Chuyển sang ebook


Chương 9: Thầy truyền giáo



tải về 1.34 Mb.
trang8/19
Chuyển đổi dữ liệu01.12.2017
Kích1.34 Mb.
#34907
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   19

Chương 9: Thầy truyền giáo


Dầu tôi đã bỏ học trước kỳ thi cuối khoá, nhưng niềm hoài vọng tuổi trẻ là được giảng pháp bằng tiếng Anh vẫn còn mãnh liệt trong tôi. Tôi không biết chính xác niềm hoài vọng này bắt nguồn từ đâu. Có thể một phần vì tiếng Anh được những người Sinhala thuộc giai cấp thượng lưu sử dụng, một nét văn hoá còn sót lại từ thời thuộc địa Anh. Tôi đã từng mơ được đi đến Ấn Độ hay Malaysia, nơi tiếng Anh được sử dụng rộng rãi hơn. Nếu may mắn hơn, tôi còn có thể thuyết pháp ở Anh quốc, nguồn gốc của di sản lệ thuộc Anh ở quê hương tôi.

Chẳng bao giờ trong những giấc mơ hão huyền đó, tôi đã có thể tưởng tượng ra việc tôi sẽ giảng dạy tại Mỹ; đối với một thiếu niên ở Ceylon như tôi, đó là điểm tận cùng của trái đất.

Sau trường Phật học, tôi tiếp tục theo học các lớp tiếng Anh ở bất cứ nơi nào tôi biết, đôi khi phải đi hàng bao nhiêu cây số chỉ để được ngồi trong một lớp học dạy tiếng Anh. Nhiều người chế nhạo sự ham muốn học thứ tiếng khó hiểu đó của tôi.

"Này ông thầy trẻ," họ sẽ nói, "tại sao thầy nhất quyết phải học tiếng Anh? Chỉ có cư sĩ mới sử dụng tiếng Anh, mà cũng rất ít. Thầy cần trụ ở một ngôi chùa, và làm tròn bổn phận của mình ở đó."

"Nhưng một ngày nào đó, tôi có thể đi ra nước ngoài," tôi chống chế. "Tôi cần phải biết tiếng Anh."

Họ sẽ nhìn tôi giống như tôi điên.

Tôi đã giảng Pháp cho các lớp cuối tuần ở một chùa ở Yakkala trong khoảng thời gian ít nhất là sáu năm. Có hàng trăm các lớp cuối tuần (Sunday School) ở Ceylon và trường tôi dạy khá nhỏ. Vào mỗi chủ nhật có khoảng hai trăm học sinh, phần đông chưa đến mười tám tuổi. Tôi giảng về những điều cơ bản: giới luật, bát chánh đạo, cuộc đời Đức Phật, và lịch sử Phật giáo. Vào thời đó, các trường không hướng dẫn hành thiền, mà tôi cũng không khuyến khích họ học thiền vào thời điểm ấy. Ngày nay thì thiền là môn dạy chủ yếu của tôi.

May mắn thay, vị trụ trì chùa ở Yakkala, đại đức Candajoti Thera, rất ủng hộ việc học tiếng Anh của tôi. Ông cũng nghĩ rằng đó là một ngôn ngữ quan trọng cần phải học và tổ chức cuộc thi lấy bằng trung học cơ sở tiếng Anh.

Dần dần với sự giúp đỡ của đại đức Candajoti, anh tôi và tôi mở một trường dạy tiếng Anh nho nhỏ ở chùa tại Kebilitigoda. Anh tôi giỏi tiếng Anh, vì đã sống và học hành ở Colombo mấy năm, nên anh làm giảng viên chính.  Chúng tôi mượn bàn ghế và bảng đen từ một chùa khác. Rồi chúng tôi căng bảng hiệu lên, và thật bất ngờ, hai mươi học sinh đã đến! Tuy nhiên, phần đông là con cái của những gia đình nghèo, nên họ không có tiền đóng học phí. Đó là vấn đề, vì anh tôi cần có lương để trả tiền ăn ở. Còn tôi, dĩ nhiên được chùa hỗ trợ.

Đại đức Candajoti ra sức quyên góp cho chúng tôi được một ngàn rupee (khoảng ba trăm đô la), thì cũng vừa đủ để trường được tiếp tục hoạt động trong ba tháng. Cuối thời gian đó, mặc dầu chúng tôi đã cố gắng hết sức, cũng không có ai giúp thêm kinh phí. Vì thế chúng tôi đành miễn cưỡng đóng cửa trường, trả lại bàn ghế mà chúng tôi đã mượn.

Và rồi tôi trở lại cuộc sống lang thang của mình. Tôi tiếp tục sống ở chùa Yakkala thêm một thời gian nữa, nơi đại đức Candajoti đối với tôi như anh em. Vì ông ủng hộ việc học tiếng Anh của tôi, nên ông đã tử tế cung cấp thực phẩm cho tôi khi tôi không có thì giờ đi khất thực. (Lúc đó, tôi đang học ở trường tiếng Anh Vidyasekhara, một trường học bắt nguồn từ trường Vidyasekhara Pirivena, nơi tôi đã học vào cuối những năm 1940 lúc còn là một sadi. Vì không có tuyến xe buýt giữa trường tiếng Anh và chùa Yakkala, tôi dọn vào một chùa ở làng  Udugampola. Ở đó tôi vẫn phải đi bộ hơn hai cây số để đón xe buýt đến trường.)

Năm 1953, vào một cuối tuần, tôi đến thăm các bạn học cũ ở Vidyasekhara Pirivena. Ở đó, một tối kia, khi tôi đang vá y của mình trong ký túc xá của trường, tôi thoáng nghe hai vị tu sĩ nói chuyện ngoài hành lang. Họ đang bàn về một tin tức mà họ đã nhận được từ trường Truyền giáo Phật giáo (Buddhist Missionary School) ở Colombo. Trường này đang tìm một sinh viên mới có nhiều triển vọng để thay thế một tu sĩ đã bị đuổi vì phạm giới luật.

Trường Truyền giáo Phật giáo, đúng như tên gọi của nó, huấn luyện các tăng sĩ Phật giáo để họ đi ra nước ngoài thuyết Pháp. Tất cả được bắt đầu từ một tổ chức từ thiện Phật giáo gọi là hội Mahabodhi, được thành lập từ những năm cuối 1800.

Trường đó khá nhỏ và rất chọn lọc. Cũng có một số ít sinh viên từ các quốc gia khác - Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Trung Hoa - nhưng chỉ có mười tăng sĩ đến từ Ceylon. Vị hiệu trưởng của trường, đại đức Paravahera Vajiranana, hấp thụ một nền giáo dục Tây phương nhưng rất giỏi về lý thuyết cũng như việc thực hành thiền Phật giáo. Ông là người mà tôi rất ngưỡng mộ.

Ý tưởng về một ngôi trường truyền giáo có thể đối với những người biết về Phật giáo như là một tôn giáo tự giác thì có vẻ lạ lùng. Tuy nhiên chính Đức Phật là một nhà truyền giáo. Trong vòng ba tháng sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật đã có sáu mươi vị đệ tử quanh ngài. Sau đó Ngài yêu cầu các vị đệ tử này đi về sáu mươi phương hướng khác nhau để "truyền bá hạt giống Pháp."

Đức Phật khuyên đệ tử của Ngài rất rõ ràng rằng không nên cố gắng thay đổi tôn giáo của ai.  Ngài dạy họ chỉ nên thuyết Pháp và rồi những ai chỉ có "chút ít bụi trong mắt," những người sẵn sàng muốn nghe, sẽ hiểu. Lời dạy này làm nổi bật một khía cạnh quan trọng trong Phật giáo. Trong một bài giảng nổi tiếng, Đức Phật đã diễn tả Pháp như là những chứng cứ hiển nhiên. Ngài dạy rằng nếu ta "đến để thấy," thì ta có thể tự phán đoán cho mình. Nói như thế Ngài không có ý nói về một lời mời cụ thể để đến một nơi nào đó để nghe thuyết pháp. Ngài chỉ có ý rằng Pháp luôn có mặt cho bất cứ người trí nào muốn tìm đến để quán sát nó.

Đức Phật muốn chúng ta áp dụng những lời dạy của Ngài  vào chính cuộc sống của bản thân để xem chúng có hợp lý không. Bằng cách đó, chúng ta có thể chấp nhận giáo lý của Đức Phật dựa trên kinh nghiệm bản thân hơn là một lòng tin mù quáng. Diễn tả Phật pháp như là một điều gì bạn có thể ‘đến để thấy’ là dựa trên trí tuệ, rằng sự chuyển hoá chỉ có thể xảy ra bên trong ta và không thể ép buộc một cá nhân nào từ bên ngoài.

Khi nghe hai vị sư bàn luận về chỗ trống ở trường truyền giáo, dầu tôi chưa bao giờ được nghe về một nơi như thế, nhưng tôi lập tức biết rằng đó là điều mà tôi muốn làm.  Tôi bỏ chiếc y đang vá xuống và chạy nhanh ra hành lang.

"Thưa đại đức," tôi bắt chuyện với một trong hai vị tăng sĩ, "tôi muốn nộp đơn vào chỗ trống đó."

"Khi nào thầy có thể đi gặp giám hiệu trường?" ông hỏi.

"Ngày mai," tôi trả lời.

Ngày hôm sau, tôi trình với vị giám hiệu, đại đức Paravahera Vajiranana Nayaka Mahathera, tại sao trường truyền giáo là môi trường rất thích hợp cho tôi. Ấn tượng với sự quyết liệt của tôi (mà  có thể cũng là sự liều lĩnh của tôi!), ông chấp thuận cho tôi vào học. Rủi thay, các sinh viên đã qua gần phân nửa chương trình học ba năm của họ, vì thế tôi phải vất vả đuổi theo cho kịp, nhất là giờ tôi không còn trí nhớ như in. “Đây là một chương trình học khó,” đại đức Vajiranana cảnh báo tôi, “thầy lại vào học trễ.  Thầy sẽ phải cố gắng rất nhiều mới mong theo kịp.”

Ông nhắc nhở tôi về lời Phật dạy về tinh tấn: "Pháp này chỉ dành cho những ai luôn tinh tấn, không phải cho người lười biếng.” Vị giám hiệu nói rằng nếu tôi muốn trở thành một thầy truyền giáo tốt, tôi cần phải tự nguyện thực hành tinh tấn ba-la-mật (parami-perfection). Đó là cách mà Đức Phật đạt được giác ngộ, vị giám hiệu nhấn mạnh, bằng cách hoàn thiện tinh tấn đến mức độ cao nhất.

Vì thế tôi đắm mình vào việc học và chẳng bao lâu đã có thể theo kịp các bạn đồng môn. Cũng may, chương trình học ở trường truyền giáo tương tự với chương trình ở trường Phật học mà tôi học trước đây. Chúng tôi học tiếng Pali và triết lý Phật giáo, cũng như là tiếng Ấn Độ, Anh và Tamil. Sau khi ra trường, phần lớn sinh viên được gửi đến sống ở Ấn Độ, vì thế cũng có những lớp học nhằm dạy chúng tôi những điều cần biết khi đến sống ở đó. Chúng tôi học về lịch sử Ấn Độ, Ấn Độ giáo và Gia-nai giáo.

Vì trường truyền giáo có nhiều tu sĩ đến từ các quốc gia Đông Nam Á khác, tôi đề nghị thành lập Hội Sinh Viên Phật Giáo Quốc Tế. Tất cả mọi hoạt động của Hội đều được đề ra bằng tiếng Anh để chúng tôi có thể thực hành ngôn ngữ này.

Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian ở trường truyền giáo. Ở Hunupitiya, ngoại ô Colombo cách trường tôi khoảng ba bốn cây số, có một ngôi nhà lễ dành cho các nghi lễ tôn giáo đặc biệt. Mỗi hai tuần, vào ngày trăng rằm và mùng một, chúng tôi đến ngôi nhà đó để đọc tụng giới luật, 227 giới của tăng sĩ. Nghi lễ này có thể được thực hiện ở bất cứ thánh địa nào (nơi dành riêng cho mục đích đó) và chỉ các tăng sĩ mới được dự; không có cư sĩ nào được đến.

Riêng ngôi nhà lễ này đã một trăm năm mươi tuổi, ở giữa một hồ nước, nằm trên những cây cột bằng gỗ. Tường bằng gạch chỉ xây đến phân nửa với những cây xà chắc chắn để chống đỡ một mái ngói. Để đến được nơi đó, các tăng sĩ chúng tôi phải đi qua một cái cầu nhỏ bằng gỗ.  Sau khi vào đến ngôi nhà, chúng tôi tháo cây cầu ra, một hành động để biểu tượng cho việc tách biệt khỏi đời sống thế tục của chúng tôi.

Một lần khi chúng tôi đến gần ngôi nhà lễ đó, vài cậu bé đã cảnh báo với chúng tôi rằng một số ván sàn nhà đã bị tháo cắp, có lẽ để dùng đốt lửa. “Không an toàn đâu,” chúng nói. “Đừng đi lên đó.”

“Đừng để ý đến chúng,” một vị lão tăng ra lệnh. “Cứ tiếp bước.”

Tất cả chúng tôi đều nghe theo lệnh của ông, và tiếp tục bước hàng một trong im lặng.

Khi đã vào trong nhà lễ, chúng tôi biết lũ trẻ nói đúng: phân nửa gỗ trên sàn nhà đã bị tháo dỡ. Thường chúng tôi ngồi chia đều trên mặt sàn để sức nặng của chúng tôi không làm ảnh hưởng đến mấy cây cột chống nhà đã yếu. Giờ với phân nửa mặt sàn đã biến mất, tất cả mười bốn người chúng tôi đành phải ngồi về một phía.

Chúng tôi bắt đầu đọc tụng và giữa buổi lễ, chúng tôi bỗng nghe một tiếng động lớn. Vài tăng sĩ nhìn quanh lo ngại, nhưng vị lão tăng đọc càng lớn hơn nữa, bắt buộc chúng tôi phải theo gương ông.

Thình lình tất cả mọi thứ phía dưới chúng tôi sụp xuống. Thật là hỗn loạn. Người nhảy xuống hồ. Người té nhào xuống nước vì sàn nhà sụp. Tôi cố gắng bám vào phân nửa tường và cuối cùng thì là phân nửa ở trong nhà và phân nửa ở ngoài trời khi mái nhà đổ xuống người tôi. Lập tức các vị cư sĩ xúm đến cứu chúng tôi. Một số nhảy xuống hồ, lội về phía chúng tôi để kéo  chúng tôi vào bờ. Vài vị tăng bị gãy xương; một mảnh xương sườn của tôi, nơi gần tim, bị toẹt ra khỏi lồng ngực. Lúc đầu không đau mấy, nhưng khi đã hoàn hồn, tôi bắt đầu cảm thấy đau buốt ở ngực. Kỳ diệu thay, vị lão tăng, người đã buộc chúng tôi phải bước tới, lại không bị một vết xước nào. Mái nhà đã rơi xuống ngay chỗ ông ngồi, và do đó bảo vệ ông an toàn.

Còn chúng tôi thì được chở đến bệnh viện. Ngày hôm sau tôi được ra viện, ngực quấn đầy băng. Tôi vẫn còn đau hàng tuần sau đó.

Cuối năm 1954, là lúc phải thi ra trường. Dầu nhập học trễ, tôi đã học hành rất cố gắng để theo kịp chương trình.   Và sự nỗ lực đó đã được đền bù, các bài thi của tôi đều được điểm cao.

Rồi thì cũng đến lúc chúng tôi được nhận trách vụ ở nước ngoài. Phật sự truyền giáo của chúng tôi sắp bắt đầu. Sư giám hiệu gọi tôi đến và bảo ông muốn gửi tôi đến Tanzania.

"Tanzania!” tôi thảng thốt. “Phi Châu! Cách đây nửa vòng trái đất.” Tôi không chắc rằng tôi đã sẵn sàng để đến đó. Tôi chỉ mới hai mươi bảy tuổi và chưa bao giờ bước chân ra khỏi Ceylon.

“Tôi muốn được ở gần nhà,” tôi thưa với ông. “Ấn Độ có được không ạ?”

Ông gật đầu.

Tôi thực sự sẵn sàng để đi bất cứ nơi nào. Giờ tôi đã ra trường, tôi biết mình không thể trở lại ngôi chùa nơi tôi đã được thọ giới. Vì sự tranh chấp giữa sư phụ tôi và đại đức Sumanatissa, tôi biết rằng khi sư phụ tôi mất đi, đại đức Sumanatissa sẽ chống đối việc tôi kế tục quản lý ngôi chùa đó.

Tôi không có chỗ nào để đi, và trong tôi vẫn còn niềm ước muốn cháy bỏng, là một ngày nào đó được giảng Pháp bằng tiếng Anh, ở một nơi nào đó. Để thực hiện được điều đó, tôi phải rời bỏ quê hương xứ sở nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Ấn Độ, là một khởi đầu tốt cũng như ở bất cứ nơi nào khác, và dĩ nhiên là hấp dẫn hơn Phi Châu!

Cuộc hành trình từ Ceylon tới Ấn Độ chỉ khoảng bốn mươi mấy cây số vượt qua biển Ấn Độ Dương, chỉ là một chuyến phà ngắn ngủi, nhưng đối với tôi đó là một cuộc hành trình vĩ đại, và là một khởi đầu cho những cuộc hành trình đi khắp thế giới của tôi.

---o0o---

Chương 10: Vượt đại dương đến Ấn Độ


Chuẩn bị để rời Ceylon lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cần hai thứ: tiền và một hộ chiếu.

Nhưng vì tôi là một tu sĩ, không có chứng từ thu nhập, tôi không thể lấy được hộ chiếu. Chỉ những người có đóng thuế thu nhập mới có thể nộp đơn xin hộ chiếu cho bản thân họ, vì thế vị giám hiệu trường truyền giáo đã nhờ một ân nhân giàu có, một người đã đóng rất nhiều tiền thuế, làm người bảo trợ cho tôi. Ông đã ký những giấy tờ cần thiết và tôi được người ta cấp cho một thứ gọi là công văn khẩn. Như thế là tôi được quyền đến và đi khỏi Ceylon trong thời hạn hai năm.

Tôi biết rằng hội Mahabodhi sẽ trả tiền tàu cho tôi đến Ấn Độ. Dầu đó là điều tuyệt vời, nhưng tôi cảm thấy tôi cũng cần có một ít tiền dằn túi khi đặt chân đến Ấn Độ, để có thể được tự lập chút đỉnh. Nhưng một nhà sư mà đi xin tiền người khác thì không tiện lắm, vì thế tôi đến chùa Yakkala, nơi tôi đã sống một thời gian, để hỏi ý kiến Đại Đức Candajoti.

“Gune !” ông nói, gọi tôi một cách thân mật, “Đừng khờ vậy. Sư là tu sĩ. Mọi người đều biết sư không có tiền, và mọi người biết sư phải cần một ít tiền trong chuyến đi này.”

   Ông giúp tôi viết một lá thư nói về chuyến đi của tôi và những thứ tôi cần cho chuyến đi đó. Ông cho in ra bảy trăm tờ copy. Tôi phân phát một ít tận tay người nhận và gửi phần lớn qua đường bưu điện.

Khi tất cả mọi thứ đã kết thúc, tôi nhận được hai trăm rupee (khoảng sáu mươi đô la), là một khoảng tiền khấm khá vào thời điểm đó. Mẹ tôi cũng cho một rupee và cha tôi cho năm. Em gái tôi cho hai rupee, và sư phụ của tôi gửi năm rupee từ tiền cúng dường mà ông nhận được của các cư sĩ ở chùa ông.

Cuộc hành trình của tôi bắt đầu ở ga xe lửa Colombo vào ngày 15 tháng 1 năm 1955. Không có ai trong gia đình tôi có thể đi hơn trăm cây số đến tiễn đưa tôi, nhưng sư phụ của tôi đã cùng đáp xe lửa đi với tôi tới Colombo. Sau khi chúng tôi chia tay, tôi chỉ còn lại một mình. Tuy nhiên tôi không sợ hãi; tôi rất phấn khích được bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời mình. Cuối cùng thì chân trời cũng mở rộng trước mắt tôi. Dầu lúc ấy tôi khó có thể tưởng tượng ra trước, nhưng năm bảy mươi lăm tuổi tôi đã đi hoằng pháp trên sáu lục địa.

Ở Colombo tôi gặp được những người đồng hành là một nhóm Phật tử hành hương trên đường đến các thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ. Chúng tôi đáp xe lửa qua đêm đến một thành phố gọi là Talaimanner, ở tận phía bắc của Ceylon. Ở đó chúng tôi lên một chiếc phà để vượt qua hai mươi hai dặm đường biển.

Đó là lần đầu tiên tôi ở trên một chiếc tàu lớn như vậy, và không kể những kinh nghiệm suýt chết đuối của tôi, tôi không hề cảm thấy lo sợ chút nào. Chỉ một tiếng đồng hồ sau là chúng  tôi đã đến Ấn Độ.

Tàu đỗ bến ở Mandapam, một thành phố ở bờ phía Nam của quần đảo Ấn Độ. Địa phận đó của Ấn Độ giống như một sa mạc; không cây cối, chỉ có đất khô cằn và ánh nắng mặt trời rực lửa. Chúng tôi lại lên một chuyến xe lửa khác.

Trên xe lửa, chúng tôi được ăn xôi gói bằng lá chuối. Khi chúng tôi vứt lá chuối ra ngoài của sổ, một số người ăn mày chạy đến nhặt lá chuối dưới đất lên và liếm láp đến những hột nếp cuối cùng. Dầu những ngôi làng nhỏ ở Ceylon chắc chắn là không được giàu có, nhưng ở đây rõ ràng là sự nghèo khổ còn tồi tệ hơn tất cả những gì tôi đã chứng kiến.

Trưa hôm sau chúng tôi đến Madras, trên bờ biển phía đông của Ấn Độ. Chương trình của tôi dự định là nghỉ ngơi một tuần và làm quen với Ấn Độ trước khi đến ngôi chùa mà tôi được gửi đến.

Đại Đức Batuvangala Jinananda, hội trưởng của hội Mahabodhi ở Madras, đón tôi tại nhà ga xe lửa. Ông và các vị tăng đi theo đoàn nói tiếng Tamil, nên chúng tôi có thể trao đổi chuyện trò. Tôi trải qua một tuần lễ thư thả, viếng thăm các chùa và hội Thần Học, một trung tâm độc lập chuyên nghiên cứu việc giảng dạy các tôn giáo khác nhau.  

Chẳng bao lâu thì đã đến lúc tôi phải đi Sanchi, là nhiệm sở đầu tiên của tôi. Sanchi thuộc bang Bhopal của Ấn Độ, ở giữa Delhi và Bombay. Bảy giờ tối hôm đó, tôi lên xe lửa ở Madras. Hơn hai mươi bốn giờ sau, sau khi xuyên qua gần nửa lãnh địa Ấn Độ, tôi đến được Sanchi. Tôi là người duy nhất xuống ga xe lửa ở một chấm li ti trên bản đồ. Nhà ga không có thềm để lên xuống; tôi bước xuống xe lửa và chân tôi chạm ngay xuống đất cạnh đường ray. Khi xe lửa chuyển bánh đi tiếp, một người đàn ông mặc đồng phục tiến đến bên tôi. Tôi đoán ông là trưởng trạm xe lửa.

Đã gần nửa đêm, trời lạnh và tối đen. Đây là lần đầu tiên kể từ khi  rời Ceylon, tôi mới cảm thấy sợ chết được. Tôi không hiểu người trưởng trạm xe lửa nói gì. Mặc dầu đã học tiếng Ấn Độ ba năm ở Ceylon, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe một người bản xứ nói tiếng Ấn Độ.

Cuối cùng, bằng thứ tiếng Anh lõm bõm, mà tôi hy vọng là vị trưởng trạm xe lửa có thể hiểu, tôi nói với ông là tôi đến để sống ở ngôi chùa tại Sanchi. Hình như điều đó khiến người kia hiểu tôi. Cũng bằng thứ tiếng Anh tồi tệ như tôi, ông nói là chùa ở cách đây khoảng hơn một cây số, trên đồi cao, và chỉ có điên mới đi đến đó đêm nay. Ông khuyên tôi nên qua đêm ở nhà ga rồi ngày mai hãy đi.

Đêm đó, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi cảm thấy lạnh, một cảm giác hoàn toàn mới lạ đối với một thanh niên đã sống gần trọn cuộc đời trong khí hậu nhiệt đới của Ceylon. Nhưng tháng giêng ở miền trung Ấn Độ thật khó có thể coi là nhiệt đới.

Cũng may là các vị sư ở Madras đã tặng tôi một chiếc túi ngủ mỏng. Tôi trải nó ra trên sàn nhà ga xe lửa, rồi chui vào bên trong. Suốt đêm tôi không ngủ được chút nào, phần vì lo sợ nhưng phần lớn là vì cái lạnh thấu xương.

Sáng hôm sau, ông trưởng trạm sai người khiêng hành lý theo tôi lên chùa. Chúng tôi đi bộ khoảng một dặm rồi bắt đầu leo lên một ngọn đồi lớn. Cuộc leo đồi kéo dài khoảng ba mươi phút, men theo một lối mòn quanh co. Tới đỉnh đồi, chúng tôi bước vào khuôn viên chùa, được bao bọc bởi những bức tường bằng đá cao. Dọc theo tường, mỗi mười thước hay khoảng đó là những cây cột xi măng với những cái đĩa tròn ở phía trên cột, trông giống như những cây dù, gợi nhớ đến những cây dù trang trí trên các chùa.

Bên trong khuôn viên là một khoảng sân làm bằng đá mô sắc (mosaic) rất đẹp. Một cầu thang ngắn dẫn lên chánh điện, nơi có hai phòng đối mặt nhau. Chánh điện mát mẻ, không có cửa sở, với một sàn nhà láng bóng. Cuối phòng, tôi có thể thấy một bàn thờ với một tượng Phật uy nghiêm trong tư thế tọa thiền. Tượng được làm bằng đá trắng, và chỉ có một ngọn đèn cầy trắng được đốt dưới chân tượng.

Tôi tràn ngập hân hoan được có mặt ở đây; cuộc đời tôi với tư cách là một vị thầy truyền giáo Phật giáo bắt đầu ở một nơi rất hẻo lánh này. Ngôi chùa ở Sanchi này được tạo dựng từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên, khi vua Ashoka, một Phật tử Ấn Độ thuần thành, đã gửi con trai và con gái ông, Mahinda và Sanghamitta, làm những người truyền giáo mang Phật pháp đến Ceylon. Trước khi họ rời Ấn Độ, Mahinda và Sanghamitta đã đến thăm viếng thân mẫu của họ, đang sống trong một ni viện Phật giáo trong khuôn viên chùa Sanchi.

Vào cuối thế kỷ thứ mười chín, những nhà khảo cổ học người Anh đã khai quật khu vực Sanchi, khám phá ra một số tháp trang hoàng đẹp đẽ, dùng chứa hài cốt người chết, phần nhiều là các mảnh xương tìm thấy được sau khi hỏa táng. Các câu ghi khắc trên tháp cho biết đây là xá lợi của Phật và hai trong số những đệ tử lớn của Ngài, Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Đến năm 1941, những xá lợi này bị chính phủ Anh chiếm đoạt, đem trưng bày ở bảo tàng viện Victoria và Albert ở Luân Đôn. Khi người Anh quyết định trả lại các báu vật này, các xá lợi được chia ra làm ba phần. Một phần ba được gửi đến Burma, một phần ba đến Vidyalankara Pirivena, trường Phật học mà tôi từng theo học, và phần ba cuối cùng được gửi về Sanchi. Ở đó hội Mahabodhi đã xây thêm một ngôi chùa để thờ những xá lợi linh thiêng này. Ngôi chùa sau được hoàn thành năm 1954, và Đại Đức Hedigalle Pannatissa được chọn làm trụ trì ở đó.

Một năm sau, năm 1955, tôi được gửi đến để phụ tá Đại Đức Pannatissa ở Sanchi. Tôi làm thư ký cho ông suốt năm năm, và không thể mong đợi một công việc nào tốt hơn thế.

---o0o---



Каталог: downloads -> sach -> quoc-te
quoc-te -> LƯỢc sử thời gian (a brief History of Time) Tác Giả:-Steven Hawking
quoc-te -> ĐƯỜng mây qua xứ tuyếT
quoc-te -> Tâm Lý Và Triết Học Phật Giáo Áp Dụng Trong Đời Sống Hằng Ngày Nguyên tác: "Abhidhamma in daily life"
quoc-te -> Những Chuyện Luân Hồi Hiện Đại tt. Thích Tâm Quang Dịch o0o Nguồn
quoc-te -> ÐẠi thừa và SỰ liên hệ VỚi tiểu thừa nguyên tác: Nalinaksha Dutt ht. Minh Châu Dịch, Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh 1999
quoc-te -> LƯỢc sử thời gian (a brief History of Time) Tác Giả:-Steven Hawking
quoc-te -> SẮc tưỚng và thật tưỚng vấn Đề Nhị Đế Trong Tứ Đại Thuyết Phái của Phật Giáo Prof. Guy Newland, Ph. D
quoc-te -> Con đƯỜng đẾn tĩnh lặng -tuệ Giác Hằng Ngày
quoc-te -> Ba phưƠng diện chính của con đƯỜng giác ngộ

tải về 1.34 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   19




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương