Ban tuyên giáo số 1584 cv/btgtu v/v gửi tài liệu trích dẫn những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình trong Đảng ĐẢng cộng sản việt nam



tải về 74.67 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu29.07.2016
Kích74.67 Kb.
#9258
TỈNH ỦY ĐỒNG NAI

BAN TUYÊN GIÁO

*

Số 1584 - CV/BTGTU



V/v gửi tài liệu trích dẫn những lời dạy

của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình

và phê bình trong Đảng



ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Biên Hòa, ngày 12 tháng 9 năm 2012







Kính gửi: - Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy

và các Đảng ủy trực thuộc tỉnh;

- Ban Tuyên giáo, Ban Tuyên huấn MTTQ VN tỉnh

và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh;

- Sở VH, TT & DL; Sở TT-TT;

- Báo Đồng Nai; Báo Lao động Đồng Nai;

- Đài PT - TH Đồng Nai.

Thực hiện Kế hoạch số 69-KH/TU ngày 31/5/2012 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa IX), căn cứ Kế hoạch số 71-KH/TU ngày 01/6/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vần đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nghiên cứu, trích dẫn những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng làm tài liệu tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh (gửi kèm theo). Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị:

- Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy, các Đảng ủy trực thuộc tỉnh, Ban Tuyên giáo, Ban Tuyên huấn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các sở, ngành có hình thức tuyên truyền phù hợp với đơn vị, địa phương, ngành, đoàn thể mình; đồng thời, tham mưu cấp ủy thực hiện việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình.

- Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai và Đài PT-TH Đồng Nai căn cứ tài liệu tuyên truyền trên, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phù hợp để chuyển tải nội dung lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.



- Đề nghị Sở TT-TT và Sở VH, TT & DL chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cổ động, đồng thời nghiên cứu trích dẫn, xây dựng panô, áp phích tuyên truyền trực quan trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị các đơn vị nghiên cứu, triển khai thực hiện tuyên truyền và báo cáo kết quả thường kỳ về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.



Nơi nhận:

- Như trên,

- TTTU (b/c),

- Hội Nhà báo tỉnh,

- Lãnh đạo Ban,

- Phòng TT,

- Lưu VPB.


TRƯỞNG BAN

(Đã ký)


Huỳnh Văn Tới


TRÍCH DẪN LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

VỀ TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH

“Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ.

Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người.

Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2000, t.5, tr 271 - 279).

“Đảng là đầy tớ dân, cần phải hoan nghênh sự phê bình của dân. Phê bình càng rộng, chính sách càng đúng, uy tín càng cao. Đừng sợ phê bình rồi mất uy tín”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr 369).

“Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc. Nói thật tức là phê bình”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr 113 - 115).

“Khuyết điểm cũng như một chứng bệnh. Phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm. Thí dụ: tôi có vết nhọ ở trán, tự tôi không trông thấy. Đồng chí bảo cho tôi biết. Thế là đồng chí phê bình tôi. Mục đích của đồng chí là muốn cho mặt tôi sạch sẽ, chứ không phải để mỉa mai tôi. Vì vậy đồng chí phải nói cho rõ ràng, thiết thực: vết nhọ to hay nhỏ ? Nó ở phía nào ? v.v.. Và khi nói, nên có thái độ đúng mực. “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa tai nhau”. Về phần tôi, khi đã biết có vết nhọ thì phải lo rửa sạch”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr 113 - 115).

“Chúng ta vì dân, vì nước mà làm cách mạng. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ. Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng, thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr 113 - 115).

Nguyên tắc phê bình là phải nhằm vào tư tưởng và công tác. Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr 113 - 115).

“Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực. Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa. Thuốc phải nhằm đúng bệnh. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên “trước mặt không nói, xoi mói sau lưng”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr 113 - 115).

“Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể. Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng nhau tiến bộ”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr 113 - 115).

“Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình. Song phê bình phải đường hoàng, chính đáng, quyết không nên “thầm thì thầm thụt”, viết thư giấu tên”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr 113 - 115).

“Đảng viên và cán bộ, Đảng, các đoàn thể nhân dân và chính quyền cần phải hoan nghênh và khuyến khích nhân dân phê bình. Nếu phê bình sai, thì phải giải thích. Phê bình đúng, thì phải công khai thừa nhận và sửa chữa.

Dìm phê bình hoặc phớt phê bình là khinh rẻ ý kiến nhân dân, là trái với dân chủ và rất có hại, cũng như có bệnh mà từ chối uống thuốc”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr 113 - 115).

“Phê bình và tự phê bình là công việc thường xuyên. Ngừng phê bình và tự phê bình tức là ngừng tiến bộ, tức là thoái bộ.

Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí.

Cách mạng sở dĩ phát triển mãi, tiến bộ mãi, càng gặp nhiều gian khổ càng mạnh mẽ thêm, là nhờ có phê bình và tự phê bình. Cho nên toàn thể đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân, để làm tròn sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr 113 - 115).

“Để nâng cao trình độ lý luận và chính trị thì mỗi đảng viên cần phải luôn luôn thực hành thật thà tự phê bình và phê bình. Đảng thì dùng cách chỉnh Đảng, chỉnh huấn để giáo dục đảng viên”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr 280 - 281).

“Một Đảng có chủ nghĩa Mác - Lênin, có kỷ luật nghiêm khắc, thật thà tự phê bình và phê bình, liên hệ chặt chẽ với nhân dân; một Đảng đúng đắn về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức như Đảng Lao động Việt Nam, đó là đảm bảo chắc chắn cho kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr 280 - 281).

“Các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công.

Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr 280 - 281).

“Khuyết điểm có nhiều thứ. Chúng ta có thể chia tất cả các khuyết điểm vào ba hạng:

- Khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan.

- Khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi.

- Khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa.

Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay, để nó lây ra, thì có hại vô cùng”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr 280 - 281).

“Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh. Nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr 521- 522).

“Trung thành thẳng thắn với Đảng, với nhân dân là đạo đức cốt yếu của mỗi người cách mạng. Trái lại, giấu giếm sai lầm tức là dối trá với Đảng, với nhân dân, là trái với đạo đức cách mạng”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr 209 - 210).

“Căn cứ vào thái độ tự phê bình và phê bình của một người mà biết người ấy tốt hay xấu, tiên tiến hoặc là lạc hậu, trung thành với sự nghiệp cách mạng hay là không”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr 209 - 210).

“Khi chúng ta có sai lầm, chúng ta thành khẩn tự phê bình để Đảng và nhân dân giúp chúng ta sửa chữa, như thế tinh thần chúng ta sẽ thảnh thơi không bị mắc mứu, chúng ta một lòng một dạ công tác cho Đảng, cho nhân dân. Cho nên trung thành, thẳng thắn là đạo đức cách mạng mà cũng là cái động lực giúp chúng ta công tác có hiệu quả hơn cho Đảng, cho nhân dân”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr 209 - 210).

“Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi ”. (Báo Cứu quốc, số 153, ngày 28/01/1946).

“Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”. (Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích - Báo Cứu quốc, số 51, ngày 26-9-1945 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2000, t. 4, tr. 34).

“Tự phê bình rồi lại phải phê bình người khác nữa. Ví dụ: tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người”. (Lời nói chuyện trong buổi lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp - Báo Vệ quốc quân, số 15, ngày 10/10/1947. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5).

“Ta có hai cách để thực hiện thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là: Phê bình và tự phê bình”. (Sách Hồ Chí Minh Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.86-87).

“Về tinh thần và tư tưởng, cũng cần phải có khăn mặt và xà phòng để rửa cho sạch, nghĩa là phải phê bình và tự phê bình. Trước ta nói phê bình và tự phê bình, bây giờ phải nói tự phê bình và phê bình. Nói như thế là chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau, phê bình mình là chính, phê bình người là phụ. Có đề cao tự phê bình và triệt để tự phê bình mới tẩy rửa được tinh thần và tư tưởng cho thật sạch. Tự phê bình và phê bình để thống nhất tư tưởng. Tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất. Tư tưởng và hành động có thống nhất mới đánh thắng được giặc”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 214).

“Những khuyết điểm đó, các cán bộ phải dùng phê bình và tự phê bình, từ trên xuống, từ dưới lên, kiên quyết sửa chữa cho kỳ sạch. (Điện gửi các cán bộ chính quyền và đoàn thể miền Nam Trung bộ - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 122).

“Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình”. (Cần tẩy sạch bệnh quan liêu - Báo Nhân dân, số 23, ngày 2-9-1951- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 306).

“Trong nội bộ phải thực hành dân chủ, phải luôn luôn tự kiểm thảo để đi đến đoàn kết. Phê bình và tự phê bình phải từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Phê bình trên công tác cách mạng, phê bình để tiến bộ, không phải để xoi mói”. (Bài nói tại Trường Công an Trung cấp khóa 2 - Nói vào năm 1951.Tài liệu lưu tại Bộ Nội vụ - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 383 - 384).

“Nghệ thuật cũng cần tiến bộ mạnh, muốn tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi, thì anh chị em nghệ thuật cần phải dùng phương pháp tự phê bình và phê bình”. (Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951 - Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 05/01/1952- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 385).

“Trong lúc thực hiện kế hoạch, chiến sĩ, nhân dân và cán bộ phải thật thà tự phê bình và phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, để cùng nhau tiến bộ. Mà trong phong trào phê bình và tự phê bình ắt phải có chuẩn bị và lãnh đạo, cho nên các cán bộ cao cấp phải xung phong, phải làm gương mẫu”. (Thư gửi đồng bào, chiến sĩ và cán bộ toàn quốc - Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 465).

“Muốn chống tham ô lãng phí, chống quan liêu thì phải dân chủ, gây tự phê bình và phê bình, làm cho mọi người biết tự phê bình mình và dám phê bình người. Tất nhiên không phải nói lu bù nhưng phải để cho người phụ trách thấy, để quần chúng thấy, thì tham ô lãng phí không thể nảy nở được”. (Bài nói tại Hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất - Nói ngày 25/6/1952. Sách Hồ Chí Minh: Những bài viết và nói về quân sự, Nxb. Quân đội - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 537).

“Gần đây, nhân dân và báo chí đã bắt đầu (tuy còn e dè, thưa thớt) phê bình. Song những tổ chức hoặc cơ quan bị phê bình thì im lìm, không đăng báo tự phê bình, không tìm cách sửa chữa. Đó là thái độ “bưng mắt, bắt chim”, thái độ “giấu bệnh sợ thuốc”, một thái độ không thật thà, không đứng đắn. Mong những ai, những cơ quan nào đã được nhân dân hoặc báo chí phê bình, thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, trên báo chí”. (Chống quan liêu, tham ô, lãng phí - Báo Nhân dân, số 68,ngày 31/7/1952 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 557).

“Phải thật thà tự phê bình và phê bình để sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tăng cường đoàn kết. Tìm ra khuyết điểm mà sửa chữa mới là thắng lợi hoàn toàn”. (Thư gửi bộ đội và dân công ở mặt trận Tây Bắc và đồng bằng - Báo Nhân dân, số 88, ngày 25/12/1952 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 614).

“Tôi mong rằng anh em tiến hành tự phê bình và phê bình, nói cho hết sai lầm, Đảng rất hoan nghênh lòng tự nguyện tự giác đó”. (Bài nói chuyện trong buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương - ngày 06/02/1953 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 36).

“Cán bộ lãnh đạo cần phải làm gương mẫu thực hiện dân chủ phê bình và tự phê bình. Các cán bộ bất kỳ cấp nào cao hay thấp có quyền và có nghĩa vụ đòi hỏi thực hiện dân chủ. Chi bộ và công đoàn phải phụ trách tổ chức và hướng dẫn học tập thực hiện dân chủ phê bình, tự phê bình, giúp đỡ cho mọi người tiến bộ”. (Bài nói chuyện tại buổi bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ đảng, dân, chính các cơ quan Trung ương - Nói ngày 09/6/1953 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 91).

“Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn; chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền”. (Cách viết - Sách Cách viết, Hội những nhà viết báo Việt Nam xuất bản lần thứ hai, năm 1955 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 127).

“Có hai thứ vũ khí rất sắc bén để giúp chúng ta cải tạo, tức là cố gắng học tập gắn liền với thực hành và không e ngại, không che giấu, thật thà tự phê bình và hoan nghênh quần chúng phê bình mình. Quyết tâm giữ vững hai điều kiện ấy và lợi dụng hai vũ khí ấy thì dù trước đã mắc nhiều khuyết điểm, thậm chí đã phạm tội lỗi, cũng nhất định cải tạo được, nhất định tiến bộ được”. (Bài nói tại buổi bế mạc lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức - Nói ngày 26/9/1953 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 188 - 189).

“Phải thật thà tự phê bình và phê bình, phải học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và thấm nhuần chính sách của Đảng để luôn luôn tiến bộ”. (Thư gửi lớp chỉnh Đảng Liên khu V - Viết năm 1953 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 215).

“Ai có cái hay thì truyền bá cho nhau học, thấy khuyết điểm gì thì lấy tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau mà phê bình, giúp nhau sửa chữa. Phê bình không phải để mỉa mai, nói xấu. Phê bình là để giúp nhau tiến bộ. Học nhau điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, thế là đoàn kết thật sự”. (Nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ và Nhà máy đèn Bờ Hồ - Báo Nhân dân, số 298, ngày 24/12/1954 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 442).

“Một là phải thật thà, thành khẩn tự phê bình, xem lại mình có khuyết điểm gì, anh chị em mình có khuyết điểm gì. Có người sợ nói ra mất thể diện, thế là dại, cũng như người có bệnh mà giấu bệnh không nói rõ cho thầy thuốc biết. Giấu bệnh thì bệnh ngày càng nặng. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm ngày càng nhiều. Phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh anh chị em phê bình. Phải thật thà tự phê bình chứ không phải là phê bình qua loa. Phải hoan nghênh đồng chí phê bình mình. Mình phải tự đấu tranh với mình. Cải cách ruộng đất là đấu tranh giai cấp. Đấu tranh thì có địch có bạn. Bần nông, cố nông là quân đội chống phong kiến, cán bộ là đội trưởng. Đội trưởng mà có nhiều khuyết điểm, dút dát, không xung phong, không đi sát bộ đội thì không thắng được địch. Muốn thắng địch bên ngoài thì trước hết phải thắng kẻ địch trong con người mình bằng cách thật thà tự phê bình và phê bình”. (Bài nói chuyện trong Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II của Đoàn “Thái Nguyên - Bắc Giang”- Nói ngày 08/02/1955. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 495 - 496).

“Cách sửa chữa tốt nhất và quý nhất là thật thà tự phê bình và phê bình”. (Cán bộ cách mạng - Báo Nhân dân, số 366, ngày 03/3/1955. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 513).

“Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống cái thói “cả vú lấp miệng em”, ngăn cản quần chúng phê bình. Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 269).

“Có khuyết điểm thì sửa chữa ngay, không nên chán nản và không nên đợi đến khai hội mới phê bình, sửa chữa. Đối với cán bộ tốt cần khen thưởng kịp thời ở đội, ở đoàn, hoặc đề nghị Chính phủ khen thưởng để khuyến khích mọi người, không nên để chậm đến tổng kết mới làm”. (Bài nói chuyện tại Hội nghị giảm tô và cải cách ruộng đất - ngày 31/10/1955 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 87).

“Nhân dân thẳng thắn phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, bày tỏ lên Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính những ý kiến và nguyện vọng của mình, giúp Chính phủ đặt chủ trương và kế hoạch cho đúng để cải thiện đời sống cho nhân dân”. (Thư gửi đồng bào khu tự trí Thái - Mèo nhân dịp kỷ niệm một năm thành lập Khu tự trị - Báo Nhân dân, số 796, ngày 09/5/1956 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 183).

“Chớ thấy thành tích mà kiêu. Chớ thấy khuyết điểm mà nản. Phải thành khẩn phê bình và thật thà tự phê bình để tiến bộ mãi”. (Thư gửi Hội nghị Tổng kết cải cách ruộng đất đợt 5 - Ngày 01/7/1956 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 214).

“Hướng dẫn trí thức sử dụng cách thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình để cùng nhau tiến bộ không ngừng, đoàn kết chặt chẽ, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. (Bài nói chuyện tại Lớp Nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam - ngày 21/7/1956 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 237).

“Trách nhiệm của cán bộ chính quyền và đoàn thể là phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của quần chúng. Những cán bộ (hoặc cơ quan, đoàn thể) được phê bình cần phải thật thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa. Nếu lời phê bình có chỗ không thật đúng, thì phải giải thích rõ ràng cho quần chúng hiểu. Nhưng dù phê bình đúng cả hay là chỉ đúng một phần nào, chúng ta cũng cần luôn luôn hoan nghênh quần chúng phê bình. Tuyệt đối không được áp bức phê bình. Chúng ta phải nhớ rằng cán bộ đoàn thể cũng như chính quyền, từ trên đến dưới, đều là đày tớ của nhân dân, phải xem trọng ý kiến của nhân dân”. (Phải xem trọng ý kiến của quần chúng - Báo Nhân dân, số 900, ngày 21/8/1956 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 267).

“Đảng Lao động Việt Nam sở dĩ trưởng thành là nhờ có sự phê bình và tự phê bình. Phê bình và tự phê bình là một cách giúp nhau tiến bộ. Không phê bình và tự phê bình là không tiến bộ, không dân chủ”. (Nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy dệt Nam Định - Nói ngày 24/4/1957 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 397).

“Dân chủ là dân chủ chân chính, xây dựng, thật thà phê bình. Công nhân có quyền phê bình cán bộ, phê bình lẫn nhau. Thật thà phê bình là dân chủ chân chính, chứ không phải dân chủ quá trớn”. (Nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy dệt Nam Định - ngày 24/4/1957 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 399).

“Muốn đoàn kết chặt chẽ là phải thật thà tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến càng đoàn kết. Đoàn kết, phê bình, tự phê bình thật thà để đi đến đoàn kết hơn nữa. Phê bình phải dân chủ, nghĩa là Bác phê bình các cô, các chú, trái lại các cô, các chú có thể phê bình Bác, mà phải phê bình Bác, có cái hay phải học, cái khuyết điểm thì phê bình. Các cô, các chú yêu Bác, muốn Bác tiến bộ thì cần phải phê bình. Tóm lại tất cả cán bộ đều phải phê bình, tự phê bình để tiến bộ. Vì Đảng, vì dân tộc, vì giai cấp, vì chủ nghĩa cộng sản mà phải phê bình, tự phê bình, nhưng phải dân chủ, trên phê bình dưới nhưng phải tự phê bình, dưới phê bình trên nhưng mình cũng phải tự phê bình. Bây giờ có thiên hướng cho là chỉ có trên có sai lầm còn mình không sai gì hết, như thế là không đúng. Phê bình cũng ví như người đi bằng hai chân, nếu chỉ phê bình trên thôi thì đi một chân, không thể đi được. Không nên chỉ nêu khuyết điểm sẽ sinh ra bi quan, mà cần phải nêu thành tích nữa”. (Nói chuyện với cán bộ, đảng viên và thanh niên lao động Hải Phòng - ngày 30/5/1957 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 458).

“Phê bình và tự phê bình cũng ví như người đi hai chân. Hai chân cùng khỏe thì tiến mau, nếu một chân dài, một chân ngắn thì tiến chậm”. (Nói chuyện tại Lớp Chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và các lớp trung cấp của Tổng Cục - tháng 5/1957 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 461).

“Tự phê bình thật thà và thành khẩn phê bình các đồng chí mình để cùng nhau tiến bộ. Nếu mình có cái gì sai không tự phê bình, giấu đi, đồng chí khác không biết để giúp đỡ mình sửa đổi, giúp mình tiến bộ được. Phê bình là giúp đồng chí mình tiến bộ. Mỗi một đồng chí đều tiến bộ thì toàn Đảng tiến bộ. Vì vậy, cần phải tự phê bình và phê bình”. (Nói chuyện với Hội nghị Cán bộ toàn tỉnh Nghệ An - ngày 14/6/1957 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 490).

“Tự phê bình phải thật thà, phê bình phải thành khẩn, không mỉa mai, nói xấu. Chúng ta do đoàn kết mới có lực lượng. Muốn đoàn kết, lực lượng mạnh, phải có phê bình, tự phê bình. Phê bình, tự phê bình là để tăng thêm đoàn kết”. (Bài nói chuyện với đại biểu cán bộ, đảng viên tỉnh Hà Tĩnh - ngày 15/6/1957 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 497).

“Trong hội nghị này và các hội nghị khác, cán bộ từ trên xuống dưới phải tự phê bình, phải nghiêm chỉnh, phải thành khẩn và phải phê bình sâu sắc. Sau các cuộc phê bình, các cơ sở phải có những thay đổi tốt”. (Nói chuyện tại Hội nghị Tổng kết quý I của các công ty kiến trúc - Báo Nhân dân, số 1851, ngày 09/4/1959 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 510).

“Để tu dưỡng đạo đức xã hội chủ nghĩa, phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Phải luôn luôn tự phê bình một cách thật thà, tự phê bình từ trên xuống dưới”. (Bài nói tại Hội nghị toàn đảng bộ Khu Việt Bắc - ngày 08/6/1959 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 570).

“Người đi trước rước người đi sau, người đi sau theo mau người đi trước, phê bình nhau, khuyên bảo nhau, nhưng không đả kích lẫn nhau, không để phần tử xấu xen vào chia rẽ”. (Lời kêu gọi nông dân - Báo Nhân dân, số 1966, ngày 03/8/1959 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 608).

“Để làm cho cuộc vận động đạt kết quả tốt, thì trước hết cán bộ- từ bộ trưởng, thứ trưởng đến cán bộ cơ sở - phải xung phong gương mẫu, phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh quần chúng phê bình mình. Phải mở rộng dân chủ, phải thật sự phát động quần chúng một cách sôi nổi và liên tục”. (Bài nói tại Hội nghị ngành công nghiệp nhẹ - nngày 16/01/1965 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 346).

“Đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình để tiến bộ”. (Nói chuyện với Đoàn cán bộ Tỉnh ủy Thanh Hóa - ngày 30/12/1968 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 513).



BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY





tải về 74.67 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương