TRÊN ĐƯỜng emmau một thoáng nhìn về việc đồng hành thiêng liêng Lm. Giuse Phạm Quốc Văn, op


II. Lời thành xác phàm hiện diện giữa lòng nhân loại



tải về 0.51 Mb.
trang4/5
Chuyển đổi dữ liệu11.08.2016
Kích0.51 Mb.
#17396
1   2   3   4   5

II. Lời thành xác phàm hiện diện giữa lòng nhân loại

Trong Cựu ước, có Lời Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ ở với ngươi”; giờ đây, vào thời sau hết này, Lời đó không chỉ là một bảo đảm, một sự hiện diện thiêng liêng, mà là hiện diện cụ thể, sống động. Lời đã mặc lấy thân phận con người và đồng hành với nhân loại. Người đã trở nên bạn hữu của con người. Đức Giêsu có một nỗi đam mê, đó là nỗi đam mê con người, mê làm bạn với con người. Vì làm bạn với con người nên Đức Giêsu chia sẻ với con người trọn vẹn thân phận và mọi mối lắng lo trong cuộc sống. Có niềm vui hay nỗi khổ nào của kiếp nhân sinh này mà lại xa lạ với Đức Giêsu đâu. Người yêu thương và gần gũi với con người hơn chính con người gần gũi với nhau nữa.

Tin mừng ghi lại cho chúng ta những hình ảnh rất đẹp về tình bạn của Đức Giêsu. Người là bạn thân của gia đình chị em cô Mácta, Maria và Ladarô. Đức Giêsu thường ghé thăm gia đình này ở Bêtania, quan tâm chăm sóc, dạy dỗ; có lần Người đã khóc khi Ladarô qua đời, và chính Người đã cho Ladarô sống lại. [9] Tình bạn của Đức Giêsu đã làm cho người khác được thăng tiến, biến đổi; những ai một lần được gặp gỡ Người, sẽ thấy đời mình tràn đầy ý nghĩa. Đức Giêsu đồng hành với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp, cuộc đời chị đã biến đổi; [10] Người đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau, các ông đã tìm lại được ý nghĩa sống giữa cơn khủng hoảng chao đảo. [11] Và rồi chúng ta hãy nhìn mối tương quan giữa Đức Giêsu và các môn đệ, Người luôn tỏ ra mình là một người bạn chân thành, gần gũi và chia sẻ với các ông mọi chuyện. Người gọi các môn đệ là bạn hữu và căn dặn các ông hãy yêu thương nhau:

“Đây là điều răn của Thầy:

Anh em hãy yêu thương nhau

như Thầy đã yêu thương anh em.

Không có tình thương nào cao cả

hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng

vì bạn hữu của mình.

Anh em là bạn hữu của thầy,

nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.

Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa...

nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu...”. [12]

Đối với Đức Giêsu, khi gọi các môn đệ là bạn hữu, Người muốn chia sẻ cho các ông tất cả những gì kín ẩn, riêng tư nhất của lòng mình. Một tình bạn đích thực luôn là sự trao ban và chia sẻ. Thiết tưởng việc đồng hành cũng là thiết lập mối tương quan tình bạn như thế, tương quan giữa người đồng hành với người được đồng hành; và đặc biệt là tương quan giữa người được đồng hành với Thiên Chúa. Trong Kinh thánh chúng ta cũng bắt gặp những tình bạn như thế. Đó là tình bạn của vua Đavít và ông Jônathan, của nàng dâu Rút và bà Naômi, của Đức Maria và bà Êlisabét, của thánh Phaolô và người môn đệ Timôthê... Và trong lịch sử Giáo hội, cũng có nhiều mẫu gương tình bạn thánh thiện, thắm thiết, đó là tình bạn giữa thánh Phanxicô và thánh Clara, thánh Têrêsa Avila và thánh Gioan Thánh Giá... Những vị thánh này đã tỏ cho thấy một cách thức thể hiện tình yêu hoàn hảo, tình bằng hữu. Một tình bạn chân thành sẽ chắp cánh cho các vị thánh vượt qua nhiều gian khó, và giúp nuôi dưỡng một tình yêu thánh thiện bền chặt, kết hợp với Đấng là tình yêu tuyệt đối, là tình bạn đích thực. Và có thể nói, Đức Giêsu đã đồng hành với con người bằng một tình bạn như thế; một tình bạn mà như thánh Phaolô cảm nghiệm: “Chẳng có gì dù sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. [13] Cũng chính nhờ sống tình bạn này, mà thánh nhân đã có những cảm nghiệm tuyệt vời về đời sống thiêng liêng: từ cảm nghiệm về một biến cố ngã ngựa, [14] đến cảm nghiệm “tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”. [15]

Lòng trắc ẩn của Đức Giêsu cũng cho ta cảm nhận một tình bạn như thế. Những đau khổ của con người đã đụng chạm đến lòng thương cảm của Đức Giêsu. Người đã chữa lành cho người bị bại tay, [16] chữa lành cho nhạc mẫu ông Phêrô, [17] cho người phong hủi được sạch… [18] Đức Giêsu luôn “chạnh lòng thương” những ai đau khổ. Tình thương luôn đi bước trước, luôn thắng thế, vượt qua mọi rào cản và có sức giải phóng con người.

Đức Giêsu đã tự đồng hóa mình với đám lê dân, với người thấp cổ bé họng, những kẻ đói khát, tù tội, bệnh tật. [19] Họ là những người đầu tiên được cứu độ, được nghe loan báo Tin mừng. Đức Giêsu căn dặn các môn đệ: “Dọc đường, anh em hãy rao giảng rằng: Nước trời đã đến gần, anh em hãy chữa lành những người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ”. [20]

Đức Giêsu luôn đồng hành với chúng ta, ngay cả trong cái chết. Người đã chia sẻ trọn vẹn kiếp người với chúng ta. Là một con người, Đức Giêsu đã không được miễn thứ cho khỏi cô đơn, sợ hãi, bị từ chối, bị hiểu lầm, chống đối, đau khổ…, và cuối cùng là cái chết. Như thế, chẳng có chi của con người còn có thể xa lạ với Người nữa. Đức Giêsu đã đồng hội đồng thuyền với kiếp người trong cõi nhân sinh này. Nếu như cái chết là chướng kỳ ghê gớm nhất đe dọa con người, thì Đức Giêsu không những đã chọn đi qua cửa chết đó, mà còn chết một cách nhục nhã nữa. Người đã tự do đón nhận cái chết với một tình yêu mãnh liệt. Người không hề lẩn trốn cho dù có sợ hãi, xao xuyến. Trong nỗi cùng cực nhất, con người vẫn gặp được nơi đấy người bạn đồng hành là chính Đức Giêsu.

Sự hiện diện của Đức Giêsu là hiện diện cứu độ, hiện diện để đưa con người về với Chúa Cha. Cả cuộc đời, Người không tự mình làm điều gì, ngoại trừ điều ấy Người thấy Chúa Cha làm. Người đến để hoàn thành công trình Chúa Cha đã trao phó. [21] Trong suốt cuộc hành trình dương thế, Đức Giêsu luôn cảm nghiệm sự hiện diện gần gũi và thân mật của Chúa Cha: “Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi, không để tôi cô độc, bởi tôi luôn làm những điều đẹp ý Người”. [22] Như vậy, Đức Giêsu vừa là người đồng hành, vừa là người được đồng hành! Đó là gương mẫu của một cuộc đồng hành thiêng liêng đích thực. Đức Giêsu không chỉ hoàn tất công trình Chúa Cha trao phó, Người còn hoàn tất công trình ấy bằng cách luôn để cho Cha tác động nơi mình. Đây cũng lại là gương mẫu và là nguyên tắc căn bản cho người làm công tác đồng hành: cả người đồng hành và người thụ hướng đều phải lắng nghe tiếng Chúa.

Như thế, từ việc tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện trong Cựu ước, đến việc Đức Giêsu hiện diện trong Tân ước, chúng ta đã khám phá ra nền tảng Kinh thánh căn bản của việc đồng hành thiêng liêng. Từ nền tảng này, chúng ta còn thấy một sự hiện diện khác nữa, phong nhiêu và tràn ngập khắp thế giới, đó chính là sự hiện diện - đồng hành của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cùng tìm hiểu sự hiện diện sâu thẳm này.


III. Thánh Thần hiện diện – đồng hành

Để bảo đảm cho việc đồng hành với con người được liên tục và trọn vẹn, khi về trời, Đức Giêsu đã hứa ban Thánh Thần để Người hiện diện và đồng hành với con người cho đến tận thế. [23] Dù Đức Giêsu không còn hiện diện cách khả giác với nhân loại, nhưng Thánh Thần sẽ nhắc lại tất cả những gì Đức Giêsu đã dạy dỗ, sẽ đồng hành với con người trên mọi nẻo đường, và sẽ hành động như chính Đức Giêsu đã hành động.

Thực ra, không phải chỉ khi Đức Giêsu về trời Thánh Thần mới hiện diện và hoạt động, nhưng đã có Thần Khí hiện diện từ lúc khởi đầu của cuộc sáng tạo, [24] Thần Khí đồng hành với nhân loại trong suốt lịch sử Cựu ước: đã chiếm đoạt Đavít khi ông được xức dầu phong vương, [25] đã chiếm ngự trong Người Tôi Trung của Đức Chúa, [26] ngự trên các sứ giả của Chúa… Thần Khí luôn tự do, “Gió muốn thổi đâu thì thổi”.

Đặc biệt trong thời Tân ước này, vai trò của Thánh Thần càng được nhấn mạnh: Người đã ngự xuống trên Đức Maria trong ngày truyền tin, trong biến cố thăm viếng bà Êlisabét, [27] xuất hiện khi Đức Giêsu chịu phép rửa, [28] dẫn Đức Giêsu vào hoang địa, [29] và trợ giúp Người trong cơn bách hại. [30] Người được mệnh danh là Đấng Bảo Trợ, là Thần Chân Lý. [31] Chính Thánh Thần đã hướng dẫn các Tông đồ thời khai sinh Giáo hội, đặc biệt trong ngày lễ Ngũ Tuần, [32] đã hướng dẫn thánh Phaolô trong suốt hành trình sứ vụ; [33] và ngày nay Thần Khí ấy giải phóng và biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa, [34] dẫn chúng ta vào đời sống mới; chính nhờ Thần Khí mà Thiên Chúa đổ tràn tình yêu vào lòng chúng ta. [35]

Trên hành trình đức tin của người Kitô hữu hôm nay, Thánh Thần luôn ban muôn ân huệ để nâng đỡ, ban những đặc sủng để con người hoạt động hầu tôn vinh danh Chúa và mưu cầu ơn cứu độ. [36] Có thể nói, đây là thời đại của Thánh Thần, chính Thánh Thần thổi những luồng gió mới vào Giáo hội, làm cho Giáo hội thêm sinh động, và trở nên Hiền thê xinh đẹp của Chúa Kitô. Thánh Thần cũng tác động mạnh mẽ nơi tâm hồn mỗi tín hữu, giúp họ sinh hoa trái và can đảm làm chứng tá cho Đức Giêsu trên muôn nẻo đường của cuộc sống.

Trong việc đồng hành thiêng liêng, cần phải đồng hành với Thánh Thần và trong Thánh Thần, nghĩa là người đồng hành phải nhận ra và giúp cho người thụ hướng nhận ra Thánh Thần đang hoạt động trong họ, để họ ngoan ngoãn bước theo đường lối Thánh Thần hướng dẫn, và can đảm thực thi thánh ý Thiên Chúa. Như vậy, Thánh Thần đồng hành bằng cách vừa làm cho người môn đệ tiến bước, vừa soi sáng và thúc đẩy người môn đệ hành động.

Đặc biệt, trong thời Tân ước này, thời được mệnh danh là thời của Thánh Thần, người Kitô hữu càng phải ý thức vai trò hoạt động của Người hơn nữa. Cũng chính Thánh Thần ấy hoạt động trong lúc sáng tạo, hoạt động nơi các thủ lãnh, các ngôn sứ, hoạt động nơi Đức Maria, Đức Giêsu, các Tông đồ, và nơi Giáo hội tiên khởi, ngày nay cũng đang hoạt động trong thế giới, trong Giáo hội, và cụ thể nơi mỗi người chúng ta.

Chúng ta vừa tìm hiểu khái quát về nền tảng Kinh thánh của việc đồng hành thiêng liêng; trên nền tảng này, chúng ta thử phân tích một trường hợp đồng hành thiêng liêng điển hình của Đức Giêsu, và coi đây như điểm quy chiếu về những nguyên tắc mà việc đồng hành thiêng liêng cần tuân thủ.


IV. Thử Phân tích trường hợp đồng hành thiêng liêng điển hình
của Đức Giêsu với hai môn đệ Emmau [37]

Như đã nói ở trên, trong Kinh thánh chúng ta tìm được nền tảng của việc đồng hành thiêng liêng; nhưng đặc biệt qua trình thuật Tin mừng theo thánh Luca chương 24, câu 13-35, [38] chúng ta tìm thấy một mô hình đồng hành thiêng liêng lý tưởng. Chúng ta cùng phân tích cuộc gặp gỡ đầy thú vị này.

- Trước tiên là mục đích cuộc gặp gỡ: mục đích cuối cùng của Đức Giêsu chính là sự biến đổi toàn diện của hai môn đệ ấy sau khi được Đức Giêsu đồng hành. Và quả thực, hai ông đã được biến đổi: từ tình trạng khô khan chán nản, trở nên nhiệt tình phấn khởi - “Dọc đường khi Người nói chuyện và giải thích Kinh thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (24,32); từ chỗ bỏ đi, nay lại quay về - “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” (24,33); từ chỗ trốn tránh, khép kín, trở nên can đảm gặp gỡ và chia sẻ với người khác - “Còn hai ông thì tường thuật những việc đã xảy ra dọc đường…” (24,35).

Đây là một cuộc biến đổi nhanh chóng, kết quả chúng ta có thể kiểm chứng được khi đối chiếu với những đoạn Tin mừng trước đó. Thật thế, trước đó, trình thuật Tin mừng cho thấy khuôn mặt rầu rĩ của các ông: “Họ dừng lại vẻ mặt buồn rầu… Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel, nhưng…” (24,17.21). Giữa khoảnh khắc lòng các ông tưởng chừng như tuyệt vọng, các ông đã gặp được Đấng là niềm hy vọng lấp đầy. Nhưng để được lấp đầy như thế, các ông đã phải thực hiện một bước nhảy rất xa, đó là: nhận ra Đức Giêsu khi Người bẻ bánh (Xc 24,30-31), và trước đó đã hiểu ra Kinh thánh thay cho thái độ “cứng lòng”, “chẳng hiểu gì… lòng trí chậm tin” (24, 25-26).

Phân tích đến đây chúng ta thấy rằng, việc đồng hành thiêng liêng không chỉ dừng lại ở việc giải quyết những khó khăn trước mắt, tìm kiếm một vài lời khuyên, mà phải là một sự biến đổi triệt để, tận căn. Muốn có được sự biến đổi này, điều tiên quyết là phải khám phá ra Thiên Chúa đang hiện diện bên mình, hoạt động trong cuộc đời mình. Sự nhận diện này là khởi điểm tốt đẹp để ta đi đến những khám phá khác, xa hơn, sâu thẳm hơn.

- Việc đồng hành thiêng liêng đã có mục đích rõ ràng, nhưng phải bắt đầu thế nào? Để bắt đầu việc đồng hành, Đức Giêsu phải đi bước trước, tự mình nhập cuộc và từ bỏ vị thế của mình - vị thế của Đấng phục sinh, để trở nên đơn sơ giản dị, giản dị đến độ họ tưởng Người cũng chỉ là một khách bộ hành như bao người khác. Kinh thánh nói: “Mắt họ bị ngăn cản không nhận ra Người” (24,16). Chính nhờ vậy, Người trở nên ngang hàng với họ, cùng lộ trình với họ, “tiến lại gần và cùng đi với họ” (24,15). Người đã trở thành kẻ trong cuộc, để tham gia vào chính những mối bận tâm của họ - “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” (24,17); Người không làm cho họ mất hứng, không chặn đứng câu chuyện, hoặc tỏ mình ra ngay, nhưng Người lắng nghe những nỗi niềm, lắng nghe trọn vẹn câu chuyện; và rồi khởi đi từ câu chuyện ấy, từ chính tình trạng của bản thân họ, Người “phản hồi” để họ ý thức, kiên nhẫn chờ đợi cho đến lúc “mắt họ liền mở ra và nhận ra Người” (24,31).

- Điểm thứ ba chúng ta khám phá ra trong cuộc đồng hành của Đức Giêsu với hai môn đệ, đó là không phải đồng hành về bất cứ vấn đề gì - không phải là bàn về chuyện của một ông Giêsu nào đấy, nhưng là một người mà “trước đây chúng tôi vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel” (24,21).

Như vậy, chúng ta thấy rằng nội dung của cuộc đồng hành phải là vấn đề quan trọng liên quan đến ơn gọi, đến đời sống đức tin, đời sống cầu nguyện, kinh nghiệm gặp gỡ Chúa của mình, chứ không phải buồn buồn xin đi linh hướng nhằm kiếm người bạn nói chuyện giải khuây! Và rồi từ kinh nghiệm cụ thể của việc gặp gỡ ấy, Đức Giêsu giúp người ta tiến xa hơn nữa.

- Đức Giêsu không chỉ nghe suông những lời tâm sự của hai môn đệ, dù rằng thái độ lắng nghe của Người cũng đủ làm lòng họ nhẹ đi; nhưng Người còn giúp họ nhìn lại hay khám phá ý nghĩa của tất cả sự việc dưới ánh sáng lời Chúa. Người đặt vấn đề để các ông phải suy nghĩ: “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu cực hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách thánh” (24, 26-27).

Có thể nói đây là mắt xích quan trọng nhất trong việc đồng hành, làm sao giúp họ nhìn lại những gì họ đã sống, đã cảm nghiệm, để từ đó họ khám phá ra Thiên Chúa, và kế hoạch của Người xuyên qua tất cả những thực tại đó, cho dù đó là thực tại đau thương, bi đát đến đâu chăng nữa.

- Điểm cuối cùng chúng ta bàn đến trong cuộc đồng hành của Đức Giêsu với hai người môn đệ Emmau, đó là: phải làm gì sau khi cuộc đồng hành kết thúc? Tin mừng chỉ trình bày ngắn gọn, hai môn đệ không thể tiếp tục tình trạng sống như trước: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” (24,33). Nếu kết thúc cuộc đồng hành thiêng liêng mà không dẫn đến một hành động cụ thể nào, có thể coi là cuộc gặp gỡ ấy đã thất bại, đó mới chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi. Bất cứ cuộc gặp gỡ nào cũng phải để lại dư âm trong tâm hồn và thể hiện ra bằng hành động cụ thể. Ông Giakêu gặp gỡ Chúa, ông đã biến đổi; người phụ nữ Samari gặp gỡ Chúa, chị đã biến đổi.

Chúng ta bước sang chương mới, tìm hiểu về lịch sử hình thành của việc đồng hành thiêng liêng.

[1] Hiểu theo nghĩa rộng, lịch sử cứu độ tính từ khi Thiên Chúa tạo dựng con người. Khi con người sa ngã, Thiên Chúa không bỏ mặc nhưng có kế hoạch cứu độ họ (St 3,15). Còn xét theo nghĩa chặt, lịch sử cứu độ chỉ bắt đầu từ tổ phụ Abraham, khi Thiên Chúa kêu gọi ông ra đi; và từ nơi ông, Người thiết lập một dân mới.

[2] Xc Xh 3,12.

[3] Xh 19,4.

[4] Xc 2 Sm 6, 12b -15. 17-19.

[5] Xc. Đnl 4, 1-2.5-9.32-40; Is 41,10. 43,5 …

[6] 2 Sm 7, 8-9.

[7] Khi được Chúa gọi làm ngôn sứ, Giêrêmia mới 26 tuổi; Xc. Gr 1, 7-19.

[8] Ga 1,14.

[9] Xc. Lc 10, 38-42; Ga 11, 1-44.

[10] Xc. Ga 4, 4-42.

[11] Xc. Lc 24, 13-25. Chúng ta sẽ phân tích kỹ cuộc đồng hành của Đức Giêsu và hai môn đệ trên đường Emmau ở số kế tiếp của chương II này.

[12] Ga15, 12-15.

[13] Rm 8, 38-39.

[14] Xc Cv 9, 3-9.

[15] Gl 2, 20.

[16] Xc. Mc 3, 5.

[17] Xc. Mc 1, 30-31.

[18] Xc. Mc 1,41-42.

[19] Xc. Mt 25, 31-46.

[20] Mt 10, 7-8.

[21] Xc. Ga 17,4.

[22] Ga 8,19.

[23] Xc. Ga 14,16; 15,26.

[24] Xc. St 1, 1-2.

[25] Xc. 1Sm 16, 1-13.

[26] Xc. Is 42, 1-7.

[27] Xc. Lc 1,35; 39-45.

[28] Xc. Mt 3,16; Lc 3, 21-22; Ga 1, 32-34.

[29] Xc. Mt 4, 1-11; Lc 4,4.

[30] Xc. Mt 10, 19-20.

[31] Xc. Ga 14,15-16,15.

[32] Xc. Cv 2, 1-41.

[33] Xc. Cv 16, 6-7.

[34] Xc. Rm 8, 1-17.

[35] Xc. Rm 5,5.

[36] Xc. 1Cr 14, 1-6. 12-19. 23b-33a. 39-40.

[37] Phần này xin tham khảo thêm bài “Đồng hành thiêng liêng – phân tích việc đồng hành thiêng liêng dựa trên mô hình đồng hành thiêng liêng giữa Đức Giêsu với hai môn đệ Emmau” của Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành, viết cho các Huynh đoàn Tu hội đời nữ TTCG tại Việt Nam.

[38] Nói là đặc biệt, vì đây là đoạn Kinh thánh điển hình nói về việc đồng hành thiêng liêng; chúng ta cũng có thể tìm thấy những đoạn Tin mừng khác nữa như: Ga 4, 4-42 (Đức Giêsu với người phụ nữ Samari); Lc 19, 1-10 (Đức Giêsu và ông Giakêu)…



Chương III

ĐÔI NÉT KHÁI QUÁT

VỀ LỊCH SỬ VIỆC ĐỒNG HÀNH

I. Thời các Tông đồ

II. Thời các vị ẩn sĩ sa mạc

III. Từ thế kỷ thứ IV đến thời trung cổ

IV. Thời cận và hiện đại

 

Chúng ta vừa rảo qua đôi nét về nền tảng Kinh thánh của việc đồng hành thiêng liêng, thử phân tích một trường hợp điển hình là cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và hai môn đệ Emmau, bây giờ chúng ta tìm hiểu xem việc đồng hành thiêng liêng đã hình thành và tiến triển trong Giáo hội như thế nào.



Xét theo khía cạnh lịch sử, việc đồng hành thiêng liêng thay đổi khá nhiều qua dòng thời gian. Mỗi thời, mỗi hình thức đồng hành khác nhau phù hợp với tình trạng tâm linh của con người thời đại. Ở đây chúng tôi tạm chia ra những mốc thời gian có sự biến chuyển khá rõ nét. Xin khởi đi từ buổi đầu của Kitô giáo.


I. Thời các Tông đồ

Một điểm chung chúng ta nhận thấy trong Kitô giáo thời các Tông đồ là việc giúp đỡ, khuyên nhủ nhau tuỳ theo đoàn sủng, thường diễn ra trong các cuộc hội họp. Và với tư cách là mục tử, các Tông đồ đi thăm viếng, viết thư khuyên nhủ các giáo đoàn. Chúng ta bắt gặp trong các thư của thánh Phaolô đầy dẫy những chỉ dẫn về đời sống tâm linh như thế.

Điểm nổi bật trong thời các Tông đồ là ơn phân định được nói đến rất nhiều, vừa như một trong những đoàn sủng, vừa như điều kiện để trưởng thành trong đời sống thiêng liêng. Việc phân định được đề cao trong mọi tình huống: phân định giữa thần khí xấu và thần khí tốt, thần khí và xác thịt, chân lý và sai lầm, ý Chúa và ý mình… [1]

Có thể nói, thời các Tông đồ việc đồng hành thiêng liêng mới chỉ là những bước đầu manh nha, việc đồng hành “chuyên nghiệp” chỉ chính thức bắt đầu với sự phát triển của đời sống hoang mạc. [2] Sa mạc trở thành chiếc nôi đào tạo ra những nhà linh hướng giàu kinh nghiệm tâm linh, đời sống và những chỉ dẫn của các vị đã hình thành nên một lối sống phổ biến và một đường hướng tu đức đặc trưng của thời đại. Chúng ta tìm hiểu việc đồng hành của thời “hoang mạc” này.


II. Thời các vị ẩn sĩ sa mạc

Có thể nói các vị ẩn sĩ sa mạc là thuỷ tổ của đường tu tập. Nghe theo lời mời gọi của Tin mừng, các vị từ bỏ tất cả những gì là vinh hoa phù phiếm của trần gian, cất bước theo Thầy và chọn lối sống hoang mạc như là điều kiện tiên quyết để thực thi lý tưởng trở nên người môn đệ của Đức Kitô. Đời sống của các vị đã làm nên lối sống ẩn tu và đan tu trong Giáo hội. [3]

Sau những năm dài chiến đấu thiêng liêng, các vị đã rút ra được bài học quý báu là những khí giới cần phải trang bị [4] để chiến thắng ma quỷ, chiến thắng chính bản thân mình với những đam mê nết xấu, chiến thắng tính ích kỷ và ý riêng… để hoàn toàn quy phục Thiên Chúa, sống thư thái bình an. Chính nhờ đời sống tâm linh sâu sắc bên trong, các vị đã thể hiện một đời sống an nhiên tự tại; và với kinh nghiệm dồi dào về cuộc chiến, các vị đã trở thành sư phụ hướng dẫn người khác về đàng thiêng liêng.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, người ta từ các nơi đổ xô về xin các vị hướng dẫn. Ngày càng đông đệ tử muốn theo thầy, họ được các sư phụ khai tâm và dìu dắt vào nếp sống hoang mạc, thực tập những cuộc “leo núi thiêng liêng”. Đệ tử vừa bắt chước thầy, vừa cởi mở bộc lộ tâm hồn với thầy; và chính nhờ thầy có kinh nghiệm và đặc sủng phân định, họ được giúp đỡ để tìm ra ý Chúa, biết được đâu là con đường Chúa dành cho mình, và đâu là trở ngại phải can đảm đối diện và vượt qua. Nhờ ân sủng Chúa và sự đồng hành thiêng liêng của thầy, các đệ tử ngày càng trưởng thành trong đời sống thiêng liêng, và rồi họ lại trở thành những vị hướng dẫn tâm linh cho người khác.

Và bây giờ, chúng ta bước vào giai đoạn từ thế kỷ thứ IV đến thời trung cổ.

 
III. Từ thế kỷ thứ IV đến thời trung cổ

Lối sống đan tu được truyền sang Tây phương vào thế kỷ thứ IV và được thánh Biển Đức chỉnh lại theo cung cách Âu châu. [5] Lúc này, vai trò của vị đồng hành thiêng liêng được thay thế bằng luật pháp. [6] Tu sinh cứ việc sống theo luật, và bề trên cai quản cộng đoàn theo luật. Thánh Biển Đức đã gọi luật là “ông thầy” và khuyên đừng bao giờ xa rời ông thầy ấy. Thánh nhân đã soạn ra bản tu luật gồm 73 chương quy định toàn bộ đời sống của cộng đoàn đan viện. Đức cha Bossuet đã hết lời khen ngợi bản tu luật Biển Đức như sau:

“Đây là một bản tổng yếu giáo lý Kitô giáo, một bản tóm lược khôn khéo toàn bộ Tin mừng, tất cả các giáo huấn của các thánh Giáo phụ, và tất cả những lời khuyên nên hoàn thiện. Trong bản tu luật ta thấy nổi lên cách tuyệt vời sự khôn ngoan và giản dị, khiêm nhường và tự trọng, nghiêm khắc và hiền hoà, tự do và tuân phục. Trong bản tu luật, việc sửa dạy triển khai tất cả sức mạnh, sự nhân từ, tất cả sức hấp dẫn, quyền bính sức mạnh của mình, sự tuân phục trong an bình, sự thinh lặng trang nghiêm, lời nói dịu dàng thể hiện sức mạnh đồng thời nâng đỡ sự yếu đuối”. [7]

Vì thế, chúng ta chẳng lạ gì khi lịch sử tu đức còn ghi lại gương sáng của bao vị thánh khi hấp hối đã ghì chặt mấy đồ trân bảo, trong đó có cuốn luật dòng. Dĩ nhiên luật pháp là kết tinh của cả một bề dày kinh nghiệm, thế nhưng người môn sinh không trực tiếp được thụ huấn với sư phụ có lẽ cũng là một mất mát lớn, họ không còn cảm được hơi ấm của tình thầy - trò, không thấy được sự uyển chuyển linh động của thầy đối với từng trường hợp cụ thể, và sự tinh tế thích ứng của thầy đối với tâm hồn của mỗi môn sinh.

Luật đã thế chân người cha thiêng liêng để tất cả chỉ còn là việc tuân giữ luật của người dưới và việc kiểm soát giữ luật của người trên. Hướng dẫn đã nhường chỗ cho quản trị; sự tùng phục vị linh hướng có giàu kinh nghiệm và đặc sủng phân định, đã được thay thế bằng việc vâng lời bề trên, nhiều khi chỉ là vâng lời một cơ chế, vâng lời tối mặt.

Sang thế kỷ XIII, thánh Phanxicô Assisi lại tìm về với sự hướng dẫn đặc sủng, nhưng đây không phải là đặc sủng phân định của một bậc thầy, mà là chú trọng hơn đến đoàn sủng của cả một hội dòng. Không hề có kiểu đồng phục và vâng lời như kiểu nhà binh, mà chỉ có ơn gọi của mỗi người với đặc sủng riêng biệt trong từng hoàn cảnh cụ thể của họ.

Đồng thời với thánh Phanxicô, thánh Đaminh cũng thiết lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo, với đoàn sủng giảng thuyết và sống huynh đệ cộng đoàn. Việc đi tìm ý Chúa không hẳn chỉ thể hiện qua ý bề trên, mà còn là sự đồng tâm nhất trí của tất cả anh em trong cộng đoàn. Nhiều gương mặt thần bí của Dòng nổi bật về việc đồng hành thiêng liêng vẫn còn được Giáo hội nhắc đến như tôn sư Eckart, Gioan Tauler, thánh nữ Catarina Siêna…

Kế đến là sự nở rộ của trường phái Cát Minh với việc cảm nghiệm thần bí, nổi bật với những gương mặt sáng ngời về đường tu đức như các thánh tiến sĩ Têrêsa Avila, Gioan Thánh Giá và sau này là Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Những vị thánh này đều là những người đồng hành thiêng liêng khôn ngoan và giàu kinh nghiệm. Chẳng hạn trong tập “Con đường toàn thiện”(Le chemin de la perfection), thánh tiến sĩ Têrêsa Avila khuyên nên bàn hỏi với người thông thái, nếu thụ hướng với người đạo đức, thì “không được để một mình người ấy hướng dẫn, nếu vị này không thông thái” (chương VIII). Trong trường hợp bó buộc phải xưng tội với một cha giải tội như vậy, thì hãy tìm một người vẹn toàn cả đức độ và sự thông thái để bày tỏ tâm hồn với vị ấy ngoài toà. [8]

Sau khi rảo qua vườn hoa các thánh tiến sĩ của trường phái Cát Minh, chúng ta tìm hiểu bước ngoặt khác của việc đồng hành thiêng liêng này.


Каталог: doc -> tailieu
doc -> I. Quản lý sâu bệnh ở khu vực dự án Ô Môn – Xà No 4 II. Quản lý thuốc bảo vệ thực vật 12 Chủ sở hữu có trách nhiệm liên hệ với một đại diện phê duyệt của tỉnh để truyền đạt các hướng dẫn và yêu cầu xử lý
doc -> Tr­êng thcs nguyÔn §øc C¶nh Gi¸o ¸n §¹i Sè 7 Ch­¬ngI sè h÷u tØ. sè thùc
doc -> Ban chỉ ĐẠo công nghệ thông tin của cơ quan đẢng giáo trình thiết kế, XÂy dựng và quản trị CƠ SỞ DỮ liệu hà NỘI, 2004
doc -> THỦ TƯỚng chính phủ
doc -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh thừa thiên huế Độc lập Tự do Hạnh phúc
doc -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
doc -> Sè: 90/2003/Q§-ub
doc -> Chương 1 Các khái niệm căn bản về mạng và giao thức mạng Mạng máy tính

tải về 0.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương