LỜi vàng phật dạY (kinh pháp cú dhammapada)



tải về 426.79 Kb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu13.10.2017
Kích426.79 Kb.
#33419
1   2   3   4   5   6

LỜI DỊCH GIẢ


KINH PHÁP CÚ là cuốn kinh chọn lọc những lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn tại thế. Suốt trong 45 năm thuyết pháp, đức Phật đã nói rất nhiều Pháp ngữ, bao gồm nghĩa lý thâm thiết để cởi mở nghiệp khổ cho chúng sanh mà đưa họ đến Niết-bàn an lạc. Những giáo pháp ấy, ngay ba tháng sau khi Phật diệt độ, các vị Cao đồ đã hội họp kết tập thành Tam tạng để truyền lại cho hậu thế noi theo. Đồng thời, những câu dạy ngắn gọn đầy ý nghĩa của Phật trong ba trăm trường hợp giáo hóa khác nhau, cũng được kết tập thành kinh Pháp cú này và lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

Thường thường chúng ta thấy trong báo chí, sách vở của các nhà nghiên cứu Phật học hay trích dẫn những câu nói ngắn gọn nhưng rất có giá trị của đức Phật, là phần nhiều ở kinh này mà ra.

Cuốn kinh này gồm 26 Phẩm, 423 câu (bài kệ), là cuốn thứ hai trong 15 cuốn thuộc Kinh Tiểu Bộ (Khuddaka-Nikaya) trong Kinh tạng Pali và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng ở Á Châu và Âu Mỹ. Theo chỗ chúng tôi được biết, có bản chữ Anh của Giáo sư C.R. Lanman, do Đại học đường Havara tại Mỹ xuất bản; bản chữ Nhật của Phước đảo Trực tứ lang, xuất bản tại Nhật, và các bản dịch chữ Hán rất cổ với danh đề Pháp cú kinh, Pháp tập yếu tụng v.v…

Xưa nay các nước Phật giáo Nam truyền như Xri-Lanca, Mianma v.v… đều  đặc biệt tôn bộ Kinh này làm bộ Kinh nhật tụng quý báu; hàng Tăng giới ít ai không biết, không thuộc, không hành trì, và hàng Cư sĩ cũng lấy đó phụng hành để sống một đời sống an lành thanh khiết.

Riêng tại Việt Nam, lâu nay thấy có trích dẫn, nhưng chưa ai dịch hết toàn bộ. Nay nhân dịp may, tôi gặp được bản kinh Pháp cú do Pháp sư Liễu Tham vừa dịch từ nguyên bản Pali ra Hán văn, với sự tham khảo chú thích rạch ròi, có thể giúp chúng ta đọc như đọc thẳng bản văn Pali, nên tôi kính cẩn dịch ra để góp vào kho Phật kinh tiếng Việt, mà chúng ta hy vọng một ngày nào đó sẽ được thực hiện đầy đủ.

Gần đây Hòa Thượng Thích Minh Châu cũng đã dịch toàn văn kinh Pháp cú từ bản Pali và in song ngữ Việt-Pali, tạo thuận lợi rất nhiều cho việc học hỏi thêm chính xác và sâu sắc hơn đối với lời Phật dạy.

Đọc xong kinh Pháp cú, độc giả sẽ thấy trong đó gồm những lời dạy về triết lý cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Những lời dạy cho hàng xuất gia tất nhiên không bao hàm tại gia, nhưng những lời dạy cho hàng tại gia đương nhiên trùm cả hàng xuất gia. Do đó dù ở hạng nào, đọc cuốn kinh này, cũng thu thập được nhiều ích lợi thanh cao.

Tôi tin rằng những lời dạy giản dị mà thâm thúy trong kinh Pháp cú có thể làm cho chúng ta mỗi khi đọc đến thấy một niềm siêu thoát, lâng lâng tràn ngập tâm hồn, và những đức tính từ bi, hỉ, xả, bình tĩnh, lạc quan vươn lên tỏa rộng giữa những ngang trái, hẹp hòi, khổ đau, điên đảo của cuộc thế vô thường.

Bản dịch này tôi đã xuất bản lần đầu tiên năm 1959 và sau đó đã nhiều lần tái bản để Pháp bảo lưu thông rộng rãi.

Phật lịch 2542-1998

Ngày Phật Thành Đạo

THÍCH THIỆN SIÊU
---o0o---

I.PHẨM SONG YẾU1


(YAMAKAVAGA)

1.Trong các pháp2, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo3.

2.Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói  hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình.

3.“Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi”, ai còn ôm ấp tâm niệm ấy, thì sự oán hận không thể dứt.

4.“Nó lăng mạ tôi, đánh đập tôi, phá hoại tôi, cướp đoạt tôi”, ai bỏ được tâm niệm ấy, thì sự oán hận tự dứt.

5.Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù, chỉ có từ bi trừ được hận thù. Đó là định luật ngàn thu4.

6.Người kia5 không hiểu rằng: “Chúng ta sắp bị hủy diệt”6 (mới phí sức tranh luận hơn thua). Nếu họ hiểu rõ điều đó thì chẳng còn tranh luận nữa.

7.Người chỉ muốn sống khoái lạc7, không nhiếp hộ các căn, ăn uống vô độ, biếng nhác chẳng tinh cần, người ấy thật dễ bị Ma8 nhiếp phục, như cành mềm trước cơn gió lốc.

8.Người nguyện ở trong cảnh chẳng khoái lạc9, khéo nhiếp hộ các căn, ăn uống tiết độ, vững tin và siêng năng, Ma không dễ gì thắng họ, như gió thổi núi đá.

9.Mặc áo Cà-sa mà không rời bỏ cấu uế10, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.

10.Rời bỏ các cấu uế, khéo giữ gìn giới luật, khắc kỷ và chân thành, người như thế đáng mặc áo Cà-sa.

11.Phi chơn11 tưởng là chơn thật, chơn thật12 lại thấy là phi chơn, cứ tư duy một cách tà vạy, người như thế không thể đạt đến chân thật.

12.Chơn thật nghĩ là chơn thật, phi chơn biết là phi chơn, cứ tư duy một cách đúng đắn, người như thế mau đạt đến chân thật.

13.Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột; cũng vậy, người tâm không khéo tu ắt bị tham dục lọt vào.

14.Nhà khéo lợp kín ắt không bị mưa dột; cũng vậy, người tâm khéo tu ắt không bị tham dục lọt vào.

15.Đời này chỗ này buồn, chết rồi chỗ khác buồn, kẻ làm điều ác nghiệp, cả hai nơi đều lo buồn, vì thấy ác nghiệp mình gây ra, kẻ kia sinh buồn than khổ não.

16.Đời này chỗ này vui, chết rồi chỗ khác vui, kẻ làm điều thiện nghiệp, cả hai nơi đều vui, vì thấy thiện nghiệp mình đã làm, kẻ kia sinh ra an vui, cực vui.

17.Đời này chỗ này khổ, chết rồi chỗ khác khổ, kẻ gây điều ác nghiệp, cả hai nơi đều khổ, buồn rằng: “ta đã tạo ác” phải đọa vào ác thú khổ hơn13.

18.Đời này chỗ này hoan hỷ, chết rồi chỗ khác hoan hỷ, kẻ tu hành phước nghiệp, cả hai nơi đều hoan hỷ, mừng rằng: “ta đã tạo phước” được sinh vào cõi lành hoan hỷ hơn.

19.Dù tụng nhiều kinh mà buông lung không thực hành thì chẳng hưởng được phần ích lợi của Sa-môn, khác nào kẻ chăn bò thuê, lo đếm bò cho người14.

20.Tuy tụng ít kinh mà thường y giáo hành trì, hiểu biết chân chánh, từ bỏ tham sân si, tâm hiền lành, thanh tịnh, giải thoát, xa bỏ thế dục, thì dù ở cõi này hay cõi khác, người kia vẫn hưởng phần lợi ích lợi của Sa-môn.

---o0o---


II.PHẨM KHÔNG BUÔNG LUNG


(APPAMADAVAGGA)

21.Không buông lung đưa tới cõi bất tử15, buông lung đưa tới cõi tử vong, người không buông lung thì không chết, kẻ buông lung thì sống như thây ma16.

22.Kẻ trí biết chắc điều ấy17 nên gắng làm theo sự không buông lung. Không buông lung thì đặng an vui trong các cõi Thánh18.

23.Nhờ kiên nhẫn, dũng mãnh tu thiền định19, kẻ trí được giải thoát an ổn, chứng nhập vô thượng Niết-bàn.

24.Không buông lung, cố gắng, hăng hái, chánh niệm, khắc kỷ theo tịnh hạnh, sinh hoạt đúng như pháp, thì tiếng lành càng tăng trưởng.

25.Bằng sự cố gắng, hăng hái, không buông lung, tự khắc chế lấy mình, kẻ trí tự tạo cho mình hòn đảo20 chẳng còn ngọn thủy triều21 nào nhận chìm được.

26.Người ám độn ngu si đắm chìm trong buông lung, nhưng kẻ trí lại chăm giữ tâm không buông lung, như người giàu chăm giữ của báu.

27.Chớ đắm chìm theo buông lung, chớ mê say dục lạc; hãy tỉnh giác tu thiền, mới mong đặng đại an lạc.

28.Nhờ trừ hết buông lung, kẻ trí không còn lo sợ gì. Bậc thánh hiền bước lên lầu trí tuệ, nhìn thấy kẻ ngu si còn nhiều lo sợ, như được lên núi cao, cúi nhìn muôn vật trên mặt đất.

29.Tinh tấn giữa đám người buông lung, tỉnh táo giữa đám người mê ngủ, kẻ trí như con tuấn mã thẳng tiến, bỏ lại sau con ngựa gầy hèn.

30.Nhờ không buông lung, Ma-già22 được làm chủ chư thiên. Không buông lung được người khen ngợi, buông lung bị người khinh chê.

31.Tỳ-kheo thường ưa không buông lung, hoặc sợ thấy sự buông lung, Ta ví họ như ngọn lửa hồng đốt thiêu tất cả kiết sử23 lớn nhỏ.

32.Tỳ-kheo nào thường ưa không buông lung, hoặc sợ thấy sự buông lung, Ta biết họ gần tới Niết-bàn, nhất định không bị đọa lạc dễ dàng như trước.

---o0o---


III.PHẨM TÂM


(CITTAVAGGA)

33.Tâm kẻ phàm phu thường dao động hốt hoảng khó chế phục, nhưng kẻ trí chế phục tâm làm cho chính trực dễ dàng, như thợ khéo uốn nắn mũi tên.

34.Như cá bị quăng lên bờ, sợ sệt vùng vẫy thế nào, thì cũng như thế, các người hãy đem tâm lo sợ, phấn đấu để mau thoát khỏi cảnh giới ác ma.

35.Tâm phàm phu cứ xoay vần theo ngũ dục, dao động không dễ nắm bắt. Chỉ những người nào đã điều phục được tâm mình mới được yên vui.

36.Tâm phàm phu cứ xoay vần theo ngũ dục, biến hóa u ẩn khó thấy, nhưng người trí lại phòng hộ tâm mình, và được yên vui nhờ tâm phòng hộ ấy.

37.Tâm phàm phu cứ lén lút đi một mình, rất xa, vô hình vô dạng, như ẩn náu hang sâu24; ai điều phục được tâm, thì giải thoát khỏi vòng ma trói buộc.

38.Người tâm không an định, không hiểu biết Chánh pháp, lòng tin không kiên cố, thì trí tuệ khó thành.

39.Người tâm đã thanh tịnh, không còn các hoặc loạn, vượt trên thiện và ác25, là người giác ngộ chẳng sợ hãi.

40.Hãy biết thân này mong manh như đồ gốm, giam giữ tâm ngươi như thành quách, ngươi hãy đánh dẹp ma quân với thanh huệ kiếm và giữ phần thắng lợi26, chớ sanh tâm đắm trước27.

41.Thân này thật không bao lâu sẽ ngủ một giấc dài dưới ba thước đất, vô ý thức, bị vứt bỏ như khúc cây vô dụng28.

42.Cái hại của kẻ thù gây ra cho kẻ thù hay oan gia đối với oan gia, không bằng cái hại của tâm niệm hướng về hạnh tà ác29 gây ra cho mình.

43.Chẳng phải cha mẹ hay bà con nào hết, nhưng chính tâm niệm hướng về hành vi chánh thiện30 làm cho mình cao thượng hơn.

---o0o---

IV.PHẨM HOA31


(PUPPHAVAGGA)

44.Ai chinh phục32 địa giới33, diêm-ma-giới34, thiên giới35, và ai khéo giảng Pháp cú36 như người thợ khéo37 nhặt hoa làm tràng?

45.Bậc hữu học38 chinh phục địa giới, diêm-ma-giới, thiên giới và khéo giảng Pháp cú như người thợ khéo nhặt hoa làm tràng39.

46.Nên biết thân này là pháp huyễn hóa như bọt nổi, để bẻ gãy mũi tên cám dỗ của ma quân40 mà thoát ngoài vòng dòm ngó của tử thần.

47.Như nước lũ cuốn phăng những xóm làng say ngủ41, tử thần sẽ lôi phăng đi những người sinh tâm ái trước những bông hoa dục lạc mình vừa góp nhặt được.

48.Cứ sinh tâm ái trước, tham luyến mãi những bông hoa42 dục lạc mà mình vừa góp nhặt được, đó chính là cơ hội tốt cho tử thần lôi đi.

49.Hàng Sa-môn (Mâu-ni)43 đi vào xóm làng khất thực, ví như con ong đi kiếm hoa, chỉ lấy mật rồi đi chứ không làm tổn thương về hương sắc.

50.Chớ nên dòm ngó lỗi người, chớ nên coi họ đã làm hay không làm44; chỉ nên ngó lại hành động của mình, coi đã làm được gì hay chưa làm được gì.

51.Như thứ hoa đẹp chỉ phô trương màu sắc mà chẳng có hương thơm, những người chỉ biết nói điều lành mà không làm điều lành thì chẳng đem lại lợi ích.

52.Như thứ hoa tươi đẹp vừa có màu sắc lại có hương thơm, những người nói điều lành và làm điều lành sẽ đem lại kết quả tốt.

53.Như từ đống hoa có thể làm nên nhiều tràng hoa; như vậy, từ nơi thân người có thể tạo nên nhiều việc thiện.

54.Hương của các loài hoa chiên đàn, đa-già-la hay mạt lỵ45 đều không thể bay ngược gió, chỉ có mùi hương đức hạnh của người chân chính, tuy ngược gió vẫn bay khắp muôn phương.

55.Hương chiên đàn, hương đa-già-la, hương bạt-tất-kỳ46, hương sen xanh, trong tất cả thứ hương, chỉ thứ hương đức hạnh hơn cả.

56.Hương chiên đàn, hương đa-già-la đều là thứ hương vi diệu, nhưng không bằng thứ hương đức hạnh, xông ngát tận chư thiên.

57.Người nào thành tựu các giới hạnh, hằng ngày chẳng buông lung, an trụ trong chính trí và giải thoát, thì ác ma không thể dòm ngó được.

58.Như từ trong đống bùn nhơ vứt bỏ.

59.Trên đường lớn, sinh ra hoa sen thanh khiết ngọt ngào, làm đẹp ý mọi người; cũng thế, chỉ từ nơi chốn phàm phu ngu muội mới sản sinh những vị đệ tử bậc Chánh giác, đem trí tuệ soi sáng thế gian.

---o0o---




tải về 426.79 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương