CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam tổng cục VII



tải về 39.7 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu14.08.2016
Kích39.7 Kb.
#19799


BỘ CÔNG AN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỔNG CỤC VII

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc






Số: /TTr-BCA-C61

Hà Nội, ngày tháng năm 2013







(Dự thảo lần 4)

TỜ TRÌNH

Về việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2010/TT-BCA ngày 12 tháng 10 năm 2010 Quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông



Kính gửi: Đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang,

Bộ trưởng Bộ Công an

Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2013 của Bộ Công an (Chương trình số 03/CTr-BCA-V19 ngày 29/01/2013), Tổng cục VII được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Thông tư của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Tổng cục VII kính trình Bộ trưởng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2010/TT-BCA với những nội dung chính sau đây:

I. Sự cần thiết ban hành Thông tư

- Thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, ngày 12/10/2007, Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 22/2007/TT-BCA(C11) Hướng dẫn việc thông báo đến nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập của người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông. Sau hai năm triển khai thực hiện đã phát huy kết quả trong công tác giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện thấy bộc lộ một số vấn đề khó khăn, không khả thi vì số lượng thông báo lớn. Do đó, phải nhận thức lại, tập trung thông báo một số nhóm hành vi vi phạm liên quan đến người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, người lái tàu, lái phương tiện thủy.

Ngày 12/10/2010, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 38/2010/TT-BCA Quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, thay thế Thông tư số 22/2007/TT-BCA. Qua hơn hai năm triển khai thực hiện, Tổng cục VII đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương sơ kết, đánh giá chỉ ra những tồn tại, khó khăn vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Kết quả: Công an các đơn vị, địa phương đã gửi 1.581.649 thông báo vi phạm đến Công an phường, xã, thị trấn nơi người vi phạm cư trú, công tác, học tập để theo dõi, kiểm điểm, giáo dục; gửi 167.650 thông báo vi phạm đến các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục chung và có 190.782 trường hợp phản hồi kết quả cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm. Qua đánh giá của Công an các địa phương, về ưu điểm, việc thực hiện Thông tư số 38/2010/TT-BCA đã có tác dụng rất tích cực, phát huy hiệu quả trong việc giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc và có đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi cao, tập trung vào bốn vấn đề là: hình thức, nội dung thông báo vi phạm; các trường hợp phải thông báo; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương khi nhận được thông báo và kinh phí thực hiện thông báo vi phạm.

- Mặt khác, trong quá trình thực hiện việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông từ năm 2010 đến nay, do có nhiều văn bản đã được ban hành mới, như: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Công điện số 655/CĐ-TTg ngày 17/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đồng thời để phù hợp với các quy định hiện hành, thì việc xây dựng và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 là rất cần thiết.



II. Quan điểm và quá trình xây dựng dự thảo Thông tư

2.1. Quan điểm xây dựng dự thảo Thông tư:

- Tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Công điện số 655/CĐ-TTg ngày 17/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Chính phủ.

- Đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và công tác thông báo vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông nói riêng.

- Kế thừa những quy định còn phù hợp của Thông tư số 38/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010 của Bộ đã phát huy hiệu quả trong quá trình thực hiện.

2.2. Quá trình xây dựng dự thảo Thông tư:

Quá trình soạn thảo Thông tư, Tổng cục VII đã thực hiện theo đúng trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư số 66/2011/TT-BCA ngày 03/10/2011 của Bộ Công an về xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trong Công an nhân dân: thành lập Tổ soạn thảo với sự tham gia của đại diện các vụ, cục có liên quan thuộc Bộ Công an; đưa dự thảo Thông tư lên trang thông tin điện tử của Cục CSGT đường bộ-đường sắt và tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham gia của các đơn vị có liên quan; đồng thời xin ý kiến của các Tổng cục, V19, Công an các địa phương. Trong quá trình soạn thảo Thông tư, có 02 vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đó là:

- Đề nghị nghiên cứu quy định thông báo tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin truyền thông để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Vì tại Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, theo đó, nội dung Điều này không quy định đối với lĩnh vực giao thông.

Vấn đề này, sau nhiều lần hội thảo, các thành viên Tổ soạn thảo Thông tư và các đơn vị liên quan đã đi đến thống nhất: Vẫn giữ nguyên quy định thông báo tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm TTATGT trên các phương tiện thông tin truyền thông với các lý do sau:

+ Thứ nhất, tại khoản 3 Điều 16 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định: Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành để quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách và những vấn đề khác do Chính phủ giao.

+ Thứ hai, đây là một biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007, Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01/3/2013 của Chính phủ và Công điện số 655/CĐ-TTg ngày 17/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, không phải là thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

+ Thứ ba, qua 3 năm thực hiện Thông tư số 38 cho thấy việc thông báo vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng đã phát huy hiệu quả tích cực, tác động vào nhận thức và góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông.

Từ những lý do trên, việc quy định thông báo cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin truyền thông là phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn.



- Đề nghị xây dựng Thông tư mới thay thế Thông tư 38.

Vấn đề này, sau nhiều lần hội thảo lấy ý kiến, cơ quan chủ trì soạn thảo thấy cần thiết ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư 38 để phù hợp giữa tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Thông tư mới. Hơn nữa, dự thảo Thông tư đã sửa hầu hết các nội dung của Thông tư 38 (sửa 7/9 Điều), vì vậy, nên ban hành Thông tư thay thế.

Trên cơ sở các ý kiến tham gia, sau khi thống nhất các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Tổng cục VII đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo.

III. Bố cục, nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư

Dự thảo Thông tư gồm 3 Điều. Cụ thể:



Điều 1: Sửa đổi, bổ sung 07 Điều (từ Điều 1 đến Điều 7) của Thông tư số 38/2010/TT-BCA ngày 12/10/2010, cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung Điều 1 (phạm vi điều chỉnh): bổ sung thêm việc thông báo đối với tổ chức vi phạm; thông báo danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm đến các cơ quan thông tin truyền thông.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 2 (đối tượng áp dụng): tại Khoản 2, sửa đổi, bổ sung đối tượng áp dụng rộng hơn, là “Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.” so với Thông tư 38 chỉ quy định áp dụng đối với “Công dân Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa”.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 3 (hình thức, nội dung thông báo): Bổ sung thông báo vi phạm đối với tổ chức vi phạm đến Công an xã, phường, thị trấn nơi tổ chức đặt trụ sở làm việc và bổ sung thông báo danh sách cá nhân, tổ chức vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 4 (các trường hợp phải thông báo): Tại Khoản 1, đối với cá nhân vi phạm, bỏ trường hợp tước GPLX không thời hạn, mà chỉ có tước GPLX có thời hạn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bổ sung thêm Khoản 2 quy định thông báo vi phạm đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.

- Sửa đổi, bổ sung và ghép Điều 5, Điều 6 lại thành 01 Điều (Điều 5) quy định trách nhiệm thông báo vi phạm, gồm trách nhiệm của cơ quan thông báo vi phạm; trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn và tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc thông báo vi phạm.

- Sửa đổi, bổ sung Điều 7 (kinh phí thực hiện thông báo vi phạm), theo hướng: Hàng năm, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Cục Cảnh sát đường thủy, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình thực tế, lập dự trù kinh phí cho việc in các biểu mẫu và kinh phí phục vụ thông báo vi phạm của các đơn vị, địa phương trực thuộc, báo cáo Bộ Công an. Các bộ, ngành, địa phương dự trù kinh phí thực hiện thông báo vi phạm gửi Bộ Tài chính.

Điều 2: Hiệu lực thi hành, quy định thời gian có hiệu lực thi hành của Thông tư.

Điều 3: Trách nhiệm thi hành, quy định trách nhiệm thi hành của Thủ trưởng các bộ, ngành; chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

(Xin kính trình kèm theo Dự thảo Thông tư)

Tổng cục VII kính trình đồng chí Bộ trưởng xem xét duyệt, ký ban hành./.




Nơi nhận:

- Như trên;

- Đ/c Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng BCA (để b/c);

- Các đ/c PTCT TCVII;

- V11, V19, C62;

- Lưu: VT, C61 (C67).




TỔNG CỤC TRƯỞNG

Trung tướng Tô Thường




tải về 39.7 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương