Hữu Thời, 2001. Cơ sở Sinh thái học. Nhà xuất bản Quốc gia.

  7. Thái Phiên, Nguyễn Tử Siêm, 1998. Canh tác bền vững trên đất dốc ở Việt Nam (Kết quả nghiên cứu giai đoạn 1990 - 1997). Nhà xuất bản NN Hà Nội.

Tài liệu tiếng Anh:

  1. Eugene P. Odum, 1983. Basic ecology. Saunders College Publishing House.

  2. Joy Tivy, 1990. Agricultural Ecology. Longman Group Publisinh House.

  3. Robert A. Wallace, Jack L. King, Gerald P. Sanders, 1986. Biology the Science of Life. Scott, Foresman and Company.

  4. R.C. Conway, 1986. Agricultural ecology and farming systems research.In Agricultural Research for Developing countries. ACIAR, Canberra, Australia.

  5. Thomas C. Emmel, 1973. An introduction to Ecology and population ecology. W.W. Norton & Company INC.



tải về 3.98 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương