ÐỨc phật lịch sử



tải về 1.68 Mb.
trang9/28
Chuyển đổi dữ liệu24.11.2017
Kích1.68 Mb.
#34517
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   28

LINH THỌ BỒ-ÐỀ


Trong những bài đức Phật tường thuật về sự Giác Ngộ của ngài (MN 26 và 36), không thấy đoạn nào nói đến sự kiện Giác Ngộ diễn tiến dưới một gốc cây cả. Do vậy nhiều học giả xem gốc cây đánh dấu nơi ngài giác ngộ chỉ là chuyện huyền thoại phi lịch sử, và nêu ý kiến rằng phong tục thờ cây trước thời đức Phật đã tìm cách len lõi vào đạo Phật ở điểm này. Song xét kỹ, một khất sĩ không nhà cửa thì dù đi đâu, cũng vẫn thường ngồi dưới gốc cây che chở sương giá ban đêm và nắng gắt ban ngày, há chẳng là chuyện tự nhiên hay sao? Ta có thể xem chuyện Sa-môn Siddhattha ngồi nhập định đưa đến Giác Ngộ dưới một gốc cây là lẽ dĩ nhiên. Trên thực tế đó là cây assatha, rất dễ nhận ra nhờ chiếc lá hình quả tim với đầu ngọn cong, mà thỉnh thoảng đức Phật có thể thường nhắc đến với chúng đệ tử, nên ta cũng sẵn sàng chấp nhận đó là một sự kiện lịch sử.

Cây bồ-đề (bodhi) đằng sau tháp Ðại Bồ-đề cao 51 m tại Bồ-đề Ðạo tràng (vùng cổ Uruvelà) được dựng khoảng thế kỷ thứ I CN, hằng ngày vẫn được hàng chục khách hành hương chiêm bái. Song chỉ những người thực dễ tin mới tưởng rằng đây là cây cổ thụ assatha nguyên thủy mà đức Phật đã ngồi dưới gốc để đạt đạo cách đây 2500 năm. Ta có thể chứng minh rằng cây này được thay thế nhiều lần theo thời gian, mặc dù nó vẫn là hậu duệ của cây nguyên thủy. Như vậy cây hiện nay phát sinh chính tông từ cây ngày xưa.

Cây bồ-đề xưa được đặt dưới sự bảo trợ đặc biệt của vị Hoàng đế Phật tử Asoka trị vì Ấn Ðộ với tư cách một vị vua yêu chuộng hòa bình từ năm 265 đến 232 trước CN. Không những ngài truyền xây một tường đá quanh cây ấy (nay không còn nữa) và đánh dấu vùng linh địa này với một trụ đá ghi sắc dụ trên đầu có hình sư tử (nay cũng biến mất); ngài còn ban cho vua Devànampiya-tissa của Ceylon (Tích lan), người đã được cải hóa theo đạo Phật vào năm 242, một nhánh cây bồ-đề để trồng tại kinh đô Anuràdhapura. Cây phát sinh từ nhánh này cùng đám hậu duệ đã liên tục cung cấp các cây con hay hạt giống để thay thế cây bồ-đề ở Ấn Ðộ sau nhiều lần bị hủy hoại.

Việc phá hủy cây bồ-đề nguyên thủy tại Bồ-đề Ðạo tràng được xem là do Quý phi diễm lệ Tissarakkhà của vua Asoka gây nên, người mà ngài đã tuyển vào cung bốn năm trước khi băng hà. Vì hoàng đế dành nhiều thì giờ quan tâm đến cây này hơn là chăm sóc bà, nên chuyện kể rằng (Mhv. 20. 4f) quý phi đã lấy thứ gai nhọn mandu đâm vào cây mà bà tưởng có một tiên nữ bên trong! Ðây là thứ gai mà dân Ấn tin có khả năng hủy diệt nguồn sống của cây cối làm chúng phải héo khô. Câu chuyện này rõ ràng nhằm giải thích việc cây chết vào cuối triều vua Asoka.

Việc phá hủy cây thay thế lần thứ nhất đã được gán cho vua Sasànka xứ Ganda (Bengal) vì lý do tôn giáo. Vua Sasànka, một người theo Ấn giáo cuồng tín và thù ghét Phật giáo, có lần đi qua Bồ-đề Ðạo tràng vào đầu thế kỷ thứ bảy trong một chiến dịch chống Kànya-Kubja (Kanauj). Theo ngài Huyền Trang kể lại, vua này đầy căm hận không những truyền đốn cây thiêng ấy mà còn bảo đào gốc rễ lên đem đốt cho tuyệt giống. Cây thay thế lần thứ hai lại được vua Pùrnavarman trồng, đó là vị vua cuối cùng kế ngôi dòng Asoka ở nước Magadha.

Năm 1876, cây bồ-đề ở Bồ-đề Ðạo tràng bị cơn bão làm bật gốc. Ðây có phải là cây của vua Pùrnavarman hay một cây thay thế khác, điều đó không ai biết.

Có nhiều bản tường thuật trái ngược nhau về các nguồn gốc của cây hiện nay mọc ở Bồ-đề Ðạo tràng. Một số cho rằng cây mọc từ một nhánh chiết của cây ở Anuràdhapura, một số khác bảo nó mọc lên từ rễ của cây trước đã bị nhổ bật gốc. Dù thế nào đi nữa, cây hiện nay vẫn là cháu chắt ba đời hoặc có lẽ đúng hơn là ngũ đại tằng huyền của cây assatha nguyên thủy mà vào một đêm năm 528 trước CN, dưới gốc cây ấy nhà tu khổ hạnh Siddhattha Gotama đã thành Phật.

*số 14, Kinh Ðại Bổn (dg)

*Trung Bộ số 26: Kinh Thánh Cầu (dg)

*Kinh Tập Chương III (1) Xuất Gia: Kệ 405 - 424 (dg)

*Trường Bộ số 16: Kinh Ðại-Bát-niết-bàn (dg)

*Trường Bộ số 29: Kinh Thanh Tịnh (dg)

* Tương Ưng Bộ IV, Chương I, Phẩm V: (103) Uddaka (dg)

*Trung Bộ số 4: Kinh Sợ Hãi và Khiếp Ðảm.

**số 36: Ðại Kinh Saccaka; số 12: Ðại Kinh Sư Tử Hống (dg)

*tức cây Jambu (Diêm phù) tượng trưng đất nước Ấn Ðộ (dg)

* Cảm Hứng Ngữ Chương V,V; hay Tăng Chi Bộ, Chương Tám Pháp: Ðại Phẩm (dg)

*Tương Ưng Bộ II, Chương I, VII Ðại Phẩm, V Thành Ấp (dg)

---o0o---

CHƯƠNG II - 528 TRƯỚC CN - THÀNH LẬP GIÁO HỘI VÀ KHỞI ĐẦU HOẰNG PHÁP

NHỮNG BÀI THUYẾT PHÁP ÐẦU TIÊN


Theo truyền thống, đấng Giác Ngộ trẻ tuổi sống bảy ngày đầu tiên sau khi thành đạo dưới cội bồ-đề để hưởng "giải thoát lạc" (Mv1.1.1). Ta có thể nhận điều này đúng sự thực, vì nền tảng giáo lý đang cần bổ sung nhiều đặc điểm chi tiết, đồng thời một tâm trạng vừa hân hoan, vừa lưu luyến thân tình có lẽ đã giữ bậc Giác Ngộ ở nán lại địa điểm đầy ý nghĩa như vậy đối với ngài. Ta ít tin hơn vào câu nói rằng sau bảy ngày dưới cội bồ đề, ngài lại sống thêm bảy ngày nữa dưới một số gốc cây khác ở Uruvelà. Dưới gốc Ða Mục Tử (Ficus Indica) ngài giải thích cho một Bà-la-môn hỏi ngài về bản chất thực sự của đạo Bà-la-môn, giáo lý bao gồm trong một đời sống đạo đức thanh tịnh và tinh thông kinh Vệ-đà (Mv1.2).

Càng có vẻ huyền thoại hơn nữa là sự kiện được xem như đã xảy ra vào tuần thứ ba sau khi Giác Ngộ, dưới gốc cây mucalinda (Barringtonia acutangula). Theo Ðại Phẩm (Mv 1. 3), khi một cơn bão báo hiệu gió mùa nổi lên, con rắn hổ mang sống dưới gốc cây cuộn mình quấn quanh ngài và che ngài khỏi bị mưa bằng chiếc mào mở rộng. Nguồn gốc chuyện này có thể là con rắn ấy bị nước mưa tràn vào lỗ phải bò ra nằm sát trước vị Sa-môn này, nhưng không làm hại ngài.

Từ cây mucalinda đức Phật đi đến cây ràjàyatana (Buchanania latifolia) và cũng ở lại dưới gốc cây ấy một tuần. Chính tại đây, hai thương nhân Tapussa và Bhallika đang du hành từ Ukkalà (thuộc Orissa?) có lẽ đến Ràjagaha, cúng dường ngài cháo mạch và mật ong để "tạo thêm an lạc và phước đức". Ngài dùng thực phẩm cúng dường ấy và hai vị thương nhân kia "quy y bậc Giác Ngộ cùng Giáo Pháp của ngài" - Giáo Pháp mà lúc ấy ngài chưa tuyên bố - và như vậy đã trở thành các đệ tử tại gia đầu tiên của ngài (Mv. 1.4).

Tuần thứ năm sau khi Giác Ngộ, ngài lại đến ở một lần nữa dưới bóng mát cây Ða Mục Tử. Có thể do lời thỉnh cầu giáo hóa của Tapussa và Bhallika gợi ý, ngài suy xét xem có nên giữ giáo lý cho riêng ngài hay tuyên thuyết cho người đời vì "giáo lý ấy thật thâm áo, khó thấy, khó hiểu, dựa trên thực nghiệm, tuyệt diệu, không phải do lý luận, tế nhị, chỉ người có trí thấu triệt được mà thôi".

Kinh Ðiển Pàli (Mv1.5 và MN 26) ghi lại các mối hoài nghi này theo hình thức một cuộc đối thoại với Phạm Thiên Sahampati (Tự Tại Thiên, Ta-bà Chủ). Rõ ràng đức Phật muốn làm cho sự xung đột giữa các tư tưởng nội tâm ngài trở thành dễ hiểu, nên đã sử dụng hình ảnh vị Phạm Thiên lừng danh này để trình bày những tranh luận đối lập nhau khi ngài do dự thuyết Pháp. Dĩ nhiên, ngài cũng như đa số các người đương thời, vẫn tin có các thần linh (các vị này cũng phải chịu sanh tử luân hồi theo luật tự nhiên của mọi loài). Song việc chính ngài thấy rõ tận mắt vị Phạm Thiên ấy một cách linh động như các kinh điển tuyên bố, có lẽ do sự diễn giải của chư Tỳ-kheo về sau.

Trong cuộc "đối thoại" tiếp theo đây được rút gọn vào các điểm chính yếu, các lý luận thiên về đời sống an tịnh cá nhân đối lập với lý luận vị tha quên mình, và các lý luận sau đã thắng các lý luận trước.

Ðức Phật bảo: "Thế giới này thích thú dục lạc, song Giáo Pháp (Dhamma) của ta hướng đến viễn ly, ly tham, ái diệt. Giả sử ta thuyết giảng Giáo Pháp này, tức phải đi ngược dòng, và người đời không hiểu được ta, điều ấy sẽ gây nhọc lòng cho ta".

Phạm Thiên đáp: "Thế giới sẽ hủy diệt nếu đấng Toàn Giác không quyết định thuyết Pháp. Do vậy, cầu xin đức Thế Tôn hãy thuyết Pháp. Có những người ít nhiễm bụi trong mắt, nếu không được nghe Pháp, chúng sẽ sa đọa. Song nếu chúng nghe Pháp, chúng sẽ đạt giải thoát".

Lý luận của Phạm Thiên gợi lên lòng bi mẫn của đức Phật đối với chúng sanh và cùng với tiếng gọi lớn: "Các cửa Bất tử đều rộng mở cho những ai muốn nghe", ngài đồng ý thuyết Pháp. Vị Phạm Thiên hân hoan đảnh lễ đức Phật, đi vòng quanh ngài với thân hướng về phía hữu theo nghi thức Ấn Ðộ, rồi biến mất. Như thế các Thiên thần cũng biết cách giữ lễ độ đối với một bậc Giác Ngộ.

Khi đang suy xét xem ngài nên giảng Pháp đầu tiên cho người nào, đức Phật nghĩ ngay đến những vị có thời từng là Ðạo Sư của ngài: Àlàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta. Khi biết rằng cả hai đều từ trần, ngài liền nghĩ đến năm vị đồng tu khổ hạnh với ngài thuở trước, mà ngài biết bấy giờ chư vị đang trú tại Lộc Uyển (Vườn Nai) ở Isipatana (Chư Tiên Ðọa Xứ) gần Benares (Ba-la-nại) hay Vàrànasi. Ngài biết chư vị ấy sẽ nhanh chóng thông hiểu giáo lý. Trong niềm hân hoan chiến thắng vì đã có sẵn phương tiện độ sanh trong tay, cùng quyết định dâng trọn đời mình cho sứ mạng cao cả này, ngài khởi hành đến Benares. Nếu ta xét rằng ngài phải khất thực mỗi buổi sáng và cái nắng gắt buổi trưa thật bất tiện cho việc đi bộ, thì ta phỏng đoán ngài phải cần ít nhất là mười bốn ngày cho cuộc hành trình dài 210 km này (theo đường chim bay).

Khoảng giữa Uruvelà và Gayà, ngay sau khi ngài khởi hành, ngài gặp một du sĩ lõa thể tên Upaka nào đó thuộc phái Àjivika, là người chủ trương thuyết định mệnh cực đoan. Vẻ hân hoan nội tâm tỏa ra trên khuôn mặt sáng chói của ngài khiến vị này chú ý và hỏi ai là Ðạo Sư của ngài và Giáo Pháp ngài như thế nào. Ðức Phật đầy tự tin tuyên bố ngài đã được giải thoát nhờ ái diệt, ngài là vị thắng giả chiến trường, vì vậy ngài không có Ðạo Sư, mà chính ngài là bậc Ðạo Sư. Nghe điều này, Upaka cũng không cảm phục và nói: "Có thể là như vậy, thưa hiền giả" rồi lắc đầu rẽ vào một con đường khác bên cạnh. (Mv1.6; MN 26, MN 85). Các nhà kiết tập Kinh Tạng Pàli đã có thể dễ dàng cắt bỏ tiểu đoạn này vì nó làm hỏng phần nào hình ảnh của đức Phật. Song chư vị đã không làm như vậy chứng tỏ lòng tôn trọng sự thật lịch sử.

Còn các vị Kondañña, Bhaddiya, Vappa, Mahànàma và Assaji thật bất mãn khi thấy Sa-môn Gotama, người bạn đồng tu cũ trước kia đã rời bỏ chư vị, nay lại đi đến gần Vườn Nai ở Isipatana. Quả thật chư vị đã đồng lòng không chào hỏi cũng không đứng lên đảnh lễ ngài. Song khi ngài đến gần, chư vị đã bị chinh phục trước vẻ cao quý của một bậc giải thoát khiến chư vị đều cư xử với ngài vô cùng kính cẩn. Chư vị cầm lấy bình bát và thượng y của ngài, sửa soạn chỗ ngồi cho ngài, rửa chân ngài và xưng hô "Hiền giả" (Àvuso) với ngài theo thói quen. Song đức Phật bác bỏ cách xưng hô này:



"Này các Tỳ-kheo, đừng gọi Như Lai (Tathàgata: Bậc Ðến Như Vậy) là "Hiền giả" (như một trong các vị). Này các Tỳ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác". (Mv1.6.12 ; MN 26)

Một bậc Giác Ngộ tượng trưng một hạng người độc nhất, trên thực tế vẫn có hình dáng bề ngoài như mọi người, cũng phải chịu biến hoại về thể chất (do kết quả của tiền nghiệp chưa tiêu trừ), song vị ấy không còn bị trói buộc vào vòng luân hồi sanh tử. Bao lâu ngài chưa đắc Niết-bàn vô dư y tối hậu (đại diệt độ), ngài vẫn sống như một bậc giải thoát ở đời, song nội tâm không còn tham luyến đời, buông xả đối với đời. Mọi kiết sử ràng buộc từ gia đình đến xã hội, đều bị ngài cắt đứt.

Lời tuyên bố đã khám phá con đường đưa đến Bất Tử tức con đường Giải thoát, đã Giác Ngộ Chân Lý và chứng đắc Pháp (Dhamma) của ngài lúc ấy được năm nhà tu khổ hạnh, bạn đồng tu cũ, đáp lại với vẻ hoài nghi. Chư vị hỏi, làm thế nào một người đã từ bỏ khổ hạnh để chọn đời sống sung túc lại có thể chứng đắc Chân Lý? Ðức Phật giải thích rằng ngài chẳng hề tham đắm đời sống sung túc, và để làm sáng tỏ mọi việc, ngài thuyết giảng một bài kinh (sutta) cho chư vị, bài kinh danh tiếng Chuyển Pháp Luân, khởi đầu sự nghiệp hoằng Pháp của ngài. Bài kinh trình bày Pháp (Dhamma) là Trung Ðạo, và nêu lên hệ thống Bốn Chân Lý: đó là một căn bản hợp lý chứa đựng đầy đủ các lời dạy tinh vi:

"Có hai cực đoan, này các Tỳ-kheo, mà người xuất gia không nên hành trì. Ðó là hai cực đoan nào? (Một mặt) đắm mình vào dục lạc, thấp kém, tầm thường, hạ liệt, không xứng đáng bậc Thánh, không ích lợi. (Mặt khác) chuyên tâm khổ hạnh ép xác, gây khổ đau, không xứng đáng bậc Thánh, và cũng không ích lợi.

Này các Tỳ-kheo, Như Lai đã tránh xa hai cực đoan này, và tìm ra Trung Ðạo chính là con đường khiến cho ta thấy và biết (tác thành nhãn và trí), con đường đưa đến an tịnh, thắng trí, Giác Ngộ, Niết-bàn.


  1. Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Khổ (Dukkha): sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ; thân cận những gì ta không thích là khổ, xa lìa những gì ta thích là khổ, cầu không được là khổ; tóm lại, ngũ thủ uẩn (tạo thành một cá nhân sống thực) là khổ.

  2. Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Nguồn gốc của Khổ (Samudaya): Ðó chính là khát ái (tanhà) đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm thấy lạc thú chỗ này chỗ kia: đó là Dục ái (Kàmatanhà), Hữu ái (bhavatanhà) và Phi hữu ái (Vibhavatanhà).

  3. Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Khổ Diệt (Nirodha) chính là sự đoạn trừ, diệt tận hoàn toàn khát ái đó, quăng bỏ nó, chấm dứt nó, xả ly nó, không chấp thủ nó.

  4. Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ Diệt (Magga). Ðó là Thánh Ðạo Tám Ngành tức là:

Chánh Kiến (Sammà-Ditthi)
Chánh Tư duy (Sammà-Sankappa)
Chánh Ngữ (Sammà-Vàcà)
Chánh Nghiệp (Sammà-Kammanta)
Chánh Mạng (Sammà-Àjìva)
Chánh Tinh tấn (Sammà-Vàyàma)
Chánh Niệm (Sammà-Sati)
Chánh Ðịnh (Sammà-Samàdhi)

(Mv1.6.17, 19, 22 = SN 56. 11. 5 - 8)

Năm vị tôn giả hết sức chú tâm lắng nghe lời ngài, và ngay khi ngài thuyết giảng, tôn giả Kondañña đã quán triệt Giáo Pháp: "những gì chịu qui luật sinh khởi đều phải chịu qui luật hoại diệt". (Mv. 1. 6. 29) Sau đó, tôn giả liền xin đức Phật nhận làm đệ tử và đức Phật lấy phương ngôn: "Ðến đây, này Tỳ-kheo, Giáo Pháp đã được khéo giảng, hãy sống đời Phạm hạnh (thanh tịnh) để đoạn tận khổ đau" để nhận tôn giả làm một Tỳ-kheo (Bhikkhu) (Mv 1. 6 . 32). Như vậy tôn giả Kondañ ñ a là vị Tỳ-kheo đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, và sự thọ giới của tôn giả đánh dấu khởi điểm của Tăng đoàn (Sangha) tồn tại cho đến ngày nay.

Trong các nước Châu Á theo đạo Phật, lễ "Chuyển Pháp Luân" được cử hành hằng năm vào ngày rằm tháng Àsàlhà (tháng 5-6) như vậy khoảng hai tháng âm lịch (56 ngày) được xem là đã trôi qua giữa thời đức Phật Thành Ðạo tháng Vesàkha và thời thuyết Pháp tại Isipatana.

Chẳng bao lâu lời dạy của đức Phật đã khiến cho tôn giả Vappa và Bhaddiya hiểu Pháp (Dhamma) và hai vị cũng được nhận làm Tỳ-kheo. Trong lúc chư Tỳ-kheo (nghĩa đen là Khất sĩ) Kondañ ñ a, Vappa và Bhaddiya đi khất thực để cung cấp thức ăn cho cả nhóm, bậc Ðạo Sư thuyết giảng riêng cho tôn giả Mahànàma và Assaji. Trong chốc lát, chư vị cũng đắc tri kiến cần thiết (của bậc Nhập lưu) và xin thọ giới (Mv1. 6.33-7). như vậy đã có sáu Tỳ-kheo trên thế gian - đức Phật và năm đệ tử của ngài.

Vài ngày sau lễ thọ giới của năm vị đệ tử, đức Phật dạy chư vị bài Pháp về Vô Ngã (Mv1.6.38-46; SN 22.59). Ðiều đáng chú ý là bài Pháp này nêu lên một ý tưởng chưa hề được gợi lên vào thời Giác Ngộ hoặc thời Pháp ở Isipatana, và ý tưởng này thực sự gây kinh ngạc trong một hệ thống giáo lý hướng về tinh thần: phủ nhận sự hiện hữu của linh hồn. Ðiều này chứng tỏ đức Phật đã phát triển phương diện triết lý trong Pháp của ngài từ khi Thành Ðạo.

Kinh Vô Ngã Tướng bắt đầu từ sự thừa nhận rằng mỗi cá thể thực sự gồm có năm uẩn - chỉ có năm - (khandha) thành tố, tức là sắc, thọ, tưởng, hành (sankhàra) và thức. Vì ở Ấn Ðộ, bản ngã, linh hồn (atta hay àtman) luôn ám chỉ một cái gì thường hằng, vĩnh cửu tồn tại sau khi chết, còn ngũ uẩn thì không có gì thường hằng vĩnh cửu cho nên phải kết luận là không có uẩn nào chứa đựng một linh hồn cả. Trong ngũ uẩn kết hợp thành một cá nhân toàn vẹn có đời sống tâm lý hay tinh thần, song không có một linh hồn theo nghĩa một thực thể trường cửu: cá nhân là vô ngã (anatta), không có linh hồn.

Một lý luận thứ hai hỗ trợ lý luận đầu tiên. Tính chất biến đổi và hoại diệt của ngũ uẩn khiến chúng gây khổ đau (dukkha) và một vật gây khổ đau, (và không làm thỏa mãn) không thể là một linh hồn trường cửu.

Khi năm Tỳ-kheo nghe lời thuyết giảng này của đức Phật, tâm của chư vị thoát khỏi mọi lậu hoặc (àsava) đưa đến tái sanh, và do vậy, chư vị trở thành các bậc Thánh (A-la-hán) (Mv1.6.47). Tri kiến của chư vị về Giáo Pháp cứu khổ bấy giờ cũng trở thành mênh mông, sâu thẳm như tri kiến đức Phật, chỉ khác ngài ở điểm nguồn gốc tri kiến ấy mà thôi. Về phương diện giáo lý, một đức Phật được định nghĩa là vị tự tìm ra con đường giải thoát cho mình, trong khi một bậc A-la-hán được giải thoát nhờ nghe Pháp thuyết giảng. (SN 22. 58)

Sự đắc quả tương đối dễ dàng của năm vị đầu tiên cũng như nhiều vị Tỳ-kheo và cư sĩ về sau đã khiến cho nhiều người đọc Kinh Ðiển nghĩ rằng quần chúng thời đức Phật có sẵn căn cơ hướng đến tuệ giác nhiều hơn chúng ta thời nay. Ðiều này cũng có thể xảy ra, vì trong lịch sử thế giới có thể thấy nhiều thời kỳ tinh thần thăng tiến hay suy giảm.

Một lý do khác để giải thích sự kiện thường tuyên bố đắc quả A-la-hán là người Ấn Ðộ cổ đại vẫn có niềm tin chắc rằng nhận thức và chứng đắc là một: Bất cứ ai quán triệt Tứ Thánh Ðế và theo Thánh Ðế thứ hai, ai nhận thức chính tham ái (tanhà) là nguyên nhân tái sanh và đau khổ, liền đoạn tận tham ái nhờ tri kiến ấy và như vậy là trở thành một bậc A-la-hán. Ngày nay, chúng ta ít lạc quan hơn về hiệu năng của nhận thức ấy.

---o0o---



tải về 1.68 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   5   6   7   8   9   10   11   12   ...   28




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương