Ngoại đạo tức là người ngoài Phật pháp, có quan điểm hầu như khác hoặc đối lập với đức Phật. Có 2 nhóm



tải về 140.77 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích140.77 Kb.
#38300
BÀI: NHÓM CÁC BÀI KINH LIÊN HỆ ĐẾN NGOẠI ĐẠO

I. CÁC BÀI KINH LIÊN HỆ


Ngoại đạo tức là người ngoài Phật pháp, có quan điểm hầu như khác hoặc đối lập với đức Phật. Có 2 nhóm:

(1) Nhóm trong kinh thường gọi là du sĩ ngoại đạo (xuất gia, đi lang thang đó đây, hoặc ở một trú xứ nhất định): Tiểu kinh Saccaka (35), Đại kinh Saccaka (36), Kinh Kandara (51), Kinh Ưu-ba-ly (56), Kinh Hạnh con chó (57), Kinh Vô Úy vương tử (58), Kinh Không gì chuyển hướng (60), Kinh Vacchagotta về tam minh (71), Kinh Vacchagotta về lửa (72), Đại kinh Vacchagotta (73), Kinh Trường trảo (74), Kinh Magandiya (75), Kinh Sandaka (76), Đại kinh Sakuludayi (77), Kinh Samanamandikà (78), Tiểu kinh Sakuludayi (79), Kinh Vekhanassa (80), Kinh Sela (92).

(2) Nhóm Bà-la-môn theo truyền thống tập cấp (có thể xuất gia khi tuổi xế chiều, và cũng có thể là người sống một đời sống của người tại gia): Kinh Ví dụ tấm vải (7), Kinh Sàleyyaka (41), Kinh Veranjaka (42), Kinh Assalàyana (93), Kinh Ghotamukha (94), Kinh Ganaka Moggallana (107).


II. NỘI DUNG

1. Lục sư ngoại đạo thường được đề cập trong kinh

1.1. Tên tuổi của các ngoại đạo được liệt kê đầy đủ


Kinh Sakuludayi (77) cho chúng ta danh sách tên của các ngoại đạo sư thời bấy giờ. Có 6 ngoại đạo thường được nhắc đến trong kinh tạng.

(1) Purana Kassapa, (2) Makkhali Gosala, (3) Ajita Kesakambali, (4) Pukudha Kaccayana, (5) Sanjaya Belatthiputta, (6) Nigantha Nataputta. Các vị này đều là bậc lãnh đạo hội chúng, lãnh đạo đồ chúng, bậc sư trưởng đồ chúng, có thời danh, bậc Tổ sư có thanh danh, được quần chúng tôn sùng, đã đến Rajagaha để an cư trong mùa mưa. Theo bài kinh trên, các vị này đều là những vị không được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường.

Sau đây là mẫu mà trong kinh Sakuludayi mô tả hội chúng của Purana Kassapa và các hội chúng khác cũng tương tự: “Thuở xưa, Purana Kassapa thuyết pháp cho hội chúng hàng trăm người; ở đấy, một đệ tử của Purana Kassapa nói lớn tiếng như sau: "Chư Tôn giả, chớ có hỏi Purana Kassapa về ý nghĩa này. Vị ấy không biết ý nghĩa này, chúng tôi biết ý nghĩa này. Hãy hỏi chúng tôi về ý nghĩa này. Chúng tôi sẽ trả lời về ý nghĩa này cho chư Tôn giả". Thuở xưa, Purana Kassapa dang tay, khóc lóc nhưng không được nghe theo: "Chư tôn giả, hãy nhỏ tiếng! Chư Tôn giả hãy lặng tiếng! Những vị ấy không hỏi Chư Tôn giả. Những vị ấy hỏi chúng tôi. Chúng tôi sẽ trả lời cho những vị ấy". Nhiều đệ tử của Purana Kassapa, sau khi kích bác Purana Kassapa, bỏ đi và nói: "Ông không biết pháp và luật này. Ta biết pháp và luật này. Làm sao Ông có thể biết pháp và luật này? Ông theo tà hạnh. Ta theo chánh hạnh. Ðiều ta nói có tương ưng. Ðiều Ông nói không tương ưng. Ðiều đáng nói trước, Ông lại nói sau. Ðiều đáng nói sau, Ông lại nói trước. Chủ trương của Ông đã bị lật ngược, câu hỏi của Ông đã bị bài bác. Ông đã bị thuyết bại. Hãy đến giải vây lời nói ấy, nếu có thể được, gắng thoát khỏi lối bí". Như vậy, Purana Kassapa không được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dường. Và sau khi không cung kính tôn trọng, các đệ tử đã không sống nương tựa Purana Kassapa. Trái lại, Purana Kassapa đã bị mạ lị với những lời mắng nhiếc vì hành động của mình.

Nhận xét 1: Đoạn kinh trên nhằm giới thiệu bối cảnh tôn giáo chung của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, để làm đòn bẫy giới thiệu về 5 phẩm chất cao thượng của đức Phật được các bậc thức giả cung kính, đảnh lễ, cúng dường.

Nhận xét 2: Mẫu mô tả trên có vẻ rập khuôn. Bài kinh này chưa mô tả đầy đủ những hạn chế riêng của từng phái.


1.2. Thái độ của lục ngoại đạo sư

Đại kinh Saccaka (36), trong phần cuối bài kinh, giới thiệu 6 ngoại đạo sư đầy đủ và phản ánh thái độ và trình độ tu tập. Đồng thời, ngang qua đó, cũng mô tả về trình độ tâm linh của đức Phật:

-- Thật kỳ diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama! Dầu cho Tôn giả Gotama bị chống đối một cách mỉa mai, dầu cho bị công kích với những lời lẽ buộc tội trong cuộc đối thoại, màu da Tôn giả vẫn sáng suốt, sắc mặt Tôn giả vẫn hoan hỷ, như một A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này Tôn giả Gotama, tôi xác nhận tôi cùng với Purana Kassapa biện luận, vị này khi bị tôi dùng lời nói chất vấn, liền tránh né với một vấn đề khác, trả lời ra ngoài vấn đề, và tỏ lộ sự phẫn nộ, sân hận, tức tối. Còn Tôn giả Gotama, dầu bị chống đối một cách mỉa mai, dầu bị công kích với những lời lẽ buộc tội trong cuộc đối thoại, màu da Tôn giả vẫn sáng suốt, sắc mặt Tôn giả vẫn hoan hỷ như một A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này Tôn giả Gotama, tôi xác nhận tôi cùng với Makkhali Gosala... Ajita Kesakambala... Pakudha Kaccayana... Sanjaya Belatthiputta... cùng với Nigantha Nataputta biện luận, vị này khi bị tôi dùng lời nói chất vấn liền tránh né với một vấn đề khác, trả lời ra ngoài vấn đề và tỏ lộ sự phẫn nộ, sân hận và tức tối. Còn Tôn giả Gotama, dầu bị chống đối một cách mỉa mai, dầu bị công kích với những lời lẽ buộc tội, trong cuộc đối thoại, màu da Tôn giả vẫn sáng suốt, sắc mặt Tôn giả vẫn hoan hỷ như một A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Và này Tôn giả Gotama, chúng tôi nay phải đi, chúng tôi có nhiều công việc, có nhiều việc phải làm.

2. Thái độ của một số du sĩ ngoại đạo và Bà-la-môn và kết quả khi gặp đức Phật

2.1. Cung kính, hiểu biết

Kinh Vacchagotta về tam minh (71) mô tả du sĩ ngoại đạo Vacchagotta ở Ekapundarika, vườn các du sĩ ngoại đạo, tại Vesali rất cung kính đức Phật. Trong kinh ghi như sau:


Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta thấy Thế Tôn từ đằng xa đi đến, khi thấy vậy, liền nói với Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy đến; bạch Thế Tôn, thiện lai, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, đã từ lâu, Thế Tôn mới có dịp này, tức là đến tại đây, bạch Thế Tôn, mời Thế Tôn ngồi. Ðây là chỗ đã soạn sẵn.

Thế Tôn ngồi trên ghế đã soạn sẵn. Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta lấy một ghế thấp khác và ngồi xuống một bên.

Kinh Magandiya (75): Bharadvaja – một người Bà-la-môn thuộc đạo thờ Lửa đã có thái độ rất tôn kính đức Phật: Sắp xếp một thảm cỏ trong nhà Lửa cho đức Phật nghỉ. Khi nghe du sĩ Magandiya nói nặng lời về đức Phật, ông liền can ngăn: “Này Magandiya, hãy thận trọng lời Ông nói. Này Magandiya, hãy thận trọng lời Ông nói. Nhiều vương tộc trí giả, nhiều Bà-la-môn trí giả, nhiều Cư sĩ trí giả, nhiều Sa-môn trí giả có lòng tin nơi Tôn giả Gotama ấy, và đã tu tập theo Thánh đạo, theo Pháp và theo (chí) Thiện”.

Kinh Sela (92) ghi lại Bện tóc Keniya và Bà-la-môn Sela đều là những vị rất cung kính đức Phật, tỏ ra sự hiểu biết và trân trọng đối với đức Thế Tôn. Sau khi gặp đức Phật, bện tóc Keniya phát tâm cúng dường trai ngọ. Bà-la-môn Sela sau khi thấy được 32 tướng đại nhân của đức Phật (trừ 2 tướng: lưỡi rộng dài và âm mã tàng), ông cùng với đồ chúng phát tâm xuất gia dưới sự hướng dẫn của đức Phật. Bà-la-môn Sela nói với các đồ chúng trước khi đến đức Phật: “Quý vị hãy đến một cách im lặng, đặt chân xuống từng bước một, các bậc Thế Tôn ấy như con sư tử sống một mình, rất khó đến gần (hay ưa thích an tịnh - Durasada). Nếu ta có thảo luận với Sa-môn Gotama, chư Tôn giả chớ ngắt lời ta. Chư Tôn giả hãy chờ ta nói xong”.


Kinh Ghotamukha (94) ghi lại câu chuyện Bà-la-môn Ghotamukha đến Baranasi có công việc rồi đến rừng xoài Khemiya, gặp tôn giả Udena đang đi kinh hành ở giữa trời. Qua cách nói chuyện và ứng xử, chúng ta thấy rằng ông rất khiêm tốn và cung kính đối với các hàng Sa-môn.

-- Trong khi chúng con đến với Tôn giả Udena, chúng con không ngồi. Làm sao người như con lại nghĩ đến ngồi xuống, trước khi được mời.

Rồi Ba La Môn Ghotamukha lấy một ghế thấp khác rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Ghotamukha nói với Tôn giả Udena...

2.2. Quan sát khách quan và tán thán

Kinh Kandara (51) ghi lại sự kiện sau khi quan sát hội chúng đức Thế Tôn, liền tán thán: “Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn giả Gotama! Chúng Tỷ-kheo này được Tôn giả Gotama chơn chánh hướng dẫn. Tôn giả Gotama, các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời quá khứ, không biết quý vị Thế Tôn ấy đã có một chúng Tỷ-kheo tuyệt diệu như vậy, mà quý vị ấy chơn chánh hướng dẫn, như nay chúng Tỷ-kheo được Tôn giả Gotama chơn chánh hướng dẫn? Tôn giả Gotama, các vị A-la-hán Chánh Ðẳng Giác trong tương lai, không biết quý vị Thế Tôn ấy sẽ có một chúng Tỷ-kheo tuyệt diệu như vậy, mà quý vị ấy sẽ chơn chánh hướng dẫn, như nay chúng Tỷ-kheo được Tôn giả Gotama chơn chánh hướng dẫn?”

2.3. Ngạo mạn, khinh thường

Tiểu kinh Saccaka (35) là bài kinh điển hình trình bày có hạng du sĩ ngoại đạo lúc bấy giờ rất ngạo mạn. Kinh ghi Niganthaputta Saccaka thường xuyên tuyên bố trước các vị du sĩ/ hội chúng ở Vesali rằng: "Ta không thấy một Sa-môn hay một Bà-la-môn nào, là vị Hội chủ, là vị Giáo trưởng, vị Sư trưởng Giáo hội, dầu tự cho là bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác, khi đối thoại với ta, không ai là không run sợ, không hoảng sợ, không khiếp sợ, không ai là không toát mồ hôi nách. Dầu ta có đối thoại với một cột trụ vô tình, cột trụ ấy khi đối thoại với ta cũng run sợ, cũng hoảng sợ, cũng khiếp sợ, huống nữa là một người thường".

Khi được biết, đức Thế Tôn nhận lời trao đổi với ông, ông vận động những người thuộc bộ tộc Licchavi đến dự: “Hãy đến, các Tôn giả Licchavi; hãy đến các Tôn giả Licchavi. Hôm nay sẽ có cuộc đàm luận giữa Sa-môn Gotama với ta. Nếu Sa-môn Gotama đứng đối thoại với ta như Tỷ-kheo Assaji, một vị đệ tử danh tiếng của ông ta đã làm, thì như một lực sĩ tay nắm chặt lông một con cừu có lông dài, có thể kéo tới, giật lui, vần quanh; cũng vậy, ta dùng lời nói, kéo tới, giật lui, vần quanh Sa-môn Gotama. Cũng như một người lực sĩ nấu rượu, sau khi nhận chìm một thùng rượu lớn xuống hồ nước sâu, nắm một góc thùng có thể kéo tới, giật lui, vần quanh; cũng vậy, ta dùng lời nói, kéo tới, giật lui, vần quanh Sa-môn Gotama. Và cũng như một lực sĩ nghiện rượu, sống phóng đãng, sau khi nắm góc một cái sàng, lắc qua lắc lại, lắc xoay quanh. Cũng vậy, ta sẽ dùng lời nói, lắc qua lắc lại, lắc xoay quanh Sa-môn Gotama. Và cũng như một con voi lớn sáu mươi tuổi, sau khi lặn xuống một hồ nước sâu, lại chơi trò phun nước; cũng vậy, ta nghĩ ta sẽ chơi trò chơi phun nước với Sa-môn Gotama. Hãy đến, các Tôn giả Licchavi. Hãy đến các Tôn giả Licchavi. Hôm nay sẽ có cuộc đàm luận giữa Sa-môn Gotama với ta.”

Sau khi gặp đức Phật, được đức Phật khai thị về bộ môn mà đức Phật dạy cho hội chúng của Ngài (bộ môn năm uẩn), ông có lời tự thú như sau:

-- Tôn giả Gotama, chúng tôi thật là lỗ mãng, chúng tôi thật là khinh suất. Chúng tôi đã dám nghĩ dùng lời nói để luận chiến với Tôn giả Gotama! Này Tôn giả Gotama, rất có thể còn có sự an toàn cho một người chiến đấu với con voi điên, nhưng không thể có sự an toàn cho một người chiến đấu chống Tôn giả Gotama! Này Tôn giả Gotama, rất có thể còn có sự an toàn cho một người chiến đấu chống đám lửa hừng, nhưng không thể có sự an toàn cho một người chiến đấu chống Tôn giả Gotama! Này Tôn giả Gotama, rất có thể còn có sự an toàn cho một người chiến đấu với con rắn độc dữ tợn, nhưng không thể có sự an toàn cho một người chiến đấu với Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, chúng tôi thật lỗ mãng, chúng tôi thật là khinh xuất. Chúng tôi đã dám nghĩ, dùng lời nói để luận chiến với Tôn giả Gotama! Mong Tôn giả Gotama nhận lời, ngày mai dùng bữa ăn của tôi cùng với chúng Tỷ-kheo!

2.4. Có ác cảm, tà kiến đối với đức Phật

Kinh Magandiya (75) ghi lại câu chuyện Du sĩ Magandiya có ác cảm, tà kiến với đức Phật. Ông cho rằng: "Sa-môn Gotama là người phá hoại sự sống". Vì sao vậy? Thánh điển của chúng tôi đã truyền lại như vậy.

Sau khi nghe Phật thuyết pháp, ông phát tâm xuất gia và chẳng bao lâu sau, ông chứng đắc đạo quả A-la-hán.

2.5. Bảo người khác hỏi với mục đích bắt bí đức Phật

Kinh Vô Úy vương tử (58) ghi lại câu chuyện Vương tử Vô Úy được ngoại đạo Ni-kiền-tử nhờ chất vấn đức Phật một câu hỏi hai móc với mục đích là bắt bí đức Phật. Ông hỏi rằng “Như Lai có bao giờ nói một lời làm kẻ khác buồn không?” Nếu đáp có thì có khác gì phàm phu. Nếu đáp không thì thành nói dối, vì Phật vừa nói Devadatta sẽ rơi vào đọa xứ, khiến cho Devadatta phẫn nộ.

Phật trả lời là Ngài sẽ tùy duyên, với đủ 3 điều kiện: Đúng sự thật, đúng thời và tương ứng với mục đích (nghĩa là để giáo hóa người đó).

3. Các pháp hành hơi xa lạ đối với quan điểm nhà Phật

Kinh Upali (56) phản ánh giới luật của Nigantha ngang qua ví dụ của đức Phật rằng, họ không uống nước lạnh vì có chứa sinh vật và giữ giới không tổn hại côn trùng rất kỹ (bất hại).

Kinh Hạnh con chó (57) ghi lại hai trường hợp Punna Koliyaputta hành trì hạnh con bò, và lõa thể Seniya, hành trì hạnh con chó. Khi được hỏi đến lần thứ ba với sự nài nỉ, đức Phật mới thuyết minh về nhân quả của hạnh kỳ cục này và tuyên bố nhân nào thì quả nấy, nhân đen thì quả đen, do đó sau khi thân hoại mạng chung 2 người hành trì hạnh con bò và con chó sẽ tái sanh vào cảnh giới bất thiện, tương ưng với nghiệp nhân mình tạo trong kiếp sống hiện tại.

4. Các vấn đề thế sự ngoại đạo thường bàn luận bị Phật quở trách và lối sống cực đoan

4.1. Các vấn đề thế sự

Kinh Sakuludayi (77) phản ánh cách sống và nội dung các du sĩ ngoại đạo thảo luận. “Lúc bấy giờ du sĩ Sakuludayi đang ngồi cùng với đại chúng du sĩ, đang lớn tiếng, cao tiếng, to tiếng, bàn luận nhiều vấn đề phù phiếm như vương luận, tặc luận, đại thần luận, binh luận, bố úy luận, chiến đấu luận, thực luận, ẩm luận, y luận, sàng luận, hoa man luận, hương liệu luận, thân tộc luận, xa thừa luận, thôn luận, trấn luận, thị luận, quốc độ luận, phụ nữ luận, anh hùng luận, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về người đã chết, tạp thoại luận, thế giới luận, hải dương luận, hiện hữu, vô hiện hữu luận”.

4.2. Cách sống cực đoan của một số Bà-la-môn:

Kinh Ghotamukha (94) mô tả 4 hạng người, trong đó có hạng người tự làm khổ mình như sau:

Này Bà-la-môn, thế nào là hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình? Ở đây, này Bà-la-môn, có người sống lõa thể sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, đi khất thực không chịu đứng một chỗ, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn dành riêng, không nhận mời đi ăn, không nhận từ nơi miệng nồi, không nhận từ nơi miệng chảo, không nhận tại ngưỡng cửa, không nhận giữa những cây gậy, không nhận giữa những cối giã gạo, không nhận từ hai người đang ăn, không nhận từ người đàn bà có thai, không nhận từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận từ người đàn bà đang giao cấu người đàn ông, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận tại chỗ có chó đứng, không nhận tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, ăn thịt, không uống rượu nấu, rượu men. Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà, hay chỉ nhận ăn một miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại hai nhà, hay chỉ nhận ăn hai miếng... hay vị ấy chỉ nhận ăn bảy nhà, hay vị ấy chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát,... nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa,... bảy ngày một bữa. Như vậy vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần. Vị ấy chỉ ăn cỏ hoang, ăn lúa tắc, ăn lúa hoang, ăn da vụn, ăn rong nước, ăn bột tấm, ăn váng gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ hay ăn phân bò. Vị ấy ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Vị ấy mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các vải khác, mặc vải tẩm liệm rồi quăng đi, mặc vải phấn tảo y, mặc vỏ cây tirita làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bện bằng từng mảnh da con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường, mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cừu. Vị ấy là người sống nhổ râu tóc, là người chuyên sống theo hạnh nhổ râu tóc, là người theo hạnh thường đứng, từ bỏ chỗ ngồi, là người ngồi chõ hỏ, chuyên sống theo hạnh ngồi chõ hỏ, một cách tinh tấn, là người dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm (để gột sạch tội lỗi). Như vậy dưới nhiều hình thức, vị ấy sống tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình. Như vậy, này Bà-la-môn, được gọi là hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình.

5. Một số quan điểm chấp trì của ngoại đạo

5.1. Một số quan điểm của Nigantha (Ni-kiền-tử)

Kinh Upali (56) ghi lại quan điểm của Dhigatapassi (Trường Khổ Hạnh) thuộc phái Nigantha cho rằng có 3 loại phạt để tác thành nghiệp, đó là thân phạt, khẩu phạt và ý phạt. Trong 3 hình phạt này, chủ trương của Nigantha là thân phạt là yếu tố quyết định tạo nên nghiệp.

Tiểu kinh Sakuludayi (79) mô tả quan điểm sau thuộc chủ trương của Nigantha.


"Khi ta đi, khi ta đứng, khi ta ngủ và khi ta thức, tri kiến được tồn tại liên tục thường hằng". Vị ấy khi được người khác hỏi về quá khứ, liền tránh né với một câu hỏi khác, trả lời ra ngoài đề, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, và bất mãn”.

5.2. Quan điểm của Bà-la-môn tắm nước sông thiêng

Kinh Ví dụ tấm vải (7) ghi lại trường hợp Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja hỏi đức Phật ngài có thường tắm ở dòng sông Bahuka không, vì mọi người theo Bà-la-môn giáo thường cho rằng tắm rửa ở các dòng sông thiêng ở Ấn Độ sẽ tiêu trừ nghiệp tội. Đức Phật phủ nhận quan điểm trên bằng bài kệ sau:


Trong sông Bàhukà / Tại Adhikakkà,
Tại cả sông Gayà
 / Và Sundarikà, 
Tại Sarassatì / Và tại Payàna,
Tại Bàhumatì,
 / Kẻ ngu dầu thường tắm,
Ác nghiệp không rửa sạch.


Sông Sundarikà / Có thể làm được gì?
Payàga làm gì?/ Cả sông Bàhukà?
Không thể rửa nghiệp đen
 / Của kẻ ác gây tội.

Ðối kẻ sống thanh tịnh, /Ngày nào cũng ngày tốt,
Với kẻ sống thanh tịnh,
 / Ngày nào cũng ngày lành,

Các tịnh nghiệp thanh tịnh, / Luôn thành tựu thiện hạnh. 
Này vị Bà-la-môn, /Chỉ nên tắm ở đây,
 
Khiến mọi loài chúng sanh,
 / Ðược sống trong an ổn.
Nếu không nói dối trá,/ Nếu không hại chúng sanh,
Không lấy của không cho,
 / Có lòng tín, không tham, 
Ði Gayà làm gì,
 / Gayà một giếng nước?

5.3. Mười tà kiến thường chấp trì bởi các Sa-môn, Bà-la-môn

Kinh dạy Vacchagotta về lửa (72) ghi lại sự kiện du sĩ ngoại đạo Vacchagotta hỏi đức Phật về 10 vấn đề siêu hình, mà Tỳ-kheo Malunkyaputta trong Tiểu kinh Malunkyaputta (63) đã yêu cầu đức Phật trả lời.

(1-2) "Thế giới là thường trú" và "Thế giới là vô thường"; (3-4) "Thế giới là hữu biên" và "Thế giới là vô biên" (5-6) "Sinh mạng và thân thể là một" và "Sinh mạng và thân thể là khác"; (7-8) "Như Lai có tồn tại sau khi chết" và "Như Lai không có tồn tại sau khi chết"; (9-10) "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết" và "Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết". Theo đức Phật, ai chấp trì những quan điểm như vậy là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược, đi đôi với khổ, với tàn hại, với não hại, với nhiệt não, không hướng đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

5.4. Quan điểm “Tất cả không làm tôi thích thú”

Du sĩ ngoại đạo Dìghanakha (Trường Trảo, cậu của Tôn giả Sariputta) có quan điểm rằng: “Tất cả đều không làm cho tôi thích thú”. Đức Phật đã dùng lý luận chỉ ra cho ông thấy rằng quan điểm của ông cũng là một chấp trước. Đồng thời đức Phật triển khai rộng sâu về bản chất của các thọ cũng không thật và hướng tâm đến trạng thái giải thoát.

Đức Phật nói: “Với tâm giải thoát như vậy, này Aggivessana, Tỷ-kheo không nói thuận theo một ai, không tranh luận với một ai, chỉ nói theo từ ngữ đã được dùng ở đời, không có chấp thủ (từ ngữ ấy)”.

5.5. Các quan điểm phổ biến trong hàng Sa-môn và Bà-la-môn

Kinh Sandaka (76) ghi lại 4 quan điểm được xem là phi phạm hạnh trú và 4 quan điểm khác, được xem là bốn bất an phạm hạnh.

5.5.1. Bốn phi phạm hạnh trú:

Phi phạm hạnh trú 1:  "Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời khác, không có mẹ, không có cha, không có loại hóa sanh, ở đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, sau khi đã tự mình giác ngộ với thắng trí tuyên bố về đời này và đời sau. Con người này do bốn đại hợp thành, khi mệnh chung, địa đại quy nhập địa giới, thủy đại quy nhập thủy giới, hỏa đại quy nhập hỏa giới, phong đại quy nhập phong giới, các căn nhập vào hư không. Bốn người, gánh quan tài với người nằm trong quan tài là năm, gánh người chết mang đi, đến chỗ hỏa táng và thốt ra những lời kể lể, đặc tánh của người chết. Các xương thành màu xám như chim bồ câu, và những vật cúng dường trở thành tro bụi. Chỉ có người ngu mới tán dương bố thí, lời nói của họ trống không, giả dối, vô ích khi họ chấp thuyết "có sự hiện hữu (Atthikavada)". Kẻ ngu cũng như người trí, sau khi thân hoại mạng chung sẽ đoạn diệt, tiêu thất, không còn tồn tại sau khi chế. (Đoạn diệt luận)

Phi phạm hạnh trú 2: "Tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn, hay khiến người gây phiền muộn, gây áo não hay khiến người gây áo não, tự mình gây sợ hãi hay khiến người gây sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp đoạt, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo, hành động như vậy không có tội ác. Nếu lấy một bánh xe sắc bén giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất này, làm thành một đống thịt, thành một chồng thịt, cũng không vì vậy mà có tội ác, gây ra tội ác. Nếu đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu, cũng không vì vậy có tội ác, gây ra tội ác. Nếu đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ, cũng không vì vậy có phước báo, tạo nên phước báo. Bố thí, tự điều phục, tự chế ngự, nói thật không có công đức, không tạo nên công đức". (Vô quả luận)

Phi phạm hạnh trú 3: "Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô; không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình sẽ bị nhiễm ô. Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh, không nhân không duyên, các loài hữu tình sẽ được thanh tịnh. Không có lực, không có tinh tấn, không có nhân lực, không có cố gắng của người. Tất cả loài hữu tình, tất cả chúng sanh, tất cả sanh loại, tất cả sinh mạng đều không tự tại, không lực, không tinh tấn. Họ bị dắt dẫn chi phối bởi định mệnh, bởi sự trùng hợp, bởi tự tánh. Họ hưởng thọ khổ lạc, y theo sáu sanh loại". (Vô nhân luận)

Phi phạm hạnh trú 4:  "Có bảy thân này không bị làm ra, không làm ra, không bị sáng tạo, không sáng tạo, không sanh sản, thường tại như đảnh núi, đứng thẳng như trụ đá. Chúng bất động, không chuyển biến, không xâm hại nhau. Chúng không thể ảnh hưởng đến lạc hay khổ với nhau, hoặc cả khổ và lạc. Thế nào là bảy? Ðịa thân, thủy thân, hỏa thân, phong thân, khổ, lạc, và thứ bảy là mạn. Bảy thân này không bị làm ra, không làm ra, không bị sáng tạo, không sáng tạo, không sanh sản, thường tại như đỉnh núi, đứng thẳng như trụ đá. Chúng bất động, không chuyển biến, không xâm hại nhau. Chúng không thể ảnh hưởng đến lạc hay khổ với nhau, hoặc cả khổ và lạc. Ở đây, không có người giết hại hoặc người bị giết hại, người nghe hoặc người nói, người biết hoặc người khiến cho biết, khi có một ai dùng lưỡi kiếm sắc bén chém đầu, thời không ai tước đoạt sanh mạng của ai cả, lưỡi kiếm chỉ rơi vào giữa bảy thân mà thôi. Có tất cả là 14 trăm ngàn chủng loại thác sanh, lại có thêm 60 một trăm và 6 một trăm. Có 5 một trăm loại nghiệp và có 5 nghiệp (theo 5 căn), lại có 3 nghiệp (về thân, khẩu, ý), lại có toàn nghiệp (thân và khẩu), bán nghiệp (ý), có 62 đạo, 62 trung kiếp, 6 giai cấp, 8 nhân địa; 4900 sanh nghiệp, 4900 kẻ du hành, 4900 chỗ ở của loài Naga, 2000 căn, 3000 cảnh địa ngục, 36 trần giới, 7 tưởng thai, 7 vô tưởng thai, 7 tiết thai (sanh từ đốt, hay ly hệ thai) 7 loài Thiên, 7 loài Người, 7 loài Quỷ, 7 hồ nước, 7 pavutas (núi hay hồ nhỏ), 7000 pavutas, 700 papatas (vực thẳm), 7 mộng, 700 mộng có 8.400.000 đại kiếp, trong thời gian ấy kẻ ngu và người trí, sau khi lưu chuyển, luân hồi, sẽ trừ tận khổ đau. Không có lời nguyện: "Với giới này, với giới cấm này, với khổ hạnh này, hay với Phạm hạnh này, tôi sẽ làm cho chín muồi những nghiệp chưa được thuần thục, hoặc trừ diệt những nghiệp đã được thuần thục, bởi những nhẫn thọ liên tục không thể đo lường, khổ và lạc với những vật đo lường, trong luân hồi không có tăng giảm, không có cao thấp. Ví như cuộn chỉ được tung ra sẽ được kéo dài đến một mức độ nào đó. Cũng như vậy, kẻ ngu và người trí, sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ chấm dứt khổ đau". (Luân hồi tịnh hóa)

5.5.2. Bốn pháp bất an phạm hạnh:

Bất an phạm hạnh 1: "Khi ta đi, ta đứng, ta ngủ và ta thức, tri, kiến được an trú ở trong ta, liên tục, không gián đoạn". Vị ấy đi vào một nhà trống, không nhận được đồ ăn khất thực, và con chó cắn vị ấy, vị ấy gặp voi dữ, gặp người dữ, gặp bò dữ, và vị ấy hỏi tên và họ một người đàn bà, một người đàn ông, và hỏi tên những con đường của làng, của trị trấn. Vị ấy được hỏi: "Sao như thế này?", và trả lời: "Ta phải vào một nhà trống, do vậy ta đã vào; ta phải không nhận được đồ ăn khất thực, do vậy ta đã không nhận được đồ ăn khất thực. Có người phải bị chó cắn, do vậy ta đã bị chó cắn. Có người phải gặp voi dữ, do vậy ta đã gặp; phải gặp ngựa dữ, do vậy ta đã gặp, phải gặp bò dữ, do vậy ta đã gặp. Có người phải hỏi tên và họ một người đàn bà, một người đàn ông, do vậy ta đã hỏi. Có người phải hỏi tên những con đường của làng, của thị trấn, do vậy ta đã hỏi".

Bất an phạm hạnh 2: “Có vị Ðạo sư y cứ truyền thuyết, xem truyền thuyết là chân thật, vị này thuyết pháp theo truyền thuyết, theo tương truyền và truyền thống, theo uy tín Thánh tạng. Này Sandaka, nếu vị Ðạo sư y cứ truyền thuyết, xem truyền thuyết là chân thật, vị ấy có phần khéo nhớ, có phần không khéo nhớ, khi thì như thế này, khi thì như thế khác.”

Bất an phạm hạnh 3: “Có vị Ðạo sư là nhà lý luận, là nhà suy luận. Do sự đả phá của lý luận và y cứ theo suy luận, vị này thuyết pháp theo nguyên tắc tự mình sáng tác. Này Sandaka, nếu vị Ðạo sư là nhà lý luận, là nhà suy luận, vị ấy có phần khéo lý luận, có phần không khéo lý luận, khi thì như thế này, khi thì như thế khác”.

Bất an phạm hạnh 4: “Có vị Ðạo sư là người đần độn, là người ngu si. Vì đần độn ngu si, khi được hỏi về vấn đề này, vấn đề khác, vị ấy dùng những lời ngụy biện trườn uốn như con lươn: "Theo tôi không phải như vậy, theo tôi không phải như kia, theo tôi không khác như thế, theo tôi không phải như thế, theo tôi không không phải như thế".

Do vậy, vị ấy từ bỏ, không sống chung và ra đi tìm thầy khác để nương tựa.

Đại kinh Saccaka (36) phản ánh: có một số Sa-môn, Bà-la-môn sống chuyên lo tu tập về thân, không tu tập về tâm; và một số Sa-môn, Bà-la-môn chuyên lo tu tập về tâm, không tu tập về thân. Do đó, những cảm thọ khổ về thân, chân sẽ bị tê liệt, quả tim có thể tức bể, máu nóng có thể trào ra từ miệng, có thể bị điên cuồng loạn tâm.

5.6. Kinh Không gì chuyển hướng (60) liệt kê 5 nhóm quan điểm của các ngoại đạo đương thời:

(1) Chấp hư vô luận hay duy vật cực đoan: "Không có (kết quả của) bố thí, không có (kết quả của) lễ hy sinh, không có (kết quả của) tế tự, không có kết quả, quả báo của các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trên đời không có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chơn chánh hành trì, chơn chánh thực hành, và những vị này tuyên bố về đời này và về đời sau, sau khi đã tự chứng ngộ với thắng trí".

(2) Chấp không có đời sau và quả báo (thuyết vô tác dụng/ Vô hành):  "Tự làm hay khiến người làm, chém giết hay khiến người chém giết, đốt nấu hay khiến người đốt nấu, gây phiền muộn hay khiến người gây phiền muộn, gây áo não hay khiến người gây áo não, tự mình gây ra sợ hãi, hay khiến người gây ra sợ hãi, sát sanh, lấy của không cho, phá cửa nhà mà vào, cướp bóc, đánh cướp một nhà lẻ loi, chận đường cướp giựt, tư thông vợ người, nói láo, hành động như vậy không có tội ác gì. Nếu lấy một bánh xe sắc bén giết hại tất cả chúng sanh trên cõi đất thành một đống thịt, thành một chồng thịt, cũng không vì vậy có tội ác, có gây ra sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Nam sông Hằng giết hại, tàn sát, chém giết, khiến người chém giết, đốt nấu, khiến người đốt nấu, cũng không vì vậy có tội ác, có gây ra sự tiếp tục của tội ác. Nếu có người đi trên bờ phía Bắc sông Hằng bố thí, khiến người bố thí, tế lễ, khiến người tế lễ, cũng không vì vậy có phước báo, có tạo thành sự tiếp tục của phước báo".

Thuyết này theo kinh Sa-môn quả trong Trường Bộ Kinh, được gán cho Purana Kassapa (Phú-lan-na Ca-diếp).

(3) Chấp không có quả báo các nghiệp lành dữ (thuyết vô nhân duyên/ Vô nhân): "Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô; vô nhân vô duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô. Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh; vô nhân vô duyên, các loài hữu tình được thanh tịnh. Không có lực, không có tinh tấn, không có nhân lực, không có sự cố gắng của người. Tất cả loài chúng sanh, tất cả loài hữu tình, tất cả sanh loại, tất cả sanh mạng đều không tự tại, không lực, không tinh tấn. Các chúng sanh ấy bị dắt dẫn, chi phối bởi định mệnh, bởi sự tình cờ, bởi bản tánh của họ. Các chúng sanh ấy hưởng thọ khổ lạc, y theo sáu loại thác sanh của họ".

Thuyết này được gán cho Makkhali Gosala. Thuyết này còn gọi là “Luân hồi tịnh hóa”.

(4) Thuyết không có cõi vô sắc: “Tuyệt đối không thể có cõi vô sắc”.

(5) Thuyết không có Hữu diệt/ Niết-bàn: “Không thể có một sự Hữu diệt (Bhavanirodha) toàn diện”.

6. Phiền não quá mà chết

Kinh Upali (56) phản ánh câu chuyện giáo chủ Nigantha Nataputta rất buồn vì mất đệ tử, vì phái đi biện luận với đức Phật. Ông đau khổ đến độ xáo trộn cơ thể và dẫn đến hộc máu tươi. Theo luận sớ, ông được khiêng đến Pava, và chẳng bao lâu ông qua đời.

7. Các ngoại đạo đã chuyển hướng quy y, cúng dường, hoặc xuất gia theo đức Phật

7.1. Quy y

Kinh Upali (56) ghi lại sau cuộc hội ngộ và đàm luận giữa đức Phật và cư sĩ Upali – Cư sĩ đệ tử của Nigantha Dighatapassi, gia chủ Upali xin quy y đức Phật, mặc dù đức Phật cản ngăn và yêu cầu ông nên suy nghĩ cho chín chắn, và sau đó ông phát tâm cúng dường trai ngọ đức Phật và Tăng đoàn.

7.2. Cúng dường

Tiểu kinh Saccaka (35), sau khi ngoại đạo Saccaka bị chiết phục bởi đức Phật, ông phát tâm cúng dường Phật và đại chúng một bữa ngọ trai.

Kinh Sela (92) ghi lại câu chuyện bện tóc Keniya ở tại một thị trấn của xứ Anguttarapa tên là Apana, sau khi nghe đức Phật thuyết pháp đã hoan hỷ kính thỉnh đức Phật và Tăng đoàn gồm 1250 vị Tỳ-kheo cúng dường trai ngọ.

7.3. Xin xuất gia và thọ đại giới


Kinh Sandaka (76), sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, nói với đồ chúng của mình rằng:

-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Ananda! Thật hy hữu thay, Tôn giả Ananda! Không có sự tự tán thán pháp của mình, không có sự hủy báng pháp của người khác, nhưng cả hai sự thuyết pháp với các hành trì (ayatane) và rất nhiều vị lãnh đạo tối thắng như vậy đã được thấy (ở đây). Còn các tà mạn ngoại đạo này là những đứa con của người mẹ không con, họ tự tán thán, khen mình chê người, và họ chỉ có ba vị lãnh đạo tối thắng, tức là Nanda Vaccha, Kisa Sankicca và Makkhali Gosala.

Rồi du sĩ Sandaka nói với đồ chúng của mình:

-- Chư Tôn giả, hãy đi và sống Phạm hạnh dưới Sa-môn Gotama, tuy rằng nay không có dễ gì cho chúng ta từ bỏ quyền lợi, tôn kính và danh tiếng.

Như vậy, du sĩ Sandaka đã đưa đồ chúng của mình sống Phạm hạnh dưới Sa-môn Gotama.

Kinh Ví dụ tấm vải (7), Bà-la-môn Bharadvaja sau khi nghe đức Phật thuyết giảng, liền tán thán và quy y, xin Phật cho phép xuất gia thọ đại giới.


-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Nay con quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y Tăng. Mong con được xuất gia với Tôn giả Gotama! Mong con được thọ đại giới!

Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới. Trong thời gian ngắn sau khi thọ đại giới, Tôn giả Bharadvaja sống độc cư, không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần và không bao lâu sau khi tự thân chứng ngộ với thượng trí, chứng đắc và an trú ngay trong hiện tại, vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà vì mục đích này các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy đã thắng tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa". Như vậy, Tôn giả Bharadvaja trở thành một vị A-la-hán nữa.

Kinh Sela (92) ghi lại câu chuyện Bà-la-môn Sela, một vị tinh thông ba tập Veda, hướng dẫn 300 thanh niên trì tụng chú thuật, và rất có trí, hiểu biết và tôn trọng đức Thế Tôn khi chưa diện kiến. Sau khi đến gặp Thế Tôn với những vầng thơ tán thán đức Phật hết mực cung kính và được đức Phật hồi đáp cũng bằng những vần thơ và khích lệ xuất gia giải thoát. Cuối cùng, Ông cùng đồ chúng xin xuất gia dưới sự hướng dẫn của đức Phật.

Kinh Ganaka Moggallana (107) ghi lại sự kiện Bà-la-môn Ganaka Moggallana đến vấn đạo từ đức Phật trong niệm cung kính và sau khi được đức Phật khai thị đã tán thán Phật và xin trọn đời quy ngưỡng.

Ví như Tôn giả Gotama, trong các loại căn hương, hắc chiên đàn hương được gọi là tối thượng; trong các loại lõi cây hương, xích chiên đàn hương được gọi là tối thượng; trong các loại hoa hương, vũ quý hương (jasmine) được gọi là tối thượng. Cũng vậy là lời khuyến giáo của Tôn giả Gotama được xem là cao nhất trong những lời khuyến giáo hiện nay.

Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

8. Các ngoại đạo xin xuất gia và những điều quy định đối với ngoại đạo

Kinh Magandiya (73) ghi lại quy định của đức Phật đối với ngoại đạo muốn xuất gia trong Tăng đoàn: “Này Magandiya, ai trước kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong Pháp và Luật này phải sống bốn tháng biệt trú. Sau khi sống bốn tháng biệt trú, các Tỷ-kheo nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng Ta nhận thấy các tánh con người sai biệt nhau”


Và du sĩ Magandiya được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Magandiya ở một mình an tịnh, không phóng dật, sống nhiệt tâm, cần mẫn. Và không bao lâu, vị này chứng được mục đích tối cao mà con cháu các lương gia đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Ðó là mục đích của vô thượng Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa". Tôn giả Magandiya hiểu biết như vậy. Và Tôn giả Magandiya trở thành một vị A-la-hán nữa.

9. Một số nội dung giáo pháp mang tính tiêu biểu mà đức Phật đã khai thị cho ngoại đạo

9.1. Nội dung về bản chất không thật của 5 uẩn

Tiểu kinh Saccaka (35) ghi lại đức Phật đã tuyên bố với Saccaka Niganthaputta về bộ môn mà đức Phật dạy cho đệ tử là 5 uẩn. Nói cách khác, đức Phật phân tích cho đệ tử thấy được sự vận hành và bản chất của thân và tâm này ra sao, để không dính mắc.

9.2. Thân và tâm cùng tu tập

Đại kinh Saccaka (36) ghi lại quan điểm của đức Phật: Thân và tâm cùng tu tập như sau: “Và này Aggivessana, thế nào là thân tu tập và tâm tu tập? Ở đây, này Aggivessana, lạc thọ khởi lên cho vị Thánh đệ tử nghe nhiều. Vị này được cảm giác lạc thọ, nhưng không tham đắm lạc thọ, không rơi vào sự tham đắm lạc thọ. Nếu lạc thọ ấy bị diệt mất, do lạc thọ đoạn diệt, khởi lên khổ thọ, vị ấy cảm giác khổ thọ nhưng không sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, đưa đến bất tỉnh. Này Aggivessana, lạc thọ ấy khởi lên cho vị kia, không chi phối tâm và không an trú, do thân có tu tập; khổ thọ ấy khởi lên cho vị kia, không chi phối tâm và không an trú, do tâm có tu tập. Này Aggivessana, không luận người nào mà cả hai phương tiện đều có lạc thọ khởi lên, không chi phối tâm và không an trú, do thân có tu tập; khổ thọ khởi lên, không chi phối tâm và không an trú, do tâm có tu tập, như vậy này Aggivessana, người ấy là người có thân tu tập, có tâm tu tập”.

9.3. Mười bất thiện nghiệp và mười thiện nghiệp

Kinh Saleyyaka (41) và Kinh Veranjaka (42), đức Phật thuyết minh về 10 nghiệp bất thiện và mười nghiệp thiện một cách đầy đủ. Sau đây là đoạn trích từ kinh số 41.

-- Này các Gia chủ, có ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo, có bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo, có ba loại ý hành phi pháp, phi chánh đạo. Này các Gia chủ, thế nào là ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo? Ở đây, này các Gia chủ, có người sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình. Người này lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác hoặc tại thôn làng hoặc tại rừng núi không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy. Người ấy sống tà hạnh đối với các dục lạc, giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa. Như vậy, này các Gia chủ, là ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo.

Này các Gia chủ, thế nào là bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo? Ở đây, này các Gia chủ, có người vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: "Này người kia, hãy nói những gì Ông biết"; dầu cho người ấy không biết, người ấy nói: "Tôi biết"; dầu cho người ấy biết, người ấy nói: "Tôi không biết"; hay dầu cho người ấy không thấy, người ấy nói: "Tôi thấy"; hay dầu cho người ấy thấy, người ấy nói: "Tôi không thấy". Như vậy, lời nói của người ấy trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì. Và người ấy là người nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, đến chỗ kia, nói đễ sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia, đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy ly gián những kẻ hòa hợp hay xúi dục những kẻ ly gián, ưa thích phá hoại, vui thích phá hoại, thích thú phá hoại, nói những lời đưa đến phá hoại. Và người ấy là người nói lời thô ác. Bất cứ lời gì thô ác, tàn ác, khiến người đau khổ, khiến người tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến Thiền định, người ấy nói những lời như vậy. Và người ấy nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời phi chơn, nói những lời không lợi ích, nói những lời phi pháp, nói những lời phi luật, nói những lời không đáng gìn giữ. Vì nói phi thời, nên lời nói không có thuận lý, không có mạch lạc, hệ thống, không có lợi ích. Như vậy, này các Gia chủ, có bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo.

Và này các Gia chủ, thế nào là ba loại ý hành phi pháp, phi chánh đạo? Ở đây, này các Gia chủ, có người có tham ái, tham lam tài vật kẻ khác, nghĩ rằng: "Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!" Lại có người có tâm sân, khởi lên hại ý, hại niệm như sau: "Mong rằng những loài hữu tình này bị giết, hay bị tàn sát, hay bị tiêu diệt, hay bị tàn hại, hay mong chúng không còn tồn tại!" Lại có người có tà kiến, có tưởng điên đảo như: "Không có bố thí, không có kết quả của bố thí, không có tế lễ, không có cúng dường, các hành vi thiện ác, không có kết quả dị thục, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trong đời không có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chính hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau". Như vậy, này các Gia chủ, là ba ý hành phi pháp, phi chánh đạo. Như vậy do nhân hành phi pháp, hành phi chánh đạo, này các Gia chủ, ở đây, một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Gia chủ, có ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo, có bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo, có ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo? Này các Gia chủ, thế nào là ba loại thân hành đúng pháp, đúng thánh đạo? Ở đây, này các Gia chủ, có người từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình; từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi không cho người ấy, người ấy không lấy trộm tài vật ấy; từ bỏ sống theo tà hạnh đối với các dục, không giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa. Như vậy, này các Gia chủ, là ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

Và này các Gia chủ, thế nào là bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo? Ở đây, này các Gia chủ, có người từ bỏ vọng ngữ, tránh xa vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: "Này người kia, hãy nói những gì Ông biết", nếu biết, người ấy nói: "Tôi biết"; nếu không biết, người ấy nói: "Tôi không biết"; hay nếu không thấy, người ấy nói: "Tôi không thấy"; nếu thấy, người ấy nói: "Tôi thấy". Như vậy, lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì. Từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đi đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia; như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, ưa thích hòa hợp, vui thích hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, những lời nói nhu hòa, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, người ấy nói những lời như vậy. Từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, người ấy nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi. Như vậy, này các Gia chủ, có bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

Và này các Gia chủ, thế nào là ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo? Ở đây, này các Gia chủ, có người không có tham ái, không tham lam tài vật của kẻ khác, không nghĩ rằng: "Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!" Lại có người không có tâm sân, không có khởi lên hại ý, hại niệm, nhưng nghĩ rằng: "Mong rằng những loài hữu tình này sống không thù hận, không oán thù, không nhiễu loạn, được an lạc, lo nghĩ tự thân!" Người ấy có chánh kiến, không có tưởng điên đảo, nghĩ rằng: "Có bố thí, có kết quả của bố thí, có tế lễ, có cúng dường, các hành vi thiện ác có kết quả dị thục, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trong đời, có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau". Như vậy, này các Gia chủ, có ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo. Như vậy, do nhân hành đúng pháp, hành đúng chánh đạo, này các Gia chủ, ở đây, một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới, đời này.

9.4. Thuyết minh về nghiệp báo

KinhUpali (56) khẳng định quan điểm của đức Phật, không phải do hành hạ thân, khẩu, ý mới tạo thành nghiệp hoặc đoạn nghiệp, mà phải do hành động, lời nói và ý niệm tạo nên nghiệp. Trong 3 nhóm tạo nên hành vi, ngôn ngữ và ý niệm này, ý niệm là yếu tố quyết định tạo nên nghiệp thiện hay ác, tốt hay xấu.

Kinh Hạnh con chó (57) khẳng định nhân nào thì quả nấy. Nhân đen thì quả đen. Với nghiệp hạnh con chó hoặc con bò thì chắc chắc quả dị thục sanh thú phải là con chó hoặc con bò.

* Còn nhiều quan điểm khác nữa, nhưng ở đây chỉ liệt kê một vài quan điểm mang tính tượng trưng mà thôi.



tải về 140.77 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương