TƯ VẤn tâm lý CĂn bản lời giới thiệU


Khái niệm về đạo đức trong tư vấn



tải về 1.32 Mb.
trang3/18
Chuyển đổi dữ liệu22.04.2018
Kích1.32 Mb.
#37038
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18

2. Khái niệm về đạo đức trong tư vấn

Đối với một quan hệ tư vấn, tính đạo đức trong quá trình tư vấn là một điều quan trọng hàng đầu không thể thiếu được. Nguyên tắc của tư vấn là trợ giúp và giải quyết một vấn đề. Đây là điểm then chốt không thể lơ là đối tới bất cứ một tư vấn viên nào. Để giúp tư vấn viên có một khái niệm rõ hơn về tính đạo đức trong tư vấn, khái niệm tính đạo đức được giới thiệu dưới đây như một tham khảo cần thiết.



Đạo đức (ethics): Trong tư vấn là thước đo quyết định xem hành vi của tư vấn viên trong quá trình tư vấn có đúng, có tốt, có làm sai, làm hại đến thân chủ hay không. Nói khác đi, trong quan hệ tư vấn tâm lý, người nhận dịch vụ tư vấn tâm lý có được đối xử công bằng và hợp lý hay không? Họ có đạt được hiệu quả trị liệu hay không?

Một tư vấn viên có kỹ năng và kiến thức chuyên môn, song anh ta không có tính đạo đức trong công việc. Với một tư vấn viên như thế, chúng ta không thể không dừng lại để hỏi một câu: Anh ta sẽ làm được gì chứ? Tính đạo đức trong tư vấn, một lần nữa, tinh thần của cụ Nguyễn Du trở nên rất cần thiết để chúng ta suy gẫm: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (Truyện Kiều). Không có tâm, kỹ thuật (tài) có khi gây ra tác hại khôn lường, vì thế cụ còn dạy thêm:



Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần.

(Truyện Kiều)

Đạo đức trong tư vấn khác hơn đạo đức thông thường. Tính đạo đức trong tư vấn đi xa hơn. Có thể nói, nó không chỉ ngừng lại không làm điều xấu cho thân chủ mà câu hỏi được đặt ra ở đây cho tư vấn viên đã làm hết sức vì lợi ích của thân chủ hay chưa?



Tính bảo mật (confidentiality): Trước hết tư vấn viên phải được xác định rõ tư vấn là một ngành dịch vụ rất đặc trưng. Thông tin được trao đổi giữa tư vấn viên và thân chủ là một vấn đề hết sức tế nhị, và cần được giữ đến độ bảo mật tối đa trong những khuôn khổ cho phép. TS.Trần Thị Giồng (2006) nhận định rằng, bí mật là nguyên tắc trong tư vấn.

Tư vấn viên luôn đặt an toàn và lợi ích của thân chủ lên mức quan trọng hàng đầu. Thân chủ hoàn toàn có quyền được biết mọi dự tính và kế hoạch ứng xử của tư vấn viên trong những tình huống khi luật pháp xảy ra và quyền lợi của thân chủ có mâu thuẫn, đối ngược với yêu cầu của luật pháp.

Trong trường hợp thân chủ phạm pháp, tư vấn viên phải tôn trọng quyền của thân chủ trước. Không chần chừ, tư vấn viên phải thông báo cho thân chủ biết rằng giải pháp hữu hiệu nhất là cộng tác với cơ quan có trách nhiệm. Điều này cần được xúc tiến trong tinh thần đầy trách nhiệm của tư vấn viên. Tư vấn viên phải nêu cao tinh thần tự giác. Thân chủ cần được tư vấn viên giúp để nhận thức được tinh thần tôn trọng công lý. Tư vấn viên cần làm cho thân chủ nhìn rõ rằng tự giác là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân.

Nguy hiểm đến tính mạng thân chủ và tính mạng người khác (risk and danger to self and others): Đôi khi thân chủ tiết lộ những ý tưởng và kế hoạch hành động gây hại đến sức khỏe và tính mạng của mình (và người khác), tư vấn viên có nhiệm vụ cất tiếng với những cơ quan hữu trách. Tốt nhất, ngay buổi đầu của quá trình tư vấn (initial interview), tư vấn viên cần giải thích rõ đây là nhiệm vụ nghề nghiệp, nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của thân chủ và người khác.

Quan hệ riêng tư (intimacy): Đôi lúc vấn đề trở nên thật tế nhị và rắc rối khi tư vấn viên rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Vấn đề càng trở nên gay cấn và căng thẳng hơn khi thân chủ và tư vấn viên đã có những liên hệ gần gũi, do quá trình tư vấn đã được xây dựng sau một khoảng thời gian nhất định nào đó. Quan hệ tình cảm giữa tư vấn viên và thân chủ là một vi phạm đạo đức trong dịch vụ tư vấn. Vì nó có ảnh hưởng tiêu cực, thiếu lành mạnh đến hiệu quả tư vấn. Đây là vấn đề được nghiêm cấm trong dịch vụ tư vấn ở Hoa Kỳ.

Với tư vấn nhóm (group works): Vấn đề đạo đức trong tư vấn nhóm là một vấn đề rất tế nhị. Vẫn biết khi tư vấn nhóm, việc giữ cho thông tin và chia sẻ trong quá trình tư vấn ở một nhóm là một điều gần như bất khả kháng. Tuy nhiên, tư vấn viên trong trường hợp tư vấn nhóm, tư vấn viên có thể rõ ràng trình bày ngay buổi họp nhóm đầu tiên về vấn đề tế nhị này. Hai người nói chuyện trao đổi với nhau đôi khi đã khó giữ kín thông tin. Với nhiều người tham gia, nội dung chuyển sẽ càng khó giữ. Vấn đề nhiều người ở một nhóm chia sẻ, trong quá trình tư vấn, nhất định khó tránh khói xác xuất cao hơn khi thông tin bị rò rỉ, lọt ra khỏi nhóm.

Những hành vi thiếu tính đạo đức trong tư vấn xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Nói chung, ngoài xã hội có những khó khăn thử thách nào, đội ngũ tư vấn viên đều vấp phải những thử thách cám dỗ ấy. Có người vượt qua được, có người không kiềm chế được những yếu đuối cố hữu của bản thân, cuối cùng sa ngã, tự đánh mất mình.

Tư vấn viên cũng là một con người như bao nhiêu cá nhân khác. Họ cũng có những nhu cầu, nguyện vọng, (và tham vọng). Hoàn cảnh cuộc sống đôi lúc vẫn bày ra những cám dỗ trước mặt tư vấn viên, chăng hạn như những rung cảm có thể chuyển sang vụ lợi trong tình cảm. Nhiều tư vấn viên có những hành vi gây ra bóng gió xa gần của dư luận có hại. Nhất là những những nguồn tin được sử dụng ngoài mục đích lương thiện, nhằm phục vụ cho những mưu toan phi đạo đức của những nhóm viên.

Quan hệ sai tuyến (dual relationship): Là một vấn đề thuộc lĩnh vực cần quan tâm. Dịch vụ tư vấn là dịch vụ có tính quan hệ trị liệu (therapeutic relationship). Vì thế bất cứ quan hệ nào không dựa trên căn bản quan hệ trị liệu sẽ có ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ. Tư vấn viên cần tránh những quan hệ ngoài tuyến như: trao đổi hai chiều các dịch vụ, quan hệ tình cảm trái nguyên tắc (dù không phạm pháp) song lại phạm đến tính đạo đức nghề nghiệp. Tư vấn viên sẽ không làm tư vấn cho người nhà, hay tư vấn cho thân chủ có quan hệ làm ăn ngoài xã hội với người nhà của mình. Tư vấn viên không được tư vấn cho bạn bè của mình.

Nhiều hành vi phi đạo đức trong tư vấn tâm lý rất xấu và tồi tệ. Nhiều hành vi phạm lỗi nhẹ nhàng kín đáo hơn. Dưới đây là một vài ví dụ của những hành vi phi đạo đức điển hình do Levenson (1986), Pope và Vetter (1992), và Swanson (1983) đã vạch ra:

- Vi phạm quyền kín đáo, lộ bí mật thông tin của thân chủ.

- Nhận những ca tư vấn vượt ngoài khả năng tư vấn của mình.

- Cẩu thả và vô trách nhiệm đối với thân chủ.

- Quảng bá liều lĩnh, quáng cáo sai nội dung, tự đánh bóng chuyên môn của mình.

- Gán ghép và chèo kéo thân chủ tin theo giá trị và triết lý sống riêng của tư vấn viên.

- Cố tình tạo điều kiện để thân chủ phải lệ thuộc vào tư vấn viên.

- Không tận tình giúp thân chủ giải quyết nan đề, câu giờ, kéo dài quá trình tư vấn không cần thiết, mong kiếm thêm thu nhập.

- Có hành vi và quan hệ tình cảm trái pháp luật với thân chủ, như ngủ chung chẳng hạn.

- Rủ rê và mê hoặc thân chủ vào những phiêu lưu tình cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả tư vấn, đề nghị những hành vi thiếu lành mạnh.

- Vấn đề mâu thuẫn trong lợi ích, khi quan hệ tư vấn đi sai tuyến.

- Phí tư vấn quá cao.

3. Nội quy và tiêu chuẩn đạo đức đối với tư vấn chuyên nghiệp

Thật sự rất cần thiết khi chúng ta phải có một bản điều lệ (codes of conduct) trong đó những nội quy và tiêu chuẩn đạo đức cần được ghi ra thật rõ. Bản điều lệ này phải được đưa vào chương trình đào tạo, được đưa ra trong các kỳ thi tốt nghiệp cấp chứng chỉ. Bản điều lệ nên được khuyến khích rộng rãi, phải được cả tư vấn viên và công chúng dư luận cùng đọc. Đây là tài liệu nên được mọi giới tiếp cận. Tính công khai của bản điều lệ sẽ giúp tư vấn viên theo sát hơn. Thân chủ cũng an tâm hơn và tinh thần cộng tác sẽ cao hơn.

Kottler và Van Hoose (1985) đề nghị một bảng điều lệ như thế sẽ giúp ngành Tư vấn, thân chủ và tư vấn viên trên các mặt sau:

- Bản điều lệ xây dựng ngành Tư vấn trở thành một ngành có tổ chức.

- Bản điều lệ sẽ cung cấp hướng dẫn cần thiết khi nội bộ ngành sử dụng như một hướng dẫn khi xử lý những vụ vi phạm.

- Giúp bảo vệ tư vấn viên vì họ biết đến những phạm trù nào có thể và không có thể phạm đến.

- Giúp bảo vệ thân chủ vì tư vấn viên sẽ cảnh giác hơn khi họ có một bản điều lệ.

- Giúp thân chủ đánh giá khả năng của một tư vấn viên, vì họ dựa vào bảng điều lệ.

Hướng dẫn của bản điều lệ được xây dựng và xuất phát từ nhiều nhân tố chủ quan và khách quan khác nhau. Tư vấn viên trước phải hết tuân thủ những điều lệ nói trên một cách triệt để, vì nó là bản đồ, là kim chỉ nam, là những hướng dẫn cần thiết giúp họ không sa ngã, vấp váp vào những sai phạm đáng tiếc trong nghiệp vụ tư vấn. Tư vấn viên không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ bản điều lệ, họ cần tự hào và quý trọng bản điều lệ đó, vì đó là văn bản chính thức giúp bản thân và những đồng nghiệp khác làm tốt trách nhiệm của một tư vấn viên tốt.

Những gợi ý của một bản điều lệ nên tập trung vào những tiêu chuẩn sau:

- Tư cách nghề nghiệp và lợi ích của thân chủ.

- Trách nhiệm của tư vấn viên, những hành vi được làm và những điều cấm.

- Cân nhắc về quyền giữ kín thông tin giữa thân chủ và tư vấn viên.

- Những quyền của thân chủ được bảo vệ trong quá trình tư vấn.

- Quan hệ trong tư vấn, những nền tảng quan hệ cho phép và không cho phép.

- Quyền của những chức năng ban ngành khác, có liên quan đến thân chủ (như cảnh sát, tư pháp, ban ngành khác).

- Vấn đề các bộ thử nghiệm (test, battery) dùng trong đánh giá, trong quá trình tư vấn.

- Vấn đề liên quan đến đào tạo căn bản và những yêu cầu cần thiết từ tư vấn viên (chứng chỉ, giấy phép hành nghề, văn bằng…).

- Vấn đề liên quan đến nghiên cứu, đào tạo, giám sát

- Thủ tục giải quyết những tranh chấp giữa tư vấn viên, thân chủ, và những bộ phận thứ ba có liên quan khác.



4. Những giới hạn của của bản điều lệ

Như bao nhiêu hệ thống luật lệ và những quy tắc hướng dẫn khác, một bản điều lệ luôn luôn có những ngoại lệ, xuất phát từ những trường hợp đặc biệt nằm ngoài tầm kiểm soát, từ nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Trong nhiều trường hợp, bản điều lệ đóng vai trò như một hướng dẫn chung, do đó khó có thể trả lời được những câu hỏi, nảy sinh từ những trường hợp cá biệt. Rất nhiều lúc, tư vấn viên sẽ vấp phải những tình huống không nằm trong bản điều lệ. Hoặc đôi lúc một tư vấn viên phải lưỡng lự trước hai chọn lựa gay cấn, hóc búa…

Beymer (1971), Corey và Callanan (1988), Mabe và Rollin (1986) Tallbutt (1981) đã liệt ra dưới đây là những trường hợp đặc biệt khi bản điều lệ không thể hoặc khó áp dụng được trong quá trình tư vấn:

- Những trường hợp không thể giải quyết bằng bản điều lệ.

- Quá khó khăn khi áp dụng bản điều lệ.

- Mâu thuẫn giữa hai điều lệ trong một bản điều lệ với một ca tư vấn đặc biệt.

- Bản điều lệ không liệt kê nhưng trường hợp hi hữu.

- Luật pháp thay đổi nhưng bản điều lệ vẫn chưa sửa đổi kịp.

- Thiếu những điều luật cho nhiều trường hợp có thể xảy ra.

- Khó có thể dung hòa, hoặc đáp ứng nguyện vọng của nhiều bên có liên quan.

- Điều khoản mập mờ, không rõ ràng.

Tất nhiên bản điều lệ là một hướng dẫn căn bản và tư vấn viên đôi lúc sẽ phải tự quyết định trong những trường hợp mơ hồ hoặc không rõ ràng vì tính chất đặc biệt của một ca tư vấn.

Thật không dễ khi phải đi đến một quyết định về mặt đạo đức trong tư vấn cho những ca đặc biệt, hi hữu. Đây là một trong những phạm trù nhức đầu của nghề tư vấn. Điều này thường liên quan đến tư cách đạo đức, tính quả cảm liêm chính, lòng can đảm của từng cá nhân một. Ví dụ, cùng một vụ việc, nhiều tư vấn viên sẽ có nhiều quyết định, cắt nghĩa khác nhau, và sẽ có những lối xử lý, cách tiếp cận khác nhau.

Để giúp tư vấn viên tránh được những đau đầu không cần thiết, dưới đây là vài gợi ý của Tennyson và Strom (1 986) khi đi đến một quyết định là đối diện với nhưng ngã ba khó xử này:

- Lợi ích cho thân chủ (beneficence): làm điều ích và ngăn chặn điều có hại.

- Không làm hại (nonmaleficence): không cố ý gây hại.

- Tự giác (autonomy): tôn trọng tự do lựa chọn và phương châm sống của thân chủ.

- Công bằng (justice): công bằng, bình đẳng, hợp pháp luật.

- Tin cậy (fidelity): tin cậy và trung thành với những cam kết của mình.

Như thế, tư vấn viên nên nhớ rằng mình có nhiệm vụ không chỉ tránh những điều có hại mà còn phải chủ động trong việc ngăn chặn những tác hại, không cho chúng xảy ra trong tương lai với thân chủ.

Trước khi bắt tay vào quá trình tư vấn, tư vấn viên cần thông báo cho thân chủ biết rằng, trong trường hợp thông tin cung cấp bởi thân chủ, tiết lộ cho thấy nguy hiểm sẽ xảy ra đối với một nhân vật thứ ba nào đó. Trường hợp này, tư vấn viên sẽ thông báo đến những cơ quan có chức năng nhằm bảo vệ người có khả năng sắp bị hại bởi thân chủ.

Trong nhiều trường hợp, nếu đồng nghiệp làm sai, tư vấn viên có nhiệm vụ ngăn chặn đồng nghiệp bằng cách động viên tư vấn viên đồng nghiệp hãy tự giác giải quyết, xử lý nội vụ một cách thỏa đáng. Một tư vấn viên có trách nhiệm sẽ luôn nhắc nhở đồng nghiệp hãy tôn trọng an toàn và lợi ích của thân chủ trước tiên.

Ngoài những điều lệ ghi rõ trong bản điều lệ, những gợi ý sau đây giúp tư vấn viên hướng những cố gắng để xác định được bước phải làm khi gặp phải những ca tư vấn hóc búa. Tiêu chí căn bản ở đây vẫn là tính kỷ luật với bản thân và của nguyên tắc làm việc phải thật thà. Tư vấn viên cần:

- Trung thực tìm đến với đồng nghiệp, vì họ sẽ giúp ta tháo gỡ những khó khăn.

- Thao tác với tiêu chí lợi ích của thân chủ là trên hết.

- Tránh lợi dụng cho bản thân hoặc gây hại cho người khác.

- Công bằng trong mọi ứng xử.



Giáo dục và đào tạo tư vấn viên về tính đạo đức trong tư vấn, giáo dục về tính đạo đức là một khâu then chốt đối với các trung tâm đào tạo tư vấn viên. Có thể nói đây là cách quảng bá tinh thần đạo đức trong nghiệp vụ tư vấn có hiệu quả nhất đối với đội ngũ tư vấn viên.

Việc sử dụng những hoạt cảnh (vignette) hoặc những ca tư vấn hóc búa như những tư liệu giảng dạy trong lớp để học sinh thảo luận sẽ có tác dụng như những lần thực tập thực tế có ý nghĩa. Nhất là đóng kịch từ những hoạt cảnh (role playing) hóc búa.

Mỗi tư vấn viên cũng nên biết rằng nơi mỗi cá nhân, quá trình phát triển tư duy đạo đức là một nhân tố có ảnh hưởng đáng kể vào những quyết định mang tính đạo đức. Van Hoose và Paradise (1979) đã đề cập đến quá trình phát triển tư duy đạo đức qua 5 giai đoạn:

1. Sự trừng phạt (punishement orientation): giai đoạn này, tư vấn viên tin rằng họ và thân chủ nếu vi phạm luật xã hội sẽ bị trừng phạt.

2. Luật phục vụ cơ quan (institusional orientation): tư vấn viên tin rằng luật trong cơ quan là bất biến, và anh sẽ triệt để tuân thủ theo luật của cơ quan anh làm việc.

3. Luật phục vụ xã hội (societal orientiation): giai đoạn này, tư vấn viên coi luật của xã hội là quan trọng. Khi đứng giữa xã hội và thân chủ, tư vấn viên sẽ chọn giải pháp phù hợp với luật xã hội.

4. Luật phục vụ cá nhân (individual orientation): tư vấn viên dù vẫn quan tâm đến luật xã hội nhưng anh ta đặt lợi ích của cá nhân (thân chủ, hoặc tư vấn viên) lên trên luật xã hội.

5. Luật phục vụ lương tâm (principle [conscience] orientation): tư vấn viên tin rằng giải pháp trong hệ thống tư duy (tư tưởng) của họ quan trọng hơn luật xã hội.

Đây là một điểm cần chú ý, vì quá trình tư duy đạo đức này có thể dẫn đến những chủ quan trong quá trình tư vấn. Và vì thế, có thể sẽ gây ra những sai sót đáng tiếc, rất có thể xảy ra trong nghiệp vụ. Khi cảnh giác được tiến trình phát triển trên, tư vấn viên có thể sẽ tự điều tiết hoặc bản thân hoặc để cảnh giác với đồng nghiệp.

Vài câu hỏi sau đây sẽ giúp tránh được những sai sót không cần thiết:

- Tại sao tôi chọn quyết định ấy?

- Ai sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định ấy của tôi?

- Cái gì đã khiến tôi chọn giải pháp ấy?

- Giải pháp ấy ảnh hưởng đến ca tư vấn ra sao?

- Tôi đã tận dụng các nguồn giải pháp chưa?

- Khi nào là lúc thuận tiện thực hiện giải pháp?

Welfel (1998) đã đề nghị chín bước dẫn đến quyết định đạo đức trong tư vấn như sau:

1. Thiết lập hệ thống nhạy cảm về tính đạo đức trong tư vấn (tinh thần cảnh giác).

2. Vạch rõ chân dung nan đề và những giải pháp khả thi nhất.

3. Tìm trợ giúp trong tiểu chuẩn chuyền nghiệp, hay từ bản điều lệ.

4. Tìm thêm dữ liệu về đạo đức trong nguồn học vấn, thư viện, sách vở, đồng nghiệp.

5. Áp dụng tiêu chuẩn đạo đức vào trường hợp cụ thể, có cân nhắc.

6. Tham khảo với người có nhiều kinh nghiệm trong nghiệp vụ tư vấn (nếu là thực tập sinh)

7. Suy nghĩ, cân nhắc, sau đó quyết định cẩn thận.

8. Thông báo cho người giám thị của mình (nếu là thực tập sinh), thực hiện quyết định; lưu lại báo cáo.

9. Suy nghĩ và lưu trữ quá trình xử lý như một kinh nghiệm nghề nghiệp.

Những trường hợp cá biệt trong tư vấn liên quan đến đạo đức thường xảy ra trong những môi trường sau:

Trường học (tư vấn viên học đường bênh vực quyền cho nhà trường, thay vì bênh vực cho học sinh).

Máy vi tính (khi thông tin về thân chủ có thể bị người khác đọc được).

Hôn nhân - gia đình (khi vợ chồng có mâu thuẫn về mục đích và động cơ trong quá trình tìm giải pháp - tư vấn viên sẽ dễ thiên vị, đánh mất tính vô tư và vai trò trung lập của mình).

Với nhóm đối tượng thân chủ đặc biệt (người già, người nghiện, người tàn tật… vốn không có nhiều uy tín trước mặt mọi người, nhàm chán, lú lẫn).



5. Quan hệ ngoài tuyến (dual relationship)

Đây là một điều rất tai hại và là một tập quán không phải hiếm trong nhiều ca tư vấn khi tư vấn viên và thân chủ không tuân thủ những quy định lành mạnh trong việc không xác định được một quan hệ thuần tuý lành mạnh và chuyên nghiệp trong quá trình tư vấn.

Quan hệ ngoài tuyến có thể coi như là một hoạt động thiếu tính đạo đức trong đó quan hệ giữa tư vấn viên và thân chủ không chỉ dừng lại ở giới hạn chuyên môn mà đi xa, lan lấn qua những quan hệ khác. Dù được hai bên thoả thuận và không nhất thiết là phạm pháp - quan hệ ngoài tuyến sẽ giảm thiểu danh dự và uy tín của tư vấn viên rất nhiều.

Vấn đề được đặt ra, nếu hai bên đã thỏa thuận; có gì là không ổn khi họ tự nguyện, hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến người khác? Đúng - quan hệ ngoài tuyến không ảnh hưởng đến người khác, nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến tiên trình tư vấn. Vì thế sẽ có tác hại đối với thân chủ.

Tuy thế, khi xem xét kỹ, ta nhận thấy tác dụng của tư vấn là tìm ra giải pháp. Ta biết, những quan hệ ngoài tuyến không dính dáng, liên quan gì đến quá trình tư vấn có thể ảnh hưởng đến quan hệ chính trong tư vấn.

Nhiều khi, quá trình tư vấn tìm giải pháp chưa đạt kết quả, việc quan hệ ngoài tuyến sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tiến trình tìm ra giải pháp hiệu quả cho vấn đề. Nhiều lúc, tác hại của quan hệ ngoài tuyến còn gây tác hại ảnh hưởng về lâu về dài. Tư vấn viên sẽ quen với lối làm việc không hiệu quả, thiếu tôn trọng thân chủ, lỏng lẻo với kỷ luật bản thân. Phía thân chủ thì họ mất niềm tin nơi dịch vụ tư vấn.

Vì thế, một quan hệ trong quá trình tư vấn, trước hết phải là một quan hệ hết sức chuyên nghiệp (professional). Hoàn toàn dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Không thể là một quan hệ chồng chéo, sai tuyến, lệch lạc, vặn vẹo, khúc xạ.

Quan hệ ngoài tuyến có thể xuất hiện dưới nhiều hình thái. Đôi khi nhìn vào, những quan hệ này tưởng như rất vô hại: bình thường, chẳng hạn như trao đổi hai chiều hay quan hệ giữa trai đơn gái chiếc, không ràng buộc bởi luật hôn nhân gia đình - hoàn toàn hợp pháp nhé.

Khi quan hệ trong quá trình tư vấn không còn thuần túy dựa trên căn bản trợ giúp và mục đích hoạt động không còn chú trọng đến việc tìm ra giải pháp cho nan đề. Phần nhiều, những quan hệ ngoài tuyến thường là quan hệ tình cảm nam nữ giữa tư vấn viên và thân chủ. Ngoài ra những quan hệ khác như vừa tư vấn vừa trở thành bạn bè, làm ăn chung, trao đổi dịch vụ, giới thiệu tư vấn viên với gia đình (hoặc ngược lại)…

Nhiều người cho rằng những quan hệ ngoài tuyến có vẻ vô hại, hoặc tệ hại hơn, người ta cho rằng những qua lại nho nhỏ ấy có thể tăng thêm tinh thần gắn bó giữa hai bên. Đấy thật ra là những sai lầm nghiêm trọng, mặc dầu bên ngoài là có vẻ vô hại, nhưng bên trong, quá trình tư vấn đã bị ảnh hưởng, ở một mức độ rất sâu, khó nhận ra.



6. Làm việc với đồng nghiệp có những dấu hiệu không đạo đức

Khi một tư vấn viên phát hiện ra đồng nghiệp có những biểu hiện không lành mạnh, thiếu đạo đức trong chuyên môn nhiệm vụ của tư vấn viên là tiếp cận đồng nghiệp và yêu cầu họ có những hành động cụ thể xoá bỏ và chấm dứt ngay những hành vi không phù hợp với tiêu chí nghiệp vụ tư vấn.

Tại sao phải hành động như thế? Thứ nhất, nếu tư vấn viên làm ngơ với đồng nghiệp, tự động tư vấn viên ấy đã để cho kỷ luật nghề nghiệp của họ những cơ hội bị xói mòn. Và từ đó họ càng dễ dãi với những hành vi của đồng nghiệp trong tương lai. Hơn nữa, tư cách của một tư vấn viên thường được phản ảnh qua đồng nghiệp. Chúng ta có trách nhiệm lên tiếng, bảo vệ đồng nghiệp trước khi họ đi quá xa. Chưa kể những trường hợp đồng nghiệp không có những kiến thức căn bản về tính đạo đức trong nghiệp vụ tư vấn. Hoặc nhiều lúc vô ý, đồng nghiệp không nhìn thấy việc họ làm là vi phạm tính đạo đức. Vì thế, ta càng cần nên có trách nhiệm giúp đỡ bạn đồng nghiệp nhiều hơn.

Sau đây là vài gợi ý khi tiếp cận với đồng nghiệp có biểu hiện sai lạc trong tư cách đạo đức.

1. Cẩn thận thu gom đầy đủ dữ kiện một cách kín đáo, tế nhị.

2. Trao đổi với đồng nghiệp một cách khách quan những gì bạn thấy, nghĩ.

3. Sử dụng những văn bản hiện hành để giới thiệu cho đồng nghiệp về những sai phạm.

4. Luôn thể hiện tinh thần tôn trọng và mối quan tâm thật sự.

5. Bình tĩnh, từ tốn, những dứt khoát trong quan điểm đạo đức nghề nghiệp.

6. Để ý, quan sát nếu như bạn đồng nghiệp có những biểu hiện cải thiện - khích lệ họ khi những biến chuyển tích cực xảy ra.

7. Có biện pháp hành động tùy theo phản ứng của bạn đồng nghiệp.

7. Kết luận

Tính đạo đức trong tư vấn là một yếu tố quan trọng, then chốt trong công tác tư vấn. Có thể nói, đạo đức trong tư vấn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của một tư vấn viên. Thân chủ không ngẫu nhiên tìm đến dịch vụ tư vấn, họ là những người gặp khó khăn thật sự, vì thế, không giúp đỡ họ tận tình đã là một thiếu sót. Lợi dụng họ hoặc làm điều có hại lại càng là một sai phạm lớn hơn.

Tất nhiên những thử thách và cám dỗ không hẳn là không tấn công đội ngũ tư vấn viên, vì thế, chúng ta cần cảnh giác với những cám dỗ ấy, có hành động ngăn chặn kịp thời và chủ động. Và sau cùng, quan tâm đến đồng nghiệp là một điều chúng ta nên cố gắng. Vì chúng ta không đến với xã hội bằng mỗi cá nhân, mà chúng ta làm việc với một đội ngũ những tư vấn viên.

Bảo vệ tính đạo đức trong ngành Tư vấn không chỉ là trách nhiệm, mà còn là nghĩa vụ. Một nghĩa vụ không thể sao nhãng, lơi lỏng được.



Chương 4
TƯ VẤN TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI PHONG PHÚ


1. Dẫn nhập

Con người luôn có những đòi hỏi liên đới mật thiết với những cá nhân khác trong xã hội. Không phải cứ sống trong một xã hội đa chủng như Hoa Kỳ hay nước Úc chúng ta mới trải nghiệm được những khác biệt rất đa dạng của cuộc sống đa văn hoá.

Trong bất cứ xã hội nào, tính đa văn hoá cũng tồn tại và phát triển. Chúng ta sẽ luôn thấy có những đại diện khác nhau trong một xã hội. Đây cũng chính là tính đa dạng và phong phú của xã hội. Với Việt Nam, một đất nước trải dài 3620 km bờ biển và 1650 km đường chim bay từ cực bắc đến cực nam; có những phong tục tập quán rất khác biệt giữa vùng cao và vùng xuôi, miền Nam, Trung, Bắc, nhiều sắc dân. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện tại, nước nhà mở cửa ra với thế giới, những giá trị văn hoá khác du nhập vào, càng làm cho tính đa văn hoá trở nên phong phú, muôn màu sắc.

Công tác tư vấn là một công tác đem dịch vụ trợ giúp đến xã hội, thông qua làm việc với từng cá nhân riêng biệt. Điều này cho chúng ta thấy, tư vấn viên tất nhiên phải tiếp cận với xã hội, đòi hỏi họ phải có một não trạng và chuẩn bị sẵn sàng làm việc với từng cá nhân, hoặc nhóm riêng biệt. Tất nhiên trong bối cảnh xã hội phong phú, tư vấn viên cần chủ động trên mặt trận văn hóa trong công tác tư vấn đối với từng cá nhân, nhóm có hoàn cảnh văn hóa xã hội khác nhau - vì phần lớn những ứng xứ và nhận thức của con người đến từ văn hóa..

Xã hội luôn có những nhóm người và họ thuộc những tầng lớp khác nhau. Từ đó, một tư vấn viên cần có những khái niệm căn bản về tính đa dạng ở mặt văn hoá của xã hội là điều không thể xem nhẹ.

Thiết tưởng khái niệm văn hóa rất cần được thảo luận rõ ràng.




tải về 1.32 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   18




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương