Kinh tì-kheo na-tiên càn Long Đại Tạng Kinh Quyển 108, trang 706-753 Thiện Nhựt phỏng dịch và tìm hiểu Nguồn



tải về 1.4 Mb.
trang31/59
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích1.4 Mb.
#19794
1   ...   27   28   29   30   31   32   33   34   ...   59

101.- Na-Tiên đắc quả A-la-hán .


Năm mười sáu tuổi, Na-Tiên thọ giới Sa-di với người cậu là vị sa-môn tên Lâu-Hán; vị nầy đã đắc được đạo-quả A-la-hán. Na-Tiên học thông Kinh-Kệ, giữ-gìn Giới-luật thanh-tịnh, đến năm 20 tưổi được thọ giới Đại-Sa-môn. Vào ngày Rằm, Na-Tiên đến chùa Hoà-Thiền-Tự để dự lễ Bố-tát, đọc tụng Kinh-Giới. Vị Thượng-Tọa trụ-trì nhận thấy Na-Tiên qùi giữa các vị Tì-kheo đều đã đắc quả A-la-hán, thuyết Kinh thí-dụ, giữa các hột gạo trắng có lộn hột gạo đen, đó là Na-Tiên, còn chưa đắc quả A-la-hán. Na-Tiên buồn rầu, cúi lạy xin sám-hối và đi ra khỏi chùa.

Na-Tiên lại theo học với Sư Ca-Duy-Viết, là một thiền-sư hơn tám mươi tuổi, tánh rất nghiêm-khắc. Buổi sáng, Na-Tiên mang bình bát của Sư-phụ đi đến nhà một cư-sĩ thường hay cúng-dường thực-phẩm cho chư Tăng. Sư Ca-Duy-Viết ra lịnh cho Na-Tiên phải ngậm một ngụm nước mặn trong khi đến nhà vị cư-sĩ đó. Đến nơi, vị cư-sĩ dâng hiến thực-phẩm quí-giá. Thể theo lời yêu-cầu của vị cư-sĩ, Na-Tiên thuyết kinh cho nghe, như thế là Na-Tiên phạm điều cấm-đoán của Sư Ca-Duy-Viết, vì phải nhổ ngụm nước mặn ra để nói Pháp. Sau thời Pháp, cả hai, người nói lẫn người nghe, đều chứng quả Tu-đà-huờn. Trở về chùa, Na-Tiên bị trục-xuất vì vi-phạm giới cấm của Thầy, mặc dầu thuyết-pháp thành-công có hiệu-quả lớn. Na-Tiên lạy Thầy, rời chùa, lên non, ẩn tu. Chẳng bao lâu, nhờ tinh-tấn hành Thiền, Na-Tiên chứng quả A-la-hán, đắc được các thần-thông.

Na-Tiên trở lại chùa Hoà-Thiền-Tự, với tư-cách A-la-hán, lạy sám-hối với chư Tăng; rồi ra đi, châu-du khắp nơi để giảng-dạy Kinh-Pháp. Chẳng bao lâu, danh-tiếng của Na-Tiên vang dội gần xa; biện-tài luận-đàm được mọi người kính-phục; đệ-tử theo học Đạo rất đông-đảo, có nhiều vị nhờ đó mà đắc được các Thánh-quả. (Xin xem các tiểu-mục số 005, 006, 007, 008)

*

102.- Sa-môn Dã-Hoà-La bị vua Di-Lan hỏi bí .


Vua Di-Lan cai-trị nước Xá-Kiệt (Pali: Sàgalà) rất giàu-có, đất-đai phì-nhiêu, dân-chúng hiền-lành, việc buôn-bán rất thạnh-vượng. Nhà Vua tuổi trẻ tài cao, văn-võ tinh-thông, thường bàn-luận về các Kinh-kệ ngoại-đạo đủ loại. 

Một hôm, nhơn đi du-ngoạn ra ngoài thành, Đức Vua thấy còn sớm, muốn tìm một bực tu-hành đắc đạo để thưa hỏi về các Kinh cao và khó. Các quan mời Vua đến gặp vị sa-môn Dã-Hoà-La được nổi tiếng là bực có đức-hạnh cao. Vua hỏi vị sa-môn:

- Vì sao Khanh cạo râu, cắt tóc, rời bỏ gia-đình đi tu? Khanh theo đạo nào?

- Tôi học hạnh trung-chánh của đạo Phật, đời nầy được phước, đời sau cũng được phước. Vì lẽ đó, tôi xuống tóc, cạo râu, rời bỏ gia-đình, đi tu làm sa-môn. 

- Các người còn mặc áo trắng, tu tại-gia mà theo đúng hạnh trung-chánh đó, có được phước đời nầy và đời sau không? 

- Các người tu tại nhà, theo đúng hạnh trung-chánh của đạo Phật, cũng được phước ấy trong đời nầy và cả về đời sau. 

- Thế thì, tại sao Khanh lại bỏ cả gia-đình đi tu? 

Sa-môn Dã-Hoà-La im lặng, trả lời chẳng được. Các quan hầu-cận liền nói: ''Đức Vua đắc-thắng. Nhà Vua đã thắng vị đạo-nhơn.'' 

Nhà Vua có vẻ tự-mãn, quay lại hỏi các quan: 

- Còn có vị sa-môn nào khác đủ sức cùng Ta đối-đáp về các Kinh cao và khó chăng? 

Viên quan hầu-cận tên Triêm-Di-Lợi tâu:

- Có một vị Tì-kheo tên là Na-Tiên, vừa đến nước Xá-Kiệt nầy, nổi tiếng là thông-đạt các Kinh-Kệ của Đức Phật, giải-đáp mọi nghi-ngờ rất thông-suốt, có thể cùng nhà Vua bàn-luận về các Kinh cao và khó. 

Vua liền sai Triêm đi thỉnh Tì-kheo Na-Tiên đến hội-kiến.

(Xin xem lại các tiểu-mục số 009, 010, 011).

Trước khi kể tiếp, Thiện Nhựt xin mở ngoặc để tìm hiểu thêm về hạnh trung-chánh mà Sa-môn Dã-Hoà-La nói đến. Hạnh, còn đọc là hành, nghĩa là làm; chữ đức-hạnh có nghĩa là lối-sống, là hạnh-kiểm, đứng-đắn, theo con đường lành; chữ giới-hạnh có nghĩa là đời- sống đúng theo giới-luật nhà Phật, tránh mọi điều răn-cấm. Trung-chánh có nghiã: trung là ở thẳng ngay chính giữa, chẳng nghiêng qua hai bên, chánh là chơn-chánh, ngay-thẳng, đứng-đắn.

Hạnh trung-chánh được nói ở đây tức là lối sống theo đúng với Giới-luật do Đức Phật đặt ra: Ngũ Giới cho người tu tại nhà, Cụ-túc-giới cho các tì-kheo và tì-kheo-ni tu trong chùa. Nhưng, theo sự suy-đoán của Thiện-Nhựt, có lẽ dịch-giả bản Hán-văn đã dùng ba chữ hạnh trung-chánh để nói đến con đường Trung-Đạo và cả Bát-Chánh-Đạo ghi trong bản Kinh Chuyển-Pháp-Luân, là bản Kinh đầu-tiên của Đức Phật thuyết-giảng tại vườn Lộc-Uyển. Con đường Trung-Đạo là con đường ở giữa, chẳng nghiêng qua bên tham-muốn các lợi-dưỡng, các thú vui vật-chất, mà cũng chẳng ngã sang bên tu-hành ép-xác. Thực-hiện con đường Trung-Đạo đó, thì phải theo đúng tám ngành của Bát-Chánh-Đạo. Bát-Chánh-Đạo gồm có: (1) chánh-kiến, sự thấy-biết chơn-chánh (2) chánh tư-duy, sự suy-nghĩ đứng-đắn; (3) chánh-ngữ, lời nói ngay thật; (4) chánh mạng, lối mưu-sanh đúng-đắn với nghề-nghiệp chơn-chánh; (5) chánh nghiệp, giữ gìn thân-nghiệp chẳng làm quấy, khẩu-nghiệp nói lời chơn-chánh; ý-nghiệp suy-tư đứng-đắn; (6) chánh tinh-tấn, nỗ-lực làm điều thiện hơn thêm lên; (7) chánh-niệm, biết giữ-gìn tư-tưởng trong tâm thanh-tịnh; và (8) chánh-định, tâm-ý an-trụ đứng-đắn.

Xin đóng dấu ngoặc lại và kể tiếp.

*

103.- Vua Di-Lan thử-thách Tì-kheo Na-Tiên .


Khi quan Triêm-Di-Lợi đến mời, Na-Tiên liền cùng chư tì-kheo tới nơi vua đang ngự. Từ xa, nhìn đoàn tì-kheo di-chuyển, nhà Vua trông thấy một vị sa-môn đi đứng trang-nghiêm, thân-tướng đẹp-đẽ, đoán ngay đó là Na-Tiên. Triêm-Di-Lợi đến gần bên Vua, tâu rằng, vị tì-kheo Na-Tiên vừa đến, và chỉ ngay chính người mà Đức Vua dự-đoán là Na-Tiên. Lòng Vua rất mừng, nhưng tâm ngài lại cảm thấy xao-xuyến. Ngài tự nghĩ: ''Tâm ta đang bàng-hoàng trước mặt Na-Tiên, chắc là Na-Tiên sẽ thắng ta.''

Sau khi xưng tên và các lời thăm hỏi xã-giao, cuộc đàm-luận bắt đầu. Vua Di-Lan liền dùng một câu hỏi khó, hỏi Na-Tiên:

- Na-Tiên! Ai là Na-Tiên? Đầu, mắt, tai... là Na-Tiên chăng?

Mỗi câu vua hỏi, Na-Tiên đều đáp:

- Chẳng phải là Na-Tiên.

(Để tránh sự trùng-điệp với Phần Phỏng-dịch, tại đây, Thiện Nhựt chẳng thuật lại đầy-đủ các chi-tiết hỏi và đáp giữa hai người, xin độc-giả chịu phiền xem lại tiểu-mục số 013, Phần Phỏng-dịch).

Rồi Na-Tiên hỏi ngược lại Đức Vua:

- Xe là gì? Trục xe, vành bánh xe, căm xe... có phải là xe chăng? 

Mỗi câu Na-Tiên hỏi về các bộ-phận của chiếc xe, Vua đều trả lời:

- Chẳng phải là xe. 

Na-Tiên liền hỏi câu chót:

- Vậy cái gì mới thật là xe?

Đức Vua im lặng, chẳng đáp được.

Na-Tiên liền kết-luận bằng cách trích-dẫn một đoạn Kinh Phật, hiệp-tụ các bộ-phận (...) đó lại, là nguyên-nhân để có được chiếc xe; con người cũng vậy, hễ hiệp-tụ các bộ-phận trong thân-tâm lại thì thành ra con người, được đặt tên để gọi là Na-Tiên. 

Vua khen: ''Lành thay! Lành thay!''

Nhà Vua lại hỏi một câu rất khó, để thử-thách sự lanh-trí của Na-Tiên. Vua nói:

- Ta có điều muốn hỏi.

- Xin Đại-Vương cứ hỏi. 

- Ta đã hỏi xong. 

- Tôi cũng đã đáp xong. 

- Đáp những gì đâu? 

- Đại-Vương hỏi tôi những gì đâu? 

Đến đây, Thiện Nhựt lại xin ngưng việc tóm-tắt bản Phỏng-dịch, và một lần nữa, xin mở dấu ngoặc để nêu lên chỗ Vua Di-Lan đã thử-thách Na-Tiên về những điểm nào.

Trước nhứt là câu hỏi: Ai là Na-Tiên? Nghĩa sâu-kín của câu hỏi đó là: Vậy chớ cái gì mới thật là Na-Tiên? Bản-chất của con người là gì? Nơi thân-tâm con người, có cái gì là cái Ta, là bản-ngã không? Hoặc nói theo những người còn mê-tín, trong thân-tâm nầy, có cái linh-hồn tồn-tại mãi qua thời-gian chăng? 

Các câu trả lời của Na-Tiên, cùng lời kết-luận trích dẫn Kinh Phật đều qui về một vấn-đề căn-bản của Giáo-lý nhà Phật: lý vô-ngã, trong thân-tâm con người chẳng hề có cái Ta, chẳng hề có cái bản-ngã. Tuy Na-Tiên chẳng nói rõ ra, nhưng ta biết thân-tâm con người chỉ là sự tập-hợp của năm uẩn: sắc-uẩn là phần vật-chất, gọi là thân, và bốn uẩn kia, thọ, tưởng, hành, thức- uẩn thuộc về phần tinh-thần, tức là tâm. Chẳng hề thấy trong thân-tâm nầy, đâu là ông chủ gọi là Ta, đâu là linh-hồn, gọi là phần hồn của Ta cả, chỉ có các uẩn tập-hợp lại mà thôi. Đó là lý-lẽ vững-chắc chứng-minh Chơn-lý vô-ngã của Phật-học. 

Na-Tiên đã vượt qua dễ-dàng chỗ Vua thử-thách bằng cách hỏi ngược lại: Xe là gì? Cái gì trong xe là xe? Vua chẳng trả lời được, như thế Na-Tiên đã thắng. Rất tiếc, nhà Vua chẳng hỏi thêm chi-tiết về lý vô-ngã nữa, để chúng ta được dịp học-hỏi về cách Na-Tiên giải các mối nghi-ngại còn sót lại về Chơn-Lý quan-trọng nầy.

Nhưng nhà Vua lại đưa ra thêm một câu hỏi rất khó, nếu ai mà lớ-quớ, chẳng nhanh-trí như Na-Tiên, thì liền lọt vào cạm-bẫy ngay. Hỏi mà chẳng nêu câu hỏi là hỏi làm sao? Đáp mà chẳng nói ra lời, là đáp cách nào? Vua và Na-Tiên đang so gươm trí-huệ với nhau đấy! 

Nhà Vua muốn hỏi Na-Tiên mà chẳng nêu câu hỏi lên, tức là Nhà Vua muốn hỏi gì? Hai đằng hiện đang bàn-luận về giáo-pháp, thế thì câu Nhà Vua muốn hỏi là câu hỏi thuộc về Pháp (Dharma, giáo-pháp) chớ gì. Tại sao Vua lại chẳng nói đó là câu hỏi về Pháp. Bởi lý-lẽ rất cao-siêu là Pháp vốn Không, tức là Pháp vốn rỗng-rang, chẳng chứa đựng gì, chẳng dính mắc gì, chẳng có hình-tướng gì, thì làm sao diễn-tả ra bằng lời nói được. Nếu có nói ra câu hỏi về Pháp, tức là mặc-nhiên phủ-nhận tánh-chất rỗng-rang của Pháp rồi, đâu nêu lên được chỗ Pháp-Không trong giáo-lý, lại còn khoác thêm cho Pháp một hình-tướng ngôn-từ.

Na-Tiên quả là nhanh-trí, biết ngay chỗ ẩn-ý của nhà Vua, nên mới đáp là, đã đáp xong, mà chẳng nêu rõ là đáp những gì. Nếu Na-Tiên vô-tình hỏi lại Vua, Vua vừa nói: đã hỏi rồi, là hỏi gì đâu? thì Na-Tiên liền rơi vào cạm-bẫy của Vua, chờ đợi một câu hỏi về Pháp bằng ngôn-từ. Pháp vốn là Không, sao diễn ra bằng hình-tướng của lời nói để hỏi thành câu hỏi, hóa ra còn chưa hiểu được điểm giáo-lý rất quan-trọng nầy của nhà Phật sao?

Trở lại câu hỏi đầu-tiên Ai là Na-Tiên? Y-nghĩa sâu-xa của tiểu-mục số 013, là vấn-đề Ngã-không, trong Giáo-Lý Nam-Tông. Câu hỏi của Vua và cách đáp của Na-Tiên ở tiểu-mục số 015, liên-quan đến vấn-đề Pháp-không, trong Giáo-lý Bắc-Tông. Cả hai vấn-đề khó-khăn nầy đều được Na-Tiên vượt qua một cách xuất-sắc. Và xuất-sắc hơn nữa là tác-giả quyển Tì-kheo Na-Tiên nầy, đã trình-bày hai vấn-đề cực-kỳ tế-nhị ấy dưới hình-thức hết sức đơn-giản, dễ hiểu và đầy hứng-thú! 

*



tải về 1.4 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   27   28   29   30   31   32   33   34   ...   59




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương