Nguồn mạch tâm linh ns. Trí Hải Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội 2003 o0o Nguồn



tải về 0.96 Mb.
trang12/26
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích0.96 Mb.
#37928
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   26

THIỀN CHỈ VÀ THIỀN QUÁN


Trong các đề mục thân hành niệm đã bàn kỳ trước, thì quán 10 giai đoạn tử thi là cốt để thấy tính bất tịnh, vô thường, quán tứ đại là để thấy tính vô ngã. Nhưng về 32 uế vật, thì có kinh nhấn mạnh khía cạnh vô ngã, có kinh nhấn mạnh khía cạnh bất tịnh. Phật thường lấy ví dụ một người đồ tể vẫn xem con bò là con bò cho đến khi xẻ nó ra làm nhiều phần đem ra chợ bán. Khi ấy anh ta chỉ nói bán thịt, xương, lòng, mỡ, gan, huyết... mà không nói bán “con bò”. Chúng ta cũng thế, cần phân tích con người ra nhiều phần tử như thế thì mới hết cái ảo tưởng về một toàn khối gọi là “con người” (còn gọi là thân kiến). Kinh ĐẠI NIỆM XỨ (Trường 22) trình bày 32 phần theo khía cạnh bất tịnh, còn các kinh khác như Tượng Tích Dụ (Trung 28), Giáo Giới Rahula (Trung 62), và kinh Giới Phân Biệt (Trung 140) thì trình bày 32 phần dưới khía cạnh tứ đại. Khi giảng theo khía cạnh bất tịnh, thì 32 vật là một đề mục thuộc thiền chỉ (Định), còn giảng theo khía cạnh tứ đại, thì 32 vật là một đề mục thiền quán (Tuệ). Vì thấy Vô Ngã là cốt yếu của Tuệ, trong khi thấy bất tịnh chỉ là phương tiện tạm thời để trị bệnh tham sắc.

---o0o---


SƠ TƯỚNG Và QUANG TƯỚNG


Hơn nữa, trong khi quán bất tịnh, đạt đến cái tưởng bất tịnh đối với thân xác, thì hành giả chỉ mới đắc định Cận hành, trong đó hình ảnh bất tịnh hiện rõ với tất cả vẻ sống động gớm ghiếc trong tâm hành giả, dù khi nhắm mắt hay mở mắt. Tiếp tục tập trung vào sơ tướng một thời gian, hành giả mới đạt đến một giai đoạn cao của định thực thụ, gọi là An chỉ, khi quang tướng xuất hiện. Đó là khi hình ảnh trong tâm tách rời thực tại gớm ghiếc, và trông có vẻ an tịnh, sáng sủa, rõ mồn một. Khi ấy hành giả đắc sơ thiền với năm thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Cảm giác đau khổ khó chịu lúc đầu khi mới tiếp xúc tướng bất tịnh, cuối cùng phải chuyển thành hỷ lạc mới gọi là đắc định. Quang tướng về thi thể phình trương chỉ như một người khổng lồ nằm ngủ sau khi ăn no. Quang tướng về thây xanh bầm đủ màu khi trước bây giờ chỉ còn một màu trội nhất. Thây đầy máu me chỉ như người ngủ đắp mền đỏ. Thây nhung nhúc những con dòi có quang tướng như một trái banh lớn làm bằng cơm trắng.

Như vậy tướng bất tịnh, đau khổ cần phải được vượt qua mới đắc an chỉ, và quán bất tịnh chỉ là giai đoạn tạm thời để trừ tham dục mà thôi. Nếu cứ đeo đẳng không thoát ra khỏi nó, thì chẳng những không ích gì mà còn gây phản ứng tai hại như chán đời, trắng trợn (cynique), xem đời không còn chút ý vị nào nữa. Một nền tôn giáo mà cứ nhồi sọ người ta bằng những tư tưởng bi quan yếm thế thì không thể nào sống dai và càng ngày càng lan rộng như Phật giáo. Khi Phật dạy đời là khổ, thân thể là bất tịnh thì Ngài mới chỉ nói có nửa câu. Nhiều người mới nghe chừng ấy đã vội phê phán đạo Phật bi quan yếm thế. Nhưng nửa câu sau mới là điều Phật muốn truyền dạy. Đó là Niết bàn, sự vắng bóng tất cả mọi đau buồn: thường lạc ngã tịnh là cứu cánh, trong khi vô thường khổ vô ngã chỉ là phương tiện, là chân lý của thế gian, chưa phải là đệ nhất nghĩa hay chân lý tuyệt đối. Phật dạy giáo lý của ta ví như chiếc bè, để qua sông, chứ không phải để ôm giữ.

Tính vô thường, khổ dưới cái nhìn tuệ giác, nghĩa là nhìn không kèm theo ngã chấp, không có sự ưa và chán thì trở thành thường, lạc. Già, chết (vô thường) sở dĩ kéo theo sầu bi ưu não là vì vô minh, ngã chấp. Nếu không có vô minh ngã chấp thì thấy vô thường là thường:

Chim vẫn bay quanh từ vạn kỷ


Gió thật xưa, mây thật già nua

Những hiện tượng phù du như mây, gió vẫn diễn biến trong bầu trời chân thường từ muôn vạn kỷ. Vô thường không ra khỏi chân thường. Hãy nghe bài kệ triệu thỉnh các vong linh:

Viễn quan sơn hữu sắc
cận thính thủy vô thanh
xuân khứ hoa thường tại
Nhân lai điểu bất kinh
   (Trông xa ngọn núi vẫn có hình dạng, lắng nghe thật gần     nhưng không nghe được tiếng nước chảy. Xuân qua rồi     mà hoa vẫn nở, Người đến không làm kinh động chim     chóc.)

Bài kệ không chỉ để an ủi các vong linh, mà còn nói lên một sự thật thâm thúy: cái chết tuồng như bao la hơn, “thực” hơn sự sống luôn luôn tuôn


chảy khó nắm bắt. Vì vô thường là thường nên khổ không khổ mãi mà đang biến thành vui, chết không chết mãi mà đang chuyển thành sự sống dưới hình thức khác. Ở đây đạo và thơ gặp gỡ. Những hiện tượng phù du trở thành bất tử dưới ngòi bút thi nhân, cũng như vô thường trở thành chân thường dưới nhãn quan của đạo sĩ. Nhờ vô thường mà chân thường hiển lộ:

Dòng sông đi cho nước nói ngàn ngày


Rằng biển rộng không đến bờ em ạ
(B.G. Mưa nguồn)
Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn.
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
(Tản Đà–Thề non nước)

Vô thường, khổ trở thành bất tử dưới ngòi bút thi nhân khi nó được đem làm thể tài của nghệ thuật, trở thành chân thường khi được đem làm đề mục thiền quán. Vì sự thưởng ngoạn cũng như sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi một lối nhìn vô ngã. Có vô ngã mới thoát ra khỏi nỗi đau khổ của “tôi” để nhìn xa thấy rộng. Một nhà phê bình văn học đã viết về cụ Nguyễn Du như sau: “Nếu không có con mắt trông suốt ba cõi, tấm lòng nghĩ thấu nghìn đời, thì tài nào có được bút lực ấy”. Đó là sự cảm thông với mọi tầng lớp xã hội đương thời và mai hậu:

Thương thay thập loại chúng sinh
Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người.

Sở dĩ cứ phải làm cô hồn không siêu được là vì chấp ngã, mỗi người ôm giữ tình trạng của mình lúc còn sống.

Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn.
Lặng mặt trời lẩn thẩn tìm ra.
Lôi thôi bồng trẻ dắt già.
Có khôn thiêng hỡi, lại mà nghe kinh.

Nhưng trong cõi chết thì “còn chi ai khá ai hèn, còn chi mà nói ai hiền ai ngu”. Để cảnh tỉnh các vong linh ấy thoát khỏi ngã chấp, cần phải nhờ đến thần lực từ bi của Phật:

Tiết đầu thu dựng đàn giải thoát,
Nước tịnh bình rưới hạt dương chi.
Dám nhờ Phật lực từ bi
Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương.

Muốn thoát khổ cần phải mở rộng nhãn quan để thấy với trí tuệ vô ngã, thấy cuộc đời là phù du mộng ảo, và do đó sống chết cũng chỉ là ảo mộng trong bối cảnh chân thường như bọt sóng nổi lên rồi lại tan ngay vào biển cả.

“Kiếp phù sinh như hình bào ảnh.
Có câu rằng: Vạn cảnh giai không”

Thấy được như vậy cũng chính là thấy Pháp và thấy Phật, thấy Pháp thân của Phật và tự nhiên được siêu thoát.

“Ai ơi lấy Phật làm lòng.
Tự nhiên siêu thoát ờ trong luân hồi”

“Lấy Phật làm lòng” là sống với cái tâm như tâm Phật, thì sẽ không còn khổ đau vì ngã chấp. 

Thấy “vô thường, khổ” là vô ngã thì hết khổ. Dưới lối nhìn siêu thoát bằng trí tuệ vô ngã, thì vô thường không khổ mà còn là điều tất yếu và đáng muốn, vì nó làm cho cuộc đời luôn đổi mới, gợi tò mò, như đọc một quyển sách mà ta không biết điều gì sẽ xảy đến, nên luôn luôn hấp dẫn. Mọi bi kịch trở thành hài kịch khi ta nhìn lại với lối nhìn vô tư bình thản. Óc hài hước bởi thế là dấu hiệu của sự thông minh, của trí tuệ vô ngã. Có trí tuệ mới biết cười cái ngu, cười sự thất bại của mình và thoát ly khỏi nó.

e. Niệm thân hành

Một pháp môn niệm thân được gọi là “thân hành niệm” thực sự, chính là đào luyện sự tỉnh giác trong 4 uy nghi đi, đứng, nằm, ngồi, và trong tất cả các động tác của thân thể. Bất cứ lúc nhìn tới ngó lui, co tay duỗi tay, thân thể được sử dụng như thế nào, hành giả phải hoàn toàn ý thức về nó, thắp sáng động tác ấy bằng ánh sáng tỉnh thức, không để cho nó chìm vào bóng tối vô thức. Nhờ tỉnh giác như vậy, các ý niệm tư duy liên hệ thế tục được đoạn trừ, nội tâm được định tĩnh, chuyên nhất.

Mỗi động tác của thân là một “thân hành”. Khi chú ý sự sinh và diệt của nó, hành giả thấy rõ thân xác bị bức bách bởi sinh diệt, gọi là “hành khổ” trong 3 khổ. Hành khổ rất khó nhận ra, nên hãy nói “khổ khổ” trước. Khổ khổ là nỗi đau đớn thực sự, như đau răng, đau bụng. Hoại khổ là nỗi khổ của sự diệt vong, như một cái chết do tai nạn hay chết tự nhiên. Nhưng khi còn sống thì thân xác phải được bảo trì nhờ cơm ăn áo mặc, chỗ ở thích hợp, và 4 uy nghi đi đứng nằm ngồi phải được điều hòa. Khi mọi sự việc ấy diễn tiến êm xuôi thì ta không ý thức được nỗi khổ tiềm tàng trong đó, mà chỉ khi có trục trặc xảy ra, ta mới thấy khổ khổ hay hoại khổ. Kỳ thực, bình thường, các uy nghi dáng điệu, nhu cầu của thân xác chính là hành khổ. Nhưng ta không thấy được điều ấy, bởi vì khi ngồi chưa mỏi ta đã vội đứng lên, ăn chưa đói đã có bữa ăn khác. Thử tưởng tượng một người phải đứng mãi một chỗ, đương nhiên sẽ khao khát đi hoặc ngồi hay nằm, cho là thượng
sách. Nhưng nếu một người phải nằm liệt giường tháng này qua năm nọ thì quả là hành khổ. Không có một tư thế nào thực sự là an ổn nếu không được thay đổi. Cho nên đi, đứng, nằm, ngồi chỉ là thay đổi kiểu khổ cho đến khi xuống mồ. Hành khổ này không dễ nhận ra nếu không chính niệm tỉnh giác.

Hành khổ là cái khổ của sự sinh diệt, bị vô thường bức bách. Và vì thân này vô thường, nên nó cũng vô ngã. Không có hai cái thân xác giống nhau trong hai thời điểm tiếp nhau: khi đứng là một cái thân, khi ngồi xuống là một thân khác. Có liên tục đổi khác như vậy (sát na sinh diệt) mới dần dần đi đến già và chết. 

Đào luyện chính niệm tỉnh giác này rất khó, lúc đầu cần phải thực tập liên kết với các môn thân hành niệm khác như quán 32 uế vật và niệm hơi thở. Tựu trung, tất cả 6 pháp niệm thân đều liên quan chặt chẽ với nhau: quán 32 vật và quán 4 đại là để thấy rõ thực chất của thân xác là bất tịnh, vô ngã; niệm thân hành và niệm hơi thở là để thấy rõ vận hành của thân xác và tính chất vô thường, khổ, quán 10 giai đoạn của tử thi và quán bộ xương qua 9 giai đoạn (cửu tưởng) là để thấy rõ chung cuộc của thân này.
f. Niệm hơi thở

Cuối cùng, pháp niệm hơi thở tóm thâu tất cả 4 pháp quán gọi là Tứ niệm xứ quán gồm 16 đề tài mà chúng ta đã quen thuộc. Mỗi nhóm 4 đề tài, nhóm 1 quán thân, nhóm 2 quán cảm thọ, nhóm 3 quán tâm, nhóm 4 quán pháp.

Trong mỗi đề tài đều lấy hơi thở làm điểm tựa để quán, nên thân, thọ, tâm, pháp, đều do hơi thở mà có ra. Hơi thở là đầu mối của mọi sự: có thở mới duy trì được thân xác, cảm thọ, tư tưởng, tâm thức. Do vậy, làm chủ được hơi thở cũng là làm chủ được các thứ này.

Quán hơi thở ta còn nhận rõ được tính vô thường của thân xác. Thở vô mà không thở ra được hay ngược lại, thì hết sống. Tính chất vô ngã cũng hiện rõ: không có cái “tôi” nào ở trong luồng không khí ra vô nơi lỗ mũi để có thể bám lấy mà gọi là “ta” và “của ta”. Đức Phật có lần hỏi các đệ tử đời người dài bao lâu. Một người đáp trong khoảng 1 ngày đêm, người thứ hai đáp trong khoảng 1 bữa ăn, người thứ ba đáp trong 1 hơi thở ra vào. Đức Phật khen người sau cùng mới thực sự thấy đúng, chân chính tu tập niệm chết để tận diệt khổ đau. Quả vậy, khi thấy cái “tôi” chỉ kéo dài trong 1 hơi thở, thì không còn nuối tiếc quá khứ, khát vọng tương lai, mà luôn luôn an trú trong chính niệm hiện tiền, chính quán nó là vô thường, vô ngã.

Pháp môn thân hành niệm gồm cả 6 phần này có thể khiến hành giả sống một đời hạnh phúc an lạc trong hiện tại, nếu tu tập nghiêm túc sẽ chứng được sơ thiền và khi chết sẽ hướng đến cảnh giới tốt đẹp. Ngược lại, người không tu tập thân hành mệm, sống trong thất niệm buông lung, thì chính là miếng mồi ngon cho ma quỷ, ma dễ cám dỗ vị ấy và làm cho vị ấy đi đến tàn mạt. 

---o0o---




tải về 0.96 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   26




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương