Bán nguyệt san – Số 230 – Chúa nhật 31. 08. 2014


GA 19,35; 21,24. LỜI CHỨNG CỦA MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊ-SU YÊU MẾN TRONG TIN MỪNG GIO-AN



tải về 0.55 Mb.
trang4/6
Chuyển đổi dữ liệu13.08.2016
Kích0.55 Mb.
#18194
1   2   3   4   5   6

 GA 19,35; 21,24. LỜI CHỨNG CỦA MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊ-SU YÊU MẾN TRONG TIN MỪNG GIO-AN



Bài viết tiếng Pháp:

Jn 19,35; 21,24. Le témoignage du disciple que Jésus aimait  dans l’Évangile de Jean.

Tác giả: Giu-se LÊ MINH THÔNG, O.P.

Blog: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/

Email: josleminhthong@gmail.com

Ngày 07 tháng 07 năm 2014.

Nội dung

I. Dẫn nhập

II. “Người đã xem thấy, đã làm chứng” (19,35a)
      1. Bản văn Ga 19,31-37
      2. Bối cảnh văn chương 19,31-37
      3. Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn (19,34)
      4. Lời chứng của ai?
      5. Thấy thể lý và thấy bằng con mắt đức tin
      6. Nội dung lời chứng
            a) Ống chân không bị đánh gãy (19,33 // 19,36)
            b) Cạnh sườn bị đâm thâu (19,34 // 19,37)
            c) Lời chứng (19,35) và lời Kinh Thánh (19,36-37)
      7. Mục đích của lời chứng: “tin” (19,35d)

III. Người môn đệ đã làm chứng và đã viết ra (21,24a)


      1. So sánh giữa 19,35 và 21,24
      2. Lời chứng đã được viết ra (21,24b)

IV. Kết luận



I. Dẫn nhập

Như đã trình bày trong bài viết “‘Lời chứng’ (marturia) và ‘làm chứng’ (martureô) trong Tin Mừng Gio-an”, danh từ “lời chứng” liên quan đến người môn đệ Đức Giê-su yêu mến xuất hiện 2 lần ở 19,35b; 21,24b, và động từ “làm chứng” liên quan đến môn đệ này cũng xuất hiện 2 lần ở 19,35a; 21,24a. Bài viết này sẽ phân tích hai câu (19,35; 21,24) liên quan đến lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến.



II. “Người đã xem thấy, đã làm chứng” (19,35a)

Theo Tin Mừng Gio-an, trong số các môn đệ Đức Giê-su chỉ có người môn đệ Đức Giê-su yêu mến hiện diện dưới chân thập giá (19,26a). Sự hiện diện quý báu đó làm cho môn đệ này trở thành chứng nhân trực tiếp về cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Lời chứng liên quan đến biến cố quan trọng này được thuật lại trong đoạn văn 19,31-37. Phần sau sẽ phân tích đoạn văn này qua bảy mục: (1) Bản văn Ga 19,31-37, (2) Bối cảnh văn chương 19,31-37, (3) Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Đức Giê-su (19,34), (4) Lời chứng của ai? (5) Thấy thể lý và thấy bằng con mắt đức tin, (6) Nội dung lời chứng, (7) Mục đích của lời chứng: “Để anh em tin” (19,35d).

     1. Bản văn Ga 19,31-37

Bản văn Ga 19,31-37 và các trích dẫn khác lấy trong: Bản văn Gio-an, Tin Mừng và ba thư, Hy Lạp – Việt.

“19,31 Vì là ngày chuẩn bị lễ, những người Do Thái không để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát – mà ngày sa-bát đó là lễ lớn –, họ xin Phi-la-tô để đánh gãy các ống chân của họ và mang xác đi. 32 Vậy lính tráng đến đánh gãy các ống chân người thứ nhất và người khác cùng bị đóng đinh với Người (Đức Giê-su). 33 Nhưng khi đến gần Đức Giê-su, vì thấy Người đã chết rồi, họ không đánh gãy các ống chân của Người. 34 Nhưng một trong những người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Người, và ngay tức thì, máu và nước chảy ra. 35 Người đã xem thấy (người môn đệ Đức Giê-su yêu mến), đã làm chứng (mematurêken), và lời chứng (hê marturia) của người ấy là xác thực; và người ấy biết rằng mình nói sự thật để cả anh em nữa (độc giả), anh em tin. 36 Các việc này đã xảy ra để Kinh Thánh nên trọn: ‘Không một xương nào của Người sẽ bị đánh gãy.’ 37 Lại có lời Kinh Thánh khác nói: ‘Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.’”

      2. Bối cảnh văn chương 19,31-37

Đoạn văn 19,31-37 thuộc đoạn văn lớn hơn: 19,16b-42. Đoạn văn này thuật lại cuộc Thương Khó của Đức Giê-su, khởi đầu bằng việc quân lính dẫn Đức Giê-su đi đóng đinh (19,16b-18) và kết thúc bằng việc an táng Đức Giê-su trong ngôi mộ mới (19,41-42). Đoạn văn 19,16b-42 có thể chia thành 7 tiểu đoạn:

“Lời chứng” và hành động “làm chứng” của môn đệ Đức Giê-su yêu mến được nói tới ở 19,35, câu này thuộc tiểu đoạn 6 (19,31-37) trên đây. Phần sau sẽ tập trung phân tích tiểu đoạn 19,31-37, thuật lại biến cố Đức Giê-su không bị đánh gãy ống chân nhưng bị lưỡi đòng đâm thâu và lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến.

      3. Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn (19,34)

Khi một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Đức Giê-su (19,34a), người thuật chuyện cho biết: “Ngay tức thì, máu và nước chảy ra” (19,34b). Hình ảnh này gợi lại nguồn nước sự sống Đức Giê-su đã nói ở 7,37-38: “37 Vào ngày cuối cùng, ngày long trọng nhất của dịp lễ, Đức Giê-su đứng lên và lớn tiếng nói: ‘Nếu ai khát hãy đến với Tôi và hãy uống. 38 Người tin vào Tôi, như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng người ấy, sẽ tuôn chảy những dòng nước sự sống.’” Người thuật chuyện giải thích lời này ở 7,39: “Điều đó, Người [Đức Giê-su] nói về Thần Khí mà những người tin vào Người sẽ lãnh nhận. Tuy nhiên Thần Khí chưa có, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh.” Như thế, “điều chưa có” ở 7,39 đã được thực hiện ở 19,34, nghĩa là lúc Đức Giê-su được tôn vinh trên thập giá, như Người đã nói với các môn đệ về giờ chết của Người ở 12,23: “Giờ đã đến để Con Người được tôn vinh.”

Trong Cựu Ước, hình ảnh nguồn nước có thể áp dụng cho Thiên Chúa như là nguồn ơn cứu độ (Is 12,3); hoặc áp dụng cho Giê-ru-sa-lem, nơi mọi dân tộc quy tụ về (Dcr 14,8); cũng có thể áp dụng cho những người thực hành sự công chính đích thực của Thiên Chúa, họ trở thành nguồn suối nước không thể khô cạn (Is 58,11). Có thể nói “mạch nước sự sống” ở Ga 4,14 và 7,38 biểu tượng cho Lề Luật của Giao Ước mới được ghi khắc trong lòng con người. Trong viễn cảnh này, Đức Giê-su trong Tin Mừng Gio-an được trình bày như là Đấng thực hiện lời hứa về nguồn nước sự sống trong Cựu Ước.

Cách thức Tin Mừng Gio-an mô tả cái chết của Đức Giê-su cũng gợi ý đến việc Người trao ban Thần Khí. Người thuật chuyện kể ở 19,30: “Khi đã nếm giấm, Đức Giê-su nói: ‘Đã hoàn tất’, và Người gục đầu xuống trao thần khí.” Diễn tả cái chết của một con người bằng kiểu nói: “Gục đầu xuống trao thần khí (paredôken to pneuma)” là không bình thường trong văn chương thời đó. Vì thế, thành ngữ “trao ban thần khí (paredôken to pneuma)” (19,30d) có gợi ý đến việc trao ban Thần Khí (pneuma) ở 7,39. Đức Giê-su sẽ chính thức trao ban Thần Khí cho các môn đệ sau khi Người Phục Sinh. Người thuật chuyện kể về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Đức Giê-su Phục Sinh và các môn đệ ở 20,21-22: “21 [Đức Giê-su] lại nói với các ông (các môn đệ): ‘Bình an cho anh em. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em.’ 22 Nói xong điều đó, Người thổi hơi và nói với các ông: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.’” Cách dùng từ “pneuma” (thần khí) ở  7,39; 19,30 và 20,22 cho phép hiểu rằng: Lúc Đức Giê-su trút hơi thở cuối cùng trên thập giá (19,30), cũng là lúc Người trao ban Thần Khí (to pneuma) cho những ai tin vào Người.

      4. Lời chứng của ai?

Ở 19,35a người thuật chuyện cho biết: “Người đã xem thấy, đã làm chứng.”  Bản văn không nói rõ là người môn đệ Đức Giê-su yêu mến làm chứng, nhưng theo mạch văn, đó là người môn đệ này chứ không thể ai khác. Thực vậy, trong đoạn văn 19,23-42, các nhân vật của trình thuật gồm có: Lính tráng (họ), thân mẫu Đức Giê-su, các phụ nữ khác và người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Môn đệ này đã chứng kiến những gì đang xảy ra: Đức Giê-su chịu đóng đinh, Người chết trên thập giá và những việc quân lính đã làm. Vì thế, lời chứng của “người đã xem thấy (ho heôrakôs)” (số ít) ở 19,35a không ai khác hơn là người môn đệ Đức Giê-su yêu mến. Các nhân vật khác trong bản văn luôn được nói đến ở số nhiều: “lính tráng”, “các phụ nữ”.

Ở 19,35c xuất hiện đại từ “ekeinos” (người ấy): “Người ấy (ekeinos) biết rằng mình nói sự thật.” Đại từ “ekeinos” (người ấy) trong câu này là đại từ chỉ định, giống đực, số ít. Dựa vào cách dùng đại từ này trong Tin Mừng Gio-an, một số tác giả cho rằng: “Người ấy” (ekeinos) ở 19,35c chỉ về Thiên Chúa hay Đức Giê-su. Các tác giả này lập luận rằng đại từ nhấn mạnh (cường điệu) “ekeinos” thường chỉ về Đức Giê-su (xuất hiện 3 lần ở 1,18; 2,21; 3,28) và chỉ về Thiên Chúa (xuất hiện 3 lần ở 1,33; 6,29; 8,42). Chúng tôi không đồng ý cách hiểu: “Người ấy” (ekeinos) ở 19,35c chỉ về Thiên Chúa hay Đức Giê-su, bởi vì về mặt ngôn ngữ, đại từ nhấn mạnh “ekeinos” (người ấy) dùng để thay thế một nhân vật đã nói đến trước đó trong bản văn. Vì thế, “người ấy” (ekeinos) ở 19,35c chỉ về “người đã xem thấy” ở 19,35a, và theo mạch văn, “người đã xem thấy” chính là “người môn đệ đứng dưới chân thập giá”. Vậy lời chứng ở 19,35 là của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến.

      5. Thấy thể lý và thấy bằng con mắt đức tin

Người thuật chuyện mở đầu 19,35 như sau: “Người đã xem thấy, đã làm chứng” (19,35a). Động từ “thấy” (horaô) trong Tin Mừng Gio-an thường diễn tả hành động “thấy” đạt thấu mầu nhiệm mặc khải (xem 1,34; 19,35; 20,8.18.25.29…); đồng thời, động từ “horaô” (thấy) cùng với các động từ khác cũng có nghĩa “thấy” như “theaomai”, “theôreô” và “blepô”, hàm ẩn thấy thể lý, thấy bằng mắt để làm chứng về điều mình đã chứng kiến. Tuy nhiên, không nhất thiết phải “thấy” (horaô) bằng mắt để làm chứng vì Đức Giê-su nói với Tôma ở 20,29b: “Phúc cho những người không thấy mà là những người tin.” Người tin qua mọi thời đại làm chứng về Đức Giê-su bằng lòng tin của mình. Trong trường hợp môn đệ Đức Giê-su yêu mến, lời chứng của môn đệ này ở 19,35 rất đặc biệt, bởi vì lời chứng này dựa trên hai yếu tố: (1) Môn đệ này chứng kiến tận mắt sự kiện và (2) làm chứng với tư cách là môn đệ Đức Giê-su, nghĩa là tin vào Người.

Trong Tin Mừng Gio-an không phải “thấy” là có thể “làm chứng”. Theo thần học Tin Mừng này, điều kiện trước tiên để làm chứng phải là môn đệ Đức Giê-su, nghĩa là chỉ “người tin vào Đức Giê-su” mới có thể làm chứng về Người. Thật vậy, trong đoạn văn19,31-37, xét theo bên ngoài, những gì môn đệ Đức Giê-su yêu mến đã thấy cũng là những gì quân lính đã thấy. Nhưng quân lính không thể làm chứng vì họ không tin vào Đức Giê-su. Có thể nói môn đệ Đức Giê-su yêu mến còn “thấy” những thực tại liên quan đến đức tin mà quân lính không “thấy”. Chẳng hạn, môn đệ này nhận ra sự chết của Đức Giê-su trên thập giá trở thành nguồn sự sống cho người tin. Môn đệ này thấy những gì xảy ra với Đức Giê-su đã ứng nghiệm các lời loan báo trong Cựu Ước v.v... Vì thế, mục đích của lời chứng nhằm mời gọi tin vào Đức Giê-su như người thuật chuyện kể ở 19,35c: “Người ấy (môn đệ Đức Giê-su yêu mến) biết rằng mình nói sự thật để cả anh em nữa, anh em tin.”

I. de La Potterie nhận định: “Đối với Tin Mừng theo thánh Gio-an, chứng nhân không phải là người đã chứng kiến các sự kiện, chứng nhân là người làm chứng về lòng tin của mình” (I. de LA POTTERIE, La vérité dans saint Jean, t. I: Le Christ et la vérité L’Esprit et la vérité, (Analecta Biblica 73), Rome, Biblical Institute Press, 1977, p. 82). Đối tượng của việc thấy thể lý cần được soi sáng bởi lòng tin mới có thể làm chứng. Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến hội đủ các yếu tố để làm chứng về Đức Giê-su, nên lời chứng của môn đệ này là nền tảng cho đức tin của những người đã không thấy Đức Giê-su thể lý (20,29). Hơn nữa lời chứng của môn đệ này bảo đảm sự xác thực của nội dung Tin Mừng, như soạn giả ch. 21 đã khẳng định trong kết luận thứ hai ở 21,24: “Chính môn đệ này (môn đệ Đức Giê-su yêu mến) là người làm chứng về những điều đó và là người đã viết những điều đó, và chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.”

      6. Nội dung lời chứng

Lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến ở 19,35 vừa liên kết với những gì quân lính đã thực hiện, vừa liên kết với lời đã chép trong Kinh Thánh. Cấu trúc đoạn văn 19,33-37 cho thấy các liên kết qua những yếu tố song song: A, B, C, A’, B’.

Cấu trúc đoạn văn 19,33-37 cho thấy lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến (19,35) được đặt ở trung tâm và các yếu tố khác song song với nhau (A // A’; B // B’).  Hai hành động của quân lính: (A) 19,33: Quân lính không đánh gãy các ống chân Đức Giê-su, và (B) 19,34: Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Đức Giê-su, song song với hai lời Kinh Thánh: (A’) Ga 19,36: “Không một xương nào của Người sẽ bị đánh gãy”, gợi đến Xh 12,46b; Tv 34(33),21, và (B’) Ga 19,37: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”, gợi đến Dcr 12,10; Kh 1,7. Theo thần học Tin Mừng Gio-an, những điều đã xảy ra đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép. Vì thế, có thể hiểu những biến cố xảy ra trong cuộc đời Đức Giê-su làm cho lời Kinh Thánh được nên trọn, nên Đức Giê-su là người thực hiện lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu Ước.

           a) Ống chân không bị đánh gãy (19,33 // 19,36)

Bản văn (19,33 // 19,36) cho thấy việc quân lính không đánh gãy ống chân Đức Giê-su (A. 19,33) làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Không một xương nào của Người sẽ bị đánh gãy” (A’. 19,36). Lời này gợi đến chỉ thị Đức Chúa truyền cho Mô-sê về việc ăn thịt chiên trong lễ Vượt Qua ở Xh 12,46: “Chỉ được ăn chiên trong nhà mà thôi; không được mang thịt ra khỏi nhà. Các ngươi không được làm gãy một chiếc xương nào của nó.” (Trích dẫn Cựu Ước lấy trongBản dịch của NPD/CGKPV ấn bản 2011). Như thế, Đức Giê-su được đồng hoá với con chiên dùng trong lễ Vượt Qua theo chỉ thị Đức Chúa truyền cho ông Mô-sê và ông A-ha-ron (Xh 12,43).

Lời Kinh Thánh ở Ga 19,36 cũng gợi về Tv 34(33),20-21: “20 Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng CHÚA giúp họ luôn thoát khỏi. 21 Xương cốt họ đều được CHÚA giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gãy.” Thánh vịnh này nói về người công chính bị bách hại nhưng được Đức Chúa bảo vệ chở che. Như thế, liên kết với Tv 34, Ga 19,36 muốn nói rằng: Chính Đức Giê-su là người công chính bị bách hại, tuy gặp nhiều nỗi gian truân nhưng được Thiên Chúa bảo vệ, giữ gìn; bằng chứng là không một xương nào của Đức Giê-su bị đánh gãy (x. Ga 19,33b // 19,36b).

           b) Cạnh sườn bị đâm thâu (19,34 // 19,37)

Sự kiện cạnh sườn Đức Giê-su bị đâm thâu (B. 19,34) làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (B’. 19,37). Lời này gợi đến lời sấm của ngôn sứ Da-ca-ri-a ở Dcr 12,9-10: “9 Ngày ấy, Ta (ĐỨC CHÚA) sẽ tìm cách tiêu diệt mọi dân tộc tiến đánh Giê-ru-sa-lem. 10 Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng.” Những câu này (Dcr 12,9-10) thuộc phần lời sấm của Đức Chúa phán về Ít-ra-en (Dcr 12–14) và mang chiều kích cứu độ vào thời Mê-si-a. Nhân vật bí ẩn trong Dcr 12,10b: “Đấng chúng đã đâm thâu” được đồng hóa với Đức Giê-su là Đấng bị đâm thâu cạnh sườn sau khi Người tắt thở trên thập giá. Người là Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa, là Đấng được Thiên Chúa sai đến để giải thoát và cứu độ nhân loại. Cạnh sườn Đức Giê-su bị đâm thâu (B. 19,34) được sách Khải Huyền nói đến như dấu tích sự chiến thắng dẫn đến ăn năn hối cải. Tác giả sách Khải Huyền viết ở Kh 1,7: “Kìa, Người (Đức Giê-su Ki-tô) đến với đám mây, mọi con mắt sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Vì Người, tất cả các chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực. Đúng thế, a-men.” (Xem bản văn Sách Khải Huyền Hy Lạp – Việt, 2011.)

Tóm lại, Ga 19,37 gợi đến Dcr 12,10 và Kh 1,7. Sự liên hệ giữa các bản văn này vừa làm rõ ý nghĩa cái chết của Đức Giê-su, vừa báo trước sự chiến thắng của Người, qua đó muôn dân sẽ nhận biết và tin vào Người. Đức Giê-su đã nói với những người Do thái ý tưởng này ở Ga 8,28a: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết rằng TÔI LÀ.” Nghĩa là khi Đức Giê-su chết trên thập giá, mọi người sẽ nhận biết căn tính thần linh của Người và chính Người trở thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Đức Giê-su cũng báo trước điều này cho đám đông ở Ga 12,32: “Phần Tôi, một khi được giương cao khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi.” Trong viễn cảnh này, thần học Tin Mừng Gio-an khẳng định rằng: Giờ chết của Đức Giê-su là giờ Người được tôn vinh, là giờ Chúa Cha tôn vinh Người và Người tôn vinh Chúa Cha. Đức Giê-su ngỏ lời với Cha của Người ngay trước biến cố Thương Khó: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin tôn vinh Con của Cha, để Con tôn vinh Cha” (Ga 17,1). Đây là Giờ Đức Giê-su bày tỏ thiên tính của Người như là “Đấng Ta Là”.  (Xem bài viết: “‘Ta Là’ (egô eimi) trong Tin Mừng Gio-an.”

           c) Lời chứng (19,35) và lời Kinh Thánh (19,36-37)

Những phân tích trên cho thấy môn đệ Đức Giê-su yêu mến làm chứng (C. 19,35) hai điều: (A. 19,33) chân của Đức Giê-su không bị đánh gãy và (B. 19,34) nước và máu đã chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu. Song song với hai điều trên, người môn đệ này cũng làm chứng là lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, liên quan đến những gì đã xảy ra (A’. 19,36, B’. 19,37).

Lời chứng của môn đệ này dựa vào những gì đã thấy tận mắt. Hai động từ dùng trong câu: “Người đã xem thấy, đã làm chứng” (19,35a) là động từ “thấy” (horaô) chia ở lối động tính từ (participe) thì hoàn thành (parfait) và động từ “làm chứng” (martureô) chia ở lối trình bày (indicatif) thì hoàn thành (parfait). Vì vậy, lời chứng của người môn đệ (19,35) đã xảy ra trong quá khứ. Tuy nhiên, động từ “thấy” (horaô) trong lời ứng nghiệm Kinh Thánh ở 19,37b lại chia ở thì tương lai: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (19,37b). Như thế, lời chứng của người môn đệ đặt trong quá khứ nhưng hướng về tương lai. Qua mọi thế hệ, lời chứng này dẫn đến niềm tin vào Đức Giê-su và sự chiêm ngắm Đấng bị đâm thâu như là Đấng cứu độ. Ai đón nhận và tin vào Đức Giê-su thì máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Đấng bị đâm thâu trở thành nơi người ấy nguồn nước đem lại sự sống đời đời.

Tóm lại, lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến ở 19,35 bao gồm bốn yếu tố:


(1) Lời chứng dựa vào những gì đã chứng kiến: “Người đã xem thấy đã làm chứng” (19,35a).
(2) Lời chứng theo đúng sự thật: “Lời chứng của người ấy xác thực” (19,35b).
(3) Người làm chứng ý thức mình nói sự thật: “Người ấy biết rằng mình nói sự thật” (19,35c).
(4) Mục đích của lời chứng là tin: “Để cả anh em nữa, anh em tin” (19,35d).

      7. Mục đích lời chứng: “tin”  (19,35d)

Mục đích lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến là để độc giả “tin” như người thuật chuyện cho biết ở 19,35c: “Người ấy (môn đệ Đức Giê-su yêu mến) biết rằng mình nói sự thật để cả anh em nữa, anh em tin.” Chi tiết đáng lưu ý là người thuật chuyện đột ngột ngưng kể câu chuyện để quay sang nói trực tiếp với độc giả qua đại từ “anh em” (humeis), ngôi thứ hai số nhiều. Đại từ “anh em” (ngôi thứ nhất) trong câu này hàm ẩn đại từ “tôi, chúng tôi” (ngôi thứ nhất) của người thuật chuyện. Kiểu hành văn ngỏ lời trực tiếp với độc giả (ngôi thứ hai) là đặc trưng của Tin Mừng Gio-an (x. 1,14; 3,11-12; 20,30-31; 21,24). Xem phân tích cách dùng đại từ ngôi thứ nhất  (tôi, chúng tôi) và ngôi thứ hai (anh em) trong tập sách: Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư là ai?, tr. 224-231. Vai trò làm chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến ở 19,35 nhằm mời gọi cộng đoàn và độc giả qua mọi thời đại, tin và tin mạnh mẽ hơn vào Đức Giê-su. Lời chứng này cho thấy tầm quan trọng và uy thế của môn đệ này trong Tin Mừng thứ tư và trong cộng đoàn đón nhận Tin Mừng.

R. A. Culpepper nhận định về lời chứng ở 19,35 như sau: “Câu này (19,35) cho biết tầm quan trọng của người môn đệ được yêu. Người môn đệ này là chứng nhân cho những người tin sau này. Trình bày sự hiện diện của môn đệ này vào lúc then chốt trong trình thuật Thương Khó là cách thức để khẳng định hai điều: uy thế của người môn đệ này như là một chứng nhân đích thực; hiểu ngầm uy thế và sự khả tín của sách Tin Mừng. Tin Mừng có thể tin được, vì Tin Mừng dựa trên lời chứng của môn đệ thân cận nhất với Đức Giê-su, người môn đệ này đã hiện diện khi Đức Giê-su chết, đã thấy Chúa sống lại, và đã mang đến một bằng chứng chân thật” (R. A. CULPEPPER, John, the Son of Zebedee. The Life of a Legend,(SPNT), Columbia (SC), University of South Carolina Press, 1994, p.66). Xem bài viết: “Tin (pisteuô) trong Tin Mừng Gio-an.” Trong kết luận thứ hai của sách Tin Mừng, soạn giả đã khẳng định lại lời chứng đích thực của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến ở Ga 21,24.



III. Môn đệ đã làm chứng và đã viết ra (21,24a)

Trong chương cuối sách Tin Mừng thứ tư (ch. 21), soạn giả (rédacteur) đã dựa vào lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến để kết luận sách Tin Mừng (21,24-25). Đồng thời, soạn giả khẳng định uy thế của môn đệ này để bảo đảm sự chính thống nội dung sách Tin Mừng. Soạn giả viết ở 21,24: “Chính môn đệ này (môn đệ Đức Giê-su yêu mến) là người làm chứng (ho marturôn) về những điều đó và là người đã viết những điều đó và chúng tôi biết rằng lời chứng (hê marturia) của người ấy là xác thực.” Phần sau sẽ bàn về lời chứng trong hai câu (19,35; 21,24) và vai trò của soạn giả trong tương quan với bút tích của môn đệ Đức Giê-su yêu mến ở 21,24.

      1. So sánh giữa 19,35 và 21,24

Ga 21,24 có những chi tiết song song với 19,35, đồng thời mỗi câu có chi tiết riêng.



Đề tài “làm chứng” ở 19,35 song song với 21,24 về hai chi tiết: (1) Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đã làm chứng (19,35a // 21,24a), và (2) Đó là lời chứng xác thực (19,35b.35c // 21,24c). Mỗi câu có một chi tiết riêng: 19,35d cho biết mục đích của lời chứng là “TIN”; còn 21,24b cho biết môn đệ Đức Giê-su yêu mến đã viết ra lời chứng của mình. Như thế có bốn điều liên quan đến người môn đệ này:


(1) Môn đệ này đã thấy và đã làm chứng (19,35a // 21,24a).
(2) Lời chứng này xác thực, có uy thế và đáng tin cậy (19,35b.35c // 21,24c).
(3) Mục đích của lời chứng là để độc giả tin vào Đức Giê-su (19,35d).
(4) Lời chứng này đã được ghi lại trong sách Tin Mừng (12,24b).

Ở 21,24, đối tượng lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến là “những điều đó” (toutôn). Theo nghĩa hẹp, từ “toutôn” (những điều đó) chỉ những gì đã xảy ra trong biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Theo nghĩa rộng, “toutôn” (những điều đó) gợi đến tất cả những hành động và lời nói của Đức Giê-su trong suốt sứ vụ công khai của Người.

      2. Lời chứng đã được viết ra (21,24b)

Môn đệ Đức Giê-su yêu mến là “người đã viết” (hô grapsas) “những điều đó” (21,24b). Như thế, lúc soạn giả viết kết luận thứ hai (21,24-25) thì đã có bút tích của người môn đệ này. Có thể nói, cốt lõi bản văn Tin Mừng thứ tư là những gì môn đệ này làm chứng và đã viết ra; nhưng chúng ta không biết rõ đoạn văn nào trong Tin Mừng hiện nay là do tay người môn đệ này viết ra. Người biên soạn Tin Mừng lần sau cùng (soạn giả ch. 21) đã sắp xếp, triển khai, thêm bớt các đoạn văn để làm thành sách Tin Mừng như chúng ta có hiện nay. Rất có thể soạn giả đã thống nhất bản văn từ đầu đến cuối, vừa giữ lại những điểm độc đáo trong bản văn đã có, vừa xây dựng một nền thần học chung của toàn bộ sách Tin Mừng thứ tư. Để hiểu tính năng động trong quá trình biên soạn Tin Mừng thứ tư, chúng ta có thể phân biệt ba nhân vật thuộc ba giai đoạn chính hình thành Tin Mừng thứ tư như sau: (1) Bút tích của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến (21,24); (2) Tác giả sách Tin Mừng (l’évangéliste) là người đã viết sách Tin Mừng ở giai đoạn đầu với kết luận ở 20,30-31; (3) Soạn giả (le rédacteur), người đã biên soạn ch. 21, sắp xếp lại, thêm bớt một số đoạn văn để làm thành bản văn Tin Mừng hiện nay. (Xem phân tích “Hai kết luận của sách Tin Mừng Gio-an” trong tập sách: Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng thứ tư là ai?, tr. 232-236.

Soạn giả ch. 21 dùng đại từ ngôi thứ nhất số nhiều “chúng tôi” để nói trực tiếp với độc giả ở 21,24c: “Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.” Đây là lời xác quyết về tính trung thực và liên tục của lời chứng được lưu truyền từ người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đến soạn giả cuối cùng của sách Tin Mừng. Soạn giả còn tự xưng là “tôi” (đại từ ngôi thứ nhất số ít) ở 21,25: “Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm, nếu viết lại từng điều một,tôi thiết nghĩ cả thế gian cũng không chứa nổi các sách được viết ra.” Cách xưng hô “chúng tôi” ở 21,24c cho thấy soạn giả không phải là một người đơn độc. Soạn giả là thành phần của một nhóm, một truyền thống, một trường phái, gọi là “trường phái Gio-an” (l’école johannique, Johannine school). Tập thể này đã cưu mang truyền thống thần học Tin Mừng Gio-an và góp phần biên soạn và hình thành Tin Mừng hiện nay qua nhiều giai đoạn khác nhau. Cách xưng hô “tôi” (số ít) ở 21,25 xác định người chịu trách nhiệm biên soạn Tin Mừng, người này dựa vào uy thế của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến và trường phái Gio-an để biên soạn và xuất bản sách Tin Mừng. Xem bài viết: “Ga 21,20-25. Vận mệnh, bút tích và lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến.”

IV. Kết luận

Những phân tích trên cho thấy đề tài “lời chứng” của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến chỉ xuất hiện ở 2 câu trong Tin Mừng: 19,35 và 21,24, nhưng đề tài này có vai trò đặc biệt quan trọng cho tính xác thực của sách Tin Mừng và cho cộng đoàn Gio-an cũng như cho độc giả qua mọi thời đại. Có thể tóm kết lời chứng của môn đệ này qua ba ý sau:

(1) Lời chứng của môn đệ Đức Giê-su yêu mến là lời chứng xác thực, có uy tín và đáng tin cậy, bởi vì người môn đệ này vừa chứng kiến biến cố bằng con mắt thể lý, vừa nhìn thấu sự kiện bằng con mắt đức tin. Đối tượng của lời chứng chính là Đức Giê-su, người môn đệ này làm chứng về Đức Giê-su  qua những hoạt động trong sứ vụ của Đức Giê-su, qua biến cố Thương Khó – Phục sinh và qua việc những lời Kinh Thánh được nên trọn nơi Đức Giê-su.

(2) Mục đích của lời chứng là để dẫn đưa độc giả đến niềm tin và đón nhận giáo huấn của Người. Vì thế, nếu lời chứng không dẫn đến niềm tin thì lời chứng vẫn chưa đạt mục đích là lời mời gọi tin.

(3) Lời chứng đã được ghi chép lại trong sách Tin Mừng và đặt trong một truyền thống: bắt đầu từ bút tích của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến đến tác giả (l’évangéliste), và cuối cùng soạn giả (le rédacteur) là người xuất bản sách Tin Mừng. Qua sách Tin Mừng, độc giả được mời gọi đón nhận lời chứng xác thực này và tiếp nối việc “làm chứng” về “lời chứng” liên quan đến căn tính, nguồn gốc và sứ vụ của Đức Giê-su được trình bày trong sách Tin Mừng Gio-an./.

Nguồn: http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2013/10/loi-chung-va-lam-chung-cua-nguoi-mon-e.html

Ghi chú:

Tác giả chịu trách nhiệm nội dung bài viết, vì thế, xin các trang web đăng lại cho hiển thị ngày tháng, nguồn bài viết và đừng chỉnh sửa hay cắt bớt nội dung. Cảm ơn.

Bài viết này đã đăng ngày 12/10/2013 trên Blog  http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/ với tựa đề: “‘Lời chứng’ và ‘làm chứng’ của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng Gio-an.” Nhân dịp viết bài này bằng tiếng Pháp, bài tiếng Việt được trình bày lại và đề ngày mới với tựa đề tiếng Việt: “Ga 19,35; 21,24. Lời chứng của người môn đệ Đức Giê-su yêu mến trong Tin Mừng Gio-an” và tiếng Pháp: “Jn 19,35; 21,24. Le témoignage du disciple que Jésus aimait  dans l’Évangile de Jean.”

12 CUỐN SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN

Một số đề tài trong các tập sách 

ĐỊA CHỈ CÁC NHÀ SÁCH

Sách học tiếng Hy Lạp để đọc Tân Ước bằng tiếng gốc:

1. Ngữ pháp Hy Lạp Tân Ước   (Phần căn bản)

2. Cú pháp  Hy Lạp Tân Ước    (Phần nâng cao)

Bản văn Tân Ước

1. Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp – Việt

2. Tin Mừng Mác-cô, Hy Lạp – Việt

3. Sách Khải Huyền, Hy Lạp – Việt

Các sách tìm hiểu Tin Mừng Gio-an 
 


01. Người MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊ-SU YÊU MẾN 
      trong Tin Mừng thứ tư là ai?

02. TÌNH YÊU và TÌNH BẠN trong Ga 15,9-17

03. KHỦNG HOẢNG và GIẢI PHÁP 
     cho các môn đệ trong Tin Mừng thứ tư

04. Phân tích THUẬT CHUYỆN và CẤU TRÚC 
     áp dụng vào Tin Mừng thứ tư

05. Đấng PA-RÁC-LÊ – Thần Khí sự thật – 
     trong Tin Mừng thứ tư

06. YÊU và GHÉT trong Tin Mừng Gio-an, Phần I

07. YÊU và GHÉT trong Tin Mừng Gio-an, Phần II 

 

VỀ MỤC LỤC



CUỘC CHIẾN THIÊNG LIÊNG THEO THÁNH KINH, TRONG HỘI THÁNH & NƠI CÁC THÁNH - ONWARD CATHOLIC SOLDIER





ĐỀ TẶNG

“Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3, 16-18).

Cuốn sách này được đề tặng Cha Raymond Skonezny, S.T.L., S.S.L..

Nếu nhìn cách thức một người đàn ông quan tâm đến mẹ, đến vợ và con cái thế nào, chúng ta biết tính cách của con người đó... thì Cha Raymond Skonezny thực sự là một người đàn ông đầy đủ phẩm chất một cách ngoại lệ. Là một Linh mục khiêm tốn và thánh thiện, ngài như một phu quân tha thiết của Hội Thánh, một người con yêu của Mẹ Maria và là một người cha nhân ái của những con cái thiêng liêng của ngài.

Suốt hơn 45 năm Linh mục, công nghiệp của ngài đáng để viết thành sách. Những tâm hồn ngài chạm đến, những kinh nguyện ngài dâng lên, những trắc ẩn ngài bày tỏ, những niềm vui ngài trao ban, bao hy sinh ngài cam chịu, bao linh hồn ngài mang về cho Chúa... chính là hoa trái của một cuộc đời hiến dâng để phụng sự Người. Ngài là chứng nhân không mệt mỏi của chân lý, là sứ giả của bình an và là một tôi tớ khiêm hạ của Đức Giêsu. Ngài còn là một chiến sĩ can trường về đàng thiêng liêng và là một nhà linh hướng đầy cảm hứng.

Cám ơn Cha Raymon, vì cha đã trở thành ánh sáng cho thế gian. Thật dễ dàng để thấy những lời của thánh nữ Clara Assisi và thánh Gioan Thánh Giá được biểu lộ nơi cha. Kể từ khi biết cha, con đã trở nên một người đàn ông, một người chồng, một người cha, một chiến sĩ Chúa Kitô và là một Kitô hữu tốt lành hơn.
Yêu mến Chúa, phụng sự Chúa; mọi sự ở đó (Thánh Clara Assisi).

“Linh hồn yêu mến Chúa là một linh hồn dễ thương, khiêm tốn và nhẫn nại” (Thánh Gioan Thánh Giá).


Lời cảm tạ

“Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người” (Rm 12, 4-6a).

Việc viết nên cuốn sách này đem đến cùng lúc sự phấn chấn cũng như lao nhọc cho nhiều người. Tuy nhiên, nó được hình thành với niềm vui nhiều hơn là mệt nhọc bởi những nỗ lực của rất nhiều Anh Chị em, chi thể của Thân Mình Đức Kitô. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những con người và những tổ chức dưới đây vì những đóng góp của họ:

Bridget Leonard, Carmen Ribera, Jon Roberts và Colleen Swiatek, những người đã cống hiến bao tài năng vô song để cuốn sách thành hình.

Megan Breen, Tim Kelly, John Neilsen và Lisa Steen, tất cả họ là những chiến sĩ trên mặt trận thiêng liêng, trong kinh nguyện... đã trao tặng bao nỗ lực và khích lệ của mình.

Mẹ Nadine Brown, Sam Conedera, Cha Giuse Droessler, Cha John Hampsch, Cha Jérôme Karcher, Cha James Maltese, Cha Darrin Merlino, Cha Michael Philen và Cha Raymond Skonezny mà mỗi người như là nguồn cảm hứng cho những tư tưởng và ý nghĩ để cuốn sách hình thành.

Quý Anh Chị nhóm suy niệm Intercessor of the Lamb, Orange County, đã cầu nguyện không ngừng cho sự ra đời của cuốn sách này.

Lu Cortese và các tình nguyện viên của Đài Phát Thanh Thánh Giuse, những người đã xây dựng một chương trình để chia sẻ sứ điệp này với rất nhiều người trên Mạng Lưới Truyền Hình Lời Vĩnh Cửu, The Eternal Word Television Network (EWTN).

Quý thính giả của Đài Phát Thanh Thánh Giuse, những người đã hết lòng khích lệ và mạnh mẽ ủng hộ chương trình phát thanh như là nền móng của cuốn sách này.

Người bạn đường và các con của tôi, những người đã hy sinh thật nhiều để sự ra đời của cuốn sách trở nên hiện thực.

Thánh Piô Pietrelcina, thánh Têrêxa Avila, thánh Maximilian Kolbê, thánh Catarina Siêna, Chân Phước Miguel Pro và tất cả các thánh thiên thần, các thánh mà lời nói việc làm của các ngài như những gợi hứng cho tất cả chúng tôi.

Đức Mẹ Guadalupe, dưới con mắt canh chừng của ngài mà mỗi từ trong cuốn sách này được đánh máy.Tôi cám ơn Quý Vị, tôi yêu mến Quý Vị. Tôi không thể làm được điều này nếu không có Quý Vị. Chớ gì tất cả chúng ta cùng cất bước trên những nẻo đường yêu thương, những nẻo đường dẫn đến Đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Chúa đáng chúc tụng!

John LaBriola

11 tháng 7, 2008

Lễ thánh Biển Đức
Bất cứ ai đọc tác phẩm này, sẽ cùng tôi tương tác với những gì đã đọc nếu họ chia sẻ niềm xác tín của tôi, cùng tôi tìm kiếm nếu họ cùng có những ngờ vực như tôi, trở lại với tôi nếu họ nhận ra những sai lầm của mình và bắt tôi giải thích nếu họ thấy những sai sót của tôi. Và chúng ta cùng cất bước trên những nẻo đường yêu thương (Thánh Augustinô).
LỜI NÓI ĐẦU

Giữa cả một núi khổng lồ phim ảnh, báo chí, kịch, truyện và những công trình nghiên cứu nhằm đối phó với một chủ đề mờ mịt nhưng khá hấp dẫn của khoa nghiên cứu ma quỷ thì không một giáo phái Kitô nào kiên quyết chống lại nó một cách sắc bén hơn Hội Thánh Công Giáo. Nghĩ đến một người trừ quỷ, hầu như tự động, bạn nghĩ đến hình ảnh một Linh mục công giáo, tay cầm cuốn nghi thức, vai mang stola màu tím. Nghĩ đến dụng cụ trừ quỷ, lập tức, bạn hình dung những gì thuộc lễ nghi công giáo như nước thánh hoặc thánh giá đưa cao khi ban phép lành. Khi có nhà nào bị yêu tinh quấy phá, ý nghĩ đầu tiên - kể cả các gia đình không công giáo - là mời một Linh mục công giáo, cũng như ý tưởng đầu tiên khi gặp một tai nạn gây thương tích là gọi 911 vậy. Với kinh nghiệm đau thương qua hai mươi thế kỷ trong trận địa đẫm máu của cuộc chiến thiêng liêng, Hội Thánh Công Giáo nắm chắc “những quy tắc vàng” cốt lõi trong giáo thuyết cũng như trong thực hành để đối đầu với thế giới tội lụy của quỷ ma.

Trong luận thuyết công giáo trước vấn đề ma quỷ này, John LaBriola đã tập hợp một số đáng kể các dữ liệu, cũ cũng như mới, “như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13, 52). Việc chống lại ma quỷ trong mỗi trường hợp giữa các sự kiện này được tìm thấy trong thực hành, trong giáo lý, trong truyền thống hay trong lịch sử Hội Thánh Công Giáo. Kết quả là cả một kho tàng thuộc các chủ đề phù hợp với những gì được gọi là cuộc chiến thiêng liêng; hầu hết các chủ đề này được minh hoạ cũng như liên kết với những trích dẫn từ giáo huấn của các Giáo Hoàng, các tài liệu của Giáo Hội, các Thánh, các Giáo Phụ đầu tiên hoặc những nguồn tư liệu đáng kính khác nói đến sự khôn ngoan không thể hiểu được từ các thế hệ. Thật lạ lùng, toàn bộ luận án này được kết dệt với hơn 1.000 trích đoạn như thế.

Đọc cuốn sách này, bất cứ ai cũng phải ngạc nhiên trước sự vũ trang lớn lao của người công giáo với những khí giới đủ loại của họ, “khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc xác thịt, nhưng là những khí giới, nhờ Thiên Chúa, có sức đánh đổ các đồn luỹ” (2 Cor 10, 4). Các khí giới này được sắp thành hàng khắp nơi mọi chốn từ chuỗi Mân Côi với lòng yêu mến Mẹ Maria đến Bí tích Hoà Giải và Thánh Lễ, từ muối thánh cho đến việc rảy nước thánh, từ chiếc mề đay thánh Biển Đức đến hào quang Thánh Thể trên bàn thờ, từ việc xức dầu thánh cho đến việc xức tro trên đầu ngày Thứ Tư Lễ Tro, từ việc xức dầu trừ tà sốt sắng “giải thoát chúng ta khỏi mọi sự dữ” đến việc trừ quỷ. Mỗi phần trong “toàn bộ binh giáp của Thiên Chúa” (Ep 6, 13) đều được biểu thị cách đa dạng trong đời sống Hội Thánh Công Giáo.

Sau chương cuối cùng, trước khi gấp sách, người đọc sẽ hít lấy một lời nguyện tạ ơn về quà tặng của Thiên Chúa: chính Đức Giêsu, Đấng đang hoạt động trong Hội Thánh và qua Hội Thánh của Ngài, đã đến “để phá huỷ công việc của ma quỷ” (1 Ga 3, 8). Khi chúng ta đứng trong ánh quang của Chúa Kitô với năng lực uy nghi của Ngài thì thế lực của Hoả Ngục chỉ có thể thoái lui, co rúm và run rẩy. An toàn trong binh giáp của Hội Thánh Công Giáo, chúng ta chỉ có thể hỷ hoan trong Thiên Chúa kính uý, Đấng nhân từ đặt khiên thuẫn vào tay chúng ta cùng những khí giới vô địch chở che của Người. Kinh nguyện tạ ơn của chúng ta sẽ làm vang vọng lời thánh Phaolô, “Xin cảm tạ Thiên Chúa vì phúc lộc khôn tả Người ban!” (2 Cor 9, 15).
Fr. John H. Hampsch, C.M.F.

Claretian Teaching Ministry

Los Angeles, California

LỜI NGUYỆN BẢO TRỢ

Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa,

xin Người thương xót con,

này con đến ẩn náu bên Người;

dưới bóng Người, này con ẩn náu,

tới khi nào hết tai hoạ khổ đau.

Tôi kêu cầu Chúa Tối Cao,

Chúa ban ơn phúc dồi dào cho tôi.

Tự trời xanh, mong Người đưa tay giải thoát,

hạ nhục kẻ thù tấn công tôi.

Xin Chúa Trời gửi xuống

tình thương và lòng thành tín của Người.

Tôi phải nằm giữa bầy sư tử, loài thú ăn thịt người;

nanh vuốt chúng là đầu tên mũi giáo,

lưỡi thì sắc bén tựa gươm đao.

Lạy Thiên Chúa, xin biểu thị uy phong khắp cõi trời

và chiếu tỏa vinh quang đầy mặt đất (Tv 57, 2-6).

Lạy Chúa là Cha trên trời, chỉ với ơn Chúa, con mới có thể bắt đầu, ngay cả việc cầu nguyện. Lạy Chúa, con dâng lên Chúa tất cả vinh quang danh dự và lời ngợi khen. Xin giúp con biết yêu mến Người. Xin giúp con biết yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi việc con làm. Con hối tiếc về tội con đã phạm và cầu xin lòng Chúa thứ tha. Con yêu mến Chúa và ước ao không bao giờ xúc phạm Người dưới bất cứ hình thức nào. Con cám ơn Chúa vì tất cả những gì Chúa đã làm cho con với ân sủng và quà tặng của Người. Giờ đây, con cầu xin Chúa giữ gìn con khi con đọc và cầu nguyện với cuốn sách này.

Xin đổ Thánh Thần Chúa xuống trên con, để Ngài nên nguồn cảm hứng, người dẫn đường và là Đấng Bảo Trợ con. Xin ban cho con ân sủng để con mở lòng đón nhận Lời Chúa, Lời Chân Lý và Tình Yêu. Xin bảo vệ con thoát mọi mưu mô của quỷ dữ hằng rình rập tấn công, quấy nhiễu và chọc tức con vì con ước ao được gần Chúa hơn qua những trang sách này.

Lạy Mẹ Maria, Hiền Thê của Chúa Thánh Thần, xin ở với con cách riêng khi con lần đọc những trang sách này; xin mải chở che con trong tà áo Mẹ. Chớ gì con tìm được bình an, nâng đỡ và bảo bọc trong Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Xin Mẹ cầu bàu và che chở toàn thể gia đình con, những người con yêu thương. Qua tay Mẹ, chớ gì con nhận được mọi ân phúc và sự chở che bởi trời.

Lạy chúa, xin phái các thiên thần Chúa đến bao bọc gìn giữ cõi lòng, tâm trí và thân xác con khỏi tất cả những gì không phát xuất từ Chúa. Xin hãy đánh thức Thiên Thần Hộ Thủ của con và nhắc nhở con ý thức vai trò của người trong việc giữ mình khỏi mọi mưu chước quỷ dữ.

Con cũng cầu xin sự bầu cử của các thánh trên trời. Chớ gì lời cầu bàu của các ngài hằng bảo vệ con luôn làm theo thánh ý Chúa. Con cầu xin tất cả những điều này nhờ danh thánh Đức Giêsu, là Chúa, là Vua và là Đấng Cứu Độ chúng con, Amen.

Vua chúng ta nay đã toàn thắng. Giờ đây, Ngài tiêu diệt tội lỗi; này đây, Ngài đánh bại thần chết và chinh phục sự dữ (Thánh Gioan Kim Khẩu).

Nơi Chúa Thánh Thần, chúng ta có một đồng minh, một Đấng Bảo Trợ lớn lao, một Thầy Dạy vĩ đại của Hội Thánh, Đấng Bảo Vệ chúng ta” (Thánh Cyril Jérusalem).

Được Mẹ chở che, con sẽ không té ngã. Mẹ là Đấng Bảo Trợ, con không còn lo chi; Mẹ là Đấng dẫn đường, con chẳng còn sợ gì (Thánh Bênađô Clairvaux).

Đứng cạnh mỗi tín hữu là một thiên thần, người bảo trợ, người mục tử dẫn họ đến đồi cỏ (Thánh Basiliô Cả).



Nếu các thánh tông đồ, các thánh tử đạo đang khi còn ở trong thân xác vẫn có thể cầu nguyện cho những người khác, phương chi giờ đây, sau khi lãnh nhận triều thiên chiến thắng và được ủi an, các ngài càng làm công việc đó nhiều hơn biết bao (Thánh Jérôme).
Còn tiếp nhiều kỳ
LTS. Lm. Minh Anh, TGP Huế có một tài sản rất lớn và quí báu, đồng thời sẵn sàng trao tặng cho bất cứ ai muốn nhận, đó là 13 bản dịch của những tác phẩm uy tín và giá trị. Quí vị có thể chọn lựa tên tác phẩm và xin nhận qua email bằng file, hoặc tham khảo tại đây (tải về máy dễ dàng):

http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&id=69





CUỘC CHIẾN THIÊNG LIÊNG THEO THÁNH KINH, TRONG HỘI THÁNH & NƠI CÁC THÁNH - ONWARD CATHOLIC SOLDIER
“Đừng sợ những mưu chước, những công kích của ma quỷ, kẻ có thể đến cướp phá và chiếm cứ thành phố linh hồn con. Không, đừng sợ, nhưng hãy như những chiến sĩ đang dàn quân trên mặt trận, võ trang bằng thanh kiếm đức ái của Thiên Chúa. Thanh kiếm này là ngọn roi quất vào chúng” (Thánh Catarina Siêna). ...File kèm




Tìm Kiếm và Giữ Lấy Bình An - Searching for and Maintaining Peace
Cần biết rằng, con đường dẫn đến Thiên Chúa, dẫn đến sự trọn lành mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta thì ngắn hơn, hiệu năng hơn và thật hiển nhiên, dễ dàng hơn khi chúng ta học biết dần dần cách thức giữ lấy bình an thẳm sâu trong tâm hồn ở bất cứ hoàn cảnh nào. Vì lẽ, lúc bấy giờ, tâm hồn đã phó mặc cho sự dẫn dắt của Thánh Thần, và với ân sủng của Người, Thiên Chúa có thể hành động nhiều hơn những gì mà tâm hồn có thể thực hiện bằng sức riêng của mình. ...File kèm




TỰ DO NỘI TÂM - La Liberté intérieure (Jacques Philippe)
Cuốn sách này nói đến chủ đề nền tảng của đời sống Kitô giáo: tự do nội tâm. Mục đích của nó thật rõ ràng. Mọi Kitô hữu cần khám phá ra rằng, ngay trong những hoàn cảnh bên ngoài bất ưng nhất, bên trong chúng ta vẫn có một khoảng không tự do mà không ai có thể lấy đi, bởi Thiên Chúa là nguồn mạch và là bảo chứng của tự do đó. Không có khám phá này, chúng ta sẽ luôn luôn bị giới hạn cách nào đó và sẽ không bao giờ nếm hưởng được hạnh phúc đích thực. Nhưng nếu chúng ta học cách để cho khoảng không tự do nội tâm này mở ra, thì dù cho bao điều làm chúng ta đau khổ, vẫn không gì thực sự có thể đàn áp hay nghiền nát chúng ta. ...File kèm




Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô của D. Wahrheit
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô của D. Wahrheit được hiệu đính từ một tập sách rất khó đọc dạng ronéo. Sau một thời gian dài tìm tác giả cũng như người dịch, tôi được Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Giám Đốc Đài Chân Lý  Á Châu, cho biết: các sách có tên tác giả D. Wahrheit là những tác phẩm của Đài Chân Lý Á Châu đã phát thanh, được thính giả ghi lại trong thời gian khó khăn khi chưa có internet (D: Đài; Wahrheit: Chân Lý); và nay, được phép ngài cho phổ biến, tôi chân thành giới thiệu tập sách bổ ích Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô này cùng các bạn trẻ, cách riêng những bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân. Lễ Thánh Mônica, 27.8.2009. Lm. Minh Anh (Gp. Huế) ...File kèm




Thầy Dạy Khát Khao - Le Maître du désir
Con người muốn sống. Con người được tạo dựng để sống. Không chỉ tự nhiên tìm cách bảo tồn sự sống, nhưng chúng ta còn muốn phát triển nó, làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc hơn, tươi đẹp hơn, thanh cao hơn, mạnh mẽ hơn; tắt một lời, sống động hơn. “Vì chưng, gánh nặng nặng nề nhất là tồn tại mà không sống” (Victor Hugo). Sống có ý nghĩa gì nếu không có niềm vui sống? ...File kèm




HOA TRÁI THINH LẶNG - Thoughts in Solitude
Những lời ghi chép trong tập này được viết vào những năm 1953 và 1954 vào thời điểm mà tác giả, nhờ ân sủng của Thiên Chúa và nhờ sự rộng lượng của các Bề Trên, có thể tận dụng những cơ hội đặc biệt dành cho việc tĩnh tâm và suy niệm; từ đó, mới có đề tựa tập sách như trên. Điều này không muốn nói rằng, những lời ghi chép đó mang tính chủ quan hay tự thuật. Chúng không hề được nhắm đến như một tường trình về những cuộc phiêu lưu tinh thần. Đối với tác giả, không có cuộc phiêu lưu nào để viết, và nếu có, nó cũng sẽ không phó mặc cho việc in ấn trong bất kỳ trường hợp nào. Đây chỉ là những suy tư về đời sống chiêm niệm, những hiểu biết bằng trực giác mà dường như có một tầm quan trọng cơ bản vào một lúc nào đó trong quá khứ. ...File kèm




Một Quan Điểm Công Giáo về Tác Phẩm Sống Theo Đúng Mục Đích - “A Catholic Perspective on The Purpose Driven Life”
Là một linh mục Công giáo Rôma, từ hơn 50 năm nay, tôi vẫn thường lướt qua những phim ảnh và những cuốn sách được yêu chuộng như là nguồn tài liệu khả dĩ có thể sử dụng cho việc giảng dạy và viết lách. Sự hiếu kỳ đó đã dẫn tôi đến với quyển sách của Mục sư Rick Warren.  ...File kèm




Sống Theo Đúng Mục Đích - The Purpose-Driven Life
Ngày nay, ta biết quá nhiều thứ, nhưng lại ít biết về chính mìình, theo đuổi nhiều thứ nhưng không biết cái gì là chính. Ta quay cuồng và bị lôi kéo, bị xô đẩy giữa biết bao khuynh hướng, trào lưu mà không biết đi về đâu. Biết mình, biết mục đích đời mình và sống đúng mục đích, điều quan trọng bậc nhất trong đời sống này sẽ giúp đời sống ta thay đổi, có ý nghĩa và triển nở đến vô tận. (TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, giới thiệu) ...File kèm




BÀI CA CỦA BÌNH MINH - THE SONG OF THE DAWN
Người ta có thể ngạc nhiên khi những ý tưởng sâu sắc lại được tìm thấy trong những tác phẩm thi ca của các nhà thơ hơn là của các triết gia; bởi lẽ, nhà thơ vận dụng hết mọi nỗi niềm và khai thác tối đa khả năng tưởng tượng. Như đá lửa, trong chúng ta, có những hạt giống của ánh sáng. Qua lý trí, triết gia khơi dậy chúng, đang khi nhà thơ làm cho chúng chiếu toả rạng ngời hơn nhờ đặc ân tưởng tượng. Descartes, Cogitationes Privatae ...File kèm




ĐI TRÊN NƯỚC - WALKING ON WATER
Cầu nguyện, yêu thương, đời sống tinh thần, đời sống đạo đức sắp giải thoát bạn khỏi những ảo giác. Một khi đời sống đức tin triển nở, thật tuyệt vời, tuyệt vời! Nhưng khi nó trệch hướng, thì đó là bệnh hoạn, một dịch tể phải tránh. Khi ảo giác rơi rụng, con tim không còn bị tắc nghẽn, tình yêu sẽ nở hoa. Đó cũng là lúc hạnh phúc chợt đến và bắt đầu có sự đổi thay. Và rồi, chỉ khi đó, bạn mới biết Thiên Chúa là ai...  ...File kèm




TAKING FLIGHT - BAY LÊN ĐI!
Đã một thời, Tony de Mello, một linh mục dòng Tên dạy đàng thiêng liêng không ngừng đánh động tâm hồn bao người khắp năm châu; bởi lẽ, ngài quá yêu đời, yêu cuộc sống - một cuộc sống thực tế, sôi nổi và tràn đầy niềm vui. Những chuyện kể đầy mê hoặc, đầy nhiệt huyết, đậm nét hài hước và những hiểu biết sâu sắc của ngài về bí quyết hạnh phúc, về việc khám phá bản ngã đích thực của mỗi người - tất cả đã tạo nên một tác động đầy phấn khích cho bất cứ ai đã từng nghe ngài. Ngài đến cho những tâm hồn được giải thoát, cho người vô cảm biết yêu thương, đem ý nghĩa cho tất cả những gì làm nên một nẻo đường thiêng liêng trên đó bao người đang tiến bước. ...File kèm




SADHANA - MỘT NẺO ĐƯỜNG DẪN TỚI THIÊN CHÚA - Linh Thao Kitô Giáo Theo Lối Đông Phương
 Nguyên bản tiếng Anh chúng ta đang có là Sadhana toàn tập, không rút gọn, như tác giả đã lưu ý (complete and unabridged). Vì thế, bạn sẽ có một bản dịch đầy đủ. Ước mong sao, chúng ta cùng khám phá những chiều kích mới mẻ của kho tàng hiểu biết và tinh thần bên trong chính mình, qua việc ý thức đem toàn thể con người - thân xác, linh hồn, con tim, lý trí, ký ức và tưởng tượng - đi vào cầu nguyện, đi vào chiêm ngắm Đấng đang ngự ở đó. ...File kèm




HUẾ CỔ VẾT TÍCH ĐẠO VÀ ĐỜI

Vestiges Religieux et Profanes du Vieux Hué” của Cố Ngôn (J. B. Roux) được chuyển dịch như một đóng góp nhỏ nhân dịp Kỷ Niệm 15 Năm Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II tôn phong 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam (1988-2003) với tựa đề “Vết Tích Chứng Nhân Đức Tin Của Huế Cổ”. Nay, nhân Kỷ Niệm 20 Năm Tôn Phong Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (1988-2008), một lần nữa tập sách được tái bản với đề tựa mới, “Vết Máu Trên Huế Cổ”.



...File kèm


VỀ MỤC LỤC


tải về 0.55 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương