LẼ SỐng 8 01 Tháng Tám Bài Giảng Của Vị Giáo Trưởng



tải về 217.12 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích217.12 Kb.
#28729
1   2   3

Kẻ Thù Trong Mơ

 

Đời Trang Công, nước Tề, có một người đàn ông nọ đêm nằm cứ thấy chiêm bao có một người to lớn, mặc áo vải quần gai, đeo gươm đi vào tận nhà ông mắng chửi, rồi lại nhổ vào mặt mà đi... Ông ta giật mình tỉnh dậy, ngồi suốt đêm, bực dọc, không tài nào ngủ lại được.



Sáng hôm sau, ông nói chuyện với một người bạn với lời lẽ như sau: "Từ thuở nhỏ đến giờ, tôi vốn là một người hiếu dũng, đến nay đã 60 tuổi rồi, chưa hề bị ai làm nhục. Thế mà đêm hôm qua, có người đã đến làm nhục tôi. Tôi quyết tìm cho kỳ được kẻ ấy để báo thù. Nếu tìm thấy nó thì tốt, bằng không chắc tôi phải chết mất".
Kể từ sáng hôm ấy, ngày nào ông ta cũng cùng với người bạn ra đứng ngoài đường để rình cho được kẻ thù trong giấc mơ. Ba ngày trôi qua, nhưng ông ta vẫn chưa thấy được kẻ thù.


Đã tức tối vì bị kẻ thù làm nhục, nay lại hậm hực thêm vì không tìm thấy kẻ thù, ông ta trở về nhà uất người lên và chết.

Nhà diễn giả hùng biện nhất của đế quốc La Mã là Cicero có nói: "Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình". Câu chuyện của người nằm mơ thấy kẻ thù, để rồi đi tìm kẻ thù và cuối cùng, tự hủy hoại chính mình phải chăng không là một minh họa cho câu nói của Cicero. Con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình, bởi vì con người tự tạo cho mình kẻ thù để tự tiêu diệt chính mình.

Chúa Giêsu không đến để chối bỏ sự hận thù, nhưng trái lại bày tỏ bộ mặt thực của nó và đánh bại nó. Thù hận là dấu chỉ sự thống trị của Satan, kẻ thù đúng nghĩa nhất. Chính Satan gieo sự thù hận trong lòng người và đặt con người vào thế chống đối và tiêu diệt nhau.

Chúa Giêsu đã đánh bại kẻ thù ấy bằng chính cái chết yêu thương tha thứ của Ngài. Chỉ có yêu thương và tha thứ mới có thể là thứ khí giới tiêu diệt được kẻ thù. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta thứ khí giới ấy. Ngài đã không ngừng nói với chúng ta: "Hãy yêu thương kẻ thù ngươi, hãy làm ơn cho kẻ thù ghét ngươi".

Nếu con người là kẻ thù khủng khiếp nhất của chính mình, thì quả thực chúng ta phải bắt đầu tiêu diệt nó ngay chính trong chúng ta. Chính khi chúng ta cưu mang cừu hận là lúc chúng ta tự tạo nên kẻ thù và tự tiêu diệt chính mình. Chính khi chúng ta khước từ tha thứ và làm ơn cho những kẻ thù ghét hãm hại chúng ta, là chính lúc chúng ta tự giam hãm trong hận thù để rồi tự hủy hoại chính mình.

 

22 Tháng Tám



Trinh Nữ Vương

 

Hiện nay, tại một số ít quốc gia trên thế giới như Anh Quốc, Hòa Lan, Thụy Điển, Thái Lan, chức nữ hoàng và quốc vương vẫn còn tồn tại, nhưng họ chỉ đóng vai trò tượng trưng, chứ không có thực quyền.



Giữa trào lưu có sự thay đổi quan trọng này trong hình thức chính trị và trong đời sống xã hội, những câu kinh: "Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy..." lượt dịch bài bình ca bất hủ bằng tiếng La Tinh: "Salve Regina..." vẫn còn được bao cửa miệng và tâm hồn dâng lên Mẹ Maria, diễn tả tấm lòng tôn kính, mến yêu của đoàn con cái đối với mẹ không mảy may bị lạnh nhạt, mặc cho thế sự đổi thay.

Trong tông huấn mang tựa đề: "Lòmg sùng kính Đức Mẹ Maria", Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã định nghĩa về Đức Maria Trinh Nữ Vương mà Giáo Hội mừng kính hôm nay đại khái như sau: "Lễ này là tiếp diễn lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời. Thực vậy, vào lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, chúng ta say đắm và hân hoan mừng kính Mẹ Maria như là hoa quả đầu mùa của công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu, đã chiến thắng hai kẻ thù của nhân loại, đó là: tội lỗi và sự chết. Hôm nay, trong lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ bên cạnh Vua Cao Cả trời đất, như là Nữ Vương và là người bầu cử cho chúng ta như một người mẹ nhân hiền".

Lời giải thích của Đức cố Giáo Hoàng Phaolô VI trên đây giúp chúng ta hiểu đúng vai trò của Mẹ Maria theo tinh thần của cộng đồng Vatican II. Đó là liên kết vai trò của Đức Trinh Nữ Maria với Chúa Giêsu và công cuộc cứu rỗi của Ngài.

Theo dòng trào lưu đổi thay của quan niệm về tự do, dân chủ, vai trò Nữ Vương của Mẹ Maria vẫn đứng vững trong tâm trí và con tim của trăm triệu con cái Mẹ, vì Mẹ ngự bên cạnh Chúa Giêsu Vua. Một vị vua dùng thập giá làm ngai vàng, mão gai làm triều thiên và muôn thuở cạnh sườn ngài bị đâm thủng, để nguồn suối của tình yêu Thiên Chúa luôn chảy tràn, giải lao cho nhân loại đang khao khát tình yêu chân thật, làm động lực để biến xã hội loài người thành Nước Trời, với Chúa Giêsu là Vua. Mẹ Maria đứng cạnh ngai vàng thập giá, trái tim bị gươm đâm thâu, để dòng máu tình yêu của Mẹ hòa chảy, hầu đồng lao cộng khổ và đồng thống trị với con Mẹ trong Nước Trời.

 

23 Tháng Tám

Hoa Đầu Mùa Của Mỹ Châu

 

Hôm nay Giáo Hội kính nhớ thánh Rosa Lima, vị thánh đầu tiên của Châu Mỹ. Thánh nữ có hai đặc điểm mà dường như vị thánh nào cũng có, đó là: bị chống đối và sống khắc khổ.



Chọn thánh nữ Catarina Siena làm mẫu mực, Rosa quyết sống trọn vẹn cho Thiên Chúa. Sợ nhan sắc của mình có thể quyến rũ nhiều người cũng như làm cớ vấp phạm cho chính mình, Rosa đã lấy tiêu thoa lên mặt để biến mình thành một người xấu xí. Cô cũng lấy thép cuốn thành vòng gai nhọn đội trên đầu.

Nhưng Rosa không phải là một con người mơ mộng viển vông. Khi thấy gia đình gặp khó khăn về kinh tế, Rosa đã hy sinh làm lụng suốt ngày ngoài đồng và tối về may vá suốt đêm để kiếm tiền đắp đổi cho gia đình. Sống cho cha mẹ, lo cho gia đình, nhưng Rosa vẫn quyết tâm dâng hiến trọn đời cho Chúa. Cô đã mất mười năm để chống lại ý định của cha mẹ nhằm cưỡng bách cô phải lập gia đình. Và cuối cùng, vì cha mẹ cũng không chấp nhận cho cô vào dòng, Rosa đã gia nhập vào dòng ba thánh Đa Minh. Như thế cô vừa sống được lý tưởng tu dòng vừa sống thánh giữa đời.

Trong những năm cuối đời, Rosa dành một phòng trong nhà để đón tiếp trẻ em không nhà không cửa và những người già cả bệnh tật. Đây là một trong những hình thức hoạt động xã hội đầu tiên tại Pêru.

Rosa qua đời năm 31 tuổi. Cả thành phố Lima thương khóc cô như một vị thánh trẻ đã kết hợp tinh thần chiêm niệm, khổ chế với hoạt động bác ái.

Thánh Rosa kể lại rằng trong một giấc mơ, ngài được Chúa dẫn đến một xưởng điêu khắc dành cho những người muốn nên thánh. Thánh nhân chứng kiến cảnh không biết bao nhiêu người đang ngồi trước các khối đá cẩm thạch. Có người sắp hoàn thành xong một tác phẩm nghệ thuật. Có người chỉ mới bắt đầu đục đẽo trên một phiến đá sần sù, cứng nhắc. Thánh nữ cũng được Chúa trao cho những đồ nghề cần thiết và đặt ngồi trước một phiến đá lớn. Người mẫu của tác phẩm chính là hình ảnh mà Thiên Chúa đã đặt để từ đời đời trong thánh nữ.

Mỗi ngày chúng ta kính nhớ một vị thánh. Mỗi một vị thánh là một nhắc nhở chúng ta về ơn gọi nên thánh của mỗi người chúng ta. Không một vị thánh nào giống vị thánh nào. Không ai bắt buộc phải sống khuôn dập theo bất cứ một mẫu mực nào. Mỗi người là một vị thánh cá biệt. Nhưng tất cả đều có một mẫu số chung: đó là họa lại hình ảnh của Thiên Chúa trong cuộc đời của mình.

Và hình ảnh mà Thiên Chúa muốn mỗi người chúng ta họa lại trong cuộc đời của chính mình là Đức Giêsu Kitô. Nhưng người Kitô không chỉ sống như Đức Kitô, mà còn sống bằng chính Đức Kitô. Họa lại Đức Kitô cũng có nghĩa là để cho Đức Kitô uốn nắn, tạc vẽ cho đến khi nào chúng ta đạt được tầm mức của Ngài.



24 Tháng Tám

Tách Nước Tràn Đầy

 

Để đả phá sự kiêu ngạo, người Nhật Bản thường kể câu chuyện sau: Có một nhà hiền triết nọ nổi tiếng về sự khôn ngoan và kiến thức. Ai ai cũng tìm đến vấn kế.


Để kiểm chứng điều đó, một hôm có một giáo sư đại học đến xin tiếp kiến nhà hiền triết. Ông trang bị cho mình không biết bao lý lẽ và kiến thức. 


Khi ông giáo sư đại học an tọa trong phòng khách, nhàhiền triết mới đưa một bình trà thật nóng ra tiếp khách .Ông bắt đầu rót nước vào tách của ông giáo sư . Những giọt nước trà nóng hổi không mấy chốc đã tràn ra tách, nhưng nhà hiền triết vẫn điềm nhiên rót tiếp. Nước tràn ra cả khay... Ông giáo sư nhìn nước tràn ra khay rồi nghĩ thầm trong lòng: thì ra con người mà thiên hạ tôn thờ như bậc thánh hiền chỉ là một con người lơ đễnh, bất chấp... Không còn đủ kiên nhẫn nữa, vị giáo sư mới nói lớn: "Thưa ngài tách trà đã đầy tràn, nước đang chảy lai láng ra bên ngoài cả khay kìa".

Lúc bấy giờ nhà hiền triết mới dừng tay lại và nói: "Cũng giống như tách này, đầu óc của ông tràn đầy văn hóa, kiến thức, tư tưởng và những định kiến. Nếu ông không dốc cạn tách trà của ông, thì làm sao tôi có thể nói với ông về triết thuyết của tôi, bởi vì triết thuyết của tôi chỉ dành cho những con người đơn sơ và cởi mở".

Có dốc cạn tâm hồn, có trở nên nghèo nàn, con người mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy. Cái nghịch lý lớn nhất của cuộc đời là khi con người tìm cách lấp đầy tâm hồn mình bằng những của cải chóng qua ở đời này, thì đó cũng là lúc con người cảm thấy trống vắng nhất trong tâm hồn. Trái lại, càng dốc cạn chính mình, càng trở nên nghèo nàn, con người càng được Thiên Chúa lấp đầy, con người càng tìm thấy bình an và hạnh phúc đích thực.

 

25 Tháng Tám

Giấc Mơ Của Một Thi Sĩ

 

Thi sĩ Sully Prudhomme, người Pháp đã có lần tưởng tượng ra một giấc mơ như sau:



Ông mơ thấy một nhà nông bảo ông hãy cầm cày lấy đất, trồng lấy lúa, gặt lấy thóc, làm lấy gạo mà ăn. Ông mơ thấy người thợ dệt bảo ông hãy đánh lấy chỉ, dệt lấy áo mà mặc. Ông mơ thấy người thợ nề bảo ông hòa lấy vữa, xây lấy nhà mà ở. Còn gì nữa? Ông đã thấy mọi người bỏ ông, xa lánh ông, để ông trơ trọi với cảnh vật. Ông kinh hãi. Ông kêu cầu, khẩn hứa nhưng chỉ thấy mãnh thú xuất hiện trên đường.

Có lẽ không có bao nhiêu người đã mơ giấc mơ nói trên. Nhưng chắc chắn nhiều người chỉ nghĩ đến mình, tưởng rằng một mình có thể sống giữa vũ trụ, không cần đến ai, không cần ai giúp đỡ.

Không ai là một hòn đảo. Chúng ta đều bị ràng buộc với mọi người, chúng ta đổi công việc của chúng ta với công việc của người khác, chúng ta phụng sự người vì người đã phụng sự chúng ta.

Nhưng chúng ta không chỉ sống trong tình liên đới về mặt vật chất. Con người còn liên đới nhau về mặt hạnh phúc và đau khổ. Không ai hạnh phúc một mình và không ai một mình có thể chịu nổi sự đau khổ. Nhờ người, ta mới vui và nhờ người, ta mới trút bớt những cơ cực của ta. Thế giới này quá nặng khiến một người có thể mang nổi và sự khổ cực của vũ trụ quá lớn cho một trái tim.

 

26 Tháng Tám

Gia Đình Là Nền Tảng Của Vũ Trụ

 

Án Tử, người nước Tề, nổi tiếng là một người thanh liêm và thủy chung. Xuất thân từ một gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh buôn tảo bán tần để nuôi ăn học. Đỗ đạt làm quan, Án Tử không bao giờ quên ơn ấy của vợ. Cuộc sống đầy cạm bẫy, ông vẫn một mực trung thành với vợ.



Một hôm vua Cảnh Công đến thăm ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà đã già xuất hiện trong bữa tiệc. Khi Án Tử vừa giới thiệu người đàn bà đó là vợ mình, nhà vua ngạc nhiên đến sửng sốt. Ông đề nghị với Án Tử: "Ôi vợ khanh trông vừa già lại vừa xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?".

Án Tử liền trả lời một cách dứt khoát, không chút do dự: "Nội tử của tôi nay thật già và xấu. Nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau bao lâu nay, kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc còn trẻ cốt để nhờ cậy lúc già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi cũng như tôi đã từng nhận sự giúp đỡ của nội tử tôi. Nay, bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi phải mang tiếng là ăn ở bội bạc với nội tử của tôi".

Nói xong Án Tử lạy hai lạy, xin từ chối không lấy con gái của nhà vua.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Con người chỉ có thể sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Trong cái nhìn Kitô, thì gia đình là một Giáo Hội nhỏ trong đó đức tin được thông ban và trưởng thành.

Nền tảng để gia đình được đứng vững đó là Tình Yêu. Nhưng Tình Yêu không là một cái có sẵn, mà là một giá trị luôn đòi hỏi sự xây dựng và vun xới của con người... Một gia đình hạnh phúc hay không, tất cả đều tùy thuộc ở sự phấn đấu xây dựng từng ngày của con người.

Hai cử chỉ dường như được gắn liền với nhau trong chuyến viếng thăm quê hương dạo tháng 5/1987 của Đức Gioan Phaolii II, đó là: viếng mộ song thân và cử hành Thánh Lễ đặc biệt cho các đôi vợ chồng.

Cây tốt thường sinh trái tốt: con người của Đức Gioan Phaolô II là hoa trái Tình Yêu của cha mẹ ngài. Viếng mộ của song thân, Đức Thánh Cha không những nói lên niềm tri ân của ngài đối với bậc sinh thành, nhưng ngài còn muốn đề cao giá trị của đời sống hôn nhân.

Giữa đời thời đại mà đời sống hôn nhân và gia đình bị lay động đến tận gốc rễ, Đức Thánh Cha muốn gióng lên một tiếng kêu vô cùng thảm thiết: hãy trung thành với nhau.

Trong Thánh Lễ cầu nguyện cho gia đình, qua đó các đôi vợ chồng hiện diện được mời gọi lập lại lời thề hứa trong hôn phối, Đức Thánh Cha đã lập lại ý nghĩa và giá trị của Bí Tích Hôn Phối. Ngài nói như sau: "Khi quỳ gối trước bàn thờ trong ngày cưới, các đôi vợ chồng đã thề hứa với nhau cho đến cùng. Họ thề hứa với nhau như thế trước mặt Thiên Chúa. Lời cam kết này phản ánh chính lời hứa của Chúa Giêsu rằng Ngài yêu họ và yêu cho đến cùng".

"Tôi hứa sẽ giữ trung thủy với em khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời tôi".

Khi tuyên hứa với nhau như thế, hai người đã lập lại chính cam kết của Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng.

Yêu cho đến cùng nghĩa là chấp nhận cái chết từng ngày. Tình yêu hôn nhân là một hạt giống: có được chôn vùi, có mục nát đi mới sinh hoa kết trái. Luật của đời sống hôn nhân chính là luật của hy sinh, của chiến đấu, của chính sự chết. Nhưng cũng chính khi con người biết chối bỏ chính mình bằng hy sinh, con người sẽ gặp lại chính mình trong người khác... Đó là lẽ sống mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta.

 

27 Tháng Tám

Ăn Cắp Lửa Trời

 

Thần thoại Hy Lạp có kể lại câu chuyện của thần Prométhée ăn cắp lửu trời để sáng tạo con người.



Theo óc tưởng tượng của người Hy Lạp, Thiên Triều do thần Zeus cai trị gồm có hai loại thần: các đại thần và tiểu thần. Tiểu thần là các vị thần đã bị nhóm các vị thần trung thành với Ngọc Hoàng Zeus đánh đổ... Trong số các tiểu thần thất sủng ấy, Prométhée là vị thần duy nhất vẫn còn được Ngọc Hoàng Zeus tín nhiệm nên ban cho quyền tạo dựng con người và súc vật trên mặt đất.

Ngày nọ, Prométhée và em của mình đã thí nghiệm khảt năng sáng tạo của họ. Họ dùng mọi yếu tố trên trần gian để nhào nặn nên con người... Thế nhưng, giống người mà họ tạo nên vẫn chết cứng bởi vì còn thiếu lửa. Nhưng lửa thì chỉ có các vị đại thần trên thiên triều mới nắm giữ. Thế là Prométhée đã lén đến lò rèn của thần Hephetus để đánh cắp lửa thiêng. Lửa ăn cắp từ thiên triều đx lan tràn khắp mặt đất làm cho con người được sưởi ấm và hân hoan.

Ngọc Hoàng Zeus đã hay biết mọi chuyện. Ông nổi giận lôi đình và cho sấm sét đến lay chuyển cả mặt đất... Vì tội ăn cắp lửa trời, nên Prométhée đã bị Zeus cho trói vào một ngọn núi cao, mỗi ngày diều hâu đến mổ vào gan của ông.

Huyền thoại Prométhée trên đây như muốn nói lên sự khao khát vô tận và khả năng khoa học gần như không giới hạn của con người... Khả năng đó là một thể hiện của chính hình ảnh Thiên Chúa khắc ghi vào con người... Khả năng sáng tạo đó cũng nói lên phẩm giá siêu việt của con người... Khả năng sáng tạo đó, Thiên Chúa phú bẩm cho con người là để phục vụ phẩm giá con người hay để hủy hoại nó? Đó là câu hỏi đang được đặt ra cho con người của thời đại chúng ta.

Có nhiều người chủ trương rằng do tiến hóa, con người bởi loài khỉ mà ra. Đứng trên phương diện khoa học thì giả thuyết đó không phải là một điều tưởng tượng... Tuy nhiên, một thách đố có thể đặt ra cho con người là: liệu có thể có một tiến trình ngược lại theo đó con người có trở thành khỉ không?

Cách đây không lâu, ông Chiarelli, một giáo sư nhân chủng học tại đại học Firenze bên Italia đã đề nghị cho khỉ cái được thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người nam. Giống sinh vật do sự lai giống này sinh ra sẽ là một con vật nửa người nửa khỉ. Mục đích được tạo dựng của giống sinh vật này là để dùng vào các công tác tạp dịch hoặc để lấy các cơ phận của nó ghép vào các bệnh nhân.

Vấn đề được đặt ra là: giống sinh vật nửa người nửa khỉ này nếu dùng được ngôn ngữ của con người, nó sẽ xưng hô thế nào với người cho tinh trùng từ đó nó được thụ thai? Dù muốn dù không, không ai có thể chối bỏ được phụ tính của người đàn ông cho tinh trùng. Nói một cách nôm na, giống sinh vật nửa người nửa khỉ này là con của ông, nó có quyền gọi ông là cha... Vậy thì, có người cha nào muốn dùng con mình vào những cuộc thử nghiệm không? Có người cha nào muốn biết con của mình thành một con thú hay không?

Đặt câu hỏi như thế không phải là xa vời, bởi vì dưới ánh mặt trời này, khi con người chối bỏ lẫn nhau, khi con người không còn biết nhìn nhận phẩm giá siêu việt của người khác, thì chuyện gì xem ra cũng có thể xảy đến... Hitler đã giết hại 6 triệu người Do Thái, Polpot đã tiêu diệt gần 2 triệu đồng bào ruột thịt của mình. Cả hai đều xây dựng trên một lý thuyết: con người chỉ là một con vật!

Câu chuyện khoa học trên đây có quá xa vời với chúng ta không? Dù trong nghiên cứu khoa học, trong các hoạt động chính trị hay trong các giao tế hằng ngày: vấn đề vẫn giống nhau. Mỗi khi con người chối bỏ phẩm giá của người khác là lúc con người cũng muốn biến người đó thành một loài khỉ và dĩ nhiên theo một thứ luận lý rất chặt chẽ, con người cũng tự nhận mình là khỉ.

 

28 Tháng Tám

Con Yêu Chúa Quá Muộn Màng

 

"Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Ôi vẻ đẹp của ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung.



Con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở bên trong tâm hồn, còn con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó.

Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong Chúa. Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa.

Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn tiếng kêu gọi con, Chúa đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con.

Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối dày đặc nơi con.

Chúa thở ra hơi thơm ngào ngạt, con hít vào và con khao khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con luôn cảm thấy nung nấu được hưởng sự bình an của Chúa".

Trên đây là một đoạn trong quyển "Tự Thú" của thánh Augustinô, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay. Sau khi ăn năn trở lại, ngài đã nhận lãnh Phép Rửa vào năm 33 tuổi, chỉ sau đó 3 năm ngài được phong chức linh mục, 5 năm sau đó được đề cử làm giám mục thành Hippone.

Duyệt qua cuộc sống của thánh Augustinô, chúng ta có thể nói: Ngài là một tội nhân đã trở thành thánh nhân nhờ được Thiên Chúa đến gõ cửa lòng bằng câu nói mạnh mẽ của thánh Phaolô: "Đừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô, nhưng hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô".

Và kể từ đó, có thể nói được là Tình Yêu Thiên Chúa không bao giờ buông tha ngài, trái lại tạo trong tâm hồn ngài một sự khắc khoải và khao khát để đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa.

Ngoài lời mời gọi và thôi thúc của Tình Yêu Thiên Chúa, quãng đầu cuộc đời của Augustinô, một tội nhân trở thành thánh nhân, có lẽ được vẽ lại bằng những nét chấm phá và những bàn tay cộng tác với ơn Chúa trong việc hoán cải như sau:

Trước tiên, cường độ của sức sống nơi ngài trên con đường thụt lùi xa lìa Thiên Chúa cũng như cường độ mãnh liệt hơn của sức sống ấy trên con đường tiến về Thiên Chúa.

Tiếp đến, những dòng nước mắt sầu đau và những kinh nguyện thành tâm của mẹ ngài, bà thánh Mônica dâng lên Thiên Chúa trong kiên tâm, bền chí ròng rã bao năm trời.

Và sau cùng là sự hướng dẫn tận tình của thánh Giám Mục Ambrôsiô.

Tất cả những yếu tố trên cộng lại đã giúp chuyển tình yêu cuộc sống thành một cuộc sống cho và vì Tình Yêu, như thánh nhân đã tự thú trong đoạn sách được trích dẫn ở trên: "Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ, ôi vẻ đẹp của ngàn xưa, nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung".

29 Tháng Tám

Cái Chết Của Một Tiên Tri

 

Qua lệnh truyền của một bạo chúa, một chiếc gươm gieo, một chiếc đầu rơi trong ngục tối. Đó là những diễn tiến đã kết thúc cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, một biến cố mà Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm hôm nay.



Chúng ta đã thấy một lời thề thiếu khôn ngoan, một quan niệm thiển cận về danh dự của một bạo chúa cũng như lòng hận thù của một hoàng hậu lăng loàn đã đưa Gioan Tẩy Giả vào cái chết. Nhưng đây là cái chết đã nâng ngài lên cao trên đài danh vọng, danh vọng của các vị tiên tri đích thực, vì Gioan cũng bị đau khổ, giam cầm và chết vì lời mình rao giảng.
Gioan Tẩy Giả cũng đã tự ví mình là "tiếng kêu trong xa mạc: Hãy dọn đường lối cho ngay thẳng" và ngài đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng và làm Phép Rửa thống hối. Tích cực vì ngài đã dám vạch mặt chỉ tên những vấp phạm của tất cả mọi người, không nể nang, không khiếp sợ, kể cả những tội lỗi của các vua chúa là những người nắm toàn quyền sanh sát thời bấy giờ, cụ thể là tội loạn luân của vua Hêrôđê và hoàng hậu Hêrôđiađê.


Qua đó, Gioan Tẩy Giả đã sống để nói lên sự thật và đã chết để bảo vệ sự thật: sự thật về hiện tình của xã hội, sự thật về thực trạng của từng cá nhân và sự thật về chính mình. Gioan tuyên bố rõ ràng ngài không phải là Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ là người được kêu gọi để đóng vai trò Tiền Hô chuẩn bị cho ngày Đấng Cứu Tinh sẽ đến.

Mọi Kitô hữu chúng ta cũng được kêu mời để đáp lại tiếng gọi. Và mặc dù không ai có thể tái diễn vai trò của thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng mọi Kitô hữu phải tiếp diễn sứ mệnh của ngài trong mọi hoàn cảnh mình đang sống. Đó là sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.

 

30 Tháng Tám

Ban Phát Không Ngừng

 

Trong một câu chuyện ngắn, văn hào Tolstoi của Nga đã ghi lại mẩu đối thoại của 3 người khách bộ hành như sau:



Mệt mỏi vì đường xa, ba người bộ hành đã dừng lại nghỉ chân bên một dòng suối trong vắt. Trong những giây phút thoải mái bên cạnh dòng suối, mỗi người mới phát biểu về lợi ích của nó.

Người thứ nhất lên tiếng: "Còn gì sung sướng bằng gặp được một dòng suối mát bên vệ đường! Nước suối trong vắt không những làm cho chúng ta được tươi mát, nhưng còn mời gọi chúng ta sống thành thật với nhau".

Người bộ hành thứ hai góp ý: "Dòng suối chảy như không ngừng muốn nói với tôi: Hỡi loài ngơừi, hãy làm việc! Hãy làm việc không ngừng để làm cho thế giới được tốt đẹp hơn".

Người bộ hành thứ ba, sau một phút trầm ngâm, mới thốt lên: "Những gì các bạn vừa phát biểu đều đúng cả. Nhưng còn có một điều quan trọng hơn nữa mà tôi muốn chia sẻ cho các bạn. Các bạn hãy nhìn kìa, dòng suối này chảy không ngừng. Nó ban phát không ngừng, nó ban phát cho tất cả mọi người mà không đòi hỏi một sự đáp trả nào... Mỗi người chúng ta hãy sống cao thượng như thế".

Sự sống đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho chúng ta sức sống của Ngài, Tình Yêu của Ngài, mà không đòi hỏi một điều kiện nào nơi chúng ta.

Thiên Chúa chỉ muốn thông ban, Thiên Chúa chỉ muốn san sẻ và Ngài chờ đợi chúng ta cũng sống như thế. Nguồn suối đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta, nhờ đó chúng ta được sống một cách tươi mát, luôn mời gọi chúng ta cũng hãy ban phát không ngừng.

Thánh Thần là ân ban của Thiên Chúa... Người Kitô nhận lãnh Thánh Thần cũng hãy trở thành ân ban của Thiên Chúa cho người khác. Càng trao ban, càng phân phát, người Kitô càng tìm gặp lại chính mình.

 

31 Tháng Tám

Ốc Đảo Hòa Bình

 

Cách Giêrusalem khoảng 30 cây số, một số người Do Thái và Ả Rập đã tình nguyện sống chung với nhau trong một ngôi làng mà người Do Thái gọi là Nevé Shalom, còn người Ả Rập thì gọi là Wahat as Salam: cả hai tiếng đều có nghĩa là "Ốc đảo hòa bình".



Năm 1978, khi mới thành lập, ngôi làng Hòa Bình này chỉ có một gia đình. Một năm sau, con số đó lên đến năm và hiện nay, có tất cả 15 gia đình vừa Do Thái vừa Ả Rập chung sống với nhau. Tổng cộng dân số của ngôi làng Hòa Bình này hiện nay là 70 người. Tất cả đều đeo đuổi một mục đích chung là minh chứng rằng người Do Thái và người Ả Rập có thể sống chung với nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Người sáng lập ngôi làng này là cha Bruno Hussar, một linh mục công giáo năm nay 78 tuổi. Cha ngài là một người Pháp gốc Do Thái và mẹ ngài là một người Hungary cũng gốc Do Thái. Cả hai đều là những người Do Thái khổ đạo. Năm lên 22 tuổi, ngài đã trở lại công giáo và xin tu trong viện Đaminh. Cha Bruno Hussar tuyên bố với tất cả xác tín như sau: "Trong Kinh Thánh người ta đọc được lời này: Dân Ta sống trong một ốc đảo hòa bình. Cố gắng cảm thông là điều có thể làm cho những người Do Thái và Ả Rập xích lại gần nhau, cũng như chính những người Kitô có thể đến gần với những người Hồi Giáo và vô thần".

Ước vọng của các phụ huynh của 33 trẻ em sinh ra trong ngôi làng Hòa Bình này là thấy chúng được giáo dục chung với nhau. Do đó, họ đã cho xây một vườn trẻ chung, một trường mẫu giáo chung, một trường tiểu học chung, nơi đó các trẻ em Do Thái và Ả Rập đều có thể nói một lúc hai thứ tiếng. Một người cộng tác viên của cha Bruno cho biết như sau: "Ngay từ lúc nhỏ, các trẻ em đã có thể làm quen với hai nền văn hóa một lúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là các em sẽ đánh mất nền văn hóa của mình, trái lại càng ý thức về nguồn gốc của mình cũng như càng tôn trọng người khác".

Để bảo tồn văn hóa của mình, các gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này cũng xây nhà theo sở thích của họ. Nhưng những căn nhà này không thuộc quyền sở hữu của họ. Tất cả đều chọn lựa sống một cuộc sống gần như tập thể: tuy trình độ khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều đồng ý một mức lương giống nhau. Mỗi ngày, mọi dân cư trong ngôi làng này dùng điểm tâm và ăn trưa chung với nhau.

Người phụ tá của cha Bruno Hussar nói rằng: "Ngồi đồng bàn để nói chuyện với nhau thay vì giữ những thành kiến riêng, điều đó giúp thay đổi thái độ rất nhiều".

Cũng như trong tinh thần đó, từ 10 năm qua, 15 gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này đã tổ chức được rất nhiều cuộc gặp gỡ cho giới trẻ Do Thái và Ả Rập. Người ta cũng đã nghĩ đến một nhà cầu nguyện chung, chung không những cho người Do Thái và Ả Rập, mà còn chung cho những người không tín ngưỡng nữa...

Thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối... Những người dân cư trong ngôi làng Hòa Bình trên đây, hẳn đã thấy được vết dầu loang của Hòa Bình mà họ đã tung ra. Một ánh lửa được đốt lên sẽ không bao giờ tàn lụi một cách vô ích. Nó sẽ lan ra và khơi dậy những ngọn lửa mới.

Tình yêu là điều có thể có giữa con người. Hòa bình là điều mà con người có thể xây dựng nếu con người biết tin tưởng nhau, biết chấp nhận nhau, biết tôn trọng sự khác biệt của nhau...

Trong phạm vi nhỏ bé của một tổ, của một khu phố, của một xóm làng, liệu những người Kitô chúng ta có thể xây dựng được một ngôi làng Hòa Bình với nhau không?...



 

tải về 217.12 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương