Long thọ BỒ TÁt nàgàrjuna trung luận màdhyamaka-Śàstra Hán dịch: Tam tạng Pháp sư CƯu-ma-la-thậP



tải về 1.3 Mb.
trang5/25
Chuyển đổi dữ liệu16.11.2017
Kích1.3 Mb.
#34353
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   25

CHƯƠNG III: QUÁN LỤC TÌNH


Hỏi: Trong kinh nói có sáu tình[1]. Đó là:

25)Sáu tình là: mắt, tai,

Mũi, lưỡi, và thân ý.[2]

Sáu tình gồm mắt này….

Hành sáu trần là sắc…[3]    [1]

Trong đây, mắt là nội tình, sắc là ngoại trần. Mắt có khả năng thấy sắc, cho đến ý là nội tình. Pháp là ngoại trần. Ý có khả năng nhận thức pháp.

Đáp: Chúng không hiện hữu. Tại sao?

26)Con mắt ấy không thể,

Tự thấy thể của nó.

Nếu chẳng thể tự thấy,

Làm sao thấy cái khác?    [2]

Con mắt chẳng thể thấy tự thể của nó. Vì sao? Như ngọn đèn có thể soi sáng chính nó đồng thời có thể soi sáng cái khác. Mắt, nếu có đặc tính thấy thì nó phải thấy nó đồng thời thấy cái khác. Nhưng sự thật không phải vậy. Thế nên bài tụng[4] nói: “Nếu mắt chẳng tự thấy làm thế nào thấy cái khác?”.

Hỏi: Mắt tuy không thể tự thấy nhưng có thể thấy cái khác; như lửa có thể đốt cháy vật khác mà chẳng thể tự đốt.

Đáp: 


27)Dụ lửa thì không thể,

Chứng thành cho mắt thấy.

Đi, chưa đi, đang đi.

Đã tổng đáp điều này.     [3]

Ông tuy dùng lửa để thí dụ, nhưng không thể chứng thành cho sự thấy của con mắt. Điều này trong “chương Khứ Lai”: cũng như cái đã đi – không đi, cái chưa đi-không đi, cái đang đi cũng không đi. Và cũng như cái đã đốt, cái chưa đốt, cái đang đốt đều không có đốt. Cũng vậy, cái đã thấy, cái chưa thấy, cái đang thấy đều chẳng có tính năng thấy.

Lại nữa:

28)Cái thấy khi chưa thấy,

Thì chẳng gọi là thấy.

Mà nói cái thấy thấy[5],

Tất lẽ này chẳng đúng.[6]    [4]

Mắt khi chưa tiếp xúc sắc trần thì không thể thấy, bấy giờ nó không được gọi là cái thấy. Tiếp xúc sắc trần bấy giờ mới gọi là cái thấy. Thế nên lời tụng nói: “Khi chưa thấy thì không thấy”. Vậy làm thế nào cái thấy có thể thấy?

Lại nữa: Trong cả hai trường hợp đều không có sự kiện thấy.

29)Cái thấy không có thấy,

Cái không thấy chẳng thấy.

Nếu cái thấy đã phá,

Thì phá luôn người thấy[7]     [5] 

Cái thấy không thể nhìn thấy, trên kia đã nêu rõ sự sai lầm. Cái không thấy cũng chẳng thấy, vì không có đặc tính thấy; nếu chẳng có đặc tính thấy làm thế nào nó có thể thấy? Vì chẳng có sự kiện thấy mà có người thấy thì người không có mắt có thể dùng cơ quan khác để thấy. Nếu dùng cái thấy để trông thấy, thì trong cái thấy có tính năng thấy. Thế nên lời tụng nói: “Nếu phá cái thấy thì phá luôn người thấy”.

Lại nữa:

30)Lìa thấy chẳng lìa thấy,

Người thấy đều không thấy.

Vì chẳng có người thấy,

Đâu có thấy, bị thấy.      [6]

Nếu có sự thấy thì người thấy không thành. Nếu không có sự thấy, người thấy cũng không được chứng thành. Vì không có người thấy, làm thế nào có cáí thấy? Bởi thế nên bài tụng nói: “Vì không có người thấy, làm sao có cái thấy, cái bị thấy.”

Lại nữa:

31)Năng kiến, sở kiến không.

Bốn pháp: thức.. đều không,

Bốn thủ và các duyên,

Làm sao có thể có?[8]      [7]

Vì cái thấy và cái bị thấy đều không nên bốn pháp: thức, xúc, thọ và ái cũng đều không. Vì chẳng ái nên bốn thủ[9] v.v… và 12 phần Nhân duyên cũng không.

Lại nữa: 

32)Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,

Tiếng và cả người nghe.

Nên biết nghĩa như thế, 

Đều đồng như nói trên     [8]


 
  Cũng giống như cái thấy và cái bị thấy vốn là không, vì lệ thuộc các duyên nên không quyết định hữu. Các tình còn lại như tai .v.v.. và 5 trần như âm thanh v.v.. nên biết nghĩa cũng giống như cái thấy và cái bị thấy, đây không cần nói riêng. 
        --------------------------------------------------------------------------------

[1]Lục tình là lục căn. Nhưng luận không dùng chữ lục căn, mà nói lục tình, vì trong luận tụng, luận chủ thay vì nói “con mắt” thì dùng chữ “cái thấy (darzaịam)” để chỉ nhãn căn. Dịch giả dùng chữ “tình” với nội hàm là “tồn tại như là tác dung” chứ không chỉ là “tồn tại” vật lý. Nguyên đề tiếng Phạn của chương này là “Cakzur-indriya-parìkzà” (phê bình về căn con mắt). TS.

[2] Nguyên tiếng Phạn: darzanaư... indriyàni wađ: sáu căn là “cái thấy...” Không nói là “con mắt” cụ thể vật lý như trong bản dịch Hán. 

[3] Tác giả dịch thoát. Nguyên tiếng Phạn: “môi trường hành động của chúng là cái được thấy...” (etewư drawỉavyadìni gocarahï). Lưu ý chữ dùng trong nguyên bản để hiểu rõ quan hệ chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức (cái thấy và cái được thấy) mà luận nhắm đến trong chương này. TS.

[4] Bài tụng nói (hiểu theo nguyên bản tiếng Phạn): “Cái thấy không nhìn thấy tự ngã của chính nó” cho nên có thể nói ngọn đèn có thể tự chiếu, nhưng không thể nói ánh đèn tự chiếu. TS.

[5] Mâu thuẩn nội tại ngay trong câu: “Cái thấy thấy.” TS.

[6] Long Thọ Bồ tát đem lục căn lục thức để phân tích sự liên quan giữa căn, trần, thức bằng cách nào. Ngài lấy nhãn căn để phân tích cái thấy của con mắt như thế nào, nó từ ngoài đến hay tự nó có.

[7]  Mắt không thể tự thấy nó, làm thế nào thấy được cảnh vật bên ngoài, đây là câu nghi vấn. Ngài nêu lên để mọi người tìm hiểu. Như trong kinh Lăng Nghiêm Đức Phật bảo ngài A nan tìm thử cái tâm ở chỗ nào.

[8] Câu 44 nói không thể đem lửa làm thí dụ, nghĩa là lửa tự nó tự cháy và chiếu sáng. Con mắt không thể như thế được, nghĩa là mắt không thể thấy mắt. Câu 45, 46 cho biết mắt nếu khi chưa tiếp xúc (năng duyên) với trần cảnh (sở duyên) thì không thể nói mắt có thấy, như lửa tự cháy tự sáng. Hơn nữa thấy nó không có tướng trạng cái thấy, thấy không thể tự thấy, huống hồ cái không thấy (phi kiến) mà có tướng thấy (kiến tướng) ư? Cái thấy lý luận không thành thì người thấy cũng không thể đứng vững được.

[9] Bốn thủ, bốn chấp thủ: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã ngữ thủ. TS.


 

---o0o---


CHƯƠNG IV: QUÁN NGŨ ẤM[1]


Hỏi: Kinh nói có năm ấm; sự kiện ấy như thế nào?

Đáp: [2]

 33)Nếu ngoài nhân của sắc,

Thì sắc không thể được[3].

Nếu lìa sắc quả ra,

Nhân của sắc cũng không.   [1]

Nhân của sắc; như nhân của vải là sợi. Ngoài sợi không có vải, ngoài vải không có sợi. Vải như sắc, chỉ sợi như nhân.

Hỏi: Nếu lìa nhân của sắc mà có sắc thì có lỗi gì?

Đáp:

34)Lìa nhân sắc có sắc,



Thì sắc ấy không Nhân.

Không nhân mà có Pháp,

Thì điều ấy không đúng.    [2]

Như là sợi có vải, thì vải ấy không nhân; không nhân mà có pháp, trong thế gian không hề có điều đó.

Hỏi: Trong pháp Phật, pháp ngoại đạo và pháp thế gian, đều có những pháp không nhân. Như Pháp Phật thì có ba thứ vô vi. Vô vi là thường nên không nhân. Pháp ngoại đạo thì có hư không, thời gian, phương sở, bản ngã, vi trần[4], Niết-bàn v.v… Trong pháp thế gian, hư không, thời gian, phương sở, ba pháp ấy chẳng có chỗ nào là không có nên gọi là thường. Thường cho nên không nhân. Tại sao lại nói thế gian không có cái gì là không nhân?

Đáp: Pháp không nhân này chỉ có ở ngôn thuyết, nếu suy nghĩ phân tích thì chúng không thực hữu. Nếu pháp do nhân duyên mà có thì không nên nói không nhân. Nếu không nhân duyên, thì như tôi đã nói.

Hỏi: Có hai thứ nhân; một là tác nhân hai là ngôn thuyết nhân.[5] Pháp không nhân ấy không có nhân tạo tác mà chỉ có nhân ngôn thuyết để khiến người ta biết đến được.

Đáp: Tuy rằng có nhân ngôn thuyết nhưng cũng không đúng. Hư không sẽ được bác bỏ trong “Phẩm Lục chủng.” Những thứ còn lại sẽ được bác bỏ sau.

Lại nữa, những sự thể hiện thấy còn có thể bị bác bỏ huống là vi trần v.v… là pháp không thể thấy. Thế nên nói thế gian không có gì là pháp không nhân.

Hỏi: Nếu lìa sắc mà có nhân của sắc thì có lỗi gì?

Đáp:

35)Nếu lìa sắc có nhân,



Thế là nhân không quả.

Có nhân mà không quả,

Như thế là vô lý.       [3]

Nếu lìa sắc quả chỉ có sắc nhân tức là có nhân mà không quả

Hỏi: Nếu nhân không quả, thì có lỗi gì?

Đáp: Thế gian không có cái nhân gì mà không quả. Tại sao? Vì có quả nên gọi nhân, nếu không quả làm thế nào gọi nhân? Lại nữa, nếu trong nhân không có quả thì tại sao mọi vật lại không sinh ra từ cái không phải là nhân của chính nó? Điều ấy như trong chương “Nhân duyên” đã phá. Thế nên không có cái nhân không quả.

Lại nữa:

36)Nếu sắc đã có rồi,

Cần gì nhân có sắc.

Nếu sắc vốn không có,

Cũng chẳng cần nhân sắc.[6]   [4]

Có hai trường hợp cho thấy không thể có nhân của sắc. Nếu sắc đã có sẵn trước trong nhân thì nhân đó không thể gọi là nhân của sắc. Nếu sắc không sẵn trước trong nhân, thì nhân đó cũng chẳng gọi là nhân của sắc.

Hỏi: Nếu cả hai trường hợp đều chẳng đúng, nhưng có sắc không nhân thì có lỗi gì?

Đáp: 


37)Không nhân mà có sắc,

Như thế là không đúng.

Thế nên người có trí,

Không nên phân biệt sắc.[7]    [5]

Như trường hợp trong nhân có sẵn quả, hay trong nhân không sẵn quả, điều này còn không đúng huống là thứ sắc không có nhân. Thế nên nói, "Không nhân mà có sắc, Như thế là không đúng. Không nên phân biệt sắc." Phân biệt chỉ cho phàm phu. Vì vô minh ái nhiễm tham đắm sắc, sau đó do tà kiến mà khởi sự phân biệt hí luận nói, "Trong nhân có quả hay không quả,” v.v… Nay ở đây (sắc ấm) không thể tìm thấy có sắc. Vì thế nên kẻ trí không nên phân biệt.

Lại nữa: 

38)Nếu quả giống với nhân.

Như thế là không đúng.

Quả nếu không giống nhân,

Điều ấy cũng chẳng đúng.   [6]

Nếu quả và nhân giống nhau thì không đúng. Vì nhân thì nhỏ nhiệm mà quả thì to lớn. Nhân và quả khác nhau vì hình thái và năng lực. Như vải giống chỉ tất chẳng gọi vải. Vì chỉ nhiều mà vải chỉ có một. Vậy nên không thể nói nhân quả giống nhau. Hoặc nói rằng nhân quả không giống nhau cũng không đúng. Như chỉ gai không thể dệt thành ra lụa; chỉ thô chẳng làm thành vải mịn. Thế nên không thể nói nhân quả không giống nhau. Cả hai sự kiện đều chẳng đúng, cho nên không có Sắc, không có nhân của sắc.

39)Thọ ấm và tưởng ấm,

Cả hành ấm, thức ấm.

Và tất cả pháp khác,

Đều đồng với sắc ấm.     [7]

 Bốn ấm kia và tất cả pháp cũng nên suy nghĩ như thế để hủy phá. Nay Ngài Luận chủ muốn tán thán nghĩa Không nên nói bài tụng rằng:

40)Nếu có đối phương Hỏi,

Lìa Không mà ứng đáp.

Thế là không thành đáp,

Vì cũng đồng nghi kia.     [8]

41)Hoặc giả có nạn vấn,

Lìa Không mà chỉ trích.

Thì chẳng thành nạn vấn,

Vì cũng đồng nghi kia.     [9] 

Trong lúc luận thuyết, mỗi bên có chủ trương riêng. Nếu sự Hỏi và đáp mà không căn cứ trên Nghĩa Không thì sự Hỏi và đáp ấy bất thành, vì nó chỉ lặp lại nội dung của sự nghi ngờ. Tỷ dụ như nói, “Chiếc bình là vô thường”. Ngoại nhân Hỏi, “Tại sao vô thường?” Đáp, “Vì từ nhân vô thường phát sinh.” Như thế chẳng gọi là đáp. Tại sao? Vì trong cái nhân duyên đó vẫn còn có sự hoài nghi là chẳng biết nó thường hay vô thường. Do đó, nội dung của trả lời vẫn đồng với nghi vấn được đặt ra. Người Hỏi khi muốn chỉ điểm sự sai lầm của nó, nếu chẳng y vào Không tánh để nêu rõ rằng các pháp là vô thường, thì đó không phải là nạn vấn được. Tại sao? Bởi vì ông nhơn lý vô thường phá hủy nghĩa thường của tôi; tôi cũng đem lý hằng thường trú để phá hủy nghĩa vô thường của ông. Nếu thật vô thường thì không có nghiệp báo. Các pháp như mắt, tai v.v.. niệm niệm hoại diệt cũng chẳng thể hoại diệt, cũng chẳng thể phân biệt. Có những lỗi như thế, nên đều không tựu thành nạn vấn, mà chỉ lặp lại nghi vấn của người kia thôi. Nếu căn cứ tánh Không phá hủy thường tánh thì không có lỗi. Tại sao? Vì người này chẳng chấp thủ tướng Không. Thế nên, khi Hỏi và đáp mà còn phải bằng vào tánh Không, huống là muốn cầu tướng ly khổ tịch diệt.

 
    --------------------------------------------------------------------------------

[1] Tiếng Phạn skandha, cựu dịch là “ấm”, tân dịch (Huyền Tráng) là “uẩn.” TS

[2]  Chương III quán lục tình, nhận thức căn, trần, thức không phải tự nó có, mà do sự tương quan, tương duyên giữa căn trần mà có thức tình phân biệt. Do đó các pháp từ nhân duyên sanh, đều không thật có. Chương IV này, ý nghĩa không khác gì chương III là phá trừ thành kiến cố chấp. Ngũ ấm cũng gọi Ngũ Uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

[3] Hán: bất khả đắc, không thể thủ đắc, không thể quan niệm được. TS

[4] Chủ trương của phái Thắng luận về những tồn tại được gọi là thật vật, hay thật thể.

[5] Tác nhân và ngôn thuyết nhân, cũng gọi là sanh nhân, nhân mà từ đó các pháp được sanh ra; và liễu nhân, nhân mà từ đó các pháp được nhận thức. TS

[6] Tụng 3-4, Long Thọ Bồ tát lấy một thứ Sắc ấm trong năm ấm để biện minh nguyên nhân và kết quả của sắc. Sắc pháp là từ nhân sanh ra hay phi nhân phát sanh. Nếu nó từ phi nhân mà có sắc pháp, thì sắc pháp dĩ nhiên không cần đến cái nhân. Nói cách khác là quả chẳng cần đến cái nhân. Không nhân mà có quả là điều không thể. Ví như tấm vải, là kết quả từ chỉ sợi dệt thành. Vải là quả, chỉ sợi là nhân. Không chỉ sợi mà làm thành tấm vải là điều không thể có được.

[7] Từ câu 4-5 dựa vào các câu trên nói về sắc nhân sắc quả. Ngài giải bày minh bạch thêm để chúng ta tránh ngộ nhận có nhân không quả, có quả không nhân, trong nhân có quả, trong nhân không có quả, hoặc trong quả có nhân…Nên hiểu rằng, nhân quả diễn tiến một cách thầm ẩn và tế nhị. Phàm phu thiểu trí khó phân biệt. Phân biệt trước sau trong ngoài, có không là rơi vào vọng chấp. Vì các pháp duyên sanh là Tánh không. Nếu chẳng hiểu tánh không (Sùnya) thì không thể nào giải quyết được nghi vấn, trong lúc người có nghi vấn về thuyết Hữu hay Vô. Nếu người nghi vấn, chấp là có thì người giải đáp phải áp dụng lý không để giải thích sự lỗi lầm của người chấp HỮU. Nếu chẳng dùng KHÔNG để phá HỮU, thì chính người đáp đồng lỗi như người nghi vấn.

---o0o---




tải về 1.3 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   25




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương