Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 87 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong



tải về 161.04 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu07.02.2018
Kích161.04 Kb.
#36230
1   2   3


Tiếp đó, nói về thần thông, tức “thần thông dĩ đạt” (thần thông đã đạt). “Hựu Tịnh Ảnh viết, thần thông dĩ đạt, thán kỳ đức thắng, sở vi thần dị” (Ngài Tịnh Ảnh lại nói: “Thần thông đã đạt là khen ngợi đức của họ thù thắng, việc làm thần dị”), “sở vi” (所為) là những việc họ làm, thần thông biến hóa. Chúng ta phải nhìn ra ý nghĩa của chữ Thần (神). Văn tự Trung Quốc là phù hiệu trí huệ, quý vị thấy chữ này ở trước mặt chúng ta, đối trước văn tự, bên trái là chữ Thị (示), tức chữ Thị trong Thị Hiện (示現). Phía trên chữ Thị là một vạch ngắn, chẳng phải là một chấm, hiện thời [trong chữ Thần, vạch ngắn phía trên chữ Thị được viết thành] một chấm. Nếu quý vị viết [chữ Thần theo lối] chữ Triện sẽ thấy, trong lối chữ Triện, chẳng phải là một chấm, mà là một vạch. Phía trên là một vạch ngắn, phía dưới là một vạch dài. Vào thời cổ, chữ này được gọi là Thượng, tại thượng (ở trên). Phía dưới có ba vạch, ba vạch là diễn tả hình tượng, tức là hiện tượng tự nhiên, [điều đó được gọi là] “thùy tượng” (biểu thị hình tượng). Thể hiện ý nghĩa gì? Hiện tượng được biểu hiện trên trời. Nói theo cách bây giờ sẽ là “hiện tượng tự nhiên”, mọi người hiểu ngay: Chữ Thị biểu thị hiện tượng tự nhiên. Cạnh đó là chữ Thân (申). Chữ Thân viết theo lối Cổ Triện sẽ giống như có ba cái ải, chính giữa có một thanh gươm báu kéo xuống7, nên gọi là Thông; [ý nói]: Vượt qua ba ải thông suốt. [Do vậy chữ Thần] có ý nghĩa: Người thông đạt hiện tượng tự nhiên được gọi là Thần, đấy là giải thích ý nghĩa gốc của chữ này. Có một lần tôi đến thăm Cục Tôn Giáo Trung Quốc, cục trưởng Diệp Tiểu Văn tiếp đãi tôi, có nhắc tới chữ Thần này, tôi viết ra cho ông ta xem, giảng cho ông ta nghe. Ông ta bảo: “Nói như vậy thì vô thần luận nói chẳng suông!” Tôi đáp: “Đúng vậy! Chữ Thần có ý nghĩa ấy”. Quý vị phải hiểu ý nghĩa bao hàm trong văn tự Trung Quốc, quả thật là phù hiệu trí huệ. Người Trung Quốc nói thần nhân và thánh nhân; thần nhân và thánh nhân ý nghĩa tương thông. Thần là người thông đạt hết thảy hiện tượng vũ trụ, người ấy gọi là thần nhân. Thánh nhân: Thánh là hiểu rõ, người hiểu rõ chân tướng của vũ trụ và nhân sinh gọi là thánh nhân. Do vậy, thần thánh thường dùng chung. Họ là người, chẳng dính dáng gì đến quỷ thần. Giảng rõ ràng, minh bạch. Sách Thuyết Văn Giải Tự8 giảng rất rõ ràng, đấy là phù hiệu trí huệ.

“Vô ủng viết thông” (Không bị úng trệ là Thông), đây là nói tới chướng ngại. Không có chướng ngại bèn thông đạt. “Sở vị Thân Thông, Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm, Túc Mạng, cập dữ Lậu Tận” (tức là Thân Thông (Thần Túc Thông), Thiên Nhãn, Thiên Nhĩ, Tha Tâm, Túc Mạng và Lậu Tận), những thứ này [ngoại trừ Lậu Tận] được gọi đơn giản là “ngũ chủng thần thông” (năm thứ thần thông). Năm thứ ấy, hiện thời, trong nước gọi người có năng lực này là “công năng đặc dị”, Phật pháp nói những năng lực ấy là bản năng (năng lực sẵn có) của chúng ta, mỗi cá nhân chúng ta đều có; nhưng vì sao bị mất đi? Vì quý vị vọng niệm quá nhiều, phiền não dấy lên, nên bị chướng ngại, nguyên nhân là như vậy đó. Vì thế, tu Định nhằm dễ dàng khôi phục năng lực ấy. Tu Định là tu tâm thanh tịnh. Tâm phải đạt đến thanh tịnh, bình đẳng, năng lực ấy sẽ tự nhiên khởi lên, hiện tiền. Vì thế, điều này chẳng có gì là hiếm hoi, lạ lùng, chúng là bản năng của con người. Tâm thanh tịnh sẽ khôi phục. Quý vị đọc kinh điển thấy Tu Đà Hoàn có thể đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc, cũng là buông xuống, bèn khôi phục hai thứ năng lực, một là Thiên Nhãn, hai là Thiên Nhĩ. Hạng người bình phàm như chúng ta không thấy, nhưng Ngài có thể thấy, có thể nhìn xuyên vách tường, chúng ta gọi đó là “công năng đặc dị”. Ngài có thể nghe những âm thanh chúng ta không nghe được. Nếu là Tu Đà Hoàn, chúng ta đang tiến hành hoạt động giảng kinh giáo học ở tầng mười một, người ở mười tầng dưới làm gì, quý vị vừa nhìn liền thấy toàn bộ. Đó là Tu Đà Hoàn thật sự. Nếu nói “ta đã chứng đắc quả Tu Đà Hoàn”, mà hỏi có thấy chuyện sát vách hay không? Chẳng thấy! Đó là giả, chẳng thật. Tu Đà Hoàn nhất định có năng lực ấy.

Nếu quý vị chứng Nhị Quả Tư Đà Hàm, quý vị có thêm hai thứ năng lực nữa là Tha Tâm và Túc Mạng, trong tâm người khác nghĩ chuyện gì, quý vị sẽ biết. Túc Mạng là đối với chính mình, đời đời kiếp kiếp quá khứ của ta [đều biết rõ]. A La Hán có thể biết năm trăm đời quá khứ. Tôi tin Nhị Quả phải biết ba đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời chẳng có vấn đề gì. Ngài biết trạng huống trong đời đời kiếp kiếp quá khứ. Tam Quả A Na Hàm, Thần Túc Thông giống như Tôn Ngộ Không, có thể biến hóa, có thể phân thân, nhưng lợi hại hơn, thánh nhân Tam Quả mà! Tứ Quả là A La Hán, Lậu Tận Thông, cũng có nghĩa là đoạn hết Kiến Tư phiền não, thoát ly lục đạo luân hồi. Trong lục đạo, Ngài chẳng có tí chướng ngại nào, cũng là ra vào lục đạo tự tại. Nay chúng ta chẳng thể ra khỏi lục đạo, nhưng Ngài có thể thoát ra. Đấy là bản năng, chẳng hiếm hoi, lạ lùng tí nào, công phu định lực của quý vị càng sâu, năng lực càng mạnh. A La Hán chỉ có thể biết năm trăm đời quá khứ; nói cách khác, năng lực ấy chẳng phải là rất lớn. Bồ Tát có nhiều tầng cấp, Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, càng lên cao, năng lực ấy càng lớn, càng thù thắng. Thiên Nhãn của A La Hán có thể thấy một tiểu thiên thế giới; ngài A Nậu Lâu Đà là một vị A La Hán đặc biệt trong các vị A La Hán, vì mắt Ngài đã hỏng, đức Thế Tôn dạy Ngài tu Thiên Nhãn, Ngài tu thành công. Thiên Nhãn của Ngài khác các vị A La Hán thông thường, có thể thấy tam thiên đại thiên thế giới. A La Hán thông thường chỉ có thể thấy một tiểu thiên thế giới, chỉ riêng Ngài có thể thấy tam thiên đại thiên thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới là khả năng thấy được [bằng Thiên Nhãn] của các vị Bồ Tát thông thường. Đối với tam thiên đại thiên thế giới, các phẩm Hoa Tạng Thế Giới và Thế Giới Thành Tựu của kinh Hoa Nghiêm nói thế giới vô lượng vô biên, quý vị không có chướng ngại, sẽ đều có thể thấy. Vì vậy, triết học và khoa học được giảng trong kinh Phật là cảnh giới Hiện Lượng, chẳng phải là tầm thường; [những cảnh giới ấy do] đức Phật đích thân trông thấy. Các nhà khoa học hiện thời suy diễn từ toán học [rút ra] những thông tin, sau đấy dùng dụng cụ khoa học để quan sát, thấy được một chút; nói chung, vẫn chưa thể nói rõ ràng. Phật pháp giảng vô cùng rõ ràng, vì sao? Đức Phật trông thấy, năng lực ấy được khôi phục toàn bộ, các khoa học gia và triết học gia chẳng có cách nào sánh bằng, phải biết điều này! Ở đây, đức Phật dạy chúng ta, chỉ cần quý vị khéo tu, sẽ có thể chứng đắc, đó là bản năng của quý vị. Ngài giảng trí huệ, đức năng, tướng hảo, những đức năng ấy đều là những thứ chính quý vị vốn sẵn có, phải nên khôi phục. Sau khi quý vị khôi phục, đúng là không gì chẳng biết, không gì chẳng thể, chẳng phải là giả, tuyệt đối chẳng phải là mê tín. Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng ta học tập tới chỗ này.



1 Xuất tướng nhập tướng (出將入相): Ra ngoài là một vị tướng cầm quân, về triều là người đứng đầu trăm quan. Chữ Tướng (將) thứ nhất là tướng quân, chữ Tướng (相) thứ hai là Thừa Tướng hoặc Tể Tướng. Về sau, đến đời nhà Thanh, các vị quan được phong làm Đại Học Sĩ, hoặc tuyển vào Bí Thư Các cũng gọi “bái tướng” vì được trực tiếp bàn định triều chánh, xử lý chánh sự hằng ngày nên rất có thế lực.

2 Đường Minh Hoàng (695-762) chính là Đường Huyền Tông, tên thật là Lý Long Cơ, con trai thứ ba của Đường Duệ Tông (Lý Đán). Sử thường gọi là Minh Hoàng vì sau khi nhà vua mất, các văn quan xu phụ đã dâng một thụy hiệu dài dằng dặc là Chí Đạo Đại Thánh Đại Minh Hiếu Hoàng Đế. Lý Long Cơ anh tuấn, oai vệ, lắm tài nghệ, thuở trẻ là một vị vua rất tận tụy. Trước đó, khi Lý Trị (Đường Cao Tông, chồng Võ Tắc Thiên) chết, Võ Tắc Thiên đã đưa con trai là Lý Hiển lên ngôi làm vua bù nhìn, tức Đường Trung Tông, rồi lấy cớ phế vị vua này chỉ trong một tháng, đưa em trai của Lý Hiển là Lý Đán lên ngôi, tức Đường Duệ Tông. Đường Duệ Tông làm vua được sáu năm thì bị Võ Tắc Thiên ép phải nhường ngôi cho bà ta lên làm vua nhà Đại Châu Lý Đán bị giáng xuống làm Thái Tử và đổi tên thành Võ Luân. Trong giai đoạn ấy, Lý Long Cơ đã ngấm ngầm tuyển mộ dũng sĩ chờ thời. Khi Võ Tắc Thiên bị ép thoái vị, quần thần lại tôn Lý Hiển làm vua lần nữa. Vi hoàng hậu muốn trở thành Võ Tắc Thiên thứ hai, nên ngấm ngầm hạ độc Lý Hiển, lập Lý Trọng Mậu lên thay, tức Đường Thương Đế. Lý Long Cơ liền liên kết với Thái Bình công chúa (con gái Võ Tắc Thiên) đập tan âm mưu này, hạ ngục Vi Hậu, giáng Lý Trọng Mậu xuống làm Ôn Vương, đón cha là Lý Đán về làm vua như cũ. Nhà Đường đạt đến thời thịnh trị Khai Nguyên khi Lý Long Cơ làm vua. Vua chỉnh lý hệ thống hành chánh, trừ diệt tham quan, trọng dụng hiền tài, trừng trị quý tộc chiếm đoạt đất của dân lành. Về già, ông sủng ái Dương Quý Phi, bỏ mặc cho anh trai Dương Quý Phi là Dương Quốc Trung lũng đoạn triều chính dẫn đến chuyện An Sử (An Lộc Sơn và Sử Tư Minh) làm loạn, đến nỗi vua tôi phải chạy vào đất Thục (Tứ Xuyên). Mãi cho đến khi thái tử Lý Hanh được quần thân tôn lên ngôi hoàng đế ở Linh Châu, tức Đường Túc Tông, tập trung quân lực đập tan An Lộc Sơn mới đón Đường Minh Hoàng về lại Trường An, tôn Đường Minh Hoàng làm Thái Thượng Hoàng.

3 Trung Liệt Từ là nơi thờ các vị anh hùng trung lương liệt sĩ, còn được gọi bằng các danh xưng như Trung Hồn Từ, Anh Liệt Từ, Anh Hồn Từ, Anh Linh Từ, Trung Liệt Miếu, Chiêu Trung Từ, Hiển Trung Từ. Một nơi nổi tiếng nhất chính là Pháp Nguyên Tự ở Bắc Kinh. Ngôi chùa này do Đường Thái Tông hạ chiếu xây dựng với danh xưng Mẫn Trung Tự nhằm kỷ niệm, truy điệu tướng sĩ trận vong trong cuộc đông chinh Cao Ly, đến đời Thanh chùa được đổi tên thành Pháp Nguyên Tự.

4 Hàm Phong (1831-1861) là vua thứ chín của nhà Thanh, tên thật là Ái Tân Giác La Dịch Trữ (Aisin-Gioro Iju), con thứ tư của Đạo Quang, lên ngôi năm mười chín tuổi. Triều đại của nhà vua bị lung lay bởi cuộc biến loạn Thái Bình Thiên Quốc do Hồng Tú Toàn khởi xướng, đồng thời miền Bắc Trung Hoa nổ ra cuộc biến loạn của Niệm Quân (một phong trào nông dân dấy loạn do Trương Lạc Hành lãnh đạo). Khi vừa dẹp yên hai cuộc biến loạn này, chiến tranh Nha Phiến nổ ra, liên quân Anh Pháp tấn công Thiên Tân, triều đình nhà Thanh phải bỏ chạy về hành cung ở Nhiệt Hà để lánh nạn. Vua chết tại hành cung Nhiệt Hà lúc 31 tuổi. Nói chung, nhà vua nhu nhược, thiếu quyết đoán và ham mê tửu sắc.

5 Thùy liêm thính chánh (buông rèm nghe việc triều chánh): Khi vua còn quá nhỏ, thường mời Thái Hậu giúp việc cai trị. Do trong cổ lễ, phụ nữ không tiện lộ mặt trước nam giới nếu người ấy không phải là chồng, cha, anh, hay em trai ruột, nên triều thần thường kê ghế sau ngai vàng, căng rèm cho Thái Hậu ngồi. Trên thực tế, vua còn quá nhỏ nên Thái Hậu toàn quyền cai trị. Khi vua Hàm Phong chết, con là Đồng Trị (Ái Tân Giác La Tải Thuần, Dzai Šun) mới năm tuổi. Trước đó, Hàm Phong đã chỉ định tám vị đại thần làm Cố Mạng Phụ Chánh Đại Thần. Khi Hàm Phong chết, Tải Thuần được triều thần tôn lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Kỳ Tường, nhưng Từ An Thái Hậu (Nữu Hỗ Lộc Thị), Từ Hy Thái Hậu (Diệp Hách Na La Thị) và Cung Thân Vương (Dịch Hân) đã đảo chánh (sử gọi sự kiện này là Tân Dậu Chánh Biến), hạ bệ tám vị đại thần, đoạt quyền phụ chánh, đổi niên hiệu từ Kỳ Tường sang Đồng Trị. Theo các sử gia Trung Hoa, Đồng Trị có nghĩa là “đồng quy ư trị”, hoặc “mẫu tử đồng trị thiên hạ”. Tuy mang tiếng là vua, Đồng Trị chỉ là bù nhìn trong tay Từ Hy, đến năm mười tám tuổi bèn chết. Tuy Từ An cũng mang tiếng cùng thùy liêm thính chánh với Từ Hy, nhưng hầu như trên thực tế chẳng có quyền lực gì.

6 Người Mãn Châu và Tây Tạng tin Chương Gia đại sư là hóa thân của A La Hán Tôn Đạt, chuyển thế đến đời thứ năm bèn giáng sanh ở tỉnh Thanh Hải (Trung Hoa), từ đời thứ mười ba trở đi bèn có hiệu là Chương Gia Hoạt Phật (theo tên gọi của vùng ấy). Vì thế, Chương Gia đại sư (thầy của lão pháp sư Tịnh Không) được coi là đời thứ mười chín, tuy Ngài chỉ là vị Chương Gia đời thứ bảy. Chương Gia đời thứ năm và thứ sáu đều là quốc sư dưới thời Từ Hy.

7 Để hình dung chữ Thị và chữ Thân viết theo lối triện như thế nào, xin quý vị xem hình ảnh trong các link sau:

- Chữ Thị (http://commons.wikimedia.org/wiki/File:%E7%A4%BA-bigseal.svg)



- Chữ Thân (http://en.wiktionary.org/wiki/File:%E7%94%B3-seal.svg)

8 Thuyết Văn Giải Tự là một trong các bộ tự điển chữ Hán đầu tiên của Trung Quốc, do Hứa Thận biên soạn vào thời Hán Hòa Đế. Ông đã có những lập luận khá độc đáo về cách phân chia bộ thủ, phân loại cách hình thành chữ Hán, lập ra khái niệm Lục Thư (sáu cách cấu tạo chữ Hán). Nội dung nhằm giải thích 9.353 chữ thông dụng thời ấy và 1.163 chữ được xếp vào loại Dị Thể Tự. Cho đến hiện thời, tác phẩm này vẫn được coi là sách gối đầu giường cho các nhà nghiên cứu Hán tự.


tải về 161.04 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương