BÁo cáo về sự chỉ đạo điều hành của Bộ Nông nghiệp và ptnt 6 tháng đầu năm



tải về 79.4 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu19.08.2016
Kích79.4 Kb.
#24708

BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN


Số: 1789 /BC-BNN-VP



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2012



BÁO CÁO

Về sự chỉ đạo điều hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT 6 tháng đầu năm

và nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2012 1


(Theo công văn số 3287/VPCP-TH, ngày 12/5/2012 của VPCP)

Phần thứ nhất

KẾT QUẢ CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH 6 THÁNG ĐẦU NĂM

Năm 2012, sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức: Thời tiết diễn biến phức tạp, ngay đầu năm đã có bão đổ bộ vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; dịch bệnh tai xanh trên lợn, dịch bệnh thủy sản xảy ra nhiều nơi; giá cả hàng hóa và vật tư đầu vào cho sản xuất tăng; nguồn vốn hạn hẹp cộng với lãi suất tăng cao nên các doanh nghiệp gặp khó khăn duy trì sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thị trường xuất khẩu nông lâm sản trong quý I gặp khó khăn do giá giảm. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp các ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương tập trung đẩy mạnh sản xuất nên nhìn chung trong 6 tháng đầu năm toàn Ngành vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, một số lĩnh vực có bước tăng trưởng ổn định và cao (sản xuất lương thực, thủy sản, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản), tiếp tục thực hiện nghiêm túc tiết kiệm chi tiêu, điều chỉnh vốn đầu tư góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.



I. KIỂM ĐIỂM, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 169/QĐ-BNN-KH ngày 01/2/2012 về Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết.

Bộ quán triệt sâu rộng các cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ những nội dung Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời yêu cầu Thủ trưởng các Tổng cục, Cục/Vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh và TP trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Giám đốc công ty thuộc Bộ, theo chức năng và nhiệm vụ chủ động lập kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thực hiện. Các cơ quan tuyên truyền, báo chí của ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa tin kịp thời, đầy đủ để cán bộ, công chức trong ngành hiểu, nhận thức đúng nội dung và ý nghĩa của Nghị quyết. Nhờ vậy, hầu hết các đơn vị đều xây dựng kế hoạch hành động và tổ chức triển khai, đồng thời thực hiện chế độ báo cáo thường kỳ về Bộ

Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Sau khi Chính phủ có Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 07/3/2012 ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, Bộ đã có Quyết định 754/QĐ-BNN-KH ban hành chương trình hành động của Bộ. Ngày 29/5/2012, Bộ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 13/NĐ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường.



1. Chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ nông sản, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao

1.1. Chỉ đạo các địa phương, nhất là những vùng gặp nhiều khó khăn chủ động nắm chắc tình hình sản xuất và mùa vụ để đối phó kịp thời với diễn biến phức tạp của thời tiết; với dịch bệnh trên cây trồng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo sát sao về thời vụ, cơ cấu giống lúa, mở rộng diện tích lúa gieo thẳng ở miền Bắc nhằm giảm giá thành sản xuất; các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên bố trí cơ cấu giống, thời vụ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý; các tỉnh phía Nam tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu giống phù hợp; sử dụng giống xác nhận đạt 50-70% tuỳ địa phương.

Ước sản lượng vụ Đông xuân đạt 20,149 triệu tấn, tăng khoảng 500 ngàn tấn so với vụ Đông Xuân năm 2010-2011.

Đối với sản xuất rau màu: Các địa phương chỉ đạo nông dân gieo trồng các loại rau ngắn ngày để có rau cung cấp cho tiêu dùng, giảm tình trạng khan hiếm rau trên thị trường, đảm bảo cung cấp đủ rau cho tiêu dùng các đô thị lớn và các khu công nghiệp; đẩy mạnh áp dụng ViêtGAP trong sản xuất rau an toàn.

1.2. Tăng cường kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi phát triển

Bộ chỉ đạo quyết liệt phòng chống dịch bệnh, nhờ vậy dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng trên đàn vật nuôi từng bước được kiểm soát và khống chế. Về dịch tai xanh, dù được chỉ đạo sát sao, tuy nhiên vẫn còn xẩy ra ở một số địa phương phía Bắc.

Chỉ đạo ngành chăn nuôi tập trung nuôi giữ, phát triển đàn vật nuôi giống gốc, cung cấp con giống đảm bảo chất lượng cho chăn nuôi, xây dựng chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia trại và trang trại công nghiệp gắn với giết mổ tập trung, nâng cao năng lực, hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ mới trường.

Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 2,6 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, giá các loại thịt, trứng thương phẩm có giảm xuống so với đầu năm; giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong 6 tháng không ổn định. Tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi 5 tháng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 10,6% so cùng kỳ 2011.



1.3. Về Lâm nghiệp

- Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng:

Ngay từ đầu năm, Bộ đã tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy; chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống phá rừng trái phép, nhất là các vùng trọng điểm ở các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Nhờ vậy, tình trạng vi phạm giảm hơn cùng kỳ 2011, tuy nhiên tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp cả về tính chất, mức độ thiệt hại2.

Tình hình buôn bán vận chuyển gỗ, động vật hoang dã có nguồn gốc nước ngoài diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đã bắt giữ và đang xử lý một số vụ có khối lượng lớn tại Đăk Nông, Kon Tum, Đăk Lăk, Hà Nội.

Các địa phương đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 270/2010/CT-TTg ngày 12/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm phòng là chính, phát hiện sớm và tổ chức chữa cháy kịp thời theo phương án bốn tại chỗ. Do diễn biến bất thường của thời tiết, nên đã xảy ra 167 vụ cháy rừng (tăng 20 vụ so với cùng kỳ); diện tích rừng bị thiệt hại 697 ha (giảm 313 ha so với cùng kỳ). Đáng chú ý là 02 vụ cháy lớn ở VQG Hoàng Liên, Lào Cai và khu rừng phòng hộ Nam Hải Vân - Đà Nẵng, đã được các địa phương và các đơn vị liên quan chủ động phát hiện sớm, có phương án chữa cháy và huy động lực lượng phù hợp, kịp thời nên hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Tình hình chống người thi hành công vụ tiếp tục xảy ra gay gắt với 12 vụ nghiêm trọng, gây thương tích 14 người, tập trung chủ yếu ở Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Thuận, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắc Nông, Cà Mau và VQG Cát Tiên.

Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển rừng:

Bộ tích cực triển khai Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ, thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và cơ quan giúp việc cấp tỉnh.

Bộ đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện trồng rừng năm 2012. Tổng hợp đến ngày 24/5/2012, cả nước đã chuẩn bị 266.220 ngàn giống cây rừng, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2011; trồng trên 22.000 ha3. Về sử dụng rừng: đến tháng 5/2012, tổng sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 1.881.000m3; khai thác gỗ rừng tự nhiên ước đạt 110 nghìn m3.

Về triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ; ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định tiền chi trả DVMTR (Thông tư số 80/2011/TT-BNNPTNT ngày 23/11/2011); Thông tư hướng dẫn trình tự thủ tục nghiệm thu thanh toán tiền chi trả DVMTR (Thông tư số 20/2012/TT-BNNPTNT ngày 07/05/2012). Đến nay, đã có 25 tỉnh chủ yếu thuộc vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đã phê duyệt đề án, kế hoạch triển khai chính sách chi trả DVMTR; 15 tỉnh đã lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và đi vào hoạt động



1.4. Chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động khai thác thuỷ sản:

Về nuôi trồng: Bộ chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, trong đó chú ý hướng dẫn đảm bảo đúng thời vụ, với cơ cấu phù hợp từng vùng miền, đẩy mạnh nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; trong 6 tháng đã thành lập Ban chỉ đạo và quyết liệt tập trung các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế để nghiên cứu và xử lý dịch bệnh tôm tại các tỉnh phía Nam (dịch bệnh gây hoại tử gan tụy diện tích thiệt hại đã giảm từ 41.709 ha xuống còn 24.792 ha). Bộ chỉ đạo xử lý dịch bệnh tôm Hùm ở miền Trung, thử nghiệm 3 phác đồ điều trị có kết quả khả quan; chỉ đạo phát triển nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra thâm canh, nhuyễn thể theo các quy trình sản xuất tốt. Nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống chất lượng cao, giống sạch bệnh, giá cả hợp lý cung cấp đủ cho các vùng nuôi thủy sản của cả nước. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng ước đạt 1,302 triệu tấn (trong đó cá tra 401.225 tấn), tăng 3,3% so với cùng kỳ 2011.


Về khai thác: Chỉ đạo tăng cường quản lý tàu, thuyền, đảm bảo an toàn về tầu thuyền và tính mạng ngư dân sản xuất trên biển, hướng dẫn và hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng hiệu quả và tính bền vững trong hoạt động khai thác hải sản; đầu tư xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tầu thuyền gắn với hình thành các cụm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Chỉ đạo khai thác hải sản trên biển theo hình thức tổ đội, góp phần đạt mục tiêu giá trị sản xuất thủy sản tăng 7% so với năm 2011, đến nay đã thành lập được hơn 4.200 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển.

Sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 1,29 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ, đặc biệt hiệu quả khai thác cũng tăng hơn so với 2011, nhất là nghề câu cá ngừ đại dương. Riêng nghề lưới kéo chưa phải mùa vụ chính nên hiệu quả giảm và do nguồn lợi vùng ven bờ đã suy giảm.

1.5. Chỉ đạo nâng cao chất lượng hàng hoá nông lâm thuỷ sản: Nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá, Bộ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc áp dụng các qui trình sản xuất tốt (Viet GAP, Global GAP...); công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản có sự chuyển biến, trong đó, chú trọng chỉ đạo hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn Luật ATTP.

Chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT về kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Các chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm được duy trì và mở rộng; Chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Giải quyết tương đối hiệu quả, kịp thời các trường hợp mất an toàn thực phẩm đối với thực phẩm tiêu dùng trong nước, các rào cản kỹ thuật ATTP của thị trường xuất khẩu, giúp duy trì ổn định hoạt động sản xuất và xuất khẩu NLTS.



1.6. Về chế biến thương mại, Chỉ đạo đẩy mạnh tạo chuyển biến công tác chế biến, triển khai Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 09/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo; thường xuyên chỉ đạo theo dõi sát tình hình thị trường lương thực, chỉ đạo điều hành cung cầu đường, muối ổn định (đến 15/5, sản xuất được 1,243 triệu tấn đường, tăng 12,39% so cùng kỳ; muối sản xuất công nghiệp đạt 121.806 tấn, tăng 60,5% so cùng kỳ); kiểm tra, giải quyết các kiến nghị, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp thủy sản.

Chỉ đạo tăng cường xúc tiến thương mại, nhiều biện pháp hỗ trợ họat động xuất khẩu như: tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở các thị trường lớn, chủ động làm việc với các tổ chức, các quốc gia để giải quyết các rào cản kỹ thuật,... Do vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm ước đạt gần 10,9 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, ngoại trừ gạo và cao su giảm nhẹ về khối lượng và giá trị, các mặt hàng nông sản khác tạm thời vượt qua khó khăn về thị trường vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt. Xuất khẩu nhóm hàng nông sản 5 tháng đạt 6,1 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2011.



2. Về phát triển thuỷ lợi và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đối phó với hạn hán, phòng chống thiên tai.

2.1. Đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng cơ bản và phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn

Tổng số vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách tập trung được Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý là 4.833.300 triệu đồng; trong đó: Vốn trong nước 2.483.300 triệu đồng, vốn ngoài nước 2.350.000 triệu đồng. Bộ đã thông báo kế hoạch vốn đầu tư cho từng dự án và phân bổ chi tiết vốn cho các tiểu dự án vốn ODA. Giá trị khối lượng thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 2.788 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch Chính phủ giao; Trong đó, vốn trong nước đạt 1.387 tỷ đồng, vốn ngoài nước đạt 1.400 tỷ đồng.

Về vốn trái phiếu Chính phủ: Kế hoạch vốn đầu tư nguồn TPCP năm 2012 là 3.600 tỷ đồng,đã giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT trong 2 đợt là 2.221,1 tỷ đồng, số kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ chưa được giao là 1.378,9 tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012, thông báo kế hoạch vốn cho các chủ đầu tư. Bộ Tài chính, Kho bạc nhà nước Trung ương cũng đã thông báo vốn đầu tư cho các kho bạc nhà nước ở địa phương để tạm ứng và thanh toán theo quy định. Bộ đã có báo cáo kết quả rà soát các dự án đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp để thông báo kế hoạch vốn đợt 3. Dự kiến 6 tháng đầu năm, giá trị khối lượng thực hiện đạt 900 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch Chính phủ giao.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết “11” Bộ đã chỉ đạo các chủ đầu tư rà soát kế hoạch vốn phân bổ năm 2012 để điều chuyển, bổ sung cho các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hoàn thành. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo các chủ đầu tư lập tiến độ xây dựng phù hợp với khả năng cân đối vốn; đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ kế hoạch, không để xảy ra trường hợp thực hiện vượt quá vốn kế hoạch được cấp; tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các các chủ đầu tư, nhà tư vấn, xây lắp khẩn trương thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, đặc biệt công trình lớn.

2.2. Chỉ đạo chống hạn hán, chủ động phòng chống lụt bão

Chỉ đạo triển khai các giải pháp thuỷ lợi, vận hành hệ thống thuỷ lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, đảm bảo gần 100% diện tích các tỉnh vùng trung du, Đồng bằng Bắc bộ lấy nước làm đất gieo cấy lúa Xuân năm 2012; điều hành phân ranh mặn ngọt, đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ sản xuất vụ Xuân Hè, Hè thu ở các tỉnh ĐBSCL; phối hợp với các Bộ, ngành kiểm tra, rà soát, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp hỗ trợ kinh phí khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn cho các địa phương ở Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long. Đã và đang chỉ đạo đổi mới quản lý khai thác hệ thống ở ba công ty TNHHMTV Khai thác công trình thuỷ lợi trực thuộc Bộ.

Chủ động theo dõi tình hình mưa, lũ, bão để tham mưu, chỉ đạo công tác phòng tránh, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả lũ, bão; kiểm tra đôn đốc công tác phòng, chống lụt, bão ở các địa phương và các chủ hồ đập phối hợp điều tiết lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, triển khai kế hoạch đầu tư, tu bổ đê điều; kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Triển khai trực ban 24/24h theo quy định tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam từ ngày 5/5/2012; theo dõi diễn biến thời tiết, mưa, lũ, bão, tham mưu xử lý ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai.

Tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc theo dõi tiến độ việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu do Thủ tướng Chính phủ quyết định gồm: Đầu tư, củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển hiện có tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Nam (Quyết định 58/2006/QĐ-TTg ngày 14/3/2006); củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang (Quyết định 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009) và nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 (Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 09/12/2009).



3. Đẩy mạnh chỉ đạo chương trình phát triển nông thôn và đổi mới doanh nghiệp

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”: Kiện toàn tổ chức bộ máy, phát động phong trào xây dựng nông thôn mới (chỉ còn 2 tỉnh Quảng ngãi và Bình Dương chưa tổ chức phát động hưởng ứng); chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch chung, đến hết tháng 5/2012 có 65% số xã hoàn thành, tăng 15% so với 2011; khoảng 62% số xã đã và đang lập đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, trong đó 4.083 xã (45%) đã phê duyệt xong; năm 2012, ngân sách trung ương đã bố trí 1.700 tỷ đồng hỗ trợ địa phương triển khai chương trình. Hiện nay, Bộ đang chuẩn bị để trình Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cho phù hợp, sửa đổi nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2012-2020.

Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực Nghị quyết ‘’30a’’, chương trình ‘’135’’. Kiểm tra, chỉ đạo các địa phương về tình hình di dân tự do, tái định cư các Dự án thủy lợi thủy điện, tổng hợp tình hình để báo cáo Chính phủ; chỉ đạo xây dựng đề án phát triển mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân và các thành phần kinh tế khác ở nông thôn, các công tác liên quan đến kinh tế hợp tác, đổi mới hợp tác xã nông nghiệp, thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Chỉ đạo và đôn đốc các tỉnh triển khai thực hiện Chương trình MTQG Nước sạch và VSMTNT giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ phát động hàng năm; Dự thảo xây dựng khung hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ cho Chương trình giai đoạn 2012 - 2015 và triển khai một số hoạt động liên quan đến xây dựng các Thông tư hướng dẫn.



Về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp và nông lâm trường quốc doanh: Thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, đảm bảo đúng yêu cầu năm 2012; hoàn thành đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ngành nông nghiệp và đôn đốc các Tổng công ty 90, các doanh nghiệp độc lập thuộc Bộ xây dựng phương án tái cơ cấu từng doanh nghiệp báo cáo Bộ phê duyệt. Tổ chức hội nghị về sắp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh, kiểm tra tình hình quản lý và sử dụng đất của các nông lâm trường, hoàn thành báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 28-NQTW của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh. Tổ chức 2 diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp tại Hà Nội và TPHCM.

4. Nâng cao năng lực, thể chế quản lý ngành, đẩy mạnh CCHC, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng

Bộ chỉ đạo kiện toàn tổ chức, bộ máy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII, trong đó tập trung khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 01/2008/NĐ-CP và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Bộ, cho ngành, đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo sự phân công nhiệm vụ tại Quyết định ”1956”;

Triển khai kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2012-2015 theo chỉ đạo của Chính phủ; triển khai mạnh mẽ việc đơn giản hoá thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ngành theo Nghị quyết “57”, thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính theo qui định của Chính phủ. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (Đã triển khai 13 cuộc thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn tố cáo. Trong đó có 05/14 cuộc thanh tra theo kế hoạch: 04 cuộc thanh tra hành chính, 01 cuộc thanh tra chuyên ngành, 01 cuộc thanh tra xác minh giải quyết đơn tố cáo; 05 cuộc thanh tra chuyên ngành đột xuất; 02 cuộc kiểm tra khác); thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổng số tiết kiệm đến ngày 23/5/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT là 35.201.117.000 đồng (bao gồm tiết kiệm chi thường xuyên, đầu tư xây dựng cơ bản và chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh).
* Đánh giá chung việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ:

Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng 6 tháng đầu năm 2012 sản xuất nông nghiệp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là sản xuất lương thực, thủy sản, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản, công tác kế hoạch - tài chính, đơn giản hoá thủ tục hành chính nên đã đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành góp phần quan trọng vào việc duy trì tăng trưởng chung của nền kinh tế, đời sống dân cư nông thôn tiếp tục được cải thiện; các địa phương tiếp tục tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2012 ngành nông nghiệp và PTNT cũng còn bộc lộ một số hạn chế, đó là dịch bệnh xảy ra trên vật nuôi chưa được khống chế, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, nhất là dịch tai xanh và dịch bệnh tôm hùm và tôm nuôi nước lợ; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuy đã quyết liệt nhưng triển khai trong thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng phá rừng vẫn diễn ra gay gắt ở một số vùng với tính chất ngày càng phức tạp; phát triển làng nghề chưa có chuyển biến mạnh; thị trường cung cầu nông lâm thủy sản thiếu ổn định; công tác đổi mới nông lâm trường quốc doanh vẫn tồn tại khó xử lý dứt điểm; hệ thống quản lý nhà nước của ngành từ Trung ương đến địa phương, cơ sở chưa thống nhất và thiếu đồng bộ gây khó khăn cho công tác chỉ đạo cũng như quản lý nhà nước.
II. KIỂM ĐIỂM THỰC HIỆN QUY CHẾ LÀM VIỆC VÀ CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC

1. Về thực hiện Quy chế làm việc

Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế làm việc của Chính phủ, nhất là trong việc trình văn bản; phối hợp tổ chức các cuộc họp, buổi làm việc của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, chuẩn bị đầy đủ tài liệu phục vụ cuộc họp theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ. Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất.

Thường xuyên phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, các cơ quan trong triển khai chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các công việc khác liên quan đến chức năng nhiệm vụ của từng Bộ, ngành.

2. Về kết quả thực hiện các chương trình, đề án, nghị quyết, nghị định, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Nghị quyết 06/NQ-CP ngày 07/3/2012 về chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, Nghị quyết 13/NĐ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường, các Nghị định, Quyết định, Chỉ thị và các văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành từ đầu năm 2012 đến nay.

Theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 6 tháng đầu năm 2012 Bộ Nông nghiệp và PTNT phải trình 16 chương trình, đề án, văn bản quy phạm pháp luật (đề án), trong đó có 01 dự án Luật phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Kết quả đến nay đạt 54% kế hoạch, (Phụ lục kèm theo), cụ thể:

- Đã trình Chính phủ, Thủ tướng CP ban hành: 07 đề án (01 dự án Luật), trong đó đã ban hành 03 đề án;

- Xin lùi thời gian trình: 06 đề án;

- Bỏ rút khỏi chương trình: 03 đề án.

Trong 6 tháng đầu năm Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một số đề án do Bộ Nông nghiệp và PTT đã trình từ năm 2011 như: Quyết định 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Quyết định 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG nước sạch và VSMTNT giai đoạn 2012- 2015; Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020. Bộ Nông nghiệp và PTNT đang triển khai tích cực các văn bản trên.

Bộ đã và đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xây dựng các chương trình, đề án văn bản nhằm đảm bảo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn, có chất lượng trong 6 tháng cuối năm 2012.


Phần thứ hai

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC 6 THÁNG CUỐI NĂM 2012

Từ những kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm, trên cơ sở đánh giá những khó khăn và thuận lợi đối với lĩnh vực nông nghiệp và PTNT cho thấy những nhiệm vụ còn lại từ nay đến cuối năm còn rất lớn, đòi hỏi toàn ngành phải tiếp tục tập trung lực lượng thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng, góp phần kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 và Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ. Những nhiệm trọng tâm kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo Bộ thực hiện từ nay đến cuối năm như sau:



1. Kiến nghị những công tác trọng tâm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, sửa đổi bộ tiêu chí và cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp;

- Đẩy mạnh sản xuất lúa; phát triển chăn nuôi có kiểm soát, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, dịch bệnh tôm nuôi nước lợ.

- Cơ chế chính sách hỗ trợ đẩy mạnh khai khác vùng biển xa gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; tổ chức lực lượng kiểm ngư;

- Triển khai Kế hoạch tác bảo vệ và phát triển rừng, chống phá rừng trái phép;

- Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai;

- Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo an toàn vệ sinh sản phẩm nông lâm thủy sản.

- Tổng kết Nghị quyết “28” của Bộ Chính trị về công tác sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh.

2. Kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các đề án trình chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng cuối năm 2012 (Phụ lục kèm theo)./.


Nơi nhận:

- VP Chính phủ (Vụ KTN, Vụ TH);

- VP (TT, TH, Website:

www.omard.gov.vn);

- Lưu: VT.






KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Đã ký


Diệp Kỉnh Tần



Báo cáo số 1789/BC-BNN-VP, ngày 13 tháng 6 năm 2012 về sự chỉ đạo điều hành của Bộ Nông nghiệp và PTNT 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2012


(Theo công văn số 3287/VPCP-TH, ngày 12/5/2012 của VPCP)


1 Nội dung đăng trên WWW.omard.gov.vn

2 Từ đầu năm đến nay, toàn quốc phát hiện 9.458 vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; đã xử lý 7.374 vụ (xử phạt hành chính: 7.300 vụ; xử lý hình sự: 74 vụ); tịch thu 10.401 m3 gỗ các loại (gỗ tròn: 5.246 m3, gỗ xẻ: 5.155 m3); thu nộp ngân sách 86.893.412.000 đồng. Trong đó: 912 vụ phá rừng trái pháp luật, diện tích rừng bị phá (chủ yếu là rừng sản xuất) 373 ha, giảm 4% về số vụ và giảm 52% về diện tích so với cùng kỳ năm 2011, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên: Đắk Nông (126 ha), Kon Tum (54 ha), Lâm Đồng (39 ha), Điện Biên (37 ha), Đăk Lăk (28 ha), Bình Thuận (18 ha). Khai thác rừng trái pháp luật chủ yếu tập trung ở khu vực rừng đặc dụng, như VQG Yook Đôn, Đắc Lắc, VQG Ba Bể và khu BTTN Kim Hỷ, Bắc Cạn, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình (đã có 03 cây Sưa cổ thụ bị chặt hạ)..

3 trong đó có: 2.074 ha rừng phòng hộ, 19.977 ha rừng sản xuất, bằng 116% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 8,6% kế hoạch; trồng 9.954 ngàn cây phân tán (chủ yếu các tỉnh phía Bắc) bằng 89% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 19,2% kế hoạch; khoán bảo vệ rừng trên 1.166 ha bằng 175% so với cùng kỳ, đạt 56,6% kế hoạch; khoanh nuôi tái sinh 105.410 ha bằng 164% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 30,1% kế hoạch; Chăm sóc rừng 102.714 ha bằng 282% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 28,8% kế hoạch.




Каталог: lib -> ckfinder -> userfiles -> files
files -> Phụ lục: Danh mục văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án 554 giai đoạn 2009-2012
ckfinder -> THỦ TƯỚng chính phủ Số: 08/2011
ckfinder -> THỦ TƯỚng chính phủ Số: 705
ckfinder -> Hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng tại kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia hoặc cơ sở làm dịch vụ xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng
files -> Danh mục thực vậT, ĐỘng vật hoang dã nguy cấP, quý, hiếM
files -> HIỆn trạng đa dạng sinh học khu vực quy hoạch bảo tồn vùng nưỚc nộI ĐỊa sông mã, TỈnh thanh hóa nguyễn Quốc Huy, Ngô Xuân Nam, Lê Văn Tuất, Mai Trọng Hoàng, Nguyễn Thị Hải, Nguyễn Nguyên Hằng
files -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn chưƠng trình dạy nghề trình đỘ SƠ CẤp nghề trồng đIỀU

tải về 79.4 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương