Ủy ban nhân dân tỉnh tiền giang cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam


IV. CÔNG TÁC NỘI VỤ, NGOẠI VỤ, THANH TRA, TƯ PHÁP



tải về 0.52 Mb.
trang2/5
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích0.52 Mb.
#20622
1   2   3   4   5
IV. CÔNG TÁC NỘI VỤ, NGOẠI VỤ, THANH TRA, TƯ PHÁP
1. Công tác nội vụ và cải cách hành chính

- Về cải cách hành chính (CCHC), ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020; công bố kết quả chấm điểm xác định Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Tiền Giang năm 2015 và gửi Bộ Nội vụ. Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác CCHC năm 2015 và phát động chuyên đề thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính năm 2016; khen thưởng cho cá nhân và tập thể đạt giải cuộc thi viết “Tìm kiếm sáng kiến về Cải cách hành chính” năm 2015; đồng thời, triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra công tác CCHC năm 2016.

- Về công tác tổ chức bộ máy, biên chế: phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng 2030. Triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện năm 2016. Tính đến tháng 3/2016, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp toàn tỉnh có 28.241 người; trong đó quản lý nhà nước 2.108 người, sự nghiệp 26.133 người (trong đó: sự nghiệp giáo dục - đào tạo 19.761 người, sự nghiệp y tế 4.992 người, sự nghiệp văn hóa thông tin - truyền thông 478 người, sự nghiệp khác 778 người, các hội 124 người).

- Về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ công chức, quyết định cử 07 công chức học cao học, thu hút 06 trường hợp có trình độ sau đại học; cử 05 công chức tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên chính.

- Về công tác tôn giáo: xử lý 03 vụ việc sinh hoạt tôn giáo không đúng quy định tại huyện Cái Bè, huyện Châu Thành và TP. Mỹ Tho. Thực hiện thẩm định chương trình hoạt động năm 2016 của các tổ chức tôn giáo; giải quyết đề nghị tổ chức các ngày lễ lớn, đăng ký bổ nhiệm chức sắc, thành lập tổ chức tôn giáo cơ sở,… của các tôn giáo.

2. Ngoại vụ

Đã cử 75 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài; chấp thuận cho 77 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài về việc riêng. Về đoàn vào, đã đón 06 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh gồm: đoàn Tỉnh trưởng tỉnh Maputo, Mô-dăm-bích; đoàn cán bộ tỉnh Khăm Muộn, Lào; đoàn Tham tán Vụ Biên giới và Biển, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hội đồng Thành phố Petaling Jaya, Malaysia.... Ngoài ra, tỉnh cũng đã chấp thuận cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp và làm việc với 51 đoàn khách nước ngoài với 405 lượt khách nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2016 đã có 04 phương tiện, 29 ngư dân trong tỉnh xâm phạm vùng biển bị bắt giữ ở các nước như: Indonesia, Philippin; đến nay, Indonesia đã trả về 09/10 ngư dân, số phương tiện và ngư dân còn lại các nước đang xem xét xử lý. UBND tỉnh đã đồng ý tiếp nhận 03 dự án và 05 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài, với tổng giá trị gần 5,2 tỷ đồng; hoạt động tài trợ tập trung chủ yếu vào khám chữa bệnh nhân đạo, giúp đỡ học sinh và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết....



3. Thanh tra

Ngành Thanh tra tỉnh đã chủ động triển khai các cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, hướng vào các lĩnh vực, như: tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng… Kết quả, đã triển khai 40 cuộc thanh tra, đạt 50,8% so với kế hoạch, giảm 05 cuộc so với cùng kỳ; qua thanh tra, phát hiện 16 đơn vị vi phạm, với tổng số tiền vi phạm 4,12 tỷ đồng, thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 709,8 triệu đồng; xem xét, xử lý số tiền hơn 3,41 tỷ đồng, xử lý hành chính 02 tập thể và 91 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 01 vụ, 02 đối tượng. Tổ chức thực hiện 1.670 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành đối với 5.484 tổ chức, cá nhân (giảm 95 cuộc so với cùng kỳ); xử lý 3.496/4.171 trường hợp vi phạm; ban hành 675 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với tổng số tiền xử phạt 3,18 tỷ đồng, thu hồi số tiền hơn 512 triệu đồng.

Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được tổ chức thực hiện nghiêm túc, góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương. Đã tiếp 2.130 lượt công dân (tăng 96 lượt so với cùng kỳ) đến khiếu nại, kiến nghị, yêu cầu giải quyết tranh chấp liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, bồi thường giải tỏa, chế độ chính sách… Về công tác nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đã nhận 199 đơn (tăng 81 đơn so với cùng kỳ), trong đó có 92 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết, kết quả đã giải quyết 78/106 đơn khiếu nại, tố cáo đạt 73,6%. Công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng luôn được chú trọng thực hiện; đến nay, toàn ngành đã tiến hành 15 cuộc thanh tra, đã kết thúc 09 cuộc, qua thanh tra chưa phát hiện trường hợp nào sai phạm về tham nhũng.

4. Tư pháp

Về công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, HĐND tỉnh đã ban hành Chương trình xây dựng nghị quyết năm 2016 với 46 văn bản. Đến ngày 10/5/2016, UBND tỉnh đã ban hành 22 quyết định (trong đó, có 15 văn bản ngoài chương trình, đây là những văn bản của năm 2015 chuyển sang và một số văn bản nhằm cụ thể hóa các quy định của Trung ương) và đang xem xét 19 văn bản,...

Công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đến nay thẩm định được 37 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (10 nghị quyết và 27 quyết định), đóng góp ý kiến 30 dự thảo văn bản của Trung ương và địa phương.

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được chú trọng. Kết quả đã tổ chức tuyên truyền được 12.884 cuộc, với 400.689 lượt người tham dự. Nội dung tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật có liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, doanh nghiệp và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021,… Về công tác hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải tiếp nhận và đưa ra hòa giải thành 552/644 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,7% (tăng 13,9% so cùng kỳ).

Công tác bổ trợ tư pháp được đẩy mạnh thực hiện, nhất là xã hội hóa hoạt động công chứng. Các phòng công chứng đã phục vụ kịp thời các yêu cầu về công chứng của người dân và doanh nghiệp. Kết quả đã thực hiện được 11.445 lượt việc công chứng với phí thu được là 3,1 tỷ đồng.

V. CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI

1. An ninh - trật tự an toàn xã hội

Chủ động nắm tình hình, chỉ đạo thực hiện những chủ trương, giải pháp quan trọng đảm bảo an ninh chính trị; tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị và Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, trật tự bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. An ninh chính trị tiếp tục được giữ vững, kịp thời phát hiện đấu tranh ngăn chặn âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và bọn phản động, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, không để bị động, bất ngờ.

Tổ chức tiếp xúc, đối thoại với 232 người khiếu kiện trên địa bàn tỉnh, tăng cường nắm tình hình, phát hiện ngăn chặn không để kẻ địch, phần tử xấu lợi dụng, góp phần kiềm chế, kéo giảm số lượt người dân khiếu kiện so với cùng kỳ.

Về tình hình tội phạm về trật tự xã hội, đã xảy ra 506 vụ (tăng 40,9% so với cùng kỳ). Trong đó tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do băng nhóm thanh thiếu niên gây ra diễn biến phức tạp; tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản gia tăng, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản xảy ra rải rác ở các địa bàn, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ phạm tội (chiếm 67% trên tổng số 506 vụ); điều tra làm rõ 316 vụ, đạt tỷ lệ 62,4%, bắt 321 đối tượng, trong đó điều tra án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 92,8% (13/14 vụ). Tình hình trật tự an toàn giao thông có lúc còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông đường bộ tăng trên cả ba mặt: về số vụ tăng 19% (225/189 vụ), số người chết tăng 23% (128/104 người) và bị thương tăng 5% (163/155 người); tai nạn giao thông thủy xảy ra 04/04 vụ, làm chết 01 người, tài sản thiệt hại khoảng 1,8 tỷ đồng. Cháy xảy ra 18 vụ (giảm 05 vụ so với cùng kỳ), thiệt hại tài sản khoảng 2,8 tỷ đồng.



2. Quốc phòng

Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết, kế hoạch đề ra. Công tác sẵn sàng chiến đấu, xây dựng khu vực phòng thủ luôn được chú trọng, phối hợp với các lực lượng xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động bất ngờ, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cao điểm, đặc biệt là công tác bầu cử, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; diễn tập phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão. Chất lượng công tác huấn luyện được nâng lên; hoàn thành chỉ tiêu giao quân và xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Công tác hậu cần, kỹ thuật luôn được bảo đảm kịp thời cho mọi hoạt động của lực lượng vũ trang. Tiến hành đồng bộ các biện pháp biên phòng, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, nắm chắt tình hình địa bàn, quản lý các loại đối tượng, giữ vững ổn định tình hình khu vực biên giới biển của tỉnh.



VI. HUY ĐỘNG VỐN ĐẦU TƯ CHO PHÁT TRIỂN

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2016 là 11.229,2 tỷ đồng, đạt 42,2% kế hoạch, tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2015 tăng 17,1%). Trong đó: vốn nhà nước 1.303 tỷ đồng, tăng 7,1%, chiếm 11,6% trong tổng vốn đầu tư; vốn ngoài nhà nước 7.568,4 tỷ đồng, tăng 12,5%, chiếm 67,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 2.357,8 tỷ đồng, tăng 2,8%, chiếm 21%.. Cụ thể như sau:



1. Về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công và các công trình quan trọng, trọng điểm của tỉnh:

a) Về vốn đầu tư công:

Căn cứ Nghị quyết số 127/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của HĐND tỉnh; UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2016 với tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách là 2.199,0 tỷ đồng (bao gồm: vốn trong cân đối ngân sách địa phương là 679,1 tỷ đồng; vốn từ nguồn thu XSKT là 1.000 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia dành cho đầu tư phát triển là 41,2 tỷ đồng, vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo các chương trình mục tiêu là 308,4 tỷ đồng, vốn nước ngoài ODA là 170,3 tỷ đồng) và vốn Trái phiếu Chính phủ theo quyết định giao vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 414,6 tỷ đồng (bao gồm: đầu tư ở lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế là 349,6 tỷ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là 65 tỷ đồng). Giá trị khối lượng thực hiện của nguồn vốn ngân sách và có tính chất ngân sách là 983,9 tỷ đồng, giải ngân đạt 896,5 tỷ đồng, đạt 40,8% kế hoạch (cùng kỳ năm 2015 đạt 36,5%); vốn Trái phiếu Chính phủ thực hiện và giải ngân được 35,0 tỷ đồng, đạt 8,5% kế hoạch.



Nhìn chung, Kế hoạch đầu tư công năm 2016 đã được triển khai thực hiện ngay từ đầu năm cùng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp, các địa phương và sự chủ động của các chủ đầu tư nên công tác đầu tư xây dựng cơ bản có những chuyển biến tích cực, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, các công trình chuyển tiếp và công trình khởi công mới tiếp tục thi công đảm bảo tiến độ đề ra... Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đầu tư và triển khai các công trình đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn gặp phải những những khó khăn, hạn chế, cụ thể như: công tác tổ chức triển khai thực hiện các dự án khởi công mới năm 2016 còn chậm và có mặt bị động, do phải hoàn tất hồ sơ, thủ tục đầu tư theo các quy định mới của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng (thời hạn Trung ương cho phép năm đầu tiên thực hiện các quy định trên đến hết ngày 31/3/2016). Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về các chính sách hỗ trợ, tái định cư, làm tăng chi phí đền bù và làm chậm tiến độ thực hiện các dự án khởi công mới, hoặc dự án chuyển tiếp như: dự án Quảng trường trung tâm tỉnh, Đường tỉnh 871B, Đường tỉnh 878, Đường vào KCN Tân Hương, Trường Đại học Tiền Giang, Dự án 5 kênh Bắc Quốc lộ 1, dự án Kênh 14, dự án Nâng cấp đô thị Mỹ Tho, dự án Nâng cấp hệ thống kiểm soát xâm nhập mặn vùng Gò Công và Ba Rài - Phú An... Nguồn vốn đầu tư công năm 2016 còn hạn hẹp, khả năng huy động bổ sung, bố trí đủ vốn cho các công trình, dự án theo tiến độ thực hiện, đặc biệt cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm kế hoạch còn nhiều khó khăn. Ngoài lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng nông thôn mới được ưu tiên sử dụng nguồn thu xổ số kiến thiết, vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng kỹ thuật khác thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, công nghiệp, thương mại (chợ), du lịch, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,... còn nhiều khó khăn và còn nhiều công trình quan trọng theo chủ trương của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh chưa huy động được vốn theo kế hoạch đề ra. Mặt khác, công tác lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình, dự án trong năm 2016 gắn với xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và chuẩn bị kế hoạch năm 2017 theo các quy định của Luật Đầu tư công hiện nay còn bị động do Quốc hội chưa thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, chưa xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trong bối cảnh nhu cầu đầu tư của các ngành, các địa phương rất lớn.

2. Vốn tín dụng đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2016, Quỹ Đầu tư Phát triển của tỉnh và Phòng Giao dịch Tiền Giang - Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Sông Tiền Tiền Giang đã giải ngân cho các đơn vị (cho vay các dự án hạ tầng CCN, hạ tầng du lịch, góp vốn sản xuất, cho vay hỗ trợ phát triển HTX,...) với số tiền là 102,3 tỷ đồng, đạt 27,9% kế hoạch.

3. Vốn ODA, đến tháng 6/2016, trên địa bàn tỉnh có 06 dự án ODA đang hoạt động, đó là: dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - tiểu dự án TP. Mỹ Tho; Dự án Xử lý chất thải Y tế; Dự án đầu tư Quản lý và giảm nhẹ rủi ro hạn hán và lũ lụt Tiểu vùng sông Mê công mở rộng; Dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp; Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp; dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Các dự án ODA triển khai sát theo kế hoạch hoạt động đã được phê duyệt ngay từ đầu năm. Công tác giám sát và đánh giá dự án được thực hiện đầy đủ theo tài liệu Hiệp định của dự án. Riêng dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP. Mỹ Tho thì công tác đền bù giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn ODA còn chậm so với kế hoạch. Kết quả chung, trong 6 tháng đầu năm 2016, các dự án ODA của tỉnh giải ngân được 129,8 tỷ đồng (bao gồm: vốn ODA: 21,6 tỷ đồng và 108,2 tỷ đồng vốn đối ứng), chỉ đạt 21,0% so với kế hoạch giải ngân năm 2016, chủ yếu giải ngân từ dự án Nâng cấp đô thị TP. Mỹ Tho; so với cùng kỳ năm 2015 vốn giải ngân đạt 76,4%.



4. Thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI):

a) Thu hút đầu tư trong nước:

Trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh thu hút mới được 03 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư là 1.287,1 tỷ đồng (so với cùng kỳ: số dự án thu hút giảm 01 dự án, tuy nhiên vốn đầu tư tăng 43%). Cụ thể như: Dự án cấp nước cho huyện Tân Phú Đông của Công ty TNHH một thành viên cấp nước Tiền Giang, với tổng mức đầu tư 68,59 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc tại thị xã Gò Công của Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa và đồ nhựa gia dụng từ nhựa Plastic, nhựa Melamine, nhựa Acrylic, nhựa PC tại thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây của Công ty TNHH Thương mại sản xuất nhựa Phát Thành Tiền Giang với tổng mức đầu tư 18,52 tỷ đồng.

b) Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI:

Trong 6 tháng đầu năm 2016, cấp mới 09 Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 328,1 triệu USD, so cùng kỳ tăng 04 dự án và tăng 16 lần về tổng vốn đăng ký (trong 09 dự án được thu hút có 07 dự án nằm trong KCN với tổng vốn đăng ký 326,4 triệu USD, 02 dự án nằm ngoài KCN với vốn đăng ký 1,7 triệu USD); đồng thời có 05 dự án trong KCN điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng mức đầu tư tăng thêm là 14,0 triệu USD (thấp hơn 01 dự án và bằng 38% về số vốn tăng thêm so với cùng kỳ). Tổng mức vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm của 6 tháng đầu năm 2016 là 342,1 triệu USD, tăng 6 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Các doanh nghiệp FDI trong 6 tháng đầu năm đạt doanh thu khoảng 610 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015; đóng góp cho ngân sách khoảng 30 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ; tạo việc làm cho 80.000 lao động, tăng 8% so cùng kỳ.




tải về 0.52 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương