Biên niên lịch sử Thăng Long Hà Nội



tải về 129.63 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu06.08.2016
Kích129.63 Kb.
#14481
Lời nói đầu
Kể từ ngày vua Lý Công Uẩn dời đô về vùng đất thiêng núi Nùng sông Nhị, cái tên Thăng Long bắt đầu xuất hiện và song hành cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Năm 2010 đánh dấu một mốc son quan trọng trong trang sử vàng của Thủ đô đất nước: Thăng Long – Hà Nội tròn nghìn năm tuổi. Trải qua 1000 năm lịch sử, Thăng Long – Hà Nội đã viết nên những khúc ca vừa hào hùng, vừa bi tráng, khi rạng rỡ, huy hoàng trong thời kỳ hưng vượng, khi tĩnh lặng, u buồn đi qua giai đoạn suy vong và hoang phế. Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội được biên soạn với mong muốn phần nào phục dựng lại từng bước đi của Thăng Long – Hà Nội trong dặm dài lịch sử đó dưới dạng Biên niên.

Cuốn sách được chia thành 4 phần lớn theo các thời kỳ lịch sử:

Phần 1: Hà Nội trước định đô

Phần 2: Hà Nội trong kỷ nguyên độc lập

Phần 3: Hà Nội thời Pháp thuộc (1873 - 1945)

Phần 4: Hà Nội từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước 8.2008

Nội dung của 4 phần trên bao gồm các sự kiện lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, bắt đầu từ khi con người xuất hiện trên vùng đất cổ xưa này kéo dài cho đến trước ngày 1 tháng 8 năm 2008, khi quyết định mở rộng địa giới hành chính Hà Nội của Quốc hội có hiệu lực. Trong suốt tiến trình lịch sử ấy, mảnh đất này luôn là nơi diễn ra và chứng kiến những sự kiện lớn lao, những dấu ấn quan trọng của Hà Nội nói riêng và của cả nước nói chung. Vì vậy, trong Biên niên, các sự kiện được chọn lựa nhằm trình bày một cách toàn diện về “vai trò đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, đầu mối giao dịch quốc tế”, làm nổi bật những nét đặc sắc của văn hoá Thăng Long - Hà Nội, tiêu biểu cho bản sắc văn hoá dân tộc.

Cuốn Biên niên này được xây dựng trên cơ sở nhận thức của các nhà sử học hiện đại, tức là không chỉ đơn thuần ghi chép lại các sự kiện như trong các nguồn thư tịch cổ, các tài liệu lưu trữ ... mà có sự cập nhật, bổ sung thông tin trên cơ sở kết quả nghiên cứu của giới khoa học đương đại. Các sự kiện được xây dựng dựa trên nguồn tài liệu phong phú, đa dạng. Trước hết đó là các nguồn sử liệu gốc bao gồm các bộ sử chính thống của Nhà nước, các tài liệu lưu trữ, các văn kiện, Nghị quyết của Trung ương và Hà Nội. Bên cạnh đó, chúng tôi còn sử dụng những ghi chép của các tác giả nước ngoài về Thăng Long – Hà Nội cùng những công trình nghiên cứu khoa học, các thông tin báo chí, đồng thời kế thừa kế thừa một số tác giả đi trước, nhất là các cuốn sách biên niên sự kiện lịch sử Việt Nam, biên niên lịch sử Đảng bộ Hà Nội, 1000 sự kiện lịch sử Thăng Long – Hà Nội... để cập nhật những kết quả nghiên cứu, những nhận định, đánh giá mới nhất về nội dung các sự kiện. Bởi vậy, mỗi sự kiện trong tập sách đều được đối chiếu, so sánh, chắt lọc và bổ sung thông tin từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau.

Trong quá trình biên soạn, các tác giả cũng quan tâm tới những sự kiện tiêu biểu, nổi bật, mang tính chất “sự kiện mốc” trong từng giai đoạn lịch sử của Thăng Long – Hà Nội. Những sự kiện này được lưu tâm hơn trong việc thu thập tư liệu, thông tin từ các công trình nghiên cứu, cố gắng “cập nhật” các quan điểm nhìn nhận, đánh giá mới nhất của giới sử gia đương thời. Và như vậy, các “sự kiện mốc” luôn có được một dung lượng dài hơn và phong phú hơn.

Trong Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội các sự kiện được trình bày theo một qui định thống nhất gồm: niên đại, tên sự kiện, nội dung sự kiện và nguồn trích dẫn.



Niên đại: Biên niên lịch sử Thăng Long – Hà Nội là một phác họa về lịch sử Thủ đô dưới dạng biên niên, do vậy, nguyên tắc quan trọng mà toàn bộ tập sách tuân thủ một cách nghiêm ngặt là nguyên tắc biên niên, nghĩa là các sự kiện đều được sắp xếp, trình bày theo tiến trình thời gian: ngày/tháng/năm dương lịch.

Phần niên đại được đặt ở đầu mỗi sự kiện. Tuy nhiên, các sự kiện trong các thư tịch cổ trung đại được ghi chép theo âm lịch, trong khi đó các nguồn tài liệu khác lại ghi theo dương lịch. Vì vậy, đối với các sự kiện có niên đại được ghi theo lịch âm, thì niên đại đó vẫn được giữ nguyên để trung thành với tư liệu gốc, nhưng bên cạnh có mở ngoặc ghi niên đại đã được đổi sang lịch dương để tiện cho người sử dụng tra cứu.



Tên sự kiện được đặt dựa vào nội dung của sự kiện.

Nội dung sự kiện: Dựa trên các nguồn tư liệu, nhóm tác giả đã biên tập, “dựng” lại nội dung sự kiện bằng lối hành văn giản dị, dễ hiểu để phục vụ đông đảo bạn đọc cũng như để toàn bộ nội dung bộ sách không có sự khác biệt lớn về văn phong giữa các giai đoạn lịch sử.

Nguồn: Dưới mỗi sự kiện bao giờ cũng ghi đầy đủ nguồn để người sử dụng có thể tra cứu, đối chiếu. Khi một sự kiện được dẫn theo nhiều nguồn thì ưu tiên xếp những nguồn là tư liệu gốc lên trước, kế đến là các nguồn trích dẫn khác.

Trong cách trình bày của toàn bộ tập sách, các sự kiện đều được đánh số thứ tự liên tiếp từ 1 cho đến hết. Thao tác đánh số này giúp người sử dụng tiện ích hơn trong việc tra cứu theo phần sách dẫn.



Sách dẫn: Các sự kiện được sắp xếp, phân loại theo từng lĩnh vực khác nhau như: chính trị, hành chính, giáo dục, văn hóa, quân sự, ngoại giao, địa danh, danh thắng.... Độc giả quan tâm tới lĩnh vực nào có thể theo bản Sách dẫn này tra cứu tất cả những sự kiện liên quan và được chỉ dẫn dưới hình thức số thứ tự của sự kiện.

Trên thực tế, các sự kiện lịch sử của Thăng Long – Hà Nội từ khởi nguồn cho đến ngày nay được tập hợp từ các nguồn tư liệu kể trên có số lượng rất lớn. Bởi vậy, nhóm biên soạn đã phân loại, gạt bỏ những tư liệu chỉ mang tính chất “sự việc” không phải sự kiện. Nghĩa là những thông tin phản ánh chung chung, những hoạt động thường nhật không có vị trí, vai trò ý nghĩa trong tiến trình lịch sử của Thủ đô không được đưa vào Biên niên. Bên cạnh đó, một số sự việc đơn lẻ có thể được kết nối lại để xây dựng thành một sự kiện, giúp người đọc dễ dàng theo dõi hơn. Vì vậy, trong toàn bộ tập sách số lượng sự kiện dừng lại ở con số gần 3000.


Nhân dịp bộ sách ra mắt ban đọc, các tác giả xin chân thành cảm ơn Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ban Tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và Nhà Xuất bản Hà Nội đã quan tâm khích lệ và giúp đỡ trong suốt quá trình biên soạn.

Chúng tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Nhóm tư vấn đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho việc hoàn thiện bảo thảo. Xin cám ơn TS. Đào Thị Diến đã nhiệt tình tham gia biên soạn và giúp chúng tôi tiếp cận được với các tài liệu liệu trữ của Trung tâm lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

Hy vọng Biên niên này sẽ là cẩm nang tra cứu hữu dụng tổng hợp về nhiều mặt, giúp đông đảo bạn đọc tìm hiểu về tiến trình lịch sử Thăng Long – Hà Nội trên các lĩnh vực đời sống xã hội và là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà Hà Nội học. Cùng với các ấn phẩm khác của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, bằng Biên niên lịch sử Thăng Long –Hà Nội các tác giả mong muốn góp một phần thiết thực kỷ niệm Thủ đô yêu dấu của chúng ta tròn nghìn năm tuổi!

Mặc dù đã rất cố gắng song Biên niên chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết. Rất mong nhận được những góp ý, phê bình của bạn đọc.



Thay mặt nhóm tác giả,

Hà Nội, Xuân Canh Dần 2010,

Phan Phương Thảo
CHỮ VIẾT TẮT


Viết tắt

Đọc là

TNK

Thiên niên kỷ

TCN

Trước Công nguyên

CN

Công nguyên

Nxb

Nhà xuất bản

HCM

Hồ Chí Minh

BCHTƯ

Ban chấp hành Trung ương

MTTQ

Mặt trận tổ quốc

UBND

Ủy ban nhân dân

HĐND

Hội đồng nhân dân

UBHC

Ủy ban hành chính

HTX

Hợp tác xã

TNCS

Thanh niên cộng sản

PTTH

Phổ thông trung học

t.

Tập

Q.

Quyển

tr.

Trang

Hs

Hồ sơ

Vd

Ví dụ

Stt

Số thứ tự


H­ƯỚNG DẪN SỬ DỤNG

Phần nguồn trích dẫn của sự kiện đặt ở cuối mỗi sự kiện được thống nhất viết theo nguyên tắc sau:

Đầu tiên là số thứ tự của tài liệu tham khảo, tiếp đến số tập (nếu là sách), là số hồ sơ (nếu là tài liệu lưu trữ), là ngày tháng năm (nếu là báo ra hàng ngày), là số thứ tự (nếu là tạp chí hoặc báo tuần/ báo tháng). Cuối cùng là số trang trích dẫn. Cụ thể:

1. Sách

[stt; tập, trang]. Vd: [21; t.1, tr.88] hiểu là tài liệu tham khảo số 21; tập 1, trang 88



2. Báo/ tạp chí

- Báo và tạp chí trước năm 1945:

[stt; số báo, trang]. Vd: [12; số 123, tr.124] hiểu là tài liệu tham khảo số 12; báo số 123, trang 124.

[stt; số báo/năm, trang]. Vd: [12; số 36/1904, tr.534-535], hiểu là tài liệu tham khảo số 12; số 36 năm 1904, trang 534-535.



- Báo và tạp chí sau năm 1945:

[stt; ngày, trang]. Vd: [35; 24-6-1999, tr.1], hiểu là tài liệu tham khảo số 35; ngày 24-6-1999, tr.1

Trường hợp tài liệu sử dụng nhiều số báo khác của cùng một nguồn báo chú thích như sau:

[Stt; ngày; tr; ngày; trang.]. Vd: [35; 29-6-1993, tr.1; 31-10-1994, tr.4] hiểu là tài liệu tham khảo số 35; các báo xuất bản ngày 29-6-1993; trang 1 và ngày 31-10-1994; trang 4



3. Tài liệu lưu trữ

[stt; hồ sơ, trang]. Vd: [59; hs. 45/555, tr. 23] hiểu là tài liệu tham khảo số 59; hồ sơ số 45 của cặp (hộp) 555, trang 23.

[stt; hồ sơ; trang]. Vd: [59; hs. 45/1990, tr. 23] hiểu là tài liệu tham khảo số 59; hồ sơ số 45 của năm 1990, trang 23.

[106; quý III-1992, tr.150-153] hiểu là tài liệu tham khảo số 106; quý III năm 1992, trang 150-153

Các kí hiệu A, B, C… trong chú thích nguồn là tài liệu thuộc nhóm khác nhau của chung một phông. Ví dụ: [155A; hs. 23; tr. 34] có nghĩa là tài liệu thuộc nhóm A, phông số 155; hồ sơ số 23, trang 34.


Phần I

HÀ NỘI TRƯỚC ĐỊNH ĐÔ

I.1. Hà Nội trong bình minh lịch sử

Khoảng hai vạn năm cách ngày nay


  1. Sự xuất hiện của con người trên vùng đất Hà Nội cổ

Vào hậu kỳ Đá Cũ, cách nay khoảng hai vạn năm, xuất hiện những cư dân đầu tiên trên vùng đất Hà Nội cổ. Dấu tích của họ là những công cụ đá cuội có dấu vết gia công, ghè đẽo, được các nhà khảo cổ học phát hiện tại xứ đồng Đông Thành, khu Đường Cả (còn gọi là đường Cấm Xứ), khu Đầm Cả, đường Bụt, đường Rìu thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Khi đó, vùng đất này còn phủ kín bởi những rừng cây lớn với nhiều loài động vật sinh sống. Đó chính là điều kiện để con người khi đó sinh sống bằng hái lượm và săn bắt.

[148; tr.15-16], [152], [182; tr.88]
Khoảng 4000 năm đến 2000 năm cách ngày nay

  1. Hà Nội thời kỳ đồ đồng và sắt sớm

Cách nay khoảng 4.000 năm, biển rút và bắt đầu quá trình bồi tụ hình thành tam giác châu sông Hồng, trong đó có vùng đất Hà Nội. Con người từ miền chân núi xuôi theo các dòng sông tụ về quanh vùng trũng Hà Nội, tiến hành khai phá, mở đầu lịch sử vùng Hà Nội và lịch sử đồng bằng rộng lớn. Đây cũng là lúc con người biết dùng kim loại trong sản xuất công cụ, vũ khí, đồ dùng, thuộc thời đại luyện kim, thời đại đồ đồng rồi đồ sắt trong lịch sử.

Trên địa bàn Hà Nội, khảo cổ học đã phát hiện nhiều di chỉ văn hóa thuộc các giai đoạn khác nhau của thời đại đồng và sơ kỳ sắt.

Giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (sơ kỳ thời đại đồng, khoảng đầu TNK II đến giữa TNK II TCN) có các di chỉ Đồng Vông (huyện Đông Anh), Triều Khúc, Văn Điển (huyện Thanh Trì), Ngõa Long (huyện Từ Liêm), Quần Ngựa (quận Ba Đình), hồ Bảy Mẫu (quận Hai Bà Trưng), Xã Đàn (quận Đống Đa)…

Giai đoạn văn hóa Đồng Đậu (trung kỳ thời đại đồng, khoảng giữa đến cuối TNK II TCN) có các di chỉ Tiên Hội, Bãi Mèn, Xuân Kiều, Đình Chàng (lớp dưới) thuộc huyện Đông Anh.

Giai đoạn văn hóa Gò Mun (hậu kỳ thời đại đồng, khoảng cuối TNK II đến đầu TNK I TCN) có các di chỉ Đình Chàng (lớp trên) (huyện Đông Anh), gò chùa Thông (lớp dưới) (huyện Thanh Trì), Trung Mầu (lớp dưới) (huyện Gia Lâm)…

Giai đoạn văn hóa Đông Sơn (thời kỳ phát triển đỉnh cao đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt, khoảng từ đầu thiên niên kỷ I TCN đến đầu CN), vùng đất Hà Nội trở thành một trong những nơi hội tụ của văn minh Đông Sơn - văn minh sông Hồng, trung tâm là khu vực Cổ Loa và vùng phụ cận. Có thể kể đến những di chỉ nổi tiếng: Hữu Châu, gò chùa Thông (lớp trên) (huyện Thanh Trì); Trung Mầu (lớp trên và mộ), Đa Tốn (huyện Gia Lâm); vùng ven Hồ Tây (quận Tây Hồ); Ngọc Hà (quận Ba Đình); Đình Chàng (lớp trên và mộ), Đường Mây và đặc biệt là khu vực Cổ Loa (huyện Đông Anh)…

Trên vùng đất Hà Nội xuất hiện nhiều làng xóm cổ, đặc biệt tập trung quanh sông Hoàng Giang. Những ngôi làng đó ở ven rừng, liền kề các dòng sông. Bao quanh các làng xóm cổ là những hàng rào tre, trúc bảo vệ. Nhà ở chủ yếu là những ngôi nhà sàn dựng trên các cột gỗ, mái có hình thuyền cong vút hai đầu. Cư dân sống bằng nông nghiệp, chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, kinh tế khai thác như hái lượm, săn bắn, đánh cá vẫn góp một phần cung cấp khá quan trọng trong đời sống của cư dân. Văn minh Đông Sơn là một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, một xã hội xóm làng mang tính cộng đồng cao, một đời sống văn hóa gắn liền với các lễ hội nông nghiệp và tín ngưỡng đa thần. Vùng Hà Nội là một trung tâm của nền văn minh ấy.

[148; tr.16-20], [183; tr.11-160]

Thế kỷ III TCN


  1. Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) trở thành kinh đô của nước Âu Lạc

Sau kháng chiến chống Tần thắng lợi, theo truyền thuyết, vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán. Thục Phán xưng hiệu An Dương Vương, lập nước Âu Lạc, chọn Cổ Loa (nay là xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) làm nơi đóng đô. Sử cũ chép nước Âu Lạc thành lập năm 257 TCN1, nhưng theo kết quả nghiên cứu mới, xu hướng chung của nhiều nhà khoa học cho rằng nước Âu Lạc ra đời trong hoặc sau kháng chiến chống Tần (214-210 TCN) nghĩa là vào khoảng cuối thế kỷ III TCN.

Vùng đất Cổ Loa là nơi tiếp giáp giữa trung du và vùng châu thổ sông Hồng rộng lớn, phì nhiêu, là một vùng kinh tế phát triển. Cổ Loa ở vị trí bắc sông Hoàng Giang, là điểm giao thoa của các tuyến đường thủy nối thông với hệ thống sông Hồng - Đà - Lô - Đáy và sông Cầu - Thương - Lục Nam - Thái Bình - Kinh Thầy. Cổ Loa trở thành nơi thuận tiện để có thể hội tụ và giao lưu với mọi miền của đất nước.

Với vị thế đó, trở thành kinh đô của vương quốc Âu Lạc, Cổ Loa vừa là kết quả của quá trình khai phá vùng châu thổ sông Hồng, thuận tiện giao thông, vừa thể hiện tầm nhìn, vừa phản ánh xu thế tất yếu của người Việt trong quá trình xây dựng một quốc gia hùng mạnh.

[21; t.2; tr.135], [26; tr.15], [141; t.1; tr.79]

Cuối thế kỷ III đến đầu thế kỷ II TCN


  1. An Dương Vương đắp Loa thành

Nước Âu Lạc tồn tại trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ III đến năm 179 TCN. Thời Âu Lạc, thành Cổ Loa - một kiến trúc quân sự vĩ đại đã được hoàn thành. Trong các thành cổ Việt Nam còn lại dấu tích, thành Cổ Loa là cổ nhất và có quy mô thuộc loại lớn nhất. Tòa thành là minh chứng rõ ràng, phản ánh sự tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật và nghệ thuật quân sự của người Việt cổ.

Di tích của thành Cổ Loa hiện nay gồm 3 vòng thành, thường được gọi là thành Nội, thành Trung và thành Ngoại. Tổng cộng chu vi cả 3 vòng thành khoảng 16km.



Thành Nội hình chữ nhật, chu vi 1.650m, mặt thành rộng 6-12m, cao 5m, chân thành rộng 20-30m. Thành Nội chỉ mở 1 cửa ở phía nam, cửa này đi thẳng vào đình Ngự triều di quy, tương truyền xưa kia là nơi An Dương Vương thiết triều.

Thành Trung là một vòng thành khép kín, không có hình dáng cân xứng, bao bọc phía ngoài thành Nội, dài 6.500m. Mặt thành rộng trung bình 10m, nơi cao nhất là 10m, chân rộng 20m. Thành Trung mở ra 5 cửa: cửa Nam, cửa Đông, cửa Bắc, cửa Tây Bắc và cửa Tây Nam.

Thành Ngoại là một đường cong khép kín không có hình dáng rõ rệt, dài khoảng 8.000m. Thành Ngoại nay đã bị hủy hoại nhiều. Những di tích còn lại cho thấy độ cao trung bình tường thành là 3-4m, chỗ cao nhất gọi là gò Cột cờ ở phía Nam, cao khoảng 8m, chân thành rộng khoảng 12-20m.

Cả ba vòng thành đều có hào ở phía ngoài. Ở mặt nam và đông nam thành Ngoại, sông Hoàng Giang và các lạch sông chảy sát chân thành, trở thành những đoạn hào tự nhiên. Hào thành Trung được nối với hào thành Ngoại ở gò Cột Cờ. Hào thành Ngoại được nối liền với Hoàng Giang, vừa đảm bảo cho hệ thống hào ở đây quanh năm có nước, và nhất là đã tạo ra một hệ thống giao thông thủy liên hoàn, thuận tiện.

Ngoài 3 vòng thành và hệ thống hào nước, khoảng giữa các vòng thành và phía ngoài thành Ngoại còn bố trí nhiều đoạn lũy và ụ đất có chức năng là “công sự” phòng vệ.

Với cách thức xây dựng, bố phòng triệt để khai thác các thế mạnh của địa hình tự nhiên, Cổ Loa đã trở thành một căn cứ quân sự kiên cố, độc đáo. Thành Cổ Loa không những là biểu hiện tiêu biểu của tài năng lao động sáng tạo, những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật và nghệ thuật quân sự của người Việt cổ, mà còn phản ánh sâu sắc bước phát triển mới của quốc gia Âu Lạc, của phân hóa xã hội và các cơ cấu quyền lực đương thời. Gần đây khảo cổ học đã phát hiện nhiều di vật ở Cổ Loa như kho mũi tên đồng, trống đồng, lưỡi cày đồng, đặc biệt sau đền An Dương Vương, trong phạm vi Thành Nội, di tích nhiều lò nấu đồng cùng khuôn đúc mũi tên, mũi giáo đồng.



[20; tr.46], [21; t.1; tr.136], [118; tr.172-179], [130; t.1; tr.131-139], [141; t.1; tr.58]

Năm 179 TCN

  1. Kháng chiến chống xâm lược Triệu - thành Cổ Loa thất thủ

Lợi dụng nhà Tần suy yếu, Triệu Đà - viên tướng người Hán, đã chiếm giữ và xây dựng chính quyền cát cứ vùng đất phía nam sông Trường Giang, lập ra nước Nam Việt. Phía Bắc, Triệu Đà chống lại nhà Tần; phía Nam, lại âm mưu xâm lược Âu Lạc. Sau nhiều lần tấn công thành Cổ Loa không thành, Triệu Đà giả cầu hòa, cho con trai Trọng Thủy sang cầu hôn con gái An Dương Vương là Mỵ Châu. Trong ba năm ở rể tại Cổ Loa, Trọng Thuỷ dò la, nắm được việc bố phòng quân sự, lấy cắp bí mật “nỏ thần” của Âu Lạc. Về nước, Trọng Thuỷ cùng cha kéo đại quân sang xâm lược. Vì chủ quan, mất cảnh giác, năm 179 TCN, thành Cổ Loa thất thủ. Cuộc kháng chiến của An Dương Vương thất bại, đất nước rơi vào ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Sự kiện này mở đầu thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm.

[21; t.2; tr.139], [143], [130; t.1; tr.139-145]
I.2. Hà Nội trong thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc

Năm Canh Tý – Quí Mão (40-43)

  1. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng trên vùng đất Hà Nội

Mùa Xuân năm 40, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống ách đô hộ của nhà Đông Hán bùng nổ. Người Việt nhất tề hưởng ứng, nhờ đó, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng giành thắng lợi. Theo truyền thuyết, đông đảo cư dân vùng Hà Nội đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà. Đó là tướng quân Nguyễn Tam Trinh ở Mai Động, nàng Tía ở Vĩnh Ninh (Thanh Trì); nàng Vĩnh Huy ở Vân Hà (Đông Anh), ông Đông Bảng ở Gia Lộc; nàng Quốc Hương ở Kiêu Kỵ, vợ chồng Đào Kỳ ở Ngọc Thụỵ, Khoả Ba Sơn ở Cự Khối, ba anh em họ Đào ở Đa Tốn (Gia Lâm), ông Đống, ông Hưu ở Kim Hồ; khu vực nội thành có ba chị em trong ngõ Thổ Quan... Khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền Trưng Vương được thành lập, đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội).

Nhà Hán cử Mã Viện dẫn đại quân theo đường biển tiến vào lãnh thổ nước ta, đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trong tương quan lực lượng rất chênh lệch, sau trận Lãng Bạc (Bắc Ninh), hai Bà lui quân về giữ đất Cấm Khê (nay thuộc Vĩnh Phúc, có thuyết cho là Kim Khê ở chân núi Ba Vì vùng Thạch Thất, Hà Nội). Sau nhiều trận đánh chặn quân Hán, quân của Hai Bà Trưng dần bị tiêu hao, phạm vi kiểm soát ngày càng thu hẹp. Cuộc kháng chiến do Hai Bà Trưng lãnh đạo cuối cùng thất bại. Sau 3 năm khôi phục nền độc lập tự chủ, nước ta lại bị nhà Hán xâm lược và chiếm đóng.



[20; tr.74], [21;T.1; tr.156-157], [26; tr.25], [124], [143; t.1; tr.115]

Năm Nhâm Tuất (542)

  1. Nhân dân Hà Nội tham gia khởi nghĩa Lý Bí

Năm 542, Lý Bí phát động khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Lương. Ngay từ những ngày đầu phát động, nhân dân vùng Hà Nội tích cực hưởng ứng, tiêu biểu có Phạm Tu, người vùng Thanh Trì.

Phạm Tu là một tướng tài, có những đóng góp xuất sắc vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa. Ông cùng các tướng tài khác như Tinh Thiều và Triệu Túc giúp Lý Bí xây dựng chính quyền tự chủ non trẻ, lập nhà nước Vạn Xuân. Năm 543, ông cầm quân đánh dẹp quân xâm lấn bảo vệ bờ cõi phía nam. Năm 545, nhà Lương kéo đại binh sang xâm lược nhằm tái áp đặt ách đô hộ trên đất nước ta. Trong trận chiến đấu ác liệt diễn ra ở miền cửa sông Tô Lịch vào ngày 20 tháng 7 năm Ất Sửu (545), lão tướng Phạm Tu đã anh dũng hy sinh. Tưởng nhớ công lao Phạm Tu, dân làng Thanh Liệt đã lập đền thờ ông, đền thờ nay ở thôn Trung, xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội.



[20; tr.102], [21; t.1; tr.179], [130; t.1; tr.260-269]

Năm Giáp Tý (544)

  1. Lý Bí lập nước Vạn Xuân, đóng đô ở vùng trung tâm Hà Nội

Sau khi khởi nghĩa chống nhà Lương đô hộ thắng lợi, khôi phục nền độc lập, mùa xuân năm Giáp Tý (544), Lý Bí lên ngôi hoàng đế, xưng Nam Việt Đế (sử thường gọi là Lý Nam Đế), lấy niên hiệu Thái Bình, dựng nước Vạn Xuân, đặt đô ở vùng đất trung tâm Hà Nội ngày nay. Tại kinh đô, Lý Bí cho xây điện Vạn Thọ làm nơi triều đình họp bàn việc nước. Lý Bí phong Triệu Túc làm Thái phó, thiết lập triều đình do Tinh Thiều, Phạm Tu đứng đầu hai ban văn, võ.

Lý Nam Đế còn cho dựng ngôi chùa lớn ở ven sông Hồng, đặt tên là chùa Khai Quốc (chùa mở nước). Đời Hậu Lê, chùa được dời vào đảo Kim Ngư trong Hồ Tây và đổi tên thành Trấn Quốc như hiện nay. Những địa danh lưu lại tên gọi Vạn Xuân ở Hà Nội ngày nay như bãi Vạn Xuân ven bờ sông Cái, đầm Vạn Xoan (thuộc xã Vĩnh Tuy, gần bốt Vĩnh Tuy, nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) tương truyền là nơi triều đình huấn luyện binh lính, diễn tập thủy quân.

Lý Bí là Hoàng đế người Việt đầu tiên nhận ra vị trí trung tâm đất nước của vùng đất Hà Nội cổ. Nhà nước Vạn Xuân mặc dù tồn tại không lâu, đô thành mà Lý Nam Đế lựa chọn chưa được mở mang xây dựng nhiều, song sự kiện này đã đặt một mốc quan trọng trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

[20; tr.102], [21; t.1; tr.179], [26; tr.40-41], [141; t.1; tr.168-169],

[148; tr.30-31]

Năm Ất Sửu (545)


  1. Lý Bí dựng thành ở cửa sông Tô Lịch chống quân Lương

Nhằm chuẩn bị đối phó với cuộc xâm lược trở lại của nhà Lương, năm 545 ngay sau khởi nghĩa thắng lợi, Lý Bí đã cho dựng một toà thành bằng tre gỗ ở cửa sông Tô Lịch. Tháng 7 năm 545, quân Lương do Dương Phiêu và Trần Bá Tiên chỉ huy tiến sâu vào miền nội địa lưu vực sông Hồng. Tại thành cửa sông Tô đã diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt với quân Lương. Sau khi thành thất thủ, nghĩa quân rút lên Gia Ninh (vùng Trung Hà, gần Việt Trì) tiếp tục cuộc kháng chiến.

Về vị trí tòa thành ở cửa sông Tô Lịch, còn có ý kiến xác định khác nhau. Cửa sông Tô Lịch có thể là Giang Khẩu tức cửa thông với sông Hồng ở quãng phố Hàng Buồm - Chợ Gạo (quận Hoàn Kiếm) hay Hồ Khẩu tức cửa nối với Hồ Tây (phường Bưởi, quận Tây Hồ). Đây là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và xác minh. Mặc dù vậy, vẫn có thể khẳng định tòa thành diễn ra những trận đánh quan trọng chống lại quân xâm lược Lương đã từng được dựng trên vùng đất thuộc nội thành Hà Nội ngày nay.



[20; tr.102], [21; t.1; tr.180], [26; tr.41]

Năm Đinh Sửu (557)

  1. Xung đột quyền lực giữa Lý Phật Tử và Triệu Việt Vương

Năm 557, Lý Phật Tử - một người họ hàng của Lý Thiên Bảo, sau khi Lý Nam Đế mất, đã kéo quân từ vùng thượng du Thanh Nghệ ra huyện Thái Bình (vùng hai bên bờ sông Nhị ở Sơn Tây) gây chiến với Triệu Việt Vương, song kết cục không phân thắng bại. Hai bên giảng hoà, phân chia địa giới cai quản, lấy bãi Quần Thần (vùng Hạ Cát, Thượng Cát thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội) làm ranh giới: Triệu Việt Vương cai quản vùng phía đông; Lý Phật Tử cai quản vùng đất phía tây, đóng trị sở ở thành Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Tương truyền sau đó, con trai Lý Phật Tử là Lý Nhã Lang đã cầu hôn Cảo Nương - con gái Triệu Việt Vương. Tuy nhiên, năm 571, Lý Phật Tử đã bất ngờ đem quân đánh úp Triệu Việt Vương, xưng là Nam Đế (sử gọi là Hậu Lý Nam Đế).

Năm 589, nhà Tuỳ thống nhất Trung Quốc. Năm 602, nhà Tuỳ phát binh xâm lược Vạn Xuân. Cuộc kháng chiến của Lý Phật Tử thất bại, đất nước sau một thời gian độc lập lại rơi vào ách đô hộ của phong kiến Trung Hoa.



[20; tr.107-108], [21; t.1; tr.183-184], [26; tr.43], [141; t.1; tr.177-178]

Năm Đinh Mão (607)

  1. Vùng đất Hà Nội trở thành quận trị

Khoảng thời Hiếu Vũ Đế nhà Lưu Tống (454 - 456) chính quyền đô hộ lập một huyện mới trên vùng đất trung tâm Hà Nội, đặt tên là Tống Bình. Năm 607, nhà Tuỳ lập lại quận Giao Chỉ gồm 9 huyện, huyện Tống Bình đứng đầu giữ vai trò trị sở của quận. Tống Bình tức vùng đất Hà Nội, trở thành quận trị.

[23; tr.85]

Năm Tân Tỵ (621)

  1. Khâu Hoà xây Tử Thành

Khi chọn vùng trung tâm Hà Nội ngày nay làm thủ phủ, chính quyền đô hộ tại Giao Chỉ đã cho xây dựng hệ thống thành luỹ. Toà thành đầu tiên được sử ghi lại có tên là Tử Thành (thành con), do Tổng quản Giao Châu là Khâu Hoà xây năm 621. Đó là toà thành nhỏ xây dựng bên sông Tô Lịch, chu vi 900 bộ (khoảng 1.674m).

Tòa Tử Thành tồn tại trong thời gian khá dài. Hơn hai thế kỷ sau, năm Hàm Thông thứ 3 (863), quân Nam Chiếu tấn công Tống Bình, sử chép tướng là Dương Tử Tấn vẫn đóng quân ở Tử Thành.

Vị trí của Tử Thành hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, có người cho là ở vùng Thủ Lệ, Quần Ngựa.

[20; tr.115-116]

Tháng 8 năm Kỷ Mão (11-09 đến 09-10-679) 2


  1. Lập An Nam đô hộ phủ

Nhằm tăng cường chính sách cai trị, năm 679 nhà Đường lập An Nam đô hộ phủ (trước đó, năm 622 đã lập Giao Châu đô hộ phủ). An Nam đô hộ phủ gồm 12 châu, 59 huyện, phạm vi tương ứng vùng vùng đất từ Đèo Ngang trở ra và một phần phía nam tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (Trung Quốc). Trị sở An Nam đô hộ phủ đóng ở Tống Bình. Cho đến đầu thế kỷ X, Tống Bình giữ vị trí là thủ phủ của chính quyền đô hộ, với một phạm vi quản lý tương đối rộng lớn.

[26; tr.45], [109; tr.74], [143; t.1; tr.183-186]

Năm Đinh Hợi (687)

  1. Đinh Kiến tấn công phủ thành Tống Bình

Bất bình với chính sách tô thuế hà khắc của chính quyền đô hộ, Lý Tự Tiên (chưa rõ thành phần xuất thân, quê quán) phát động khởi nghĩa vào năm 687. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, Lý Tự Tiên bị giết hại. Các thủ lĩnh khác, tiêu biểu là Đinh Kiến tiếp tục chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân đánh chiếm phủ thành Tống Bình, giết chết Đô hộ Lưu Diên Hựu. Hoảng sợ trước sự phát triển của phong trào, nhà Đường đã phái viện binh sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, Đinh Kiến và các thủ lĩnh khác bị giết hại.

[21; t.1; tr.189]

Năm Đinh Mùi (767)

  1. Trương Bá Nghi đắp La thành

Nhằm tăng cường khả năng phòng ngự cho trị sở của An Nam đô hộ phủ, sử chép Kinh lược sứ nhà Đường là Trương Bá Nghi đã đắp La thành ở vị trí cách sông Tô Lịch khoảng 200 thước.

La thành do Trương Bá Nghi đắp sau được sửa chữa nhiều lần, vì thế đến nay vẫn còn nhiều ý kiến về vị trí La thành này. Có ý kiến cho rằng ở phía nam sông Tô Lịch, nhưng cụ thể là về phía nào thì chưa thống nhất. Có người xác định giới hạn La Thành: mặt tây cách sông Tô Lịch 360m, mặt bắc theo sát sông Tô Lịch, mặt đông gồm Ngọc Hà, mặt nam đại khái theo đường Đội Cấn. Tuy có những sai lệch nhất định nhưng các ý kiến đều cho rằng vị trí La thành ở phía tây quận Ba Đình hiện nay.



[20; tr.120], [21; t.1; tr.190], [26; tr.47], [143; t.1; tr.189]

Tháng 4 năm Tân Mùi (08-05 đến 05-06-791)

  1. Nghĩa quân Phùng Hưng đánh bại quân Đường, làm chủ phủ thành Tống Bình

Phùng Hưng quê ở Đường Lâm (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), vốn là một hào trưởng có uy tín trong vùng. Lúc này, viên quan Đô hộ nhà Đường là Cao Chính Bình thi hành chính sách thuế khoá nặng nề, lòng dân oán thán. Nhân đó, Phùng Hưng cùng em là Phùng Hải tập hợp lực lượng, phát động khởi nghĩa, tiến đánh và làm chủ một vùng rộng lớn thuộc Phong Châu. Phùng Hưng tự xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng Đô Bảo.

Từ căn cứ ở vùng Phong Châu, Phùng Hưng tiến quân vây chặt phủ thành An Nam đô hộ phủ, sử chép việc này do người cùng quê với Phùng Hưng là Đỗ Anh Hàn hiến kế. Bị quân của Phùng Hưng bao vây, viên Đô hộ nhà Đường là Cao Chính Bình lo sợ, sinh bệnh mà chết. Phùng Hưng chiếm được phủ thành, nhưng cũng mất không lâu sau đó, con là Phùng An lên thay lãnh đạo nghĩa quân, xưng Đô phủ quân, tôn Phùng Hưng làm Bố Cái đại vương. Nay ở Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) có mộ Phùng Hưng. Phường Thịnh Quang (quận Đống Đa, Hà Nội) và một số phường nội thành, làng ven đô Hà Nội có đền thờ ông.



[21; t.1; tr.191-192], [143; t.1; tr.191]

Tháng 7 năm Tân Mùi (05-08 đến 02-09-791)

  1. Triệu Xương sửa đắp thành Đại La

Sau thất bại của Cao Chính Bình, nhà Đường cử Triệu Xương làm An Nam đô hộ. Tới Giao Châu, Triệu Xương ra sức đàn áp cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng, chiêu dụ chủ tướng Phùng An, chiếm lại phủ thành Tống Bình. Để củng cố trung tâm cai trị, Triệu Xương cho tổ chức xây đắp thêm La Thành kiên cố hơn trước.

[20; tr.123], [21; t.1; tr.192], [26; tr.48], [143; t.1; tr.192]

Năm Mậu Tý (808)

  1. Trương Châu đắp thêm thành Đại La

Sau khi Triệu Xương về nước, nhà Đường cử Trương Châu làm Đô hộ Giao Châu. Trương Châu đến phủ thành, cho bồi đắp thêm La Thành, cao 2 trượng 2 thước (khoảng hơn 6 m). La Thành mở 3 cửa, trong có 10 dinh, hai bên tả hữu dựng lầu giáp trượng 40 gian để chứa vũ khí. Đồng thời, ở phủ thành, Trương Châu cũng đóng thêm 300 thuyền chiến (loại thuyền mông đồng), mỗi thuyền chứa được 25 lính chiến và 38 tay chèo.

[20; tr.124] ; [21; t.1 ; tr.192] ; [143; t.1 ; tr.193-194]

Tháng 11 năm Giáp Thìn (25-11 đến 23-12-824)

  1. Đắp thành Giao Châu

Sử chép An Nam đô hộ phủ Lý Nguyên Hỷ3 xem phong thuỷ, thấy trước cửa phủ thành An Nam đô hộ có dòng nước chảy ngược, cho rằng vì vậy mà người dân hay chống lại chính quyền đô hộ. Do thế, Lý Nguyên Hỷ bèn chọn đất, dời phủ thành ra cạnh sông Tô Lịch, tổ chức xây đắp phủ thành mới, tòa thành này còn có các tên gọi là thành Giao Châu, hoặc thành Giao Chỉ. Để phân biệt, trong một số bộ sử, La Thành do Trương Bá Nghi đắp (767) được gọi là cựu thành, còn thành Giao Châu được gọi là kim thành.

Như vậy, cho đến khoảng giữa thế kỷ IX, khu vực nội thành Hà Nội hiện nay có tới ba toà thành đồng thời tồn tại. Đó là Tử Thành đắp từ thời Khâu Hoà (621), La Thành đắp từ thời Trương Bá Nghi (767) và Giao Châu thành đắp thời Lý Nguyên Hỷ (824). Tử Thành không thấy có tên gọi nào khác. La Thành do Trương Bá Nghi đắp tài liệu về sau thường gọi là thành cũ sông Tô Lịch, Giao Châu thành hay Giao Chỉ thành gọi là kim thành.



[20; tr.125-126] ; [21; t.1 ; tr.193] ; [26; tr.50] ; [143; t.1 ; tr.196]

Năm Quý Hợi (843)

  1. Quân lính An Nam đô hộ phủ đốt phủ thành

Năm 841, nhà Đường cử Vũ Hồn làm Kinh lược sứ, cai quản An Nam đô hộ phủ thay cho Hàn Ước. Năm 843, Vũ Hồn sai quân lính sửa chữa phủ thành. Vì cực khổ, quân lính phủ Đô hộ đã nổi dậy, đốt phủ thành, đánh cướp kho vũ khí. Vũ Hồn phải rút chạy về Quảng Châu. Viên giám quân là Đoàn Sĩ Tắc hết sức vất vả mới dẹp yên được.

[21; t.1; tr.193]

Tháng giêng năm Mậu Dần (19-01 đến 17-02-858)

  1. Củng cố phủ thành An Nam đô hộ phủ

Vua Đường cử Vương Thức sang làm Giao Châu kinh lược Đô hộ sứ. Vương Thức là người có tài thao lược, sau khi đến nơi bèn tìm cách củng cố, xây dựng phủ thành Tống Bình. Sử chép Vương Thức lấy tiền thuế một năm chi cho việc trồng táo gai làm hàng rào bao quanh phủ thành, tạo thành một bức luỹ ken dày suốt 12 dặm, bên ngoài lại đào hào sâu để thoát nước ở trong thành, phía ngoài hào trồng tre gai, biến phủ thành An Nam đô hộ phủ thành một thành luỹ vững chắc.

[21;T.1; tr.193-194], [143; t.1; tr.200-201]

Tháng 7 năm Mậu Dần (13-08 đến 10-09-858)

  1. Phủ thành An Nam đô hộ phủ bị bao vây

Dân chúng Giao Châu nổi dậy, nhân lúc đêm tối đánh trống reo hò, kéo đến bao vây phủ thành An Nam đô hộ phủ, đòi đuổi Vương Thức về nước. Tuy nhiên, Vương Thức đã dùng mưu kế đàn áp được cuộc nổi dậy này.

[21; t.1; tr.194 – 195], [143; t.1; tr.202- 203]

Tháng giêng năm Quý Mùi (23-01 đến 21-02-863)

  1. Quân Nam Chiếu đánh chiếm phủ thành An Nam đô hộ phủ

Bị 5 vạn quân Nam Chiếu bao vây và tấn công, quan quân nhà Đường buộc phải bỏ chạy khỏi phủ thành. Chỉ huy quân Đường là Sái Tập cố sức đánh, trên người bị trúng mười mũi tên, nhưng cuối cùng cũng phải nhảy xuống biển chết. Tướng sĩ các châu Kinh Nam, Giang Tây, Ngạc, Nhạc, Tương gồm hơn 400 người chạy đến phía đông thành, bên sông Nhị. Ngu hầu Kinh Nam là Nguyễn Duy Đức dẫn quân trở lại thành, vào bên trong ủng môn cửa Đông của La Thành. Người Nam Chiếu không đề phòng, bị quân của Duy Đức đánh bại, giết chết hơn hai nghìn người. Đến đêm, tướng Nam Chiếu là Dương Tử Tấn ở trong Tử thành đem quân ra cứu viện. Toàn bộ quân của Nguyễn Duy Đức cũng đều bị giết chết. Quân Nam Chiếu lại chiếm đóng phủ thành đô hộ, giao cho Dương Tử Tấn chỉ huy hai vạn quân ở lại giữ thành Giao Châu.

[20; tr.129], [21; t.1; tr.196], [143; t.1; tr.206-207], [189; tr.35]

Tháng 10 năm Bính Tuất (11-11 đến 10-12-866)

  1. Cao Biền chiếm lại phủ thành An Nam đô hộ

Nhằm tập trung binh lực đánh quân Nam Chiếu, đoạt lại phủ thành Tống Bình, nhà Đường đã phong cho Kiêu vệ tướng quân Cao Biền làm Đô hộ tổng quản Kinh lược chiêu thảo sứ.

Cao Biền chỉ huy quân nhà Đường thắng lớn nhiều trận, bắt và giết chết rất nhiều quân Nam Chiếu. Thừa thắng, Cao Biền kéo đến bao vây thành Giao Châu liên tục hơn mười ngày. Quân Nam Chiếu lâm vào thế khốn quẫn, buộc phải đầu hàng. Cao Biền chiếm phủ thành An Nam đô hộ phủ, dần đánh đuổi hết quân Nam Chiếu.



[20; tr.130-131], [21; t.1; tr.198], [26; tr.53-54], [143; t.1; tr.212-213], [189; tr.36]

Tháng 11 năm Bính Tuất (11-12-866 đến 09-01-867)

  1. Cao Biền đắp thành Đại La

Sau khi đánh bại quân Nam Chiếu, chiếm lại phủ thành, Cao Biền được phong làm Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, cai quản Giao Châu. Cao Biền tiếp tục đặt phủ trị ở khu vực nay là trung tâm Hà Nội. Sau khi xem xét địa lý khu vực đặt trị sở, Cao Biền đã tổ chức đắp thành Đại La ở bên sông Tô Lịch. Sử chép4: thành Đại La chu vi 1.982 trượng (khoảng 6 km), cao 5 thước; thân thành cao 2 trượng 6 thước, chân rộng 2 trượng 5 thước, nữ tường (tường nhỏ xây trên mặt thành chính) bốn mặt 5 thước 5 tấc, có 55 địch lâu (ụ đất đắp nhô ra ngoài tường thành), 6 ủng môn (tường thành đắp bên ngoài cổng thành), 3 thủy cừ (cừ nước), 34 đạp đạo (đường lên thành). Thành ngoài bó một lớp bằng đá, gạch vững chắc. Như vậy, thành Đại La do Cao Biền tổ chức đắp có quy mô lớn nhất từ trước cho tới bấy giờ, dấu tích đã tìm thấy trên toàn bộ khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Ngoài thành Cao Biền cho đắp đê dài 2.125 trượng, cao 1 trượng 5 thước. Đây là lần đầu tiên vùng Hà Nội có đê sông.



[20; tr.131], [21; t.1; tr.199], [26; tr.54-55], [143; t.1; tr.214-216], [189; tr.37]

Năm Ất Mão (905)

  1. Khúc Thừa Dụ chiếm phủ thành Đại La, nắm quyền Tĩnh hải quân Tiết độ sứ

Khúc Thừa Dụ (quê ở Cúc Bồ, Ninh Giang, Hải Dương) vốn là một hào trưởng đất Hồng Châu, nhân lúc nhà Đường suy yếu, được nhân dân ủng hộ đã nổi dậy chiếm phủ thành, tự xưng Tiết độ sứ, cai quản An Nam đô hộ phủ. Đây là lần đầu tiên, sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, một thủ lĩnh người Việt nắm giữ chức vụ này.

Về hình thức, Tiết độ sứ vẫn là một chức quan của triều đình nhà Đường, nhưng thực chất chính quyền Khúc Thừa Dụ là một chính quyền tự chủ của người Việt. Việc thiết lập chính quyền của Khúc Thừa Dụ biểu thị bước phát triển mạnh mẽ trên con đường giành lại chủ quyền độc lập hoàn toàn của người Việt.



[20; tr.137], [21; t.1; tr.201], [143; T.1; tr.219]

Năm Đinh Sửu (907)

  1. Cải cách của Khúc Hạo

Năm 907 Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo lên thay làm Tiết độ sứ. Khúc Hạo tiến hành cải cách: xây dựng chính quyền cấp lộ, phủ, châu, cấp xã đặt Chánh lệnh trưởng, Tá lệnh trưởng; thực hiện chính sách "bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu, chính sự cốt khoan dung giản dị, nhân dân đều được yên vui". Khúc Hạo là nhà cải cách đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà mục tiêu của cải cách là nâng cao tính độc lập của chính quyền họ Khúc, đưa lại lợi ích cho nhân dân, củng cố cơ sở xã hội của chính quyền mới.

[21; t. 1; tr.201], [141; T.1; tr.218].

Năm Canh Dần (930)

  1. Quân Nam Hán đánh chiếm thành Đại La

Năm 917, Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Bấy giờ nhà Đường đã sụp đổ, Trung Quốc diễn ra tình trạng phân liệt. Năm 930, nhà Nam Hán, một triều đình cát cứ ở Quảng Châu đã phát đại quân theo hai đường thuỷ bộ xâm lược nước ta. Khúc Thừa Mỹ bị bắt đưa về Quảng Châu. Tháng 10 năm 930, quân Nam Hán đánh chiếm phủ thành Đại La, tái áp đặt ách đô hộ trên đất nước ta.

[21; t.1; tr.202]



1 Đại Việt sử ký toàn thư (tr. 135) chép năm 257 TCN, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép năm 267 TCN.

2 Đại Việt sử ký Tiền biên chép sự kiện này vào năm 650

3 Việt sử lược chép là Lý Nguyên Hỷ, phù hợp với sử nhà Đường, có sách chép là Lý Nguyên Tố, Lý Nguyên Gia.

4 Đại Việt sử ký toàn thư chép La Thành vòng quanh 1.982 trượng lẻ 5 thước, thân thành cao 2 trượng 6 thước, chân thành rộng 2 trượng 5 thước, 4 mặt thành đắp nữ tường (tường nhỏ đắp trên mặt thành), trên 4 mặt thành cao 5 thước 5 tấc, địch lâu 55 sở, ủng môn 6 sở, thủy cừ 3 sở, đạp đạo (đường lên thành) 34 sở. Lại đắp con đê vòng quanh dài 2.125 trượng 8 thước, cao 1 trượng 5 thước, chân rộng 2 trượng, cùng làm nhà cửa hơn 40 vạn gian.

Đại Việt sử ký tiền biên chép: thành Đại La chu vi 1.982 trượng, 5 thước, thân thành cao 2 trượng 6 thước, chân rộng 2 trượng 5 thước, nữ tường (tường nhỏ đắp trên mặt thành) trên bốn mặt cao 5 thước 5 tấc, có 55 địch lâu, 6 ủng môn, 3 thủy cừ, 34 đạp đạo (đường lên thành). Lại đắp con đê nhỏ vòng quanh thành dài 2112 trượng 8 thước, cao 1 trượng 5 thước, rộng 2 trượng và dựng hơn 40 vạn gian nhà (1 trượng = 10 thước = 3,33m).

Việt sử lược ghi con số 5.000 gian.





tải về 129.63 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương