Nhớ lại những gian truân thời lập quốc, Từ Lý Công Uẩn đến Trần Thủ Độ



tải về 44.98 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích44.98 Kb.
#30283

Nhớ lại những gian truân thời lập quốc, Từ Lý Công Uẩn đến Trần Thủ Độ












Nguyễn Xuân Nghĩa



Lý Thái Tổ (Hình tài liệu)



Sư Vạn Hạnh (Hình tài liệu)



Nếu có thể tin rằng Việt Nam có bốn ngàn năm lịch sử, có lẽ ta nên thấy ra hai dấu mốc trong khoảng thời gian đó.

Dấu mốc đầu tiên chia đôi bốn chục thế kỷ. Phân nửa đầu là hai ngàn năm khuyết sử, khi người Việt cổ còn sống trên vùng châu thổ miền Bắc, biệt lập với nền văn hóa và hệ thống chính trị Trung Hoa. 'Khuyết sử' vì chưa có dữ kiện lịch sử xác thực, nên phải bổ túc và suy đoán nhờ khảo cổ học và nhân chủng học. Đấy là thời của các nền văn hóa từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn và những truyền thuyết về Hùng Vương hay Lạc Vương... Tất nhiên đấy là một dấu mốc mơ hồ, như của mọi dân tộc khác.

Dấu mốc thứ hai chia đôi phân nửa thời gian còn lại, là hai ngàn năm có sử, từ khi đất nước trôi vào thời Bắc thuộc kéo dài ngàn năm và sau đó là ngàn năm tự chủ. Trong hai ngàn năm đó, thời điểm đáng nhớ là khi Ngô Quyền giành lại độc lập từ nhà Nam Hán, rồi xưng vương vào năm 939. Kể từ đó, từ thế kỷ thứ 10 sau Tây lịch, đất nước bắt đầu có nền quốc thống. Và dựng lên chế độ quân chủ đầu tiên là công lao của thế hệ Lý Công Uẩn.

Ông là người khai sáng nhà Lý với miếu hiệu Lý Thái Tổ, tồn tại hơn 200 năm - là triều đại cai trị liên tục và lâu nhất trong sử - các triều sau đó đều có bị gián đoạn. Sau khi lên ngôi năm 1009, Lý Thái Tổ cũng là người dời đô từ đất Hoa Lư chật hẹp lên khu vực Long Biên, với tên mới là Thăng Long.

Ông rời Hoa Lư như hổ về rừng - hơn là như rồng lên trời. Con rồng là sản phẩm của ai khác.

Nhìn lại thì từ năm 939 của Ngô Vương Quyền tới năm 1009 của Lý Thái Tổ, dân ta có đúng 70 năm đại loạn để từ những mảnh vụn của một chế độ ngoại thuộc tiến lên một hệ thống tự chủ, trên nền tảng rộng lớn vững bền hơn. Rộng lớn chưa có nghĩa là “toàn quốc” như ta nghĩ sau này. Và vững bền cũng không hẳn là “ổn định” như ta nghe kể lại. Nếu đối chiếu với các dân tộc khác cùng trong thời đại, Trung Quốc thời Ngũ đại Thập quốc hay nước Anh, nước Pháp thời phong kiến Trung cổ, thì tình hình nước ta thật ra cũng không khác. Và chẳng tệ hơn chút nào.

Trong bảy mươi năm loạn lạc, ta có các triều Ngô chưa thật làm chủ cả nước, có các lãnh chúa lấn đất giành dân mà mình cứ gọi là Thập Nhị Sứ Quân, có Đinh Bộ Lĩnh được tôn là Vạn Thắng Vương mà chưa thắng được tất cả, có Lê Hoàn nối tiếp ngôi hoàng đế của nhà Đinh mà chưa thật là hoàng đế. Sau cùng mới có tư lệnh lực lượng bảo vệ hoàng gia là Lý Công Uẩn lên ngôi...

Ngô, Đinh, Lê, Lý là bốn biểu hiện tóm gọn của nhiều lực lượng phân tán, chuyển quyền qua đảo chánh trong triều mà thật ra chưa kiểm soát được cả lãnh thổ. Trong giai đoạn tranh đoạt và chuyển giao quyền lực đó, có hai thành phần không được chính sử ghi nhận công lao cho đúng.

Đó là... phụ nữ và tăng lữ.

Hai trăm năm sau, từ cuối đời Lý qua đời Trần, tăng lữ và nữ lưu cũng giữ vai trò quan trọng hơn là ta nghĩ. Công trình sư của vụ chuyển quyền ấy là Trần Thủ Độ, nhân vật kiệt xuất mà cũng nhiều tai tiếng!

***


Thứ nhất, vào thời ấy, dân ta đang bước - thật chậm - ra khỏi chế độ mẫu hệ, là hình thái xã hội trong đó đàn bà mới là chủ gia đình và lãnh đạo bộ tộc. Từ đời này qua đời khác, quyền thừa kế gia sản cũng tùy thuộc vào phụ nữ. Mấy trăm năm sau, sử gia của nước ta, vốn cũng là sử thần - ông quan chép sử - đã viết sử cho nước nhà căn cứ trên khái niệm văn hóa chính trị Trung Hoa - theo chế độ phụ hệ và có tinh thần trọng nam khinh nữ! Họ ghi lại những sự kiện đó nhưng mô tả các bà một cách lệch lạc. 'Gà mái gáy' là điềm loạn! Bà thái hậu họ Dương không kiên trinh thủ tiết với chồng và gìn giữ cơ nghiệp nhà Đinh, mà lại khoác hoàng bào cho Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn lên ngôi!

Thật ra, bà là người trao quyền chính thống khi đất nước sắp loạn. Có lẽ tỉnh táo hơn các sử thần, người dân Hoa Lư vẫn lập đền thờ bà, trong chính điện có tượng Dương Thái Hậu ngồi giữa, hai bên là Đinh Tiên Hoàng Đế và Lê Đại Hành Hoàng Đế!

Mà không phải ngẫu nhiên, các đời vua thời đó đều có nhiều hoàng hậu, gần như bà nào cũng có chữ 'Quốc' trong tên hiệu. Đinh Tiên Hoàng Đế có Kiểu Quốc, Cồ Quốc; Lê Đại Hành có Trịnh Quốc; Lý Thái Tổ có Tá Quốc Hoàng Hậu là người đứng đầu.... Sau đó, trong đời Lý, nhiều công chúa được triều đình gả cho các tộc trưởng miền thượng du - trước Huyền Trân công chúa đời Trần rất xa - để mở rộng và củng cố ảnh hưởng của trung ương đến các vùng trung du hẻo lánh. Keo sơn gắn bó các sắc tộc là nhờ các bà công chúa này.

Hiểu lại hoàn cảnh xưa, ta có cái nhìn khác về công lao của các bà ở cả trong triều lẫn ngoài cõi. Ngàn năm Thăng Long mà thiếu công lao của phụ nữ thì vẫn là chưa điểm nhãn rồng!

***

Thứ hai, vào thời ấy, thành phần có học nhất trong xã hội chính là hàng tăng lữ, cả tăng và ni, vì Phật Giáo đã vào Việt Nam từ khá sớm.



Sau ngàn năm Bắc thuộc, lớp người ưu tú này thông thạo Hán và Phạn ngữ, trở thành lực lượng kiến quốc về tư tưởng. Họ góp phần viết sử như Ni cô Trương Ma mà sau này sử gia viết ra vị Tăng lục Trương Ma Ni. Họ không chỉ chép sử mà còn làm nên lịch sử trong tư thế Quốc sư hay Tăng thống. Như là sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu đời Đinh và Lê, sư Pháp Thuận họ Đỗ bên cạnh Lê Đại Hành, hoặc như Vạn Hạnh, chiến lược gia của việc chuyển giao quyền lực từ nhà Lê qua nhà Lý trong ba ngày rất gọn. Và trước đấy còn là quân sư của Lê Đại Hành trong trận phá Tống! Nói về trận đánh năm 981, có lẽ bài tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà... bài 'Nam quốc sơn hà Nam đế cư' là do sư Pháp Thuận viết ra từ đấy, tức là trước quan Thái úy Lý Thường Kiệt gần trăm năm...

Khi nhắc đến ngàn năm Thăng Long và Lý Thái Tổ, có khi chúng ta quên con rồng thật... Sở dĩ quên vì chỉ nhìn thấy đuôi mà chẳng thấy đầu.

Đó là sư Vạn Hạnh.

Ông đi tu khá trễ, vào năm 21 tuổi sau khi giang hồ khắp chốn và am hiểu tam giáo cửu lưu. Dù đi tu khá trễ, ông tiến rất nhanh nên đạt trình độ thâu nhiếp cả thân khẩu ý của Mật tông - gọi là Tổng trì Tam muội Dharani samadhi - và có can dự việc triều chính từ các đời trước. Vạn Hạnh là người mở chiến dịch tuyên truyền cho việc Lý Công Uẩn thành Lý Thái Tổ. Ông cũng góp phần cho việc dời đô từ Hoa Lư lên Thăng Long và gặp cá sấu bơi thì dựng thành chuyện rồng bay để củng cố tư thế cho vương triều Lý. Không dám suy đoán thêm rằng ông là cha đẻ hơn là thầy dạy học của Lý Công Uẩn - đứa trẻ không cha mà chỉ nhớ họ Phạm của bà mẹ - người ta vẫn thấy Vạn Hạnh nhìn ra thiên hạ đại thế: là người Bắc Ninh mà nằm kẹt tại Hoa Lư thì Lý Thái Tổ không thể tồn tại với các thế lực địa phương để mở mang bờ cõi - và có khả năng chống cự phương Bắc.

Vạn Hạnh là con rồng vì có thể đã giấu nhẹm việc can dự sau khi đã là quân sư đời Lê và Thái sư đời Lý. Sau đó, các sử gia nho thần - nhất là từ nhà Lê - làm nốt phần vụ còn lại là xóa bỏ thành tích của ông. Họ còn kịch liệt đả phá Phật Giáo trong cách luận sử. Đấy là chuyện khác.

***


Trong 18 năm trị vì, ngoài nỗ lực thiết lập triều nghi và quan chế đầu tiên, Lý Thái Tổ nổi bật ở ba việc cứ như là mâu thuẫn - sau này còn bị xuyên tạc. Đó là xây chùa độ tăng để mở ra các trung tâm văn hóa cho quần chúng; đó là xá thuế - nhiều lần - để dưỡng sức dân, vì thuế có nhẹ thì dân mới giàu; và thứ ba là... đi dẹp loạn!

Đời sau - và đời nay - hiểu sai nên mới ca ngợi công lao của Lý Thái Tổ là mở ra quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám như 'Đại học' đầu tiên của Việt Nam. Văn miếu được dựng vào đời cháu của Lý Thái Tổ năm 1070 - để thờ Khổng tử. Quốc tử giám là... 'Trường đảng cao cấp' được đời chắt của Lý Thái Tổ lập ra năm 1076 để giáo dục con cháu lãnh đạo - con vua và các đại thần - theo hệ thống Khổng nho. Gần hai trăm năm sau, vua Trần Thái Tông mới đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học Hiệu và mở ra cho con cái thường dân cũng có thể học nếu có khả năng. Vào đời Lý, quần chúng chưa thể là thành phần 'quốc tử' để được vào tới chốn thâm nghiêm đó. Quần chúng đi ăn mày chữ nghĩa, thuốc men và nhiều dịch vụ công ích ở ngoài chùa! Cả trăm ngôi chùa đã xuất hiện như vậy nhờ Lý Thái Tổ, mà về sau bị các sử gia nho thần bài bác là mê tín và tốn kém.

Còn lại, nhìn về công lao dẹp loạn của Lý Thái Tổ, ta thấy ra một điểm chiến lược xưa nay có lẽ vẫn bị hiểu lầm.

***


Các sử gia từ đời Lê (Thái Tổ) đến đời Hồ (Chí Minh!) đều tự mê hoặc khi viết rằng mọi biến động trong lịch sử Việt Nam là kết quả của một trào lưu tất yếu là thống nhất quốc gia - gồm thâu thiên hạ về một mối, theo cái nhìn của văn hóa Trung Hoa. Sự thật lại không đơn giản và nhất quán như vậy. Ý thức quốc gia, như ta hiểu từ thế kỷ 19-20 trở về sau, là cái gì đó rất mới.

Hơn ngàn năm trước, dân ta chưa nghĩ như vậy và trước làn sóng Trung Quốc thì chỉ cố duy trì và bảo vệ bản sắc riêng để khỏi bị đồng hóa. Đó là phản ứng tự nhiên - và tuyệt vời - trong cõi vô thức của tập thể. Phản ứng đó ngày nay đang bị tiêu diệt.

Ở trên, các thành phần môn phiệt hay lãnh chúa, những kẻ có chữ (tư tưởng), có gạo (kinh tế) và có lính (quân đội) thì tranh đoạt quyền lực qua chinh chiến, ngoại giao, và cả gả bán con cái. Nếu Hùng Vương là những ông vua có thật, thì thực quyền vẫn nằm trong tay các Lạc hầu, Lạc tướng, các tộc trưởng ở từng địa phương. Qua thời độc lập cũng thế, 'quốc' đô Cổ Loa của Ngô Quyền hay Hoa Lư của Đinh Bộ Lĩnh đều chỉ là căn cứ địa của thế lực lãnh chúa mạnh nhất trong vùng. Các thế lực ấy dung hòa hoặc tranh chấp với nhau và với nhiều nhóm khác, kể cả các dân tộc Mường-Thái rồi Lâm Ấp (sau mới gọi là Chiêm Thành) ở miền Nam hay Tầy-Thái, Ai Lao và Trung Hoa ở miền Tây, miền Bắc... Lịch sử các nước khác thì cũng như vậy mà thôi.

Nhưng, sau khi lên ngôi và chọn thủ phủ của chế độ Bắc thuộc cũ - thành Đại La, Long Biên - làm kinh đô, Lý Thái Tổ có tầm nhìn rộng hơn các đời Ngô, Đinh, Lê đi trước.

Ông là người đầu tiên có tham vọng xây dựng một địa bàn chính trị bao trùm lên cả “lãnh thổ” là miền Bắc. Vì vậy, lên làm vua là ông cầm quân 'dẹp loạn' trên các vùng ngoại biên, hầu như không năm nào không có. Chuyện binh đao ấy cũng là sự nghiệp của con và cháu, của Lý Phật Mã (Thái Tông) và Lý Nhật Tôn (Thánh Tông). Từ đấy, Đại Việt 'Tây tiến' vào vùng trung châu ở hướng Tây, rồi “Nam tiến” xuống khu vực sinh hoạt của Chiêm Thành, và tạo thế lực đánh bại quan binh nhà Tống sau này.

Cho nên, nếu Vạn Hạnh là người thiết kế, Lý Thái Tổ là người thực hiện công trình ấy.

Điểm lại thì ngoài việc 'phá Tống bình Chiêm,' triều Lý còn mở ra kỷ nguyên thống nhất kỷ cương bên trong một xứ đã trải ngàn năm ngoại thuộc. Giai đoạn ấy không huy hoàng xa hoa như ta tưởng tượng sau này mà thật ra rất chật vật, với một vương triều khá lam lũ. Đấy mới là điều đáng nhớ - và đáng kính trọng.

***


Nhà Lý trị vì được 215 năm, đến thời Lý Anh Tông từ khoảng 1140 về sau thì bắt đầu suy bại. Tới đời Lý Cao Tông 1176 thì mục nát. Sự mục nát ấy dẫn tới sự xuất hiện của nhà Trần, từ năm 1225, với người bố trí là Trần Thủ Độ.

Với các sử gia nho thần, ông mang tiếng tru diệt nhà Lý - không oan nhưng không độc nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông mang tiếng loạn luân và làm chuyện loạn luân vì thói hôn nhân nội tộc - trong họ lấy nhau để quyền bính khỏi lọt ra ngoài. Nhà Trần bị kết án nhiều vụ loạn hôn vì ta ít chịu đọc sử của thiên hạ. Các nho thần viết sử đời sau ưa xoáy sâu vào đó để, ngoài tội đảo chánh nhà Lý, còn kết án chiến lược gia nhà Trần là thiếu đạo đức vì quan hệ bất chính trong hôn nhân. Họ khinh miệt phụ nữ hay hãi sợ sắc đẹp? Khó biết lắm, nhưng họ nhớ lời phán của đức thánh Khổng: 'Ta chưa thấy ai hiếu chính bằng hiếu sắc!' Nghe chừng là thầy Khổng cũng biết sợ mãnh lực đàn bà, vì vụ tai tiếng với nàng Nam tử chăng?

Nói rộng hơn các vụ hôn nhân nội tộc và dục tính rất mạnh của phụ nữ triều Trần, ta không nên trút cả lên đầu Trần Thủ Độ... Ngược lại, trong cảnh u mê bốc hỏa lên đầu, Trần Thủ Độ là người đã bảo đứa cháu đang làm vua: 'Đầu tôi chưa rơi thì bệ hạ đừng lo!' Cái đầu ấy mới cứu được cơ nghiệp nhà Trần - và giang sơn Đại Việt - khi nhà Nguyên-Mông đã làm chủ Hoa lục và chuẩn bị ngày... Nam tiến xuống nước ta!

Đấy là một cách nhìn khác về nhân vật nổi tiếng gian hùng lại còn thêm tôi gian dâm với bà hoàng hậu họ Trần của vua Lý Huệ Tông.

***

Sinh năm 1194, Trần Thủ Độ là sản phẩm của thời nội loạn Lý Cao Tông. Một quan Thái úy Tô Hiến Thành chính trực cũng không thể cứu vãn được sự suy sụp đó. Đến đời Lý Huệ Tông thì loạn lạc mới khiến thực quyền trong triều rơi vào tay họ Trần, nhờ công lao dẹp loạn. Trong dòng họ này, Trần Thủ Độ là người ít học mà cực kỳ khôn ngoan. Như trong nhiều trường hợp khác ở mọi nơi - vua Tần đánh mất con hươu, là mất lòng dân, thì tất nhiên mất nghiệp - nhà Lý sụp đổ không vì Trần Thủ Độ mà vì chứng tật mục nát bên trong. Đến đời Huệ Tông nhu nhược hôn ám thì phải đổ. Khi đổ thì ai hứng bây giờ?



Huệ Tông chỉ có hai con, lại là con gái, để nối dõi tông đường, Trần Thủ Độ nhân đó dàn xếp việc nối dõi chính trị.

Con thứ hai của Huệ Tông là Lý Phật Kim - Chiêu Thánh công chúa - được đưa lên làm vua khi mới lên bảy, thành Lý Chiêu Hoàng. Cô hoàng bé bèn nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, cháu của Trần Thủ Độ, để trở về làm công chúa. Trần Cảnh lên ngôi là Trần Thái Tông mà tám năm rồi vẫn chưa có con với Chiêu Thánh. Trần Thủ Độ bèn đưa chị ruột Chiêu Thánh là Thuận Thiên công chúa vào thế - dù khi ấy Thuận Thiên đang có mang với Trần Liễu.

Nhìn lại thì Thái úy Trần Thủ Độ là người đóng chốt 'đối xung' rất chặt - ở cả hai ngả - để quyền lực không thể lọt về triều Lý, hay ra ngoài! Bên cạnh ông, có bà Linh từ Hoàng hậu họ Trần của Huệ Tông, mẹ của hai cô công chúa, mà cũng là chị họ rồi nhân tình và vợ của ông! Thiếu bà Linh từ, mưu kế của Thái sư Trần Thủ Độ chưa chắc đã thành... Nếu muốn dựng truyện, dựng phim, sao không tìm ra chân dung của bà - Trần Thị Dung, hình như là vậy? Nhan sắc và trí lự của bà chắc là không kém. Nếu dựng thành truyện, e rằng còn hấp dẫn hơn Thái hậu Dương Vân Nga của hai vua Đinh và Lê!

Sau này, sử quan trách Trần Thủ Độ ở việc đòi 'nhổ cỏ cả rễ' khiến Huệ Tông - sinh cùng năm với ông mà không cùng đởm lược - dù đã lên cơn điên, rồi đi tu mà vẫn sợ nên phải tự ải. Thật ra, Huệ Tông đáng tự ải về chính trị từ khi nương vào các đại thần họ Trần vì đại loạn mà vẫn muốn diệt trừ họ bằng cách liên kết với các thế lực khác. Nếu có đáng trách, Trần Thủ Độ đầy trí tuệ lại là người thiếu lòng nhân khi chôn sống nhiều người trong tôn thất nhà Lý - là nghi vấn nhiều phần đã có xảy ra.

Nhưng nếu nhìn lại con người đó và vào thời đại của ông, Trần Thủ Độ là điều may cho Đại Việt. Không có ông, tàn dư ruỗng nát của triều Lý không thể cưỡng nổi thách đố Mông Cổ.

Như một Võ Tắc Thiên đời Đường, quyết liệt nghiệt ngã khi tranh đoạt quyền lực trong triều mà lại làm những việc ơn ích cho bá tánh, hay một Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn của Mãn tộc, đã cùng Hiếu Trang Hoàng Thái hậu giúp cậu bé Thuận Trị lên làm Hoàng đế nhà Đại Thanh, Trần Thủ Độ cư xử rất nghiêm minh cho dân đen được nhờ. Và đặt nền móng cho nhà Trần có khả năng củng cố quyền lực trước khi đụng trận và chiến thắng đạo quân Nguyên Mông.

Ý chí của ông mới khiến các vua Trần như Thái Tông, Thánh Tông hay Nhân Tông trở thành minh quân dũng lược và trí tuệ, sau này đều là cao tăng thâm hiểu Phật Giáo. Cũng nhờ tấm gương của ông mà họ hàng con cháu, như An Sinh vương Trần Liễu, hay con trai là Trần Quốc Tuấn - sau này là Hưng Đạo Đại vương - và Trần Quang Khải, con trai của Trần Thái Tông, mới thành những trung thần xuất chúng trong giai đoạn nguy khốn của Đại Việt. Hãy nhớ đến 'Loạn bát vương' đời Tấn - của con cháu đại gian hùng Tư Mã Ý thời Tam quốc bên Tầu - thì mình sẽ thấy khác.

***


Đầu Xuân nhắc đến ngàn năm Thăng Long, biết đâu chừng ta cần nhớ tới hai khuôn mặt ẩn hiện của lịch sử. Một Vạn Hạnh uyên bác và biến hóa vô lường và một Trần Thủ Độ thất học mà triệt để mưu lược. Không có hai nhân vật ấy, chưa chắc đã có triều Lý, triều Trần. Lịch sử do người sau viết lại thì phán xét mỗi người mỗi khác, hoặc lãng quên hoặc bôi bác. Nhưng họ là hai nhà lãnh đạo thành công vì đạt sở nguyện của mình - cho người khác.

tải về 44.98 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương