Nguồn tư liệu thư TỊch phưƠng tây với tiến trình lịch sử thăng long – HÀ NỘI



tải về 262.95 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích262.95 Kb.
#10240
1   2   3

*

* *

Kể từ sau 1873, nhất là sau 1882 và tiếp theo là những thập kỷ đầu thời Pháp thuộc, một sự bùng nổ về tư liệu phương Tây – mà những tác giả lúc này tuyệt đại đa số về người Pháp – về Hà Nội nói riêng và xứ Bắc Kỳ nói chung đã xảy ra. Chưa bao giờ những tư liệu về Hà Nội lại có số lượng nhiều và phong phú đa dạng về thể loại như lúc này. Chúng ta chỉ có thể tuyển chọn một số tư liệu tiêu biểu cho các giới người viết và cho những lãnh vực được mô tả.

Trước hết phải kể đến một loạt các bài ký sự, phóng sự tại chỗ, các hồi ký, thư từ của các phóng viên nhà báo, nhà văn, quan chức, sĩ quan người Pháp trong quá trình chinh phục, bình định và bước đầu cai trị.

Có những tác giả đi theo đạo quân viễn chinh Pháp để lấy thông tin, tư liệu, viết những bài báo hoặc cuốn sách về Bắc kỳ hoặc Hà Nội.

Bài tạp chí “Hanoi: Capitale du Tongking en 1883” (Hà Nội: thủ phủ xứ Bắc kỳ vào năm 1883) của Ch. Labarthe đăng trong tạp chí “ Revue de Géographie” (Tạp chí Địa dư) xuất bản ở Paris tập 13. Tháng 7-12/1883 có thể coi như bức tranh sinh động đầu tiên về Hà Nội những ngày đầu chiếm đóng, nhiều đoạn sau này đã được giới nghiên cứu trích dẫn, tham khảo.

Một quyển sách khá độc đáo và lý thú với nhiều chi tiết nói về các mặt đời sống của Hà Nội ngay từ những năm đầu thời Pháp thuộc là cuốn “Một chiến dịch ở Bắc kỳ” (Une campagne au Tonkin) của tác giả bác sĩ Hocquard.

Charles. Edouard Hocquard (1853-1911) là một bác sĩ giải phẫu ngoại khoa nhưng cũng khá thành thạo chữa các bệnh về mắt. Ông là sĩ quan quân y đã đi theo đạo quân viễn chinh Pháp trong hầu hết các cuộc hành quân ở vùng đồng bằng, trung và thượng du Bắc kỳ trong những năm 1884-1886.

Không như tên gọi, cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc kỳ” đã nói rất ít về các trận đánh, chiến tranh, mà chủ yếu lại miêu tả mọi mặt đời sống của dân chúng Việt Nam ở các vùng Bắc kỳ và Trung kỳ. Đặc biệt, cuốn sách gồm 22 chương thì có trọn 6 chương (các chương 1, 2, 3, 6, 10, 11) được dịch trong tuyển tập tư liệu đã dành để mô tả Hà Nội. Được đánh giá là một con người “hiểu biết khôn khéo và thông minh”, Hocquard đã vẽ nên nhiều hình ảnh rất sinh động về cảnh vật, đời sống, con người Hà Nội. Là một sĩ quan trong quân đội viễn chinh, nhưng tác giả đã có một cái nhìn tương đối khách quan, ít có những tư tưởng thực dân chủ nghĩa cực đoan như một số tác giả đồng thời khác.

Tác phẩm lúc đầu đăng làm nhiều kỳ trên tạp chí “Tour du monde” (Vòng quanh thế giới) trong những năm 1889 -1991, dưới tiêu đề “30 tháng ở Bắc kỳ” (Trente mois au Tonkin). Năm 1892, nó được xuất bản ở Paris, với gần 250 bức tranh khắc rất độc đáo hiếm quý và bản đồ. Năm 1999, Ph.Papin, lúc đó là người phụ trách Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) ở Hà Nội đã cho in lại, chú thích và tái bản ở Paris. Một số trang của tác phẩm cũng được trích dịch trong bộ “Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long”, tập 4 (Hà Nội 2009).

Trong tuyển tập, 6 chương được chọn dịch theo nguyên bản ấn hành năm 1892. Đây là tư liệu có độ dài thứ hai của Tuyển tập, sau cuốn sách của J. Richard.

Những thư từ của một số sĩ quan trong đội quân viễn chinh Pháp được gửi từ Hà Nội về gia đình của họ bên Pháp cũng là một nguồn tư liệu bổ ích, kể lại những điều mắt thấy tai nghe ở thành phố trong thời kỳ này. Ta có thể kể đến tập thư của trung úy lái khinh khí cầu L. Jullien (đăng trong tạp chí BAVH 1930 (2)) và đại úy pháo binh Petit Jean Roger (BAVH 1932 (3)), đã cung cấp cho chúng ta một số nét chi tiết về phố phường Hà Nội những năm đầu bị chiếm đóng.

Một nguồn tư liệu phong phú và đặc sắc không thể thiếu được viết về Hà Nội trong hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XIX là những bài phóng sự, ký sự của các nhà báo, nhà văn của những tờ báo và tạp chí xuất bản ở Pháp cũng như ở Đông Dương. Ưu điểm của loại tư liệu này là những quan sát, nhận xét, tinh tế và sinh động, giàu chất văn học về cảnh và người Hà Nội, mà những người khác có thể không chú ý đã bỏ qua. Trong những bài báo này, người viết cũng bày tỏ những ấn tượng và cảm xúc, nhiều khi chân thật nhưng cũng có chỗ bộc lộ những tư tưởng thực dân chủ nghĩa và quan điểm kỳ thị chủng tộc văn hóa mang tính cực đoan, mà ngày nay là không thể chấp nhận được và đáng bị phê phán. Tuy nhiên, để tôn trọng tính lịch sử, tuyển tập dịch nhìn chung vẫn để nguyên văn, người đọc có thể tự phán xét, trừ một số ít đoạn đã lược bỏ vì xét thấy không cần thiết.

Cặp nhà báo nổi tiếng với những bài phóng sự lúc đó viết về Bắc kỳ và Hà Nội trong buổi đầu cuộc chinh phục là P. Bourde, phóng viên tờ “Le Temps” và P. Bonnetain, kém 7 tuổi, phóng viên tờ Le Figaro. Hai người thường có nhiều dịp làm việc và sống bên nhau. Những bài báo của P. Bourde được tập hợp thành cuốn “De Paris au Tonkin” (Từ Paris đến Bắc Kỳ) xuất bản ở Paris năm 1885, trong khi những bài báo cùa P. Bonnetain tập hợp trong cuốn “Au Tonkin” (Ở Bắc Kỳ) cũng xuất bản ở Paris năm 1885. Cả hai người đều là những nhà báo có tài, văn phong sắc sảo, và đều thấm đậm tinh thần thực dân. P. Bourde thiên về tả cảnh thiên nhiên, còn P. Bonnetain đi sâu vào chi tiết, nhưng chủ đề hạn chế hơn.

Những năm cuối thế kỷ XIX, một phóng viên khác của tờ Le Temps là Marcel Monnier đã được biệt phái trong một chuyến du hành nghiên cứu sang vùng Viễn Đông, trong đó có các xứ Đông Dương thuộc Pháp, và tất nhiên, có thăm thú Hà Nội. Những bài báo của Monnier sau đó tập hợp thành cuốn sách có nhan đề là “Le Tour d’Asie” (Vòng quanh châu Á) gồm nhiều tập, xuất bản ở Paris năm 1899. Bài phóng sự về Hà Nội của tác giả ở trong cuốn nói về 3 xứ Đông Dương (Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ).

Hà Nội dưới con mắt quan sát của Monnier đã khác khá nhiều so với Hà Nội của P. Bourde và P. Bonnetain với khu phố người Âu đã khá phát triển, tòa thành cổ bị phá làm đường phố mới, có điện thắp sáng. Theo thời gian, những luận điệu sặc mùi thực dân cũng giảm bớt khá nhiều ở tác giả này. Monnier đã cung cấp cho người đọc một bức chân dung khá sắc nét và khách quan về viên kinh lược sứ Bắc kỳ Nguyễn Trọng Hợp.

Bên cạnh những tờ báo ở nước Pháp, những tờ báo tiếng Pháp xuất bản ở Hà Nội thời kỳ này cũng có một loạt bài ký sự, phóng sự viết về Hà Nội. Thế mạnh của những tờ báo này là tính thời sự trực tiếp, tại chỗ. Nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất lúc đó là tờ “Avenir du Tonkin” (Tương lai Bắc kỳ) có trụ sở tại phố Beauchamp (ngày nay là tòa soạn báo Hà Nội mới ở phố Lê Thái Tổ). Chủ bút đầu tiên của báo là Jules Cousin, sau đó là nhà tư bản Chesnay. Năm 1899, báo cho đăng một loạt bài phóng sự sinh động và độc đáo về đời sống của Hà Nội của tác giả Yann (bút danh của đại úy Lassalle) có nhan đề là “Croquis Tonkinois” (Ký họa Bắc Kỳ).

Tờ báo thứ hai có nhiều bài viết về Hà Nội là tờ “Indépendance Tonkinoise” (Độc lập Bắc kỳ), chủ nhiệm báo là A. Le Vasseur, một cây bút sắc sảo viết nhiều bài đả kích chính quyền Pháp ở Hà Nội lúc đó, như các bài về việc xây dựng tượng đài và việc phá thành Hà Nội. Năm 1891, báo cho đăng một phụ trương minh họa về Hà Nội nhân dịp Toàn quyền Lanessan sang nhậm chức của một tác giả không nêu tên nhưng mọi người đều biết là Jules Boissière. Bài báo được đưa vào tuyển dịch.

Nhà báo – nhà văn kiêm nhà chính trị Jules Boissière là một nhân vật đặc biệt, có nhiều duyên nợ với Hà Nội. Là một trợ lý khi còn rất trẻ (23 tuổi) sang Hà Nội cùng với Tổng trú sứ Paul Bert, Boissière là một cộng tá viên đắc lực của các tờ “Avenir du Tonkin” và “Indépendance Tonkinoise”, tác giả của nhiều cuốn sách viết về Đông Dương và Hà Nội, trong đó quyển sách nổi tiếng là “Indochine avec les francais” (Đông Dương với những người Pháp) với bài phóng sự dài về Hà Nội (lần đầu tiên đăng trong tạp chí Revue Indochinoise năm 1894, xuất bản năm 1914). Trước khi chết (1897) ở Hà Nội, J. Boissière giữ chức Phó Thống sứ.

Một tư liệu cuối cùng thuộc loại các bài báo, ký sự, phóng sự, được tập hợp lại trong một bộ sách khá nổi tiếng, đó là cuốn “Le vieux Tonkin” (Bắc kỳ xưa) của Cl. Bourrin. Sinh trưởng và am hiểu Hà Nội, Việt Nam, tác giả đã bỏ nhiều công sức đi sưu tập các thông tin báo chí xuất bản trong khoảng thời gian 10 năm (1884-1894), chỉnh lý sắp xếp theo từng năm, in thành 2 tập (tập 1 xuất bản ở Sàigòn năm 1935 và tập II ở Hà Nội năm 1941). Lĩnh vực mà Bourrin tập trung khai thác là đời sống thị dân (chủ yếu ở Hà Nội) với các mặt hoạt động ở sân khấu, thể thao, nghệ thuật…Bài báo về Hà Nội 1891 của J. Boissière có trong tuyển tập tư liệu được trích dịch từ tập 2 của bộ sách. Tập 1 của “Bắc Kỳ xưa” đã được dịch sang tiếng Việt xuất bản năm 2007.

Những báo cáo, hồi ký, chuyên luận của những quan chức cai trị Pháp đã sống và làm việc ở Hà Nội như công sứ, đốc lý, thống sứ, toàn quyền đã chứa đựng nhiều thông tin phong phú nhiều mặt và đáng tin cậy về Hà Nội, nhất là về các chính sách của nhà cầm quyền và những chương trình xây dựng phát triển đô thị.

R. Bonnal là viên Công sứ nước Pháp (Résident de France) đầu tiên ở Hà Nội trong những năm 1884-1885 đã cung cấp nhiều thông tin về thành phố này trong buổi giao thời, nhất là về mặt quan hệ với chính quyền Nam triều (lúc đó là Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ) và những chương trình chỉnh trang đô thị, sửa sang đường phố. Những tư liệu được trích dịch là từ cuốn “Au Tonkin: notes et souvenirs” (Ở Bắc kỳ: ghi chép và hồi ức) của tác giả, xuất bản ở Hà Nội năm 1925.

Paul Bert, vị Tổng trú sứ đầu tiên ở Hà Nội, vốn xuất thân là một nhà khoa học nổi tiếng đã để lại một dấu ấn rất sâu đậm đối với cảnh quan đô thị Hà Nội mặc dù trong một thời gian rất ngắn (từ tháng 4 đến tháng 11 năm 1886, P. Bert đã chết về bệnh lỵ cấp tính). Bản thân P. Bert không để lại ấn phẩm nào, nhưng người ta có thể tìm hiểu con người và những việc làm của ông qua những nghị định ban bố, những lời kể lại của người đương thời.

Người cộng tác đắc lực, kế nhiệm của P. Bert là Paulin Vial, nguyên là sĩ quan quân đội, là quyền tổng trú sứ năm 1887. Cuốn hồi ký 2 tập “Những năm đầu tiên của chúng ta ở Bắc kỳ” (Nos premières années au Tonkin, Paris 1889) là một tư liệu giàu thông tin về Hà Nội thời kỳ P. Bert – P. Vial, đã được trích dịch nhiều đoạn trong tuyển tập tư liệu.

Một gương mặt cũng khá nổi bật và đã để lại nhiều tư liệu về Bắc kỳ và Hà Nội là Toàn quyền De Lanessan. Người Việt Nam biết nhiều đến nhân vật này trong những sự kiện có liên quan đến việc xây dựng bệnh viện Đồn Thủy và việc phá thành Hà Nội.

Vốn là một thày thuốc, một nhà khoa học trước khi nhậm chức Toàn quyền, De Lanessan đã viết nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có cả cuốn sách chuyên luận về Đông Dương. Sau khi mãn nhiệm kỳ (1891 – 1894) trở về Pháp, Lanessan cho xuất bản cuốn “ La colonisation francaise de l’Indochine” (Công cuộc thực dân của người Pháp ở Đông Dương) xuất bản ở Paris năm 1895, kể lại tình hình xứ thuộc địa và những việc làm của mình, một số trang được chọn tuyển dịch.

Một tư liệu hiếm quý sưu tập rất nhiều các văn bản hành chính của các cấp chính quyền như Phủ thống sứ Bắc kỳ, Tòa Đốc lý Hà Nội và tòa Công sứ các tỉnh dưới dạng các nghị định, quyết định, thông tư, công báo và các tài liệu lưu trữ có hiệu lực trong khoảng thời gian 1883-1895 đã được D. Ganter, tham tá hạng nhất Phủ Thống sứ tập hợp, phân loại và đem ấn hành tại nhà in Schneider năm 1895, đề tặng Toàn quyền Đông Dương A. Rousseau lúc đó. Đó là cuốn “Vựng tập pháp chế thi hành ở Trung kỳ và bắc kỳ” (Recueil de la législation en vigueur en Annam et au Tonkin, Hanoi 1895). Dung lượng đa dạng và khổng lồ của nó buộc ta phải nghiên cứu và khai thác dần từng bước.

Trong tuyển tập dịch, chúng ta sẽ thấy bước đầu giới thiệu một số văn bản pháp quy có liên quan đến Hà Nôi về các vấn đề địa giới và quy hoạch đô thị, chỉnh trang và giao thông đường phố, nhà cửa, quy chế, đô thị cũng như những nghị định thành lập Viện Hàn lâm Bắc Kỳ, trường Thông ngôn Hà Nội của các quan chức chính quyền Pháp các cấp như P. Bert, Piquet, Lanessan, Vial, cũng như Warnet, Bihourd, Berger, Landes, Chavassieux, Parreau, Brière, Beauchamp…Tính đích thực và chính thống của nó cũng như các công báo hoặc tài liệu lưu trữ.

Vào thời đoạn bản lề giữa hai thế kỷ XIX và XX, gương mặt nổi bật trong bộ máy chính quyền Pháp là Paul Doumer, một con người năng động, quyết đoán, được coi là “người hùng”, “nhà kiến trúc sư của xứ Đông Pháp tân tiến”. Những công việc mà P. Doumer đã làm cho Đông Dương, đặc biệt là cho Hà Nội biến nó thành một đô thị thực dân hiện đại, một “Paris thu nhỏ” đã được ghi lại trong hai cuốn sách khá đầy đặn. Cuốn thứ nhất là báo cáo chính thức của nhiệm kỳ Toàn quyền, với nhiều con số, có tiêu đề là “Situation de l’Indochine (1897 -1901)” (Tình hình Đông Dương), ấn hành ở Hà Nội năm 1902. Cuốn thứ 2, văn phong sinh động hơn với nhiều tranh ảnh minh họa, là cuốn “Indochine francaise: Souvenirs” (Xứ Đông Pháp: những kỷ niệm) xuất bản ở Paris năm 1905. Một số tư liệu về Hà Nội đã được trích dịch từ 2 cuốn sách này, kèm theo là một bản báo cáo khá chi tiết về sự phát triển của thành phố Hà Nội từ 1897 đến 1901 của Đốc lý Baille. (phụ lục cuốn: Tình hình Đông Dương).

Những viên Toàn quyền Đông Dương khác đã để lại ấn phẩm của mình là P. Beau với cuốn “Tình hình Đông Dương” (Situation de l’Indochine 1902-1907. Saigòn 1908), đô đốc Decoux với cuốn hồi ký “Chèo lái Đông Dương” (À la barre de l’Indochine. Paris 1949). Pierre Pasquier, từng là Đốc lý Hà Nội, Khâm sứ Trung kỳ rồi Toàn quyền Đông Dương, trước đó là tác giả một cuốn sách khá nổi tiếng “Nước An Nam xưa” (L’Annam d’autrefois. Paris 1907), trong đó có một đoạn ngắn được trích dịch.

Những tác giả phi quan chức để lại những tư liệu nói về hoặc có liên quan đến Hà Nội trong những thập kỷ nửa đầu thế kỷ XX đã có những đặc điểm khác so với thời kỳ cuối thế kỷ XIX. Đã ít đi rất nhiều những ký sự, phóng sự tại chỗ, mắt thấy tai nghe. Tuyệt đại bộ phận vẫn là những người Pháp, nhưng phần lớn họ viết với tư cách những nhà nghiên cứu học giả, ngay cả đối với những người trước kia từng là quan chức, sĩ quan quân đội (như G.Dumoutier, E. Diguet). Nội dung những thông itn có thể kém sinh động hơn, nhưng mang tính tổng hợp, chuyên sâu và khoa học hơn. Thái độ của người viết cũng tỏ ra nghiêm túc khách quan hơn. Giảm bớt hẳn đi những luận điệu của một chủ nghĩa thực dân cực đoan hay của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc – văn hóa, thay vào đó là những nghiên cứu xã hội học, dân tộc học với những đánh giá thận trọng.

Gustave Dumoutier là một trường hợp khá đặc biệt, là một học giả có tài sống qua hai thế kỷ (1850-1904), một con người gắn bó và yêu mến lịch sử văn hóa Việt Nam nhưng có một số phận bất hạnh mang tính bi kịch. Là nhà Đông phương học đầy nhiệt huyết, Dumoutier đã tháp tùng P. Bert sang Hà Nội từ những ngày đầu, làm trợ lý văn hóa và giúp Paul Bert thành lập Viện Hàn lâm Bắc kỳ sau đó trở thành Thanh tra Học chính. Dumoutier chủ trương hợp tác với giới nho sĩ Việt Nam, trân trọng và bảo tồn nền văn hóa Việt Nam truyền thống, duy trì chữ nho và khuyến khích chữ quốc ngữ. Ông bị phái thực dân cực đoan chủ trương đồng hóa trực trị đả kích, bị thất sủng từ thời Paul Doumer, buộc nghỉ việc và chết ở Đồ Sơn năm 1904 trong tâm trạng tuyệt vọng.

G. Dumoutier là nhà Việt nam học người Pháp thuộc thế hệ đầu tiên, đã có nhiều công trình nghiên cứu khảo sát về khảo cổ, lịch sử văn hóa Việt và về Hà Nội nói riêng. Cuốn “những ngôi chùa của Hà Nội” (Les pagodes de Hanoi, Hanoi 1887) mà tuyển tập tư liệu có bài trích dịch là một chuyên khảo công phu sớm nhất về các di tích thắng cảnh lịch sử - tôn giáo Hà Nội, đặc biệt có giá trị trong việc khảo sát kiến trúc và văn bia tại chỗ vào cuối thế kỷ XIX.

E. Diguet, một cựu đại tá pháo binh thuộc địa, nhưng lại là một trong những người đầu tiên viết chuyên khảo về con người và xã hội Việt Nam truyền thống, với những tìm tòi và đánh giá nghiêm túc. Cuốn “Những người An Nam” (Les annamites. Paris 1906) nghiên cứu khá sâu về văn hóa xã hội Việt Nam truyền thống có thể đóng góp cho tư liệu Hà Nội về các nghề thủ công và các ông tổ nghề, các nghi lễ tín ngưỡng trong gia đình, theo hướng tổng hợp mà sau này M. Durand và P. Huard sẽ tiếp tục phát triển trong cuốn “Kiến thức về Việt Nam” (Connaissances du Vietnam. Hanoi 1954) của mình.

Bộ tranh khắc đồ sộ của Henri Oger là một hiện tượng độc đáo. Là một quan chức dân sự tuổi còn rất trẻ, ít được mọi người biết đến sang làm việc tại Việt Nam, Oger đã say mê tìm hiểu văn minh truyền thống Việt Nam, đặc biệt qua G. Dumoutier. Khoảng năm 1909, cá nhân Oger chạy vạy tiền, thuê chừng 30 thợ khắc giỏi làm việc miệt mài ở chùa Vũ Thạch phố Hàng Gai (nay chùa Vũ Thạch ở đầu phố Bà Triệu). Về Pháp, khoảng sau thế chiến I, tác giả cho xuất bản ở Paris 2 tập sách “ Nhập môn nghiên cứu kỹ thuật của dân tộc Annam. Tiểu luận về đời sống vật chất, mỹ nghệ kỹ nghệ của dân tộc Annam” (Introduction générale à l’ étude de la technologie du peuple annamite. Essai sur la vie matérielle, les arts et les industries du peuple annamite).

Cuốn sách có một bài tổng quan khảo sát các ngành nghề thủ công truyền thống của vùng Hà Nội, đặc biệt đi sâu vào nghề làm giấy dó ở các làng Bưởi. Độc đáo nhất là 4000 bức tranh khắc minh họa mọi mặt của đời sống văn hóa Việt vùng Hà Nội, theo họa pháp dân gian truyền thống nhưng đường nét rất tinh vi điêu luyện, thần thái sinh động.

Bộ sách được Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) cho in chụp lại, dịch và chú thích tiếng Anh và Việt, xuất bản năm 2009.

Claude Madrolle là một học giả chuyên sâu về những vấn đề địa lý – lịch sử của Việt Nam cổ trung đại, đồng thời là tác giả của một bộ sách phổ biến khoa học gồm rất nhiều tập, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, du lịch của hầu hết các vùng miền và thành phố lớn ở các xứ Đông Dương, gọi chung là “Guides Madrolle” (Sách hướng dẫn Madrolle). Cuốn sách của tác giả mà tuyển tập tư liệu trích dịch nhiều trang có tên là “Hà Nội và những vùng phụ cận” (Cl. Madrolle: Hanoi et ses environs. Paris et London 1912). Tuy là loại sách hướng dẫn du lịch, phổ biến khoa học, nhưng đã có nhiều chi tiết đi sâu có giá trị về lịch sử Hà Nội, nhất là về thời gian những năm đầu thế kỷ XX, mà Cl. Madrolle đã có điều kiện nghiên cứu và khảo sát trực tiếp. Đó là nguồn tư liệu chính đầu tiên mà các nhà “Hà Nội học” sau này đã trích dẫn và sử dụng nhiều trong những công trình nghiên cứu của mình.

Đi theo hướng học giả hàn lâm, còn phải kể đến tác giả Ch.B Maybon, người đã cung cấp nhiều tư liệu về Hà Nội trong các thế kỷ XVII – XVIII, đặc biệt là trong lãnh vực giao thương với phương Tây. Hai chương có nhan đề “Những người châu Âu ở nước An Nam” (Les européens en pays d’Annam) trong cuốn “ Lịch sử cận đại xứ An Nam” (Histoire moderne du pays d’Annam. Paris 1920) và chuyên luận “ Một thương điếm Anh ở Đàng Ngoài thế kỷ XVII” (Une factorerie anglaise au Tonkin au XVIIIs. BEFEO) đã được dịch do nhà xuất bản Thế giới (Hà Nội 2006). Tiểu luận : “Những thương nhân người Âu ở Đàng Trong và Đàng Ngoài” (Marchands européens en Cochinchine et au Tonkin. R.I.1916) cũng có nhiều thông tin về Hà Nội trong những thế kỷ này.

Năm 1929 tác giả André Masson đã cho xuất bản một chuyên khảo về Hà Nội sau này trở nên rất nổi tiếng, các người viết ngày nay về Hà Nội đều ít nhiều tham khảo sử dụng, đó là cuốn “Hà Nội trong thời kỳ hào hùng 1873-1888) (đúng ra phải là “bi tráng”?) (Hanoi pendant la période héroique 1873-1888. Paris 1929). Năm 1987, cuốn sách đã được dịch ra tiếng Anh (có rút gọn) với tiêu đề “ Những đổi thay của Hà Nội 1873-1888) (The transformations of Hanoi 1873-1888. Wisconsin 1987). Một bản dịch tiếng Việt cũng được xuất bản ở Hải Phòng năm 2002 (Hà Nội giai đoạn 1873-1888).

Tính chất nghiên cứu thể hiện rõ nét trong cuốn sách. Sử dụng nhiều nguồn tư liệu phong phú của các văn bản lưu trữ, sách báo đương thời, có tranh ảnh và bản đồ minh họa, A. Masson đã biên soạn về diện mạo và quy hoạch đô thị, địa lý lịch sử của từng khu vực thành phố như Tràng Thi, Tòa thành, khu nhượng địa, khu nhà Chung, khu phố buôn bán, khu phố Tây và những biến đổi của nó qua những năm đầu thời Pháp thuộc.

Toàn văn cuốn sách không được đưa vào Tuyển tập tư liệu nhưng những đoạn trích dẫn của các tác giả đương thời đã được trích dịch mở rộng hoặc dịch toàn văn như các tư liệu của S. Baron, P. Bourde, P. Bonnetain, Ch. Labarthe, J. Boissière, R. Bonnal, G. Dumoutier, Hocquard, P. Vial, P. Doumer…

Tác giả chuyên gia kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng L. Bezacier cũng có đóng góp vào tuyển tập tư liệu với bài khảo cứu ngắn “Tòa thành Hà Nội” (La Citadelle de Hanoi) đăng trên tạp chí “Indochine hebdomadaire illustré” (Đông Dương: tuần san có minh họa) số 100 (20.7.1942). Cũng trong tờ tuần báo này số 108 (ngày 24.9.1942), kiến trúc sư nổi tiếng của Sở quy hoạch đô thị trung ương là L. Pineau đã viết một bài về sự mở rộng khu nội thành Hà Nội theo dự án Cérutti lúc đó (nhưng sau không được thực hiện): “Le plus grand Hanoi” (Hà Nội lớn), bản dịch được đưa vào tuyển tập. Một bài hồi ký ngắn của một chứng nhân đương đại cuối cùng về Hà Nội thập kỷ 80 của thế kỷ XIX là của bà Yến, được tác giả người Pháp G. P chuyển thành phóng sự đăng trên tờ tuần san Indochine nói trên, số 74 (1942), với đầu đề “Madame Hirondelle nous parle du vieux Hanoi” (Bà Yến nói với chúng ta về Hà Nội xưa).

Nhưng đoạn được trích địch cuối cùng là nói về chợ Đồng Xuân và các làng nghề Hà Nội vào đầu thế kỷ XX, được đăng trong tuyển tập: “Đông Dương qua những trích đoạn văn học” (l’Indochine à travers les textes. Hanoi 1944) của tác giả Maguerite Triaire, do Nha học chính Đông Dương xuất bản.

Nếu muốn kể thêm một nhà “Hà Nội học” người Pháp nữa cũng có những bài viết đóng góp cho lịch sử Hà Nội, thì đó là tác giả Georges Azambre, mà đáng kể nhất là tiểu luận “Hà Nội: những ghi chép về địa lý đô thị” (Ha Noi: notes de géographie urbaine) đăng trong tập san “ Tập san của Hội nghiên cứu Đông Dương” (Bulletin de la Société d’Études Indochinoise. B.S.E.I) số 4 năm 1955. Nội dung cô đọng, hàm súc, nhưng cũng chỉ là tổng hợp những dữ liệu cũ, nó không được đưa vào tuyển tập.


*

* *

Sau khi nhận xét về giá trị ý nghĩa, cũng như điểm duyệt về tác giả tác phẩm của nguồn tư liệu phương Tây, chúng ta phân tích trên những nét đại thể nội dung mà nguồn tư liệu đó phản ánh, cung cấp thông tin về mọi mặt đời sống của Thăng Long Hà Nội, cho đến những năm cuối thời Pháp thuộc. Do khuôn khổ của cuốn sách, chúng ta không đi vào chi tiết và không trích dẫn những đoạn minh họa của tư liệu, người đọc có thể tham khảo ở chính phần những tư liệu dịch.

Nhìn chung, các nguồn tư liệu phương Tây có thể chia thành 2 thời kỳ chính: thời kỳ tiền thực dân và thời Pháp thuộc. Thời kỳ tiền thực dân kể từ đầu thế kỷ XVII (những người Châu Âu đến Thăng Long – Kẻ Chợ) đến 1873 (Pháp đánh thành Hà Nội lần I) hoặc rõ hơn là đến những năm 1882-1883 (Pháp đánh chiếm Hà Nội lần 2 và hòa ước Harmand). Trong đó, thế kỷ XVII là thời đoạn kinh thành Thăng Long - Kẻ Chợ có nhiều mối giao lưu kinh tế - văn hóa với các nước phương Tây. Thế kỷ XVIII là thời đoạn mà những mối quan hệ chính thức đã chấm dứt chỉ còn lại những hoạt động tôn giáo không chính thức. Thế kỷ XIX trước Pháp thuộc cũng giống như thế kỷ XVIII, nhưng Hà Nội không còn là kinh đô của cả nước mà chỉ còn là thủ phủ của Bắc Kỳ.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, 15 năm đầu (giai đoạn trước Doumer) là bước quá độ từ một đô thị truyền thống sang một thành phố nhượng địa Pháp, một đô thị thực dân cận hiện đại. Giai đoạn từ Doumer trở đi là sự định hình và phát triển của một đô thị thuộc địa Âu hóa với sự phát triển của những mâu thuẫn nội tại mới.

Như chúng ta đã phân tích, nguồn tư liệu phương Tây chính trong thời kỳ tiền thực dân chủ yếu dựa vào những ghi chép của các giáo sĩ, du khách và thương nhân, kèm theo một ít những văn thư trao đổi của những chính quyền nhà nước.

Nội dung trước hết được phản ánh là những thông tin về lịch sử nói chung ở Đàng Ngoài và những sự biến của triều đình Lê Trịnh ở kinh đô Thăng Long. Thực ra mà nói, những đóng góp của nguồn tư liệu phương Tây về mảng những sử liệu cụ thể không nhiều, còn khiêm tốn. Những "kiến thức" về lịch sử Việt Nam nhất là ở những triều đại về trước mà người phương Tây có được thường là sơ sài, còn nhiều chỗ lầm lẫn, sai lạc.

Qua nguồn tư liệu phương Tây, ta có thể khai thác được một số thông tin bổ sung bổ ích về lịch sử chính trị "đương đại" (thế kỷ XVII - XVIII) như một số sự kiện về vua Lê chúa Trịnh (Lê Thần Tông, Trịnh Tráng,Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Giang..) các quan lại (như hoạn quan Hoàng Nhân Dũng), thượng thư Nguyễn Công Hãng, loạn kiêu binh...

Đóng góp đáng kể nhất của nguồn tư liệu về mảng này là cái nhìn tổng hợp toàn diện về thể chế chính trị cũng như những chính sách đối nội đối ngoại nhà nước của triều đình Thăng Long Lê Trịnh. Các tác giả cho rằng đó là một nền "chuyên chế phương Đông" (despotisme oriental) mang tính toàn trị, một thuật ngữ mà các nhà khai sáng thế kỷ XVIII thường hay dùng. Đối với Đàng Ngoài và Thăng Long các tác giả phân tích sâu hơn đến nguyên tác gia trưởng, đồng nhất quốc gia và gia đình, trong đó vua chúa là người cha của quốc gia và người cha là vị vua chúa trong gia đình. Có tác giả khảo sát cặn kẽ về bộ máy lưỡng chế vua Lê - chúa Trịnh ở Thăng Long và có liên hệ đến chế độ Thiên Hoàng - tướng quân ở Nhật Bản lúc đó.

Về những chính sách kinh tế - xã hội của nhà nước, tư liệu cho thấy có sự khác nhau về chi tiết, cụ thể giữa chính quyền Lê - Trịnh (thế kỷ XVII - XVIII) và chính quyền Nguyễn (thế kỷ XIX). Trong những điều kiện cụ thể, nhà nước Lê - Trịnh có lúc đã thi hành một chính sách "mở hé cửa", khoan nhượng đối với các nước phương Tây hơn chính quyền bảo thủ nhà Nguyễn trong thế kỷ XIX sau này.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, chính sách của các vương triều phong kiến là giống nhau. Đó là sự đề cao vai trò chức năng của một nhà nước chuyên chế tập quyền và bộ máy quan liêu, giảm thấp ở mức tối thiểu vai trò của quần chúng nhân dân trong việc tham gia vào đời sống chính trị xã hội, dị ứng với cải cách và mở cửa, thi hành chủ nghĩa biệt lập. Tư liệu cũng vạch ra những tác hại mà thực tế lịch sử đã chứng minh: Dung túng và nuôi dưỡng tệ nạn lộng quyền tham những đã trở thành một căn bệnh trầm kha của đất nước, làm thui chột sức sáng tạo và năng động của quần chúng, kìm hãm đất nước trong tình trạng lạc hậu, không bắt kịp và hòa nhập được với sự phát triển của khu vực và quốc tế, tạo cớ cho những cuộc can thiệp và xâm lược...Đối với Thăng Long - Hà Nội, chế độ phong kiến nhà nước quan liêu đã chặn đứng mọi khả năng của đô thị trở thành một thành phố tự trị, tự do, một xã hội công dân, thay vào là duy trì một nền kinh tế sản xuất nhỏ lạc hậu và thân phận thần dân của quần chúng bình dân đô thị.

Bên cạnh những thông tin chung về lịch sử chính trị của Đại Việt, và xứ Đàng Ngoài dưới thời Lê Trịnh, nguồn tư liệu phương Tây đã cho chúng ta biết những thông tin của riêng Thăng Long - Kẻ Chợ, với tư cách là một đô thị.

Trước hết là về mặt quy hoạch đô thị, cảnh quan và diện mạo vật chất của Thăng Long - Kẻ Chợ.

Với những điều mô tả của các tác giả phương Tây, Thăng Long - Kẻ Chợ là một không gian kinh tế - xã hội không định hình, các đường biên giới mờ nhòa khó xác định, điều đó đã phản ánh thế tương xâm toàn diện nông thôn - thành thị. Có thể họ cũng biết đến bức lũy Đại La, nhưng trên thực tế bức lũy này đã không tồn tại trong hơn một thế kỷ rưỡi nên không thấy có những dòng miêu tả về bức thành bao Đại La trong nguồn tư liệu phương Tây.

Trong khi đó, thành Thăng Long (thời Lê Trịnh còn được coi là hoàng thành) vẫn còn tồn tại. Các tác giả phương Tây lúc này không phân biệt Hoàng thành và Cấm thành, mà gọi chung là Cung điện, thành phố hoàng gia. Ho đã miêu tả tòa thành này, chủ yếu là hồi cố lại vẻ huy hoàng rực rỡ của nó trong những thế kỷ trước (thời Lê sơ), cũng có nói đến sự xuống cấp hư hại của nó (như nhiều đoạn tường thành bị đổ nát, chỉ còn là những lũy tre), nhưng các cổng thành thì vẫn còn nguyên vẹn, nhất là cửa Nam (Đại Hưng).

Một bộ phận của khu thành chính trị - quan liêu là quần thể kiến trúc phủ chúa Trịnh, dễ tiếp cận hơn và dễ quan sát hơn. Dưới con mắt của các chứng nhân phương Tây, những công trình này được đánh giá là tương đối khiêm tốn (chỉ dựng bằng vật liệu gỗ, không có công trình bằng đá) nhưng dáng vẻ thanh lịch (với đường nét trang trí khắc chạm). Đặc biệt các tác giả khen ngợi, đánh giá cao về sự thoáng rộng của nó và sự hấp dẫn của kiến trúc phong cảnh (những đình, gác nhỏ hài hòa với môi trường tự nhiên, yếu tố nước và cây xanh). Khu liên hợp quân sự bên sông Hồng cũng được miêu tả kỹ, đặc biệt là lực lượng các thuyền chiến trên sông Nhị.

Khu phố phường chợ búa buôn bán là một tiêu điểm thu hút sự chú ý của du khách phương Tây. Có lẽ chính vì số dân cư đông đúc quá mức (có thể là kể cả số nông dân vùng phụ cận đem hàng vào bán ở các chợ phố) và quang cảnh náo nhiệt khác thường mà có tác giả đã miêu tả một cách thậm xưng rằng Thăng Long - Kẻ Chợ là một trong những thành phố lớn nhất ở châu Á và trên thế giới lúc đó. Nhìn chung, các người phương Tây có vẻ thích cuộc sống bình dân ở nơi này hơn: họ mô tả tỉ mỉ về các phiên chợ, các chiếc cổng phố, những nhà cửa lợp tranh và xây gạch (theo đó số nhà gạch thời đó chiếm nhiều nhất là 1/3), các đường sá (mà hình như thời Lê Trịnh có phần thoáng rộng hơn thời Nguyễn). Điểm nhấn của khu phố phường kinh tế - dân gian này được dành cho những khu phố, nhà cửa và hiệu buôn của tầng lớp thương nhân Hoa kiều. Theo đó, bộ phận Hoa thương trong đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ là những người giàu có nhất, buôn bán giỏi và cũng lắm mưu mẹo, nhà cửa rộng rãi khang trang nhất...

Nói đến cảnh quan đô thị, các tư liệu phương Tây đều không quên nhấn mạnh đến hệ thống cảng - bến của Thăng Long Kẻ chợ, phản ánh thế thượng phong của nền văn minh sông nước Việt và đặc điểm đô thị sông hồ của Thăng Long - Kẻ Chợ. Trên sông Nhị (sông Hồng) Thăng Long vừa là một quân cảng vừa là một thương cảng có lẽ lớn nhất trong cả nước, với vô vàn các loại thuyền bè đi lại, thao diễn, bốc dỡ hàng hóa. Cũng vì vậy mà có tác giả đã nói rằng Thăng Long Kẻ Chợ đã vượt cả Venise về mặt sôi động (về điểm này thì chúng ta có thể tin được). Điều đó giải thích rằng không phải là ngẫu nhiên mà trên cơ sở một mỹ từ huyền thoại Thăng Long (thành phố Rồng bay), sau này đô thị lại mang tên là Hà Nội (Thành phố trong sông) cũng như tên gọi dân gian của nó là Kẻ Chợ (Thành phố của những con người chợ búa). Gần cửa sông Tô Lịch hợp lưu với sông Nhị, tác giả có nói đến hai trụ sở thương điếm của Công ty Đông Ấn Hà Lan và công ty Đông Ấn Anh. Qua những nguồn tư liệu phương Tây, chúng ta còn thấy được bên trong cái vỏ ngoài vật chất của nó, cái lõi cốt kinh tế - xã hội của đô thị. Với "cái nhìn của những kẻ khác" những quan sát và nhận xét của họ đã tỏ ra khá sắc sảo phản ánh được những đặc điểm hai mặt của nó (cả tích cực lẫn tiêu cực).

Trong những trang viết của mình, các tác giả phương Tây đều thừa nhận và đánh giá cao truyền thống tần tảo cần cù trong buôn bán làm ăn, "khéo tay hay nghề" trong nghề nghiệp chuyên môn của những con người Thăng Long Kẻ Chợ. Một số mặt hàng tỏ ra trội vượt về mặt kỹ thuật mỹ thuật so với khu vực, xứng đáng là sản phẩm của những nhà nghệ sĩ bậc thày. Các tác giả cũng nhận xét về việc buôn bán trao đổi hàng hóa ở mạng lưới chợ, mang tính chất một nền kinh tế vi thị trường, một cơ chế tích tiêu giản tiện và hữu hiệu trong điều kiện mối quan hệ gắn bó mang tính chất đối thoại thường trực giữa nông thôn và thành thị.

Vậy thì tại sao cũng vẫn như nhận định của các tác giả tư liệu, nền kinh tế truyền thống của Đại Việt Đàng Ngoài nói chung và Thăng Long – Hà Nội nói riêng tuy có những thời đoạn hưng thịnh, sôi động nhưng vẫn ở trong tình trạng trì trệ lạc hậu, không có sự chuyển biến về chất mang tính đột phá? Qua những điều trình bày rải rác hoặc tập trung trong các tư liệu, ta có thể thấy sự lý giải về nguyên nhân không đơn giản. Tuy nhiên, ta vẫn thấy được lực cản chủ yếu là sự kìm hãm của mô hình thiết chế chính trị - hệ tư tưởng lúc này và trở nên thủ cựu, không phù hợp với thực thể xã hội đang phát triển, vượt ra khỏi khuôn khổ nền kinh tế phong kiến cũ. Sự kìm hãm đó thể hiện ra ở quan điểm trọng bản ức mạt, trọng nông ức thương, chủ trương kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển một nền sản xuất lớn buôn bán lớn và tầng lớp đại thương, trong khi cho phép duy trì và dung dưỡng một nền sản xuất nhỏ buôn bán nhỏ. Chính sách độc quyền ngoại thương của nhà nước phong kiến và sự lũng đoạn của giới phú thương Hoa kiều càng hạn chế thị phần của dân chúng vốn đã rất khiêm tốn vào nền kinh tế quốc dân, với một vai trò thụ động.

Vai trò chỉ huy độc quyền kinh tế của nhà nước phong kiến đã sinh ra nhiều hệ quả tiêu cực, trong đó nổi bật lên là tệ hà lạm và tham nhũng của tầng lớp quan lại, đặc biệt là bộ phận có liên quan đến việc xét xử án tụng, thu nạp thuế má và ngạch hải quan khám xét tàu buôn nước ngoài. Khá nhiều trang viết trong tư liệu phương Tây đã tố cạo tệ nạn này và chỉ ra rằng giới tham quan chính là thủ phạm phá hoại nền kinh tế quốc dân, kinh tế đô thị. Được tuyển chọn từ chế độ khoa cử trọng sĩ vốn được đánh giá cao là tiến bộ và bình đẳng, những quan chức này đã bị thoái hóa biến chất, nhất là trong môi trường và cạm bẫy của nền kinh tế hàng hóa tiền tệ đô thị. Họ dùng đủ mọi thủ đoạn, mánh khóe để kinh doanh quyền lực, biến công thành tư, biến quyền thành tiền, chuyển hóa những ưu thế chính trị thành lợi lộc kinh tế. Đó là một căn bệnh xã hội hình như có gien di truyền, đòi hỏi một sự cảnh giá cao, thường trực.

Bức tranh kinh tế hàng hóa đô thị của Thăng Long – Hà Nội thời kỳ tiền thực dân qua những tư liệu phương Tây là một bức họa đa sắc, xen lẫn các gam màu sáng tối, nổi lên nét tương phản giữa tiềm năng và thực trạng. Đó cũng là đặc điểm của kết cấu xã hội cư dân đô thị của Thăng Long – Hà Nội.

Dưới con mắt của những người Châu Âu, tính chất đẳng cấp của xã hội đô thị Thăng Long – Hà Nội được thể hiện khá rõ rệt. Trong khi ở Tây Âu, sự phân tầng xã hội chủ yếu mang tính chất giai cấp, dựa trên sự khác biệt về sở hữu và tài sản kinh tế, thì sự phân tầng xã hội ở Thăng Long – Hà Nội mang nặng tính đẳng cấp dựa trên một khoảng cách quá lớn về quyền lực chính trị và địa vị, uy thế xã hộ, chia thành 2 đẳng cấp chính: quan liêu và thứ dân, với tầng lớp nho sĩ như một tầng lớp dọc, đấu gạch nối giữa hai đẳng cấp thống trị và bị trị.

Các tác giả phương Tây chú ý đến những luật lệ về tiêu chuẩn sinh hoạt dành những ưu tiên về nhà cửa, xe cộ, phẩm phục, đồ dùng cho giới quan liêu quí tộc, phân biệt địa vị sang hèn. Đẳng cấp thứ dân, dù là có tài sản giàu có, vẫn chỉ là những thần dân, về nguyên tắc không được hưởng những quyền sinh hoạt như giới quan liêu, họ chưa bao giờ có địa vị của những người chủ nhân đô thị.

Tuy nhiên, ở Thăng Long – Hà Nội trong những thế kỷ này, trong môi trường một nền kinh tế hàng hóa đô thị và dưới tác dụng xúc tác của đồng tiền, một xu thế nghịch đảo đã tồn tại song song với sự phân tầng đẳng cấp. Đó là sự giao lưu đẳng cấp giữa tầng lớp trưởng giả giàu có có tiền và tầng lớp quan liêu có quyền, thể hiện qua những mối quan hệ giao du và hôn nhân, làm mờ nhạt đi những rào cản về sự phân biệt tiêu chuẩn sinh hoạt.

Mặt khác, nền văn hóa dân gian đô thị, đời sống tín ngưỡng tâm linh đã làm gia tăng tính cố kết của cộng đồng cư dân đô thị. Sự phân hóa xã hội đô thị ở Thăng Long – Hà Nội diễn ra tương đối chậm và ít gay gắt. Nó tạo nên thế ổn định xã hội của đô thị, nhưng trong lịch sử, tính ổn định đó đã chuyển hóa thành sự ngưng đọng trì trệ.

Có lẽ những đóng góp của nguồn tư liệu phương Tây về văn hóa truyền thống của Thăng Long – Hà Nội là phong phú và đa dạng hơn cả một phần là do “cái nhìn của kẻ khác” về sự dị biệt văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. Các du khách phương Tây đến thăm và cư trú tại kinh thành Thăng Long – Kẻ chợ, quan sát và mô tả đời sống cư dân ở đó, nhưng thường gọi chung là dân chúng Đàng Ngoài.

Tư liệu phương Tây đã miêu tả khá tỉ mỉ về mọi mặt đời sống vật chất hàng ngày của con người Kẻ Chợ, từ ẩm thực, trang phục đến phương tiện đi lại, kiến trúc và nội thất nhà ở. Cùng với đó là các phong tục tập quán về việc thăm hỏi, cách thức chữa bệnh, các lễ nghi trong cưới xin, ma chay.

Các tác giả cũng khảo sát chi tiết về đời sống trí thức: ngôn ngữ văn tự, giáo dục khoa cử. Có nhiều trang viết về chuyện học hành, các kỳ thi, các học vị tú tài, hương cống, tiến sĩ. Người phương Tây đều đánh giá cao về chế độ khoa cử, như một vườn ươm và phương tiện tuyển lựa khoa cử. Họ cho rằng chế độ khoa cử, dựa trên tiêu chuẩn học thức mà không dựa trên dòng dõi gia đình, của những quan chức cai trị đã mang tính chất dân chủ bình đẳng, là một nét tiến bộ so với xã hội Tây Âu thời đó.

Các tư liệu phương Tây cũng dành nhiều quan tâm đến đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân Thăng Long – Kẻ chợ và Đàng Ngoài nói chung. Theo đó, 3 tôn giáo chính là Nho (hay Khổng), Phật (hay Bụt), và Lão (hay Phù thủy), cùng với tín ngưỡng dân gian mang tính chất mê tín dị đoan, tục thờ ngẫu tượng và thờ cúng tổ tiên. Các tác giả nhấn mạnh đến tính chất khoan dung, cùng tồn tại hòa bình của các tôn giáo, không có những cuộc xung đột và chiến tranh tôn giáo đến độ khốc liệt như ở Tây Âu. Mặt khác, họ nhận xét rằng người dân Đàng Ngoài ở Kẻ chợ rất dị tín, thậm chí mê tín, nhưng không hề cuồng tín. Những giáo sĩ phương Tây nói nhiều về việc truyền bá đạo Gia tô ở Đàng Ngoài của họ, cho rằng có một số vua chúa quan liêu cấm đoán và chống lại đạo Gia Tô, trong khi bản thân dân chúng Đàng Ngoài đã có một thái độ hòa hợp thân thiện với những giáo dân theo đạo.

Văn hóa dân gian với các loại hình folklore cũng là một nội dung đề cập đến trong các tư liệu phương Tây, như các lễ hội, các trò vui giải trí, du ký, nghệ thuật. các tác giả nói kỹ về tính độc đáo của nghệ thuật biểu diễn sân khấu và ca múa nhạc, mà họ cho rằng mọi tầng lớp dân chúng Kẻ chợ, từ quý tộc đến bình dân đều ưa thích.

Người ta thấy rằng đời sống văn hóa Thăng Long – Kẻ chợ đã mang đậm tính phương Đông. Đó là một nền văn hóa hòa đồng giữa con người với môi trường tự nhiên, cộng đồng xã hội và thế giới tâm linh, nhưng có phần coi nhẹ đến sự giải phóng cá nhân. Mặt khác, đó là một nền văn hóa duy cảm, duy tình nhưng lại có phần hạn chế về tư duy khoa học và tinh thần sáng kiến. Đan xen giữa hai mặt tích cực và tiêu cực pha trộn những gam màu sáng tối đó là đặc điểm chung mang tính phức hợp của văn hóa Thăng Long – Hà Nội tiền thực đân, cũng như của văn hóa Việt nam truyền thống.



tải về 262.95 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương