Lễ ĐỨc mẹ MÂn côi lời Chúa: Cv. 1,12-14; Gl. 4,4-7; Lc 1,26-38 MỤc lụC


Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên



tải về 439.74 Kb.
trang7/15
Chuyển đổi dữ liệu01.01.2018
Kích439.74 Kb.
#35202
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   15

10. Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Lịch sử Cứu Độ đã khởi đầu với việc Thiên Chúa tuyển chọn và kêu gọi Abraham, được tiếp nối và thực hiện trong lịch sử Israel cho đến khi như lời thánh Phaolô viết “Khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và lệ thuộc vào lề luật Do thái”. Về Người Con ấy, Sứ Thần Gabriel đã nói “Người sẽ nên cao cả, và Thiên hạ sẽ gọi Người là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và vương quyền của Người sẽ vô tận”. Như thế lịch sử Cứu Độ phải được đón nhận như là lịch sử vương quyền của Đức Kitô trong dân Người: trước hết nơi Israel và bây giờ là nơi Giáo Hội của Người.

Qua cơ cấu diễn biến của lịch sử cứu độ chúng ta thấy cốt lõi là một cuộc đối thoại không ngừng giữa Thiên Chúa với con người. Cuộc đối thoại không nhằm cách ly con người khỏi cuộc sống thường ngày với những lo âu và hy vọng của họ, nhưng ngược lại cuộc đối thoại nhằm mở cánh cửa đời sống, cánh cửa gia đình, cánh cửa dân tộc và xã hội để Thiên Chúa, và đích xác hơn là để Con của Người bước vào và đổ tràn Thánh Thần Người, để mỗi cuộc sống, mỗi gia đình, mỗi dân tộc và toàn thể xã hội tự thẳm sâu đáy lòng mình có thể thốt lên “Abba, Cha ơi” đối với Thiên Chúa, và như thế, mỗi cuộc sống, mỗi gia đình, mỗi dân tộc và xã hội trở nên “người thừa tự” gia sản của “Cha” trên trời.

Abraham đã dần dần khám phá ra được chân lý ấy khi ông ra khỏi xứ Ur. Từ biến cố này qua biến cố khác, cuối cùng ông được mời gọi tiến lên ngọn núi Thiên Chúa chỉ định, ở đấy ông đã khẳng định được với tất cả tự do và yêu mến: chính Thiên Chúa sẽ lo liệu mọi sự cho ông và con cái ông.

Ở bình minh của Tân Ước, không phải nơi Đền Thánh Giêrusalem, mà ở trong chính mái nhà nhỏ bé nghèo nàn của Mẹ, Đức Maria được mời gọi trở về với chính mình, với vấn đề thiết thân nhất của Mẹ: “Làm sao có chuyện ấy được, vì tôi không biết đến người nam!” Để rồi Mẹ được mời gọi để xác tín với tất cả sự tin yêu tự do Thiên Chúa sẽ đến, sẽ đảm nhận lấy cuộc sống Mẹ cho nó trở nên cảnh vực Thần Linh. Đó là điều thánh Phaolô cũng nói như thế trong mấy câu thư vắn tắt chúng ta vừa nghe. Vì thế, khi đón nhận công việc thiết lập vương quyền của Đức Kitô như là sứ mạng riêng biệt của mình, Giáo Hội Đức Kitô qua các tông đồ đã ý thức về trọng tâm thiết yếu của sứ vụ là trở về “nơi các ông thường trú ngụ để “đồng tâm nhất trí, siêng năng cầu nguyện”. Cầu nguyện từ đó đã là hơi thở và sức sống của Giáo Hội, của công cuộc loan báo tin mừng Cứu Độ.

Thật khác với biết bao suy nghĩ và hành động của chúng ta ngày nay: chúng ta bị lôi kéo vào sức hấp dẫn và tính hiệu quả của những tổ chức, cơ cấu và phương tiện, đã gạt qua một bên nỗ lực “Đối Thoại với Thiên Chúa” “nỗ lực cầu nguyện liên lỷ”. Gia đình Kitô Giáo nơi chúng ta thường trú không còn là “nhà cầu nguyện”, thậm chí ngay cả “Nhà Cầu Nguyện” cũng trở thành những trung tâm trình diễn, tiếp thị, kỹ thuật. hơn là nơi con người đối thoại với Thiên Chúa! Bài sách Công Vụ Tông Đồ tuy thật vắn gọn, nhưng đã gợi nhớ một yếu tố nền tảng của cuộc đối thoại cứu độ: Các Tông Đồ đã cầu nguyện với Đức Maria và cùng với anh em của Đức Giêsu. Sở dĩ các ông đã cầu nguyện cùng với Đức Maria, là vì duy mình Đức Maria mới có kinh nghiệm trọn vẹn về “đối thoại cứu độ” này. Với Đức Maria đây là đối thoại do sáng kiến của Thiên Chúa, được “Thánh Thần bao bọc chở che” và chính Thiên Chúa hoàn thành. Giáo Hội phải nhờ Mẹ để thực hiện sự cầu nguyện.

Trong viễn ảnh đó mà chúng ta hiểu được tại sao Giáo Hội khắp nơi, và cách riêng Giáo Hội Việt Nam vô cùng yêu mến và trân trọng Kinh Mân Côi. Chính đây là lúc mỗi người như được sống lại khung cảnh Nhà Tiệc Ly với các Tông Đồ, để bên gối Mẹ, Giáo Hội và mỗi người được Mẹ dẫn dắt qua mọi biến cố đời sống, Mẹ khám phá ra sự mời gọi của Thiên Chúa và bằng cách nào để Thiên Chúa đảm nhận lấy cuộc sống nhỏ bé của mình, mà thực hiện nên những điều kỳ diệu. Trong cũng cái nhìn đức tin ấy, chúng ta mới thấu hiểu được tại sao chỉ là những lời kinh thật đơn giản, không đòi hỏi sự thông thái khôn ngoan, lời kinh chất phác của những tâm hồn thật quê mùa, lời kinh phản ánh rất trung thực lời “Xin Vâng” của người con gái Xion làng Nazaret xưa, lại có thể có quyền lực giải thoát con người trong mọi tình huống khó khăn nhất, và đem lại có khi cho cả một dân tộc niềm hoan lạc hạnh phúc. Chỉ vì lời kinh ấy là ân tình trao ban kinh nghiệm về Thánh Thần của Mẹ.

Trong tháng Mân Côi và trong đời sống, khi trở về với Kinh Mân Côi, người Kitô hữu phải cảm nhận được niềm vui được trở về mái nhà Tiệc Ly xưa, để một lần nữa họ được Đức Mẹ cho thấy Chúa Thánh Thần đã đến với Mẹ bằng ngõ ngách nào, và làm sao Ngài đã hoàn thành sứ mạng của Ngài trong mỗi biến cố đời Mẹ: Sứ Mạng làm cho Chúa Giêsu hình thành và lớn lên trong lòng dạ và cuộc sống Mẹ. Đây qủa thực là một viễn cảnh bao la và kỳ diệu chờ đợi chúng ta trong Kinh Mân Côi. Ước gì những suy nghĩ này giúp chúng ta có thêm nhiệt tình và sốt sắng lần chuỗi Mân Côi.

11. Phương thuốc thần diệu – Lm Ignatio Trần Ngà


Mọi tội lỗi của con người đều do một cội rễ mà sinh ra, đó là tội không vâng lời Thiên Chúa. Sở dĩ thủy tổ loài người là Ađam và Evà bị trục xuất khỏi vườn địa đàng, phải chịu đau khổ và phải chết, để lại hậu quả tai hại cho con cháu đời sau... là vì hai ông bà đã không vâng lời Thiên Chúa, không đi theo đường lối Người. Sự bất tuân nầy cũng giống như tàu đi trật đường rầy. Một khi nguyên tổ là đầu tàu đi trật đường rầy, cả đoàn tàu là muôn vàn con cháu cũng bị lao vào vực thẳm. “Thật vậy, vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân...” (Rm 5, 19)

Vậy muốn cứu loài người khỏi tội, khỏi đau khổ và sự chết, thì vấn đề tiên quyết là phải diệt trừ tận gốc căn nguyên gây nên tội, đó là tình trạng bất phục tùng Thiên Chúa. Tràng chuỗi mân côi được xem là phương thuốc thần diệu để diệt trừ tận gốc căn bệnh trầm kha nầy vì chuỗi mân côi dạy ta biết vâng phục thánh ý Thiên Chúa như Mẹ Maria và Chúa Giêsu.



* Gương vâng phục của Mẹ Maria

Lắm khi chúng ta muốn Thiên Chúa thi hành ý muốn của mình hơn là mình phải thi hành ý Chúa. Khi đau bệnh, chúng ta muốn Thiên Chúa chữa chúng ta mau lành; khi đói khát, chúng ta muốn Thiên Chúa lo liệu cho chúng ta cơm ăn nước uống; khi sắp đi thi, chúng ta muốn Thiên Chúa giúp chúng ta thi đậu; khi làm việc, chúng ta muốn Thiên Chúa giúp chúng ta thành công; khi hết tiền, chúng ta muốn Thiên Chúa cho chúng ta đầy túi... Nếu Thiên Chúa không mau mắn nghe lời chúng ta xin, chúng ta sẽ hờn giận Chúa, chúng ta hăm bỏ đạo, có khi chúng ta hạ bệ Chúa xuống khỏi bàn thờ...

Thế nhưng, dù Mẹ Maria được Thiên Chúa đưa lên địa vị cao vời làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, thì Mẹ vẫn tự coi mình là người nữ tỳ hèn mọn, không hề đòi hỏi Thiên Chúa điều gì mà chỉ biết vâng theo lệnh Chúa truyền. “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Đó là bài học vâng phục mà Mẹ Maria dạy chúng ta qua mầu nhiệm vui. Sự vâng phục trong tinh thần khiêm tốn của người nữ tỳ nơi Mẹ Maria đã làm đẹp lòng Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã tôn vinh Mẹ, ban cho Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác (gẫm thứ tư thuộc năm sự mừng) rồi lại trọng thưởng Mẹ trên thiên quốc (gẫm thứ năm thuộc năm sự mừng).

* Gương vâng phục của Chúa Giêsu

Song song với tấm gương vâng phục của Mẹ Maria là tấm gương vâng phục sáng chói của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm thương.

 Trong Vườn Dầu, dẫu phải “lâm cơn xao xuyến bồi hồi, và mồ hôi Ngài như những giọt máu rơi xuống đất... (Lc 22, 44) thì Chúa Giêsu cũng xin thưa với Cha: “Xin đừng làm theo ý Con, mà làm theo ý Cha!” (gẫm thứ nhất năm sự thương)

 Kế đó, khi bị đưa ra toà xét xử, và dù phải chịu đòn vọt tơi bời (gẫm thứ hai năm sự thương), Chúa Giêsu vẫn cắn răng chịu đựng và xin thưa với Cha: “Xin cho ý Cha thể hiện”.

 Sau đó, quân dữ bện vòng gai làm như một thứ 'vương miện', chụp lên đầu Ngài, lại còn thay nhau khạc nhổ, phỉ báng, nhạo cười... (gẫm thứ ba năm sự thương), Chúa Giêsu vẫn bằng lòng chịu đựng và xin thưa với Cha: “Xin đừng theo ý Con, mà làm theo ý Cha”.

Dù đã đến lúc sức tàn lực kiệt, lại phải vác lấy thập giá nặng nề, lảo đảo bước lên đồi Canvê như một tên tử tội khốn nạn nhất, phải ngã xuống nhiều lần (gẫm thứ tư), Chúa Giêsu vẫn xin vâng: “Xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha”. Dù phải chịu đóng đinh ô nhục và chịu chết rất đau thương trên thập giá giữa hai tên tử tội, chịu bao kẻ qua lại thách thức nhạo cười (gẫm thứ năm), Chúa Giêsu vẫn một lòng vâng theo ý Cha và xin Cha tha thứ cho những việc họ làm. (Lc 23, 34)

Như thế, từ gẫm thứ nhất cho đến thứ năm thuộc mầu nhiệm thương, rực sáng lên tấm gương vâng phục của Chúa Giêsu. Tấm lòng vâng phục vô bờ bến đó đã được thánh Phaolô khắc hoạ lại trong bài ca gửi tín hữu Philíp:

Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự...” (Pl 2, 6-8)

Sự vâng phục đến mức tuyệt đối của Chúa Giêsu rất đẹp lòng Thiên Chúa Cha nên Ngài đã cho Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại và lên trời vinh hiển (gẫm thứ nhất và thứ hai năm sự mừng) và siêu tôn Chúa Giêsu vượt bậc: “Chính vì thế, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Người, ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu...” (Pl 2, 9)

Thế là từ đây, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Giêsu, mọi kẻ tin sẽ được cứu độ, con cháu Ađam tưởng đã phải hư mất đời đời nay lại được cứu rỗi: “Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất (Ađam) đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất (Chúa Giêsu) đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.(Rm 5, 19)

Như thế, chuỗi mân côi chứa đựng bài học vô giá về đức vâng lời: Vâng phục Thiên Chúa là phương thuốc diệt trừ tận gốc cội rễ mọi tội lỗi là sự bất phục tùng Thiên Chúa; vâng lời là phương thế giúp con người khỏi sa đoạ và là con đường dẫn đưa nhân loại về cõi trời.

Phương thuốc thần diệu đó đã được Mẹ Maria và Hội Thánh trao vào tay mỗi người chúng ta qua tràng chuỗi Mân Côi. Ước gì mỗi người vui lòng đón nhận phương dược Mẹ ban để diệt trừ tận căn mầm mống tội lỗi ngay trong lòng mình.




tải về 439.74 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   ...   15




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương