Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 87 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Giảo duyệt: Huệ Trang và Đức Phong



tải về 161.04 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu07.02.2018
Kích161.04 Kb.
#36230
1   2   3


“Nhất thiết, nãi cai la sự vật chi xưng” (Nhất thiết” là tiếng để gọi chung tất cả sự vật), tức là bao gồm tất cả hết thảy. “Hựu nhất thiết, phổ dã. Nhất thiết đại thánh, tán thán chi từ” (“nhất thiết” còn có nghĩa là khắp cả. “Nhất thiết đại thánh” là lời khen ngợi). Trong Gia Tường Sớ có giải thích: “Du tâm Không lý; ẩn, hiển nan trắc, cố xưng thánh nhân” (Tâm dạo nơi lý Không; ẩn, hiển khó lường, nên gọi là thánh nhân”), ý nghĩa này dễ hiểu. Thấy thánh nhân dụng tâm khác với chúng ta, tâm chúng ta trái nghịch tâm họ. Tâm chúng ta chẳng Không, trong ấy có quá nhiều thứ tạp nhạp. Tâm chúng ta trái nghịch lý (lý là tự tánh). Tự tánh đúng là thứ gì cũng chẳng có, nó là Không, là Lý Thể để vạn sự vạn pháp nương vào. Vạn sự vạn pháp trong vũ trụ do đâu mà có? Những đạo lý, năng sanh, năng hiện, năng biến, Lý Thể là tự tánh, mười pháp giới đều bao gồm trong ấy. Thức biến, mười pháp giới là thức biến. Tự tánh chẳng phải là vật chất, cũng chẳng phải là tinh thần. Nó có thể hiện vật chất, mà cũng có thể hiện tinh thần. Khi nó hiện, tức là Hiển, Hiển là hiện. Khi chẳng hiện thì gọi là Ẩn. Khi Huệ Năng đại sư khai ngộ đã nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn tự trọn đủ”, đó là Ẩn, chẳng hiện. Vốn tự trọn đủ, tuy cái gì cũng chẳng phải là nó, nhưng nó có thể hiện bất cứ điều gì. Câu cuối cùng là “có thể sanh ra vạn pháp”, đó là Hiển. Tổ nói năm câu thì câu thứ ba là Ẩn, câu cuối cùng là Hiển, đều chẳng thể nghĩ bàn. Câu “chẳng thể nghĩ bàn” này có ý nghĩa vô cùng sâu, quý vị chẳng cần phải suy tưởng, chẳng cần phải thảo luận, vì sao? Hễ suy tưởng thì toàn bộ đã trật rồi! Quý vị thảo luận cũng sai luôn! Đừng suy tưởng, đừng thảo luận, chân tướng sẽ hiện tiền, quý vị thấy toàn bộ. Quý vị tư duy nó thì toàn bộ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước sẽ hiện tiền.

Cớ sao mê? Do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước bèn mê. Mê thì chẳng thể giác ngộ, mê chỉ có càng mê hơn, càng mê càng sâu! Đức Phật dạy chúng ta, buông xuống là được, đừng quan tâm tới nó, chỉ buông xuống. Buông chấp trước xuống bèn thành A La Hán, chấp trước là Kiến Tư phiền não. Buông phân biệt xuống, phân biệt là Trần Sa phiền não, buông phân biệt xuống là Bồ Tát. Buông khởi tâm động niệm xuống, quý vị bèn thành Phật, trong hội Hoa Nghiêm những vị ấy được gọi là Pháp Thân đại sĩ. Tu hành trong Phật pháp, ngàn lời, vạn câu đều là một câu, đều khuyên quý vị hãy buông xuống, phải giữ cho thân tâm thanh tịnh. Quan trọng nhất là tâm, tâm thanh tịnh, thân sẽ thanh tịnh, vì sao? Thân là một hiện tượng vật chất gần gũi chúng ta nhất, là cảnh giới, là tướng cảnh giới, cảnh chuyển theo tâm. Tâm là ý niệm, ý niệm là Mạt Na Thức và thức thứ sáu, tức Ý Thức. Thức thứ sáu (Ý Thức) phân biệt, thức thứ bảy chấp trước. Chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chuyển thức thứ bảy thành Bình Đẳng Tánh Trí, chuyển thức thứ sáu thành Diệu Quán Sát Trí. Hai thứ này vừa chuyển, A Lại Da và năm thức trước cũng chuyển theo. Tám thức chuyển có trước sau, thức thứ sáu và thứ bảy chuyển trước, chuyển biến nơi nhân. Năm thức trước và thức thứ tám chuyển nơi quả. Quý vị thấy cảnh chuyển theo tâm. Có thể chuyển cảnh giới thì tu hành mới có công phu, mới thật sự biết tu. Chẳng chuyển được cảnh giới, quý vị tu uổng công. Nói “tu uổng công” thì vẫn là ca ngợi quý vị, chứ về căn bản, quý vị chẳng tu! Những sự lý, nhân duyên như vậy, nhất định phải đọc nhiều kinh luận Đại Thừa [mới hiểu được].

Đọc kinh cũng có bí quyết mầu nhiệm, hễ hiểu sẽ có thụ dụng, lại còn rất nhanh chóng. Chẳng hiểu, sẽ khó khăn. Hiểu là gì? Thâm nhập một môn, huân tu dài lâu, đắc tam-muội ngay trong môn ấy. Tam-muội là Định, tâm thanh tịnh hiện tiền. Vì mỗi ngày quý vị nghĩ đến nó, chẳng có hơi sức đâu để nghĩ đến điều gì khác, toàn bộ những thứ tạp nhạp trong thế gian đều buông xuống, trong tâm chỉ giữ một thứ là Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh, chỉ một thứ ấy. Giữ lâu ngày, tập khí phiền não tự nhiên đoạn hết. Đoạn phiền não, tam-muội hiện tiền, sau một thời gian lâu dài, quý vị sẽ đại triệt đại ngộ, khai ngộ kinh Vô Lượng Thọ. Một ngộ, hết thảy ngộ; không chỉ đối với hết thảy các pháp do đức Thế Tôn đã nói trong bốn mươi chín năm, mà vô lượng đại pháp do mười phương ba đời hết thảy Như Lai đã giảng, quý vị đều thông suốt toàn bộ. Vì sao? Chẳng lìa tự tánh. Quý vị đã tìm được năng sanh, năng hiện, năng biến, đối với sở sanh, sở hiện, sở biến, không gì chẳng thông đạt, hiểu rõ toàn bộ. Tin tức này tốt đẹp, rất khó gặp gỡ, chúng ta đã gặp, phải tin tưởng. Hễ tin tưởng, quý vị bèn có phước. Vì sao? Tin tưởng thì quý vị sẽ thật sự muốn học, đúng như pháp tu hành, nên thật sự đạt được lợi ích. Nếu quý vị không tin, sẽ chẳng phát khởi ý nguyện học tập; nói theo nhà Phật là “chẳng phát tâm Bồ Đề”. Bởi lẽ, đối với tín, giải, hành, chứng, chẳng thể lý giải thấu triệt giáo huấn của Phật, Bồ Tát, lý giải chính xác, quý vị tu tập bằng cách nào? Quý vị tu học toàn là sai lầm, dẫu dụng công, dù nỗ lực, vẫn chẳng đạt được hiệu quả, cuối cùng mất lòng tin đối với Phật pháp! Nếu bị mất lòng tin, nẩy sanh hoài nghi, lại hủy báng Phật pháp, tạo nghiệp quá nặng, chẳng bằng không học. Đồng tu học Phật, bất luận xuất gia hay tại gia, chớ nên không biết điều này!

Thật sự muốn học thì vun bồi cội rễ giáo dục quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Quý vị không có cội rễ, dẫu nỗ lực cũng uổng công. Giống như trồng cây, thiếu rễ, quý vị trồng cách nào nó cũng chẳng sống được! Rễ quan trọng! Tại Trung Quốc, vào thời cổ, người học Phật có bốn cội rễ; vì thế, đời nào cũng đều có người chứng quả, khai ngộ, đắc Định rất nhiều. Đắc Định là đắc tâm thanh tịnh. Khai ngộ, chứng quả, tâm bình đẳng, tâm chánh giác đều hiện tiền, chánh giác là chứng quả. Đối với bốn cội rễ ấy, phải biết Phật giáo Trung Quốc kể từ giữa đời Đường trở đi, không còn vun bồi cội rễ Tiểu Thừa. Xưa kia, Tiểu Thừa có Thành Thật Tông và Câu Xá Tông. Từ giữa đời Đường trở đi, tổ sư đại đức đề xướng dùng Nho, dùng Đạo thay thế Tiểu Thừa; vì thế, Nho, Thích, Đạo biến thành một nhà. Ngày nay chúng ta phải vun bồi căn cội, hãy hành theo giáo huấn của tổ tiên, vì hơn một ngàn bảy trăm năm qua, người thành tựu rất nhiều. Chúng ta dùng Đệ Tử Quy của Nho gia, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Đạo gia, dùng Thập Thiện Nghiệp Đạo của Phật pháp, đấy là ba cội rễ, người xuất gia còn có một thứ nữa là Sa Di Luật Nghi, [do] bốn căn cội, quý vị mới thành tựu thù thắng. Hiện thời, chúng ta không thể thực hiện câu “du tâm Không lý” trong Gia Tường Sớ, nhưng Pháp Thân Bồ Tát thật sự có thể làm được câu ấy. Hiện thời, chúng ta có thể “du tâm Di Đà” đã tuyệt lắm rồi, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, trừ A Di Đà Phật ra, thứ gì cũng đều không có. Cuộc sống, công việc hằng ngày, đãi người, tiếp vật hoàn toàn tuân thủ theo giáo huấn của ba cội rễ, hoặc bốn cội rễ, sẽ là thánh nhân trong thời hiện đại, đương nhiên Phật pháp sẽ hưng vượng. Phật giáo hưng vượng phải nhờ vào các đệ tử nghiêm túc nỗ lực học tập, khiến cho đại chúng bình phàm trong xã hội chẳng đến nỗi hiểu lầm [Phật giáo], tự nhiên tôn trọng, ủng hộ quý vị, hướng theo quý vị học tập.



“Hội Sớ viết: Sơ Quả dĩ thượng, tất danh thánh giả. Dĩ cứu đại A La Hán, cố danh Đại Thánh” (Sách Hội Sớ giảng: “Từ Sơ Quả trở lên đều gọi là Thánh. Ðã cùng tột quả Ðại A La Hán thì gọi là Ðại Thánh”). Sách Hội Sớ giảng theo lối thông thường. Sơ Quả Tu Đà Hoàn là thánh nhân, là vị thánh nhỏ nhoi, vì sao? Ngài có thể đoạn hết tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc trong tam giới, chứng quả Tu Đà Hoàn của Tiểu Thừa. Nếu là Đại Thừa, nói theo kinh Hoa Nghiêm, người chứng đắc địa vị Sơ Tín trong [các địa vị thuộc] Thập Tín Bồ Tát là nhập môn. Vì vậy, đối với chuyện nhập môn, tiêu chuẩn như tôi đã nói vẫn chưa được. Tôi thưa cùng quý vị, tiêu chuẩn như tôi đã nói chỉ đưa đến cửa ngõ, hết sức gần gũi, cũng có nghĩa là quý vị thật sự buông tự tư tự lợi xuống, buông tiếng tăm, lợi dưỡng xuống, buông ngũ dục, lục trần xuống, buông tham, sân, si, mạn xuống, quý vị sẽ ở trước cửa ngõ. Muốn vào cửa, nhất định phải đoạn sạch Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến, Tà Kiến. Đoạn hết năm thứ kiến giải sai lầm ấy, quý vị sẽ chứng đắc Tiểu Thừa Sơ Quả. Nếu học Đại Thừa, sẽ là Sơ Tín vị Bồ Tát, là thánh nhân, thật sự là thánh nhân. Tuy chưa thoát khỏi lục đạo luân hồi, còn ở trong lục đạo, nhưng chắc chắn chẳng đọa tam ác đạo. Lại còn bảy lần sanh trong cõi trời hay trong nhân gian, luôn tu học, tối đa là bảy lần, quý vị chắc chắn chứng quả A La Hán. Trong Đại Thừa, tái sanh bảy lần, chứng đắc Đệ Thất Tín trong Thập Tín vị, bèn vượt thoát lục đạo. Thất Tín, Bát Tín, Cửu Tín, Thập Tín thuộc vào tứ thánh pháp giới, Thất Tín là Thanh Văn pháp giới, Bát Tín là Duyên Giác, Cửu Tín là Bồ Tát, cao nhất là Phật, lại vượt thoát mười pháp giới, vượt thoát mười pháp giới là đại thánh. Những địa vị ấy (địa vị thấp hơn Sơ Trụ) đều chẳng thể coi là đại thánh, chỉ được coi là thánh nhân. Vượt thoát mười pháp giới, từ Sơ Trụ của Viên Giáo trở lên, là Pháp Thân đại sĩ, trụ tại nơi đâu? Trụ trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai. Trên thực tế, cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chính mình. Tới khi đó, quý vị mới thật sự hiểu rõ: “Tự tánh Như Lai, duy tâm Tịnh Độ”. Do vậy, Tây Phương Cực Lạc thế giới là tự tâm hiện, tự tánh biến, chẳng phải là bên ngoài. Đó là quê nhà của quý vị, là nơi chốn quý vị vốn sẵn có. Vì thế, trở về cõi Thật Báo của A Di Đà Phật là quay về nhà, đâu có gì khó khăn!

Thật sự học Phật, quý vị chẳng thể không nhận biết Thích Ca Mâu Ni Phật, chẳng thể không liễu giải Thích Ca Mâu Ni Phật. Quý vị học tập giống như Ngài, có lẽ nào chẳng thành Phật trong một đời! Đức Phật dạy chúng ta buông xuống, Ngài thật sự buông xuống, thứ gì cũng đều không có. Ngài sống cuộc đời đơn giản nhất, ba y một bát, đó là tài sản của Ngài. Toàn bộ tài sản là ba y một bát, đều mang theo thân. Thật vậy! Nếu nói theo phía tục nhân chúng ta, cái gì trên thân quý vị sẽ là của chính quý vị, chẳng ở trên thân sẽ chẳng phải là của chính mình. Tối thiểu là có quan niệm ấy! Trên thân quý vị có tiền, trong bóp có bao nhiêu tiền, đó là của chính mình, còn tiền cất trong ngân hàng chẳng phải là của quý vị. Căn nhà quý vị đang ở trong ấy, sống trong ấy, nó là của quý vị. Sau khi quý vị bước ra khỏi cửa, căn nhà ấy chẳng phải là của quý vị. Trong cuộc sống hằng ngày, quý vị có thể quán như thế, sẽ gần gũi Phật pháp, tham, sân, si dần dần bị hóa giải, đó là chân tướng sự thật, chớ nên không hiểu rõ. Quý vị thấy bà Lưu Tố Vân giảng về chữ “trượng phu” (chồng) rất khéo, trượng phu là gì? Trong vòng một trượng thì là chồng mình, ngoài một trượng bèn chẳng phải. Tôi nói với mọi người chuyện sít sao nhất, cái gì quý vị có trên thân là của quý vị, cái gì chẳng ở trên thân thì chẳng phải là của quý vị, tâm khai ý giải, mảy may vướng mắc cũng không có.

Thích Ca Mâu Ni Phật suốt đời nêu gương cho chúng ta. Vì thế, chúng ta phải học theo Ngài, học giống như Ngài. Ngài suốt đời theo đuổi sự nghiệp gì? Giáo học, kể từ ngày khai ngộ lúc ba mươi tuổi bèn bắt đầu giáo học, tới bảy mươi chín tuổi viên tịch, [dạy suốt] bốn mươi chín năm chẳng gián đoạn, chẳng thiếu một buổi học nào, là một vị thầy hết sức tận tụy. Ngài mang thân phận là một vị thầy chuyên nghiệp, thưa quý vị, chẳng hề dính dáng gì đến tôn giáo. Ngày nay hễ nhắc tới Phật giáo, hết thảy mọi người đều nghĩ Phật giáo là tôn giáo, chúng ta chẳng xứng đáng, đã “đày” Thích Ca Mâu Ni Phật vào trong tôn giáo. Vì thế, tôi nói tứ chúng đệ tử chúng ta đều phạm tội lỗi, thầy cả đời dạy học, sao lại bị tống vào tôn giáo, lẽ nào lại như vậy? Phật pháp truyền tới Trung Quốc, chúng ta đọc lịch sử, [kể từ lúc truyền vào] cho tới thời đầu nhà Thanh, [trải các triều] Khang Hy, Ung Chánh, Càn Long cho tới Gia Khánh, Phật pháp vẫn là dạy học. Trong lịch sử [Trung Quốc], Phật giáo biến thành tôn giáo chưa đầy ba trăm năm, đấy là chuyện trong thời gần đây. Trước đó, tự viện, am đường là trường học, bao nhiêu người thành danh trong lịch sử học hành ở chỗ nào? Học từ trong chùa chiền! Chùa chiền là trường học, người đọc sách có thể sống trong chùa. Chùa chiền rất từ bi, có thể tiếp đãi người ấy. Trong chùa chiền, người xuất gia đều là thầy tốt, có năng lực dạy bảo quý vị. Trước đây, người đi thi Cử Nhân, hay thi Tiến Sĩ, đến đâu để học? Đều là đến chùa chiền, chùa chiền có kinh sách. Không chỉ là kinh Phật, tàng kinh lâu (lầu chứa kinh) là thư viện, trong ấy thứ gì cũng có. Không thiếu thầy giáo, học trò bất luận có vấn đề gì, tìm người xuất gia, người xuất gia đều có thể dạy quý vị. Vì thế, người có tiền sống trong chùa, bỏ ra một ít tiền ăn ở; người không có tiền, chùa chiền vẫn chiếu cố quý vị. Quý vị thấy Phạm Trọng Yêm cả đời đọc sách trong chùa, nhà rất nghèo túng, vì thế, sống trong chùa tự lo liệu ăn uống. Mỗi ngày, ông ta nấu một nồi cháo, nấu đặc một chút, chia thành bốn phần, để sống hết ngày. Học hành tốt đẹp, quý vị thấy về sau ông ta thi đỗ, công danh thành tựu, xuất tướng nhập tướng1, cảm niệm nhà chùa đã thành tựu cho ông ta. Nếu không, ông ta đến đâu để học hành? Vì thế, thời cổ, chùa chiền có cống hiến vô cùng to lớn đối với xã hội, thay quốc gia đào tạo bao nhiêu nhân tài. Chúng ta chớ nên không thông hiểu những chuyện lịch sử này!

Trước đây, chùa chiền là trường học, chẳng có kinh sám Phật sự. Danh xưng của chấp sự trong chùa chiền cho đến nay vẫn giữ nguyên, nhưng đã biến chất. Trụ Trì, Phương Trượng của tự viện là chức vị gì? Hiệu Trưởng. Thủ Tọa Hòa Thượng là Giáo Vụ Trưởng, Duy Na là Huấn Đạo Trưởng, Giám Viện là Tổng Vụ Trưởng. Quý vị thấy có giống như phân công trong nhà trường hiện thời hay không? Trong một ngôi chùa, có vài vị Thủ Tọa Hòa Thượng, chẳng phải là một, chia thành các giảng tòa giảng kinh. Điện đường là phòng học, pháp sư giảng kinh rất nhiều, chẳng phải là một, giống như trường học, chia thành lớp, nhưng [trong mỗi lớp] đều là thâm nhập một môn, huân tu lâu dài. Giảng đường này giảng kinh Hoa Nghiêm, giảng đường kia giảng kinh Pháp Hoa, giảng đường khác giảng kinh Vô Lượng Thọ, quý vị muốn học gì bèn vào giảng đường đó. Quý vị chỉ có thể học một môn, chẳng thể học hai môn. Vì thế, trước đây nói là “đến tự viện, viết thảo kinh đơn”, [tức là] đến nơi ấy ghi danh [xin học một bộ kinh nào đó], giảng đường [giảng bộ kinh ấy] sẽ cho quý vị một chỗ ngồi, ký túc xá cho quý vị một cái giường, để quý vị có thể an tâm học tập ở nơi đó. Kỳ hạn là một bộ kinh, quý vị học xong một bộ kinh có thể rời khỏi. Nếu muốn học thêm một bộ nữa, lại ghi danh tiếp, học tiếp một bộ, nhưng thông thường, một bộ kinh phải giảng mấy tháng. Kinh dài phải mất một hai năm. Nhà chùa đúng là một trường học, cớ sao biến thành tình trạng như hiện thời? Thuở ấy, tôi học Phật cũng cảm thấy rất kỳ quái, bèn hỏi lão hòa thượng. Lúc đó, tôi theo lão hòa thượng Đạo An ở Đài Loan, Ngài rất quan tâm đến tôi, tuổi Ngài cũng đã rất cao. Tôi thỉnh giáo Ngài, tôi nói kinh sám Phật sự vì sao mà có? Do ai làm? Ngài suy nghĩ, rồi nói: “Rất có thể là do Đường Minh Hoàng2 làm”. Ngài cũng có căn cứ, vì thời Đường Minh Hoàng gặp phải loạn An Sử, tức là An Lộc Sơn tạo phản, do Dương Quý Phi dẫn khởi. Cuộc bạo loạn ấy khiến cho nhà Đường gần mất ngôi, may mắn là được một nhóm người như Quách Tử Nghi dẹp yên cơn biến loạn ấy. Sau khi yên ổn, tại mỗi nơi chiến trường, Đường Minh Hoàng dựng một ngôi chùa, đặt tên là chùa Khai Nguyên, vì cuộc động loạn xảy ra trong niên hiệu Khai Nguyên. Mỗi địa phương dựng một ngôi Khai Nguyên Tự, dựng chùa nhằm truy điệu quân dân tử nạn. Đó là khởi đầu, mang tánh chất kỷ niệm giống như Trung Liệt Từ3, thỉnh các vị xuất gia tụng kinh siêu độ, hồi hướng cho họ. Quốc gia làm như vậy, nên trong dân gian, người già qua đời, cũng thỉnh pháp sư đến niệm kinh. Đương nhiên đó là ngẫu nhiên, có thể thỉnh pháp sư về nhà niệm kinh, nhất định đều là những vị quý nhân hay quan chức hiển đạt, chẳng phải là bình dân. Người xuất gia làm chuyện này là kèm thêm, thỉnh thoảng làm kèm thêm. Pháp sư Đạo An bảo tôi, có thể đó là khởi đầu, vì trước đó, chưa hề nghe nói tới [chuyện tăng sĩ làm kinh sám Phật sự].

Tôi nghĩ: Thật sự biến thành tình hình như hiện tại là do Từ Hy, Từ Hy Thái Hậu tạo oan nghiệt. Dưới đời nhà Thanh trước kia, đế vương thường lễ thỉnh học giả Nho, Thích, Đạo giảng học trong hoàng cung. Hoàng thượng dẫn phi tần, văn võ bá quan đến nghe giảng, chế độ này mãi cho đến đời Hàm Phong vẫn còn (hoàng đế Hàm Phong là chồng của Từ Hy Thái Hậu), vẫn còn gìn giữ. Giảng nghĩa trong cung đình, giảng nghĩa Nho, Thích, Đạo. Họ đặc biệt tôn trọng Phật pháp, [nhưng giảng nghĩa Phật pháp không bảo lưu] trong Tứ Khố, giảng nghĩa của Nho gia và Đạo gia đều có trong Tứ Khố Toàn Thư. Đôi khi, tôi mở [bộ Tứ Khố] ra xem, coi cách giảng trong hoàng cung của người thuở trước rốt cuộc là như thế nào. Giảng Tứ Thư theo cách nào? Giảng Ngũ Kinh theo cách nào? Những bản giảng nghĩa ấy vẫn còn tồn tại, nhưng đối với Phật pháp, bèn đặc biệt biên tập một bộ Đại Tạng Kinh, gọi là Càn Long Đại Tạng Kinh, không xếp [những bài giảng kinh Phật] vào Tứ Khố, đó là đặc biệt tôn trọng Phật pháp. Do lịch đại đế vương đều là đệ tử Tam Bảo, những vị đại đức thuộc hàng đức cao vọng trọng đều phong làm quốc sư. Triều đình nhà Thanh làm như vậy đó. Sau khi Hàm Phong qua đời4, con còn rất nhỏ, con trai Từ Hy Thái Hậu làm tiểu hoàng đế, quyền lực triều chánh lọt vào tay bà ta, thùy liêm thính chánh5. Cho nên con trai bà ta [có niên hiệu] là Đồng Trị, tức là bà ta và con trai cùng trị vì quốc gia, phiền phức khá lớn. Bà ta tin tưởng quỷ thần, bãi bỏ chuyện thỉnh đại đức giảng học trong cung đình, điều này có ảnh hưởng quá lớn đối với văn hóa truyền thống Trung Quốc. Vì sao văn hóa truyền thống hiện thời suy vi đến nỗi này? Đầu sỏ là Từ Hy Thái Hậu, tin tưởng cầu cơ, chẳng tin kinh điển, cũng chẳng nghe lời, tin tưởng các vị cao tăng đại đức. Bà ta cầu cơ phù loan, kết quả là quốc gia tiêu vong từ đó. Thuở tôi còn trẻ, Chương Gia đại sư kể cho tôi nghe chuyện này. Chương Gia đời trước6 là quốc sư của Từ Hy Thái Hậu, toàn là hữu danh vô thực, bà ta cũng chẳng hỏi ý Ngài. Trong quá khứ, hễ thật sự gặp đại sự nghi nan, đế vương bèn hỏi ý kiến các vị đại đức, tức các vị đại đức Nho, Thích, Đạo, họ cũng giống như cố vấn của hoàng thượng. Từ Hy Thái Hậu rất tôn trọng họ, nhưng chẳng nghe lời, mà nghe theo quỷ thần. Vì vậy, [Phật giáo Trung Quốc] phải là hoàn toàn bị biến chất vào lúc ấy.

Hiện thời, tự viện am đường Phật giáo nhìn không ra diện mục giáo học của Thích Ca Mâu Ni Phật, hoàn toàn chẳng nhìn thấy, Phật giáo bị biến thành mê tín. Hơn nữa, trong tôn giáo, Phật giáo lại là tôn giáo cấp thấp. Tôn giáo cao cấp chỉ có một thần, một vị chân thần, trong Phật giáo thờ Phật, Bồ Tát quá nhiều, người ta nghĩ các Ngài đều là thần, nên gọi Phật giáo là phiếm thần giáo, hoặc đa thần giáo. Phiếm thần giáo, đa thần giáo là tôn giáo cấp thấp. Tứ chúng đệ tử chúng ta ngày nay đều có nghĩa vụ giảng rõ ràng, rành rẽ chuyện này cho xã hội. Cả đời Thích Ca Mâu Ni Phật là giáo dục, nói theo cách bây giờ là văn hóa xã hội giáo dục đa nguyên, giáo dục trọn khắp thế gian, có thể mang lại an định, hòa bình cho xã hội, có thể mang lại hạnh phúc mỹ mãn cho hết thảy chúng sanh, là giáo dục luân lý, giáo dục đạo đức, giáo dục nhân quả, những điều ấy đều được gồm trong Phật giáo. Một số ít học giả, chuyên gia lại mong muốn tiến cao hơn, trong kinh Phật có giáo dục triết học và giáo dục khoa học, đều giảng đến mức viên mãn rốt ráo. Ngày nay, [kẻ khác] nói Phật giáo là tôn giáo, chúng ta cũng chẳng thể không thừa nhận, nó đã thật sự biến thành tôn giáo. Chúng ta đi theo con đường này là đi theo con đường giáo dục của Thích Ca Mâu Ni Phật. Lúc tôi mới xuất gia, các đồng tham, đồng học cũng đều rất muốn đi theo con đường này, nhưng lại sợ hãi, sợ gì vậy? Sợ đi theo con đường này trong tương lai sẽ chết đói, không có ai cúng dường! Kinh sám Phật sự, học ba tháng đánh pháp khí, xướng niệm là được rồi, đã có thể kiếm tiền; làm mười năm, hay tám năm, tích cóp có thể dựng một ngôi chùa nhỏ, [nên đại đa số người xuất gia] đều đi theo con đường ấy, chứ giảng kinh, giáo học mọi người đều sợ. Tôi sống cả đời chẳng chết đói, vẫn sống khá lắm, nhưng con đường này (giáo học, giảng kinh) vô cùng khổ cực, vì sao khổ sở ngần ấy? Chúng ta phải hiểu rõ ràng, rành rẽ nguyên nhân, chẳng đi theo [con đường này] sẽ chẳng được! Hy vọng mọi người nỗ lực khôi phục nền giáo dục Phật giáo. Nếu chẳng khôi phục giáo dục, Phật giáo chẳng có địa vị trong xã hội, rất đáng thương! Tất cả các tôn giáo, không chỉ riêng Phật giáo, đều phải trở về giáo dục, vì sao? Quý vị thấy mỗi vị sáng tổ tôn giáo đều là nhà giáo dục xã hội. Gia Tô (Jesus) dạy ba năm, bị kẻ khác hại chết. Mục Hãn Mặc Đức (Mohammed, Muhammad) dạy hai mươi bảy năm. Quý vị quan sát cẩn thận, vị giáo chủ sáng lập tôn giáo nào thoạt đầu chẳng phải là dạy học? Nếu tôn giáo trở về giáo dục, tôn giáo sẽ được xã hội chấp nhận, vì nó cống hiến, tạo lợi ích cho xã hội, mọi người tự nhiên ủng hộ, giúp đỡ quý vị phát triển. Quý vị là giáo dục, xã hội cần quý vị, khác hẳn! Do vậy, chúng tôi học tập đến chỗ này, cảm khái rất sâu.



Chúng ta lại xem đoạn kế tiếp: “Diệc khả tuy ngoại hiện Thanh Văn, nội bí Bồ Tát chi hạnh, cố danh đại thánh” (Cũng có thể hiểu là tuy bề ngoài hiện làm Thanh Văn, bên trong ẩn giấu hạnh Bồ Tát nên gọi là Ðại Thánh). Đây là nói về sự biểu thị pháp, xác thực có ý nghĩa này, nhưng trong kinh Đại Thừa, đức Phật cũng dạy rõ, chuyện này chẳng phải là giả. Trong các đệ tử thường tùy của đức Phật, quả thật có không ít vị đã thành Phật, thả chiếc bè Từ, đến giúp Thích Ca Mâu Ni Phật giáo học. Như Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất đều đã sớm thành Phật, lần này Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện làm Phật, các Ngài đến làm đệ tử. Chẳng phải là người thông hiểu, lão luyện, sẽ chẳng thể nêu câu hỏi, họ cùng đức Phật một hỏi, một đáp, cố ý làm bộ không hiểu để đức Phật giải thích cho mọi người nghe, chẳng phải là các Ngài thật sự không hiểu. Ngay cả ngài A Nan cũng chẳng phải là phàm nhân, A Nan thị hiện Sơ Quả, Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất thị hiện làm Tứ Quả La Hán, Bồ Tát chúng lại càng không cần phải nói nữa! Chư vị đều biết Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm đã sớm thành Phật, hiện tại mang thân phận Phật ở thế giới phương khác, nhưng đến khu vực giáo hóa của Thích Ca Mâu Ni Phật bèn mang thân phận Bồ Tát, đều là đến thị hiện. Do vậy, “ngoại hiện Thanh Văn” là ý nghĩa về mặt Hiển, “nội bí Bồ Tát hạnh” là Ẩn. Ẩn và hiện khác nhau, những vị này đều là bậc đại thánh.

“Tịnh Ảnh Sớ viết, Đại hữu lưỡng nghĩa, nhất, vị cao danh Đại” (Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Đại có hai nghĩa: Một là địa vị cao lớn, nên gọi là Đại”), chủ yếu nói các vị tỳ-kheo có địa vị cao. Trong Phật pháp có học vị, nên Phật pháp đích xác là giáo dục. Phật, Bồ Tát, A La Hán là các danh xưng học vị trong Phật môn. Quý vị buông chấp trước xuống, đoạn Kiến Tư phiền não, sẽ đắc Chánh Giác, sẽ được gọi là A La Hán. Vì vậy, đấy là học vị, quý vị chứng đắc học vị thứ nhất. Quý vị lại có thể buông phân biệt xuống, và cũng đoạn sạch Trần Sa phiền não, bèn chứng học vị thứ hai là Chánh Đẳng Chánh Giác. Đấy là Bồ Tát. Lại tiến thêm bước nữa, không khởi tâm, chẳng động niệm, và cũng buông vô thỉ vô minh xuống, sẽ thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, bèn gọi là Phật Đà, đây là học vị tối cao. Vì thế, Phật Đà, Bồ Tát, A La Hán là ba học vị trong nền giáo dục của đức Phật; hết thảy chúng sanh vốn là Phật, tức là ai cũng đều có thể đạt được học vị tối cao. Điều này khác với tôn giáo! Trong tôn giáo, chỉ có một Thượng Đế, thần cũng chỉ có một, con người và thần chẳng ngang hàng, không thể nào [có chuyện con người tu thành Thượng Đế]. Nhà Phật chẳng giống như vậy, nhà Phật là “hết thảy chúng sanh đều có thể thành Phật”, kinh nói rất hay: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh”. Đã có Phật tánh, nhất định có thể chứng đắc Phật quả. Do vậy, nói theo tự tánh, vốn là Phật. Nói theo phương diện tu hành, quý vị nhất định có thể đạt được học vị này. Đó là địa vị cao, là ý nghĩa của chữ Đại. Thứ hai là “đức thắng”, [nghĩa là] đức thù thắng, vượt trỗi hết thảy tiểu thánh, nên gọi là Đại. “Hội chánh vi thánh” (hiểu biết đúng đắn là thánh), Chánh là chánh tri chánh kiến, đấy là thánh nhân. Tại Trung Quốc, các Ngài được gọi là Thánh, ở Ấn Độ, các Ngài được gọi là Phật. Chúng ta chớ nên không biết những ý nghĩa được bao hàm trong các danh từ thuật ngữ này.

Tổng thượng khả kiến, hoặc tùng đức nhi ngôn, khế ư Không lý, hội hợp chánh đạo viết Thánh” (Tổng hợp những điều trên đây, ta thấy: Nếu từ đức mà nói thì khế hợp lý Không, hiểu đúng chánh đạo nên gọi là Thánh). Đây là giải thích ý nghĩa chữ Thánh trong Đại Thánh. “Hoặc tùng vị nhi ngôn, Sơ Quả dĩ thượng, xưng Thánh” (Hoặc từ địa vị mà nói thì từ Sơ Quả trở lên đều gọi là Thánh); đấy là tiểu thánh, chúng ta gọi Tu Đà Hoàn là vị thánh nho nhỏ, Ngài thật sự là thánh nhân, trọn chẳng phải là phàm nhân. “Duy hồi Tiểu hướng Đại, hành Bồ Tát đạo, trực thú Phật quả giả (nãi danh cứu đại A La Hán)” (chỉ có những ai hồi Tiểu hướng Ðại, hành Bồ Tát đạo, hướng thẳng đến Phật quả (mới gọi là tột cùng quả Ðại A La Hán)), thật sự hồi Tiểu hướng Đại, sốt sắng nỗ lực tu học Đại Thừa sẽ được là “đại thánh”. Mặt khác, “đại quyền thị hiện” đương nhiên lại càng chẳng cần phải nói nữa, đều là Bồ Tát tái lai, Pháp Thân đại sĩ tái lai, đương nhiên là đại thánh. Ý nghĩa “đại thánh” được nói đến đây.



tải về 161.04 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương