Nguồn tư liệu thư TỊch phưƠng tây với tiến trình lịch sử thăng long – HÀ NỘI



tải về 262.95 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu30.07.2016
Kích262.95 Kb.
#10240
  1   2   3
NGUỒN TƯ LIỆU THƯ TỊCH PHƯƠNG TÂY

VỚI TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ THĂNG LONG – HÀ NỘI

(từ thế kỷ XVII thời tiền thực dân qua thời Pháp thuộc)
Trong những cuốn sách được biên soạn và xuất bản trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, có một mảng những sách tư liệu, sưu tầm hoặc biên dịch. Cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây” mà bạn đọc đang có trên tay, là một trong những quyển sách thuộc loại đó.

Tiêu đề và yêu cầu của cuốn sách tỏ ra khiêm tốn và giản dị, và thực sự nó cũng là như vậy. Vì đây chỉ là những văn bản dưới dạng tư liệu, được dịch ra từ nguyên gốc, như nó vốn có. Nó không phải là một công trình sáng tạo với những cấu trúc thật hoàn chỉnh, những phân tích tổng hợp và đánh giá đi vào chi tiết. Nói một cách khác, nó mới chỉ là những nguyên vật liệu được cung cấp cho một công trình xây dựng. Còn phải có những công việc tiếp tục của các khâu thiết kế và thi công. Tuy nhiên, nguyên vật liệu lại là một yếu tố quan trọng, đầu tiên để quyết định chất lượng công trình, bảo đảm sự vững chắc và trưởng tồn của kiến trúc.Ý tưởng, kiểu cách, dáng vẻ, sự trang trí của một ngôi nhà dù có tốt mấy đi nữa, nhưng không được xây bằng những nguyên vật liệu tốt, chắc chắn ngôi nhà đó sẽ chẳng bao giờ trụ lại được trước sự thẩm định và thử thách gay gắt của thời gian. Mặt khác, nguyên vật liệu tốt không phải chỉ để dùng cho việc xây dựng một công trình riêng biệt, mà có thể dùng để hoàn thành nhiều cấu trúc với những bản thiết kế, mục đích sử dụng và phong cách khác nhau. Bản thân tư liệu vốn mang tính mở, mềm dẻo, đa dạng, đa phương tiện.

Đóng góp vào di sản văn hiến Thăng Long – Hà Nội, các tư liệu nói chung và ở đây là các tư liệu thư tịch phương Tây nói riêng có thể được coi là một chứng tích, đúng hơn là một di tích lịch sử văn hóa. Các đền chùa ở Hà Nội còn lại thường có độ tuổi một vài trăm năm, trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, có khi đã bị biến dạng khá nhiều so với kết cấu lúc ban đầu. Vậy thì một cuốn sách cổ, với nguyên bản được in từ phương trời Tây cách đây hàng 4 thế kỷ nói về Thăng Long – Hà Nội, ẩn mình trong một góc khuất của một thư viện nào đó, chữ in mờ và giấy ố vàng trở nên ròn dễ rách, phải scan lại hoặc dùng máy ảnh chụp lại để bảo vệ tư liệu, há cũng chẳng phải là một di tích văn hóa – lịch sử quý giá như những ngôi đền chùa Thăng Long – Hà Nội đó sao?

Những tư liệu cổ được dịch trong cuốn sách này, tuổi đời trẻ nhất cũng là hơn một hội 60 năm, với nguyên dạng lúc ban đầu không bị sửa chữa, phải được coi là những di tích lịch sử - văn hóa vật thể, chính là vì như thế. Hơn nữa, nó còn là những di tích phi vật thể. Nó đã thể hiện, phản ánh được nhiều dâu vết của quá khứ mà ngày nay đã không còn như những gương mặt lịch sử từng vang bóng một thời, những cung điện thành quách, những lễ hội, những sân khấu ca vũ nhạc, những món ẩm thực và những trò vui dân gian đến nay chỉ còn lại trong ký ức tập thể, mà hình dạng ban đầu đã bị biến hóa, thậm chí bị làm méo mó đi. Nói tóm lại, những tư liệu trong cuốn sách này có thể được coi như những ảnh xạ trung thành của quá khứ của Thăng Long – Hà Nội, cả về phần xác lẫn phần hồn. Nó giúp chúng ta hiểu biết thấu đáo và toàn diện được những ngày hôm qua của thủ đô chúng ta, vẻ huy hoàng lộng lẫy cũng như dáng kham khổ nghèo nàn, mặt sáng và mặt tối của nó. Hiểu biết trung thực hơn, chính là để gắn bó yêu thương nhiều hơn, và từ đó phụng sự và hy sinh nhiều hơn.

Có điều, công trình di tích lịch sử - văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá mà chúng ta đang nói tới đây, lại là những công trình di tích hết sức khiêm tốn và tiết kiệm mà việc trùng tu tôn tạo chưa tốn bằng một phần trăm so với kinh phí của việc trùng tu tôn tạo những công trình khác.

Chúng ta nói sâu hơn một chút về nội dung cuốn sách với tư cách đó là tuyển tập những tư liệu văn bản thư tịch phương Tây, nói chính xác hơn, là của những tác giả người châu Âu. Khung thời gian được lựa chọn là hơn 3 thế kỷ từ đầu thế kỷ XVII đến 1945. Không gian khảo sát tập trung vào khu nhân lõi của nó, Thăng Long – Kẻ Chợ và Hà Nội 36 phố phường, nhưng trong những sự kiện và thông tin có liên quan đến Thăng Long – Hà Nội, nó có thể mở rộng ra một không gian rộng lớn hơn của xứ Đàng Ngoài và sau đó là xứ Bắc Kỳ. Những lĩnh vực được đề cập đến là toàn diện từ chính trị, kinh tế đến xã hội, văn hóa. Tuy nhiên, cuốn sách sẽ không đi sâu vào những sự biến lịch sử, mà chú trọng đến những miêu tả xã hội. Ở một phạm vi hẹp hơn của đô thị Thăng Long – Hà Nội, cuốn sách sẽ đặc biệt quan tâm đến các mặt chính sách của nhà cầm quyền, quy hoạch và diện mạo đô thị, các hoạt động và đời sống kinh tế xã hội đô thị, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của thị dân…

Đây là một sưu tập các cuốn sách và bài viết của các tác giả người phương Tây viết về những gì của và có liên quan đến Thăng Long – Hà Nội. Nó đồng thời có những khuyết thiếu hạn chế, cũng như những lợi điểm và ưu thế của nó.

Nhược điểm rõ rệt nhất là nếu so với các tư liệu khảo cổ học và tư liệu thư tịch Hán – nôm (của Trung Hoa và Việt Nam) thì tuổi đời của các tư liệu thư tịch phương Tây trẻ hơn nhiều. Không kể đến một vài tư liệu như du ký của Marco Polo (thế kỷ XIV) có ghé qua Việt Nam nhưng chưa hề đến Thăng Long Kẻ Chợ, hoặc phái bộ Duarté Coelho của Bồ Đào Nha được nói là có đến kinh thành Thăng Long năm 1523 để tìm đặt quan hệ hòa hiếu, nhưng đã không để lại một tư liệu chính thức nào, thì tư liệu văn bản chính thức phương Tây đầu tiên về Thăng Long Kẻ Chợ là Bản tường trình về xứ Đàng Ngoài năm 1626 của cha Baldinotti – giáo sĩ dòng Tên.

Nhìn chung, các thông tin chứa đựng trong những tư liệu phương Tây, khi nói đến những sự kiện lịch sử chính trị Việt Nam trong toàn quốc cũng như ở kinh thành Thăng Long cho đến trước khi Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873, là sơ sài, có nhiều chỗ còn sai sót và lầm lẫn. Điều đó có thể hiểu được vì những tác giả của các tư liệu đó chắc chắn là không hề nghiên cứu hoặc tham khảo một bộ chính sử nào, mà chỉ là những điều “được nghe thấy” về tiến trình lịch sử qua những cuộc tiếp xúc đối thoại, với những điều hiểu biết rất sơ đẳng về sử liệu Việt Nam.

Một điều hạn chế thứ ba chính lại là mặt trái của một thế mạnh của loại tư liệu này mà chúng ta sẽ nói tới trong một đoạn dưới. Nó là đặc tính mang dấu ấn chủ quan khá rõ của những con người đứng ở bên ngoài, “cái nhìn của kẻ khác” được thể hiện trong một số nhận xét đánh giá về xã hội Thăng Long – Hà Nội nói riêng, đại điện cho văn hóa Việt Nam truyền thống và mở ra là nền văn minh phương Đông, được nhìn từ phương Tây. Sự đánh giá thường đúng nhưng chưa đủ, những lời khen cũng như những lời chê nhiều khi quá đà. Một số nhận xét được tạo ra một cách có chủ ý, nhằm vào những động cơ phục vụ đường lối chính trị, có tính chất tuyên truyền, giảm giá trị khoa học. Trong giai đoạn tiền thực dân, khi người Pháp đang kiếm cớ can thiệp quân sự, nhìn chung là những đánh giá về những tính chất tiêu cực, nhấn mạnh đến sự chuyên chế độc đoán và tệ nạn tham nhũng của chế độ vua quan. Thời kỳ đầu của cuộc chinh phục và đô hộ, sự phê phán còn đi xa hơn. Một số quan chức và tác giả thấm đượm ý thức thực dân, đã có những luận điệu sặc mùi phân biệt chủng tộc, trong khi đề cao “sứ mạng khai hóa” của thực dân Pháp, đã miệt thị người Việt Nam, ngay cả ở một đô thị có truyền thống thanh lịch là Hà Nội, như một chủng tộc hạ đẳng, bán khai, lạc hậu.

Tuy nhiên, khi tiến sang giai đoạn bình định và cai trị, hòa điệu với đường lối hợp tác mang tính mị dân và chính sách tranh thủ giới quan liêu, nho sĩ người Việt, một số nhận xét đánh giá lại chuyển sang mặt tích cực. Những tiêu điểm để các tác giả ca ngợi là chế độ trọng sĩ, khoa cử có tính bình đẳng trong việc lựa chọn nhân tài, chế độ tự trị làng xã được coi như một nước cộng hòa tự trị, hệ thống gia đình thấm đượm tình cảm và đạo đức. Người thị dân Hà Nội được coi là những con người lịch duyệt có văn hóa, trí thức nho sĩ và quan liêu là những con người mẫu mực, có trách nhiệm. Tất cả những nhận xét đánh giá đó không phải là hoàn toàn không có cơ sở, nhưng nó thiếu toàn diện, công bằng và chủ yếu nó dựa trên cảm tính. Nhưng ngày nay, chắc chắn là người đọc có đủ bình tĩnh và sự sáng suốt khi gặp ở đâu đó những lời lẽ được dịch nguyên văn, có thể gây xúc phạm và phẫn nộ hoặc ngược lại là một sự tự phụ hoang đường trước những lời phỉnh nịnh. Tất nhiên, một số luận điệu và ngôn từ quá quắt có thể đã bị lược bỏ đi.

Tuy nhiên, ở một mặt khác, nguồn tư liệu thư tịch phương Tây này lại được đền bù bằng những giá trị riêng biệt và độc đáo của nó, mà chúng ta không thể tìm thấy ở bất kỳ một nguồn tư liệu nào khác.

Trước hết, đó là một “tầm nhìn tha nhân” (vision de l’autre), cái nhìn của người khác, người ngoài cuộc, thường nhiều khi sáng suốt và khách quan công bằng hơn những người ở trong cuộc. Do luôn luôn đối sánh trong một hệ tham chiếu Đông – Tây, họ có điều kiện nhận ra những nét đặc thù của xã hội – văn hóa truyền thống Việt, kể cả ở những mặt tích cực và tiêu cực, mà những người trong cuộc (người Việt, người Thăng Long – Hà Nội) có thể do thói quen hoặc sự chai sạn lâu ngày, nhiều khi không nhận ra hoặc mặc nhiên bỏ qua.

Hầu hết các nguồn tư liệu phương Tây được biên dịch đều mang tính chất đương đại, nghĩa là những người viết đồng thời là những chứng nhân ở thời điểm đó, với những điều mắt thấy tai nghe. Vì vậy,nó đã chứa đựng nhiều chi tiết sống, có thể vụn vặt, hiếu kỳ nhưng nhiều khi lại mang ý nghĩa lớn, mà không thể tìm được trong bất kỳ những cuốn sử chính thống nào. Nó có thể gần sự thực và ít sai lạc hơn cả. Những tác giả không phải là các chính khách và quan chức thường viết tương đối được thoải mái,tự do (tất nhiên theo cảm tính chủ quan), không bị những áp lực chính trị hoặc của ý thức hệ. Do vậy, phần lớn đó là những thông tin đa chiều.

Một thế mạnh khác của nguồn tư liệu phương Tây là diện trường thông tin rộng lớn của nó. Như chúng ta đều biết, những bộ chính sử của các vương triều phong kiến Việt Nam bị định hướng bởi quan điểm của ý thức hệ nho giáo chính thống, chủ yếu là kể lại theo biên niên những sự kiện trong cung đình và của bộ máy chính quyền. Những bộ địa chí, hội điển có mở rộng hơn tới những lĩnh vực kinh tế, văn hóa nhưng cũng chỉ giới hạn trong việc trình bày những luật lệ, chính sách của nhà nước. Chúng ta rất ít biết về thực trạng của tình hình kinh tế, xã hội, trừ một vài tác phẩm tùy bút, ký sự. Hình ảnh của người bình dân trong đời sống kinh tế - xã hội đích thực của họ lại càng mờ nhạt hơn.

Diện trường thông tin trong những nguồn tư liệu phương Tây trong giai đoạn tiền thực dân hầu như ngược lại. Nếu những thông tin về các sự kiện chính trị và những chính sách cụ thể của nhà nước phong kiến và nhà cầm quyền địa phương có thể là sơ sài thiếu sót, thì mảng thông tin về kinh tế - xã hội – văn hóa của dân chúng lại rất phong phú dồi dào. Nói như một nhà tư tưởng phương Tây, “muốn nắm bắt được hình ảnh đích thực của một xã hội, chúng ta cần phải đi vào các túp lều tranh, chứ không phải là các lâu đài”. Những du ký của các thương nhân giáo sĩ thời kỳ này có thể là những bước đi đầu tiên trong việc mở rộng lịch sử tới quần chúng bình dân và những mảng đời sống kinh tế - xã hội của các nhà sử học cấp tiến thế kỷ XIX, XX, điển hình là của trường phái “Annales” với các nhà sử học Lucien Febvre, Marc Bloch.

Kể từ thời kỳ thực dân, chính xác là Hà Nội từ sau 1883, trường diện thông tin đã có những chuyển biến mới. Cùng với số lượng thông tin bùng nổ, các lãnh vực thông tin cũng được mở rộng, trở nên phong phú. Những thông tin về chính sách của nhà cầm quyền, lúc này là chính quyền thực dân Pháp bỗng trở nên dồi dào, với các văn bản, nghị định thông tư của các cấp chính quyền Pháp đóng ở Hà Nội như Phủ Toàn quyền Đông Dương, Phủ Thống sứ Bắc kỳ và Tòa Đốc lý Hà Nội, cùng những hồi ký, ghi chép của các quan chức những thông tin về các lãnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội tiếp tục được phản ánh qua những sách báo xuất bản ở Hà Nội, Đông Dương cũng như ở nước Pháp. Trước dòng thác thông tin đó, vấn đề lại phải chọn lựa những tư liệu mang tính chất tiêu biểu, điển hình.

*

* *

Ngoài việc xác định phân tích ý nghĩa giá trị tư liệu, những điểm yếu cũng như những điểm mạnh của những tư liệu đó, thì việc sưu tầm, khai thác, lựa chọn, xử lý và biên dịch cũng không phải là một điều đơn giản, dễ dàng.

Nguồn tư liệu phương Tây về Thăng Long – Hà Nội phân bố không đều về thời gian và lĩnh vực. Đặc điểm nổi bật của nó là là phân tán ở rất nhiều địa chỉ, dưới dạng ẩn giấu và khó tìm. Về đại thể, những tư liệu này đã rải rác trong các kho lưu trữ, thư viện công cộng và chuyên ngành, trong và ngoài nước, các cơ sở tư liệu của các trường đại học, viện nghiên cứu và những cơ quan khác nhau. Một số tài liệu hiếm quý được lưu giữ trong những tủ sách gia đình, cá nhân, hết sức riêng tư. Trong một thế giới phẳng đương đại, không thể không kể đến một nguồn tư liệu có thể nói là vô cùng đa dạng phong phú, nhưng việc tiếp cận lại không hề dễ đàng đơn giản, đó là tư liệu trên internet. Tuy nhiên, nếu đã tìm được những ngõ lối tiếp cận, thì chỉ sau vài thao tác nhấp chuột, có thể tìm ra một kho báu: một tư liệu độc đáo về Thăng Long – Hà Nội, cách đây hàng 4 thế kỷ, và cách xa Thủ đô hàng vạn dặm, có thể hiện ra đầy đủ trước mắt chúng ta. Đó là một công việc đi tìm kho báu, nhưng có lẽ đúng hơn là một quá trình nhiều gian khổ và có cả may mắn trong việc thăm dò, khai thác, tinh luyện một quặng mỏ của một thứ kim loại quý, thường nằm sâu trong lòng đất, cách rất xa nhưng cũng có thể ở ngay dưới chân ta. Cũng có khi kho báu đó ở trên mặt đất nhưng bị che lấp đi như chốn hang động của Alibaba, tất nhiên là không hề có sẵn câu thần chú mật khẩu “Vừng ơi, mở ra!” như trong câu chuyện cổ tích.

Khâu tiếp theo của việc sưu tầm và tiếp cận tư liệu, là việc khai thác và xử lý, tương tự như khâu tuyển khoáng trong ngành địa chất. Ngoài những thao tác thông thường như giám định, đối chiếu, khảo chứng vấn đề quan trọng là phải tuyển chọn nội dung để biên dịch. Rõ ràng là hàm lượng và chất lượng thông tin của tư liệu không đều. Như đã nói bên trên, tiêu chí ưu tiên dành cho những tư liệu được tuyển là tính chất gốc, trực tiếp, đương thời và tại chỗ của nó.

Trong điều kiện cụ thể của Thăng Long – Hà Nôi với tư cách là một đô thị, chúng tôi chú trọng đến chất lượng và hàm lượng thông tin nói về quy hạch và diện mạo vật chất của đô thị, sự chuyển biến của nó qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau, đường lối chính sách và những biện pháp thực thi của các nhà cầm quyền phong kiến và thực dân cấp trung ương và địa phương, kết cấu kinh tế - xãhội đô thị, thực trạng đời sống toàn diện về văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân đô thị. Có những thông tin chung cho Việt Nam, Đàng Ngoài hoặc Bắc kỳ nhưng chúng đã hội tụ và kết tinh ở Thăng Long – Hà Nội với tư cách là một kinh đô – thủ phủ lâu đời, một đô thị điển hình tiêu biểu, là vi mẫu của xã hội Việt Nam truyền thống. Cũng có những tư liệu mang tính chất đặc thù, chỉ nói riêng về Hà Nội, dành riêng cho Hà Nội nhưng đã lại phản ánh được những nét chung, phổ biến cho xã hội Việt Nam.

Do vậy mà sau khi cân nhắc, sẽ có những tư liệu dược dịch toàn bộ hoặc hầu như toàn bộ, kể cả những tư liệu dài. Ngược lại, có nhiều tư liệu chỉ có trích đoạn, nhiều khi rất ngắn, có thể được tập hợp lại trong một cụm của cùng một tác giả hay một chủ đề. Các tư liệu được dịch đều được ghi rõ nguồn xuất xứ, một số trường hợp được kèm theo những lời dẫn ngắn gọn, để hiểu rõ thêm về hoàn cành ra đời những thông tin bổ trợ về tác phẩm hoặc tác giả.

Một sự tự quy định là khung hạn chế về thời gian xuất bản. Để bảo đảm tính nguyên gốc, chứng nhân dương đại và cũng là vấn đề bản quyền, chúng tôi không tuyển chọn những tư liệu được xuất bản sau năm 1945, mặc dù nội dung có thể là đề cập đến những thời kỳ trước đó. Do vậy, một số chuyên đề nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội có giá trị của cá tác giả đương đại như Ph. Papin, Ch. Pédélahore, Nishimura hoặc Logan sẽ không được đưa vào tuyển tập dịch.

Cũng do nhiều lý do, cuốn tuyển tập dịch này bao gồm tuyệt đại đa số là những tư liệu gốc, nguyên bản, chưa hề được dịch hoặc xuất bản trừ một vài trường hợp cá biệt là trích tuyển những tư liệu dịch của chính những người trong nhóm biên dịch. Trong trường hợp tư liệu trước đây đã có bản dịch ra ngôn ngữ khác (tư liệu gốc tiếng Anh dịch ra tiếng Pháp hoặc tư liệu gốc tiếng Pháp dịch ra tiếng Anh), chúng tôi chọn dịch từ ngôn ngữ nguyên gốc. Cá biệt một hai tư liệu nguyên bản viết bằng những ngôn ngữ đặc biệt (như tiếng Ý cổ, tiếng Hà Lan cổ) sẽ được dịch qua những văn bản trung gian. Một số tư liệu trước đây đã có bản dịch tiếng Việt (của những dịch giả khác (tuy không nhiều) cũng sẽ không được tuyển lại trong cuốn sách. Do vậy, một số tác phẩm có giá trị và đã có bản dịch như cuốn “Histoire du royaume du Tonkin” (Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài) của Alexandre de Rhodes hoặc cuốn tiểu luận nghiên cứu “ Hanoi pendant la période héroïque” (Hà Nội trong thời kỳ hào hùng) của André Masson đã vắng mặt trong cuốn sách. Thực ra, nếu không bị hạn chế bởi khuôn khổ dung lượng cuốn sách, chúng ta cũng có thể tuyển dịch thêm nhiều tư liệu khác. Sự khiếm khuyết đó sẽ phần nào được đền bù bằng một thư mục bổ sung để tham khảo. Trong trường hợp có nhiều tư liệu khác nhau chứa đựng những thông tin tương tự, chúng tôi chỉ chọn lọc một hai tư liệu tiêu biểu, để giảm bớt sự trùng lặp thông tin, tuy biết rằng không thể nào hoàn toàn tránh khỏi được.

Việc biên dịch được tiến hành do một nhóm người dịch có chủ biên, có sự rà soát, hiệu đính, dịch lại khi cần thiết, với một ý thức thận trọng và trách nhiệm cao. Tuy vậy, nhóm dịch cũng đã gặp phải không ít khó khăn. Đó là những từ ngữ cổ (tiếng Pháp, tiếng Anh) cách đây hàng 3, 4 thế kỷ đến nay không còn thông dụng nữa, lối văn phong ngắt câu, ngữ pháp có phần rườm rà nhiều chỗ tối nghĩa những thuật ngữ quá chuyên môn của những chuyên ngành hẹp, mà muốn tìm được một từ tương đương phải mất nhiều công sức tham khảo, tra cứu, đối chiếu. Tất nhiên, dù đã hết sức cố gắng, chắc chắn rằng sẽ vẫn còn những thiếu sót, những hạt sạn không thể tránh khỏi.

*

* *

Khảo sát văn bản tư liệu

Nhìn đại thể, nguồn tư liệu thư tịch phương Tây có thể chia thành 2 thời kỳ chính:



  1. Thời kỳ tiền thực dân: Từ đầu thế kỷ XVII đến 1883 (hiệp ước Harmand)

  2. Thời kỳ Pháp thuộc: Từ 1883 đến 1945 (Cách mạng Tháng Tám)

Thời kỳ tiền thực dân lại có thể chia thành 2 thời kỳ nhỏ. Thế kỷ XVII là giai đoạn bùng nổ những mối quan hệ ngoại giao – chính trị, kinh tế, thương mại và văn hóa tôn giáo của các nước phương Tây với Đàng Ngoài nói chung và Thăng Long Kẻ Chợ nói riêng. Các tư liệu cũng mang tính khá đa dạng.

Thế kỷ XVIII và 3/4 thế kỷ XIX (trước 1873-1882) là thời kỳ hầu như chấm dứt các mối quan hệ chính thức về chính trị, ngoại giao và kinh tế của các nước phương Tây với các chính quyền phong kiến Việt Nam ở Thăng Long – Hà Nội. Một số giáo sĩ Gia Tô vẫn lén lút ở lại Đàng Ngoài và Thăng Long – Hà Nội hoạt động truyền giáo và viết những tác phẩm mang tính chất tổng hợp về Đàng Ngoài, Bắc kỳ, trong đó đi sâu vào các mặt đời sống của Thăng Long – Hà Nội. Ở nước ngoài cũng đã xuất hiện một số chuyên khảo của các tác giả phương Tây nghiên cứu về Việt Nam nói chung có điểm đến Thăng Long – Hà Nội.

Từ 1873 (Pháp đánh thành lần 1) và chính thức là từ 1882 – 1883 (Pháp chiếm thành Hà Nội lần 2 và hiệp ước Harmand) cho đến đầu thế kỷ XX là sự bùng nổ lớn của nguồn tư liệu phương Tây về Bắc kỳ và Hà Nội, có liên quan đến công cuộc chinh phục, bình định và bước đầu cai trị của thực dân Pháp trên toàn cõi Việt Nam trong đó có Bắc kỳ với thủ phủ là Hà Nội, đặc biệt là khi Hà Nội trở thành thành phố nhượng địa của Pháp và được chọn làm thủ phủ Liên bang Đông Dương. Nguồn tư liệu rất phong phú và đa dạng này về Hà Nội, hầu như tất cả bằng tiếng Pháp đã đi khá sâu vào chi tiết, những điều chứng kiến mắt thấy tai nghe. Mặt khác, cũng trong thời gian này, tư liệu đều mang một đặc điểm chung: thấm nhuần tinh thần của chủ nghĩa thực dân, biện hộ cho cuộc chinh phục của Pháp và “sứ mạng khai hóa văn minh” của những ông chủ da trắng đối với người bản xứ và ở mức độ khác nhau đã bị coi thường, miệt thị. Một điều quý giá của tư liệu phương Tây về Hà Nội giai đoạn này là những văn bản hành chính gốc đầu tiên của các cấp chính quyền ở Hà Nội (Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ và Tòa Đốc lý) đã được lưu giữ trong lưu trữ, các công báo và những vựng tập văn bản pháp quy.

Những thập kỷ đầu của thế kỷ XX là thời kỳ mà sự thống trị của thực dân Pháp đã tương đối ổn định và vững chắc về mặt quân sự - chính trị, chuyển sang những chương trình lớn về khai thác kinh tế và thiết lập văn hóa. Cơ cấu xã hội Việt Nam ở Hà Nội cũng có nhiều chuyển biến, đặc biệt là sự xuất hiện và trưởng thành của tầng lợp thượng lưu trí thức người Việt. Những tư liệu dưới dạng những ký sự, hồi kỳ tại chỗ mang tính hiếu kỳ chuộng lạ ít dần, kèm theo là sự giảm bớt đi những luận điệu sặc mùi hiếu chiến thực dân và tinh thần khinh miệt chủng tộc văn hóa thường gặp trong giai đoạn trước. Thay vào là những chuyên khảo dân tộc học xã hội và văn hóa học nghiêm túc hơn, của một số quan chức – học giả và những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Những tư liệu có thể mất đi tính chất sinh động, “tươi sống” nhưng có nhiều giá trị khoa học hơn những nhận định đánh giá cũng khách quan khoa học hơn, biểu lộ thái độ tôn trọng xã hội và con người bản xứ, đôi khi quá đà với những lời khen ngợi mang tính mị dân phỉnh nịnh.

Cũng như tư liệu, các tác giả, người viết những tư liệu phương Tây về Thăng Long – Hà Nội cũng rất đa dạng, xuất xứ từ nhiều nguồn gốc. Về mặt dân tộc, quốc tịch, họ đều là người châu Âu thuộc các quốc gia khác nhau. Trong thời kỳ tiền thực dân, có những tác giả người Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý…Về mặt nghề nghiệp, trong thời kỳ đầu có nhiều người là cá nhà du hành thám hiểm, thương nhân (của những công ty Đông Ấn Hà Lan, Anh và Pháp), giáo sĩ Gia Tô (chủ yếu thuộc Giáo đoàn Dòng Tên (Jésuites) có trụ sở là Ma cao và Hội truyền giáo đối ngoại Paris). Một số nhà chính trị, tổng trấn, kể cả Hoàng đế có trao đổi những thư từ ngoại giao.

Thời kỳ Pháp thuộc, tác giả của các tư liệu về Hà Nội (lúc này tuyệt đại đa số viết bằng tiếng Pháp) càng đa dạng thêm về thành phần.Các loại tác giả cũ như thương nhân (lúc này là các nhà thực dân – tư bản) và giáo sĩ vẫn đóng góp, nhưng thị phần ít đi hẳn. Những loại tác giả mới, ngược lại đã tăng rất nhiều về số lượng và chủng loại. Đó là các hồi ký, báo cáo của những tướng lĩnh, sĩ quan quân sự và những quan chức dân sự nhiều cấp như Toàn quyền, Thống sứ, Công sứ, Đốc lý…Một lực lượng chủ chốt của các bài phóng sự, ký sự là của các nhà báo nhà văn, ở chính quốc cũng như thuộc địa. Rồi đến lực lượng nghiên cứu học thuật như các giáo sư, học giả, viện sĩ ở bên Pháp và phần lớn đã có thời gian làm việc ở Đông Dương, Bắc kỳ, Hà Nội, Các ấn phẩm của họ ở dưới đạng các sách chuyên khảo, những bài khảo cứu chuyên ngành, các bài tạp chí và những bài báo…



Khảo sát tác giả tác phẩm

Trong lịch sử thế giới, 2 thế kỷ XVI và XVII là một thời kỳ sôi động của những mối giao lưu kinh tế - văn hóa Tây – Đông, với những tuyến buôn bán đường biên và truyền giáo quốc tế từ châu Âu sang vùng Đông Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam và Thăng Long – Kẻ Chợ nói riêng, thế kỷ XVII là đỉnh cao của những mối quan hệ nhiều mặt với phương Tây. Vì vậy, những tư liệu về Thăng Long – Kẻ Chợ thế kỷ này cũng là dồi dào nhất qua những ghi chép tường trình cũng như du ký của các giáo sĩ và thương nhân, những báo cáo và những văn thư ngoại giao của giới quan chức và chính quyền nhà nước.

Thực ra, Thăng Long – Kẻ Chợ đã được người phương Tây biết đến và ghi trong thư tịch từ thế kỷ XVI, trong những ghi chép của những nhà hàng hải, thám hiểm du hành đầu tiên người Bồ Đào Nha đi sang phương Đông. P.Y. Manguin cho biết năm 1523, phái bộ Bồ Đào Nha Duarté Coelho đã đến tiếp xúc với triều đình của “vương quốc Cachao (Kẻ Chợ). Học giả Trần Kinh Hòa thì cho biết tên gọi Kẻ Chợ lần đầu tiên xuất hiện trong cuốn “Da Asia” (Về châu Á) của tác giả Bồ Đào Nha Barros xuất bản năm 1550, với nguyên ngữ là Cacho. Qua thế kỷ XVII, tên gọi này đã xuất hiện và trở thành phổ biến trong các tư liệu phương Tây, với những biến âm khác nhau từ Cachao, Cacho, rồi Catchou, Checio, Chéce, Kacho, Kichou..Đúng ra, tên Kẻ Chợ chỉ dùng để gọi riêng cho khu buôn bán phố phường chợ búa, để phân biệt với triều đình chỉ khu Hoàng thành của vua Lê và có thể kể thêm quần thể phủ chúa Trịnh. Nhưng dần dần, trong dân gian và cả trong các tư liệu phương Tây, từ “Kẻ Chợ” đã dùng để chỉ chung cho cả kinh thành Thăng Long, nói đúng hơn là Thăng Long – Kẻ Chợ, một phức hợp đô thị bao gồm cả khu chính trị - quan liêu và khu kinh tế dân gian bên cạnh nhau.

Những giáo sĩ đầu tiên đặt chân đến Thăng Long – Kẻ Chợ và để lại tư liệu ghi chép là những thày tu Thiên chúa giáo thuộc Giáo đoàn Dòng Tên (Compagnie de Jésus, Société des Jésuites). Tổ chức này do Ignace de Loyola thành lập năm 1539 tại Lisbonne, được triều đình Bồ Đào Nha bảo trợ. Giáo đoàn Dòng Tên đã cử rất nhiều những giáo sĩ tự nguyện nhiệt tình đi sang truyền đạo tại các nước Châu Á (Đông Á và Nam Á) và đặt trụ sở đại bản doanh tại Macao (Áo Môn, Trung Quốc) từ năm 1557.

Tư liệu phương Tây chính thức đầu tiên nói về Đàng Ngoài và Thăng Long-Kẻ Chợ nói riêng là “Bản tường trình về xứ Đàng Ngoài” nguyên bản bằng tiếng Ý, viết năm 1626 của giáo sĩ Dòng Tên Baldinotti, sinh năm 1591 tại Pistoia gần thành phố nổi tiếng Florence (Ý). Tư liệu là một bản báo cáo ngắn của cha Baldinotti gửi lên các bậc Bề trên về chuyến đi đến Kẻ Chợ và tình hình Đàng Ngoài (Tonquin trong nguyên bản), được lưu giữ tại thư viện quốc gia Florence. Tiến sĩ Mario Carli đã dịch sang tiếng Pháp và đăng tải trên “Tập san trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp” (BEFEO) năm 1903, trang 71 – 78.

Bản tường trình kể lại chuyến đi vất vả sóng gió của giáo sĩ trên một chiếc tàu buôn Bồ Đào Nha từ Ma Cao đến Kẻ Chợ, thời gian gần nửa năm lưu trú tại Kinh thành trong một không khí rất tế nhị với thái độ vừa hoan nghênh vừa nghi kị của nhà nước Lê Trịnh. Vấn đề hành lễ tín ngưỡng nhiều lúc gay go, những nét phác họa về diện mạo kinh thành Thăng Long và ý định muốn đưa đạo Thiên Chúa vào xứ này cạnh tranh với những âm mưu của đạo Hồi (?).

Một năm sau (1627), một giáo sĩ Dòng Tên khác là Alexandre de Rhodes mà sau này tên tuổi đã trở nên nổi tiếng, từng ở Đàng Trong khoảng 2 năm, đã đến Thăng Long – Kẻ Chợ và sống tại đây trong 3 năm, truyền đạo và xây dựng cộng đồng giáo dân. Ông sinh năm 1591, người gốc Pháp, thần dân của Giáo hoàng La Mã và phục vụ cho triều đình Bồ Đào Nha. Ông là một con người nhiều năng lực, đầy nhiệt huyết nhưng đã có một cuộc đời sóng gió và một số phận bất hạnh. A. de. Rhodes là tác giả cuốn “Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài” (Histoire du royaume de Tonquin – Lyon 1651), một chuyên khảo đầu tiên có giá trị nhiều mặt viết về Đàng Ngoài và Thăng Long – Kẻ Chợ những thập kỷ đầu thế kỷ XVII. Cuốn sách đã được dịch giả Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch ra tiếng Việt với bản song ngữ, ấn hành tại Tp. Hồ Chí Minh năm 1994

Thế kỷ XVII, ở Đàng Ngoài và Thăng Long Hà Nội có những giáo sĩ Gia Tô người phương Tây thuộc 2 tổ chức quốc tế về tôn giáo kế tiếp và song song hoạt động truyền giáo: đó là Giáo đoàn Dòng Tên (Société des Jésuites) và Hội truyền giáo nước ngoài Paris (Société des mission étrangère de Paris). Trong đó, một số đã viết về để lại những du ký, hồi ký trong đó có những trang viết về Thăng Long – Kẻ Chợ. Bartholi người Ý viết cuốn Lịch sử giáo đoàn Dòng Tên (Dell’ Historia della Compagnie di Gesu) xuất bản năm 1660 có nhiều chi tiết về các hoạt động của A. de Rhodes và kinh thành Checio (Kẻ Chợ). Sau này, tác giả Henri Bernard đã sử dụng để viết thành tiểu luận “ Hà Nội thời những người Bồ Đào Nha và Hà Lan” (Le Hanoi des Portugais et des Hollandais) đăng trong cuốn “Để tìm hiểu Đông Dương và phương Tây” (Pour la compréhension de l’Indochine et de l’Occident” (Hanoi, 1939).

Thế kỷ XVII, đã có khá nhiều những giáo sĩ châu Âu đến truyền đạo và sinh sống tại Thăng Long – Kẻ Chợ và để lại những điều ghi chép nhật ký, du ký, hồi ký về kinh thành Thăng Long và xứ Đàng Ngoài nói chung. Ta có thể kể các tác giả G. P. De Marini (người Ý), J. Tissanier (Pháp), M. Ferreira (Bồ Đào Nha), D. Fuciti (Ý)…Trong đó, có thể có những chi tiết vụn vặt, nhưng đã chứa đựng những thông tin thú vị, độc đáo về đời sống của các vua chúa cũng như dân chúng ở đô thành này.

G.P. Marini có viết một cuốn du ký tương đối dày dặn nguyên bản tiếng Ý, được dịch ra tiếng Pháp, với tiêu đề “ Du ký mới và hiếu kỳ về các vương quốc Đàng Ngoài và Lào” (Relation nouvelle et curieuse des royaumes de Tonquin et de Lao – Paris 1666), chứa đựng nhiều thông tin bổ ích. Tư liệu này đã được trích dẫn trong nhiều công trình nghiên cứu của các nhà sử học Việt Nam và đã được trích dịch đăng trong tạp chí Thanh Nghị những năm 1942-1943. Cũng trên tờ tạp chí này, dịch giả Nguyễn Trọng Phấn đã cho lược dịch (qua bản tiếng Pháp) một số tác phẩm khác của Baldinotti, Hartsinck, Tavernier, Baron…

Hai giáo sĩ đương thời là G. Careri (người Ý) và Ab. Choisy (người Pháp) đã dựa trên những điều chứng kiến mắt thấy tai nghe của những giáo sĩ đã sống lâu năm ở Thăng Long – Kẻ Chợ như Ferreira (đối với ghi chép của Careri) và Fuciti (đối với ghi chép của Choisy), để viết những hồi ký được L. Cadière biên tập, chú thích và cho đăng tải trong loạt bài có tiêu đề chung là “ những người Châu Âu đã thấy Huế xưa” (Les européens qui ont vu le vieux Hué) trên tạp chí “Bulletin des amis du vieux Huế” (Tập san Đô thành Hiếu cổ). Đó là những đoạn ghi chép của Choisy (BAVH – 1929 (3) và Careri (BAVH 1930 (3) được trích dịch trong tuyển tập tư liệu này.

Một kênh thông tin khác, cũng từ những giáo sĩ châu Âu thuộc Giáo đoàn Dòng Tên và Hội truyền giáo ngoại quốc, nhưng lại là những tư liệu văn bản chính thức dưới dạng những thư từ trao đổi giữa các vua chúa và những quan chức cấp cao.

Năm 1627, nhân dịp chuyến đi đến Thăng Long- Kẻ Chợ của các giáo sĩ A. de Rhodes và P. Marquez, chúa Trịnh Tráng (nhân danh vua Lê Thần Tông) đã gửi một bức kim diệp thư (thư khắc chữ trên tấm bạc lá) cho Ban lãnh đạo Giáo đoàn Dòng Tên ở Ma Cao) (chứ không phải cho giáo hoàng Vatican như thường được gán trước đây) L. Cadière là người phát hiện đầu tiên lá thư này từ một thư viện La Mã, đã dịch và cho đăng trên tạp chí “Tập san Ủy ban khảo cổ Đông Dương” (Bulletin de la Commission Archéologique de l’Indochine (BCAI) năm 1912).

Tư liệu văn kiện tiếp theo là những quốc thư trao đổi giữa chính quyền Thăng Long (vua Lê Hy Tông – chúa Trịnh Căn) với hoàng đế Louis XIV nổi tiếng của nước Pháp năm 1682. Lúc này, nhà vua Pháp đã cử De Bourges – một giám mục của Hội truyền giáo ngoại quốc – cầm đầu một phái bộ ngoại giao đến kinh thành Thăng Long điều đình về việc mở rộng những quan hệ buôn bán và việc tự do truyền đạo. Chuyến gặp gỡ này tốt đẹp về mặt ngoại giao với những lễ nghi và quà tặng,nhưng không mang lại kết quả cụ thể.

Những tư liệu này nguyên bản là chữ Hán, được bảo quản trong lưu trữ bộ Ngoại giao Pháp, được dịch sang tiếng Pháp. Tư liệu được trích đăng lại trong các công trình “Lịch sử đoàn truyền giáo ở Bắc kỳ” (Histoire de la Mission de Tonkin – Paris 1927 (tập I) của A. Launay và “Hành động của người Pháp ở Đông Dương” (La geste francaise en Indochine, Paris 1955, tập 1) của G. Taboulet.

Bên cạnh tư liệu của các giáo sĩ, nguồn tư liệu của các thương nhân châu Âu đã đến Thăng Long – Kẻ Chợ trong thế kỷ XVII cũng rất phong phú đa dạng, cung cấp nhiều thông tin bổ ích, nhất là về mặt kinh tế - xã hội. Lúc bấy giờ, đã có những thương nhân của các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp lui tới Kẻ Chợ, nhưng nguồn tư liệu quan trọng nhất là của các Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) và Công ty Đông Ấn Anh (EIC), hai công ty này đều đã được phép xây các thương điếm của họ tại Kinh thành, bên ngoài lũy Đại La và ở gần cửa sông Tô Lịch, quãng chân cầu Long Biên. Những tư liệu gốc quý báu đó được lưu giữ trong các kho lưu trữ và thư viện ở Anh, Hà Lan, một phần ở Pháp, cần được tiếp cận và khai thác từng bước. Một số tác giả trước năm 1945 đã bước đầu giới thiệu những thông tin đó. Đáng kể là Ch. Maybon, với các chuyên luận “Một thương điếm Anh ở Đàng Ngoài thế kỷ XVII” (Une factorerie anglais au Tonkin au XVIIIè siècle – BEFEO 1910), “Các thương nhân châu Âu ở Đàng Trong và Đàng Ngoài” (Marchands européens en Cochinchine et au Tonkin – RI 1916), WJ Buch với chuyên luận từ bản luận án tiến sĩ “La Compagnie des Indes néerlandaise et l’Indochine – BEFEO 1936 – 1937) (Công ty Đông Ấn Hà Lan và Đông Dương).

Tư liệu phương Tây sớm nhất nói về tình hình kinh tế - xã hội Thăng Long – Kẻ Chợ thế kỷ XVII là cuốn nhật ký hành trình của trưởng đại diện thương mại Karel Hartsinck của Công ty VOC đi trên chiếc tàu Grol từ thương điếm Hirado (Nhật Bản) đến Đàng Ngoài năm 1637 có tiếp xúc thương lượng với chính quyền Thăng Long – Kẻ Chợ. Nguyên bản bằng tiếng Hà Lan cổ được bản quản tại lưu trữ thuộc địa The Hague (Hà Lan). Bản dịch ở đây là theo bản tiếng Pháp “Journal de voyage du yacht hollandais Grol du Japon au Tonkin” (Nhật ký hành trình của chiếc tàu Hà Lan Grol từ Nhật Bản đến Đàng Ngoài) của Geerts với chú thích của G. Maget, đăng trong tạp chí “Excursions et Reconnaissances” (Du hành và thám sát) tập VI, số 13, xuất bản ở Paris năm 1882.

Nhật ký ghi chép về thực trạng của tình hình ngoại thương ở Thăng Long – Kẻ Chợ nửa đầu thế kỷ XVII, chính sách của nhà nước phong kiến Lê Trịnh, thói tham nhũng của những viên “cai bạ” khám xét tàu và sự đối phó mưu mẹo vào những thương nhân của Công ty VOC.

Đầu những năm 1640, một thương nhân người Pháp làm việc cho Công ty VOC đã đến Thăng Long – Kẻ Chợ, ghi chép một du ký về những điều quan sát ở đô thành này và xứ Đàng Ngoài. Dựa trên bản thảo ấy, người anh trai của thương nhân là nhà du hành nổi tiếng Jean Baptiste Tavernier đã biên tập lại, viết thành cuốn “Relation nouvelle et singulière du royaume de Tonquin” (Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài) xuất bản ở Paris năm 1681. Du ký này được đăng lại trên một số tạp chí, trong đó có tờ Revue Indochinoise (Tạp chí Đông Dương) năm 1908-1909. Lần tái bản mới nhất của du ký được ấn hành ở Thụy Sỹ năm 2005.

Đúng như tên gọi của nó, cuốn du ký chứa đựng nhiều điều quan sát độc đáo và hiếu kỳ về đời sống của các tầng lớp xã hội (vua quan và bình dân) ở Thăng Long – Kẻ Chợ. Nhưng có thể là dưới ngòi bút muốn tô vẽ của một nhà du hành phiêu lưu, một số chi tiết trong cuốn sách đã bị các tác giả đương thời đặc biệt là S. Baron chỉ trích phê phán là không chính xác và bị phóng đại. Toàn tập du ký đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản (Thế giới Hà Nội 2006). Tuyển tập dịch chỉ trích đăng lại một số đoạn ngắn nói về quân đội và nhà vua Đàng Ngoài.

Cuốn chuyên khảo “ Description of the Kingdom of Tonqueen” (Miêu tả vương quốc Đàng Ngoài) của Samuel Baron, viết năm 1683 là một trường hợp đặc biệt, đáng nên được dịch đăng toàn bộ. Cuốn sách được xuất bản trong bộ sưu tập “Voyages and Travels” (Du hành và du lịch) gồm nhiều tập của Churchill & Pinkerton, xuất bản ở London năm 1811. Một bản dịch sang tiếng Pháp cũng được đăng trên tạp chí “Revue Indochinoise” năm 1914-1915, từ đó lại được chuyển dịch đăng trong bộ Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, tập 4 (Hà Nội 2009). Trong cuốn tư liệu phương Tây này, văn bản được dịch trực tiếp từ nguyên bản tiếng Anh.

Uy tín và độ tin cậy của cuốn sách trước hết xuất phát từ nhân thân của tác giả Samuel Baron là một người con lai Âu – Á. Bố của Baron là Henrick Baron một thời kỳ làm trưởng thương điếm Công ty Đông Ấn Hà Lan, còn mẹ của Baron là một phụ nữ người Đàng Ngoài. Bản thân Samuel Baron sinh trưởng và sống nhiều chục năm ở Đàng Ngoài, sau gia nhập quốc tịch Anh và làm việc cho Công ty Đông Ấn Anh, đã từng được Công ty phái đi công cán ở nhiều nước Châu Á.

Cuốn “Miêu tả vương quốc Đàng Ngoài” với 18 chương sách (bản dịch tiếng Pháp là 17) với một bức tranh về Kẻ chợ thế kỷ XVII đã trở thành “kinh điển” và nhiều tranh minh họa nổi tiếng, là một chuyên khảo khá toàn diện, viết về các mặt địa lý tự nhiên nhân văn kinh tế xã hội, chính quyền, quân đội và luật pháp đời sống văn hóa, phong tục và tín ngưỡng tôn giáo. Trữ lượng thông tin về Thăng Long – Kẻ Chợ là khá phong phú và bổ ích, tuy cũng có những chi tiết cần nghiên cứu thêm và có thể bàn cãi.

Một cuốn du ký khác cũng rất nổi tiếng viết về Đàng Ngoài và Thăng Long – Kẻ Chợ là của nhà hàng hải thương nhân người Anh William Dampier, từng đến kinh thành Thăng Long năm 1688.

Là người ưa thích phiêu lưu, W. Dampier đã thực hiện những chuyến du hành tới nhiều nơi trên thế giới. Gắn bó với Công ty Đông Ấn Anh, năm 1688, ông đi trên chiếc tàu của thuyền trưởng Weldon đến Đàng Ngoài. Dampier đến Kẻ Chợ, không chính thức tiếp xúc với giới quan chức, nhưng với óc quan sát nhanh nhạy và sự tìm hiểu công phu ông đã có những thông tin và những điều mô tả rất thú vị, độc đáo về điều kiện tự nhiên, cư dân bản địa, phong tục tập quán, tôn giáo, thương mại, chính quyền, quân đội, quan lại trong xứ. Riêng đối với kinh thành Thăng Long – Kẻ chợ, Dampier đã cung cấp nhiều chi tiết độc đáo về diện mạo đô thị, đời sống phố phường, chợ búa, đặc biệt trong khu buôn bán – thủ công.

Bản du ký được ấn hành từ 1699 ở Anh, được in lại nhiều lần, được nhiều người biết đến trong cuốn “Voyages and Discoveries” (Du hành và khám phá) xuất bản ở London năm 1931. Bản dịch tiếng Pháp được đăng trong tạp chí “Revue Indochinoise” (Tạp chí Đông Dương) năm 1909-1910 dưới tiêu đề “ Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688” (Un voyage au Tonkin en 1688). Tiêu đề đó cũng là của bản dịch tác phẩm sang tiếng Việt xuất bản ở Hà Nội năm 2006 (Hoàng Anh Tuấn dịch). Tuyển tập tư liệu phương Tây chỉ trích đăng lại một số trang, đoạn được chọn lựa trong cuốn sách.

Bước sang thế kỷ XVIII, khi mà các mối quan hệ giao thương về kinh tế và chính trị ngoại giao giữa các chính quyền Thăng Long của Đại Việt và các nước phương Tây hầu như chấm dứt, thì những tư liệu kiểu du ký – ký sự của các chứng nhân đương đại cũng không còn. Ở Thăng Long – Kẻ Chợ chỉ còn lại một số giáo sĩ phương Tây cư trú và truyền đạo một cách lén lút. Tuy nhiên, qua sự quan sát thu thập thông tin, khai thác và xử lý tư liệu, một số giáo sĩ cũng đã viết được một số tác phẩm có giá trị về Đàng Ngoài, chứa nhiều thông tin bổ ích về Thăng Long - Kẻ Chợ.

Trước hết và đáng chú ý nhất phải kể đến bộ sách 2 tập “Lịch sử tự nhiên dân sự và chính trị của xứ Đàng Ngoài” (Histoire naturelle, civile et politique du Tonkin) xuất bản ở Paris năm 1778 của giáo sĩ Jérome Richard thuộc Hội truyền giáo ngoại quốc Paris (MEP). Ngay năm sau (1779), cuốn sách đã được H.A.O Reichard dịch sang tiếng Đức. Bản dịch tiếng Anh với tiêu đề “Lịch sử xứ Đàng Ngoài” (History of Tonquin) chỉ dịch quyển 1 và có thu gọn, lược bỏ một số đoạn và ghép lại một chương được đăng trong bộ “Du hành và du lịch” (Voyages and Travels) của J. Pinkerton xuất bản ở London năm 1811. Bản dịch tiếng Đức tái bản lần gần đây nhất năm 2007 với đầu đề mới “Nước Việt Nam xưa – Dõi theo dấu tích của linh mục Charles Thomas de Saint Phalle” (Das alte Viẹtnam auf den Spuren des Abbé Charles Thomas de Saint Phall) do cặp vợ chồng Đức Việt là Andreas Reinecke và Nguyễn Thị Thanh Luyến biên tập.

Trong lời tựa, tác giả đã nêu ra những cơ sở tư liệu để viết cuốn sách. Lõi cốt là những bản thảo không được xuất bản của Saint Phalle, một số những ghi chép và thư từ của các giáo sĩ Thừa sai M.E.P khác, được lưu giữ ở lưu trữ Hội Thừa sai, tập hợp và ấn hành trong nhiều tập dưới tiêu đề chung là “Những bức thư khuyến thiện và hiếu kỳ” (Lettres édifiantes et curieuses). Trong lời tựa, Richard cũng nói đến một cuốn sách gần như là cơ sở lý luận để biên soạn, đó là cuốn Esprit des loix (Tinh thần của Pháp luật) của nhà khai sáng nổi tiếng người Pháp Ch. Montesquieu, với nhiều đoạn trích dẫn dài. Điều nghịch lý thú vị ở đây là một giáo sĩ Gia Tô chính thống ở đây lại rất tán dương, ca tụng những luận điểm, tư tưởng đề cao dân chủ tự do chống lại nền chuyên chế quân chủ và thống trị giáo hội của một nhà khai sáng lớn đã mở đường về mặt tư tưởng cho cuộc cách mạng dân chủ tư sản Pháp.

Trong khi chúng ta hầu như không có thông tin về tác giả biên soạn cuốn sách J. Richard, thì chúng ta lại biết khá rõ người đã dày công sưu tập những tư liệu thực địa quý giá của nó là Charles Thomas de Saint Phalle. Ông sinh khoảng những năm 1700-1703 trong một gia đình tầng lớp quý tộc cũ, đến giáo phận miền Tây Đàng Ngoài năm 1732 như một giáo sĩ Thừa sai. Ông ở Đàng Ngoài và Thăng Long – Kẻ Chợ trong 8 năm, đi sâu vào dân chúng, học thông thạo tiếng Việt. Vì xa cách các Bề trên và mâu thuẫn về giáo lý, Saint Phalle đã từ bỏ Hội Truyền giáo ngoại quốc và trở về Pháp năm 1741. Năm 1753, ông lại gửi lên Chưởng ấn quan một bản ghi nhớ, trình bày sự phong phú về tài nguyên và những thuận lợi trong công việc buôn bán, nhằm thúc đẩy nối lại những quan hệ buôn bán với Đàng Ngoài, nhưng không được Chính quyền chấp thuận. Saint Phalle mất ở Paris năm 1766.

Bộ chuyên khảo của Saint Phalle gồm 2 phần. Phần thứ nhất gồm 16 chương (bản tiếng Anh rút còn 14 chương) miêu tả toàn diện xứ Đàng Ngoài về tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa tín ngưỡng, tương tự như bố cục của Tavernier, A. de Rhodes hay Baron nhưng chi tiết và cập nhật hơn, trong đó có nhiều thông tin bổ ích và quý giá về Thăng Long – Kẻ Chợ. Tuyển tập đã dịch trọn bộ phần này theo nguyên bản tiếng Pháp. Phần 2 gồm 11 chương, chủ yếu nói về các tình hình và các hoạt động truyền giáo, trong đó chỉ có một vài trang được trích dịch.

Một cuốn chuyên khảo khác có những tư liệu phong phú về Đàng Ngoài và Thăng Long – Bắc thành vào cuối thế kỷ XVIII đầu XIX mà tác giả cũng là một giáo sĩ Thừa sai người Pháp là của Đức ông De la Bissachère.

Pierre Jacques Lemonnier de la Bissachère (1764-1830) là giáo sĩ chủng viện Hội truyền giáo đối ngoại Paris (MEP), đi sang Giáo khu Tây Đàng Ngoài từ 1790, ở lại sống tại Đại Việt trong 18 năm dưới thời Tây sơn và đầu triều Gia Long. Khi đó Thăng Long – Kẻ Chợ mang tên là Bắc Kinh hay Bắc thành. Ông đã chứng kiến, thu thập và ghi chép được nhiều thông tin tỉ mỉ mang tính khảo sát thực địa về xứ Bắc kỳ và thủ phủ Bắc thành vào thời đó.

Tiểu luận “ Những ghi chép về xứ Bắc Kỳ” (Notice sur le Tonquin) được trích dịch trong Tuyển tập tư liệu phương Tây là tập bản thảo viết năm 1807, được nhà học giả Ch.B. Maybon sưu tầm khai thác từ lưu trữ Bộ Ngoại giao viết lời dẫn, chú thích và cho xuất bản dưới tiêu đề “Bản tường trình về xứ Bắc Kỳ và Nam Kỳ của Đức ông De la Bissachère” (La relation sur le Tonkin et de la Cochinchine de M. De la Bissachère) xuất bản ở Paris năm 1920. Nội dung bao gồm những nhận xét tại chỗ ban đầu về lịch sử, cư dân, chính quyền, luật pháp, tình hình kinh tế, các đẳng cấp xã hội, đời sống vật chất, phong tục và tín ngưỡng của dân chúng Đại Việt và Bắc thành nói riêng vào thời đó.

Dựa trên những tư liệu đó và được bổ sung thêm năm 1812 Bissachère đã biên soạn và cho xuất bản cuốn “Hiện tình các xứ Bắc kỳ, Nam kỳ và những vương quốc Cao Miên, Lào và Lạc Thổ” gồm 2 tập (État actuel du Tonkin, de la Cochinchine et de royaume de Cambodge, Laos et LacTho- Paris 1812), được in lại lần mới nhất năm 1971 tại nước Anh và Tây Đức.

Trong thế kỷ XIX (cho đến trước khi Pháp đánh thành Hà Nội lần I năm 1873), những tư liệu phương Tây về xứ Bắc Kỳ nói chung và Thăng Long – Hà Nội nói riêng có phần giảm sút nhiều và đặc biệt thiếu những du ký mang tính chứng nhân đương đại như ở các thế kỷ trước. Những nguyên nhân có thể kể đến là lúc này Hà Nội không còn là kinh đô của cả nước nữa (kinh thành chuyển vào Huế) và do vậy cũng vắng bóng những phái bộ ngoại giao chính trị đến đô thị này, những giao lưu kinh tế, tôn giáo của Hà Nội với các nước phương Tây cũng chấm dứt do chính sách đóng cửa và cấm đạo của triều đình Nguyễn. Lúc này, những thông tin về Thăng Long – Hà Nội chỉ còn tìm thấy được rải rác ở một số chuyên luận mang tính khảo cứu về Việt Nam của một số tác giả phương Tây, một vài cuốn địa lý mang tính phổ biến khoa học hoặc những báo cáo khoa học của các hội nghiên cứu những thông tin cũng không thực mới mẻ hoặc chi tiết nên đã không được đưa vào tuyển tập tư liệu. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể giới thiệu, kể ra một vài ấn phẩm:

- Jean Baptiste Chaigneau “Mémoires sur la Cochinchine” (Hồi ức về xứ An Nam) viết k hoảng năm 1820. A. Sallet chú giải, đăng trải trong tạp chí “Bulletin des amis du vieux Huế” (BAVH) năm 1923.

- Jean Louis Taberd “ Notes on the geography of Cochinchine” ( Ghi chép về địa dư nước An Nam). Chuyên luận đăng trong tạp chí “The journal of the Asiatic Society of Bengal” (Tạp chí hội Châu Á của Bengal - Ấn Độ) Vol VI, part II, Calcutta. 1837

- Gutglaff “ Geography of the Cochinchinese Empire” (Địa lý về đế quốc An Nam) trong “The Journal of royal geographical society of London” (Tạp chí Hội địa lý Hoàng gia Luân Đôn) Vol 10. Part I. London 1849

- Dubois de Jancigny “Annam ou empire Cochinchinois” ( An Nam hay đế quốc Đàng Trong) trong “ Japon et Indochine” (Nhật Bản và Đông Dương), xuất bản ở Paris năm 1850.

Theo những tư liệu này, “số dân ở Hà Nội là khoảng 200000, là thành phố lớn nhất trong vương quốc, nghệ thuật và kỹ nghệ hơn hẳn kinh đô Huế”.



tải về 262.95 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương