LỜi nhà xuất bản nghiên cứu về SỰ phát triển con ngưỜI


Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh



trang12/72
Chuyển đổi dữ liệu07.01.2018
Kích5 Mb.
#35951
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   72

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh

Tuy nhiên, đối với nhiều người mới sinh con, giấc ngủ khiến họ lo ngại. Trong hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), một trẻ sơ sinh khỏe mạnh chết đột ngột không có lý do rõ ràng. Trong mỗi 1.000 trẻ sơ sinh Mỹ có khoảng 1-3 trẻ sơ sinh chết vì SIDS. Hầu hết trẻ sơ sinh chết từ 2 - 4 tháng (Wegman, 1994).

Các nhà khoa học không biết nguyên nhân chính xác của SIDS, nhưng họ biết rõ một số yếu tố góp phần. Trẻ sơ sinh dễ bị SIDS nếu sinh non hoặc trọng lượng sinh thấp. Trẻ sơ sinh dễ bị hơn nếu bố mẹ hút thuốc hoặc bố mẹ bị nhiễm trùng hô hấp. Ngoài ra, SIDS có nhiều khả năng xảy ra hơn khi trẻ sơ sinh ngủ nằm sấp nhiều hơn nằm ngửa. Sau cùng, SIDS có khả năng xảy ra trong mùa đông khi trẻ sơ sinh bị quá nóng do đắp quá nhiều mền và áo ngủ quá dày (Carroll & Laughlin, 1994).

Rõ ràng, một số trẻ sinh non hoặc trọng lượng sinh thấp ít có khả năng đề kháng với căng thẳng tâm lý và mất quân bình do khói thuốc mang lại, hơi thở bị gián đoạn tạm thời hoặc người quá nóng. Lời khuyên tốt nhất dành cho các bậc phụ huynh - đặc biệt dành cho những người sinh con thiếu tháng - là phải để trẻ tránh xa khói thuốc, để con ngủ nằm ngửa, không đắp nhiều mền hoặc mặc quá nhiều áo (Willinger, 1995).



TÍNH KHÍ

Trước đây, chúng ta đề cập như thể tất cả trẻ sơ sinh đều giống nhau. Nhưng nếu bạn quan sát nhiều trẻ sơ sinh thì mới biết rằng điều này không đúng. Có lẽ bạn đã nhìn thấy một số trẻ sơ sinh lúc nào cũng nằm im, trong khi số trẻ khác luôn khóc? Có thể bạn biết trẻ sơ sinh phản ứng nồng nhiệt với người lạ trong khi trẻ kế bên có vẻ nhút nhát? Những đặc điểm này của trẻ biểu thị một kiểu hoặc mẫu nhất quán đối với hành vi của trẻ và nói chung chúng xác định tính khí của trẻ.

Theo một thuyết quan trọng, do Buss và Plomin (1984) đề xuất, tính khí bao gồm 3 khía cạnh chính: tính cảm xúc, hoạt động và tính xã hội.

- Tính cảm xúc ám chỉ sức mạnh phản ứng cảm xúc của đứa trẻ trước một tình huống, phản ứng được gợi ra dễ chịu với tình huống nào, và đứa trẻ trở về trạng thái không cảm xúc dễ chịu với tình huống nào. Ở một thái cực là đứa trẻ có phản ứng cảm xúc mạnh, dễ gợi và không dễ thản nhiên, ở một thái cực khác là đứa trẻ có phản ứng thờ ơ, tương đối khó gợi, và dễ dỗ.

- Hoạt động ám chỉ cường độ và sự mãnh liệt trong hoạt động của đứa trẻ. Đứa trẻ hoạt động luôn bận rộn, thích tìm hiểu môi trường và thích trò chơi sôi nổi. Đứa trẻ không hoạt động có cường độ hành vi dè dặt hơn và thích chơi yên tĩnh hơn.

- Tính xã hội ám chỉ sự thích kết bạn với người khác. Một số đứa trẻ thích tiếp xúc với người khác, tìm kiếm sự chú ý của người khác, thích trò chơi có người khác. Những đứa trẻ khác như bé gái trong ảnh thích cô độc, tỏ ra hài lòng khi ngồi chơi một mình.

Không phải nhà nghiên cứu phát triển nào cũng đồng ý rằng đây là những khía cạnh tính khí duy nhất (Goldsmith và người khác, 1987), nhưng rõ ràng tính khí bao gồm nhiều khía cạnh dựa trên Sinh học.

Một số đặc điểm tính khí thường gặp trong một số nền văn hóa này hơn nền văn hóa khác. Trẻ con châu Á thường ít cảm xúc hơn trẻ con Mỹ gốc Âu. Chẳng hạn, trẻ con châu Á ít khóc hơn và khóc không to tiếng bằng trẻ con Mỹ gốc Âu (Kagan và người khác, 1994; Lewis, Ramsay, & Kawakami, 1993).

Tại sao trẻ con châu Á ít cảm xúc hơn trẻ con Mỹ gốc Âu? Có thể liên quan đến di truyền. Có lẽ gien góp phần cho tính cảm xúc ở người châu Á ít gặp hơn ở người Mỹ gốc Âu. Nhưng chúng ta không thể bỏ qua kinh nghiệm. So với các bà mẹ người Mỹ gốc Âu, thì các bà mẹ Nhật Bản thường dành nhiều thời gian gần gũi với con mình hơn, luôn an ủi, vỗ về con, điều này làm giảm khuynh hướng phản ứng cảm xúc (Chen & Miyake, 1986; Lewis và người khác, 1993).

Bất kể lớn lên ở đâu đi nữa, trẻ sơ sinh cảm xúc rất có khả năng cảm xúc khi 12 tháng tuổi và lúc 12 tuổi hay không? Có, ít nhất trong một chừng mực nào đó. Nghiên cứu các khía cạnh tính khí cho thấy tính ổn định hợp lý. Chẳng hạn, Stifter và Fox (1990) nghiên cứu phản ứng trong hai tình huống gọi là căng thẳng vừa phải ở trẻ con: Đối với trẻ sơ sinh, con trẻ được phép ngậm núm vú trong thời gian ngắn, rồi sau đó lấy núm vú đi. Sau này, khi được 5 tháng tuổi, các bà mẹ kiềm chế cánh tay của con mình ngăn cản mọi cử động. Trong số trẻ sơ sinh khóc khi lấy đi núm vú, 53% khóc khi hai tay bị kiềm chế, trong số trẻ sơ sinh không khóc, 72% không khóc khi hai tay bị kiềm chế. Nói cách khác, hoạt động cảm xúc khi được biểu thị bằng tiếng khóc, luôn không đổi từ lúc sinh cho đến khi 5 tháng tuổi.

Nghiên cứu này điển hình trong nghiên cứu chứng minh rằng tính khí là một điều gì đó ổn định (Belsky, Hsieh, & Crnic, 1996; Caspi & Silva, 1995). Tính khí của trẻ con là báo hiệu tính khí của trẻ con vào thời thơ ấu sau này. Tuy nhiên, tính khí ban đầu dự đoán tính khí sau này chỉ tương đối, chứ không chính xác.

Mike, một đứa bé một tuổi có cảm xúc, rất có khả năng cảm xúc nhiều hơn Dave vốn là một đứa bé 12 tuổi, khi 1 tuổi không cảm xúc. Tuy nhiên, không có "điều gì chắc chắn" rằng Mike vẫn còn cảm xúc khi 12 tuổi. Thay vào đó, hãy nghĩ đến tính khí như một tố chất. Một số trẻ sơ sinh thường có tố chất hòa đồng, cảm xúc hoặc tích cực, số trẻ sơ sinh khác có thể hành động theo cách này nhưng chỉ khi nào hành vi được bố mẹ và người khác nuôi dưỡng (Nachmias và người khác, 1996).

Đặc điểm tính khí nhắc chúng ta rằng mặc dù trẻ sơ sinh có chung nhiều đặc điểm nhưng mỗi bé dường như có nhân cách riêng ngay từ lúc mới sinh ra. Cách tốt nhất để đánh giá đúng tính độc đáo này là phải trải qua trực tiếp, xem Tự tìm hiểu mô tả một phương pháp độc đáo để làm điều này.

VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨMột lý thuyết gia tập quen giải thích tại sao trẻ có tính khí khác nhau như thế nào? TỰ TÌM HIỂU: THAM QUAN PHÒNG TRẺ SƠ SINH

Từ ngữ không thể nào diễn đạt hết sự kỳ diệu của một trẻ sơ sinh. Nếu bạn chưa từng nhìn thấy trẻ sơ sinh, bạn nên tìm cách thử xem một trẻ sơ sinh - có lẽ tốt hơn nhìn thấy nhiều trẻ sơ sinh. Sắp xếp cuộc tham quan khoa bảo sanh ở một bệnh viện địa phương, kể cả phòng trẻ sơ sinh. Nhìn qua ô cửa kính to, bạn có thể quan sát từ 15 đến 20 trẻ sơ sinh. Gần như tất cả đều chưa đến 3 ngày tuổi vì bảo hiểm y tế thường chỉ thanh toán 2 đêm nằm trong bệnh viện sau khi sinh. Những trẻ sơ sinh này không còn lấm lem máu hoặc "chất gây" nữa, nhưng bạn nhìn thấy đầu trẻ sơ sinh bị biến dạng ra sao trong cuộc hành trình đi ra tử cung.

Khi quan sát trẻ sơ sinh, hãy chú ý hành vi phản xạ và thay đổi tình trạng. Quan sát trong khi bé mút ngón tay. Quan sát bé nào trông có vẻ đang thức, tỉnh táo, rồi sau đó lưu ý bé ở trong tình trạng này trong bao lâu. Khi bé không còn nhanh nhẹn, tỉnh táo nữa, hãy quan sát hành vi tiếp theo sau. Sau cùng, hãy quan sát đặc điểm tính khí được mô tả trong một vài trang trước. Quan sát trẻ sơ sinh nhìn và hành động khác nhau ra sao. Có phải tất cả trẻ sơ sinh phản ứng tương tự với kích thích chẳng hạn như ánh sáng và tiếng động hay không? Khi trẻ thức, có phải số trẻ này hoạt động nhiều hơn trẻ khác hay không? Một chủ đề thường gặp trong quyển sách này là sự đánh giá sự thay đổi về tuyệt vời và tính đa dạng ở con người, và điều này thấy rõ ở con người mới sinh vài giờ hoặc vài ngày. Hãy tự tìm hiểu!

TỰ KIỂM TRA

1. Một số phản xạ giúp trẻ sơ sinh có được dưỡng chất cần thiết, các phản xạ khác bảo vệ trẻ sơ sinh tránh khỏi nguy hiểm, và các phản xạ khác …

2. … dựa trên 5 chức năng quan trọng và cung cấp một dấu hiệu chỉ báo sức khỏe cơ thể của trẻ sơ sinh. 

3. Trẻ sơ sinh nằm im, mở mắt tập trung là đang ở trong tình trạng …

4. Trẻ sơ sinh ngủ nhiều hơn thức, khoảng một nửa thời gian này giấc ngủ là …, thời gian được cho là nuôi dưỡng sự phát triển hệ thần kinh trung ương.

5. Để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị SIDS, bố mẹ nên để trẻ tránh xa khói thuốc, không mặc quần áo quá nhiều và để trẻ ngủ …

6. Một thuyết nổi bật đưa ra 3 khía cạnh tính khí bao gồm tính cảm xúc, …, và tính xã hội.

7. Max, một ông bố tương lai, cho biết "Tôi rất lo con mình bị chứng bất lực, không thể làm được gì cả". Bạn thuyết phục Max như thế nào, có nên xem xét mọi vấn đề, và cho Max biết trẻ sơ sinh rất có tài?

Trả lời: (1) làm cơ sở cho hành vi vận động sau này, (2) điểm số Apgar, (3) không hoạt động tỉnh táo, (4) giấc ngủ REM, (5) nằm ngửa, (6) hoạt động.


  1. SỰ PHÁT TRIỂN CƠ THỂ

NGHIÊN CỨU VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI

Phần 1. SỰ PHÁT TRIỂN TRƯỚC KHI SINH, THỜI ẴM NGỬA VÀ ĐẦU TUỔI THƠ ẤU Chương 3. CÔNG CỤ TÌM HIỂU THẾ GIỚI


Mục tiêu nghiên cứu

- Chiều cao và trọng lượng từ lúc mới sinh đến 2 tuổi thay đổi ra sao?

- Trẻ nhỏ cần dưỡng chất gì? Chúng được cung cấp tốt nhất như thế nào?

- Hậu quả của suy dinh dưỡng là gì? Giải quyết ra sao?

- Tế bào thần kinh là gì và được sắp xếp trong não ra sao?

- Não phát triển ra sao? Não bắt đầu hoạt động chức năng khi nào?



Sự phát triển cơ thể

- Phát triển cơ thể

- Hệ thần kinh phát triển

Khi băng qua đường, bé Martin 4 tuổi bị xe tông. Bé hôn mê suốt một tuần nhưng sau đó dần dần tỉnh lại. Hiện nay bé biết được những người xung quanh. Không cần phải nói, mẹ của bé rất vui khi đứa bé còn sống nhưng bà tự hỏi sau này con mình sẽ ra sao.

Đối với bố mẹ và con cái, sự phát triển cơ thể là một chủ đề quan tâm cũng như là nguồn tự hào. Bố mẹ ngạc nhiên trước tốc độ bé tăng cân và kích thước, một bé 2 tuổi tuyên bố thật tự hào, "lúc này con lớn hơn!". Trong phần này, chúng ta khảo sát một số đặc điểm cơ bản của phát triển cơ thể, xem bộ não phát triển ra sao và tìm hiểu tai nạn ảnh hưởng đến sự phát triển của Martin như thế nào. 

PHÁT TRIỂN CƠ THỂ

Phát triển trong tuổi ẵm ngửa nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào khác sau khi sinh. Thông thường, trẻ sơ sinh tăng gấp đôi trọng lượng khi 3 tháng tuổi và tăng gấp 3 khi 1 tuổi. Tỉ lệ tăng trưởng này nhanh đến mức nếu cứ như thế trong suốt thời thơ ấu thì một bé trai 10 tuổi sẽ dài gần bằng chiếc máy bay và nặng cũng cỡ ấy (McCall, 1979).

Chiều cao và trọng lượng trung bình đối với trẻ nhỏ được tượng trưng bằng các đường kẻ đánh dấu phân vị thứ 50 trong biểu đồ. Một bé gái trung bình nặng khoảng 7 cân Anh lúc mới sinh, khoảng 21 cân Anh lúc 12 tháng và khoảng 26 cân Anh lúc 24 tháng. Nếu trung bình tuyệt đối, bé dài 19 — 20 inch lúc mới sinh, 29 - 30 inch lúc 12 tháng và 34 - 35 inch lúc 24 tháng. Con số ở bé trai trung bình cũng tương tự nhưng trọng lượng lớn hơn một ít khi 12 và 24 tháng.

Những biểu đồ bên dưới này cũng nêu rõ đứa trẻ ở cùng độ tuổi có thể khác nhau về chiều cao và cân nặng. Đường biểu diễn (a) biểu diễn trong biểu đồ mô tả chiều cao hoặc cân nặng đối với trẻ to hơn 90% bạn đồng tuổi, đường biểu diễn (b) mô tả chiều cao hoặc cân nặng đối với trẻ nhỏ hơn 90% bạn đồng tuổi. Chiều cao và cân nặng bất kỳ giữa những đường kẻ này được xem lại bình thường. Chẳng hạn, khi 1 tuổi, cân nặng bình thường đối với bé trai từ 19 đến 27 cân Anh. Điều này có nghĩa bé trai bình thường nhưng nhẹ cân quá mức vì cân nặng chỉ bằng 2/3 bạn đồng tuổi bình thường mà quá béo!

Thông điệp quan trọng ở đây là chiều cao trung bình và chiều cao bình thường không phải như nhau. Nhiều trẻ cao hơn nhiều hoặc thấp hơn nhiều so với mức trung bình nhưng hoàn toàn bình thường. Điều này áp dụng cho mọi tiêu chuẩn độ tuổi mà chúng ta đề cập trong sách này. Bất kỳ khi nào chúng ta đưa ra một độ tuổi điển hình hoặc trung bình cho cột mốc phát triển thì nên nhớ rằng dải thông thường vượt qua mốc lớn hơn nhiều.

Một trẻ sơ sinh cao hay thấp phần lớn là do di truyền. Cả hai bố mẹ góp phần vào chiều cao của con mình. Thực ra, sự tương quan giữa mức trung bình về chiều cao của hai bố mẹ và chiều cao của con 2 tuổi là khoảng 0,7 (Plomin, 1990). Nói chung, 2 bố mẹ đều cao sinh con cao, 2 bố mẹ lùn sinh con lùn, bố cao mẹ thấp hoặc mẹ cao bố thấp sinh con có chiều cao ở khoảng giữa.



VẤN ĐỀ CẦN SUY NGHĨTrong chương 2, chúng ta giải thích di truyền đa gien thường có liên quan khi kiểu hình hình thành thể tiếp nối. Chiều cao là một kiểu hình như thế. Hãy đề xuất một mô hình đa gien đơn giản để giải thích chiều cao được di truyền như thế nào. Ngoài ra, chúng ta nhấn mạnh khía cạnh phát triển về lượng chẳng hạn chiều cao. Điều này bỏ qua một vấn đề quan trọng: trẻ sơ sinh không phải hoàn toàn là phiên bản thu nhỏ của người lớn. Biểu đồ dưới đây cho thấy muốn so sánh với thanh niên và người lớn, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trông có vẻ nặng nhất vì phần đầu và thân mình của trẻ lớn không theo tỉ lệ. Khi phát triển phần hông, chân, và bàn chân sẽ theo kịp trong thời thơ ấu, cơ thể của trẻ phát triển có tỉ lệ hơn. Mẫu phát triển này, phần đầu và thân mình phát triển trước, theo nguyên tắc đầu đuôi được giới thiệu trong Chương 2 (trang 87).

Sự phát triển loại này cần phải có năng lượng. Chúng ta hãy xem thức ăn và thức uống cung cấp nhiên liệu để phát triển ra sao.



"Dinh dưỡng thể hiện sự phát triển của bạn"- Dinh dưỡng và tăng trưởng

Ở một bé 2 tháng tuổi thông thường, khoảng 40% năng lượng cơ thể dành cho sự tăng trưởng. Hầu hết năng lượng còn lại được dùng cho các chức năng hoạt động cơ bản của cơ thể chẳng hạn như tiêu hóa và hô hấp. Một phần nhỏ hơn nhiều dùng trong hoạt động vận động cơ thể.

Vì sự tăng trưởng đòi hỏi nhiều năng lượng, nên trẻ nhỏ phải tiêu thụ một lượng calo khổng lồ so với trọng lượng cơ thể của mình. Chẳng hạn, một bé 3 tháng tuổi, nặng 12 cân Anh sẽ tiêu hóa khoảng 600 calo mỗi ngày, nghĩa là 50 calo cho mỗi cân Anh trọng lượng cơ thể. Trái lại, người lớn tiêu thụ khoảng 15 - 20 calo cho mỗi cân Anh, tùy theo mức hoạt động (Hội đồng nghiên cứu quốc gia, 1989).

Nhu cầu của trẻ sơ sinh phần lớn được đáp ứng bằng sữa mẹ, chứa nhiều chất xơ, chất béo và protein, cũng như vitamin và muối khoáng cần thiết. Nuôi con bằng sữa mẹ còn có thuận lợi khác: sữa mẹ chứa chất kháng thể giúp đề kháng với bệnh tật, trẻ sơ sinh ít bị dị ứng, ít có khả năng bú sữa quá mức như trẻ sơ sinh nuôi bằng sữa bình (Shelov, 1993; Sullivan & Birch, 1990). Nuôi bằng sữa bình giúp cho các thành viên khác trong gia đình có được cảm giác thân mật khi cho bé bú, công thức hiện đại chứa cùng tỉ lệ dưỡng chất giống như sữa mẹ. Do đó, người mẹ có thể chọn một trong hai - hoặc sử dụng cả hai - hiểu rằng chúng sẽ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho con mình.



Suy dinh dưỡng

Thật không may, chế độ ăn uống phù hợp chỉ là giấc mơ đối với nhiều trẻ trên thế giới. Trên khắp thế giới trong số 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 suy dinh dưỡng, cơ thể nhỏ so với độ tuổi của mình (Tổ chức y tế thế giới, 1996). Phần lớn số trẻ này là ở các nước thuộc Thế giới thứ ba. Tuy nhiên, suy dinh dưỡng cũng thường gặp ở các nước công nghiệp hóa. Chẳng hạn, nhiều trẻ em Mỹ lớn lên không có nhà, sống trong nghèo đói cũng suy sinh dưỡng.

Trẻ suy sinh dưỡng thường phát triển không nhanh bằng bạn đồng tuổi. Suy sinh dưỡng đặc biệt có hại trong tuổi ẵm ngửa vì sự tăng trưởng thường nhanh trong những năm này. Điều này được minh họa qua một nghiên cứu theo chiều dọc được tiến hành ở Barbados thuộc Tây Ấn (Galler & Ramsey, 1989; Galler, Ramsey, & Forde, 1986). Nghiên cứu hơn 100 trẻ bị suy sinh dưỡng nghiêm trọng ở tuổi ẵm ngửa, cũng như 100 trẻ có môi trường gia đình tương tự nhưng được nuôi dưỡng đầy đủ trong tuổi ẵm ngửa. Trẻ suy sinh dưỡng trong tuổi ẵm ngửa không khác biệt với bạn đồng tuổi về cơ thể - chúng cũng cao và nặng. Tuy nhiên, trẻ có tiền sử suy sinh dưỡng ở tuổi ẵm ngửa có điểm số trắc nghiệm thông minh thấp hơn nhiều. Phần lớn số trẻ suy sinh dưỡng trong tuổi ẵm ngửa dễ sao lãng khó tập trung chú ý trong trường học. Nhiều nghiên cứu tương tự cho thấy rằng đứa trẻ suy sinh dưỡng dễ mệt mỏi, dè dặt hơn và thường không chú ý (Lozoff và người khác, 1998). Ngoài ra, suy sinh dưỡng trong giai đoạn tăng trưởng nhanh cũng gây ra tổn thương ở bộ não không thể chữa được (Morgane và người khác, 1993).

Suy sinh dưỡng có cách điều trị đơn giản - chế độ ăn uống thích hợp. Nhưng bạn sẽ thấy trong phần Tác động hiện hành, giải pháp phức tạp hơn bạn nghĩ.



TÁC ĐỘNG HIỆN HÀNH: NUÔI DƯỠNG SỰ PHÁT TRIỂN TRẺ SUY DINH DƯỠNG

Đứa trẻ suy sinh dưỡng thường bơ phờ không hoạt động, (Ricciuti, 1993). Đứa trẻ yên lặng bất thường và ít thể hiện sự quan tâm đối với những gì đang xảy ra xung quanh. Những hành vi này có ích cho đứa trẻ có chế độ ăn uống không phù hợp vì chúng bảo toàn năng lượng hạn chế. Thật không may, những hành vi này cũng tước đi ở đứa trẻ cơ hội phát triển. Chẳng hạn, khi đứa trẻ lãnh đạm, ngủ lịm, bố mẹ thường nghĩ rằng hành dộng của mình ít có tác động đối với con. Nghĩa là khi đứa trẻ không phản ứng trước cố gắng kích thích sự phát triển thì thường làm bố mẹ nản chí không kích thích sau này nữa. Qua thời gian, bố mẹ thường ít dành cơ hội để nuôi dưỡng sự phát triển của con. Kết quả là chu kỳ tự duy trì trong đó trẻ suy sinh dưỡng bị bố mẹ bỏ mặc vì bố mẹ nghĩ rằng họ khó có thể góp phần vào sự phát triển của con mình. Một tác động Sinh học (ngủ lịm là do nuôi dưỡng không phù hợp) tạo ra thay đổi sâu sắc trong tác động văn hóa xã hội (dạy dỗ của bố mẹ), đến lượt tác động này ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý (trẻ kém thông minh hơn và kém chú ý hơn). 

Để phá vỡ chu kỳ có hại này, số đứa trẻ này cần có một chế độ ăn uống cải thiện. Bố mẹ phải học cách nuôi dưỡng sự phát triển của con và nên được khuyến khích để làm công việc này. Chương trình kết hợp sự bổ sung chế độ ăn uống cùng với các lớp dành cho bố mẹ tạo ra nhiều hứa hẹn trong việc giải quyết tình trạng suy sinh dưỡng (Valenzuela, 1997). Trẻ trong những chương trình này thường theo kiểu bạn đồng tuổi trong phát triển cơ thể và trí năng, cho thấy cách tốt nhất để giảm ảnh hưởng của suy sinh dưỡng đối với tác động tâm lý là bằng cách giải quyết cả hai tác động Sinh học và văn hóa xã hội (Super, Herrera, & Mora, 1990).


HỆ THẦN KINH PHÁT TRIỂN

Chúng ta thấy có những thay đổi thể chất của đứa trẻ khi phát triển rất ấn tượng. Hoặc có nhiều thay đổi rất đáng kinh ngạc mà chúng ta không thể nhìn thấy - những thay đổi liên quan đến bộ não và hệ thần kinh. Cảm giác đói hoặc đau của trẻ sơ sinh, mỉm cười hoặc cười ra tiếng, cố ngồi thẳng lưng hoặc cầm đồ lúc lắc, tất cả phản ánh chức năng hoạt động của não và phần còn lại của hệ thần kinh đang phát triển.

Não thực hiện những công việc này như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta cần tìm hiểu cách sắp xếp của não. Đơn vị cơ bản của não và của hệ thần kinh là tế bào thần kinh, đó là loại tế bào chuyên nhận và truyền thông tin. Tế bào thần kinh có các thành phần cơ bản như trong sơ đồ (bên trên). Thể tế bào, trong tâm tế bào, chứa bộ máy Sinh học cơ bản duy trì sự sống của tế bào thần kinh. Đầu nhận của tế bào thần kinh, là các đọt nhánh giống như cái cây có nhiều nhánh, cấu trúc này cho phép một tế bào thần kinh nhận đầu vào từ hàng ngàn tế bào thần kinh khác (Morgan & Gibson, 1991). Cấu trúc hình ống bắt nguồn từ đầu kia của thể tế bào, sợi trục, truyền thông tin đến tế bào thần kinh khác. Đầu sợi trục là các u nhỏ gọi là mầm cuối tiết hóa chất gọi là chất truyền thần kinh. Những chất truyền thần kinh này là chất truyền tin mang thông tin sang tế bào thần kinh kế bên.

Có 50 - 100 tỉ tế bào thần kinh như thế, bạn đang có những khởi đầu của một bộ não người. Não của người lớn, nặng chưa đầy 3 cân Anh, để vừa trong 2 lòng bàn tay, như trong ảnh (bên dưới). Bề mặt nhăn nhúm của não là vỏ não, được hình thành từ 10 tỉ tế bào thần kinh, vỏ não điều tiết nhiều chức năng mà chúng ta nghĩ rằng phải có ở mỗi con người, vỏ não gồm 2 nửa bên trái và phải, gọi là hai bán cầu não, được liên kết bằng một bó tế bào thần kinh dày gọi là thể chai. Các đặc điểm mà bạn đánh giá nhiều nhất - nhân cách, cách "diễn đạt từ ngữ", hoặc khả năng "đọc hiểu" cảm xúc của người khác - tất cả đều do các vùng cụ thể trong vỏ não kiểm soát. Chẳng hạn, nhân cách và khả năng hoạch định cũng như thực hiện kế hoạch phần lớn tập trung trong một vùng phía trước vỏ não gọi là vỏ não trước. Đối với hầu hết mọi người, khả năng tạo ra ngôn ngữ và hiểu ngôn ngữ phần lớn nằm trong tế bào thần kinh ở bán cầu trái của vỏ não. Khi bạn nhận ra được một người nào đó đang vui hay buồn thì tế bào thần kinh bên bán cầu phải của bạn đang hoạt động.

Lúc này bạn biết cách sắp xếp của bộ não trưởng thành, chúng ta tìm hiểu bộ não phát triển và bắt đầu hoạt động chức năng ra sao.

Hình thành bộ não hoạt động

Não chỉ nặng khoảng 3/4 cân Anh lúc mới sinh, bằng khoảng 25% trọng lượng não người lớn. Từ hình vẽ (bên phải) bạn nhận thấy não phát triển nhanh trong tuổi ẵm ngửa và những năm trước tuổi đến trường. Khi 3 tuổi, chẳng hạn não đạt đến 80% trọng lượng sau cùng.

Tuy nhiên, trọng lượng bộ não không cho chúng ta biết nhiều về chuỗi thay đổi hấp dẫn diễn ra để tạo ra một bộ não hoạt động. Thay vào đó, chúng ta cần trở về sự phát triển tổ chức khi sinh. Nếu quan sát một phôi ở khoảng 3 tuần tuổi sau khi thụ thai, bạn sẽ nhìn thấy một nhóm tế bào hình thành một cấu trúc phẳng gọi là tấm thần kinh. Khoảng 4 tuần, tấm thần kinh gấp lại để tạo ra một ống mở ở hai đầu. Một đầu ống này trở thành tủy sống, đầu kia trở thành não. Ngay sau khi 2 đầu khép lại, tế bào thần kinh được tạo ra trong một vùng nhỏ của ống thần kinh. Việc tạo ra tế bào thần kinh bắt đầu vào khoảng 10 tuần sau khi thụ thai, và khoảng 28 tuần bộ não phát triển gần như có đủ tất cả tế bào thần kinh. Trong những tuần này, tế bào thần kinh hình thành với tỉ lệ không thể tin được với hơn 4.000 tế bào thần kinh mỗi giây (Kolb, 1989).

Từ nơi sản xuất tế bào thần kinh trong ống thần kinh, tế bào thần kinh chuyển đến vị trí sau cùng của mình trong não. Não được hình thành theo giai đoạn, bắt đầu bằng các lớp trong cùng. Tế bào thần kinh trong lớp sâu nhất được định vị trước, tiếp theo sau là tế bào thần kinh ở lớp thứ hai và cứ thế tiếp tục.

Quá trình phân lớp này tiếp tục cho đến khi tất cả 6 lớp của bộ não trưởng thành được định vị, thường vào khoảng 7 tháng sau khi thụ thai (Huttenlocher, 1990).

Khi tế bào thần kinh đến được vị trí sau cùng của mình trong não, thì sợi trục và tế bào thần kinh của chúng phát triển, tạo ra khớp thần kinh. Thật ngạc nhiên, bộ não tạo ra nhiều tế bào thần kinh và khớp thần kinh hơn mức cần thiết. Bắt đầu sau khi sinh và tiếp tục trong suốt thời thơ ấu và tuổi thanh niên, tế bào thần kinh và khớp thần kinh hiếm khi sử dụng sẽ biến mất hoàn toàn (Greenough & Black, 1992). Não trải qua phiên bản "giảm cấp" của chính mình trong đó loại bỏ các thành phần không cần thiết.

Một thay đổi quan trọng khác là tế bào thần kinh được bọc trong myelin, một vỏ bọc bằng chất béo giúp tế bào thần kinh truyền thông tin nhanh hơn. Tốc độ gia tăng từ myelin giống như sự khác nhau giữa đi ôtô và đi máy bay: từ khoảng 6 feet mỗi giây đến 50 feet mỗi giây. Quá trình myelin hóa bắt đầu ở tháng thứ tư trong sự phát triển trước khi sinh và tiếp tục dần đến thời thơ ấu và tuổi thanh niên (Casear, 1993).

Vì não phát triển nhanh như thế, không có gì ngạc nhiên khi bạn biết rằng nhiều vùng trong vỏ não bắt đầu hoạt động chức năng ngay từ đầu đời. Hãy chọn ảnh hưởng đến ngôn ngữ của bán cầu não trái làm minh họa. Khi trẻ bị chấn thương não, thương tổn ở bán cầu não trái của vỏ não thường tạo ra khả năng mất ngôn ngữ nhiều hơn cùng một thương tổn như thế nhưng ở bán cầu não phải của vỏ não (Witelson, 1987). Chẳng hạn, sau khi Martin (trong minh họa là đứa trẻ trước độ tuổi đi học) bị xe tông, bé nói chậm hơn và cân nhắc hơn lúc trước, không có gì ngạc nhiên vì bán cầu trái trong não của Martin đã bị tác động do va chạm. Tin lành cho Martin là trẻ nhỏ phục hồi thương tổn ở não nhanh hơn và hoàn chỉnh hơn người lớn.

Thật may đối với trẻ, những trường hợp chấn thương não như thế tương đối hiếm. Do đó, các nhà khoa học nghĩ ra các phương pháp khác để nghiên cứu chức năng hoạt động của não ở đứa trẻ khỏe mạnh. Một tiếp cận như trong ảnh (bên dưới), là việc ghi lại hoạt động đang diễn ra của não. Để làm điều này, người ta ghim một số điện cực kim loại vào da đầu của trẻ. Kết quả kết hợp của điện cực thu được một mẩu sóng gọi là điện não đồ - hoặc gọi tắt là EEG. Thông thường, bán cầu trái của trẻ sơ sinh tạo ra hoạt động điện để phản ứng với lời nói nhiều hơn bán cầu phải (Molfese & Burger- Judisch, 1991). Rõ ràng lúc mới sinh, bán cầu trái của vỏ não được chuẩn bị cho việc xử lý ngôn ngữ. Như chúng ta nhìn thấy trong chương 4, sự chuyên môn hóa này giúp ngôn ngữ phát triển nhanh trong tuổi ẵm ngửa.

Bán cầu não phải có được chuẩn bị tốt để hoạt động chức năng lúc mới sinh hay không? Đây là câu hỏi khó trả lời, một phần vì bán cầu phải ảnh hưởng đến quá nhiều chức năng khác nhau không phải ngôn ngữ. Ngoài việc nhận biết cảm xúc ra, bán cầu não phải tác động đến việc tìm hiểu quan hệ không gian, nhận biết khuôn mặt và nhận thức âm thanh không phải lời nói chẳng hạn như âm nhạc (Kinsbourne, 1989). Âm nhạc gợi ra hoạt động điện trong bán cầu não phải của trẻ sơ sinh nhiều hơn bán cầu não trái. Các chức năng khác, chẳng hạn như tìm hiểu quan hệ không gian, và nhận biết khuôn mặt đều do bán cầu não phải kiểm soát ở những năm trước tuổi đến trường (Hahn, 1987).

Vỏ não trước cũng bắt đầu hoạt động chức năng rất sớm. Phác họa vùng hoạt động và năng lượng trong vỏ não trước có thể thực hiện bằng chụp cắt lớp phóng xạ positron hoặc chụp PET. Năng lượng não cần để hoạt động chức năng là glucose, một dạng đường. Tiêu thụ glucose trong các vùng khác nhau của não liên quan với mức hoạt động của não trong những vùng ấy: vùng hoạt động đặc biệt cần nhiều glucose hơn các vùng kém hoạt động. Tiêu thụ glucose trong não được đánh giá bằng cách tiêm chích một dạng glucose phóng xạ vô hại vào trong máu. Mức độ phóng xạ được đo ở các vùng khác nhau trong não cho biết lượng glucose, liên quan với mức hoạt động của não ở những vùng ấy. Ảnh chụp (bên dưới) trong đó máy tính tạo ra các mã màu biểu thị mức hoạt động khác nhau cho biết hoạt động rất nhỏ trong vỏ não trước của bé 5 ngày tuổi. Hoạt động tăng đáng kể khi bé 11 tuần tuổi và đạt mức bằng người lớn khi bé 7 - 8 tháng tuổi (Chugani & Phelps, 1986).

Vỏ não trước điều tiết điều gì trong chụp PET giống như ảnh bên dưới? Hành vi định hướng mục tiêu có cân nhắc là lời dự đoán chính xác. Để tìm hiểu nghiên cứu dẫn đến kết luận này, hãy nghĩ về lúc bạn phải tạo ra sự thay đổi vĩnh viễn trong thói quen thường ngày. Vào đầu niên học mới, có lẽ bạn có tủ đựng quần áo mới, đặt ở lối đi khác nhau trong trường học. Tuy nhiên, trong một số ngày bạn trở xuống lối đi cũ, theo thói quen của năm trước. Để khắc phục điều này, có thể bạn tự nhắc mình đi về lối đi mới chứ không phải lối đi cũ.

Khắc phục phản ứng cũ lúc này không đúng hoặc không phù hợp là một phần quan trọng trong hành vi định hướng mục tiêu có cân nhắc. Người lớn bị thương tổn ở vỏ não trước thường gặp nhiều khó khăn kiềm chế phản ứng không còn thích hợp nữa. Vỏ não trước bắt đầu điều chỉnh những phản ứng không thích hợp như thế lúc 1 tuổi và dần dần đạt đến sự kiểm soát nhiều hơn trong những năm trước tuổi đến trường và những năm đi học (Welsh, Pennington, & Groisser, 1991).

Không những vỏ não trước điều tiết phản ứng cũ, không thích hợp mà còn điều tiết cảm giác vui, buồn, sợ. Bằng cách phân biệt cảm xúc đi kèm với việc tiếp cận hoặc tìm hiểu một kích thích từ như cảm xúc đi kèm với việc tránh hoặc rút lui khỏi kích thích, chúng ta có thể định vị vùng vỏ não trước nơi kiểm soát phản ứng cảm xúc. Ở người lớn, vỏ não trước trái điều tiết cảm xúc bắt nguồn từ khuynh hướng tiếp cận đồ vật, vỏ não trước phải điều tiết cảm xúc bắt nguồn từ sự né tránh.

Những cảm xúc này có được vỏ não trước của trẻ điều tiết hay không? Có. Các nhà khoa học quan sát cảm xúc của trẻ trong khi đo EEG phát hiện rằng trẻ vui thường có hoạt động điện ở vỏ não trái trước nhiều hơn vỏ não phải trước. Bé giận dữ như bé trong ảnh (bên trên) có hoạt động điện ở vỏ não phải trước nhiều hơn (Field và người khác, 1995; Fox, 1991).

Trong mỗi vùng của não mà chúng ta khảo sát, kết luận đều như nhau. Phần lớn đặc điểm để phân biệt của bộ não trưởng thành có thể nhận biết từ đầu đời. Xử lý ngôn ngữ chủ yếu ở trong bán cầu não trái, nhận biết âm thanh không phải tiếng nói và khuôn mặt diễn ra ở bán cầu não phải, và điều tiết cảm xúc và hành vi có chủ tâm là chức năng của vỏ não trước. Dĩ nhiên, sự chuyên môn hóa ban đầu này không có nghĩa là não trưởng thành về mặt chức năng. Trong suốt phần còn lại của thời thơ ấu và tuổi trưởng thành, não tiếp tục chuyên môn hóa nhiều hơn. Trong chương 13, chúng ta nhận thấy một số vùng của não tiếp tục phát triển cho đến tuổi già, trong khi một số vùng khác đôi khi bị bệnh tật cùng với lão hóa phá hỏng.



Каталог: sachviet -> Y-Hoc-Tong-Hop


Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   8   9   10   11   12   13   14   15   ...   72




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương