Vài Chuyện Bạn Và Tôi Học Phật tt. Thích Phổ Huân o0o Nguồn



tải về 1.71 Mb.
trang12/28
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.71 Mb.
#29618
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   28

Ngũ căn

Là năm căn nguyên, nền tảng phương tiện giúp hành giả phát huy thành tựu con đường học đạo. Năm căn là: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn.


- Tín căn
Đó là niềm tin, đức tin căn bản của người học Phật; đây là điều tất nhiên, cũng như thế gian lấy niềm tin mà sống. Bạn và tôi nghĩ xem có ai lại sống mà thiếu niềm tin? Đến những người bệnh nan y chỉ còn chờ chết, họ vẫn gắng gượng tin rằng mình có thể sống, có thể được người cứu chữa; chẳng khác gì thuyền bị đắm, người trôi vào hoang đảo, sống thiếu thốn, bị đe dọa sợ hãi mọi thứ nguy hiểm có thể xảy ra, nhưng người ta vẫn cương quyết tin rằng mình phải sống, phải được cứu nguy.
Như thế thấy rằng, niềm tin là động lực nuôi sống tinh yếu nhất của con người. Có nhiều người bị thất bại, thất bại nhiều lần, nhưng họ vẫn tin, cứ tin, mình sẽ có ngày làm được, thế là họ đạt được những điều ước muốn.
Rồi có những niềm tin mà chẳng bao giờ được, nhưng người ta vẫn cứ tin để sống, tin để nguôi ngoai nỗi đau buồn. Chẳng hạn trong chiến tranh loạn lạc, cha mẹ, con cái, chồng vợ, anh em bị ly tán không tìm nhau được, hoặc bị chết hoặc đã lập nghiệp nơi nào chưa rõ. Trải qua nhiều năm biệt âm vắng bóng, nhưng người ta vẫn giữ mãi niềm tin, chờ ngày đoàn tụ. Cho dù họ biết chờ đợi chỉ là hoài công vô vọng, nhưng họ vẫn lấy đó làm niềm tin an ủi trong đời sống của họ.
Lại niềm tin nữa, tin để an phận, để khỏi than van trách người trách cảnh, niềm tin này nghiêng về mặt tâm linh, đó là tin vào tôn giáo thần linh, tin những đấng cao cả ngự trị trên cao. Tin như niềm tin này, dù không phù hợp với thế kỷ khoa học hôm nay, nhưng ít ra cũng là phương thức dạy người, đừng tự cho mình là chúa tể, mà phải coi mình là nhỏ bé, cần sống đoàn kết thương yêu nhau thay vì chia rẽ, chiến tranh đẩm máu, nếu không sẽ bị trừng phạt...
Đại khái niềm tin vẫn là điều mà con người phải đối diện, phải hòa sống như một thực thể bất ly với hiện tượng sinh tồn.
Nhưng thưa bạn, đôi khi niềm tin cũng đã đưa đến thái quá, dẫn đến nhiều vấn đề không hay, nếu niềm tin không hợp nhất hài hòa giữa chủ thể và khách thể, nghĩa là giữa người tin và đối tượng được tin.
Vậy thì ở đây, Tín căn là nền tảng niềm tin của người học Phật, buộc chúng ta phải tin những gì? Và việc tin của người học Phật có xa lạ với đời sống hiện thực hay không?
Tất nhiên, tuyệt đối người học Phật phải có niềm tin cụ thể rõ ràng hiện thực diễn ra trong đời sống.
Trước hết, phải thưa ngay rằng người học Phật mà không tin Phật thì tin ai? Khi đã tin Phật tất phải tin lời dạy của Ngài; cuối cùng tin đệ tử của Ngài là những người đã và đang thực hành thành tựu điều Ngài chỉ dạy.
Bây giờ bạn và tôi cũng nên dài dòng tự hỏi vì sao phải tin Phật? Việc hẳn nhiên như vậy. Tin Phật vì duy chỉ có Phật là bậc Đại Giác từ khi Ngài thành đạo tới nay; tới nay chưa có ai như Ngài, nói chi là hơn Ngài. Và dù thời gian hơn hai ngàn năm trăm năm, sự thật đó vẫn được tin là sự thật, chứ không phải tin suông. Như sự thật hiện giờ, không chừng đã có nhiều người, trong đó có bạn và tôi mong ngóng tin đồn đâu đó có người xuất hiện được tôn vinh như Ngài; sự tôn vinh có thể dùng bằng danh từ khác, chứ không nhất thiết phải dùng văn tự như Bậc toàn giác, người thức tỉnh v.v... Gọi sao gọi, miễn là giỏi như Ngài, thanh tịnh như Ngài. Nhưng thưa bạn đã trải hơn hai mươi lăm thế kỷ, chẳng thấy một ai! Và điều sự thật nữa, tìm những người được như các đại đệ tử của Ngài cũng không có, nói chi còn mong hơn nữa. Căn cứ theo giáo pháp Như Lai chẳng bao giờ có hai vị Phật xuất hiện cùng một thời kỳ hoằng hóa, nghĩa là bao giờ còn giáo pháp của Phật thì không thể có vị Phật khác xuất hiện, mà phải đợi đến thời kỳ mất hẳn giáo pháp Như Lai, bấy giờ hình ảnh vị Phật khác sẽ quay lại chu kỳ như Phật quá khứ đã làm. Do đó ta chẳng thể nào gặp được kim thân Phật sống xuất hiện nếu còn giáo pháp Như Lai trên cuộc đời này.
Nhưng tin Ngài để được gì? Thưa vâng, bạn và tôi có quyền hỏi, có quyền đặt mọi nghi vấn thắc mắc, huống chi thắc mắc này đúng với hiện trạng đời sống khoa học tiên tiến ngày nay.
Tạm trả lời nghi vấn này, ta phải đi từ câu hỏi, Phật có gì khác với mọi người không? Nếu không khác, không hơn không kém như những con người thường tình thế gian, thì việc chẳng màng bàn đến làm chi cho phí thời gian, và thực tế chẳng thấy tín căn có ý nghĩa gì!
Vâng, thưa bạn, Phật hoàn toàn là con người nhưng tuyệt đối không giống người thế gian. Người thế gian từ cổ chí kim vẫn là con người sống trong thương yêu sân giận, trong quanh quẩn hệ lụy cuộc đời, và tất cả nếu biết được, nghe được có người nổi tiếng được ca tụng mệnh danh là hiền nhân, phi thường, dị tướng, dị nhân... thì cũng chỉ để lại lời nói hay việc làm nhất thời mà thôi, rồi thời gian cũng lặng lẽ trôi. Hay hơn nữa, lý thuyết, văn ngôn, việc làm của người tiếng tăm đó, cũng chỉ để lại khởi đầu cho những sáng tạo mới, rồi sáng tạo mới này, sẽ thành quá khứ để được nhìn nhận biết ơn, như bao nhiêu sáng tạo của người đi trước mà thôi.
Đức Phật không giống như những người nổi danh như trên, và Ngài cũng chẳng màng như thế, vì tự thân Ngài đã chứng được cái thấy, cái nhìn siêu xuất muôn đời muôn thuở của thế gian, của thế giới vũ trụ, của tất cả từ vật chất hữu hình đến vô hình. Cái thấy được biểu trưng qua hình ảnh một con người bình thường có đầy đủ cảm giác cảm xúc, nhưng Ngài từ chối hưởng thụ, để tự thân chứng nghiệm chứng minh sự từ chối của mình là việc làm hiển nhiên, của một bậc đại giác, và đạt thành quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác vượt lên tất cả cuộc đời.
Nhưng hình ảnh siêu xuất như vậy, phải được cụ thể hơn nữa với thời gian; thật vậy, đó là giáo pháp là chân lý được Ngài tìm ra, điều đó đã và đang ươm màu sắc thái huy hoàng vượt đi khắp không gian địa cầu, và thời gian hơn hai ngàn năm trăm năm nay. Một giáo lý hoàn toàn giải thoát đúng nghĩa giải thoát của nó, nghĩa là nó không bao giờ bị hạn cuộc, bị cô lập, bị dị ứng, bị xuyên tạc, bị đặt định hay bị xoáy mòn bởi bất cứ tư duy ý thức của hết thảy chúng sanh nào trên khắp không gian và thời gian thế giới.
Và như thế niềm tin xác quyết cuối cùng của nghi vấn tín căn này là, thực hành giáo lý đó sẽ ra sao? Vâng, đó chính là những tấm gương, những hành hoạt phi thường của các đệ tử Ngài, cũng như của hàng vạn người đã cảm được vị an lạc giải thoát khi sống trong thế gian đau khổ này. Điều này bạn và tôi đã nhắc qua rồi, là những hình ảnh của các bậc Thánh Tăng chứng đạo trong thời tượng pháp và mạt pháp trước đây và ngày nay.
Như thế đó là lược hiểu niềm tin của người học Phật, và không cần trả lời thêm nữa, bạn và tôi đã hiểu, đã tin như vậy vì nó là chân lý tất nhiên, cho nên người tin nếu được hỏi, tin để làm gì, xin thưa để học theo mà tu thành Phật vậy
- Tấn căn
Đạt được tín căn, là có nền tảng niềm tin vững chắc về ba ngôi Tam Bảo và các pháp như thật theo chân lý giải thoát. Tiếp theo là việc chuyên cần học hỏi của người học Phật, và đây gọi làø Tấn căn vậy.
Tấn là tinh tấn, siêng năng, nhẫn nại, cần cù... Hành động ý thức này phải được xây dựng luôn luôn; nếu không sẽ đánh mất đi niềm tin, mất đi lý tưởng thành Phật.
Như bạn và tôi thấy, ở thế gian có ai lười biếng giải đãi mà thành công đâu? Nếu bạn cho là có, việc này lại phải dài dòng phân bua nữa rồi!
Đặt thí dụ có anh chàng làm biếng, thật làm biếng; anh làm biếng cũng có một ít lý do chứ chẳng phải không. Vì gia đình anh giàu, có thể nuôi cở mười người làm biếng như anh cũng được, nên anh thấy vui mà làm biếng.
Một hôm không vui, ra phố ngắm người ngắm cảnh, thấy người mua lotto đánh số cầu may, anh cũng ra bộ làm mê, mua thử một vé; ai nhè vài hôm sau khám phá ra vé anh trúng đến vài triệu đồng. Trúng lớn và đột ngột như vậy, anh không biết phải làm sao, mừng thì đương nhiên, nhưng có lẽ phân vân, phải làm gì với số tiền lớn đó, trong khi anh vẫn quá sung sướng giàu có hiện thời. Thế là anh bèn làm một cuộc vui nữa, theo kiểu làm biếng; anh chỉ ngồi một chỗ, rồi gởi tiền đầu tư cổ phần, phó thác may rủi vào một công ty cho vui; ai dè lại phát lời to, thế là anh cứ vậy mà vui và rồi tiếng tăm thành công càng ngày càng lớn.
Nghe qua chuyện vậy, bạn và tôi cũng thấy lạ về chuyện thành công này; thành công đến từ sự làm biếng! Làm biếng chẳng muốn làm việc chỉ muốn dạo chơi, từ đó lại hóa ra nhân duyên làm giàu thêm, cuối cùng là thành công từ nguyên nhân chẳng muốn làm việc. Thưa bạn, người được như vậy đâu gọi là thành công, đó là sót lại thiện báo đời trước chưa hưởng hết, giờ hưởng thêm cho trọn; xong rồi thì làm gì được nữa. Cũng như nhân nghiệp giải đãi lười biếng của người đó chẳng thể nào mất được trong kiếp sau; và đời sau nếu quả báo thiện đã hưởng hết, người này không còn cơ hội làm biếng, hay không bao giờ dám làm biếng!
Thật cũng tức cười, con người chúng ta hay chuyên cần siêng năng về ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí đủ thứ ít thấy nhàm chán mỏi mệt, còn việc giúp người hướng thiện tu thân, lại ít khi nghĩ tới, nói gì dám siêng năng! Nhưng không nghĩ đến người cũng còn dễ thông cảm cho cái ham vui của mình, đằng này nghĩ đến chính mình hướng thiện cũng thờ ơ lãnh đạm. Vậy hỏi làm sao tin được quả báo giải thoát cao sáng nhiệm mầu trong cái tính hẹp hòi cố hữu của mình. Thảo nào thế gian người khổ đa số, người an lạc chẳng có mấy người!
Tấn căn, là nền tảng của người học Phật, giữ được sự tha thiết về pháp giải thoát, giữ được tâm từ bi sống mãi với mình và tha nhân. Đọc truyện sử chư vị Thánh Tăng, chúng ta phải cảm phục việc tu hành tinh tấn của các Ngài, đó là nhờ chư vị giữ được nền tảng uyên nguyên của sự chuyên cần không gián đoạn mà sinh ra.
Phải nói đúng hơn chư vị Thánh Tăng đã hiểu thấu được các pháp thế gian, con người thế gian, chỉ là những màn ảnh phù du giả tạm; hiểu như thế các Ngài mới hạnh phúc mới hoan hỷ trong niềm vui nhận ra giáo pháp giải thoát, và tạo thành động lực tinh tấn dũng mãnh.
Bạn hãy nhìn lại sinh hoạt thường nhựt của thế gian từ sáng đến tối, nơi các trung tâm thành phố lớn, người người tấp nập đi lại không ngừng; các đoàn xe cứ nối đuôi nhau trải dài chẳng đứt đoạn. Các hoạt động nơi công xưởng còn rõ hơn; nhân viên, nhân công cứ đều đặn việc làm liên tục; lại có hãng xưởng công việc chạy gần như không dứt, hết toán người làm buổi sáng, đến toán buổi chiều, rồi toán buổi tối thức luôn đến sáng. Tuần lễ bảy ngày có khi chỉ nghỉ một ngày, lại khi phụ trội đột xuất làm trọn cả tuần không một ngày nghỉ. Sinh hoạt thế gian chuyên cần tinh tấn đến khủng khiếp!
Nhưng khủng khiếp cho cái gì? Cho miếng ăn, cho sinh kế, cho tồn tại, cho vui, và chắc chắn cũng cho khổ đau không ít!
Giá như người học Phật, như bạn và tôi cần cầu giải thoát tinh tấn tu tập không ngừng từ sáng đến chiều như thế gian, thì quả vị nào lại không đạt được! Thế gian chỉ có mục đích nuôi thân vật chất giả dối này, đã phải làm việc thật kinh khủng, thật nhẫn nại, còn bạn và tôi học Phật là để giải thoát cái khổ trầm thống từ vô thỉ đến nay mà chẳng được chuyên cần thì quả là uổng tiếc!
Nhưng ta vẫn nghe thế gian cũng nhiều người sống đời hướng thiện, hướng đến tha nhân, thật lòng thật tâm lo cho hòa bình cho nhân loại. Với nhiều hạng người, như các nhà bác học, các vị lương y bác sĩ đại tài, các nhà chính trị hiền nhân và văn nhân nghệ sĩ, đã và đang thực hành chuyên cần nỗ lực mang niềm vui chung, để chữa trị vết đau nhân loại. Đó là một điều thật mừng mà chúng ta luôn luôn cầu mong thế giới được nhiều người như vậy.
Nghĩ ra người học Phật chúng ta đã không trọn vẹn giúp mình, mà lắm khi còn cô phụ bội ân quên nghĩa thế gian. Vì sao cô phụ? Vì nếu không có thế gian miệt mài làm việc, làm sao bạn và tôi có đủ phương tiện, tiện nghi trong đời sống để bàn chuyện học Phật này.
Thế thì Tấn căn là giữ được nền tảng vì người vì mình, vì tất cả để không thối chí vượt lên con đường giải thoát; được như thế niềm tin của ta mới thật khiến người học hỏi, và sự tha thiết chuyên cần tinh tấn mới được thành tựu.
-Niệm căn
Sau khi đã hiểu tấn căn là phần quan trọng của người học Phật, tiếp theo là niệm căn, phần ghi nhớ căn bản, căn gốc điều đã học và đang học. Vậy ghi nhớ không quên, khắc cốt ghi tâm gọi là niệm. Nếu niềm tin, và tinh tấn quan trọng bao nhiêu thì niệm hẳn phải quan trọng bấy nhiêu. Đương nhiên ở đây, việc ghi nhớ của người học Phật phải là chánh pháp, nhưng chánh pháp có vô lượng pháp môn, biết thế nào để ghi nhớ khắc niệm.
Như bạn và tôi hiểu, mọi hình ảnh, mọi nhân duyên từ suy niệm, từ móng tâm tư duy cho đến hành động, đều gọi là pháp, đều hiện hữu từ duyên xa duyên gần, chiêu cảm theo cái nhìn của mỗi biệt nghiệp chúng sanh. Hiểu điều này là hiểu pháp nhiệm mầu, phát xuất từ tâm tưởng chúng sanh. Và không hiểu điều này nên không hiểu pháp nhiệm mầu, nên không hiểu chúng sanh, mà chúng sanh đó là ai? Là chính chúng ta!
Chính ta, ta không hiểu, làm sao hiểu được người! Nếu hiểu được ta, tất cũng hiểu được người, vì đồng do tâm chúng sanh vọng phát.
Thế gian, từ xưa đến nay bẩm chất con người thường luôn ghi nhớ, nhưng ghi nhớ tưởng nghĩ đến mình nhiều hơn đến người, điều đó mới sinh ra nỗi khổ từ xưa đến nay; tuy vậy đó là điều đương nhiên, nếu tìm hiểu ra tất cả phát xuất là do tham ái. Thử nghĩ xem, trọn suốt ngày một người không học Phật sẽ nghĩ những gì? Có lẽ sẽ kể không hết được điều thế gian nghĩ.
Trẻ con nhớ nghĩ phim ảnh hoạt họa, nhớ nghĩ thèm muốn kẹo bánh, chocolate, coca cola; có thể nói rằng, đối với những đứa bé sáu, bảy tuổi ở xứ vật chất này, tất cả những gì là chân lý mà chúng ‘tư duy’ suy nghĩ chẳng gì hơn được hai thứ coca và sô cu la (chocolate).
Còn thanh niên, thanh nữ, bận học bận việc thì thôi, ngoài ra chẳng thể khác hơn nhớ ghi tình cảm, yêu đương, luyến ái. Các vị trưởng thành đến trung niên, thường nghĩ đến những công việc làm ăn, chạy lo thương mại, và tất nhiên tuyệt đối không thể thiếu được ghi nhớ nghĩ ngợi đến tiệc vui, họp mặt hàn huyên. Nếu là phái nữ thì họp chuyện chị em, còn quý ông thì uống ăn, chén tạc chén thù.
Cuối cùng là hàng lão niên chỉ còn sống được ít năm với con cháu, điều ghi nhớ ghi niệm trong tâm bấy giờ chỉ là quá khứ, bóng hình của năm xưa, của thời niên thiếu, thanh niên, trung tuổi ngày nào. Các vị chỉ có ghi niệm trong thỏa mãn, hay trong tiếc nuối một thời đã qua, chứ chẳng thể thực hiện kéo lôi hay làm sống lại hình ảnh mong muốn.
Tất cả bốn giai đoạn của một chúng sanh mang lớp hình người, từ trẻ đến già đều mang mỗi nỗi niềm riêng ghi đậm trong đời sống. Và cứ như thế niệm căn sẽ là nhân là quả luân chuyển không gián đoạn, mãi cho đến khi nào niệm căn chuyển di vào dòng pháp giải thoát, bấy giờ niệm căn thế gian sẽ đi vào dòng pháp nhất như, nhất thể vượt lên sự tham dục luyến ái, từ đó niệm mà vô niệm, tức đi vào đời sống của một bậc Bồ Tát liễu đạo.
Qua hình ảnh ghi niệm của bốn giai đoạn đời người ta thấy, giai đoạn tuổi thơ dầu sao vẫn vô tội, chẳng có gì đáng nói là tác ý tạo nghiệp vọng tâm, do ý thức của tuổi thơ chỉ vừa phát triển, thuần theo năm căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, mà chưa cảm thức được nhiều, nên phân biệt chưa bén nhạy chưa tinh xác. Chúng chỉ đơn giản sinh tham sinh thích hay ngược lại; do đó vấn đề đơn giản dễ giải quyết. Chẳng hạn một đứa bé sinh ra không có cơ hội tiếp xúc nhiều cảnh phức tạp, nên tâm dễ thuần, hướng đến an tịnh nhiều hơn đứa bé sống nơi phố phường náo nhiệt; và vậy tư duy ghi niệm của chúng thật trong lành yên tịnh. Riêng về hai giai đoạn còn lại, thanh niên và trung niên, đây là vấn đề lớn khó giải quyết nếu không nỗ lực dụng công; bởi vì điều ghi niệm trong giai đoạn này sẽ là tác động phản ảnh trong đời sống.
Nói đến đây chúng ta lại nghĩ rằng, tuổi nhỏ nếu được sống trong hoàn cảnh hiền lương ở nơi thôn quê yên tịnh, vậy chẳng lo sợ gì đến hai giai đoạn sau. Thưa điều này cũng đúng, nhưng vẫn còn gian nan lắm, nếu không tiếp tục được sống và huấn luyện mãi đến trưởng thành. Vì sự thật đứa trẻ nào lại chẳng dễ thương khi còn nhỏ, nhưng khi lớn lên đi vào đời sống, mọi việc thay đổi hoàn toàn. Thậm chí có những đứa trẻ đã từng được dạy đạo đức, được sanh trong gia đình giáo dục nhân nghĩa, vậy mà trưởng thành chẳng được như ý, đôi khi còn ngược lại. Bạn và tôi vừa hiểu đó, tuổi nhỏ ý thức chưa được phát triển lắm cho nên phải luôn huấn luyện chứ không thể xét vội vã rồi tin tưởng được.
Phải nói rằng giai đoạn thanh niên quan trọng hơn hết, vì đó là đà tiến tới trưởng thành trung niên và kết quả chấm dứt là lão niên, trước khi đi qua chu kỳ khác hay gọi đúng hơn làm một cuộc luân hồi tiếp theo, hoặc nếu có thể sẽ là giai đoạn chót của cuộc luân hồi sinh tử.
Điều khó như đã thưa, là dòng niệm ghi nhớ của giai đoạn sống trong tuổi thanh niên, hay thường nghĩ nhớ thương yêu luyến ái, và phải công nhận niệm ái có một động lực mạnh mẽ hơn bất cứ niệm lực nào trong đời sống của lứa tuổi thanh niên nam nữ. Như thế nó phải là một động lực ngăn chặn tất cả mọi ghi niệm khác trong thời kỳ của tuổi thanh niên. Tuy nhiên, giáo lý giải thoát luôn luôn và mãi mãi không bị trở ngại bất cứ một pháp nhiễm nào của thế gian. Chỉ có vấn đề người không có duyên, phải nỗ lực tạo duyên, người đang có duyên phải tiếp tục gìn giữ; có thế dù niệm ái kia thật sự có mạnh cũng bị phá vỡ trong niệm lực chánh pháp.
Tạo duyên bằng cách tìm hiểu, học hỏi pháp Phật, để biết sự thật về con người, về vạn pháp, về vũ trụ nhân sinh, đang hiện hữu hoạt động trong dòng sống ngút ngàn của vô lượng chúng sanh trong luân hồi đau khổ. Và nơi đây, tìm hiểu thực hành trong tương đối với khả năng, là ghi niệm trong lúc còn tuổi xuân xanh tươi đẹp, như vậy mới dễ nhận thức rõ ràng hơn bất cứ lúc nào, và ghi niệm lúc này mới được tiếp nối mãi đến trung niên, đến lão niên chấm dứt đời sống. Có như thế vô thường sẽ chẳng làm ta khiếp hãi, vì ta có chuẩn bị hẵn hoi.
Đó là tại sao tuổi thanh niên quan trọng nhất trong bốn giai đoạn đời người; dù vậy đối với pháp Phật ý thức giác ngộ không có phân biệt trẻ già, nhưng nếu ghi nhận thời kỳ học hiểu của một người, thì thanh niên là thời kỳ đẹp nhất, thử thách nhất và cũng thành tựu nhất. Chính sự khó khăn thử thách của giai đoạn này, mới dễ khắc ghi vào tâm, làm nền tảng cho những giai đoạn sau. Tóm lại khi ý thức được chánh pháp là việc nhân duyên hy hữu của người học Phật, thì việc cấp bách phải luôn áp dụng ghi niệm trong tâm mãi mãi cho đến cuối đời, và vậy mới thành tựu được niệm căn thanh tịnh.
-Định Căn
Phần định căn là sự sống trọn với chánh pháp thể hiện trọn vẹn qua thân tâm của hành giả. Định căn nói cách khác là sự thành tựu pháp học giải thoát, vì nơi định sanh ra tất cả pháp lành, ngược lại sẽ mất tất cả hoặc chỉ hưởng được quả báo theo sự chuyển hướng của vô thường, nghĩa là học tu pháp giải thoát, nhưng vẫn không rời khỏi pháp thế gian vì thiếu định căn làm nền tảng.
Ta thử xem nơi pháp thế gian, định dù chỉ được hiểu là tập trung không xao lãng đã đem lại lợi ích thành tựu thật đáng ca ngợi. Nêu lên vài hình ảnh như sau: học sinh muốn học có kết quả, không thể nào vừa học vừa chơi được; ít ra tối thiểu để đạt được điểm cao, phải nhất định tập trung một khoảng thời gian không để tâm bị lao xao, động niệm. Ngược lại điều này học sinh dù có thông minh thế nào cũng không thể thành công như ý.
Đối với những công việc có phần quan hệ đến người khác sự tập trung còn cao hơn, vì ảnh hưởng ngược lại không chỉ tự mình thua lỗ, lại gây hại đến mọi người. Chẳng hạn như các nhà lãnh đạo, chính trị gia không thể làm việc lơ là cho có, không thể đóng trò ra vẻ diễn hát cho mọi người xem; nếu có chăng chỉ nhằm thời bình, hay một vài giờ trong tiệc vui giao tế, nhưng khi quốc gia lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bấy giờ trách nhiệm chức vụ của mình sẽ là liên hệ đến vận mệnh của toàn dân. Cho nên họ phải tập trung cả thân tâm mà làm việc, và thường nhờ vào sự tập trung định tâm cao độ, phần lớn sẽ tìm ra được giải pháp.
Riêng với công việc mang tính nguy hiểm lại đòi hỏi ý chí tập trung cao độ hơn. Các diễn viên đoàn xiếc trong những pha nhào lộn trên cao, nhất định họ phải hết sức định tâm từng giây từng phút. Từ đây ta chẳng lạ gì những người không có lập trường không khẳng định rõ ràng cuộc sống của mình thường hay thất bại là vậy.
Thế thì người tu Phật đối với vấn đề giải thoát, thiết nghĩ nếu không có định, tất nhiên không ra khỏi luân hồi, dù tu có bao nhiêu kiếp cũng vậy.
Trong các pháp Phật dạy, pháp nào cũng đòi hỏi định tâm, chẳng hạn tu niệm Phật, trì chú; nếu không có định tâm, thì danh hiệu Phật và thần chú trở thành những âm thanh rỗng không, đi vào hư không vô nghĩa. Vậy hỏi người niệm Phật trì chú không có định, việc thực hành tu học sẽ thế nào? Điều này chẳng khó gì, bạn và tôi dư biết, người này chỉ tạo duyên niệm Phật trì chú cho đời sau, và mãi mãi đời sau, cho đến chừng nào được định tâm mới chuyển được quả báo khác.
Riêng với người tu thiền, việc định tâm đã quá rõ ràng, không thể nào không bắt buộc, nếu không như vậy, thiền chỉ là ngồi một chỗ để sanh tâm mà vui chơi, thiền như vậy giống như niệm Phật không định tâm, cả hai chỉ là phí công, mà quả báo không hơn người tu phước.
Ta phải công nhận rằng, đời nay tu Phật đạt được định thật khó vô vàn. Ngày xưa người tu Phật khi phát tâm tha thiết, tức thì sinh định, điều này không phải vì người xưa lợi căn hơn thời nay, mà nguyên vì hoàn cảnh dễ tu hơn. Chúng ta hẳn đồng ý như vậy. Người xưa ít phan duyên với cảnh nên tâm ít động, ngày nay trần cảnh chẳng thể đo lường, tâm động là điều đương nhiên.
Tỉ dụ điển hình, mới đây gâàn vài chục năm Ti vi truyền hình còn giản đơn lắm, người ta chỉ xem có vài đài, vào những giờ giấc nhứt định. Ngày nay chương trình đài phát sóng từ sáng đến chiều, và nếu bỏ tiền để ký trả xem thêm, thì phim ảnh không bao giờ gián đoạn. Có thể nói rằng, nếu một người trẻ không nghề nghiệp, chỉ ngồi không ở nhà xem truyền hình phim ảnh, có lẽ xem mãi đến già cũng còn được! Nghĩ mà thật kinh khủng!
Chỉ lấy việc xem ti vi tại nhà đủ thấy sự phan duyên vào tâm con người không thể tả được. Cho nên thật chẳng biết nói sao trong việc tu hành giữa thời văn minh hiện đại ngày nay.
Đành rằng chúng ta không thể phủ nhận nền khoa học văn minh tiến bộ hiện nay đã đưa con người đến chỗ hưởng thụ gần như tuyệt đối, nhưng ta lại chẳng thể phủ nhận con người động tâm kinh khủng nên phải khổ tâm đủ thứ. Bạn và tôi thấy đó, cũng thời một sản phẩm cùng một công dụng làm nóng như lò sưởi, hoặc làm mát như quạt máy, nhưng tâm con người không định được nên khó thể lựa chọn, và người chế tạo đã thấy được thị hiếu của quần chúng nên chế ra đủ thứ hình dáng lôi kéo hấp dẫn người mua, thành ra có khi người mua phải đứng lựa chọn món hàng cả giờ, mà vẫn chưa quyết định được. Điều này với người học Phật cũng giống như vậy, nên tâm thường hay bất định; thế mới thấy càng đối diện nhiều với trần cảnh, càng nên dụng công nỗ lực định tâm không ngừng, mới có thể đạt được thanh tịnh.
Như thế định căn là công phu phải có của người học Phật, và khi người đã có định, tức thì huệ phát sinh, đó là con đường thành tựu của người thực hành giáo lý giải thoát.
- Huệ căn
Là trí huệ căn bản, trí giải thoát cấp thiết của người học Phật. Tất nhiên trí huệ chỉ có được từ việc đạt định qua việc giữ giới học Phật. Thiết nghĩ tất nhiên, chúng ta cần phải hiểu thêm về việc phát được huệ căn này.
Khi nói về Huệ là nói về trí hiểu biết, ở đây là trí hiểu biết giải thoát trong sáng làm nền tảng đưa đến chứng đạo. Trí hiểu biết này làm sáng tỏ hơn những phần Tín, Tấn, Niệm và Định mà người học Phật đã và đang thực hành, dù vậy tất cả đều liên kết bổ túc nhau.
Vậy huệ là trí hiểu biết, hiểu biết này so với thế gian có khác hay không?
Thật ra không thể trả lời khẳng định khác hay không khác, vì tùy vào cách hành xử của hành giả mà hiểu biết chuyển hóa thay đổi từ thô đến tế, từ nhiễm đến tịnh.
Tuy nhiên trước hết chúng ta phải công nhận giá trị lợi ích vô cùng của sự hiểu biết, trước khi biến thành trí tuệ xuất thế gian.
Bàn về hiểu biết thế gian là bàn về kiến thức học hỏi của con người, điều này không một ai lại không thấy sự quan yếu của nó. Có học hiểu, có kiến thức con người mới đạt được hạnh phúc, hạnh phúc từ thể chất đến tinh thần. Người càng có kiến thức, hạnh phúc càng nhiều hơn; thậm chí kiến thức đó dù chưa hiểu Phật pháp vẫn cần được phát huy đến mức tối đa nếu có thể được. Thưa tại sao phải như vậy? Vì cuối cùng sẽ thấy, kiến thức con người hiểu được, rất gần với chân lý vũ trụ nhân sinh, rất gần với đạo giải thoát, để tận cùng kiến thức thế gian, sẽ đi gần tới giác ngộ cuộc đời vậy. Tuy nhiên xin được xác định câu nói, người càng có kiến thức, hạnh phúc càng nhiều, tất nhiên kiến thức đó phải phù hợp với vấn đề nhân sinh hướng thiện, chứ không dùng kiến thức phô bày tự ngã ích kỷ, để ngược lại trở thành người nguy hiểm nhất là do nhiều kiến thức mà ra.
Thế thì nơi đây, người muốn đạt được trí huệ trong kiến thức thế gian, cần phải quan sát song song với sự hiểu biết ngoại giới và nội giới, nghĩa là bổ túc thêm sự hiểu biết về chính mình. Vì chính mình là nơi phát xuất tất cả vạn pháp, là nơi chủ động thành tựu cuộc tìm cầu trí huệ.
Hiểu biết chính mình cũng chính là hiểu biết ngoại giới; do vì thế giới là quả sinh từ nhân nghiệp chúng sanh. Nhưng người không học Phật hay chưa có duyên hiểu biết Phật pháp, sẽ khó tin rằng tất cả đều do mình tạo ra; như thế mà có nhận định con người và ngoại giới là hai, từ đó sinh ra nhận định phân biệt biên giới chủ thể đối tượng, trong, ngoài vân vân...
Chúng ta hãy xem, hành tinh xanh quả địa cầu này có phải là nơi dung chứa sự sống duy nhất của ta không? Tất nhiên là phải, và như vậy theo lý nhân quả, tất cả là do ta đã tạo nhân tạo duyên để cảm quả sống trên địa cầu nầy. Như thế sống trên địa cầu là do ta tạo chứ chẳng ai bắt ta bỏ vào đây; vậy nơi đây ta sống, dù có gọi là ngoại giới, thế giới, ngoại vi, ngoại biên gì đó, thì tất cả đều do ta đã tạo thành duyên, sinh nghiệp, sinh quả nơi đây. Thế thì phải kết luận rằng tất cả đều do chính mình mà ra. Như vậy có phải hiểu biết chính mình là hiểu biết tất cả. Hiểu biết chính mình rõ ràng là hiểu biết cuộc luân hồi sinh vào nơi đây, và cuộc tiếp nhận quả báo do nhân nghiệp hiện sinh này.
Thế thì kiến thức thế gian cũng chỉ là kiến thức của nhân nghiệp quả báo luân chuyển xoay vần từ muôn kiếp đến bây giờ, chứ chẳng có cái gì là kiến thức mới cả. Chỉ vì cuộc luân hồi quá dài nên ta không còn nhớ hay nhận ra kiến thức mới này là mới hay cũ. Như lịch sử thế giới cho thấy đã có nhiều đời sống văn minh xuất hiện cách đây cả ngàn năm, và bấy giờ đời sống lại tiếp tục văn minh; và khi chu kỳ thời gian quay tới hàng triệu năm sau, đâu biết chừng cuộc văn minh lại bắt đầu làm lại từ con số không, và rồi tàn rụi rồi lại khai mở, khai mở, tàn rụi cứ như thế đến vô chung. Đó chính là bốn sự việc Thành, Trụ, Hoại, Không, mà bạn và tôi đã có nói qua.
Cho nên bảo rằng hiểu mình là hiểu tất cả, và hiểu mình là hiểu được trí huệ của nhà Phật, ngược lại dù kiến thức thế gian có học đến thế nào cũng chẳng thể có được trí huệ xuất thế; vì học mãi mà chẳng thể đi ra khỏi thế gian luyến ái, sân si, tham giận. Học như vậy có khác chi đã từng học trong vô thỉ kiếp! Chứng minh điều này là những chú bé thần đồng sinh ra chưa đi học đã biết đọc biết nói, và các vị được gọi là thiên tài cũng vậy, đều đã từng học rất nhiều trong kiếp quá khứ, chứ có đâu sinh ra không học, hay học rất ít mà biết hơn người! Như thế nếu đời này một vị học giả uyên thâm kiến thức thế gian, lại không duyên học Phật, thì tất nhiên theo nhân quả nghiệp báo, vị này lại sinh ra học hỏi, thi thố tiếp tục tài năng đời sau, và bấy giờ người ta lại thấy thế giới mới sinh một thần đồng, hay một thiên tài nữa. Cứ thế thảo nào mà từ xưa đến nay đời nào cũng có thần đồng cũng có thiên tài xuất chúng.
Bạn và tôi thử nhìn lại thiên tài bác học Einsten xem; ông giỏi như vậy, ông có công với nền khoa học rất lớn, nhưng rồi ông đã giải quyết được cái khổ của chính ông chưa? Tất nhiên là không, tôi tin chắc như vậy, vì ông vẫn còn đầy cảm xúc đối với người ông thương, ông ghét trong phạm vi gia đình. Và hễ còn thương, còn ghét làm sao dứt được phiền não vừa lòng người hay người vừa lòng ta! Cho nên cái kiến thức của ông chỉ là kiến thức khoa học chứ không phải kiến thức diệt trừ phiền não, trược phiền. Vậy ông có giúp thế gian cải cách phát minh, tinh tế hiện tượng vật lý nguyên tử vật chất thế nào cũng chỉ triệt để giải quyết vấn đề vật chất mà thôi, và chưa nói là phát minh của ông có được như ý ông mơ ước khi được thực hiện vào đời sống nhân loại hay không?
Đó là sự thật kiến thức thế gian như thế, dù ta có đồng ý hay không cũng chẳng thể nói khác hơn; tuy nhiên khi hiểu được tuệ, thực hành được tuệ giải thoát, thì tất cả những gì kiến thức thế gian cũng chính là trí tuệ xuất thế của nhà Phật. Điều này là đương nhiên, do vì đối tượng giải thoát là pháp thế gian vậy.
Bạn và tôi lại biết nhà bác học Einsten thật sự mến mộ Phật pháp, khi lời nhận định của ông về đạo Phật đã được nhiều giới Phật tử nhắc nhở trích ghi như sau: Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo chung cho cả vũ trụ. Tôn giáo đó ngoài ý tưởng một Đấng Thiêng liêng nào đó, các tín điều và lý thuyết. Tôn giáo đó bao trùm cả thiên nhiên và tinh thần, phải căn cứ vào ý niệm đạo giáo phát sanh từ những kinh nghiệm của mọi vật, thiên nhiên và tinh thần như một sự thuần nhất đầy đủ ý nghĩa. Phật Giáo đáp ứng được các điều đó.*
Vậy có thể ông cũng là một học giả từng học Phật, hay sự phát huy kỳ tài của ông lại là bài học tinh tế khéo dạy người thế gian biết rằng, các pháp thế gian dù là pháp thô hay pháp tế, thật sự vẫn không gì an tâm nếu tự mình không điều phục được tâm. Vậy thì tới đây bạn và tôi có thể hiểu, phần huệ căn trong pháp ngũ căn của nhà Phật, phải là chính nhân đi vào giải thoát, để chấm dứt vòng quay luân hồi; và như nền tảng đầu tiên từ Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn là nhân duyên để phát huy và giữ gìn mãi tuệ căn cho đến thành đạo rốt ráo.
___________________
* Thích Tâm Quang dịch – Nguyên văn: The religion of the future will be a cosmic religion. It should transcend a personal God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sense arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description. -Albert Einstein
---o0o---


tải về 1.71 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương