ĐẢng cộng sản việt nam lịch sử §¶ng bé Vµ nh¢n d¢n x· T¢n hång 1930 2010


I. NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN, CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI. XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VÀ ĐẤU TRANH CHỐNG ĐỊCH (19-12-1946 - CUỐI NĂM 1949)



tải về 2.06 Mb.
trang3/16
Chuyển đổi dữ liệu11.08.2016
Kích2.06 Mb.
#17403
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16

I. NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN, CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI. XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VÀ ĐẤU TRANH CHỐNG ĐỊCH (19-12-1946 - CUỐI NĂM 1949).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đang nô nức xây dựng chế độ mới, cuộc sống mới. Song thực dân Pháp cố tình gây ra cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Vì hoà bình, nhân dân ta đã nhân nhượng, nhưng nhân dân ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, chúng đã gây xung đột ở nhiều nơi, rồi đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội… Cuối cùng với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã phá bỏ Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946, gây ra cuộc chiến tranh trong cả nước.

Để cứu nước và giữ nước, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Hồ Chủ Tịch: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, dân tộc, hễ là người dân Việt Nan, thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu tổ quốc” … Nhân dân Tân Hồng đi theo đường lối kháng chiến của Đảng, chuẩn bị mọi điều kiện đánh giặc.

Trên địa bàn tỉnh, đêm 19-12-1946 quân và dân ta đã liên kết tấn công địch tại nhiều nơi trong thị xã Hải Dương, đã gây cho địch một số thiệt hại và buộc địch phải đối phó một cách lúng túng. Trong vòng một tuần lễ quân dân ta đánh địch tại thị xã Hải Dương, nhân dân trong xã một mặt làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, mặt khác chuẩn bị thu xếp cho cơ quan của tỉnh và đơn vị bạn nơi ăn nghỉ khi rút khỏi thị xã về đóng quân tại địa phương, mặt khác còn tạo điều kiện cho các xã ven thị trấn có nơi tản cư chu đáo.

Trước tình hình kháng chiến ngày càng khẩn trương, tháng 12-1946 huyện uỷ Bình Giang đã triệu tập hội nghị mở rộng tại thôn Bình Đê (Bình Xuyên) để triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy. Sau khi phân tích, nhận định tình hình chung toàn cục và đánh giá tình hình cụ thể của huyện, hội nghị đã xác định quyết tâm kháng chiến và chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến. Hội nghị đã quyết định thành lập các ban như : Ủy ban bảo vệ (sau này là ủy ban kháng chiến) ban trinh sát, ban giao thông, ban phá hoại, ban tản cư…

Thực hiện nghị quyết trên, mọi công tác chuẩn bị cho cuộc kháng chiến của xã được tiến hành khẩn trương hơn bao giờ hết. Việc đầu tiên là tổ chức những cụ già, đàn bà, các cháu nhỏ chuẩn bị sẵn sàng khi có chiến sự lan tới sẽ đi tản cư sang các huyện Thanh Miện, Ân Thi. Những người có sức khỏe ở lại cất giấu thóc lúa, tài sản, thực hiện khẩu hiệu “Vườn không nhà trống”. Lực lượng vũ trang cất giấu tài sản công cộng, canh gác bảo vệ xóm làng. Trên đoạn đường 20 từ Mi Cầu đến Quán Sộp và đường đi Cống tranh lực lượng vũ trang cùng thanh niên phụ nữ và nhân dân đã đào hố ( hố chữ chi) đắp ụ, làm vật cản để chống xe tăng, xe cơ giới địch. Tham gia phá cầu Thị Vạn (cầu Sặt) cùng phố Sặt. Lực lượng vũ trang được củng cố tổ chức biên chế lại cho phù hợp với tình hình chiến đấu. Anh em đã tiến hành canh gác ngày đêm, theo dõi tình hình địch, bảo vệ tài sản của nhân dân. Đồng thời giúp đỡ tạo điều kiện cho đồng bào tản cư đến, cơ quan bộ đội qua lại được dễ dàng, thuận tiện. Tổ chức rào làng và làm hầm chiến đấu. Tất cả xung quanh làng được rào kỹ, làm nhiều cổng hướng ra các trục đường chính. Toàn xã đã tập trung sẵn gỗ ở các đình, chùa và đã làm hơn một km đường hầm từ Chùa đến hết ngõ Đông đề phòng tránh bom đạn và phân tán tài sản.

Từ sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là mặt trận Việt Minh, khí thế kháng chiến của quần chúng được phát động. Các tổ chức cứu quốc được củng cố và đẩy mạnh mọi mặt hoạt động đáp ứng cho nhu cầu kháng chiến.

Để giúp cơ sở chuẩn bị tốt cho cuộc kháng chiến trường kỳ, huyện ủy Bình Giang đã cử cán bộ về phụ trách xã và xây dựng phong trào. Được tuyên truyền giáo dục, giác ngộ của cán bộ đảng cấp trên, qua rèn luyện trong thực tế, nhiều cán bộ, quần chúng đã tỏ rõ lòng trung thành với cách mạng, một số đã trở thành đối tượng kết nạp vào Đảng. Cuối năm 1946 một số đồng chí được kết nạp vào Đảng và sinh hoạt ghép với chi bộ Ngọc Hà. Từ đây xã Tân Hồng có đảng viên trực tiếp lãnh đạo phong trào. Tháng 2-1947, dưới sự lãnh đạo của cán bộ huyện uỷ một số cuộc họp các đồng chí đảng viên của xã (số đảng viên của xã trong chi bộ ghép Ngọc Hà và một số đảng viên mới được kết nạp) được tổ chức tại nhà đồng chí Vũ Huy Quảng để thành lập chi bộ Đảng Mộ Trạch, gồm 12 đảng viên. Tại cuộc họp này đồng chí phái viên huyện uỷ thay mặt Huyện uỷ công nhận và chỉ định ban chi uỷ do đồng chí Vũ Đăng Khánh làm bí thư. Chi bộ đảng cộng sản Mộ Trạch ra đời là một quá trình đấu tranh gian khổ trong suốt những năm củng cố bảo vệ chính quyền xây dựng chế độ mới và chuẩn bị kháng chiến. Đây là một bước ngoặt lịch sử lớn của Đảng bộ và nhân dân trong xã. Chi bộ Đảng Mộ Trạch được thành lập là một đòi hỏi tất yếu của phong trào cách mạng điạ phương. Từ đây xã đã có chi bộ Đảng trực tiếp đảm nhiệm lãnh đạo toàn diện, đưa nhân dân trong xã vào cuộc đấu tranh vật lộn với kẻ thù.

Sau khi thực dân Pháp chiếm được thị xã Hải Dương, chúng đã mở nhiều cuộc càn quét lấn chiếm để mở rộng hành lang chiếm đóng và bảo vệ thế an toàn cho thị xã. Đầu năm 1947, địch đã nối liền đường sắt, đường 5 Hà Nội - Hải Phòng. Hàng ngày chúng bắn đại bác và tấn công lên các xã ven đường số 5 để xua rãn lực lượng ta. Mặt khác để chúng xây dựng một hệ thống đồn bốt để bảo vệ tuyến đường này. Sau khi chốt giữ những nơi quan trọng như phố Ghẽ, Văn Thai... đầu tháng 2 -1947, thực dân Pháp tổ chức một lực lượng gồm 2 đại đội lính Âu - Phi có trang bị đầy đủ vũ khí, có xe cơ giới đại bác yểm trợ từ thị xã Hải Dương hành quân dọc đường số 5 đánh chiếm Quán Gỏi và thị trấn Kẻ Sặt. Đây là cuộc hành quân chiến lược của địch nhằm cắm chốt, lập bốt, án ngữ lực lượng tấn công của ta từ phía nam huyện Bình Giang lên đánh phá, quấy rối những đồn bốt mà chúng mới chiếm đóng trên hai tuyến đường 5, đường sắt. Ngoài ra hai vị trí này còn làm nhiệm vụ bảo vệ việc vận chuyển quân, dụng cụ chiến tranh từ cảng Hải Phòng về Hà Nội và ngược lại. Xã Tân Hồng từ đây là một trong số xã nằm sát nơi đồn bốt của giặc. Sau khi chiếm đóng, chúng tăng cường bắn phá ra các xã xung quanh, bắt dân lập tề, xây dựng bộ máy nguỵ quyền phản động, ra sức bắt phu, bắt lính, canh gác, kiểm soát việc đi lại của nhân dân.

Trước tình hình trên chi bộ chủ trương :

- Đưa những cụ già, đàn bà, trẻ em đi tản cư sang các xã huyện lân cận. Đồng thời ổn định nơi ăn nghỉ để nhân dân yên tâm ở nơi vừa đến tản cư. Những người có sức khoẻ ở lại cất dấu thóc lúa, tài sản. Duy trì và đẩy mạnh sản xuất để có lương thực kháng chiến lâu dài.

- Lực lượng vũ trang cùng một số cán bộ, thanh niên trẻ khoẻ bám đất, bám làng tiến hành củng cố làng chiến đấu, sẵn sàng đánh địch. Tăng cường tuần tra canh gác bảo vệ xóm làng. Tiếp tục phá hoại trên đường 20 thuộc phạm vi xã. Tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, vận chuyển lương thực, gia súc sang các nơi tản cư được dễ dàng.

- Củng cố chính quyền, các đoàn thể quần chúng cho phù hợp với tình hình chiến sự tiếp diễn.

Thực hiện chủ trương trên, nhân dân trong xã theo lời kêu gọi của Đảng, sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ đã thực hiện “Vườn không nhà trống” đi tản cư từ khi chiến sự lan rộng ra địa bàn huyện. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền đoàn thể cùng nhân dân các xã bạn, huyện bạn về nơi ăn chốn nghỉ, tạo điều kiện cho nhân dân trong xã đi lại, làm ăn sinh hoạt hàng tháng. Vì vậy bước đầu nhân dân trong xã đã yên tâm ở nơi mình đến.

Tháng 7-1947, huyện uỷ cử cán bộ về củng cố phong trào, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cán bộ huyện uỷ, xã đã củng cố lực lượng kháng chiến, hợp nhất hai uỷ ban: Uỷ ban kháng chiến, Uỷ ban hành chính thành Uỷ ban kháng chiến hành chính. Ban chỉ huy xã đội, thôn đội được thành lập. Đối với lực lượng vũ trang: từ lực lượng tự vệ đổi thành dân quân du kích do huyện đội chỉ huy. Lực lượng vũ trang được huyện đội huấn luyện kỹ chiến thuật đánh địch. Về vũ khí cũng được trang bị 01 súng trường, một số lựu đạn và vũ khí thô sơ như dao kiếm, gậy gộc. Làng chiến đấu được thường xuyên củng cố. Công tác tăng gia sản xuất được duy trì. Nhân dân giúp đỡ lẫn nhau khắc phục khó khăn tranh thủ cấy trồng nhiều lúa, khoai để ổn định đời sống nhân dân, có lương thực nuôi cán bộ, du kích. Nhờ có những chủ trương đúng và sát hợp đó, tư tưởng quần chúng đã tương đối ổn định, cơ sở ngày một vững.

Từ sau khi đóng bốt Kẻ Sặt và bốt đầu cầu Thị Vạn, địch tập trung xây dựng đồn bốt, xây dựng củng cố nguỵ quân, nguỵ quyền để giữ thế an toàn cho các vị trí mới chiếm đóng và giữ thế an toàn cho tuyến đường giao thông huyết mạch từ Hà Nội đi Hải Phòng. Mặt khác địch còn đối phó lại những hoạt động của quân và dân ta. Vì vậy suốt từ đầu năm 1947 sang đầu năm 1948 hoạt động của địch đối với địa bàn xã Tân Hồng chủ yếu bắn súng lớn đề phòng ta tấn công và làm lung lạc ý trí kháng chiến của nhân dân ta. Hưởng ứng đợt hoạt động quân sự mùa xuân năm 1948 (từ 19-12-1947 đến 19-1-1948) lực lượng vũ trang đã phối hợp với bộ đội huyện quấy rối đồn bốt, vũ trang tuyên truyền, cảnh báo bọn phản động … ở những vùng tạm chiếm.

Sau khi chiến trường chính của ta ngừng hoạt động địch quay về củng cố đồn bốt, tăng cường bắn phá, mở rộng phạm vi càn quét ra các vùng xung quanh nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến của ta và vơ người vét của phục vụ cho chiến tranh. Thực hiện âm mưu đó, tháng 3 năm 1948, địch đưa một lực lượng khoảng trên một đại đội, vũ khí đầy đủ, từ vị trí Kẻ Sặt theo dọc đường 20 vào làng Tuyển cử càn quét. Do đó sự chuẩn bị với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, do vậy ta đã phát hiện địch từ xa và triển khai lực lượng kịp thời. Lực lượng vũ trang xã ta ngay từ phút đầu đã chống trả địch quyết liệt. Nhiều du kích chiến đấu anh dũng. Song vì lực lượng không cân xứng, sau khi chặn đánh tiêu hao một số sinh lực địch, ta rút lui để bảo vệ an toàn lực lượng. Đây là trận đầu tiên, lực lượng vũ trang xã chiến đấu giành thắng lợi.

Trên thắng lợi trận đầu ra quân, là nguồn cổ vũ cho lực lượng vũ trang xã hoạt động tích cực và có kết quả trong các năm 1948, 1949. Ngày 19 tháng 11 năm 1948 lực lượng du kích xã đã anh dũng chống lại một cuộc càn quét của địch khiến chúng không vào được làng. Gây thiệt hại cho địch, chúng phải rút lui. Tháng 11-1949 lực lượng vũ trang xã phối hợp với bộ đội huyện phá bốt My Cầu tiêu diệt 6 tên và bị thương 5 tên địch. Đây là thời gian hoạt động khá mạnh của các đội du kích thôn cũng như xã. Qua thực tế chiến đấu, ban chỉ huy cũng được kiện toàn từ xã xuống thôn. Các đội du kích hoạt động tập trung nhằm vào việc phối hợp phá tề quấy rối vị trí địch. Lực lượng vũ trang cùng nhân dân sửa chữa đào đắp trên 1.000 mét chiến hào, đào gần 100 hầm bí mật để bảo vệ cán bộ, du kích khi giặc càn quét, phá hoại đắp ụ, chôn mìn cản các loại xe cơ giới của địch.

Cùng với kết quả của hoạt động quân sự, chi bộ lãnh đạo các tổ chức quần chúng đoàn thể nhân dân phát triển hội viên. Do yêu cầu của cuộc kháng chiến, thực hiện quyết định của cấp trên, tháng 6-1948 cắt 3 thôn: Tuyển cử, My cầu, Trạch Xá của xã Chí Minh hợp nhất với xã Tân Hồng. Dưới sự lãnh đạo của cán bộ cấp trên, sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ Đảng, sau khi hợp nhất các tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể đã nhanh chóng ổn định và đi vào hoạt động có nề nếp. Qua hợp nhất xã đã tạo điều kiện cho cán bộ, nhân dân có nhiều điều kiện hoạt động. Bổ sung cho đội ngũ cán bộ cả về số lượng và chất lượng. Đẩy mạnh các hoạt động của chính quyền, các đoàn thể lên một bước. Nhân dân chăm lo sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau, khắc phục khó khăn trong cuộc sống. Chi bộ lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất đi đôi với bảo vệ sản xuất. Cất dấu tài sản khi địch càn quét. Do vậy suốt mấy năm vẫn bảo đảm cày cấy hết diện tích, thu hoạch khá. Đời sống của nhân dân vẫn đảm bảo. Kể cả những thôn gần bốt địch, nhân dân vẫn đùm bọc, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, du kích. Trong các năm 1947-1949 nhân dân toàn xã đã đóng góp cho nhà nước 4.110 cân thóc, 1420 cân thực phẩm và có 31 thanh niên xung phong vào bộ đội. Cùng với sự lãnh đạo về quân sự, chính trị, kinh tế, chi bộ thường xuyên giáo dục các đoàn thể nhân dân về các mặt xã hội. Một số lớp bình dân học vụ được duy trì. Mọi sinh hoạt của nhân dân, các đoàn thể đều chú trọng chất lượng, đảm bảo nội dung, gọn nhẹ và quân sự hoá. Phong trào ca hát, hội họp đều đặn. Những tục lệ lạc hậu, mê tín dị đoan cũng từ trong cuộc kháng chiến mà tự nhiên dần dần mất hẳn. Một số đám cưới đã tổ chức theo nghi thức đời sống mới.

Từ khi chi bộ Đảng được thành lập (2-1947), chi bộ đã không ngừng chăm lo củng cố và phát triển. Chi bộ Đảng đã giao nhiệm vụ cho mỗi đảng viên lựa chọn những đội viên tích cực trong các đoàn thể quần chúng, lực lượng vũ trang, qua thử thách, có tinh thần chiến đấu với quân thù, chịu đựng khó khăn gian khổ, gương mẫu trước quần chúng để tuyên truyền phát triển Đảng.

Qua thực tế đấu tranh gian khổ, vật lộn với quân thù nhiều cán bộ, đoàn viên, đội viên tỏ ra gương mẫu, tích cực đã được kết nạp vào Đảng. Để đáp ứng cho nhu cầu của cuộc kháng chiến, năm 1948 cấp trên có chủ trương phát triển lớp đảng viên “19-8”. Năm 1949 cấp trên lại có chỉ thị “Thi đua phát triển Đảng”… Do vậy mặc dù trong điều kiện có khó khăn, nhưng số lượng phát triển đảng viên mới mỗi năm một tăng. Tháng 2-1947 khi thành lập chi bộ tổng số đảng viên có 12 đồng chí, năm 1948 có 80 đồng chí, đến năm 1949 có 108 đồng chí. Đến khi có chỉ thị tạm ngừng phát triển, tổng số đảng viên trong chi bộ có 112 đồng chí. Hầu hết các thôn đều có đảng viên và tổ đảng.

Đi đôi với công tác phát triển, công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho đảng viên được chú ý. Trong các năm 1948, 1949 chi bộ đã tổ chức những lớp học ngắn ngày để bồi dưỡng cho đảng viên. Nội dung học tập thường là Điều lệ của Đảng, phương pháp công tác, tình hình nhiệm vụ và một số bước công tác. Qua học tập các đảng viên đã nâng cao nhận thức về âm mưu hành động của kẻ thù, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, ý chí chiến đấu cùng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của công cuộc kháng chiến. Do vậy đã đáp ứng được nhu cầu lãnh đạo của địa phương trong đấu tranh gian khổ với kẻ thù. Nhiều đảng viên đã giữ vững vai trò tiền phong gương mẫu trước quần chúng. Nhiều đảng viên tích cực công tác, kiên trì đấu tranh có tác động làm nòng cốt và thúc đẩy phong trào.

Cuộc kháng chiến đang trên đà phát triển, mọi tầng lớp nhân dân tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Cuối năm 1949 kẻ địch thất bại nặng nề trên chiến trường chính chúng quay về củng cố vùng chiếm đóng, tăng cường bắn phá, càn quét. Cuối năm 1949 địch dùng một lực lượng lớn càn quét vào làng Mộ Trạch. Du kích xã, sau khi chiến đấu đã rút lui để bảo toàn lực lượng, Giặc tràn vào làng đốt phá, bắn giết và vơ vét tài sản. Trong trận này chúng đã bắn chết 19 người, bắn bị thương 18 người. Trước tình hình khó khăn một số gia đình tản cư ở các xã huyện lân cận phần vì thiếu lương thực, việc đi lại vận chuyển khó khăn, số lương thực dự trữ cạn dần. Mặt khác, hầu hết nhân dân trong xã là nhân dân lao động không biết buôn bán, vì vậy việc làm ăn sinh nhai nơi tới tản cư lúng túng, phần vì lo sợ giặc càn quét, chiếm đóng rộng. Vì vậy nhiều người đã hồi cư trở về, và ngày càng nhiều người, nhiều gia đình hồi cư trở về với đồng ruộng. Chi bộ Đảng cùng toàn dân trong xã lại bước vào cuộc chiến đấu mới gay go gian khổ và phức tạp hơn.

Trong 3 năm (1947-1949) Tân Hồng là một trong những xã nằm sát đồn bốt và vùng tạm chiếm của giặc với âm mưu thâm độc của kẻ thù và bè lũ tay sai phản động chúng đã không từ thủ đoạn o ép khống chế nhân dân, vì vậy phong trào kháng chiến đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Nhưng dưới sự lãnh đạo của huyện uỷ, chi bộ Đảng xã ra đời và đã có nhiều chủ trương lãnh đạo đúng đắn, kịp thời. Công tác xây dựng, củng cố cơ sở đảng được chú trọng và không ngừng phát triển. Chính quyền và các đoàn thể quần chúng luôn được củng cố và đẩy mạnh mọi mặt hoạt động. Lực lượng vũ trang được phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã hoạt động dưới nhiều hình thức phong phú, linh hoạt gây cho địch nhiều khó khăn, thiệt hại. Sản xuất được giữ vững, ổn định đời sống nhân dân và có phần đóng góp cho kháng chiến.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chi bộ cũng lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch giành thắng lợi. Tất cả những kết quả trên đã góp phần cùng toàn huyện, toàn tỉnh tiêu hao, giam chân địch, phá âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của chúng.

II. VƯỢT QUA THỜI KỲ KHÓ KHĂN, GIAN KHỔ VÀ ĐEN TỐI (1950-1951)

Sau khi thất bại trên chiến trường chính, kế hoạch “Tốc chiến tốc thắng” của giặc bị phá sản, buộc địch bị động về chiến lược. Chiến tranh càng kéo dài, địch càng lúng túng khó khăn về các mặt: Quân sự, chính trị, kinh tế để cứu vãn lại tình hình, địch tập trung binh lực đánh chiếm đồng bằng nơi kho người, kho của, thực hiện âm mưu “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Ngày 22-12-1949, thực dân Pháp mở chiến dịch Đi-a-lô đánh chiếm các huyện thuộc vùng tự do của các tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Trên địa bàn Bình Giang địch tiến theo 2 mũi : Từ Kẻ Sặt đánh xuống xã Nhân Quyền; từ thị xã Hải Dương qua Gia Lộc đánh sang các xã Cổ Bì, Hồng Khê, Long Xuyên và toả ra các xã khác. Ngày 25-3-1950 địch từ các xã thuộc tỉnh Hưng Yên qua các xã khu tây của huyện là xã Thái Dương, xã Thái Hoà. Một mặt từ Kẻ Sặt địch đánh xuống theo đường 20, hai mũi này tập trung tại Phủ Cũ, chúng tiến hành chiếm đóng tại đây và tiến hành xây dựng đồn bốt. Kẻ địch đã lợi dụng ưu thế về quân sự để uy hiếp tinh thần nhân dân ta. Cùng với đóng bốt Phủ chúng đem quân đóng bốt Hoà Loan xã Nhân Quyền, bốt Mĩ Trạch xã Bình Minh, bốt Nhữ Thị xã Thái Hoà. Từ đây xã Tân Hồng nằm trong vùng tạm chiếm và trực tiếp bị uy hiếp của nhiều đồn bốt giặc.

Sau khi đóng bốt, chúng vẫn liên tiếp càn quét, bắn phá các làng xóm xung quanh khu vực đóng quân. Hàng ngày đem quân vào các làng bắt người làm phu phục dịch chúng. Chúng đem phu đến các làng xung quanh chặt tre, rỡ đình chùa, các nhà to của dân về xây dựng đồn bốt, có ngày, có thôn chúng càn quét tới 2 lần. Thẳng tay đàn áp bắn giết nhân dân. Chúng thường xuyên tổ chức các cuộc vây càn, pháo kích, hoá trang biệt kích nhằm phá cơ sở ta, làm cho nhân dân, cán bộ ta mất ăn, mất ngủ, nơm nớp lo sợ. Bọn lính bốt Nhữ Thị giả làm dân đi câu cá, hoạn lợn trà trộn với dân để điều tra tình hình. Chúng còn đội khăn xếp, mặc áo dài giả đi lễ đền Ủng qua cánh đồng thôn Mộ Trạch bắt cán bộ. Ban ngày chúng hoá trang, ban đêm biệt kích có chỉ điểm đi theo vào các nhà cán bộ bắt mọi người áp mặt vào vách để chỉ điểm. Tối 23-3-1950, bọn lính bốt Sặt đã biệt kích vào nhà đồng chí Lạc (Mộ trạch) bắt đồng chí Vực cán bộ huyện và đồng Lạc đem về bốt tra tấn.

Tiếp đó vào ngày 1-3-1950, địch đưa lực lượng khoảng trên một trung đội lính từ Phủ Cũ về càn quét thôn Hạ Ngoài, sau đó càn về thôn Mộ Trạch bắt 20 người (thôn Mộ Trạch 12 người, Hạ Ngoài 2 người, 6 người nơi khác đến) đem về bốt Phủ Cũ sỏ dây thép gai vào tay từng người rồi bắn chết. Tại một trận càn, lính Âu - Phi từ Kẻ Sặt về càn quét, chúng bắt được đồng chí Tùng cán bộ phòng gian của huyện và đồng chí Đích thôn đội Mộ trạch ở dưới hầm. Sau khi tra tấn dã man, chúng đã đem cắt tiết rồi chôn sống tại chân đống rơm nhà bà Giới xóm Ngõ Nam.

Trước tình hình o ép ngày một gắt gao của địch, một số nhân dân trong xã các năm trước có tản cư vào vùng tự do nay cũng hết chỗ yên ổn làm ăn lên hồi cư trở về. Một số gia đình có điều kiện tìm đường tản cư lên Việt Bắc, một số chạy ngược lên vùng tề cũ. Vào thời điểm này, đời sống kinh tế địa phương nói chung đều bị kiệt quệ giảm sút (do dân tản cư lâu ngày và địch tàn phá cướp bóc). Nhân dân hoang mang dao động, một số cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí chiến đấu. Một số người thuộc tầng lớp trên trước kia có tham gia cách mạng nay phân hoá rất nhanh, có bộ phận đi tản cư ở Thái Nguyên còn có người bộc lộ bản chất làm tay sai cho địch.

Tình hình khó khăn đang diễn biến ngày một phức tạp hơn, Ban chi uỷ đã kịp thời lãnh đạo chuyển hướng đấu tranh để bảo toàn lực lượng. Ban chi uỷ chỉ đạo biên chế thành tổ 3 người, chia khu vực hoạt động, giữ bí mật để bảo vệ an toàn cho cơ sở; một bộ phận phân tán ra thôn Quàn (Bình Xuyên) ban đêm về nắm tình hình, xây dựng cơ sở, cử một số cán bộ (chưa lộ mặt) ở lại bám đất bám dân, nắm cơ sở, còn hầu hết cơ quan chủ chốt của xã tổ chức cho gọn nhẹ lánh sang các thôn xã khác. Từ cơ sở ở các nơi tản cư, chi bộ cử cán bộ về để nắm chắc âm mưu thủ đoạn diễn biến của địch tại xã mà có kế hoạch chỉ đạo phong trào.

Trước tình hình ấy, khoảng tháng 4-1950, chi bộ Đảng đã tập hợp những đảng viên còn lại tổ chức cuộc họp để đánh giá tình hình và bàn chủ trương kế hoạch biện pháp lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Chi bộ nhận định: Trước sự càn quét tàn phá, o ép gắt gao của địch, đồng bào trong xã sẽ tiếp tục về hồi cư, vì đâu cũng là tiền tuyến. Cơ sở đầu não của ta tuy có được bảo toàn, song cũng bị bật ra ngoài, số đông đảng viên, cán bộ tinh thần sợ sệt, một số bị bắt, bị tù đầy, tra tấn. Một số phần tử địa chủ, kỳ hào gò ép lập tề. Nhân dân hoang mang, dao động. Sau khi nhận định đánh giá tình hình, chi bộ chủ trương:

- Xin ý kiến cấp trên để chuyển hướng đấu tranh, từ đấu tranh quân sự sang đấu tranh chính trị, từ hợp pháp tiến tới đấu tranh nửa hợp pháp và bất hợp pháp với giặc. Các thôn xã có đồn bốt địch, tuỳ từng lúc, từng nơi ta cho lập tề hoặc phá tề để hạn chế hành động bóc lột, tàn phá giết chóc của giặc, ổn định tinh thần đời sống nhân dân, tạo điều kiện để củng cố, xây dựng cơ sở kháng chiến, đấu tranh lâu dài với địch trong vùng tạm chiếm.



- Chính quyền, các đoàn thể tinh giảm bộ máy, rút vào hoạt động bí mật, đào hầm hố bí mật, sơ tán một bộ phận đảng viên sang các xã bạn, đêm đêm về hoạt động tránh tổn thất.

- Tổ chức lực lượng du kích bí mật để theo dõi địch tình hình làm nhiệm vụ giao thông đưa đón cán bộ, bộ đội. Tránh manh động lộ liễu làm mất cơ sở.

Được sự đồng ý của cấp trên, ta tạm thời hoà hoãn với địch. Chọn một số quần chúng tốt ra làm tề theo kế hoạch và biện pháp của ta. Mặt khác cảnh cáo một số phần tử lừng chừng có ý đồ làm theo sự chỉ huy của giặc. Đồng thời khôn khéo, bí mật đưa dần người của ta vào hàng ngũ tề để nắm tình hình địch, lãnh đạo đấu tranh. Trong tình hình thực tế địa phương thời gian này, đại bộ phận hàng ngũ chánh phó xã uỷ tề đều do ta điều khiển. Mọi hoạt động của các ban tề đều phải xin ý kiến của chính quyền ta. Các thôn đều có cơ sở, mọi hoạt động của ta về ban đêm, vẫn tiến hành tốt. Sau khi ổn định tình hình chi bộ chủ trương phân công cấp uỷ, đảng viên phụ trách từng thôn. Nhiệm vụ chủ yếu lúc này là bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở, tuyên truyền, giáo dục nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào kháng chiến nhất định thành công. Lực lượng dân quân du kích tạm thời rút vào bí mật. Chọn một số anh em có tinh thần gan dạ, tổ chức mỗi thôn có chừng một tiểu đội làm nhiệm vụ theo dõi tình địch, canh gác bảo vệ cơ sở, giao thông liên lạc đưa đón cán bộ. Lực lượng đã tham gia cùng bộ đội huyện tiến hành kỳ tập bốt Phủ Cũ lúc 1 giờ chiều ngày 16-4-1950.

Từ trên cơ sở đó, ta lãnh đạo nhân dân đấu tranh từng bước với địch: Chống bắt phu, bắt lính, chống thuế, chống càn quét xục xạo, vơ vét, phá đình chùa, chặt tre ở các thôn xã. Những cuộc đấu tranh đó đã thu được kết quả, buộc địch phải nhiều lần nhượng bộ. Trong một thời gian không dài, ta đã hạn chế được sự cướp phá giết chóc của địch. Củng cố được tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ ta, bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở, củng cố bộ máy kháng chiến đã bị xáo trộn. Đời sống vật chất của nhân dân dần dần được ổn định.

Bị thất bại ở mặt trận Biên Giới (thu - đông 1950) và đồng bằng Bắc bộ, thực dân Pháp ngày càng lâm vào cảnh khó khăn lúng túng. Hòng cứu vãn lại tinh thần, chúng tập trung binh hoả lực bình định vùng sau lưng địch. Năm 1951, chúng liên tiếp mở hàng loạt chiến dịch lớn trên địa bàn trong tỉnh, trong huyện. Từ ngày 5-10-1951 địch huy động 15.000 quân (thuộc đệ nhị sư đoàn Bắc Việt) mở trận càn Rép tin (bò sát) đánh vào huyện Bình Giang bắc huyện Thanh Miện. Tiếp ngày 25-8-1951, địch dùng 2.000 quân mở trận càn va-ti-ráp đánh vào huyện Bình Giang, bắc huyện Thanh Miện, huyện Gia Lộc và huyện Ninh Giang.

Trong các chiến dịch đánh phá này, thủ đoạn chủ yếu của địch là càn quét lớn, kết hợp với càn quét nhỏ và vừa, càn quét ngắn ngày, kết hợp với càn quét dài ngày, bao vây chia cắt, kết hợp với càn quét lại nhiều lần. Trong trận sàn “Bò sát” địch rải quân đóng khắp các thôn xã trong vùng, thay nhau càn quét từng làng một, bình quân mỗi thôn địch càn quét tới 2 lần, có thôn tới 6 lần, 7 lần. Mỗi khi vào làng chúng càn quét rất kỹ và có những toán chuyên mang theo cuốc, xẻng để tìm, bới, cuốc hầm bí mật nhằm bắt đảng viên, cán bộ, du kích ta. Xã Tân Hồng tuy là các xã hầu hết các thôn đều lập tề, sát đồn bốt, nhưng trong các trận càn quét lớn này địch cũng càn đi quét lại, điểm mục, phục kích, bắt bớ, tra tấn, vơ vét, bóc lột nhân dân ta. Dựa vào sức mạnh quân sự (quân chủ lực) thực dân Pháp và bè lũ tay sai thực hiện âm mưu thâm độc để triệt phá bằng được cơ sở kháng chiến của nhân dân trong xã. Từ sau khi quân chính quy rút, bọn địa phương quân ở các đồn bốt, bọn phản động, chỉ điểm tay sai vẫn liên tiếp càn đi quét lại nhiều lần. Chúng huy động bọn lính trong khu vực tới bao vây toàn xã hàng ngày để cuốc, xới, tìm bới hầm bí mật. Một số nhân dân, gia đình cơ sở bị bắt bớ, tù đầy, tra tấn. Đời sống nhân dân luôn luôn bị theo dõi, đe doạ. Chúng khủng bố những gia đình có chồng, con, em tham gia kháng chiến. Suốt ngày chúng vây càn, ban đêm nã pháo cầm canh. Cuối cùng địch đã bức xã ta xây đồn bốt ở các thôn My Cầu, Tuyển Cử, Mộ Trạch. Các bốt trên đều có chòi canh gác, có bảo an, hương dũng và được giặc trang bị vũ khí. Chúng bắt nhân dân chụp ảnh, lấy thẻ, làm căn cước hội tề để chúng dễ bề kiểm soát, theo dõi cán bộ, đảng viên, du kích ta. Chúng thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn để đe doạ, bóc lột gây phiền hà cho nhân dân trong xã.

Cùng với việc xây dựng đồn bốt trong xã, địch đã xây dựng một hệ thống tháp canh, hương đồn ở nhiều thôn xã khác. Tính đến cuối năm 1951. Cả huyện Bình Giang có 10 vị trí liên hiệp Pháp, 01 vị trí bảo chính đoàn, 23 vị trí tề binh. Để tăng cường sự chỉ huy, địch đưa vị trí Kẻ Sặt từ chi khu quân sự lân phân khu quân sự ( Séc tơ), xây dựng một hệ thống đồn bốt, nơi đặt pháo cỡ lớn, trại giam, sân bay để bảo vệ an toàn cho hệ thống đồn bốt, nơi trú quân, giam cầm cán bộ, nhân dân trong vùng.

Xã Tân Hồng bị bao vây tứ phía, xã có 4 thôn, địch đã xây dựng 3 đồn bốt. Tình hình trong xã khó khăn, đen tối. Chúng tăng cường phản động hoá bọn tay sai, tung gián điệp, mật thám chỉ điểm dò la tin tức. Nói xấu kháng chiến, đề cao đế quốc Mỹ, kết hợp mua chuộc với truy bức những gia đình có người tham gia kháng chiến.

Chúng tung hàng xa xỉ phẩm hàng viện trợ Mỹ để mỵ dân. Cấm đoán sản xuất ven đường giao thông, ven đồn bốt địch. Trong các trận càn chúng ra sức cướp, giết trâu bò, gia súc, gia cầm. Tăng cường bóc lột nhân dân bằng phu, tre, thuế, phạt. Đồng thời không ngừng làm sống lại tệ tục cũ, gây nên nạn cờ bạc, rượu chè, cúng lễ, đồng bóng, bói toán, đầu độc, ru ngủ thanh niên và nhân dân bằng tranh ảnh, sách báo đồi truỵ.

Trong thời kỳ địch hoạt động mạnh, một số đảng viên cán bộ hoang mang dao động, cầu an, nằm im hoặc thoái thác nhiệm vụ. Nhân dân hoang mang ngày đêm ngay ngáy sợ địch. Nhân dân ngại đón tiếp cán bộ, một số cán bộ, đảng viên ra ngoài không dám trở về. Có lúc khó khăn tột độ dẫn đến tình trạng chi bộ không nắm được đảng viên, đảng viên không nắm được quần chúng.

Trước tình hình vô cùng khó khăn phức tạp đó, chi bộ Đảng tạm thời quyết định để lại một số cán bộ đảng viên không lộ mặt bám đất, bám dân nắm tình hình hoạt động của địch, còn đại bộ phận đảng viên, du kích tạm thời lánh sang các xã bạn để bảo toàn lực lượng.

Cấp trên trực tiếp là huyện uỷ Bình Giang rất quan tâm chỉ đạo các xã nhất là các xã vùng tạm bị chiếm. Huyện uỷ cử cán bộ về nắm bắt tình hình cùng cán bộ địa phương bàn bạc phương hướng, kế hoạch phục hồi phong trào phát triển cơ sở. Sau khi tập hợp được số đảng viên còn lại, ổn định tổ chức, nắm tình hình cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang, dưới sự lãnh đạo của cán bộ huyện uỷ, chi bộ đã họp đánh giá tình hình và có những chủ trương, biện pháp phục hồi phong trào, đưa quần chúng đấu tranh từng bước với giặc.

Chi bộ nhận định: Kể từ khi địch tạm chiếm (3-1950) đến nay, đây là thời kỳ thử thách, gay go phức tạp đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã, đây cũng là thời kỳ khó khăn, đen tối nhất. Địch đã gây cho ta nhiều thiệt hại về người và của. Nhưng hầu hết cán bộ chủ chốt vẫn được bảo toàn. Nhân dân ta tuy bị địch o ép, hầu hết vẫn tin tưởng vào Đảng, vào kháng chiến. Cán bộ đảng viên vẫn tận tuỵ, trung thành, vượt mọi khó khăn, tìm mọi biện pháp để lãnh đạo quần chúng đấu tranh với giặc.

Chi bộ chủ trương quyết tâm bám đất, bám dân xây dựng cơ sở trong lòng địch, đưa quần chúng đấu tranh từng bước từ thấp đến cao. Trước mắt là đưa một số đảng viên, quần chúng trung kiên chưa để lộ ra hợp pháp nằm tề vào bảo an. Tạo điều kiện đưa lực lượng vũ trang vào quấy rối ngăn chặn bọn phản động để củng cố giữ vững phong trào.

Thực hiện chủ trương trên, khoảng giữa năm 1951 ta đã tập hợp được hết số đảng viên còn lại đưa về móc lối lại cơ sở. Cử một số đảng viên, quần chúng tốt ra làm hương chủ, chánh phó xếp bốt. Đưa một số du kích vào bảo an, hương dũng, cho một số cá biệt cán bộ, đảng viên có điều kiện trà trộn cùng nhân dân đi chụp ảnh, lấy thẻ hợp pháp. Phân công cấp uỷ, đảng viên về xây dựng cơ sở tại các thôn, xóm. Nhờ có tinh thần chịu đựng khó khăn, gian khổ của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang ngày đêm lăn lộn với phong trào, ngày ngày rút sang các xã bạn, đêm đêm lui về bắt mối xây dựng cơ sở, nắm tình hình địch. Nhờ sự thương yêu, đùm bọc, bảo vệ của các gia đình cơ sở, nên ta đã mau chóng nắm được tình hình. Nhiều gia đình ở các thôn xóm đã có hầm bí mật, bảo vệ nuôi dưỡng, tiếp tế đảng viên cán bộ.

Do ta nắm được một số tề, lực lượng bảo an và tình hình địch, nên đã ổn định được tình hình và bước đầu chi bộ đi vào lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống địch. Hầu hết các đảng viên còn lại đều hoạt động, một số đồng chí trước kia nằm im nay đã nhận công tác. Một số cán bộ, đảng viên quần chúng trung kiên được giao nhiệm vụ làm chánh phó xếp bốt, hương chủ, đi chụp ảnh, lấy thẻ đã hợp lý hoá. Anh em đã làm tròn nhiệm vụ được giao như theo dõi tình hình địch, đưa đón cán bộ, bộ đội, làm giao thông, liên lạc.

Mặc dù địch o ép, truy lùng, chi bộ đã từng bước lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống địch bằng mọi hình thức. Để chống lại âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh của giặc. Ngay từ khi địch bình định gay gắt, chi bộ đã có chủ trương chuyển hướng đấu tranh cho thích hợp để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Tuỳ từng thời gian diễn biến của địch mà chi bộ có chủ trương, biện pháp cụ thể để duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống. Nhân dân ta đã có ý thức cất giấu thóc lúa, tài sản không để lọt vào tay giặc, đoàn kết đấu tranh chống địch bắt phu làm lao dịch, xây dựng đồn bốt, thu thuế, phạt vạ bằng nhiều hình thức phong phú linh hoạt. Vận động nhân dân khắc phục khó khăn để cày cấy hết diện tích những nơi có điều kiện. Đấu tranh chống địch phá lúa ven đường, ven bốt, lập vành đai trắng. Nhờ vậy diện tích hàng năm vẫn bảo đảm. Ngoài ra ta còn vận động nhân dân không mang hàng hoá, lương thực, thực phẩm bán cho địch. Không mua và dùng hàng xa xỉ phẩm, tẩy chay luận điệu tuyên truyền hàng hoá viện trợ Mỹ của giặc. Ngoài ra nhân dân ta còn mua bán được một số mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cần thiết cho nhân dân như: Xà phòng, dầu, giấy, văn phòng phẩm, hàng may mặc … cung cấp cho nhân dân, phục vụ cho nhu cầu kháng chiến. Cùng với các mặt công tác trên, ta còn lãnh đạo nhân dân không xem tranh ảnh, sách báo đồi truỵ của giặc. Những hủ tục nặng nề kẻ địch cố tình phục hồi cũng không đem lại kết quả. Nhân dân ta nói chung ít bị ảnh hưởng về văn hoá – xã hội và giáo dục của địch.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, mặc dầu trong điều kiện khó khăn, đen tối, một mất một còn với giặc. Nhân dân ta đã từng bước đấu tranh để duy trì, xây dựng cơ sở, giữ vững sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh công tác đấu tranh kinh tế, chính trị với địch. Cuối năm 1951 đầu năm 1952 cơ sở của ta đã có ở hầu khắp các thôn trong xã và đẩy mạnh mọi hoạt động lên một bước mới.

Trong hoàn cảnh khó khăn, đen tối công tác xây dựng Đảng vẫn được chi bộ chú ý. Trong suốt thời gian dài, tuy không có điều kiện tổ chức được đại hội, nhưng ban chi uỷ vẫn thường xuyên được củng cố. Các đảng viên vẫn sinh hoạt đều đặn, nhưng gọn nhẹ, bí mật. Lúc khó khăn gian khổ chi uỷ vẫn thường xuyên hội ý để bàn kế hoạch chỉ đạo phong trào. Trong đấu tranh gian khổ một mất, một còn với giặc nhiều đảng viên vẫn giữ được vai trò xung phong, gương mẫu. Nhiều đồng chí lăn lộn ngày đêm, bám đất, bám dân, nằm hầm, ẩn bụi để xây dựng cơ sở. Gương tận tuỵ hy sinh của đồng chí Tứ (Mộ Trạch) cùng nhiều đảng viên khác làm cho quân thù khiếp sợ (đồng chí Tứ khi bị địch bắt, chúng tra tấn hết sức dã man, nhưng đồng chí vẫn kiên quyết không khai báo cơ sở. Điên cuồng trước hành động trung kiên của đồng chí, bọn địch hèn hạ xử bắn đồng chí. Trước mũi súng quân thu, đồng chí vẫn hô to "Đả đảo đế quốc Pháp", "Hồ Chủ Tịch muôn năm"). Đồng thời đã có tác động đến tinh thần của quần chúng làm cho nhân dân càng thêm tin tưởng.

Trong công tác xây dựng Đảng, chi bộ cũng còn nhiều thiếu sót. Do công tác phát triển Đảng các năm 1948, 1949 còn chạy theo số lượng, nhẹ về chất lượng. Việc lựa chọn đối tượng để phát triển vào Đảng còn đơn thuần chỉ dựa vào mặt tích cực công tác. Nhiều người nhận thức còn thấp, trình độ còn non yếu cũng kết nạp vào Đảng. Việc tuyên truyền giáo dục chưa đến nơi đến chốn, đôi khi còn cảm tình, xuê xoa. Một số người chưa đủ tiêu chuẩn kết nạp đã kết nạp. Vì vậy khi đen tối, giặc khủng bố gay gắt, một số đã dao động, một số vin vào hoàn cảnh khó khăn tự bỏ sinh hoạt, một số cầu an, nằm im hoặc chạy dài. Tính đến cuối năm 1951 tổng số đảng viên trong chi bộ còn có 40 đồng chí.

Trong hai năm (1950-1951) Tân Hồng là một trong những xã nằm sâu trong vùng hậu địch. Đây là thời kỳ khó khăn, gian khổ và đen tối, nhất là từ giữa đến cuối năm 1951 kẻ địch đã gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất nặng nề. Dưới sự lãnh đạo của huyện uỷ trực tiếp là chi bộ Đảng, đã có nhiều chủ trương biện pháp, đúng đắn trong cuộc đấu tranh gian khổ một mất một còn này. Công tác xây dựng Đảng vẫn thường xuyên quan tâm và đi vào củng cố. Chính quyền vẫn được duy trì và hoạt động. Lực lượng vũ trang luôn luôn được giữ vững. Công tác sản xuất và bảo vệ sản xuất được ổn định. Trong bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào chi bộ cũng lãnh đạo nhân dân đấu tranh bằng mọi hình thức phong phú, sáng tạo. Trong gian khổ, hiểm nguy, trước cái chết hoặc tra tấn, tù đầy vẫn có đảng viên dũng cảm bất khuất, quần chúng vững lòng tin vào Đảng, dám đương đầu đấu tranh với kẻ thù vốn có nhiều âm mưu thâm độc, xảo quyệt. Ngoài những thắng lợi đã đạt được, trong hoàn cảnh rất khó khăn về mọi mặt, chi bộ Đảng cùng nhân dân vẫn có những đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Toàn xã đã có 32 thanh niên lên đường nhập ngũ. Góp 4.000kg lương thực, 1.350 kg thực phẩm cùng một số đóng góp khác; tất cả những kết quả trên là sự chuẩn bị cho thời gian tiếp theo đưa quần chúng vào cuộc đấu tranh mới.




tải về 2.06 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   16




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương