Ủy ban nhân dân tỉnh tiền giang cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam



tải về 0.52 Mb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu15.08.2016
Kích0.52 Mb.
#20622
  1   2   3   4   5


ỦY BAN NHÂN DÂN

TỈNH TIỀN GIANG

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc




Số: 96/BC-UBND

Tiền Giang, ngày 30 tháng 6 năm 2016

BÁO CÁO


Tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm
và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ
6 THÁNG ĐẦU NĂM 2016

Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, ngay từ đầu năm Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai Kế hoạch hành động số 19/KH-UBND ngày 25/01/2016 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ và các nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; triển khai nhiều giải pháp xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, như: về chống hạn mặn, về phát triển doanh nghiệp, phát triển đô thị, du lịch, thương mại…

Với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng khá, như: sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại, thu hút khách du lịch, thu ngân sách, doanh nghiệp thành lập mới, thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có những chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: sản xuất nông, ngư nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết nắng nóng, mặn xuất hiện sớm và xâm nhập sâu vào nội đồng, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất; giá một số nông, thủy sản thấp; tăng trưởng tín dụng không cao; các loại hình dịch vụ, xúc tiến đầu tư, thương mại và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp với nhu cầu của thị trường; tình hình tai nạn giao thông có chiều hướng tăng…

A. HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, CHỦ TỊCH UBND TỈNH TRONG 6 THÁNG ĐẦU NĂM

1. Về một số công việc trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh

Từ đầu năm đến nay, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh ngoài việc tập trung chỉ đạo, điều hành xử lý các công việc thường xuyên theo chương trình công tác, còn kịp thời chỉ đạo xử lý các vấn đề đột xuất phát sinh. Đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống hạn mặn, đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống nhân dân - nhất là dân cư vùng ven biển; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sản xuất, kinh doanh, tăng cường tiếp xúc doanh nghiệp, nhà đầu tư (kết quả thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm tăng gấp 2 lần về số dự án và gấp 16 lần về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2015); tổ chức kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh còn dành thời gian đi công tác các huyện, thành phố, thị xã để trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra công tác điều hành của UBND các huyện, thành, thị, việc phối hợp giữa ngành tỉnh và cấp huyện.

Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã tổ chức trên 130 cuộc họp, hội nghị giải quyết công việc (không kể hàng tuần trong Thường trực UBND tỉnh còn tổ chức từ 1-2 cuộc hội ý để thống nhất trong tập thể UBND tỉnh những vấn đề quan trọng); UBND tỉnh và lãnh đạo sở, ngành tỉnh đã tiếp và làm việc với 49 nhà đầu tư, riêng Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp xúc 16 nhà đầu tư. Đặc biệt đã tổ chức Họp mặt đầu xuân có hơn 34 doanh nghiệp và Hội nghị Khởi nghiệp doanh nghiệp có gần 800 doanh nghiệp, nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế, sinh viên... tham dự. Tiếp và chào xã giao 08 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc với tỉnh; tổ chức 01 đoàn công tác nước ngoài do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn dự Hội nghị Doanh nghiệp tại Ấn Độ.

Về công tác ban hành văn bản, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 4.877 văn bản, trong đó có 07 chỉ thị, 1.676 quyết định (trong đó có 15 quyết định quy phạm), 131 kế hoạch...Tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, như ban hành Chỉ thị về công tác quốc phòng, dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2016; Chỉ thị về lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Chỉ thị về thực hiện chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; Quyết định về sửa đổi một số Điều của Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ngày 16/12/2014 của UBND tỉnh về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quyết định phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án; Quyết định về thực hiện chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội thông qua cơ quan cung cấp dịch vụ; Quyết định công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã; Quyết định về Bảng giá đất định kỳ 5 năm 2016-2020; Kế hoạch phân công triển khai thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020; về chấn chỉnh lề lối làm việc.v.v...

Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân, bảo đảm đúng quy định pháp luật, từng bước đưa hoạt động tiếp dân đi vào nền nếp, khắc phục những hạn chế đã được Thanh tra Chính phủ kết luận; đồng thời cũng đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh phải nghiêm túc thực hiện việc tiếp dân, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền nhằm hạn chế việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp... Từ đầu năm đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp 70 lượt, với 271 người đến khiếu nại, phản ảnh; Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức tiếp xúc, đối thoại 22 lượt.

Để triển khai thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh và của Chủ tịch UBND tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 125 Thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại các cuộc họp, làm việc với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị.



2. Về triển khai Chương trình công tác năm 2016 và triển khai các kết luận chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh:

a) Về triển khai Chương trình công tác năm 2016 của UBND tỉnh

Từ cuối năm 2015, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Chương trình công tác, xác định 180 văn bản quyết định, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, đề án, báo cáo (gọi tắt là văn bản) cần triển khai. Hàng quý, UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo rà soát, bổ sung trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai theo quý và được kiểm tra tiến độ hàng tuần, nhờ đó tiến độ triển khai các công việc được cập nhật thường xuyên, các sở, ngành đã có ý thức kiểm tra chặt chẽ công việc của ngành, kịp thời báo cáo UBND tỉnh xin điều chỉnh tiến độ nếu xét thấy không kịp theo tiến độ quy định.

Theo Chương trình công tác của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm đề ra 111 đầu công việc, quá trình tổ chức thực hiện có 03 công việc sở ngành xin rút, 04 công việc ban hành theo văn bản của sở ngành, 06 công việc sở ngành xin chuyển sang 6 tháng cuối năm 2016 và 12 công việc (mới) bổ sung, thì đầu việc phải thực hiện trong 6 tháng đầu năm là 110 công việc. Kết quả, đã hoàn thành 75 việc (68%), đang làm 30 việc (27%).

b) Việc triển khai các kết luận chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh:

Tính đến đầu tháng 6/2016, trong 154 đầu công việc cụ thể quan trọng được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao qua 125 Thông báo kết luận, có 114 việc đã hoàn thành (74%) và 33 việc đang làm (22%), 03 việc chưa tới hạn báo cáo (2%) và 03 việc (2%) chưa có báo cáo.

Nhìn chung, các công việc do UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đã được hầu hết các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị tổ chức thực hiện khá nghiêm túc, nhưng cũng còn một số sở, ngành do áp lực công việc và việc phân công trong nội bộ chưa chặt chẽ nên một số công việc chậm trễ, chất lượng tham mưu chưa cao...

B. KẾT QUẢ TỔNG QUÁT VỀ KINH TẾ-XÃ HỘI, AN NINH-QUỐC PHÒNG

I. KẾT QUẢ CHỦ YẾU

1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá so sánh 2010), , 6 tháng tăng 7,14% (cùng kỳ 2015 tăng 7,6%). Trong đó: khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 2,1% (6 tháng năm 2015 tăng 2,9%); khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 16,7%, cao hơn so với cùng kỳ (16,6%), trong đó, công nghiệp tăng 18,1% (cùng kỳ tăng 18,4%) và ngành xây dựng tăng 7,0% (cùng kỳ tăng 5,4%); khu vực dịch vụ bao gồm cả thuế sản phẩm tăng 7,6% (cùng kỳ tăng 8,8%), trong đó các ngành dịch vụ tăng 7,5% (cùng kỳ tăng 8,7%) và thuế sản phẩm tăng 8,7% (cùng kỳ tăng 9,2%).

Trong 7,1% tăng trưởng thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 1,0%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 3,7%, khu vực dịch vụ bao gồm cả thuế sản phẩm đóng góp 2,4% (trong đó các ngành dịch vụ đóng góp 2,0%, thuế sản phẩm đóng góp 0,4%); mức đóng góp của các khu vực cùng kỳ năm 2015 lần lượt là 1,4%, 3,4% và 2,8%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 do tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức thấp; so với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL thì Tiền Giang có tốc độ tăng trưởng khá, đứng trong tốp đầu về tăng trưởng GRDP.



2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo xu hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá hiện hành) 6 tháng đầu năm 2016 đạt 35.452 tỷ đồng; trong đó, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 22,5% (6 tháng năm 2015) tăng lên 24,5% (6 tháng năm 2016); khu vực dịch vụ bao gồm cả thuế sản phẩm giảm từ mức 32,2% giảm nhẹ còn 31,9% và khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 45,3% còn 43,6%.

3. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm tăng 9,7%, đạt 42,2% kế hoạch năm; trong đó thu hút 09 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký là 328,1 triệu USD (tăng 04 dự án và tăng 16 lần về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ), trong đó có 07 dự án trong KCN.

Đầu tư công có chuyển biến tích cực, với nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, các công trình khởi công mới, công trình chuyển tiếp tiếp tục thi công theo tiến độ đề ra,... Ước giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư XDCB 6 tháng đầu năm là 983,9 tỷ đồng và giá trị giải ngân là 896,5 tỷ đồng, đạt 40,8% so kế hoạch (cùng kỳ năm 2015 đạt 36,5%).



4. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định và giữ đà tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng hơn so với cùng kỳ, tăng 19,0% (cùng kỳ tăng 18,9%), cao hơn nhịp độ tăng đề ra của kế hoạch năm. Giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng trưởng 7,5% (cùng kỳ tăng 5,6%).

5. Lĩnh vực dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá, đạt 908,9 triệu USD, đạt 43,3% kế hoạch năm, tăng 13,7% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đạt 25.968 tỷ đồng, tăng 6,7%, đạt 46,8% kế hoạch. Tổng lượt khách du lịch 801,6 ngàn lượt, đạt 52,7% kế hoạch, tăng 4,6% (cùng kỳ tăng 5,5%)…

6. Phát triển doanh nghiệp ổn định. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 271 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 1.868 tỷ đồng, tăng 9,7% về số doanh nghiệp và tăng 2,2 lần về vốn đăng ký. Đến ngày 31/5/2016, toàn tỉnh có 6.070 doanh nghiệp, với vốn đăng ký là 52.556,4 tỷ đồng (số doanh nghiệp đang hoạt động là 3.766 doanh nghiệp) và 1.453 tổ hợp tác với 72.096 thành viên; 93 hợp tác xã (HTX) và 01 Liên hiệp HTX nông nghiệp…

7. Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương 6 tháng đầu năm đạt 3.569,8 tỷ đồng, đạt 61,0% dự toán, tăng 24,8% so cùng kỳ; trong đó thu nội địa 2.519,8 tỷ đồng, đạt 60,7% dự toán năm, tăng 39,3%; thu hoạt động XNK 200,0 tỷ đồng, đạt 28,6% dự toán năm, đạt 64,5% so cùng kỳ; thu XSKT 850 tỷ đồng, đạt 85% dự toán năm, tăng 14,6%.

8. Lĩnh vực văn hóa – xã hội có chuyển biến tích cực, công tác an sinh xã hội được đảm bảo.

- Tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả các chính sách, như: hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, cho vay xuất khẩu lao động; cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí cho con em hộ nghèo, hướng dẫn người nghèo phát triển sản xuất... Tính đến cuối tháng 5/2016, toàn tỉnh có 26.858 hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo là 5,87%.

- Ngành Giáo dục –Đào tạo thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên năm học 2015-2016; các trường đã tổ chức tổng kết năm học 2015-2016; tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2016-2017. Chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016, có 11.695 thí sinh đăng ký dự thi. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia so với tổng số trường của từng bậc học là: mầm non 12,3%, tiểu học 49,1%, trung học cơ sở 19,8% và trung học phổ thông 10,8%.

- Lĩnh vực y tế có nhiều tiến bộ; tình hình phòng chống dịch bệnh được theo dõi và giám sát thường xuyên, có 6 bệnh tăng và 10 bệnh giảm. Các bệnh có số cas giảm, gồm: thương hàn, cúm, tay - chân - miệng, quai bị, thủy đậu, sởi,...xảy ra 395 cas, giảm 26,6%; không xảy ra dịch bệnh mới (cúm A H7N9, nhiễm virus Ebola, Mer-Cov, Zika...); bệnh sốt xuất huyết tăng cao so với cùng kỳ, tổng số người mắc 1.039 cas, tăng 237,3% nhưng được khống chế kịp thời, không có trường hợp tử vong.

- Thực hiện tốt chính sách, chăm sóc người có công. Tổ chức lễ tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” tại các huyện, thành, thị, với số lượng 199 mẹ (22 mẹ sống và 177 mẹ từ trần).

- Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, thông tin, tuyên truyền có nhiều cải tiến, với nhiều hình thức phong phú, tập trung chào mừng các ngày lễ, tết và các sự kiện quan trọng.



9. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác tiếp dân, tổ chức tiếp xúc, đối thoại được đổi mới, nâng cao hiệu quả; tăng cường nắm tình hình, phát hiện ngăn chặn không để kẻ địch, phần tử xấu lợi dụng, góp phần kiềm chế, kéo giảm số lượt người dân khiếu kiện so với cùng kỳ.

II. KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

1. Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn đối mặt những khó khăn, hạn chế, như:

Tình hình thời tiết nắng nóng, nền nhiệt cao, mặt nước nội đồng khu vực cuối nguồn thấp, mặn xuất hiện sớm, xâm nhập sâu vào nội đồng đã làm thiếu nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở các huyện phía Đông và ảnh hưởng đến sản xuất rau, màu và cây ăn trái ở các huyện phía Tây. Bên cạnh đó, giá một số nông, thủy sản như giá cá điêu hồng, cá tra,… thiếu ổn định, ở mức thấp; hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều chuyển biến lớn về quy mô sản xuất, thị trường đầu ra, hợp tác sản xuất và tiêu thụ... đã ảnh hưởng đến thu nhập và tâm lý của người sản xuất. Tình hình triển khai xây dựng nông thôn mới còn gặp khó khăn, hạn chế, như về giải ngân vốn còn chậm; việc xây dựng các tiêu chí chưa đạt theo lộ trình xây dựng nông thôn mới (một số địa phương còn chậm và lúng túng)...



2. Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm đạt thấp, mặc dù lãi suất cho vay hiện nay đang điều chỉnh ở mức thấp nhằm hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và các lĩnh vực ưu tiên, nhưng việc tăng trưởng tín dụng đạt mức thấp so với cùng kỳ. Tính đến ngày 17/5/2016, tăng trưởng tín dụng đạt 3,75% (cùng kỳ tăng 9,08%); dự kiến đến 30/6/2016, tổng dư nợ cho vay đạt 30.219 tỷ đồng, tăng 1.439 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 5,0% (cùng kỳ tăng 10,42%).

3. Công tác triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, đầu tư xây các công trình XDCB và công trình trọng điểm có chuyển biến tích cực, với nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, các công trình khởi công mới, công trình chuyển tiếp tiếp tục thi công theo tiến độ đề ra,... Ước giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư XDCB 6 tháng đầu năm là 983,9 tỷ đồng và giá trị giải ngân là 896,5 tỷ đồng, đạt 40,8% so kế hoạch (cùng kỳ năm 2015 đạt 36,5%). Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số công trình còn vướng công tác giải phóng mặt bằng đã làm chậm tiến độ; khả năng huy động bổ sung, bố trí cho các công trình, dự án theo kế hoạch còn hạn chế; công tác lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư các công trình, dự án trong năm 2016 gắn với xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và chuẩn bị kế hoạch năm 2017 theo quy định của Luật Đầu tư công còn bị đọng do Trung ương chậm thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, chưa xác định được nguồn và khả năng cân đối vốn trong bối cảnh nhu cầu đầu tư còn rất lớn.

4. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế và các lĩnh vực khác còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

- Cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục của các trường tuy được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là giáo dục mầm non.

- Nhân lực ngành y tế còn thiếu chưa đáp ứng công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân tại một số nơi; số lượng bác sĩ, dược sĩ đại học đào tạo theo địa chỉ chưa đủ bổ sung cho các đơn vị y tế. Trang thiết bị y tế vẫn còn thiếu, chỉ đảm bảo mức cơ bản để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

- Tình trạng đình công, lãn công vẫn còn xảy ra ở các KCN (trong 6 tháng đã xảy ra 08 vụ đình công, lãn công với trên 17 ngàn lượt công nhân tham gia).

- Tình hình tội phạm về trật tự xã hội trong 6 tháng đầu năm 2016, xảy ra 506 vụ (tăng 40,9% so với cùng kỳ); tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do băng nhóm thanh thiếu niên gây ra có lúc, có nơi diễn biến phức tạp; tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản gia tăng, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản xảy ra rải rác ở các địa bàn, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ phạm tội (chiếm 67% trên tổng số 506 vụ).

- Tai nạn giao thông đường bộ tăng cao trên cả ba mặt, về số vụ tăng 19% (225/189 vụ), số người chết tăng 23% (128/104 người) và bị thương tăng 5,0% (163/155 người).



C. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

I. VỀ KINH TẾ

1. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn

a) Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp

Công tác chỉ đạo sản xuất - đặc biệt là phòng chống hạn mặn từ cuối năm 2015 và trong 6 tháng đầu năm 2016 được triển khai đồng bộ, chặt chẽ phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương trong tỉnh. Các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới tiếp tục được triển khai và đổi mới phù hợp với tình hình thực tế. Các mô hình chăm sóc lúa trong điều kiện hạn mặn - sử dụng chất bón để tăng khả năng chống chịu hạn, xẻ mương thoát phèn; áp dụng phương pháp tưới ướt, khô xen kẽ; sử dụng các giống lúa chống, chịu tốt với điều kiện hạn, mặn... Các chính sách hỗ trợ nông dân trong phòng, chống dịch bệnh; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; hỗ trợ miễn thu thủy lợi phí; hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa,… tiếp tục giúp cho nông dân, ngư dân ổn định sản xuất.



Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt 23.630,8 tỷ đồng, tăng 2,6% (cùng kỳ 2015 tăng 3,1%). Giá trị tăng thêm tăng 2,1% (cùng kỳ tăng 2,9%); trong đó nông nghiệp tăng 2,1% (cùng kỳ tăng 2,7%), là năm có tốc độ tăng thấp nhất so với những năm gần đây, do ảnh hưởng của hạn kéo dài và mặn xâm nhập sâu. Chịu ảnh hưởng nặng nhất là nhóm cây hàng năm, giá trị sản xuất 6 tháng chỉ bằng 99,6% so cùng kỳ, tốc độ tăng của ngành trồng trọt chỉ tăng 1,1% so cùng kỳ; chăn nuôi tăng 8,6%. Giá bán các sản phẩm nông nghiệp trong 6 tháng qua tương đối ổn định và cao hơn so cùng kỳ, nhất là giá lúa, đã bù đắp được phần nào thiệt hại do hạn, mặn gây ra. Ngành thủy sản tăng 3%, tăng chủ yếu ở sản lượng khai thác, sản lượng nuôi trồng tương đương so cùng kỳ.

- Về trồng trọt:

Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt được 179.853 ha, đạt 84,4% kế hoạch (trong đó cây lúa 177.037 ha). Sản lượng cây lương thực có hạt thu hoạch được 732,8 nghìn tấn, đạt 59% kế hoạch; chủ yếu sản lượng lúa đạt 724.995 tấn, đạt 59,1% kế hoạch, giảm 5,8% so cùng kỳ, trong đó sản lượng lúa vụ Đông Xuân chiếm 69,4%. Trong vụ Đông Xuân 2015-2016 các địa phương đã xuống giống được gần 74,2 nghìn ha, giảm 1,3% so cùng kỳ; lúa đặc sản, chất lượng cao chiếm tỉ lệ 49,7%; thu hoạch 71.139 ha, giảm 3.043 ha so diện tích gieo trồng do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn; năng suất thu hoạch bình quân đạt 70,7 tạ/ha, giảm 1,3 tạ/ha so cùng kỳ; sản lượng thu hoạch 503.122 tấn, giảm 7% so cùng kỳ. Nguyên nhân sản lượng giảm chủ yếu do diện tích gieo trồng giảm 1,3% (giảm 958 ha) chuyển đổi cơ cấu cây trồng và huyện Tân Phú Đông không xuống giống do thời tiết năm nay không thuận lợi. Giá lúa hàng hoá nhìn chung có lợi cho nông dân, sau khi trừ chi phí người trồng lúa có lãi từ 18 - 22 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, hiện toàn tỉnh có 3.972 ha cây màu luân canh trên nền đất lúa, đã làm gia tăng lợi nhuận cho nông dân (tăng 1,8-3,1 lần so với trồng lúa). Việc luân canh giúp rút ngắn thời gian gieo trồng, đảm bảo cơ cấu mùa vụ, đặc biệt là các vùng chịu ảnh hưởng lũ, hạn, mặn. Giá bán các loại rau quả biến động tăng do nhu cầu tiêu thụ lớn đã tạo sự phấn khởi cho người nông dân.

Về tiến độ thực hiện cánh đồng lớn về sản xuất lúa, đã có 03 doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng liên kết, tiêu thụ lúa, với diện tích 3.905,8 ha. Tình hình thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân chưa thật sự bền vững (doanh nghiệp chỉ ký kết theo từng vụ chứ không ký kết dài hạn, giữa doanh nghiệp và nông dân không thống nhất về giá thu mua trong khi thương lái bên ngoài định giá cao hơn từ 50 - 100 đồng/kg).

+ Cùng với việc gieo sạ cây lúa, 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh gieo trồng 2.804 ha bắp, tăng 5,9% so cùng kỳ, năng suất bình quân 35,6 tạ/ha với sản lượng đạt 7.768 tấn. Cây chất bột có củ trồng 1.075 ha, đạt 116,4% kế hoạch, giảm 4,8% so cùng kỳ. Cây rau đậu các loại trồng được 36.410 ha, đạt 71,3% kế hoạch, tăng 0,5% cùng kỳ, năng suất bình quân 175,7 tạ/ha, sản lượng 533.832 tấn, tăng 2,7%.

+ Cây lâu năm và cây ăn quả: toàn tỉnh hiện có 88.589 ha trồng cây lâu năm, tăng 1,0% so cùng kỳ. Trong đó, cây ăn quả 72.212 ha, tăng 797 ha, sản lượng ước thu hoạch 900 ngàn tấn, đạt 63% kế hoạch, tăng 37 ngàn tấn so cùng kỳ, chủ yếu ở một số cây như xoài, thanh long, dứa, sầu riêng,... Giá một số sản phẩm cây ăn trái chủ lực như bưởi da xanh, khóm,… ở mức cao và tiêu thụ thuận lợi.



- Chăn nuôi: tính đến thời điểm 01/4/2016, tổng đàn chăn nuôi tăng: đàn bò có 89,1 nghìn con (tăng 6,2%); đàn heo có 604,7 nghìn con (tăng 8,8%), với sản lượng thịt lợn xuất chuồng 71.741 tấn, tổng đàn gia cầm có hơn 7,8 triệu con (tăng 6,8%). Giá heo hơi tương đối ổn định ở mức cao và người chăn nuôi có lãi. Tuy nhiên, do việc mua bán có lúc theo đường tiểu ngạch nên tính ổn định không cao, dễ dẫn đến rủi ro lớn khi thương lái ngưng mua, ép giá. Toàn tỉnh hiện có 143 trang trại chăn nuôi gia cầm, với số lượng 1,57 triệu con, giảm 6 trang trại so cùng kỳ nhưng quy mô chăn nuôi tăng lên từ 9,2 lên 11 ngàn con/trang trại; đàn gia cầm so cùng kỳ tăng 6,7%, chủ yếu tăng ở đàn gà 1,2 triệu con, tuy nhiên đàn vịt, ngỗng giảm 777 ngàn con so cùng kỳ, do tình hình khô hạn, mặn kéo dài một số hộ nuôi vịt ở các huyện phía Đông xuất chuồng chưa tái đàn trở lại.

Tổ chức tập huấn, tuyên truyền “Phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn và nói không với chất cấm trong chăn nuôi”, đến nay đã có 373/680 hộ chăn nuôi quy mô vừa ký cam kết “Nói không với chất cấm, thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi, thú y”. Kiểm tra nhanh 131 mẫu nước tiểu heo thịt, thức ăn chăn nuôi, kết quả có 06 mẫu nước tiểu heo/02 hộ chăn nuôi dương tính với chất cấm Salbutamol. Thực hiện mô hình Điểm kinh doanh thịt heo được kiểm soát chất cấm tại chợ Thạnh Trị và chợ Mỹ Tho từ 20/01/2016, đến nay đã nhân rộng lên thêm 10 điểm kinh doanh thịt heo được kiểm soát chất cấm; đang hỗ trợ, hướng dẫn huyện Cai Lậy và huyện Gò Công Tây thực hiện xây dựng mô hình này. Bên cạnh đó, thông qua các mô hình VietGAP, tổ hợp tác trong chăn nuôi, các hộ chăn nuôi đã có sự liên kết sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường đầu ra, tạo vùng nguyên liệu cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như tổ hợp tác (THT) chăn nuôi heo xã Thới Sơn đã cung cấp cho 08 điểm thịt heo được kiểm soát chất cấm tại TP. Mỹ Tho; HTX chăn nuôi và thủy sản Gò Công, THT chăn nuôi chim cút Nguyễn Hồ,... cung cấp thị trường sản phẩm chăn nuôi không kháng sinh. Đây là tiền đề cần thiết để mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh.



- Thủy sản: các địa phương thả nuôi gần 11,3 nghìn ha thủy sản, đạt 71,8% kế hoạch, giảm 8,8% so cùng kỳ; trong đó nuôi nước mặn, lợ được 6.388 ha (chiếm 56,5% diện tích nuôi), giảm 9% so cùng kỳ, nuôi nước ngọt được 4.886 ha, giảm 13% so cùng kỳ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1.195 bè, lồng cá, với tổng dung tích thả nuôi là 134,7 nghìn m3. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác được 19,3 nghìn tấn, tăng 4% so cùng kỳ, trong đó, sản lượng khai thác đạt 48,5 nghìn tấn, tăng 10,2% so cùng kỳ.

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất giống thủy sản và nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn do tình hình xâm nhập mặn sâu vào nội đồng và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Đối với hoạt động nuôi bè do mặn cao điểm vào tháng 3 làm cho cá điêu hồng bị bệnh nhiều, chết rải rác, làm tăng chi phí. Kết quả thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay đã có 25 tàu đóng mới hạ thủy, 18 tàu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, nâng cấp 40 tàu cá, 275 tàu tàu cá đăng ký vay vốn lưu động, 349 tàu tàu cá đăng ký hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm.



- Lâm nghiệp: trồng được hơn 1,18 triệu cây phân tán các loại, giảm 9,7% so với cùng kỳ. Tổng diện tích rừng 2.963,7 ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ 1.380,7 ha (Gò Công Đông: 494,9 ha; Tân Phú Đông: 838,8 ha và Tân Phước: 47 ha) và rừng sản xuất 1.583 ha (Tân Phước). Sản lượng khai thác gỗ (tràm, dầu gió, bạch đàn...) ước tính đạt 25.364 m3, giảm 3,2% so cùng kỳ.

b) Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và triển khai thực hiện các giải pháp nhằm làm giảm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp

Do tình hình hạn, mặn diễn ra sớm, rất gay gắt, độ mặn cao và lấn sâu vào nội đồng cùng với thời tiết nắng nóng, nền nhiệt cao và mực nước nội đồng thấp, chất lượng nước kém đã ảnh hưởng đến việc vận hành các cống lấy nước phục vụ sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2015-2016 tại vùng ngọt hóa Gò Công. Bên cạnh đó, mặn cũng đã xuất hiện ở khu vực các huyện phía Tây của tỉnh đe dọa đến các vườn cây ăn trái, tình hình sản xuất vụ lúa Xuân Hè. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, cấp độ rủi ro thiên tai xâm nhập mặn ở mức cấp độ 1. Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai các thủ tục để hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân bị thiệt hại ở các huyện phía Đông, với tổng số tiền là 6,4 tỷ đồng, đến ngày 10/6/2016 giải ngân được 1,8 tỷ đồng.

Đối với khu vực phía Đông của tỉnh, tổng diện tích lúa Đông Xuân bị thiệt hại là 3.775,3 ha (trong đó, có 2.616,8 ha bị thiệt hại trên 70%), tập trung tại huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công; ước tính tổng giá trị thiệt hại là 84,6 tỷ đồng; 124 ha rau, màu các loại bị thiệt hại trị giá 1,6 tỷ đồng; 113 ha cây ăn trái (trong đó 93 ha cây mãng cầu xiêm) bị thiệt hại trị giá 15,6 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, theo dõi sát sao tình hình xâm nhập nhập mặn và triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp, như đầu tư nạo vét tuyến kênh 14 để tiếp nước cho khu vực cuối nguồn (với kinh phí 87 tỷ đồng); thường xuyên quan trắc độ mặn ngoài các cửa sông, tranh thủ lấy nước tối đa bằng trọng lực (lấy qua cửa cống đầu mối Xuân Hòa) đã đầu tư thêm động lực để lấy nước chủ động, nâng cấp cửa lấy nước chủ động lên 02 cửa), đã lắp đặt trạm bơm dã chiến (16 thuyền tương đương 32.000 m3/h) để bơm bổ cấp nước ngọt vào vùng dự án lúc chân triều; lắp đặt 03 trạm biến áp với dung lượng 960 KVA. Tiến hành lắp đặt 02 trạm bơm điện dã chiến tại đầu kênh Trần Văn Dõng và kênh Champeaux để bơm chống hạn cứu lúa trên địa bàn huyện Gò Công Đông đảm bảo nguồn nước tưới cho diện tích cuối nguồn; hỗ trợ kinh phí cho 04 huyện vùng ngọt hóa Gò Công mua 52 máy bơm phục vụ chống hạn vụ Đông Xuân; tổ chức bơm chuyền 2, 3 cấp tại 728 điểm bơm, với 524.423 giờ bơm; đắp 758 đập tạm, với tổng kinh phí là 23,3 tỷ đồng.

Đối với khu vực phía Tây của tỉnh, do độ mặn cao và xâm nhập sâu vào nội đồng theo hướng sông Tiền và sông Hàm Luông đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước tưới cho diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn các huyện phía Tây. Đã có 583,9 ha rau, màu tại Châu Thành bị thiệt hại (trong đó, 465 ha thiệt hại trên 70%).

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình xâm nhập mặn, tỉnh đã chủ động triển khai có hiệu quả các giải pháp, như: Tăng cường quan trắc và thông tin trên các phương tiện báo, đài,… để nông dân biết chủ động trong sản xuất; chỉ đạo các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch cụ thể để chủ động ứng phó, xử lý khi mặn xâm nhập sâu. Tổ chức tập huấn hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong điều kiện hạn, mặn; giới thiệu các thiết bị kiểm tra nhanh độ mặn trong nước để nông dân có điều kiện tự trang bị, kiểm tra cục bộ mương, vườn của mình trước khi lấy nước. Theo dõi diễn biến mực nước nội đồng và kiểm tra, bảo vệ nguồn nước trên kênh Sáu Ầu - Xoài Hột; xây dựng kế hoạch phòng chống xâm nhập mặn đảm bảo cấp nước cho nhà máy nước BOO Đồng Tâm phục vụ sinh hoạt. Đắp đập đầu kênh Sáu Ầu - Xoài Hột tại huyện Châu Thành, đóng 204 cống, đập trên địa bàn huyện Cai Lậy để ngăn mặn, giữ nước, bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái và phục vụ sinh hoạt.



c) Tình hình cấp nước sinh hoạt nông thôn

- Khu vực huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công hiện có 42.424 hộ dân nông thôn với khoảng 212.120 người, các trạm sử dụng nước ngầm và các trạm được đấu nối với hệ thống của BOO Đồng Tâm đã cơ bản đảm bảo cấp nước cho người dân sử dụng trên mạng lưới hiện hữu. Có 35.544 hộ (khoảng 179.980 người) sử dụng nguồn nước mặt từ dự án ngọt hóa Gò Công bị nhiễm mặn cao hơn tiêu chuẩn cho phép (độ mặn > 1 g/lít). Để đảm bảo cấp nước cho nhân dân khi nguồn nước mặt của vùng dự án hạ thấp tỉnh đã triển khai các giải pháp như đầu tư 10,7 km đường ống đấu nối các trạm sử dụng nước mặt vào nguồn nước của nhà máy nước BOO Đồng Tâm để đảm bảo đủ nước cho trên 6.000 hộ; mở 90 vòi nước công cộng cho khoảng 6.995 hộ ven biển, ven sông Cửa Tiểu, ngoài đê lấy nước phục vụ sinh hoạt.

- Khu vực huyện Tân Phú Đông: hiện có 04 ao chứa nước ngọt, với thể tích chứa 356,8 nghìn m3 phục vụ sinh hoạt cho khoảng 43.000 dân. Tỉnh đã tổ chức thuê xà lan vận chuyển được 202 chuyến với khoảng 290,7 nghìn m3 nước ngọt để cấp nước cho nhân dân. UBND tỉnh đã triển khai thực hiện dự án cấp nước cho huyện Tân Phú Đông với việc xây dựng tuyến ống chuyển tải OD450 HDPE có tổng chiều dài 10.630 m, kinh phí gần 68,6 tỷ đồng, đến nay đã cơ bản hoàn thành.

d) Về đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Về đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: đã triển khai thi công 03 công trình mới và 12 công trình chuyển tiếp. Kế hoạch vốn năm 2016 là 466,7 tỷ đồng, trong 6 tháng đầu năm 2016 giá trị thực hiện ước đạt 182,4 tỷ đồng, giá trị giải ngân ước đạt 119,2 tỷ đồng (đạt 25,5% kế hoạch).

- Về xây dựng nông thôn mới, tiến hành khảo sát tình hình thực tế tại 12 xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, gồm: Phú Mỹ (huyện Tân Phước) và Vĩnh Hựu (huyện Gò Công Tây) đã đạt được 16/19 tiêu chí; Đông Hòa Hiệp, Mỹ Đức Tây (huyện Cái Bè), Mỹ Phước Tây (Tx. Cai Lậy), Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy), Tam Hiệp (huyện Châu Thành) đạt 15/19 tiêu chí; Kim Sơn (huyện Châu Thành) đạt 14/19 tiêu chí; Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo) đạt 13/19 tiêu chí; Trung An (Tp. Mỹ Tho), Tân Đông (huyện Gò Công Đông) đạt 11/19 tiêu chí; Tân Trung (Tx. Gò Công) đạt 10/19 tiêu chí. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016 là 204,2 tỷ đồng, bao gồm vốn Trung ương là 105,2 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh là 99 tỷ đồng. Trong đó, để tập trung đầu tư cho 12 xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016, tỉnh đầu tư 40 công trình xây dựng nông thôn mới từ ngân sách tỉnh, gồm: 05 công trình trường học (43 tỷ đồng); 05 công trình nhà văn hóa xã (6,9 tỷ đồng); 30 công trình cầu đường (49,1 tỷ đồng). Công tác lập kế hoạch, lộ trình xây dựng nông thôn mới tại các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016, 2017 và giai đoạn 2017-2020 còn chậm và lúng túng; nguồn vốn thực hiện Chương trình còn hạn chế nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình. Kết quả thực hiện các tiêu chí của Bộ Tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến nay như sau: nhóm đạt 19/19 tiêu chí là 12/139 xã; nhóm 2 (đạt từ 15-18 tiêu chí): 10/139 xã; nhóm 3 (đạt từ 10-14 tiêu chí): 84/139 xã; nhóm 4 (đạt từ 5- 9 tiêu chí): 33/139 xã; bình quân số tiêu chí đạt được trên địa bàn tỉnh là 11,5 tiêu chí/xã.

- Về sử dụng điện nông thôn, đến tháng 5/2016, tỷ lệ hộ nông thôn có điện đạt 99,996% (tỷ lệ hộ có điện toàn tỉnh đạt 99,997%, chỉ còn 15 hộ chưa có điện trên địa bàn huyện Gò Công Đông, Tân Phước và Tx. Cai Lậy). Số điện kế chính gắn ở nông thôn là 410.411 điện kế (tổng số số điện kế chính toàn tỉnh là 479.401 điện kế).

- Về giao thông nông thôn, các huyện, thị xã và TP. Mỹ Tho đang rà soát, kiểm tra lập danh sách công trình thực hiện trong năm 2016, đến nay đã có 10/11 địa phương lập xong danh mục công trình và hiện có 7/10 địa phương có công trình triển khai thi công được 87/231 công trình (trong đó đã hoàn thành 30 công trình), với tổng kinh phí thực hiện trên 6,7 tỷ đồng.

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2016, công tác chỉ đạo sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và khắc phục hậu quả của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh được triển khai quyết liệt, kịp thời và đồng bộ, tình hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục ổn định.



2. Về phát triển công nghiệp và xây dựng

Giá trị sản xuất khu vực công nghiệp - xây dựng đạt gần 37.973,3 tỷ đồng, tăng 18,0%, tăng cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2015 tăng 17,7%). Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 16,7% so cùng kỳ, trong đó công nghiệp tăng 18,1%, là ngành có tốc độ tăng trưởng tốt nhất, do cơ sở hạ tầng các các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được quan tâm đầu tư, ngày càng hoàn thiện đã thu hút được nhiều dự án trong và ngoài nước đến đầu tư, góp phần làm cho ngành công nghiệp tăng cao. Ngành xây dựng 6 đầu năm tăng khá, tăng 7,0% (6 tháng đầu năm 2015 tăng 5,4%).

a) Tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:

Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 35.009,5 tỷ đồng, tăng 19,0% (cùng kỳ năm 2015 tăng 18,9%). Trong đó, khu vực ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm 59,9%), tăng trưởng khá, đạt 18,6% so cùng kỳ, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng của khu vực này là các doanh nghiệp sản xuất cá tra phi lê, đóng sà lan, dược phẩm trong những tháng đầu năm phát triển khá khả quan; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng cao nhất, tăng 19,8% so cùng kỳ (chiếm 36,6%); các doanh nghiệp trong khu vực này sản xuất khá ổn định và phát triển, nhất là các doanh nghiệp ở KCN Tân Hương và Long Giang với các ngành sản xuất như: túi xách, ống đồng, may mặc,… một số doanh nghiệp có mức tăng khá cao so với cùng kỳ như: Công ty TNHH gia công đồng Hải Lượng (tăng 31,8%), Công ty TNHH Nissei Electric Mỹ Tho (tăng 52,8%),… Khu vực kinh tế nhà nước, đóng góp không đáng kể, chiếm tỷ trọng 3,5%, tăng 16,5% so cùng kỳ.

Trong mức tăng trưởng trên, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 99,1% giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tăng 19,0% so với cùng kỳ (26/34 sản phẩm tăng so cùng kỳ) do các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản đã phục hồi và tăng trưởng khá cùng với tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hiện nay được kiểm soát, hoạt động chăn nuôi phát triển so cùng kỳ và giá bán ổn định ở mức cao.

b) Tình hình thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp:



- Về tình hình thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp (KCN): đến nay, tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 07 KCN với tổng diện tích 2.083,47ha; trong đó có 04 KCN đã được thành lập và đi vào hoạt động. Trong 6 tháng đầu năm, đã thu hút được 07 dự án đầu tư vào KCN Long Giang, với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 326,4 triệu USD, vốn góp 113 triệu USD, tổng diện tích thuê đất là 52,3 ha; nâng tổng số dự án trong các KCN của tỉnh lên 84 dự án, trong đó có 58 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 1.717,3 triệu USD và 3.983,6 tỷ đồng, tổng diện tích cho thuê đạt 57,3%. Ngoài ra, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 16 dự án trong các KCN, trong đó có 05 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm 14,0 triệu USD; 07 dự án điều chỉnh tăng vốn góp với tổng vốn góp tăng thêm là 29 triệu USD và 04 dự án tăng diện tích thuê đất với diện tích thuê đất tăng thêm 3,9 ha.

- Tình hình thu hút đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp:

Theo danh mục quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN), trên địa bàn tỉnh hiện có 27 CCN được quy hoạch; trong đó có 04 CCN với tổng diện tích 108,9 ha đang hoạt động, bao gồm: CCN An Thạnh, quy mô 10 ha, đã lắp đầy 100% diện tích, đã đầu tư hoàn thành hạ tầng; CCN Trung An, quy mô 17,5 ha, đã lắp đầy 100% diện tích, đã đầu tư hoàn thành hạ tầng; CCN và T-TCN Tân Mỹ Chánh, quy mô 23,6 ha, đã lắp đầy 100% diện tích, hiện cơ bản hoàn thành hạ tầng, nhà máy xử lý nước thải; CCN Song Thuận 7,9 ha đã thu hút 16 dự án (14 dự án đang hoạt động). Tổng số dự án đầu tư tại 04 CCN là 86 dự án (trong đó có 07 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư 2.793,3 tỷ đồng với diện tích thuê đất là 77,53 ha, tỷ lệ lắp đầy bình quân đạt 95,4% diện tích đất công nghiệp. Trong thời gian qua, những tồn tại, bất cập của các CCN như: vấn đề ô nhiễm môi trường luôn được quan tâm xử lý, khắc phục; công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), hạ tầng, an ninh trật tự,... từng bước được tháo gỡ đã góp phần tích cực và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh.

Đã xảy ra đình công, lãn công tại 03 công ty ở KCN Tân Hương. UBND tỉnh đã chỉ đạo, xử lý kịp thời, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh của tỉnh.

Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN, CCN gặp nhiều thuận lợi, đa số doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả và phát triển ổn định, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đa số các doanh nghiệp đã tuân thủ và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động, quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động, xây dựng nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể, thực hiện chế độ tiền lương và khen thưởng đúng quy định…

c) Về lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị



Giá trị sản xuất ngành xây dựng đạt 2.963,7 tỷ đồng, tăng 7,5% so cùng kỳ (6 tháng năm 2015 tăng 5,6%). Tổ chức triển khai thực hiện các quy định mới về quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh theo các quy định mới của Trung ương, ban hành các quy định, hướng dẫn mới về quản lý đầu tư xây dựng góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện và tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.

- Về xây dựng cụm, tuyến dân cư và các chương trình nhà ở:

+ Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2) đến nay đã hoàn thành xây dựng 02 cụm dân cư và 43 bờ bao khu dân cư có sẵn đạt 100% kế hoạch, số hộ dân đã xây dựng nhà ở đạt 90%. Tỉnh đã lập danh mục các dự án cụm dân cư, bờ bao khu dân cư có sẵn đề nghị bổ sung giai đoạn 2, bao gồm: 01 dự án cụm dân cư và 44 dự án bờ bao khu dân cư có sẵn với tổng số là 18.957 hộ dân, tổng kinh phí 192 tỷ đồng. Hiện nay, Chính phủ chưa có quyết định về việc thực hiện giai đoạn bổ sung tiếp theo của Chương trình này.



+ Triển khai thực hiện các chương trình nhà ở: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3558/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 và đã trình ra Trung ương xem xét, phê duyệt. Khởi công dự án nhà ở xã hội KCN Tân Hương với qui mô 6,049 ha, tổng kinh phí thực hiện 952,3 tỷ đồng, tổng diện tích sàn là 205.395 m2, tổng số căn hộ là 3.057 căn với diện tích mỗi căn từ 34m2-68m2.

- Về quy hoạch, phát triển đô thị:

+ Công tác quy hoạch: Tổ chức thẩm định đồ án Quy hoạch chung thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Báo cáo thẩm định đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Vàm Láng đến năm 2030 (huyện Gò Công Đông); đồ án Quy hoạch chung thị trấn Vĩnh Bình đến năm 2030 (huyện Gò Công Tây); nhiệm vụ Quy hoạch phân khu khu vực công nghiệp Thạnh Tân (huyện Tân Phước); phân khu Khu thực nghiệm công nghệ sinh học tỉnh Tiền Giang; nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Phú Mỹ (huyện Tân Phước); đô thị An Hữu, đô thị Thiên Hộ (huyện Cái Bè).

+ Phát triển đô thị: tổ chức thẩm định Hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị khu đô thị Tây Bắc và Tây Nam Quốc lộ 1; khu đô thị Bắc và Nam lộ Dây Thép, thị xã Cai Lậy. Tổ chức báo cáo Hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo. Trình duyệt Chương trình Phát triển đô thị toàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030... Tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Tiền Giang đến tháng 6/2016 đạt 15,44%.

3. Các lĩnh vực dịch vụ

Tăng trưởng khu vực dịch vụ quý sau tăng cao hơn quý trước, quí I/2016 tăng 6,2%, quí II tăng 9,0%; bình quân trong 6 tháng đầu năm tăng 7,6% (kế hoạch 2016 tăng 7,7-8,4%); tuy nhiên còn đạt thấp hơn so cùng kỳ năm 2015 (6 tháng năm 2015 tăng 8,8%). Trong đó, tăng trưởng các ngành dịch vụ đạt 7,5% (cùng kỳ tăng 8,7%) và thuế sản phẩm tăng 8,7% (cùng kỳ tăng 9,2%). Hầu hết các ngành trong khu vực này đều tăng so với cùng kỳ, tăng tốt nhất trong khu vực này là ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 12,1%; một số ngành tăng thấp hoặc không tăng so cùng kỳ như: thông tin và truyền thông tăng 1%, du lịch lữ hành tương đương so cùng kỳ…



Hoạt động thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 25.968 tỷ đồng, tăng 6,7% so cùng kỳ, đạt 46,8% kế hoạch, trong đó kinh tế ngoài nhà nước chiếm 90,5%, tăng 6,6%. Nhìn chung, các doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp lượng hàng đủ khả năng đáp ứng thị trường, sản phẩm, mẫu mã đa dạng hơn so năm trước, giá các mặt hàng thiết yếu không tăng, đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường, an sinh xã hội.

Về tình hình đầu tư xây dựng các chợ, khu thương mại: tiếp tục thực hiện đầu tư các chợ đã triển khai trong năm 2015 và đưa vào hoạt động 3 chợ như: chợ Phú Kiết với diện tích là 2.663 m2, tổng vốn đầu tư ước tính là 6,8 tỷ đồng (vốn xã hội hóa); chợ khu tái định cư Tân Hương với diện tích 7.000 m2, tổng vốn đầu tư là 2,1 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh); chợ Tam Hiệp với diện tích 700 m2, tổng vốn đầu tư ước tính 3,2 tỷ đồng (vốn ngân sách huyện). Riêng Siêu thị Co.opMart Gò Công với diện tích là 7.868 m2, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 50,3 tỷ đồng (vốn xã hội hóa) hiện đang thi công, tiến độ thực hiện đạt khoảng 50%. Bên cạnh đó, một số dự án đang làm thủ tục để triển khai như: dự án đầu tư xây mới chợ Bình Đức, dự án đầu tư xây mới chợ - khu dân cư Tân Lý Đông.

- Về công tác quản lý thị trường, tập trung công tác kiểm tra, xử lý vi phạm một số vấn đề như: kinh doanh hàng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, vận chuyển hàng nhập lậu đi qua địa bàn tỉnh; sản xuất kinh doanh hàng giả, không đảm bảo chất lượng; an toàn thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi... Từ đầu năm đến ngày 11/5/2016 đã kiểm tra 1.034 vụ, phát hiện vi phạm 443 vụ, xử phạt 425 vụ, thu phạt 3,28 tỷ đồng (phạt hành chính 2,6 tỷ đồng, bán hàng tịch thu 616 triệu đồng). Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường còn hỗ trợ các ngành chức năng kiểm tra 384 vụ, phát hiện 40 vụ vi phạm (nhắc nhở 29 vụ, xử phạt 10 vụ), thu phạt 9,1 triệu đồng.

- Dịch vụ bưu chính, viễn thông và ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục phát triển ổn định với nhiều loại hình dịch vụ phong phú, đa dạng. Mạng lưới viễn thông có độ phủ rộng, chất lượng tốt, công nghệ hiện đại, có khả năng tích hợp, nâng cấp để đáp ứng với các dịch vụ mới. Việc đưa vào sử dụng cổng thông tin điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử, mạng LAN cấp huyện đã phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan nhà nước; qua đó công khai, minh bạch thông tin, giảm thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thể tải các mẫu đơn, mẫu tờ khai và sau đó nộp hồ sơ trực tuyến tại địa chỉ http://motcua.tiengiang.gov.vn và tra cứu tình trạng hồ sơ đang được giải quyết qua các “ki-ốt” tra cứu thông tin đặt tại UBND cấp huyện. Trong 3 năm gần đây, Chỉ số sẵn sàng cho phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT-Index) của tỉnh Tiền Giang liên tục tăng; đến năm 2015, Tiền Giang xếp hạng 17/63 tỉnh, thành (tăng 10 bậc so với năm 2014 và tăng 38 bậc so với năm 2013). Về bưu chính, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,22 km/điểm phục vụ, khu vực nông thôn đạt 2,41 km/điểm phục vụ; mật độ điện thoại bình quân ước đạt 9,39 thuê bao/100 dân (không bao gồm thuê bao di động trả trước); mật độ Internet bình quân ước đạt 5,33 thuê bao/100 dân.

- Về du lịch, tăng cường tổ chức quảng bá, xúc tiến về du lịch trên địa bàn tỉnh (hoàn thành quyển Sổ tay thông tin về du lịch trên địa bàn tỉnh và giới thiệu 6 tuyến du lịch chính của tỉnh). Lượng khách đến tham quan, du lịch tăng so với cùng kỳ năm 2015, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 801,6 ngàn lượt khách, tăng 4,6% so cùng kỳ, đạt 52,7% kế hoạch, trong đó khách quốc tế đạt 275,8 ngàn lượt, tăng 7,4% so cùng kỳ.

- Về dịch vụ vận tải, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 09 tuyến xe buýt với 135 xe hoạt động (trong đó có 05 tuyến liên tỉnh với 69 xe) và một doanh nghiệp taxi với 105 xe taxi hoạt động. Công tác tổ chức phục vụ hành khách trong các ngày lễ, tết luôn được quan tâm, không để xảy ra tình trạng hành khách chờ đợi, ở lại qua đêm tại các đầu bến… Vận tải hành khách đạt 15,1 triệu lượt khách, luân chuyển được 571 triệu lượt khách.km (so với cùng kỳ vận chuyển giảm 10,9% và luân chuyển giảm 5,4%); vận tải hàng hóa đạt 7,01 triệu tấn, luân chuyển được 678,2 triệu tấn.km (so với cùng kỳ vận chuyển tăng 0,3% và luân chuyển tăng 5,5%)…

- Về tín dụng - ngân hàng: Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng. Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại đã chấp hành nghiêm trần lãi suất huy động theo quy định, công tác huy động vốn tăng trưởng khá do các doanh nghiệp, thành phần kinh tế kinh doanh vào thời điểm sau Tết sức mua giảm, chưa có kế hoạch kinh doanh nên thừa vốn tạm gửi vào ngân hàng,... Để có nguồn vốn ổn định đáp ứng nhu cầu vay vốn trung hạn để phục vụ cho nhu cầu vốn các thành phần kinh tế, một số ngân hàng đang nâng dần mức lãi suất huy động có kỳ hạn trên 6 tháng để thu hút tiền gửi. Ước đến ngày 30/6/2016, tổng vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 42.653 tỷ, tăng 4.570 tỷ so với đầu năm, tỷ lệ tăng 12% (cùng kỳ tăng 6,68%).

Tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm đạt thấp, mặc dù lãi suất cho vay hiện nay đang điều chỉnh ở mức thấp nhằm hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế và các lĩnh vực ưu tiên (trần lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay là 7,0%/năm). Tăng trưởng tín dụng hiện nay đang gặp khó khăn, đạt mức thấp so với cùng kỳ, do các ngân hàng thương mại đang củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng nên rất thận trọng trong việc tìm kiếm khách hàng mới; ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn và xâm nhập mặn nên sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, nhu cầu vốn vay của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế chưa cao… Ước tính đến ngày 30/6/2016, tổng dư nợ cho vay đạt 30.219 tỷ đồng, tăng 1.439 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 5,0% (cùng kỳ tăng 10,42%). Tính đến ngày 17/5/2016, nợ xấu với số dư là 443 tỷ đồng, tăng 189 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,48% trên tổng dư nợ, tăng 0,6 điểm % so đầu năm 2016, nợ xấu chủ yếu là do thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và ngân hàng.



4. Xuất, nhập khẩu

- Về xuất khẩu: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 908,9 triệu USD, tăng 13,7% so cùng kỳ, đạt 43,4% kế hoạch năm.

+ Xuất khẩu nhóm hàng thủy sản: thực hiện được 61,6 ngàn tấn với trị giá là 121,7 triệu USD, tăng 4,8% về lượng và giảm 8,3% về trị giá; trong đó mặt hàng gạo thực hiện 79.059 tấn với trị giá 37,2 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 1,4% về trị giá. Xuất khẩu nông, thủy sản 6 tháng đầu năm phải đối mặt với những thách thức không nhỏ do nhiều yếu tố như giá giảm, biến động tiền tệ, thuế chống bán phá giá, những thay đổi trong quy định nhập khẩu cá tra tại Mỹ… Xuất khẩu cá tra đang phục hồi nhanh nhờ giá tăng do cung không đủ cầu.

+ Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp: hầu hết các mặt hàng đều có tăng trưởng so với cùng kỳ, hàng may dệt may thực hiện 32,7 triệu sản phẩm với trị giá là 153,6 triệu USD, giảm 13,2% về lượng và tăng 2,5% về trị giá. Ngoài các mặt hàng giày dép, sản phẩm bằng nhựa, túi xách, ống đồng đang phát triển mạnh. Trong 6 tháng đầu năm trị giá xuất khẩu giày dép các loại đạt 202,3 triệu USD, tăng 38% so cùng kỳ; túi xách, sản phẩm bằng nhựa đạt 205,9 triệu USD, tăng 13,1%; kim loại thường và các sản phẩm khác đạt 121,8 triệu USD, tăng 18,1% so cùng kỳ.

+ Về thị trường xuất khẩu: Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu,... Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu phân theo thị trường đã có chuyển dịch mạnh, thị trường Châu Mỹ giảm (từ 38,9% xuống còn 36,5%), do xuất khẩu hàng nông, thủy sản giảm; ngược lại, thị trường Châu Âu tăng (từ 22,6% lên 25,3%) do xuất khẩu hàng công nghiệp tăng mạnh, thị trường Châu Á tăng nhẹ (từ 32,2 tăng lên 32,8%), xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu là gạo, giày, thủy sản, ống đồng; còn lại là các thị trường Châu Đại Dương và Châu Phi chiếm 5,4% (chủ yếu là thủy sản, ống đồng,...).

- Về nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu thực hiện 477,4 triệu USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ, đạt 39,8% kế hoạch; trong đó kinh tế ngoài nhà nước chiếm 15,4% so tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh, giảm 53,6% so cùng kỳ và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 84,6%, tăng 3,4%.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 472,5 triệu USD, chỉ đạt 86,7% so cùng kỳ, trong đó nhập khẩu cho sản xuất chế biến thực phẩm 41,5 triệu USD, may mặc 110,4 triệu USD, sản xuất da và các sản phẩm liên quan 164,3 triệu USD. Nhập khẩu hàng hóa đạt 4,9 triệu USD, tăng 17,6% so cùng kỳ.



5. Phát triển doanh nghiệp và kinh tế tập thể

- Về đăng ký thành lập doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 271 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 1.868 tỷ đồng, tăng 9,7% về số doanh nghiệp và tăng 2,2 lần vốn đăng ký, cho thấy quy mô doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ. Có 103 doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn với tổng vốn tăng thêm 1.284,1 tỷ đồng, tăng 8,4% về số doanh nghiệp và tăng 52,1 % về lượng vốn. Có 204 doanh nghiệp thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh, tăng 19,3% so cùng kỳ. Ngoài ra, có 50 doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động 16 chi nhánh và 04 văn phòng đại diện do kinh doanh không hiệu quả (so cùng kỳ tăng 23 doanh nghiệp, 08 chi nhánh và 01 văn phòng đại diện); tạm ngừng kinh doanh 52 doanh nghiệp do gặp khó khăn về tài chính, chưa tìm được khách hàng (giảm 04 doanh nghiệp so cùng kỳ). Có 13 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình (tăng 05 doanh nghiệp so cùng kỳ). Đến 31/5/2016, toàn tỉnh có tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập là 6.070 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 52.556,4 tỷ đồng; trong đó số doanh nghiệp đang hoạt động trong tỉnh khoảng 3.766 doanh nghiệp.

- Về công tác quản lý và phát triển doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch triển khai rà soát, chuẩn hóa dữ liệu để đồng bộ thông tin về doanh nghiệp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế tại tỉnh Tiền Giang. Xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo quy định của Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV ngày 28/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ. Ngày 15/6/2016, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị phát triển doanh nghiệp nhằm xây dựng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đồng hành, hỗ trợ tạo động lực thúc đẩy việc khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững doanh nghiệp trong hội nhập ngày càng sâu, rộng.

Nhìn chung, tình hình phát triển doanh nghiệp có bước phát triển khá, tăng 9,7% về số doanh nghiệp và 2,2 lần về lượng vốn đăng ký so với cùng kỳ, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 6,1 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2015 là 3,0 tỷ đồng). Hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng khả quan được thể hiện qua các chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2015,… Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động còn tăng, chiếm đến 37,6% so với số doanh nghiệp thành lập mới, điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn còn trong giai đoạn khó khăn.

- Hoạt động kinh tế tập thể: không có hợp tác xã (HTX) thành lập mới; công nhận thêm 01 thành viên của Liên minh HTX tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.453 tổ hợp tác (THT), trong đó có 415/577 THT kinh tế hoạt động trên các lĩnh vực theo đúng Nghị định 151/NĐ-CP của Chính phủ. Các THT còn lại chỉ hoạt động theo mùa vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2016 đã giải thể 04 HTX do các HTX ngưng hoạt động đã lâu và không có khả năng củng cố. Đến cuối tháng 6/2016, toàn tỉnh có 01 Liên hiệp HTX nông nghiệp và 93 HTX, bao gồm: 38 HTX nông nghiệp, 15 HTX tiểu thủ công nghiệp, 08 HTX thương mại dịch vụ, 04 HTX xây dựng, 11 HTX vận tải, 16 quỹ tín dụng nhân dân (TDND), 01 HTX thuỷ sản. Tổng vốn hoạt động của HTX, Quỹ TDND toàn tỉnh khoảng 2.015,7 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 932,7 tỷ đồng (tăng 7,9% so với cùng kỳ), lợi nhuận đạt trên 10,7 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 3,1 tỷ đồng, có tổng số 47.109 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 9.994 lao động.

Nhìn chung, mặc dù có những khó khăn nhất định nhưng khu vực kinh tế tập thể của tỉnh có những chuyển biến tích cực, có 16 Quỹ TDND trên địa bàn tỉnh đều hoạt động có hiệu quả, duy trì tốt khả năng thanh toán, đáp ứng khá tốt nhu cầu vốn phát triển nông thôn. Bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế tập thể còn những tồn tại cần khắc phục như: đa số các HTX nhìn chung còn yếu, quy mô dịch vụ nhỏ, thiếu ổn định, năng lực cạnh tranh yếu, nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc. Hầu hết các HTX còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, vốn, kinh nghiệm tham gia thị trường, sự gắn kết giữa các thành viên của HTX còn hạn chế ở một số nơi,...

- Về công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn 07 Công ty TNHH MTV có vốn Nhà nước, gồm: Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Tiền Giang, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn Tiền Giang, Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho, Công ty TNHH MTV Công trình đô thị thị xã Gò Công, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang; trong đó, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang tiếp tục duy trì doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Đã hoàn thành việc bán cổ phần tại 03 công ty TNHH MTV là: Công trình đô thị Mỹ Tho, Công trình đô thị thị xã Gò Công, Chăn nuôi Tiền Giang và đang thực hiện các bước thủ tục để chuyển 03 công ty này thành 03 công ty cổ phần (kể cả việc cử người đại diện phần vốn nhà nước tại 03 công ty này). Ngoài ra, tỉnh đang tiến hành các thủ tục để thực hiện sáp nhập Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn Tiền Giang vào Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang.



6. Thu, chi ngân sách

- Tổng thu ngân sách thực hiện được 7.255 tỷ đồng; trong đó, thu từ kinh tế địa phương 3.569,8 tỷ đồng, đạt 61,0% so dự toán năm và tăng 24,8% so cùng kỳ. Bao gồm các khoản thu như: Thu nội địa đạt 2.519,8 tỷ đồng (đạt 60,7% so dự toán, tăng 39,3% so cùng kỳ); thu hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 200,0 tỷ đồng (đạt 28,6%, bằng 64,5%); thu xổ số kiến thiết 850 tỷ đồng (đạt 85,0% dự toán, tăng 14,6% so cùng kỳ).

Trong khoản thu nội địa, hầu hết các khoản thu đều đạt từ 50% trở lên so với dự toán năm; riêng khoản thu phí, lệ phí đạt 45,1%, do các đơn vị chậm nộp và chờ đến cuối năm nộp ngân sách. Riêng khoản thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt thấp so với dự toán và giảm so với cùng kỳ, nguyên nhân đạt thấp là do giá dầu thế giới giảm mạnh, thị trường tiêu thụ nhựa đường tại tỉnh giảm cũng đã ảnh hưởng đến nguồn thu này.



- Tổng chi ngân sách địa phương, thực hiện được 4.017,8 tỷ đồng, đạt 53,4% dự toán, tăng 12,6% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 1.316,8 tỷ đồng, đạt 59,9% dự toán năm, tăng 22,0% so cùng kỳ; bao gồm: chi đầu tư phát triển nguồn trong cân đối là 957,2 tỷ đồng, đạt 79,8% dự toán năm (kể cả tạm ứng chi đầu tư chưa thanh toán từ năm 2015 chuyển sang, chi trả tạm ứng kho bạc,...) và chi từ nguồn xổ số kiến thiết là 359,7 tỷ đồng, đạt 36% dự toán.

II. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ CÁC LĨNH VỰC VĂN HÓA, XÃ HỘI

1. Hoạt động khoa học công nghệ

- Về lĩnh vực quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ: tiến hành kiểm tra tiến độ, nghiệm thu giai đoạn, kết thúc đối với 18 nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyển tiếp; quyết định công nhận và giao đơn vị ứng dụng kết quả 03 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh; quyết định triển khai 05 nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

- Về lĩnh vực quản lý công nghệ và sở hữu trí tuệ: thẩm tra công nghệ 03 dự án đầu tư; thẩm định 01 hồ sơ về thiết bị phòng thí nghiệm; xây dựng phương án đánh giá trình độ công nghệ sản xuất một số ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020. Hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho 19 cơ sở; hỗ trợ Hội Làm vườn huyện Châu Thành xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể sapo Mặc Bắc Kim Sơn.

- Về lĩnh vực quản lý đo lường chất lượng, kiểm định định kỳ các cơ sở kinh doanh dụng cụ ngành nước, công tơ điện, cơ sở kinh doanh vàng bạc, xăng dầu,... Kết quả kiểm định đã phát hiện 1.337/36.227 phương tiện đo không đạt tiêu chuẩn, tỉ lệ sai hỏng tăng 3,7% so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2015 là 2,9%).

2. Giáo dục và Đào tạo

Tổ chức tổng kết năm học 2015-2016 và tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2016-2017. Chuẩn bị tốt các điều kiện cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2016 với 11.695 thí sinh đăng ký dự thi; tỷ lệ thí sinh dự thi xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng là 87,8%. Phối hợp tổ chức tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2016. Tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm 2016, đạt 10 giải (giảm 2 giải so với năm 2015), xếp hạng ba khu vực ĐBSCL; triển khai đại trà mô hình học tập, đánh giá và xếp loại công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.



Về số học sinh ở các bậc học, nhà trẻ có 4.486 trẻ, đạt tỷ lệ huy động 7,5% so dân số độ tuổi (tăng 0,8% so với năm học trước); mẫu giáo có 47.960 học sinh, tỷ lệ huy động 68,9% so độ tuổi (tăng 4,2% so với năm học trước); tiểu học có 140.566 học sinh, đạt tỷ lệ 99,9% so với dân số trong độ tuổi; trung học cơ sở có 102.056 học sinh, tỷ lệ huy động là 97,1%; trung học phổ thông có 38.252 học sinh, tỷ lệ huy động đạt 54,3%; tỷ lệ huy động học sinh trung học phổ thông và tương đương đạt 60,9%.

- Về lĩnh vực đào tạo: Tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 24/3/2016 của UBND tỉnh về việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND cấp huyện quản lý, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước về công tác giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp.

Trường Cao đẳng Y tế hiện có 2.988 học sinh, sinh viên (HSSV), trong đó, hệ chính quy là 2.678 HSSV, hệ vừa học vừa làm là 310 HSSV đang theo học tại trường.

Trường Đại học Tiền Giang tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo đúng tiến độ; hiện có khoảng 10.200 HSSV đang theo học, trong đó có 8.315 HSSV do Trường đào tạo và cấp bằng. Trường Đại học Tiền Giang năm 2016 có tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy là 2.140 chỉ tiêu (trong đó, đại học: 1.180 chỉ tiêu, cao đẳng: 860 chỉ tiêu và trung cấp chuyên nghiệp: 100 chỉ tiêu).



- Về cơ sở vật chất, hiện nay toàn tỉnh có 163 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó: mầm non 23 trường, tiểu học 111 trường, trung học cơ sở 25 trường, trung học phổ thông 4 trường). Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia so với tổng số trường của từng bậc học là: mầm non 12,3%, tiểu học 49,1%, trung học cơ sở 19,8% và trung học phổ thông 10,8%. Đã khởi công xây dựng Trường THPT Tân Phú Đông, nghiệm thu đưa vào sử dụng trang thiết bị Trường THCS thị trấn Chợ Gạo và Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, xem xét phê duyệt kế hoạch đấu thầu tư vấn thiết kế xây dựng Trường THPT Nguyễn Văn Thìn và Trường THPT Lê Thanh Hiền.

3. Giải quyết việc làm, giảm nghèo và thực hiện các chế độ chính sách

- Các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm và đào tạo nghề tiếp tục được củng cố và tăng cường. Các hoạt động thông tin, dự báo thị trường lao động được triển khai đồng bộ; hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm ngày càng hiệu quả, kết nối cung - cầu lao động cao hơn, góp phần quan trọng đạt mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập người lao động trong tỉnh. Tính chung 6 tháng đầu năm 2016, đã giải quyết việc làm cho khoảng 9.709 lao động, đạt 48,5% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ, trong đó có 80 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tạo việc làm mới cho 7.415 lao động; đã giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 4.382/5.149 người đăng ký thất nghiệp với tổng số tiền hơn 36,3 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ.

- Về công tác xóa đói, giảm nghèo: tập trung thực hiện các giải pháp giảm nghèo và huy động nguồn lực trong nhân dân ưu tiên đầu tư cho những vùng khó khăn nhất và tổ chức thực hiện các mô hình giảm nghèo bền vững. Phối hợp với Công ty Viettel Tiền Giang trao tặng 1.000 máy điện thoại di động cho các hộ nghèo huyện Tân Phước, Tân Phú Đông, Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Tính đến đầu tháng 6/2016, tổng số hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016-2020 của tỉnh là 26.858/457.400 hộ dân toàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 5,87%; kế hoạch đến cuối năm giảm 3.000 hộ nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5,22%.

- Thực hiện chính sách với người có công, các hoạt động chăm sóc người có công được duy trì và nâng cao. Tổ chức thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách tiêu biểu ở các huyện, thị xã, thành phố Mỹ Tho và một số đơn vị tập trung nhân dịp Tết cổ truyền dân tộc 2016 và kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam; trong đó có 46.809 suất quà của Chủ tịch nước với số tiền gần 9,6 tỷ đồng và trợ cấp Tết từ kinh phí đảm bảo xã hội của tỉnh là 67.504 suất với số tiền trên 10,9 tỷ đồng. Tổ chức lễ tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt II/2015 tại các huyện, thành, thị, với số lượng 199 mẹ (22 mẹ sống, 177 mẹ từ trần). Vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đến nay được hơn 5,1 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ; xây mới và sửa chữa 58 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.



- Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em luôn được chú trọng, triển khai thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và các hoạt động trong “Tháng hành động vì trẻ em năm 2016” với nhiều hình thức hoạt động phong phú như tổ chức diễn đàn trẻ em và hội thi kiến thức và kỹ năng về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia trại hè “Ước mơ hồng” năm 2016 tại tỉnh Bạc Liêu.

4. Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình phòng chống dịch bệnh được theo dõi, giám sát thường xuyên, kết quả so với cùng kỳ có một số bệnh giảm, riêng bệnh tay - chân - miệng tính đến 19/6 xảy ra 410 cas, giảm 22,3%,... và không xảy ra dịch bệnh mới như: cúm A H7N9, virus Ebola, MER-CoV, Zika,... Tình hình bệnh sốt xuất huyết đang tăng cao so với cùng kỳ, tổng số người mắc là 1.039 cas, tăng 237,3% so cùng kỳ, không có trường hợp tử vong. Đã xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm với 181 người mắc, không có trường hợp tử vong. Các chương trình mục tiêu y tế thực hiện đạt tiến độ kế hoạch đề ra. Công tác khám chữa bệnh tại các tuyến tương đối ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng quá tải cục bộ tại một số đơn vị, chủ yếu quá tải khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoại trú. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các cơ sở điều trị đạt 93%.



Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: nhân lực ngành y tế còn thiếu chưa đáp ứng công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân tại một số nơi; số lượng bác sĩ, dược sĩ đại học đào tạo theo địa chỉ chưa đủ bổ sung cho các đơn vị y tế. Trang thiết bị y tế tại các đơn vị vẫn còn thiếu, chỉ đảm bảo mức cơ bản để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, trong khi đề án xã hội hóa thiết bị y tế chỉ thực hiện được ở một số cơ sở y tế, chưa có nhà đầu tư tham gia vào các dự án, công trình y tế. Các chương trình mục tiêu về y tế không còn nguồn lực hợp tác quốc tế nhằm duy trì, phát triển bền vững ở các hoạt động thuộc lĩnh vực y tế.

5. Văn hóa, thể thao và các vấn đề xã hội khác

- Các hoạt động văn hóa, văn nghệ với nhiều hình thức đa dạng, sôi nổi, phong phú về nội dung gắn liền với các ngày lễ, sự kiện quan trọng của đất nước, nhất là tuyên truyền lưu động cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại TP. Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy. Hoàn chỉnh đề án “Xây dựng TP. Mỹ Tho đạt chuẩn Văn minh đô thị giai đoạn 2016-2017” trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.

- Hoạt động thể dục, thể thao: tổ chức thành công các giải thi đấu cấp tỉnh, cấp quốc gia như Hội thi thể thao dân tộc tỉnh Tiền Giang, giải vô địch Võ cổ truyền tỉnh Tiền Giang, giải Bóng đá mini trẻ tỉnh Tiền Giang, giải Bóng bàn tỉnh Tiền Giang mở rộng lần thứ III, giải Cử tạ thanh thiếu niên toàn quốc, giải Bóng đá hạng II Quốc gia. Tham gia thi đấu các giải thể thao thành tích cao khu vực, toàn quốc, mở rộng và quốc tế như: giải vô địch các CLB Pencak Silat toàn quốc, giải vô địch cúp các CLB Kick Boxing nam, nữ toàn quốc, giải Vovinam các đội mạnh toàn quốc lần thứ VII, giải vô địch Bóng bàn toàn quốc - lần thứ 34… Kết quả đoạt 25 HCV, 17 HCB và 17 HCĐ.

III. TÀI NGUYÊN – MÔI TRƯỜNG

1. Tài nguyên

- Về tài nguyên đất: đang chờ chỉ tiêu phân khai của Chính phủ để hoàn chỉnh công tác lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tỉnh đã xem xét, phê duyệt đơn giá, chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 39 công trình; đã giải quyết được 12.099/13.137 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các tổ chức, cá nhân (đạt tỷ lệ 92,1%).

- Về tài nguyên nước, khoáng sản, trong 6 tháng đầu năm 2016 đã cấp 35 Giấy phép thăm dò, 34 giấy phép khai thác nước dưới đất và 08 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước,... UBND tỉnh ban hành 03 Quyết định về lĩnh vực khoáng sản và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra đột xuất tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh theo phản ánh của nhân dân được 01 cuộc, qua kiểm tra phát hiện 04 phương tiện ghe bơm hút đang hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Tiền, hiện các phương tiện đang bị tạm giữ để chờ xử lý theo quy định. Phối hợp với tỉnh Đồng Tháp kiểm tra 02 cuộc về tình hình khai thác cát sông khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh, phát hiện 02 phương tiện khai thác trái phép, thu nộp ngân sách nhà nước với số tiền xử lý vi phạm là 70 triệu đồng.

2. Môi trường

Hoàn thành xử lý triệt để đối với 2 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (đạt 66,6%) trên địa bàn tỉnh là Công ty CP May Sông Tiền và Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Quý. Tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 03 doanh nghiệp, phát hiện 01 doanh nghiệp vi phạm trong việc xả khí thải vượt tiêu chuẩn theo quy định và hiện tại doanh nghiệp này đang tiến hành khắc phục.




tải về 0.52 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương