Kinh đỊa tạng bồ TÁt bổn nguyện thiển thíCH



tải về 2.73 Mb.
trang22/32
Chuyển đổi dữ liệu08.09.2016
Kích2.73 Mb.
#31926
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   32

Lại như trường hợp của Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài vốn là "phi nam phi nữ"—chẳng phải thân nam cũng chẳng phải thân nữ. Tuy nhiên, vì biết rằng tất cả chúng sanh trên thế gian đều thích người nữ có dung mạo mỹ miều, Ngài bèn thị hiện làm một người nữ vô cùng xinh đẹp, đến thế giới Ta Bà để cứu độ chúng sanh. 

Quý vị cũng nên học theo hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm, phải độ thoát chúng sanh, song phải cẩn thận, đừng để cho chúng sanh "độ" lại mình. Nói như vậy là thế nào? Nghĩa là quý vị có hảo ý muốn độ chúng sanh, muốn làm cho chúng sanh lìa khổ được vui, nhưng nếu không khéo thì quý vị chẳng những không độ nỗi chúng sanh mà bản thân mình cũng bị rơi vào bể khổ, bị cuốn theo dòng nước, không còn định lực nữa. Lại cũng có nghĩa là nếu quý vị cứ cắm đầu cắm cổ chạy theo ái tình, thì sẽ bị ái tình vây khốn mà trở thành mê muội. Bồ Tát Quán Thế Âm tuy hiện thân nữ, nhưng Ngài không bị mê đắm trong tình ái. Ngài chân chánh yêu thương, che chở chúng sanh, muốn cứu độ chúng sanh; Ngài có thể cứu độ được chúng sanh mà vẫn giữ cho chính mình không bị trầm luân trong biển khổ. 

Cho nên, trừ khi là do nguyện lực của chính mình muốn mang thân nữ để cứu độ chúng sanh, "còn thì nương nơi sức cúng dường Ngài Ðịa Tạng cùng sức công đức, trong trăm ngàn muôn kiếp chẳng còn phải thọ nữ thân nữa." Nhờ nhân duyên sức cúng dường Ðịa Tạng Vương Bồ Tát cùng sức công đức có được từ sự cúng dường này, người thiện nữ đó trong trăm ngàn vạn kiếp về sau đều không phải làm thân người nữ nữa!  

Kinh văn:

"Lại nữa, này Phổ Quảng! Nếu có người nữ nào chán thân xấu xí và nhiều bệnh tật, đến trước tượng của Ðịa Tạng Bồ Tát, chí tâm chiêm lễ trong chừng một bữa ăn, người nữ đó trong ngàn muôn kiếp sẽ được thọ sanh thân hình tướng mạo viên mãn. Người nữ xấu xí đó, nếu không nhàm chán thân gái, thì trong trăm ngàn muôn ức đời thường làm Vương Nữ, cho đến Vương Phi, hoặc con gái dòng dõi Tể Phụ, Ðại Quan, Ðại Trưởng Giả, đoan chánh thọ sanh, các tướng viên mãn.

Do chí tâm chiêm lễ hình tượng của Ðịa Tạng Bồ Tát mà được phước như thế."  

Lược giảng:

Ðức Phật dạy tiếp: "Lại nữa, này Phổ Quảng! Nếu có người nữ nào chán thân xấu xí và nhiều bệnh tật..." 

Trên thế gian này, cùng là con người song tại sao có người thì tướng mạo đẹp đẽ xinh xắn, có người lại xấu xí cục mịch? Hoặc có người thì thân thể tráng kiện, có người lại ốm đau quặt quẹo? Vì lẽ gì mà có những sự khác biệt như thế? 

Có mười nghiệp dữ (Thập Ác Nghiệp) khiến cho tướng mạo con người bị xấu xí; những gì là mười?

-Ác nghiệp thứ nhất là thường hay phẫn nộ, thích sanh lòng căm phẫn. Chữ "phẫn" này là một trong hai mươi thứ phiền não; còn "nộ" là phát cáu, nổi giận. 

Người nữ đa số dễ nổi nóng, dễ giận hờn. Tuy rằng không phải người nữ nào cũng như vậy, nhưng phần đông thì đều là dễ nổi giận; họ có thể vì một cây kim hay một sợi chỉ mà sanh ra giận dữ, tức tối. Nổi giận, nổi nóng là đặc tính của người nữ. 

-Ác nghiệp thứ hai là trong lòng thường chất chứa một mối hiềm nghi và ghét hận. Người nữ thường có tánh đa nghi, cái gì cũng hoài nghi cả; lại còn có thêm lòng phẫn hận nữa. Họ "hận người," cho rằng ai cũng có lỗi, cũng đắc tội với mình, cũng đáng cho mình thù ghét cả. 

-Ác nghiệp thứ ba là gì? Là ưa nói dối, thích mê hoặc người khác—làm cho người khác bị điên điên đảo đảo, không biết thế nào cho phải nữa. 

-Ác nghiệp thứ tư là gì? Là thích não loạn chúng sanh—đa số người nữ rất thích điều này. 

-Ác nghiệp thứ năm là không có lòng ái kính chân thành đối với cha mẹ; cũng có người có vậy, nhưng đa số thì không. 

-Ác nghiệp thứ sáu là không sanh tâm cung kính đối với nơi chốn tôn nghiêm của Thánh Hiền và Thiện Thần. (Những vị tu học Phật Pháp mà chứng quả A La Hán đều được gọi là bậc "Thánh Hiền.") Thậm chí ở trước mặt đức Phật, ở chùa chiền, đa số người nữ cũng không sanh lòng cung kính, không có được lòng cung kính chân chánh. 

-Ác nghiệp thứ bảy là xâm đoạt tài sản ruộng vườn nhu yếu của Thánh Hiền. Ác nghiệp này chỉ nói về một số người nữ mà thôi, chứ không phải ai cũng như vậy. "Xâm đoạt" tức là cướp lấy, chiếm đoạt một cách ngang ngược. 

-Ác nghiệp thứ tám là thường dập tắt những ngọn đèn thắp trước tượng Phật ở trong chùa hoặc trong tháp thờ Phật, không để đèn tiếp tục cháy sáng nữa. Ðây là hành vi thứ tám dẫn đến quả báo xấu xí. Thật ra, cũng rất ít người nữ nào lại thổi tắt đèn thắp trước tượng Phật như thế.

-Ác nghiệp thứ chín là thấy người nào xấu xí thì liền sanh lòng chê bai, khinh miệt, nói rằng: "Ôi! Người gì mà xấu xí quá sức, thật là chẳng ai dám nhìn!" Người nữ thường có thói khinh người như thế—song le, thấy người ta xấu xí mà khinh thường người ta, kết quả là chính bản thân mình cũng bị xấu xí luôn! Quý vị phải biết rằng, trong tự tánh của mình vốn có "tấm gương thu hình"; khi quý vị nhìn thấy một kẻ xấu xí rồi sanh lòng khinh mạn, thì tất cả đều được ghi nhận và thu vào "tấm gương" của quý vị; và đến đời sau, quý vị phải đầu thai làm kẻ còn xấu xí tệ hơn người đó nữa. 

-Ác nghiệp thứ mười là thích học theo hoặc bắt chước theo những thói hư tật xấu (ác hạnh), những hành vi không chánh đáng. 

Trên đây là mười thứ ác nghiệp hay mười nguyên nhân dẫn đến việc thọ quả báo tướng mạo xấu xí. Lại có mười nguyên nhân khiến cho thân thể mang nhiều bệnh tật; những gì là mười? 

-Thứ nhất, là thích đánh đập mọi loài chúng sanh. Bất luận là chúng sanh nào, hễ trông thấy là đều muốn đánh đập—đây là nguyên nhân đầu tiên của quả báo thân thể phải mắc nhiều bệnh khổ. 

-Nguyên nhân thứ hai dẫn đến quả báo bệnh tật khổ sở là xúi giục hoặc sai bảo người khác đánh đập chúng sanh—chó, mèo, chuột..., thậm chí cả trẻ em. 

-Thứ ba, là khen ngợi việc đánh nhau. Khen ngợi cái gì? Trầm trồ, khen ngợi cách đánh đập, hành hạ chúng sanh. Do vì tán thưởng cách đánh đập của người khác, nên chính bản thân mình phải chịu quả báo nhiều bệnh tật. 

-Thứ tư, là thấy sự đánh đập mà vui mừng. Có những kẻ thấy người khác đánh đập chúng sanh thì trong lòng lại vui mừng hớn hở, cho là chuyện thú vị: "Hay thật! Ðáng đời! Ðánh thật là đẹp mắt!"; xem ra còn thú vị hơn cả coi xi-nê nữa!

-Thứ năm, là thấy chúng sanh bệnh tật đau đớn rên siết, thì trong lòng lại hân hoan vui sướng. Có nhiều người hễ thấy kẻ khác bị ốm đau bệnh hoạn, thì trong lòng lại mừng rỡ, thích thú: "Có chúng sanh bị đau ốm rồi. Ồ! Hay quá! Có thế chứ, hắn bệnh rồi đấy!" Họ không cảm thông thương xót đã đành, lại còn vui cười mừng rỡ nữa. 

-Thứ sáu, là thấy người bệnh được bình phục thì trong lòng cảm thấy không vui. Có những kẻ thấy người khác mắc bệnh song sau đó được thuyên giảm hoặc khỏi hẳn thì họ không vui, chính vì thế cho nên kiếp sau chính bản thân họ phải chịu quả báo nhiều bệnh tật, hay đau ốm. 

-Thứ bảy, là cho chúng sanh uống thứ thuốc không đúng bệnh. Có những người đem thuốc cho chúng sanh bị bệnh, họ cho thứ thuốc gì? Họ cho thứ thuốc không phải trị đúng chứng bệnh mà chúng sanh đó đương mắc phải. Ví dụ, như người bệnh đau đầu thì họ lại cho thuốc đau bụng, chẳng những thế, họ còn huênh hoang: "Quý vị xem, tôi cho bệnh nhân uống thuốc rồi đó."

-Thứ tám, là thấy người bệnh được thầy thuốc tận tâm chữa trị cho, thì sanh lòng đố kỵ, ghen ghét, nói rằng: "Ôi! Ông bác sĩ đó tốt nhất là chết sớm đi, khỏi cần phải trị bệnh cho hắn nữa! Thấy mà gai mắt!"

-Thứ chín, là thấy người khác ốm đau bệnh hoạn thì lại vui thích, còn mong sao người đó cứ luôn luôn ốm đau, mãi mãi bị bệnh tật hành hạ. 

-Thứ mười, là thích ăn vặt, ăn luôn miệng. Mới vừa ăn xong chưa kịp tiêu hóa hết thì lại ăn nữa, miệng lúc nào cũng thấy thèm ăn, muốn ăn luôn miệng, không ngừng nghỉ. 

Do mười thứ ác nghiệp này mà phải thọ quả báo nhiều ốm đau bệnh tật.

Chúng sanh sở dĩ tướng mạo xấu xí hoặc thân thể nhiều bệnh tật là đều do phạm vào hai mươi ác nghiệp kể trên mà ra. Nếu không phạm vào hai mươi ác nghiệp đó thì sao? Thì tướng mạo không bị xấu xí, thân thể cũng không bị nhiều bệnh tật. 

Như vậy, nếu bị xấu xí và nhiều bệnh tật thì phải làm thế nào? Thì hãy "đến trước tượng của Ðịa Tạng Bồ Tát, chí tâm chiêm lễ, dùng cái tâm thành khẩn thiết tha mà chiêm ngưỡng lễ bái Bồ Tát Ðịa Tạng trong chừng một bữa ăn, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi lâu bằng ăn xong một bữa cơm, người nữ đó trong ngàn muôn kiếp sẽ được thọ sanh thân hình tướng mạo viên mãn."

Thế nào gọi là "tướng mạo viên mãn"? Ðó là mắt thì giống hình dạng của mắt, tai thì có dáng vẻ của tai. Thế thì, quý vị nói mắt như thế nào là không giống mắt? Thông thường, chúng ta thấy hầu hết mọi người đều có đôi mắt dài dài tựa như hạt hạnh nhân vậy, nhưng có kẻ lại có con mắt hình tam giác hoặc vuông vức bốn cạnh; hoặc đa số có tai dài, hình đĩnh vàng, song có kẻ lại có vành tai nhòn nhọn như mũi dao vậy; có người thì mũi lại hỉnh lên, lỗ mũi lộ ra ngoài. Nói theo sách tướng, người có tướng mũi như thế là người chẳng có chút phước báo nào cả—đó là tướng bần cùng. Gặp những người có tướng như thế thì quý vị chớ nên kết giao làm bạn, bởi vì làm bạn với họ sẽ chẳng có gì tốt đẹp cả. 

Tôi có biết một vị Pháp Sư nọ có tướng mắt hình tam giác và mũi thì lộ ra. Khi còn ở Hương Cảng thì tôi giúp đỡ ông cũng nhiều, nhưng sau đó ông ta lại tráo trở, dùng đủ cách để bôi nhọ, phá hoại tôi. Tuy vậy, tôi cũng chẳng hề trách móc gì ông ta cả. Về sau, ông ta mắc phải chứng ung thư mà chết. Lúc sắp chết vẫn còn ham thể diện, chưa bỏ được cái "mặt" này, ông căn dặn rằng: Hãy làm như Pháp Sư Từ Hàng vậy—hãy đặt nhục thân của ông ta ngồi trong cái vại lớn rồi niêm lại, sau ba năm thì hãy mở ra xem, nếu nhục thân vẫn còn tươi tốt thì đem ra thếp vàng. Rút cuộc, để chưa tới hai hôm thì đầu của ông đã gục xuống rồi! 

Có người nói với tôi rằng nếu là người có công phu tu hành thật sự, thì bất luận chết đã bao nhiêu ngày, nhục thân của họ vẫn trong tư thế đoan nhiên chánh tọa, chứ đầu không gục xuống như thế! Vị Pháp Sư này sang ngày thứ hai đầu đã gục xuống, thế nhưng ông ta còn ham thể diện, dặn đợi đến ba năm rồi mới mở vại. Tuy nhiên, mấy người học trò của ông ta không dám mở vại, vì họ biết rằng không "chắc ăn"! Cho nên, người có tướng mũi lộ ra như thế thì không được tốt cho lắm!

Lại nữa, đàn ông miệng rộng thì tốt, song đàn bà mà miệng rộng thì không tốt, đây là tướng phân nam nữ. Vận hạn của mỗi người, lúc nào thì tốt, lúc nào thì xấu, đều có thể biết được qua tướng mạo. Chỉ cần xem tướng mạo, người ta có thể biết được thời thanh niên quý vị đã thành công như thế nào, thời trung niên sẽ ra sao, và lúc về già hậu vận sẽ như thế nào. Cho nên, sự hiểu biết của người Trung Hoa về lãnh vực tướng số rất uyên thâm, chỉ xem tướng người mà biết được kẻ ấy mai sau tiền đồ có xán lạn hay không. 

"Tướng mạo viên mãn" tức là tốt đẹp toàn diện, như Hồng y Yu Bin (Vu Bân) chẳng hạn, tướng mạo của ông ấy vô cùng tốt đẹp, tuổi già được vận may. Quý vị có thể chú ý tướng mạo của ông ấy—mắt, mũi, miệng đều rất cân xứng, hài hòa, tướng người rất phúc hậu, đức độ. Thế nhưng, rốt cuộc ông lại đi lầm đường; nếu theo Phật Giáo, ông ta có thể trở thành một vị Pháp Sư bất khả tư nghị.

"Tướng mạo viên mãn" là quả báo nhờ đã từng niệm Phật, lạy Phật, hoặc lạy những vị Bồ Tát.  

Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy tiếp: "Người nữ xấu xí đó, nếu không nhàm chán thân nữ, tuy rằng xấu xí nhưng nếu cô ta vẫn thích thân nữ, vẫn muốn làm người nữ, thì trong trăm ngàn muôn ức đời thường làm Vương Nữ." Nhờ lễ bái hình tượng của Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, cô ta chẳng những được thác sanh làm con gái của vua chúa mà còn được tướng mạo xinh đẹp, viên mãn nữa.   

"Cho đến Vương Phi." Thậm chí cô ta có thể được thọ sanh làm vợ vua, "hoặc con gái dòng dõi Tể Phụ, Ðại Quan, Ðại Trưởng Giả." Cô ta có thể được làm con gái của quan Tể Tướng, con gái của bậc Ðại Quan, hoặc con gái của vị Ðại Trưởng Giả giàu có.   

"Ðoan chánh thọ sanh, các tướng viên mãn." Tướng mạo của cô ta nhất định là rất đoan trang và vô cùng xinh đẹp, mỹ miều. 

Như tôi vừa nói ban nãy, nếu cặp mắt thì xinh đẹp nhưng mũi lại không cân đối, như thế là không viên mãn; mũi rất đẹp mà mắt không cân xứng thì cũng không viên mãn; mắt, mũi đều đẹp cả mà tai lại không đẹp, không tương xứng, thì cũng không gọi là viên mãn, hoàn chỉnh. Chẳng hạn, một tai lớn, một tai nhỏ; một mắt to, một mắt nhỏ; mũi nằm lệch sang một bên mặt; miệng dính liền với mũi, hoặc mũi với miệng không tách rời nhau, không biết đó là mũi hay miệng nữa—các tướng mạo như thế đều là không viên mãn. Cũng đều là có mắt, có tai, có mũi như nhau, nhưng lại không hài hòa, không cân xứng, hoặc là lộn xộn dồn về một chỗ với nhau—mắt, mũi, tai tụ về thành một khối; quý vị nói xem, như thế có dễ coi không? Tướng mạo như thế đều là không viên mãn!  

"Do chí tâm chiêm lễ Ðịa Tạng Bồ Tát mà được phước như thế." Thế thì, tướng mạo viên mãn, các căn hoàn chỉnh, mắt cũng đẹp, tai cũng xinh, mũi cũng tốt, miệng cũng vừa phải, mặt mày đều dễ nhìn, nói chung là tất cả đều đẹp đẽ, tương xứng, là do đâu? Do có lòng tin chí thành, tha thiết chiêm ngưỡng và đảnh lễ Bồ Tát Ðịa Tạng mà được thọ hưởng phước báo tướng mạo đoan trang xinh đẹp như thế!  

Kinh văn:

"Lại nữa, này Phổ Quảng! Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào có thể đối trước tượng Bồ Tát mà trổi các thứ kỹ nhạc, cùng ca vịnh, tán thán, cúng dường hương hoa, cho đến khuyến hóa được một người hay nhiều người; hạng người đó ở trong đời hiện tại cùng vị lai thường được trăm ngàn Quỷ Thần ngày đêm theo hộ vệ, không để cho những việc hung dữ đến tai, huống là để cho chịu các tai vạ bất ngờ!"  

Lược giảng:

"Lại nữa, này Phổ Quảng! Như có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào có thể đối trước tượng Bồ Tát mà trổi các thứ kỹ nhạc ..." "Kỹ nhạc" tức là âm nhạc; và ở đây là nói đến thứ âm nhạc khen ngợi Ðịa Tạng Vương Bồ Tát. 

"Cùng ca vịnh, tán thán, cúng dường hương hoa, cho đến khuyến hóa được một người hay nhiều người..." Ðức Phật dạy tiếp: "Này Bồ Tát Phổ Quảng! Ta lại nói thêm cho Ông biết rằng giả sử có người nam kẻ nữ nào tu hạnh Thập Thiện, có thể đối trước tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng, trổi các thứ kỹ nhạc, hoặc sáng tác một bài hát ca tụng Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, hoặc là khen ngợi Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, hoặc là mang hương mang hoa đến cúng dường Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, hoặc là khuyên được một người phát tâm cung kính cúng dường Ðịa Tạng Vương Bồ Tát, hoặc là khuyên được rất nhiều người sanh lòng cung kính cúng dường Ðịa Tạng Vương Bồ Tát; hạng người đó—những người tự mình biết cúng dường, lại còn khuyên được kẻ khác cúng dường—trong đời hiện tại cùng vị lai thường được trăm ngàn Quỷ Thần ngày đêm theo hộ vệ, không để cho những việc hung dữ đến tai, huống là để cho chịu các tai vạ bất ngờ!" 

Những người có thể "tự hóa, hóa tha," tự độ chính mình được rồi bèn muốn cứu độ tha nhân đó, thì ngay trong đời này và luôn cả đời sau, thường được rất nhiều Thiện Thần Hộ Pháp theo phù hộ; và còn khiến cho những tiếng ác, những lời hung dữ, những âm thanh không kiết tường không vẳng đến tai của họ, huống hồ là để chính bản thân họ chịu đựng những việc không như ý. 

"Các tai vạ bất ngờ" (chư hoạnh) tức là những rủi ro xảy ra đột ngột, bất trắc, như bị xe đụng chết, bị nước dìm chết, bị lửa thiêu chết, rớt máy bay chết, xe lửa lật chết, xe đò rớt xuống khe núi, ... những cái chết như thế đều gọi là "hoạnh tử." Thế nhưng, bây giờ những thiện nam tín nữ nói trên không còn phải lo âu về những vấn đề ấy nữa, vì sao? Là vì có rất nhiều Hộ Pháp Thiện Thần thường xuyên theo bảo vệ họ!

Hôm qua có người phàn nàn là không dám đi máy bay, sợ máy bay bị rớt. Ðiều này không có gì đáng phải lo sợ cả, quý vị chỉ cần niệm được Chú Ðại Bi và Chú Lăng Nghiêm, thì sẽ có rất nhiều Thiên Long Bát Bộ, Hộ Pháp Thiện Thần theo phù hộ quý vị. Dù đến bất cứ nơi nào, chỉ cần quý vị đừng khởi vọng tưởng, luôn luôn tin tưởng Bồ Tát, thì Bồ Tát nhất định sẽ che chở cho quý vị. Người tin Phật thì đừng sợ hãi, cũng đừng sợ quỷ, bởi loài quỷ trông thấy quý vị thì đều phải cúi đầu, vì quý vị có công đức. Nếu quý vị không có công đức thì sao? Nếu quý vị không biết làm việc tốt, thì sẽ có những việc không may xảy ra; còn nếu ngày ngày quý vị đều tu tâm dưỡng tánh, giữ lòng hảo tâm, chăm làm thiện sự, thì sẽ không thể có điều gì không may xảy ra cho quý vị cả.  

Kinh văn:

"Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong đời sau như có ác nhân cùng ác thần, ác quỷ nào thấy kẻ thiện nam, thiện nữ quy kính cúng dường, tán thán, chiêm lễ hình tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng, mà vọng sanh khinh chê là không có công đức cùng sự lợi ích, hoặc nhăn răng ra cười, hoặc chê sau lưng, hoặc khuyên bảo người khác cùng chê, hoặc một người chê, hoặc nhiều người chê, cho đến sanh lòng chê bai trong chừng một niệm; những kẻ như thế, sau khi một ngàn đức Phật trong Hiền Kiếp diệt độ cả, vì tội báo khinh chê nên vẫn còn ở trong địa ngục A Tỳ chịu tội cực nặng. 

Qua khỏi kiếp này xong mới thọ thân ngạ quỷ, rồi mãi đến một ngàn kiếp sau mới thọ thân súc sanh; lại phải trải qua một ngàn kiếp nữa mới được thân người. Dầu thọ thân người, nhưng là hạng bần cùng hạ tiện, các căn không đầy đủ, thường hay bị nghiệp ác kết buộc vào tâm, chẳng bao lâu lại phải đọa vào ác đạo."  

Lược giảng:

Ðức Phật lại bảo Bồ Tát Phổ Quảng rằng: "Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong đời sau như có ác nhân cùng ác thần, ác quỷ nào..." "Ác nhân" là người phạm tội Ngũ Nghịch, Thập Ác. "Ác thần" là hạng tà thần không giữ quy củ phép tắc gì cả. Có những tà thần thường tới các miếu thờ mạo xưng là thần miếu để thọ đồ cúng tế. Như tại miếu thờ phụng Quan Ðế Công chẳng hạn, vì Quan Ðế thỉnh thoảng cũng đi đây đi đó, không ở trong miếu thường xuyên, nên tà thần bèn nhân lúc Ngài vắng mặt mới lẻn vào miếu và giả dạng Ngài để thọ dụng huyết tanh của heo, dê, bò... mà người ta mang đến cúng tế.

"Ác quỷ" thì có đại ác quỷ và tiểu ác quỷ. Ðại ác quỷ chính là quỷ Cưu Bàn Trà, hình thù tựa như trái bí đao. Loài quỷ này còn được gọi là quỷ "yểm mỵ," bởi chúng thường thừa lúc người nào đó đang say ngủ bèn đè lên thân người ấy, khiến cho người ấy cứ nằm cứng đơ, không nhúc nhích được mà miệng thì ú ớ, thốt không ra tiếng. Ðó là một trong những loại đại ác quỷ. 

Lại còn có loại tiểu ác quỷ nữa. Các tiểu ác quỷ thường nương náu trên cây cối và thị hiện thần thông, khiến cho người ta tin tưởng chúng. Ðiển hình là chuyện thọ Giới của cây long não (chương thọ) ở Chùa Nam Hoa (Trung Hoa). Lúc chưa thọ Giới, vị thần cây thường hiển thị thần thông—hễ ai có việc gì mà đến thắp nhang khẩn cầu thần cây thì đều được cảm ứng; cảm ứng như thế nào? Ví dụ như người bị đau ốm đến cầu xin, thì chỉ cần thắp nén nhang là liền được khỏi bệnh ngay; hoặc có người bị mất đồ, bèn thắp hương cầu khẩn, thì liền tìm lại được những đồ đã mất—những chuyện "linh ứng" như vậy xảy ra rất nhiều. Những người đến cầu xin tưởng rằng đó thật là sự linh cảm, là Bồ Tát hiển linh, nên họ liền giết gà, mổ heo, mang thịt của đủ loại súc sanh đến cúng tế để tạ ơn, và thế là thần cây được hưởng "lộc ăn." Song, thật ra, đó là một loại tiểu ác quỷ tác quái. 

Trên thế gian này có rất nhiều chuyện kỳ lạ, cho nên nếu quý vị không hiểu rõ Phật Pháp thì rất dễ nhận lầm các loại ác thần ác quỷ này là Bồ Tát, tưởng rằng có sự linh cảm thật sự. Do vậy, người học Phật Pháp chớ nên nghĩ rằng hễ nơi nào có sự linh ứng mầu nhiệm xảy ra thì đều là Phật Pháp—hoàn toàn không phải như vậy. Quý vị cần phải thông hiểu các đạo lý Phật Pháp một cách chân chánh, thấu đáo, thì mới không dễ bị lầm lẫn.  

"Thấy kẻ thiện nam, thiện nữ quy kính cúng dường, tán thán, chiêm lễ hình tượng của Bồ Tát Ðịa Tạng, mà vọng sanh khinh chê là không có công đức cùng sự lợi ích ..." Có những ác nhân, ác thần hoặc ác quỷ trông thấy người ta chiêm ngưỡng đảnh lễ hình tượng Bồ Tát thì lại buông lời miệt thị: "Ôi! Các ông các bà còn mê tín quá nhỉ! Cứ dập đầu quỳ lạy mấy cái tượng đất, tượng gỗ đó thì được cái gì chớ? Chẳng được chút công đức nào đâu, các người đừng tin nhảm nữa!"; hoặc lại chế nhạo: "Các ông các bà cứ khom lên khom xuống lạy lục mấy ông phỗng đó để làm gì?" Giống như hiện tại ở nơi này chẳng hạn, cũng có một số ngoại đạo khăng khăng cho rằng việc Phật Giáo lễ bái tượng gỗ là không có công đức—đó cũng là dèm pha, hủy báng vậy.   

"Hoặc nhăn răng ra cười." Những kẻ ác đó thấy quý vị lạy Phật thì lại nhe răng cười chế giễu, tỏ vẻ khinh thường, cho rằng quý vị quá mê tín. "Nhăn răng ra cười" tức là lúc trông thấy quý vị đang lạy Phật thì kẻ ấy liền cười chế nhạo ngay trước mặt quý vị.  

"Hoặc chê sau lưng." Có khi, những kẻ ác ấy không chê cười trước mặt quý vị, mà đợi quý vị đi khuất rồi, họ mới nhỏ to phê bình: "Mấy người ở Phật Giáo Giảng Ðường thật là quá mê tín! Tôi thấy họ cứ mặc áo tràng vào, khoác thêm cái y, rồi chúi mũi lạy Phật và lầm rầm tụng Kinh tụng Chú suốt ngày suốt đêm; chẳng hiểu họ đang làm cái gì và làm như thế thì có lý thú gì chứ?" Chê trách, nói lời xúc phạm kẻ vắng mặt như thế gọi là "chê sau lưng."

Hoặc những kẻ ác đó lại dèm pha, nói rằng mọi việc của quý vị đều là không đúng, và họ xầm xì với nhau: "Tu Ðạo một mình thì cần gì phải lạy Phật? Lạy Phật có tác dụng gì? Nếu dùng thời gian đó để ngủ thêm thì tốt biết mấy!" Ðó là phê bình, "chê sau lưng" vậy.  

"Hoặc khuyên bảo người khác cùng chê." Hoặc kẻ ác ấy chẳng những chính mình chê bai mà còn rủ rê, xúi xiểm nhiều người khác đừng đi tụng Kinh: "Tụng Kinh có gì tốt đâu? Quý vị đừng đi lễ Phật, cũng đừng đi nghe Kinh nữa! Thay vì đi nghe giảng Kinh thì quý vị dùng thì giờ đó để uống một liều LSD, quý vị sẽ có cảm giác lâng lâng bay bổng, mơ màng tưởng chừng như mình đang ở thế giới Cực Lạc vậy; cần gì phải tin vào những việc kia?" Ðây chính là "khuyên bảo người khác cùng chê," xúi giục người khác làm sai giống mình, về cùng phe với mình. 

Ví dụ, trong đoàn thể Phật Giáo có một người nọ không tuân giữ quy củ; biết là mình yếu thế, cho nên ông ta muốn kiếm một người cũng không giữ quy củ như mình làm "đồng minh," để dễ biện hộ cho hành vi sai trái của mình. Bởi nếu bị chỉ trích, thì ông ta sẽ bào chữa rằng: "Thì người khác cũng như vậy cơ mà!" Có "đồng đảng" thì dù sao cũng có ưu thế hơn!  

"Hoặc một người chê, hoặc nhiều người chê." Hoặc chỉ đơn độc một người đi khắp nơi rêu rao phá hoại, hoặc nhiều người tụ tập lại một chỗ rồi cùng nhau chỉ trích, chê bai.  

"Cho đến sanh lòng chê bai trong chừng một niệm." Không cần phải lúc nào cũng chê bai mà chỉ trong một niệm, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tâm tư chợt dấy lên ý tưởng giễu cợt, phỉ báng.   

"Những kẻ như thế, những kẻ nhăn răng ra cười, hoặc chê sau lưng, hoặc một mình chê, hoặc cùng người khác chê, hoặc cùng nhiều người chê, và mặc dù chỉ sanh lòng chê bai trong một niệm ngắn ngủi mà thôi, thì sau khi một ngàn đức Phật trong Hiền Kiếp diệt độ cả, vì tội báo khinh chê nên vẫn còn ở trong địa ngục A Tỳ chịu tội cực nặng."

Kỳ kiếp hiện tại của chúng ta gọi là Hiền Kiếp; vì sao gọi là Hiền Kiếp? Bởi vì trong thời kỳ này có rất nhiều bậc Thánh Hiền—thánh nhân, hiền nhân—xuất hiện ở thế gian. Kỳ Hiền Kiếp có một ngàn (1.000) đức Phật xuất thế, trong đó, Phật Thích Ca Mâu Ni là đức Phật thứ tư; như vậy là còn chín trăm chín mươi sáu (996) đức Phật nữa sẽ xuất thế. Sau khi có một đức Phật xuất thế, phải qua một thời kỳ rất lâu rất dài mới lại có một đức Phật nữa xuất thế; do đó nếu phải đợi cho đến khi chín trăm chín mươi sáu đức Phật đều xuất thế và diệt độ cả, thì thời gian chờ đợi dài biết chừng nào! Vậy mà trải qua suốt kỳ kiếp dài đăng đẳng đó, những kẻ mắc tội báo khinh chê phá hoại Phật Pháp vẫn còn phải thọ tội ở địa ngục A Tỳ.

Quý vị nên biết rằng một ngày một đêm của thế giới chúng ta đang sống thì lâu bằng sáu mươi (60) tiểu kiếp ở địa ngục A Tỳ. Lại nữa, năm mươi (50) năm ở nhân gian thì đối với cõi trời Tứ Thiên Vương chỉ là một ngày một đêm; và một trăm (100) năm ở nhân gian chỉ bằng một ngày một đêm ở cung trời Ðao Lợi. 

Thế thì, vì sao một ngày một đêm của chốn nhân gian lại tương đương với sáu mươi tiểu kiếp của địa ngục A Tỳ? Con người, nếu hôm nào trong lòng vui vẻ thì cảm thấy một ngày rất ngắn ngủi, thời gian trôi qua rất nhanh; trái lại, nếu ngày nào ưu tư lo lắng, gặp việc không ưng ý, phải chờ đợi một ai đó hoặc đang trông mong điều gì đó, thì lại cảm thấy ngày dài lê thê, thời gian sao đi quá chậm! Từ đó suy ra thì chúng ta cũng có thể biết được do đâu mà một ngày một đêm ở nhân gian lại bằng sáu mươi tiểu kiếp ở địa ngục—bởi ở địa ngục quá đau khổ; khi sống trong sự thống khổ thì người ta thường cảm thấy thời gian đi chậm quá, ngày dài quá, còn lúc hưởng thụ sung sướng thì lại thấy thời gian trôi qua vùn vụt!



tải về 2.73 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   32




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương