Ấn Quang Pháp Sư


Chỉ dạy phương pháp niệm Phật



tải về 2.15 Mb.
trang4/22
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích2.15 Mb.
#35519
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22

1. Chỉ dạy phương pháp niệm Phật


* Hết thảy chúng sanh đều sẵn đủ Phật Tánh, tức là đều sẵn đủ Phật Huệ; nhưng do tham - sân - si v.v… xen tạp vào trong ấy nên Phật Huệ bèn trở thành tri kiến của chúng sanh. Nay đã biết Phật Huệ vốn sẵn có, bèn chú tâm kiểm điểm nơi khởi tâm động niệm, xử sự, chẳng để cho tri kiến tham - sân - si v.v… phát sanh. Lại hãy nên dùng lòng tín nguyện sâu để trì danh hiệu Phật, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, yêu tiếc sanh mạng loài vật, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, tự hành, dạy người cùng tu Tịnh nghiệp thì Huệ ấy sẽ dần dần thuần. Nếu giữ được điều này chẳng để mất thì vãng sanh Tây Phương sẽ vừa thuần vừa dễ. Đến khi Phiền Hoặc hết sạch, phước trí viên mãn thì Huệ sẽ thuần đến tột bậc, viên thành Phật đạo.

Người đời thường lầm lạc bảo mình có trí huệ, chẳng biết trí huệ là vàng còn trong quặng, hoàn toàn chưa sử dụng được, cần phải luyện ròng khiến cho những chất xỉ quặng (những tạp chất) hoàn toàn tiêu hết thì mới được lợi ích. Đại ý là như vậy, mong hãy chuyển [những ý nghĩa này] đến cho [ông ta]. Người học Phật chú trọng vào việc tận tụy thực hành. Con người hiện thời phần nhiều mong sao miệng lưỡi nhạy bén, [tức là] kể tên những món ăn thật hay, thật đẹp, nhưng vô ích cho cái bụng rỗng tuếch, đáng buồn thay! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Thiệu Huệ Viên)

* Đối với pháp tắc tu trì, hãy nên thường như con nhớ mẹ, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, im lặng, qua lại, một câu Phật hiệu miên miên mật mật! [Dẫu gặp] bất cứ sự duyên nào cũng chẳng để cho gián đoạn, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối. Người làm được như thế chắc chắn vãng sanh!

Lại phải nên tâm niệm nhân từ, rộng lượng, tánh khí khiêm nhường, thuận thảo, nhẫn được những điều người khác chẳng thể nhẫn, hành được những điều người khác chẳng thể hành, chịu cực nhọc thế cho người khác, thành tựu điều tốt đẹp cho người ta. Thường nghĩ mình sai quấy, đừng bàn lỗi của kẻ khác! Bậc Đẳng Giác Bồ Tát trong mười hai thời lễ mười phương Phật để sám trừ túc nghiệp, huống là kẻ còn đang trong địa vị phàm phu! Hãy nên thường hổ thẹn, nào dám ỷ y! Nếu ỷ y, dẫu có tu trì thảy đều thuộc về ma nghiệp. Con người như thế chớ nên thân cận, để khỏi đến nỗi lâu ngày đều bị biến đổi giống như họ.

Phải vâng giữ chắc tông chỉ, chẳng bị xoay chuyển bởi kinh giáo và lời lẽ của thiện tri thức rồi bỏ pháp này tu pháp khác. Pháp môn này chính là pháp môn tổng trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo dưới hóa độ chúng sanh. Hết thảy pháp môn không pháp nào chẳng từ pháp giới này lưu xuất; hết thảy hạnh môn không môn nào chẳng trở về pháp giới này. Vì thế, [pháp này] được chín giới cùng hướng về, mười phương chung khen ngợi, ngàn kinh đều xiển dương, muôn luận cùng tuyên nói. Bọn ta là hạng mạt học sao lại lập dị, tự chuốc lấy tội khiên tự lầm, lầm người ư? Nguyện hãy suy nghĩ sâu xa, xin hãy suy nghĩ sâu xa! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Quyển Hạ, Tịnh Độ Chỉ Yếu)

* Lúc niệm Phật cần phải thâu nhiếp tai lắng nghe, từng chữ từng câu chẳng để luống qua; lâu ngày chầy tháng, thân tâm sẽ quy nhất. Một pháp Lắng Nghe đúng là pháp quan trọng trong [pháp môn] Niệm Phật; bất luận là ai đều có lợi chứ không có điều tệ, công đức rất sâu. Chẳng như những pháp quán tưởng v.v… người biết pháp sẽ được lợi ích, kẻ chẳng biết pháp phần nhiều bị tổn hại. Vì thế, chẳng thể dạy kẻ chẳng hiểu giáo lý, chẳng thông Tánh Thể tu tập những pháp quán tưởng v.v… (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Lưu Huệ Dân)

* Ông chưa biết tông chỉ Tịnh Độ. Hãy nên y theo những gì đã nói trong Một Lá Thư Gởi Khắp mà sanh lòng tin thật sự, phát nguyện thiết tha, chí thành khẩn thiết, niệm danh hiệu Phật. Đừng dùng cách niệm quán tâm, hãy nên dùng cách niệm nhiếp tâm. Trong kinh Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Bồ Tát nói “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất”. Khi niệm Phật trong tâm (ý căn) phải niệm cho rõ ràng, rành rẽ, nơi miệng (thiệt căn) phải niệm cho rõ ràng, rành rẽ, nơi tai (nhĩ căn) phải nghe cho rõ ràng, rành rẽ. Ý, thiệt, nhĩ ba căn mỗi mỗi đều nhiếp thủ Phật hiệu thì mắt cũng chẳng ngó Đông, dòm Tây, mũi cũng chẳng ngửi những thứ khí vị khác, thân cũng chẳng lười trễ, biếng nhác, đó gọi là “nhiếp trọn sáu căn”. Nhiếp trọn sáu căn để niệm tuy chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng so với kẻ chẳng nhiếp [sáu căn để niệm] thì trong tâm thanh tịnh hơn nhiều lắm, vì thế gọi là “tịnh niệm”.

Nếu thường giữ được tịnh niệm liên tục chẳng bị gián đoạn, tâm sẽ tự được quy về một chỗ. Ở mức cạn là đắc nhất tâm, mức sâu là đắc tam-muội. Tam Ma Địa cũng là tên gọi khác của Tam Muội, ở đây (Trung Hoa) dịch là Chánh Định, hay còn dịch là Chánh Thọ. Chánh Định nghĩa là tâm an trụ nơi Phật hiệu, chẳng còn rong ruổi theo bên ngoài nữa. Chánh Thọ ngụ ý những gì được nạp thọ (thâu nhận) trong tâm chỉ là cảnh duyên công đức của Phật hiệu, hết thảy cảnh duyên đều chẳng thể được!

Có thể thật sự nhiếp cả sáu căn để niệm, chắc chắn nghiệp chướng tiêu trừ, thiện căn tăng trưởng. Chẳng cần phải quán tâm mà tâm tự thanh tịnh, sáng tỏ, sao lại đến nỗi mắc bệnh tâm hỏa bốc lên nữa ư? Do ông là phàm phu nghiệp lực cực nặng, lầm lạc dùng pháp quán tâm nên mới đến nỗi như thế. Pháp quán tâm chính là pháp tu Quán bên Giáo, chẳng thích hợp lắm đối với người niệm Phật! Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối mới là vô thượng diệu pháp thích hợp khắp hết thảy căn cơ thượng, trung, hạ, cả phàm lẫn thánh.

Hãy nên biết: “Nhiếp trọn” chú trọng tại Nghe! Dẫu niệm thầm trong tâm cũng vẫn phải nghe, bởi lẽ, trong tâm khởi niệm liền có tướng của tiếng. Tai chính mình nghe tiếng trong tâm của chính mình, vẫn rành rẽ rõ ràng. Nếu có thể nghe được từng câu, từng chữ rõ ràng thì sáu căn đều quy về một, so với tu những pháp Quán khác sẽ là ổn thỏa, thích đáng nhất, ít tốn sức nhất, khế lý, khế cơ nhất. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Dương Vĩ Chương)

* Người niệm Phật hãy nên cung kính, chí thành, từng câu từng chữ trong tâm niệm cho rõ ràng, rành mạch, miệng niệm cho rõ ràng, rành mạch. Nếu làm được như thế, dẫu chẳng thể hoàn toàn không có vọng niệm, nhưng vọng niệm cũng chẳng đến nỗi quá đáng. Có lắm kẻ chỉ mong lẹ, mong nhiều, thuận miệng niệm ào ào, cho nên không có hiệu quả! Nếu có thể nhiếp tâm thì mới gọi là người niệm Phật thật sự.

Đại Thế Chí Bồ Tát đã ví dụ “như con nhớ mẹ”, trong tâm con chỉ nghĩ đến mẹ, những cảnh khác đều chẳng phải là chuyện trong tâm chính mình. Vì thế có thể cảm ứng đạo giao. Lại nói: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, đắc Tam Ma Địa26, tư vi đệ nhất” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa (tức tam-muội), ấy là bậc nhất). Nói “khiến cho tâm, miệng, tai đều được rõ ràng” chính là pháp tắc nhiếp trọn sáu căn vậy (Tâm là Ý Căn, miệng là Thiệt Căn). Tâm và miệng niệm hợp cùng tai nghe thì mắt, mũi quyết định chẳng đến nỗi rong ruổi theo bên ngoài, thân cũng chẳng đến nỗi láo xược, phóng túng. Người đời nay niệm Phật phần nhiều đều chẳng chịu nỗ lực nên không có hiệu quả gì!

Lại nữa, khi không niệm Phật, vọng tưởng tuy nhiều nhưng không cách nào biết được, chứ không phải là lúc không niệm thì không có vọng tưởng! Ví như đối với hư không trong nhà, dẫu mắt cực tốt cũng chẳng thể thấy được bụi bặm. Nếu từ khe cửa sổ soi vào một tia nắng, sẽ thấy bụi bặm trong tia nắng chao lên đảo xuống không khi nào ngừng, khi ánh sáng chưa chiếu đến nơi, vẫn chẳng thấy có bụi bặm! Vì thế, biết rằng: Khi niệm Phật mà nhận biết có vọng tưởng thì đấy vẫn là cái hay của việc niệm Phật. Lúc không niệm Phật, hoàn toàn bị vùi lấp trong vọng tưởng cho nên không biết! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời sư Hựu Chân và cư sĩ Giác Tam)

* Đối với chữ Niệm (念) trong Niệm Phật (念 佛), muôn phần chớ nên thêm chữ Khẩu (口), có rất nhiều người viết là Niệm (唸), đánh mất ý nghĩa đến tột cùng! Một pháp Trì Danh Niệm Phật lợi khắp ba căn, còn Quán Tượng, Quán Tưởng thì chỉ có người thấu hiểu pháp môn tâm địa mới tu tập được. Nếu không, chắc sẽ đến nỗi khởi lên các ma sự. Trì danh niệm Phật lại thêm lắng tai nghe kỹ là ổn thỏa, thích đáng nhất. Bất luận thượng - trung - hạ căn đều có lợi ích, đều không bị khuyết điểm.

Ông thích niệm kinh Kim Cang, hãy nên đem công đức ấy hồi hướng vãng sanh thì đấy chính là Trợ Hạnh cho Tịnh Độ. Nhưng Tịnh Độ Ngũ Kinh công đức cũng chẳng kém gì kinh Kim Cang. Đối với những kinh sách đã gởi, hãy nên đọc kỹ lời Tựa do Quang viết, sẽ có thể hiểu rõ được ý nghĩa chánh yếu. Tiếp đó, lắng lòng cung kính đọc thì sẽ đích thân đạt được vô biên lợi ích (Hoằng Hóa Nguyệt San kỳ thứ 8 - Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Đường Thụy Nham - 1)

* Đối với việc niệm Phật, có thể chiếu theo thời mà niệm cũng được. Nếu không, suốt ngày thừa dịp thuận tiện [mà niệm], chẳng luận đi - đứng - ngồi - nằm (hễ nằm thì nên niệm thầm, chớ nên niệm ra tiếng). Nói chung, lấy niệm Phật làm chánh. Nhưng cần phải sanh lòng tin, phát nguyện, cầu sanh Tây Phương, vạn phần chớ nên cầu phước báo đời sau. Nếu cầu phước báo đời sau thì chính là phá giới trái pháp, vì pháp môn Niệm Phật chính là pháp môn dạy người cầu sanh Tây Phương. Ông đã niệm Phật, chẳng cầu sanh Tây Phương, lại muốn cầu đời sau, tức là chẳng tuân lời Phật dạy. Đấy là pháp Phật dạy người như thế, phải nhất định tuân theo, ông chẳng chịu tuân theo, nên gọi là “phá giới, trái pháp”. Nếu đời này còn có tu trì, đời sau chắc chắn có phước thế gian để hưởng. Hễ hưởng phước, chắc chắn phải tạo ác nghiệp (nay cõi đời loạn lạc đến như thế, quá nửa là do những kẻ đời trước tu si phước ươm thành). Đã tạo ác nghiệp thì khổ báo về sau chẳng nỡ nói ra! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời sư Truyền Đức)

* Con người sống trong thế gian điều quan trọng nhất là thân cận thầy lành bạn tốt. Có thầy lành bạn tốt thì sẽ có thể trở về chánh đạo. Nếu không, bạn bè nhậu nhẹt tụ họp, hằng ngày xen lộn với phường hạ lưu, bệnh tật cũng do đó thường chẳng lành được!

Pháp môn Tịnh Độ không gì lớn lao ra ngoài được, nhưng kẻ thiếu hiểu biết thường coi nhẹ. Ông đã trì danh, nhưng tâm chưa quy nhất là vì nghiệp chướng sâu đậm vậy! Lúc niệm phải giữ tấm lòng kính sợ, niệm khởi từ nơi tâm, tiếng phát ra từ miệng, âm thanh lọt vào tai, phải sao cho nghe từng câu rõ ràng, từ sáng đến tối [lúc nào] không phải dùng tâm để làm việc thì thường niệm. Niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng, hay niệm thầm trong tâm đều phải nghe, bởi tâm vừa khởi niệm liền có tướng của tiếng. Tai của chính mình nghe tiếng trong tâm của chính mình là chuyện hết sức rõ ràng. Sáng tối lập một công khóa, hoặc tụng một biến kinh Di Đà, ba biến chú Vãng Sanh, rồi niệm kệ Tán Phật, niệm Phật, hoặc một ngàn hay tám trăm câu, hay năm trăm câu, tùy theo mỗi người mà lập ra công phu. Nếu quá bận thì dùng cách sáng tối Thập Niệm.

Ngoại trừ lúc thực hiện công khóa sáng tối ra, đi, đứng, nằm, ngồi đều phải niệm. Chỉ cầu tâm quy nhất, chẳng nhất định phải cầu tướng lành. Vì nếu tâm đã quy nhất sẽ khác với lúc tâm phập phều, tán loạn. Nếu chẳng chú trọng tâm quy nhất, thường mong thấy được tướng lành, rất có thể ma sự khởi lên, chẳng thể không biết! Chí thành khẩn thiết lắng nghe, chắc chắc chẳng đến nỗi ma sự dấy lên! “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” chính là cách niệm Phật mầu nhiệm nhất!

Phải thường xem Tịnh Độ Ngũ Kinh, cần phải cung kính, chớ nên khinh nhờn! Đọc Tịnh Độ Ngũ Kinh sẽ biết đại nguyện của đức Di Đà, sự trang nghiêm của cõi Tịnh Độ, và sự thích hợp trọn khắp của pháp môn. Những kẻ nói pháp môn Tịnh Độ là Tiểu Thừa, là pháp tu của ngu phu ngu phụ, thì biết là họ trong đời trước chưa từng gieo thiện căn Tịnh Độ, nên mới nói nhăng nói càn như vậy! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Ngô Hy Đạo)

* Làm đệ tử Phật, ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, giữ tâm lành, nói lời lành, làm chuyện lành, hành như vậy mới là đệ tử Phật thật sự. Nếu miệng tuy niệm Phật, nhưng tấm lòng chẳng lành sẽ tương phản với khí phận của Phật, chẳng thể được lợi ích thật sự nơi niệm Phật! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Giang Cảnh Xuân)

* Người học Phật nhất cử nhất động đều phải lưu tâm. Đối với việc niệm Phật phải chí thành. Nếu khi nào trong tâm khởi lên đau buồn, đấy cũng chính là tướng thiện căn phát hiện, chớ nên để thường xảy ra như thế. Nếu không, sẽ bị ma bi thương dựa vào. Phàm có chuyện gì thích ý, chớ nên hoan hỷ quá mức. Nếu không, ắt bị ma hoan hỷ dựa.

Lúc niệm Phật, mí mắt nên rủ xuống, tinh thần chớ nên căng thẳng quá mức đến nỗi tâm hỏa bốc lên, rất có thể bị những chứng bệnh ngứa đầu, đau đầu v.v... cần phải điều hòa cho thích đáng. Niệm lớn tiếng thì chẳng được cố sức quá mức để khỏi bị bệnh. Lần chuỗi niệm có thể ngừa được sự lười nhác, nhưng lúc tịnh tọa chẳng được lần chuỗi, hễ lần chuỗi thì ngón tay động nên tâm chẳng định được, lâu ngày ắt thành bệnh. (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư răn nhắc những người mới phát tâm học Phật ở quê tôi)

* Trong đời trước, con người nghiệp nào chẳng tạo? May mắn được nghe Phật pháp, hãy nên sốt sắng tu trì để mong tiêu trừ túc nghiệp, siêu độ oán gia. Tất cả oán gia tuy khó cởi gỡ nhưng nếu chịu phát tâm Bồ Đề và thành tâm siêu độ sẽ không có [mối oán kết nào] chẳng cởi gỡ được! Ông niệm Phật bị nghẹn hơi chẳng phải vì thân thể yếu đuối mà là do nghiệp chướng tạo ra, ông chỉ nên khẩn thiết, chí thành niệm. Nếu niệm không được thì tâm hãy thường tưởng nhớ. Nếu niệm được thì vẫn cần phải dùng miệng để niệm, không thể niệm được thì chỉ tâm chuyển, tâm nhớ, lâu ngày nghiệp ấy sẽ tiêu. Từ rày, phàm khởi tâm, làm việc, đều phải hướng theo phương diện ăn ở cho có tình nghĩa nồng hậu mà làm. Ăn ở trọn vẹn tình nghĩa thì thêm phước, ăn ở bạc bẽo thì chẳng đạt được phước gì! Nếu lại còn khắc nghiệt, hiểm độc, gian xảo thì giống như đảnh núi chót vót, mưa đẫm cách nào cũng không nhận được, bất cứ cây cỏ gì cũng không mọc được! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Thư trả lời cư sĩ Kim Thiện Sanh)

* Một pháp Niệm Phật chính là pháp môn tổng trì lời Phật dạy, nhưng có người chuyên niệm Tự Phật, có người chuyên niệm Tha Phật, hoặc niệm Tự Phật lẫn Tha Phật bất đồng! Kẻ chuyên niệm Tự Phật là như tham cứu sâu xa Thật Tướng trong các kinh đến mức cùng tận để mong ngộ chứng, dùng trí chiếu Bát Nhã để thấu hiểu trọn vẹn đương thể của hết thảy các pháp Ngũ Ấm, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Thất Đại v.v… toàn là Không, đích thân thấy được tánh Chân Như mầu nhiệm vốn sẵn có, hoặc như Thiền Tông khán những câu thoại đầu như “người niệm Phật là ai?” v.v… để mong đích thân thấy được “bản lai diện mục trước khi được cha mẹ sanh ra”. Trong bốn loại Niệm Phật, [cách này] được gọi là Thật Tướng Niệm Phật.

Chuyên niệm Tha Phật thì có ba cách niệm:

1) Một là quán tưởng, nghĩa là dựa theo Thập Lục Quán Kinh để quán, hoặc chuyên quán tướng bạch hào27, hoặc chỉ quán thân Phật một trượng sáu, hay thân tám thước, hoặc quán Pháp Thân rộng lớn và quán trọn vẹn mười sáu phép Quán.

2) Hai là quán tượng, tức là đối trước hình tượng Phật, tưởng tướng hảo, quang minh của Phật v.v…

3) Ba là trì danh, tức là nhất tâm xưng niệm thánh hiệu A Di Đà Phật.

Ba cách niệm Phật này tuy cách thức khác nhau, nhưng đều cần phải có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha thì mới cảm ứng đạo giao cùng đức Phật được, mới có thể chắc chắn trong đời này lìa khỏi cõi Sa Bà này, sanh sang cõi Cực Lạc kia.

Trong bốn thứ niệm Phật này, chỉ có Thật Tướng Niệm Phật là đế lý sâu xa nhất, nhưng chẳng dễ gì tu được! Do cậy vào Giới - Định - Huệ và sức tham cứu, quán chiếu, soi xét của chính mình, chứ không có Tha Lực nào khác phụ trợ; nếu chẳng phải là hạng túc căn chín muồi thì ngộ còn chưa dễ gì đạt được, huống là thật chứng! Chỉ có Trì Danh Niệm Phật, thực hiện dễ dàng nhất, thành công nhanh nhất! Nếu có thể nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm liên tục ắt sẽ đích thân chứng được Niệm Phật tam-muội ngay trong đời này, lâm chung chắc chắn vãng sanh Thượng Phẩm. Dẫu căn cơ hèn kém, chưa chứng được tam-muội, chỉ dùng lòng tin chân thành trì danh hiệu Phật như con nhớ mẹ, luôn luôn chẳng gián đoạn, đến khi lâm chung cảm ứng đạo giao, nương theo Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Chúng sanh đời Mạt chỉ có pháp này để nhờ cậy. Nếu không, chỉ gieo được cái nhân cho đời sau, khó đạt được lợi ích thật sự!

Nếu có thể chí tâm trì niệm, niệm đến khi “toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm, không niệm mà niệm, niệm mà không niệm, tâm lẫn Phật cùng tỏ rạng, lại cùng mất hẳn” thì diệu lý Thật Tướng sẽ hiện rõ rành rành, y báo, chánh báo cõi Tây Phương triệt để hiện trọn vẹn. Tuy trì danh nhưng đạt Thật Tướng sâu xa, chẳng quán tưởng mà đích thân thấy được Tây Phương! [Pháp trì danh] nhiếp thọ căn cơ phổ biến nhất, được lợi ích sâu xa nhất, lợi lạc nhất cho kẻ độn căn trong đời Mạt Pháp, thỏa thích lớn lao bản hoài xuất thế của Như Lai. Vì thế, từ xưa hàng tri thức phần nhiều đều chuyên chú nơi một môn Trì Danh. Đây là nói đại lược về cách niệm Tha Phật vậy.

Còn như niệm Tự Phật lẫn Tha Phật thường được gọi là Thiền Tịnh Song Tu, có người chuyên khán câu “người niệm Phật là ai?” để mong minh tâm kiến tánh, chẳng chú trọng tín nguyện cầu sanh. Tuy tợ hồ Thiền Tịnh Song Tu, nhưng thật ra là “có Thiền, chẳng có Tịnh”. Đã không có tín nguyện, sẽ không có cách nào cậy vào Phật lực để đới nghiệp vãng sanh được! Nếu chưa đạt đến địa vị nghiệp tận tình không, vẫn chẳng thể cậy vào tự lực để liễu sanh thoát tử! Do vậy biết: Đối với Thiền Tịnh Song Tu, chỉ hạng người có đầy đủ tín nguyện sâu xa mới có thể đạt được lợi ích. Nếu không, đương nhiên chẳng bằng chuyên dốc sức nơi một môn trì danh hiệu Phật! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa cho bộ Di Đà Thánh Điển)

* Lý tức là Lý Tánh, tức là Phật Tánh mà Phật và chúng sanh đều sẵn có. Tánh ấy có đủ hết thảy công đức. Sự chính là tu trì và đoạn Hoặc chứng Chân v.v… Do trong tự tánh sẵn đủ những công đức ấy nên tu đến mức cùng cực sẽ xứng tánh hiển hiện. Do vậy, gọi là “lý sự viên dung”. Nếu chỉ biết bản tánh sẵn đủ, chẳng tu trì thêm thì đến tột cùng đời vị lai cũng chẳng thể đích thân chứng được lý “tánh sẵn đủ” ấy. Đó gọi là “chấp Lý phế Sự, Lý cũng chẳng viên”. Vì thế, người tu hành hễ đã ngộ được lý “tánh sẵn đủ”, ắt phải thiết thực tu trì.

Phương pháp tu trì chỉ có trì danh niệm Phật thật là bậc nhất. Vì thế, hãy nên chuyên chú nơi tín nguyện trì danh. Lại còn lấy “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành” làm Trợ Hạnh, lợi ích sẽ lớn lao. “Hồ đến, Hồ hiện” nghĩa là tâm như gương sáng, gương vốn rỗng lặng, trọn chẳng có một vật gì, nhưng lại tùy theo cảm mà ứng. Người Hồ đến thì trong gương liền hiện bóng người Hồ, người Hán đến [gương cũng hiện bóng người Hán] giống như thế. Ngồi ngay ngắn niệm Thật Tướng chính là nhất tâm chuyên chú nơi Chân Như Phật Tánh bất sanh bất diệt để mong triệt ngộ, thật chứng. Loại công phu này thật chẳng dễ dàng đạt được; nếu chẳng hiểu rõ Lý, chắc sẽ khởi ma sự, bất tất phải dùng loại công phu này! (Hoằng Hóa Nguyệt San số thứ tám - Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Phương Thánh Chiếu - 6)

* Ông nói vọng niệm quá nhiều là vì ông cứ một mực ứng phó ngoại duyên đến nỗi trong lòng tạp niệm tưng bừng diễn ra. Hãy nên nghĩ mình sắp chết, tưởng sắp đọa địa ngục, nhất tâm niệm Phật thì vọng niệm sẽ liền tiêu diệt, chứ không phải vì thông thuộc kinh hay không! (Hoằng Hóa Nguyệt San số thứ 7 - Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Phương Thánh Chiếu - 5)

* Niệm Phật tu trì giống như uống thuốc. Nếu hiểu rõ giáo lý, giống như biết cặn kẽ nguồn gốc căn bệnh, dược tánh, mạch lý, rồi sẽ uống thuốc thì có thể gọi là “tự lợi, lợi tha”, không chi tốt lành bằng! Nếu không được như thế, trước hết chỉ chịu uống thuốc A Già Đà28 đã được [đức Phật] thay ta bào chế sẵn thì bệnh cũng được lành. Cũng có thể đem thuốc này cho hết thảy mọi người uống để được lành bệnh. Chỉ mong sao lành bệnh, không cần phải buồn lòng vì chẳng biết nguồn gốc căn bệnh, dược tánh, mạch lý! (Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Thượng, Trả lời thư cư sĩ Niệm Phật )

* Cha ông đã cho phép ông xuất gia, hãy nên phát tâm chí thành khẩn thiết, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hết thảy chúng sanh từ vô thủy đến nay ở trong lục đạo không nghiệp nào chẳng tạo. Nếu không có tâm tu hành, sẽ đâm ra chẳng cảm thấy có những ác niệm cổ quái, hiếm lạ ấy. Nếu phát tâm tu hành [sẽ cảm thấy] những thứ ý niệm ấy càng nhiều hơn thêm (Đây chính là do chân - vọng soi lẫn nhau mà hiển hiện, chứ không phải là trước kia không có, chỉ là do chúng chẳng hiện rõ mà thôi). Lúc ấy, hãy nên tưởng A Di Đà Phật ở trước mặt ta, chẳng dám có một tạp niệm vọng tưởng, chí thành, khẩn thiết niệm thánh hiệu Phật (hoặc niệm nhỏ tiếng, hoặc niệm thầm), ắt phải sao cho từng câu từng chữ trong tâm niệm rõ ràng phân minh, miệng niệm rõ ràng phân minh, tai nghe rõ ràng phân minh. Thường niệm được như thế thì hết thảy tạp niệm tự nhiên tiêu diệt.

Khi tạp niệm khởi lên, hãy đặc biệt đề khởi toàn bộ tinh thần niệm Phật, chẳng để cho nó tác quái trong tâm ta. Nếu có thể thường niệm được như thế thì ý địa tự nhiên thanh tịnh; lúc tạp niệm vừa mới dấy sẽ giống như một người chống lại vạn người, tâm chẳng thể có chút [ý niệm] thong thả, dễ dãi nào. Nếu không, nó sẽ thành chủ của ta, ta sẽ bị nó hại. Nếu liều hết tánh mạng chống lại nó, nó sẽ bị ta xoay chuyển, đấy gọi là “chuyển phiền não thành Bồ Đề”.

Hiện thời ông có thể thường đem vạn đức hồng danh của Như Lai để cực lực kháng cự thì lâu ngày chầy tháng tâm sẽ tự thanh tịnh. Tâm đã thanh tịnh rồi, vẫn cứ niệm y như cũ chẳng buông lung, thì nghiệp chướng sẽ tiêu, trí huệ mở mang. Chớ nên sanh lòng gấp rút, vọng động! Bất luận ở tại nhà hay ở nơi am đều phải kính trên, hòa dưới, nhẫn được những điều người khác chẳng thể nhẫn, làm được những chuyện người khác chẳng thể làm, chịu nhọc nhằn thay cho người khác, thành tựu sự tốt đẹp cho người ta. Khi tịnh tọa thường nghĩ đến lỗi mình, lúc chuyện gẫu chẳng bàn lỗi của kẻ khác, đi, đứng, nằm, ngồi, mặc áo, ăn cơm, từ sáng tới tối, từ tối tới sáng, một câu Phật hiệu chẳng để gián đoạn, hoặc niệm nhỏ tiếng, hoặc niệm thầm, trừ niệm Phật ra, chẳng khởi lên niệm nào khác.

Nếu lỡ vọng niệm dấy lên, hãy lập tức làm cho nó tiêu diệt. Thường sanh lòng hổ thẹn và sanh lòng sám hối. Dẫu có tu trì, luôn cảm thấy mình công phu rất cạn, chẳng tự khoe khoang, kiêu căng, chỉ bận tâm đến chuyện trong nhà của chính mình, chẳng dính tới chuyện nhà người khác, chỉ thấy những gương tốt, chẳng thấy những gương xấu. Thấy hết thảy mọi người đều là Bồ Tát, chỉ có mình ta quả thật là phàm phu. Nếu ông có thể làm theo những điều tôi đã nói, chắc chắn sẽ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. (Hoằng Hóa Nguyệt San kỳ số 5 - Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 2, Thư trả lời cư sĩ Diệp Phước Bị - 1)

* Bế quan chuyên tu Tịnh nghiệp thì hãy nên lấy niệm Phật làm Chánh Hạnh. Khóa sáng vẫn chiếu theo lệ thường tụng Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Tiểu Chú. Nếu không thuộc chú Lăng Nghiêm thì chẳng ngại gì hằng ngày cứ xem kinh mà tụng. Đến khi thật thuộc rồi hãy niệm thuộc lòng. Khóa tối thì kinh A Di Đà, Đại Sám Hối, Mông Sơn cũng phải thường niệm hằng ngày. Ngoài ra, nên niệm Phật từ sáng đến tối, đi - đứng - nằm - ngồi thường niệm.

Lại lập một quy củ, sáng niệm một lần; trước khi chưa niệm, lạy bao nhiêu đó lạy (Trước hết lạy Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ba lạy, rồi lạy A Di Đà Phật bao nhiêu đó lạy, rồi lễ Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng mỗi vị ba lạy, rồi lễ thường trụ thập phương hết thảy chư Phật, hết thảy tôn pháp, hết thảy hiền thánh tăng ba lạy). Hoặc niệm Phật một ngàn tiếng, hoặc nhiều hơn hay ít hơn. Niệm xong lại lễ chừng đó lạy, buổi sáng một lần, buổi chiều một lần, rồi nghỉ một khắc để tụng khóa tối, đầu hôm niệm Mông Sơn, sau đó niệm Phật bao nhiêu đó tiếng, lễ bao nhiêu đó lạy, phát nguyện hồi hướng, tam quy y xong, trong tâm thầm niệm Phật hiệu để dưỡng hơi. Lúc nằm chỉ nên niệm thầm trong tâm, đừng nên niệm ra tiếng. Niệm ra tiếng sẽ tổn khí, lâu ngày sẽ thành bệnh. Dẫu là ngủ nghỉ, trong tâm vẫn thường giữ lòng cung kính, chỉ cầu tâm chẳng rong ruổi theo bên ngoài, niệm niệm tương ứng với Phật hiệu. Nếu tâm khởi lên tạp niệm, liền lập tức nhiếp tâm kiền thành niệm, tạp niệm sẽ tiêu diệt ngay.

Đừng nên mù quáng dấy lên vọng tưởng, mong đắc thần thông, đắc duyên pháp, được tiếng tăm, mong xây chùa, dựng miếu. Nếu có những thứ ý niệm ấy, lâu ngày chầy tháng ắt sẽ bị ma dựa. Nếu chẳng nói toạc những điều này với ông, sợ rằng ông sẽ tưởng những ý niệm ấy là tốt, vọng tưởng ngày ngày tăng trưởng, chắc chắn sẽ bị ma dựa không còn ngờ chi! Dẫu cho tâm đã tịnh, vọng bị khuất phục, cũng chớ nên sanh lòng hoan hỷ, tự khoe khoang với người khác, có một phần bèn nói tới mười phần, đấy cũng là cái gốc để bị ma dựa! (Hoằng Hóa Nguyệt San số thứ 10 - Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, quyển 1, Thư trả lời sư Minh Tâm)


Каталог: Luan -> aqvstambien
Luan -> Phần mở đầu Tính cấp thiết của đề tài
Luan -> Như mọi quốc gia trên thế giới, bhxh việt Nam trong những năm qua được xem là một trong những chính sách rất lớn của Nhà nước, luôn được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước
Luan -> TS. NguyÔn Lai Thµnh
Luan -> Luận văn Cao học Người hướng dẫn: ts. Nguyễn Thị Hồng Vân
Luan -> MỞ ĐẦu tính cấp thiết của đề tài
Luan -> 1 Một số vấn đề cơ bản về đất đai và sử dụng đất 05 1 Đất đai 05
Luan -> Lê Thị Phương XÂy dựng cơ SỞ DỮ liệu sinh học phân tử trong nhận dạng các loàI ĐỘng vật hoang dã phục vụ thực thi pháp luật và nghiên cứU
Luan -> Tính cấp thiết của đề tài
aqvstambien -> Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1 印光 法 師文 鈔 參 編 卷 一

tải về 2.15 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   22




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương