Con Mắt Thứ Ba (The Third Eye) T. Lobsang Rampa



tải về 1.54 Mb.
trang11/19
Chuyển đổi dữ liệu20.05.2018
Kích1.54 Mb.
#38941
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   19

CHƯƠNG X: TÍN NGƯỠNG VÀ
SINH HOẠT


Dưới đây là một vài chi tiết về nền văn minh của xứ Tây Tạng, có thể sẽ khêu gợi sự quan tâm của quý độc giả. 

Nền tôn giáo Tây Tạng là một hình thức biến thiên của Phật giáo, nhưng có những nét đặc thù và cá biệt không hoàn toàn giống với Phật giáo ở bất cứ nơi nào khác. Người Tây Tạng xem đây là quốc giáo. Danh từ mà người Tây phương thường biết đến là Lạt-ma giáo (Lamaisme), vì các vị Lạt-ma luôn được xem là biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng. 

Tín ngưỡng của người Tây Tạng đặt căn bản trên niềm hy vọng hướng thượng. Người Tây Tạng luôn tự nỗ lực trên con đường tiến hóa tâm linh và hoàn toàn không tin vào sự hiện diện của một vị Thượng đế độc tôn, toàn trí và toàn thông, coi sóc và che chở cho toàn thể nhân loại. 

Nhiều người có học phát biểu như thể rất uyên bác về tôn giáo của chúng tôi. Họ chỉ trích chúng tôi vì họ đang mù quáng bởi đức tin của mình đến mức không thể nhìn nhận những quan điểm khác. Vài người trong số họ thậm chí còn gọi chúng tôi là “quỷ xa tăng” bởi cách thức của chúng tôi xa lạ với họ. Đa số những tác giả này chỉ đưa ra quan điểm dựa trên các lời đồn đại hay những gì người khác viết. Một số ít có thể đã nghiên cứu đức tin của chúng tôi trong vài ngày và tưởng rằng mình biết tất cả để rồi viết những cuốn sách về chủ đề ấy trong khi những người uyên bác nhất của chúng tôi cũng phải mất cả đời để khám phá.

Hãy hình dung một Phật tử hay một tín đồ Ấn Giáo chỉ đọc lướt qua Kinh Thánh vài giờ và sau đó cố gắng giải thích tất cả khía cạnh tinh tế của Cơ đốc giáo! Chưa một tác giả viết về Lạt Ma giáo nào trong số họ đã sống như một tu sĩ trong một tu viện Lạt Ma từ nhỏ và nghiên cứu Sách Thánh. Đây là những cuốn sách bí truyền, nó bí truyền ở chỗ không dành cho những người muốn được cứu rỗi nhanh chóng, dễ dàng và tầm thường. Những người muốn tìm sự an ủi từ một số lễ nghi, hình thức tự thôi miên nào đó có thể có được điều đó nếu họ thấy có ích cho họ.

Tuy nhiên đó không phải là Sự Thật Ẩn Tàng, mà chỉ là tự huyễn rất trẻ con. Một số người nghĩ một cách dễ dãi rằng cứ phạm lỗi rồi lại phạm lỗi, rồi sau đó khi cảm thấy quá dằn vặt thì chỉ cần mang một chút lễ vật tới ngôi đền gần nhất để tạ lỗi và xin các vị thần tha thứ, thế là ngay lập tức tất cả mọi lỗi lầm được xoá bỏ. Quả thật là có một Thượng Đế, một Đấng Toàn Năng. Nhưng xin Ngài đâu ích gì vì Thượng Đế chính là sự thật.

Những người Tây Tạng đã từng học giáo lý của Đức Phật không bao giờ cầu nguyện để xin may mắn và ân huệ, trừ việc xin nhận được là sự công bằng từ Con Người. Một Đấng Tối Cao, theo bản chất của công lý, không thể tỏ lòng thương xót người này mà không thương xót người khác, bởi vì làm vậy là không công bằng. Cầu nguyện xin may mắn và ân huệ, rồi hứa hẹn dâng vàng và hương nếu lời cầu nguyện được đáp ứng khác gì ngụ ý sự cứu rỗi sẽ dành cho kẻ trả giá cao nhất, tức là Thượng Đế thiếu tiền và có thể “mua” được.

Con Người có thể tha thứ cho nhau, dù rất hiếm làm được, còn Đấng Tối Cao chỉ có thể biểu hiện công lý. Chúng ta là những linh hồn bất tử. Lời cầu nguyện của chúng tôi: “Om! Ma-ni pad-me Hum!” được viết ở phía dưới đây – thường được dịch theo nghĩa đen là “Ngọc quý trong Hoa Sen!” Chúng tôi, những người đi sâu hơn một chút hiểu rằng ý nghĩa thực sự của nó là : “Lòng từ bi rộng lớn!”3



Om! ma-ni pad-me Hum!

Có sự chết. Giống như người ta cởi bỏ bộ quần áo khi hết ngày, linh hồn cũng rời bỏ thân xác khi ngủ. Giống như bộ quần áo bị bỏ đi khi hỏng, linh hồn cũng bỏ thân xác khi nó đã mệt mỏi, kiệt sức và không còn sử dụng được nữa. Cái chết chính là sự sinh ra. Chết đơn thuần chỉ là việc sinh ra ở cõi khác. Con người, hay linh hồn của Con người, là vĩnh cửu. Thân xác chỉ là vỏ bên ngoài tạm thời bao bọc linh hồn, được chọn tương ứng với nhiệm vụ được trao cho khi sống trên trái đất. Vẻ bề ngoài không quan trọng, linh hồn bên trong mới là đáng kể. Một nhà tiên tri vĩ đại có thể xuất hiện trong vỏ bọc của một người nghèo đói - Một cách tốt để có thể phán xét được lòng nhân ái Con Người với Con người! – trong khi người khác là do phạm lỗi trong kiếp trước dù không bị đói nghèo dồn ép.

“Bánh xe Luân hồi” là cách mà chúng tôi gọi hoạt động của việc được sinh ra, sống trong một thế giới nào đó, chết đi, trở về trạng thái linh hồn, và đến đúng lúc lại được sinh ra trong những hoàn cảnh và điều kiện khác. Một người gặp nhiều đau khổ trong cuộc sống không hẳn là kẻ xấu ở kiếp trước, đó có thể là cách tốt nhất và nhanh nhất để học hỏi những điều nhất định. Trải nghiệm thực tế là một người thầy tốt hơn nghe nói!

Một người phạm tội tự sát có thể được tái sinh để sống cho những năm đã bị cắt ngắn trong kiếp trước, nhưng nó không phải luôn xảy ra như vậy đối với những ai đã chết trẻ, như trẻ sơ sinh chẳng hạn, hoặc những người tự tử. Bánh xe Luân hồi áp dụng cho tất cả, từ người ăn xin đến vua chúa, từ đàn ông đến đàn bà, từ người da màu đến da trắng. Tất nhiên, Bánh xe chỉ là biểu tượng, nhưng nó cũng đủ rõ cho những người không có thời gian để tìm hiểu sâu về đề tài này. Người ta không thể giải thích niềm tin của người Tây Tạng trong một vài đoạn ngắn. Thánh kinh Kangyur, hay Giáo lý Tây Tạng gồm trên một trăm cuốn sách về đề tài này mà thậm chí còn chưa đề cập đến được một cách đầy đủ. Có nhiều cuốn sách được cất giấu trong các ngôi chùa hẻo lánh mà chỉ có những người đã được điểm đạo mới được thấy.

Từ nhiều thế kỷ trước, các dân tộc phương Đông đã biết rõ về các sức mạnh huyền bí và những định luật thiên nhiên. Thay vì phủ nhận sự hiện hữu của những sức mạnh huyền linh ấy chỉ vì không thể cân lường hay quan sát phản ứng của chúng dưới ảnh hưởng các hóa chất trong phòng thí nghiệm, những bậc danh sư phương Đông đã cố gắng tăng gia khả năng kiểm soát của họ đối với những sức mạnh thần bí vô hình. Thí dụ như họ đã chú ý đến những kết quả thu được từ sự phát triển năng khiếu thần nhãn. 

Nhiều người cho rằng điều ấy không thể có, vì họ cũng chẳng khác nào những người mù từ thuở lọt lòng, cứ tưởng rằng không có thị giác chỉ vì họ không hề có kinh nghiệm về loại giác quan này! Làm sao họ có thể hình dung rằng một vật có thể được nhìn thấy từ xa trong không gian, khi không hề có một sự tiếp xúc nào giữa vật ấy và đôi mắt con người! 

Thể xác con người được bao phủ bằng một lớp vỏ như sương mù muôn màu nghìn sắc, đó là hào quang. Những vị có thần nhãn nhìn vào hào quang của một người, có thể quan sát các màu sắc đó mà hiểu được tình trạng sức khỏe, đức hạnh và trình độ tiến hóa của người ấy. 

Hào quang ấy là sự phát huy, sự biểu hiện của một luồng khí lực từ bên trong, tức Chân ngã của con người. Trên đầu con người cũng được bao trùm bởi một vòng hào quang xuất phát từ cái khí lực đó. Đến lúc chết, thì cái hào quang ấy tắt hẳn vì thần thức đã rời khỏi thể xác và đi vào một cảnh giới khác để bước sang một giai đoạn hiện hữu khác hơn. Khi đó, thần thức trở thành một “cái bóng” phất phơ, vì còn hoang mang bởi sự xúc động mạnh khi vừa rời khỏi xác thân vật chất. Có thể thần thức không hoàn toàn ý thức được những gì đang xảy ra. Bởi đó, các vị Lạt-ma có bổn phận giúp đỡ những người hấp hối và giảng giải cho họ nghe về những giai đoạn mang thân trung ấm mà họ sẽ trải qua. Nếu không, thần thức sẽ bám víu lấy cõi trần do những dục vọng của xác thịt còn chưa được thỏa mãn. Vai trò của các vị tăng lữ chính là cắt đứt những sợi dây trói buộc đó. 

Người Tây Tạng thường có những cuộc hành lễ cầu siêu để dìu dắt vong linh người chết. Sự chết không làm cho người Tây Tạng sợ sệt. Họ tin rằng với những nghi thức cẩn mật, thần thức có thể được giúp đỡ rất nhiều để chuyển sang cảnh giới tái sinh một cách dễ dàng. 

Cần phải vạch ra một lộ trình nhất định và rõ ràng, và hướng dẫn tư tưởng của người hấp hối một cách thích nghi. Một số cuộc lễ cầu siêu lớn được cử hành trong một ngôi đền trước sự hiện diện của chừng ba trăm vị sư. Một nhóm bốn hay năm vị Lạt-ma ngồi thành vòng tròn ở chính giữa và đối diện với nhau. Trong khi các nhà sư tụng niệm dưới sự điều khiển của một vị Sư trưởng, các vị Lạt-ma cố gắng tập trung niệm lực để giao cảm với những vong linh trong cõi vô hình. 

Những lời cầu nguyện bằng tiếng Tây Tạng thật khó mà dịch ra cho đủ nghĩa, nhưng tôi cũng xin lược dịch đại khái như sau: 



Hãy nghe đây tiếng gọi của chúng tôi, hỡi các vong linh đang phất phơ vô định ở cảnh giới của thân trung ấm. Âm dương cách trở, người sống và người chết sống ở những cảnh giới cách biệt nhau. Nhưng người chết có thể được nhìn thấy ở đâu? Ở đâu người ta có thể nghe được giọng nói của họ. 

Cây nhang đầu tiên được đốt lên để kêu gọi những vong linh lạc lõng và chỉ đường cho họ. 



Hãy nghe đây tiếng gọi của chúng tôi, hỡi các vong linh đang lạc lõng không người dìu dắt. Thế giới này là ảo ảnh. Cuộc đời chỉ là một giấc mộng. Có sinh có diệt, vật gì có lúc sinh ra ắt phải có lúc chết đi. Chỉ có Phật pháp là con đường duy nhất đưa đến sự sống thường tồn. Cầu cho vong linh được siêu sinh Tịnh độ. 

Cây nhang thứ nhì được đốt lên để kêu gọi những vong linh lạc lõng và chỉ đường cho họ. 



Hãy nghe đây tiếng gọi của chúng tôi, hỡi những bậc vua chúa oai quyền hống hách của thế gian. Các người đã ngự trị trên những dãy giang san của thiên hạ. Triều đại của các người chỉ tồn tại có một thời nhưng tiếng rên siết của dân tộc các người không bao giờ dứt. Do lòng tham vọng chinh phục đất đai, các người đã làm cho máu chảy thành sông, và những tiếng khóc than của kẻ bị trị còn làm rung chuyển cây cối, thấu đến trời xanh. Cầu cho vong hồn các người được siêu sinh Tịnh độ. 

Cây nhang thứ ba được đốt lên để kêu gọi vong hồn các bậc đế vương, những nhà độc tài trong thiên hạ và để chỉ đường cho họ. 



Hãy nghe đây tiếng gọi của chúng tôi, hỡi những kẻ bạc ác bất nhân và những kẻ trộm cướp của thế gian, các người đã gây nên tội ác đối với đồng loại và ngay trong lòng các người không có sự bình an. Linh hồn các người vất vưởng không nơi nương tựa và công lý không có trong tâm các người. Cầu cho linh hồn các người được siêu sinh Tịnh độ... 

Cây nhang thứ tư được đốt lên để kêu gọi vong hồn những kẻ tội lỗi đang vất vưởng trong cô quạnh. 



Hãy nghe đây tiếng gọi của chúng tôi, hỡi những nàng kỹ nữ lầu xanh của thế gian, những người buôn hương bán phấn mà tội lỗi của bọn đàn ông đã làm cho ô uế, nay đang đi lang thang vô định trong cõi u minh tăm tối. Cầu cho vong hồn các người được siêu sinh Tịnh độ. 

Cây nhang thứ năm được đốt lên để kêu gọi vong hồn các người đàn bà tội lỗi, sa đọa, để dìu dắt và giải thoát cho họ khỏi những sự trói buộc của trần gian... 

Khói hương nghi ngút tỏa trong bóng tối chập chờn những ngọn đèn bơ leo lét, làm rung rinh những bóng đen phía sau các pho tượng thếp vàng. Sự căng thẳng càng tăng, các vị Lạt-ma đang tập trung tư tưởng để giao cảm với những vong linh chưa được giải thoát khỏi những sợi dây trói buộc với cõi trần.

Những nhà sư mặc áo tràng màu đỏ ngồi sắp từng hàng đối diện với nhau, cất giọng ngân nga tụng niệm những bài kinh cầu siêu cho các vong linh, những tiếng trống vang lên theo nhịp tim đập. Từ những nơi khác trong đền thờ, như trong một cơ thể sống động, là những tiếng rền của nội tạng, tiếng ọc ạch của dịch trong cơ thể, và tiếng rì rào của không khí trong phổi. Cuộc lễ tiếp diễn với những lời chỉ dẫn được đưa ra cho các vong linh và nhịp độ của những lời cầu siêu tụng niệm mỗi lúc một thưa dần, cho đến khi cuối cùng là tiếng linh hồn rời khỏi cơ thể. Tiếng thở hắt ra run rẩy, và rồi im lặng. Sự im lặng đến cùng với cái chết. Bên trong sự im lặng đó là sự nhận thức, có thể nhận thức rõ thậm chí cả linh hồn nhỏ bé nhất, nhận thức về tất cả những thứ khác xung quanh, đang chờ đợi, đang lắng nghe. Dần dần, khi những lời chỉ dẫn giao cảm tiếp tục được đưa ra, sự căng thẳng giảm dần khi những linh hồn chuyển đến giai đoạn tiếp theo trên cuộc hành trình của họ.

Người Tây Tạng chúng tôi tin chắc chắn rằng chúng ta tái sinh nhiêu lần. Nhưng không chỉ đơn thuần tới trái đất này. Có hàng triệu thế giới, và chúng tôi biết rằng ở hầu hết những nơi đó có sự sống. Cư dân ở đó có thể có hình dạng khác với những gì chúng ta đã biết, họ có thể tiến hóa cao hơn nhân loại trên trái đất. Người Tây Tạng chúng tôi không bao giờ đồng ý với quan điểm cho rằng Con Người là dạng tiến hóa cao nhất và cao quý nhất. Chúng tôi tin rằng có nhiều hình thái của sự sống cao hơn nhiều ở đâu đó, và họ không ném bom nguyên tử. Ở Tây Tạng tôi đã nhìn thấy hồ sơ về những vật thể lạ trên bầu trời. Thường người ta gọi chúng là “Cỗ xe của các vị Thần” . Đức Lạt Ma Mingyar có lần kể với tôi rằng một nhóm các Thầy đã giao tiếp bằng tư tưởng với các vị “Thần” này, họ nói rằng đang quan sát trái đất, giống như cách loài người quan sát động vật hoang dã và nguy hiểm trong vườn thú vậy.

Rất nhiều bài viết về khinh thân. Điều đó là có thể vì tôi thường nhìn thấy, nhưng cần phải thực hành nhiều. Luyện tập khinh thân không mang lại lợi ích thực sự lắm bởi có một cơ chế đơn giản hơn thế rất nhiều, đó là di chuyển bằng thể vía, nó còn dễ dàng hơn và hiệu quả hơn. Phần lớn các vị Lạt Ma đều làm thế, và bất cứ người nào được chuẩn bị để để dùng tính kiên nhẫn đều có thể được thưởng thức nghệ thuật hữu ích và thú vị này.

Khi còn sống, thần thức con người luôn gắn liền với thể xác, không thể tách rời ra ngoài, trừ phi có trải qua sự tu tập. Khi chúng ta ngủ, chỉ có thể xác là cần sự nghỉ ngơi, còn thần thức thì thoát ra ngoài và rơi vào cảnh giới tâm linh, như một đứa trẻ trở về nhà vào lúc chiều tối, sau giờ tan học. 

Thần thức và thể xác được nối với nhau bằng một “sợi chỉ bạc”, có khả năng nới rộng không giới hạn. Khi thể xác còn sống, sợi chỉ bạc còn nguyên vẹn, khi thể xác chết, sợi chỉ đứt và linh hồn lại có một cuộc đời mới ở một thế giới khác của nó, giống như dây rốn của em bé được cắt đứt khỏi người mẹ khi sinh ra.

Đối với một hài nhi, khi sinh ra đời có nghĩa là chấm dứt sự sống được bao bọc, che chở trong bụng mẹ. Đối với một con người, sự chết có nghĩa là đi vào một cảnh giới tâm linh tự do hơn, không còn gắn liền với thể xác vật chất, để chuẩn bị cho sự tái sinh trong một kiếp sống mới. Giai đoạn này được gọi là thân trung ấm

Khi sợi chỉ bạc còn nguyên vẹn, thần thức được tự do đi lang thang trong khi ngủ với người bình thường, hoặc thức trong trường hợp được huấn luyện đặc biệt. Việc đi lang thang của thần thức tạo ra các giấc mơ, đó là những ấn tượng được truyền qua sợi chỉ bạc. Bộ não vật lý nhận chúng và “hợp lý hóa” cho phù hợp với niềm tin của họ trên thế giới vật chất này. Trong thế giới tâm linh không có thời gian – “thời gian” là khái niệm thuần túy vật lý – và vì thế có những trường hợp giấc mơ trải dài và phức tạp dường như xảy ra chỉ trong một phần nhỏ của giây. Hầu như ai cũng có những giấc mơ gặp và nói chuyện với một người ở rất xa, thậm chí bên kia đại dương. Một số thông điệp đã có thể được chuyển đến và những ấn tượng mạnh về điều gì đó vẫn còn lưu trong trí nhớ khi thức dậy. Thường thì đó là ký ức về việc gặp gỡ một người bạn ở xa hoặc người thân, và cũng không ngạc nhiên khi một thời gian ngắn sau đó lại nhận được tin tức từ chính người ấy. Đối với những người chưa được đào tạo, ký ức này thường bị bóp méo và kết quả là một giấc mơ phi lý hoặc là ác mộng.

Ở Tây Tạng, chúng tôi du hành đa số bằng cách xuất vía hơn là bằng khinh công – và toàn bộ quá trình đều trong tầm kiểm soát của chúng tôi. Thần thức được rời khỏi cơ thể vật lý, mặc dù vẫn còn kết nối với nó bằng sợi chỉ bạc. Người ta có thể du hành bất cứ nơi đâu mình muốn, và nhanh như ý nghĩ. Hầu hết mọi người đều có khả năng du hành bằng thể vía. Đa số khi bắt đầu xuất vía, với người không được đào tạo, đều có trải nghiệm về một cú giật mình. Có thể tất cả mọi người đều đã từng trải qua một lần cảm tưởng là chỉ đi ngủ, và sau đó bị thức giấc đột ngột vì một cú giật mạnh mà không rõ lý do. Điều này là do sự xuất ra khỏi cơ thể quá nhanh của thần thức, sự tách ra quá đột ngột của thể vía và thể xác dẫn tới sự co thắt của sợi chỉ bạc, và thể vía bị buộc phải quay vào cơ thể vật lý. Cảm giác thật tồi tệ khi vừa mới du hành đã phải về. Thể vía lơ lửng bên trên cơ thể vật lý vài mét, giống như quả bóng buộc vào đầu một sợi dây. Bỗng một cái gì đó, chẳng hạn như tiếng ồn ở bên ngoài, làm cho thể vía quay trở lại cơ thể quá nhanh. Cơ thể vật lý thức giấc đột ngột, và một cảm giác kinh khủng như thể bị rơi khỏi vách đá và đúng lúc đó thức dậy.

Du hành bằng thể vía dưới sự kiểm soát đầy đủ và trong khi thức tỉnh hoàn toàn là cách mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện. Nó cần phải luyện tập, nhưng trên hết trong giai đoạn đầu cần có không gian biệt lập một mình để không sợ bị gián đoạn. Đây không phải là một cuốn sách giáo khoa siêu hình, vì vậy không có chỉ dẫn chi tiết về cách du hành bằng thể vía, nhưng điều này cần phải được nhấn mạnh vì nó có thể tạo ra trải nghiệm lo lắng, trừ khi được một người thầy giám sát. Thực tế thì không có nguy hiểm gì cả nhưng nó có thể làm ta giật mình và rối loạn cảm xúc nếu thể vía xuất ra hoặc trở về thể xác không đúng lúc hoặc tuỳ tiện. Những người bị bệnh tim không nên thực hành việc xuất vía. Việc xuất vía tự nhiên không có gì nguy hiểm gì nhưng với người yếu tim sẽ rất nguy hiểm nếu có ai đó vào phòng và làm rối loạn sự kết nối của cơ thể và sợi chỉ bạc. Hậu quả của cú sốc có thể gây tử vong, và điều này phiền phức thật sự khi mà tâm thức, được tái sinh để hoàn thành một quãng đời quan trọng trước khi nó có thể xử lý cho giai đoạn tiếp theo.

Người Tây Tạng chúng tôi tin rằng trước đây loài người có nhiều khả năng như du hành bằng thể vía, nhìn bằng thần nhãn, thần giao cách cảm, và khinh thân. Thế hệ loài người chúng ta đã lạm dụng các quyền lực huyền bí và sử dụng chúng vì lợi ích của bản thân thay vì cho mục đích phát triển của nhân loại nói chung. Từ thuở sơ khai ban đầu, nhân loại có thể trò chuyện với nhau bằng thần giao cách cảm. Những bộ lạc địa phương có những phiên bản ngôn ngữ mà họ sử dụng riêng cho mình. Khả năng nói chuyện bằng thần giao cách cảm, tất nhiên, là thông qua tư tưởng, và có thể hiểu được tất cả, bất kể ngôn ngữ địa phương. Khả năng thần giao cách cảm đã bị mất đi, vì sự lạm dụng của loài người, như đã biết về câu chuyện tháp Babel4!

Chúng tôi không có ngày như là “Ngày lễ Sa-bat”, nhưng chúng tôi có “Ngày Lễ Hội” và được cử hành lễ hội vào ngày thứ tám và mười lăm hàng tháng. Rồi còn có những buổi lễ cầu nguyện đặc biệt và những ngày được coi là linh thiêng, và chúng tôi không làm việc trong những ngày đó. Lễ hội hàng năm của chúng tôi, tôi nghe nói, tương ứng phần nào với lễ hội của Kito giáo, nhưng những hiểu biết của tôi gần như không đủ để có thể nhận xét về vấn đề này. Những ngày lễ hội của chúng tôi gồm:

Tháng đầu tiên, gần như tương ứng với Tháng Hai, từ ngày đầu tiên đến ngày thứ ba, chúng tôi cử hành lễ Logsar. Lễ này, trong thế giới phương Tây, sẽ được gọi là Năm Mới. Đó là một cơ hội tuyệt vời cho những trò chơi cũng như các buổi lễ cầu nguyện tôn giáo. Lễ hội lớn nhất của chúng tôi trong năm được tổ chức từ ngày thứ tư đến ngày thứ mười lăm, đó là những “Đại Lễ Hội Cầu Nguyện”. Chúng tôi đặt tên cho những ngày này là Monlam. Buổi lễ này thực sự là điểm nhấn của năm tôn giáo và thế tục. Vào ngày mười lăm của cùng tháng này chúng tôi kỷ niệm ngày thụ thai của Đức Phật. Lúc này không phải thời gian cho các trò chơi, mà là một trong những buổi lễ tạ ơn trọng thể. Kết thúc tháng, vào ngày hai mươi bảy, chúng tôi có buổi lễ một phần mang tính tôn giáo, một phần là huyền thoại. Đây là lễ rước Holy Dagger. Với lễ hội này, những sự kiện của tháng đầu tiên kết thúc.

Tháng thứ hai, gần như Tháng Ba của lịch phương Tây, có khá ít buổi lễ. Vào ngày hai mươi chín, có lễ Săn đuổi ma quỷ. Tháng thứ ba, tương ứng với Tháng Tư, cũng có rất ít lễ hội. Vào ngày thứ mười lăm của tháng có lễ kỷ niệm Khải Huyền.

Đến ngày thứ tám của tháng thứ tư, khoảng Tháng Năm theo lịch phương Tây, chúng tôi cử hành lễ kỷ niệm Sự từ bỏ thế giới của Đức Phật. Lễ kỷ niệm này, theo như tôi hiểu, tương tự với Mùa Chay của Kito giáo. Chúng tôi phải sống rất khổ hạnh trong những ngày lễ Từ bỏ. Ngày thứ mười lăm là kỷ niệm ngày mất của Đức Phật. Chúng tôi coi đó là ngày kỷ niệm cho tất cả những người đã rời bỏ cuộc đời này. “Ngày của tất cả các Linh hồn” là một thuật ngữ khác cho nó. Trong ngày đó chúng tôi thắp hương để kêu gọi những linh hồn đang lang thang trên Trái Đất.

Cần hiểu đây chỉ đơn thuần là những lễ hội lớn, còn có nhiều ngày lễ nhỏ đã được ghi nhớ lại, và tổ chức lễ hội, nhưng sẽ không nêu ra ở đây.

Tháng sáu đến, vào ngày thứ năm, chúng tôi – những “Lạt Ma y tế” – tham dự những lễ hội đặc biệt tại các lạt ma viện khác. Lễ hội nhằm tri ân sự Chăm sóc của các Nhà sư y tế, trong đó có Đức Phật là người đã đặt nền móng cho công việc này. Vào ngày hôm đó chúng tôi có thể không làm gì sai, nhưng vào ngày hôm sau chắc chắn chúng tôi sẽ bị yêu cầu giải thích về những sai lầm mà người giám sát cho là chúng tôi đã gây ra!

Lễ kỷ niệm Phật Đản là ngày thứ tư của tháng thứ sáu, tức Tháng Bảy lịch phương Tây. Sau đó chúng tôi cũng tổ chức lễ kỷ niệm bài Thuyết pháp đầu tiên về Phật Pháp.

Lễ hội Mùa là vào ngày thứ tám của tháng thứ tám, tức Tháng Mười lịch phương Tây. Bởi vì Tây Tạng là một xứ sở đất đai khô cằn, chúng tôi phụ thuộc vào các con sông nhiều hơn bất kỳ đất nước nào. Lượng mưa ở Tây Tạng rất thấp, vì thế chúng tôi kết hợp Lễ hội Mùa với Lễ hội Nước, vì nếu không có nước từ các con sông thì không thể có mùa màng từ đất đai.

Ngày thứ hai mươi hai của tháng thứ chín, tức Tháng Mười Một, là ngày kỷ niệm Đức Phật xuống từ Thiên Đàng. Tháng tiếp theo, tháng thứ mười, chúng tôi cử hành Lễ hội Đèn vào ngày hai mươi lăm.

Sự kiện tôn giáo cuối cùng của năm được cử hành vào hai ngày thứ hai mươi chín và ba mươi của tháng mười hai, đây là thời gian giao nhau của Tháng Một và Tháng Hai theo lịch phương Tây. Tại thời điểm này chúng tôi có lễ Tiễn biệt năm cũ và chuẩn bị sẵn sàng cho năm mới.

Lịch của chúng tôi thực sự khác với lịch phương Tây: chúng tôi sử dụng chu kỳ sáu mươi năm và mỗi năm được gán cho mười hai con vật và ngũ hành kết hợp khác nhau. Năm mới là vào Tháng Hai. Dưới đây là Lịch Năm cho chu kỳ hiện nay được bắt đầu từ năm 1927:

1927 năm của Hỏa Mão (Fire Hare);

1928, năm con Thổ Thìn (Earth Dragon);

1929, năm của con Thổ Tỵ (Earth Serpent);

1930, năm của Kim Ngọ(Iron Horse);

1931, năm của Kim Mùi (Iron Sheep);

1932, năm của Thủy Thân (Water Ape);

1933, năm của Thủy Dậu (Water Bird);

1934, là năm Mộc Tuất (Wood Dog);

1935, năm của Mộc Hợi (Wood Hog);

1936, năm của Hỏa Tý (Fire Mouse);

1937, năm con Hỏa Sửu (Fire Ox);

1938, năm Thổ Dần (Earth Tiger);

1939, năm của Thổ Mão (Earth Hare);

1940, năm của Kim Thìn (Iron Dragon);

1941, năm của Kim Tỵ (Iron Serpent);

1942, năm của Thủy Ngọ (Water Horse);

1943, năm của Thủy Mùi;

1944, năm của Mộc Thân;

1945, năm của Mộc Dậu;

1946, năm Hỏa Tuất;

1947, năm của Hỏa Hợi;

1948, năm của Thổ Tý;

1949, năm Thổ Sửu;

1950, năm của Kim Dần;

1951, năm Kim Mão;

1952, năm Thủy Thìn;

1953, năm Thủy Tỵ;

1954, năm Mộc Ngọ;

1955 năm Mộc Mùi;

1956, năm Hỏa Thân;

1957, năm Hỏa Dậu;

1958, năm Thổ Tuất;

1959, năm Thổ Hợi;

1960 năm Kim Tý;

1961, năm Kim Sửu;

và vân vân.

Người Tây Tạng tin rằng người ta có thể tiên đoán những việc xảy ra trong tương lai. Khoa tiên tri là một khoa học, và một khoa học chính xác. Họ cũng tin ở khoa chiêm tinh. Theo họ, những “ảnh hưởng của tinh tú” thật ra chỉ là những tia vũ trụ do các tinh tú phản chiếu xuống địa cầu, và các tia vũ trụ đó phải chịu sự khúc xạ hoặc biến đổi bởi những tinh tú. 





Lời tiên tri

Kỹ thuật nhiếp ảnh ngày nay không còn xa lạ với bất cứ ai. Chúng ta đều biết rằng, với một cái máy ảnh trong điều kiện đủ ánh sáng, ta có thể chụp ảnh. Và có một số loại kính lọc ánh sáng đặc biệt, nếu đặt trước ống kính máy ảnh có thể giúp ta thu được những tấm ảnh với hàng trăm loại màu sắc. Cũng vậy, những tia vũ trụ ảnh hưởng đến con người bằng vô số những cách khác nhau, tùy theo tác động của những tinh tú khi phản chiếu các tia vũ trụ ấy xuống địa cầu. 

Đức Phật dạy: “Thuật chiêm tinh, dự đoán sự kiện may mắn hoặc không may mắn qua các dấu hiệu, báo trước điều tốt hay xấu, tất cả những việc làm này đều bị cấm.” Tuy nhiên, một sắc lệnh sau này tại một trong những Sách Thánh của chúng tôi nói: “Quyền năng được trao cho một số người theo cách tự nhiên, và vì quyền năng đó mà những cá nhân chịu đựng đau đớn và khổ sở có thể được sử dụng. Không sức mạnh huyền bí nào được sử dụng vì mục đích cá nhân, cho tham vọng thế gian, hoặc để chứng tỏ tính xác thực của những quyền năng như vậy. Chỉ có như vậy những người không có năng khiếu huyền bí mới được bảo vệ.” Việc đạt được khả năng về con mắt thứ ba của tôi phải trải qua nhiều đau đớn, và nó đã làm tăng khả năng mà tôi vốn có ngay từ khi mới sinh ra. Nhưng chúng ta sẽ quay trở lại việc mở con mắt thứ ba trong một chương sau. Đây là dịp tốt để đề cập nhiều hơn đến thuật chiêm tinh, và viện dẫn tên của ba người Anh nổi tiếng, những người này đã chứng kiến lời tiên tri bằng thuật chiêm tinh đã thành sự thật.

Kể từ thế kỷ 11, tất cả những vấn đề chính sự quan trọng ở Tây Tạng đều được cân nhắc quyết định dựa theo khoa chiêm tinh. Chẳng hạn, cuộc xâm lăng của quân đội Anh năm 1904 đã được tiên tri một cách chính xác. Người ta có ghi chép lời tiên tri này bằng chữ Tây Tạng, tạm dịch như sau: 

Năm Mộc Thìn. 

Trong nửa năm đầu, đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ được bình yên. Sau đó, những kẻ xâm lăng hiếu chiến sẽ tiến vào lãnh thổ. Quân địch rất đông, nạn binh đao gây nhiều tai họa và dân chúng sẽ phải chiến đấu chống lại. 

Đến cuối năm sẽ có sự giải hòa và chiến tranh sẽ chấm dứt.” 

Lời tiên tri này đã có từ trước năm 1850, báo trước tình hình của năm 1904, tức năm Mộc Thìn theo lịch Tây Tạng. Đại tá Younghusband, Tư lệnh quân đội Anh, có nhìn thấy bản văn ghi chép lời tiên tri này ở thủ đô Lhasa. 

Ông L. A. Waddell, cũng người của quân đội Anh, đã nhìn thấy bản in lời tiên tri vào năm 1902. Ông Charles Bell, người sau này cũng đã tới Lhasa, cũng đã nhìn thấy nó. Một vài sự kiện khác cũng được tiên tri chính xác là:

1910, Trung Quốc xâm lược Tây Tạng;



1911, Cách mạng Trung Quốc và sự thành lập Chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc;

Cuối năm 1911, quân Trung Quốc bị đuổi khỏi Tây Tạng;

1914, chiến tranh giữa Anh và Đức;

1933, Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời;

1935, sự tái sinh của Đức Đạt lai Lạt ma;

1950, “lực lượng quỷ ác sẽ xâm chiếm Tây Tạng”.

Trung Quốc Cộng sản xâm lược Tây Tạng vào tháng Mười năm 1950. Ông Bell, sau này là ông Charles Bell, đã nhìn thấy toàn bộ những lời tiên tri này ở Lhasa. Trong trường hợp của riêng tôi, tất cả mọi điều tiên tri về tôi đều đã thành sự thật. Đặc biệt là những thử thách gay go gian khổ.

Khoa học – nó vì mục đích khoa học – trong việc chuẩn bị một lá số tử vi không phải là một vấn đề có thể giải quyết trong một vài quyển sách loại này. Nói ngắn gọn, thì nó bao gồm việc chuẩn bị một cái bản đồ của bầu trời vào thời điểm thụ thai và khi sinh. Giờ sinh chính xác được biết đến, và thời gian đó được dịch thành “thời gian chiếu mệnh”, mà nó rất khác với múi giờ của thế giới. Khi vận tốc quay của Trái đất trong quỹ đạo của nó là mười chín dặm một giây5, sẽ thấy rằng sự không chính xác sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn. Tại đường xích đạo tốc độ quay của Trái đất khoảng một nghìn bốn mươi dặm một giờ6. Thế giới bị nghiêng trong khi quay, và Bắc Cực đi trước Nam Cực khoảng ba nghìn một trăm dặm7 về mùa thu, nhưng sang mùa xuân thì ngược lại. Do đó, tọa độ kinh tuyến của nơi sinh có tầm quan trọng sống còn.

Khi bản đồ đã được chuẩn bị, những người đã được đào tạo ở mức cần thiết, có thể giải thích ý nghĩ của chúng. Mối tương quan của mọi hành tinh phải được đánh giá, và các ảnh hưởng, tác động trên bản đồ của từng cá nhân phải được tính toán. Chúng tôi chuẩn bị Biểu đồ Thụ thai để biết được những ảnh hưởng tác động ngay trong những khoảnh khắc đầu tiên của sự sống của một con người. Bản đổ Sinh chỉ ra ảnh hưởng tác động tại thời điểm con người gia nhập thế giới này. Để biết về tương lai – chúng tôi chuẩn bị bản đồ về thời gian để người ta phải đọc và so sánh nó với Biểu đồ Sinh. Người ta có thể nói: “Bạn có thể thực sự dự đoán ai sẽ là người đạt được 2.30?” Câu trả lời là không! Không thể nào lại lập tử vi cho tất cả người, ngựa và chủ ngựa liên quan đến cuộc đua. Nhắm mắt và bắt tay vào danh sách là cách tốt nhất ở đây. Chúng tôi có thể nói liệu một người có hồi phục khỏi căn bệnh, hoặc Tôm sẽ cưới Mary và họ sẽ sống hạnh phúc mãi mãi, nhưng vấn đề đó do cá nhân xử lý. Chúng tôi cũng có thể nói rằng nếu Anh và Mỹ không ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản, thì một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra trong năm Mộc Thìn, mà trong chu kỳ này thì đó là năm 1964. Sau đó trong tình huống này, vào cuối thế kỷ, sẽ có màn pháo hoa hấp dẫn những ai quan sát sao Hỏa và sao Kim. Giả sử rằng những người Cộng sản vẫn không bị ngăn chặn.

Một điểm nữa mà nó dường như hay làm những người phương Tây lúng túng là câu hỏi về việc lần theo những cuộc đời đã qua của một người. Những người không hiểu về vấn đề này nói rằng không thể làm được, cũng giống như người bị điếc nói: “Tôi không nghe thấy âm thanh nào cả, do đó không có âm thanh.” Lần theo các kiếp sống trước là có thể làm được. Phải mất nhiều thời gian, phải làm việc nhiều với các biểu đồ và tính toán. Một người có thể đứng ở một sân bay và tự hỏi về các cuộc gọi cuối cùng của chiếc máy bay đang đến. Những người nhìn vào từ bên ngoài có lẽ có thể đoán, nhưng nhân viên của trạm kiểm soát không lưu, với những kiến thức chuyên môn của mình, có thể trả lời được. Nếu một người đi tham quan bình thường có một danh sách các tên và số đăng ký chuyến bay, và có một bảng lịch trình chính xác, anh ta có thể tự mình tìm ra các cổng của các cuộc gọi. Chúng tôi cũng có thể tìm như thế với các kiếp trước. Sẽ cần một quyển sách hoàn chỉnh, ít nhất cũng để làm cho quá trình được rõ ràng và vì thế sẽ là vô ích để đào sâu hơn nữa bây giờ. Có thể bạn đọc quan tâm đến thuật chiêm tinh của người Tây Tạng. Chúng tôi có mười chín biểu tượng trong mười hai Ngôi nhà của Thuật Chiêm tinh. Những biểu tượng đó chỉ ra:

Nhân cách và tính tư lợi;

Tài chính, làm thế nào người ta có thể đạt được hoặc bị mất tiền;

Những mối quan hệ, những chuyến đi ngắn, năng lực về tinh thần và văn phong;

Tài sản và các điều kiện gần cuối cuộc đời;

Con cái, niềm vui và quan hệ buôn bán kinh doanh;

Bệnh tật, công việc và vật nuôi trong nhà;

Quan hệ đối tác, hôn nhân, kẻ thù và kiện tụng;

Tài sản thừa kế;

Các chuyến đi dài và các vấn đề tâm linh;

Nghề nghiệp và danh dự;

Tình bạn và những tham vọng;

Khó khăn, hạn chế, và những nỗi buồn thầm kín.

Chúng tôi cũng có thể nói thời gian gần đúng, hoặc trong những điều kiện gì, các sự cố sau đây sẽ xảy ra:



Tình yêu, loại người và thời gian gặp gỡ;

Hôn nhân, khi nào, và nó sẽ diễn ra như thế nào;

Niềm đam mê, bản tính “giận dữ điên cuồng”;

Thảm họa, và nó sẽ xảy ra như thế nào, hoặc nếu có, nó sẽ như thế nào;

Tai ương;

Cái chết, khi nào và như thế nào;

Nhà tù, hoặc những hình thức khác của sự giam giữ;

Bất hòa, gia đình thông thường và tranh chấp trong kinh doanh;

Linh hồn, các giai đoạn tiến hóa đã đạt được;

Mặc dù tôi sử dụng chiêm tinh học khá nhiều, tôi thấy phương pháp đo nghiệm hoạt động tinh thần và “tinh thể” nhanh hơn nhiều và hoàn toàn chính xác. Phương pháp này cũng dễ hơn khi người đó có ngoại hình xấu! Phép đo hoạt động tinh thần là nghệ thuật của việc tìm lại được những ấn tượng mờ nhạt của các sự kiện xảy ra trong quá khứ từ một bài báo. Mọi người đều có khả năng này ở một mức độ nào đó. Một người vào một nhà thờ hoặc ngôi đền cổ, có tiếng là linh thiêng từ nhiều năm qua, và sẽ nói rằng: “Không khí thật êm đềm và nhẹ nhàng làm sao!” Nhưng cũng người đó đi thăm một nơi đã từng có án mạng khủng khiếp và than phiền: “Ôi! Tôi không thích nơi này, nó thật kỳ quái, chúng ta đi ra ngoài thôi.”

Tinh thể thì khác. “Thủy tinh”, như đã đề cập trên đây, chỉ đơn thuần là tập trung các tia sáng từ Con Mắt Thứ ba theo cách tương tự như tia X-quang được đưa đến tập trung vào trên màn hình, và hiển thị một hình ảnh huỳnh quang. Không có gì là phép thuật ở đây cả, mà chỉ là vấn đề sử dụng các quy luật tự nhiên.

Ở Tây Tạng, chúng tôi có chứng tích về “Quy Luật Tự nhiên”. Những tượng đài của chúng tôi có chiều cao từ một mét rưỡi đến mười lăm mét, là vật tượng trưng giống như thánh giá, hoặc biểu tượng. Những tượng đài này được dựng khắp nơi trên đất nước Tây Tạng. Trên bản đồ phác họa của Lhasa có năm tượng đài, Pargo Kaling là cái lớn nhất, và là một trong những cửa ngõ vào thành phố. Tượng đài luôn luôn có hình dáng như trong hình minh họa dưới đây. Hình vuông biểu thị nền tảng vững chắc của Trái Đất. Bên trên nó là Quả Cầu Nước, phủ bên trên lên là Hình Nón Lửa. Phía trên là đĩa bay không gian, và trên cao hơn Linh hồn lung linh (Dĩ thái) đang chờ đợi để rời khỏi thế giới vật chất. Mỗi một phần tử phát triển theo cách tiến bộ từng bước. Đó là toàn bộ biểu tượng hóa tín ngưỡng của người Tây Tạng.





Biểu tượng tín ngưỡng của người Tây Tạng

Chúng ta đến Trái Đất khi chúng ta được sinh ra. Trong suốt cuộc đời mình, chúng ta luôn tiến lên phía trước, hoặc cố gắng tiến lên, bằng cách tiến bộ từng bước. Cuối cùng, khi hơi thở của chúng ta chấm dứt, và chúng ta bước vào thế giới tâm linh. Rồi sau một khoảng thời gian khác nhau, chúng ta lại tái sinh, để học một bài học khác. Bánh xe luân hồi là biểu tượng cho vòng tròn bất tận của sự sinh - sống – chết – linh hồn – sinh – sống, và vân vân. Nhiều sinh viên nhiệt tình phạm sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng chúng tôi tin vào những địa ngục khủng khiếp đôi khi được vẽ trên bánh xe. Chỉ một vài người ác ý không hiểu biết mới có thể nghĩ như vậy, còn những người đã được soi sáng chân lý thì không. Những người Kito giáo có thực sự tin rằng khi họ chết quỷ sa tăng và lũ quỷ dữ sẽ bận rộn với những đòn tra tấn hỏa ngục? Họ có tin rằng nếu họ đi đến nơi khác (chỉ một thiểu số người tin!) họ sẽ ngồi trên một đám mây trong bộ quần áo ngủ và học cách chơi đàn hạc?

Chúng tôi tin rằng chúng ta đến Trái Đất là để học, và rằng trên Trái Đất chúng ta có “hỏa ngục” của chính mình. Nơi khác, đối với chúng tôi, là nơi chúng ta đến khi rời khỏi cơ thể, nơi mà chúng ta có thể gặp các linh hồn khác cũng rời khỏi cơ thể. Đây không phải là thuyết thông linh. Thay vào đó là niềm tin rằng trong khi ngủ, hoặc sau khi chết, chúng ta tự do đi lang thang trong các cõi cao. Thuật ngữ riêng của chúng tôi đối với những khả năng cao hơn của các cõi này là “Vùng đất Ánh sáng Vàng”. Chúng tôi chắc chắn rằng khi chúng ta ở cõi cao, sau khi chết, hoặc trong khi ngủ, chúng ta có thể gặp được những người mà chúng ta yêu thương, bởi vì chúng ta hòa hợp với họ. Chúng ta không thể gặp những người mà chúng ta không thích, vì đó là trạng thái không hòa hợp, mà điều đó không thể tồn tại trên Vùng đất Ánh sáng Vàng.

Tất cả những điều này đã được chứng minh theo thời gian, và rất đáng tiếc là người phương Tây nghi ngờ và quan điểm duy vật đã ngăn chặn Khoa học được tìm hiểu, khám phá một cách thích đáng. Có quá nhiều điều đã bị chế giễu trong quá khứ, và sau đó đã được minh chứng sau nhiều năm trôi qua. Điện thoại, đài phát thanh, truyền hình, máy bay và nhiều thứ khác nữa.




tải về 1.54 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   7   8   9   10   11   12   13   14   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương