Chuyên đề 2 chế ĐỘ tiền lưƠNG; chế ĐỘ, chính sách đẶc thù VÀ chế ĐỘ, chính sách thôi phục vụ TẠi ngũ trong quâN ĐỘI



tải về 140.63 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu25.07.2016
Kích140.63 Kb.
#4688
Chuyên đề 2

CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG; CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ

VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH THÔI PHỤC VỤ TẠI NGŨ

TRONG QUÂN ĐỘI



I. CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG, PHỤ CẤP LƯƠNG ĐỐI VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG TRONG QUÂN ĐỘI

A. CHẾ ĐỘ TIỀN LƯƠNG

Theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tiền lương đối với các đối tượng trong quân đội được quy định như sau:

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có bảng lương riêng, các mức lương cấp bậc quân hàm của sĩ quan và mức lương chuyên môn kỹ thuật của quân nhân chuyên nghiệp được thiết kế cao hơn so với cán bộ, công chức cùng trình độ thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, cụ thể:

+ Đối với sĩ quan: Mức lương cấp hàm Thiếu uý bằng 1,8 lần so với công chức bậc 1 ngạch chuyên viên; Trung uý bằng 1,53 lần so với công chức bậc 3 ngạch chuyên viên; Thượng uý bằng 1,50 lần so với công chức bậc 4 ngạch chuyên viên; Đại uý bằng 1,35 lần so với công chức bậc 6 ngạch chuyên viên; Thiếu tá bằng 1,27 lần so với công chức bậc 2 ngạch chuyên viên chính; Trung tá bằng 1,22 lần so với công chức bậc 4 ngạch chuyên viên chính; Thượng tá bằng 1,18 lần so với công chức bậc 1 ngạch chuyên viên cao cấp; Đại tá bằng 1,16 lần so với công chức bậc 3 ngạch chuyên viên cao cấp...

+ Đối với quân nhân chuyên nghiệp: Mức lương của QNCN (tuỳ theo trình độ đào tạo, chức danh đảm nhiệm và điều kiện lao động) cũng được thiết kế cao hơn so với công chức, viên chức tương đương, QNCN loại cao cấp bậc 1: Nhóm 1 là 1,64 lần và nhóm 2 là 1,56 lần; QNCN loại trung cấp bậc 1: Nhóm 1 là 1,88 lần và nhóm 2 là 1,72 lần; QNCN loại sơ cấp bậc 1: Nhóm 1 là 1,94 lần và nhóm 2 là 1,79 lần.

- Công nhân viên chức quốc phòng hưởng theo bảng lương công chức, viên chức nhà nước có cùng trình độ, điều kiện làm việc và được hưởng thêm phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh (mức 30% hoặc 50%).

- Hạ sĩ quan, binh sĩ hưởng phụ cấp sinh hoạt phí.

Bảng lương sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, phụ cấp quân hàm đối với hạ sĩ quan, binh sĩ (có phụ lục kèm theo).


B. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP LƯƠNG

Theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, các chế độ phụ cấp lương trong quân đội gồm 11 loại như sau:



1. Phụ cấp thâm niên vượt khung

a) Đối tượng áp dụng: Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng xếp lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

b) Mức phụ cấp: Sau 3 năm (đủ 36 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh thì được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó; từ năm thứ tư trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.

2. Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo

a) Đối tượng áp dụng: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng đang giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) ở một cơ quan, đơn vị, đồng thời, được bầu cử hoặc được bổ nhiệm kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác mà cơ quan, đơn vị này được bố trí chuyên trách người đứng đầu nhưng hoạt động kiêm nhiệm.

b) Mức phụ cấp: Bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh lãnh đạo cũng chỉ hưởng một mức phụ cấp nêu trên.

3. Phụ cấp khu vực

a) Đối tượng áp dụng: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu.

b) Phụ cấp gồm 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu chung đối với người hưởng lương. Đối với hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ thuộc lực lượng vũ trang, phụ cấp khu vực được tính so với mức phụ cấp quân hàm binh nhì (hệ số 0,40).

4. Phụ cấp đặc biệt

a) Đối tượng áp dụng: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng làm việc ở đảo xa đất liền và vùng biên giới có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn.

b) Phụ cấp gồm 3 mức: 30%; 50% và 100% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm hiện hưởng đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang.

c) Cách tính trả phụ cấp: Trả theo tháng.



5. Phụ cấp thu hút

a) Đối tượng áp dụng: Cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc ở những vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn (theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng trong quân đội không thuộc đối tượng áp dụng).

b) Phụ cấp gồm 4 mức: 20%; 30%; 50%; 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

c) Thời gian hưởng phụ cấp từ 3 đến 5 năm.



Chú ý: Trong quân đội, hiện nay thực hiện theo quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ; Thông tư liên tịch số 08/2011/TTLT-BNV-BTC ngày 31/8/2011 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định nêu trên về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (LLVT) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; Hướng dẫn số 1905/CT-CS ngày 09/12/2011 của Tổng cục Chính trị. Trong đó, các đối tượng hưởng lương thuộc LLVT được hưởng chế độ phụ cấp thu hút.

6. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm

a) Đối tượng áp dụng: Cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm và đặc biệt độc hại, nguy hiểm chưa được xác định trong mức lương.

b) Phụ cấp gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4 so với mức lương tối thiểu chung.

Chú ý: Theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ thì quân nhân không được áp dụng hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay, trong quân đội đang tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1183/QĐ-BQP ngày 05/9/1997 của Bộ Quốc phòng về việc ban hành quy định chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật; Hướng dẫn số 856/LC-CS-TC ngày 23/10/1997 của liên Cục Chính sách, Tài chính (hạ sĩ quan, binh sĩ hưởng sinh hoạt phí tính trên quân hàm binh nhì).

c) Cách tính phụ cấp độc hại, nguy hiểm: Được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm; nếu làm việc từ 1 giờ đến dưới 4 giờ trong ngày thì được tính bằng 1/2 ngày làm việc, nếu làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính cả ngày làm việc.



7. Phụ cấp thâm niên nghề

a) Đối tượng áp dụng: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như LLVT.

b) Mức phụ cấp: Sau 5 năm (đủ 60 tháng) phục vụ trong quân đội hoặc làm việc liên tục trong ngành cơ yếu thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm được tính thêm 1% (không giới hạn tối đa).

8. Phụ cấp ưu đãi theo nghề

a) Đối tượng áp dụng: Cán bộ, công chức, viên chức làm những nghề hoặc công việc có điều kiện lao động cao hơn bình thường, có chính sách ưu đãi của nhà nước mà chưa được xác định trong mức lương.

b) Phụ cấp gồm 10 mức: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Chú ý: Một số ngành được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề như: Y tế, Giáo dục, Thống kê, Hải quan…, nhưng trong quân đội hiện tại chỉ có đối tượng biểu diễn nghệ thuật được hưởng với mức 15% và 20% (Thông tư số 167/2008/TT-BQP).

9. Phụ cấp trách nhiệm theo nghề

a) Đối tượng áp dụng: Áp dụng đối với các chức danh xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ và bảng lương chức vụ thuộc ngành Toà án, Kiểm sát, Thanh tra và một số chức danh tư pháp.

b) Mức phụ cấp gồm 5 mức: 10%, 15%, 20%; 25% và 30% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Đối tượng được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì không hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề nêu trên.



Chú ý: Trong quân đội thực hiện theo quy định tại Quyết định số 72/2007/QĐ-TTg ngày 23/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

10. Phụ cấp trách nhiệm công việc

a) Những người làm việc trong tổ chức cơ yếu được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bảo vệ cơ mật mật mã.

Phụ cấp gồm 3 mức: 0,1; 0,2; 0,3 so với mức lương tối thiểu chung.

b) Những người làm những công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc đảm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc.

Phụ cấp gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,5 so với mức lương tối thiểu chung.

Chú ý: Trong quân đội, Bộ Quốc phòng đã ban hành một số văn bản quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng làm công tác văn thư, bảo mật, lưu trữ; lực lượng làm nhiệm vụ báo vụ; lực lượng vận hành, sửa chữa hệ thống cáp quang quân sự Bắc Nam…

11. Phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh

a) Đối tượng áp dụng: Công nhân viên chức quốc phòng làm việc trong quân đội.

b) Phụ cấp gồm 2 mức: 30%; 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

- Mức 30% áp dụng đối với công nhân viên chức quốc phòng phục vụ ở các cơ quan thuộc: Bộ Tổng Tham mưu, các Tổng cục; cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng; các cơ quan của quân khu, quân, binh chủng, Bộ đội Biên phòng.

- Mức 50% áp dụng đối với công nhân viên chức quốc phòng phục vụ ở các cơ quan, đơn vị còn lại.

12. Phụ cấp công vụ

Quy định tại Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ về chế độ phụ cấp công vụ.

a) Đối tượng áp dụng: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng; người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và học sinh cơ yếu hưởng chế độ phụ cấp sinh hoạt phí.

b) Mức phụ cấp: Bằng 25% mức lương hiện hưởng, bao gồm mức lương cấp hàm, hoặc ngạch, bậc cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, trong quân đội đang thực hiện 11 loại phụ cấp lương và phụ cấp công vụ (như đã nêu ở trên). Hiện tại, trong quân đội chưa được thực hiện chế độ phụ cấp lưu động; chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ.

C. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CHÍNH SÁCH CÁC CẤP

1. Phối hợp với cơ quan Tài chính thực hiện chế độ tiền lương (xếp lương, nâng lương và trả lương theo quy định).

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện tốt các chế độ phụ cấp theo quy định (nắm chắc đối tượng được hưởng, mức hưởng, đối tượng thôi hưởng) bảo đảm kịp thời, dân chủ, công khai, công bằng, chính xác.

3. Thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương trong đơn vị; kịp thời phát hiện và giải quyết các vướng mắc phát sinh; tổng hợp, phản ánh tình hình mọi mặt với chỉ huy cấp mình và cơ quan cấp trên.



II. MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG TRONG QUÂN ĐỘI

A. QUAN NIỆM VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ

1. Cơ sở và quan niệm về chính sách đặc thù

Hoạt động quân sự được Đảng, Nhà nước ta xác định là "Ngành lao động đặc biệt". Vì vậy, ngoài chính sách ưu đãi về tiền lương cao hơn cán bộ, công nhân viên chức nhà nước nói chung, một lực lượng cán bộ, chiến sĩ trong quân đội được hưởng chế độ, chính sách đặc thù, do đặc điểm, tính chất hoạt động có sự khác biệt về điều kiện lao động và yêu cầu cao hơn so với lao động xã hội nói chung và phần lớn cán bộ, chiến sĩ trong quân đội.

Yêu cầu cao hơn so với hoạt động quân sự bình thường là tổng hợp các yếu tố, bao gồm: Yêu cầu cao, phức tạp, khó khăn trong tuyển chọn, đào tạo; tính chất thường trực chiến đấu cao; quá trình sử dụng rất khó khăn về thu hút nhân sự; yêu cầu cao về kỹ thuật và tính kỷ luật trong hoạt động; môi trường, điều kiện làm việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Các đối tượng làm các nghề, công việc trong quân đội có tính chất, đặc điểm và những yêu cầu trên thì được hưởng chính sách đặc thù (chú ý là tổng hợp các yếu tố, không chỉ là đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm).

Chế độ, chính sách đặc thù có ý nghĩa quan trọng trong việc phản ánh sự công bằng, cân đối trong công hiến và hưởng thụ; nâng cao thu nhập, động viên, khuyến khích, thu hút các lực lượng làm nhiệm vụ đặc thù, nhiệm vụ mới, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo… (Ví dụ: Hiện tại, Trường Sa, một số địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa; làm nhiệm vụ quy tập mộ ở Lào, Cămpuchia… nhiều cán bộ, chiến sĩ đã xung phong đi làm nhiệm vụ và đến địa bàn đó).



2. Đối tượng áp dụng

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng hưởng lương từ ngân sách nhà nước.



3. Các loại hình thiết kế chế độ, chính sách đặc thù

a) Về phụ cấp, trợ cấp

- Được thiết kế theo tỷ lệ % mức lương cơ bản, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) như: Phụ cấp đặc thù, phụ cấp kỹ thuật bay, phụ cấp kỹ thuật tàu ngầm…

- Được thiết kế theo hệ số lương tối thiểu chung như: Phụ cấp giờ bay, phụ cấp bay thử, phụ cấp chỉ huy ban bay, phụ cấp trách nhiệm đặc biệt quản lý tàu ngầm, phụ cấp hoạt động ngầm, phụ cấp huấn luyện tàu ngầm, phụ cấp công tác lâu năm trên tàu ngầm, phụ cấp kíp chỉ huy hoạt động của tàu ngầm, phụ cấp trách nhiệm quản lý biên giới, phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo...

- Về chế độ trợ cấp thiết kế theo lương tối thiểu chung như: Trợ cấp thôi bay, trợ cấp lần đầu, trợ cấp một lần khi thôi biên chế trên tàu ngầm...

b) Về chế độ, chính sách áp dụng đối với các đối tượng

- Loại chế độ, chính sách được xác định bằng tiền tương ứng với tiền lương cơ bản hoặc tiền lương tối thiểu (ví dụ: Chế độ phụ cấp, trợ cấp theo Quyết định số 15; Nghị định 116…).

- Loại chế độ, chính sách tổng hợp, bao gồm cả xác định bằng tiền (chế độ phụ cấp, trợ cấp…) và các chế độ, chính sách có tính ưu đãi khác như: An điều dưỡng, khen thưởng, chính sách thương binh, liệt sĩ… (ví dụ: Chế độ chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ ở Trường Sa; lực lượng làm nhiệm vụ C, quy tập mộ ở Lào, Cămpuchia…).



B. MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐANG THỰC HIỆN TRONG QUÂN ĐỘI

1. Quyết định số 15/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù quân sự đối với một số đối t­ượng trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Thông tư liên tịch số 30/2009/TTLT-BQP-BNV-BTC ngày 19/6/2009 của liên Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định nêu trên.

a) Đối tượng áp dụng: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ vận hành, sử dụng, huấn luyện, tác chiến và sản xuất một số loại trang bị, phương tiện, vũ khí, đạn dược thuộc các quân, binh chủng trong quân đội, biên chế từ cấp tiểu đoàn và tương đương trở xuống (trừ những trường hợp có chức vụ cao hơn nhưng được biên chế trực tiếp làm nhiệm vụ).

b) Phụ cấp gồm 9 mức: 10%; 15%; 20%; 25%; 30%; 40%; 50%; 70%; 100% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

c) Cách tính hưởng phụ cấp: Đối với người hưởng lương (sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp) được tính trên mức tiền lương cấp bậc quân hàm hoặc ngạch, bậc cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); đối với hạ sĩ quan, binh sĩ được tính trên mức phụ cấp quân hàm hiện hưởng.



2. Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ; Thông tư số 08/2011/TTLT-BNV-BTC ngày 31/8/2011 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.

a) Đối tượng áp dụng:

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), công nhân viên chức quốc phòng (CNVCQP) kể cả người làm việc theo chế độ hợp đồng trong quân đội.

b) Chế độ được hưởng

- Phụ cấp thu hút: Mức 70% mức tiền lương hiện hưởng, bao gồm mức tiền lương theo cấp bậc quân hàm hoặc ngạch bậc, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thời gian hưởng phụ cấp thu hút không quá 5 năm.

- Phụ cấp công tác lâu năm: Mức 0,5 so với mức tiền lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm; mức 0,7 áp dụng đối với người có thời gian từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm; mức 1,0 áp dụng đối với người có thời gian từ đủ 15 năm trở lên.

- Trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng tiền lương tối thiểu chung (chỉ được thực hiện một lần).

- Trợ cấp một lần khi chuyển ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu: Người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu, thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm được trợ cấp bằng 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng (bao gồm mức tiền lương theo cấp bậc quân hàm hoặc ngạch bậc, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có) tại thời điểm chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu (thời gian dưới 3 tháng không tính, từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng được tính 1/2 năm, từ trên 6 tháng đến 12 tháng được tính bằng 01 năm).

Ngoài ra, còn được thanh toán tiền tàu xe khi đi nghỉ phép; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, học tiếng dân tộc…

3. Chế độ, chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ quốc tế

3.1. Quyết định số 90/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ t­ướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với lực l­ượng quân đội xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào; Thông tư số 145/2007/TT-BQP ngày 11/9/2007 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Quyết định nêu trên.

a) Đối tượng áp dụng: Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng.

b) Các chế độ phụ cấp

- Phụ cấp 100% tính trên lương cấp hàm sĩ quan, bậc lương quân nhân chuyên nghiệp, lương ngạch bậc của công nhân viên chức quốc phòng, tiền lương theo ngạch, bậc trong hợp đồng lao động đối với lao động hợp đồng, phụ cấp quân hàm của hạ sĩ quan, binh sĩ.

- Phụ cấp địa bàn: Mức 150% so với mức lương tối thiểu chung.

c) Các chế độ khác: Xem Thông tư.



3.2. Hướng dẫn số 256/LC-CS-TC ngày 28/01/2011 của liên Cục Chính sách - Tài chính hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách bảo đảm cho lực lượng làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sỹ.

a) Đối tượng áp dụng: Sĩ quan, QNCN, hạ sĩ quan, binh sĩ.

b) Chế độ được hưởng

- Quy tập mộ ở ngoài nước được hưởng:

+ Phụ cấp đặc biệt bằng 100% mức tiền lương cấp hàm hoặc ngạch, bậc cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

+ Phụ cấp khu vực hệ số 1,0 so với mức lương tối thiểu chung.

+ Trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc quy tập mộ liệt sỹ ở nước ngoài, được bồi dưỡng 220.000 đồng/người/ngày thực tế làm nhiệm vụ (không được thanh toán tiền công tác phí).

- Quy tập mộ ở trong nước:

Trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc quy tập mộ liệt sỹ ở trong nước, được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày thực tế làm nhiệm vụ (không được thanh toán tiền công tác phí).

Ngoài ra, được hưởng chế độ ăn thêm, bồi dưỡng sức khoẻ hàng năm, quân trang chuyên dùng và được thực hiện chế độ thương binh, liệt sỹ theo quy định hiện hành.



4. Một số chế độ, chính sách đặc thù đối với Hải quân, Cảnh sát biển

4.1. Quyết định số 41/2010/QĐ-TTg ngày 31/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 198/2010/TTLT-BQP-BNV-BTC ngày 29/11/2010 của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định nêu trên về chế độ phụ cấp, trợ cấp đặc thù đối với lực lượng tàu ngầm cấp chiến dịch thuộc Quân chủng Hải quân.

a) Đối tượng áp dụng:

- Sĩ quan, QNCN biên chế trên tàu ngầm Hải quân.

- Kíp chỉ huy hoạt động tàu ngầm.

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng phục vụ tại căn cứ và trung tâm huấn luyện, bảo dưỡng tàu ngầm.

- Người được cử đi công tác trên tàu ngầm.

b) Mức phụ cấp:

- Phụ cấp kỹ thuật tàu ngầm: Mức 100% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

- Phụ cấp trách nhiệm đặc biệt quản lý tàu ngầm: Mức phụ cấp tính theo mức lương tối thiểu chung/tháng...

- Phụ cấp hoạt động ngầm: Mức phụ cấp 0,2 so với mức lương tối thiểu chung/giờ...

- Phụ cấp công tác lâu năm trên tàu ngầm.

4.2. Quyết định số 42/2010/QĐ-TTg ngày 31/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 199/2010/TTLT-BQP-BNV-BTC ngày 29/11/2010 của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định nêu trên về một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với lực lượng Không quân Hải quân.

a) Đối tượng áp dụng: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là phi công, phi công là giáo viên huấn luyện bay, các thành viên tổ bay máy bay cánh quạt vận tải, máy bay trực thăng, máy bay trinh sát, máy bay săn ngầm....

b) Các loại phụ cấp:

- Phụ cấp kỹ thuật bay gồm 5 mức: 25%; 35%; 45%; 65%; 95% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

- Phụ cấp giờ bay gồm: Từ 0,3 đến 1,5 so với lương tối thiểu chung tháng/giờ tuỳ theo điều kiện địa hình và khí tượng ngày, đêm. Cách tính trả: Phụ cấp giờ bay được tính theo số giờ bay thực tế (từ lúc cất cánh đến lúc hạ cánh).

- Phụ cấp bay chuyên cơ A, B: 0,3; 0,5 so với mức lương tối thiểu chung tháng/giờ.

- Phụ cấp bay thử gồm: Từ 1,0 đến 1,4 so với lương tối thiểu chung chuyến/người áp dụng đối với máy bay sửa chữa theo định kỳ khi đạt số giờ bay từ 5 giờ đến 600 giờ hoặc phải thay thế sửa chữa lớn (thay thế động cơ, giảm tốc, cột cánh quạt). Cách tính trả: Phụ cấp bay thử máy bay được tính theo chuyến bay thử (mỗi chuyến tính từ lúc cất cánh đến lúc hạ cánh).

- Phụ cấp chỉ huy ban bay: Nội dung chi tiết quy định tại Thông tư.



4.3. Quyết định số 57/2012/QĐ-TTg ngày 22/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng làm nhiệm vụ tại căn cứ quân sự Cam Ranh.

a) Đối tượng áp dụng: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng đóng quân và làm nhiệm vụ tại căn cứ quân sự Cam Ranh hoặc được cấp có thẩm quyền giao trực tiếp làm nhiệm vụ tại căn cứ quân sự Cam Ranh.

b) Chế độ được hưởng

- Phụ cấp đặc biệt bằng 30% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm hiện hưởng đối với hạ sĩ quan, binh sĩ.

- Phụ cấp công tác lâu năm

+ Mức 0,2 so với mức lương tối thiểu chung, áp dụng đối với người có từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm; mức 0,3 so với mức lương tối thiểu chung, áp dụng đối với người có từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm; mức 0,4 so với mức lương tối thiểu chung, áp dụng đối với người có từ đủ 15 năm trở lên.

- Trợ cấp lần đầu bằng 6 tháng lương tối thiểu chung đối với nữ có 3 năm công tác trở lên; đối với nam có 5 năm công tác trở lên (chỉ thực hiện một lần).

4.4. Quyết định số 25/2012/QĐ-TTg ngày 04/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ ưu đãi đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Thông tư số 96/2012/TT-BQP ngày 14/8/2012 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Quyết định nêu trên.

a) Đối tượng áp dụng: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng.

b) Chế độ được hưởng

- Phụ cấp công tác lâu năm: Mức 0,2 so với mức lương tối thiểu chung, áp dụng đối với người có từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm; mức 0,3 so với mức lương tối thiểu chung, áp dụng đối với người có từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm; mức 0,4 so với mức lương tối thiểu chung, áp dụng đối với người có từ đủ 15 năm trở lên.



- Phụ cấp đặc thù đi biển: Thời gian trực tiếp tham gia diễn tập, huấn luyện, tìm kiếm, cứu nạn trên biển được hưởng mức 150.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển. Thời gian hoạt động trên biển thực hiện theo nguyên tắc dưới 4 giờ trong ngày, được tính hưởng bằng 1/2 ngày/người; từ 4 giờ trở lên trong ngày, được tính hưởng bằng một ngày/người.

5. Một số chế độ, chính sách đối với Bộ đội Biên phòng

5.1. Nghị định số 02/1998/NĐ-CP ngày 06/01/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng; Thông tư liên tịch số 2076/1998/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 08/7/1998; Thông tư liên tịch số 35/2004/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 24/3/2004 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 2076/1998/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với Bộ đội Biên phòng.

a) Đối tượng áp dụng: Sĩ quan, QNCN, công nhân viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc biên chế tại các đồn biên phòng; sĩ quan, QNCN, công nhân, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Bộ đội Biên phòng (không thuộc biên chế tại các đồn biên phòng) được cấp có thẩm quyền điều động đi làm nhiệm vụ trinh sát, tuần tra...

b) Chế độ được hưởng

- Phụ cấp trách nhiệm quản lý biên giới: Mức 0,3 so với mức lương tối thiểu chung đối với người hưởng lương hoặc so với phụ cấp quân hàm binh nhì đối với người hưởng sinh hoạt phí.

- Phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo: Áp dụng đối với những người hưởng lương thuộc biên chế tại các đồn, đơn vị biên phòng đóng quân tại một số địa bàn như vùng cao biên giới, các đảo xa. Phụ cấp mức 0,2 so với mức lương tối thiểu chung, áp dụng đối với người có từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm; mức 0,3 so với mức lương tối thiểu chung, áp dụng đối với người có từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm; mức 0,4 so với mức lương tối thiểu chung, áp dụng đối với người có từ đủ 15 năm trở lên.

- Chế độ khi chuyển gia đình đến định cư ở vùng cao, hải đảo.



5.2. Quyết định số 182/2008/QĐ-BQP ngày 27/12/2008 của Bộ Quốc phòng về việc thực hiện chế độ đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ tăng cường các xã biên giới có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

a) Đối tượng áp dụng: Sĩ quan, QNCN thuộc Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ tăng cường các xã biên giới có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

b) Chế độ được hưởng

- Chế độ phụ cấp kiêm nhiệm: Bằng 10% mức lương cấp hàm, ngạch bậc cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

- Chế độ bồi dưỡng sức khoẻ.

6. Một số chế độ, chính sách đặc thù khác

6.1. Quyết định số 68/2009/QĐ-TTg ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đặc thù trong thực hiện công tác điều tra, xử lý chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh.

a) Đối tượng áp dụng: Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng.

b) Được hưởng sinh hoạt phí mức 200.000 đồng/người/ngày, tính theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ tại nơi bị nhiễm chất độc hoá học.

6.2. Quyết định số 2826/QĐ-BQP ngày 06/8/2010 của Bộ Quốc phòng về việc hỗ trợ đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy trong các nhà trường quân đội.

Gồm 3 mức: Mức 1,0; 1,5; 1,7 so với mức lương tối thiểu chung.



C. ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ TRONG THỜI GIAN TỚI

Định hướng chung: Bám sát nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; định hướng tổ chức, hoạt động và sự phát triển nhiệm vụ của quân đội, đề xuất các chế độ, chính sách đặc thù phù hợp. Trong thời gian một vài năm tới, tập trung:

1. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đặc thù đối với các lực lượng làm nhiệm vụ mới, làm nhiệm vụ vùng sâu, vùng xa, các đảo gần bờ.

3. Tập trung nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài vào phục vụ quân đội.

4. Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đặc thù đối với các đối tượng làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ và các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt khác mới phát sinh.

5. Nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù đối với lực lượng của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.



D. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CHÍNH SÁCH CÁC CẤP

1. Thường xuyên nắm chắc các văn bản quy định về chính sách, công tác chính sách; tham mưu cho cơ quan chính trị cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ.

2. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung về chế độ, chính sách đến đối tượng thuộc quyền, đối tượng chính sách thuộc phạm vi đảm nhiệm.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng cùng cấp giúp chính uỷ, chính trị viên, người chỉ huy chỉ đạo, hướng dẫn triển khai việc thực hiện; tổ chức thẩm định chức danh cụ thể được hưởng phụ cấp đặc thù theo đề nghị của đơn vị; quản lý đối tượng được hưởng chế độ, chính sách đặc thù ở đơn vị (đối tượng hưởng, mức hưởng, đối tượng thôi hưởng…); tổng hợp báo cáo cấp trên theo quy định.

4. Tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chỉ huy thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù; kịp thời phát hiện và đề xuất giải quyết các vướng mắc phát sinh.

III. CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI SĨ QUAN, QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP THÔI PHỤC VỤ TẠI NGŨ

1. Nội dung chế độ, chính sách quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23/02/2009

1.1. Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, QNCN nghỉ hưu

a) Chế độ nghỉ hưu

Sĩ quan nghỉ hưu quy định tại Điều 36, điểm a Khoản 1 Điều 37 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

b) Chế độ nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm quy định tại Khoản 1 Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Được hưởng chế độ trợ cấp một lần, gồm:

- Được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

- Được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1/2 tháng tiền lương (tiền lương để tính trợ cấp là tiền lương bình quân của 60 tháng trước khi nghỉ hưu).

1.2. Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp chuyển ngành (xem Nghị định số 21 và Thông tư số 36).

1.3. Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp phục viên

Sĩ quan, QNCN phục viên, được hưởng các quyền lợi sau:

a) Được trợ cấp tạo việc làm bằng 6 tháng tiền lương tối thiểu chung;

b) Được hưởng trợ cấp phục viên một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương;

c) Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác theo quy định hiện hành của pháp luật (Điều 32 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP quy định: Cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội);

d) Được hưởng chế độ trợ cấp một lần do quy đổi thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc công tác ở địa bàn khó khăn nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên (nếu có).



1.4. Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp nghỉ theo chế độ bệnh binh

Được hưởng cả 2 chế độ, gồm:

a) Chế độ bệnh binh theo Pháp luật ưu đãi người có công.

b) Chế độ bảo hiểm xã hội một lần như sĩ quan, QNCN phục viên (một năm bằng 1,5 tháng, không tính nối bảo hiểm xã hội).

Đối với số đối tượng đủ điều kiện bệnh binh đề nghị các đơn vị cho giám định thực hiện chế độ bệnh binh; đồng thời hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định.

1.5. Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tại ngũ hy sinh, từ trần

a) Khi hy sinh được hưởng các chế độ như sau:

- Chế độ, chính sách theo Pháp luật ưu đãi người có công;

- Được hưởng chế độ trợ cấp có tính ưu đãi khác như sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, phục viên, gồm:

+ Chế độ trợ cấp một lần từ quỹ bảo hiểm xã hội;

+ Trợ cấp một lần từ ngân sách, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của sĩ quan hoặc QNCN trước khi hy sinh;

+ Trợ cấp quy đổi do có thời gian chiến đấu hoặc công tác tại địa bàn, ngành nghề đặc thù (nếu có). Cứ một năm được trợ cấp một tháng lương hiện hưởng trước khi hy sinh.

b) Khi từ trần được hưởng các chế độ như sau:

- Chế độ trợ cấp 01 lần hoặc hàng tháng từ quỹ bảo hiểm xã hội, tuỳ theo thời gian công tác và hoàn cảnh của thân nhân;

- Trợ cấp một lần từ ngân sách, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của sĩ quan hoặc QNCN trước khi từ trần;

- Trợ cấp quy đổi do có thời gian chiến đấu hoặc công tác tại địa bàn, ngành nghề đặc thù (nếu có). Cứ một năm được trợ cấp một tháng lương hiện hưởng trước khi từ trần.

1.6. Chế độ trợ cấp một lần đối với sĩ quan, QNCN có thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn khó khăn, ngành nghề có tính chất đặc thù (xem Nghị định số 21 và Thông tư số 36).

2. Về thực hiện chế độ nghỉ hưu trước hạn tuổi quân hàm quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP của Chính phủ

2.1. Nghị định số 21/2009/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Sĩ quan năm 2008

a) Về điều kiện nghỉ hưu

- Theo Luật Sĩ quan: Tại điểm b Khoản 1 Điều 37 Luật Sĩ quan năm 2008 quy định: "Nếu sĩ quan nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm tại Khoản 1 Điều 13 của Luật này, do thay đổi tổ chức, biên chế hoặc hết hạn tuổi giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị mà quân đội không còn nhu cầu sử dụng thì ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp 01 lần theo quy định của Chính phủ".



- Theo Nghị định số 21/2009/NĐ-CP: Tại Điều 2, Khoản 2 Nghị định số 21/2009/NĐ-CP quy định đối tượng nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm được hưởng chế độ, gồm:

+ Sĩ quan thuộc diện dôi dư do thay đổi tổ chức, biên chế theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

+ Sĩ quan hết hạn tuổi giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Luật Sĩ quan năm 2008 mà quân đội không còn nhu cầu bố trí, sử dụng (Thông tư số 36 của liên Bộ cũng quy định như Nghị định số 21/2009/NĐ-CP về nội dung này và thống nhất với Luật Sĩ quan năm 2008. Nghị định 21 và Thông tư 36 quy định QNCN được thực hiện như Sĩ quan; không phân biệt Sĩ quan, QNCN giữa khối dự toán và hạch toán).

b) Về thời gian

- Thời gian tối thiểu nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi cao nhất của cấp bậc quân hàm là một năm (đủ 12 tháng) tính từ tháng sinh đến tháng liền kề nghỉ hưởng chế độ hưu trí hàng tháng. Tức là sau khi nghỉ chuẩn bị hưu xong rồi (đã nghỉ chờ 1 năm hoặc 9 tháng) phải còn ít nhất là một năm nữa mới thuộc đối tượng được hưởng. Quân hàm để tính thời gian nghỉ trước tuổi hưởng chế độ là quân hàm khi nhận Quyết định nghỉ hưu (không tính theo quân hàm chính sách).

- Thời gian tối đa không quy định (có nghĩa là không bị giới hạn)

- Thời gian thực hiện các chế độ, chính sách là từ ngày 01/7/2008 (ngày Luật Sĩ quan 2008 có hiệu lực thi hành).



2.2. Chỉ thị 328-CT/QUTW của Thường vụ Quân uỷ Trung ương, Hướng dẫn số 918/HD-TCCT-BTTM của Tổng cục Chính trị - Bộ Tổng Tham mưu và Hướng dẫn số 1715/CT-CS ngày 01/11/2012 của Tổng cục Chính trị về vận dụng thực hiện Nghị định số 21/2009/NĐ-CP

2.2.1. Trên cơ sở 2 nhóm đối tượng quy định tại Nghị định 21/2009/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 36/2009/TTLT-BQP-BNV-BLĐTBXH-BTC của liên Bộ, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 22/12/2008 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2015, Chỉ thị 328-CT/QUTW và Hướng dẫn 918/HD-TCCT-BTTM cụ thể hoá đối tượng được thực hiện chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất của cấp bậc quân hàm, gồm:

a) Sĩ quan, QNCN thuộc diện dôi dư biên chế ở các cơ quan, đơn vị có quyết định giải thể, sáp nhập, rút gọn, hạ cấp độ tổ chức, chuyển đổi mô hình hoạt động dẫn đến giảm số lượng hoặc chức danh sĩ quan, QNCN mà tổ chức không bố trí được vị trí công tác mới.

b) Sĩ quan hết hạn tuổi cao nhất giữ chức vụ chỉ huy, quản lý quy định tại Khoản 3 Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, được quy định cụ thể tại Thông tư số 114/2010/TT-BQP ngày 20/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mà quân đội không có nhu cầu tiếp tục bố trí, sử dụng.

c) Sĩ quan, QNCN của các đơn vị và cơ quan các cấp thuộc diện dôi dư theo biểu tổ chức, biên chế hoặc theo quy định tổ chức, quân số hàng năm của Bộ Tổng Tham mưu và theo chỉ tiêu, kế hoạch chuyển ra hàng năm của Bộ Quốc phòng về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Bộ Chính trị; hoặc tổ chức không có nhu cầu sử dụng hoặc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao (kể cả số giữ chức vụ chỉ huy, quản lý không thuộc tiết b nêu trên). Cụ thể như sau:

- Sĩ quan, QNCN thuộc diện dôi dư so với biểu tổ chức, biên chế hoặc quy định tổ chức, quân số của Bộ Tổng Tham mưu và chỉ tiêu, kế hoạch chuyển ra hàng năm của Bộ Quốc phòng nhưng tổ chức không có nhu cầu tiếp tục sử dụng (bao gồm cả số chuyển chế độ từ công nhân viên chức quốc phòng sang QNCN, đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định);

- Sĩ quan, QNCN đang giữ chức vụ chỉ huy, quản lý nhưng khả năng phát triển hạn chế, tổ chức không có nhu cầu tiếp tục sử dụng, cần thay thế để thực hiện yêu cầu quy hoạch, trẻ hoá đội ngũ cán bộ, nhưng không bố trí được vị trí công tác mới;

- Sĩ quan, QNCN năng lực hạn chế; tín nhiệm thấp hoặc sức khoẻ yếu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong hai năm liền.

2.2.2. Xác định tuổi của sĩ quan, QNCN nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm được hưởng chế độ trợ cấp một lần

a) Tuổi để xác định sĩ quan, QNCN nghỉ hưu trước hạn tuổi so với hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm đối với đối tượng nêu tại tiết a, tiết b điểm 2.2.1 nêu trên ít nhất là một năm (đủ 12 tháng), được tính từ tháng sinh đến tháng liền kề trước khi sĩ quan, QNCN nghỉ hưởng lương hưu hàng tháng.

b) Tuổi để xác định sĩ quan, QNCN nghỉ hưu trước hạn tuổi so với hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm đối với đối tượng nêu tại tiết c điểm 2.2.1 nêu trên ít nhất là một năm (đủ 12 tháng), nhiều nhất không quá 3 năm (36 tháng), được tính từ tháng sinh đến tháng liền kề trước khi sĩ quan, QNCN nghỉ hưởng lương hưu hàng tháng; trường hợp cá biệt nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm quá 3 năm, các đơn vị báo cáo và đề nghị Thường vụ Quân uỷ Trung ương xem xét, quyết định (kể cả đối tượng nêu tại điểm 2.2.3 dưới đây).

2.2.3. Sĩ quan, QNCN thuộc đối tượng nêu tại tiết c điểm điểm 2.2.1 nêu trên, đã có quyết định nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm kể từ ngày 01/7/2008, đủ điều kiện, được thực hiện chế độ trợ cấp một lần quy định tại Nghị định số 21/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Chỉ thị 328-CT/QUTW, định hướng việc thực hiện bảo đảm đúng đắn, công bằng hơn; nhiều người được hưởng hơn; góp phần thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Bộ Chính trị là giảm biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ Sĩ quan, QNCN.

Chú ý: - Đối tượng nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm ở đơn vị do thay đổi tổ chức (tiết a); đối tượng hết hạn tuổi chỉ huy, quản lý đơn vị (tiết b) là không giới hạn tối đa số năm nghỉ hưu trước tuổi quân hàm (chỉ quy định ít nhất là 1 năm). Bởi vì, việc thay đổi tổ chức tác động cùng lúc nhiều người; tổ chức và cá nhân chịu tác động trong thế bị động; về chỉ huy, quản lý, trong một chức vụ có nhiều bậc quân hàm khác nhau.

- Đối tượng tại tiết c quy định tối đa không quá 3 năm, vì:

+ Nhìn chung số lượng vừa qua đã giải quyết chủ yếu vẫn là QNCN; tính bình quân chung nghỉ trước tuổi quân hàm khoảng 2 đến 3 năm.

+ Các đơn vị đều chủ động về số lượng nhân sự chuyển ra. Mặt khác, quy định này tạo điều kiện sử dụng cán bộ đã được tích luỹ kinh nghiệm, đỡ lãng phí trong đào tạo.

+ Với quy định trên, khoảng thời gian nghỉ trước và mức hưởng trợ cấp 01 lần của SQ, QNCN được hưởng tương đối cân đối; vừa giảm chi ngân sách từ ngân sách quốc phòng. Cụ thể:

Đối với Sỹ quan nghỉ hưu trước tuổi 2 năm, nếu nhận lương hưu trước 1/5/2012, thì số tiền hưởng trợ cấp 1 lần bình quân là 118 triệu đồng, nếu nhận sau 1/5/2012, thì số tiền trợ cấp là 150 triệu đồng (tăng 26%).

Đối với QNCN nghỉ hưu trước tuổi 2 năm, nếu nhận lương hưu trước 1/5/2012, thì số tiền hưởng trợ cấp 1 lần bình quân là 78 triệu đồng, nếu sau 1/5/2012 là 110 triệu đồng.

Trường hợp, nếu nghỉ sớm thêm 1 năm thì bình quân tăng thêm khoảng 15% mức trợ cấp 01 lần.

- Trường hợp cá biệt quá 3 năm (cần thiết và có lợi cho tổ chức); báo cáo Thường vụ QUTW xem xét, quyết định từng nhân sự cụ thể.

Theo Chỉ thị số 328-CT/QUTW ngày 26/6/2012 của Thường vụ Quân uỷ Trung ương; Hướng dẫn số 918/HD-CT-TM ngày 29/6/2012 của Tổng cục Chính trị - Bộ Tổng Tham mưu; Công văn số 1715/CT-CS ngày 01/11/2012 của Tổng cục Chính trị về thực hiện chế độ trợ cấp một lần đối với sĩ quan, QNCN nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm theo quy định, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, chính xác.



3. Trách nhiệm của cơ quan chính sách

a) Giúp Thủ trưởng cơ quan chính trị, chính uỷ, chính trị viên và người chỉ huy quán triệt, phổ biến các chế độ quy định, hồ sơ, thủ tục và cách thức tiến hành; tạo sự thống nhất cao trong đơn vị.

b) Phối hợp với các cơ quan nhân sự tham mưu giúp cấp uỷ, chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên xác định đối tượng; lập, ký và trình Thủ trưởng đơn vị Phiếu thanh toán chế độ trợ cấp; tổ chức thực hiện chi trả kịp thời, chặt chẽ, chính xác chế độ đối với đối tượng.

c) Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định số 21/2009/NĐ-CP, Chỉ thị số 328-CT/QUTW, Hướng dẫn số 918/HD-TCCT-BTTM và Hướng dẫn số 1715/CT-CS của Tổng cục Chính trị theo thẩm quyền.

d) Tổ chức thực hiện chế độ, tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Thực hiện tốt chế độ tiền lương, các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nhất là chế độ, chính sách đặc thù đối với các đối tượng ở đơn vị (dân chủ, công khai, công bằng, chính xác) là trách nhiệm của cơ quan chính sách các cấp và những người làm công tác chính sách. Vì vậy, đề nghị các đồng chí cần chủ động làm tốt công tác tham mưu, đề xuất chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với các đối tượng, góp phần xây dựng quân đội, hậu phương quân đội vững mạnh trong tình hình mới./.








tải về 140.63 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương