Truyền Thuyết Bồ Tát Quan Âm Diệu Hạnh Giao Trinh (dịch Việt) o0o Nguồn



tải về 1.13 Mb.
trang15/32
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích1.13 Mb.
#28855
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   32

21 - HOA ÐẠO VẼ TRỘM TƯỢNG LA HÁN

Xưa thật là xưa, trên đảo Tù Tiên có một ngôi chùa tên là Linh Âm Tự, vị thầy trụ trì pháp hiệu là Hoa Ðạo. Khách hành hương lai vãng không đông nên mức sống của chùa cũng hơi khó khăn. Một năm kia, thầy Hoa Ðạo lên Phổ Ðà Sơn dự lễ khai quang của Quan Âm Bồ Tát, nhìn thấy chùa Pháp Vũ có La Hán Ðường, trong ấy có 18 tượng kim thân La Hán, thần thái mỗi vị mỗi khác, hấp dẫn khách hành hương đến rất đông. Thầy nghĩ : giá như Linh Âm tự cũng xây một phòng "La Hán Ðường" đắp 18 tượng La Hán thì chắc là tiền hương hỏa sẽ khá lên rất nhiều.


Nghĩ thế xong, trong trí thầy chợt loé lên một mưu kế, thầy bèn xuất tiền mướn một vị du tăng biết vẽ, nhờ vị ấy vẽ trộm phạm tướng của 18 La Hán, đem trở về Linh Âm tự, rồi vội vội vàng vàng xây một tòa La Hán Ðường và nắn 18 tượng La Hán một cách qua loa sơ sài. Quả nhiên La Hán Ðường lôi cuốn rất nhiều thiện nam tín nữ, nguyện vọng của thầy Hoa Ðạo đã được thỏa mãn. Không ngờ việc thầy nhờ người vẽ trộm tượng La Hán không hề thoát khỏi cặp mắt của Quan Âm Ðại sĩ. Xây La Hán Ðường, tạo tượng La Hán thật ra không có gì đáng trách nhưng động cơ của thầy Hoa Ðạo khi làm việc này thì không được chính đáng cho lắm, khiến cho Quan Âm cảm thấy khó chịu trong lòng.
Một năm sau, Quan Âm Ðại sĩ bước lên đài sen bay đến gặp thầy Hoa Ðạo và thăm Linh Âm Tự một phen.
Hôm ấy thầy Hoa Ðạo mặc tăng bào bằng lụa, trên khoác chiếc cà sa dệt bằng cỏ đay, đang vui vẻ tháp tùng một vài vị tài chủ quyền quý đi dạo trong La Hán Ðường, bỗng nghe một chú sa di thưa rằng ngoài khách đình có một vị xưng là Diệu Hải Thiền sư đến thăm chùa. Thầy đành cáo biệt các vị thí chủ ấy, và bước đến phòng khách với một dáng điệu hiên ngang, cao kỳ. Ngước mắt nhìn, thầy chỉ thấy Thiền sư Diệu Hải nọ đầu đội mũ tăng cũ kỹ, chân mang giày cỏ rách mướp, thân khoác cà sa vải thô, cổ đeo chuỗi tràng hạt nhỏ rức, tuổi không ngoài 30, chỉ có tướng mạo thì có thể nói là phi phàm. Thầy Hoa Ðạo hỏi thăm qua loa, hỏi một cách lạnh lùng :
- Thiền sư quang lâm chùa nghèo này là để giảng kinh thuyết Pháp hay là...
Thầy cố ý bỏ lửng cuối câu, và nhìn thẳng vào mặt Thiền sư Diệu Hải không chớp mắt. Thiền sư Diệu Hải cười nhẹ, đáp rằng :
- Trên đường hóa duyên đi ngang qua đây, tôi muốn xin thầy cho tôi ở trọ quý chùa vài ngày, vì có chút tịnh tài muốn cúng dường lên Phật.
Thầy Hoa Ðạo nghe "có chút tịnh tài muốn cúng dường lên Phật" mới bảo chú sa di dọn chỗ ăn chỗ ngủ cho khách, còn mình thì từ đó không buồn để ý đến Thiền sư Diệu Hải nữa.
Thiền sư Diệu Hải thấy thầy Hoa Ðạo đối với mình lãnh đạm như thế chỉ chỉ lắc đầu cười buồn, nhưng lại lợi dụng cơ hội ấy để được hưởng cảnh thanh nhàn tự tại, từ sáng đến tối chỉ đi dạo trong La Hán Ðường. Ngài thấy tuy bên ngoài nhìn thì rất đẹp mắt, nhưng móng nhà, khung nhà xây lại không chắc chắn chút nào, hơn nữa 18 tượng La Hán, tượng nào cũng đắp sai kiểu, nên trong lòng có phần bất mãn và lo lắng, nhưng phần bất mãn thì ba còn lo lắng thì lên tới bảy phần! Chiều hôm sau, Thiền sư tìm thầy Hoa Ðạo nói rằng :
- La Hán Ðường của quý chùa khung nhà thì không vững, tượng La Hán thì đắp sơ sài ẩu tả, móng nhà thì lún xuống một cách nguy hiểm, nếu không mau sửa sang lại thì 18 tượng La Hán thế nào cũng bị hủy diệt.
Nghe thế thầy Hoa Ðạo không chút bằng lòng, chỉ lạnh lùng niệm một câu "A Di Ðà Phật!" rồi phất tay áo bỏ đi. Thiền sư Diệu Hải nổi giận, thoạt đầu tính dùng lời nghiêm nghị quở trách, nhưng nghĩ lại, thầy Hoa Ðạo hiện đang tự mãn đắc ý, trách thầy không ích lợi gì, thôi thì để cho sự thật dạy cho thầy bài học vậy.
Sáng sớm hôm sau, Thiền sư Diệu Hải múa bút đề ba chữ lớn "Ðại Bi Sơn" để lại, và lặng lẽ rời bỏ Linh Âm tự. Ba chữ Ðại Bi Sơn ngụ ý "Người mượn cửa Phật để mưu cầu lợi dưỡng là người rất đáng thương", mà cũng ám chỉ người viết ba chữ ấy chính là Ðại từ Ðại bi Cứu khổ Cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát, tiếc rằng lúc ấy thầy Hoa Ðạo không hề để ý.
Ba năm sau, một đêm nọ sấm chớp ầm ầm, mưa gió tơi bời. Bỗng nhiên nghe tiếng "rầm, rầm!", La Hán Ðường của Linh Âm tự, móng nhà lở sụt, khung nhà nghiêng đổ, 18 tượng La Hán cũng ngã lăn ngã lóc khiến thầy Hoa Ðạo cứ điếng người kinh hãi, nhớ lại lời Thiền sư Diệu Hải, hối hận thì không kịp nữa.
Chùa Linh Âm bị tai nạn như thế, khách hành hương cũng thưa dần và lạnh nhạt đi. Thầy Hoa Ðạo không còn mặt mũi nào giữ chức trụ trì ở đấy nữa, nên cũng âm thầm ra đi vân du bốn phương.
Sau đó nhiều năm, thầy đã nếm đủ mùi gian khổ, cuối cùng cũng tỉnh ngộ. Thầy bèn trở về Linh Âm Tự, kiếm lại mấy chữ mà Quan Âm Ðại sĩ đã viết, đóng khung thành một tấm biển và treo trên cửa vào của chính điện, còn mình thì chỉ là một vị thầy tu làm việc khổ nhọc, chân thành tụng kinh niệm Phật để chuộc lỗi lầm xưa.
---o0o---

22 - CHUÔNG THẦN

Xưa thật là xưa, chùa Pháp Vũ chỉ còn là một cái am nhỏ, tên là am Hải Triều. Vị tổ thứ nhất của am Hải Triều tên là Đại Trí, đã dày công đúc một cái chuông đại hồng bằng đồng đen nặng hơn bảy ngàn cân treo tại lầu chuông, mỗi ngày sáng và chiều thỉnh chuông hai lần.


Tiếng chuông trong trẻo rền vang, dư âm tới cuối ngày vẫn chưa dứt, cho đến Long Vương ở Thủy Tinh cung biển Đông Hải cũng nghe thấy, suốt ngày đứng ngồi không yên, chỉ muốn dẫn một đạo binh tướng cá, tướng rùa đến ngoài bãi cát Thiên Bộ Sa bái kiến Ngài Quan Âm.
Về sau có bọn cướp Hồng Mao xâm nhập Phổ Đà Sơn, đi đến đâu là cướp bóc tài vật của dân chúng đến đó. Nghe nói chuông đồng của am Hải Triều là một bảo vật, nên tên đầu sỏ của bọn Hồng Mao phái khoảng mười tên cướp lực lưỡng, hấp tấp khiêng chuông đồng lên tàu đang đậu ngoài khơi, chở về nước của chúng.
Tàu cướp về đến nước Hồng Mao, bọn giặc phải ra sức bằng hai cọp chín trâu mới khiêng chuông lên bờ. Nhưng vừa đến cửa thành thì chúng làm cách nào cũng không nhấc nổi chuông đồng, cả bọn nhốn nháo cả lên, viện binh thêm cả một đoàn người đến góp sức, làm gẫy mấy cây đòn bẫy mà chuông vẫn không xê xích một tơ một hào nào.
Việc này làm chấn động toàn quốc. Vua nước Hồng Mao cũng cảm thấy lạ kỳ, bèn đích thân ra khỏi thành để nhìn tận mắt, nhưng khi ông vừa bước chân đến cửa thành thì chiếc chuông đồng bèn khỏ "loong coong" một tiếng và lún xuống đất, chẳng bao lâu bị đất bùn lấp kín.
Nhà vua bất mãn kêu người đào chuông lên, đào ngày đào đêm, không những không đào được chuông mà chuông càng ngày càng lún sâu xuống. Vua hoàn toàn cụt hứng, chỉ biết bỏ cuộc và ra lệnh từ đấy không còn ai được đào chuông nữa.
Thoáng một cái mà hơn 10 năm trôi qua, nước Hồng Mao có một vị quốc vương khác lên ngôi. Có một hôm, chỗ cái chuông bị chôn đột nhiên vang lên tiếng "đinh! đong!" ngày đêm không ngừng, khiến cho người Hồng Mao sợ hãi hoảng hốt. Vị quốc vương mới đứng ngồi không yên, vội vàng hạ lệnh đào chuông thần lên.
- Phải đào chuông thần lên!
Người Hồng Mao đổ về từ bốn phương tám hướng. Cửa thành trở nên chật ních, người đông như kiến. Già trẻ lớn bé đều một lòng cầu nguyện thượng đế bảo hộ cho họ bình an, một mặt nguyền rủa bọn cướp biển đã cướp chuông thần về.
Cuối cùng, chuông lớn được đào lên rồi, trên mặt chuông có khắc rõ ràng bảy chữ "Nam Hải Phổ Đà am Hải Triều". Vị quốc vương mới đã mời đến vài chục người tu đạo của họ, ngày đêm thay phiên nhau khấn vái, nhưng tiếng chuông rền vang trong trẻo vẫn không chịu ngừng. Vị quốc vương này mới nghĩ rằng nếu giữ chuông trong nước mãi thì cả nước sẽ phỉ nhổ ông, vì thế quyết định trả chuông về xứ sở. Nhưng cái chuông ngàn cân như thế, làm sao chở về nổi? Quốc vương và quần thần trong triều ai cũng lo âu phiền não.
Có một nhà buôn người Phúc Kiến, đúng lúc ấy đang ở nước Hồng Mao buôn bán. Khi biết được tin này, ông vội vàng xin yết kiến quốc vương, và trình bày ý nguyện phụ trách việc chở chuông thần về cố hương. Quốc vương rất vui mừng, lập tức gọi một vị đại thần đưa ông đi đến chỗ chuông thần. Ra tới ngoài cửa thành, nhà buôn Phúc Kiến chạy đến xem thì quả nhiên thấy đây là thần khí nhà Phật của nước mình, lập tức quỳ xuống, thành tâm khấu đầu đảnh lễ ba lần, đầu đập xuống đất thật kêu. Tiếng chuông thần bỗng nhiên ngừng bặt, người Hồng Mao đứng nhìn xung quanh reo hò hoan hô từng đợt.
Các vị thầy của am Hải Triều nghe nói đã tìm được chuông thần về, vội vàng xuất công xây một lầu chuông mới. Nhà buôn Phúc Kiến hộ tống chuông thần, vượt trăm sông ngàn núi mới về tới Phổ Đà Sơn.
Ngày chuông thần về tới là ngày lầu chuông cũng vừa xây xong, tất cả các thầy của am Hải Triều đều ra sức, người kéo kẻ khiêng, treo chuông thần lên lầu chuông mới.
Tiếng chuông trong trẻo của am Hải Triều lại vang rền trở lại trong khắp đảo từ đấy.
---o0o---


tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   11   12   13   14   15   16   17   18   ...   32




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương