NƠi nào có Ý chí, NƠI ĐÓ CÓ con đƯờNG



tải về 336.6 Kb.
trang5/6
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích336.6 Kb.
#13094
1   2   3   4   5   6
Cậu trò nhỏ và sứ mệnh cao cả

“Thật dễ dàng thoái thác một việc gì đó với lý do bạn chẳng biết gì về nó. Nhưng một khi bạn đã biết và nhìn thấy ánh mắt của họ, bạn sẽ biết ngay mình cần phải làm gì. Sức mạnh là ở tập thể, nếu tất cả chúng ta đoàn kết lại, không gì có thể ngăn cản nổi chúng ta.” Ở Canada, có cậu thiếu niên tên là Craig Kielburger. Cậu sống cùng gia đình ở một vùng ngoại ô thanh bình của thành phố Toronto. Vào những lúc rảnh rỗi, cậu thường chơi trượt ván, bơi lội, hay trượt tuyết. Ở Pakistan, có cậu bé tên là Iqbal Masih. Năm cậu lên bốn, cha mẹ cậu buộc phải cho cậu đi làm đứa ở để trả món nợ 16 đô la của gia đình. Chưa đầy mười tuổi, cậu phải làm việc từ 12 đến 16 tiếng mỗi ngày, quần quật trong một xưởng dệt thảm bẩn thỉu suốt bảy ngày trong tuần với mức lương chưa đến một đô la một tháng. Thân thể cậu chỉ còn da bọc xương. Và dĩ nhiên là cậu chưa bao giờ được đến trường. Iqbal được phóng thích khỏi “xí nghiệp nhà tù” vào năm cậu mười tuổi. Trong hai năm kế tiếp, cậu được xem như một anh hùng của cả thế giới, một biểu tượng sống của chiến dịch vận động chống lại ngành dệt thảm sử dụng lao động trẻ em ở Pakistan. Đến năm mười hai tuổi, Iqbal bị ám sát, tiếng nói của cậu mãi mãi câm nín. Cách đó nửa vòng trái đất, Craig Kielburger theo dõi câu chuyện về cuộc đời và cái chết của Iqbal qua một tờ báo địa phương. Bỗng chốc, sự thơ ngây của một cậu bé mười hai tuổi vụt biến mất, thay vào đó là sự đồng cảm và sự cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của công lý. Cậu tự hứa với lòng là sẽ làm bất kỳ việc gì để chấm dứt tình trạng bóc lột lao động trẻ em. Cậu thông minh và có tầm nhìn để biết tự mình không thể làm được việc này, nhưng cậu sẽ vận động mọi người vào cuộc. Mọi người bảo cậu còn quá nhỏ và sẽ chẳng có ai nghe lời cậu. Nhưng Craig Kielburger là một nhà hoạt động năng nổ và hiệu quả. Dù chỉ mới mười hai tuổi, nhưng cậu biết phải làm thế nào để liên kết mọi người lại với nhau trong cuộc đấu tranh vì một mục tiêu chung. Cậu tìm đọc bất kỳ tài liệu nào có nói đến 200 triệu trẻ em khắp nơi trên thế giới phải làm việc như nô lệ. Nhưng không chỉ đọc, Craig còn muốn tận mắt chứng kiến những trẻ em đó cùng môi trường và điều kiện làm việc khắc nghiệt mà chúng phải chịu đựng. Cha mẹ cậu phản đối, bởi ngay cả việc đi xe điện ngầm đến trung tâm thành phố cậu cũng chưa được phép đi một mình. Sau cùng, cậu quyết định bán đi một số đồ chơi của mình để thực hiện chuyến đi. Cảm động bởi quyết tâm của con trai mình, sau cùng cha mẹ cậu đã đồng ý để cậu lên đường đi vòng quanh châu Á trong bảy tuần, với sự giúp đỡ về tài chính của bà con họ hàng. Trang bị một máy quay phim và được hộ tống tại mỗi chặng dừng bởi các nhà hoạt động nhân quyền địa phương, Craig đi từ Thái Lan sang Bangladesh rồi đến Ấn Độ, Nepal và Pakistan. Cậu đến các xưởng làm bột mì bít bùng, các nhà máy có điều kiện làm việc khắc nghiệt, thiếu dưỡng khí… Cậu gặp một cô bé làm việc ở công đoạn đóng gói bao bì kẹo làm việc 11 tiếng mỗi ngày trong một căn phòng nóng bức và chật chội, và một cậu bé chân trần đang khâu những trái banh. Cậu nói chuyện với từng người bạn trẻ và chúng cũng trò chuyện cởi mở với cậu như đã quen biết nhau tự thuở nào. Cuối cuộc hành trình, Craig đến viếng Iqbal tại nơi an nghỉ cuối cùng của người bạn xấu số ấy trong một nghĩa trang nhỏ ở Pakistan. Trong lúc Craig đang thực hiện chuyến đi vòng quanh châu Á, Thủ tướng Canada cũng đang công du ở đó.
Craig đề nghị gặp Thủ tướng nhưng ông từ chối. Suy cho cùng, Craig chỉ là một đứa trẻ chưa đến tuổi bỏ phiếu nên không mấy ai quan tâm đến ý kiến của cậu. Tuy nhiên, giới truyền thông thì lại khác, họ rất chú ý đến Craig khi biết cậu cùng hai trẻ em lao động khác sẵn sàng kể lại những câu chuyện của chúng. Báo chí thay nhau khuấy đảo công chúng và chỉ sau một đêm, vấn đề lao động trẻ em đã giành được sự quan tâm của mọi người dân Canada. Thật bất ngờ, Thủ tướng lại đề nghị gặp Craig. Sau lần gặp Thủ tướng, Craig biết cậu phải làm gì. Nhưng cậu không thể tự mình hoàn thành mục tiêu, cậu cần một tập thể. Cậu nghĩ còn gì tốt hơn là một tập thể có những thành viên là những bạn học cùng lứa tuổi với cậu. Trở về nhà, Craig đem những bức ảnh gây chấn động con tim mà cậu đã chụp được và những câu chuyện kinh hoàng vào lớp học. Craig kết luận: “Vấn đề là như thế, các bạn có giúp được không?”. Và, cậu nhận được sự hưởng ứng ngoài mong đợi. Thế là cậu cùng các bạn thành lập Tổ chức Free The Children (Giải phóng Trẻ Em). Họ gặp nhau hàng tuần để chia sẻ thông tin và định hướng chương trình hành động. Sau đó Craig liên hệ với các tổ chức khác để trao đổi thông tin và yêu cầu hỗ trợ cũng như thiết lập các mối liên hệ mới. Nhóm của cậu cứ thế ngày một phát triển. Sau khi nghe Craig phát biểu tại hội nghị thường niên của Liên đoàn Lao động Thành phố Ontario, 2.000 nhà lãnh đạo công đoàn cùng hưởng ứng quyên góp số tiền lên đến 150.000 đô la cho Free The Children. Thị trưởng Toronto cấm mua bán pháo hoa được làm từ những xưởng sản xuất có sử dụng lao động trẻ em. Bộ trưởng Ngoại giao mời Craig giữ chức vụ Cố vấn các vấn đề về quyền trẻ em trong chính phủ, và Quốc hội Mỹ đã mời cậu phát biểu. Hiện nay Canada là một trong những quốc gia đi đầu trong việc xóa bỏ mọi hình thức sử dụng và bóc lột lao động trẻ em. “Trẻ em có một phẩm chất đặc biệt tạo nên sức mạnh mà người lớn không thể nào có được”, Craig nói. “Trẻ em có trí tưởng tượng tuyệt vời. Chúng nghĩ rằng mình có thể bay được. Và chúng dám nghĩ rằng mình có thể nói chuyện ngang hàng với cả Thủ tướng!” Trong vòng hai năm, Free The Children đã có hàng ngàn hội viên và trở thành một phong trào quốc tế có hiến chương rõ ràng và có mặt từ Âu sang Á. Free The Children đã làm thay đổi cách nghĩ của người lớn, thay đổi luật pháp, và thay đổi cuộc sống của hơn 200 triệu trẻ em trên khắp thế giới. CRAIG KIELBURGER “Trẻ người non dạ, vì thế họ luôn muốn đội đá vá trời – và kỳ lạ thay, hết lớp này đến lớp khác, phần lớn họ đều thành công" Pearl S. Buck
Ý chí của một cô gái

“Không có cách nào tốt hơn để xua tan những chỉ trích bằng sự chuẩn bị tốt nhất và làm cho mọi người đoàn kết. Hãy biết mình đang nói về điều gì. Đừng lơ là. Sự xuất sắc và tỉ mỉ sẽ luôn nhận được sự tôn trọng của mọi người.” Đa số các luật sư tương lai bắt đầu nghĩ và biết đến ngành luật khi đã là sinh viên đại học. Một vài người biết lo xa bắt đầu lên kế hoạch từ khi còn học trung học. Nhưng Leah Sears đã đặt mục tiêu của mình là sẽ theo đuổi nghề luật ở lứa tuổi mà hầu hết những đứa trẻ cùng tuổi còn đang mơ ước có được một chiếc xe đạp mới hoặc một đôi giày trượt pa-tanh. Khi mới bảy tuổi, cô bé Leah đã gửi thư đến các trường luật để xin bản thông tin chi tiết về những ngôi trường này. Nhìn những tấm hình trong bản thông tin, đặc biệt là những tấm hình từ trường Harvard và trường Yale, Leah nhận ra cô trông không giống bất kỳ ai trong những tấm hình ấy cả. Cô là người da đen, và hầu như tất cả mọi sinh viên cô thấy trong hình đều là người da trắng, không những thế, tất cả họ đều là nam. “Tôi cảm thấy mình như là người thuộc giai cấp thứ hai vậy. Khi ấy, trong tôi hình thành rất rõ một quyết tâm. Tôi tin là tôi sẽ làm được một điều gì đó. Và để điều đó xảy ra, tôi phải tạo ra sự thay đổi.” Sự thay đổi đó không chỉ có ý nghĩa với riêng bản thân Leah Sears mà còn cho những ai không có điều kiện có được một cuộc sống tốt như cô - lớn lên trong một gia đình quân nhân trung lưu. Cô muốn tạo điều kiện cho những người cần nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống, những người không thuộc về số đông, những người mà mỗi khi họ nhìn vào gương thì tất cả những gì họ thấy là một người “không là ai cả”. Cô biết nếu muốn thành công, cô phải bắt đầu ngay từ lúc còn nhỏ. Được sự hỗ trợ và động viên từ cha mẹ, Leah càng quyết tâm và nỗ lực để đạt kết quả xuất sắc trong học tập và tham gia đầy đủ các hoạt động ở trường. Trường trung học của cô chưa từng có một hoạt náo viên nào là người Mỹ gốc Phi cả, nhưng điều đó không ngăn được cô. Leah chăm chỉ luyện tập vũ đạo và vượt qua những rào cản về màu da ở trường khi được chọn vào đội hoạt náo. Mặc dù vậy, đối với cô việc học vẫn là trên hết. “Có được bằng cấp từ ngôi trường tốt nhất sẽ rất quan trọng để đạt tới mục tiêu của mình,” cô luôn tự nhắc nhở mình như thế. “Vì cha mẹ không đủ điều kiện cho mình theo học ở những ngôi trường danh tiếng đến thế, mình cần phải cố hết sức để giành được một học bổng.” Những cố gắng của cô đã được đáp lại. Cô giành được một học bổng toàn phần của Đại học Cornell, tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu vào tháng sáu năm 1976, sau đó cô hoàn tất khóa học về ngành luật ở trường Đại học Luật Emory năm 1980. Hai mươi lăm tuổi, cô làm việc tại một công ty luật có uy tín ở Atlanta của Alston và Bird. Và ở đó, mặc dù cô tìm thấy được những kinh nghiệm hữu ích, nhưng có rắc rối là “quá nhiều việc văn phòng mà lại thiếu nhân viên để làm.” Công việc khác xa mục tiêu đầu tiên của cô. Sau hai năm, cô rời công ty đó và chấp nhận làm ở một vị trí có lương thấp hơn, đó là một thẩm phán chuyên xử các vụ án giao thông ở tòa án Atlanta. Đây có vẻ là một bước đi đúng đắn. “Tôi lớn lên vào đúng lúc giao thời, khi quyền công dân và quyền phụ nữ có những biến chuyển mạnh mẽ và tôi đã thấy luật pháp đã tạo nên những thay đổi cho những người giống như tôi vậy”, cô bình luận. Sự chuẩn bị kỹ càng của cô trong thời gian qua đã được đền đáp. Bây giờ, với mỗi bước tiến, cô nhận ra rằng cô sẽ có thể tạo ra một sự đột phá, một thay đổi lớn lao. “Hiện có rất, rất ít luật sư người da đen, và có trời mới biết được là có nữ luật sư người da đen nào đang hành nghề hay không, vì thế tôi chẳng có ai để tư vấn, chẳng có ai để mà noi gương.” Bởi hoàn cảnh đặc biệt của mình, cô làm việc chăm chỉ gấp đôi những gì trước đây cô từng làm. Sau khi sinh con, cô vẫn luôn đảm đương tốt vai trò luật sư lẫn vai trò của người mẹ, cô luôn giữ được sự thăng bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Trong cuộc vận động tranh cử vào vị trí chánh án tòa án tối cao năm 1988, phương pháp của cô rất đơn giản: “Mỗi đêm tôi chỉ ngủ ba hoặc bốn tiếng từ khi ra ứng cử cho đến ngày bỏ phiếu”. Trong ba cuộc đua tranh gần nhất, Leah trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi trẻ nhất được bầu vào Tòa án cấp cao bang Georgia. Bốn năm sau, cô đã đạt được bước tiến lớn nhất trong đời khi Thống đốc Zell Miller mời riêng cô đến để bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao bang Georgia. Khi đó Leah mới ba mươi sáu tuổi, và là người trẻ nhất, là người phụ nữ đầu tiên, và là người Mỹ gốc Phi thứ hai từng được ngồi ở tòa án cấp cao nhất bang Georgia. Nhưng bất chấp trình độ học vấn của Leah, bất chấp cả quá trình phấn đấu, lao động vất vả và những gian khổ mà cô đã phải trải qua; nhiều người vẫn bác bỏ những gì mà cô đạt được, họ coi tất cả những điều đó chỉ mang giá trị hình thức mà thôi. “Người ta không thèm nhìn nhận rằng vị trí mà tôi đang có được hiện tại đều bởi vì tôi là một thẩm phán giỏi; họ cho rằng tôi đạt những thành quả này bởi vì tôi là phụ nữ hoặc bởi vì tôi là người da đen!”, cô ngậm ngùi nói như vậy. Cô chứng minh cho họ thấy là họ đã sai nhưng rồi cô nhận ra rằng vẫn còn một khoảng cách giữa cô và những thẩm phán khác, đó chính là tuổi tác. Vào một trong những ngày đầu tiên của cuộc đời thẩm phán, có lần một nam thẩm phán lớn tuổi hơn cô bàn luận về chiến tranh, Leah đã hỏi lại “Chiến tranh gì thế?”, và ông ta nói “Thế chiến thứ hai, đó là một cuộc chiến lớn”. Cô đã góp lời: “Tôi nghĩ chiến tranh là như cuộc chiến ở Việt Nam vừa qua”. Ngay lập tức, ông ta chồm người về phía cô và thẳng thừng phán: “Cô quả là còn quá trẻ để làm việc trong một tòa án như thế này!”. Leah hồi tưởng lại cảm nghĩ của mình lúc đó: “Tôi biết tôi phải cố làm việc chăm chỉ hơn và chuẩn bị tốt hơn những người khác để giành được sự tôn trọng của đồng nghiệp và những người xung quanh, những người đã bắt đầu công tác từ trước tôi”. Leah tạo thói quen đến văn phòng mỗi sáng sớm lúc 5 giờ 30, trước cả mọi người, và cẩn thận xem xét lại những vụ kiện mà cô đã được giao. Cô cùng với thư ký của mình đọc kỹ bản tóm tắt hồ sơ của luật sư bào chữa và họ cùng gặp nhau mỗi sáng để thảo luận. Trước cuộc họp Hội đồng luật sư hàng tuần, cô luôn chuẩn bị thật kỹ những gì muốn nói và viết chúng ra giấy, không bao giờ làm qua loa. Sau mỗi cuộc họp, cô nhờ các đồng nghiệp nhận xét thẳng thắn về những biểu hiện của mình trong cuộc họp. Trước buổi họp kế tiếp, Leah tập trung hơn vào những điều cần phải cải thiện. “Tôi đã luôn nói chuyện với những thẩm phán khác và hỏi họ thật nhiều với một thái độ cầu tiến, ham học hỏi. Tôi biết có thể tôi làm như vậy là đã làm phiền người khác, nhưng tôi không có cách nào tốt hơn. Dần dần họ cũng bắt đầu rủ tôi ăn trưa. Có khi tôi còn bình luận về vấn đề mà họ đang nói đến, và họ đã trả lời, thậm chí còn tranh luận với tôi như thể tôi là một người thông minh và có thể góp ý cho họ vậy. Rồi đến một lúc, họ thật sự lắng nghe tôi.” Và Thẩm phán Leah Sears đã giúp cho mọi người có được sự thay đổi như cô từng mong ước thuở ấu thơ. Cô đã góp phần làm thay đổi thế giới thông qua từng trường hợp, từng con người cụ thể vào một thời điểm nào đó. “Không có gì nghi ngờ rằng những thành công của tôi là kết quả của cả một quãng đời dành cho việc chuẩn bị và làm việc chăm chỉ. Nó là một quá trình xây dựng, tại bất kỳ thời điểm đã định nào, tôi vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng để đón lấy cơ hội.” Luật sư LEAH SEARS “Có thể bạn phải chiến đấu nhiều trận mới giành được một chiến thắng.” – Margaret Thatcher
Người biến địa ngục thành thiên đường

“Tôi không cho phép trở ngại cản bước tôi và tôi luôn tập trung tìm cách vượt qua nó. Bạn có thể xoay xở với bất kỳ chướng ngại nào, bạn có thể khom người bước qua nếu chướng ngại quá cao, hoặc leo lên trên nếu nó quá thấp. Hãy vững tin rằng luôn luôn có ít nhất một giải pháp cho bất cứ vấn đề nào!” Đó chính là James Robinson, nhưng mọi người thích gọi anh là “Rocky”. Anh có thân hình to cao, vạm vỡ và sẵn sàng “rắn như đá” khi cần thiết. James Robinson “tảng đá” sống và làm việc tại quận Bedford-Stuyvesant, New York - một trong những khu ổ chuột và nhiều tội phạm nhất nước Mỹ. Nhưng chính anh đã cứu được nhiều sinh mạng và phục hồi sự lương thiện ở một cộng đồng mà trước đó không ai có thể làm được. Vào năm 1966, khi Rocky 26 tuổi, đứa cháu gái bảy tuổi của anh bị xe tải tông phải trên đường phố khu BedStuy này. Nếu lúc đó có người biết sơ cứu thì cô bé đã không phải vĩnh viễn ra đi. Lúc được đưa đến bệnh viện thì cô bé đã ngừng thở. Cái chết vô lý của đứa cháu gái là một trong những lý do đưa Rocky vào làm việc trong ngành y tế. Tại Trung tâm Cấp cứu Thành phố New York, anh nhận thấy hầu như hơn năm mươi phần trăm các cuộc gọi đến xuất phát từ những khu phố có tỉ lệ tội phạm cao. Theo Rocky, cư dân sinh sống tại những nơi phức tạp như BedStuy đôi khi phải chờ lâu đến gần nửa giờ sau khi đã quay số 911 để yêu cầu xe cấp cứu; trong khi đó, những cuộc gọi đến từ những khu dân cư của người da trắng thường được đáp ứng rất nhanh. Rất nhiều người bị chết một cách oan uổng – những người như cháu của Rocky, chỉ vì phải chờ quá lâu một chiếc xe cứu thương. Rocky quyết định tìm hiểu rõ hơn về chuyện này. Qua điều tra nghiên cứu, anh nhận thấy các khu dân cư giàu có đã thu xếp đội xe cứu thương cho riêng họ bởi vì cả thành phố hầu như quá tải bởi các ca cấp cứu. “Nếu đó là lời giải”, ông nói với người bạn và cũng là người phụ trách về cứu thương, Joe Perez “chúng ta sẽ trang bị những đội cứu thương của riêng chúng ta ở Bed-Stuy này!”.


Vào năm 1988, Rocky không hề biết rằng anh và Joe là những người đầu tiên trong cả nước Mỹ mở dịch vụ cứu thương được điều hành bởi chính cộng đồng cư dân địa phương. Rocky không hề tiên liệu được những khó khăn phía trước. Thử thách đầu tiên là tìm nơi đặt trụ sở. Họ sử dụng một tòa nhà bị bỏ hoang vốn là nơi lui tới của những tay mua bán ma túy. “Nếu bọn nghiện ma túy sử dụng tòa nhà đó để cướp đi sinh mạng của bao người thì chúng tôi sẽ dùng tòa nhà đó để cứu người”, Rocky quyết định. Do không có điện, nước (ngoại trừ chút ít nước nhỏ giọt từ mái nhà cũ kỹ), hai người bọn họ chỉ làm việc được vào ban ngày. Họ dùng máy bộ đàm để nhận những cuộc gọi cấp cứu. Mặc dù có thể làm việc trong điều kiện thiếu thốn của tòa nhà, nhưng một trong những thứ quan trọng nhất dùng trong dịch vụ cứu thương thì họ lại không có, đó là xe cứu thương. Họ dùng một chiếc Chevrolet cũ kỹ để đến hiện trường mỗi khi nhận được tin báo có tai nạn, hỏa hoạn, nổ súng hoặc đâm chém. Nhưng chiếc xe ấy không phải lúc nào cũng khởi động được. Có những lúc họ phải chạy bộ đến hiện trường với những phương tiện cấp cứu và bình ô-xy trên lưng. Để cứu người, họ thường phải chạy ngang qua đám buôn ma túy đang cười giễu cợt họ, những viên cảnh sát biến chất, và cả những người bàng quan khó chịu. Ai cũng cười nhạo, ngoại trừ các nạn nhân vẫn còn sống sót khi Joe và Rocky tới nơi. Sau đó họ được tặng một chiếc xe có rờ-moọc - loại xe kéo có thể dùng làm nhà ở và họ đã ngang dọc khắp các phố với chiếc rờ-moọc này. Tòa nhà cũ kỹ trở nên lạnh giá vào mùa đông. Họ san bằng hai cái lều của bọn bán ma túy và dựng nơi làm việc của họ ở đó. Đối với những kẻ tội phạm này thì chiếc xe rờ-moọc của họ giống như một lời tuyên chiến. Trong tám tháng ròng, bọn buôn ma túy liên tục dọa dẫm Rocky. Chúng bắn vỡ kiếng và dọa sẽ đốt xe. Chúng còn nổ súng vào Rocky và Joe khi họ đang trên đường tới hiện trường, khiến hai người vừa lái xe vừa phải cúi thấp người tránh đạn. Bọn buôn ma túy chỉ để họ yên khi chúng chứng kiến cảnh Rocky và Joe cứu một trong số đồng bọn của chúng bị thương sau một vụ thanh toán đẫm máu trên đường phố. Họ còn bị gièm pha và đả kích bởi các đồng nghiệp vốn coi họ là đối thủ cạnh tranh lớn. Cả hai trở thành mục tiêu cho những trò đùa độc ác, quấy rối, và cả những tin đồn thất thiệt. Rocky biết rằng cách duy nhất để dập tắt những lời gièm pha kia là anh và Joe phải chuyển đổi hoạt động nhỏ bé của mình lên tầm cao mới, chuyên nghiệp hơn và đáp ứng được nhiều nhu cầu hơn. Để làm được điều này, Rocky cần phải có một nhóm tình nguyện viên, một quân đoàn thực thụ. Để xây dựng đội binh cứu hộ này, anh kêu gọi mọi người từ cộng đồng dân cư tại chỗ tham gia. Bed-Stuy có hai trăm năm mươi mái nhà xập xệ, hầu hết cư dân thuộc tầng lớp lao động cấp thấp với hàng trăm con buôn ma túy và gái điếm hoạt động trên khắp các đường phố, số lượng người vô gia cư và trẻ thất học chiếm tỉ lệ cao. Vì lẽ đó, nhiều người ở đây tin rằng Joe và Rocky chẳng làm nên trò trống gì nên họ không muốn tham gia đội quân tình nguyện này. Thế là Rocky và Joe đi phát tờ rơi quảng bá cho dịch vụ mới của họ. Dần dần các cư dân trong vùng thấy hai anh chàng này hối hả chạy tới hiện trường, khi thì bằng xe, lúc lại chạy bộ để cứu những người hàng xóm của họ, thì họ mới bắt đầu thức tỉnh. Rocky thu nhận những tình nguyện viên trong số người đang cai rượu, thất nghiệp, hoặc ngay cả những người mua bán ma túy muốn sống lương thiện trở lại. Trong vài tháng, Rocky và Joe chọn được hơn chục người trẻ tuổi và huấn luyện họ kỹ năng sơ cứu và cứu thương. Sau khi được huấn luyện, các tình nguyện viên sẽ nhận nhiệm vụ khi được gọi. Trong quá trình làm việc, các tình nguyện viên được dạy nhiều kỹ năng mới và việc tìm ra mục đích sống đã cứu họ khỏi sự tuyệt vọng chán chường. Một số người sau đó tiếp tục học y tá và rồi trở thành bác sĩ. Rocky không chỉ cứu sống sinh mạng những người bị nạn, mà anh còn cứu rỗi cuộc đời của những người đang sống. Đến khi tờ Daily News đăng một bài báo nói về “những anh chàng chạy vòng quanh trên các phố, đeo bình ôxy sau lưng”, họ được một nhà hảo tâm biết đến và tặng cho một chiếc xe cứu thương đã qua sử dụng. Vậy là Rocky đã có đội cấp cứu của riêng mình. Trong ngày đầu tiên đưa vào sử dụng, chiếc xe đã đưa đội cấp cứu đến hiện trường một vụ hỏa hoạn và cứu sống mười người từ tòa nhà đang bốc cháy. Sang hôm sau, họ thành công trong một ca sinh đẻ. Hết lần này đến lần khác, Rocky, Joe và nhân viên của mình là những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, ngay cả những người làm việc tại Trung tâm Cấp cứu Thành phố cũng phải công nhận giá trị của họ. Tiền và hiện vật từ các nhà hảo tâm bắt đầu đổ về. Có một băng đảng ở Montana viết “Chúng tôi là những người thô lỗ ở đây, nhưng chúng tôi vô cùng xúc động với những gì các bạn đã thực hiện và chúng tôi muốn giúp các bạn”. Vào những lúc khó khăn về tài chính, Rocky tìm cách xoay xở như làm dịch vụ rửa xe, quyên góp ngoài đường phố. Anh làm bất cứ việc gì để trang trải chi phí thuê mặt bằng, huấn luyện nhân viên, và mua thêm trang thiết bị – bất kể việc gì để duy trì việc cứu sống người bị nạn. Ngày nay, Tổ chức Cấp cứu Tình nguyện Bedford-Stuyvesant là tổ chức cứu hộ đầu tiên của Mỹ có 350 tình nguyện viên. Trung bình mỗi tháng họ nhận khoảng ba trăm cuộc gọi đến – có cuộc gọi từ cảnh sát, có cuộc gọi từ Trung tâm Cấp cứu Thành phố mỗi khi ở đó quá tải, và phần lớn là từ những cư dân luôn biết rằng họ có thể trông cậy vào dịch vụ đáng tin cậy và nhanh chóng của Rocky. Thông thường giá trị của sinh mạng là không thể đo đếm được, nhưng trong công việc của Rocky Robinson và Joe Perez, họ đã giữ được sinh mạng cho rất nhiều người nhờ “Giá trị của hai mươi sáu phút” – khoảng thời gian đủ để tạo nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết của con người trong một cộng đồng chỉ gồm những khu nhà bỏ hoang và những tâm hồn bị bỏ rơi. JAMES "ROCKY" ROBINSON “Để làm nên những điều vĩ đại, chúng ta phải sống như không còn có ngày mai.” - Vauvenargues
Người phụ nữ dời non lấp biển ở Appalachians

“Thành công không tự nhiên mà đến. Bạn đừng trông đợi mọi thứ đều diễn ra theo ý mình. Bằng cách làm việc chăm chỉ và sáng tạo trong việc tìm kiếm các giải pháp cho một vấn đề, bạn sẽ tìm thấy lối ra từ trong nghịch cảnh.” Eula Hall không có bằng cấp gì về y học, nhưng ngày nào cô cũng chăm sóc cho người bệnh và những ca chấn thương. Cô chưa hề qua trường lớp chính quy nào về chính trị hay luật, nhưng cô là một trong những nhà vận động hành lang và là người vận động quyên góp vì người nghèo hiệu quả nhất nước Mỹ. Trên tường nhà cô cũng chẳng treo tấm huân chương nào ghi nhận thành tích hoạt động xã hội của cô, thậm chí cả bằng tốt nghiệp phổ thông trung học cũng chẳng có, vậy mà cô vừa là một nhà tư vấn, vừa là người bênh vực quyền lợi cho người già, người nghèo và rất nhiều người đang bị ngược đãi mà cô gặp trên đường đời. Nếu trên thế gian này có loại bằng cấp về sự cống hiến, tinh thần sáng tạo và lòng kiên trì thì Eula Hall phải được nhận bằng tiến sĩ. Trên thực tế, cô chỉ là một “cô gái tỉnh lẻ quê mùa và nghèo kiết xác” làm việc trong các lán trại gia súc nằm trong các khu rừng xa xôi hẻo lánh của vùng núi Appalachians thuộc bang Kentucky. Công việc của cô là xoa dịu nỗi đau cho người bệnh tại quê nhà. Đó là lĩnh vực mà cô đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Chào đời tại quận Pike, Kentucky vào năm 1927, Eula là một trong bảy đứa con mà hầu hết đều có khiếm khuyết về mặt thể chất. Lớn lên và lập gia đình, Eula sinh được năm con. Cô hoàn toàn không được chăm sóc gì trước khi sinh, và cả năm đứa trẻ đều được sinh tại nhà. Một đứa bị sinh non và điếc bẩm sinh và một đứa chết lúc còn ẵm ngửa. Eula cũng đã chứng kiến cảnh nhiều trẻ em chết vì suy dinh dưỡng và thiếu ăn, người lớn thì chết vì những căn bệnh có thể phòng ngừa được, chẳng hạn như bệnh uốn ván. Họ chết vì không có bác sĩ, không có bệnh viện, không được chăm sóc y tế, và vì không có khả năng chi trả cho những dịch vụ y tế thông thường nhất. Vào năm mười tám tuổi, Eula đã có một tầm nhìn rõ ràng về cuộc đời mình. Cô muốn làm một công việc gì đó để giúp đỡ mọi người. Con người mới chỉ học đến lớp tám, chưa từng học qua một khóa chuyên ngành nào đã quyết định mở một trạm xá. Mỗi tuần cô dành ra 50 đô la từ tiền công lao động của mình và liên tục trong bảy năm như thế. Sau đó cô thuê một ngôi nhà nát nằm bên rìa một con đường biệt lập ở một vùng gọi là Mud Creek (Ngã ba Bùn) với giá 40 đô la một tháng làm nơi trợ giúp y tế cho người dân trong vùng. Để đưa trạm xá vào hoạt động, Eula cần có tiền để trang trải chi phí, nhưng cái khó hơn cả là nguồn y, bác sĩ. Appalachia không phải là nơi làm việc lý tưởng đối với các bác sĩ trẻ, những người có mức thu nhập hàng tháng bằng tất cả số tiền kiếm được một đời của những cư dân vùng Mud Creek này. Rồi thì điều kiện về nhà ở cũng không khích lệ họ mấy. Vì vậy, Eula tìm kiếm sự cộng tác từ các bác sĩ có gốc nước ngoài, những người cần phục vụ tại những vùng khó khăn hẻo lánh để được chính phủ cấp thẻ xanh (loại thẻ cư trú dài hạn do chính phủ Mỹ cấp). Cô hỗ trợ các bác sĩ bằng cách cho họ ở nhà mình và nấu ăn cho họ. Trạm xá lập tức bị quá tải ngay từ những ngày đầu tiên. Bệnh nhân với đủ thứ bệnh và thương tật đổ dồn đến. Rất nhiều người chưa từng đi khám bệnh lần nào trong đời và phần đông họ chỉ có thể chi 5 đô la tiền viện phí. Một đêm nọ, trạm xá bỗng phát hỏa dữ dội và cháy rụi. Giấc mơ của cả đời người và hơn chục năm làm việc của Eula thế là tan thành mây khói. Đứng trước đống đổ nát, Eula nghĩ đến 15.000 cư dân trong vùng giờ đây không còn nơi có thể trông cậy về y tế, và đó là trách nhiệm của cô. Cô nghĩ về công việc, các vật dụng y tế và trang thiết bị đang nằm trong đống tro tàn. “Cảm giác của tôi khi đó chẳng khác nào đang bị hàng ngàn mũi kim châm thấu tim. Đó thực sự là nỗi đau khủng khiếp nhất mà tôi từng trải qua”, cô nhớ lại. Lúc đó cô đã khóc. Song, bằng tất cả nghị lực của mình, cô tuyên bố với toàn thể nhân viên: “Trạm xá thế là xong, nhưng chúng ta thì còn đây”. Đêm hôm đó, cô bắt đầu suy nghĩ và tìm cách gầy dựng lại. Ngày hôm sau, cô tiếp nhận bệnh nhân ngoài trời, với trang thiết bị là một chiếc ghế dài và một đường dây điện thoại máng trên cành cây. Công việc chữa trị cứ thế diễn ra. Eula cố gắng xoay xở để gây quỹ – thông qua đài phát thanh, các buổi chiêu đãi, ngay cả việc phải đứng ngoài đường với thùng lạc quyên vào những ngày mọi người lãnh lương và trợ cấp. Trong ba tháng, cô thu được 102.000 đô la, đủ để thành lập một trạm y tế mới. Khi một trường học ở địa phương đóng cửa nghỉ hè, Eula liên hệ với họ và di chuyển phòng khám tới đó. Vào mùa thu, cô dời phòng khám vào xe rờ-moọc. Cứ thế từng bước một, từng đô la một, phòng khám mới và hiện đại dần dần được thành hình. Nhờ có ý chí không hề dao động và tầm nhìn đầy sáng tạo của Eula, ngọn lửa từng thiêu rụi trạm xá ngày trước đã dọn đường cho một phòng khám mới tốt hơn, tiện nghi hơn. Ngày nay, Phòng khám Mud Creek là phòng khám duy nhất trong bán kính vài trăm ki-lô-mét ở vùng núi Appalachians có thể chữa trị cho bệnh nhân một cách chu đáo mà người bệnh chỉ phải trả viện phí “tùy theo túi tiền của mình”. Những khi phòng khám không đủ khả năng giúp họ, Eula tìm đến một nhà hảo tâm nào đó. Cô đã từng thu xếp một số ca phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư nhưng không có tiền; có lần, cô thuyết phục Lions Club thanh toán chi phí phẫu thuật cho một bé gái bị tổn thương mắt trầm trọng. Những lúc cần thiết, cô có thể kiêm luôn vai trò tài xế xe cứu thương để đưa bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên. Có lần xe bị lật và cô bị gãy xương bả vai. Sáng hôm sau cô lại quay về tiếp tục công việc. Triết lý sống của cô, đồng thời cũng là nguồn năng lượng dồi dào của cô là: “Không phải lúc nào đường đời cũng bằng phẳng” và “Sau cơn mưa, trời lại sáng”. Cô cho là nếu được học hành đàng hoàng hơn, có lẽ cô sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa cho mọi người. Thật khó nói “nhiều hơn nữa” là gồm những gì, nhưng Eula từng có mặt tại tòa án để bảo vệ quyền lợi cho người nghèo, trong đó có cả những bệnh nhân bị bệnh bụi phổi. Cô được sự cho phép của chính quyền trong việc tổ chức lại hệ thống cung cấp nước sạch và xây dựng một nhà máy xử lý nước để thay thế hàng trăm giếng nước bị nhiễm bẩn. Cô quyên góp tiền để mua một chiếc xe dùng để giao bữa ăn đến nhà dưỡng lão, đài thọ bữa ăn trưa miễn phí cho trường học, và xây dựng trung tâm hỗ trợ thanh thiếu niên. Bất kể việc gì cô muốn làm, cô đều biến nó thành hiện thực. Chuông điện thoại phòng làm việc của cô thường reo không ngớt suốt ngày. Bản thân cô cũng bị bệnh tim và chứng viêm khớp, nhưng thay vì nhập viện từ vài năm trước, cô lại bướng bỉnh bảo: “Có ai chết vì làm việc nhiều đâu!”.


tải về 336.6 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương