Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên hiện nay thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc



tải về 171.91 Kb.
trang2/2
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích171.91 Kb.
#30667
1   2

2. Cụ thể lễ hội Tây Thiên

Lễ hội Tây Thiên được thể hiện qua Lễ tế - Lễ rước - Lễ dâng hương vào ngày 15/2 Âm lịch để mọi người đến với Tây Thiên lễ Phật, lễ Mẫu không những cảm nhận được công đức của Quốc Mẫu đối với quê hương đất nước, trong tâm thức bao dung, thánh thiện được hành hương về với Mẹ - Quốc Mẫu được thể hiện qua giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mà còn với ý nghĩa trở về cội nguồn nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam. Với không gian Lễ hội rộng lớn, bao gồm 6 địa điểm chính:

- Đền Thượng - chùa Thượng (Trên sườn núi Thạch Bàn ­lưng chừng núi, cách đền Thõng 6000m).

- Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Trên sườn núi Thạch Bàn, cách đền Thõng 1300m).



        1. - Đền Thõng: Trung tâm Lễ hội (Chân núi Thạch Bàn).

      1. - Đền Mẫu Sinh (Cách đền Thõng 3200 m).

      2. - Đền Mẫu Hoá (Cách đền Thõng 3000 m).

      3. - Đình Sơn Đình (Cách đền Thõng 1200 m).

Cùng với đình Cả xã Tam Quan, đền Chân Suối xã Hồ Sơn và các làng xã vùng chân núi Tam Đảo có đình, đền thờ Quốc Mẫu đều tổ chức lễ hội.

Lễ hội Tây Thiên gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội.

Phần Lễ: Lễ tế - Lễ rước - Lễ dâng hương.

Lễ tế: Tế Quan viên, ban tế xã Đại Đình (Tế chính, làng Trưởng tạo)- Tế Nữ quan, ban tế xã Tam Quan, Hồ Sơn và các ban tế của các làng xã về dự lễ hội. Thành phần Ban tế: Chủ tế (“mệnh quan” hay “mệnh bái”): 1 nguời; Phó chủ tế (bồi tế): 4 người; Chấp sự: 6 người; Thủ hiệu: 2 người; Trống 1 người; chiêng: 1 người; Đông xướng - Tây xướng: 2 người. Tổng số Ban tế có 16 người + 8 người trong đội nhạc (bát âm).

Nội dung tế: Tế “thập bái”.

Lễ vật tế thần gồm xôi, gà, phẩm oản, hoa quả, rượu, thịt...đều do các làng chịu trách nhiệm mua sắm, sửa lễ. (Từ xưa các làng đều có ruộng để cho nhà đền, nhà chùa sử dụng để thu hoa lợi lo việc tế tự).

Nghi thức tế: Dùng 4 chiếu, rải 1 hàng dọc trước nhang án: Chiếu số 1 (chiếu trên cùng) gọi là Chiếu thần vị - nghinh thần, đọc chúc; Chiếu thứ 2 là chiếu chủ tế gọi là Chiếu tế Chủ, ẩm phước thủ tộ; Chiếu thứ 3 gọi là chiếu phục vị; Chiếu thứ 4 gọi là chiếu bồi tế. 2 Bàn xướng: “Đông bình” (rượu) - “Tây quả” (trầu cau).

Chủ tế lên xuống (Thăng đông - Giáng tây) theo phương thức “xuất á”, “nhập ất”. Nghi thức tế bài bản, có bóng dáng buổi chầu trong triều đình xưa (đến thời Lê, các nghi lễ, lễ thức diễn ra ở đình làng trong những ngày lễ hội được coi là tiểu triều đình của làng xã).

Lễ rước: Tổ chức rước kiệu (5 năm 1 lần), tham gia đoàn hành rước sáng 15/2 âm lịch và khởi kiệu từ 3 điểm theo thứ tự như sau:

- Kiệu văn đền Mẫu Sinh: Bài trí trên bành kiệu gồm: mâm ngũ quả, màu sắc theo “ngũ hành”. Thành phần đoàn rước gồm 24 người, 16 nam chân cờ mặc áo nẹp đỏ, quần đen, 8 nữ chân kiệu mặc trang phục dân tộc Sán Dìu.

- Kiệu văn đền Mẫu Hoá: Bài trí trên bành kiệu gồm: Bình nước lấy từ giếng “Mộc dục tỉnh”, theo truyền thuyết trước lúc hoá Mẫu đã tắm gội ở giếng này, nên có tục rước nước tế thần. Giếng này được kè bằng đá ong. Thành phần đoàn rước gồm 24 người với 16 nam chân cờ mặc áo nẹp đỏ, quần đen, 8 nữ chân kiệu mặc trang phục áo dài truyền thống.

- Kiệu bát cống đình Sơn Đình: Đoàn rước, đoàn kiệu bát cống là trung tâm của lễ rước, uy nghi, hoành tráng với ý nghĩa là “Hoá sinh bất diệt”, là sự trường tồn của văn hoá tâm linh của người Việt. Bài trí trên kiệu gồm: Bài vị Thánh, bát hương; hoặc đỉnh hương trầm ở giữa lầu kiệu, hai ngọn đèn hai bên. Thành phần đoàn rước: 64 người (16 nam chân kiệu, trang phục áo rước, 8 nữ đội múa Sênh tiền mặc áo tứ thân, khăn vấn đuôi gà, 8 nam đội nhạc bát âm, trang phục áo the khăn xếp, 32 chân cờ, rước Chấp kích, Bát bửu, trống, chiêng....trang phục áo rước).

Đường hành rước (Độ dài 3200m).

- Khởi kiệu từ đền Mẫu Sinh, đền Mẫu Hoá đến ngã ba chợ Đại Đình - Hội kiệu lần thứ nhất: từ điểm hội kiệu, kiệu đền Mẫu Sinh tiến lên đi đầu, kiệu đền Mẫu Hoá đi tiếp sau (khoảng cách giữa 2 đoàn kiệu là 10m).

- Đoàn hành rước đến đường rẽ vào đình Sơn Đình - Hội kiệu lần thứ 2, từ điểm hội kiệu, kiệu bát cống đình Sơn Đình và đoàn tế Quan viên, tế Nữ quan tiếp vào đoàn rước ở vị trí thứ 3.

- Đoàn rước kiệu đến sân hạ đền Thõng - Hội kiệu lần thứ 3: Kiệu đền Mẫu Sinh tiến lên theo hướng Tây lên sân thượng; Kiệu đền Mẫu Hoá tiến lên theo hướng Đông (Theo nghi thức “Đông bình, Tây quả” khi dâng lễ); Kiệu Bát cống tiến lên trước trung tâm sân thượng, các lễ vật rước lên thượng cung đền Thõng (Theo nhạc rước “Lưu thuỷ - Hành vân”)

Lễ dâng hương tưởng niệm Quốc Mẫu Tây Thiên: Khi đoàn rước kiệu về đến đường tiếp giáp giữa đường rước từ đình Sơn Đình và đường lên Thiền viện Tây Thiên (Ngã 3 cách sân hạ Đền Thõng khoảng 100m). Đoàn đại biểu về dự lễ dâng hương và nhân dân về dự lễ hội tiếp nối sau kiệu bát cống, chứng kiến hội kiệu lần thứ 3 và nghi lễ rước lễ vật lên thượng cung Đền Thõng, với ý nghĩa các thời đại kế tiếp nhau dâng hương tưởng niệm Quốc Mẫu Tây Thiên. Đội hình dâng hương ở vị trí sân hạ đền Thõng theo đội hình Ban tổ chức Lễ hội, để thưởng thức màn sân khấu hoá hình tượng Quốc Mẫu chiêu tập binh mã, luyện quân chống giặc ngoại xâm, rồi trở về núi Tam Đảo...trong không khí trang nghiêm hướng lên sân thượng lắng nghe chúc văn hồi niệm, tưởng nhớ công đức của Quốc Mẫu, sau đó lần lượt vào đền thắp nén tâm hương thành kính.

Phần hội: Trò diễn (cướp cây bông, nấu cơm thi, vật cổ truyền, bú đáo, gói bánh chưng, bánh dầy theo theo truyên thuyết Lang Liêu...); Trò chơi (đu tiên, kéo co, chọi gà, cờ người, múa rồng...); Diễn xướng dân ca, dân vũ (chèo, chầu văn, Soọng cô, Giao duyên, Trống quân...).

Lễ hội Tây Thiên tổ chức từ ngày 13 đến 17/2 âm lịch (hội chính), bao gồm: trò chơi, trò diễn, diễn xướng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ buổi đầu sơ khai thời các Vua Hùng dựng nước, gắn với tín ngưỡng phồn thực và các làn điệu dân ca, dân vũ của người Việt và dân tộc thiểu số Sán Dìu định cư ở chân núi Tam Đảo. Đồng thời tổ chức giao lưu văn nghệ, giao hữu thể thao truyền thống, hiện đại trong phong trào văn hoá - văn nghệ, thể thao Vĩnh Phúc.

Không gian tổ chức Lễ hội: Khu vực đền Thõng theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2000 là 16 ha, năm 2009 UBND tỉnh phê duyệt dự án mở rộng quy hoạch Trung tâm Văn hoá lễ hội Tây Thiên với tổng diện tích 27,736 ha gồm khu vực hành lễ, trình diễn (trò chơi, trò diễn, diễn xướng, dân ca, dân vũ ...), khu vực biểu diễn nghệ thuật, giao hữu thể thao, khu vực văn hoá ẩm thực, dịch vụ văn hoá, khu vực cảnh quan môi trường sinh thái...

Một số trò diễn tiêu biểu:

Các trò diễn trong lễ hội được nhân dân phục dựng lại theo sự tích trong Ngọc phả 18 đời Hùng Vương và các truyền thuyết, truyện kể dân gian ở các làng xã vùng chân núi Tam Đảo.

Hú đáo: Theo tích truyện kể dân gian về người con gái núi Tam Đảo khoẻ mạnh, che thân bằng vỏ cây, làm lều ở trên núi, đi lại nhanh như sóc, nhẹ như tên, thường nhặt đá ném thú rừng và chim muông để sống. Thời đó, giặc Ân sang cướp nước ta, thế giặc rất mạnh, Vua Hùng cho sứ giả đi khắp các vùng, trang động cầu người ra dẹp giặc. Người con gái xuống núi về chầu vua xin được đi đánh giặc, khi ra trận chỉ lấy đá mà ném giết được nhiều giặc ở cửa ngõ thành Phong Châu, ngã ba Hạc (nay là địa phận phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường). Khi tan giặc, người con gái lại trở về núi - Tiên nữ trên núi Tam Đảo (trước khi gặp Hùng Chiêu Vương - vua Hùng thứ 7). Trải hàng ngàn năm, Nữ tướng Lê Ngọc Chinh, thời Hai Bà Trưng đã kế thừa, phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm của Tiên nữ trên núi Tam Đảo, Nữ tướng Ngọc Chinh để thoát khỏi vòng vây đã lấy dải yếm buộc đá chống trả quân Đông Hán (lễ hội tổ chức vào ngày 10/9 âm lịch hàng năm, trong đó có trò diễn Hú Đáo, tại đình làng Lũng Ngoại, Hoà Loan xã Lũng Hoà, huyện Vĩnh Tường).

Cướp cây bông (hay còn gọi là Hội tung bông): Theo lễ hội truyền thống Hội tung bông hàng năm được tổ chức ở một số làng, xã có đình đền thờ 18 đời Hùng Vương, vùng Vĩnh Phúc - Phú Thọ - Sơn Tây diễn lại tích công chúa Ngọc Hoa (Vua Hùng Duệ Vương) dạy dân nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải...

Nấu cơm thi: Tổ chức vào dịp đầu xuân ở các làng xã vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ (theo phương thức hành nấu). Lễ hội nấu cơm thi được tổ chức ở nhiều hội làng ở Đồng bằng Trung du Bắc bộ. Nấu cơm thi, hạt lúa, hạt gạo để nấu cơm thi mà trong sách Vân đài loại ngữ của nhà bác học Lê Quý Đôn đã nhắc tới là hạt gạo tám thơm, tám râu, tám gié... biểu tượng của nền văn minh lúa nước. Đồng thời đề cao tài nấu cơm khéo dẻo của người nông dân, tiêu biểu là ngươì phụ nữ phục vụ thợ cày thợ cấy và những nghĩa binh xông pha nơi trận mạc đánh thắng giặc ngoại xâm ở các miền quê miền bán sơn địa, xen kẽ đồng bằng vùng trung du Bắc Bộ....

Vật cổ truyền: ở vùng chân núi Tam Đảo (theo lễ hội vật cổ truyền cùa làng Hà xã Hồ Sơn huyện Tam Đảo). Hội được tổ chức vào mùa xuân, thu hút tất cả các danh thủ vô địch ở các hội khác đều hẹn hò nhau về đây để tranh tài cao thấp một lần nữa. Ai vô địch ở hội này mới đáng mặt anh hùng trong thiên hạ. Hội vật tiến hành theo lề lối vật tự do với cách thách đấu, giữ giải, cho nên bất cứ ai dù già hay trẻ đều có thể vào thi đấu. Ngày nay được thay thế bằng cách vật hiện đại theo từng hạng cân với thể thức thi đấu loại vòng tròn, song hội vật cổ truyền vẫn giữ được tính hấp dẫn và đông vui ở khắp các lễ hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.



Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích

Giá trị về lịch sử:

Qua các tài liệu lịch sử, các nhà khoa học đã nhận định: Đạo Phật truyền bá vào đất nước ta từ thời Hùng Vương. Đoàn hoằng pháp đầu tiên ở nước ta là hai ngài Sona và Uttara do vua A Dục và Đại lão Hoà thượng Moggaliputta Tissa phái đi và Tây Thiên là nơi đầu tiên Phật giáo vào nước ta, nơi đây đã trở thành cái nôi của Phật giáo Việt Nam.

Tây Thiên không chỉ là một vùng sinh thái thắng cảnh thiên nhiên trời phú, mà nơi đây còn gắn với những bước đi đầu tiên của người Việt trên con đường tiến xuống khai thác vùng châu thổ. Tây Thiên còn là một điểm sáng mang tính khởi đầu của sự dung hội giữa Phật giáo có yếu tố nguyên sơ đầy chất trí tuệ với tín ngưỡng dân gian thông qua vị anh hùng văn hoá (từ thời tiền, sơ sử) là Thánh/Quốc Mẫu Lăng (Thị) Tiêu, cùng sự đắp bồi của lịch sử và một số dòng tín ngưỡng khác thuộc quá trình phát triển của xã hội… mà dệt thành một trong những bản trường ca “giao hưởng” đa sắc màu khá điển hình của di sản văn hoá Việt Nam.

Giá trị về cảnh quan, đa dạng sinh học:

Cảnh quan:

Tây Thiên với tư cách là một thắng cảnh bậc nhất nước ta trong lịch sử. Nơi đây hội tụ đủ các thành phần, yếu tố tự nhiên như cây, suối, thác, cảnh quan,... tạo nên giá trị nổi bật của thắng cảnh này. Nhà bác học Lê Quý Đôn, ở thế kỷ XVIII, trong Kiến Văn Tiểu Lục đã mô tả về cảnh chùa ở Tây Thiên như sau: “...Sườn núi có chùa Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã rộng rãi, trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày. Từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ Sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa, hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên trái gọi là suối Bạc, phát nguyên từ khe đá đỉnh núi chảy xuống, trông như tấm lụa; bên phải gọi là suối Vàng, từ chùa bên phải chảy ra. Chùa bên phải này vuông vắn phỏng hơn một trượng, tường nhà toàn bằng đá, hai bên cánh cửa khoá chặt lại bằng khoá sắt lớn, trên viên đá khắc chữ Triện là “Địa Ngục Tự” không biết dựng từ đời nào. Suối ở đây từ trong khe cửa chảy ra, sắc nước trông như vàng. Suối Bạc và suối Vàng hợp lưu ở trước hồ sen, quanh co chảy xuống rồi hợp lưu với khe Giải Oan...”.

Đa dạng sinh học:

Về thực vật: Qua điều tra, thống kê hiện nay khu vực Tây Thiên - Tam Đảo có 1.247 loài của 645 chi thuộc 169 họ thực vật. Thực vật quý hiếm và đặc hữu: Kết quả điều tra, thống kê đã cho thấy, thành phần loài cây phong phú với 1.247 loài thực vật bậc cao có mạch khác nhau thuộc 645 chi của 169 họ thực vật, có 42 loài đặc hữu và 85 loài nguy cấp, quý hiếm. Đây là những loài góp phần làm nên sự quyến rũ, nét đặc sắc của khu vực này.

Về động vật: danh mục động vật gồm 41 bộ, 168 họ, và tới 1.299 loài. Một số loài mới được bổ sung như: 6 loài thú, 9 loài chim, 57 loài bò sát, 34 loài ếch nhái, 217 loài côn trùng, 25 loài cá với tổng số loài bổ sung là 348 loài. Kết quả điều tra mới phát hiện thêm 111 loài, trong đó có 23 loài thú, 84 loài chim và 4 loài bò sát. Tuy nhiên, vẫn chưa thống kê đầy đủ và đặc biệt là các loài chim di cư, loài thú, loài cá nuôi.

Động vật quý hiếm và đặc hữu của khu vực này hiện còn giá trị rất lớn và có đặc trưng riêng biệt. Tổng số động vật quý hiếm là 63 loài chiếm 5,3% số loài. Như vậy, động vật quý hiếm và đặc hữu của khu vực này không những nhiều về số lượng, đa dạng về thành phần loài mà còn nhiều loài đặc hữu, quý hiếm cần được bảo tồn. Một số loài động vật quý hiếm và đặc hữu cần được đặc biệt quan tâm trong bảo tồn là Vượn đen đông bắc (Nomascus nasutus); Voọc má trắng (Trachypithecus f. Francoisi); Báo hoa mai (Panthera pardus); Hồng hoàng (Buceros bicornis); Rắn Hổ mang Ophiophagus hannah; Cá Cóc Paramesotriton deloustali,...

Giá trị về khảo cổ:

Các phát hiện về khảo cổ học ở khu vực Tây Thiên đặc biệt có ý nghĩa. Những mảnh tháp đất nung vốn là tháp mộ các thiền sư có nhiều tầng bằng đất nung mang phong cách Lý - Trần. Tại các nền chùa cổ, di vật kèm theo là vật liệu kiến trúc và các mảnh gốm sứ Việt Nam từ thời Trần đến thời Nguyễn, trong đó nổi bật là gốm sứ Trần. Điều đó cho thấy quá trình tồn tại của di tích kéo dài từ các thế kỷ XIII - XIV đến các thế kỷ XIX - XX, nhưng tập trung nhất là thời Trần. Như vậy, từ rất sớm, Tây Thiên đã là một trung tâm Phật giáo lớn với những ngôi chùa có diện tích rất lớn, có những ngôi chùa diện tích lên đến vài ngàn mét vuông mặt bằng, với nhiều nền cấp khác nhau tùy thuộc địa hình.



Giá trị về du lịch:

Quần thể di tích Tây Thiên nằm cách Hà Nội 75 km về phía Tây Bắc, là một quần thể phức hợp về văn hóa, du lịch và tín ngưỡng. Năm 1991, Tây Thiên đã vinh dự được Nhà nước xếp hạng là Di tích danh thắng cấp Quốc gia và được tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Ngoài vấn đề giao thông thuận lợi, các di tích được tu bổ và sửa sang thì tại Tây Thiên là điểm thu hút đông đảo khách du lịch tới với địa danh này.

Xuất phát từ giá trị nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Tam Đảo tiến hành điều tra, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học và pháp lý Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là di tích quốc gia đặc biệt.





tải về 171.91 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương