Bài 9: Xuân Trường Sa



tải về 36.49 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích36.49 Kb.
#29674
Bài 9: Xuân Trường Sa
Ðêm Trường Sa, vẳng đưa theo gió thánh thót tiếng chuông chùa. Không gian yên bình quá! Giữa bốn bề phong ba, bão tố, rạng ngời lên một khí phách Trường Sa.

 Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Lớn vui văn nghệ sau giờ huấn luyện



  
Gió gầm réo. Biển quăng quật những con sóng dữ, như muốn nhấn chìm hết thảy. Con tàu trọng tải cả nghìn tấn mà chòng chành chừng như một chiếc lá tre. Nhưng hành trình vẫn thẳng hướng. Trường Sa đó! Những nếp nhà ngay ngắn thấp thoáng dưới bóng cây xanh. Trường Sa đó! Trên cầu tàu xa tít, những bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy, chào đón những chuyến tàu từ đất liền chở Xuân ra đảo, mang đủ đầy những gạo nếp, lợn, gà, lá dong... và cả những cành mai nhỏ nồng nàn hơi ấm đất liền.

Trên đảo Trường Sa lớn, chiến sĩ trẻ Nguyễn Tấn Hải, quê Cam Lâm (Khánh Hòa) đang chuẩn bị hành trang chuyển công tác về đất liền. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ của mình ở Trường Sa. "Trường Sa là ngôi nhà thứ hai của em. Hồi mới ra, em bỡ ngỡ lắm. Các anh ở đây chỉ bảo em từng tí một, sống với nhau như ruột thịt. Giờ em tự tin lắm rồi! Những ngày sống ở Trường Sa, với em là những ngày thật đẹp, thật khó quên, anh ạ!". Hải bùi ngùi bộc bạch.

Còn Trần Thanh Tú, một chiến sĩ trẻ vừa mới đặt chân lên quần đảo Trường Sa bày tỏ: "Nghe nhiều, thấy nhiều trên ti-vi, nay được đặt chân lên vùng biển đảo xa xôi này của Tổ quốc, em thấy bồi hồi quá. Em biết, hiện đang có rất nhiều bạn thanh niên ước muốn được như em. Em sẽ cố gắng hết sức để xứng đáng với vinh dự này".

Tết này, Hải ăn Tết cùng gia đình. Còn Tú ăn Tết cùng đồng đội. Cái Tết đầu tiên ở đảo chắc hẳn sẽ đọng lại trong Tú thật nhiều cảm xúc, như ngày trước Hải từng trải qua. Cả Hải, cả Tú đều rất trẻ. Các anh đã và đang dâng hiến sức trẻ của mình cho sự lớn mạnh không ngừng của Ðoàn Trường Sa anh hùng.

Tôi đến lớp học của cô giáo Bùi Thị Nhung, ở thị trấn Trường Sa. Trên bảng đen, có những dòng thơ của Trần Ðăng Khoa: "Em ơi cứ ngủ/ Tay anh đưa đều/ Ba gian nhà nhỏ/ Ðầy tiếng võng kêu..." Cô giáo đang dạy cho các em nhỏ biết yêu ông bà, cha mẹ, biết yêu những ngôi nhà xinh xắn bên bờ biển xanh đầy nắng và gió Trường Sa. Trong năm 2011, cô giáo Nhung có thật nhiều niềm vui: Ðược kết nạp vào Ðảng ngày 3-1-2011, chỉ mấy ngày trước Ðại hội lần thứ XI của Ðảng diễn ra. Cô giáo xúc động nói: "Ðược kết nạp Ðảng ngay trên vùng biển đảo của Tổ quốc thế này, em thấy mình hạnh phúc lắm".

Và cũng trong năm 2011, cô giáo Nhung đã sinh thêm một em bé - một công dân mới của quần đảo Trường Sa anh hùng. Lớp trẻ ở Trường Sa, như con của cô giáo Nhung ở đây chẳng hạn, ngày ngày không chỉ sống trong tình thương yêu của ba mẹ mà còn được sống trong sự chở che, đùm bọc của những người lính. Rồi các em sẽ lớn lên, sẽ cứng cáp như những cây phong ba, cây bão táp ngày thêm vững vàng, hiên ngang trước sóng gió trùng khơi cùng cha anh giữ gìn quần đảo Trường Sa - vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Lâu nay, các đảo trên quần đảo Trường Sa luôn coi công việc cứu hộ, cứu nạn tàu cá của dân là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trên đảo Song Tử Tây, Thượng úy Lê Hanh, Bệnh xá trưởng của đảo cho biết, ngư dân mình thường xuyên vào đây khám bệnh, lấy thuốc. Không chỉ có vậy, bệnh xá ở đây đã cấp cứu nhiều trường hợp ngư dân bị tai nạn trên biển. Tháng 10-2011 vừa qua, anh Phạm Văn Thương trên tàu QNg 6417 do lặn sâu tới 40 m nên bị giảm áp nghiêm trọng. Trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ bị tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Ðược điều trị khỏi hẳn bệnh, trở lại tham gia sản xuất, anh Thương xúc động không kể xiết: "Nhờ có các anh ở đây đã giành lại sự sống cho tôi!".

Ngồi trên boong tàu ướt sũng nước, Ðại tá Nguyễn Ðức Vượng, Phó Chính ủy vùng D Hải quân cho biết, những năm qua, tiềm năng to lớn về kinh tế biển của cả vùng biển đảo Trường Sa đang từng bước được phát huy.  Cán bộ, chiến sĩ trên các đảo cùng lớp lớp các thế hệ ngư dân kiên cường bám biển, không chỉ khai thác tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá mà còn góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các lực lượng trên đảo đã phối hợp chặt chẽ thực hiện hai nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ngày thêm vững chắc.

Từ rất sớm trước Tết, các đảo đã chuẩn bị bàn thờ Tổ quốc, Bác Hồ, đủ đầy và ấm áp hương hoa. Thường ngày, nhà cửa vốn đã gọn ghẽ, tinh tươm rồi, ấy vậy mà sắp Tết, anh em vẫn cứ lúi húi lau chùi. Rồi lại trang trí cho thật đẹp. Không có mai vàng tươi thì đã có những cành mai vàng giấy. Những bữa cơm cuối năm trên đảo  thật đầm ấm, thiêng liêng, đậm đà phong vị quê hương. Vẫn thịt gà, thịt lợn, vẫn bánh chưng, bánh dày. Sau bữa cơm, anh em hăng hái tham gia hái hoa dân chủ, ca hát.

Chủ tịch HÐND huyện Trường Sa Nguyễn Văn Thắng khoe: Năm 2011 vừa qua, quân và dân huyện đảo Trường Sa đã hoàn thành một cách xuất sắc các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng chính quyền... ở Trường Sa, Tết đến sớm cả tháng so với đất liền. Từ trước Tết rất lâu, bên cạnh các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, anh em trên đảo đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; phát động, hưởng ứng phong trào thi đua "Mừng Ðảng, mừng Xuân ra quân quyết thắng"... Nghe tình hình kinh tế - xã hội đất nước phát triển, đời sống nhân dân quê nhà được nâng cao, anh em ai nấy đều rất yên lòng về hậu phương vững chắc của mình.

Ngày Xuân rộn rã, bất giác, tôi nhớ mấy câu thơ của bác sĩ quân y Từ Công Tào, người đã có rất nhiều năm gắn bó với Trường Sa: "Ðụn mây giăng ở chân trời/Nhấp nhô như thể núi đồi quê hương". Mây mà cứ ngỡ đất đai quê nhà! Phải, Tổ quốc dường như luôn hiện lên thật gần, thật rõ trong tâm trí những người con từ khắp mọi miền đất nước đang sinh sống, lao động và chiến đấu ở tuyến đầu Trường Sa.

Xuân đang đến. Trong trạm gác trên đảo, những nụ mai vàng chúm chím cứ khẽ đong đưa, đong đưa.

Ngoài kia, có tiếng con chim chiền chiện reo vui lảnh lót, nghe xao xuyến cả đất trời Xuân.

Tết về trên đảo xa

Lại bắt đầu một mùa Xuân bằng cái Tết trên xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo Sinh Tồn - nơi tiền tiêu của Tổ quốc - náo nức đón Tết trong không khí nồng ấm, vui tươi.




Thời khắc tiễn đưa năm cũ và đón mùa Xuân mới thật có ý nghĩa đối với những người lính ngoài đảo xa chúng tôi. Chúng tôi thêm một tuổi mới trên đảo quê hương, trên biển Việt Nam. Mùa Xuân mới đánh dấu sự trưởng thành mới trong đời quân ngũ của chúng tôi. Mùa Xuân mới cùng với Tết cổ truyền dân tộc cũng để lại trong chúng tôi biết bao ký ức đẹp.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ vùng biển trời Tổ quốc, để có những ngày Tết thật đầm ấm, vui vẻ, cán bộ, chiến sĩ chúng tôi còn tổ chức thi đua giữa các đơn vị và được tổ chức thật chu đáo. Đầu tiên là tổng dọn vệ sinh trên đảo sao cho ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng. Trang trí bàn thờ Tổ quốc là công việc không thể thiếu trong những ngày này. Sự thiếu thốn ngoài đảo xa được khắc phục bởi sự sáng tạo, khéo léo từ bàn tay những người lính trẻ. Bàn thờ Tổ quốc được trải khăn vải vuông vắn. Bát hương làm từ vỏ đồ hộp, dán giấy đề can bên ngoài. Mâm ngũ quả gồm những hoa trái của những người lính nơi đảo xa tự tăng gia với nải chuối, dừa (thay cho quả bưởi), đu đủ cùng những chùm quả tra chín mọng mà bộ đội đảo hay gọi là nho đảo. Rực rỡ nhất là cây mai vàng. Chúng tôi đã khéo léo sử dụng những chiếc dây thừng và dây kẽm cuốn bên ngoài bằng vỏ ni lông làm thân cây mai. Những cành mai nhỏ được làm từ dây điện và dây đồng. Những bông hoa mai bằng lụa từ đất liền gửi ra được chúng tôi gắn kết thành một cành mai vàng rực rỡ làm bàn thờ thêm tươm tất và đầy ý nghĩa.

Những nhu yếu phẩm và quà Tết, báo Tết từ đất liền gửi ra được cán bộ, chiến sĩ trên đảo bảo quản, giữ gìn cẩn thận, đặc biệt là những chiếc lá dong để gói bánh chưng. Quá trình vận chuyển dài ngày, những chiếc lá có thể bị khô hoặc bị hỏng. Một chị nhà báo theo tàu mang hàng Tết ra đảo đã gặp và hỏi tôi về kinh nghiệm bảo quản lá dong, câu trả lời của tôi khiến chị thật thán phục: “Năm nay, rút kinh nghiệm của những năm trước, chúng em sẽ lấy lá dong quấn vào các bẹ của cây chuối, vì bẹ cây chuối có nước và làm lá dong không bị khô có thể để được dài ngày”.



Gói bánh chưng đón Tết trên đảo Sinh Tồn






Những cành mai theo bước các tân binh ra Trường Sa. (Ảnh: Phương Hoa)



Những nét mặt của các chiến sĩ lần đầu tiên ăn Tết trên đảo xa gia đình nhìn hóm hỉnh và đầy háo hức xen lẫn chút tò mò. Không khí nhộn nhịp đã xóa đi những nỗi nhớ nhà của các chiến sĩ. Tôi đã có nhiều năm công tác và ăn những cái Tết ngoài đảo xa. Bên cạnh niềm vui ăn Tết cùng đồng đội, trong tôi có nỗi nhớ mong đất liền. Tôi nhớ tới người vợ hiền cùng con gái 2 tuổi cũng đang ăn Tết ở thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, nơi xa gia đình nội, ngoại. Tôi thương vợ đã tần tảo một mình nuôi con. Đặc biệt hơn là con tôi bị bệnh rò trực tràng tiền đình, đã đi mổ hai lần mà vẫn chưa khỏi. Tiếp tục những cái Tết chỉ có hai mẹ con, chắc rằng sự tủi thân của vợ tôi cũng có, nhưng tôi biết vợ tôi luôn hiểu nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng của những người lính hải quân là bảo vệ vùng trời, vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Vợ tôi đã luôn chia sẻ, động viên, để tôi yên tâm công tác.

Nơi xã đảo Sinh Tồn có 7 hộ dân, thì từng hộ được kết nghĩa với từng đơn vị trên đảo. Đón Tết nơi hải đảo xa xôi, quân với dân cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét thắm thiết tình quân dân. Chiều 29 Tết, nhiệm vụ đã được phân công cho từng người, từ đãi gạo, thái thịt, bóc hành, rửa lá dong đến khâu gói bánh và cuối cùng là người trực nấu bánh. Không khí gia đình đã bao trùm lên tất cả, thật tình cảm và ấm áp.

11h trưa ngày 30 Tết, tổ thi đua của đảo bắt đầu đi chấm điểm về trang trí bàn thờ và mâm cỗ Tết. Lúc này, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng. Mâm cỗ Tết của những người lính nơi đảo xa chúng tôi trong điều kiện thiếu thốn hơn trong đất liền, nhưng vẫn đầy đủ các món như xôi, bánh chưng, thịt gà, thịt lợn, nem cuốn, mì phở,… Sinh động nhất là món nộm tai heo cuốn lá tra non và món nộm thịt ngan xé phay, sản phẩm tăng gia của những người lính trên đảo. Những bàn tay khéo léo đã tạo những chiếc lá tra thành  hình trái tim đặt phía dưới đĩa nộm tai heo. Những con cá mà bộ đội đánh bắt được, được chiên vàng, làm thành món cá sốt cà chua nhìn đẹp mắt làm sao. Những lon bia và lon nước ngọt được sắp thành hàng chéo hai đầu bàn…

Chiều 30 Tết, các hoạt động thể thao diễn ra sôi nổi, chúng tôi thi kéo co, bóng chuyền... Gió biển và hơi nước mặn làm làn da của những người lính sạm đen nhìn khỏe khoắn và cứng cáp. Những nét mặt tươi vui, những tiếng cổ vũ nồng nhiệt cùng nhau kéo không khí Tết lại gần hơn với những người lính đảo. Càng sôi nổi hơn vào buổi tối hái hoa dân chủ và thi hát karaoke. Những câu hỏi treo trên cành mai được những người lính trả lời trôi trảy như: “Đồng chí có thấy buồn khi mọi người đang chơi trò chơi mà một mình đồng chí phải đi trực?”. Một chiến sĩ mới ra đảo đã trả lời một câu rất đơn giản: “Vui Xuân mới không quên nhiệm vụ”. Đúng là những người lính đảo luôn biết nhiệm vụ chính là giữ hòa bình, ổn định trên biển quê hương… Những bài ca, tiếng hát về quê hương đất nước, Bác Hồ, biển đảo… càng tô thêm nét đẹp trong đời sống tinh thần của những người lính ngoài đảo xa.

Thế rồi thời khắc Giao Thừa cũng đến, đồng hồ đã điểm 0 giờ, 0 phút bước sang những giây, phút đầu tiên của ngày Mùng Một Tết, chúng tôi tập trung tại hội trường nghe thư chúc Tết của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và xem bắn pháo hoa trên cầu truyền hình. Lúc này, những lời chúc năm mới vang khắp xã đảo, những cái bắt tay chân tình, những gương mặt đầy xúc động…

Để lại sau lưng tiếng cười, lời chúc rộn ràng, tôi ra chùa thắp hương cầu cho mình và đồng đội luôn mạnh khỏe, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, sau đó là lời cầu nguyện cho gia đình, vợ con… Mùi hương trầm lan tỏa… tôi thư thái đi dạo bên biển. Tiếng sóng biển vỗ bờ dội vào lòng tôi, ngỡ như tiếng pháo ngày xưa vọng về. Cầm điện thoại di động tôi gọi điện về chúc Tết gia đình và để nghe những lời chúc thân thương từ đất liền.

Tôi mong trời mau sáng để cùng đơn vị đi chúc Tết các hộ dân. Chúng tôi sẽ lì xì cho các em nhỏ những gói bánh, gói kẹo cùng những lời chúc chăm ngoan, học giỏi, mạnh khỏe như cá ngoài biển khơi.

Mùa Xuân vẫn đang về, tôi đứng đây giữa biển trời Tổ quốc, lòng tràn đầy niềm tin vào khí thế của mùa Xuân tươi mới. Đảo thân yêu ơi, “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” - những tình cảm dạt dào như sóng biển quê hương xin được giữ nơi sâu thẳm con tim mình.








tải về 36.49 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương