THÁnh phao-lô toâng ñOÀ: GƯƠng mẫu cuûa giaùo lyù vieân trong Website



tải về 80.77 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích80.77 Kb.
#30013




THÁNH PHAO-LÔ TOÂNG ÑOÀ: GƯƠNG MẪU CUÛA GIAÙO LYÙ VIEÂN
Trong Website www.giaoly.org của UBGLTQ, có một cuộc thăm dò ý kiến các bạn trẻ quan tâm đến chủ đề Giáo lý viên đã đưa ra một thống kê dựa theo câu hỏi: “Điều gì quan trọng nhất đối với một giáo lý viên”. Kết quả là:

  • Cần phải biết giáo lý (12 phiếu – 10.62%)

  • Cần phải biết cách dạy học (5 phiếu – 4.42%)

  • Cần phải thương học sinh (4 phiếu – 3.54%)

  • Cần phải biết và yêu mến Đức Ki-tô (7 phiếu – 6.19%)

  • Biết và yêu mến Đức Ki-tô cùng vâng phục Hội Thánh (85 phiếu – 75.22%)

Nhân dịp Giáo hội đề ra Năm Thánh học hỏi giáo lý theo gương thánh Phao-lô và dựa vào câu trả lời chiếm tỷ lệ đa số ở trên, xin mạn phép đưa ra 3 tiêu chuẩn dành cho một giáo lý viên gương mẫu theo mẫu gương của Thánh Phao-lô:



  • Những đức tính cần thiết

  • Kiến thức về Kinh Thánh (hiểu biết về Đức Ki-tô qua Lời của Ngài)

  • Phương pháp sư phạm giáo lý




  1. NHỮNG ĐỨC TÍNH

Thánh Phao-lô là con người đầy nhiệt huyết, biết xả thân cho một lý tưởng mà không hề tính toán. Lý tưởng của ngài, căn bản là Đạo. Đối với ngài, Thiên Chúa là tất cả, và ngài thờ Thiên Chúa với tấm lòng trung thành tuyệt đối. Lòng nhiệt thành vô điều kiện này biểu lộ qua một đời sống quên mình phục vụ Đấng ngài yêu mến. Ngài không quản nhọc nhằn, đau khổ, thiếu thốn, hiểm nguy (1Cr 4:9-13; 2Cr 4:8tt; 6:4-10; 11:23-27), miễn sao hoàn thành được nhiệm vụ (1Cr 9:16tt). Không gì có thể tách ngài ra khỏi tình yêu Thiên Chúa và Đức Ki-tô (Rm 8:35-39). Nói đúng hơn, mọi gian khổ đều quý giá, vì làm cho ngài được thông phần cuộc Thương Khó và thập giá của Thày mình (2Cr 4:10tt; Pl 3:10tt).


Con người đầy nhiệt huyết của Phao-lô còn mang những hoài bão to lớn. Khi ngài nói lên nỗi bận tâm ray rứt lo cho tất cả các Hội thánh (2Cr 11:28; Cl 1:24). Thánh Phao-lô còn là một người có tâm hồn đa cảm dạt dào những tâm tình đối với Đức Ki-tô và các tín hữu. Đối với Đức Ki-tô, ngài tỏ ra say mến, danh hiệu Giê-su Ki-tô không ngớt trên môi miệng, dưới ngòi bút của ngài. Nhiều người muốn coi những kinh nghiệm thần bí của thánh Phao-lô như là hậu quả của một tính khí cuồng nhiệt và bệnh hoạn. Điều này không có căn bản. Đúng hơn phải nói ngài thuộc hạng người suy tư. Đi đôi với một tâm hồn nồng nhiệt là một khối óc thông minh, sáng suốt, mạch lạc, đòi hỏi, chú tâm trình bày đức tin sao cho phù hợp với hoàn cảnh của thính giả. Thánh Phao-lô ít chú trọng đến lối văn chương cầu kỳ và chỉ muốn cho sức thuyết phục của mình dựa vào sức mạnh của lời lẽ đức tin được Thánh Thần củng cố (1Tx 1:5; 1Cr 2:4tt; 2Cr 11:6; Rm 15:18).

Chương 9,19-23 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô là một trang tiểu sử khác cho chúng ta thấy qủa thật Tin Mừng cứu độ là đích điểm duy nhất trong cuộc đời thánh Phaolô. Thánh nhân hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả, liều mất tất cả, miễn là mọi người được lắng nghe Tin Mừng. Ngài viết: ”Phải, là người tự do đối với mọi người, nhưng tôi đã tự nguyện làm đầy tớ mọi người, để chinh phục được nhiều linh hồn hơn. Đối với người Do thái, tôi trở nên người Do thái, hy vọng chinh phục được họ. Tuy tôi không phải giữ Lề Luật, nhưng đối với các kẻ phải giữ Lề Luật tôi trở nên kẻ giữ Lề Luật, để chinh phục những kẻ phải giữ Lề Luật. Đối với những kẻ không có Lề Luật, tôi trở nên như người sống ngoài vòng pháp luật để chinh phục những người không có lề luật, mặc dầu tôi không phải là người vô pháp luật trước mặt Chúa, bởi vì Chúa Kitô là luật lệ của tôi. Với những người yếu đuối, tôi trở nên yếu đuối để cứu vớt các kẻ yếu đuối. Tôi đã trở nên tất cả trong mọi người, hy vọng bằng mọi giá cứu vớt được ai đó. Và tôi làm mọi điều ấy vì loan báo Tin Mừng, để cùng được kẻ khác chia sẻ Tin Mừng ấy”1.

Đời sống đạo đức và các giáo huấn của thánh Phao-lô lan tỏa ra trong các thư mà ngài viết gửi cho các giáo đoàn. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, ngoài thái độ biết ơn cám tạ Thiên Chúa và mong đợi ngày Chúa Kitô quang lâm, còn có hai đề tài quan trọng khác: đó là cuộc sống thánh thiện và tình yêu thương huynh đệ. Ơn gọi và bổn phận của kitô hữu là duy trì cuộc đời mình cho thánh thiện và không thể chê trách vào đâu được.

Đây là lý do khiến thánh Phaolô khẩn thiết nhắc nhớ cho tín hữu Thêxalônica biết: khi tin nhận Chúa Giêsu và Tin Mừng, họ đã đoạn tuyệt với kiểu sống tháo thứ tính dục, buông thả dâm loạn ấy của môi trường thời đó. Vì thế phải cố gắng nên thánh mỗi ngày, xa lánh mọi hình thái sự dữ và tội lỗi. Tuy lãnh vực nên thánh không có giới hạn, nhưng ở đây Phaolô có ý hạn hẹp nó trong lãnh vực tính dục. Vì thế thánh nhân khuyên tín hữu đừng sống dâm ô. Kitô hữu đã tin nhận Chúa và hiểu biết giáo huấn Tin Mừng của Chúa, thì không thể sống như vậy được.

Thánh Phaolô cũng không quên cảnh cáo những người qúa trông chờ ngày Chúa Giêsu quang lâm đến độ bỏ bê công ăn việc làm thường ngày của mình và trở thành gánh nặng cho các anh chị em khác. Phaolô khuyến khích họ hãy sống trong bình tĩnh và chăm chỉ làm việc, mà không bôn chôn gây xáo trộn cho người khác và đặc biệt là để cho toàn cộng đoàn khỏi mang tiếng trước các người không kitô2.

Theo gương thánh Phao-lô, giáo lý viên không ngừng rèn luyện nhân cách, trước hết là đạo đức tư cách nhân bản sau đó là đạo đức của người con Chúa và nhiệt tâm lo việc truyền giảng Tin Mừng và làm chứng tá trong đời sống đức tin.




  1. KIẾN THỨC VỀ KINH THÁNH

Là người mãi sau này mới tin vào Chúa Giêsu, Phaolô không có được vinh dự nhìn thấy Chúa Giêsu như các Tông đồ, cũng không thể tự giới thiệu như là chứng nhân biến cố sống lại của Chúa Kitô. Trên bình diện pháp định thánh nhân lại còn lâm tình trạng què quặt hơn nữa, vì đã từng là người bắt bớ đàn áp các kitô hữu, nghĩa là có qúa khứ không trong sạch.


Thánh Phaolô đã khiển trách các tín hữu Ga-lát không nghiêm túc sống theo Tin Mừng của Đức Giêsu, còn pha trộn những nghi thức bên ngoài của Do-thái giáo với lòng tin vào Đức Ki-tô. Thánh Phaolô gọi đó là Tin Mừng khác. Người quy trách nhiệm cho một số tín hữu gốc Do-thái đã du nhập Tin Mừng khác vào các Hội thánh miền Ga-lát. Người thẳng thắn và nghiêm khắc kết án họ.

Nếu quan sát lời dẫn nhập các thư, qua đó Phaolô giới thiệu căn cước của ngài, chúng ta có thể nhận ra sự kiện này: đó là trong thư thứ nhất và thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô Phaolô viết: ”Tôi là Phaolô được chọn làm tông đồ Đức Giêsu Kitô theo ý muốn của Thiên Chúa” (1 Cr 1,1; 2 Cr 1,1). Trong lời mở đầu thư gửi tín hữu Galát, ý thức là tông đồ ấy gia tăng rõ rệt: “Tôi là Phaolô, được chọn làm tông đồ không bởi sáng kiến của loài người cũng không do trung gian của một người nào, mà là bởi Đức Giêsu Kitô và bởi Thiên Chúa Cha, Đấng đã cho Đức Giêsu Kitô sống lại từ vương quốc các kẻ chết” ( Gl 1,1). Và lời nhập đề thư gửi giáo đoàn Roma diễn tả trọn vẹn ý thức đó: “Tôi là Phaolô nô lệ Đức Giêsu Kitô, được gọi làm tông đồ, được tuyển chọn để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa... Chính từ Ngài mà chúng tôi đã lãnh nhận ơn thánh là tông đồ để dẫn đưa tất cả mọi người ngoại giáo tới chỗ tuân phục của lòng tin, hầu vinh danh Ngài” (Rm 1,1.5).

Lý do nào đã khiến cho Phaolô có ý thức là tông đồ của Chúa Giêsu Kitô như vậy?

Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô Phaolô tự biện hộ cho mình bằng cách khẳng định với họ hai điều. Thứ nhất, thánh nhân không bị gạt bỏ ra khỏi số các tông đồ được Chúa Kitô phục sinh tự tỏ hiện ra, như các người kitô gốc do thái nói trên rêu rao. Vì kinh nghiệm gặp gỡ của ngài với Chúa Kitô phục sinh trên đường đến thành Damasco là bằng chứng cho thấy Chúa Kitô phục sinh cũng hiện ra với Phaolô. Còn hơn thế nữa, Ngài còn quật cho Phaolô té xuống đất và đánh mù mắt Phaolô nữa. Do đó biến cố hiện ra này cũng có gía trị y như biến cố chúa Kitô phục sinh hiện ra với các môn đệ lịch sử của Ngài vậy. Sau khi liệt kê những người đã được Chúa Kitô phục sinh hiện ra như: Phêrô, 12 Tông đồ, 500 môn đệ, Giacôbê, tất cả các tông đồ, Phaolô viết tiếp trong chương 15,8 thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côritô: ”Sau cùng, Ngài cũng đã hiện ra với tôi là bào thai bị phá” ( 1 Cr 15,8). Trước đó trong chương 9,1 Phaolô đã hỏi các tín hữu: ” Tôi không phải là tông đồ hay sao? Hay có lẽ tôi đã không trông thấy Chúa Giêsu Chúa chúng ta hay sao?”. Và từ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô phục sinh trên đường Damasco, Phaolô khẳng định rằng dù là người bất xứng ngài cũng vẫn là tông đồ, được chính Chúa Kitô phục sinh hiện ra và tuyển chọn (1 Cr 15,9).

Lý do thứ hai khiến Phaolô xác tín mình là tông đồ của Chúa Kitô, vì ơn thánh Chúa ban và vì ngài đã nỗ lực cộng tác với ơn thánh đó để làm cho lòng tin và cuộc đời của ngài sinh hoa trái phong phú. Vì thế Phaolô viết tiếp trong chương 15 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: ”Nhưng sở dĩ tôi được như bây giờ chính là nhờ ơn thánh Chúa. Và ơn thánh của Ngài đã không vô hiệu trong tôi. Trái lại, tôi đã khó nhọc vất vả hơn tất cả mọi người khác. Nhưng không phải tôi, mà là ơn thánh Chúa ở trong tôi” (1 Cr 15,10). Chính các tín hữu Côrintô là bằng chứng sống động cho thấy Phaolô thật là tông đồ với tất cả mọi hiệu qủa của chức vị đó. Vì thế Phaolô viết trong chương 9 cùng thư: ”Anh chị em há lại không phải là công trình của tôi trong Chúa sao? Nếu đối với các người khác tôi không phải là tông đồ, thì ít nhất tôi chắc chắn là tông đồ đối với anh chị em. Thật ra chính anh chị em là dấu ấn chức vụ tông đồ của tôi trong Chúa”. (1 Cr 9,1-2). Các sự kiện minh chứng cho thấy Phaolô đựơc chọn làm tông đồ. Đây không phải là việc tấn phong theo thể chế, mà là một tấn phong đặc sủng.

Nhưng chưa hết, Phaolô còn phải đương đầu với một luận điệu khác nữa của các người kitô gốc do thái kể trên. Họ khoe khoang các kinh nghiệm đặc sủng ngoạn mục của họ, làm như thể họ giống ông Môshê từ núi Sinai xuống, mặt rạng ngời ánh sáng thiên linh (2 Cr 3.1-11). Do đó có lạ gì khi họ được các tín hữu trầm trồ thán phục và tin theo. Còn Phaolô là con người nghèo nàn yếu đuối, làm sao lại có thể là người do Thiên Chúa toàn năng vinh hiển sai tới được? Phaolô không chối bỏ sự thật ngài là một người nghèo nàn yếu đuối. Nhưng thánh nhân nêu bật rằng chính sự nghèo nàn yếu đuối ấy là chứng tích minh xác cho chức vụ tông đồ của Ngài. Phaolô là vị tông đồ của Chúa Kitô bị đóng đanh, và chia sẻ cái bất lực nhục nhã của Đức Kitô bị đóng đanh. Nhưng chính lúc bất lực nhất lại là lúc Chúa Kitô cứu độ trần gian (2 Cr 13,3-4). Và cái luận lý ngược đời của thập gía đó ghi đậm dấu trên toàn cuộc đời của thánh nhân. Do đó Phaolô viết trong chương 12,10: ”Bởi vì khi tôi yếu đuối, lại chính là lúc tôi mạnh mẽ”.

Tóm lại, thánh Phaolô là một tông đồ với đầy đủ danh nghĩa của từ tông đồ, nghĩa là người được Chúa Kitô phục sinh sai đi rao giảng Tin Mừng. Bởi vì Thiên Chúa Cha đã mạc khải cho thánh nhân biết mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô Con Ngài, và đã trao cho thánh nhân sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại (Gl 1,15-16). Các thành qủa rực rỡ của công tác truyền giáo minh chứng cho sự thật này. Chính vì thế trong chương 15 thư gửi tín hữu Roma Phaolô nói ngài có lý do để khoe khoang trong Chúa Kitô và trước mặt Thiên Chúa. Chính Chúa Kitô đã dùng ngài như dụng cụ được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để đem Tin Mừng tự do và giải phóng tới cho mọi dân tộc ngoài do thái chưa biết Chúa3.

Đọc các thư của thánh Phaolô chúng ta nhận thấy thánh nhân là người có ý thức cao độ về vai trò riêng là người loan báo tin vui: Thiên Chúa cống hiến ơn cứu độ cho mọi người qua Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô là sứ giả Tin Mừng trong nghĩa đen của từ ”euangellion”. Ý thức đó mạnh mẽ tới độ Phaolô viết trong chương 1,17 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: ”Thật ra Chúa Kitô không gửi tôi đi rửa tội, nhưng là để loan báo Tin Mừng”.

Tuy nhiên, ở đây Phaolô không hiểu việc loan báo Tin Mừng như là thông báo tin vui cứu độ bằng lời nói. Tin Mừng mà thánh nhân rao giảng không chỉ là lời rao giảng đề cập tới sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa, cái chết và sự sống lại của của Chúa Kitô, mà là lời của chính Thiên Chúa và là lời của Chúa Kitô. Chính Thiên Chúa và Chúa Kitô nói với mọi người qua Tin Mừng, mà thánh nhân loan truyền. Do đó, không phải thánh Phaolô mà chính Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu phục sinh loan báo Tin Mừng cứu độ. Xác tín này khiến cho Phaolô khẳng định với tín hữu Côrintô trong chương 5,18-20 thư thứ hai gửi cho họ rằng: ”Tất cả mọi sự đến từ Thiên Chúa là Đấng đã hòa giải trần gian với Ngài qua Đức Kitô và đã trao phó cho chúng tôi bổn phận phục vụ sự hòa giải đó. Phải, chính Thiên Chúa hòa giải trần gian với Ngài qua Đức Kitô, bằng cách không chấp tội lỗi loài người nữa, và đặt trên môi miệng chúng tôi sứ điệp hòa giải. Vì thế chúng tôi là đại sứ của Chúa Kitô, và chính Thiên Chúa khuyến khích qua miệng của chúng tôi”. Như thế thánh Phaolô muốn nói rằng lời thánh nhân rao giảng có cùng sự hữu hiệu như lời tạo dựng của Thiên Chúa. Vì thế ngài viết trong chương 2,13 thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica như sau: ”... khi tiếp nhận lời Thiên Chúa do chúng tôi rao giảng, anh chị em không tiếp nhận như lời của con người trần gian, mà như lời của Thiên Chúa”. Và thánh nhân khẳng định ngay trong chương 1 thư gửi tín hữu Roma rằng: ”Tin Mừng ngài rao giảng chính ”là quyền năng của Thiên Chúa nhằm đem lại ơn cứu độ cho tất cả những ai tin” (Rm 1,16).

Lòng tin như một dấn thân cá nhân có ý thức tuân giữ các giáo huấn của Chúa Giêsu, đó là điều kiện khiến cho tín hữu được ơn cứu độ, như thánh Phaolô khẳng định trong chương 15 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: ”Tôi xin nhắc cho anh chị em nhớ Phúc Âm tôi đã rao giảng và anh chị em đã tin nhận cùng tuân giữ vững vàng. Nếu anh chị em tuân giữ như tôi đã rao giảng, thì anh chị em sẽ được cứu rỗi. Nếu không, anh chị em có tin cũng vô ích” (1 Cr 15,1-2). Ý thức cao độ về nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cứu độ đó còn đẩy thánh Phaolô đi xa hơn nữa. Một đàng Phaolô khẳng định rằng Tin Mừng cứu độ, mà ngài rao giảng, chính ngài cũng nhận được từ truyền thống tông đồ, như viết trong cùng chương 15 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: ”Trước hết tôi truyền lại cho anh chị em điều tôi đã nhận được: đó là Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh. Ngài đã được an táng trong mồ và đã sống lại ngày thứ ba, đúng như lời Kinh Thánh. Ngài đã hiện ra với Kêpha và hiện ra với 12 tông đồ” (1 Cr 15,3-5). Đàng khác, thánh nhân cũng khẳng định rằng nó là Tin Mừng của mình, hay đúng hơn ”Tin Mừng của chúng tôi” (Rm 2,16; 2 Cr 4,3), trong nghĩa là Tin Mừng thánh nhân và các cộng sự viên rao giảng cho các anh chị em không do thái.

Nhiệt tâm đối với việc rao giảng Tin Mừng cứu độ khiến cho thánh Phaolô tận hiến trọn tâm hồn và thân xác, mọi sức lực và tài năng của ngài cho công tác truyền giáo. Phaolô không ngần ngại đương đầu với nhóm Kitô hữu gốc do thái qúa khích len lỏi vào trong cộng đoàn Côrintô để gieo hoang mang và đánh phá cộng đoàn do thánh nhân nhọc công xây dựng. Thánh Phaolô đã đau đớn ghi nhận sự suy thoái và rạn nứt giữa cộng đoàn. Trong chương 11 thư thứ hai gửi cho họ Phaolô nói ngài phải bất đắc dĩ tự khoe khoang và so sánh khả năng và công lao của ngài với bọn tông đồ giả hiệu, để cho tín hữu Côrintô thấy mặt nạ gian dối thâm độc của họ.

Nhưng chúng ta sẽ lầm to, nếu chúng ta cho thánh Phaolô là một nhân vật đặc biệt, một con người có các lý tưởng siêu vời hay một người hùng, trong nghĩa tôn thờ thần tượng, như rất thường xảy ra trong giới truyền giáo lưu động thời đó. Không, Phaolô tự cho mình là một người bị bắt buộc phải rao giảng Tin Mừng, như viết trong chương 9,16 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô: ”Thật ra, đối với tôi rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để khoe khoang kiêu hãnh. Nhưng, nó là một bổn phận: khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Còn hơn thế nữa trong chương 1 thư gửi tín hữu Roma, thánh nhân gọi mình là ”nô lệ của Đức Giêsu... được chọn lựa để rao giảng Tin Mừng của Chúa” (Rm 1,1), và mắc nợ mọi người ”người Hy lạp, cũng như các dân rợ, người khôn ngoan cũng như người vô học” (Rm 14). Trong chương 15 thư gửi giáo đoàn Roma thánh nhân cũng tự định nghĩa là ”thầy tế lễ của Tin Mừng” và là “người biến các anh chị em không do thái trở thành một lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa và được Thánh Thần thánh hóa” (Rm 15,16)4.

Thánh Phaolô đã mặc cho chúng một ý nghĩa và một nội dung chưa hề được biết tới cho tới thời đó. Thí dụ như tước hiệu ”Kyrios”, ”Chúa” áp dụng cho Chúa Kitô phục sinh. Đây là tước hiệu mà tín hữu trong cộng đoàn kitô tiên khởi nói tiếng aramây đã dùng để gọi Chúa Kitô phục sinh. Nhưng khi được thánh Phaolô dùng lại trong các thư, tước hiệu này mang nội dung thần học sâu đậm đến trở thành một phạm trù diễn tả nét thần học về Chúa Giêsu. Khi dùng tước hiệu ”Kyrios”, ”Chúa” để gọi Đức Giêsu, thánh Phaolô muốn nêu bật gương mặt của Đức Giêsu Kitô phục sinh khải hoàn, được Thiên Chúa Cha tôn vinh cất nhắc lên cao cho ngự bên hữu Ngài, trao ban cho mọi quyền bính và đặt làm Chúa của toàn vũ hoàn, có toàn quyền trên mọi loài thụ tạo trên trời cũng như dưới đất và dưới lòng đất. Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô chương 16,22 thánh Phaolô đã dùng lại lời tuyên xưng của cộng đoàn kitô tiên khởi nói tiếng aramây khi viết: ”Nếu ai không yêu mến Chúa, thì hãy là đồ bị chúc dữ! Marana tha!”. Ở đây Chúa Giêsu Kitô phục sinh được tín hữu gọi là ”Kyrios”, và thánh Phaolô ghi lại tước hiệu cộng đoàn kitô tiên khởi dùng trong công thức phụng vụ tiếng aramây để kêu xin Chúa đến ”Marana tha”, có nghĩa là ”Lậy Chúa chúng con xin hãy đến”. ”Marê''” trong tiếng aramây có nghĩa là ”Chúa”, ”Kyrios”. Đây cũng là trường hợp của các tước hiệu khác như ”Kristos” ”Đấng được xức dầu” hay ”Đấng Cứu Thế” và ”hô huios tou Theou”, ”Con Thiên Chúa” (W. Kramer, Christos Kyrios Gottessohn, Zuerich 1963). Trường hợp nền Thánh Thần học hay định nghĩa thần học về Chúa Thánh Thần trong thư của thánh Phaolô cũng vậy. Thánh Phaolô gọi Chúa Thánh Thần là ”Thần Linh của Đức Kitô” (R. Penna, Lo spirito di Cristo, Brescia 1976).

Thánh Phaolô khẳng định rằng khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội là tín hữu đã cùng chết và được mai táng với Đức Kitô, để được bước vào cuộc sống mới như Chúa Kitô phục sinh. Khi tin nhận Chúa và lãnh bí tích Rửa Tội, là tín hữu cùng đóng đinh con người cũ vào thập gía với Chúa Kitô, để hủy diệt thân xác tội lỗi, và không còn là nô lệ của tội lỗi nữa. Vì kẻ đã chết thì được giải thoát khỏi tội lỗi. Khi cùng chết với Đức Kitô, thì tín hữu cũng sẽ được sống lại với Ngài, và sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Cũng chính vì đã có được sự sống mới ấy, nên tín hữu không được để cho tội lỗi ngự trị trong thân xác của mình nữa, và không được dùng các chi thể của mình để phục vụ tội lỗi như dụng cụ của bất công nữa, nhưng phải dùng chúng như dung cụ của sự công chính và phụng sự Thiên Chúa. Nếu trước khi trở thành con cái Chúa, tín hữu đã phải sống dưới ách thống trị của luật lệ, thì gìơ đây họ không sống dưới luật lệ nữa mà sống dưới ơn thánh. Nếu trước đây họ nô lệ tội lỗi và dùng chi thể của họ để phục vụ ô uế và gian ác dẫn đưa họ tới cái chết, thì giờ đây họ phải cố gắng sống vâng phục sự công chính dẫn đưa họ tới chỗ nên thánh. Qua bí tích Rửa tội họ đã được giải phóng khỏi kiếp sống nô lệ tội lỗi, để trở thành tôi tớ của sự công chính và của Thiên Chúa, để được trở nên thánh thiện và hưởng sự sống vĩnh cửu. Bởi vì đồng lương của tội lỗi là cái chết, còn ơn nhưng không Thiên Chúa ban cho là sự sống trường sinh trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

Để sửa dậy tín hữu thánh Phaolô nhắc nhớ cho họ biết giáo lý về bí tích Thánh Thể, mà chính ngài đã nhận được từ Chúa và truyền lại cho họ. Ở đây thánh Phaolô gián tiếp khẳng định rằng giáo lý về bí tích Thánh Thể mà ngài đã nhận được từ cộng đoàn kitô Damasco sau cuộc gặp gỡ đổi đời trên đường tới thành Damasco, bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu Kitô5.

Có kiến thức về Kinh Thánh là có sự hiểu biết về Đức Kitô qua giáo huấn của Ngài.


Trước khi “gặp’’Chúa Giêsu Kitô cách gián tiếp, thánh Phao-lô đã được học với ông Gamalien, một người biệt phái nhiệt thành tuân giữ lề luật và triệt để thực hành đạo. Thánh Phao-lô đã ảnh hưởng nhiều người thày của mình, nên Phao-lô đã được học Kinh thánh cặn kẽ. Cho tới khi “gặp’’ Chúa Giêsu Kitô Phục sinh cho dù cách gián tiếp, Phao-lô bắt đầu biết Chúa Giêsu Kitô phục sinh và thánh Phao-lô đã nỗ lực không ngừng rao giảng về Đức Kitô phục sinh và Lời của Ngài. Là giáo lý viên theo tinh thần của thánh Phao-lô, chúng ta cũng nỗ lực học hỏi Lời Chúa và sống Lời Chúa mỗi ngày. Vì chính “Lời Chúa là ngọn đèn cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi..’’ ().


  1. PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM

Duyệt xét các tương quan của thánh Phaolô với tín hữu các cộng đoàn kitô tiên khởi do thánh nhân thành lập, chúng ta nhận thấy thánh nhân là một chủ chăn rất nhậy cảm và đầy nhiệt huyết. Thật vậy Phaolô là một chủ chăn rất giầu nhân bản, có khả năng chia sẻ cuộc sống của các tín hữu và biết duy trì các tương quan liên bản vị sâu sắc vững vàng. Thánh nhân cũng là người hết mực yêu thương các tín hữu, yêu thương một cách vô vị lợi. Nhưng ngài cũng ước mong tín hữu đáp trả lại tình yêu thương ấy, bằng cách mở rộng tâm lòng cho lời rao giảng của ngài và cho các cộng sự viên. Dù có đi bất cứ đâu, Phaolô cũng nhớ đến họ và tìm cách liên lạc để có tin tức của họ. Nếu không đến thăm họ được, Phaolô gửi các cộng sự viên của ngài tới thăm họ. Trong tương quan với các tín hữu thánh Phaolô và các cộng sự viên của ngài theo nguyên tắc tự làm việc để mưu sinh, chứ không trở thành gánh nặng cho bất cứ ai. Do đó thánh nhân rất tự do và không bị một ai hoặc bất cứ gì điều kiện hóa trong công việc rao truyền Lời Chúa. Bằng chứng là khi cần thánh Phaolô đã theo nguyên tắc sư phạm ngàn đời ”thương con cho roi cho vọt”. Ngài không ngần ngại cảnh cáo, sửa dậy các tín hữu với lời lẽ rất cứng rắn.

Nói cách khác, thánh Phaolô nghiêm khắc cảnh cáo các tín hữu đừng mắc mưu những người muốn đánh phá Giáo hội bằng cách gây chia rẽ và tạo ra tâm thức mặc cảm, so sánh, tị hiềm, cạnh tranh, nghi ngờ, kéo bè kết đảng giữa các thành phần Giáo Hội, giữa các chủ chăn với nhau, giữa các tín hữu và các chủ chăn, giữa cộng đoàn này với cộng đoàn khác.

Cũng vì ý thức được mình chỉ là đầy tớ của các tín hữu vì lòng mến Chúa Kitô, nên thánh Phaolô từ chối phô trương các khả năng đặc sủng ngài có, mà chọn các phương cách tầm thường hơn, nhưng cũng hữu hiệu hơn để giúp tín hữu tăng trưởng trong lòng tin. Trong chương 14 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, Phaolô thành thật nói lên điều đó: ”Tạ ơn Chúa, tôi nói được nhiều thứ tiếng hơn anh chị em. Nhưng khi cộng đoàn tụ họp nhau, tôi thích nói năm ba lời dễ hiểu để dậy dỗ cả các anh chị em khác, hơn là nói một vạn lời như là người thông thạo các thứ tiếng” (1 Cr 14,18-19). Nghĩa là thánh nhân không nhằm gây kinh ngạc và thán phục nơi người nghe, mà mà chỉ muốn thuyết phục họ tin vào Tin Mừng (2 Cr 5,11). Mà để được như thế, thì cần phải hiểu biết trình độ trí tuệ, tâm thức và nhu cầu của người nghe. Đối với các anh chị em bình dân, thuộc lớp lao động hay nông dân chân lấm tay bùn, thì cần phải dùng thứ ngôn ngữ hình ảnh và tư tưởng rõ ràng đơn sơ, mới có thể chuyển đạt Tin Mừng của Chúa tới cho họ một cách hữu hiệu được.

Ngoài ra trong khoa sư phạm rao truyền Tin Mừng này, thay vì ra lệnh, sai khiến, thánh Phaolô luôn luôn khích lệ, thúc đẩy, nài xin và khuyên nhủ.

Phaolô không chỉ nêu gương sống cho các tín hữu, mà còn khuyến khích họ noi gương sống của ngài. Trong chương 4 thư thứ nhất gửi tín hữu cộng đoàn Côrintô, thánh Phaolô khuyên họ: “Tôi nài xin anh chị em hãy bắt chước tôi” (1 Cr 4,6.14-16). Trong chương 3 thư gửi tín hữu Philiphê thánh Phaolô đã khẩn thiết kêu gọi họ như sau: ”Thưa anh chị em, xin anh chị em hãy bắt chước tôi. Hãy chú ý tới những người ăn ở theo gương mẫu chúng tôi đã để lại cho anh chị em. (Pl 3,17). Thánh Phaolô nói thế không phải để đề cao gương mặt của ngài hay các cộng sự viên của ngài, mà là để thôi thúc tín hữu biết lấy Chúa Kitô làm điểm tham chiếu duy nhất, và noi gương các ngài như các ngài đã noi gương sống của Chúa, như thánh nhân viết trong chương 11,1 thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô.

Tuy nhiên, khi cần phải cứng rắn quở trách, Phaolô cũng rất nặng lời với các tín hữu, đúng theo nguyên tắc ”thương con cho roi cho vọt”. Tình yêu thương đối với các tín hữu khiến cho Phaolô trở thành đanh đá và có giọng sắt thép. Bởi vì ai đánh phá các cộng đoàn và gây chia rẽ lung lạc tín hữu, là động đến chính con người của ngài, là làm ô uế đền thờ của Thiên Chúa, mà thánh nhân là người nhọc công xây dựng trên sứ điệp Tin Mừng tinh tuyền của Chúa Giêsu Kitô bị đóng đanh (1 Cr 3,10-17). 

Lời khuyến khích của Phaolô không chỉ là lời của một người anh em đồng đạo khích lệ các anh chị em khác, mà thực ra là lời của Chúa Giêsu. Ở đây phải ghi nhận điểm quan trọng này: đó là các công thức mà thánh Phaolô dùng không chỉ cho thấy ngài giảng dậy với quyền bính nhận được từ Chúa Giêsu, mà đúng hơn là khi nhắc tới Đức Giêsu thành Nagiarét và giáo huấn của Chúa do truyền thống để lại, thánh Phaolô khẳng định rằng chính sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh bảo đảm cho giáo huấn đó, và Chúa Kitô phục sinh thi hành chức vụ là Chúa trên cộng đoàn giáo hội. Trong công tác loan báo Tin Mừng cũng như truyền dậy các giáo huấn Phaolô không đề cao lời nói của mình. Giáo Hội là cộng đoàn được lời Chúa triệu tập và chỉ vâng phục Chúa Giêsu là Chúa của mình mà thôi6.

Giáo lý viên là người giảng dạy giáo lý cho người khác. Giảng dạy mà không có phương pháp thì kết qủa sẽ thu được rất ít chưa kể là sai phương pháp, kết quả sẽ bị sai lạc. Theo gương thánh Phao-lô, giáo lý viên cũng áp dụng các phương pháp căn bản: khích lệ bảo ban, răn đe sửa phạt.. Bắt chước phương pháp theo thánh Phao-lô, cũng là bắt chước cách thức giảng dạy của Chúa Giêsu: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đã bắt chước Chúa Kitô..’’ (1 Cr 4,6.14-16); (Pl 3,17).

KẾT LUẬN
Tóm lại, chúng ta thấy thánh Phao-lô không phải chỉ là một tác giả, mà còn cả một con người nổi bật về mọi mặt. Ngài vừa là nhà thần bí vừa là người hoạt động, là nhà thần học lại là nhà truyền giáo, là nhà sáng lập kiêm người tổ chức, vừa là người khai hoang vừa là người vun trồng, là giáo lý viên kiêm linh hướng, có tài tranh luận cũng như hùng biện. Ngài quả là một thiên tài đã được Đức Ki-tô chinh phục và biến thành “lợi khí chọn lọc để mang danh Chúa đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Is-ra-en” (Cv 9:15)7.


Một giáo lý viên gương mẫu là người có những đức tính nhân bản cần thiết trong đời sống, nhất là nền tảng đạo đức căn bản trong đời sống của Kitô hữu, sau đó là đời sống cầu nguyện kết hợp mật thiết với Đức Giêsu Kitô khổ nạn và phục sinh. Để có được sự kết hợp mật thiết này, lời cầu nguyện trong cuộc sống luôn là Lời được diễn tả trong Sách Thánh, tức là cầu nguyện với Chúa Giêsu Kitô phục sinh qua Lời của Ngài trong Kinh Thánh. Và cuối cùng, để truyền giảng những kiến thức giáo lý cho người khác, giáo lý viên cần theo đúng phương pháp giảng dạy và tùy theo lứa tuổi, theo đối tượng, theo trình độ kiến thức để áp dụng. Trong tất cả mọi việc chúng ta làm, mọi cố gắng và hy sinh hãy làm vì Danh Chúa được nhận biết và vì phần rỗi của anh chị em đồng loại.


1 Nhóm phiên dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ, Dẫn nhập các thư thánh Phao-lô. Nhà xuất bản Tp. Hồ Chí Minh - 1995

2 Pope Benedict XVI, ĐỀ TÀI 32: CUỘC SỐNG THÁNH THIỆN VÀ YÊU THƯƠNG HUYNH ĐỆ. Giáo huấn về Năm thánh Phaolô - Bản dịch Việt Ngữ của Phaolô Phạm Xuân Khôi, Houston 2008.


3 Pope Benedict XVI, ĐỀ TÀI 9: PHAOLÔ, VỊ TÔNG ĐỒ GẶP NHIỀU ĐỐI KHÁNG, Giáo huấn về Năm thánh Phaolô - Bản dịch Việt Ngữ của Phaolô Phạm Xuân Khôi, Houston 2008.


4 Pope Benedict XVI, ĐỀ TÀI 5: THÁNH PHAOLÔ, CON NGƯỜI CỦA TIN MỪNG, Giáo huấn về Năm thánh Phaolô - Bản dịch Việt Ngữ của Phaolô Phạm Xuân Khôi, Houston 2008.


5 Pope Benedict XVI, ĐỀ TÀI 18: THẦN HỌC GIA PHAOLÔ, Giáo huấn về Năm thánh Phaolô - Bản dịch Việt Ngữ của Phaolô Phạm Xuân Khôi, Houston 2008.


6 Pope Benedict XVI, ĐỀ TÀI 8:PHƯƠNG PHÁP SƯ PHẠM CỦA THÁNH PHAOLÔ, Giáo huấn về Năm thánh Phaolô - Bản dịch Việt Ngữ của Phaolô Phạm Xuân Khôi, Houston 2008.


7 Nhóm phiên dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ, Dẫn nhập các thư thánh Phao-lô. Nhà xuất bản Tp. Hồ Chí Minh – 1995.



tải về 80.77 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương