Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam Phật Học Khái Luận



tải về 2.42 Mb.
trang24/24
Chuyển đổi dữ liệu16.11.2017
Kích2.42 Mb.
#34339
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24

Tiết III - Quả vị Sa-môn


Một hôm vua A-xà-thế (Ajàtasattu) đến yết kiến Thế Tôn và hỏi về kết quả thiết thực của hạnh Sa-môn (hạnh xuất gia) và đã được Thế Tôn dạy đại để có những kết quả sau đây:

1. Dù là kẻ nô bộc của nhà vua xuất gia thì nhà vua cũng không gọi về mà còn cung kính đảnh lễ và cúng dường -- nhà vua phát biểu.

2. Dù là nông dân xuất gia, nhà vua cũng không bảo trở lại đời sống nông dân, nhà vua còn cung kính đảnh lễ và cúng dường -- nhà vua phát biểu.

3. Dù là các thứ dân khác xuất gia, cũng thế, nhà vua sẽ cung kính đảnh lễ và cúng dường -- nhà vua phát biểu.

4. Do trú trên giới nên không dao động, không sợ hãi, được hoan hỷ, sung sướng ngay trong hiện tại.

5. Do sống biết đủ, từ bỏ sân hận, tham ái nên cảm thấy hoan hỷ, sung sướng ngay trong hiện tại.

6. Do đoạn trừ Năm triền cái mà tâm hoan hỷ, sung sướng.

7. Do tu Thiền định, dần dần từ bỏ tầm, tứ, hỷ, lạc, để chứng đắc Tứ Thiền (xả niệm, lạc trú) được sung sướng, an lạc ngay trong hiện tại.

8. Do từ bỏ sắc giới, chứng được các Thiền vô sắc, nên được sung sướng, an lạc.

9. Do từ bỏ các Vô sắc để vào Diệt thọ tưởng định, chánh trí sinh khởi. Ðây là kết quả thiết thực, rất thiết thực của hạnh Sa-môn.

10. Từ Diệt thọ tưởng định, các lậu hoặc được đoạn trừ, giải thoát và tri kiến giải thoát sinh. Ðây là kết quả thiết thực nhất trong tất cả kết quả thiết thực của hạnh Sa-môn (theo kinh Sa-môn Quả, Trường Bộ I; Trường A-hàm, số 26).

Do nhiếp phục Năm triền cái, tu sĩ chứng Sơ Thiền. Có thể từ Sơ Thiền, Tỷ-kheo đoạn trừ thân kiến và chứng đắc Tu-đà-hoàn quả. Thông thường thì từ Tứ Thiền, tu sĩ quán vô ngã, vô thường của các pháp và có thể chứng đắc từ Sơ quả Thánh (Tu-đà-hoàn) đến Tứ quả Thánh (A-la-hán).

Lộ trình tu tập của vị Tỷ-kheo là lần lượt đoạn trừ mười kiết sử. Nếu đoạn trừ được ba kiết sử đầu (thân kiến, nghi và giới cấm thủ) thì chứng đắc quả Thất lai (Tu-đà-hoàn, Nhập lưu), nếu làm muội lược thêm dục và sân kiết sử, thì chứng đắc quả Nhất lai (Tư-đà-hàm). Nếu hoàn toàn đoạn trừ Năm hạ phần kiết sử (thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục và sân) thì chứng đắc quả Bất lai (A-na-hàm). Nếu đoạn trừ hết Năm thượng phần kiết sử (hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử và vô minh) thì chứng quả A-la-hán. Ðây là quả vị Sa-môn cao nhất, hoàn toàn giải thoát sanh tử, khổ đau.

Bốn quả vị Sa-môn này chỉ có ở Phật giáo mà không thể có ở bất cứ một tôn giáo nào khác. Chỉ có bốn quả vị ấy là chân chính của bậc Thánh: quả Tu-đà-hoàn còn được gọi là quả Nhập lưu (bước vào dòng Thánh), quyết định đi thẳng vào giải thoát đó; từ quả vị Nhập lưu đến Bất lai là Thánh Hữu học, có nghĩa là còn có phần phải tu tập; quả vị A-la-hán gọi là Thánh Vô học hay vô lậu, là quả vị đã đoạn tận tham ái, chấp thủ và vô minh, hoàn toàn thoát ly sinh tử (theo Kinh Ðại Sư Tử Hống, Trung Bộ I và Sư Tử Hống Kinh, Trung A-hàm, số 24).

Có quan điểm cho rằng bốn quả vị trên chỉ là quả vị nhỏ, thuộc quả Thanh văn. Nhưng thực sự đi vào nội dung chứng ngộ thì không phải thế. Quả vị A-la-hán, với sự tận trừ mười kiết sử đã là quả vị chứng ngộ sau cùng của một đệ tử của Thế Tôn. Kinh Kim Cương cũng chỉ định nghĩa: chấp thủ ngã, pháp diệt là đắc A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề; Kinh Lăng-già thì định nghĩa Thức diệt là Niết bàn; do đó, ở mặt Tuệ giải thoát, quả A-la-hán đã đoạn tận thức, thủ, ái, vô minh... nên phải là quả vị chứng ngộ sau cùng, dù tại quả vị này khả năng thể nhập Pháp thân có khác nhau giữa A-la-hán Thanh văn, A-la-hán Bích-chi, Bồ-tát và A-la-hán Chánh Ðẳng Giác.

Mười quả vị tu chứng của Bồ-tát được trình bày ở Thập Ðịa Kinh (Hoa Nghiêm tông, "Các Tông Phái Ðạo Phật", của Junjiro Takakusu; bản dịch của Tuệ Sỹ 1973, Tu thư Ðại học Vạn Hạnh) cũng đến qua ngõ đường Thiền định (hay Giới, Ðịnh, Tuệ): 

- Sơ địa hay Hoan hỷ địa chỉ là quả vị kiến đạo, thấy rõ ngã không và pháp không.

- Nhị địa hay Ly cấu địa là quả vị viên mãn về Giới (giới thanh tịnh), 

- Tam địa hay Phát quang địa thì hoàn bị nhẫn nhục. 

- Tứ địa hay Diệm huệ thì hoàn bị tinh tấn. 

- Ngũ địa hay là Nan thắng địa là quả vị viên mãn Thiền định.

- Lục địa hay Hiện tiền địa thì hoàn bị về Tuệ. 

- Thất địa, hay Viễn hành địa thì đoạn trừ thân kiến và tu tập đại bi. 

- Bát địa, hay Bất động địa, trú vô ngã tưởng, lìa xa ngã và pháp.

- Cửu địa, hay Thiện huệ địa thì thành tựu mười lực, biết rõ căn cơ chúng sinh đáng được độ hay chưa đáng được độ. 

- Thập địa hay Pháp vân địa, thì có thể thuyết giảng cho tất cả thế giới. Ðấy thực sự là quả vị Phật, Thế Tôn.

Hình thức trình bày quả chứng Thập địa có khác với hình thức trình bày ở Tứ quả Sa-môn. Tuy nhiên, xét theo nội dung của chứng đắc thì quả vị A-la-hán được xem tương đương với ba quả vị sau cùng của Thập địa. Trường hợp Tôn giả Xá-lợi-phất đã được Thế Tôn xác nhận có thể thay Thế Tôn để chuyển vận bánh xe pháp, có nghĩa là có thể thuyết pháp cho bất cứ ai muốn nghe.

Nếu xét về mặt lục độ Ba-la-mật, như được trình bày ở Bát-nhã, thì vị A-la-hán cũng đầy đủ sáu Ba-la-mật vậy. Thuyết pháp mà vô trú tướng, đấy là bố thí Ba-la-mật. Trì giới mà vô trú tướng, như vị A-la-hán vẫn an trú trong giới mà vẫn lìa khỏi hết mọi chấp thủ, đấy là trì giới Ba-la-mật. Nhẫn trú ở Không tánh mà vẫn thuyết pháp giáo hóa quần sinh của A-la-hán, đó là Nhẫn nhục Ba-la-mật. Vị A-la-hán đã viên mãn hạnh tinh tấn, lìa hết mọi chấp thủ tướng, đó là Tinh tấn Ba-la-mật. Vị A-la-hán đắc Chánh trí, đoạn trừ hết lậu hoặc, đã đạt đỉnh cao của Thiền định mà vừa lìa hết chấp thủ, vô minh, đấy là Thiền định Ba-la-mật và Trí tuệ Ba-la-mật.

Nếu đừng để mình vướng mắc vào ý nghĩa của ngôn từ thì chúng ta có thể dễ dàng đi ra khỏi ngộ nhận cho rằng A-la-hán là Thanh văn quả nhỏ. Thực sự A-la-hán đã là quả giải thoát tối hậu của thân giải thoát.

Ðiểm nhận thức sau rốt mà chúng ta phải ổn định là: một khi vị A-la-hán đã đoạn hết vô minh, chấp thủ, thì không còn bất cứ một đối tượng nào bị chấp thủ nữa; một khi mà vị A-la-hán đã đoạn hết vô minh, lậu hoặc, thì không còn một tập khí sinh tử nào còn rơi rớt lại. Chỉ có trường hợp vị Khô đầu A-la-hán và A-la-hán vừa mới chứng Ðạo thì thật sự chưa hoàn toàn dứt hết tập khí sinh tử; phải cần một thời gian ngắn nữa để vị A-la-hán này hành Ðịnh và Tuệ nhuần nhuyễn, khi còn mang thân Năm uẩn này, cho đến lúc thực sự đắc A-la-hán quả./.

 

---o0o---


Tiết IV - Ngũ Minh

Ngũ minh là Thanh minh, Công xảo minh, Y phương minh, Nhân minh và Nội minh.

Giáo lý về Ngũ minh này khá quen thuộc với tu sĩ và Phật tử tại gia Việt Nam. Chúng ta không thấy Ngũ minh được đề cập trực tiếp ở các Nikàya và A-hàm. Tuy nhiên, Tam tạng của Phật giáo ở Hán tạng lại ghi rõ và đề cập đến nhiều, bởi lẽ Ngũ minh được phát huy từ khu vực Phật giáo ở Bắc Ấn. Bồ-tát Trì Ðịa Kinh, cuốn 3 và Tây Vực Ký, cuốn 2, của Ðường Huyền Trang có giảng rõ. Xuyên qua các Nikàya và A-hàm chúng ta cũng có thể rọi thấy Ngũ minh được biểu hiện qua các đại đệ tử của Thế Tôn.

Thanh minh, là khả năng thông thạo về ngôn ngữ, văn từ. Công xảo minh là khả năng thông thạo về nghề nghiệp, toán học, khoa học, văn chương, triết lý thuộc ngoại điển. Y phương minh là khả năng hiểu biết về y lý, thuốc men, trị bệnh. Nhân minh là khả năng thông thạo về chánh, tà, đúng, sai... là khả năng luận lý, lý giải. Nội minh là kiến thức thông rõ (gồm cả kinh nghiệm tu tập) ba tạng Kinh điển của Phật giáo.

Một vị tu sĩ có đủ năm khả năng trên là một vị tu sĩ rất hoạt dụng, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho đời, và sẽ truyền đạo sâu rộng vào quần chúng.

Hẳn là có rất ít tu sĩ thiện xảo đủ Ngũ minh. Vì vậy, toàn thể chư Tăng có thể bổ túc cho nhau. Thông thường phần lớn các tu sĩ được đào tạo từ nhỏ trong nhà chùa thì yếu về Công xảo minh và Y phương minh; về mặt này nếu muốn biểu hiện sức sống tích cực độ đời của Phật giáo, quý vị tu sĩ cần được huấn luyện.

Qua giáo lý Ngũ minh, chúng ta đã có thể hình dung ra được một tu sĩ đi vào cuộc đời cần trang bị cho mình những gì; chúng ta cũng có thể thấy được sự đóng góp tích cực của Phật giáo đến hạnh phúc thiết thực của người đời. Ðồng thời, chúng ta cũng thấy nổi bật nét tâm lý xã hội là Phật giáo áp dụng gắn liền với việc thuyết giảng đạo Phật qua Y phương minh và Công xảo minh. Dĩ nhiên, ở đây vị tu sĩ hẳn là cần vận dụng "Tứ nhiếp pháp" trên đường hoằng hóa. Chính Tứ nhiếp pháp là nghệ thuật cảm hóa người đời, sau đó qua thân giáo và khẩu giáo, vị tu sĩ giới thiệu giáo lý giải thoát.

Giáo dục để đào tạo Ngũ minh cho quý vị tu sĩ là một hệ thống giáo dục tốt đẹp của Phật giáo trong bất cứ thời đại nào, ở bất cứ nền văn hóa nào.

Vào thời Thế Tôn tại thế, một số các đại đệ tử của Thế Tôn xuất thân vốn là học giả của Ba-la-môn, hoặc bác học ở đời, nên khi được Thế Tôn tế độ thì sẽ dễ dàng có đầy đủ Ngũ minh. Nhờ đó mà các Tôn giả này đã đóng góp rất nhiều và hữu hiệu trong việc hoằng đạo, điển hình là hai Tôn giả Xá-lơi-phất và Mục-kiền-liên. Ở Việt Nam, các Thiền sư xuất thân từ các nhà Nho lỗi lạc cũng đã đóng góp rất nhiều trong việc chấn hưng Phật giáo như Pháp sư Huyền Quang và nhiều Thiền sư khác đời Lý, Trần...

Tại đây, chúng ta hãy nghe Thế Tôn dạy như thế nào là một vị trưởng lão được chư Tăng ái mộ, ưa thích, tôn trọng, noi gương.

"Ðạt được nghĩa vô ngại pháp, pháp vô ngại giải, từ vô ngại giải, đối với các sự việc, các vị đồng Phạm hạnh cần phải làm, hoặc lớn hoặc nhỏ, vị ấy thiện xảo, không có biếng nhác, thành tựu trí phương tiện, ở đây vừa đủ để làm, để khiến người làm. (Tăng Chi II-B, 1981, tr.148).

Ðạt được nghĩa vô ngại và pháp vô ngại giải là Nội minh; "Từ" vô ngại giải là Thanh minh; biện tài vô ngại giải là Nhân minh; thành tựu trí phương tiện ở trên có thể hàm chứa ý nghĩa Công xảo minh và có lẽ cả Y phương minh.

Thế là, mẫu người tu sĩ có đầy đủ Ngũ minh là mẫu người lý tưởng nhất trong việc truyền bá Phật giáo, thuyết pháp độ sinh và cả về phần tự tu tập.

Phật giáo ngày nay và mai sau không phải băn khoăn đi tìm mẫu người giáo dục để đào tạo Tăng tài nữa, mà chỉ suy nghĩ đến con đường thể hiện, thực hiện đến một mức độ tốt nhất mà thời đại có thể.

Hẳn là sinh hoạt tu và học của tu sĩ Phật giáo không phải là một sinh hoạt khép kín, mà được mở rộng. Các trung tâm Phật giáo phải là các trung tâm văn hóa của đời và đạo, không bao giờ có mặt của bất cứ một ý nghĩa tiêu cực, yếm thế hay mê tín, thần bí nào trong sinh hoạt của đoàn thể chư Tăng cả. Tập thể chư Tăng là một tập thể có sinh hoạt rất nhân bản, lợi tha và đậm sắc màu văn hóa, giáo dục, xã hội và dân tộc. Yếu tố dân tộc và văn hóa dân tộc, theo tinh thần hành động của Tứ nhiếp pháp, hẳn là có mặt trong sinh hoạt của đoàn thể này.

Một nhà giáo dục nhân bản của học đường ngày nay đòi hỏi có đủ khả năng hướng dẫn tâm lý, hướng nghiệp bên cạnh khả năng trao truyền kiến thức chuyên môn (dạy học). Trong phần hướng dẫn tâm lý, các khải đạo viên hay hướng dẫn viên (counsellors) vẫn thường lúng túng trước vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng của học viên hay thân chủ. Ở đây, tu sĩ Phật giáo với đầy đủ Ngũ minh, quả thực là một hướng dẫn viên (hay khải đạo viên) lý tưởng, hay tương đối lý tưởng. Với người tu sĩ, thì học viên (hay thân chủ) lại đặt nhiều tin cậy hơn là đối với các người hướng dẫn khác, và dễ dàng phơi bày những chuyện uẩn khúc tâm lý của mình, hầu giúp người hướng dẫn thấy rõ vấn đề để hướng dẫn hữu hiệu.



Thực hiện được vai trò của tu sĩ là nói lên một cách cụ thể rằng đạo Phật không lìa đời, không tách khỏi cuộc đời: đạo và đời là một; đạo vốn là đời được giải thoát khỏi các phiền não. Cứu khổ, giải thoát khổ cùng lúc cho mình và cho đời há không phải là bản nguyện của Thế Tôn ra đời đó sao?
---o0o---

HẾT



1 Bản dịch của Nguyên Hồng, Phật học viện Nha Trang, 1957.

2 Đại kinh Saccaka (Mahàsaccakasuttam), Trung Bộ I.

3 Hán tạng: tập Ðại II, 224c, Trung 137, Ðại I 645b.

4 Tượng Tích Dụ Ðại Kinh, Trung Bộ I - M 28, Tương Ưng III, tr. 144. Tiểu Bộ I, tr 489 - bản in sau năm 1975 và trước Ðại Tạng Kinh Việt Nam.

5 Mahàhatthipadopamasuttam, Trung Bộ I - Hán tạng: Tượng Tích Dụ Ðại Kinh, Ðại I, 464b.

6 Vicchagottaggisuttam, Trung Bộ II - Hán tạng: Kinh Kiến, Ðại II, 245b

7 Itivuttaka, Tiểu Bộ Kinh I, bản dịch của HT. Thích Minh Châu, 1982, tr. 443.

8 Kinh Pàlika - Kinh Ba-lê, Trưởng Bộ Kinh 24, Digha- Nikàya Vol. III PTS. London. 1992, p. 34.

9 Thiền Luận, Suzuki, cuốn hạ, tr. 173, bản dịch củaTuệ Sỹ

10 Tăng Chi IV-B, bd HT Minh Châu, tr. 220; Tương Ưng I, bd HT Minh Châu, tr. 1; Trung Bộ III, Nhất Dạ Hiền giả.

11 Dhp 1 & 2; Tăng Chi I, phẩm Bốn Pháp, phẩm Đọa Xứ; Tăng Chi II, 1988 tr. 77; Trung Bộ III, Kinh Đại Nghiệp Phân Biệt.

12 Tương Ưng I; Hán tạng tập 36, 3 Đại 3, 260c; Biệt tập 8: 1, Đại 2

13 Trung Bộ III, Kinh A-nan Nhất Dạ Hiền; Hán tạng: A-nan-đà Thuyết Kinh, Trung A-hàm, số 167, Đại 1, 699c.

14 Trung Bộ II; Hán tạng Tiểu Du Kinh, Đại 1, 804a, Đại 1, 917.

15 Tăng Chi IV, tr. 39; Tăng Chi II, Phẩm Bốn Pháp.

16 Anguttara Nikàya, Colombo. 1929 tr. 115; Tăng Chi I, 1980, tr. 216-217, bd HT Minh Châu, Kinh Tư Sát, Trung Bộ I.

17 Sàmagàmasuttam, Trung bộ III; Hán tạng, Kinh Tịnh Bất Động Đạo, Trung 75; Đại 1, 542b.

18 Tương Ưng I, chương Tương Ưng Phạm Thiên, phần Cung Kính, 1982, tr. 171.

19 Trung Bộ I, Kinh Thánh Cầu; Hán tạng: Kinh La-ma, Đại I, 775c.

20 Trung Bộ III, Kinh Giới Phân Biệt; Hán tạng: Kinh Phân Biệt Luật, Giới, Đại I 690b.

21 Tăng Chi I, Bd HT Thích Minh Châu, 1980, tr. 30.

22 Tương Ưng I, Bd HT Thích Minh Châu, phẩm kinh "Các Ngoại Đạo".

23 Tăng Chi I, tr. 30; Trưởng Lão Tăng Kệ

24 Tương Ưng V, phẩm Bệnh.

25 Tương Ưng II, Tương Ưng Kassapa.

26 Trung Bộ III, Kinh Tùy Phiền Nảo; Hán tạng: Trường Thọ Vương Bổn, Trung A-hàm, số 72 Đại I, 5320

27 Tương Ưng V, phẩm Bệnh

28 Tăng Chi Bộ, II-A, bd HT Minh Châu, tr, 250.

29 Kinh Bhàradvàja, Người cày ruộng. Kinh Tập, số 12, Tiểu Bộ Kinh

30 Trường Bộ I, bd HT Minh Châu, tr. 114-115.

31 Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, số 47.

32 Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, số 51.

33 Tương Ưng I, phẩm Dạ-xoa

34 Tiểu Bộ Kinh, Kinh Phật Thuyết Như Vậy, 1982, tr. 478-479.

35 Tương Ưng III, phẩm Càn-thát-bà, bd HT Minh Châu, 1982, tr. 269.

36 Tương Ưng III, phẩm Càn-thát-bà, bd HT Minh Châu, 1982, tr. 269.

37 Ibib., tr. 262-263.

38 Bản dịch của Lê Ðình Thám, Tu thư Viện Phật học Vạn Ha/nh sưu tập, 1982, tr.2.

39 Thiền Luận, D.T. Suzuki, bd. Tuệ Sỹ, cuốn Hạ, tr.173.

40 Spaulding, The New Relationalism, New York, Henry Holt and Company, 1918, pp 106-107.


tải về 2.42 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương