PHẬt giáo truyền thống tây tạng buddhisme in the Tibetan Tradition



tải về 224.19 Kb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu13.05.2018
Kích224.19 Kb.
#38284
1   2   3   4   5   6

CHƯƠNG 2 - THIỆN TÂM


Khi bậc thầy vĩ đại của Phật giáo là Atisha sống ở Tây Tạng, có nhiều người đến thăm ngài. Mỗi khi gặp bất cứ người nào, Atisha cũng hỏi câu này: 

- Bạn có lòng tốt không? 

Thông thường mỗi khi gặp ai ta hỏi: 

- Mạnh khỏe không? 

Nhưng Atisha đã đặt một câu hỏi sâu sắc hơn. Ngài công nhận rằng bất cứ người nào có tâm tốt là một người tốt. Mỗi lần Atisha khuyên dạy người nào, ngài nói: 

- Hãy cố đào luyện thiện tâm. 

Tùy thuộc vào bản chất của tâm chúng ta mà chúng ta làm những hành vi tốt hay xấu. Một tâm xấu (hay tâm tiêu cực) sẽ dẫn chúng ta phạm vào những hành vi tiêu cực, cũng vậy một tâm tốt hay thiện tâm sẽ dẫn chúng ta làm những hoạt động tích cực. Hậu quả của những ác hành là những vấn đề rắc rối; trong khi hậu quả của thiện hành sẽ là hạnh phúc. Do năng lực của thiện tâm mà chúng ta sẽ có được những hạnh phúc tạm thời. Hạnh phúc tuyệt đối của sự giác ngộ cũng được thành tựu nhờ năng lực của thiện tâm. 

Ngay cả hạnh phúc trong quan hệ gia đình chúng ta cũng tùy thuộc vào tâm lành. Tình thương, lòng trắc ẩn trong gia đình được căn cứ trên những tấm lòng tốt của mỗi người trong gia đình. Ví dụ như đối với một cặp vợ chồng, thì việc có được một tương quan tốt đẹp là nhờ họ có tâm tốt. Nếu cả người vợ lẫn người chồng đều có tâm xấu thì hậu quả sẽ là đau khổ. Như vậy, muốn có được hạnh phúc - từ hạnh phúc nhỏ nhặt tạm thời cho đến hạnh phúc tuyệt đối của Phật quả - chúng ta đều cần phải cố gắng đào luyện thiện tâm. 

Chúng ta phải cẩn thận tra tầm làm thế nào để phát sinh tâm tốt. Ðầu tiên chúng ta phải biết phân biệt giữa tâm trạng tốt và tâm trạng xấu. Rồi chúng ta nên cố gắng trừ khử những tâm trạng xấu và tăng trưởng những tâm trạng tốt. Bất cứ một tâm nào làm giao động sự bình an nội tâm của chúng ta thì đều gọi là tâm xấu. Những tư tưởng xấu như oán hận, ganh tỵ, giận dữ, thèm khát, muốn hại người, có tà kiến, thái độ xấu, phân biệt sai lầm, không có đức tin, những tư tưởng đó quấy động tâm ta và gây cho ta nhiều vấn đề. Những tư tưởng này phá hoại hạnh phúc của chúng ta và gây đau khổ cho chúng ta. 

Thật dễ dàng để thấy được như thế nào một tâm ác khiến cho người ta phải đau khổ. Ví dụ, một con người có thể có tâm rất tích cực nhưng bỗng nhiên họ nổi giận. Tâm đang an ổn mà giận dữ nổi lên thì người đó không còn hạnh phúc hay bình an nữa. Một người đang giận như vậy, dù có được phục vụ bao nhiêu món ăn ngon lành, họ cũng không thể thưởng thức được. Quả thế, tâm giận dữ cướp đoạt hạnh phúc và sự an lạc của con người. Mọi kẻ hay giận dữ, thù ghét đều kinh quá nỗi bất hạnh. Hậu quả của sự giận dữ là nhiều vấn đề phát sinh. Những hành vi xấu như gây gổ, đánh nhau, giết hại lẫn nhau đều do sự giận dữ gây nên. Chính vì những hành vi tiêu cực này mà ta nếm trải nhiều đau khổ. 

Tâm ganh tỵ, thèm khát cũng tạo ra nhiều vấn đề. Càng ganh tỵ chúng ta càng không hạnh phúc và không thể nào tìm thấy sự bình an. Cũng vậy, càng bám víu chúng ta càng có nhiều vấn đề khó khăn. Hiện tại phần lớn những vấn đề chúng ta tạo ra đều do sự chấp thủ. Thí dụ như một người ăn trộm có thể bị tù chung thân vì sự chấp thủ của người ấy. Ðầu tiên là y tham luyến những sở hữu của người khác, rồi do động cơ tham luyến thúc đẩy mà người ấy trộm cướp và có thể giết người để có được tài sản đó. Hậu quả sự tham luyến của y là tù ngục và đau khổ khó chịu nổi. Về những mối quan hệ trong gia đìnnh cũng thế, sự tham ái nồng nàn có thể đưa đến những vấn đề như tính độc tài quá độ. 

Vị đạo sư Vasubandhu cho nhiều thí dụ cho thấy sự chấp thủ tạo ra sự đau khổ như thế nào. Thí dụ đầu tiên của ngài là các con ruồi có sự ham muốn mạnh mẽ về các mùi hôi thối. Như thế, khi chúng đậu lên các thức ăn, con người giết chúng chết. Các con thiêu thân bị các ánh sáng đẹp quyến rũ. Khi chúng thấy ánh sáng, chúng cho là nơi lạc thú. Con thiêu thân nổi lên sự chấp thủ mạnh mẽ và lòng tham muốn nằm trong ánh sáng quyến rũ của ngọn đèn sáp. Chúng cố gắng bay vào trong ánh sáng và cuối cùng phải bị chết. 

Một thí dụ khác về sự tai hại của ham muốn mạnh mẽ là sự quyến rũ của con cá đối với miếng mồi. Người chài thường đặt mồi ở đầu lưỡi câu. Khi cá trông thấy hoặc ngửi thấy thức ăn, chúng cắn vào lưỡi câu. Kết quả là chúng chết. Một vài thú rừng thì bám lấy âm thanh êm dịu. Những thợ săn thường chơi khẩu cầm hoặc thổi ống tiêu làm cho những con thú vật tiến đến gần họ. Khi ấy thợ săn sẽ giết những con thú này. 

Theo luận sư Vasubandhu, một vài hữu tình chết vì tham đắm hoặc sắc, hoặc thanh, hoặc hương, hoặc vị, hoặc xúc. Nhưng con người lại có sự bám víu mãnh liệt đối với cả năm đối tượng giác quan. Như những ví dụ trên đã chứng minh, tâm chấp thủ chính là nguồn gốc của nhiều vấn đề. Mặc dù chúng ta đều có tâm tiêu cực như chấp thủ (bám víu), song với tư cách con người chúng ta có cái cơ hội quý báu để thực hành những phương pháp ngăn những tâm xấu sinh khởi và để đề phòng hậu quả đau khổ phát sinh từ đấy. 

Như vậy, điều gì tạo nên một tâm tốt? Tâm tốt bao hàm ý hướng có lợi cho người khác như là lòng bi mẫn, lòng từ, bố thí, giới, sự bao dung, nhẫn nhục và tinh thần ham muốn thực hành Phật pháp. Tâm mơ ước đạt đến định, tâm mong muốn thực chứng tánh không, tâm mong muốn từ bỏ sinh tử luân hồi, tâm mơ ước giác ngộ giải thoát vì lợi lạc cho hữu tình, tất cả những tâm đó đều là tâm tốt. Những tư tưởng này được xếp vào loại tư tưởng tốt lành bởi vì chúng đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho người khác. Những tâm tốt này có năng lực giải quyết hoặc giảm bớt những rắc rối của chúng ta. 

Càng đào luyện tâm tốt bao nhiêu thì ta càng ít có tư tưởng xấu bấy nhiêu. Do đó những rắc rối của chúng ta giảm thiểu. Càng tăng trưởng tâm tốt ta càng có hạnh phúc lớn lao. Có những lúc ta cần xem lại đời sống của những thiền giả đắc đạo trong quá khứ để thêm niềm cảm hứng. Những thiền giả này đã phát triển hạnh phúc nhờ năng lực của thiện tâm. Bằng cách đào luyện tâm mình, những thiền giả đã đạt đến những trình độ rất cao trên đường tu tập. Khi gặp nghịch cảnh họ liền chuyển hóa nghịch cảnh thành đường lối tu tâm. Không giống như người đời gặp khó khăn thì đau khổ, những thiền giả ngày xưa đã sống từ an vui đi đến an vui. Thiền sư Phật giáo vĩ đại Shantideva nói: 

"Tôi chưa bao giờ nản chí, bởi vì tôi đang đi trên con đường tiến đến giác ngộ, con đường này đem lại hết an vui này đến an vui khác". 

Nếu cố gắng phát triển tâm tốt thì tự nhiên ta sẽ thấy bình an tâm hồn. Không đào luyện tâm tốt thì không bao giờ ta có bình an thật sự. Nếu tâm ta không an, thì dù thế giới có hòa bình cũng không đem lại bình an cho ta được. Như vậy bổn phận của chúng ta là phải tìm sự bình an cho nội tâm mình. 

Hạnh phúc trong sáng và sự phát triển an lạc nội tâm không thể đạt được bằng cách tập trung vào sở hữu vật chất. Muốn có được những phần thưởng vật chất, chúng ta phải thi thố một nỗ lực lớn. Trong khi nỗ lực như thế chúng ta cảm thấy nhiều đau khổ hơn là hạnh phúc. Và sau khi đạt được mục đích vật chất, chúng ta lại thấy rằng chúng không thể nào thỏa mãn những nhu cầu nội tâm của ta. Bởi vậy chúng ta cần tu tâm hay thực hành pháp. 

Nhất là trong thời kỳ mạt pháp, khi có nhiều chiến tranh, nhiều nguy hiểm, thì chúng ta lại cần phải dành rất nhiều năng lượng để thực hành Phật pháp. Nhưng dù ở trong thời đại suy đồi, chúng ta vẫn còn may mắn vì có được cơ hội thực hành pháp để làm cho tâm ta an lạc. 

---o0o---



tải về 224.19 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương