MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài


Kinh nghiệm của thành phố Hải Phòng



tải về 0.69 Mb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích0.69 Mb.
#194
1   2   3   4   5   6   7

1.3.2. Kinh nghiệm của thành phố Hải Phòng

Là một thành phố nằm trong vùng Duyên hải của đồng bằng Bắc bộ, có vị trí địa lý, hệ thống giao thông thuỷ bộ, đường hàng không thuận lợi cho giao lưu kinh tế trong và ngoài nước tương tự như thành phố Đà Nẵng của miền Trung, đồng thời lại là thành phố kết nghĩa với Đà Nẵng từ nhiều năm nay, Hải Phòng cũng đang được xây dựng để trở thành một trung tâm kinh tế thương mại quan trọng của khu vực miền Bắc Việt Nam. Và trong định hướng phát triển du lịch miền Bắc, Tổng cục Du lịch coi đây là


một Trung tâm du lịch trong khu vực tăng trưởng: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Thiên nhiên và lịch sử văn hoá dân tộc cũng tạo cho Hải Phòng có những lợi thế so với các điểm du lịch trong vùng.

Tài nguyên du lịch tự nhiên của Hải phòng tập trung chủ yếu trên bãi biển Đồ Sơn và khu Quần đảo Cát Bà. Trong thời gian qua, khu nghỉ mát Đồ Sơn không ngừng được cải tạo và nâng cấp để trở thành một Trung tâm du lịch và giải trí quốc tế với các thắng cảnh nổi tiếng như: đảo Cô Tiên, nhà nghỉ Vạn Hoa, rừng thông... Khu quần đảo đá vôi nằm trong vịnh Bái Tử Long có diện tích trên 200 km2 đã được Chính phủ cho phép lập Vườn quốc gia với tên gọi: Vườn quốc gia Cát Bà, có cảnh quan và hệ sinh thái: rừng, biển, hang động thiên nhiên, suối nước nóng... khá hấp dẫn được coi là một tiềm năng du lịch hàng đầu của khu vực Bắc Bộ, và hiện nay đã trở thành Vườn quốc gia thứ 1000 của thế giới được công nhận.

Tài nguyên du lịch nhân văn của Hải Phòng cũng rất phong phú với nhiều Di tích được xếp hạng như: Di tích lịch sử và danh thắng Tràng Kênh, khu di chỉ Cái Bèo - Việt Khê, di tích khảo cổ văn hoá Đông Sơn, di tích kinh đô Triều Mạc - Kiến Thuỵ... và hàng trăm đền chùa miếu mạo. Ngoài ra, nhắc đến Hải Phòng mọi du khách nhất là khách nội địa đều không thể không nhắc đến các làng nghề nổi tiếng như: Làng nghề thuốc lá Vĩnh Bảo, Làng nghề sơn mài Đông Minh.

Từ khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện chiến lược kinh tế mở, du lịch Hải Phòng phát triển nhanh chóng. Đặc biệt trong giai đoạn từ 2000 tới 2005, tốc độ tăng trưởng khách tăng lên rõ rệt, nhất là khách du lịch quốc tế; theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của du lịch Hải Phòng đạt con số bình quân năm là 29,2%, từ 363.000 lượt khách đón năm 2003 tăng lên 442.000 lượt trong năm 2004, ngày lưu trú bình quân của một du khách cũng tăng từ 1,6 đến 1,8 ngày/khách. Trong đó khách quốc tế đến từ các nước đa số được nối tour từ Hà Nội và các tỉnh phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh, còn chủ yếu khách từ Trung Quốc qua Hải Phòng do chính các công ty lữ hành tại đây thực hiện. Ngoài ra, hàng năm Hải Phòng cũng đón một lượng khách nội địa rất lớn; từ con số khách nội địa năm 1994 chỉ là 324.500 lượt, đến năm 2004 Hải Phòng đã trực tiếp đón gần 1.677.000 lượt khách du lịch nội địa. Nhờ đó đã đạt được doanh thu chuyên ngành khá cao; năm 2004 đạt 1.226,9 tỷ VND vượt 17,6% so với năm 2003 [32].

Để đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy, thời gian qua ngành du lịch Hải Phòng phải vượt qua rất nhiều khó khăn từ công tác lập quy hoạch, định hướng phát triển, xây dựng chiến lược đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch... Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp, với chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là việc kêu gọi đầu tư trong nước, du lịch Hải Phòng đã bước đầu thu được những thành công.



Thứ nhất: ngành đã quan tâm đầu tư cho các cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh dịch vụ từ nhiều nguồn vốn huy động được trong xã hội và từ nước ngoài, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của mọi đối tượng khách. Trong đó tập trung xây dựng các khu điểm tham quan nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hệ thống nhà hàng, cảng biển, kết hợp với việc bảo vệ và phát huy giá trị các điểm du lịch sinh thái trong vùng.

Thứ hai: thường xuyên đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền xúc tiến quảng bá du lịch thông qua việc tham gia và phối hợp tổ chức các hội chợ xúc tiến du lịch do ngành tại địa phương hoặc Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức. Trong đó có thể nói sự phối hợp quảng bá mang tính liên vùng đã thực sự giúp cho du lịch Hải Phòng trở thành trung tâm trong tuyến du lịch Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long, từ đó phát triển được cả thị trường khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh. Mặt khác, nhờ phát huy tốt nội lực của các doanh nghiệp do ngành quản lý trong việc nắm bắt các cơ hội về thị trường, khách hàng, nhất là tranh thủ nguồn khách du lịch Trung Quốc được vào Việt Nam bằng giấy thông hành... mà Hải Phòng đạt tốc độ tăng trưởng cao về du lịch.

Ngoài ra, các giải pháp lớn về nguồn lực như: Chú trọng quy hoạch và kiện toàn đội ngũ cán bộ, thường xuyên quan tâm đến công tác đổi mới tổ chức bộ máy trong ngành, thực hiện đào tạo và tổ chức đào tạo lại tay nghề và quản lý cho đội ngũ cán bộ công nhân viên làm công tác du lịch, đặc biệt chú trọng đào tạo kiến thức ngoại ngữ, văn hoá, lịch sử... đã tạo hiệu quả tổng hợp giúp cho du lịch Hải Phòng có những đột phá trong sự phát triển và đóng góp ngày càng cao vào GDP toàn thành phố.




Chương 2

THỰC TRẠNG DỊCH VỤ DU LỊCH Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG NĂM NĂM QUA (2001-2005)
2.1. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ DU LỊCH TẠI ĐÀ NẴNG TRONG NĂM NĂM QUA

2.1.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hoá, xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển dịch vụ du lịch ở Đà Nẵng

2.1.1.1. Đặc điểm tự nhiên

Đà Nẵng toạ lạc trên kinh tuyến 108”, vĩ tuyến 16-17”30, trên bờ biển miền Trung Việt Nam. Phía Bắc giáp Thừa Thiên - Huế mà đèo Hải Vân là nơi phân chia ranh giới. Từ đèo Hải Vân tiến vào Nam ven theo bờ vịnh về hướng đông bắc, Đà Nẵng hình thành và mở rộng bên bờ vịnh và con sông Hàn chạy suốt đến sông Cổ Cò (nay đã bị bồi lấp), là một vùng đất nằm ven sông và bờ biển nên trước đây 2/3 diện tích đất là cát.

Phía Đông Bắc, ngay bờ biển là ngọn núi Sơn Trà, độ cao khoảng 700m, rộng gần 4.600m2. Núi Sơn Trà được nối với đất liền tại chân núi phía Tây bằng một bãi cát trắng dài tạo thành bán đảo Tiên Sa, dân địa phương quen gọi là bãi cát Sơn Trà.

Đà Nẵng được coi là hải cảng quan trong nhờ vào con vịnh. Bởi chính Vịnh Đà Nẵng đã tạo nên vóc dáng giao lưu về hàng hải của cả miền Trung Việt Nam. Vịnh Đà Nẵng khá rộng, sâu và kín gió, rất thuận tiện cho tàu bè ra vào tránh gió bão khi ngang qua miền Trung. Phần Cực Bắc của Đà Nẵng là chân đèo Hải Vân.

Nằm về hướng Bắc và Đông bắc của Đà Nẵng là Trà Sơn cùng với Hải Vân và các núi Thông Sơn (Hòn Hành), hòn Mỏ Diều, núi Cổ Ngựa và đảo Ngự Hải tạo thành vùng hải cảng quan trọng, đầu mối giao thương nhộn nhịp và phát triển vững bền của kinh tế Đà Nẵng.

Sông ngòi của Đà Nẵng xuất phát từ con sông Thu Bồn của Quảng Nam, khi chảy đến huyện Điện Bàn thì chia ra hai nhánh, một nhánh chảy ra cửa Đại Chiêm ở Hội An, một nhánh chảy về sông Vĩnh Điện rồi ngược dòng về hướng Bắc đổ về sông Cẩm Lệ. Sông Cẩm Lệ lại chia thành hai nhánh là sông Hàn và sông Cổ Cò đổ ra cửa biển Đà Nẵng.

Trong cuốn “Đại Nam nhất thống chí" của quốc sử quán triều Nguyễn đã mô tả Đà Nẵng như sau: Ở phía Bắc huyện Hoà Vang, có tên là Vũng Đà Nẵng, phía Tây có núi Sơn Trà, phía Bắc có ải Hải Vân, phía Tây là Tấn Cu Đê, chu vi dài rộng ước 29 dặm, phía Đông Nam là vũng Sơn Trà, là vũng biển lớn, nước sâu lại rộng, ngoài có các núi ngăn che, không có ba đào dữ dội nên những ghe tàu qua lại gặp gió lớn hay đậu nghỉ ở nơi đây [1, tr.47].

Chính nhờ có vị trí dư thuận lợi như thế nên Đà Nẵng trở thành một địa điểm hấp dẫn đối với khách tham quan du lịch khiến cho ngành du lịch có điều kiện phát triển.



Về khí hậu: Từ Hải Vân trở vào Nam là phạm vi của đới rừng á xích đạo Đà Nẵng không có mùa khô rõ rệt do tác dụng của bức chắn là khối núi Bắc Kontum, nên tuy trong mùa gió đông bắc nhưng lượng mưa vẫn còn đáng kể. Đà Nẵng cũng không có mùa Đông vì nhiệt độ trung bình các tháng đều trên 200C. Trong 04 tháng đầu năm khí trời dịu mát và khô ráo. Từ tháng tư đến tháng chín nắng nóng nhưng đặc biệt mùa nắng lại không phải là mùa mưa vì có dải Trường Sơn chắn gió mùa Tây Nam từ Vịnh Bengale thổi tới. Mưa lạnh bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài rả rích, sau đó giảm dần về cuối năm, kết thúc vào tháng Giêng.

Bảng 2.1: Tổng lượng mưa các tháng trong các năm (2001-2005)

Đơn vị tính: mm

Năm/tháng

2001

2002

2003

2004

2005

Cả năm

2750,8

2865,3

1747,5

1375,1

1870,9

Tháng 1

44,5

32,7

22,0

87,9

36,0

Tháng 2

40,7

30,6

20,2

6,9

5,8

Tháng 3

92,5

37,0

37,6

9,5

36,4

Tháng 4

-

133,0

17,8

12,8

12,0

Tháng 5

272,8

385,0

110,3

43,7

20,2

Tháng 6

208,1

104,3

95,7

154,3

22,0

Tháng 7

36,1

30,2

12,7

244,1

136,3

Tháng 8

512,1

375,8

85,7

69,1

209,8

Tháng 9

107,9

526,9

478,0

128,6

236,0

Tháng 10

728,4

527,4

412,6

266,1

510,1

Tháng 11

307,3

470,2

295,2

258,1

432,2

Tháng 12

400,4

212,2

159,7

94,0

214,1

Nguồn: Niên giám thống kê Đà Nẵng 2005

Bờ biển Đà Nẵng vốn khúc khuỷu nhưng đã được san bằng qua phương thức cồn cát - đầm phá, các mỏm núi nhô ra biển được nối liền bởi các dải cồn. Biển sâu, hải lưu chảy nhanh hơn, bùn sét do hệ sông Vu Gia - Thu Bồn mang ra đã ít lại bị cuốn đi xa nên ven biển toàn cát trắng xám. Cũng nhờ vậy mà có nhiều bãi tắm đẹp như Tiên Sa, Non Nước, Mỹ Khê.

Danh xưng Đà Nẵng xưa không phải là tiếng Việt thuần tuý, mà bắt nguồn từ ngôn ngữ Chăm (Champa hay Chiêm Thành). Có nghĩa Đà là sông, Nẵng là lớn. Đà Nẵng có nghĩa là Sông Lớn. Sông Lớn đây hẳn là con sông Hàn. Người Việt xưa gọi là Cửa Hàn, người Pháp gọi là Tourane. Còn Lam Giang trong cuốn Trần Quý Cáp và Tư trào dân quyền đầu thế kỷ 20, cũng cắt nghĩa như trên, nhưng có đề cập thêm là nguyên tiếng Chàm có tên là: Hang Đanak- nghĩa là bờ biển buôn bán. Từ ngữ “ Đanak” có nghĩa là sông lớn, tức sông Hàn. Điều đó càng làm cho Đà Nẵng trở thành nơi hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

2.1.1.2. Về dân số, văn hoá, xã hội

Dân số Đà Nẵng hiện có khoảng 850.000 người (tháng 6/2006) sinh sống trên diện tích 1256km2, mật độ bình quân 677người /km2. Trong đó đông nhất là khu vực quận Thanh Khê: gần 11.000 dân /km2. Đại đa số là người Kinh, số ít là người dân tộc Cơ Tu ở các xã miền núi Hoà Phú, Hoà Bắc và Hoà Ninh.



Về văn hoá vật thể: Đà Nẵng có rất nhiều di tích được công nhận, đó là:

. Di tích Thành Điện Hải: Được xây dựng vào năm Gia Long thứ 12 (1813), đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823) được tái xây dựng lại tại số 1A Lý Tự Trọng, phường Thạch Thang, Quận Hải Châu.

. Di tích Bảo tàng Chăm (Cổ Viện Chàm): một viện bảo tàng cổ kính, một công trình nghệ thuật vật thể kiến trúc lớn nổi tiếng của thành phố, ghi đậm dấu ấn của người Chăm vào nền văn hóa Việt và làm cho văn hóa của Đà Nẵng trở nên phong phú và đa dạng bởi hợp đủ 3 yếu tố: Núi - Đồng bằng - Biển.

. Di tích Nghĩa Trũng Phước Ninh, quận Hải Châu. Nơi yên nghỉ của các nghĩa sĩ trong cuộc chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược Đà Nẵng năm 1858-1860.

. Di tích Nghĩa Trũng Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Nơi yên nghỉ của 1300 nghĩa sĩ trong cuộc chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha 1858-1860.

. Di tích Lăng mộ Tiểu phủ sứ Ông Ích Khiêm, được xây dựng từ năm 1884, tái trùng tu năm 1998 tại thôn Phong Bắc, làng Phong Lệ, nay thuộc phường Hoà Thọ Bắc, quận Cẩm Lệ.

. Di tích danh thắng Bà Nà: nằm phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng. Khoảng 200 năm về trước, khi Đà Nẵng thuộc đất nhượng địa của Pháp, người Pháp đã cho xây khu nghỉ dưỡng tại đây. Bởi cảnh quan và khí hậu nơi đây khá lý tưởng; với một trái núi cao ngất “như đụng mây xanh” xung quanh những núi nhỏ “xúm xít như đàn con chầu mẹ”, mùa Đông mây ủ như tuyết, mùa Hè mát mẻ êm đềm...

. Di tích danh thắng Sơn Trà.

. Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn: Cụm đá thấp nằm trên một dải cát ven biển thuộc xã Hoà Hải, huyện Hoà Vang, cách thành phố Đà Nẵng 7km về phía Đông Nam.

Theo tài liệu địa chất thì ban đầu Ngũ Hành Sơn là những hòn đảo trên biển Đông, sự xâm thực của gió và nước tạo nên những hang động. Trải qua hàng trăm năm, quá trình biển lùi ra khơi xa, nhóm đảo này được nối liền với nhau và với lục địa để trở thành 6 ngọn như hiện nay, gồm Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn, Thổ Sơn và Hòn Âm, Dương Hoả Sơn. Với các động Hoá Nghiêm, động Huyền Không, động Linh Nham, động Vân Thông, động Tàng Chơn, Vân Nguyệt Cốc và các Chùa: Linh Ứng, Chùa Tam Thai, các hang: Hang Giám Trai, Hang Âm phủ, Hang Lồng Đèn.

Tháng 6 năm 1825, lần đầu tiên Minh Mạng đến viếng Ngũ Hành Sơn, Ông cho xây dựng chùa Tam Thai, điện Hoá Nghiêm. Năm 1826 Minh Mạng cho đúc 9 tượng Phật và 3 chiếc chuông lớn tại chùa Tam Thai và xây dựng thêm các chùa miếu nơi đây.

Ngũ Hành Sơn không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn là một di tích lịch sử của miền đất này. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây đã ghi lại những chiến tích lẫy lừng của quân và dân ta. Đầu 1966 tại Giếng Tiên, cán bộ quân sự đã chỉ huy bộ đội địa phương và du kích tấn công và tiêu diệt hơn 100 lính Mỹ đóng ở chân núi Thuỷ Sơn. Tháng 4-1968, du kích ta xuất phát từ hang Âm Phủ tấn công tiêu diệt gần 40 tên lính Mỹ. Đêm 21-8-1968, anh hùng Phan Hành Sơn đã đánh một trận vang dội cả nước. Đêm 15-4-1972, phân đội pháo binh nữ Hoà Hải - Hoà Vang đã tiêu huỷ 19 máy bay Mỹ bằng 22 quả đạn cối 82 ly.

. Di tích danh thắng Hải Vân Quan (đồn Nhất) được xây dựng năm 1826, niên hiệu Minh Mạng thứ 7.

. Di tích đình làng Hải Châu: Một đình làng khá ấn tượng về văn hoá vật thể so với các đình làng khác trên địa bàn Thành phố vì nằm giữa quần thể chùa “Phước Hải Tự, lăng miếu, nhà thờ chư phái tộc" lại có hồ thả sen hồng cùng với hòn giả sơn uy nghi. Quần thể di tích đình chùa Hải Châu có 16 bàn thờ. Mặc dù đình đã qua hai lần bị di dời và nhiều lần tôn tạo trùng tu nhưng vẫn mang đậm dáng dấp văn hoá truyền thống ở những độc bình quý hiếm, những bộ lư đồng tam sự, ngũ sự, quả bồng, lư hương, tượng phật, ngựa, hạc chiêng trống cùng giá và một số từ khí khác còn bảo quản trong kho...

. Di tích nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh, đường Phan Châu Trinh, quận Hải Châu: năm 1904 cụ phó bảng Phan Châu Trinh từ quan về quê và cùng tiến sĩ Trần Quý Cáp kêu gọi một số khoa bảng yêu nước khác thành lập phong trào Duy Tân với chủ thuyết là “Khai Dân trí -Chấn dân khí - Hậu dân sinh” mà hoạt động nổi bật thể hiện ở nhiều buổi diễn thuyết, việc mở thêm gần 40 trường Nghĩa thục dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng, vận động nhân dân cắt tóc ngắn, bỏ các hủ tục lạc hậu, mặc đồ tây, chống áp bức bóc lột...

. Di tích đình làng Tuý Loan thuộc xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang.

. Đình làng Nại Nam thuộc phường Hoà Cường, quận Hải Châu.

. Di tích Lăng bia và nhà lưu niệm căn cứ lõm K.20, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn.

. Di tích Thái từ đường, thờ tiên tổ tộc Thái cùng phối thờ nhà cách mạng Thái Phiên cùng các đồng chí của ông đã dũng cảm hy sinh trong cuộc mưu khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội 1916...

Về văn hoá phi vật thể: Đà Nẵng xưa từng có nhiều Lễ hội, như:

. Lễ hội tại các đình làng: Gồm các lễ cầu yên, lễ Tất niên và Tết Nguyên Đán, lễ tế Thần Nông, lễ tảo mộ Tiền Hiền... Phần Lễ gồm nội dung tưởng niệm các bậc Thành hoàng làng hoặc tiền hiền khai khẩn làng, các bậc hậu hiền có công với làng. Phần Hội thường có hát hiến cho dân làng xem, cùng các trò chơi dân gian như đua ghe, lắc thúng (đối với các làng chài) đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt... mang đậm tính nhân văn.

. Lễ hội mục đồng của làng Phong lệ: Đây là lễ hội mang tính nhân văn sâu sắc và mang tính tập thể của đám chăn trâu, hạng người cùng cực, tôi tớ... có dịp được ngồi chiếu trên trải tại đình làng, được quyền phát biểu, ăn nói và hành xử (diễn ra chỉ trong một ngày).

. Lễ hội thi võ của làng Gián đông (Hay Hoá Châu, Quá Gián): Lễ hội với sự tham gia của trai tráng các làng Lỗ Gián, Phong Lệ. Ngoài việc tế lễ các thần linh, các bậc tiền bối trong làng thì phần hội là cuộc thi tài múa võ qua các hình thức biểu diễn, đấu võ qua hình thức đối kháng. Đồng thời, còn thi hát đối đáp hết sức hấp dẫn và vui nhộn.

. Lễ hội tế trâu làng An Hải: Làng chọn con trâu to, khoẻ, da mượt, trông oai vệ để tế sống Thần Nông tại đàn Thần Nông lộ thiên, rồi dẫn trâu về tế tiền nhân công đức tại đình làng, sau đó thả trâu tự do đi ăn mà không giết mổ, bởi quan niệm con trâu là vốn quý, là tài sản của nhà nông, gắn bó giúp nhà nông tăng gia sản xuất. Sau lễ thường có tổ chức hát bội hiến cho dân xem, đua ghe trên sông Hàn. Đây là lễ hội mang tính nhân văn cao.

. Lễ hội Long Chu làng Khái Đông: Với sự tham gia đông đảo của các làng thuộc vùng Khuê Trung, Hoà Quý, Hoà Xuân,... Trước ngày lẽ hội tất cả các thôn xóm đều dọn dẹp nhà cửa, đường sá sạch sẽ. Ngày lễ chính tổ chức rước kiệu thần Long Chu đi qua các nẻo đường làng và trở về làm lễ tại đình làng. Sau đó rước kiệu xuống bến sông và đưa lên bè (kết bằng những thân chuối) thả giữa dòng sông để bè xuôi ra biển. Đến phần hội, tổ chức thi nấu cơm ngay trên bến sông, sau dẫn về đình làng hai người khiêng nồi nấu cơm, hai người vừa đi vừa đun lửa, về đến đình làng cơm ai chín ngon thì thắng cuộc. Đây là lễ hội khá ấn tượng, vừa là cuộc thi tài vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân.

. Lễ hội Cầu ngư của các làng chài: Đây là lễ hội của hầu hết các làng chài ven biển Đà Nẵng, bất kể giàu nghèo đều tạo lập đền thờ cá ông và gọi là Lăng Ông. Đó là một loại cá to khoẻ và rất hiền lành thường hay cứu người gặp nạn trên biển. Hàng năm, lễ tế cá ông được tổ chức theo vụ mùa ra khơi đánh bắt cá, từ tháng Giêng đến tháng tư âm lịch. Tuỳ điều kiện để các làng tổ chức nhưng thường sau lễ dâng hương là phần hội có hát bả trạo (giống như hát chèo), đua ghe... Và đặc biệt là mở hội chợ gần khu vực Lăng Ông, với mục đích cung cấp hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm cho người đi biển.

. Lễ hội Quán Thế Âm (Quan Thế Âm): Là lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng tôn giáo hàng năm được tổ chức tại chùa Quan Âm dưới chân hòn Dương Hoả Sơn thuộc quần thể Ngũ Hành Sơn, từ ngày 17 đến 19/3 Âm lịch. Lễ được tổ chức với hình thức và các nghi lễ trọng thể có sự tham gia của chính quyền thành phố và Thành giáo hội, quy tụ các tăng ni phật tư của hơn 113 chùa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cùng đông đảo các đạo hữu quần chúng về dự lễ. Phần hội thường tổ chức biểu diễn văn nghệ, triển lãm tranh ảnh nghệ thuật, viết thư pháp, cắm trại... Lễ hội Quan Thế Âm tại Đà Nẵng đã được Bộ Văn hoá và Tổng Cục Du lịch công nhận là lễ hội cấp quốc gia và hiện là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước.

Đà Nẵng còn là cầu nối giữa Đông Nam Á lục địa và hải đảo bởi vị trí quan trọng trên hành lang phát triển xuyên Á - là một tổng thể các hệ thống giao thông (vận tải, viễn thông) hệ thống trao đổi (thương mại, đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, dòng chảy thông tin...) nối liền các trung tâm phát triển có quan hệ tương hỗ trong khu vực, trước xu thế toàn cầu hoá. Và trên hành lang phát triển xuyên Á này, một luồng trao đổi văn hoá ngày càng nhộn nhịp và trong tương lai nó sẽ biến thành con đường hành hương hiện đại bởi Đà Nẵng nằm giữa một chuỗi các di sản văn hoá thế giới đã được UNESCO công nhận; đó là Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Thành Huế, nhã nhạc cung đình Huế và Phong Nha - Kẻ Bàng. Đó chính là tiềm năng để phát triển của ngành du lịch Đà Nẵng, vừa đảm bảo sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, vừa góp phần xây dựng nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.



2.1.2. Bức tranh chung về dịch vụ du lịch ở Đà Nẵng

Trong những năm qua, đặc biệt giai đoạn từ 2001-2005 cùng với cả nước, du lịch Đà Nẵng có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:



2.1.2.1. Về chủ trương của Đảng, Nhà nước và chính quyển các cấp về phát triển du lịch Đà Nẵng, giai đoạn 2001-2005

Trong những năm qua, nhất là từ khi có Nghị quyết số 33/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã xác định: Đà Nẵng có vị trí trọng yếu về kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh... của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và các nước tiểu vùng Mê Kông... Là đô thị trung tâm cấp quốc gia, là một trong những trọng điểm phát triển của đất nước, góp phần quan trọng thúc đẩy các tỉnh khác trong khu vực phát triển và trở thành trung tâm kinh tế -xã hội của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên [3].

Từ đó đề ra mục tiêu phải: Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ... của khu vực miền Trung và cả nước.

Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã đề ra chương trình hành động gồm 12 nội dung lớn. Trong đó đứng thứ hai là chương trình “Tập trung phát triển ngành du lịch và các dịch vụ mà thành phố có thế mạnh. Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại du lịch dịch vụ của cả nước” [37], đồng thời tiếp tục xác định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thành phố.

Từ sự quan tâm đầu tư và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, ngành du lịch Đà Nẵng đã phấn đấu và đạt được những kết quả bước đầu.

2.1.2.2. Tình hình và thực trạng hoạt động của du lịch Đà Nẵng qua các năm từ 2001-2005

. Về tốc độ tăng trưởng: Cùng với xu thế phát triển chung của du lịch cả nước và những sự kiện du lịch nổi bật của khu vực miền Trung, du lịch Đà Nẵng đã đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2000-2005 tương đối khá: 12% (xem biểu 2.2).

Bảng 2.2: Doanh thu dịch vụ du lịch chủ yếu

Đơn vị tính: Tỷ VND




2000

2002

2003

2004

2005

Doanh thu

213.546

265.442

263.772

348.035

406.460

Trg đó:
















-Dịch vụ

130.974

163.325

183.520

245.935

286.320

-Lữ hành

82.572

102.117

80.202

102.105

120.140

Nguồn: Niên giám Thống kê Đà Nẵng 2005.

Tốc độ tăng trưởng về du lịch còn thể hiện khá rõ nét ở số du khách mà ngành đón được trong những năm qua và số lượt khách lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn, (xem biểu 2.3):



Bảng 2.3: Số khách và ngày khách đến Đà Nẵng




2000

2002

2003

2004

2005

Số khách (Lượt)
















Lữ hành

107.835

110.216

94.207

79.580

95.780

Khách sạn

285.883

447.916

453.320

476.010

507.883

Số ngày khách
















Lữ hành

213.922

248.898

183.910

219.918

295.780

Khách sạn

472.967

700.938

655.417

701.859

772.270

Nguồn: Niên giám thống kê Đà Nẵng 2005.

Qua các số liệu trên, cho thấy rằng số lượt khách đến Đà Nẵng không ngừng tăng lên, mặc dù khách được các hãng lữ hành trực tiếp đón tại Đà Nẵng có giảm sút do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng số khách đến và số ngày khách lưu trú tại các khách sạn đều có tốc độ tăng trưởng cao. Số lượt khách đến từ 285.883 lượt (năm 2000) tăng lên 507.883 lượt (năm 2005) và tương ứng với đó số ngày khách lưu trú cũng tăng lên từ 472.967 ngày (năm 2000) đến năm 2005 là 772.270 ngày khách. Nâng thời gian lưu trú bình quân do các hãng lữ hành mang lại tăng từ 1,98 ngày (năm 2000) lên 3 ngày (năm 2005). Đối với hoạt động của ngành du lịch thì đây là con số hết sức có ý nghĩa bởi nó không chỉ thể hiện tốc độ tăng trưởng về doanh số thuần tuý mà việc tăng số ngày khách lưu lại tai địa phương là thể hiện sức cuốn hút của thành phố ở nhiều mặt: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, môi trường... Điều đó chính là sự thể hiện tính tổng hợp trong hiệu quả mà ngành du lịch mang lại và đây cũng phản ảnh khá rõ nét vì sao sản phẩm của ngành du lịch lại phụ thuộc rất nhiều vào các ngành kinh tế khác trên địa bàn.

Tính đến 9 tháng đầu năm 2006, tổng lượt khách đến tham quan Đà Nẵng ước đạt 678.000 lượt, tăng 16,1%. so cùng kỳ năm 2005 và đạt 88,6% kế hoạch năm 2006; trong đó có 171.000 khách quốc tế và 507.000 khách nội địa. Tổng doanh thu ước đạt 365 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2005 và đạt 83% kế hoạch năm 2006 [32].

Có được kết quả như trên là nhờ sự phát triển của tổng thể các hoạt động dịch vụ du lịch tại Đà Nẵng trong những năm qua.



Về dịch vụ lưu trú:

Trong giai đoạn 2000 đến 2005, các cơ sở lưu trú phục vụ khách trong và ngoài thành phố có sự gia tăng đáng kể cả về số lượng và chất lượng. Điều này thể hiện ở bảng 2.4.



Bảng 2.4: Tổng hợp mạng lưới các cơ sở lưu trú




2000

2002

2003

2004

2005

* Mg lưới khách sạn:

-Số KS


- 1-5 Sao

60

22



67

32



69

32



72

33



89

38




Số buồng

2121

2370

2391

2512

2769

Số giường

4038

4431

4510

4608

5017

Nguồn: Niên giám thống kê Đà Nẵng 2005.

Con số nêu trên cho thấy tính từ năm 2000 đến 2005, số các khách sạn tại Đà Nẵng tăng 49% (60 lên 89 khách sạn). Trong đó số khách sạn được nâng cấp tăng 72%, số lượng buồng tăng 30% và số giường cũng tăng lên tương ứng 24%.

Chúng ta biết rằng để đầu tư cho bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, đặc biệt là kinh doanh dịch vụ khách sạn du lịch, đều đòi hỏi một số lượng vốn rất lớn, thời gian trả nợ dài và với lãi suất ưu việt nhất bởi phần lớn số vốn này là dành cho đầu tư cơ sở vật chất mang tính chiều sâu, khấu hao chậm. Do đó, công tác dự báo là hết sức quan trọng và cần thiết, nó giúp cho nhà hoạt động kinh doanh khách sạn du lịch đưa ra những quyết định đúng cho việc đầu tư hay không đầu tư vào loại hình này. Mặt khác, cũng phải nhận thấy rằng suốt từ những năm 90 của thế kỷ XX, khi Đông Âu và Liên Xô cũ chưa sụp đổ thì du khách của ta chủ yếu là đối tượng khách đến từ Châu Âu, đi bằng đường ký kết Hiệp định thư giữa các quốc gia, Chính phủ hoặc tổ chức Công đoàn và đặc biệt là khách không phái trực tiếp trả tiền. Về nhận thức ta cũng chưa thấy hết tầm quan trọng chiến lược của ngành kinh tế rất mới mẻ này, do vậy chưa có sự đầu tư thoả đáng. Việc phát triển số lượng và chất lượng các khách sạn trong thời gian qua thể hiện sự cố gắng trong vận động chỉ đạo của lãnh đạo địa phương với các chính sách phù hợp, đặc biệt là sự vận động của các doanh nghiệp. Mặc dù cơ cấu vốn đầu tư phát triển cho hoạt động dịch vụ của thành phố ngày càng thu hẹp so với mức độ xã hội hóa của nguồn vốn này trên địa bàn (bảng 2.5).

Bảng 2.5: Tỉ trọng vốn đầu tư các ngành kinh tế tại Đà Nẵng

Đơn vị tính: %

Tỉ lệ vốn phân

bổ cho ngành dịch vụ /  vốn cho các ngành



2001

2002

203

2004

2005

67,96

66,56

75,0

19,10

20,53

Nguồn: Niên giám thống kê Đà Nẵng 2005.

Qua đó chúng ta thấy rằng, tuy mức độ tập trung vốn đầu tư cho ngành du lịch trong những năm qua có xu hướng giảm dần, nhưng nhờ thúc đẩy xã hội hóa nhanh vào ngành thông qua các chính sách đầu tư thông thoáng và phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường dịch vụ, đã làm tăng lên nhanh chóng các sản phẩm du lịch mới: đó là hệ thống các nhà hàng và các khách sạn du lịch do tư nhân đầu tư và quản lý khai thác.



Về dịch vụ vận chuyển khai thác khách:

Hiện tại trên toàn thành phố có 27 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực dịch vu vận chuyển hành khách, trong đó thuộc diện Trung ương quản: 05 doanh nghiệp, địa phương: 01 doanh nghiệp, tập thể: 09 và tư nhân hổn hợp khác: 12 doanh nghiệp. Tổng số 27 doanh nghiệp trên quản lý hơn 1.890 lao động (năm 2001 mới chỉ có 109 người, năm 2002: 174 người, năm 2003: 184 người, năm 2004: 1.892 người và đến năm 2005 là con số: 1.890 lao động). Như vậy ta thấy, số lao động phục vụ trong hoạt động dịch vụ vân chuyển khách du lịch năm 2004 so với năm 2003 tăng 10 lần. Tương tự số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này cũng phát triển nhanh: năm 2000 chỉ có 5 doanh nghiệp, đến 2005: 27 doanh nghiệp, tốc độ phát triển cao nhất là từ 2003  2004 (từ 10 doanh nghiệp lên 26 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ vận chuyển gồm đường bộ: 18, biển: 07 và sông: 01) [5].

Về vận chuyển đường bộ là các Công ty du lịch chuyên nghiệp như Công ty vận chuyển du lịch thuộc Vitour tại Đà Nẵng, Chi nhánh Công ty Du lịch dịch vụ đường sắt Vietravel, các hãng taxi Mai Linh, Sông Hàn, Hương Lúa, Danataxi, Airport taxi. Các đội xe của các khách sạn: Furama, Đà Nẵng, Saigon Tourane... với đội ngũ hơn 300 xe hùng hậu, thường xuyên được nâng cấp để phục vụ mọi nhu cầu của du khách.

Vận chuyển đường sông và biển có những tàu du lịch Nhà nước và tư nhân như Tàu du lịch Sông Hàn thuộc Công ty xây lắp Điện 3 quản lý, được tổ chức như một nhà hàng nổi trên sông, có sức chứa trên 400 khách, mỗi ngày phục vụ 02 chuyến cho du khách vừa du ngoạn vẻ đẹp của Sông Hàn ra cửa biển vừa thưởng thức những món ăn đặc sản của Đà Nẵng.



Về dịch vụ lữ hành khai thác khách:

Hệ thống của các đơn vị lữ hành đóng góp phần quan trọng trong hoạt động dịch vụ du lịch. Tuy lực lượng hướng dẫn viên còn thiếu và yếu, chỉ có 265 người chính thức được cấp thẻ hướng dẫn viên, nhưng trong những năm qua hoạt động lữ hành tại Đà Nẵng đã có những cố gắng đạt tốc độ tăng trưởng khá (như trên đã phân tích). Riêng số ngày khách do các hãng lữ hành mang lại từ 1,98 ngày (năm 2000) lên đến 3 ngày (năm 2005) là một cố gắng lớn của đội ngũ này.



Các dịch vụ phụ trợ khác:

Nhu cầu mua sắm lưu niệm của khách cũng được thoả mãn bởi sự phát triển có tổ chức, qui mô của các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam, Đà Nẵng như: Đá mỹ nghệ Non nước, gốm Thăng Bình, lụa tơ tằm, đèn lồng Hội An, hàng may mặc sắn, tranh lụa... Ngoài ra còn những đặc sản khác mang hương vị đặc biệt của xứ Quảng được giới thiệu ở các trung tâm thương mại lớn như chợ Hàn, Trung tâm thương nghiệp, Siêu thị, Metro...

Nhu cầu về dịch vụ giải trí như Karaoké, làm tóc gội đầu, massage... cũng được phát triển, với hàng trăm cơ sở dịch vụ lớn nhỏ trên toàn thành phố, du khách phần nào hài lòng.

Dịch vụ hỗ trợ như thông tin liên lạc, Internet, đổi tiền, sử dụng các loại thẻ quốc tế trong thanh toán... cũng được đặc biệt quan tâm cho đầu tư phát triển để đáp ứng nhu cầu du khách. Trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn từ 2000 trở lại đây, các dịch vụ hỗ trợ đã được phát triển với tốc độ nhanh chóng và đó chính là động lực khiến cho bộ mặt đô thị của Đà Nẵng trở nên sầm uất và hiện đại. Đây có thể coi như một lợi thế so sánh của Đà Nẵng trong khu vực miền Trung khi thực hiện định hướng phát triển du lịch một cách đồng bộ, hiện đại và bền vững.



Về dịch vụ ăn uống:

Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Đà Nẵng trong 5 năm qua, có thể nói sự xuất hiện của hàng trăm nhà hàng từ hiện đại sang trọng đến bình dân đã làm cho bộ mặt đô thị Đà Nẵng đổi thay nhanh chóng và phần nào đáp ứng được nhu cầu thưởng thức đặc sản của Đà Nẵng đối với du khách. Toàn thành phố hiện có trên 100 nhà hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách ngoài hệ thống nhà hàng thuộc các khách sạn,với số lượng phục vụ từ 500 đến 700 thực khách/lần. Trong đó hầu hết là do tư nhân tự bỏ vốn ra đầu tư và quản lý khai thác, dưới sự quản lý về nghiệp vụ của ngành. Ngoài ra còn những Khu phố ẩm thực, Chợ đêm, Phố đêm... đã được hình thành và đang thu hút du khách như Khu ẩm thực bên cạnh Siêu thị Đà Nẵng hiện nay.

Để tiếp tục nghiên cứu tốc độ phát triển của dịch vụ du lịch, ta có thể xem xét góc độ con số thống kê các chỉ tiêu về doanh thu của dịch vụ ăn uống. Tuy việc thống kê doanh thu từ loại hình dịch vụ này tại Đà Nẵng cũng như trong toàn ngành du lịch là khó có thể chính xác bởi phần lớn nguồn thu này thuộc về các chủ tư nhân. Theo niên giám thống kê Đà Nẵng 2005 (tháng 5-2006) nhờ chủ trương đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch của Đảng và Nhà nước, được triển khai và vận dụng vào thực tế địa phương, tổng mức bán lẻ hàng hoá của ngành thương mại và dịch vụ nói chung tăng lên nhanh chóng và đạt mức tăng trướng khá cao (xem bảng 2.6).

Bảng 2.6: Tổng hợp doanh thu bán lẻ khối khách sạn, nhà hàng ăn uống

Đơn vị tính: tỷ VND

Năm

2000

2002

2003

2004

2005

Tổng DT

880

1.392

912

845

1.254

trg đó- KS

131

163

184

246

286

-Nhà hàng

749

1.229

728

599

968

KS/NH(%)

14

11

20

29

22

Nguồn: Niên giám thống kê Đà Nẵng 2005.

Có thể nói trong thời gian qua khối các nhà hàng tư nhân tại Đà Nẵng khá phat triển và nhờ đó dịch vụ ẩm thực tại thành phố Đà Nẵng có xu hướng tăng, mặc dù chịu ảnh hưởng của các đại dịch cúm SARS, hay H5N1(2003) và thực tế đó phản ánh khá rõ nét ở con số thống kê từ ngành kinh tế thương mại dịch vụ tổng hợp nêu trên. Do đặc điểm dịch vụ này được xã hội hoá cao, chủ yếu do tư nhân đầu tư, quản lý và khai thác nên nó không là doanh thu của chuyên ngành du lịch, mặc dù vậy nó vẫn có đóng góp lớn vào việc thỏa mãn nhu cầu của mọi đối tượng khách về ẩm thực, khi đến với Đà Nẵng. Nếu xét về khía cạnh này, khối các nhà hàng đã trở thành lực lượng vệ tinh yểm trợ cho bộ mặt dịch vụ của Đà Nẵng thêm sinh động, hấp dẫn và góp phần khai thác thế mạnh từ nguồn tài nguyên dồi dào do 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh mang lại. Đồng thời nếu quản lý và có chính sách khuyến khích đầu tư thỏa đáng thì dịch vụ ăn uống sẽ mang lại hiệu quả cao không chỉ đối với du khách mà còn tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.

Mặt khác, căn cứ số liệu báo cáo từ UBND thành phố Đà Nẵng về “Tình hình triển khai chương trình phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” [38] chúng ta có thể tính được hiện nay mức chi tiêu cho 01 ngày của một du khách đến Đà Nẵng chỉ khoảng 40USD chủ yếu là chi trả cho các dịch vụ chính là lưu trú và lữ hành vận chuyển. Nếu khai thác và thống kê đầy đủ các nguồn chi tiêu của khách từ những dịch vụ phụ trợ khác như ăn uống, mua sắm quà lưu niệm, đổi tiền, sử dụng Internet... thì chúng ta sẽ thấy mức chi tiêu của du khách không chỉ dừng ở đó mà có thể còn lớn hơn nhiều. Theo thống kê của các chuyên gia nghiên cứu thì cơ cấu chi tiêu của một du khách thường là: 25%-30% chi trả cho dịch vụ lưu trú, 25%- 30% cho ăn uống,
5%-10% cho vận chuyển, phần còn lại dùng vào mua sắm và chi các dịch vụ khác. Nếu lấy doanh số từ dịch vụ lưu trú mà ngành du lịch đã thống kê so với con số tổng hợp các dịch vụ của khối khách sạn nhà hàng mà ngành thương mại tổng hợp được trong thời gian qua, chúng ta sẽ thấy phần thu từ dịch vụ lưu trú của du khách chỉ bằng 22% so với nguồn thu từ dịch vụ ăn uống nói chung (năm 2005), đó là chưa kể đến phần thu được từ các dịch vụ phụ trợ khác trên địa bàn.

Như vậy, nếu xét trên góc độ tổng thể thì thu nhập của ngành kinh tế du lịch không hề thua kém so với các ngành kinh tế khác trên địa bàn thành phố. Điều này được chứng minh thông qua bảng 2.7:



Bảng 2.7: Tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn(GDP) theo giá thực tế

Đơn vị tính: tỷ đồng

Năm

2000

2002

2003

2004

2005

Tổng số

4946

100%


6652

100%


7774

100%


9565

100%


11889 100%

Trg đó:

*N,L,TS


388

7,86


447

6,73


497

6,4


570

5,96


676

5,7


* CN,XD

2041

41,26


2895

43,52


3545

45,6


4693

49,07


6673

51,09


* DVụ

2517

50,88


3319

49,75


3732

48,0


4302

44,97


5140

43,23


Nguồn: Niên giám thống kê Đà Nẵng 2005.

Theo đó GDP của khu vực kinh tế dịch vụ chiếm tỉ trọng khá cao, trong đó ngành dịch vụ du lịch đóng góp một phần đáng kể.

Trong chương trình phát triển du lịch dịch vụ của Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng cũng đã nêu bật sự cần thiết phải hướng tới việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị “Có kế hoạch và bước đi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nay đến năm 2010 theo hướng cơ câu kinh tế công nghiệp- dịch vụ- nông nghiệp sau năm 2010 chuyển sang cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” [3]. Điều này cho ta thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố, từ chủ trương đến thực tiễn đã có sự thống nhất cao và hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện đại.

* Về công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng và triển khai các dự án đầu tư phát triển du lịch:

Về quy hoạch: Thành phố đã thực hiện 13 quy hoạch các tuyến điểm du lịch và sử dụng đất cho phát triển du lịch với tổng diện tích trên 1.890 ha.

Thành phố cũng tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, trong đó đặc biệt chú ý tới những tuyến đường giao thông vào các khu du lịch như: Nguyễn Tất Thành, Sơn Trà - Điện Ngọc. Hệ thống cảng, cầu, siêu thị... cùng nhiều công trình kiến trúc đẹp cho thành phố, đồng thời cũng tạo điều kiện cho phát triển du lịch. Một số công trình và khu điểm liên quan đến du lịch cũng được đầu tư xây dựng và nâng cấp như Khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ, Công viên nước Đà Nẵng, Bảo tàng điêu khắc Chăm, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh... và một số khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi do tư nhân đầu tư và quản lý khai thác cũng bước đầu thu hút du khách.

Việc triển khai các dự án đầu tư cho du lịch cũng nhận được sự ủng hộ của chính quyền thành phố. Đến 2006, cũng theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng (Văn bản số 63/BC-UBND ngày 24/6/2006): toàn thành phố có 33 dự án đầu tư cho du lịch, trong đó có 07 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn: 323,5 triệu USD và 26 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ VND. Phần lớn các dự án này đều nằm dọc bờ biển Sơn Trà - Điện Ngọc, Thuận Phước - Nam Ô... nhằm tập trung khai thác thế mạnh về biển của thành phố Đà Nẵng.

Về công tác tuyên truyền quảng bá du lịch:

Đây là hoạt động mang tính thường xuyên lâu dài và cũng hết sức công phu.Trong thời gian qua, thành phố tập trung nhiều cho các hoạt động xúc tiến điểm đén Đà Nẵng thông qua việc xin phép mở các đường bay mới, nâng cao chất lượng đường bộ, cảng biển đón khách du lịch bằng nhiều phương tiện đến với Đà Nẵng. Đến nay đã có các tuyến đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng từ Thái Lan và Singapor. Cảng Đà Nẵng mỗi năm đón hàng chục tàu du lịch cập bến. Nhiều tour du lịch bằng đường bộ cũng được các hãng lữ hành triển khai, đặc biệt là du lịch nội địa.

Ngoài ra, ngành đã tổ chức nhiều chương trình quảng bá thông qua việc tham gia và tổ chức các hội chợ chuyên ngành hoặc đa ngành trong nước và quốc tế, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản các ấn phẩm tạp chí, tổ chức các quầy thông tin du lịch, tổ chức thường niên Liên hoan du lịch “Gặp gỡ Bà Nà"...

2.2. NHỮNG THÀNH CÔNG VÀ HẠN CHẾ CỦA DỊCH VỤ DU LỊCH ĐÀ NẴNG QUA NĂM NĂM HOẠT ĐỘNG

2.2.1. Kết quả và nguyên nhân

2.2.1.1. Những kết quả đạt được trong những năm qua của ngành du lịch

Từ bức tranh tổng thể trên về hoạt động của ngành, chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng trong thời gian qua, cùng với sự quan tâm ủng hộ của các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương, ngành du lịch Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Điều đó được thể hiện trên các kết quả thành công sau:



Thứ nhất: Doanh thu chuyên ngành du lịch và thu nhập xã hội từ du lịch không ngừng tăng qua các năm:

Báo cáo tổng kết tình hình triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2001-2005 của UBND Thành phố đã nêu rõ: doanh thu du lịch tăng bình quân hàng năm đạt tốc độ tăng trưởng 9,9%, trong đó đáng chú ý là từ năm 2001 doanh thu chỉ đạt 290,2 tỷ đồng, thì đến năm 2005 đã tăng lên xấp xỉ 410 tỷ đồng (tăng 1,4 lần).

Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch giai đoạn này cũng tăng hàng năm, bình quân là 12,5%. Nếu tính từ năm 2001, toàn ngành đón được trên 480.000 khách thì tới năm 2005 số khách mà ngành đón được đã trên 710.000 người, tăng gấp 1,46 lần. Trong đó, đặc biệt phải kể đến sự tăng trưởng với tộc độ cao của khách du lịch nội địa; tính từ năm 2000, khách du lịch nội địa chỉ đạt số lượng trên 208.000 lượt người, đến 2005 con số đó đã lên tới 470.000, tăng gấp 2,26 lần so với khách nội địa đến năm 2000.

Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2006, theo thống kê của ngành tại Bản tin Du lịch Đà Nẵng số 2 tháng 10/2006, tổng lượt khách đến Đà Nẵng đạt 678.000 lượt tăng 16% so với cùng kỳ năm 2005, trong đó có 507.000 khách du lịch nội địa, chiếm tỉ lệ gần 74% trên tổng khách đến và nếu chỉ tính riêng số khách nội địa mà ngành đón trong 9 tháng đầu năm nay đã vượt 1,06 lần so với khách nội địa đón được của cả năm 2005 (bảng 2.8).


Bảng 2.8: Các chỉ tiêu giai đoạn 2000-2005 và ước 9 tháng đầu 2006

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

2000

2001

2002

2003

2004

2005

9tháng đầu 2006

Khách DL

lượt

394.000

496.000

565.000

513.000

649.000

710.000

678.000

Quốc tế

-

185.000

195.000

214.000

174.000

236.000

240.000

171.000

Nội địa

-

209.000

291.000

351.000

339.000

413.000

470.000

507.000

Tđộ tăng bq/năm

%

100

125,8

113,9

90,8

126,5

109,3





tải về 0.69 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương