Earnest L. Tan SỐng hết mìNH



tải về 0.59 Mb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu13.03.2018
Kích0.59 Mb.
#36470
1   2   3   4   5

DÁM MẠO HIỂM

Tất cả điều chúng ta cần là sự can đảm để dám mạo hiểm. Mạo hiểm là bạn đồng hành của sự trưởng thành. Đây không phải là chuyện dễ. Thật vậy, chúng ta thường khiếp sợ và không dám liều. Nhưng như chúng ta thường nghe: “Có gan, làm giàu!” nếu chúng ta cứ loay hoay tính toán, cân nhắc lợi hại về mọi hành động, thì hầu chắc chúng ta sẽ không bao giờ tra tay vào làm một cái gì.

Nếu tôi ngần ngại không dám ra khỏi nhà vì cứ sợ rằng mình có thể bị xe cán, hoặc bị sét đánh, hoặc bị trấn lột…, thì tôi sẽ mãi mãi không bao giờ dám bước chân ra khỏi nhà. Không bước chân khỏi nhà, tôi có thể cảm thấy an toàn. Nhưng tôi cũng sẽ bị tước mất rất nhiều kinh nghiệm mới mẻ cần thiết để lớn lên.

Thật vậy, tôi biết một phụ nữ rất hay lo sợ, chị không bao giờ rời khỏi nhà. Tôi nói thẳng với chị ta: “Quả là nếu cứ ở trong nhà, chị sẽ thấy an toàn hơn, nhưng thế giới của chị rốt cục chỉ còn là khoảng không gian bé nhỏ trong bốn bức tường của ngôi nhà chị”.

Không mạo hiểm, tầm nhìn của bạn về thế giới sẽ rất chật hẹp. Chúng ta chỉ có thể học hỏi nhờ dám ‘xông pha trận mạc’ mà thôi.

Cũng vậy, tôi ngại không dám làm quen với người ta vì tôi sợ mình sẽ phải nếm cái kinh nghiệm bị từ khước và bị tổn thương, tôi sẽ không chủ động đi đến với ai nữa. Tôi sẽ giữ một khoảng cách an toàn. Thế nhưng, khi làm thế, tôi chắc chắn sẽ bỏ mất nhiều cơ hội để trưởng thành hơn về tâm cảm. Như Leo Buscaglia nói: “Các mối quan hệ rất cần thiết, bởi vì nếu không có các mối quan hệ, bạn sẽ cô đơn, khép kín và đánh mất chính bản ngã của mình. Và dấu hiệu tốt nhất cho biết tình trạng lành mạnh ít hay nhiều của bạn trong tư cách là con người, đó là cứ xem thử bạn có bao nhiêu các mối quan hệ vững bền, giàu ý nghĩa và sâu sắc”.

Sự chọn lựa hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta. Có những người chọn một cuộc sống cô lập và buồn chán bằng cách co rút lại trong chiếc vỏ ốc an toàn của mình. Trong khi đó, có những người chọn thái độ cởi mở hướng về người khác, ý thức rằng sự tổn thương là một phần tất yếu của tiến trình lớn lên. Họ không cho phép nỗi sợ bị thương tổn trở thành yếu tố duy nhất quyết định cung cách ứng xử của họ.

Nếu mạo hiểm là điều tất yếu để có thể đầu tư chính mình, thì chúng ta không thể mạo hiểm. Tuy nhiên, chúng ta phải biết biện phân giữa một rủi ro thực tế và một rủi ro không thực tế. Thật không khôn ngoan chút nào nếu chúng ta đưa đầu vào khi biết rằng đầu mình sẽ bị chặt. Trong khi chấp nhận mạo hiểm, chúng ta cần luôn luôn cân nhắc: Phải chăng sự mạo hiểm này phù hợp hoàn toàn với mẫu người mà tôi phác họa cho tôi? Có đáng chịu những hệ lụy rắc rối có thể xảy ra hay không? Tôi đã chuẩn bị để đón nhận những hậu quả của một sự mạo hiểm như thế này chưa? Nếu có thể trả lời “Có” cho các câu hỏi ấy, thì chúng ta có thể yên tâm mà mạo hiểm.

Trong quyển “Dám Liều” của ông David Viscott đã cô đọng những điều vừa nói như sau: “Việc bạn chấp nhận mạo hiểm sẽ tùy thuộc vào mẫu người mà bạn phác họa cho bạn. Nếu bạn đi trong cuộc đời mà không có một lý tưởng nào, thì hầu như không một sự mạo hiểm nào có thể đem lại cho bạn niềm vui bền vững. Những mạo hiểm đáng chấp nhận là những mạo hiểm có thể giúp bạn tạo lập một cuộc đời tốt nhất cho chính bạn” và ông kết thúc bằng ghi nhận sâu sắc này: “Đàng sau mọi sự mạo hiểm đều có một cuộc đời đáng mạo hiểm để đổi lấy”.

Mọi sự mạo hiểm đều phải có mục đích và có định hướng. Chúng ta không mạo hiểm chỉ vì mạo hiểm. Chúng ta cũng không mạo hiểm chỉ vì ‘hứng bất tử’. Chúng ta mạo hiểm bởi vì chúng ta biết rằng sự mạo hiểm này sẽ dẫn chúng ta đến chỗ sống hết mình.

Tôi đã nhiều lần mạo hiểm trong đời tôi. Nhưng tôi ý thức rằng mình còn phải mạo hiểm thêm nhiều nữa, nếu tôi muốn trở thành con người mà Chúa muốn tôi trở thành. Con đường Ngài chỉ cho chúng ta, đó là tiêu diệt hết mọi sự sợ hãi nơi ta, vì kẻ thù số một không cho phép chúng ta mạo hiểm và sống hết mình chính là nỗi sợ. Sự sợ hãi kìm hãm chúng ta, lảm ta không thể kinh nghiệm đầy đủ thế nào là sống và yêu thương. Bao lâu chưa giũ bỏ được sự sợ hãi, chúng ta sẽ vẫn còn chôn chân ì một chỗ. Gerald Jampolsky đã viết một quyển sách về sự bình an trong tâm hồn – và thật ý nghĩa khi quyển sách ấy có tựa đề là: “Love is letting go of fear!” (Yêu là xua đi nỗi sợ!).

Chúng ta thử nhìn lại xem ta đã sợ hãi đến mức nào trong cuộc sống mình. Biết bao cơ hội có thể giúp mình lớn lên mà ta đã tự tước mất khỏi mình cũng chỉ vì sợ hãi. Hãy hình dung, đời sống chúng ta rất có thể đã khác biết bao nếu sự sợ hãi đã không đắp mô cản lối ta đi.

Chúng ta phải nhổ rễ sự sợ hãi. Và chúng ta có thể cầm cương được nó nếu như chúng ta có niềm tin vào chính mình, vào người khác, và vào Thiên Chúa. Nếu tất cả chúng ta đều cảm thấy sâu xa rằng con người nội tâm của mình cắm rễ trong sự thiện; rằng mọi người mà ta gặp gỡ cũng thế; và rằng chúng ta được thúc đẩy bởi cùng một tinh thần trên cao; thì lúc ấy mọi sự sợ hãi sẽ biến mất.

Nếu tôi quay lại với người bên cạnh mình và nhận thức sâu sắc rằng anh ta cũng lo bị khước từ như tôi vậy; rằng cô ta cần sự nhìn nhận không kém tôi, rằng giữ tôi và anh ta/ cô ta cùng chia sẻ một tinh thần chung, dù chủng tộc hay văn hóa của chúng tôi khác nhau thế nào đi nữa; thì chúng tôi có thể vượt qua sự sợ hãi và bước tới để gặp gỡ nhau.



CÓ NHỮNG CON NGƯỜI ĐƯỢC BAN TẶNG CHO TA

Nhiều sự mạo hiểm mà tôi đảm nhận trong đời đã trở nên dễ dàng hơn nhờ có những con người nêu gương cho tôi trong niềm tin vào chính mình, vào người khác, và vào Thiên Chúa. Tôi nhớ lại Jun, người bạn thân nhất của tôi hồi ở trung học. Tôi luôn luôn ngưỡng mộ anh vì tính cách thoải mái và tự tin của anh trong giao tiếp với người khác, nhất là với những người có chức trách. Tôi đã trở thành như chiếc bóng của anh suốt thời trung học và sang tận những năm đầu đại học. Anh giúp tôi biết dám liều biết chui ra khỏi vỏ ốc của mình, biết nhìn thẳng vào mắt người khác, và không mặc cảm chút nào về bản thân mình.

Tôi cũng không thể quên Cha Francis, vị hướng dẫn của tôi hổi ở trung học. Ngài mở ra cho tôi một giấc mơ bằng cách chia sẻ giấc mơ của chính ngài. Nơi ngài tôi nhìn thấy được sự cam đảm để đi theo một con đường mà tôi vốn không bao giờ nghĩ rằng mình có thể đi. Cho tới lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến ngành hội họa, vì cảm thấy đó là khả năng duy nhất cho những con người nhút nhát và hướng nội như tôi. Nhưng Francis đã mở toanh cánh cửa. Tôi đã chọn ngành tâm lý, vì muốn theo điều tâm niệm của ngài là trở thành “nhịp cầu”. Thế là tôi đã trở nên hướng ngoại và cởi mở nhiều hơn.

Tôi cũng phải ghi nhớ đến Belen, người luôn luôn tin vào tôi khi mà tôi hầu như không chút tự tin vào chính mình. Tôi luôn luôn gọi cô là “giám đốc tiếp thị” đầu tiên của mình. Bằng cách thường xuyên đẩy tôi ra trước ‘sân khấu’, cô bắt tôi phải tin rằng mình có rất nhiều năng giấu ẩn bên trong. Cô cho phép tôi ‘tỏa sáng’ trong khi cô đứng nép lại trong ‘hậu trường’. Cô là một khí cụ giúp tôi tìm được sự tự tin để điều khiển những cuộc hội nghị và hội thảo.

Khi chúng ta có những con người như Jun, như Cha Francis, và như Belen, những người thoải mái tín nhiệm và chấp nhận chúng ta, thì sự sợ hãi nơi ta sẽ vơi đi. Chúng ta sẽ tìm thấy sự can đảm cần thiết để dám mạo hiểm và đầu tư chính mình. Những con người ấy quả là những ân huệ đặc biệt. Tôi hy vọng trong cuộc sống chúng ta, chúng ta sẽ tiếp tục gặp được những con người như thế.

Nói tắt, như trong dụ ngôn cây vả cằn cõi, chúng ta đừng như cây vả ấy, sau ba năm vẫn cứ cõi cằn – cuối cùng, bị chặt xuống và trốc rễ lên. Hay tệ hơn, chúng ta bị nguyền rủa và chết khô. Trái lại, chúng ta hãy xin Chúa cho ta thêm thời gian, thêm cơ hội, thêm phân bón (là những con người hiện thân của ân huệ) – để có thể bắt đầu và tiếp tục phát triển. Chúng ta hãy dám mạo hiểm hơn, vượt qua nỗi sợ nơi mình, và đầu tư cuộc đời chúng ta vào tình yêu và sự sống. Vì nếu hạt lúa mì không rơi xuống đất và không thối đi, nó sẽ không thể nào sinh bông hạt!



CHƯƠNG BA

HÃY MỞ RA



(Điều kiện 3: cởi mở)


Bước vào mỗi ngày mới và đón nhận sự mới mẻ của nó, đó là một quà tặng của cuộc sống. Nếu không cởi mở đón nhận như vậy thì đấy là khước từ chính sự sống.

“Hãy cởi mở! Thật vậy sao? Bạn muốn nói rằng tôi phải chia sẻ những điều thầm kín của tôi cho người khác à? Lỡ họ phản bội thì sao?” người ta rất thường phản ứng như vậy mỗi khi tôi nhấn mạnh rằng cởi mở là một yếu tố cần thiết để lớn lên và thay đổi. Dĩ nhiên, họ đang phản ứng lại ý niệm thông thường về sự cởi mở - hiểu rằng cởi mở là sự chia sẻ một cách không hạn chế mọi ý nghĩ và tâm trạng của mình cho người khác. Ngoài ý nghĩa trên, cón có hai hình thức khác nữa về sự cởi mở. Dù sao, trong chương này, chúng ta sẽ khám phá cả ba loại.Đó là: cởi mở qua việc chia sẻ chính mình; cởi mở chống lại những miếng da che mắt ngựa; và cởi mở để mở rộng mình ra.



CỞI MỞ BẰNG CÁCH CHIA SẺ CHÍNH MÌNH

Khi nói “cởi mở”, chúng ta ngay lập tức liên tưởng đến việc chính mình chia sẻ cho người khác. Đây láy nghĩa thông thường của cởi mở. Nói cách khác, ở đây cởi mở được hiểu là “việc tự ý bộc bạch về mình” hay “khả năng chia sẻ một số thông tin riêng tư cách tự nhiên thoải mái, nhất là về chính mình, cho người khác”.

Hình thức cởi mở này làm nhiều người trong chúng ta khiếp sợ. Chúng ta cởi mở như vậy, nhưng dường như để rồi cuối cùng phải nếm mùi đau khổ. Chúng ta san sẻ con người thầm kín nhất của mình cho người khác chỉ để rồi khám phá ra rằng những gì mình chia sẻ ấy đã được sử dụng để chống lại mình. Bị phản bội và cay đắng, chúng ta thề sẽ không bao giờ lặp lại điều đó nữa. Thay vào đó, chúng ta quyết định thu mình lại trong vỏ ốc của mình cho được an toàn. Sự mạo hiểm bắt ta phải trả giá đắt quá!

Tôi đã gặp rất nhiều người đóng khung nhốt kín chính mình. Khi tôi mời họ thử cởi mở một lần nữa, họ cảm thấy kinh sợ. Những nỗi sợ hải của họ lại hiện lên, dường như có một chiếc máy báo động ‘automatic’ bên trong họ bảo rằng khả năng bị tổn thương sẽ lại xảy đến y như cũ. Họ quyết cự tuyệt.

Trước tình huống đó, tôi bảo đảm với họ rằng sự cởi mở - như chúng ta định nghĩa – là một cái gì có tính tự nguyện. Không ai bị ép buộc cởi mở. Nhưng vì cởi mở là điều kiện tất yếu cho dự lành mạnh tâm lý và tâm linh của chúng ta, nên tôi đang muốn khích lệ họ mà thôi.

Tất cả chúng ta đều cần được lắng nghe và, nhất là, được hiểu. Bao lâu chúng ta chưa dám liều để chia sẻ bản ngã thâm sâu của mình và được nhận bởi một ai đó khác, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc củng cố con người nội tâm của mình. Chúng ta sẽ không được tự do để thể hiện tính cách của mình, thể hiện mình là gì và mình không là gì. Chúng ta sẽ không thể là mình trước mặt người khác. Và chúng ta trở nên cô đơn. “Người cô đơn bởi vì họ xây những bức tường thay vì những cây cầu!”.

Pepe (không phải tên thật của anh ta) tham dự khóa hội thảo 7 ngày của chúng tôi. Tôi nào Pepe cũng xin gặp và nói chuyện với tôi một lát. Yêu cầu của anh nghe rất khẩn thiết. Nhung khi gặp tôi, anh nói huyên thiên những chuyện linh tinh không đâu vào đâu cả. Anh làm tôi có ấn tượng rằng anh không có đủ cam đảm để nói với tôi về điều đang gây bận tâm cho anh. Sự việc cứ thế tiếp tục diễn ra trong sáu buổi tối. Mỗi lần tôi muốn đặt thẳng vấn đề với anh, anh luôn luôn lảng tránh.

Vào buổi tối thứ sáu, tôi thở dài và nói: “Này Pepe, mình thật sự trân trọng sự chia sẻ của cậu trong cả tuần qua. Tuy nhiên, mình cảm thấy chắc hẳn còn rất nhiều điều mà cậu chưa đề cập đến. Mình băn khoăn vì ngày mai mình phải đi Minila rồi. Mình không biết có ai ở đây để cậu tiếp tục chia sẻ với hay không?”.

Không chút lưỡng lự, Pepe lắc đầu. Tôi tiếp tục thúc giục anh ta thêm nữa. “Hãy nghĩ kỹ đi, Pepe. Chắc chắn phải có ai đó mà cậu có thể tiếp cận và trang trải tâm sự một cách dễ dàng”.

Một lần nữa, Pepe lại lắc đầu và thú nhận: “Tôi đã thử, nhưng mọi người chỉ lên lớp cho tôi mà thôi. Họ không thật sự lắng nghe tôi”. Rồi, nhìn vào mắt anh ta, tôi nhận thấy một tâm hồn cô đơn khủng khiếp đang bức thiết cần được tiếp xúc và được lắng nghe. Tôi khích lệ anh ta tiếp tục tìm kiếm một ai đó, đồng thời tôi cũng đề nghị anh tiếp tục liên lạc với tôi bằng thư từ.

Thế là thỉnh thoảng Pepe viết thư cho tôi. Sau một năm, tôi có dịp gặp lại anh. Lần này, anh có đủ cam đảm để vén mở mọi sự cho tôi. Tôi chăm chú lắng nghe anh, ý thức rằng mình đang được anh đặc biệt tin tưởng để phơi trần tất cả tâm hồn anh. Trong khi tập trung lắng nghe câu chuyện của Pepe, tôi nhận ra rằng câu chuyện của anh không chỉ là câu chuyện của một mình anh. Đó cũng là câu chuyện của tôi nữa. Nhớ lại, đã bao lần tôi thường ngụy biện rằng vì cuộc đời của mỗi người mỗi khác, nên mình không thể đồng cảm được với bất cứ ai!

Sau khi Pepe thở dài, nhẹ nhõm vì cuối cùng thì anh đã trút được gánh nặng đè nén bấy lâu nay, tôi khích lệ anh ta: “Pepe, không sao đâu. Cậu không chiến đấu một mình đâu. Cậu không cần phải một mình vác lấy gánh nặng này”.

Giống như Pepe, chúng ta sợ không dám mạo hiểm để cởi mở. Chỉ khi cảm thấy tin nhiệm thì việc mạo hiểm cởi mở mới trở nên dễ dàng. Khi một người khác cho chúng ta thấy rằng họ đáng tin cậy – không chỉ bằng lời nói, mà nhất là bằng hành động - chúng ta sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc tự nguyện bộc bạch chính mình. Rất tiếc là sự thất tín – chứ không phải sự tín nhiệm – đang tràn lan trong xã hội chúng ta hôm nay.

Chúng ta nghe nhiều cha mẹ nói rằng họ thích con cái mình cởi mở trong gia đình. Nhưng khi con cái họ chớm có dấu hiệu cố gắng diễn tả những quan điểm nào đó, chúng lập tức quở trách và bị ‘tắt đài’. “Đừng cãi! Mày biết là mày đang nói chuyện với ai chứ? Mày chỉ là một đứa con nít”, hay “Chúng mày biết không, con nhà gia giáo thì không bao giờ cãi lại bố mẹ(cho dù chúng nó có lý)”.

Chúng ta cũng thấy nhiều thầy cô giáo khích lệ sự cởi mở trong lớp học. Nhưng khi một học sinh công khai phát biểu những cảm nghĩ tiêu cực của mình, học sinh ấy lập tức bị đuổi ra khỏi lớp: “Mời em lên gặp hiệu trưởng”.

Hoặc chúng ta cũng có thể nghe một ông chủ việc kêu gọi rằng các công nhân nên góp ý về tình hình công ty. Nhưng khi một công nhân nào đó – trong tình hình xây dựng – dám nêu ra một số phê bình tiêu cực, lập tức công nhân ấy sẽ bị hạ tầng công tác vào năm cuối.

“Thế thì, tại sao ta phải mạo hiểm khi mà cứ đóng kín mọi sự nơi chính mình thì sẽ an toàn hơn?” – đây là thái độ thường được nhận thấy trong xã hội của chúng ta. Thật vậy, bao lâu chúng ta chưa có đủ những kinh nghiệm tích cực về sự tín nhiệm, thì bấy lâu sự cởi mở vẫn còn là một lý tưởng xa vời.

Tôi buồn cười khi nghe chị kia nói: “Ồ được, tôi sẽ cởi mở với điều kiện anh ta cởi mở với tôi trước”. Và anh nọ cũng trả lời tương tự: “Được chứ, tôi sẽ cởi mở nếu cô ấy bắt đầu trước” thế là hai người chờ nhau, người này chờ người kia khởi động, không ai dám đi bước tiên phong.

Chúng ta phải bắt đầu, cách này hay cách khác. Hoặc chúng ta giúp thêm cho nhiều người biết cởi mở bằng cách cho thấy rằng chúng ta là người đáng tin cậy, hoặc chúng ta tiên phong đi bước trước trong việc cởi mở chính mình. Sự cởi mở sẽ làm phát sinh sự cởi mở. Chúng ta phải dám làm người tiên phong.

Chính tôi cũng từng nếm cảm kinh nghiệm bị thương tổn do việc cởi mở. Khi một trong những người bạn (mà tôi tín nhiệm nhiều năm) bất ngờ bội phản tôi qua việc sử dụng những chia sẻ của tôi để bôi bác tôi, tôi tự nhủ: “Chừng đó đủ tởn tới già; mình sẽ không bao bộc bạch tâm sự với ai nữa” rồi giống như bao người khác, tôi co lại và phòng thủ.

Rất may là những người bạn khác nhận ra thái độ ‘xây lô cốt’ ấy nơi tôi, và họ cố gắng tiếp cận tôi. Họ nói: “Chỉ một người phản bội cậu, mà sao cậu lại trả đũa tất cả bọn mình?”

Lời chất vấn đó làm tôi tỉnh ngộ. Đúng vậy. Khi bạn bị một người làm tổn thương, bạn dễ có khuynh hướng nghi ngờ hết mọi người khác. Nhưng nếu do bởi chỉ một người mà tôi ngừng tín nhiệm hết mọi người, thì ai thua trong cuộc chơi này đây? Chắc chắn đó không phải là người đã phản bội tôi. Chính tôi mới là người thua lỗ.

Tôi phải tiếp tục tín nhiệm người ta. Một người thất tín với tôi, điều đó dạy tôi phải biết cân nhắc và cẩn thẩn hơn. Tôi cần phải biết phân định khi nào tôi nên cởi mở và khi nào thì không nên. Nhưng chúng ta không nên tuyệt đối bế quan tỏi cảng.

Bạn hãy tự hỏi: Trong cuộc sống mình, mình có được ít nhất ba hay bốn người để có thể chia sẻ mọi sự một cách thoải mái không? Mình có thể chia sẻ những nỗi sợ, những thương tổn và những điểm yếu của mình cũng như cách tự nhiên không kém chi khi chia sẻ các niềm vui, những thành tựu với một người khác không? Mình có luôn luôn ở trong tư thế cởi mở và sẵn sàng bộc bạch chính mình cho người khác không?

Nếu câu trả lời của bạn là “Không”, thì có lẽ đã đến lúc bạn cần quan tâm nhiều hơn đến hình thức cởi mở này.

NHỮNG MIẾNG DA CHE MẮT NGỰA

Nhìn một con ngựa kéo xe, chúng ta có thể thấy rằng nhãn giới của con ngựa bị giới hạn rất nhiều bởi hai miếng da che mắt nó. Xét một phương diện, miếng da che mắt ấy phục vụ cho mục đích giữ con ngựa khỏi bị quấy rối. Nhưng đồng thời nó cũng tước mất khỏi con ngựa khả năng nhìn thấy các thực tại chung quanh. Tương tự như những miếng da che mắt ngựa, tất cả chúng ta đều có những tâm cảnh về chính mình, về người khác, về thế giới, về Thiên Chúa. Chúng ta có những tâm cảnh – những cảm nhận, những quan điểm, những thái độ - về hầu như mọi sự. Và cũng giống như những miếng da che mắt ngựa, nếu chúng ta không cẩn thận, tâm cảnh của chúng ta có thể che mắt mình, không cho phép mình nhìn thấy những thực tại mới và tước khỏi mình khả năng học hỏi thêm.

Vì thế, chúng ta cần thực hành một hình thức thứ hai của sự cởi mở. Chúng tôi gọi sự cởi mở này là “khả năng đập vỡ tâm cảnh đang tồn tại của mình và cho phép ta kinh nghiệm mọi điều mới, để đạt được những hiểu biết mới, để học lại những điều vốn đã quên, và để đào thải những nhận hiểu sai lầm”.

Có một anh chàng đến tham dự từ đầu đến cuối một khóa hội thảo, nhưng chỉ lắng nghe một cách nửa vời – bởi vì ngay từ đầu anh ta cho rằng đề tài đang được thảo luận không mới mẻ gì đối với anh. Anh giữ thái độ này trong suốt khóa, thậm chí anh còn tỏ ra cho thấy rằng mình rất am hiểu. Cuối cùng, anh ta về nhà, mang theo với mình những gì mình đã biết, chẳng được gì thêm. Cũng chẳng có gì thay đổi.

Đàng khác, có một phụ nữ tham dự cùng khóa hội thảo ấy. Đó là lần thứ hai chị nghe tôi thuyết trình. Vì thế, tôi đến gặp chị và nói nhỏ: “Chị không cần tham dự khóa này nữa. Nói chung, những điều mà chúng ta sẽ thảo luận ở đây cũng giống như những gì chúng ta đã làm hồi năm ngoái”.

Nhưng chị trả lời: “Ồ, tôi nghĩ việc mình tham dự lại một lần nữa là điều rất tốt. Tôi sẽ có thể thu nhặt được điều gì đó mới mẻ, hoặc tôi cũng có thể ôn lại những gì mình đã học hỏi được”.

Sau một buổi thảo luận, tôi tò mò muốn biết lần này chị nhận định thế nào về bài thuyết trình của tôi. Và chị đã trả lời như sau: “Năm ngoái, khi tôi nghe anh nói, tôi không thể không bật khóc bởi vì anh thường xuyên khơi lại nỗi đau của tôi. Năm nay, tôi nhận ra rằng mình không bị đau như thế nữa. Có lẽ, tôi đã chữa lành mỗi đau của mình rồi, và tôi đã trở nên mạnh mẽ hơn. Và hôm nay, chỉ chừng ấy cũng đã đủ lý do để tôi vui mừng rồi”.

Bạn hãy ghi nhận điều kỳ diệu nơi người phụ nữ này khi chị luôn sẵn sàng tiếp tục lớn lên và học hỏi bằng sự cởi mở của chị. Bởi vì chị cởi mở, kinh nghiệm đều là một cơ hội mới cho chị lớn lên. Đây đúng là thái độ mà chúng ta cần phải có. Nếu ta không cởi mở, tâm cảnh của mình có thể tước mất của mình mọi kinh nghiệm mới và mọi nhận thức mới gắn liền với các kinh nghiệm ấy.

Tôi có một kinh nghiệm thú vị về những miếng da che mắt ngựa. Cậu chuyện có liên quan tới một viên giám thị ở trường nơi tôi làm việc. Ở đây chúng ta sẽ gọi anh ta là Bill. Khi lần đầu tiên tôi đảm nhận tư cách một nhà hướng dẫn tư vấn, tôi nghe vô số những lời phàn nàn về anh ta. Bill không được ưa thích lắm đối với các học viên, cũng không chiếm được nhiều tình cảm của các giảng viên và các vị quản lý. Vai trò của anh tat trong tư cách một giám thị càng làm tai tiếng của anh ta thêm tệ hại.

Trong khi tôi ghi nhận những lời phàn nản về Bill, tôi cố thận trọng để không bị ảnh hưởng bởi thành kiến của mọi người. vả lại, tôi là một nhà tư vấn và tôi dạy về sự cởi mở - nên tôi quyết định rằng mình phải đích thân gặp anh ta và tự mình tìm hiểu.

Sau một thời gian, tôi có cơ hội làm việc với Bill. Tôi bắt đầu cảm thấy rằng mọi người đã phàn nàn đúng. Tôi cũng không thích anh ta. Anh ta quả là một người mà bạn sẽ khó chịu đựng. Tuy nhiên, tôi cố duy trì một thế đứng chuyên môn trong mối quan hệ với anh.

Có một lần, tôi tình cờ gặp một người quen cũ và té ra là bạn chí cốt của Bill. Họ gọi nhau như thể bởi vì họ đã có một mối gắn bó sâu xa hơn cả quan hệ ruột thịt. Khi người bạn ấy khám phá ra rằng tôi đang làm việc với Bill, anh cười thật tươi và hỏi về Bill.

“Cậu có chắc là chúng ta đang nói về cùng một người không đấy?” tôi hỏi. Ở trường, không ai mỉm cười khi nhắc đến tên của Bill. Đa số người ta sẽ bĩu môi và lắc đầu.

Sau khi người bạn tôi mô tả Bill một cách chi tiết, tôi hiểu rằng đúng là anh ta đang nói về Bill – chí có điều là tâm cảnh của anh ta về Bill khác xa với tâm cảnh của chúng ta. Rồi, bạn tôi chia sẻ thêm những thông tin đầy bất ngờ về Bill. Lắng nghe anh bạn này nói chuyện, tôi chợt nhận ra mình biết về Bill quá ít, mình đã đánh giá về Bill quá vội vàng. Giống như một con ngựa phải đeo hai miếng da che mắt, tôi đã cho rằng sự hiểu biết ít ỏi của mình về Bill chính là toàn bộ sự thực về anh ta. Và tôi tự cảm thấy xấu hổ.

Tôi càng giật mình hơn nữa khi người bạn ấy nói: “Cậu có biết rằng Bill là một con người rất nghệ sĩ không?” thú thật, tôi chưa bao giờ biết về khía cạnh ấy nơi Bill. Vai trò của anh ta ở trường có lẽ đã không cho anh ta nhiều cơ hội để bộc bạch tính cách này. Chính tôi cũng là một nghệ sĩ bất đắc chí, vì thế tôi có thể cùng chia sẻ một điểm chung với anh ta trong lãnh vực này.

Khi trở lại trường, tôi nhìn thấy Bill từ đàng xa. Tôi đánh liều tiến đến chỗ anh ta và gợi chuyện về đề tài nghệ thuật. Thật bất ngờ, tôi cảm thấy rất thú vị khi nói chuyện với anh ta về nghệ thuật. Tuy nhiên, tôi phải chấp nhận rằng chúng tôi cũng vẫn không nhất trí nhiều điều khi đề cập đến công việc mà chúng tôi đang đảm nhận. Dù sao, cảm nghĩ của tôi về Bill đã thay đổi – bởi vì tâm cảnh của tôi về anh ta đã thay đổi. Giờ đây, tôi không chỉ nhìn thấy tất cả những điểm tiêu cực nơi Bill, mà tôi đang ngày càng ý thức hơn về những điểm tích cực của anh ta nữa. Điều này làm cho tôi dễ dàng liên hệ với Bill một cách khách quan hơn.

Tôi rất tiếc vì những người khác không có được cùng cảm nghiệm như tôi về Bill. Khi anh ta nghỉ việc, mọi người thở phào vui mừng. Tôi cũng cảm thấy vui mừng – nhưng với một lý do khác hẳn. Tôi âm thầm mừng cho anh ta. Tôi nghĩ, nếu mọi người đã đóng hộp anh ta vào một thành kiến cứng nhắc thì anh ta không có cơ hội để được nhận biết đúng như sự thật của anh – và như vậy tốt nhất là anh ta nên tìm một chỗ làm khác để có thể làm lại từ đầu. Ít nhất ở chỗ mới, anh ta sẽ có cơ hội tốt hơn để thể hiện lại chính mình và bộc lộ rõ về mình hơn.

Cũng vậy, tôi đã lớn lên với tâm cảnh rằng để trở thành một Kitô hữu ích, tôi phải luôn luôn cho đi. Tôi thường xuyên được dạy rằng “cho thì tốt hơn là nhận”.

Thế là, tôi đi vào nghề tư vấn, một nghề nghiệp có tính cách cho đi. Tôi nói “vâng” với mọi người, và nếu có lúc nào tôi phải nói “không”. Tôi dấn mình vào mọi vấn đề của mọi người, một cách tối đa có thể.

Cho tới một lần, tôi cảm thấy mình bị quá tải. nụ cười của tôi trở thành gượng gạo và tôi mất nhiệt tình. Nhưng tôi cứ tiếp tục cho đi, vì tôi muốn trở thành một Kitô hữu tốt. Nhưng rồi, trong một cuộc tĩnh tâm, tôi bỗng nhận ra rằng không phải hễ mình không cho đi thì đích thị là mình đang ích kỷ hay mình không tốt. Việc đón nhận, nhất là đón nhận để đáp ứng một số nhu cầu cá nhân của mình, cũng là điều rất quan trọng trong sự quân bình tâm lý – và rõ ràng là việc đón nhận như vậy không nhất thiết là một hành động ích kỷ. Trong khi phục vụ, chúng ta cũng cần phải biết nghỉ ngơi – như điều kiện để có thể làm việc với hiệu năng nhiều hơn.

Sự thay đổi ấy trong tâm cảnh của mình đã làm cho tôi thoải mái hơn và thực tiễn hơn. Đôi khi tôi phải học biết nói “Không” và nhìn nhận những giới hạn của mình. Kết quả là, công việc phục vụ của tôi trở thành có ý nghĩa hơn và bớt đi tính gánh nặng của nó.

Việc xóa bỏ một tâm cảnh cố hữu, của bạn hay của một người khác, dĩ nhiên là một việc không dễ dàng chút nào. Tuy vậy, một thái độ sẵn sàng cởi mở sẽ làm cho điều đó trở thành dễ dàng hơn. Vì thế, chúng ta cần xét lại, xem mình đã có được thái độ cởi mở ấy chưa. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể cho phép cuộc sống mình thay đổi và mới có thể cho phép mình lớn lên. Một nữ giảng viên giáo lý lần nọ đã chia sẻ với tôi: “Chồng tôi đã tử chối đi nhà thờ kể từ khi Công Đồng Vatican II qui định linh mục quay mặt về phía cộng đoàn và dâng lễ bằng tiếng bản xứ” tôi rất buồn vì chồng chị ấy thiếu khả năng thích nghi với sự thay đổi. Bước vào mỗi ngày mới và đón nhận sự mới mẻ của nó, đó là một quà tặng của cuộc sống. Nếu không cởi mở đón nhận như vậy thì đấy là khước từ chính sự sống,



CỞI MỞ ĐỂ VƯƠN RA

John Powell, trong quyển Vision Therapy của ông, đã giới thiệu cho chúng ta ý niệm vươn ra “stretching”. Ông nói rằng tất cả chúng ta đều hiện có những ý niệm nào đó về chính mình và về những khả năng của mình. Những gì mà chúng ta nghĩ rằng thuộc khả năng của mình sẽ lập nên “vùng dễ chịu” của chúng ta. Vùng dễ chịu này sẽ định giới hạn cho các hành động của chúng ta. Chúng ta ít khi dám liều vượt qua các vành đai của vùng này. Như vậy, vươn ra có nghĩa là “nới rộng nhận thức của mình về tiềm năng của bản thân mình”. Chúng ta càng tự buộc mình làm một cái gì đó – miễn là điều đó đúng hoặc có lý – và dám từ bỏ vùng dễ chịu của mình, thì chúng ta càng khám phá ra các tiềm năng nơi mình.

Đây chính là hình thức thứ ba của sự cởi mở. Chúng ta phải có cái “khả năng dám mạo hiểm một mức nào đó, nhất là dám liều đi ra khỏi vùng dễ chịu của mình để vươn ra và giải phóng các tiềm năng nơi mình”.

Chẳng hạn, tôi có thể nhìn nhận rằng tôi có thể ca hát, nhưng chỉ ca hát trong …phòng tắm thôi! Đó là vùng dễ chịu của tôi. Yêu cầu tôi hát trước công chúng là một điều vượt quá sức tôi và chỉ tổ khiến tôi sượng đỏ mặt. Bạn biết đó, tôi hát có đúng cung nhịp gì đâu! Nhưng như John Powell đề nghị, tôi có thể tự gây áp lực cho mình và khám phá ra rằng mình hát cũng không đến nỗi…Dĩ nhiên tôi không cho rằng mình hát hay như ca sĩ, nhưng dù sao cũng không là quá tệ. Vì thế, khi tôi thực sự vươn ra trong lãnh vực này, dù chỉ là hát một bài ca sinh hoạt đơn giản để ‘làm nóng’ vào đầu giờ hội thảo, thì tôi cũng nhận thấy rằng mình hát không tệ như mình tưởng. Tôi có thể làm nếu tôi muốn làm. Và với việc thực hành, cái không dễ chịu sẽ biến mất.

Những người thành công trong lãnh vực của họ sẽ nhìn nhận rằng họ đạt được thành công là nhờ ở chỗ họ sẵn sàng vươn ra. Các tiềm năng của họ khôg tự động phát triển. Chúng phát triển xuyên qua quá trình khó khăn của sự trau dồi và định hình, dành rằng đó cũng là một quá trình đầy căng thẳng và không thiếu những thất bại.

Tính rụt rè nơi tôi rất có thể làm chết cứng tiềm năng ăn nói trước công chúng của tôi. Nhưng tôi đã vươn ra bằng cách chấp nhận những lời mời. Đầu tiên, việc vươn ra như vậy đã làm cho tôi phải nhiều đêm mất ngủ và thường xuyên suýt ‘đái trong quần’. Đứng trước cử tọa, tôi cảm thấy như bên trong mình có một ‘cuộc nội chiến’. Bên ngoài thì tôi làm ra vẻ như bình tĩnh lắm, nhưng bên trong là cả một sự căng thẳng ghê gớm. Nhưng khi tiếp tục thực hành như vậy, tôi có được sự tự tin nhiều hơn. Dần dần, tôi khám phá ra mình ngày càng có khả năng ăn nói hơn.

Nói tóm lại là phải có cam đảm để thử. Như thầy giáo dạy toán của tôi ở trường trung học thường nói mỗi khi thầy nhìn thấy cả đám học trò chịu đầu hàng trước một bài toán hình học đại số: “Các em phải cố đi cố lại mãi, không phải cho đến khi thành công , nhưng là cho đến chết mới thôi” nghĩa là, chúng ta phải cam đảm để mạo hiểm trong suốt cả đời.

Dĩ nhiên sự vươn ra cũng phải ở trong mức độ hợp lý. Một số tiềm năng sẽ đòi ta phải thực hành nhiều hơn những tiềm năng khác. Chẳng hạn, về chuyện ca hát của tôi – tôi sẽ không điên khùng để nghĩ đến việc biểu diễn trong các buổi hòa nhạc. Trong thực tế, tôi chỉ có thể đi xa đến mức ca hát sơ sơ để khởi động đầu giờ sinh hoạt. Tôi chấp nhận rằng mình vẫn còn hát trật nhịp khá thường xuyên. Nhưng tôi không nói rằng mình hoàn toàn bất lực. Tôi biết tôi có thể hát khá tốt nếu tôi có điều kiện luyện giọng.

Có nhiều lãnh vực chúng ta có thể vươn ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính đến quyền lợi và trách nhiệm của mình để biết lựa chọn những lãnh vực phù hợp và thực tiễn. Như một linh mục bạn tôi nói: “Một chiếc xe có thắng tốt hơn nhiều so với một chiếc xe không thắng” chúng ta cần bảo vệ chính mình ngay cả khi chúng ta vươn ra. Anh bạn ấy muốn nhắc tôi: “Việc hành sử tự do mà không có một sự kìm chế nào sẽ là điều nguy hiểm chết người”.

Nhưng sự cẩn trọng không hề ngăn cản chúng ta vươn ra. Chúng ta phải tiếp tục cởi mở để vươn rộng tiềm năng của chúng ra. Mức độ phát triển trong các tiềm năng của chúng ta sẽ là máy đo mức độ cởi mở mà ta có được.

Mói tắt, chương này có thể đúc kết nơi hai tiếng “VƯƠN RA” vươn ra qua việc cởi mở chính mình với người khác; vươn ra bằng cách mỗi ngày mỗi đẩy lùi “miếng da che mắt ngựa” xa thêm một chút; và vươn ra để giải phóng các tiềm năng của chúng ta.

Chương Bốn

DỐI TRÁ! DỐI TRÁ!

AI AI CŨNG DỐI TRÁ!

(Điều kiện 4: phải thành thực)

Những mặt nạ chúng ta mang thường

không phản ảnh đúng con người thực

của chúng ta. Nhưng vì chúng ta sợ sự

thực về chính mình, nên chúng ta sử



dụng các mặt nạ để che chắn.

Hồi năm 1951, bộ phim “Rashomon” của đạo diễn Nhật Akira Kurosawa đã kết cấu một câu chuyện liên quan đến các tình tiết cưỡng hiếp, gây án mạng và lừa dối. Khi bốn nhân vật dính líu đến vụ việc được đưa ra trước tòa án để cung khai, mỗi người trong họ đã tường thuật một câu chuyện khác hẳn. Sự thật bị bóp méo đến nỗi một quan sát viên bực mình, hét lên: “Dối trá! Dối trá! Các người dối trá để tự lừa gạt chính mình!”.

Điều chúng ta ghi nhận qua bộ phim ấy là sự thể hiện của bản tính con người. Việc chúng ta mang mặt nạ là điều tự nhiên, để đánh lừa không chỉ người khác mà nhất là đánh lừa chính mình. Những mặt nạ chúng ta mang thường khôg phản ảnh đúng con người thực của chúng ta. Nhưng vì chúng ta sợ sự thực về mình, nên chúng ta dùng các mặt nạ để che chắn. Các mặt nạ bảo vệ chúng ta, đề phòng người khác nhìn thấy những sự thật mà chính chúng ta không thể chấp nhận và không dàn xếp ổn thỏa được.


Каталог: uploads
uploads -> -
uploads -> 1. Most doctors and nurses have to work on a once or twice a week at the hospital
uploads -> Kính gửi Qu‎ý doanh nghiệp
uploads -> VIỆn chăn nuôi trịnh hồng sơn khả NĂng sản xuất và giá trị giống của dòng lợN ĐỰc vcn03 luậN Án tiến sĩ NÔng nghiệp hà NỘI 2014
uploads -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
uploads -> Tác giả phạm hồng thái bài giảng ngôn ngữ LẬp trình c/C++
uploads -> BỘ TÀi nguyên và MÔi trưỜng
uploads -> TRƯỜng đẠi học ngân hàng tp. Hcm markerting cơ BẢn lớP: mk001-1-111-T01
uploads -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
uploads -> ĐỀ thi học sinh giỏi tỉnh hải dưƠng môn Toán lớp 9 (2003 2004) (Thời gian : 150 phút) Bài 1

tải về 0.59 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương