Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 305 Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư Chuyển ngữ: Hạnh Chơn Biên tập: Bình Minh Thời gian: ngày 27 tháng 02 năm 2011



tải về 110.77 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích110.77 Kb.
#18843

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 305 /21

Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa

Tập 305

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Chuyển ngữ: Hạnh Chơn

Biên tập: Bình Minh

Thời gian: ngày 27 tháng 02 năm 2011

Địa điểm: Tịnh Tông Học Viện _Úc Châu

Chư vị pháp sư, chư vị đồng học, xin mời ngồi xuống. Mời quý vị xem “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải”, trang 357, từ dưới đếm lên hàng thứ sáu.

Ở trước vẫn còn một câu.“Dĩ thượng cái biểu Bồ Tát dĩ thiện căn lực. Cảm đắc sanh sanh tôn quý, đức cao vọng trọng, tài phú sung túc. Nãi chí hoặc vi nhân vương, hoặc tác thiên đế, thượng hoằng hạ hoá, năng mãn sở nguyện”.

Câu này là giảng tiếp cõi trời lục dục ở trước, nói đến Đại Phạm Thiên. Đều lấy đa thiện căn, đa phước đức để thành tựu. Con người sống ở đời không thể không tu thiện căn. Thiện căn của thế gian có ba loại là không tham, không sân, không si. Đức Phật dạy tất cả thiện pháp trong thế gian đều từ ba thiện căn này sanh ra. Tương phản của nó gọi là tam độc, thâm sân si gọi là tam độc. Cũng chính là nói tất cả các pháp bất thiện, tất cả tội nghiệt của thế gian đều từ tham sân si mà sanh ra.

Từ đó cho thấy, thiện căn sanh thiện ra thiện pháp, bất thiện sanh ác pháp. Đức Phật dạy nhất định phải tu ba thiện căn, không có ba thiện căn thì chẳng thể vào cửa Phật. Trong kinh Di Đà Đức Thế nói, không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về cõi đó. Nói cách khác, điều kiện cơ bản để vãng sanh về thế giới Cực Lạc là phải đầy đủ đa thiện căn, đa phước đức, đa nhân duyên. Quý vị thấy thế gian có người đại phước đức. Hoặc là làm vua của cõi người, hoặc là làm vua của cõi trời. Đây là đại phước đức. Thiện căn phước đức như vậy mới có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc, cần phải đầy đủ các điều kiện. Không có điều kiện này làm sao có thể vãng sanh được.

Phước đức nên tu từ đâu? Tu từ lục độ ba la mật. Tứ nhiếp pháp, lục độ là tu phước. Chúng ta có nổ lực làm chăng? Nhiều nhất là thực hành một ít bố thí. Tài thí, pháp thí, vô uý thí mà chúng ta thường nói. Nhưng sáu ba la mật, một tức là sáu, sáu tức là một. Chúng ta chỉ tu bố thí, còn rất sơ sài đối với trì giới, nhẫn ngục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Do vậy trong ba loại bố thí, người đời chỉ đạt được một chút ít phước báo, ít của cải, một chút thông minh trí huệ, một ít sức khoẻ trường thọ. Chỉ đạt được những thứ này. Còn những lợi ích chân thật không đạt được.

Nếu mỗi một độ trong sáu độ đều đầy đủ, viên mãn lục độ ba la mật thì đây là đại phước báo. Ở cõi người thì làm vua, còn ở cõi tròi thì làm vua trời, ở trong pháp xuất thế là Bồ Tát. Những điều nói trên đây, đều là nói rõ thiện căn lực của Bồ Tát. Chỉ có sức mạnh của thiện căn, thiện căn và phước đức mới chiêu cảm được đời đời sanh vào gia đình tôn quý. Sống một ngày thì phải tu một ngày, nhất định phải mở rộng tâm lượng, có thể bao dung vũ trụ, điều này không phải là khoa trương.

Trong kinh điển Đức Thế Tôn nói, tâm lượng bổn tánh của mỗi người đều lớn như vậy. “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”. Chư Phật Như Lai đều là như vậy, tất cả chúng sanh cũng như vậy không sai khác. Chỉ có chúng sanh mê thất tự tánh, phạm vi khởi tâm động niệm của họ quá nhỏ. Chỉ biết lợi ích chính mình, chứ không biết lợi ích chúng sanh. Phàm là người đều thương yêu. Đây là lợi ích nhỏ, tâm lượng vẫn chưa lớn. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm, họ chỉ nghĩ đến pháp giới người. Trong mười phần chỉ nghĩ đến một phần, còn chín phần khác họ không nghĩ đến. Tâm lượng của họ có thể gọi là lớn sao? Tâm lượng quá nhỏ. Người tâm lượng nhỏ như vậy nhưng hiện nay cũng rất khó tìm. Con người bây giờ chỉ biết bản thân, tự tư tự lợi. Ngoài bản thân mình ra, cha mẹ con cái của họ họ cũng không nghĩ đến. Tâm lượng nhỏ biết bao! Tâm lượng càng nhỏ thì tầng lớp quả báo đạt được càng thấp. Thấp đến cuối cùng chính là địa ngục vô gián. Nên cổ nhân thường nói lượng lớn thì phước lớn. Lời này rất có lý. Lượng nhỏ phước báo nhỏ, lượng lớn phước báo lớn.

Trì giới có phải là bố thí chăng? Là bố thí. Là làm thật tốt để mọi người xem. Làm gương cho chúng sanh, làm mẫu cho chúng sanh. Như vậy sao có thể nói không phải bố thí? Trong đó tài thí, pháp thí, vô uý thí đều bao hàm tất cả. Nhẫn nhục là bố thí, tinh tấn cũng là bố thí. Thiền định, bát nhã vẫn là bố thí. Hy vọng trong một pháp bố thí, sẽ bao hàm tất cả năm pháp khác. Thật sự là một tức tất cả, tất cả tức là một. Đây gọi là Bồ Tát đạo, là pháp bồ đề. Họ chiêu cảm được, bất luận là cõi nào, nơi nào, ở đâu đều sanh vào gia đình tôn quý, có đạo cao đức trọng được mọi người tôn kính.

Đức cao là thành tựu chính mình, được người tôn kính là quả. Mọi người trong xã hội rất tôn kính và theo người đó học tập. Của cải sung túc, của cải là do tu mà có. Tu tài bố thí nên có của cải. Sau khi kiến tánh thì đó là tự tánh. Của cải không phải tự mình hưởng thụ. Của cải là để cứu tế người nghèo khó, dùng nó để làm điều này. Nên họ được làm vua, hoặc làm thiên đế. Đây là địa vị cao nhất, quyền lực lớn nhất. “Thượng hoằng hạ hoá”. Họ có sứ mạng, có trách nhiệm hoằng dương thánh giáo. Nghĩa là giáo huấn của thánh nhân, tự mình tu hành và hoá độ người khác. Họ nhất định tuân thủ, nhất định thực hành, để làm gương tốt cho đại chúng trong xã hội. Chỉ có chính họ hành trì, dẫn đầu thực hành, nhân dân mới nghe, quần chúng mới nghe theo, chúng sanh mới mến phục. Theo họ học tập, y giáo phụng hành.

Hạ hoá như thế nào? Y giáo phụng hành chính là hạ hoá chúng sanh, có thể mãn cầu sở nguyện. Sở nguyện của Phật Bồ Tát chỉ có một câu: Nguyện cho tất cả chúng sanh lìa khổ được vui. Chính là một nguyện này. Chư Phật Bồ Tát muốn thực hành viên mãn hạnh nguyện này, cần phải dùng phương pháp nào? Dùng cách dạy học. Phương pháp dạy học có thể giúp chúng sanh khai ngộ. Nỗi khổ của chúng sanh từ đâu mà có? Do mê mà có. Mê mà không ngộ, đây là căn nguyên của tất cả khổ. Đức Phật thấy chúng sanh mê thất tự tánh. Trong kinh thường có cảm thán rằng: là người đáng thương. Điều này là thật.

Nguyên nhân chúng sanh được niềm vui là khai ngộ. Sau khi giác ngộ tư tưởng thuần chánh, ngôn hành như pháp, quả báo thù thắng. Như vậy chính là đạt được niềm vui. Mê thất tự tánh là tà mê tà kiến. Vọng ngữ tà hạnh chiêu cảm được quả báo là đau khổ. Đức Phật giúp tất cả chúng sanh bắt đầu từ căn bản. Chúng ta biết, chúng ta hiểu rỏ, thì sẽ biết phải làm thế nào. Khi Đức Phật còn tại thế ngài dùng phương pháp là thân hành và ngôn giáo. Đức Phật đã diệt độ, lưu lại kinh điển và chúng ta dùng kinh điển này để giáo hoá chúng sanh. Giáo hoá bằng cách nào? Cần Bồ Tát đến giáo hoá, không phải Bồ Tát thì không được. Bồ Tát y theo kinh giáo, học thân hành, ngôn giáo của Phật. Như vậy mới viên mãn được hạnh nguyện của Phật, mới thật sự là báo Phật thâm ân.

Ai là Bồ Tát? Đệ tử Phật là Bồ Tát. Đệ tử Phật trì giới chính là thân hành. Trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định là thân hành. Ngôn giáo là bố thí. Tài thí, pháp thí, vô uý thí. Đây chính là trên hoằng dương chánh pháp, dưới hoá độ chúng sanh, viên mãn sở nguyện chư Phật.

Cánh dĩ thiện căn lực cố, đại nguyện lực cố, thường đắc trực Phật”. Trực là gặp được, có duyên gặp được Phật. Phật ở đâu? Phật ở mọi lúc mọi nơi. Vậy tại sao chúng ta không nhìn thấy? Chúng ta không có thiện căn, không có nguyện lực. Nếu có đại thiện căn, đại nguyện lực sẽ nhìn thấy. Gặp được Phật mới có thể thân cận Phật, còn không gặp Phật thì làm sao thân cận được?

Người mới học Phật thiện căn, nguyện lực chưa đủ, biện pháp duy nhất chính là hành trì theo kinh giáo. Trong kinh đại thừa Đức Phật dạy: “nơi nào có kinh điển là nơi đó có Phật”. Chúng ta mở quyển kinh là đối diện với Chư Phật Như Lai, như vậy chúng ta xem sẽ hiểu kinh. Mở quyển kinh ra mà không có cảm ứng với Phật, thì dù đọc tụng nhiều lần cũng không nhìn thấy Phật. Không thấu triệt nghĩa chân thật của Như Lai thì không thể nhìn thấy ngài. Ấn Quang đại sư thường nói: ‘một phần cung kinh được một phần lợi ích, mười phần cung kính được mười phần lợi ích”. Nếu không có tâm thành kính, dù có mở kinh quyển cũng không nhìn thấy Phật. Nếu có mười phần chân thành thì kinh vừa mở ra là Đức Phật liền hiện tiện. Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật. Niệm đến khi thâm nhập vào trong tâm chân thành, phải được như vậy. Tâm chân thành chính là Phật. Tâm chân thành của chúng ta với tâm chân thành của Như Lai là tâm và tâm tương ứng, hợp lại thành một, như vậy mới thật thấy Phật.

Ư chư Phật sở tôn trọng cúng dường, vị tằng gián đoạn”. Thế gian tu phước báo không gì vượt qua được cúng dường Phật. Trong kinh giáo đại thừa thường ví dụ là dùng thất bảo trong đại thiên thế giới để cúng dường cũng không sánh bằng pháp cúng dường. Như thế nào gọi là pháp cúng dường? Y giáo phụng hành gọi là pháp cũng dường. Trong kinh Phật dạy như thế nào thì chúng ta nên hành trì đúng như vậy. Hết lòng tin tưởng, thật sự nghe hiểu và chuyên tâm hành trì, đây chính là cúng dường Phật.

Cúng dường Phật có cần hương hoa vật phẩm chăng? Không cần thiết. Thường cho rằng chúng ta cúng dường hương hoa vật phẩm, Đức Phật sẽ rất hoan hỷ, như vậy là sai. Cúng dường thức ăn, Đức Phật có dùng không? Không có. Chư vị nên biết, những thứ này là tượng trưng lòng cung kính của chúng ta đối với Phật. Phật như thế nào? Như như bất động. Đức Phật thích chúng ta làm điều gì? Thích chúng ta hành trì theo giáo huấn. Chúng ta thật sự tu thiện căn không tham, không sân, không si. Thật sự đang tu lục Ba la mật, Đức Phật thích điều này. Vì sao? Quý vị nổ lực như vậy chính là ngày ngày đang thân cận Phật. Nếu chỉ cúng dường những thứ trên hình thức này, còn trong tâm vẫn tham sân si mạn. Vẫn là tự tư tự lợi, vẫn so đo tính toán thị phi nhân ngã. Như vậy trên thực tế, cự li giữa chúng ta và Phật ngày càng xa. Đức Phật đối với chúng ta cũng không còn cách nào khác, ta đã đi hướng ngược lại với Phật. Thuận theo giáo huấn của Phật tức là chúng ta và Phật đi cùng một hướng.

Ngày nay đơn giản nhất, thù thắng nhất. Pháp môn vi diệu không gì qua niệm Phật. Điều này tôi đã nói rất nhiều, trong tâm chúng ta chỉ có đức Phật của mình. Ngoài đức Phật của mình ra còn tất cả đều buông bỏ hết. Thử hỏi nếu đức Phật ở ngay trước mắt chúng ta và bây giờ tiếp dẫn chúng ta về thế giới Cực Lạc. Khi đó chúng ta có ý niệm gì? Nếu nghĩ rằng tôi còn người thân, tôi muốn gặp họ. Tôi còn tài sản chưa giao phó rỏ ràng. Như vậy Đức Phật sẽ đi và không quan tâm chúng ta nữa. Quý vị cứ làm những việc đó đi. Những thứ đó là gì? Là việc trong luân hồi lục đạo.

Bây giờ Phật đến tiếp dẫn, chúng ta nên vui vẻ đi theo ngài. Còn những việc thế gian không liên quan đến mình. Không có việc gì cả, việc gì cũng không có. Dứt khoát nhanh nhẹn, như vậy Phật sẽ dẫn ta đi ngay. Tôi khuyên quý vị đồng học, hàng ngày đều quán như vậy và từng giờ đều quán như vậy. Trong kinh Đức Phật dạy: mạng người vô thường chỉ trong hơi thở. Thở ra không hít vào thì mạng này đã kết thúc. Đừng tưởng rằng còn nhiều ngày, còn nhiều năm, đó là vọng tưởng. Người thường quán tưởng như vậy là người có cảnh giác cao. Đó là trí huệ chân thật, lợi lạc chân thật. Có cảnh giác cao độ. Mổi niệm đều đầy đủ điều kiện vãng sanh. Thiện căn, phước đức, nhân duyên. Thật là đa thiện căn, đa phước đức. Phước đức là buông bỏ được, thiện căn là nhìn thấu suốt. Thật sự rỏ ràng minh bạch và thật sự buông bỏ.

Sở tác công đức, vô lượng vô biên thuyết bất năng tận”. Một câu Phật hiệu đầy đủ vô lượng vô biên công đức. Không có gì thù thắng hơn công đức đó. Công đức này không bao giờ cùng tận. Chư Phật Như Lai cũng không nói hết, huống gì phàm phu. Đoạn dưới là nói về hạ hoá chúng sanh, lợi lạc hữu tình. Chúng ta đọc qua kinh văn một lần.

Thân khẩu thường xuất vô lượng diệu hương, do như chiên đàn, ưu bát la hoa, kỳ hương phổ huân, vô lượng thế giới. Tuỳ sở sanh xứ, sắc tướng đoan nghiêm. Tam thập nhị tướng, bát thập chủng hảo, tất giai cụ túc. Thủ trung thường xuất vô tận chi bảo, trang nghiêm chi cụ, nhất thiết sở tu, tối thượng chi vật, lợi lạc hữu tình”.

Trong đoạn văn này có ba đoạn nhỏ. Đoạn nhỏ thứ nhất là diệu hương vô lượng”. Đoạn nhỏ thứ hai là “tuỳ loại hiện thân”. Đoạn nhỏ thứ ba là“tối thượng chi vật lợi lạc hữu tình”. Chúng ta xem chú giải của Hoàng Niệm Tổ. “Đại sĩ quảng tu bất khả tư nghì, Phổ Hiền đại sĩ chi đức. Cố kỳ thắng cảm diệc bất khả tư nghì”. Thắng cảm tức là cảm ứng thù thắng. Câu này chúng ta cần phải ghi nhớ, cần phải học tập.

Chúng ta sống trong thế giới khổ nạn này. Thế pháp hay Phật pháp đều phải biết cầu cảm ứng. Không có cảm ứng thì bất cứ việc gì cũng không thể thành tựu.

Ngày xưa, lúc tôi khoảng hơn 20 tuổi, theo thầy Lý học kinh giáo. Tôi học không nhiều, nhưng so với các bạn đồng học thì tri thức của tôi phong phú hơn họ. Những điều thầy nói và đưa ra ví dụ rất nhiều, tôi đều có thể hiểu. Thầy nói với tôi, hoằng pháp lợi sanh cần phải đầy đủ các pháp thế xuất thế gian. Vì sao? Không hiểu pháp xuất thế gian là không khế lý. Không hiểu pháp thế gian là không khế cơ. Như vậy làm sao hoằng pháp lợi sanh được? Nếu chúng ta hiểu Phật pháp mà không hiểu pháp thế gian, thì những điều ta nói là khế lý mà không khế cơ. Nếu hiểu thế gian pháp mà không hiểu Phật pháp, như vậy là khế cơ không khế lý. Đều không thể hoằng pháp lợi sanh.

Hai việc này, như pháp xuất thế gian trong bộ đại tạng kinh ta thông được chăng? Pháp thế gian, không nói gì khác, chỉ nói đến bộ sách lớn nhất Trung quốc như Tứ Khố Toàn Thư, trong đời này ta có thể đọc hết chăng? Có thể thông chăng? Trong giảng đường của chúng ta cũng có một bộ 1500 cuốn sách. Số lượng sách lớn như vậy, 1500 cuốn, không cách nào thông hết được. Như vậy phải làm sao? Thầy nói toàn bộ là dựa vào cảm ứng. Chúng ta cầu cảm ứng, nghĩa là cầu Phật Bồ Tát gia trì. Dùng điều gì để cầu? Dùng tâm chân thành. Dùng tâm chân thành để cảm động chư Phật Bồ Tát, chư Phật Bồ Tát sẽ có ứng. Cầu trí huệ của chư Phật Bồ Tát gia hộ cho chúng ta, chúng ta mới có thể đem bộ kinh này giảng một cách khế lý khế cơ. Tất cả đều dựa vào cảm ứng.

Chân thành đến mức độ nào? Đến tột cùng. Gọi là chí thành cảm thông. Chí thành chính là chân thành đến cùng tột. Chân thành này là phải thật hành trì. Hành trì bằng cách nào? Phương pháp rất nhiều, có 8400 pháp môn. Tịnh độ tông rất vi diệu. Vì sao? Bởi nó đơn giản dễ dàng. Chỉ cần chí thành, chân thật niệm một câu A Di Đà Phật thì cảm ứng sẽ hiện tiền, cảm ứng không thể nghĩ bàn. Chỉ cần khởi cảm ứng với đức Phật, mặc dù suốt đời chưa từng nghe qua kinh giáo, chưa từng xem kinh. Bây giờ có người mời giảng giải bộ kinh này, chắc chắn quý vị sẽ giảng tốt hơn tôi. Vì sao? Quý vị được đức Phật gia trì. Những điều quý vị nói chính là đức Phật nói, ngài gia trì chúng ta. “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” là vậy. Nhưng điều này quý vị không chịu tin tưởng, nhất định có hoài nghi nên không thể thành công. Nếu thật tin tưởng, không có hoài nghi và thật sự hành trì, đến lúc đó nó sẽ thông suốt.

Thông thường người có thiện căn. Có thiện căn là sao? Đối với các pháp trong thế xuất thế gian không tham, không sân, không si. Ba thiện căn này, thêm tinh tấn vào. Tinh tấn là thiện căn của Bồ Tát. Quý vị xem, đối với pháp trong thế xuất thế gian không tham, không sân, không si. Thâm nhập một pháp môn và huân tu lâu dài, tinh tấn không giải đãi. Đầy đủ điều kiện này, ít nhất năm ba năm thì cảm ứng sẽ hiện tiền và sẽ thông đạt. Nhiều thì tám, mười năm. Có chổ nào khó chăng? Không có chổ nào khó cả. Tất cả đều ở chỗ chân thành cảm thông, chế tâm nhất xứ. Đức Phật nói không có gì không làm được.

“Chế tâm nhất xứ”, ý nghĩa tương đồng với Bồ Tát Đại Thế Chí nói “đô nhiếp lục căn. Vì sao? Vì lục căn rong ruổi bên ngoài. Chúng ta thu trở về chính là chế tâm một chổ. Thật ra mỗi căn đều rong ruổi khắp nơi, nên nó rất tán loạn, không có chút sức mạnh nào. Cách một trang giấy là nhãn căn đã không nhìn thấy. Quý vị nói có đáng thương không? Vì nó bị tán loạn. Nếu có thể chế tâm một chổ, đừng nói là cách một trang giấy mà cách một toà núi lớn. Núi bên kia có những gì ta đều nhìn thấy rất rỏ. Trong kinh giáo đại thừa nói tác dụng của lục căn, chẳng có gì không phải biến pháp giới hư không giới, nó không có chướng ngại.

Mắt có thể thấy hư không pháp giới, có thể thấy vi trần, có thể nhìn thấy thế giới trong vi trần. Điều này chúng ta đã học trong kinh. Phổ Hiền Bồ Tát có thể nhìn thế giới trong vi trần. Trong thế giới vi trần còn có vi trần. Trong vi trần đó còn có thế giới trùng trùng vô tận, Bồ Tát Phổ Hiền thấy rất rõ ràng. Chẳng những thấy rõ ràng mà ngài còn vào trong đó. Ngài vào trong pháp giới vi trần để cúng Phật nghe pháp, không rời vi trần. Biến pháp giới hư không giới là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Nên chúng ta nhìn thấy những pháp thân đại sĩ này. Đại sĩ quảng tu ở đây chính là nói Pháp Tạng Tỳ kheo. Ngài tượng trưng cho tất cả pháp thân Bồ Tát. Các ngài rộng tu tánh đức không thể nghĩ bàn của Bồ Tát Phổ Hiền. Chúng ta nhìn thấy rất ngưỡng mộ.

Đức của Phổ Hiền đại sĩ chúng ta tu được chăng? Được. Chúng ta nên tu ba gốc tham sân si cho thật tốt. Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp phải thực hành trong cuộc sống, thực hành nơi đối nhân tiếp vật. Tiến thêm một bước nữa là tinh cần tu giới định huệ, tức diệt tham sân si thì thiện căn phước đức sẽ hiện tiền. Có thiện căn phước đức này để tu lục độ ba la mật của Bồ Tát, Phổ Hiền đại sĩ thập đại nguyện vương, nhất tâm phụng hành niệm niệm không thoái chuyển chính là quảng tu.

Thập đại nguyện vương là cảnh giới của Chư Phật Như Lai. Chư Phật Như Lai đối với tất cả chúng sanh như thế nào? Điều thứ nhất trong Phổ Hiền đại nguyện là lễ kính. Tất cả chúng sanh không chỉ là người là trời, bao gồm tất cả hữu tình trong lục đạo. Còn bao gồm luôn cả cây cỏ hoa lá, sơn hà đại địa. Bao gồm hư không pháp giới. Mỗi ngày chúng ta lễ Phật, những lễ cuối cùng là lễ mười phương quốc độ vi trần pháp giới, hữu tình và vô tình đều viên thành chủng trí. Một cây hoa một cọng cỏ, một hạt bụi một sợi lông đều là Như Lai, đều là chư Phật, đều là đối tượng chân thành lễ kính. Nên nó được gọi là thắng cảm.

Công đức rất thù thắng. Công đức này có thể cảm, nên quả đức không thể nghĩ bàn. Những điều dưới đây nói chính là quả đức của thập đại nguyện vương.

Thủ vân, thân khẩu thường xuất vô lượng diệu hương”. Đây là thân hành và ngôn giáo của đại thánh đại triết. Ở nơi thân và khẩu thoảng ra vô lượng hương thơm vi diệu. Mùi hương xông khắp mọi người. Xông khắp tất cả chúng sanh, xông khắp hư không đại địa. Nơi thân và khẩu thường thoảng ra vô lượng hương thơm vi diệu. Tôi đổi một chữ, nơi thân khẩu thường phóng ra vô lượng ánh sáng vi diệu. Ánh sáng là biến pháp giới hư không giới, hương thơm vi diệu là xông khắp hư không pháp giới.

Thân khẩu ý của Bồ Tát tương ưng với tánh đức. Thân là hành vi của Phật, khẩu là lời nói của Phật, ý là tâm của Phật. Thân khẩu ý đều tương ưng với chư Phật Như Lai, đều tương ưng với mười phương chư Phật. Đây là quả chiêu cảm được. Chúng ta tu như thế nào chẳng phải đã rỏ rồi sao? Tâm của Phật A Di Đà là gì? Bốn mươi tám nguyện. Khẩu của Phật A Di Đà chính là ngôn ngữ của ngài, là Kinh Vô Lượng Thọ, là pháp bảo đại thừa. Tâm của Vô Lượng Thọ Phật, ý chính là tâm. Trong kinh có câu, tất cả đều thành Phật. Đây là tâm Phật A Di Đà, ngài nguyện tất cả chúng sanh đều thành Phật. Nếu chúng ta đầy đủ thiện căn thiện hành như vậy là tương ưng với Phật. Như vậy hương thơm vi diệu và trí huệ quang minh đều hiện tiền.

Bên dưới giải thích ví dụ trong kinh. Chiên đàn là một loại gổ thơm của Ấn Độ, ở nước ta không có, được dịch là niềm vui. Chiên đàn, thông thường chúng ta gọi là đàn hương. “Cứ huệ uyển âm nghĩa thử mộc hữu xích bạch nhị chủng”. Nó có hai màu là đỏ và trắng. Chiên đàn trắng có thể trị bệnh nhiệt, chiên đàn đỏ có thể trừ trúng gió và phù thũng, nên gọi là niềm vui. Nó có thể giúp ta lìa khổ được vui. Nó có thể trị bệnh. Ấn độ có loại hương này nhưng Trung quốc không có. Ngày xưa cũng có thể là các pháp sư đem chiên đàn này đến Trung Quốc, làm lễ vật dâng lên hoàng đế. Tặng lễ vật cho hoàng đế, ít nhất cũng phải nặng một cân, ít hơn một cân người ta không nhận. Đại khái họ đem đến không nhiều.

Người Trung Quốc cũng không biết thứ này của họ rất quý, nên họ đốt lên một viên. Chắc không lớn, một viên chắc lớn bằng hạt đậu nành. Chắc lớn gần bằng hạt đậu phụng, họ đốt một viên. Hương thơm của nó bay xa đến 40 dặm, cả một thành thị đều có thể ngửi thấy mùi hương của nó. Như vậy nên hoàng thượng mới thích và tiếp nhận, rất hy hữu.

Đàn hương của Trung quốc cũng nổi tiếng. Khi bán là tính theo lạng. Chúng ta dùng nó để cúng Phật, nhưng không phải là chiên đàn trong kinh nói. Đàn hương cũng có thể làm thuốc, trong thuốc bắc có dùng đàn hương, dùng làm dược liệu. Ưu bát la là tiếng phạn, dịch thành chữ Hán hoa sen xanh, hoa sen đỏ. Mùi hương này mùi hương rất nồng nàn. Đây là ví dụ trong kinh.

Diệu hương, do như chiên đàn, ưu bát la hoa. Kỳ hương phổ huân vô lượng thế giới. Huệ Uyển Âm Nghĩa viết, ưu bát la, hoa hiệu dã”.

Tên của loài hoa, tên một loại hoa của thời Ấn Độ cổ. Lá của nó nhỏ mà dài, ở dưới tròn lên trên là nhọn dần. Giống như mắt của Phật, trong kinh thường hay ví dụ. Mắt của Phật giống như hoa ưu bát la. Chúng ta thường gọi là hoa sen xanh, loài hoa này chúng ta chưa nhìn thấy. Chúng ta chỉ nghe nói mắt của Phật giống như hoa sen xanh. Nghĩ đến hoa sen, con mắt mà lớn như vậy thì rất khó coi. Mắt như vậy chắc không phải 32 tướng. Thì ra chúng ta không biết, hoa sen xanh của Ấn Độ, hoa ưu bát la. Cánh hoa nhỏ mà dài, giống như hoa cúc của chúng ta vậy. Lá hoa cúc rất nhỏ rất dài. Hoa sen cũng như vậy, nhưng ở Trung quốc cũng không có. Nên trong kinh điển thường dùng hoa sen xanh để hình dung mắt của Phật.

Đại sĩ thân khẩu thường xuất diệu hương, nãi thị giới đức chi sở cảm”. Đây là tu đức, không phải là tánh đức. Đại sĩ ở đây là vì chúng ta thị hiện. Thân thể con người đều có mùi hương toát ra. Chẳng những có mùi hương toát ra mà còn có từ trường. Từ trường trong Phật pháp gọi là ánh sáng. Trong khí công gọi là khí. Điều này có thật, người luyện khí công có thể nhìn thấy. Nhìn thấy ánh sáng nơi thân chúng ta, màu sắc lớn nhỏ không giống nhau. Từ màu sắc và lớn nhỏ có thể nhìn thấy công phu của người đó.

Thông thường người có tâm địa thiện lương, có từ bi, có trí huệ thì từ trường này rất thù thắng. Tâm hành bất chánh cũng có khí toát ra, nhưng màu sắc khí này không tốt. Là màu mun, màu tối. Còn nếu tốt, tốt nhất là màu kim, màu vàng, màu trắng. Màu hồng cũng coi là không tệ. Có thể nhìn thấy tình trạng thân thể của một người. Người nước ngoài gọi là từ trường. Ở đây thân và khẩu của Bồ Tát thường thoảng ra mùi thơm vi diệu là do giới đức chiêu cảm nên. Đời đời kiếp kiếp trì giới không thiếu sót, nên chiêu cảm được ánh sáng và hương thơm từ nơi thân khẩu, là hương thơm và ánh sáng trang nghiêm.

Trong Kinh Phật Quán, quyển thứ ba nói “thường dĩ giới hương, vi thân anh lạc”. Đệ tử Phật lấy gì để trang nghiêm tự thân? Lấy giới. Trì giới, tu định thân thể sẽ có hương thơm. Hương này người thường không dể tiếp xúc, không dễ ngửi được. Người có công phu một chút có thể nhìn thấy ánh sáng của ta. Chúng ta xem truyện ký của Phật Sống Kim Sơn. Tuy từng đoạn không hoàn chỉnh, do pháp sư Lạc Quán viết. Tôi cũng rất có duyên với pháp sư Lạc Quán. Có lần tôi ở Đài Bắc giảng Kinh Di Đà Sớ Sao. Lúc đó rất khó khăn, không có kinh sách. Pháp sư Lạc Quán biết nên hỏi tôi có kinh không? Tôi nói không có. Thính chúng cũng không có kinh. Lúc đó pháp sư in 1000 cuốn để kết duyên với mọi người, tặng tôi 100 cuốn.

Pháp sư Lạc Quán từng sống chung với Phật Sống Kim Sơn bốn tháng, thời gian cũng tương đối dài. Đối với sự hành trì của Phật Sống, pháp sư cảm thấy thật không thể nghĩ bàn. Phật Sống ăn mặc rất đơn giản và cũng rất nhếch nhác, vì áo quần của ngài chưa từng giặt. Ở trong một bộ đồ ngắn, bên ngoài cái áo dài, ngoài ra ngài không có gì cả. Xuân hạ thu đông đều mặc như vậy. Mùa đông ngài cũng không lạnh, mùa hè cũng không nóng. Ngài chưa bao giờ từng tắm, cũng chưa bao giờ gặt áo quần, chưa thay áo quần. Nhưng áo quần của ngài thật sự có mùi hương của hoa sen xanh. Kỳ lạ, có người khi thân thể bệnh hoạn, đến ngửi áo quần của ngài thì bệnh liền khỏi. Thật không thể nghĩ bàn, mùi hương cũng có thể trị bệnh. Hương chiên đàn, hương hoa sen. Mùi hương hai loài hoa này như nhau. Nhưng nó không phải từ trong chiên đàn, không phải từ trên hoa sen bay ra. Nó bay ra từ thân thể. Đây là giới đức, là do trì giới chân chánh mà chiêu cảm ra như vậy.

Người thế gian lấy châu báu làm anh lạc. Nên nói châu quang bảo khí để trang nghiêm thân. Đệ tử Phật dùng giới định huệ trang nghiêm thân. Có giới, có định, có trí huệ.

Hựu Giới Hương Kinh viết, thế gian sở hữu chi hoa quả, nãi chí trầm đàn long xạ hương. Như thị đẳng hương phi biến văn, duy văn giới hương biến nhất xứ”.

Hoa thơm quả lạ ở trên thế gian này cho đến trầm thuỷ hương, đàn hương, long xạ hương. Những mùi hương của thế gian này đều không thể bay khắp mọi nơi. Nói cách khác, mùi hương của nó bay đi không xa. Khi đến gần mới ngửi thấy, đi xa không còn ngửi thấy nữa. Chỉ có hương thơm của người trì giới có thể biến khắp mọi nơi. Hương thơm và hào quang của Chư Phật Như Lai và pháp thân đại sĩ biến khắp pháp giới.

Bổn kinh viết, kỳ hương phổ huân vô lượng thế giới”. Có bao gồm thế giới chúng ta chăng? Họ không nói thế giới Ta bà là ngoại lệ. Không nói, không nói tức là khẳng định bao gồm cả thế giới chúng ta trong đó. Nhưng vì sao con người ở thế giới chúng ta không ngửi được? Đức Phật nói, không phải hương thơm và hào quang không biến khắp mười phương, mà do chướng ngại của chính chúng ta. Cái gì làm chướng ngại? Phiền não làm chướng ngại. Vô minh phiền não, trần sa phiền não, kiến tư phiền não. Vì những thứ này mà ta không ngửi được, cũng không thấy được. Ba loại phiền não lớn này, chỉ cần đoạn tận kiến tư phiền não sẽ nhìn thấy hào quang và ngửi được hương thơm. Người này là ai? Tiểu thừa tứ quả và đại thừa thập tín Bồ Tát.

Sơ quả và sơ tín vị của đại thừa, họ chỉ đoạn được 88 phẩm kiến hoặc trong tam giới, còn tư hoặc chưa đoạn. Như vậy họ đã ngửi và thấy được mùi hương và hào quang. Điều này không phải giả. Quý vị nói, phổ biến nhưng tại sao chúng ta không ngửi được? Một phẩm kiến tư phiền não chúng ta cũng chưa đoạn, nên nó làm chướng ngại. Chư Phật Bồ Tát lấy hương thơm và hào quang làm Phật sự. Hào quang giúp ta khai trí huệ, hương thơm giúp ta đoạn phiền não. Như vậy chúng ta có thể lãnh hội được thế giới Cực Lạc vô cùng thù thắng trang nghiêm. Mỗi câu kinh văn là vô lượng ý nghĩa, nhưng chỉ có một mục tiêu là khuyên chúng ta tín nhạo. Chúng ta tin tưởng và sanh tâm hoan hỷ, phát nguyện cầu sanh tịnh độ. Vãng sanh đến thế giới Cực Lạc thì những điều này ta đạt được hết.

Sanh đến thế giới Cực Lạc, cõi phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, đều là A Duy Việt Trí Bồ Tát. A Duy Việt Trí Bồ Tát hương thơm và hào quang trên thân đều chu biến pháp giới. Thế giới này có gì đáng để lưu luyến. Thân tình không buông bỏ được, đó là do ngu si, do ta không có trí huệ. Dù có thân nhưng có thể vĩnh viễn không xa rời chăng? Không thể! Lục đạo lưu chuyển thì không biết ai đi đường nào. Nếu ta thật sự có thân tình, nhưng có trí huệ thì nên nhanh đến thế giới Cực Lạc, sau đó độ họ cùng về thế giới Cục Lạc và cùng nhau ở đó học tập. Tương lai có thể cùng nhau đi hoằng hoá khắp mười phương. Một vị Phật xuất thế là ngàn vị Phật ủng hộ, đây mới gọi là trí huệ chân thật.

Tất cả những thứ trên thế gian này đều là giả, không có gì là thật nên không thể lưu luyến. Có một chút tâm lưu luyến chính là mê hoặc điên đảo, nên xem thế gian này chẳng khác nào một giấc mộng. Nó chỉ là cảnh giới trong mộng. Nếu có thể nhìn được như vậy, gọi là nhìn thấu suốt sẽ giúp ta buông bỏ. Thật như một giấc mộng! Sau khi nhìn thấu suốt không còn nhiễm một chút trần thì sẽ buông xã một cách sạch sẽ. Như vậy là tương ưng với đạo. Đạo là tự tánh, đạo là Cực Lạc, đạo là Phật.

Sau cùng kết luận “cố tri kỳ hương ưng thị giới hương dã”. Pháp Tạng Bồ Tát hương xông vô lượng thế giới, là hương thơm của người trì giới chứ không có gì khác. Trì giới nhất định bắt đầu từ Đệ Tử Quy. Đệ Tử Quy là nền tảng giới luật, là cơ sở. Không từ chổ này cắm rể thì không thể thành tựu. Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập thiện Nghiệp là gốc rể. Sau đó đến Tam quy ngũ giới, Sa Di thập giới và Oai nghi tự nhiên mà thành tựu không có chút khó khăn nào. Bây giờ cảm thấy giới sao mà khó trì như vậy không cách nào làm được, là do tập khí phiền não quá nặng. Lại không chịu bắt đầu từ căn bản, như vậy thì đời này không có hy vọng gì.

Quý vị nên nhớ, không có giới là không có thiện căn. Không có tứ nhiếp pháp và lục độ tức là không có phước báo. Phước báo của Bồ Tát là tứ nhiếp pháp và lục độ. Thiện căn của Bồ Tát là giới định huệ.

Bên dưới nói “tuỳ sở sanh xứ, sắc tướng đoan nghiêm. Đoan giả, đoan chánh. Nguỵ Dịch ngôn, dung sắc đoan chánh. Nghiêm giả, trang nghiêm. Tam thập nhị tướng tựu Phật trượng lục hoá thân nhi ngôn, tắc hữu tam thập nhị tướng”. Tam thập nhị tướng là chỉ thân tướng của Đức Thế Tôn khi còn tại thế. Đây là thân ứng hoá. “Nhược tựu báo thân, tắc hữu bát vạn tứ thiên tướng”. Là nói về tướng. Trong kinh giáo đại thừa tán thán báo thân Phật. Thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng đẹp, không chỉ tám vạn bốn ngàn. Nói như vậy có gì mâu thuẫn chăng? Không có? Vì sao không có? Bởi tám vạn bốn ngàn là tướng lớn, trong mỗi tướng đó có rất nhiều tướng hảo. Nên vô lượng tướng là từ trong tám vạn bốn ngàn tướng mà ra. Vô lượng tướng quy nạp lại là tám vạn bốn ngàn tướng. Triển khai tám vạn bốn ngàn tướng là vô lượng vô biên tướng tốt, nên nó không có mâu thuẫn.

Giống như thập thiện nghiệp vậy. Thập thiện nghiệp có mười điều. Bồ Tát triển khai thập thiện nghiệp thành tám vạn bốn ngàn tế hạnh. Tám vạn bốn ngàn tế hạnh quy nạp lại chính là thập thiện nghiệp đạo. Tiểu thừa triển khai ra thành ba ngàn oai nghi, triển khai thành ba ngàn điều. Bồ Tát triển khai thành tám vạn bốn ngàn điều. Quí vị có thể tra được trong từ điển Phật học, trong Pháp Số cũng có. Nên khai và hợp không giống nhau.

Bát thập chủng hảo, chỉ bát thập tuỳ hình hảo, thử diệc tựu trượng lục chi thân nhi ngôn”.

Tám mươi tướng hảo và 32 tướng này đều là chỉ tướng tốt của Đức Thế Tôn. 3000 năm trước ngài ứng hoá thân tướng ở thế gian này. “Quán Kinh viết vô lượng Phật có bát vạn tứ thiên tướng. Nhất nhất tướng các hữu bát vạn tứ thiên tuỳ hình hảo”. Trong Quán Kinh tán thán tướng hảo của đức Phật. “Hựu Pháp Giới Thứ Đệ hạ quyển vân, tướng hảo nãi đồng thị sắc pháp”. Ngày nay chúng ta gọi là hiện tượng vật chất. “Giai vi trang nghiêm hiển phát Phật thân. Đản tướng thị tổng, hảo thị biệt”. Nói về tướng là từ tổng tướng mà nhìn, nói về hảo_tốt thì từ biệt tướng mà nhìn. Tướng nếu không tốt thì không viên mãn.

Chúng ta xem bên dưới “Long Vương thích phạm diệc hữu tướng, dĩ vô hảo cố”. Long Vương và Đế Thích Phạm Vương họ có tướng nhưng không tốt. Có tướng nhưng không vi diệu. Tướng là do tu phước mà chiêu cảm được. Hảo đương nhiên cũng không ngoại lệ. Hảo là tế tướng. Công đức thù thắng không gì sánh được mới cảm được tướng hảo. Đại Trí Độ Luận nói: “tướng thô nhi hảo tế, chúng sanh kiến Phật tắc kiến tướng, hảo tắc nan kiến cố. Hựu tướng giả dư nhân cộng đắc, hảo giả hoặc cộng hoặc bất cộng. Dĩ thị cố, tướng hảo biệt thuyết”. Tướng là Phật đạt được. Chuyển Luân Thánh Vương cũng đạt được, đại Phạm Thiên Vương cũng đạt được. Trời Đế Thích cũng có, chính là Đao Lợi Thiên Vương. Nghĩa là người khác cũng có. Tuy có tướng nhưng không tốt. Tốt thì thật không dễ.

Hảo hoặc cộng hoặc bất cộng, dĩ thị cố tướng hảo hữu biệt”. Chúng ta thấy những vị thiên vương này. Chuyển Luân Thánh Vương là thấp nhất. Ông có tướng nhưng không tốt. Đao Lợi Thiên Vương phước báo lớn hơn Chuyển Luân Vương, đây là Thiên Vương. Đại Phạm Thiên Vương cao hơn nữa. Và cao hơn nữa là Ma Hê Thủ La Thiên vương. Chúng ta tin rằng càng lên cao thì càng tốt, càng rỏ ràng. Đầy đủ tướng hảo của Như Lai. Vì sao? Bởi họ tu giới định huệ viên mãn. Những vị Thiên Vương này tuy tu phước tu đức, nhưng so với Phật thì thua xa.

Ma Hê Thủ La Thiên Vương thống trị chỉ là một đại thiên thế giới mà thôi. Như Hoàng Niệm Lão nói, một hệ ngân hà. Họ làm vua của một hệ ngân hà. Hệ ngân hà mà nhìn địa cầu thì quá nhỏ, rất nhỏ bé. Là vua của hệ ngân hà. Nếu địa cầu được coi là một thành viên của hệ ngân hà, thì địa cầu này là một thôn nhỏ. Vua ở địa cầu này là Chuyển Luân Vương. Thống nhất toàn địa cầu đó là trưởng thôn. Vua của hệ ngân hà không phải chỉ là một trưởng thôn sao? Nên họ có 32 tướng nhưng không tốt. Từ đó chúng ta có thể lãnh hội được. Cho thấy “tướng nãi kỳ thô giả, cộng giả, hiển nhi dị kiến dã”. 32 tướng này hiện mà dể thấy. “Hảo nãi tế giả, bất cộng giả, vi diệu nan kiến giả. Pháp Tạng Bồ Tát nhân địa, ư tam thập nhị tướng bát thập chủng hảo, tất giai cụ túc, vô hữu khuyết thiểu”. Giống như Đức Thế Tôn 3000 năm trước thị hiện ở cõi nhân gian này. Đương thời ở Ấn Độ những người có duyên với Phật, người đã từng thấy Phật đều nhìn thấy. Pháp Tạng Bồ Tát khi còn ở nơi nhân địa, trước khi thành Phật, cũng giống như chư Phật ứng hoá ở thế gian này vậy. Tướng hảo là do tu mà có được, đến lúc nào tướng hảo này mới viên mãn hiện tiền? Kiến tánh sẽ hiện tiền. Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Kiến tánh thành Phật không phải là ứng hoá thân Phật, mà là báo thân Phật.

Như ở trước nói tám vạn bốn ngàn tướng là 64 ức 1600 vạn tuỳ hình hảo. Minh tâm kiến tánh sẽ đạt được. Đạt được nhưng vì sao ở thế gian này không phô diễn cho mọi người thấy? Phô diễn cho mọi người thấy, con người cần phải có phước báo. Nếu không có phước báo lớn như vậy thì không thể nhìn thấy được. Quý vị nói 64 ức 1600 vạn tuỳ hình hảo, mắt thường nhìn thấy chăng? Không nhìn thấy. Dùng kính hiển vi cũng chưa chắc có thể nhìn thấy. Điều này có nghĩa là đã phô bày trước mắt nhưng do ta không nhìn thấy, chính là ý này. Nên chư Phật Bồ Tát thị hiện ở nhân gian. Trong kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “tuỳ chúng sanh tâm ứng sở tri lượng”. Những gì Đức Phật hiện ra nhất định là tuỳ theo tâm của chúng sanh. Tuỳ theo phước báo của chúng sanh, nhân duyên của chúng sanh mà hiện tướng.

Từ đó cho thấy, Chư Phật Bồ Tát hiện tướng không phải theo ý mình. Chính mình không có khởi tâm động niệm, tự nhiên cảm ứng. Phước báo lớn thì nhìn thấy nhiều, phước báo ít thì nhìn thấy ít, không giống nhau. Đến Quan Âm Bồ Tát trong động Phạm Âm ở núi Phổ Đà hiện tướng mỗi người xem cũng không giống nhau. Có phải là Quan Âm Bồ Tát thích người này nên hiện tướng này cho họ thấy? Không phải. Bồ Tát Quan Âm không có khởi tâm động niệm. Mỗi người nhìn thấy tướng của ngài không giống nhau, hoàn toàn là do nhân duyên của mỗi người không giống nhau. Đây chính là nói về thiện căn phước đức nhân duyên không tương đồng.

Pháp sư Thánh Nhất khoảng năm 1980, vừa mới mở cửa, vẫn chưa mở cửa. trong mấy năm đó, ba vị pháp sư đi núi Phổ Đà. Ở trước cửa động Phạm Âm để lễ lạy Bồ Tát Quan Âm. Lạy hơn nửa tiếng thì Quan Âm Bồ Tát xuất hiện. Cả ba người đều nhìn thấy. Trên đường trở về, cả ba pháp sư hỏi nhau quý vị nhìn thấy như thế nào? Kết quả ba người đều nhìn thấy không giống nhau. Pháp sư Thánh Nhất nhìn thấy ngài đội mũ tỳ lô, giống như tướng của Địa Tạng Bồ Tát vậy. Toàn thân kim sắc, đội mũ tỳ lô. Một vị pháp sư khác nhìn thấy bạch y Quan Âm. Hiện thân người nữ, bạch y Quan Âm. Vị pháp sư thứ ba nhìn thấy ngại hiện thân tướng của vị tỳ kheo. Tướng của người xuất gia, là thân nam. Ba người nhìn thấy hình tướng không giống nhau, mỗi người nhìn thấy không giống nhau, không phải nhìn thấy ba người mà chỉ nhìn thấy một. Quý vị thấy đó cùng hiện một thân nhưng mỗi người thấy không giống nhau. Tuỳ theo tâm chúng sanh mà hiện ra. Lý và sự này chúng ta cần phải hiểu. Hai người chúng ta đồng thời cùng lễ Phật, nhưng mổi người đều thấy không giống nhau.

Đoạn dưới nói: “Thủ trung thường xuất vô tận chi bảo. Trang nghiêm chi cụ, nhất thiết sở tu, tối thượng chi vật, lợi lạc hữu tình”. Đoạn kinh “thủ xuất chư bảo” này. “Vô tận” không phải là một loại mà rất nhiều. Trong chú giải nói trong tay hiện ra nhiều bảo vật. “Như Duy Ma Kinh trung chi bảo thủ dữ diệu bích nhị Bồ Tát”. Trong Kinh Duy Ma Cật nói, thật ra bảo thủ và diệu bích, tất cả Như Lai đều đầy đủ. Tất cả pháp thân Bồ Tát cũng đầy đủ. “La Thập đại sư viết, bảo thủ giả. Thủ trung năng xuất vô lượng trân bảo dã. Hựu vân, dĩ bố thí cố. Thủ xuất vô tận bảo vật, như ngũ hà lưu, cố danh diệu bích”.

Trong đây có một câu chúng ta phải đặc biệt chú ý là “dĩ thí báo cố”. Thí là nhân, báo là quả. Bồ Tát ở nơi nhân địa tu bố thí ba la mật, nên được quả báo thù thắng trang nghiêm như vậy. Ở đây chúng ta có thể thấy công đức thù thắng của nhân quả báo ứng. Bồ Tát tu bố thí, mục đích là đoạn phiền não, đoạn tham sân si mạn nghi. Bố thí chính là xả bỏ, chính là buông bỏ. Mục đích là như vậy. Đức Phật dạy người thế gian mới học bố thí, học bố thí nếu không có quả báo họ sẽ không chịu làm. Nên Bồ Tát dạy họ đều là dùng lời chân thật, Đức Phật chắc chắn không vọng ngữ. Ngài dạy chúng ta tu bố thí sẽ được giàu có sung túc. Nhất định phải biết, tài chính là quả, có quả tất có nhân. Nhân là gì? Nhân là tu tài bố thí. Càng bố thí càng nhiều, càng nhiều thì càng phải bố thí, nhất định không nên tham tài. Bồ Tát tu tài bố thí là đem tài đó, ý niệm tham tài đó buông bỏ. Đối với tài vật không có một chút tham luyến nào, không có ý niệm tham này. Đây gọi là viên mãn bố thí ba la mật. Chỉ cần còn có tham tâm là vẫn chưa viên mãn. Điều này chúng ta cần phải nỗ lực học tập. Khi nào đoạn tận tham tâm thì tài thí được viên mãn.

Lúc nào đem pháp bố thí, pháp cũng tham. Người học Phật không tham tài nhưng tham pháp. Như vậy là sai, vì tham tâm vẫn chưa đoạn. Khi nào ý niệm về tham pháp cũng không còn thì pháp bố thí mới viên mãn.

Vô uý bố thí được mạnh khoẻ trường thọ. Còn ý niệm lam thuyến trường thọ thì chưa viên mãn, nhất định phải đoạn tận ý niệm muốn trường thọ mạnh khoẻ đó. Như thế thì ba loại bố thí đều viên mãn. Ba loại bố thí đã viên mãn thì trong tay tự nhiên thường hiện ra_thường là không có gián đoạn. Giống như biến pháp thuật vậy, muốn thứ gì đều có sẵn trong tay. Tự tại biết bao! Chúng sanh thiếu gì thì trong tay tự nhiên hiện ra những bảo vật đó để giúp đỡ họ. Họ muốn những thứ gì trong tay liền xuất hiện thứ đó. Vô tận vật bảo, như năm dòng nước. Năm dòng sông là của Ấn Độ. Dòng sông của Trung Quốc như Trường Giang, Hoàng Hà, Châu Giang. Đây là ba dòng sông lớn. Còn Ấn Độ có năm dòng sông lớn. Nước trên sông tự nhiên chảy ra biển cả, dùng để ví dụ trên tay hiện ra vô tận bảo tạng. Giống như nguồn nước trong dòng sông lớn không ngừng chảy vào biển cả. Lấy điều này làm ví dụ. Nên thủ bích này gọi là diệu bích. Thủ gọi là bảo thủ. Đây toàn là quả do tu nhân mà có, không tu nhân thì không được.

Bồ Tát ở nơi nhân địa, đời đời kiếp kiếp, đều tu nhân. Đến khi ngài chứng quả, thì quả báo này liền hiện tiền. Vô tận báu vật này từ đâu mà có? Chắc chắn phải có nguồn gốc. Tôi nghĩ các bạn đồng học đều biết, nó từ trong tự tánh hiện ra. Ngài Huệ Năng nói rất hay: “đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”. Vốn tự nó đã đầy đủ, đầy đủ vô lượng diệu bảo. Đến khi khởi tác dụng nó sẽ hiện tiền. Lấy không bao giờ hết, dùng không bao giờ tận. Điều này nếu dùng khoa học để giải thích cũng có thể nói được, mọi người càng dễ hiểu. Các nhà khoa học nói, vật chất từ đâu mà có? Từ năng lượng biến hiện ra. Nên vật chất và năng lượng có thể nương nhau mà chuyển biến.

Bom nguyên tử cũng từ nguyên lý này phát minh ra, đem vật chất giải phóng thành năng lượng. Họ dùng ánh sáng và nhiệt để hoá giải nó. Nếu có năng lượng, đem năng lượng chuyển biến thành vật chất. Như vậy không phải đã biến thành diệu bảo rồi sao? Năng lượng lấy không cùng mà dùng cũng vô tận, muốn điều gì sẽ biến thành cái đó. Muốn vàng ròng thì biến thành vàng ròng, muốn bạch ngân thì biến thành bạch ngân, muốn trân châu thì biến trân châu. Tuỳ ý muốn biến gì thì biến ra cái đó. Năng lượng và vật chất nương nhau mà chuyển biến. Pháp thân Bồ Tát làm được tất cả. Điều này trong vật lý có thể nói thông suốt, không phải không thông suốt. Đây là cảnh giới thật không thể nghĩ bàn.

Bên dưới nói: “Nghĩa Tịch pháp sư phán thư vi thập địa Bồ Tát chi hành, dĩ trí độ thành cố”. Trí huệ viên mãn cũng chính là lục độ ba la mật viên mãn. Thập ba la mật trong Kinh Hoa Nghiêm phối hợp với thập địa Bồ Tát, đến Pháp vân địa là viên mãn. Khi viên mãn đều có năng lực này. Từ đó cho thấy địa vị của Pháp Tạng Bồ Tát là trên thập địa, ít nhất là thập địa Bồ Tát.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta học đến đây thôi.


HẾT TẬP 305

tải về 110.77 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương