LỜi cam đoan


Hình 1.5: Tổ hợp lợn lai F1(PixMC) 42 ngày tuổi



tải về 2.99 Mb.
trang4/4
Chuyển đổi dữ liệu07.01.2018
Kích2.99 Mb.
#35823
1   2   3   4

Hình 1.5: Tổ hợp lợn lai F1(PixMC) 42 ngày tuổi


Ưu thế lai của tính trạng khối lượng đối với tổ hợp lợn lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) cao, chứng tỏ rằng các tính trạng khối lượng lợn con lai đều có ưu thế lai trực tiếp cao. Khối lượng lợn cai sữa của lợn lai cao có thể được giải thích rằng lợn con của lợn nái Móng Cái khi được phối với lợn đực giống ngoại cao sản tạo nên các tổ hợp lợn lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) được hưởng ưu thế lai trực tiếp của chính bản thân chúng vì khoảng cách di truyền giữa chúng lớn. Vì vậy, nuôi các tổ hợp lợn lai luôn cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với lợn thuần vì khối lượng lợn cai sữa cao hơn so với trung bình bố mẹ. Nguyễn Văn Đức (2005) công bố ưu thế lai của tính trạng khối lượng lợn cai sữa của các tổ hợp lợn lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) nuôi trong điều kiện chăn nuôi nông hộ đạt từ 5-9%.

1.2. Cơ sở khoa học của ưu thế lai

1.2.1. Khái niệm về ưu thế lai


Trong công tác di truyền giống bên cạnh việc chọn lọc và nhân thuần thì thông qua con đường lai tạo sẽ đem lại hiệu quả trong thời gian ngắn hơn. Lê Đình Lương và Phan Cự Nhân (1994) cho biết có hai cách tốt nhất để nâng cao năng suất bằng cách cải tiến bản chất di truyền, có thể tiến hành đồng thời cùng một lúc đó là chọn lọc nhân thuần và lai tạo giữa các giống, dòng. Sự lai tạo đã được sử dụng nhiều trong chăn nuôi nhằm khai thác thế mạnh của con lai, đặc biệt trong chăn nuôi lợn ở các nước đang phát triển. Chính việc lai giữa các giống khác nhau đã giúp cho việc quyết định chiến lược thích hợp về công tác giống (Flock, 1996).

Bouwman (2000) khẳng định lợi ích to lớn của lai giống là xuất hiện sức mạnh ở con lai còn gọi là ưu thế lai. Con lai thường có sức chống chịu bệnh tật tốt hơn, sức sản xuất cao hơn. Tuy nhiên ưu thế lai không thể đoán trước được, sự khác biệt giữa hai giống càng lớn thì ưu thế lai càng cao. Ưu thế lai chỉ có thể xảy ra ở một công thức lai nào đó, vì thế phải tiến hành nghiên cứu nhiều công thức lai khác nhau. Ưu thế lai không di truyền lại cho đời sau, nếu tiếp tục cho giao phối đời con với nhau thì ưu thế lai sẽ giảm và giảm sự đồng đều.

Trong công tác lai tạo, người ta còn quan tâm rất nhiều đến khả năng phối hợp, đó là phải lựa chọn những con giống gốc phù hợp với nhau nhằm tạo nên những tổ hợp gen mới, bao gồm các tính trạng vốn có ở giống gốc nhưng ở mức độ cao hơn theo mục đích (Trần Đình Miên, 1997). Con lai F1 vượt hơn bố mẹ về sức sống, sự sinh trưởng, phát triển, khả năng sản xuất, sức chống chịu cũng như khả năng sử dụng các chất dinh dưỡng (Trần Đình Miên và Nguyễn Văn Thiện, 1995).

Như vậy, ưu thế lai là hiện tượng con lai có sức sống, sức chống đỡ bệnh tật và năng suất cao hơn mức trung bình của bố mẹ chúng.


1.2.2. Bản chất di truyền của ưu thế lai


Bản chất di truyền của ưu thế lai là trạng thái dị hợp tử ở con lai, từ đó người ta nêu ra ba giả thiết về ưu thế lai (Nguyễn Ân và cs., 1983; Nguyễn Văn Thiện, 1995).

– Thuyết tập trung các gen trội có lợi: Trong quá trình tiến hóa, dưới áp lực của chọn lọc tự nhiên và chọn lọc nhân tạo, các gen trội bất lợi tự đào thải, gen trội có lợi được tăng lên. Trong khi đó các gen lặn bất lợi vẫn tồn tại ở trạng thái dị hợp tử bên cạnh các gen trội có lợi. Khi cho giao phối cận huyết, các quần thể sẽ phân hóa thành các dòng khác nhau ở trạng thái đồng hợp tử theo các gen trội có lợi khác. Khi lai các dòng này với nhau dẫn đến con lai F1 tập hợp được các gen trội có lợi ở bố và mẹ làm xuất hiện ưu thế lai. Thí dụ: có 5 locus gen cùng tham gia hình thành một tính trạng kinh tế. Người ta cho rằng mỗi gen trội hoặc đôi gen dị hợp tử Aa có giá trị tính trạng là hai đơn vị (AA=Aa=2). Mỗi đôi gen lặn chỉ làm giá trị tính trạng lên một đơn vị (aa=1), ta có AA=Aa>aa. Khi lai hai dòng khác nhau con lai F1 có các tính trạng kinh tế cao hơn bố và mẹ, xuất hiện ưu thế lai.



P. Kiểu gen:

AabbCCddEE (P1)

x

aaBBccDDee (P2)

Giá trị kiểu hình:

2+1+2+1+2=8




1+2+1+2+1=7

F1. Kiểu gen:

AaBbCcDdEe

Giá trị kiểu hình:

2+2+2+2+2=10

Như vậy, ưu thế lai là hiệu quả của việc tập trung các gen trội có lợi không cùng alen ở F1. Flock (1996) giải thích rằng các gen trội có lợi này không phải phân ly độc lập mà liên kết với nhau, vì vậy không thể tổ hợp tự do, kết quả của sự phối hợp lại ở F1 thể hiện như sơ đồ sau:




A

B

C

d

E

Cặp nhiễm sắc thể tương đồng ở mẹ (P1)



















A

B

C

d

E




a

B

C

D

e

Cặp nhiễm sắc thể tương đồng ở bố (P2)



















a

B

C

D

e




A

B

C

d

E

Cặp nhiễm sắc thể tương đồng ở F1



















a

B

C

D

e

Do có các gen trội có lợi khác nhau là những thành viên của cặp nhiễm sắc thể tương đồng khác nhau, vì vậy khi tổ hợp lai ở thế hệ F2 các bộ phận gen trội có lợi này sẽ nhỏ hơn F1. Kết quả ở F2 ưu thế lai giảm.

– Thuyết dị hợp tử và siêu trội:

Thuyết dị hợp tử: Chính là sự dị hợp tử của nhiều gen làm xuất hiện ưu thế lai. Các gen khác nhau ở cùng một locus tổng hợp các protein chức năng khác nhau trong quá trình phát triển, nhờ vậy chúng bổ sung cho nhau làm xuất hiện ưu thế lai.

Thuyết siêu trội: Dựa vào thuyết dị hợp tử phát triển thêm, các gen ở trạng thái dị hợp tử có sự tương tác với nhau mạnh hơn so với gen khi ở dạng đồng hợp tử. Kết quả làm xuất hiện ưu thế lai ở F1: Aa>AA>aa.

Người ta có thể minh họa thuyết dị hợp tử và siêu trội, giải thích ưu thế lai như sau:

Giả sử có 5 cặp gen tham gia xác định một tính trạng kinh tế. Các kiểu gen đồng hợp tử lặn đóng góp một đơn vị tính trạng, các gen đồng hợp tử trội cho 1,5 đơn vị tính trạng, các kiểu gen dị hợp tử sẽ cho hai đơn vị tính trạng.



P. Kiểu gen:

AabbCCddEE (P1)

x

aaBBccDDee (P2)

Giá trị kiểu hình:

1,5+1+1,5+1+1,5=6,5




1+1,5+1+1,5+1=6,0

F1. Kiểu gen:

AaBbCcDdEe

Giá trị kiểu hình:

2+2+2+2+2=10

– Thuyết gia tăng tác động tương hỗ của các gen không cùng locus:

Cơ thể lai có bản chất dị hợp tử mà sự tác động tương hỗ giữa các gen không cùng một locus được tăng lên, nhờ vậy tăng hiệu quả của ưu thế lai. Ví dụ: ở các cơ thể đồng hợp tử AABB thì chỉ xuất hiện một loại tác động tương hỗ giữa A và B (A-B), nhưng ở thể dị hợp tử AaBb sẽ có 6 loại tác động tương hỗ: A-a, B-b, A-B, A-b, a-B và a-b. Trong đó A-a và B-b là tác động tương hỗ giữa các gen trên cùng một alen, 4 loại còn lại là tác động tương hỗ giữa các gen không cùng alen. Ngoài ra có thể có thêm các loại tác động tương hỗ cấp hai như Aa-B, Aa-b… và các loại tương hỗ cấp ba như Aa-Bb, Aa-bb… kết quả làm nâng giá trị kiểu hình, làm tăng hiệu quả ưu thế lai.

Trên cơ sở kết hợp các giả thiết, người ta đưa ra quan điểm về sự thay đổi trạng thái hoạt động của hệ thống enzym trong cơ thể sống là quá trình dị hợp và tương tác với nhau của các cặp gen mới có ưu thế lai. Trần Đình Miên (1997) cho rằng ưu thế lai phụ thuộc vào hai yếu tố là trạng thái hoạt động của dị hợp tử (d) và sự sai khác nhau của hai quần thể xuất phát (y).

HF1=∑dy2 HF2=HF1 HF3=HF1

Ưu thế lai cao nhất ở đời F1 rồi giảm dần, sự giảm ưu thế lai ở đời sau có sự thay đổi trong sự tác động tương hỗ và tương quan giữa các gen thuộc các locus khác nhau, hơn nữa biểu hiện của tính trạng không chỉ chịu ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh hay nói một cách khác mức độ ưu thế lai cao hay thấp còn phụ thuộc vào sự tương quan âm hay dương giữa môi trường và kiểu di truyền. Ưu thế lai thể hiện mức độ khác nhau và thường được thể hiện ở các tính trạng số lượng, còn các tính trạng chất lượng thì ít được thể hiện. Các tính trạng có hệ số di truyền cao (như thành phần hóa học của thịt…) thì ít chịu ảnh hưởng của ưu thế lai.

Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định khi chọn đúng cặp bố mẹ cho giao phối, con lai có sức sống cao và giảm chi phí thức ăn (Kushner, 1978). Do vậy để có ưu thế lai thì phải chọn cặp bố mẹ có khả năng phối hợp. Bởi vì khả năng đó có sẵn ở gen con đực, con cái và được các nhà chọn giống có nhiều kinh nghiệm phát hiện và chọn phối.


1.2.3. Thành phần của ưu thế lai


Theo nghiên cứu của William (1997) ở lợn có ba loại ưu thế lai:

Ưu thế lai của con mẹ: Ưu thế lai của con mẹ thể hiện đối với các cá thể đời con, rõ nhất là thời kỳ lợn con phụ thuộc vào lợn mẹ như từ khi lợn mẹ chửa đến khi cai sữa lợn con (các tính trạng sinh sản được cải thiện như số con sơ sinh, khối lượng toàn ổ lúc 21 ngày tuổi, khoảng cách lứa đẻ…). Cho đến nay ưu thế lai của con mẹ là ưu thế lai quan trọng nhất bởi vì số con lợn con cai sữa/nái là một chỉ tiêu kinh tế rất quan trọng.

Ưu thế lai của con con: Ưu thế lai của con con có lợi cho chính bản thân chúng vì chính chúng là con lai. Ưu thế lai có ảnh hưởng đến sức sống của lợn con và sự tăng khối lượng của chúng, đặc biệt sau khi cai sữa chúng hoàn toàn tách khỏi lợn mẹ.

Ưu thế lai của con bố: Ưu thế lai của con bố được thể hiện rất hạn chế. So sánh về năng xuất sinh sản của lợn cái lai (LRxLW) phối với lợn đực thuần và lợn đực lai, Gineva (1999) cho thấy, kiểu gen của lợn đực giống không ảnh hưởng đến số con đẻ ra và số lượng con sống đến 21 ngày tuổi, nhưng khối lượng lợn con sơ sinh của lợn đực giống lai cao hơn lợn đực giống thuần.

Mức độ ưu thế lai của một tính trạng năng suất được xác định như sau:

H(%) =

1/2(AB +BA) – 1/2(A + B)

x 100




1/2(A + B)




Trong đó:


1/2 (AB) là trung bình của con (A là bố, B là mẹ)

1/2 (BA) là trung bình của con (B là bố, A là mẹ)

1/2 (A + B) là trung bình của bố, mẹ

Qua đây ta có thể nói sẽ không có ưu thế lai khi năng suất của con lai chỉ bằng năng suất của chính bố mẹ chúng.

1.2.4. Một số yếu tố ảnh hưởng đến ưu thế lai


Mức độ biểu hiện của ưu thế lai phụ thuộc vào bốn yếu tố (Nguyễn Văn Thiện, 1995). Các yếu tố đó là:

– Nguồn gốc di truyền của bố mẹ: Bố mẹ có nguồn gốc càng xa nhau thì ưu thế lai càng cao và ngược lại. Lai xa khác loài vịt với ngan tạo ra con lai có tốc độ sinh trưởng rất cao, nhưng khả năng sinh sản rất khó khăn (bất thụ) (Nguyễn Tấn Anh., 1993).

– Tính trạng nghiên cứu: Các tính trạng có hệ số di truyền thấp (tính trạng số lượng) thì có ưu thế lai cao và ngược lại các tính trạng có hệ số di truyền cao (tính trạng chất lượng) thì ưu thế lai thấp. Những tính trạng liên quan đến khả năng nuôi sống và khả năng sinh sản có ưu thế lai cao nhất, vì vậy để cải tiến các tính trạng này, so với chọn lọc, lai giống là một biện pháp nhanh hơn và hiệu quả hơn.

– Công thức giao phối: Ưu thế lai còn phụ thuộc vào việc sử dụng con nào làm bố và con nào làm mẹ, khi cho lai giữa hai dòng, giống với nhau, cho dù dòng nào làm bố hay mẹ thì con lai đều có tổ hợp gen giống nhau. Nếu biểu hiện giá trị kiểu hình chỉ là giá trị cộng gộp của kiểu gen thì tính năng sản xuất của chúng là tương đương nhau. Nhưng trong thực tế các công thức lai khác nhau thì tính năng sản xuất của con lai khác nhau.

– Điều kiện nuôi dưỡng: Điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng có ảnh hưởng rất rõ rệt đến ưu thế lai, nuôi dưỡng tốt ưu thế lai sẽ được phát huy, nuôi dưỡng kém ưu thế lai có được sẽ thấp.

1.2.5. Sự biểu hiện của ưu thế lai trong chăn nuôi


Sự biểu hiện ưu thế lai trên cơ thể lai trong chăn nuôi rất đa dạng, khác nhau ở các tính trạng. Sự ưu việt của con lai không chỉ thể hiện sự lớn hơn về giá trị tính trạng so với trung bình bố mẹ mà còn biểu hiện bằng mức độ tối ưu của tính trạng. Các tác giả (Nguyễn Ân và cs., 1983; Kushnes, 1974; Trần Đình Miên và Nguyễn Văn Thiện, 1995) cho rằng:

– Con lai F1 của những công thức lai xa khác giống vượt trội bố mẹ về thể chất, tuổi thọ, sức làm việc, nhưng mất một phần hay mất hoàn toàn khả năng sinh sản, điển hình trường hợp này là con la hay con Mullard (con lai giữa vịt và ngan).

– Con lai F1 vượt hơn trung bình bố mẹ về khối lượng cơ thể và sức sống, có khả năng sinh sản bình thường hoặc tốt hơn bố mẹ. Kết quả thực tế lai giữa một số giống bò thịt hoặc một số giống lợn mà ở Việt Nam nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu thành công đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất chăn nuôi.

– Con lai F1 có khối lượng cơ thể chỉ ở mức trung gian, song khả năng sinh sản, sức sống cao hơn hẳn bố mẹ. Điển hình là kết quả lai giữa gà Leghorn trắng với gà New Hampshire, gà Plymouth Rock với gà Australorp.

– Con lai F1 biểu hiện ưu thế lai đặc biệt là trường hợp nếu xét về một tính trạng riêng lẻ thì có kiểu di truyền trung gian nhưng sản phẩm cuối cùng một mặt nào đó lại vượt trung bình bố mẹ. Trường hợp này có thể xảy ra ở bò, lợn, gà.

Như vậy trên cơ thể lai, ưu thế lai không biểu hiện đồng loạt ở tất cả các tính trạng, trên tất cả các giai đoạn, sự biểu hiện này còn phụ thuộc vào từng cặp lai cụ thể, các yếu tố ngoại cảnh, giai đoạn phát triển.


1.3. Cơ sở sinh học của sinh trưởng ở lợn con và những nhân tố ảnh hưởng


Mặc dù là một dạng thực phẩm đặc biệt, tỷ lệ sử dụng (tỷ lệ phần ăn được – edible) cao hơn so với các loại thịt khác, nhưng bộ phận cấu thành cơ bản của thịt lợn sữa là sinh khối thịt nạc của hệ cơ xương (skeletal muscle mass). Bởi vậy, việc hiểu biết đầy đủ cơ sở sinh học của sinh trưởng và các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng ở lợn con có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng các tổ hợp lai cũng như đặt ra chiến lược nuôi dưỡng phù hợp.

1.3.1. Cơ sở sinh học của sự sinh trưởng ở lợn con


Sinh trưởng là một đặc tính chủ yếu của sinh vật. Rất khó để đưa ra một định nghĩa đầy đủ về sinh trưởng, nhưng hiểu một cách đơn giản, sinh trưởng là sự tăng lên về kích thước và khối lượng của cơ thể (Lawrence và cs., 1997). Ở những giống lợn hiện đại có tỷ lệ nạc cao, sinh khối cơ xương chiếm 40% khối lượng cơ thể, và 50 đến trên 60% tỷ lệ thịt xẻ, bởi vậy, quá trình sinh trưởng ở lợn chủ yếu là sự phát triển của sinh khối mô nạc (Pas và cs., 2004). Những nghiên cứu gần đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng mô nạc ở lợn phụ thuộc rất lớn vào động thái phát triển của tế bào cơ xương trong quá trình phát triển cá thể và quá trình này bị tác động bởi các yếu tố di truyền và ngoại cảnh (Lawrence và cs., 1997). Trong quá trình phát triển cá thể, sợi cơ được hình thành từ các nguyên bào cơ (tế bào cơ nguyên thủy – myoblast) có nguồn gốc từ trung bì. Các nguyên bào cơ sinh sôi và biệt hóa thành các tế bào cơ hình ống (myotubes) để tạo thành những sợi cơ (muscle fibre). Quá trình này được hình thành chủ yếu ở giai đoạn phát triển hợp tử trong bào thai (Rehfeldt và cs., 2000). Các sợi cơ được phát triển từ hai quần thể nguyên bào cơ, quần thể thứ nhất được hình thành ở giai đoạn đầu trong quá trình biệt hóa của các myoblast để tạo thành các sợi cơ nguyên thủy (primary myofibres) có chức năng như một bộ khung cho các sợi cơ thứ cấp (secondary fibres) nhỏ hơn bao quanh (Wigmore và Sickland, 1983); một quần thể các myoblast khác không biệt hóa thành các tế bào cơ hình ống để tạo thành sợi cơ, mà tồn tại gần với các myotube (các tế bào vệ tinh – satellite cells) có khả năng phân chia, sinh sôi để trở thành nguồn nhân cơ (myonuclei) cho những myoblast mới trong quá trình phát triển cá thể ở thời kỳ hậu thai (Moss và Leblond, 1971; Schultz, 1974). Ở lợn và một số loài động vật có vú khác, sự hình thành các sợi cơ từ các nguyên bào cơ được diễn ra trong thời kỳ phát triển hợp tử trong tử cung của con mẹ. Quá trình phát triển của hệ cơ xương thời kỳ hậu thai (postnatal) chỉ là sự tăng lên về kích cỡ (sự trương nở hay phình to – hypertropy) của sợi cơ, đồng thời với quá trình trương nở của các sợi cơ là quá trình tăng sinh các tế bào vệ tinh (satellite cells). Sau khi sinh, tổng số sợi cơ trong cơ thể lợn con hầu như không thay đổi và chính sự tăng lên về kích cỡ của các sợi cơ (hypertropy) là cơ sở sinh lý của quá trình sinh trưởng ở lợn và một số loài động vật có vú khác (Stickland và Handel, 1986).

1.3.2. Những yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của lợn con


Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng ở lợn con và chúng được chia thành 2 nhóm: nhóm yếu tố liên quan đến di truyền và nhóm yếu tố môi trường.

1.3.2.1. Ảnh hưởng của yếu tố di truyền đến sinh trưởng lợn con


Kích cỡ và khối lượng cơ thể ở các loài động vật có xương sống có sự khác biệt rất lớn. Bản chất của sự khác biệt này là do sự phát triển của sinh khối mô cơ quyết định, nhưng sự phát triển của sinh khối mô cơ lại phụ thuộc rất lớn vào số sợi cơ và sự phát triển của kích cỡ sợi cơ trong quá trình phát triển cá thể (Rehfeldt và cs., 2004). Khi tập hợp nhiều kết quả nghiên cứu về kích cỡ sợi cơ của một số loài động vật trưởng thành, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, đường kính trung bình của sợi cơ ở các loài động vật có xương sống dao động từ 20 đến 80 μm (hệ số khác biệt: 80/20 = 4), nhưng khi so sánh về khối lượng cơ thể giữa chuột chù và cá voi thì hệ số khác biệt là 2,5 triệu lần. Điều thú vị ở đây là, cá voi không phải là loài có kích cỡ sợi cơ lớn nhất, loài động vật có kích cỡ sợi cơ lớn nhất là lợn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự phát triển sinh khối cơ xương ở động vật phụ thuộc chủ yếu vào số lượng sợi cơ hơn là kích cỡ sợi cơ (Rehfeldt và cs., 2004). Kiểu di truyền có ảnh hưởng lớn đến số lượng sợi cơ, bởi vậy, chọn lọc và lai giống là biện pháp kỹ thuật rất quan trọng để cải thiện tốc độ sinh trưởng thông qua ưu thế lai về số lượng sợi cơ của con lai từ thế hệ bố mẹ có sự khác biệt nhiều về tính trạng này. Tính đa dạng tế bào và phân tử của sợi cơ xương là cơ sở di truyền của tính trạng số lượng sợi cơ ở động vật có vú (Pette và Staron, 1990). Theo Rehfeldt và cs. (2004), từ một nửa đến hai phần ba độ lệch chuẩn kiểu hình của số lượng và kích cỡ sợi cơ là do di truyền. Hệ số di truyền (h2) của tính trạng số lượng kích cỡ của sợi cơ dài lưng ở lợn dao động từ 0,17 đến 0,50 (tùy thuộc theo phương pháp tính toán), nhưng số lượng sợi cơ dài lưng có hệ số di truyền khá cao (0,28 - 0,88) (Fiedler và cs., 1991). Một số nghiên cứu trên lợn rừng và lợn nhà cho thấy, dưới tác động của chọn lọc, số lượng sợi cơ dài lưng ở các giống lợn hiện đại cao hơn 1,5 lần so với lợn rừng. Khi so sánh số lượng sợi cơ dài lưng ở một số giống lợn châu Âu hiện nay, Rehfeldt và cs. (2004) đã cho thấy, có sự khác biệt rất đáng kể về số lượng sợi cơ ở cơ dài lưng. Kết quả nghiên cứu của Fieldler và cs. (1989) về kích cỡ và số lượng sợi cơ dài lưng ở ba giống lợn Landrace, Large White và Pietrain đã cho thấy, không có sự khác biệt nhiều giữa ba giống này về đường kính sợi cơ (68,9; 70,0 và 71,3 μm), nhưng số lượng sợi cơ thì khác nhau rõ rệt (1,041; 1,016 và 1,107 x 10-6). Theo đó, giống lợn Pietrain tỏ ra có ưu thế hơn. Điều đó cho thấy, đối với các giống lợn chưa được cải tiến như Móng Cái và các giống lợn nội ở nước ta, một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ sinh trưởng chậm rất có thể là do số lượng sợi cơ rất hạn chế.

Để cải tiến khả năng sinh trưởng và sản xuất thịt, lai tạo giữa các giống lợn ngoại cao sản (Yorkshire, Landrace, Pietrain) có tiềm năng di truyền cao về số lượng sợi cơ với các giống lợn địa phương nhằm lợi dụng ưu thế lai là một giải pháp kỹ thuật rất hiệu quả.



Ở nước ta, công tác nghiên cứu lai tạo giống lợn được tiến hành có hệ thống từ năm 1964 trên cơ sở kết quả đạt được của lai kinh tế giữa các giống ngoại với lợn địa phương chủ yếu là lai với giống Yorkshire, Đại Bạch Liên Xô cũ và Berkshire (1964), sau đó là lợn Landrace (1971) với các giống Móng Cái và Ỉ. Cùng với việc tạo giống lợn trắng ĐBI-81 (từ hai giống lợn Đại Bạch Liên Xô và lợn Ỉ) còn có nhóm giống lợn đen BSI-81 (từ hai giống lợn Berkshire và lợn Ỉ) do Viện Chăn nuôi tiến hành. Một công thức lai cũng được tiến hành lai tạo giống mới giữa lợn Đại Bạch Liên Xô cũ với Lang Thái Bình do tỉnh quản lý (tỉnh Thái Bình). Theo Phạm Hữu Doanh (1983), khi lai lợn Đại Bạch với lợn Ỉ cho biết, các chỉ tiêu về sức sản xuất của đời con lai F1 đều cao hơn giống lợn Ỉ. Khi cho lai lợn cái F1 cấp tiến với đực Đại Bạch (ĐB x F1) thì F2 có nhiều chỉ tiêu về sinh sản đạt cao hơn Ỉ. Khi tỷ lệ gen của lợn Đại Bạch tăng lên 62,5-75,0% thì tính năng sinh sản và sinh trưởng cũng tăng theo tỷ lệ tăng đó. Nhưng, cũng cần có điều kiện nuôi dưỡng phù hợp để đáp ứng nhu cầu con giống thì mới thể hiện được tiềm năng sản xuất của con giống.

1.3.2.2. Ảnh hưởng của dinh dưỡng đến sự hình thành và phát triển của hệ cơ xương ở lợn con


Cũng như một số loài động vật có vú khác, sự phát triển cá thể ở lợn được phân làm hai giai đoạn với những đặc trưng riêng biệt về sự hình thành và phát triển của hệ cơ xương, nền tảng cơ bản của sinh trưởng và khả năng sản xuất thịt, đó là giai đoạn trước và sau khi sinh. Để xây dựng được chiến lược nuôi dưỡng có hiệu quả đối với lợn con và lợn nuôi thịt, cần phải khảo sát kỹ những ảnh hưởng của dinh dưỡng cho lợn con ở giai đoạn khi còn là bào thai và sau khi sinh. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dinh dưỡng kém trong thời kỳ phát triển hợp tử và bào thai sẽ làm giảm hàm lượng DNA trong tế bào cơ và số lượng sợi cơ của hệ cơ xương và do đó làm giảm khối lượng sơ sinh ở lợn (Wigmore và Stickland, 1983; Handel và Stickland, 1987; Dwyer và cs., 1994). Khối lượng sơ sinh là một tính trạng có ý nghĩa quan trọng cả về khía cạnh sinh học cũng như kinh tế và bị ảnh hưởng rất lớn bởi dinh dưỡng thai trong giai đoạn trước khi sinh (Rehfeldt and Kuhn, 2006). Nhiều nghiên cứu cho thấy, ở những lợn con có khối lượng sơ sinh thấp, số lượng sợi cơ xương ít hơn rất đáng kể so với những lợn con có khối lượng cao (Gondret và cs., 2006; Rehfeldt và Kuhn, 2006; Paredes và cs., 2013), đó chính là nguyên nhân cơ bản làm cho tốc độ sinh trưởng của những lợn con có khối lượng sơ sinh thấp ở các giai đoạn phát triển tiếp theo chậm hơn so những lợn con cùng ổ đẻ có khối lượng sơ sinh cao. Ngoài ra, ở những lợn con có khối lượng sơ sinh thấp, sự phát triển của cơ quan tiêu hóa cũng chậm hơn, năng lực tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng trong thức ăn cũng kém hơn (Wang và cs., 2005; Michiels và cs., 2013). Bởi vậy, để tạo nền tảng vững chắc cho sự sinh trưởng của lợn con thời kỳ hậu thai như nguồn lực cơ bản để sản xuất thịt lợn sữa (42 ngày tuổi), ngoài biện pháp lai tạo, việc khảo sát sự phát triển của hệ cơ xương trong quá trình phát triển bào thai ở lợn dưới tác động ảnh hưởng của dinh dưỡng lợn nái có ý nghĩa rất quan trọng. Một số công trình nghiên cứu đã cho thấy, có tương quan thuận rất chặt chẽ giữa khối lượng lợn con lúc sơ sinh với tốc độ sinh trưởng của lợn con và lợn thịt, khối lượng sơ sinh thấp làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh, tăng tỷ lệ còi cọc và tỷ lệ chết trước và sau cai sữa (Wu và cs., 2006) và giảm tốc độ sinh trưởng ở lợn con (Widdowson, 1977; Pond và Mersmann, 1988; Ritter và Zschorlich, 1990; Milligan và cs., 2002; Quiniou và cs., 2002).

Khối lượng sơ sinh của lợn con phụ thuộc vào di truyền và dinh dưỡng của lợn nái trong thời gian mang thai. Bởi vậy, để có được khối lượng lúc sơ sinh đạt tiêu chuẩn phẩm giống, ngoài các biện pháp liên quan đến chọn lọc, lai tạo, việc nuôi dưỡng hợp lý, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của lợn nái trong từng thời kỳ của giai đoạn mang thai để vừa giảm thiểu sự chết hợp tử, chết lưu thai và tăng khối lượng sơ sinh của lợn con là rất quan trọng.

Ngay sau khi sinh, sức sống và tốc độ sinh trưởng của lợn con phụ thuộc hoàn toàn vào sữa mẹ. Sản lượng sữa của lợn nái tăng dần trong những ngày đầu sau khi đẻ đạt cực đại vào tuần thứ 2 và 3 của chu kỳ tiết sữa, sau đó giảm dần, trong khi đó khối lượng cơ thể và nhu cầu dinh dưỡng của lợn con lại tăng liên tục. Sự bất cập về nhu cầu dinh dưỡng của lợn con và khả năng cung cấp dinh dưỡng của sữa mẹ là trở ngại lớn ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng của lợn con (Armstrong và cs., 1986; Rojkittikhun và cs., 1993; Toner và cs., 1996). Bởi vậy, tìm hiểu kỹ đặc điểm tiêu hóa và các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của lợn con trước và sau cai sữa để đưa ra chế độ nuôi dưỡng phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng.

1.4. Tiêu hóa ở lợn con và ảnh hưởng của cai sữa đến sinh trưởng của lợn con

1.4.1. Đặc điểm tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng của lợn con


Hệ thống tiêu hóa của lợn con trong những ngày đầu sau sinh cả về cấu trúc hình thái học và hoạt động của hệ enzyme tiêu hóa chỉ thích hợp với việc tiếp nhận và tiêu hóa sữa như nguồn dinh dưỡng duy nhất (Zintzen và cs., 1971). Trong 36 giờ đầu sau khi sinh, thành ruột non của lợn con có khả năng hấp thu nguyên vẹn những globulin phân tử lượng lớn, một sự hấp thu tích cực và không chọn lọc được thực hiện nhờ các yếu tố ức chế trypsin và các enzyme tiêu hóa protein khác có mặt trong sữa đầu của lợn nái và có trong thành ruột non của lợn con (Zintzen và cs., 1971). Chính nhờ có cơ chế đó mà hàm lượng protein tổng số trong huyết thanh của lợn con tăng lên nhanh chóng trong một vài giờ khi chúng được bú sữa đầu. Khả năng hấp thu các kháng thể có phân tử lượng lớn chỉ có hiệu quả trong 36 giờ đầu sau khi sinh. Sau thời điểm này, thành ruột non trở thành một bức rào chắn vững chắc không chỉ đối với globulin miễn dịch mà còn đối với các vi khuẩn gây bệnh. Cho đến nay, cơ chế điều chỉnh khả năng hấp thu cũng như sự hình thành bức rào chắn vẫn chưa được giải thích một cách thỏa đáng. Có giả thuyết cho rằng bản chất cấu trúc sơ khai của niêm mạc ruột non và hormone ACTH có liên quan đến khả năng này (Zintzen và cs., 1971).

1.4.2. Hoạt tính của các enzyme tiêu hóa và sự tiêu hóa enzyme trong hệ thống dạ dày ruột của lợn con


Hoạt tính của các enzyme tiêu hóa mỡ trong đường tiêu hóa của lợn con rất cao lúc sơ sinh và tăng không đáng kể theo tuổi (Zintzen và cs., 1971; Aumaitre, 1971). Tuy nhiên, Corring và cs. (1978); Efird và cs. (1982) có thông báo rằng hoạt tính của enzyme lypase tuyến tụy tăng dần theo tuổi. Theo Cera và Mahan (1990), khối lượng tuyến tụy tăng dần trong giai đoạn bú sữa và một cách tương ứng, hoạt tính enzyme lipase tăng từ ngày thứ 2 đến 35 ngày tuổi. Tương ứng với sự tăng dần hoạt tính của các enzyme lipase, tỷ lệ tiêu hóa mỡ của lợn con tăng dần theo tuổi và phụ thuộc vào nguồn mỡ (Zintzen và cs., 1971) và độ dài của axit béo trong mỡ. Chuỗi axit béo càng dài, tỷ lệ tiêu hóa mỡ càng thấp (Lloyd và cs., 1957).

Hoạt tính của các enzyme tiêu hóa protein (pepsin, trypsin và chymotrypsin) phụ thuộc vào pH của môi trường dạ dày ruột và tăng lên theo tuổi cùng với sự tăng cường sản xuất axit chlohydric của niêm mạc dạ dày (Anderson và Bowland, 1967). Theo Zintzen và cs. (1971), độ pH trong dịch dạ dày của lợn con lúc sơ sinh là 3, sau đó tăng dần lên 5 ở 3 ngày tuổi, sau đó giảm do tăng khả năng sản xuất axit chlohydric và đạt mức pH=2 vào thời điểm 21 ngày tuổi. Do không có khả năng sản xuất đủ lượng axit chlohydric và men pepsin, nên trong giai đoạn dưới 21 ngày tuổi, khả năng tiêu hóa protein có nguồn gốc thực vật và động vật (trừ protein sữa) của lợn con rất kém, đồng thời môi trường pH cao trong dịch dạ dày làm tăng khả năng nhiễm mầm bệnh, đặc biệt là chủng E.coli trong ruột non, hơn nữa sự phân giải protein bởi men pepsin không hoàn hảo dẫn đến những mạch peptit dài chưa phân giải được đưa xuống ruột non làm tăng nguy cơ bị tiêu chảy của lợn con. Hoạt tính của các enzyme tiêu hóa protein ở lợn con phụ thuộc rất lớn vào nguồn và chất lượng protein trong thức ăn (Corring, 1980). Theo Efird và cs. (1982), hoạt tính của các enzyme trypsin và chymotrypsin trong dịch tiêu hóa ở ruột non của lợn con trong giai đoạn 28-35 ngày tuổi được ăn khẩu phần có protein từ sữa cao hơn đáng kể so với những lợn con được nuôi dưỡng bằng khẩu phần có protein từ đậu tương. Tỷ lệ tiêu hóa protein sữa kể cả sữa lợn và sữa bò ở lợn con rất cao (95-99%). Khả năng tiêu hóa protein nguồn gốc thực vật và động vật khác ở lợn con tăng theo tuổi. Theo Leibholz (1982), tỷ lệ tiêu hóa biểu kiến casein ở lợn con giai đoạn 9-14 ngày tuổi là 94,6 %, 21-24 ngày tuổi là 96,9%, protein bột cá và khô dầu đậu tương tương ứng là 86,6; 87,6 và 83,1; 87,8%. Theo Zintzen và cs. (1971), sự khác biệt về tỷ lệ tiêu hóa đối với các loại protein trong đường tiêu hóa của lợn con là do sự khác biệt về khả năng đông đặc của chúng trong đường tiêu hóa mà chính khả năng này lại quyết định độ dài thời gian lưu lại trong đường dạ dày ruột. Quãng thời gian lưu lại này của protein đậu tương là 19 giờ, casein là 42 giờ. Đường lactose trong sữa có tác dụng kích thích khả năng tiêu hóa casein. Tỷ lệ tiêu hóa protein của lợn con không chỉ phụ thuộc vào nguồn và chất lượng protein mà còn phụ thuộc vào tỷ lệ protein trong thức ăn, hiệu quả sử dụng protein sẽ bị giảm khi mức protein trong khẩu phần tăng lên.



Sự phát triển và hoạt tính của các enzyme tiêu hóa gluxit ở lợn con rất không đồng đều, các enzyme lactase có hoạt tính rất cao ngay từ những ngày đầu sau khi sinh và giảm rất nhanh ở 3 tuần tuổi, trong khi đó hoạt tính của các enzyme tiêu hóa gluxit khác như amylase, maltase và saccharase tăng rất chậm (Dahlquist, 1961; Hartman và cs., 1961). Theo Hartman và cs. (1961), trong mô tuyến tụy của lợn con lúc sơ sinh hoàn toàn không có enzyme amylase, hoạt tính enzyme này tăng nhanh khi lợn con được 35-40 ngày tuổi. Leibholz (1982) đã thông báo rằng, hoạt tính của enzyme amylase bắt đầu thể hiện ở ngày tuổi thứ 7 sau khi sinh nhưng không đáng kể và tăng dần theo tuổi, hoạt tính của enzyme maltase tăng 1,5 lần từ 7 đến 28 ngày tuổi. Tương ứng với hoạt tính của hệ enzyme tiêu hóa gluxit, tỷ lệ tiêu hóa của tất cả các loại gluxit ở lợn con đều rất thấp (trừ lactose). Khả năng tiêu hóa tinh bột ở lợn con chỉ đạt 25% ở tuần tuổi đầu tiên, 50% ở tuần tuổi thứ 3 và tiếp tục tăng cùng với tiến trình hoàn thiện của cơ quan tiêu hóa (Zintzen và cs., 1971). Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu hóa tinh bột của lợn con phụ thuộc nhiều vào nguồn gốc của tinh bột (Leibholz, 1982). Theo Sewell và cs., (1961), Giesting và cs. (1985), Turlington và cs. (1989) đường lactose không những được tiêu hóa và hấp thu có hiệu quả nhất trong giai đoạn bú sữa mà còn có tác dụng cải thiện tỷ lệ tiêu hóa các chất dinh dưỡng khác trong khẩu phần. Theo Lawrence (1985), các phương pháp chế biến như nổ bỏng (poping), ép đùng (extrusion) làm tăng rõ rệt tỷ lệ tiêu hóa tinh bột.

1.4.3. Ảnh hưởng của cai sữa đến sinh trưởng của lợn con


Năng suất thịt lợn sữa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tốc độ sinh trưởng của lợn con. Trong giai đoạn trước cai sữa, tốc độ sinh trưởng của lợn con phụ thuộc chủ yếu vào khả năng tiết sữa của lợn nái. Sản lượng sữa của lợn nái tăng dần trong vài ngày đầu sau khi đẻ, đạt cực đại vào thời điểm 21 đến 28 ngày sau khi đẻ, sau đó bắt đầu giảm, tốc độ giảm nhanh kể từ tuần thứ 4 của chu kỳ tiết sữa (Hitoshi Milkami, 1994). Trong giai đoạn này, lợn con bước vào giai đoạn khủng hoảng không chỉ do sản lượng sữa ở lợn nái giảm một cách sinh lý, không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của lợn con mà còn do sự cai sữa thường được thực hiện vào thời điểm này. Cai sữa là một sự kiện gây stress nghiêm trọng và gây nên nhiều thay đổi của hệ thống dạ dày, ruột ở lợn con theo chiều hướng bất lợi. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng tỏ rằng, cai sữa làm giảm chiều cao của lông nhung và tăng độ sâu của các hốc niêm mạc ruột non ở lợn con trong những ngày đầu sau cai sữa (Dunsford và cs., 1989; Cera và cs., 1990; McCracken, 1993 và Pluske và Williams, 1996). Theo McCracken và Kelly (1984), chiều cao của các lông nhung niêm mạc ruột non ở lợn con giảm 25% trong 24 giờ đầu sau cai sữa, và tiếp tục giảm trong vòng 5 ngày sau cai sữa, sau đó ổn định. Việc giảm chiều cao của các lông nhung ở niêm mạc ruột non giải thích cho hiện tượng giảm sức tiêu thụ thức ăn, giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, tăng tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy sau cai sữa và dẫn đến làm giảm thậm chí làm ngừng tốc độ sinh trưởng của lợn con trong giai đoạn sau cai sữa. Cai sữa càng sớm, càng đột ngột, tốc độ giảm chiều cao lông nhung càng cao và như vậy những rối loạn tiêu hóa và hấp thu diễn ra càng trầm trọng. Theo Windermueller (1982); Souba (1993); Wu và Knabe (1993), trong sữa lợn nái tồn tại một loại axit amin là L-glutamine có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ, kích thích sự phát triển và duy trì các chức năng sinh lý bình thường của các tế bào biểu mô ruột non. Sự ngưng cung cấp sữa làm mất đi vai trò của L-glutamine và đó cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm chiều cao lông nhung niêm mạc ruột non. Theo Lindemann và cs. (1986), chiều cao của lông nhung giảm 30-65% ở lợn con cai sữa 21 ngày và 27% ở lợn con cai sữa 35 ngày. Theo Bark và cs. (1986), có một giai đoạn đói tạm thời trong những ngày đầu sau cai sữa, trong thời gian này, sức tiêu thụ thức ăn của lợn con giảm đáng kể dẫn đến thiếu cung cấp dưỡng chất liên tục trong đường dạ dày ruột làm giảm chiều cao của lông nhung, giảm hấp thu chất dinh dưỡng. Cai sữa còn làm giảm hoạt tính của các enzyme tiêu hóa trong chất chứa dạ dày ruột của lợn con. Theo Lindemann và cs. (1986), hoạt tính của enzyme amylase giảm 82%, trypin giảm 45% trong tuần đầu tiên sau cai sữa ở 35 ngày tuổi sau đó tăng dần và đạt được mức bình thường vào 42-45 ngày tuổi. Những thay đổi bất lợi của hệ thống tiêu hóa cả về hình thái giải phẫu và hoạt tính enzyme như đã nói trên là những nguyên nhân sinh lý cơ bản làm giảm tốc độ sinh trưởng ở lợn con. Mức độ bất lợi của những thay đổi này phụ thuộc nhiều vào độ tuổi cai sữa, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng lợn con sau cai sữa, trong đó yếu tố khẩu phần có ý nghĩa rất quan trọng. Việc khảo sát thời gian cai sữa hợp lý và lựa chọn khẩu phần ăn thích hợp không chỉ quan trọng đối với chăn nuôi lợn con mà còn có ý nghĩa sinh học và kinh tế đặc biệt đối với ngành sản xuất thịt lợn sữa.

1.5. Chất lượng thịt lợn con và những yếu tố ảnh hưởng


Có nhiều cách hiểu về chất lượng thịt. Theo Andersen và cs., (2005), chất lượng thịt được đánh giá bởi một tập hợp các đặc tính của thịt và những đặc tính này chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như giống, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, điều kiện môi trường, phương pháp và điều kiện giết mổ, chế biến... Đối với thịt lợn, ngoài tổ hợp các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng thịt xẻ (tỷ lệ móc hàm, tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ thịt nạc, tỷ lệ mỡ...), các chỉ tiêu cảm quan (màu sắc, mùi vị) và các chỉ tiêu khác như, độ mềm, khả năng giữ nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

1.5.1. Thành phần thân thịt của lợn con và những yếu tố ảnh hưởng


Khác với sản phẩm thịt lợn thông thường, được thu hoạch từ lợn thịt có khối lượng giết mổ trên dưới 100 kg, ở lợn con, tỷ lệ phần ăn được (edible part) chiếm tỷ lệ khá cao vì toàn bộ da, lớp mỡ dưới da và một phần đáng kể xương trong thân thịt của lợn con đều được sử dụng. Tuy nhiên, bộ phận cấu thành cơ bản của thân thịt ở lợn con là hệ cơ xương. Bởi vậy, chất lượng thịt lợn con gắn liền với cấu trúc sinh học của hệ cơ xương (sự hình thành và phát triển của hệ cơ, sự tích lũy mỡ giữa các tế bào cơ) và những thay đổi về thành phần thân thịt, đặc biệt là tỷ lệ protein (Pr) và mỡ trong thân thịt. Như đã trình bày ở mục 2.3, sự biệt hóa của các tế bào cơ để hình thành số lượng các sợi cơ nguyên thủy và thứ cấp ở lợn đã được hoàn thiện trong giai đoạn bào thai, sự sinh trưởng của lợn con giai đoạn sau khi sinh chỉ là sự tăng lên về kích cỡ của sợi cơ nhờ tích lũy protein và mỡ. Trong tuần đầu tiên sau khi sinh, tốc độ tích lũy protein và mỡ ở lợn con diễn ra rất nhanh (Varley và Wiseman, 2001).

Bảng 1.1: Tương quan giữa khối lượng cơ thể và khối lượng protein, khối lượng mỡ ở lợn con


Tuổi (ngày)

KLCT (kg)

KLPr (kg)

KLM (kg)

TLPr:M

Mới sinh

1,23

0,13

0,02

6,5

1

1,45

0,18

0,03

5,8

7

2,80

0,41

0,19

2,2

14

4.50

0,65

0,51

1,3

21 (Cai sữa)

6,30

0,83

0,64

1,3

28

7,00

0,89

0,54

1,6

35

8,80

1,13

0,73

1,5

(Nguồn: Varley và Wiseman, 2001)

Ghi chú: KLCT = khối lượng cơ thể; KLPr = khối lượng protein; KLM = khối lượng mỡ; TLPr:M = tỷ lệ protein/mỡ.

Ngay sau khi sinh và sau 1 ngày tuổi, khối lượng protein cao hơn từ 5,8 đến 6 lần so với mỡ. Trong những tuần tiếp theo, tốc độ tích lũy mỡ trong thân thịt của lợn con tăng nhanh đáng kể. Tuy nhiên ở lợn con, xu hướng chung là tích lũy protein vẫn luôn chiếm ưu thế so với tích lũy mỡ, đến 35 ngày tuổi tương quan khối lượng giữa protein và mỡ là 1,5/1. Mặc dù chưa có những nghiên cứu chi tiết và có hệ thống về chất lượng thịt lợn sữa (42 ngày tuổi), nhưng rất có thể quan hệ tỷ lệ giữa khối lượng protein và mỡ trong thân thịt là một đặc trưng chất lượng tạo nên tính hấp dẫn của lợn sữa.



Di truyền có ảnh hưởng rất lớn đến các chỉ tiêu chất lượng thân thịt ở lợn. Nếu như hệ số di truyền của các tính trạng liên quan đến năng suất sinh sản (tỷ lệ thụ thai, số con/ổ, khối lượng sơ sinh...) chỉ dao động từ 0,10 đến 0,30, thì những tính trạng liên quan đến chất lượng thân thịt ở lợn có hệ số di truyền ở mức trung bình tới cao (độ dày mỡ lưng: 0,50; tỷ lệ thịt nạc: 0,48; độ dài thân thịt: 0,55; diện tích cơ thăn: 0,45) (Cassady và cs., 2010). Đối với các giống lợn nội hướng mỡ như lợn Móng Cái, tỷ lệ thịt nạc chỉ chiếm 35% đến 37% (tỷ lệ mỡ 45-48%) (Nguyễn Văn Đức và cs., 2001), thì các giống lợn ngoại nuôi ở Việt Nam như Yorkshire, Landrace, Duroc..., có tỷ lệ thịt nạc từ 55 đến 62%. Các phương pháp lai tạo, đặc biệt là lai cấp tiến giữa lợn đực giống ngoại với lợn nái giống nội không chỉ nâng cao khả năng sinh trưởng, mà còn cải thiện chất lượng thân thịt theo hướng tăng tỷ lệ nạc. Việc tạo ra con lai F1 giữa lợn đực từ một số giống ngoại với lợn Móng Cái để sản xuất lợn sữa (42 ngày tuổi) cũng không ngoài mục tiêu vừa cải thiện các chỉ tiêu năng suất mà còn nhằm vào chất lượng thân thịt theo hướng giảm tỷ lệ mỡ trong thân thịt.

Chế độ dinh dưỡng có ý nghĩa đặc biệt đến chất lượng thân thịt, ở lợn con, tốc độ sinh trưởng tương đối, đặc biệt là khả năng tích lũy protein rất cao, bởi vậy, nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là nhu cầu năng lượng, protein và axit amin ở lợn con cao hơn nhiều so với lợn choai và lợn vỗ béo, nhưng do hạn chế về khả năng thu nhận thức ăn do sản lượng sữa lợn nái giảm dần theo thời gian trong chu kỳ tiết sữa và khủng hoảng do cai sữa nên trong rất nhiều trường hợp, lợn con không được đáp ứng đủ nhu cầu để phát huy hết tiềm năng di truyền về khả năng sinh trưởng. Tuổi cai sữa, mà thực chất là tổng lượng sữa cung cấp và chất lượng khẩu phần có ảnh hưởng lớn đến năng suất sinh trưởng và tỷ lệ protein/mỡ ở lợn con (Varley và Wiseman, 2001).


1.5.2. Màu sắc của thịt lợn con và những yếu tố ảnh hưởng


Myoglobin là sắc tố chính tạo nên màu của thịt. Ở lợn, myoglobin tồn tại ở ba dạng tạo ra mầu thịt nạc khác nhau dưới tác động của áp lực oxy (oxygen tension): mầu đỏ tía do deoxymyoglobin (Mb); mầu đỏ nhạt do oxymyoglobin (MbO2) và mầu đỏ nâu do metmyoglobin (MetMb). Tương quan giữa các loại myoglobin này tạo nên mầu của thịt lợn (Hamilton và cs., 2002. Di truyền ảnh hưởng quan trọng đến mầu sắc của thịt lợn, nghiên cứu của Lindahl và cs. (2006) cho thấy, mầu thịt nạc của lợn Duroc đỏ sẫm hơn so với các giống lợn khác như Yorkshire, Landrace và Pietrain. Mầu của thịt lợn còn bị chi phối bởi các gen halothane và gen Redement Napole (RN), màu của thịt thăn ở lợn mang gen halothane (Nn) và RN có mầu đỏ ngả vàng hơn so với những giống lợn không mang các gen này (Lindahl và cs., 2006). Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, chế độ dinh dưỡng và các yếu tố khẩu phần ảnh hưởng lớn đến mầu sắc thịt lợn. Bổ sung magnesium, vitamin D3, vitamin E, vitamin C và creatine đã cải thiện đáng kể mầu sắc thịt lợn theo hướng đỏ hơn (Hamilton và cs., 2002; Maddock và cs., 2002; Geesink và cs., 2004; Wilborn và cs., 2004; Lindahl và cs., 2006). Một số công trình nghiên cứu cũng cho thấy, những thao tác thô bạo trong quá trình giết mổ gây stress cho lợn cũng ảnh hưởng bất lợi đến màu sắc và chất lượng thịt (Faucitano, 1998; Warris và cs., 1998; Van der Wal, 1999). Những stress trước khi giết mổ làm tăng nhiệt độ và pH của hệ cơ và ảnh hưởng đến màu sắc của thịt lợn (Milligan và cs., 1998; Van der Wal, 1999; Hambrecht và cs., 2004).

1.5.3. Mùi của thịt lợn con và những yếu tố ảnh hưởng


Mùi là một chỉ tiêu rất được coi trọng trong đánh giá chất lượng thịt lợn. Khi thịt còn ở dạng tươi sống, mùi thịt chưa được thể hiện đầy đủ bởi sự lấn át của mùi huyết tương và các dịch ngoại bào khác. Mùi của thịt lợn được thể hiện rõ trong quá trình xử lý nhiệt để làm chín thịt ở dạng nguyên thủy (chưa chế biến), trong quá trình này, các yếu tố tạo nên mùi vị thịt lợn như một số loại peptide, một vài loại axit béo, phốt pho lipid, hydrocarbons, aldehydes, ketone, alcohols, furans, ribonucleotide, inosine monophosphate...vv thăng hoa tạo nên mùi đặc trưng của thịt lợn (Hartman và cs., 1984; MacLeod, 1986; Guentert và cs., 1990; Mottram, 1991; Madruga và Mottram, 1995). Ngoài ra, mùi của thịt còn bị ảnh hưởng bởi sự tồn dư một số chất đưa vào thông qua thức ăn, nước uống và một số dẫn xuất khác phát sinh trong quá trình oxy hóa mỡ trong thời gian bảo quản thịt (Calkins và Hodgen, 2007). Đối với thịt lợn con, ngoài những chất và dẫn xuất gây mùi như trên, một số thành phần trong sữa cũng là tác nhân tạo nên mùi đặc trưng và hấp dẫn của thịt lợn con. Giống ảnh hưởng đáng kể đến mùi thịt. Nghiên cứu của Cameron và cs. (1990) cho thấy, thịt lợn Duroc có mùi kém hấp dẫn hơn so với Yorkshire và Landrace. Những giống lợn có mang gen RN có mùi thịt kém hấp dẫn hơn so với lợn không có gen này (Lundström và cs., 1996). Thức ăn được coi là yếu tố có ảnh hưởng rõ rệt nhất đến mùi thịt vì: (i) ảnh hưởng trực tiếp đến tích lũy glycogen trong thịt trong thời gian trước khi giết mổ; (ii) thức ăn gồm nhiều thành phần bị biến đổi sau khi chuyển hóa thành những dẫn xuất trung gian tích lũy trong các mô mềm (mô nạc, mô mỡ, nội tạng) ở lợn và qua đó tạo nên mùi của thịt. Lợn vỗ béo trước khi giết mổ được ăn khẩu phần có tỷ lệ bột cá và mỡ cá cao sẽ có mùi tanh đặc trưng của cá chính là những minh chứng rõ rệt nhất cho ảnh hưởng của thức ăn đến mùi của thịt (Mourot và Hermier, 2001; Wood và cs., 2003, 2004). Ngoài hai yếu tố ảnh hưởng chủ yếu là di truyền và thức ăn, các yếu tố khác như kỹ thuật chế biến và bảo quản thịt cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến mùi của thịt lợn (O’Sullivan và cs., 2003; Tikk và cs., 2007).

1.5.4. Độ mềm của thịt lợn con và những yếu tố ảnh hưởng


Độ mềm (tenderness) của thịt là một chỉ tiêu chất lượng quan trọng quyết định mức độ hài lòng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thịt (Miller và cs., 2001). Độ mềm của thịt được quy định bởi cấu trúc sợi cơ, cơ cấu tỷ lệ giữa mô cơ và mô liên kết, tỷ lệ mỡ dắt và tiến trình cứng lên của thịt sau khi giết mổ (Rhee và cs., 2004; Koohmaraie và Geesink, 2006).

Độ mềm của thịt bị chi phối mạnh bởi yếu tố di truyền. Những tiến bộ khoa học trong di truyền và công tác nhân giống theo hướng tạo ra các giống lợn có tỷ lệ nạc cao cũng làm cho độ mềm của các giống lợn này giảm xuống và kém hấp dẫn người tiêu dùng. Wood và cs. (2004) cho thấy, các giống lợn hiện đại như Duroc và Large White sinh trưởng nhanh hơn, tỷ lệ nạc cao hơn, nhưng thịt cứng và dai hơn so với các giống lợn truyền thống (Berkshire và Tamworth). Ở nước ta, sở dĩ thịt lợn lai (ngoại x nội) vẫn được ưa chuộng, lợn lai 50-75% gen giống ngoại vẫn được nuôi phổ biến ở nhiều vùng trong cả nước cũng vì đặc tính này của thịt lợn.

Chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đáng kể đến độ mềm của thịt lợn. Tuổi nuôi dưỡng làm giảm hàm lượng glycogen trong cơ lợn vào lúc giết mổ có ý nghĩa quan trọng làm tăng độ mềm của thịt. Nuôi dưỡng lợn vỗ béo bằng khẩu phần có hàm lượng protein thấp đã cải thiện độ mềm của thịt lợn (Wood và cs., 2004). Ngoài ra, các yếu tố khác, nhất là phương pháp giết mổ và bảo quản thịt cũng là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến độ mềm của thịt lợn.

Trong tiêu chuẩn ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về sản phẩm thịt lợn sữa, không có quy định cụ thể về các chỉ tiêu chất lượng thịt xẻ (tỷ lệ thịt nạc, tỷ lệ mỡ) và các chỉ tiêu cảm quan, nhưng những chỉ tiêu về chất lượng thịt lợn như đã trình bày ở trên cũng rất đáng được quan tâm trong quá trình chuẩn hóa chất lượng thịt lợn sữa ở nước ta.


1.6. Tình hình nghiên cứu về lợn con trong và ngoài nước

1.6.1. Tình hình nghiên cứu ngoài nước


Trong nhiều thập kỷ trở lại đây, lai giống là một trong những biện pháp quan trọng để sản xuất lợn thịt có năng suất chất lượng cao ở nhiều nước trên thế giới. Lúc đầu mới chỉ áp dụng các tổ hợp lai kinh tế đơn giản như lai giữa hai giống lợn, về sau có nhiều tổ hợp lai kinh tế phức tạp 3, 4, 5 giống lợn và cao hơn nữa là các chương trình lai tạo lợn hybrid. Khả năng sinh sản của lợn nái là một trong những tính trạng sản xuất quan trọng. Tính trạng về sinh sản có hệ số di truyền thấp nên hướng lai tạo thường được nghiên cứu sâu vì chúng thường có ưu thế lai cao.

Một số nước châu Âu như Liên Xô (cũ), Hungari, Đức... kết quả lai kinh tế đã làm tăng số lợn con sơ sinh trung bình/ổ là 12-16%. Tỷ lệ nuôi sống đến cai sữa cao hơn từ 10-15% so với lợn thuần. Nhiều kết quả nghiên cứu của Winters và cs. (1978) đã chứng minh, lợn lai khác giống vượt lợn thuần chủng về số lượng lợn con nuôi sống, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng thấp hơn. Tác giả nhận xét lợn lai từ hai giống có số con trung bình/ổ lúc sơ sinh cao hơn 11,6%; lợn lai từ ba giống có số con trung bình một ổ khi sơ sinh cao hơn 7,2% so với lợn lai hai giống và cao hơn 19,6 % so với lợn thuần. Từ đó tác giả đi đến kết luận: Tổ hợp lợn lai có xu hướng đẻ nhiều con hơn, giảm được thời gian nuôi thịt, tiêu tốn thức ăn thấp hơn so với lợn thuần.

Trung Quốc có 60 giống lợn được nuôi ở các vùng sinh thái khác nhau. Để nâng cao chất lượng đàn lợn thịt, Trung Quốc đã nhập một số giống lợn có khả năng sản xuất cao, phẩm chất thịt tốt như lợn Yorkshire, Duroc, Hampshire, Landrace cho phối với lợn Meishan của Trung Quốc vì vậy đã làm tăng khả năng sinh sản của lợn nái, đạt trung bình 12,50 con/ổ (Đỗ Thị Tỵ, 1994).

Ở Mỹ, năng suất sinh sản của đàn lợn nái năm 1970 chỉ đạt 7,2 lợn con cai sữa/ổ, với số lứa đẻ/nái/năm là 1,80, đến năm 1994 đã tăng lên là 8,92 lợn con cai sữa/ổ và số lứa đẻ/nái/năm là 2,30 (Trần Kim Anh, 2000).



Các nghiên cứu của Gerasimov và cs. (1997), cho biết lai ba giống đều có tác dụng nâng cao các chỉ tiêu sinh sản như: Số con đẻ ra/ổ, tỷ lệ nuôi sống và khối lượng ở 60 ngày tuổi/con. Tác giả cũng cho biết nái lai có chất lượng tốt về sản xuất sữa, khối lượng sơ sinh, con lai sinh trưởng tốt và có năng suất thịt xẻ cao. Việc sử dụng lai ba giống là phổ biến để nâng cao khả năng sinh sản và sản xuất lợn thịt thương phẩm.

Lai giống là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao khả năng sinh sản và cho thịt trong chăn nuôi lợn ở Ba Lan. Tuz và cs. (2000) nhận thấy lai ba giống đạt số con ở 1, 21, 42 ngày tuổi cũng như khối lượng sơ sinh/con cao hơn hẳn so với giống thuần. Sử dụng nái lai để phối với lợn đực giống thứ ba có hiệu quả nâng cao khối lượng khi cai sữa và khả năng tăng khối lượng khi nuôi thịt. Khi lai ba giống hoặc lai trở ngược số lợn con cai sữa/nái/năm tăng tới 10-15%, số con cai sữa/ổ nhiều hơn 1,0-1,5 con và khối lượng cai sữa/con tăng được 1 kg ở 28 ngày tuổi so với giống thuần (Colin, 1998).

Để tăng hiệu quả sản xuất của lợn nái, cai sữa sớm cho lợn con cũng là một yếu tố quan trọng nó quyết định đến năng suất và lợi nhuận của toàn đàn lợn cũng như của toàn bộ cơ sở chăn nuôi đó. Tuy nhiên, cai sữa sớm có thể gây ra nhiều yếu tố stress bất lợi cho khả năng sinh trưởng và sức kháng bệnh của lợn con.

Kết quả nghiên cứu của Funderburke và Seerley (1990) cho thấy khi ghép đàn sau cai sữa đã làm giảm tốc độ sinh trưởng của lợn do các yếu tố stress gây ra. Theo Blecha và cs. (1983) hoạt động của hệ thống miễn dịch của lợn con bị suy giảm khi lợn con cai sữa sớm ở 3 tuần tuổi nhất là tuần đầu và tuần thứ 2 sau cai sữa. Đồng thời theo Pluske và Williams (1996) khi ghép lợn con thuộc các đàn khác nhau cũng làm tăng các tổn thương do cắn nhau nhưng lại không thấy có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của lợn con.



Phân tích 14.925 ổ đẻ của 39 đàn lợn nái ở Mỹ (Xue và cs., 1997) nhận thấy: Thời gian bú sữa của lợn con dài, lợn nái có số con sơ sinh/ổ, số con đẻ ra còn sống/ổ cao, thời gian động dục trở lại ngắn, khoảng cách từ khi đẻ đến phối giống trở lại dài, khoảng cách lứa đẻ dài.

Lợn nái cai sữa ở 28-35 ngày, thời gian động dục trở lại 4-5 ngày có thể phối giống và có thành tích sinh sản tốt (Colin, 1998). Không nên phối giống cho lợn nái sớm hơn 3 tuần sau khi đẻ, phối giống sớm sẽ làm giảm khả năng sinh sản của lợn nái (Cole và cs., 1975, dẫn từ Ian Gordon, 1997).

Lợn nái phối giống sau khi cai sữa sớm có số lượng trứng rụng ít (15,9 so với 24,6) và số phôi ở ngày chửa thứ 11 ít. Lợn nái cai sữa sớm có tỷ lệ thụ thai thấp, số phôi sống ít và thời gian động dục trở lại dài (Tonon và cs., 1995, dẫn từ Ian Gordon, 1997; Deckert và cs., 1998). Mabry và cs. (1997) cho biết phối giống sớm sau khi đẻ, tỷ lệ đẻ và số con đẻ ra/ổ thấp hơn so với phối giống muộn. Theo Ian Gordon (2004), giảm thời gian cai sữa từ 15 xuống 10 ngày sẽ làm giảm 0,2 con/ổ.

Zintzen và cs. (1971) cho rằng hiệu quả sử dụng thức ăn tốt hơn ở đàn lợn cai sữa sớm so với đàn cai sữa muộn. Khi cai sữa sớm cho lợn con thường gây ra một số stress nhưng lại không thấy có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của lợn con.

Đối với lợn con theo mẹ và sau cai sữa, đặc điểm sinh trưởng nhanh nhưng không đồng đều ở các giai đoạn, do vậy tốc độ sinh trưởng phụ thuộc rất nhiều vào việc đáp ứng dinh dưỡng từng giai đoạn nuôi. Nhu cầu về protein của lợn con ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng khối lượng, đặc biệt nhu cầu về các axit amin không thay thế.

Nhu cầu về lysine của lợn con cao hơn lợn trưởng thành, nếu trong khẩu phần của lợn con không đủ lysine thì các axit amin khác không được hấp thu triệt để. Vì vậy, lysine được coi là axit amin giới hạn thứ nhất trong khẩu phần cho lợn con, lượng protein hình thành trong cơ thể chịu tác động bởi lysine. Người ta thường dựa vào nhu cầu lysine để xác định nhu cầu các axít amin khác cho lợn. Trong thức ăn của lợn con tập ăn, tỷ lệ lysine thích hợp lại càng quan trọng, đặc biệt là đối với lợn con cai sữa sớm.

Ngay từ năm 1979, Fuller và cs. (1989) đã xác định mục đích của việc bổ sung protein nhằm cung cấp thêm protein tổng số trong thức ăn và giảm sự thiếu hụt các axit amin thiết yếu trong protein ngũ cốc. Các tác giả đã phát hiện ra rằng, việc bổ sung thêm các axit amin giới hạn thứ nhất và thứ hai (lysine, threonine) có những hiệu quả tốt nhất. Cụ thể, khi bổ sung thêm 4,0 g L-lysine/kg và 1.2 g L-threonine/kg nâng tổng số hàm lượng của hai axit amin này trong thức ăn lên 7,2 và 4,2 g/kg thức ăn đã làm cho việc đào thải nitơ của nước tiểu xuống thấp nhất.

Campbell và cs. (1985) cho rằng lợn 20-45 kg đạt tích lũy protein tối đa khi khẩu phần chứa 3,39 g lysine/Mcal DE, tỷ lệ trên cao hơn khuyến cáo của NRC (1998) (là lợn con 20-50 kg cần 2,21 g lysine/Mcal DE, nhưng thấp hơn khuyến cáo của ARC (1981) với lợn 15-50 kg cần 3,51 g lysine/Mcal DE, tương đương 16 g lysine/ngày để đạt tăng khối lượng cao nhất.

Hai tác giả Campbell và Taverner (1988) nghiên cứu về nhu cầu của protein và các axit amin của lợn con ở giai đoạn 8-20 kg. Kết quả nghiên cứu cho thấy, theo sự tăng lên của tỷ lệ protein trong khẩu phần (119-232 g/kg), lượng thức ăn ăn vào của lợn con không thay đổi (0,93-0,97 kg/con/ngày), nhưng sinh trưởng tuyệt đối tăng dần từ 419 g/ngày đến 618 g/ngày. Tỷ lệ chuyển hoá thức ăn của lợn con giảm dần từ 2,28 xuống 1,51 kg thức ăn/1 kg tăng khối lượng. Tỷ lệ protein/1 kg thịt cũng tăng dần từ 150 g/kg đến 162 g/kg. Tỷ lệ chất béo giảm dần từ 218 g/kg xuống 133 g/kg, trong khi đó tỷ lệ nước tăng dần từ 616 g/kg đến 690 g/kg.

Mối quan hệ tương tác giữa các axit amin trong khẩu phần và năng lượng tiêu hoá đối với lợn có khối lượng 20-50 kg được Chiba và cs. (1991) nghiên cứu và chỉ ra rằng, khi tăng tỷ lệ các axit amin trong khẩu phần thì cần phải tăng mức năng lượng. Phân tích hồi quy cho thấy, tăng khối lượng của lợn và hệ số giữa tăng khối lượng/năng lượng tiêu hoá đạt tối ưu khi tỷ lệ lysine/năng lượng tiêu hoá ở mức 3,0 g/Mcal.

Các tác giả Saldana và cs. (1993) nghiên cứu về nhu cầu của threonine tiêu hoá cho lợn con sau cai sữa 6-16 kg. Tỷ lệ threonine tiêu hoá trong khẩu phần từ 0,60-0,76%. Khẩu phần cơ sở có 17,6% protein tổng số và 1,25% lysine. Kết quả thí nghiệm cho thấy sinh trưởng tuyệt đối đạt tối đa khi tỷ lệ threonine tiêu hoá đạt 0,46%, tuy nhiên, hệ số chuyển hoá thức ăn/1 kg tăng khối lượng không đạt tối đa trong khoảng threonine nghiên cứu.

Paul và cs. (1994) nghiên cứu trên lợn từ 20-45 kg để xác định ảnh hưởng của mức năng lượng và protein ăn vào đến thành phần các axit amin trong thịt và các cơ quan của lợn sinh trưởng. Các tác giả rút ra kết luận rằng, hàm lượng các axit amin (trong thịt, các cơ quan nội tạng và toàn bộ cơ thể) và protein tích lũy trong khoảng từ 20-40 kg thể trọng bị ảnh hưởng bởi lượng protein và năng lượng ăn vào.

Van Luen và Cole (1996) khi nghiên cứu về ảnh hưởng của tỷ lệ lysine/năng lượng tiêu hoá đến sinh trưởng và tích lũy nitơ của lợn đực, cái lai hybrid và lợn đực thiến cho thấy: tỷ lệ lysine/năng lượng tiêu hoá tối ưu đối với tất cả các loại lợn trên từ 0,95 đến 1,0 g/1 MJ DE. Lượng nitơ tích lũy tối đa cho các loại lợn thí nghiệm từ 28-30 g/ngày (tương đương với 175-187 g protein/ngày).

Close và Menke (1996) cho biết lợn con có tốc độ sinh trưởng trung bình 200 g/ngày ở tuần thứ 2 và 350 g/ngày ở tuần tuổi thứ 5, trong 2 tuần lễ đầu các chất dinh dưỡng của lợn con chủ yếu do sữa mẹ cung cấp. Tuần lễ thứ 3, sữa mẹ không tăng do vậy cần bổ sung thức ăn cho lợn con gọi là “Creep feed”. Thức ăn này chứa từ 20-22% protein thô và dễ dàng tiêu hóa protein ở lợn con. Tỷ lệ tiêu hóa protein của lợn con không chỉ phụ thuộc vào nguồn gốc và chất lượng protein mà còn phụ thuộc vào tỷ lệ protein trong thức ăn, hiệu quả sử dụng protein sẽ giảm khi mức protein khẩu phần tăng (Zintzen và cs., 1971).

Các tác giả Heger và cs. (2003) tiến hành 5 thí nghiệm cân bằng để nghiên cứu hiệu suất sử dụng của các axit amin isoleucine, leucine, valine, histidine và phenylalanine + tyrosine cho biết: theo sự tăng lên của nồng độ các axit amin tới hạn, thì tích luỹ nitơ cũng tăng theo phương trình tuyến tính. Các tác giả đã tính được nhu cầu các axit amin dành cho duy trì đối với isoleucine là 18, leucine là 33, valine là 23, histidine là 14 và phenylalanine + Tyrosine là 43 mg/W0,75

Patience và Zijlstra (2004) đã nghiên cứu nhu cầu axit amin dựa vào tỷ lệ lắng đọng protein. Lysine cần thiết cho lợn có thể được chia làm hai loại: Duy trì và phát triển. Phối hợp khẩu phần để đáp ứng nhu cầu axit amin cần xem xét đến phương pháp đa yếu tố, tạo ra mức độ tối ưu dưới các điều kiện quản lý đặc biệt.

Các nghiên cứu của trường Đại học Kentucky đã chứng minh được rằng, việc đào thải nitơ giảm 15-20% khi giảm 2% protein tổng số của khẩu phần có bổ sung lysine và lượng nitơ giảm 30-35% khi giảm 4% protein tổng số và bổ sung 4 axit amin. Hàm lượng amoniac và khí thải khác từ phân cũng giảm đáng kể khi sử dụng khẩu phần có mức protein thấp được bổ sung các axit amin tổng hợp (Hồ Trung Thông, 2006). Như vậy, việc xây dựng những khẩu phần thức ăn giảm protein và bổ sung các axit amin thích hợp không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phầm giảm thải ô nhiễm môi trường thông qua giảm thiểu đào thải nitơ trong quá trình chuyển hóa hấp thu thức ăn của vật nuôi.

1.6.2. Tình hình nghiên cứu trong nước

1.6.2.1. Những nghiên cứu về các tổ hợp lai (ngoại x MC) và ưu thế lai


Các giống lợn nội nước ta nói chung và lợn Móng Cái nói riêng là nguồn gen quý, chúng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và điều kiện chăn nuôi hạn chế, khả năng chống chịu bệnh tật cao và khả năng sinh sản tốt (Nguyễn Văn Thiện và cs., 1999; Nguyễn Văn Đức, 2005). Ở Việt Nam, lợn Móng Cái đóng vai trò quan trọng trong công tác giống lợn, được dùng làm nái nền để lai với đực giống ngoại như Yorshire, Landrace, Pietrain và Duroc để sản xuất con lai thương phẩm 50%, 75% hoặc 82,5% máu ngoại nuôi thịt cho kết quả tốt và sản xuất nái lai F1(YxMC) và F1(LRxMC).

Nhiều kết quả nghiên cứu đã khẳng định lai giữa đực ngoại và nái Móng Cái có tác dụng nâng cao khả năng sinh sản, tăng khối lượng, tỷ lệ nạc, giảm tiêu tốn thức ăn ở con lai F1 so với Móng Cái thuần. Một số công thức lai giữa lợn đực Đại Bạch với nái Móng Cái, giữa lợn đực Landrace với nái Móng Cái đã và đang còn được áp dụng rộng rãi trong sản xuất ở các tỉnh miền Bắc, cũng như nhiều tỉnh ở miền Trung và Tây Nguyên hiện nay.

Kết quả lai giống giữa giống lợn Đại Bạch và giống lợn Móng Cái được Trần Nhơn và Võ Trọng Hốt (1986) công bố. Theo hai tác giả, công thức lai này cho kết quả sinh sản tốt. Số con đẻ ra/ổ đạt 11,7 con, khối lượng sơ sinh 0,98 kg/con; khối lượng cai sữa đạt 10,10 kg/con. Công thức lai giữa lợn Đại Bạch với nái Móng Cái con lai ở 9 tháng tuổi đạt 90,90 kg và tỷ lệ nạc đạt 42,26%.

Nguyễn Văn Đức và cs. (2001) cho biết tổ hợp lai giữa lợn Pietrain và lợn Móng Cái có khả năng sinh sản tốt. Số con để nuôi đạt 11,0 con/ổ, số con ở 60 ngày tuổi là 10,25 con/ổ, khối lượng sơ sinh là 1,04 kg và khối lượng 60 ngày tuổi là 12,45 kg.

Lê Thanh Hải (2001) cho biết công thức lai F1(PixMC) đạt tăng khối lượng 509 g/ngày trong thời gian nuôi thí nghiệm từ 23,02 kg (90 ngày tuổi) đến 80,03 kg (202 ngày tuổi), tiêu tốn thức ăn là 3,8 kg thức ăn/kg tăng khối lượng, tỷ lệ nạc/thịt xẻ là 44,90%.

Trần Duy Khanh và cs. (2004) cho biết mức tăng khối lượng trong giai đoạn vỗ béo ở tổ hợp lai F1(LWxMC) đạt cao hơn 0,05 kg/ngày/con so với tổ hợp lai F1(LRxMC) nuôi trong các nông hộ nghèo tại xã Đông Kinh và Nam Trung, tỉnh Thái Bình.

Trần Thị Minh Hoàng và cs. (2004) nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố đến các tính trạng sản xuất của ba tổ hợp lợn lai F1(LRxMC), F1(LWxMC) và F1(PixMC) nuôi trong nông hộ tại Đông Anh, Hà Nội cho biết tổ hợp lai F1(PixMC) đạt các tính trạng sản xuất tốt hơn so với hai tổ hợp lai F1(LRxMC) và F1(LWxMC).

Bùi Quang Hộ (2004) nghiên cứu khả năng sinh trưởng và cho thịt của ba tổ hợp lợn lai F1(LRxMC), F1(LWxMC) và F1(PixMC) nuôi trong nông hộ tại Thái Bình cho biết, tổ hợp lai F1(PixMC) đạt sinh trưởng, cho thịt tốt hơn so với hai tổ hợp lai F1(LRxMC) và F1(LWxMC). Tác giả nhận định, để sản xuất được một khối lượng thịt lợn với quy mô hàng hóa lớn và có chất lượng cao trong nông hộ, lợn F1(PixMC) cần được khai thác tối đa.

Nguyễn Văn Đức và cs. (2010) cho biết ưu thế lai của các tính trạng sinh sản cơ bản của các tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) nuôi trong các nông hộ tại huyện Đông Anh, Hà Nội đạt cao. Đặc biệt đối với tính trạng số con sơ sinh sống đạt tới 14,44%. Ưu thế lai của các tính trạng sản xuất thịt tuy không cao, song có ý nghĩa thực tiễn lớn. Trong các tổ hợp Móng Cái lai, tổ hợp có bố là Pietrain đạt ưu thế lai cao hơn so với hai tổ hợp lai có bố là Yorkshire và Landrace.

1.6.2.2. Những nghiên cứu về tuổi cai sữa lợn con


Ở nước ta hiện nay cai sữa lợn con lúc 21 ngày tuổi vẫn được xem là cai sữa sớm. Tuy vậy, phương pháp cai sữa này đang trở thành phổ biến trong các trại chăn nuôi lợn ngoại do ưu điểm giảm khoảng cách lứa đẻ và tăng số lứa đẻ/nái/năm, do vậy làm tăng số lợn con cai sữa/nái/năm. Tuy nhiên, sự phát triển của lợn con sau cai sữa đến 60 ngày tuổi rất khác nhau tùy theo các phương pháp cai sữa, chất lượng thức ăn cũng như điều kiện môi trường ở cơ sở chăn nuôi.

Năm 1978, Nguyễn Nghi đã nghiên cứu cai sữa cho lợn con ở 35, 45 và 60 ngày tuổi (trên đàn lợn lai) và cho biết: khi cai sữa sớm cho lợn con thì lợn con ăn nhiều thức ăn tinh hơn, tương ứng lần lượt các lô là 604; 571; 344 g/ngày. Sinh trưởng phát dục tốt hơn, trung bình lợn con lúc 90 ngày tuổi ở các lô đạt tương ứng là 19,64;15,77; 16,63 kg/con. Chi phí thức ăn giảm (10-30%), nếu tính cả thức ăn cho lợn mẹ và thức ăn cho lợn con tập ăn thì để sản xuất ra 1 kg lợn giống lúc 60 ngày tuổi ở lô cai sữa 60 ngày tuổi là 4,97 kg, lô cai sữa 45 ngày tuổi là 4,29 kg và lô 35 ngày tuổi là 3,86 kg. Mặt khác, cai sữa sớm còn rút khoảng cách giữa 2 lứa đẻ từ 179 ngày xuống 164; 155 ngày và tăng lứa đẻ tương ứng từ 2,00 lên 2,20 và 2,35 lứa tạo điều kiện cho 1 lợn nái mỗi năm sản xuất hơn 20 lợn con giống.

Lê Hồng Mận (2005) khẳng định việc tăng năng suất đàn lợn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng trong đó cai sữa sớm đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Cai sữa sớm lợn con đã loại trừ được phần nào các bệnh truyền nhiễm từ lợn mẹ sang lợn con, tăng năng suất đàn nái, giảm thời gian cho một chu kỳ sinh sản tức là tăng lứa đẻ làm tăng số lượng lợn con/nái/năm, tăng sức khoẻ cho đàn nái sinh sản. Ngoài ra, cai sữa sớm cho lợn con còn có thể loại trừ được một số mầm bệnh như: Viêm phổi do mycoplasma, bạch lỵ, viêm phế quản, viêm dạ dày – ruột và ghẻ.

Trần Văn Phùng và cs. (2004) cho biết hiện nay có hai hình thức cai sữa: Ở các cơ sở chăn nuôi lợn nái nội, nông hộ thường cai sữa lợn con khoảng 35-42 ngày tuổi, các cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại của ta hiện nay thường cai sữa lợn con trong khoảng thời gian từ 21-28 ngày tuổi. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng đàn và cơ sở vật chất kỹ thuật của từng trại từ đó lựa chọn thời gian cai sữa thích hợp.

Nguyễn Ngọc Phục và Trịnh Hồng Sơn (2007) nghiên cứu cai sữa sớm cho lợn con ở 21 ngày tuổi cho biết: Giữ lợn con cai sữa lại 1 tuần tại chuồng lợn nái đẻ và chuyển lợn mẹ đi có tác dụng làm giảm ảnh hưởng của stress đến lợn con dẫn đến tăng khối lượng cao hơn từ 3-10,3%, hạn chế tỷ lệ lợn con tiêu chảy, đồng thời giảm chi phí thức ăn của lợn con từ cai sữa đến 60 ngày tuổi là 8,7% so với lợn con chuyển đi và ghép đàn ngay sau khi tách mẹ để cai sữa.

Như vậy, nếu nắm được cơ sở khoa học về sự phát triển của lợn con, trên cơ sở điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng của cơ sở chăn nuôi, chọn thời điểm cai sữa thích hợp chính là đánh dấu thành công đầu tiên trong toàn bộ quá trình cai sữa và cũng là một bước thành công trong cả quá trình chăn nuôi lợn về sau.


1.6.2.3. Những nghiên cứu về khẩu phần ăn cho lợn con từ tập ăn đến 42 ngày tuổi


Trong chăn nuôi lợn nái sinh sản, việc nghiên cứu về dinh dưỡng thức ăn cho lợn con có một vai trò hết sức quan trọng, đây là một trong những yếu tố quyết định năng suất chăn nuôi lợn nái sinh sản. Chúng ta biết rằng, nhu cầu dinh dưỡng protein của lợn con phần lớn là do tốc độ tích luỹ mô nạc quyết định. Hai yếu tố quan trọng nhất để xem xét đầu tiên là nhu cầu protein (hay axit amin) và nhu cầu năng lượng. Khi không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho lợn con trong giai đoạn này sẽ làm lợn chậm lớn, còi cọc, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của các giai đoạn tiếp theo. Mặt khác nếu trong khẩu phần ăn cho lợn con trong giai đoạn này có đủ hoặc dư thừa lượng protein mà không đủ về số lượng và tỷ lệ các axit amin thiết yếu sẽ dẫn đến việc đào thải protein ra môi trường, gây lãng phí thức ăn và ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của cả gia súc lẫn con người.

Trong những năm qua có rất nhiều nghiên cứu khác nhau về nhu cầu dinh dưỡng trên lợn, nhưng thực sự được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây, khi yêu cầu của sản xuất về tăng chỉ số lứa đẻ của lợn nái, tăng khả năng sử dụng của lợn nái ngày càng cấp thiết.

Hoàng Văn Tiến và Nguyễn Đăng Bật (1995) đã nghiên cứu thức ăn cai sữa sớm lợn con ở 35 ngày tuổi với mức 3250 kcal ME/kg; 20,5% protein thô và 1,4% lysine. Lã Văn Kính và cs. (1999) đã xác định nhu cầu năng lượng và axit amin cho lợn con sau cai sữa. Thí nghiệm được tiến hành trên 696 lợn lai thương phẩm từ ba giống lợn ngoại sau cai sữa (28 ngày tuổi). Kết quả thí nghiệm cho thấy khẩu phần thích hợp cho lợn con sau cai sữa chứa 15-16 MJ DE/kg và 1,0-1,1 g lysine/MJ DE, 0,57-0,63 g methionine + cystine/MJ DE, 0,63-0,7 g threonine/MJ DE và 0,18-0,2 g tryptophan/MJ DE.

Lê Thanh Hải và cs. (1999) xác định nhu cầu năng lượng và axit amin cho lợn con lai ba giống ngoại (YxLRxDu) sau cai sữa (28 ngày tuổi). Kết quả thí nghiệm cho thấy, khi mật độ năng lượng tăng lên 14-16 MJ DE và mức axit amin trong khẩu phần lợn con cai sữa tăng lên (0,8-1,1 g lysine/MJ DE) thì khả năng tăng khối lượng và chuyển hóa thức ăn của lợn cũng được cải thiện theo. Khẩu phần tốt nhất cho lợn con sau cai sữa có mật độ năng lượng 15-16 MJ DE và 1,0-1,1 g lysine/MJ DE; 0,4-0,44 methionine/MJ DE; 0,57-0,63 g Met + Cys/MJ DE; 0,63-0,7 g threonine/MJ DE và 0,18-0,2 g tryptophan/MJ DE.

Trần Quốc Việt và cs. (1999) nghiên cứu xác định mức năng lượng, axit amin và tỷ lệ axit amin/năng lượng thích hợp cho lợn con sau cai sữa. Thí nghiệm được tiến hành trên 216 lợn con sau cai sữa (ở 35 ngày tuổi, khối lượng từ 8-9 kg/con) và đã xác định mức năng lượng thích hợp trong khẩu phần cho lợn con sau cai sữa chứa 20% protein thô và 1,25% lysine, năng lượng trao đổi là từ 3250-3350 kcal ME/kg và tỷ lệ lysine/năng lượng thích hợp là 0,9-1,0 g/MJ DE.

Lã Văn Kính và cs. (2005) đã xác định mức năng lượng, protein và axit amin tối ưu cho lợn con sau cai sữa cho kết quả như sau: Mức dinh dưỡng thích hợp cho lợn con sau cai sữa là 3450 kcal ME/kg; 22% protein thô; 1,5% lysine; 0,84% methionine + cystine; 0,92% g threonine; 0,26% tryptophan cho giai đoạn 28-42 ngày tuổi và 3300 kcal ME/kg; 20% protein thô; 1,35% lysine; 0,74% methionine + cystine; 0,82% threonine; 0,24% tryptophan cho giai đoạn 42-56 ngày tuổi.

Hồ Trung Thông (2006) nghiên cứu ảnh hưởng của lượng protein ăn vào đến tỷ lệ tiêu hóa protein và các con đường đào thải nitơ của lợn sinh trưởng cho biết: Khi tăng tỷ lệ protein trong thức ăn từ 4,58% đến 30,02% (theo vật chất khô) tỷ lệ tiêu hóa biểu kiến protein tăng dần và có khuynh hướng đạt giá trị cực đại. Do đó, đối với các nghiên cứu có xác định tỷ lệ tiêu hóa cần phối hợp khẩu phần có hàm lượng protein không quá thấp (không nên thấp hơn 14% theo vật chất khô).

Lã Văn Kính và Vương Nam Trung (2003) đã thí nghiệm trên lợn con theo mẹ cho thấy khẩu phần tốt nhất cho lợn con giai đoạn theo mẹ có mật độ dinh dưỡng mức 3300 kcal ME/kg; 22,5% protein thô; 5,0 mg lysine; 1,35 mg methionine; 2,85 mg methionine + cystine; 3,00 mg threonine/kcal ME hay 1,65% lysine; 0,44% methionine; 0,94% methionine + cystine và 0,99% threonine.

Kết quả nghiên cứu của Hoàng Toàn Thắng và Trần Văn Phùng (2005) cho thấy việc sử dụng tỷ lệ 3,88 g lysin/1000 kcal ME để nuôi lợn con sau cai sữa (từ 25-56 ngày tuổi) có hiệu quả kinh tế hợp lý nhất so với các tỷ lệ lysin/ME khác. Hàm lượng protein cho lợn con cai sữa sớm thường ở mức từ 18-20% nhưng hàm lượng lysine được chú ý đặc biệt. ARC (1981) và NRC (1998) đề nghị dùng mức 0,99 g lysin/MJ DE cho lợn giai đoạn từ 21-56 ngày tuổi.

Thai Yang (2008) nghiên cứu xây dựng công thức thức ăn hỗn hợp cho lợn con giống ngoại sau cai sữa (từ 21 đến 56 ngày tuổi) đã xác định lợn con sau cai sữa nuôi bằng khẩu phần thức ăn có mật độ dinh dưỡng mức 3250 kcal ME/kg, 22,5% protein thô, lysine 1,35%, methionin + cystine 0,76%, threonine 0,86%, tryptophan 0,24%, Ca 0,85%, Phốt pho tổng số (Pts) 0,71% và Phốt pho dễ tiêu (Pav) 0,45% có tốc độ tăng khối lượng cao hơn so với lợn con sau cai sữa nuôi bằng khẩu phần có mật độ dinh dưỡng 3300 kcal ME/kg, CP 23,51%, lysine 1,47%, methionin + cystine 0,86%, threonine 0,91%, tryptophan 0,30%, khoáng tổng số (Ash) 6,90%, Ca 0,98%, Pts 0,70% và Pav 0,55%.


1.6.2.4. Tình hình giết mổ lợn sữa và xuất khẩu thịt lợn sữa của Việt Nam


a. Tình hình giết mổ lợn sữa ở Việt Nam

Hiện nay, nếu tính cả các lò mổ tư nhân, hệ thống giết mổ chế biến thịt phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khá phong phú nhưng chỉ có 22 cơ sở có thể tham gia chế biến thịt xuất khẩu, trong đó có ba nhà máy VISSAN thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Niệm Hải Phòng và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Thái Bình (FEXIM) với tổng công suất chế biến khoảng 40.000 tấn/năm có thể đảm bảo chất lượng thịt lợn sữa xuất khẩu tốt nhất sang các thị trường (Hồng Công, Trung Quốc, Malaysia, Singapo, Lào…) và 19 nhà máy còn lại ở các tỉnh với tổng công suất khoảng 20.000 tấn/ca/năm có thể tham gia chế biến thịt lợn sữa xuất khẩu.

Nhìn chung, các cơ sở giết mổ thịt lợn sữa xuất khẩu của nước ta còn thô sơ, đơn điệu, vệ sinh công nghiệp chưa đạt chuẩn, phần lớn thiết bị chế biến thịt đều đã cũ, lạc hậu về công nghệ (thiết bị của VISSAN đã trên 30 năm, của Vĩnh Niệm trên 10 năm). Với công suất hiện có nếu chế biến phục vụ xuất khẩu thì chỉ sử dụng khoảng 1/3 công suất vì thị trường xuất khẩu gần đây bị thu hẹp, còn chế biến phục vụ thị trường trong nước thì các nhà máy này sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các lò mổ tư nhân có chi phí thấp, trốn lậu thuế. Hệ thống kho lạnh bảo quản thịt chế biến có tại Hải Phòng 1.500 tấn, thành phố Hồ Chí Minh 1.500 tấn, Đà Nẵng 500 tấn và các kho lạnh từ 50-100 tấn của các nhà máy chế biến thịt tại các tỉnh. Ngoài ra, các kho lạnh bảo quản rau quả, hải sản cũng được tận dụng phục vụ xuất khẩu thịt. Với hệ thống cơ sở chế biến, bảo quản như hiện nay có thể đảm bảo việc xuất khẩu thịt lợn sữa trong những năm vừa qua. Nhưng để đáp ứng yêu cầu của các thị trường đòi hỏi cao hơn về chất lượng thịt khi nền kinh tế hội nhập thì cần phải đầu tư công nghệ hiện đại trong chế biến, kho bảo quản và phương tiện vận tải lạnh.

Hầu hết các cơ sở tham gia xuất khẩu lợn sữa đông lạnh trong phạm vi cả nước đều áp dụng quy trình sản xuất sản phẩm lợn sữa theo Quyết định số 39/2002/ QĐ-BNN, ngày 17/5/2002 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành tiêu chuẩn số 10 TCN-508-2002 được áp dụng cho các cơ sở tham gia xuất khẩu lợn sữa lạnh đông (The exported frozen sukling pig) thuộc mọi thành phần kinh tế trong phạm vi cả nước. Cụ thể:

 Nguyên liệu: Lợn con thương phẩm giống nội hoặc lai nội, 30-60 ngày tuổi với khối lượng 4,0-9,0 kg, mập mạp, khỏe mạnh đủ điều kiện về vệ sinh thú y theo quy định của Pháp lệnh do các bác sỹ thú y có thẩm quyền trực tiếp kiểm tra.

 Quy trình sản xuất sản phẩm: Lợn sữa được giết mổ và làm sạch lông, bỏ nội tạng, để nguyên động mạch chủ, thận, màng thận và đuôi trong đó cơ thể còn nguyên vẹn sau đó được chủng ngừa ở các tiêu chuẩn cần thiết cho mục đích xuất khẩu, được Chi cục Thú y đóng dấu kiểm soát giết mổ. Từng con được gói gọn, kín và chặt trong bao Pô-ly-ê-ty-len (PE) thành một khối định hình và được cấp đông ở nhiệt độ từ -40 đến -450C, bảo quản trong kho lạnh chuyên dụng có nhiệt độ từ  -18 đến -220C. Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Thái Bình đã và đang sản xuất sản phẩm lợn sữa xuất khẩu với dây truyền công nghệ theo quy trình sau:


Tiếp nhận nguyên

liệu - lợn sữa










Rửa bỏ mỡ bám và rửa sạch










Nhập chuồng

từ 6 đến 12 giờ






Cạo lại rửa

sạch











Tắm rửa, châm tê, chọc tiết




Ngâm nước đá

từ +20C đến +40C












Nhúng nước nóng

từ 600C đến 620C






Vớt, treo trên móc, lau khô nước










Cạo lông bằng

máy





Đóng dấu kiểm dịch, cân gói, định hình










Cạo lông bằng

dao





Cấp đông (12 đến 18) giờ

từ -400C đến -480C












Vệ sinh răng

miệng





Đóng hộp

carton











Mổ bỏ phủ

tạng





Kho bảo quản

từ -180C đến -220C


















Xuất hàng



Hình 1.6: Quy trình giết mổ, bảo quản lợn sữa đông lạnh xuất khẩu

của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Thái Bình


b. Thị trường và tình hình xuất khẩu lợn sữa của Việt Nam

Dựa trên cơ sở một nền nông nghiệp giàu truyền thống, ngành chăn nuôi đang trên đà phát triển và đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi lợn nhiều thuận lợi. Việt Nam đã phát triển mặt hàng thịt lợn sữa từ khá lâu và đã xuất khẩu thịt lợn sữa từ những năm 1970. Khi đó, thị trường xuất khẩu của thịt lợn sữa Việt Nam chủ yếu là Hồng Công và khối lượng xuất khẩu còn hạn chế. Cho đến nay thị trường tiêu thụ sản phẩm lợn sữa của Việt Nam chủ yếu là thị trường Hồng Công, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia, lào, Singapo. Trong đó thị trường Hồng Công và Trung Quốc vẫn là chủ đạo. Đối với thị trường Hồng Công, lượng thịt xuất khẩu có tăng nhưng số lượng không nhiều từ 4.500 tấn năm 1997 đến 8.000 tấn năm 2000, hiện nay khoảng 10.000 đến 12.000 tấn/năm. Mặt hàng thịt lợn sữa của Việt nam được nhiều người tiêu dùng Macau ưa chuộng, hiện nay chiếm tới 90% thị trường này, tuy nhiên xuất khẩu thịt lợn sữa vào thị trường Trung Quốc vẫn chưa chính thức, hàng năm có khoảng từ 1.000-2.000 tấn thịt lợn sữa được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch.

Gần đây, Cục Thú y đã chủ động đàm phán với cơ quan thú y có thẩm quyền của Hồng Kông, đề nghị phía bạn xem xét công nhận thêm các nhà máy giết mổ lợn của Việt Nam được xuất khẩu lợn sữa, lợn choai đông lạnh sang Hồng Kông. Do vậy, đã có thêm 3 nhà máy của Việt Nam được xuất khẩu lợn sữa, 1 cơ sở được chấp thuận xuất khẩu lợn choai đông lạnh sang Hồng Kông. Đồng thời, Cục Thú y đang đề nghị cơ quan thú y Malaysia mở cửa thêm nhà máy xuất khẩu thịt lợn sữa sang thị trường này. Hiện tại, Việt Nam đã có 6 nhà máy giết mổ lợn xuất khẩu sang Hồng Kông và 3 nhà máy giết lợn xuất sang Malaysia. Trong 9 tháng năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 7.000 tấn thịt lợn sữa và lợn choai sang các thị trường nêu trên (bằng gần 90% so với cùng kỳ năm 2014).

Từ những thuận lợi đó, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm bạn hàng về sản phẩm lợn sữa mà hiện nay Việt Nam đã tạo dựng được uy tín, chiếm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế và ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Rõ ràng, ngành sản xuất thịt lợn sữa đang đóng góp một phần quan trọng trong ngành nông nghiệp nước ta, đã và đang mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước.



Chương 2

NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU




2.1. Vật liệu nghiên cứu


 Bảy mươi hai (72) lợn nái Móng Cái (đẻ lứa thứ 2 đến thứ 4) được phối giống với các đực giống Yorkshire, Landrace và Pietrain gồm 216 ổ đẻ với tổng số 2.665 lợn con được sử dụng để khảo sát ảnh hưởng của tổ hợp lai đến năng suất sinh sản của lợn nái, tuổi cai sữa và khẩu phần đến khả năng sinh trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và tỷ lệ móc hàm của lợn con 42 ngày tuổi.

 Ba (3) lợn đực giống Yorkshire, Landrace và Pietrain (1 đực/giống), đang được nuôi tại Công ty cổ phần Giống vật nuôi Thái Bình (2 năm tuổi) đã được kiểm tra năng suất cá thể và đủ điều kiện sản xuất tinh để phối giống với 72 lợn nái Móng Cái (1 đực giống/24 nái Móng Cái) bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

 Các nguyên liệu thức ăn (ngô, tấm, sắn, cám gạo, khô dầu đậu tương, bột cá, premix vitamin, khoáng và các axit amin tổng hợp) được sử dụng để phối hợp khẩu phần cho lợn nái mang thai, nuôi con và lợn con giai đoạn từ tập ăn đến 42 ngày tuổi.

2.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu


Địa điểm nghiên cứu:

Đề tài được thực hiện tại 24 hộ gia đình nông dân thuộc hai thôn của xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Thời gian nghiên cứu:

Đề tài được thực hiện trong thời gian từ tháng 01 năm 2011 đến tháng 01 năm 2014.


2.3. Nội dung nghiên cứu


 Nghiên cứu năng suất sinh sản của lợn nái Móng Cái, khả năng sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con nuôi để sản xuất thịt lợn sữa ở ba tổ hợp lai: F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) trong điều kiện chăn nuôi nông hộ tại Thái Bình.

 Nghiên cứu ảnh hưởng của tuổi cai sữa (21 ngày và 35 ngày) đến khả năng sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con nuôi để sản xuất lợn sữa trong điều kiện chăn nuôi nông hộ tại Thái Bình.

 Nghiên cứu ảnh hưởng của khẩu phần (khẩu phần với mức dinh dưỡng cao và thấp) cho lợn con từ tập ăn đến 42 ngày tuổi đến khả năng sinh trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con nuôi để sản xuất thịt lợn sữa trong điều kiện chăn nuôi nông hộ tại Thái Bình.

 Nghiên cứu ảnh hưởng tương tác của các yếu tố: (i) tổ hợp lai; (ii) tuổi cai sữa; (iii) khẩu phần cho lợn con từ tập ăn đến 42 ngày tuổi đến khả năng sinh trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con dùng để sản xuất lợn sữa trong điều kiện chăn nuôi nông hộ tại Thái Bình.

- Nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố: (i) tổ hợp lai, (ii) tuổi cai sữa; (iii) khẩu phần cho lợn con từ tập ăn đến 42 ngày tuổi và tương tác của các yếu tố này đến chỉ tiêu tỷ lệ móc hàm của lợn sữa xuất chuồng (42 ngày tuổi).

2.4. Phương pháp nghiên cứu

2.4.1. Bố trí thí nghiệm


Bảy mươi hai (72) lợn nái Móng Cái được nuôi trong điều kiện nông hộ tại hai thôn (36 nái/thôn; 3 nái/hộ), lợn nái trong thời kỳ sinh sản từ lứa thứ 2 đến 4 đã được sử dụng và được bố trí theo phương pháp thí nghiệm 3 yếu tố, với tổng số (3 x 2 x 2) 12 lô thí nghiệm, bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên, mỗi lô 6 lợn nái Móng Cái, mỗi ổ được coi như một lần lặp lại. Theo đó, 72 lợn nái được phân làm ba nhóm để tạo các tổ hợp lai (24 lợn nái/nhóm/tổ hợp): Tổ hợp 1: Lợn nái được phối với tinh lợn Yorkshire; Tổ hợp 2: Lợn nái được phối với tinh lợn Landrace; Tổ hợp 3: Lợn nái được phối với tinh lợn Pietrain (yếu tố 1).

Trong giai đoạn mang thai và nuôi con, lợn nái ở cả ba tổ hợp lai đều được ăn cùng một khẩu phần có mức dinh dưỡng như nhau. Trong giai đoạn nuôi con, mỗi tổ hợp trong ba tổ hợp trên lại được phân làm hai lô (A và B), mỗi lô 12 nái. Lợn nái trong lô A có thời gian cai sữa 21 ngày; lợn nái ở lô B có thời gian cai sữa 35 ngày để khảo sát ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến sinh trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và chỉ tiêu tỷ lệ móc hàm của lợn sữa xuất chuồng ở 42 ngày tuổi (yếu tố 2).

Trong mỗi lô A và B lại được chia làm hai tiểu lô a và b, lợn con ở mỗi tiểu lô a và b được ăn tương ứng với khẩu phần 1 (mức dinh dưỡng thấp) và khẩu phần 2 (mức dinh dưỡng cao) để khảo sát ảnh hưởng của khẩu phần thức ăn đến sinh trưởng, hiệu quả chuyển hóa thức ăn và tỷ lệ móc hàm của lợn sữa 42 ngày tuổi (yếu tố 3).

Sơ đồ bố trí thí nghiệm được trình bày ở Bảng 2.1.


Bảng 2.1: Sơ đồ bố trí thí nghiệm


Thôn 1

Số hộ thứ

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Số nái/hộ

3

3

3

3

3

3

3

3

3

3

3

3

Thôn 2

Số hộ thứ

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Số nái/hộ

3

3

3

3

3

3

3

3

3

3

3

3

Số nái (2 hộ/2 thôn)

6

6

6

6

6

6

6

6

6

6

6

6

Lô thí nghiệm

Tổ hợp lai

YxMC

(n = 24)


LRxMC

(n =24)


PixMC

(n = 24)


Tuổi cai sữa

Lô A (n=12)

Lô B (n=12)

Lô A (n=12)

Lô B (n=12)

Lô A (n=12)

Lô B (n=12)

21 ngày

35 ngày

21 ngày

35 ngày

21 ngày

35 ngày

Khẩu phần

Lô a
(n=6)

Lô b
(n=6)

Lô a
(n=6)

Lô b
(n=6)

Lô a
(n=6)

Lô b
(n=6)

Lô a
(n=6)

Lô b
(n=6)

Lô a
(n=6)

Lô b
(n=6)

Lô a
(n=6)

Lô b
(n=6)

KP1

KP2

KP1

KP2

KP1

KP2

KP1

KP2

KP1

KP2

KP1

KP2

Ghi chú: YxMC = Đực Yorkshire phối với nái Móng Cái; LRxMC = Đực Landrace phối với nái Móng Cái; PixMC = Đực Pietrain phối với nái Móng Cái; KP1 = Khẩu phần mức dinh dưỡng thấp; KP2 = Khẩu phần mức dinh dưỡng cao.

2.4.2. Khẩu phần cho lợn thí nghiệm

2.4.2.1. Khẩu phần cho lợn nái


Trong giai đoạn chờ phối, mang thai và nuôi con, lợn nái Móng Cái ở các lô thí nghiệm đều được ăn cùng một khẩu phần có mức dinh dưỡng như nhau (Bảng 2.2). Khẩu phần cho lợn nái Móng Cái giai đoạn mang thai và nuôi con được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN-1547-2007).

Bảng 2.2: Khẩu phần cho lợn nái Móng Cái


Nguyên liệu (%)

Nái chờ phối và mang thai

Nái nuôi con

Ngô

27,92

39,57

Cám gạo

35,00

18,93

Sắn khô

20,00

15,00

Khô đậu tương

13,56

22,65

Premix Vitamin – khoáng

0,25

0,25

Lysine

0,11

0,15

Methionine

0,06

0,07

Threonine

0,03

0,07

Muối ăn

0,50

0,50

Bột đá trắng

1,00

0,86

DCP 17% phốt pho

1,57

1,95

Thành phần dinh dưỡng/kg thức ăn

Vật chất khô (%)

87,65

87,51

Năng lượng trao đổi (kcal/kg)

2950

3050

Protein thô (%)

13,00

16,00

Xơ thô (%)

6,70

5,95

Lysine (%)

0,85

0,95

Methionine + Cystine (%)

0,53

0,59

Threonine (%)

0,59

0,67

Tryptophan (%)

0,16

0,18

Ca (%)

0,85

0,90

Phốt pho dễ hấp thu (%)

0,40

0,45

Giá (đ/kg)

7050

7850

2.4.2.2. Khẩu phần cho lợn con thí nghiệm


Trong giai đoạn từ tập ăn đến 42 ngày tuổi lợn con của các tổ hợp lai cai sữa cùng độ tuổi được chia làm hai lô a và b: lô a được ăn khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp (KP1); lô b được ăn khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (theo khuyến cáo của NRC, 1998) (Bảng 2.3).

Bảng 2.3: Bảng Khẩu phần cho lợn con thí nghiệm


Nguyên liệu (%)

Khẩu phần 1

Khẩu phần 2

Ngô

20,00

20,00

Tấm gạo tẻ

30,02

27,41

Cám gạo loại 1

16,50

12,96

Khô dầu đậu tương tách vỏ

14,13

19,70

Bột cá 65% Protein

3,00

3,00

Protein đậu tương 42% protein

8,00

8,00

Bột sữa Whey

5,00

5,00

Dầu đậu tương

0,00

0,65

Bột đá

0,48

0,44

DCP 17% phốt pho

1,53

1,51

Premix Vitamin - Khoáng

0,25

0,25

L-Lysine HCl

0,20

0,20

DL-Methionine

0,06

0,04

L-Threonine

0,03

0,03

L-Tryptophan

0,00

0,01

Chất axit hóa

0,20

0,20

Muối ăn

0,30

0,30

ZnO

0,30

0,30

Thành phần dinh dưỡng/kg thức ăn

Vật chất khô (%)

88,74

88,79

Năng lượng trao đổi (kcal/kg)

3050

3265

Protein thô (%)

19,00

21,00

Lysine (%)

1,21

1,35

Canxi (%)

1,00

1,00

Phốt pho dễ hấp thu (%)

0,50

0,50

Giá (đ/kg)

9760

10250

2.4.3. Phương thức nuôi dưỡng lợn thí nghiệm

2.4.3.1. Phương thức nuôi dưỡng lợn nái giai đoạn chờ phối và mang thai


Giai đoạn chờ phối và sau khi phối giống, lợn nái ở các lô được nuôi dưỡng cùng một chế độ, áp dụng cho lợn nái mang thai.

Trong giai đoạn chờ phối và chửa kỳ I (84 ngày chửa đầu): Lợn nái được ăn từ 1,20 kg đến 1,60 kg thức ăn tinh (tùy theo thể trạng béo hay gầy), chia 2 bữa/ngày.

Trong giai đoạn chửa kỳ II (30 ngày chửa cuối): Lợn nái được ăn từ 2,0 kg đến 2,2 kg thức ăn tinh, chia 2 bữa/ngày.

Ngoài thức ăn tinh có chất lượng như nêu ở Bảng 2.2, mỗi lợn nái được bổ sung hàng ngày 2,0 kg thức ăn xanh (dây lá khoai lang).

Trước khi đẻ 7 ngày, lợn nái ở các lô được ăn khẩu phần của nái nuôi con.

2.4.3.2. Phương thức nuôi dưỡng lợn nái giai đoạn nuôi con


Trong giai đoạn nuôi con, lợn nái ở các lô được nuôi dưỡng cùng một chế độ, áp dụng cho lợn nái nuôi con, theo lịch trình cho ăn thức ăn tinh như sau:

 Ngày đẻ: Không cho ăn

 Ngày thứ nhất sau khi đẻ: 1 kg/con/ngày

 Ngày thứ 2 sau khi đẻ: 2 kg/con/ngày

 Ngày thứ 3 sau khi đẻ: 2,2 kg/con/ngày

 Kể từ ngày thứ 4 sau khi đẻ cho đến khi cai sữa: Lợn nái được cho ăn 2 kg + (số con lợn con x 0,15 kg/con).

Ngoài thức ăn tinh, mỗi ngày, mỗi lợn nái được ăn 1,5 kg thức ăn xanh (dây lá khoai lang).

Trong thời gian mang thai và nuôi con, lợn nái ở các lô được uống nước sạch tự do.


2.4.3.3. Phương thức nuôi dưỡng lợn con


Lợn con ở các lô được tập ăn từ 10 ngày tuổi bằng thức ăn hỗn hợp dạng viên. Tại thời điểm cai sữa (21 hoặc 35 ngày), lợn mẹ được tách khỏi lợn con (cai sữa tại chỗ) và lợn con tiếp tục được ăn khẩu phần thức ăn dùng trong giai đoạn tập ăn theo mức dinh dưỡng bố trí thí nghiệm (khẩu phần dinh dưỡng thấp và cao) và nuôi như vậy cho đến tuổi xuất chuồng (42 ngày).

Lợn con ở các lô thí nghiệm đều được ăn thức ăn tinh và uống nước sạch tự do.


2.4.4. Phương pháp mổ khảo sát


Kết thúc thí nghiệm (42 ngày tuổi) mỗi tiểu lô thí nghiệm chọn 4 con có khối lượng tương đương nhau (khoảng 9-10 kg/con) gồm 2 đực và 2 cái để giết mổ. Trước khi mổ khảo sát để lợn nhịn đói 24 giờ, sau đó cân khối lượng sống trước khi mổ khảo sát. Chọc tiết, cạo lông, mổ một đường ở giữa dọc theo thân từ cổ qua ngực, bụng tới hậu môn. Lấy hết nội tạng ra, chỉ để lại hai lá mỡ bụng. Cân khối lượng thịt móc hàm. Tính tỷ lệ thịt móc hàm (theo TCVN 3899 – 84).

2.5. Các chỉ tiêu theo dõi

2.5.1. Các chỉ tiêu đánh giá năng suất sinh sản của lợn nái Móng Cái


 Số con sơ sinh/ổ (con): Là số con đẻ ra còn sống, số con chết và cả số thai chết được đẻ ra.

 Số con sơ sinh sống/ổ (con): Là tổng số lợn con còn sống trong vòng 24 giờ kể từ khi lợn mẹ đẻ xong con cuối cùng của ổ đẻ đó.

 Số con để nuôi/ổ (con): Là số con sơ sinh sống đủ tiêu chuẩn để lại nuôi của mỗi ổ lợn.

 Số con cai sữa/ổ (con): Là số con để nuôi còn sống đến thời điểm cai sữa (21 và 35 ngày tuổi) của mỗi ổ lợn.

 Số lợn con 42 ngày tuổi/ổ (con): Là số con để lại nuôi còn sống đến khi giết mổ ở 42 ngày tuổi.

 Khối lượng sơ sinh/con (kg): Là khối lượng của lợn con sơ sinh còn sống theo dõi trong 24 giờ sau khi lợn nái đẻ xong con cuối cùng.

 Khối lượng cai sữa/con (kg): Là khối lượng từng con, cân vào buổi sáng trước lúc cho ăn tại thời điểm cai sữa (21 hoặc 35 ngày tuổi).

 Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi/con (kg): Là khối lượng từng con, cân vào buổi sáng trước lúc cho ăn tại thời điểm 42 ngày tuổi.

 Tỷ lệ nuôi sống đến xuất chuồng 42 ngày tuổi (%): Là tỷ lệ phần trăm số lợn con để nuôi còn sống đến khi kết thúc thí nghiệm 42 ngày tuổi so với số con để nuôi.


Tỷ lệ nuôi sống đến

42 ngày tuổi (%)



=

Số lợn con còn sống đến 42 ngày tuổi/ổ

x

100

Số con để nuôi/ổ

2.5.2. Các chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh trưởng của lợn con


 Lợn con được cân khối lượng vào các thời điểm: (i) lúc sơ sinh, (ii) khi cai sữa (21 hoặc 35 ngày tuổi), (iii) khi kết thúc thí nghiệm (42 ngày tuổi) để đánh giá khả năng sinh trưởng.

Khả năng sinh trường tuyệt đối A (g/con/ngày) được tính theo công thức:



A

=

V2 V1

t

Trong đó:

A là khả năng sinh trưởng tuyệt đối (g/con/ngày)

V2 là khối lượng cuối kỳ

V1 là khối lượng đầu kỳ

t là thời gian nuôi dưỡng trong kỳ

2.5.3. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con


Theo dõi, ghi chép lượng thức ăn tiêu thụ của đàn lợn nái theo từng cá thể ở các giai đoạn nái chờ phối, nái chửa, nái nuôi con và lợn con theo từng ổ ở các giai đoạn tập ăn (từ sơ sinh đến cai sữa), sau cai sữa (từ cai sữa đến 42 ngày tuổi). Trong đó:

P1 = Tổng lượng thức ăn tiêu thụ của lợn con/ổ từ sơ sinh đến cai sữa

P2 = Tổng lượng thức ăn tiêu thụ của lợn con/ổ từ cai sữa đến 42 ngày

P3 = Tổng lượng thức ăn tiêu thụ của lợn nái (chờ phối + chửa + nuôi con)



Từ lượng thức ăn tiêu thụ của lợn mẹ và của lợn con tính lượng thức ăn thu nhận (TATN), tiêu tốn thức ăn (TTTA ) ở các thời điểm và chi phí thức ăn (CPTA) cho 1 kg lợn con 42 ngày tuổi theo các công thức sau:

TATN từ SS - CS (g/con/ngày)

=

P1

(Số con/ổ x Số ngày nuôi)

TATN từ CS - 42 ngày tuổi (g/con/ngày)

=

P2

(Số con/ổ x Số ngày nuôi)

TATN từ SS - 42 ngày tuổi (g/con/ngày)

=

P1 + P2

(Số con/ổ x Số ngày nuôi)

TTTA/kg lợn con CS (kg/kg)

=

P1 + P3

Khối lượng lợn con cai sữa/ổ

TTTA/kg TKL từ CS - 42 ngày tuổi (kg/kg)

=

P2

TKL lợn con từ CS - 42 ngày tuổi/ổ

TTTA/kg lợn sữa 42 ngày tuổi (kg/kg)

=

P1 + P2 + P3

Khối lượng lợn sữa 42 ngày tuổi/ổ

CPTA/kg lợn sữa 42 ngày tuổi (VNĐ)

=

CPTA (P1 + P2 + P3)

Khối lượng lợn sữa 42 ngày tuổi/ổ

2.5.4. Chỉ tiêu sử dụng để đánh giá thành phần thân thịt lợn con


 Khối lượng giết mổ (kg): Là khối lượng lợn hơi để nhịn đói 24 giờ trước khi mổ khảo sát.

 Khối lượng thịt móc hàm (kg): Là khối lượng lơn sau khi chọc tiết, làm lông, bỏ các cơ quan nội tạng nhưng để lại hai lá mỡ bụng.



 Tỷ lệ móc hàm (%) =

Khối lượng móc hàm (kg)

x 100

Khối lượng lợn hơi (kg)


2.6. Phương pháp xử lý số liệu


 Thu thập số liệu: Số liệu khảo sát năng suất sinh sản của lợn nái Móng Cái, khả năng sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của các tổ hợp lai được trực tiếp thu thập kết hợp với đặt sổ trong nông hộ. Số liệu khảo sát tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi được trực tiếp thu thập tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Thái Bình.

 Mô hình toán sinh học sử dụng phân tích các yếu tố ảnh hưởng:



yijkl = m+THi+CSj+KPk+TH*CSij+TH*KPik+CS*KPjk+TH*CS*KPijk+eijkl

Trong đó:

yijkl là giá trị thu được của lợn thí nghiệm thứ l, thuộc tổ hợp thứ i, tuổi cai sữa thứ j, khẩu phần thức ăn k,

m là giá trị trung bình của quần thể,

THi là ảnh hưởng của tổ hợp lai thứ i (i = 3: F1(YxMC); F1(LRxMC) và F1(PixMC),

CSj là ảnh hưởng của tuổi cai sữa thứ j (j = 2: 21 và 35 ngày tuổi),

KPk là ảnh hưởng của khẩu phần thức ăn thứ k (k = 2: khẩu phần có mức dinh dưỡng cao và thấp),

TH*CSij là ảnh hưởng của tương tác của hai yếu tố tổ hợp lai và tuổi cai sữa,

TH*KPik là ảnh hưởng của tương tác của hai yếu tố tổ hợp lai và khẩu phần,

CS*KPjk là ảnh hưởng của tương tác của hai yếu tố tuổi cai sữa và khẩu phần,

TH*CS*KPijk là ảnh hưởng của tương tác của ba yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần, và

eijkl là sai số ngẫu nhiên.

 Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu thí nghiệm được xử lý bằng phương pháp phân tích phương sai ANOVA-GLM trong phần mềm SAS 9.1 (2002). Trước khi xử lý, số liệu được kiểm tra theo phân bố chuẩn và loại bỏ các số liệu nằm trong khoảng (-3δ; 3δ), đối với số liệu đo bằng tỷ lệ phần trăm (%) được chuyển đổi bằng cách dùng căn bậc hai (x + 0,5)1/2. Phương pháp kiểm tra Tukey được sử dụng để so sánh sự sai khác có ý nghĩa thống kê giữa các giá trị trung bình với độ tin cậy từ 95% trở lên.



Chương 3

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN




3.1. Ảnh hưởng của giống lợn đực đến năng suất sinh sản của lợn nái Móng Cái và khả năng sinh trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con


Trong chăn nuôi lợn con nói chung và lợn sữa (42 ngày tuổi) nói riêng, hai mục tiêu được quan tâm nhất là năng suất sinh sản của lợn nái và khả năng sinh trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của lợn con.

3.1.1. Ảnh hưởng của đực giống đến năng suất sinh sản của lợn nái Móng Cái trong ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC)


Năng suất sinh sản của lợn nái được đánh giá thông qua các chỉ tiêu chính như số con sơ sinh/ổ, số con sơ sinh sống/ổ, số con cai sữa/ổ và khả năng tiết sữa của lợn nái được đánh giá thông qua khối lượng cai sữa toàn ổ. Trong số các giống lợn nội ở nước ta, lợn Móng Cái luôn được xem là giống lợn có tiềm năng di truyền cao về khả năng sinh sản (đẻ nhiều con, mắn đẻ và có khả năng nuôi con khéo nên số con cai sữa cao).

Tuy nhiên, các chỉ tiêu liên quan đến năng suất sinh sản không chỉ quyết định bởi bản chất giống của lợn mẹ, mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, trong đó có yếu tố lợn đực giống. Kết quả khảo sát năng suất sinh sản của lợn nái Móng Cái được phối với các lợn đực giống Yorkshire, Landrace và Pietrain trong điều kiện chăn nuôi nông hộ tại tỉnh Thái Bình để sản xuất lợn sữa được thể hiện cụ thể qua một số chỉ tiêu tại Bảng 3.1.



Bảng 3.1: Năng suất sinh sản của lợn nái Móng Cái trong ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC)


Các chỉ tiêu

Đơn vị

Tổ hợp lai

SEM

P

YxMC

LRxMC

PixMC

Số ổ đẻ được theo dõi



72

72

72







Số con sơ sinh/ổ

con

12,11

12,22

12,68

0,12

0,12

Số con sơ sinh sống/ổ

con

11,94

12,05

12,52

0,12

0,10

Số con để nuôi/ổ

con

10,76b

10,96b

11,47a

0,08

<0,01

Số con cai sữa/ổ

con

10,43b

10,61b

11,15a

0,07

<0,01

Số con lúc 42 ngày tuổi/ổ

con

10,01b

9,99b

10,69a

0,06

<0,01

Khối lượng sơ sinh/con

kg

0,76b

0,75b

0,84a

0,01

<0,01

Khối lượng cai sữa/con

kg

5,92b

5,93b

6,09a

0,01

<0,01

Khối lượng 42 ngày tuổi/con

kg

9,72b

9,70b

10,09a

0,04

<0,01

TLNS đến 42 ngày tuổi

%

93,37

91,67

93,69

0,60

0,11

Ghi chú: YxMC = Đực Yorkshire phối với nái Móng Cái; LRxMC = Đực Landrace phối với nái Móng Cái; PixMC = Đực Pietrain phối với nái Móng Cái; SEM = Sai số chuẩn; P = Xác suất; TLNS = Tỷ lệ nuôi sống; Các giá trị trung bình trong cùng một hàng có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

3.1.1.1. Số con sơ sinh sống/ổ


Đối với chăn nuôi lợn nái nói chung và chăn nuôi lợn nái để sản xuất lợn sữa nói riêng, số con sơ sinh sống/ổ là tính trạng quan trọng nhất, là chìa khoá quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Số con sơ sinh sống/ổ cũng là một chỉ tiêu đánh giá sức sống của thai, khả năng nuôi thai của lợn mẹ và kỹ thuật nuôi dưỡng chăm sóc lợn nái giai đoạn mang thai. Tất nhiên, bản chất giống của lợn nái và đực giống cũng như kỹ thuật phối giống đều chi phối đến tính trạng này.

Kết quả khảo sát về số con sơ sinh sống/ổ của lợn nái Móng Cái được phối giống với đực Yorkshire, Landrace và Pietrain tương đối cao, dao động trong phạm vi 11,94-12,52 con. Về giá trị tuyệt đối, tổ hợp lai F1(PixMC) có số con sơ sinh sống/ổ cao hơn so với tổ hợp lai F1(LRxMC) và F1(YxMC). Song sự sai khác giữa các giá trị trung bình về số con sơ sinh sống/ổ giữa các tổ hợp lợn lai không có ý nghĩa thống kê (P = 0,12). So với giá trị số con sơ sinh sống/ổ trung bình đạt 9,48-11,67 con ở lợn Móng Cái thuần nuôi tại một số vùng miền trong cả nước được công bố bởi các tác giả: Nguyễn Văn Đức và cs. (1997, 2000, 2010); Lê Hồng Minh (2000); Nguyễn Văn Nhiệm và cs. (2002); Trần Duy Khanh và cs. (2004); Nguyễn Quế Côi và cs. (2005) thì kết quả này cao hơn tương ứng từ 9,66% đến 20,60%. Điều này chứng tỏ rằng, ưu thế lai của tính trạng số con sơ sinh sống/ổ đã biểu hiện khá rõ trên đàn lợn Móng Cái lai nuôi tại Thái Bình và phù hợp với công bố của Nguyễn Văn Đức và cs. (2010) khi nghiên cứu ưu thế lai của lợn lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) cho biết ưu thế lai của tính trạng số con sơ sinh sống/ổ đạt 9,23-14,44%.

Các giá trị trung bình về số con sơ sinh sống/ổ của các tổ hợp lai trong nghiên cứu của chúng tôi là tương đương với giá trị được công bố bởi Nguyễn Văn Đức và cs. (2010) khi nghiên cứu trên cùng các tổ hợp lai giữa lợn nái Móng Cái phối với đực Landrace, Yorkshire và Pietrain được nuôi trong các nông hộ tại Đông Anh – Hà Nội từ năm 2004 đến 2008 tương ứng là 12,13; 12,14 và 12,52 con/ổ. Song đạt cao hơn so với một số công bố khác như: Lê Đình Phùng và Phạm Hữu Tuần (2008) trên hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) tương ứng là 10,97; 11,24 con/ổ; Nguyễn Văn Thắng và Đặng Vũ Bình (2006) trên hai tổ hợp F1(YxMC) và F1(PixMC) tương ứng là 11,69; 11,78 con/ổ; Giang Hồng Tuyến và Hà Thu Trang (2011) cùng nghiên cứu trên ba tổ hợp lợn lai F1(LRxMCTH), F1(YxMCTH) và F1(PixMCTH) ở Lào Cai tương ứng là 11,30; 11,32; 11,94 con/ổ.

3.1.1.2. Số con để nuôi/ổ


Số con để nuôi/ổ là chỉ tiêu chịu ảnh hưởng bởi số con sơ sinh sống/ổ, độ đồng đều của đàn lợn lúc sơ sinh, đồng thời phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bản thân từng cá thể lợn con cũng như tuổi và phương thức nuôi dưỡng chăm sóc lợn nái chửa. Số con để nuôi/ổ càng nhiều càng có khả năng nâng cao số lượng lợn con cai sữa.

Kết quả khảo sát cho thấy, số con để nuôi/ổ của ba tổ hợp lai biến động từ 10,76 con đến 11,47 con và có sự khác biệt rõ rệt giữa các tổ hợp lợn lai. Tổ hợp lai F1(PixMC) đạt số con để nuôi/ổ là11,47 con, cao hơn so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) tương ứng là 10,76; 10,96 con/ổ và sự sai khác này có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01). Trong khi đó, sự sai khác về số con để nuôi/ổ giữa hai tổ hợp lai (YxMC) và (LRxMC) là không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Như vậy, lợn con sinh ra từ lợn nái Móng Cái phối với lợn đực giống Pietrain có độ đồng đều và sức sống cao hơn hẳn so với lợn con sinh ra từ lợn nái Móng Cái phối với đực giống Yorkshire và Landrace.

Số con để nuôi/ổ ở cả ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) trong nghiên cứu này đều cao hơn so với công bố của Nguyễn Văn Thắng và Đặng vũ Bình (2006) của hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(PixMC) tương ứng là 9,86 và 10,13 con/ổ. Kết quả này cho thấy, chất lượng đàn lợn nái Móng Cái cũng như giống lợn đực phối và trình độ chăm sóc, nuôi dưỡng lợn nái sinh sản của người dân Thái Bình là tương đối tốt.

3.1.1.3. Số con cai sữa/ổ


Số con cai sữa/ổ là một trong những chỉ tiêu chính đánh giá năng suất sinh sản và hiệu quả chăn nuôi lợn nái. Số con cai sữa/ổ phụ thuộc vào sức sống của lợn con trong thời gian theo mẹ, khả năng nuôi con của lợn mẹ và điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở chăn nuôi đối với lợn mẹ và lợn con. Số con cai sữa/ổ có tương quan kiểu hình thuận và chặt với số con sơ sinh sống/ổ (Blasco và cs, 1995).

Kết quả nghiên cứu này cho thấy, số con cai sữa/ổ của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) tương ứng là 10,43; 10,61; 11,15 con. Sự sai khác về số con cai sữa/ổ giữa tổ hợp lai F1(PixMC) và hai tổ hợp F1(YxMC), F1(LRxMC) có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01). Không có sự khác biệt về số con cai sữa/ổ giữa hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) (P>0,05).



Kết quả nghiên cứu về số con cai sữa/ổ của chúng tôi là phù hợp với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Quế Côi và cs. (2005) khi cho lợn nái Móng Cái phối giống với đực Yorkshire là 10,21 con/ổ; Đặng Hoàng Biên và cs. (2012) nghiên cứu trên nái Móng Cái phối với đực ngoại tại Quảng Trị có số con sống đến cai sữa lúc 30 ngày tuổi là 10,42 con/ổ; Giang Hồng Tuyến và Hà Thu Trang (2011) công bố số con còn sống đến cai sữa ở 35 ngày tuổi trên ba công thức lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) nuôi tại Lào Cai tương ứng là 10,34; 10,40 và 10,82 con/ổ. Song kết quả ở nghiên cứu này cao hơn so với kết quả công bố của của Nguyễn Văn Thắng (2007) trên hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(PixMC) có số con 21 ngày tuổi tương ứng là 9,43 và 9,79 con/ổ; đạt 9,80 con cai sữa/ổ (Đặng Vũ Bình và Nguyễn Văn Thắng, 2002) ở lợn nái Móng Cái phối giống với đực Pietrain; đạt trung bình 10,34 con/ổ ở hai lứa đẻ đầu (Nguyễn Văn Trung và cs., 2009), nghiên cứu trên lợn Móng Cái tổng hợp (MCTH) phối giống với đực giống Yorkshire và Landrace.

3.1.1.4. Số con lợn con 42 ngày tuổi/ổ


Với đặc thù của ngành chăn nuôi để tạo ra sản phẩm lợn sữa suất khẩu, chỉ tiêu quan trọng đầu tiên quyết định đến hiệu quả kinh tế là số con lợn sữa xuất chuồng (42 ngày tuổi). Chỉ tiêu này có liên quan đến kỹ thuật chăn nuôi lợn con theo mẹ, khả năng tiết sữa và nuôi con của lợn mẹ. Lợn con thường chết nhiều ở giai đoạn sau cai sữa do điều kiện sống bị thay đổi đột ngột đó là việc thay đổi thức ăn, chuồng nuôi, xáo trộn khi ghép đàn... Nhiều nghiên cứu khác nhau đã khẳng định cai sữa gây ra nhiều yếu tố stress bất lợi cho khả năng sinh trưởng và sức kháng bệnh của lợn con (Blecha và cs., 1983; Funderburke và Seerley, 1990; Pluske và Williams, 1996).

Cũng như số con cai sữa/ổ, tổ hợp lai F1(PixMC) có số con còn sống đến 42 ngày tuổi (10,69 con/ổ) cao hơn so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) (10,01 con/ổ) và (LRxMC) (9,99 con/ổ). Sự sai khác này có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01). Không thấy sự khác biệt về số con còn sống đến 42 ngày tuổi giữa hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC). Kết quả về số con lợn con còn sống đến 42 ngày tuổi ở nghiên cứu của chúng tôi là phù hợp với công bố của Nguyễn Văn Đức và cs. (2010) về số con cai sữa ở 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC); F1(LRxMC) và F1(PixMC) nuôi tại Đông Anh – Hà Nội đạt tương ứng là 9,60; 9,54 và 10,19 con/ổ. Song, cao hơn so với kết quả 9,31 con/ổ của Nguyễn Văn Đức (1997) khi phân tích bộ số liệu của cả nước đối với tổ hợp lợn lai (YxMC) và F1(LRxMC) từ năm 1985 đến năm 1996.

Tỷ lệ nuôi sống của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi nói lên sức sống của đàn lợn con. Khảo sát tỷ lệ nuôi sống của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi ở ba tổ hợp F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) cho thấy, tỷ lệ nuôi sống từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi đạt 93,37-93,69%. Không có sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ nuôi sống của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi giữa ba công thức phối giống. Kết quả này cho thấy chất lượng lợn nái cũng như điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng đối với lợn mẹ và lợn con của các cơ sở chăn nuôi ở Thái Bình là khá tốt. Như vậy, kết quả nghiên cứu về tỷ lệ nuôi sống lợn con đến 42 ngày tuổi cho phép chúng tôi nhận định rằng số lợn 42 ngày tuổi/ổ của ba tổ hợp lợn lai (ở điều kiện chăn nuôi và chăm sóc nuôi dưỡng tốt ở nông hộ Thái Bình) là phụ thuộc chủ yếu vào số lợn con để nuôi/ổ.

3.1.1.5. Khối lượng sơ sinh/con


Khối lượng sơ sinh trung bình/con có ảnh hưởng lớn tới khả năng sinh trưởng và phát triển của lợn con theo mẹ và sau cai sữa. Vì vậy, người ta thường quan tâm và xem khối lượng sơ sinh là một chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật quan trọng.

Lợn con sinh ra từ nái Móng Cái phối giống với lợn đực Yorkshire, Landrace và Pietrain có khối lượng sơ sinh/con dao động từ 0,75 đến 0,84 kg và có sự khác biệt rõ rệt giữa lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) với hai tổ hợp lai khác (P<0,01). Nhưng không có sự khác biệt về khối lượng lợn con sơ sinh giữa hai tổ hợp F1(YxMC) và F1(LRxMC) (P>0,05). Kết quả ở nghiên cứu này cho thấy, yếu tố đực phối có ảnh hưởng khá rõ đến khối lượng sơ sinh của lợn con và phù hợp với kết quả nghiên cứu của Roeche (1996), khi phân tích di truyền tính trạng khối lượng sơ sinh của 5293 lợn con ở các tổ hợp lai khác nhau và kết luận rằng khối lượng sơ sinh là tín hiệu rất quan trọng để đánh giá giá trị giống, vì tính trạng này có liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ nuôi sống của lợn con ở các giai đoạn tiếp theo. Các nghiên cứu của một số tác giả khác (Jarvis và cs., 2002; Canario và cs., 2006; Edwards, 2007) cũng cho kết quả tương tự.

Kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi là phù hợp với kết quả 0,73 và 0,80 kg/con của Nguyễn Văn Thắng và Đặng Vũ Bình (2006) tương ứng với 2 tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(PixMC) nuôi tại Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương. Song, thấp hơn so với các kết quả của Nguyễn Văn Đức và cs. (2010) cho biết khối lượng sơ sinh/con của các tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) nuôi tại Đông Anh, Hà Nội tương ứng là 1,12; 1,10 và 1,15 kg; Thân Văn Hiển và Trần Văn Phùng (2008) ứng với tổ hợp lợn lai F1(LRxMC) nuôi tại Bắc Giang là 0,88 kg/con.

3.1.1.6. Khối lượng cai sữa/con


Khối lượng cai sữa/con là chỉ tiêu đánh giá tốc độ sinh trưởng phát triển của lợn con trong thời gian theo mẹ và khả năng nuôi con của lợn mẹ, chủ yếu là năng suất sữa của lợn mẹ. Các kết quả theo dõi cho thấy, khối lượng cai sữa/con của tổ hợp lai F1(PixMC) đạt cao hơn so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC), sự khác nhau này có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01). Không thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P>0,05) về chỉ tiêu này giữa tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC). Khối lượng cai sữa/con của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) lần lượt là 5,92; 5,93 và 6,09 kg. Tuy lợn nái đều là giống Móng Cái và ở trong giai đoạn này sinh trưởng của lợn con phụ thuộc nhiều vào lợn mẹ, nhưng kết quả này chứng tỏ lợn đực bố Pietrain có khả năng làm tăng tốc độ sinh trưởng phát triển ở các con lai cao hơn so với lợn đực bố là giống Yorkshire hoặc Landrace. Hơn nữa, tổ hợp lai F1(PixMC) có khối lượng sơ sinh lớn hơn hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC), đây cũng là một yếu tố quan trọng quyết định đến khối lượng cai sữa của lợn con. Phan Xuân Hảo (2008) cho biết khối lượng lợn con sơ sinh có ảnh hưởng lớn đến khối lượng lợn con ở 21 ngày tuổi.

Các kết quả về khối lượng lợn con cai sữa trong nghiên cứu này là cao hơn so với các giá trị 4,64 và 4,99 kg/con tương ứng với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(PixMC) cai sữa ở 21 ngày tuổi của Nguyễn Văn Thắng (2007) nuôi tại Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương; cao hơn nhiều so với giá trị 3,57 kg/con trên tổ hợp lai F1(LRxMC) của Thân Văn Hiển và Trần văn Phùng (2008) nuôi tại Bắc Giang. Thấp hơn giá trị 9,32; 9,25 và 9,41 kg/con tương ứng với ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) cai sữa ở 35 ngày tuổi nuôi tại Bảo Thắng, Lào Cai của Giang Hồng Tuyến và Hà Thu Trang (2011).


3.1.1.7. Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi


Khối lượng lợn sữa xuất chuồng (42 ngày tuổi) quyết định nhiều đến hiệu quả của chăn nuôi sản phẩm lợn sữa. Chỉ tiêu này phụ thuộc vào khả năng đáp ứng điều kiện sống của lợn con giai đoạn sau cai sữa. Kết quả theo dõi khối lượng lợn con ở 42 ngày tuổi cho thấy, có sự khác biệt rất có ý nghĩa thông kê (P<0,01) giữa tổ hợp lai F1(PixMC) và hai tổ hợp F1(YxMC), F1(LRxMC). Tuy nhiên, không thấy có sự khác biệt giữa tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC). Như vậy, cùng với khối lượng cai sữa cao hơn và khả năng đáp ứng tốt điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng giai đoạn sau cai sữa (từ cai sữa đến 42 ngày tuổi), khối lượng lợn con ở 42 ngày tuổi của tổ hợp lai F1(PixMC) cao hơn so với hai tổ hợp F1(YxMC) và F1(LRxMC) tương ứng là 3,67 và 3,87%.

Khi nghiên cứu lợn nái Móng Cái được phối giống với lợn đực Yorkshire, Landrace và Pietrain nuôi trong điều kiện nông hộ tại một số tỉnh miền Bắc, các tác giả Thân Văn Hiển và Trần văn Phùng (2008); Nguyễn Văn Thắng và Đặng Vũ Bình (2006) công bố khối lượng lợn con cai sữa ở 42 ngày tuổi của tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) lần lượt đạt 7,65; 8,52 và 8,02 kg/con. Như vậy, kết quả về khối lượng lợn con ở 42 ngày tuổi trong nghiên cứu của chúng tôi là cao hơn so với của các tác giả trên. Tuy nhiên, kết quả này thấp hơn giá trị 10,91 kg/con của Nguyễn Văn Đức (1997) nghiên cứu số liệu thu được trong toàn bộ đàn lợn Móng Cái lai của cả nước; giá trị 11,01; 11,02 và 11,19 kg/con tương ứng ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) nuôi tại Đông Anh, Hà Nội của Nguyễn Văn Đức và cs. (2010).

3.1.2. Ảnh hưởng của lợn đực giống đến khả năng sinh trưởng của lợn con ở các tổ hợp lợn lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC)


Tốc độ sinh trưởng của lợn từ sơ sinh đến cai sữa và đến 42 ngày tuổi đóng vai trò rất quan trọng, không những ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi lợn nái mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của chăn nuôi lợn sữa và lợn thịt sau này. Lợn con từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi có tốc độ sinh trưởng rất nhanh nhưng không đều qua các giai đoạn. Do đó, để đánh giá chính xác khả năng sinh trưởng của lợn con chúng tôi tiến hành nghiên cứu các chỉ tiêu về tốc độ tăng khối lượng của lợn con qua các giai đoạn. Tốc độ sinh trưởng của lợn con qua các giai đoạn được trình bày tại Bảng 3.2.

Bảng 3.2: Khả năng sinh trưởng của lợn con ở các tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC)


Các chỉ tiêu

Tổ hợp lai

SEM

P

YxMC

LRxMC

PixMC

Số ổ đẻ theo dõi

72

72

72







Tăng khối lượng từ sơ sinh đến cai sữa (g/ngày)

187,29b

188,18ab

190,48a

0,96

<0,05

Tăng khối lượng từ cai sữa đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

307,20b

305,60b

320,66a

5,31

<0,05

Tăng khối lượng từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

213,37b

213,20b

220,25a

0,61

<0,01

Ghi chú: YxMC = Đực Yorkshire phối với nái Móng Cái; LRxMC = Đực Landrace phối với nái Móng Cái; PixMC = Đực Pietrain phối với nái Móng Cái. Các giá trị trung bình trong cùng một hàng có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

3.1.2.1. Sinh trưởng của lợn con từ sơ sinh đến cai sữa


Trong giai đoạn theo mẹ, tốc độ sinh trưởng của lợn con phụ thuộc chủ yếu vào khả năng tiết sữa của lợn mẹ. Trong giai đoạn từ sơ sinh đến cai sữa tốc độ sinh trưởng cao nhất ở tổ hợp lợn lai F1(PixMC) đạt 190,48 g/ngày, thấp nhất là tổ hợp lợn lai F1(YxMC) đạt 187,29 g/ngày và trung gian là tổ hợp lợn lai F1(YxMC) đạt 188,18 g/ngày. Kết quả này cho thấy, ở giai đoạn trước cai sữa, sự khác biệt về tốc độ sinh trưởng của lợn con ở các tổ hợp lợn lai là không nhiều (P<0,05) có thể do đàn nái ở tất cả các lô đồng đều nhau về lứa đẻ và chế độ nuôi dưỡng, nên kết quả này là rất hợp lý. Kết quả của chúng tôi là tương đương với giá trị 180,97; 188,38; 185,26 g/ngày ứng với ba tổ hợp lợn lai LRx(YxMC), (LRxY)x(YxMC), Dux(YxMC) được cai sữa ở 31-32 ngày nuôi tại Bắc Giang của Bùi Thị Kim Oanh (2009).

3.1.2.2. Sinh trưởng của lợn con từ cai sữa đến 42 ngày tuổi


Sau cai sữa đến 42 ngày tuổi, tốc độ sinh trưởng của lợn con tăng lên rõ rệt so với giai đoạn trước cai sữa, dao động trong phạm vi 305,60-320,66 g/ngày. Khác với giai đoạn trước cai sữa, ở giai đoạn này sự khác biệt về tốc độ tăng khối lượng của tổ hợp lợn lai F1(PixMC) biểu hiện rõ rệt so với hai tổ hợp lợn lai F1(YxMC) và F1(LRxMC), nhưng không có sự khác biệt về tốc độ tăng khối lượng giữa tổ hợp lợn lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) (P>0,05). Điều này cho thấy, tổ hợp lợn lai F1(PixMC) có khả năng thích ứng tốt hơn so với hai tổ hợp lợn lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) có thể do ảnh hưởng của bố Pietrain, lợn con có khối lượng sơ sinh cao hơn nên phát triển tốt hơn.

3.1.2.3. Sinh trưởng của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi


Theo dõi tốc độ sinh trưởng của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi cho thấy, sinh trưởng trung bình của đàn lợn con từ nái Móng Cái lai đực ngoại nuôi tại Thái Bình dao động từ 213,20 đến 220,25 g/ngày. Ở cả hai độ tuổi cai sữa khác nhau, tổ hợp lợn lai F1(PixMC) đều có tốc độ sinh trưởng từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi cao hơn so với hai tổ hợp lợn lai khác. Mặc dù, giá trị trung bình về tốc độ sinh trưởng của tổ hợp lợn lai F1(PixMC) cao hơn so với hai tổ hợp lợn lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) không nhiều, chỉ từ 6,88 đến 7,05 g/ngày (3,12-3,20%), song sự sai khác này là có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01). Không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê (P>0,05) về tốc độ sinh trưởng giữa tổ hợp lợn lai F1(YxMC) và F1(LRxMC).

Từ kết quả này cho thấy lợn đực bố giống Pietrain có khả năng làm tăng khối lượng ở con lai cao hơn so với lợn đực bố là giống Yorkshire và Landrace. Điều này cho thấy, tổ hợp lợn lai F1(PixMC) có ưu thế lai về tăng khối lượng cao hơn so với hai tổ hợp lợn lai F1(YxMC) và F1(LRxMC). Nguyễn văn Đức và cs. (2010) cho biết ưu thế lai của các tính trạng sản xuất của các tổ hợp lai F1(LRxMC), F1(YxMC) và F1(PixMC) nuôi tại các nông hộ huyện Đông Anh – Hà Nội tuy không cao, song có ý nghĩa thực tiễn lớn. Trong các tổ hợp Móng Cái lai đực ngoại, những nhược điểm của lợn Móng Cái đã được cải thiện và những ưu điểm vẫn được duy trì, rõ nét nhất là ở tổ hợp lai F1(PixMC).



So với kết quả nghiên cứu của Bùi Thị Kim Oanh (2009), tốc độ sinh trưởng của lợn con từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi theo ba tổ hợp lai LRx(YxMC), (LRxY)x(YxMC), Du x(YxMC) nuôi tại Bắc Giang đạt tương ứng là 252,39; 254,31 và 257,30 g/ngày thì kết quả của chúng tôi thấp hơn là do tỷ lệ máu của giống lợn Móng Cái trong các tổ hợp lai ở nghiên cứu của chúng tôi chiếm đến 50% so với chỉ 25% ở nghiên cứu của Bùi Thị Kim Oanh.

3.1.3. Ảnh hưởng của đực phối đến hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con ở các tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC)


Chi phí thức ăn là phần chi phí lớn nhất trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, bởi vậy hiệu quả sử dụng thức ăn đóng vai trò quyết định đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn. Hiệu quả sử dụng thức ăn là chỉ tiêu quan trọng đánh giá hiệu quả quá trình chuyển hóa thức ăn trong cơ thể, chất lượng thức ăn và chế độ dinh dưỡng. Để thấy rõ điều này, chúng tôi tiến hành theo dõi lượng thức ăn thu nhận, cũng như mức tiêu tốn thức ăn để sản xuất 1 kg lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi.

3.1.3.1. Ảnh hưởng của đực phối đến mức thu nhận thức ăn/ngày của lợn con


Kết quả theo dõi ảnh hưởng của đực giống khác nhau đến lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con qua các giai đoạn từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi được trình bày ở Bảng 3.3.

Bảng 3.3: Thu nhận thức ăn của lợn con ở các tổ hợp lợn lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC)


Các chỉ tiêu

Tổ hợp lai

SEM

P

YxMC

LRxMC

PixMC

Số ổ đẻ theo dõi

72

72

72







Thức ăn thu nhận từ sơ sinh đến cai sữa (g/ngày)

93,76b

93,81b

94,34a

1,40

<0,01

Thức ăn thu nhận từ cai sữa đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

294,07b

293,99b

295,85a

1,95

<0,01

Thức ăn thu nhận từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

179,63b

179,58b

180,82a

1,36

<0,01

Ghi chú: Các giá trị trung bình trong cùng một hàng có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Kết quả khảo sát lượng thức ăn thu nhận của lợn con qua các giai đoạn sinh trưởng cho thấy: Giai đoạn đến cai sữa (từ sơ sinh đến cai sữa) lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con dao động từ 93,76-94,34 g/ngày, sau cai sữa (từ cai sữa đến 42 ngày tuổi) lượng thức ăn thu nhận/ngày tăng lên rõ rệt so với giai đoạn trước cai sữa, trung bình đạt từ 293,99-295,85 g/ngày. Trong cả hai giai đoạn, lượng thức ăn thu nhận/ngày của tổ hợp lợn lai F1(PixMC) đều cao hơn so với hai tổ hợp lợn lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) (P<0,01). Song, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê về lượng thức ăn thu nhận/ngày giữa hai tổ hợp lợn lai F1(YxMC) và F1(LRxMC). Phân tích cả giai đoạn từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi cho thấy, lượng thức ăn thu nhận/ngày của mỗi lợn con dao động từ 179,58 đến 180,82 g/ngày, cao nhất là tổ hợp lợn lai F1(PixMC). Mặc dù lượng thức ăn thu nhận/ngày chênh lệch nhau không nhiều giữa các tổ hợp lợn lai, nhưng sự sai khác này có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01). Kết quả này cho thấy so với lợn đực Yorkshire và Landrace, lợn đực giống Pietrain đã làm tăng khả năng thu nhận thức ăn ở con lai F1(PixMC).


3.1.3.2. Ảnh hưởng của đực phối đến mức tiêu tốn thức ăn của lợn con


Tiêu tốn thức ăn quyết định đến chi phí tiền cho 1 kg tăng khối lượng của lợn con. Khác với chăn nuôi lợn thịt, tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng khối lượng của lợn con ngoài phụ thuộc vào bản chất di truyền của từng giống mà còn phụ thuộc rất nhiều vào số lợn con để nuôi/ổ cũng như phương thức chăn nuôi lợn nái sinh sản. Kết quả theo dõi hiệu quả sử dụng thức ăn ở lợn thí nghiệm qua các giai đoạn được trình bày trong Bảng 3.4.

Bảng 3.4: Tiêu tốn thức ăn của lợn con ở các tổ hợp lợn lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC)


Các chỉ tiêu

Tổ hợp lai

SEM

P

YxMC

LRxMC

PixMC

Số ổ đẻ theo dõi

72

72

72







Tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con cai sữa (kg/kg)

4,96a

4,86a

4,56b

0,03

<0,01

Tiêu tốn thức ăn/1 kg TKL lợn con từ cai sữa đến 42 ngày (kg/kg)

1,08ab

1,13a

1,03b

0,02

<0,01

Tiêu tốn thức ăn/1 kg khối lượng lợn con ở 42 ngày (kg/kg)

3,51a

3,52a

3,24b

0,02

<0,01

Ghi chú: TKL = Tăng khối lượng; Các giá trị trung bình trong cùng một hàng có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con cai sữa của lợn con ở các tổ hợp lai biến động trong khoảng từ 4,56 kg đến 4,96 kg. Với khả năng sinh trưởng nhanh, cho khối lượng lợn con cai sữa cao hơn, tổ hợp lai F1(PixMC) có tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con cai sữa giảm 6,53-8,68% so với hai tổ hợp lai khác. Sự sai khác này có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01). Không thấy sự khác biệt về mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con cai sữa giữa hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) (P>0,05). Kết quả của chúng tôi thấp hơn kết quả nghiên cứu của Bùi Thị Kim Oanh (2009) ở các nhóm lợn lai LRx(YxMC), LYx(YxMC), Du x(YxMC) tương ứng là 5,91; 5,73; 5,23 kg; thấp hơn nhiều so với kết quả công bố tiêu tốn thức ăn/kg lợn con cai sữa ở các công thức lai LRx(YxMC) là 6,37 kg, Du x(YxMC) là 6,46 kg của Vũ Đình Tôn và cs. (2007); Đặng Vũ Bình và Vũ Đình Tôn (2008). Tiêu thụ thức ăn/1 kg lợn con cai sữa còn phụ thuộc rất nhiều vào lượng thức ăn tiêu thụ của lợn nái trong thời gian nuôi con, tại thời điểm chúng tôi nghiên cứu giá thức ăn tăng cao nên người dân cho lợn nái ăn hạn chế hơn để giảm chi phí chăn nuôi.



Tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng khối lượng lợn con từ cai sữa đến 42 ngày tuổi (sau cai sữa) dao động từ 1,03 kg đến 1,13 kg, tương tự thấp nhất vẫn là tổ hợp lợn lai F1(PixMC) (1,03 kg), cao nhất là tổ hợp lợn lai F1(LRxMC) (1,13 kg) và trung gian là tổ hợp lợn lai F1(YxMC) (1,08 kg) (P<0,01). Điều này cho thấy, khả năng đáp ứng với thức ăn của đàn lợn thí nghiệm giai đoạn sau cai sữa là tương đối tốt. Kết quả này của chúng tôi thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của Bùi Thị Kim Oanh (2009) trên các tổ hợp lai LRx(YxMC) là 1,59 kg, LYx(YxMC) là 1,54 kg, Du x(YxMC) là 1,56 kg nuôi tại Bắc Giang.

Mục đích cuối cùng của chăn nuôi lợn sữa phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là giảm chi phí cho 1 kg lợn sữa xuất chuồng. Phân tích tiêu tốn thức ăn/1 kg khối lượng lợn con 42 ngày tuổi cho thấy: Tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi ở lợn thí nghiệm dao động từ 3,24 kg đến 3,52 kg. Lợn con ở hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) có mức tiêu tốn thức ăn/1 kg khối lượng lợn con 42 ngày tuổi tương đương nhau và cao hơn so với tổ hợp lai F1(PixMC), sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01). Cụ thể: Tổ hợp lợn lai F1(PixMC) có mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi là 3,24 kg thấp hơn 0,27 kg so với tổ hợp lai F1(YxMC) (3,51 kg) và 0,28 kg so với tổ hợp lai F1(LRxMC) (3,52 kg). Như vậy, khi sử dụng lợn đực giống Pietrain phối với lợn nái Móng Cái đã làm giảm 8,59-8,87% tiêu tốn thức ăn để sản xuất 1 kg lợn con 42 ngày tuổi so với sử dụng lợn đực Yorkshire và Landrace. Khi nghiên cứu trên các tổ hợp lai F1(LRxMC), F1(YxMC) và F1(PixMC) nuôi tại Đông Anh  Hà Nội, Nguyễn Văn Đức và cs. (2010) cho biết ưu thế lai về tiêu tốn thức ăn thấp: -2,93%; -2,92% và -4,00%. Tác giả kết luận sự sai khác về ưu thế lai của tính trạng tiêu tốn thức ăn giữa ba tổ hợp lai này tuy không lớn, song có ý nghĩa thống kê (P<0,05).



Với những kết quả ban đầu về ảnh hưởng của lợn đực giống Yorkshire, Landrace và Pietrain đến năng suất sinh sản của lợn nái Móng Cái, khả năng sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con ở các tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) cho phép chúng tôi kết luận: Để sản xuất lợn sữa (lợn con 42 ngày tuổi), tổ hợp lai đực Pietrain với nái Móng Cái là tốt nhất và sử dụng tổ hợp lai này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đàn lợn con F1(PixMC) có ngoại hình rất đẹp, khoẻ mạnh và có khả năng sinh trưởng tốt đặc biệt tiêu tốn ít thức ăn hơn để sản xuất 1 kg lợn sữa xuất chuồng lúc 42 ngày tuổi so với hai tổ hợp lợn lai F1(YxMC) và F1(LRxMC).

3.2. Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến khả năng sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con

3.2.1. Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến khả năng sinh trưởng của lợn con


Cai sữa là một hoạt động gây stress lớn và gây nên nhiều thay đổi cho hệ thống dạ dày, ruột ở lợn con theo chiều hướng bất lợi. Trong giai đoạn này, lợn con rơi vào tình trạng khủng hoảng không chỉ do sản lượng sữa ở lợn nái giảm một cách sinh lý, không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của lợn con mà còn do sự cai sữa thường được thực hiện vào thời điểm này. Kết quả khảo sát khả năng sinh trưởng của lợn con nuôi tại Thái Bình với hai độ tuổi cai sữa khác nhau (21 và 35 ngày tuổi) được trình bày ở Bảng 3.5.

Bảng 3.5: Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến khả năng sinh trưởng của lợn con


Chỉ tiêu

Tuổi cai sữa

SEM

P

21 ngày

35 ngày

Số ổ đẻ theo dõi

108

108







Khối lượng lợn con khi 42 ngày tuổi (kg/con)

10,04a

9,63b

0,03

<0,01

Tăng khối lượng từ sơ sinh đến cai sữa (g/ngày)

201,02a

176,28b

0,96

<0,01

Tăng khối lượng từ cai sữa đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

240,25b

382,06a

5,31

<0,01

Tăng khối lượng từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

220,63a

210,58b

0,61

<0,01

Ghi chú: Các giá trị trung bình trong cùng một hàng có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Kết quả theo dõi khả năng sinh trưởng bình quân/ngày ở lợn con của ba tổ hợp lai cho thấy, tuổi cai sữa ảnh hưởng rất rõ rệt đến khả năng sinh trưởng của lợn ở tất cả các giai đoạn (P<0,01). Phân tích tốc độ sinh trưởng của lợn con qua các giai đoạn cho thấy: Giai đoạn từ sơ sinh đến cai sữa, lợn con được cai sữa ở 21 ngày tuổi có khả năng sinh trưởng cao hơn hẳn so với lợn con được cai sữa ở 35 ngày tuổi (P<0,01). Trong giai đoạn này, tốc độ sinh trưởng của lợn con phụ thuộc chủ yếu vào khả năng tiết sữa của lợn nái. Sản lượng sữa của lợn nái tăng dần trong vài ngày đầu sau khi đẻ, đạt cực đại vào thời điểm 21 đến 28 ngày sau khi đẻ, sau đó bắt đầu giảm, tốc độ giảm nhanh kể từ tuần thứ 4 của chu kỳ tiết sữa (Hitoshi Milkami, 1994). Vì vậy, sau 21 ngày tuổi lợn con bước vào giai đoạn khủng hoảng do sản lượng sữa ở lợn nái giảm một cách sinh lý, trong khi lợn con mới làm quen với thức ăn tập ăn, lượng thức ăn thu nhận chưa nhiều không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của lợn con làm cho lợn con sinh trưởng chậm lại và có thể ngừng sinh trưởng. Như vậy, phải trải qua giai đoạn khủng hoảng về dinh dưỡng cho nhu cầu phát triển, với độ tuổi cai sữa dài hơn (cai sữa ở 35 ngày tuổi) lợn con có tốc độ sinh trưởng bình quân đạt 176,28 g/ngày, thấp hơn so với lợn con được cai sữa ở 21 ngày tuổi đạt 201,02 g/ngày là hoàn toàn hợp lý.

Sau cai sữa (từ cai sữa đến 42 ngày tuổi) khả năng sinh trưởng của lợn con tăng lên rõ rệt so với giai đoạn trước cai sữa và biến động từ 240,25-382,06 g/ngày. Trong giai đoạn này lợn con đã hoàn toàn quen với thức ăn tập ăn, lợn con ăn được nhiều hơn để đáp ứng cho nhu cầu phát triển nhanh của chúng. Ngược lại với giai đoạn trước cai sữa, trong giai đoạn này lợn con được cai sữa ở 35 ngày tuổi có tốc độ sinh trưởng bình quân g/ngày cao hơn so với lợn con được cai sữa ở 21 ngày tuổi (P<0,01). Theo chúng tôi sinh trưởng của lợn con giai đoạn 35-42 ngày cao hơn so với sinh trưởng giai đoạn 21-42 ngày tuổi là do giai đoạn từ 21 đến 35 ngày tuổi (2 tuần) hệ thống tiêu hóa chưa phát triển dẫn đến tiếp nhận và tiêu hóa thức ăn thấp hơn do đó khả năng sinh trưởng của lợn con thấp. Nhóm cai sữa 35 ngày tuổi (hệ thống tiêu hóa đã hoàn thiện hơn) thu nhận và chuyển hóa thức ăn tốt hơn nên khả năng sinh trưởng tốt hơn (35-42 ngày tuổi)

Nhìn chung, sinh trưởng của lợn con hoàn toàn tuân theo quy luật sinh trưởng không đồng đều qua các giai đoạn. Phân tích khả năng sinh trưởng của lợn con trong cả giai đoạn nuôi thí nghiệm từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi cho thấy: Lợn con khi được cai sữa ở 21 ngày tuổi có tốc độ sinh trưởng cao hơn so với lợn con được cai sữa ở 35 ngày tuổi (P<0,01). Cụ thể, cai sữa lợn con ở 21 ngày tuổi đạt sinh trưởng trung bình từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi là 220,63 g/ngày cao hơn so với 210,58 g/ngày ở lợn con cai sữa 35 ngày tuổi (tương ứng 4,55%). Theo đó cai sữa lợn con ở 21 ngày tuổi đạt khối lượng lợn con 42 ngày tuổi là 10,04 kg/con cao hơn so với cai sữa ở 35 ngày tuổi là 9,63 kg/con (P<0,01).

Như vậy, việc khảo sát thời gian cai sữa hợp lý không chỉ quan trọng đối với chăn nuôi lợn con nói chung mà còn có ý nghĩa sinh học và kinh tế đặc biệt đối với ngành sản xuất thịt lợn sữa. Trong điều kiện chăn nuôi nông hộ như ở Thái Bình hiện nay cai sữa lợn con ở 21 ngày tuổi đã làm tăng tốc độ sinh trưởng của lợn sữa (42 ngày tuổi) so với cai sữa ở 35 ngày tuổi.

3.2.2. Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con


Bộ máy tiêu hóa của lợn con phát triển rất nhanh về dung tích, kích thước và khối lượng nhưng về chức năng thì chưa hoàn thiện. Chức năng chưa hoàn thiện là do một số men tiêu hóa thức ăn chưa có hoạt tính đủ mạnh, nhất là ở 3 tuần tuổi đầu tiên sau sinh ra.

3.2.2.1. Ảnh hưởng tuổi cai sữa đến lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con


Kết quả khảo sát ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con được trình bày ở Bảng 3.6.

Bảng 3.6: Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con


Chỉ tiêu

Tuổi cai sữa

SEM

P

21 ngày

35 ngày

Số ổ đẻ theo dõi

108

108







Thức ăn thu nhận từ sơ sinh đến cai sữa (g/ngày)

73,47b

114,47a

1,40

<0,01

Thức ăn thu nhận từ cai sữa đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

266,12b

323,16a

1,95

<0,01

Thức ăn thu nhận từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

199,90a

160,12b

1,36

<0,01

Ghi chú: Các giá trị trung bình trong cùng một hàng có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Cũng như tốc độ sinh trưởng của lợn, mức thu nhận thức ăn của lợn con qua các giai đoạn từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi tuổi cai sữa (P<0,01). Giai đoạn từ sơ sinh đến cai sữa, thức ăn thu nhận/ngày của lợn con khi cai sữa ở 21 ngày tuổi trung bình là 73,47 g/ngày thấp hơn nhiều so với lợn con khi cai sữa ở 35 ngày tuổi là 114,47 g/ngày. Nguyên nhân là do cai sữa ở 21 ngày tuổi nguồn sữa mẹ là chủ yếu, giai đoạn này sữa mẹ đang tiết nhiều, lợn con mới làm quen với thức ăn cùng với dung tích dạ dày còn nhỏ nên chúng ăn ít. Sau 21 ngày tuổi (từ 21 đến 35 ngày tuổi), lượng sữa mẹ tiết ra giảm dần, trong khi đó nhu cầu dinh dưỡng của lợn con ngày càng tăng, ở giai đoạn này lợn con đã quen dần với thức ăn tập ăn cùng với dung tích dạ dày lợn con tăng lên đáng kể nên lợn con ăn được nhiều hơn.



Lượng thức ăn thu nhận/ngày của mỗi lợn con tăng lên ở giai đoạn sau cai sữa (từ cai sữa đến 42 ngày tuổi) dao động từ 266,12 g đến 323,16 g. Do được tập ăn sớm, sau cai sữa lợn con đã hoàn toàn quen với thức ăn dạng viên và biết ăn tốt, lúc này sinh trưởng của lợn con phụ thuộc hoàn toàn vào thức ăn hỗn hợp từ bên ngoài, lợn con ăn nhiều hơn. Bình quân lượng thức ăn thu nhận/ngày của mỗi lợn con khi được cai sữa ở 35 ngày tuổi cao hơn so với lợn con cai sữa ở 21 ngày tuổi (P<0,01). Nguyên nhân chính là do mức độ phát triển và hoàn thiện chức năng của bộ máy tiêu hóa của lợn con trên 35 ngày tuổi là tốt hơn so với lợn con ở 21-35 ngày tuổi. Đồng thời mức tăng trưởng và khối lượng lợn con (21-35 ngày tuổi) cũng thấp hơn giai đoạn (35-42 ngày tuổi). Bộ máy tiêu hóa hoàn thiện hơn nên lợn con thu nhận thức ăn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của cơ thể do vậy lợn con cai sữa ở 35 ngày tuổi thu nhận thức ăn/ngày (35-42 ngày tuổi) cao hơn so với lợn con cai sữa ở 21 ngày tuổi (21-42 ngày tuổi).

Khả năng thu nhận thức ăn của lợn sữa được đánh giá tổng quát bằng lượng thức ăn thu nhận bình quân/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi. Bình quân lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con (từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi) đạt 180,01 g/ngày. Sự sai khác có ý nghĩa thống kê giữa lợn con cai sữa ở 21 ngày tuổi và 35 ngày tuổi (P<0,01). Cụ thể, cai sữa ở 21 ngày tuổi lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con đến 42 ngày tuổi đạt 199,90 g/ngày cao hơn so với cai sữa ở 35 ngày tuổi đạt 160,12 g/ngày, tương ứng là 19,90%. Mặc dù, ở cả hai giai đoạn nuôi (từ sơ sinh đến cai sữa và từ cai sữa đến 42 ngày tuổi) lợn con cai sữa ở 21 ngày tuổi đều có lượng thức ăn thu nhận/ngày thấp hơn so với lợn con cai sữa ở 35 ngày tuổi, song trung bình toàn kỳ nuôi (từ sơ sinh đến xuất chuồng 42 ngày tuổi) lợn con cai sữa ở 21 ngày vẫn có lượng thức ăn thu nhận bình quân/ngày cao hơn so với lợn con cai sữa ở 35 ngày tuổi. Kết quả này là do cai sữa sớm (21 ngày) buộc lợn con phải ăn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cơ thể dẫn đến tăng lượng thức ăn thu nhận. Trong khi đó, cai sữa muộn (35 ngày tuổi) vì có sữa mẹ đã đáp ứng một phần nhu cầu dinh dưỡng nên nhu cầu thức ăn sẽ giảm đi so với nhóm cai sữa 21 ngày tuổi. Thực tế khảo sát cho thấy, lợn con được cai sữa ở 21 ngày tuổi có tổng lượng thức ăn thu nhận bình quân trong cả kỳ thí nghiệm đạt 6,40 kg/con cao hơn hẳn so với lợn con được cai sữa ở 35 ngày tuổi trung bình chỉ đạt 5,12 kg/con.

Kết quả này phù hợp với những nghiên cứu trước đây của một số tác giả trên lợn con khi cai sữa ở các độ tuổi khác nhau (Bruininx và cs., 2002; Campbell và cs., 2013) cho biết khi được bú sữa mẹ đến 35 ngày, lợn con lười ăn hơn và thích ứng với thức ăn mới chậm hơn so với lợn con cai sữa ở 21 ngày; Nguyễn Nghi và cs. (1978) nghiên cứu cai sữa lợn con ở 35 ngày, 45 ngày, 60 ngày (trên đàn lợn lai) cho biết khi cai sữa sớm cho lợn con thì lợn con ăn nhiều thức ăn tinh hơn, tương ứng lần lượt là 604; 571; 344 g/ngày.

3.2.2.2. Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến tiêu tốn thức ăn của lợn con


Kết quả ở Bảng 3.7 cho thấy, mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con cai sữa (tập ăn); tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng khối lượng lợn con sau cai sữa (từ cai sữa đến 42 ngày) và tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi đều bị ảnh hưởng rõ rệt bởi tuổi cai sữa (P<0,01). Tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con cai sữa 21 ngày tuổi (4,91 kg) cao hơn so với lợn con cai sữa 35 ngày tuổi (4,67 kg). Kết quả này là do cai sữa ở 21 ngày tuổi lợn con có khối lượng cai sữa/con thấp hơn so với khi được cai sữa ở 35 ngày tuổi. Tương tự, tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng khối lượng của lợn con từ cai sữa đến 42 ngày tuổi ở lợn được cai sữa 21 ngày tuổi cũng cao hơn so với lợn được cai sữa ở 35 ngày tuổi, tương ứng ở mức 1,21 kg so với 0,95 kg. Điều này rất hiển nhiên vì nhóm cai sữa 35 ngày ăn ít hơn do số ngày bú sữa dài hơn.

Bảng 3.7: Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến tiêu tốn thức ăn của lợn con qua các giai đoạn


Chỉ tiêu

Tuổi cai sữa

SEM

P

21 ngày

35 ngày

Số ổ đẻ theo dõi

108

108







Tổng lượng thức ăn tiêu thụ/nái/ổ (kg)

256,92

309,67

1,84

<0,01

Tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con cai sữa (kg/kg)

4,91a

4,67b

0,03

<0,01

Tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng khối lượng lợn con từ cai sữa đến 42 ngày (kg/kg)

1,21a

0,95b

0,02

<0,01

Tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con ở 42 ngày (kg/kg)

3,16b

3,69a

0,02

<0,01

Ghi chú: Các giá trị trung bình trong cùng một hàng có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Tuy nhiên khi tính tất cả thức ăn cho lợn mẹ và thức ăn cho lợn con thì để sản xuất ra 1 kg lợn con lúc 42 ngày tuổi, nhóm lợn con cai sữa ở 21 ngày tuổi có mức tiêu tốn thức ăn là 3,16 kg, thấp hơn so với nhóm lợn con cai sữa ở 35 ngày tuổi là 3,69 kg (P<0,01). Do đặc điểm của chăn nuôi sản phẩm lợn sữa (xuất chuồng 42 ngày tuổi) là khối lượng lợn sữa xuất chuồng nhỏ, tiêu tốn thức ăn để sản xuất 1 kg lợn sữa xuất chuồng phụ thuộc rất lớn vào lượng thức ăn tiêu thụ của lợn nái đặc biệt là thời gian nuôi con. Kết quả khảo sát lượng thức ăn tiêu thụ của lợn nái trong thí nghiệm cho thấy: Tổng lượng thức ăn tiêu thụ cho lợn nái của lô lợn con được cai sữa ở 21 ngày tuổi trung bình 256,92 kg/ổ thấp hơn rất nhiều so với lô lợn nái có lợn con cai sữa ở 35 ngày tuổi trung bình 309,67 kg/ổ (P<0,01). Tổng lượng thức ăn tiêu thụ ít hơn cùng với khối lượng lợn con ở 42 ngày tuổi cao hơn nên kết quả tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi khi cai sữa lợn con ở 21 ngày thấp hơn so với cai sữa lợn con ở 35 ngày tuổi là hoàn toàn hợp lý.

Như vậy, khi cai sữa lợn con ở 21 ngày tuổi đã làm giảm tiêu tốn thức ăn cho 1 kg lợn con 42 ngày tuổi (14,51%) so với cai sữa lợn con ở 35 ngày tuổi. Kết quả của chúng tôi phù hợp với kết luận của Nguyễn Nghi và cs. (1978) khi nghiên cứu cai sữa cho lợn con ở 35 ngày, 45 ngày, 60 ngày (trên đàn lợn lai) cho biết khi cai sữa sớm cho lợn con thì chi phí thức ăn giảm 10-30%.

Từ những kết quả nghiên cứu ban đầu về ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến khả năng sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con để sản xuất thịt lợn sữa trong điều kiện chăn nuôi nông hộ tại Thái Bình chúng tôi đi đến kết luận: Khi cai sữa lợn con ở 21 ngày tuổi thì lợn con thu nhận được nhiều thức ăn tinh hơn, sinh trưởng phát triển tốt hơn, đặc biệt làm giảm tiêu tốn thức ăn (14,51%) so với cai sữa lợn con ở 35 ngày tuổi.


3.3. Ảnh hưởng của khẩu phần đến sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con

3.3.1. Ảnh hưởng của khẩu phần đến khả năng sinh trưởng của lợn con


Chúng ta biết rằng, để quá trình sinh trưởng và phát triển của của lợn con đạt tốt đòi hỏi sự đáp ứng đầy đủ về nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt là protein. Về thực chất, nhu cầu protein của lợn con chính là nhu cầu về các axit amin. Nếu bổ sung không đầy đủ các axit amin thiết yếu cho lợn con, kể cả về số lượng và tỷ lệ các axit amin sẽ dẫn đến sinh trưởng của lợn con bị ảnh hưởng, lợn chậm lớn và ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của các giai đoạn tiếp theo.

Kết quả theo dõi ảnh hưởng của khẩu phần có mật độ dinh dưỡng khác nhau cho lợn con từ tập ăn đến 42 ngày tuổi ở Bảng 3.8 cho thấy: Khối lượng cơ thể lợn con tăng dần qua các giai đoạn thí nghiệm. Tuy nhiên, khối lượng lợn con cai sữa đạt được là tương đương nhau 5,96-5,99 kg/con khi lợn con được ăn bằng hai khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau. Giai đoạn sau cai sữa (từ cai sữa đến 42 ngày tuổi) khi lợn con hoàn toàn sống bằng thức ăn mà chúng thu nhận được hàng ngày, sự khác nhau về khối lượng giữa lợn con được ăn bằng hai khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau là rõ rệt. Cụ thể lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đạt khối lượng lúc 42 ngày tuổi (9,98 kg) cao hơn so với lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp là 9,70 kg với sự sai khác là rõ rệt (P<0,01). Như vậy, khẩu phần có mức dinh dưỡng cao tuy không ảnh hưởng đến khối lượng lợn con lúc cai sữa, nhưng ảnh hưởng rõ rệt đến khối lượng lợn con sau cai sữa đến 42 ngày tuổi.


Bảng 3.8: Ảnh hưởng của khẩu phần đến khả năng sinh trưởng lợn con


Chỉ tiêu

Khẩu phần

SEM

P

KP1

KP2

Số ổ đẻ theo dõi

108

108







Khối lượng lợn con cai sữa (kg/con)

5,96

5,99

0,07

0,47

Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi (kg/con)

9,70b

9,98a

0,03

<0,01

TKL từ sơ sinh đến cai sữa (g/ngày)

188,47

188,83

0,96

0,85

TKL từ cai sữa đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

303,76b

318,55a

5,31

<0,01

TKL từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

212,23b

218,98a

0,61

<0,01

Ghi chú: TKL = Tăng khối lượng; KP1 = Khẩu phần cho lợn con tập ăn và sau cai sữa có mức dinh dưỡng thấp; KP2 = Khẩu phần cho lợn con tập ăn và sau cai sữa có mức dinh dưỡng cao; Các giá trị trung bình trong cùng một hàng có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Kết quả Bảng 3.8 cho thấy: Từ sơ sinh đến cai sữa, sự khác nhau về tốc độ sinh trưởng của lợn con được ăn bằng hai khẩu phần khác nhau là không rõ rệt (P>0,05). Trong giai đoạn này sinh trưởng của lợn con phụ thuộc chủ yếu vào sữa mẹ, lúc này lợn con mới làm quen với thức ăn tập ăn chúng ăn rất ít, do vậy ảnh hưởng của thức ăn đến sinh trưởng của của lợn con chưa nhiều.

Khả năng sinh trưởng của lợn con tăng lên rõ rệt ở giai đoạn từ cai sữa đến 42 ngày tuổi, bình quân đạt 311,29 g/ngày. Lợn con sau cai sữa được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đạt sinh trưởng bình quân 318,55 g/ngày, cao hơn so với lợn con sau cai sữa được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp đạt bình quân 303,76 g/ngày. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P<0,01).

Trong cả giai đoạn nuôi thí nghiệm (từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi), lợn con có tốc độ sinh trưởng tương đối cao, đạt trung bình là 212,23 g/ngày với khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp và 218,98 g/ngày với khẩu phần có mức dinh dưỡng cao với sai khác rõ rệt (P<0,01). Lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao có mức tăng khối lượng bình quân g/ngày cao hơn 3,08% so với lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp. Như vậy, khi lợn tập ăn và sau cai sữa được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (3265 kcal ME/kg, 21% protein thô, 1,35% lysine) có tác dụng nâng cao khối lượng lợn con ở 42 ngày tuổi so với lợn được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp (3050 kcal ME/kg, 19% protein thô, 1,21% lysine).

Trong nhiều năm qua, đã có nhiều nghiên cứu về khẩu phần cho lợn con. Tuy nhiên, các nghiên cứu thường tập trung chủ yếu vào giai đoạn lợn con sau cai sữa và trên đối tượng là lợn ngoại. Nghiên cứu về khẩu phần cho lợn con giai đoạn tập ăn (từ sơ sinh đến cai sữa), đặc biệt trên đối lượng là lợn lai (ngoại x nội) còn rất hạn chế. Mặc dù vậy, kết quả nghiên cứu của các tác giả là rất khác nhau, cụ thể như: Trần Quốc Việt và cs. (1999) khi nghiên cứu xác định mức năng lượng, axit amin và tỷ lệ axit amin/năng lượng thích hợp cho lợn con sau cai sữa cho biết khẩu phần thích hợp cho lợn con sau cai sữa là có 20% protein thô và năng lượng trao đổi 3250-3350 kcal ME/kg. Lã Văn Kính và Vương Nam Trung (2003) khi nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng cho lợn con tập ăn cho biết khẩu phần tốt nhất cho lợn con giai đoạn theo mẹ có mật độ dinh dưỡng 3300 kcal ME/kg; 22,5% protein thô (tương đương 68,18 g/1000 kcal ME). Thai Yang Xaichou (2008) nghiên cứu xây dựng công thức thức ăn hỗn hợp cho lợn con giống ngoại sau cai sữa từ 21 đến 56 ngày tuổi đã xác định rằng với khẩu phần thức ăn có mật độ dinh dưỡng 3250 kcal ME/kg, 22,50% protein thô, lysine 1,35% có tốc độ tăng khối lượng cao hơn so với khẩu phần có mật độ dinh dưỡng 3300 kcal ME/kg, CP 23,51%, lysine 1,47%. Như vậy, với khẩu phần mức dinh dưỡng cao dùng cho lợn con tập ăn và sau cai sữa trong nghiên cứu của chúng tôi là nằm trong khoảng các mức dinh dưỡng cho lợn con đã được công bố, còn khẩu phần mức dinh dưỡng thấp thì thấp hơn so với các mức dinh dưỡng cho lợn con đã công bố.

3.3.2. Ảnh hưởng của khẩu phần đến hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con

3.3.2.1. Ảnh hưởng của khẩu phần đến lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con


Khảo sát ảnh hưởng của khẩu phần cho lợn con đến lượng thức ăn thu nhận/ngày của mỗi lợn con (Bảng 3.9) cho thấy: Lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con đạt tương đối thấp ở giai đoạn từ sơ sinh đến cai sữa và không có sự khác biệt giữa hai nhóm lợn được ăn bằng hai khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau (P>0,05), lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con trong giai đoạn này biến động trong khoảng 93,95-93,99 g/ngày. Kết quả này cho thấy năng suất, chất lượng sữa của đàn nái Móng Cái là khá tốt và đồng đều, đảm bảo cơ bản cho nhu cầu phát triển của lợn con trong giai đoạn theo mẹ, do vậy lợn con chưa cần phải ăn nhiều thức ăn bổ sung.

Sau cai sữa (từ cai sữa đến 42 ngày tuổi), khả năng thu nhận thức ăn của lợn con tăng lên đáng kể và có sự khác biệt rõ rệt giữa hai nhóm lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau. Lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp đạt lượng thức ăn thu nhận/ngày (295,52 g) cao hơn so với lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (293,76 g) (P<0,01). Trung bình lượng thức ăn thu nhận/ngày của mỗi lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi nuôi tại Thái Bình là 180,01 g/ngày và cũng có sự sai khác thống kê rõ rệt (P<0,01) giữa hai nhóm lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau, cao hơn là nhóm lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp. Do giai đoạn này lợn con tích lũy lượng protein rất cao, mặt khác lượng mỡ và glycogen dự trữ trong cơ thể thấp nên khả năng cung cấp năng lượng chống lạnh bị hạn chế. Vì vậy, khi khẩu phần thức ăn cho lợn con có mức dinh dưỡng thấp thì lợn con cần phải ăn nhiều hơn để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho nhu cầu phát triển và thích ứng với điều kiện ngoại cảnh.


Bảng 3.9: Ảnh hưởng của khẩu phần đến lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con


Chỉ tiêu

Khẩu phần

SEM

P

KP1

KP2

Số ổ đẻ theo dõi

108

108







Thức ăn thu nhận từ sơ sinh đến cai sữa (g/ngày)

93,99

93,95

1,40

0,22

Thức ăn thu nhận từ cai sữa đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

295,52a

293,76b

1,95

<0,01

Thức ăn thu nhận từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

180,37a

179,65b

1,36

<0,01

Ghi chú: Các giá trị trung bình trong cùng một hàng có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Nhìn chung, sự khác biệt về giá trị tuyệt đối trung bình lượng thức ăn thu nhận của lợn con trong từng giai đoạn nuôi cũng như từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi là không nhiều khi được ăn bằng hai loại khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau. Đối với lợn con, lượng thức ăn thu nhận/ngày còn ít do sức chứa của dạ dày nhỏ, việc thông qua mật độ các chất dinh dưỡng của thức ăn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho tăng trưởng của lợn là hết sức quan trọng và cần thiết. Khi nghiên cứu xác định mức lysine và năng lượng (L/NL) đối với lợn con Móng Cái giai đoạn sau cai sữa Bùi Quang Tuấn và Đặng Thùy Nhung (2002); Đặng Thùy Nhung và Bùi Quang Tuấn (2004) cho biết rằng mức lysine và năng lượng khẩu phần ít ảnh hưởng đến lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con.


3.3.2.2. Ảnh hưởng của khẩu phần đến tiêu tốn thức ăn của lợn con


Kết quả ở Bảng 3.10 cho thấy sự sai khác giữa các giá trị trung bình về tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con cai sữa khi tập ăn bằng thức ăn có mức dinh dưỡng khác nhau là không có ý nghĩa thống kê (P>0,05), trung bình tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con cai sữa biến động trong khoảng 4,78-4,80 kg/kg. Có sự khác biệt rõ rệt về tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng khối lượng lợn con giai đoạn từ cai sữa đến 42 ngày tuổi (P<0,01): Lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng khối lượng từ cai sữa đến 42 ngày tuổi (1,01 kg) thấp hơn so với lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp (1,14 kg).

Bảng 3.10: Ảnh hưởng của khẩu phần đến tiêu tốn thức ăn của lợn con qua các giai đoạn


Chỉ tiêu

Khẩu phần

SEM

P

KP1

KP2

Số ổ đẻ theo dõi

108

108







Tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con cai sữa (kg/kg)

4,80

4,78

0,03

0,70

Tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng khối lượng từ cai sữa đến 42 ngày tuổi (kg/kg)

1,14a

1,01b

0,02

<0,01

Tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi (kg/kg)

3,50a

3,35b

0,02

<0,01

Ghi chú: Các giá trị trung bình trong cùng một hàng có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

So với kết quả của Thai Yang Xaichou (2008) khi nghiên cứu xây dựng khẩu phần cho lợn con giống ngoại cho biết, tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng khối lượng của lợn con giai đoạn sau cai sữa ở mức 1,89-1,92 kg và 2,08 kg tương ứng với công thức thức ăn ĐHNN-A (mức năng lượng 3250 kcal ME/kg, protein 22,5%, lysine 1,35%) và ĐHNN-B (mức năng lượng 3300 kcal ME/kg, protein 23,51%, lysine 1,47%), kết quả của chúng tôi thấp hơn so với cả hai loại khẩu phần. Như vậy, khẩu phần chúng tôi xây dựng là phù hợp cho lợn con sau cai sữa, đặc biệt là lợn lai (ngoại x nội) và nuôi trong điều kiện chăn nuôi nông hộ như ở Thái Bình hiện nay.

Trung bình tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi nuôi tại Thái Bình là 3,35 kg cho khẩu phần có mức dinh dưỡng cao và 3,50 kg cho khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp. Khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đã làm giảm 4,48% lượng thức ăn tiêu tốn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi so với khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01). Kết quả này cho thấy rằng, sử dụng khẩu phần thức ăn có mức dinh dưỡng cao so với khẩu phần thức ăn có mức dinh dưỡng thấp cho lợn con từ tập ăn đến 42 ngày tuổi đã đáp ứng dần tới nhu cầu các chất dinh dưỡng của cơ thể, làm cho khả năng chuyển hóa thức ăn tốt hơn, thể hiện ở mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi thấp hơn. Điều này phản ánh ảnh hưởng tích cực của mức dinh dưỡng khẩu phần đến sinh trưởng của lợn con thí nghiệm.


3.3.2.3. Ảnh hưởng của khẩu phần đến chi phí thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi


Chi phí thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp đánh giá khả năng sản xuất của lợn nái và hiệu quả kinh tế của khẩu phần sử dụng. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, để đánh giá hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn sữa tại Thái Bình chúng tôi mới chỉ dừng lại ở việc tính chi phí tiền thức ăn/1 kg lợn sữa xuất chuồng (42 ngày tuổi). Kết quả theo dõi được trình bày tại Bảng 3.11.

Bảng 3.11: Chi phí thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi


Diễn giải

Đơn vị

KP1

KP2

SEM

P

Số ổ đẻ theo dõi



108

108







1. Tổng khối lượng lợn sữa

kg/ổ

98,14b

103,25a

0,63

<0,01

2. Tổng thức ăn tiêu tốn

kg/ổ

341,25

343,22

1,50

0,11

Nái mang thai

kg/ổ

187,36b

189,73a

0,23

<0,05

Nái tiết sữa

kg/ổ

94,76

94,72

1,75

0,95

Lợn con

kg/ổ

58,36

59,51

0,55

0,05

3. Đơn giá 1 kg thức ăn
















Nái mang thai

đồng

7.050

7.050

-

-

Nái tiết sữa

đồng

7.850

7.850

-

-

Lợn con

đồng

9.760

10.250

-

-

4. Tổng chi phí thức ăn

đồng/ổ

2.639.800b

2.685.800a

11185

<0,01

5. CPTA/kg lợn sữa 42 ngày tuổi

đồng

27.100a

26.200b

174

<0,01

6. So sánh

%

100

96,7

-

-

Ghi chú: KP1 = Khẩu phần dinh dưỡng thấp; KP2 = Khẩu phần dinh dưỡng cao; CPTA = Chi phí thức ăn; Các giá trị trung bình trong cùng một hàng có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Khi tăng mức dinh dưỡng khẩu phần thức ăn từ mức 3050 kcal ME/kg, protein 19%, lysine 1,21% lên mức 3265 kcal ME/kg, protein 21%, lysine 1,35% thì đơn giá thức ăn cũng tăng (tăng từ 9.760 lên 10.250 đồng/kg tương ứng 4,76%). Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi/ổ có sự khác biệt rõ rệt khi lợn con từ tập ăn đến 42 ngày tuổi được ăn bằng hai loại khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau (P<0,01). Trong khi đó thấy lượng thức ăn tiêu tốn/ổ như nhau ở cả hai nhóm lợn con thí nghiệm (P>0,05). Tổng chi phí thức ăn/ổ có xu hướng cao hơn ở nhóm lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao, nhưng lại cho chi phí thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi thấp hơn so với các nhóm lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp (P<0,01). Trung bình nhóm lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đạt chi phí thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi là 26.200 đồng, thấp hơn 900 đồng (tương đương 3,3%) so với được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp (27.100 đồng). Điều này cho thấy, khi ăn bằng khẩu phần thức ăn có mức dinh dưỡng cao, đã đáp ứng được nhu cầu về dinh dưỡng của lợn, cho nên khả năng sinh trưởng của lợn con tăng lên, hiệu suất chuyển hóa thức ăn tốt hơn.



Như vậy, trong điều kiện chăn nuôi nông hộ như ở Thái Bình hiện nay, sử dụng khẩu phần thức ăn có mặt độ dinh dưỡng ở mức 3265 kcal ME/kg, protein 21%, lysine 1,35% cho lợn con tập ăn đến 42 ngày tuổi để sản xuất lợn sữa sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sử dụng khẩu phần có mật độ dinh dưỡng thấp (mức 3050 kcal ME/kg, protein 19%, lysine 1,21%).

3.4. Tác động đồng thời của ba yếu tố: Tổ hợp lai, tuổi cai sữa, khẩu phần đến khả năng sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con


Mỗi tính trạng về năng suất của vật nuôi luôn chịu ảnh hưởng đồng thời bởi nhiều yếu tố và sự ảnh hưởng của mỗi yếu tố lại ở nhiều mức khác nhau. Sự ảnh hưởng độc lập của từng yếu tố thường dễ nhận ra, nhưng ảnh hưởng tương tác giữa các yếu tố với nhau thường rất khó nhận biết và sự ảnh hưởng đó đã làm cho năng suất vật nuôi bị thay đổi, có thể nâng lên cao hơn nhưng cũng có thể bị giảm xuống thấp hơn. Trong phạm vi nghiên cứu này, ảnh hưởng tương tác giữa các yếu tố: Tổ hợp lai (TH), tuổi cai sữa (CS), khẩu phần (KP) đến một số chỉ tiêu quyết định năng suất và hiệu quả của chăn nuôi lợn con đến 42 ngày tuổi được chúng tôi lựa chọn là khối lượng 42 ngày tuổi, tăng khối lượng (từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi), lượng thức ăn thu nhận (từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi) và tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi. Mức độ tác động đồng thời của các yếu tố ảnh hưởng đến các chỉ tiêu nghiên cứu được trình bày trong Bảng 3.12.

Bảng 3.12: Tác động đồng thời của ba yếu tố TH, CS, KP với các tổ hợp tương tác đến sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con


Các chỉ tiêu

n (ổ)

R2

TH

CS

KP

Các ảnh hưởng tương tác

TH*CS

TH*KP

CS*KP

TH*CS*KP

Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi (kg/con)

216

0,7293

**

**

**

**

0,92

**

*

Tăng khối lượng từ sơ sinh đến 42 ngày (g/ngày)

216

0,6924

**

**

**

**

0,76

**

*

Thức ăn thu nhận từ sơ sinh đến 42 ngày (g/ngày)

216

0,9999

**

**

**

**

0,10

**

0,10

Tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi (kg/kg)

216

0,7938

**

**

**

0,31

*

**

0,29

Ghi chú: R2 = Hệ số xác định của tính trạng; TH*CS = tương tác giữa tổ hợp lai và tuổi cai sữa; TH*KP = tương tác giữa tổ hợp lai và khẩu phần thức ăn; CS*KP = tương tác giữa tuổi cai sữa và khẩu phần thức ăn; TH*CS*KP = tương tác giữa tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần thức ăn; ** = P<0,01; * = P<0,05.

Các tương tác đơn TH*CS và CS*KP ảnh hưởng rõ rệt đến chỉ tiêu khối lượng lợn con 42 ngày tuổi (P<0,01), nhưng không bị ảnh hưởng bởi tương tác đơn TH*KP (P>0,05), trong lúc đó tương tác phức TH*CS*KP ảnh hưởng ở mức P<0,05. Hệ số xác định của chỉ tiêu khối lượng lợn con 42 ngày tuổi đạt tương đối cao (R2 = 0,7293) chứng tỏ các yếu tố độc lập TH, CS, KP cùng với các tương tác đơn TH*CS, CS*KP và phức TH*CS*KP đã chiếm đến 72,93% tổng biến đổi trong toàn bộ các biến đổi đối với chỉ tiêu khối lượng lợn con lúc 42 ngày tuổi.

Tương tự, tính trạng tăng khối lượng của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi chịu ảnh hưởng của các tương tác đơn TH*CS và CS*KP (P<0,01), tương tác phức TH*CS*KP ảnh hưởng đến tăng khối lượng của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi ở mức P<0,05, nhưng không chịu ảnh hưởng bởi tương tác đơn TH*KP (P>0,05). Hệ số xác định của chỉ tiêu tăng khối lượng từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi cũng đạt tương đối cao (R2 = 0,6924) chứng tỏ các yếu tố độc lập TH, CS, KP cùng với các tương tác đơn TH*CS, CS*KP và tương tác phức TH*CS*KP đưa vào phân tích đã chiếm đến 69,24% tổng biến đổi trong toàn bộ các biến đổi đối với chỉ tiêu tăng khối lượng của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi.

Trong lúc đó, đối với chỉ tiêu lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi cho thấy bị ảnh hưởng rõ rệt bởi các tương tác đơn TH*CS và CS*KP (P<0,01), nhưng không bị ảnh hưởng bởi tương tác đơn TH*KP và tương tác phức TH*CS*KP (P>0,05). Hệ số xác định của chỉ tiêu lượng thức ăn thu nhận/ngày đạt cao (R2 = 0,9999) chứng tỏ các yếu tố độc lập TH, CS, KP cùng với các tương tác đơn TH*CS, CS*KP và tương tác phức TH*CS*KP đưa vào phân tích đã chiếm đến 99,99% tổng biến đổi trong toàn bộ các biến đổi đối với chỉ tiêu thức ăn thu nhận/ngày của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi.

Đối với chỉ tiêu tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi bị ảnh hưởng rõ rệt bởi tương tác đơn CS*KP (P<0,01) và TH*KP (P<0,05), nhưng không bị ảnh hưởng bởi tương tác đơn TH*CS và tương tác phức TH*CS*KP (P>0,05). Hệ số xác định của chỉ tiêu tiêu tốn thức ăn cũng đạt tương đối cao (R2 = 0,7938) chứng tỏ các yếu tố độc lập TH, CS, KP cùng với các tương tác đơn TH*CS, CS*KP và tương tác phức TH*CS*KP đưa vào phân tích đã chiếm đến 79,38% biến đổi trong toàn bộ tổng các biến đổi đối với chỉ tiêu tiêu tốn thức ăn/1 kg khối lượng lợn con 42 ngày tuổi.

Nhìn chung, tất cả các chỉ tiêu theo dõi đều có hệ số xác định (R2) tương đối cao, điều này chứng tỏ việc xác định và đưa ba yếu: Tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa lợn con, khẩu phần cho lợn con từ tập ăn đến 42 ngày tuổi vào phân tích ảnh hưởng của chúng đến hiệu quả chăn nuôi sản xuất lợn sữa (42 ngày tuổi) trong điều kiện nông hộ tại Thái Bình là hoàn toàn chính xác.


3.4.1. Tác động đồng thời của tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến khối lượng lợn con 42 ngày tuổi


Tác động đồng thời của ba yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa, khẩu phần với các tương tác đơn TH*CS và CS*KP ảnh hưởng rõ rệt đến chỉ tiêu khối lượng lợn con 42 ngày tuổi (P<0,01), tương tác phức TH*CS*KP ảnh hưởng khối lượng lợn con 42 ngày tuổi ở mức P<0,05.

3.4.1.1. Ảnh hưởng tương tác của tổ hợp lai và tuổi cai sữa đến khối lượng lợn con 42 ngày tuổi


Kết quả tương tác của tổ hợp lai và tuổi cai sữa (TH*CS) ảnh hưởng đến khối lượng lợn con 42 ngày tuổi được trình bày trong Bảng 3.13.

Bảng 3.13: Ảnh hưởng tương tác của tổ hợp lai và tuổi cai sữa đến khối lượng lợn con 42 ngày tuổi


Yếu tố thí nghiệm

n

(ổ)


Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi (kg/con)

Tổ hợp lợn lai

Tuổi cai sữa

YxMC

CS21

36

9,88b

YxMC

CS35

36

9,55c

LRxMC

CS21

36

9,86b

LRxMC

CS35

36

9,54c

PixMC

CS21

36

10,37a

PixMC

CS35

36

9,80b

SEM

0,03

P

<0,01

Ghi chú: CS21 = Cai sữa ở 21 ngày tuổi; CS35 = Cai sữa ở 35 ngày tuổi; Các giá trị trung bình trong cùng một cột có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) do ảnh hưởng của độ tuổi cai sữa (21 và 35 ngày tuổi) biến động từ 9,54-10,37 kg/con. Sự sai khác về giá trị trung bình khối lượng lợn con 42 ngày tuổi giữa tổ hợp lai F1(PixMC) với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) đều có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01). Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) được cai sữa lúc 21 ngày tuổi đạt tương ứng 9,88; 9,86 và 10,37 kg/con đều cao hơn rõ rệt (P<0,01) so với được cai sữa lúc 35 ngày tuổi tương ứng là 9,55; 9,54 và 9,80 kg/con, trong đó cai sữa 21 ngày tuổi đạt khối lượng lợn con 42 ngày cao nhất ở tổ hợp lai F1(PixMC) là 10,37 kg/con. Không có sự khác biệt về khối lượng lợn con 42 ngày tuổi giữa các nhóm lợn con có cùng tuổi cai sữa của hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) (P>0,05). Tổ hợp lai F1(PixMC) được cai sữa 35 ngày tuổi đạt khối lượng lợn con 42 ngày tuổi (9,80 kg/con) thấp hơn so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) được cai sữa 21 ngày tuổi tương ứng (9,88; 9,86 kg/con), nhưng sự sai khác đó là không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Kết quả này cho thấy độ tuổi cai sữa ảnh hưởng rõ rệt hơn đến khối lượng lợn con 42 ngày tuổi của tổ hợp lai F1(PixMC) so với hai tổ hợp lai còn lại F1(YxMC) và F1(LRxMC).



Như vậy, cai sữa sớm (21 ngày tuổi) thì khối lượng lợn con lúc 42 ngày tuổi đều đạt cao hơn so với cai sữa 35 ngày tuổi ở cả ba tổ hợp lai và lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) được cai sữa lúc 21 ngày tuổi đạt khối lượng cao nhất (10,37 kg/con).

3.4.1.2. Ảnh hưởng tương tác của tuổi cai sữa và khẩu phần đến khối lượng lợn con 42 ngày tuổi


Kết quả tương tác của tuổi cai sữa và khẩu phần (CS*KP) ảnh hưởng đến khối lượng lợn con 42 ngày tuổi được trình bày trong Bảng 3.14.

Bảng 3.14: Ảnh hưởng tương tác của tuổi cai sữa và khẩu phần đến khối lượng lợn con 42 ngày tuổi


Yếu tố thí nghiệm

n

(ổ)


Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi (kg/con)

Tuổi cai sữa

Khẩu phần

CS21

KP1

54

9,81b

CS21

KP2

54

10,27a

CS35

KP1

54

9,57d

CS35

KP2

54

9,69c

SEM

0,03

P

<0,01

Ghi chú: KP1 = Khẩu phần dinh dưỡng thấp; KP2 = Khẩu phần dinh dưỡng cao; Các giá trị trung bình trong cùng một cột có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Kết quả Bảng 3.14 cho thấy, khối lượng lợn con 42 ngày tuổi của các nhóm lợn con có tuổi cai sữa khác nhau và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau biến động từ 9,57-10,27 kg/con. Có sự khác biệt rõ rệt về khối lượng lợn con 42 ngày tuổi giữa các nhóm lợn con có tuổi cai sữa khác nhau và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau (P<0,01).

Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi của hai nhóm lợn con có tuổi cai sữa 21 và 35 ngày được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đạt tương ứng 10,27 và 9,69 kg/con đều cao hơn rõ rệt so với nhóm lợn được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp, tương ứng là 9,81 và 9,57 kg/con. Trong đó khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đạt khối lượng lợn con 42 ngày tuổi cao nhất là ở nhóm lợn được cai sữa 21 ngày tuổi là 10,27 kg/con. Nhóm lợn con cai sữa 21 ngày tuổi được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp đạt khối lượng lợn con 42 ngày tuổi (9,81 kg/con) cao hơn so với nhóm lợn con cai sữa lúc 35 ngày tuổi ngay cả khi được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (9,69 kg/con). Kết quả này cho thấy, khi lợn con được cai sữa sớm (21 ngày tuổi) thì hiệu quả chuyển hóa hấp thu thức ăn tốt hơn so với cai sữa muộn (35 ngày tuổi) nên lợn con đạt khối lượng cao hơn khi 42 ngày tuổi.

Như vậy, khẩu phần có ảnh hưởng tới khối lượng lợn con 42 ngày tuổi và đạt khối lượng cao hơn khi lợn con được cai sữa lúc 21 ngày tuổi; nhóm lợn con cai sữa 21 ngày tuổi và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (mức 3265 kcal ME/kg, protein 21%, lysine 1,35%) đạt khối lượng 42 ngày tuổi cao nhất (10,27 kg/con).


3.4.1.3. Ảnh hưởng tương tác của tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến khối lượng lợn con 42 ngày tuổi


Kết quả tương tác của tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần (TH*CS*KP) ảnh hưởng đến khối lượng lợn con 42 ngày tuổi được trình bày trong Bảng 3.15.

Bảng 3.15: Ảnh hưởng tương tác của tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến khối lượng lợn con 42 ngày tuổi


Yếu tố thí nghiệm

n

(ổ)


Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi (kg/con)

Tổ hợp lai

Tuổi cai sữa

Khẩu phần

YxMC

CS21

KP1

18

9,63de

YxMC

CS21

KP2

18

10,15b

YxMC

CS35

KP1

18

9,53e

YxMC

CS35

KP2

18

9,59de

LRxMC

CS21

KP1

18

9,60de

LRxMC

CS21

KP2

18

10,13b

LRxMC

CS35

KP1

18

9,51e

LRxMC

CS35

KP2

18

9,58de

PixMC

CS21

KP1

18

10,21b

PixMC

CS21

KP2

18

10,54a

PixMC

CS35

KP1

18

9,70d

PixMC

CS35

KP2

18

9,91c

SEM

0,03

P

0,05

Ghi chú: Các giá trị trung bình trong cùng một cột có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) bị ảnh hưởng bởi độ tuổi cai sữa (21 và 35 ngày tuổi) và khẩu phần (mức dinh dưỡng cao và thấp) biến động từ 9,51-10,54 kg/con. Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) ở các nhóm lợn con cai sữa lúc 21 ngày tuổi và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đạt tương ứng 10,15; 10,13 và 10,54 kg/con đều cao hơn rõ rệt so với hầu hết các nhóm lợn con còn lại (P<0,05). Trong đó khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đạt khối lượng lợn con 42 ngày tuổi cao nhất ở nhóm lợn con cai sữa 21 ngày tuổi của tổ hợp lai F1(PixMC) là 10,54 kg/con và sự khác biệt này là có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,05).

Sự sai khác về khối lượng lợn con 42 ngày tuổi của các nhóm lợn con có cùng tuổi cai sữa và được ăn cùng khẩu phần giữa hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) là không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Nhóm lợn con cai sữa 21 ngày mặc dù được ăn bằng khẩu phần có mật độ dinh dưỡng thấp của tổ hợp lai F1(PixMC) nhưng đạt khối lượng lợn con 42 ngày tuổi (10,21 kg/con) lại cao hơn so với nhóm lợn con cai sữa 21 ngày nhưng được ăn bằng khẩu phần có mật độ dinh dưỡng cao của hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) tương ứng là 10,15 và 10,13 kg/con, tuy nhiên sự khác biệt này là không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Kết quả này cho thấy, khả năng đáp ứng với các loại thức ăn khác nhau cũng như khi được cai sữa sớm (21 ngày tuổi) thì hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con ở tổ hợp lai F1(PixMC) tốt hơn so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC).

Như vậy, khẩu phần có mức dinh dưỡng cao ảnh hưởng tới mức đạt khối lượng lợn con 42 ngày tuổi, cao hơn khi cai sữa lợn con lúc 21 ngày tuổi ở cả ba tổ hợp lai. Trong đó cao nhất là nhóm lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) cai sữa 21 ngày và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (mức 3265 kcal ME/kg, protein 21%, lysine 1,35%) đạt 10,27 kg/con.

Từ kết quả phân tích tác động đồng thời của ba yếu tố gồm tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần với các kiểu tương tác TH*CS, CS*KP và TH*CS*KP ảnh hưởng đến khối lượng lợn con 42 ngày tuổi cho thấy: Trong ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) thì tổ hợp lai F1(PixMC) cai sữa lúc 21 ngày tuổi và cho ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (mức 3265 kcal ME/kg, protein 21%, lysine 1,35%) vì đạt khối lượng lợn sữa xuất chuồng ở 42 ngày tuổi là cao nhất.


3.4.2. Tác động đồng thời của tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi


Tác động đồng thời của ba yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa, khẩu phần với các tương tác đơn TH*CS và CS*KP ảnh hưởng rõ rệt đến chỉ tiêu tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (P<0,01), tương tác phức TH*CS*KP ảnh hưởng đến tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi ở mức P<0,05.

3.4.2.1. Ảnh hưởng tương tác của tổ hợp lai và tuổi cai sữa đến tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi


Kết quả tương tác của tổ hợp lai và tuổi cai sữa (TH*CS) ảnh hưởng đến tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi được trình bày trong Bảng 3.16.

Bảng 3.16: Ảnh hưởng tương tác của tổ hợp lai và tuổi cai sữa đến tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi


Yếu tố thí nghiệm

n

(ổ)


Tăng khối lượng của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

Tổ hợp lai

Tuổi cai sữa

YxMC

CS21

36

217,49b

YxMC

CS35

36

209,24d

LRxMC

CS21

36

217,18b

LRxMC

CS35

36

209,20d

PixMC

CS21

36

227,21a

PixMC

CS35

36

213,28c

SEM

0,61

P

0,01

Ghi chú: Các giá trị trung bình trong cùng một cột có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) ảnh hưởng bởi độ tuổi cai sữa (21 và 35 ngày tuổi) biến động từ 209,20-227,21 g/ngày. Cũng như chỉ tiêu khối lượng lợn sữa 42 ngày tuổi, tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) cai sữa lúc 21 ngày tuổi đạt tương ứng 217,49; 217,18 và 227,21 g/ngày đều cao hơn rõ rệt (P<0,01) so với cai sữa lúc 35 ngày tuổi và tương ứng là 209,24; 209,20 và 213,28 g/ngày. Sự sai khác về giá trị trung bình tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi giữa tổ hợp lai F1(PixMC) với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) đều có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01), trong đó cai sữa 21 ngày tuổi ảnh hưởng tới mức tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi, cao nhất là ở tổ hợp lai F1(PixMC) đạt 227,21 g/ngày. Tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi giữa các nhóm lợn con có cùng độ tuổi cai sữa của hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) đạt xấp xỉ tương đương. Kết quả này cho thấy độ tuổi cai sữa ảnh hưởng rõ rệt hơn đến khả năng tăng khối lượng của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi ở tổ hợp lai F1(PixMC) so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC).



Như vậy, cai sữa sớm lợn con (lúc 21 ngày tuổi) ảnh hưởng tới mức tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi và đạt cao hơn so với cai sữa 35 ngày tuổi ở cả ba tổ hợp lai. Trong đó cao nhất là lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) đạt 227,21 g/ngày.

3.4.2.2. Ảnh hưởng tương tác của tuổi cai sữa và khẩu phần đến tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi


Kết quả tương tác của tuổi cai sữa và khẩu phần (CS*KP) ảnh hưởng đến tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi được trình bày trong Bảng 3.17.

Bảng 3.17: Ảnh hưởng tương tác của tuổi cai sữa và khẩu phần đến tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi


Yếu tố thí nghiệm

n

(ổ)


TKL của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

Tuổi cai sữa

Khẩu phần

CS21

KP1

54

215,01b

CS21

KP2

54

226,25a

CS35

KP1

54

209,45d

CS35

KP2

54

211,70c

SEM

0,61

P

<0,01

Ghi chú: TKL = Tăng khối lượng; Các giá trị trung bình trong cùng một cột có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của các nhóm lợn con có tuổi cai sữa khác nhau và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau biến động từ 209,45-226,25 g/ngày. Sự khác biệt về tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi giữa các nhóm lợn có tuổi cai sữa khác nhau và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau là có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01).

Tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của hai nhóm lợn con có tuổi cai sữa 21 và 35 ngày được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đạt tương ứng 226,25 và 211,70 g/ngày, cao hơn rõ rệt so với hai nhóm lợn con cai sữa 21 và 35 ngày nhưng được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp và đạt tương ứng là 215,01 và 209,45 g/ngày. Khẩu phần có mức dinh dưỡng cao ảnh hưởng tới mức tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi và đạt cao nhất ở nhóm lợn được cai sữa 21 ngày tuổi là 226,25 g/ngày. Nhóm lợn con cai sữa lúc 21 ngày tuổi được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp đạt mức tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (215,01 g/ngày) cao hơn so với nhóm lợn con cai sữa lúc 35 ngày tuổi ngay cả khi được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (211,70 g/ngày). Kết quả này cho thấy, khi lợn con được cai sữa sớm (21 ngày tuổi) thì hiệu quả chuyển hóa hấp thu thức ăn tốt hơn so với cai sữa muộn (35 ngày tuổi).

Như vậy, khẩu phần có mức dinh dưỡng cao ảnh hưởng tốt tới mức tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi, đạt cao nhất khi lợn con được cai sữa lúc 21 ngày tuổi và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (mức 3265 kcal ME/kg, protein 21%, lysine 1,35%) đạt 226,25 g/ngày.

3.4.2.3. Ảnh hưởng tương tác của tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi


Kết quả tương tác của tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần (TH*CS*KP) ảnh hưởng đến mức tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi được trình bày trong Bảng 3.18.

Bảng 3.18: Ảnh hưởng tương tác của tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi


Yếu tố thí nghiệm

n

(ổ)


TKL của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

Tổ hợp lai

Tuổi cai sữa

Khẩu phần

YxMC

CS21

KP1

18

210,86d

YxMC

CS21

KP2

18

224,12b

YxMC

CS35

KP1

18

208,41d

YxMC

CS35

KP2

18

210,08d

LRxMC

CS21

KP1

18

211,22d

LRxMC

CS21

KP2

18

223,16b

LRxMC

CS35

KP1

18

208,86d

LRxMC

CS35

KP2

18

209,56d

PixMC

CS21

KP1

18

222,96b

PixMC

CS21

KP2

18

231,47a

PixMC

CS35

KP1

18

211,09d

PixMC

CS35

KP2

18

215,48c

SEM

0,61

P

0,05

Ghi chú: Các giá trị trung bình trong cùng một cột có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) ảnh hưởng bởi độ tuổi cai sữa (21 và 35 ngày tuổi) và khẩu phần (mức dinh dưỡng cao và thấp) biến động từ 208,41-231,47 g/ngày. Tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) ở các nhóm lợn con cai sữa lúc 21 ngày tuổi và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đạt tương ứng là 224,12; 223,16 và 231,47 g/ngày đều cao hơn rõ rệt so với hầu hết các nhóm lợn con còn lại (P<0,05). Nuôi bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đạt mức tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi cao nhất là ở nhóm lợn con cai sữa lúc 21 ngày tuổi của tổ hợp lai F1(PixMC) là 231,47 g/ngày và sự khác biệt này là có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,05).



Tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của các nhóm lợn con có cùng tuổi cai sữa và được ăn cùng khẩu phần giữa hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) với sai khác không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Nhóm lợn con cai sữa 21 ngày được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp của tổ hợp lai F1(PixMC) đạt tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (222,96 g/ngày) thấp hơn so với nhóm lợn con cai sữa 21 ngày nhưng được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao của hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) tương ứng là 224,12 và 223,16 g/ngày, tuy nhiên sự sai khác này là không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Kết quả này cho thấy, khả năng đáp ứng với các loại thức ăn khác nhau cũng như khi được cai sữa sớm (21 ngày tuổi) thì hiệu quả chuyển hóa hấp thu thức ăn của lợn con ở tổ hợp lai F1(PixMC) tốt hơn so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC).

Như vậy, khẩu phần có mức dinh dưỡng cao ảnh hưởng tốt tới mức tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi, đạt cao hơn khi cai sữa lợn con lúc 21 ngày tuổi so với cai sữa 35 ngày tuổi ở cả ba tổ hợp lai, kể cả lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) cai sữa 21 ngày và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp. Mức tăng khối lượng đạt cao nhất là nhóm lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) cai sữa 21 ngày và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (mức 3265 kcal ME/kg, protein 21%, lysine 1,35%) đạt 231,47 g/ngày.

Từ kết quả phân tích tác động đồng thời của ba yếu tố gồm tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần với các kiểu tương tác TH*CS, CS*KP và TH*CS*KP ảnh hưởng đến tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi cho thấy: Trong ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) thì tổ hợp lai F1(PixMC) cai sữa lúc 21 ngày tuổi và cho ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (mức 3265 kcal ME/kg, protein 21%, lysine 1,35%) đạt tăng khối lượng lợn con từ sơ sinh đến xuất chuồng ở 42 ngày tuổi là cao nhất.


3.4.3. Tác động đồng thời của tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con


Tác động đồng thời của ba yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa, khẩu phần với các tương tác đơn TH*CS và CS*KP ảnh hưởng rõ rệt đến lượng thức ăn thu nhận/ngày của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (P<0,01), nhưng không bị ảnh hưởng bởi các tương tác đơn TH*KP và tương tác phức TH*CS*KP (P>0,05).

3.4.3.1. Ảnh hưởng tương tác của tổ hợp lai và tuổi cai sữa đến lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của lợn con


Kết quả tương tác của tổ hợp lai và tuổi cai sữa (TH*CS) ảnh hưởng đến lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của lợn con được trình bày trong Bảng 3.19.

Bảng 3.19: Ảnh hưởng tương tác của tổ hợp lai và tuổi cai sữa đến lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của lợn con


Yếu tố thí nghiệm

n

(ổ)


Lượng TATN/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của lợn con (g/ngày)

Tổ hợp lai

Tuổi cai sữa

YxMC

CS21

36

199,58b

YxMC

CS35

36

159,66d

LRxMC

CS21

36

199,50b

LRxMC

CS35

36

159,66d

PixMC

CS21

36

200,61a

PixMC

CS35

36

161,02c

SEM

1,36

P

<0,01

Ghi chú: TATN = Thức ăn thu nhận; Các giá trị trung bình trong cùng một cột có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) ảnh hưởng bởi độ tuổi cai sữa (21 và 35 ngày tuổi) biến động từ 159,66-200,61 g/ngày. Lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) cai sữa lúc 21 ngày tuổi tương ứng đạt 199,58; 199,50 và 200,61 g/ngày đều cao hơn rõ rệt (P<0,01) so với cai sữa lúc 35 ngày tuổi tương ứng là 159,66; 159,66 và 161,02 g/ngày. Sự sai khác về giá trị trung bình lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi giữa tổ hợp lai F1(PixMC) với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) đều có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01), trong đó cai sữa 21 ngày tuổi đạt lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi cao nhất ở tổ hợp lai F1(PixMC) là 200,61 g/ngày. Không có sự sai khác rõ rệt về lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi giữa các nhóm lợn con có cùng độ tuổi cai sữa của hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) (P>0,05). Kết quả này cho thấy độ tuổi cai sữa có ảnh hưởng rõ rệt hơn đến khả năng thu nhận thức ăn/ngày của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi ở tổ hợp lai F1(PixMC) so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC).

Như vậy, cai sữa sớm lợn con (lúc 21 ngày tuổi) ảnh hưởng tới lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi, đạt cao hơn so với cai sữa ở 35 ngày tuổi ở cả ba tổ hợp lai. Trong đó cao nhất là lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) đạt 200,61 g/ngày.

3.4.3.2. Ảnh hưởng tương tác của tuổi cai sữa và khẩu phần đến lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của lợn con


Kết quả tương tác của tuổi cai sữa và khẩu phần (CS*KP) ảnh hưởng đến lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của lợn con được trình bày trong Bảng 3.20.

Bảng 3.20: Ảnh hưởng tương tác của tuổi cai sữa và khẩu phần đến lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của lợn con


Yếu tố thí nghiệm

n

(ổ)


Lượng TATN/ngày của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (g/ngày)

Tuổi cai sữa

Khẩu phần

CS21

KP1

54

200,39a

CS21

KP2

54

199,40b

CS35

KP1

54

160,34c

CS35

KP2

54

159,89d

SEM

1,36

P

<0,01

Ghi chú: Các giá trị trung bình trong cùng một cột có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của các nhóm lợn con có tuổi cai sữa khác nhau (21 và 35 ngày) và được ăn bằng khẩu phần thức ăn có mức dinh dưỡng khác nhau (mức cao và thấp) biến động từ 159,89-200,39 g/ngày. Sự sai khác về lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi giữa các nhóm lợn có tuổi cai sữa khác nhau và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau là có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01). Lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của hai nhóm lợn con có tuổi cai sữa 21 và 35 ngày được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp tương ứng đạt 200,39 và 160,34 g/ngày đều cao hơn rõ rệt so với các nhóm cai sữa 21 và 35 ngày nhưng được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao tương ứng là 199,40 và 159,89 g/ngày. Trong đó khẩu phần thức ăn có mức dinh dưỡng thấp ảnh hưởng tới lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi cao nhất ở nhóm lợn được cai sữa 21 ngày tuổi là 200,39 g/ngày. Nhóm lợn con cai sữa lúc 21 ngày tuổi được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đạt lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi (199,40 g/ngày) cao hơn so với nhóm lợn con cai sữa lúc 35 ngày tuổi ngay cả khi được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp (160,34 g/ngày). Kết quả này cho thấy, dù được ăn bằng khẩu phần nào thì lợn con được cai sữa sớm (21 ngày tuổi) đều đạt lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi cao hơn so với cai sữa muộn (35 ngày tuổi). Đồng thời khi được ăn bằng khẩu phần thức ăn có mức dinh dưỡng thấp, lợn con ăn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển.



Như vậy, khẩu phần có ảnh hưởng tới lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi, đạt cao hơn khi lợn con được cai sữa lúc 21 ngày tuổi so với cai sữa 35 ngày tuổi. Cao nhất là nhóm lợn con cai sữa 21 ngày tuổi và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp (mức 3050 kcal ME/kg, protein 19%, lysine 1,21%) đạt 226,25 g/ngày.

Ảnh hưởng đồng thời của ba yếu tố gồm tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần với kiểu tương tác TH*CS*KP đến lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của lợn con (Bảng 3.21) không có ý nghĩa thống kê (P>0,05).


Bảng 3.21: Tác động đồng thời của tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của lợn con


Yếu tố thí nghiệm

n

(ổ)


Lượng TATN/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của lợn con (g/ngày)

Tổ hợp lai

Ngày cai sữa

Khẩu phần

YxMC

CS21

KP1

18

200,16

YxMC

CS21

KP2

18

199,00

YxMC

CS35

KP1

18

159,89

YxMC

CS35

KP2

18

159,44

LRxMC

CS21

KP1

18

199,95

LRxMC

CS21

KP2

18

199,04

LRxMC

CS35

KP1

18

159,90

LRxMC

CS35

KP2

18

159,43

PixMC

CS21

KP1

18

201,06

PixMC

CS21

KP2

18

200,16

PixMC

CS35

KP1

18

161,24

PixMC

CS35

KP2

18

160,80

SE

1,36

P

0,10

Ghi chú: TATN = Thức ăn thu nhận.

Kết quả Bảng 3.21 cho thấy, lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) ảnh hưởng bởi độ tuổi cai sữa (21 và 35 ngày tuổi) và khẩu phần (mức dinh dưỡng cao và thấp) biến động từ 159,43-201,06 g/ngày. Không có sự khác biệt về lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của các nhóm lợn con có độ tuổi cai sữa khác nhau (21 và 35 ngày) và được ăn bằng khẩu phần khác nhau (khẩu phần có mức dinh dưỡng cao và thấp) giữa các tổ hợp lai (P>0,05). Tuy nhiên, khẩu phần khác nhau ảnh hưởng tới lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi có xu hướng cao hơn ở các nhóm lợn con cai sữa lúc 21 ngày tuổi so với nhóm lợn con cai sữa lúc 35 ngày tuổi ở cả ba tổ hợp lai. Kết quả này cho thấy, yếu tố độ tuổi cai sữa lợn con có ảnh hưởng nhiều hơn đến lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của lợn con so với hai yếu tố tổ hợp lai và khẩu phần thức ăn. Lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi ở lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) đều có xu hướng cao hơn so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) khi cùng có độ tuổi cai sữa và cùng được ăn khẩu phần giống nhau. Trong đó đạt cao nhất là ở nhóm lợn con F1(PixMC) cai sữa 21 ngày và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp. Điều này chứng tỏ rằng, lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) có khả năng đáp ứng với điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng cũng như hiệu quả sử dụng thức ăn tốt hơn so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC).

Như vậy, khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau ảnh hưởng tới lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi, đạt cao hơn khi cai sữa lợn con lúc 21 ngày tuổi so với cai sữa 35 ngày tuổi ở cả ba tổ hợp lai. Xu hướng đạt cao nhất là nhóm lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) cai sữa 21 ngày và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp (mức 3050 kcal ME/kg, protein 19%, lysine 1,21%) với ảnh hưởng bởi hai kiểu tương tác TH*CS và CS*KP đạt lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi của lợn con cao nhất tương ứng là 200,61 và 200,39 g/ngày.

Từ kết quả phân tích lượng thức ăn thu nhận/ngày từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi ở lợn con của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) do ảnh hưởng của tuổi cai sữa và khẩu phần khác nhau với các kiểu tương tác TH*CS, CS*KP và TH*CS*KP cho thấy: Để chăn nuôi lợn sữa xuất chuồng ở 42 ngày tuổi đạt chi phí thức ăn thấp nên sử dụng tổ hợp lai F1(PixMC) cai sữa sớm (21 ngày tuổi) và cho ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (mức 3265 kcal ME/kg, protein 21%, lysine 1,35%) vì khi ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao, lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) được cai sữa lúc 21 ngày tuổi có xu hướng tiêu thụ thức ăn ít hơn, trong khi đó khả năng sinh trưởng cũng như đạt khối lượng lợn sữa xuất chuồng 42 ngày tuổi là cao nhất.


3.4.4. Tác động đồng thời của tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi


Trong tất cả các chỉ tiêu về năng suất của lợn con từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi, chỉ tiêu tổng hợp và đánh giá hiệu quả chăn nuôi lợn con đến 42 ngày tuổi nói chung và hiệu quả chăn nuôi lợn sữa (xuất chuồng 42 ngày tuổi) nói riêng là chỉ tiêu tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi. Đối với chỉ tiêu tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi bị ảnh hưởng rõ rệt bởi tương tác đơn CS*KP (P<0,01) và TH*KP (P<0,05), nhưng không bị ảnh hưởng bởi tương tác đơn TH*CS và tương tác phức TH*CS*KP (P>0,05).

3.4.4.1. Ảnh hưởng tương tác của tổ hợp lai và khẩu phần đến tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi


Kết quả tương tác của tổ hợp lai và khẩu phần (TH*KP) ảnh hưởng đến tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi được trình bày trong Bảng 3.22.

Bảng 3.22: Ảnh hưởng tương tác của tổ hợp lai và khẩu phần đến tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi


Yếu tố thí nghiệm

n

(ổ)


TTTA/1 kg lợn con 42 ngày tuổi (kg/kg)

Tổ hợp lai

Khẩu phần

YxMC

KP1

36

3,62a

YxMC

KP2

36

3,41b

LRxMC

KP1

36

3,61a

LRxMC

KP2

36

3,44b

PixMC

KP1

36

3,27c

PixMC

KP2

36

3,20d

SEM

0,02

P

0,04

Ghi chú: TTTA = Tiêu tốn thức ăn; Các giá trị trung bình trong cùng một cột có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) ảnh hưởng bởi khẩu phần (có mức độ dinh dưỡng cao và thấp) biến động từ 3,20-3,61 kg/kg. Tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đạt tương ứng là 3,41; 3,44 và 3,20 kg/kg, đều thấp hơn rõ rệt (P<0,01) so với được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp tương ứng là 3,62; 3,61 và 3,27 kg/kg. Sự sai khác về giá trị trung bình mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi giữa tổ hợp lai F1(PixMC) với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) đều có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01), trong đó khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đạt mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi thấp nhất ở tổ hợp lai F1(PixMC) là 3,20 kg/kg. Không có sự khác biệt rõ rệt về mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi giữa các nhóm lợn con được ăn cùng khẩu phần giữa hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) (P>0,05). Kết quả này cho thấy khẩu phần có ảnh hưởng rõ rệt hơn đến mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi ở lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC).



Như vậy, nuôi bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao đạt mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi thấp hơn khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp ở cả ba tổ hợp lai. Trong đó thấp nhất là lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (mức 3265 kcal ME/kg, protein 21%, lysine 1,35%) đạt mức 3,20 kg/kg.

3.4.4.2. Ảnh hưởng tương tác của tuổi cai sữa và khẩu phần đến tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi


Kết quả tương tác của tuổi cai sữa và khẩu phần (CS*KP) ảnh hưởng đến tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi được trình bày trong Bảng 3.23.

Bảng 3.23: Ảnh hưởng tương tác của tuổi cai sữa và khẩu phần đến tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi


Yếu tố thí nghiệm

n

(ổ)


TTTA/1 kg lợn con 42 ngày tuổi (kg/kg)

Tuổi cai sữa

Khẩu phần

CS21

KP1

54

3,28c

CS21

KP2

54

3,03d

CS35

KP1

54

3,72a

CS35

KP2

54

3,66b

SEM

0,02

P

<0,01

Ghi chú: TTTA = Tiêu tốn thức ăn; Các giá trị trung bình trong cùng một cột có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi của các nhóm lợn con có tuổi cai sữa khác nhau (21 và 35 ngày) và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau (mức cao và thấp) biến động từ 3,03-3,72 kg/kg. Sự khác biệt về mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi giữa các nhóm lợn có tuổi cai sữa khác nhau và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau là có ý nghĩa thống kê rõ rệt (P<0,01). Tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi của hai nhóm lợn con có tuổi cai sữa 21 và 35 ngày được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao tương ứng đạt 3,03 và 3,66 kg/kg đều thấp hơn rõ rệt so với được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp tương ứng là 3,28 và 3,72 kg/kg, trong đó khẩu phần có mức dinh dưỡng cao ảnh hưởng đạt mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi thấp nhất ở nhóm lợn được cai sữa 21 ngày tuổi là 3,03 kg/kg. Nhóm lợn con cai sữa lúc 21 ngày tuổi được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp đạt mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi (3,28 kg/kg) thấp hơn so với nhóm lợn con cai sữa lúc 35 ngày tuổi ngay cả khi được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (3,66 kg/kg). Kết quả này cho thấy, cai sữa sớm lợn con (21 ngày tuổi) có ảnh hưởng tới việc nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn con, do đó dù được ăn bằng khẩu phần nào (khẩu phần có mức dinh dưỡng cao hoặc thấp) thì lợn con được cai sữa lúc 21 ngày tuổi đều đạt mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi thấp hơn so với cai sữa lúc 35 ngày tuổi.

Như vậy, khẩu phần có mức dinh dưỡng cao ảnh hưởng tốt tới mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi, đạt thấp nhất khi lợn con được cai sữa lúc 21 ngày tuổi và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (mức 3265 kcal ME/kg, protein 21%, lysine 1,35%) đạt mức 3,03 kg/kg.

Ảnh hưởng đồng thời của ba yếu tố gồm tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần với kiểu tương tác TH*CS*KP đến tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi không có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Kết quả khảo sát tác động đồng thời của ba yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi được trình bày trong Bảng 3.24.


Bảng 3.24: Tác động đồng thời của ba yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi


Yếu tố thí nghiệm

n

(ổ)


TTTA/1 kg lợn con 42 ngày tuổi (kg/kg)

Tổ hợp lai

Tuổi cai sữa

Khẩu phần

Y x MC

CS21

KP1

18

3,39

Y x MC

CS21

KP2

18

3,10

Y x MC

CS35

KP1

18

3,84

Y x MC

CS35

KP2

18

3,73

LR x MC

CS21

KP1

18

3,43

LR x MC

CS21

KP2

18

3,12

LR x MC

CS35

KP1

18

3,79

LR x MC

CS35

KP2

18

3,75

Pi x MC

CS21

KP1

18

3,01

Pi x MC

CS21

KP2

18

2,89

Pi x MC

CS35

KP1

18

3,53

Pi x MC

CS35

KP2

18

3,52

SE

0,02

P

0,29

Ghi chú: TTTA = Tiêu tốn thức ăn; Các giá trị trung bình trong cùng một cột có chữ cái ở vị trí số mũ khác nhau thì sự sai khác có ý nghĩa thống kê.

Kết quả Bảng 3.24 cho thấy, tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) ảnh hưởng bởi độ tuổi cai sữa (21 và 35 ngày tuổi) và khẩu phần (mức dinh dưỡng cao và thấp) biến động từ 2,89-3,84 kg/kg. Không có sự khác biệt về mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi của các nhóm lợn con có độ tuổi cai sữa khác nhau (21 và 35 ngày) và được ăn bằng khẩu phần khác nhau (khẩu phần có mức dinh dưỡng cao và thấp) giữa các tổ hợp lai (P>0,05). Tuy nhiên, khẩu phần khác nhau đạt mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi có xu hướng thấp hơn ở các nhóm lợn con cai sữa lúc 21 ngày tuổi so với nhóm lợn con cai sữa lúc 35 ngày tuổi ở cả ba tổ hợp lai. Kết quả này cho thấy, yếu tố độ tuổi cai sữa lợn con có ảnh hưởng nhiều hơn đến tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi so với hai yếu tố tổ hợp lai và khẩu phần. Mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi của tổ hợp lai F1(PixMC) đều có xu hướng thấp hơn so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) khi có cùng độ tuổi cai sữa và cùng được ăn khẩu phần giống nhau. Trong đó đạt thấp nhất là ở nhóm lợn con F1(PixMC) cai sữa 21 ngày và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao. Điều này chứng tỏ rằng, lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) đáp ứng tốt với điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng cũng như khả năng chuyển hóa thức ăn tốt hơn so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC).

Như vậy, khẩu phần có mức dinh dưỡng khác nhau ảnh hưởng tới mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi, đạt thấp khi cai sữa lợn con lúc 21 ngày tuổi ở cả ba tổ hợp lai. Xu hướng đạt thấp nhất là nhóm lợn con của tổ hợp lai F1(PixMC) cai sữa 21 ngày và được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (mức 3265 kcal ME/kg, protein 21%, lysine 1,35%), đạt mức tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi thấp nhất là 2,89 kg/kg.

Từ kết quả phân tích tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn con 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) ảnh hưởng bởi tuổi cai sữa và khẩu phần khác nhau với các kiểu tương tác TH*CS, CS*KP và TH*CS*KP cho thấy: Đạt chi phí thức ăn/1 kg lợn sữa xuất chuồng 42 ngày tuổi thấp nhất là tổ hợp lai F1(PixMC) cai sữa sớm (21 ngày tuổi) và cho ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (mức 3265 kcal ME/kg, protein 21%, lysine 1,35%).

3.5. Ảnh hưởng của ba yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa, khẩu phần và tương tác giữa chúng đến tỷ lệ móc hàm của lợn con 42 ngày tuổi


Khi nói đến chất lượng thân thịt của lợn cần hiểu khái niệm này bao gồm hai phần: (1) Thành phần thân thịt được xác định theo các chỉ tiêu gồm: Khối lượng giết mổ, khối lượng móc hàm, tỷ lệ móc hàm, khối lượng thịt xẻ, tỷ lệ thịt xẻ, dài thân thịt, diện tích cơ thăn, độ dày mỡ lưng, độ dày cơ thăn, tỷ lệ mỡ, tỷ lệ nạc, tỷ lệ xương, tỷ lệ da và (2) Chất lượng thịt được đánh giá thông qua các chỉ tiêu: Giá trị pH, màu sắc (L* – Lightnees, a* – Rednees và b* – Yellownees), độ dai, tỷ lệ mất nước bảo quản và tỷ lệ mất nước chế biến.

Khác với lợn thịt, lợn sữa được sản xuất từ lợn con thương phẩm: Lợn nội  hoặc lợn ngoại lai nội, có độ tuổi từ 30 đến 60 ngày, khối lượng lợn hơi phải đạt từ 3,0 đến 9,0 kg tương đương khối lượng móc hàm đạt từ 2,2-6,0 kg/con (Tiêu chuẩn ngành số 10TCN 508-2002 Lợn sữa lạnh đông xuất khẩu). Với khả năng sinh sản tốt hơn so với các giống lợn nội khác, lợn nái Móng Cái đang được sử dụng phổ biến để tham gia tạo các tổ hợp lợn sữa lai. Hầu hết các thị trường nhập khẩu sản phẩm lợn sữa của Việt Nam đều ưa chuộng sản phẩm lợn sữa được tạo ra từ 1/2 máu lợn ngoại và 1/2 máu lợn Móng Cái, vì lợn sữa F1(ngoại x Móng Cái) khi quay da không bị nứt rạn, thịt mềm nhưng da lại giòn và đặc biệt vị thịt rất thơm ngon (Nguyễn Văn Đức, 2007).



Xuất phát từ thực tế này, chúng tôi xác định tỷ lệ móc hàm của lợn sữa là chỉ tiêu kinh tế quan trọng quyết định năng suất thân thịt của lợn sữa hay nói cách khác quyết định tổng lượng thịt lợn sữa/nái/năm. Vì vậy, trong khuôn khổ nghiên cứu của luận án chúng tôi chỉ tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến tỷ lệ móc hàm của lợn sữa xuất chuồng ở 42 ngày tuổi.

3.5.1. Ảnh hưởng của từng yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi

3.5.1.1. Ảnh hưởng của tổ hợp lai đến tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi


Yếu tố di truyền ảnh hưởng đầu tiên đến thành phần thân thịt là giống. Giữa các giống khác nhau sẽ có thành phần thân thịt nói chung và tỷ lệ móc hàm nói riêng khác nhau. Tỷ lệ móc hàm của lợn con 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) được trình bày ở Bảng 3.25.

Bảng 3.25: Ảnh hưởng của tổ hợp lai đến tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi


Các chỉ tiêu

Tổ hợp lai

SEM

P

YxMC

LRxMC

PixMC

Số lợn con theo dõi

48

48

48







Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi (kg/con)

9,55

9,57

9,55

0,01

0,47

Khối lượng móc hàm lợn con 42 ngày tuổi (kg/con)

6,68b

6,69b

7,01a

0,02

<0,01

Tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi (%)

70,01b

70,00b

73,37a

0,16

<0,01

Ghi chú: Các giá trị trong cùng một hàng có mang các chứ cái khác nhau thì sai khác có ý nghĩa thống kê.

Kết quả Bảng 3.25 cho thấy, yếu tố tổ hợp lai ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ móc hàm của lợn con ở 42 ngày tuổi (P<0,01) và phù hợp với kết luận của Monin và cs. (1987) cho biết, giống là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thành phần thân thịt cũng như chất lượng thịt ở lợn. Tỷ lệ móc hàm trung bình ở lợn con 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) biến động từ 70,00-73,37%, đạt cao nhất ở tổ hợp lai F1(PixMC) (73,37%) và có sự khác biệt rõ rệt so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC). Không có sự sai khác về tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi giữa hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) đạt tương ứng 70,01 và 70,00%. Tuy giá trị trung bình chỉ tiêu tỷ lệ móc hàm của tổ hợp lai F1(PixMC) cao hơn không nhiều so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) nhưng rõ ràng tỷ lệ móc hàm ở lợn con 42 ngày tuổi của tổ hợp lai F1(PixMC) đã được cải thiện. Những tính trạng liên quan đến thành phần thân thịt ở lợn có hệ số di truyền ở mức trung bình tới cao (Cassady và cs., 2010), do đó các phương pháp lai tạo, đặc biệt là lai cấp tiến giữa lợn đực giống ngoại với lợn nái giống nội không chỉ nâng cao khả năng sinh trưởng, mà còn cải thiện thành phần thân thịt. Việc tạo ra con lai F1 giữa lợn đực từ một số giống ngoại với lợn Móng Cái để sản xuất lợn sữa cũng không ngoài mục tiêu vừa cải thiện các chỉ tiêu năng suất sinh trưởng mà còn nhằm vào chất lượng thân thịt theo hướng tăng tỷ lệ thịt móc hàm, tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ nạc và giảm tỷ lệ mỡ trong thân thịt.



Khi nghiên cứu trên cùng ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) nuôi thịt, Bùi Quang Hộ (2004) cho biết tỷ lệ móc hàm của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) nuôi tại Thái Bình có tỷ lệ móc hàm tương ứng là 77,06; 77,15 và 77,45%; Nguyễn Văn Thắng (2007) nghiên cứu trên hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(PixMC) nuôi thịt công bố tỷ lệ móc hàm của hai tổ hợp lai tương ứng là 77,23 và 78,41%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi khi so sánh tỷ lệ móc hàm của lợn con 42 ngày tuổi giữa ba tổ hợp lai là phù hợp với kết quả nghiên cứu của hai tác giả trên (lợn tổ hợp lai F1(PixMC) có tỷ lệ móc hàm cao hơn tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC)). Tuy nhiên, tỷ lệ móc hàm ở lợn con 42 ngày tuổi là thấp hơn so với lợn thịt. Nguyên nhân có thể là do tỷ lệ các bộ phận cấu thành cơ bản của thân thịt lợn thịt có sự khác biệt cơ bản so với lợn con 42 ngày tuổi.

3.5.1.2. Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi


Kết quả khảo sát tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi của hai nhóm lợn con có độ tuổi cai sữa khác nhau được trình bày ở Bảng 3.26.

Bảng 3.26: Ảnh hưởng của tuổi cai sữa đến tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi


Các chỉ tiêu

Tuổi cai sữa

SEM

P

21 ngày

35 ngày

Số lợn con theo dõi

72

72







Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi (kg/con)

9,55

9,56

0,01

0,60

Khối lượng móc hàm lợn con 42 ngày tuổi (kg/con)

6,81

6,78

0,02

0.21

Tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi (%)

71,29

70,98

0,16

0,10

Khác với yếu tố tổ hợp lai, yếu tố độ tuổi cai sữa lợn con không ảnh hưởng đến tỷ lệ móc hàm của lợn con 42 ngày tuổi (P>0,05). Bộ phận cấu thành cơ bản của thân thịt ở lợn con là hệ cơ xương. Bởi vậy, thành phần thân thịt của lợn con gắn liền với cấu trúc sinh học của hệ cơ xương (sự hình thành và phát triển của hệ cơ, sự tích lũy mỡ giữa các tế bào cơ), những thay đổi về thành phần phần thân thịt ở lợn con chủ yếu là tỷ lệ protein (Pr) và mỡ trong thân thịt (Varley và Wiseman, 2001). Hai nhóm lợn con được cai sữa ở 21 và 35 ngày tuổi đạt tỷ lệ móc hàm tương ứng là 71,29 và 70,98%, trung bình tỷ lệ móc hàm ở nhóm lợn con được cai sữa sớm (21 ngày tuổi) có xu hướng đạt cao hơn so với nhóm lợn con được cai sữa muộn (35 ngày tuổi), tuy nhiên sự khác biệt này là không có ý nghĩa thống kê.

3.5.1.3. Ảnh hưởng của khẩu phần đến tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi


Kết quả khảo sát tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi của hai nhóm lợn con được ăn bằng khẩu phần khác nhau được trình bày ở Bảng 3.27.

Bảng 3.27: Ảnh hưởng của khẩu phần đến tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi


Các chỉ tiêu

Khẩu phần

SEM

P

KP1

KP2

Số lợn con theo dõi

72

72







Khối lượng lợn con 42 ngày tuổi (kg/con)

9,55

9,56

0,01

0,92

Khối lượng móc hàm lợn con 42 ngày tuổi (kg/con)

6,88

6,79

0,02

0,41

Tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi (%)

71,23

71,04

0,16

0,32

Ghi chú: KP1 = Khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp; KP2 = Khẩu phần có mức dinh dưỡng cao.

Giống như độ tuổi cai sữa, khẩu phần cho lợn con từ tập ăn đến 42 ngày tuổi khác nhau không ảnh hưởng đến tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi (P>0,05). Hai nhóm lợn con được ăn bằng khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp và cao đạt tỷ lệ móc hàm tương ứng là 71,23 và 71,04%. Chế độ dinh dưỡng có ý nghĩa đặc biệt đến thành phần thân thịt, nếu cung cấp không đầy đủ các chất dinh dưỡng thì lợn tăng trọng chậm, tỷ lệ xương cao, nhất là khi thiếu năng lượng và protein. Trong khẩu phần có hàm lượng protein cao thì sẽ nâng cao tỷ lệ nạc trong thân thịt xẻ. Tuy nhiên, đối với lợn con giai đoạn từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi do sản lượng sữa lợn nái giảm dần theo thời gian trong chu kỳ tiết sữa và khủng hoảng do cai sữa nên lợn con không được đáp ứng đủ nhu cầu để phát huy hết tiềm năng di truyền về khả năng sinh trưởng. Vì vậy, ảnh hưởng của khẩu phần thức ăn đến thành phần thân thịt ở lợn con là chưa rõ rệt.



Từ kết quả phân tích ảnh hưởng độc lập của từng yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến tỷ lệ móc hàm của lợn con ở 42 ngày tuổi cho thấy chỉ có yếu tố giống (tổ hợp lai) ảnh hưởng đến tỷ lệ móc hàm của lợn con ở 42 ngày tuổi, còn hai yếu tố tuổi cai sữa và khẩu phần ảnh hưởng không có ý nghĩa thống kê đến tỷ lệ móc hàm của lợn con ở 42 ngày tuổi. Như vậy, đối với tính trạng có hệ số di truyền cao nói chung và tính trạng tỷ lệ móc hàm nói riêng việc chọn những bố mẹ có năng suất cao là biện pháp cải tiến năng suất ở thế hệ con một cách nhanh chóng và chắc chắn hơn so với các tính trạng có hệ số di truyền thấp, hay nói cách khác hiệu quả chọn lọc đối với các tính trạng này thông qua tác động vào điều kiện môi trường là ít có hiệu quả. Monin và cs. (1987) cho biết khẩu phần thức ăn và điều kiện nuôi dưỡng ít ảnh hưởng đến thành phần thân thịt lợn.

3.5.2. Tác động đồng thời của ba yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi


Tác động đồng thời của ba yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần với các kiểu tương tác đơn TH*CS, TH*KP, CS*KP và tương tác phức TH*CS*KP ảnh hưởng đến tỷ lệ móc hàm của lợn con ở 42 ngày tuổi được thể hiện ở Bảng 3.28. Tương tự như phân tích kết quả ở Bảng 3.27, chỉ có yếu tố tổ hợp lai ảnh hưởng đến tỷ lệ móc hàm của lợn con ở 42 ngày tuổi (P<0,01). Hai yếu tố tuổi cai sữa và khẩu phần thức ăn không ảnh hưởng đến tỷ lệ móc hàm của lợn con ở 42 ngày tuổi (P>0,05). Không có ảnh hưởng bởi các tương tác đơn TH*CS, TH*KP, CS*KP và tương tác phức TH*CS*KP đến tỷ lệ móc hàm của lợn con ở 42 ngày tuổi (P>0,05).

Bảng 3.28: Tác động đồng thời của ba yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần đến tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi


Chỉ tiêu

n (con)

R2

TH

CS

KP

Các ảnh hưởng tương tác

TH*CS

TH*KP

CS*KP

TH*CS*KP

Tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi (%)

144

0,6925

***

0,10

0,32

0,99

0,73

0,32

0,10

Ghi chú: R2 = Hệ số xác định của tính trạng; TH*CS = tương tác giữa tổ hợp lai và tuổi cai sữa; TH*KP = tương tác giữa tổ hợp lai và khẩu phần; CS*KP = tương tác giữa tuổi cai sữa và khẩu phần thức ăn; TH*CS*KP = tương tác giữa tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần; *** = P<0,001.

Nhìn chung, hệ số xác định (R2) của chỉ tiêu tỷ lệ móc hàm của lợn con ở 42 ngày tuổi ở mức trung bình (R2 = 0,6925), phù hợp với quy luật chung. Các yếu tố thí nghiệm này xác định đến 69,25% biến đổi trong tổng biến đổi của chỉ tiêu nghiên cứu.

Kết quả khảo sát tác động đồng thời của ba yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần thức ăn đến tỷ lệ móc hàm của lợn con ở 42 ngày tuổi được trình bày trong Bảng 3.29. Kết quả Bảng 3.29 cho thấy, tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) ảnh hưởng bởi độ tuổi cai sữa (21 và 35 ngày tuổi) và khẩu phần (mức dinh dưỡng cao và thấp) biến động từ 69,52-73,53%. Không có sự khác biệt về tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi giữa các nhóm lợn con có độ tuổi cai sữa khác nhau (21 và 35 ngày) và được ăn bằng khẩu phần khác nhau (khẩu phần có mức dinh dưỡng cao và thấp) ở các tổ hợp lai.(P>0,05). Tuy nhiên, với ảnh hưởng độc lập của yếu tố tổ hợp lai thì tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi có xu hướng đạt cao hơn ở tổ hợp lai F1(PixMC) (73,02%-73,53%) so với hai tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC) (69,52%-70,51%).

Bảng 3.29: Tỷ lệ móc hàm của lợn con ở 42 ngày tuổi do tác động đồng thời của tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần


Yếu tố thí nghiệm

n

(con)


Tỷ lệ móc hàm (%)

Tổ hợp lai

Tuổi cai sữa

Khẩu phần

YxMC

CS21

KP1

12

69,84

YxMC

CS21

KP2

12

70,51

YxMC

CS35

KP1

12

70,19

YxMC

CS35

KP2

12

69,52

LRxMC

CS21

KP1

12

70,50

LRxMC

CS21

KP2

12

69,82

LRxMC

CS35

KP1

12

69,88

LRxMC

CS35

KP2

12

69,83

PixMC

CS21

KP1

12

73,52

PixMC

CS21

KP2

12

73,53

PixMC

CS35

KP1

12

73,42

PixMC

CS35

KP2

12

73,02

SEM

0,16

P

0,10

Từ những kết quả phân tích tác động của ba yếu tố tổ hợp lai, tuổi cai sữa, khẩu phần cho lợn con từ tập ăn đến 42 ngày tuổi đến tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi chúng tôi có thể nhận định rằng, tỷ lệ móc hàm lợn con 42 ngày tuổi ít chịu ảnh hưởng của các yếu tố nghiên cứu, trừ yếu tố giống (tổ hợp lai). Do các chỉ tiêu liên quan đến thành phần thân thịt lợn đều là những chỉ tiêu có hệ số di truyền (h2) ở mức trung bình đến cao nên kết quả này cũng là hoàn toàn phù hợp với quy luật. Với đặc điểm sản phẩm là lợn sữa, chỉ tiêu tỷ lệ móc hàm lợn sữa xuất chuồng ở 42 ngày tuổi được xem là quan trọng và quyết định nhiều nhất đến hiệu quả của chăn nuôi lợn sữa, vì tỷ lệ móc hàm đạt cao sẽ nâng cao tổng khối lượng lợn sữa thành phẩm/nái/năm. Như vậy, tổ hợp lợn lai F1(PixMC) để sản xuất lợn sữa khai thác lúc 42 ngày tuổi đạt tỷ lệ móc hàm là cao nhất.

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

Kết luận


  • Khi sử dụng đực Yorkshire, Landrace và Pietrain phối giống với nái Móng Cái, các chỉ tiêu sinh sản của nái Móng Cái như số con để nuôi/ổ, số con cai sữa/ổ, số con lợn sữa 42 ngày/ổ chịu ảnh hưởng rất rõ rệt bởi yếu tố đực phối, trong đó sử dụng đực Pietrain cho kết quả tốt nhất.

  • Trong ba tổ hợp lai khảo sát giữa đực Yorkshire, Landrace và Pietrain với nái Móng Cái, tổ hợp lai F1(PixMC) có các chỉ tiêu năng suất lợn sữa vượt trội so với tổ hợp lai F1(YxMC) và F1(LRxMC). Cụ thể: số con 42 ngày tuổi đạt 10,69 con/ổ, khối lượng 42 ngày tuổi đạt 10,09 kg/con, hiệu quả chuyển hóa thức ăn đạt 3,24 kg thức ăn/kg khối lượng 42 ngày tuổi, tỷ lệ móc hàm của lợn sữa đạt 73,3% lúc 42 ngày tuổi

  • Cũng với ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) đã khảo sát ở trên, việc áp dụng quy trình cai sữa lúc 21 ngày tuổi đã cho năng suất và hiệu quả sản xuất lợn sữa cao hơn so với cai sữa lúc 35 ngày tuổi. Cụ thể, khối lượng lợn sữa 42 ngày tuổi đạt 10,04 kg/con (sinh trưởng tuyệt đối 220,63 g/ngày); tiêu tốn thức ăn/1 kg lợn sữa 42 ngày tuổi đạt 3,16 kg (giảm 14,51%) khi cai sữa lúc 21 ngày tuổi; riêng tỷ lệ móc hàm (71,29%) không có sai khác so với cai sữa lúc 35 ngày tuổi.

  • Việc áp dụng hai khẩu phần thức ăn cho lợn con tập ăn và sau cai sữa ở ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) cũng ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn sữa 42 ngày tuổi. Cụ thể, khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (3265 kcal ME/kg, 21% protein thô, 1,35% lysine) cho khối lượng lợn sữa 42 ngày đạt 9,98 kg/con (sinh trưởng tuyệt đối 218,98 g/ngày) cao hơn; tiêu tốn thức ăn/1 kg khối lượng lợn sữa 42 ngày tuổi đạt 3,35 kg thấp hơn (giảm 4,48%) so với ăn khẩu phần có mức dinh dưỡng thấp (3050 kcal ME/kg, 19% protein thô, 1,21% lysine); riêng tỷ lệ móc hàm (71,04%) không sai khác giữa hai khẩu phần.

  • Khi xem xét đồng thời cả ba yếu tố thí nghiệm, năng suất và hiệu quả sản xuất của lợn sữa 42 ngày tuổi đạt cao nhất ở tổ hợp lai F1(PixMC), đồng thời tổ hợp lai này được cai sữa 21 ngày tuổi và áp dụng khẩu phần có mức dinh dưỡng cao (3265 kcal ME/kg, 21% protein thô, 1,35% lysine). Cụ thể, khối lượng 42 ngày tuổi, tăng khối lượng từ sơ sinh đến 42 ngày tuổi, tiêu tốn thức ăn/1 kg khối lượng và tỷ lệ móc hàm 42 ngày tuổi đạt tương ứng là 10,54 kg/con; 231,92 g/ngày; 2,89 kg thức ăn/1 kg khối lượng và 73,3%.

Đề nghị


Phổ biến tổ hợp lai F1(PixMC), áp dụng cai sữa sớm cho lợn con ở 21 ngày tuổi và sử dụng khẩu phần cho lợn con từ tập ăn đến 42 ngày tuổi có mức dinh dưỡng ở mức 3265 kcal ME/kg, 21% protein thô, 1,35% lysine vào sản xuất lợn sữa xuất chuồng ở 42 ngày tuổi trong điều kiện chăn nuôi nông hộ tại tỉnh Thái Bình và những vùng có điều kiện tương tự nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn sữa.


















DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC LIÊN QUAN ĐÃ CÔNG BỐ

1. Bùi Quang Hộ, Trần Quốc Việt và Nguyễn Văn Đức. 2016. Ảnh hưởng của tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần thức ăn đến hiệu quả sử dụng thức ăn của lợn sữa xuất chuồng ở 42 ngày tuổi tại Thái Bình. Tạp chí Khoa học kỹ thuật Chăn nuôi. Số 205. Trang: 23-29.

2. Bùi Quang Hộ, Trần Quốc Việt và Nguyễn Văn Đức. 2016. Ảnh hưởng của tổ hợp lai, tuổi cai sữa và khẩu phần thức ăn đến sinh trưởng tuyệt đối của lợn sữa 42 ngày tuổi tại Thái Bình. Tạp chí Khoa học kỹ thuật Chăn nuôi. Số 205. Trang: 63-70.

TÀI LIỆU THAM KHẢO




Tài liệu tiếng Việt


Trần Kim Anh. 2000. Sự cần thiết mở rộng ứng dụng hệ thống giống lợn hình tháp và sử dụng ưu thế lai trong chăn nuôi lợn. Chuyên san chăn nuôi lợn. Hội Chăn nuôi Việt Nam. Trang: 94-112.

Nguyễn Tấn Anh, Lê Viết Ly, Lương Tất Nhợ và Hoàng Văn Tiệu. 1993. Triển vọng của việc ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trong lai khác loài giữa ngan và vịt. Tuyển tập công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ – Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên (1988-1993). Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. Trang: 176.

Nguyễn Ân, Hoàng Gián, Lê Viết Ly, Nguyễn Văn Thiện và Trần Xuân Thọ. 1983. Di truyền học động vật. Nhà xuất bản nông nghiệp, Hà Nội. Trang: 86, 88, 185, 196-200.

Đặng Hoàng Biên, Tạ Thị Bích Duyên, Nguyễn Văn Trung, Trần Thị Minh Hoàng và Bùi Minh Hạnh. 2012. Xác định tổ hợp lợn MC lai ngoại phù hợp để sản xuất lợn sữa tại Quảng Trị. Báo cáo khoa học năm 2011 của Viện Chăn nuôi. Phần Di truyền Giống vật nuôi. Trang: 270-282.

Đặng Vũ Bình và Nguyễn Văn Thắng. 2002. Một số kết quả nghiên cứu ban đầu về khả năng sinh sản của các nhóm nái được phối với lợn đực giống Pietrain. Kết quả nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp. NXB Nông nghiệp. Trang: 7-13.

Đặng Vũ Bình và Vũ Đình Tôn. 2008. Năng suất sinh sản của các tổ hợp lai giữa nái F1(YxMC) với lợn đực Duroc (D), Landrace (L) và Pietrain×Duroc (PD) trong điều kiện chăn nuôi nông hộ. Tạp chí Khoa học và Phát triển. Tập VI. Số 4. Trang: 326-330.

Nguyễn Quế Côi, Đặng Vũ Hòa và Nguyễn Nguyệt Cầm. 2005. So sánh năng suất sinh sản của lợn nái Móng Cái, F1(YMC) và nái ngoại (Landrace và Yorkshire) nuôi trong nông hộ tại tỉnh Quảng Trị. Tóm tắt Báo cáo KH Bộ NN và PTNT, Phần nghiên cứu về giống vật nuôi. Trang: 39-42.

Phạm Hữu Doanh. 1983. Kết quả tạo giống lợn trắng ĐBI-81 bằng phương pháp lai lợn Đại bạch Liên xô với lợn Ỉ. Luận án Phó tiến sỹ khoa học nông nghiệp. Viện chăn nuôi 1983.

Nguyễn Văn Đức. 1997. Đặc điểm di truyền của các tính trạng kinh tế cơ bản của lợn MC, PK, TN, LR, LW, DR và các tổ hợp lai của chúng nuôi ở Việt Nam. Luận án Tiễn sỹ. Trường ĐHTH New England, Australia.

Nguyễn Văn Đức, Tạ Thị Bích Duyên, Phạm Nhật Lệ và Lê Thanh Hải. 2000. Nghiên cứu các thành phần đóng góp vào tổ hợp lai giữa ba giống MC, LR và LW về tốc độ tăng khối lượng tại đồng bằng sông Hồng. Tạp chí Nông Nghiệp và Công nghệ thực phầm. Số. 9. Trang: 398-401.

Nguyễn Văn Đức, Lê Thanh Hải và Giang Hồng Tuyến. 2001. Nghiên cứu tổ hợp lợn lai PixMC tại Đồng Anh – Hà Nội. Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Số 6. Trang: 382-384.

Nguyễn Văn Đức, Tạ Bích Duyên, Giang Hồng Tuyến và Nguyễn Văn Hà. 2004. Kết quả chọn lọc hai nhóm Móng Cái MC3000 về khả năng sinh sản tốt và MC15 có khả năng TT và TLN cao. HNKH Bộ NN &PTNT (2004) Chăn Nuôi Gia súc. NXB Nông Nghiệp. Trang: 124-127.

Nguyễn Văn Đức. 2005. Nguồn gen giống lợn Móng Cái. NXB Lao động – Xã hội.

Nguyễn Văn Đức. 2007. Một số giải pháp về giống để sản xuất lợn sữa xuất khẩu. Báo cáo tổng kết đề tài nhánh thuộc đề tài cấp Nhà nước. Mã số KC 06.06

Nguyễn Văn Đức, Bùi Quang Hộ, Giang Hồng Tuyến, Đặng Đình Trung, Nguyễn Văn Trung, Trần Quốc Việt và Nguyễn Thị Viễn. 2010. Năng suất sinh sản, sản xuất của lợn Móng Cái, Pietrain, Landrace, Yorkshire và ưu thế lai của lợn lai F1(PixMC), F1(PixMC) và F1(PixMC). Tạp chí Khoa học Công nghệ Chăn nuôi. Số 22. Trang: 29-36.

Nguyễn Văn Đức. 2012. Giống lợn nội Việt Nam. Tạp chí Khoa học kỹ thuật Chăn nuôi. Chuyên đề Sản xuất – Thị trường. Số 11. Trang: 23-36.

Lê Thanh Hải, Lã Văn Kính, Danny Singh, Vương Nam Trung và Đoàn Vĩnh. 1999. Xác định nhu cầu năng lượng và amino acid cho lợn con sau cai sữa. Tạp chí Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Số 7. Trang: 323-324.

Lê Thanh Hải. 2001. Nghiên cức và chon lọc, nhân thuần chủng và xác định công thức lai thích hợp cho heo cao sản để có tỷ lệ nạc từ 50-55%. Báo cáo tổng hợp đề tài cấp nhà nước KHCN 08-06.

Phan Xuân Hảo. 2008. Xác định ảnh hưởng của khối lượng sơ sinh và giới tính tới sinh trưởng của lợn con đến 8 tuần tuổi. Tạp chí Khoa học và Phát triển. Tập VI. Số 2. Trang: 128-133

Phan Xuân Hảo. 2016. Nghiên cứu một số công thức lai giữa lợn rừng và lợn địa phương ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Mã số đề tài: B2012-11-18

Thân Văn Hiển và Trần Văn Phùng. 2008. Khả năng sản xuất của một số dòng lợn đực lai tại tỉnh Bắc Giang. Tạp chí chăn nuôi. Trường Đại học Thái Nguyên. Số 10. Trang: 4-8.

Bùi Quang Hộ. 2004. Nghiên cứu đánh giá khả năng sinh trưởng và cho thịt của ba tổ hợp lai F1(YxMC), F1(LRxMC) và F1(PixMC) nuôi trong nông hộ tại tỉnh Thái Bình. Luận án Thạc sỹ. Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội 2004.

Trần Duy Khanh, Nguyễn Văn Đức, Đào Trung Sơn, Lê Đình Cường, Nguyễn Tống Thìn, Phạm Tuấn Anh và Vũ Ngọc Chính. 2004. Khả năng sinh sản của 2 ổ đẻ đầu của lợn Móng Cái và các tổ hợp lai F1 giữa Landrace, Large White với Móng Cái nuôi tại các nông hộ nghèo ở Thái Bình. Tạp chí Khoa học kỹ thuật chăn nuôi. Số 4. Trang: 7-18.

Lã Văn Kính, Nguyễn Nghi, Phạm Tất Thắng và Đoàn Vĩnh. 1999. Báo cáo khoa học Chăn nuôi Thú y 1998-1999. Phần Dinh dưỡng và thức ăn. Trang: 324-329.

Lã Văn Kính và Vương Nam Trung. 2003. Xác định khẩu phần thức ăn cho heo con giai đoạn theo mẹ. Tạp chí Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Số 8. Trang: 986-987.

Lã Văn Kính, Đinh Văn Cải, Vũ Duy Giảng, Dương Thanh Liêm, Lưu Hữu Mãnh, Vũ Chí Cương và Trần Quốc Việt. 2005. Các thành tựu nghiên cứu nổi bật của ngành dinh dưỡng và thức ăn gia súc trong 20 năm qua và định hướng nghiên cứu trong 10 năm tới. Khoa học công nghệ và phát triển nông thôn 20 năm đổi mới. Tập 2. Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội 2005.

Kushner K. F. 1974. Cơ sở di truyền học của chọn giống gia cầm. Tạp chí Khoa học và Kỹ thuật Nông nghiệp. Số 141, tháng 3/1974. Phần thông tin Nông nghiệp nước ngoài. Trang: 222- 227.

Lê Đình Lương và Phan Cự Nhân, (1994). Cơ sở di truyền học. Nhà xuất bản Giáo dục Hà Nội. Trang: 178-180.

Trần Thị Minh Hoàng, Phạm Văn Chung, Lê Thanh Hải và Nguyễn Văn Đức. 2004. Ảnh hưởng của các nhân tố đến tính trạng sản xuất của F1(LRxMC), F1(LWxMC), F1(PixMC). Tạp chí Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Số 10. Trang: 1258-1260.

Lê Hồng Mận. 2005. Kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt phòng trị một số bệnh. Trung tâm nghiên cứu xuất bản sách và tạp chí. NXB Lao động xã hội.

Trần Đình Miên. 1997. Chọn và nhân giống gia súc. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. Trang: 169.

Trần Đình Miên và Nguyễn Văn Thiện. 1995. Chọn giống vật nuôi. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội. Trang: 32, 73-80, 94-95.

Lê Hồng Minh. 2000. Kết quả 6 năm (1992-1998) thực hiện Móng Cái hoá đàn lợn nái nền ở Tuyên Quang. Tạp chí Chăn Nuôi. Số 2. Trang: 16-18.

Nguyễn Nghi, Phùng Thị Cúc và Bùi Thị Gợi. 1978. Kết quả nghiên cứu về cai sữa sớm và tiêu chuẩn khẩu phần thức ăn cho cho lợn con. Khoa học và kỹ thuật nông nghiệp. Số 12. Trang: 920-929.

Nguyễn Văn Nhiệm, Đặng Vũ Bình và Nguyễn Văn Đức. 2002. Một số yếu tố ảnh hưởng tới các tính trạng sinh sản của lợn nái Móng Cái. Tạp chí Khoa học kỹ thuật chăn nuôi. Số 3. Trang: 11-13.

Trần Nhơn, Võ Trọng Hốt. 1986. Kết quả nghiên cứu tổ hợp lai lợn ĐBxMC nhằm tăng năng suất thịt và phục vụ xuất khẩu. Tuyển tập công trình nghiên cứu khoa học và kĩ thuật. Trường Đại học Nông Nghiệp I. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội. Trang: 177-181.

Đặng Thúy Nhung và Bùi Quang Tuấn. 2004. Xác định mức lysine và năng lượng (L/NL) đối với lợn con Móng Cái giai đoạn sau cai sữa. Tạp chí Khoa học và Phát triển. Số 5. Trang: 15-20.

Niên giám thống kê tỉnh Thái Bình. 2013. NXB Thống kê Hà Nội.

Bùi Thị Kim Oanh. 2009. Đánh giá năng suất sinh sản của lợn nái F1(Yorkshire × Móng Cái) và năng suất, chất lượng thịt của một số tổ hợp lai trong điều kiện chăn nuôi nông hộ tại một số huyện miền núi thuộc tỉnh Bắc Giang. Luận văn Thạc sỹ nông nghiệp. Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.

Nguyễn Ngọc Phục và Trịnh Hồng Sơn. 2007. Ảnh hưởng của cai sữa tại chỗ đến sinh trưởng lợn con đến 60 ngày tuổi. Tạp chí Khoa học Công nghệ Chăn nuôi. Số 6. Trang: 60-64.

Lê Đình Phùng và Phạm Hữu Tuần. 2008. Ảnh hưởng của một số yếu tố tới các tính trạng sinh sản của lợn nái MC nuôi tại huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tạp chí Khoa học Đại học Huế. Số 46. Trang: 235-242.

Trần Văn Phùng, Từ Quang Hiển, Trần Thanh Vân và Hà Thị Hảo. 2004. Giáo trình chăn nuôi lợn. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội.

Nguyễn Văn Thắng và Đặng Vũ Bình. 2006. Năng suất sinh sản, nuôi thịt và chất lượng thịt của lợn nái lai (Yorkshire x Móng Cái) phối giống với lợn đực Landrace và Pietrain. Tạp chí Chăn Nuôi. Số 11. Trang: 9-12.

Nguyễn Văn Thắng. 2007. Sử dụng lợn đực giống Pietrain nâng cao năng suất và chất lượng thịt trong chăn nuôi lợn ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Luận án tiến sỹ nông nghiệp. Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội 2007.

Nguyễn Văn Thiện. 1995. Thuật ngữ thống kê, di truyền, giống trong chăn nuôi. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội. Trang: 58.

Nguyễn Văn Thiện. 1995. Di Truyền Học Số lượng ứng dụng trong chăn nuôi. NXB Nông nghiệp Hà nội. Trang: 105-171.

Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Văn Đức và Tạ Thị Bích Duyên. 1999. Sức sinh sản cao của lợn MC nuôi tại Nông trường Thành Tô. Tạp chí Chăn Nuôi. Số 4. Trang: 16-17.

Hồ Trung Thông. 2006. Ảnh hưởng của lượng protein ăn vào đến tỷ lệ tiêu hóa protein và các con đường đào thải nitơ của lợn sinh trưởng. Tạp chí Chăn nuôi. Số 2. Trang: 4-8.

Tiêu chuẩn Việt Nam. 2007. Thức ăn chăn nuôi – thức ăn hỗn hợp cho lợn. TCVN 1547: 2007.

Tiêu chuẩn Việt Nam. 1984. Quy trình mổ khảo sát phẩm chất thịt lợn nuôi béo. TCVN 3899 - 84.

Tiêu chuẩn ngành. 2002. Lợn sữa lạnh đông xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 10 TCN-508-2002.

Hoàng Văn Tiến và Nguyễn Đăng Bật. 1995. Nghiên cứu thức ăn cai sữa sớm lợn con. Kết quả nghiên cứu Khoa học Nông nghiệp 1995-1996. Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt nam. Trang: 259-264.

Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Vân Anh, Giang Hồng Tuyến, Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Thị Viễn. 2009. Đánh giá khả năng sinh sản của nhóm lợn MCTH và sinh sản, sản xuất, chất lượng thân thịt của lợn lai F1(LRxMCTH), F1(YxMCTH) nuôi tại Bảo Thắng, Lào Cai. Hội nghị KH Viện Chăn nuôi.

Vũ Đình Tôn, Nguyễn Văn Duy và Phan Văn Chung. 2007. Năng suất và hiệu quả chăn nuôi lợn nái lai F1 (Yorkshire x Móng Cái) trong điều kiện nông hộ. Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp. Số 4. Trang: 38 - 43.

Bùi Quang Tuấn và Đặng Thúy Nhung. 2002. Nghiên cứu xác định mức lysine và năng lượng (hay L/NL) đối với lợn con lai Yorkshire x Móng Cái giai đoạn sau cai sữa. Tạp chí Chăn nuôi. Số 4. Trang: 10-13.

Giang Hồng Tuyến. 2008. Nghiên cứu chọn lọc nâng cao tính trạng số con sơ sinh sống/ổ đối với nhóm lợn MC3000, khả năng tăng khối lượng và tỷ lệ nạc đối với nhóm lợn MC15. Luận án Tiến sỹ. Viện Chăn Nuôi.

Giang Hồng Tuyến và Hà Thu Trang. 2011. Năng suất sinh sản của lợn F1(LRxMCTH), F1(YxMCTH) và F1(PixMCTH) nuôi tại Lào Cai. Tạp chí Khoa học Công nghệ Chăn nuôi. Số 3. Trang: 21-27.

Đỗ Thị Tỵ. 1994. Tình hình chăn nuôi lợn ở Hà Lan. Thông tin khoa học kỹ thuật chăn nuôi. Viện Chăn nuôi  Bộ nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Số 2. Trang: 36-39.

Nguyễn Thị Viễn. 2011. Nghiên cứu tạo một số dòng lợn đặc trưng và xây dựng chương trình lai hiệu quả, phù hợp với từng điều kiện chăn nuôi khác nhau. Báo cáo tổng kết nghiệm thu đề tài trọng điểm cấp Bộ năm 2011

Viện Chăn nuôi. 2004. Ngô Thị Kim Cúc dịch từ J.F. Patience và R.T.Zijlstra, (12-2004). Trung tâm lợn Prairie.

From http://www.vcn.vnn.vn/PrintPreview.aspx?ID=2916.

Trần Quốc Việt, Vũ Duy Giảng và Ninh Thị Len. 1999. Mức năng lượng và tỷ lệ Lysine/NL thích hợp trong thức ăn hỗn hợp cho lợn con giống ngoại giai đoạn theo mẹ và sau cai sữa trong điều kiện miền Bắc Việt nam. Kết quả nghiên cứu KHKT Chăn nuôi 1998-1999. Nhà xuất bản Nông nghiệp. Trang: 75-82.

Thai Yang Xaichou. 2008. Xây dựng công thức thức ăn hốn hợp cho lợn con giống ngoại sau cai sữa. Luận văn Thạc sỹ nông nghiệp. Trường Đại học Nông nghiệp I Hà nội.

William, T.Ahlschwede. 1997. Hệ thống lai trong chăn nuôi thương phẩm. Cẩm nang chăn nuôi lợn. Nhà xuất bản Nông nghiệp Hà Nội.

Winters L.M. 1978. Ưu thế lai ở những lợn lai khác giống. Di truyền học động vật (Dịch giả Phan Cự Nhân). Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội. Trang: 353-359.

Tài liệu tiếng nước ngoài


ARC. 1981. The nutrient requirement of pig: Technical review rev, ed. Slough Common wealth Agricultural Bureaux XXII.

Armstrong J.D., Britt, J.H. and Kraeling, R.R.. 1986. Effect of restriction of energy during lactation on body condition, energy metabolism, endocrine changes and reproductive performance in primiparous sows. J. Anim. Sci. 63: 1915-1925.

Andersen H.J., Oksbjerg N., Young, J.F. and Therkildsen, M. 2005. Feeding and meat quality – a future approach. Meat Science. 70: 543-554.

Anderson L.C. and Bowland E. 1967. Tham khảo Anderson, L.C., A. Lewis, E. Peo, and J. Crenshaw. 1984. Effects of excess arginine with and without supplemental lysine on performance, plasma amino acid concentrations and nitrogen balance of young swine. Journal of Animal Science. 58: 369-377.

Aumaitre A. 1971. Enzyme development in the digestive tract of the suckling pig; Nutritional significance and importance for-weaning. Zootechnology. 20: 551-575.

Bark I.J., T.D.Crenshaw, V.D.Leibbrandt. 1986. The effect of meal intervals and weaning on feed intake of early-weaned pigs. Journal of Animal Science 6: 169-180.

Blasco A., Bidanel J. P and Haley C.S. 1995. Genetic and neonatal survial. In: The Neonatal Pig Development and Survial. Valey M.A (Ed). CAB. Intenational. Walling ford. oxen. UK. pp.17-18.

Blecha F., Pollman, D.S. and Nichols, D.A. 1983. Weaning pigs at an early age decreases cellular immunity. Journal of Animal Science. 56: 396-400.

Bounman G. W. 2000. Poultry Breeding and genetics, L.D.C. Livestock- Barneveld the Netherlands. pp.: 22-26.

Bruininx E. M. A. M., G. P. Binnendijk, C. M. C. van der Peet-Schwering, J. W. Schrama, L. A.den Hartog, H. Everts and A. C, Beynen. 2002. Effect of creep feed consumption on individual feed intake characteristics and performance of group-housed weanling pigs. J. Anim. Sci. 80: 1413-1418.



Canario L., Cantoni E., Le Bihan E., Caritez J.C., Billon Y., Bidanel J.P. and Foulley J.L. 2006. Between-breed variability of stillbirth and its relationship with sow and piglet characteristics. J. Anim. Sci. 84: 3185–3196.

Calkins, C. and Hodgen, J.M. 2007. A fresh look at meat flavour. Meat Science. 77: 63-80.

Cameron N.D., Warriss P.D., Porter S.J. and Enser, M. B. 1990. Comparison of Duroc and British landrace pigs for meat and eating quality. Meat Science. 27: 227-247.

Campbell R.G, Taverner, M.R. and D.M Curic. 1985. The infuence offeeding level on the protein requirement of pigs between 20 to 45kg leve wieght. J.Anim. Prod. 40. pp: 489.

Campbell J. and Taverner. 1988. The tissue and dietary protein and amino acid requirements of pigs from 8.0 - 20.0 kg live body weight. Anim. Prod, 46: 283-290.

Campbell J., M, Crenshaw. J. D and Javier Polo. 2013. The biological stress of early weaned piglets. Journal of Animal Science and Biotechnology. 2013. 4: 19.

Cassady J., O. R. Wayne and K.J. Rodger. 2010. Genetic Parameters and Their Use in Swine Breeding. Swine Genetics. Fact Sheet Number 3.

From http://www.ces.purdue.edu/extmedia

Cera K., D. Mahan and G. Reinhart. 1990. Effect of weaning, week postweaning and diet composition on pancreatic ans small intestine luminal lipase response in young swine. Journal of Animal Science. 65: 1273.

Chiba L. I., Lewis A. J. and Peo E. R. 1991. Amino acid and energy interrelationships in pigs weighing 20 - 50 kg: Rate and efficiency of weight gain. J. Anim. Sci. 69: 694-707.

Close W. and K.H. Menke - Selected topics: Animal Nutrition. Hohenheim. Germany, 1996. P96.

Corring T., A. Aumaitre and G. Durand. 1978. Development of digestive enzymes in the piglet from birth to 8 weeks. Annals of Nutrition and Metabolism. 22: 231-243.

Corring T. 1980. Endogenous secretion in the pig. In current concepts of digestion and absorption in pigs. Technical Bulentin: 136-150.

Colin T. Whittemore. 1998. The science and practice of pig production, Second Edition, Blackwell Science Ltd: 91-130.

Dahlquist A. 1961. The location of carbonhydrates in the digestive tract of the pig. Biochemistry Journal. 78: 282-288.

Deckert A. E., Dewey C. E., Ford J. T. and Straw B. F. 1998. The influence of the weaning to breeding interval on ovulation rate in parity two sows. Animal Breeding Abstracts. 66 (2). Ref: 1155.

Dunsford B. R., D. A. Knabe and W. E. Haensly. 1989. Effect of dietary soybean-meal on the microscopic anatomy of the small-intesine in the early-weaned pig. Journal of Animal Science. 67: 1855-1863.

Dwyer C.M and N. C. Stickland. 1994. Supplementation of a restricted material diet with protein and carbohydrate alone prevents a reduction in fetal muscle fiber number in the guinea pig. British Journal of Nutrition. 72: 173-180.



Edwards S.A. 2007. Experimental welfare assessment and on-farm application. Anim. Welf. 16: 111-115.

Efird R., W. Armstrong and D. Herman. 1982. The development of digestive capacity in young pigs: effects of weaning regimen and dietary treatment. Journal of Animal Science. 55: 1370-1379.

Faucitano L. 1998. Preslaughter stressors effects on pork: a review. Journal of Muscle Foods. 9: 293-303.

Fiedler K. Ender and H. Doriose. 1989. Ergebnise zur Musckelstruktur unterschiedicher genetische probleme in dertiezucht. Akademie der landwirtschaftswissenschaften. Berlin. 20: 95-101.

Fiedler I, C. Rehfeldt and K. Ender. 1991. Musclefasermerkmale. Neue sekettionskniterien. Der. Tierzuchter. 43: 444-445.

Flock D. K. 1996. Genetic and no genetic factors determining the success of egg – type breeding. Proceedings of World’s Poultry Congress. Volume 1. 20th India. pp: 425-432.

Fuller M. F.; William, R.; Wang, T. C. and Giles. L. R. 1989. The optimal dietary amino acid pattern for growing pigs. 2. Requirement for maintenance and for tissue protein accretion. British journal of nutrition. 62: 255-267.

Funderburke D.W. and Seerley R.W. 1990. The effects of postweaning stressors on pig weight change, blood, liver and digestive tract characteristics. Journal of Animal Science. 68: 155-162.

Geesink G.H., van Buren R.G.C., Savenije B., Verstegen M.W.A., Ducro B.J., van der Palen J.G.P. and Hemke, G. 2004. Short-term feeding strategies and pork quality. Meat Science. 67: 1-6.

Gerasimov V. I., Danlova T. N. and Pron E. V. 1997. The results of 2 and 3 breed crossing of pigs. Animal Breeding Abstracts. 63 (3), ref., 1395.

Giesting D. W., R. Easter and B. Roe. 1985. A composition of protein and carbonhydrate sources of milk and plant origin for starter pigs. Journal of Animal Science. 61: 299.

Gondret F., L. Lefaucheur, H. Juin, I. Louveau, and B. Lebret. 2006. Low birth weight is associated with enlarged muscle fiber area and impaired meat tenderness of the longissimus muscle in pigs. Journal of Animal Science. 84: 93-103.



Gorle Frits and John Gilissen. 1989. Hisorishche Inleiding. Tot Het Recht. Volume 1. Kluwer. p. 166. ISBN 978-90. 6326. 654-2.

Guentert M., Bruening J., Emberger R., Koepsel M., Kuhn W., Thielmann T. and Werkhoff, P. 1990. Identification and formation of some selected sulphur-containing flavour compounds in various meat model systems. Journal of Agricultural and Food Chemistry. 38: 2027-2041.

Hambrecht E., Eissen J.J., Nooijen R.I.J., Ducro B. J., Smits C.H.M., den Hartog L.A. and Verstegen M.W.A. 2004. Preslaughter stress and muscle energy largely determine pork quality at two commercial processing plants. Journal of Animal Science. 82: 1401-1409.

Hamilton D.N., Ellis, M., Hemann, M.D., McKeith, F.K., Miller K.D. and Purser, K.W. 2002. The impact of Longissmus glycolytic potential and short-term feeding of magnesium sulfate heptahydrate prior to slaughter on carcass characteristics and pork quality. Journal of Animal Science. 80: 1586-1592.

Handel S.E and N.C. Stickland. 1987. Muscle cellularity and birth weight. Animal Production. 44: 311-317.

Hartman G.J., Carlin, J.T., Scheide, J.D. and Ho C.T. 1984. Volatile products formed from the thermal degradation of thiamin at high and low moisture levels. Journal of Agricultural and Food Chemistry. 32: 1015-1018.

Hartman P. A., V. W. Hays, R. O. Baker, L. H. Neagle and D. V. Catron. 1961. Digestive enzyme development in the young pig. Journal of Animal Science. 20: 114-123.

Heger J., T. Van Phung, L. Krizova, M. Sustala and K. Simecek. 2003. Efficiency of amino acid utilization in the growing pig at sub-optimal levels of intake: branched-chain amino axits, histidine and phenylalanine + tyrosine. J. Anim. Physiol. a. Anim. Nutri. 87 (2003), 52- 65. Blackwell Verlag, Berlin. ISSN 0931-2439.

Hitoshi Milkami. 1994. Manual of Feeding Management for Pigs (I). Japan Livestock Technology Association. p 103-105.

Ian Gordon. 1997. Controlled reproduction in pigs, CAB International.

Ian Gordon. 2004. reproductive technologies in farm animals, CaB international: 63

Jarvis S., Calvert S.K., Stevenson J., van Leeuwen N. and Lawrence A.B. 2002. Pituitary-adrenal activation in pre-parturient pigs (Sus scrofa) is associated with behavioural restriction due to lack of space rather than nesting substrate. Anim. Welf. 11: 371-384.

Koohmaraie M. and Geesink G.H. 2006. Contribution of postmortem muscle biochemistry to the delivery of consistent meat quality with particular focus on the calpain system. Meat Science. 74: 34-43.

Lawrence T.L.J. and V.R. Fowler. 1997. Growth of Farm Animals. CAB International. Wallingford Oxon OX10. 8DE. UK.

Lawrence T. 1985. Processing and preparation of cereals for pig diets. In: C. DJA and W. Haresign (eds.) Recent developments in pig nutrition. p 230-245.

Leibholz J. 1982. Utilization of casein, fish meal and soya bean proteins in dry diets for pigs between 7 and 28 days of age. Animal Production. 34: 9-15.

Lindahl G., Karlsson, A.H., Lundström, K. and Andersen, H.J. 2006. Significance of storage time on degree of blooming and colour stability of pork loin from different crossbreeds. Meat Science. 72: 603-612.

Lindemann M., S. Cornelius, S. El Kandelgy, R. Moser and J. Pettigrew. 1986. Effect of age, weaning and diet on digestive enzyme levels in the piglet. Journal of Animal Science. 62: 1298-1307.

Lloyd L. and E. Crampton. 1957. The relation between certain characteristics of fats and oils and their apparent digestibility by young pigs, young guinea pigs and pups. Journal of Animal Science. 16: 377-382.

Lundström K., Andersson A. and Hansson I. 1996. Effect of the RN gene on technological and sensory meat quality in crossbred pigs with Hampshire as terminal sire. Meat Science. 42: 145-153.

Mabry J. W., Culbertson M. S. and Reeves D. 1997. Effect of lactation length on weaning to first service interval, first service farrowing rate and subsequent litter size. Animal Breeding Abstracts. 65(6). Ref: 2958.

MacLeod G. 1986. The scientific and technological basis of meat flavours. In: G.G. Birch và M.G. Lindley (Ed.), Developments in Food Flavours. Elsevier, London, pp. 191-223.

Maddock R.J., Bidner B.S., Carr S.N., McKeith F.K., Berg E.P. and Savell J.W. 2002. Creatine monohydrate supplementation and the quality of fresh pork in normal and halothane carrier pigs. Journal of Animal Science. 80: 997-1004.

Madruga M.S. and Mottram, D.S. 1995. The effect of pH and inosine-5-monophosphate (5’-IMP) on the formation of heterocyclic aroma volatiles in cooked meat. Ciencia e Technologia de Alimentos. 15: 284-287.

McCracken K. and D. Kelly. 1993. Development of digestive function and nutrition/disease interactions in the weaned pig. Recent Advances in Animal Nutrition in Australia. Armidale: Department of Biochemistry, Microbiology and Nutrition, University of New England: 182-192.

McCracken K. and D. Kelly. 1984. Effect of diet and post-weaning food-intake on digestive development of early-weaned pigs. In: Proceedings of the Nutrition Society. p A110-A110.

Michiels J., M. De Vos, J. Missotten, A. Ovyn, S. De Smet and C. Van Ginneken. 2013. Maturation of digestive function is retarded and plasma antioxidant capacity lowered in fully weaned low birth weight piglets. British Journal of Nutrition. 109: 65-75.

Miller M.F., Carr M.F., Ramsey C.B., Crockett K.L. and Hoover L.C. 2001. Consumer thresholds for establishing the value of beef tenderness. Journal of Animal Science. 79: 3062-3068.

Milligan B. N., D. Fraser and D. L. Kramer. 2002. Within-litter birth weight variation in the domestic pig and its relation to pre-weaning survival, weight gain, and variation in weaning weights. Livest. Prod. Sci. 76:181-191.

Milligan S. D., Ramsey C. B., Miller M. F. and Thompson L. D. 1998. Resting of pigs and hot-fat trimming and accelerated chilling of carcasses to improve pork quality. Journal of Animal Science. 76: 74-86.

Monin GA, Quijano M, Talmant A. and Sellier P. 1987. Influence of breed and muscle metabolic type on muscle glyco-lytic potential and meat pH in pigs. Meat Science. 20: 149-158.

Moss F., P and C.P. Leblond. 1971. Satellite cells as the source of nuclei in muscle of growing rat. Anatomical Record. 170: 421-436.

Mottram D.S. 1991. Meat. In: H. Maarse, (Ed.), Volatile compounds in food and Beverages, New York: Marcel Dekker. pp: 107-177.

Mourot J. and Hermier, D. 2001. Lipids in monogastric animal meat. Reproduction, Nutrition Development. 41: 109-118.

Duc N.V. 1997. Genetic Characterization of indigenous and exotic pig breed and crosses in VietNam, A thesis submitted for the degree of doctor of philosophy, The University of New England, Australia.

NRC (1998). Nutrient Requirements of swine. Tenth revised Edition. National Academy Press, Washington, D. C.

O’Sullivan M.G., Byrne D.V., Jensen M.T., Andersen H.J. and Vestergaard J. 2003. A comparison of warmed-over flavour in pork by sensory analysis, GC/MS and the electronic nose. Meat Science. 65: 1125-1138.

Pas M.F.V., Everts. M.E. and H.P. Haagsman. 2004. Muscle Development of Livestock Animals. CAB International. Wallingford Oxon OX10. 8DE. UK.

Paredes S. P., C. Kalbe, A. J. Jansman, M. W. Verstegen, H. M. van Hees, D. Losel, W. J. Gerrits and C. Rehfeldt. 2013. Predicted high-performing piglets exhibit more and larger skeletal muscle fibers. Journal of Animal Science. 91: 5589-5598.

Paul Bikker, Martin W. A. Verstegen and Marlou W. Bosch. 1994. Amino axit composition of growing pigs is affected by protein and energy intake. J. Nutr. 124: 1961-1969.

Pette D. and R.S. Staron. 1990. Cellular and Molecular diversities of mammalian skeletal muscle fibres. Reviews of Physiology, Biochemistry and Phamacology. 116: 1-75.

Pluske J.R. and Williams I.H. 1996. Reducing stress in piglets as a means of increasing production after weaning: administration of amperozide or co-mingling of piglets during lactation Animal Science. 62: 121130

Pond W. G. and H. J. Mersmann. 1988. Comparative response of lean or genetically obese swine and their progeny to severe feed restriction during gestation. J. Nutr. 118:1223-1231.

Quiniou N., J. Dagorn, and D. Gaudre. 2002. Variation of piglets’ birth weight and consequences on subsequent performance. Livest. Prod. Sci. 78:63-70.

Rehfeldt C. Fiedler, I. Dieltl G and K. Ender. 2000. Myogenesis and postnatal skeletal muscle cell growth as influenced by selection. Livestock Production Science. 66 (2): 177-188.

Rehfeldt C. F. Ilse and N. C. Stickland. 2004. Number and size of muscle fibres in relation to meat production. Cited from Muscle Development of Livestock Animals. CAB International. Wallingford Oxon OX10. 8DE. UK.

Rehfeldt C. and G. Kuhn. 2006. Consequences of birth weight for postnatal growth performance and carcass quality in pigs as related to myogenesis. Journal of Animal Science 84 Suppl: 113-123.

Rhee M.S., Wheeler, T.L., Shackelford S.D. and Koohmaraie, M. 2004. Variation in palatability and biochemical traits within and among eleven beef muscles. Journal of Animal Science. 82: 534-550.

Ritter E., and B. Zschorlich. 1990. Zusammenha ¨nge zwischenGebur-ts- und Aufzuchtwurfmerkmalen beim Schwein. Arch. Tierzucht. 33: 49-56.

Roeche. R. 1996. Problematik der zuechterischen Verbesserung der Fruchbakeit. GGFZ. Schriftenreihe. H4. pp.60-69.

Rojkittikhun T., Einarsson, S., Uvnäs-Moberg K. and Edqvist L.E. 1993. Body weight loss during lactation in relation to energy and protein metabolism in standard-fed primiparous sows. J. Vet. Med. Series A. 40: 249-257.

SAS. 2002. User’s Guide, Version 9.1, fourth edition, SAS Institute Inc., NC. USA.

Saldana C.I., Knabe, D. A., Owen K. Q., Burgoon, K. G. and Gregg, E. J. 1993. Digestible threonine requirements of starter and finisher pigs. J. Anim. Sci. 1994. 72: 144-150.

Schultz A. E. 1974. A quanlitytative study of satellite cell population in postnatal mouse lubricant muscle. Anatomical Record. 180: 589-596.

Sewell R. F., M. Thomas and D. Price. 1961. Protein-energy relationships in the rations of early weaned pigs. Journal of Animal Science. 20: 820-823.

Souba W. W. 1993. Intestinal glutamine metabolism and nutrition. The Journal of Nutritional Biochemistry. 4: 2-9.

Stickland N.C and S.E. Handel. 1986. The numbers and type of muscle fibres in large and small breeds of pigs. Journal of Anatomy. 147: 181-189.

Tikk K., Haugen J.E., Andersen H.J. and Aaslyng M.D. 2007. Monitoring of warmed over flavour in pork using electronic nose - correlation to sensory attributes and secondary lipid oxidation products. Submitted to Meat Science.

Toner M.S., King R.H., Dunshea F.R., Dove H. and Atwood C.S. 1996. The effect of exogenous somatotropin on lactation performance of first-litter sows. J. Anim. Sci. 74: 167-172.

Turlington W., G. Allee and J. Nelssen. 1989. Effects of protein and carbohdyrate sources on digestibility and digesta flow rate in weaned pigs fed a high-fat, dry diet. Journal of Animal Science. 67: 2333-2340.

Tuz R., Koczanowski J., Klocek C. and Migdal W. 2000. Reproductive performance of purebred and crossbred sows mated to Duroc x Hampshire boars, Animal Breeding Abstracts, 68(8), ref., 4740.

Van der Wal, P.G., Engel, B. and Reimert, H.G.M. 1999. The effect of stress, applied immediately before stunning, on pork quality. Meat Sci., 53: 101-106.

Van Luen T. A. and Cole D. J. A. 1996. The effect of lysine /digestible energy ratio on growth performance and nitrogen deposition of hybrid boars, gilts and castrated male pigs. Animal Science. 63: 465-475.

Wang T., Y. J. Huo, F. X. Shi, R. J. Xu, and R. J. Hutz. 2005. Effects of intrauterine growth retardation on development of the gastrointestinal tract in neonatal pigs. Biology of the Neonate. 88: 66-72.

Varley M.A. and J. Wiseman. 2001. The Weaner Pig Nitrition and management. . CAB International. Wallingford Oxon OX10. 8DE. UK.

Warriss P.D., Brown, S.N., Edwards, J.E. and Knowles, T.G. 1998. Effect of lairage time on levels of stress and meat quality in pigs. Animal Science. 66: 255-261.

Widdowson E. M. 1977. Undernutrition and retarded growth before and after birth. Nutr. Metab. 21: 76-87.

Wigmore P.M.C. and N.C. Stickland. 1983. Muscle development in large and small pig fetuses. Journal of Anatomy. 137: 235-245.

Wilborn B.S., Kerth C.R., Owsley W.F., Jones W.R. and Frobish L.T. 2004. Improving pork quality by feeding supranutritional concentrations of vitamin D3. Journal of Animal Science. 82: 218-224.

Windmueller H. G. 1982. Glutamine utilization by the small intestine. Advances in Enzymology and Related Areas of Molecular Biology. 53: 37.

Wood J.D., Richardson R.I., Nute G.R., Fisher A.V., Campo M.M., Kasapidou P.R., Sheard P.R. and Enser, M. 2003. Effects of fatty acids on meat quality: A review. Meat Science. 66: 21-32.

Wood J.D., Nute G.R., Richardson R.I., Whittington F. M., Southwood O., Plastow G., Mansbridge R., da Costa N. and Chang K. C. 2004. Effects of breed, diet and muscle on fat deposition and eating quality in pigs. Meat Science. 67: 651-667.

Wu G., and D. A. Knabe. 1993. Glutamine metabolism in pig enterocytes. Journal of Animal Science. 71: 130.

Wu G., F. W. Bazer, J. M. Wallace and T. E. Spencer. 2006. Board-invited review: Intrauterine growth retardation: Implications for the animal sciences. Journal of Animal Science. 84: 2316-2337.

Xue J. L., Dial G. D., Schuiteman J., Kramer A., Fisher C., Warsh W. E., Morriso R. B. and Squires J. 1997. Evaluation of growth, carcass and compound concentrations related to boar taint in boars and barrows. Animal Breeding Abstracts. 65(2). Ref: 887



Zintzen H. and F. Hoffmann-La Roche. 1971. The Nutrition of Breeding Sows and Piglets. F. Hoffmann-La Roche và Company.

PHẦN PHỤ LỤC





tải về 2.99 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương