Biển-đức XVI. Những Trao Đổi Cuối Đời. Với Peter Seewald



tải về 1.13 Mb.
trang14/61
Chuyển đổi dữ liệu02.01.2022
Kích1.13 Mb.
#39400
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   61
Dù sao trong cuốn tự thuật Ngài ít nói tới những va chạm, những khó khăn và đổ vỡ.
Trong gia đình dĩ nhiên cũng có những cãi cọ và mâu thuẫn. Chúng tôi là những con người hoàn toàn bình thường. Không hẳn bao giờ cũng có được ổn định. Nhưng cảm giác được ở gần bên nhau và hạnh phúc có nhau là kinh nghiệm phổ biến hơn trong gia đình chúng tôi.
Có sự mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, như cảnh trong thập niên 1960 vẫn thường thấy không?
Không.
Sau khi anh Georg xin vào chủng viện giáo phận ở Traunstein, Ngài cũng xin vào theo. Có phải đó là do gương của anh Georg không?
Ở một mặt nào đó, đúng. Anh Georg là cậu bé biết mình muốn gì, anh có những tư tưởng rõ ràng và dứt khoát. Thứ đến, ngay từ đầu anh em chúng tôi rất gần gũi nhau, coi nhau như một. Về sau chúng tôi cũng tranh luận với nhau về khía cạnh thần học đối với tất cả những vấn nạn mà chúng tôi gặp. Nhưng tôi vào chủng viện hơi trễ, khi đang học lớp ba trung học tổng hợp. Lí do đơn giản là vì ba tôi không đủ trả tiền phí cho cả ba đứa con vào nội trú cùng một lúc. Nhờ đó tôi được ở nhà thêm hai năm, hai năm thật thoải mái.
Điều lạ, là cả bà chị cũng được học trung học. Chuyện này là do ba của Ngài muốn?
Đúng. Ông muốn cả chị tôi cũng phải được học và có nghề. Thời đó người ta không nghĩ cho con gái mình vào trung học tổng hợp. Có hai loại trường cao cấp: Trường Lyzeum, loại trường ít nhiều dành cho con gái giới quyền quý thượng lưu, và Trường Gia Chánh, trong đó dạy viết tốc kí, đánh máy, kế toán, tiếng Anh v.v. Học trình vững chắc, và chị cũng rất thích học.
Lúc nhỏ Ngài là cậu bé ốm yếu hơn những đứa khác. Ngài có cảm thấy mình bị bỏ rơi không?
Không. Khi bước vào chủng viện, mọi sự đối với tôi đều xa lạ. Đó là chuyện thường. Nhưng nó chỉ kéo dài nửa năm đầu mà thôi.
Các bạn học lấy làm lạ trước việc Ngài rất sớm tỏ ra là cậu học trò biết mình muốn gì hoặc hiểu ra nhanh sự việc. Trong một chứng chỉ ở Traunstein có lời phê, Ngài là đứa „bướng bỉnh“. Bướng bỉnh là một bản chất của con người Ngài?
Điều đó xẩy ra trong một thời gian. Ở lớp ba, lớp bốn có lúc tôi khá ngỗ nghịch.
Nhưng không chỉ thời gian đó. Cả thời trong quân ngũ, khi một lão huấn luyện viên khắc nghiệt hét lớn trước đám tân binh của mình: „Bọn bay hay tao sẽ lì được lâu hơn“, thì Ngài là người duy nhất tiến lên nói: „Chúng tôi“. Một người nhỏ con nhất, xem ra yếu nhất, lại đứng ra thách thức người chỉ huy. Về sau thái độ đó lại càng rõ hơn. Chẳng hạn khi Ngài chống lại vị giáo sư tín lí nổi tiếng quốc tế, khi ông này từ chối luận án lên ngạch của mình. Như vậy, chất bướng đó là có thật.
Vâng, thích phản kháng là yếu tố có thật trong tôi.
Trong trường, Ngài được gọi là „Hacki“ (Ba Trợn). Tờ báo tường Helios của học sinh có bốn câu thơ về Ngài như sau: „Giờ đây xuất hiện Hacki, là tay mâu thuẫn cực kì ai ơi, thể thao chẳng biết chút gì, thế mà khoa học lại kì hơn ai.“ Bài báo viết năm 1945. Như vậy, khả năng khoa học đã xuất hiện sớm nơi Ngài?
Vâng, đúng.
Ngài đã khá sớm có một lối làm việc có giờ giấc hẳn hoi, đều đặn theo chương trình trong ngày. Bắt đầu từ khi nào?
Từ khi chúng tôi ở Hufschlag (4). Trước đó trường không ra bài làm. Ở Hufschlag tôi có hai giờ đầu tiên buổi chiều để làm bài - có khi lâu hơn, mà lắm khi cũng chỉ một giờ mà thôi, tuỳ mình làm xong bài sớm hay trễ. Giờ làm bài dần dần kéo dài thêm. Tôi phải chia thời gian ra và đã sử dụng giờ giấc đúng đắn.
Ngay thời còn học sinh và sinh viên Ngài đã tỏ ra hơn hẳn các bạn đồng học về kiến thức. Do đâu?
Cũng đừng nên cường điệu quá. Tôi mê học tiếng La-tinh và Hi-lạp và cũng khá về tiếng Do-thái. Tôi chỉ là một người đổ tâm trí vào những thứ đó, trong khi các bạn khác ít quan tâm tới tới chuyện lí thuyết.
Lúc 14 tuổi Ngài khám phá ra văn chương, dịch những bản văn của Giáo Hội từ tiếng Hi-lạp và La-tinh.
Chính là để giải trí ấy mà.
Nhờ đâu Ngài học được nhiều thứ tiếng? Nhà trường đâu dạy nhiều như thế.
Không, tôi không nói được thứ tiếng nào cả.
Nghĩa là sao?
Niên khoá 1942 - 1943 tôi có một năm học tiếng Í như là môn nhiệm ý, nhưng giờ học cứ bị đình hoài. Dù sao mình cũng đã có được một chút nền tảng, ngoài ra chẳng có gì hơn. Chỉ sau khi tới Roma, thực tế giúp tôi học nói thêm. Nhưng tôi chưa bao giờ học tiếng Í tới nơi tới chốn, vì thế tôi cũng chẳng nắm chắc gì cả về mặt văn phạm. Tiếng Pháp được học một năm ở trường; tôi cố giữ nó, nhưng cũng chỉ là chút căn bản ít ỏi mà thôi. Tiếng Anh tôi học bằng dĩa nghe lúc dạy học ở Bonn, nên nó mãi là thứ rất yếu nơi tôi. Và thế là hết. Xem ra tôi nói được nhiều thứ tiếng, song thực tế khác hẳn.
Cha mẹ Ngài nói gì về cái năng khiếu lạ lùng của đứa con?
Chẳng là gì ghê gớm cả. Tôi được điểm cao, mà tôi cũng cần phải học.
Ông bố có kích thích tham vọng nào đặc biệt nào nơi người con không?
Có thể nói là không. Ba rất muốn chúng tôi học hành và sống cho đàng hoàng. Nhưng ông chẳng muốn và cũng chẳng ham chút gì việc chúng tôi trở thành cái gì đó „to lớn“. Ông mừng, khi biết chúng tôi muốn làm linh mục. Ông đơn giản là một con người được nuôi sống bằng bầu khí đạo hạnh của Giáo Hội.
Trong cuốn tự thuật, Ngài viết, ơn gọi linh mục „lớn dậy trong tôi cách hoàn toàn tự nhiên, chẳng do bởi những biến cố lớn lao nào“. Nếu không có những biến cố lớn, hẳn có những biến cố tinh thần nho nhỏ?
Có thể nói, đó là sự thấm thấu từ từ của phụng vụ trong tôi. Tôi nhận ra phụng vụ là tâm điểm và cố gắng tìm hiểu nó cũng như tìm hiểu hậu trường lịch sử đàng sau của nó. Ông thầy dạy đạo của chúng tôi là người vừa viết một cuốn sách về các nhà thờ chính toà ở Roma. Các giờ lớp được ông chuẩn bị kĩ. Cũng nhờ ông, chúng tôi có được những hiểu biết nền tảng cụ thể về giáo sử. Điều đó làm cho tôi thích học. Nhờ đó nói chung khiến tôi quan tâm tới những vấn đề tôn giáo. Đây là thế giới tôi gặp được sự thoải mái nhiều nhất.



tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   10   11   12   13   14   15   16   17   ...   61




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương