KHÁi niệm về BỒ TÁt quán thế ÂM (Lý Thuyết Và Thực Hành)


Chương Năm - Avalokitesvara: Trong Kinh Tạng Phật Giáo Phát Triển



tải về 0.83 Mb.
trang17/27
Chuyển đổi dữ liệu05.08.2016
Kích0.83 Mb.
#13200
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   27

Chương Năm - Avalokitesvara: Trong Kinh Tạng Phật Giáo Phát Triển


 Như chúng ta đã biết, Avalokitesvara (Quán Thế Âm) và Manjúsri (Văn Thù) là hai vị Bồ Tát xuất hiện nhiều nhất trong hệ thống kinh điển của Phật giáo Phát Triển (Bắc Truyền). Trong thực tế, hai Bồ Tát trên luôn chiếm vị trí quan trọng trong triết lý Phật giáo Ðại thừa; nhưng để phụ vụ cho mục đích của cuốn sách này, chúng ta chỉ chọn hai bộ kinh tiêu biểu để nghiên cứu: Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharmapundarika) va Kinh A Di Ðà (Sukhàvati-Vyùha). Lý do là vì, một mặt hai bộ kinh trên là mối quan tâm và sở thích của quần chúng Phật tử khắp mọi nơi ngay từ khi chúng xuất hiện. Mặt khác, kinh Pháp Hoa và kinh A Di Ðà cũng phản ảnh hai lập trường tu tập khác nhau của giới Phật giáo, đó là khuynh hướng trí tuệ và khuynh hướng tín ngưỡng.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ghi lại rằng nhân duyên lớn nhất để Ðức Phật xuất hiện ra trong đời là khiến cho chúng sanh có thể mở toang tri kiến Phật của họ, giúp cho chúng sanh thanh tịnh hóa tri kiến Phật ấy. Chư Phật xuất hiện ra trong đời là để chỉ bày tri kiến Phật cho tất cả chúng sinh, và giúp cho chúng sinh đi vào con đường dẫn đến tri kiến Phật ấy. Tất nhiên, tri kiến Phật được đề cập ở đây chính là trí tuệ tức cái thấy biết như thật về Vô ngã tính (Anattà) của các pháp, hay chứng ngộ giáo lý Duyên Khởi, Nhân Duyên (Pràtityasamutpàda). Quả thật, bất cứ khi nào và bất cứ người nào chứng đắc trí tuệ chân thật này, đồng thời vị ấy an trú trong sự thấy biết tính bình đẳng của tất cả mọi sự mọi vật. Ðối với người ấy, khái niệm hay ý niệm về chủ thể và khách thể hoàn toàn bị đoạn diệt, không còn hiện hữu. Ở cấp độ chứng ngộ như thế, một cách tự nhiên, vị ấy giảng giải diệu pháp vì lợi ích và hạnh phúc của tất cả chúng sanh mà không hề có một ý niệm phân biệt. Trong thực tế, tất cả loài hữu tình đều hy vọng thoát ra vòng sinh tử xuyên qua ‘cánh cửa trí tuệ’ như quan điểm của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa chủ trương. Ðiều ấy hàm nghĩa rằng con người phải tự nỗ lực tu tập theo con đường Ðức Phật đã chỉ dày nhằm đạt đến mục tiêu cuối cùng. Có lẽ vì điều này mà kinh Diệu Pháp Liên Hoa được biết đến như là Kinh Trí Tuệ (The Book of Wisdom).

Trong khi ấy, lý do khiến việc hành trì kinh A Di Ðà được gọi là “Phật giáo Niềm Tin” hay Tín Ngưỡng là vì người ta tin tưởng rằng bất cứ chúng sinh nào với ước muốn sinh vào ‘thế giới cực lạc’ (Sukhàvati-The Land of Bliss) do Phật A Di Ðà (Amitàbha) chủ trì phải tuyệt đối chí thành đặt niềm tin của mình vào Ngài. Nói cách khác, chúng sinh có thể giải thoát khỏi nghiệp lực của mình bằng ‘cánh cửa niềm tin’. Nền tảng chính để tư tưởng “tha lực hay được cứu độ” đặt cở sở dẫn đến luận cứ trên có thể tìm thấy trong đoạn đối thoại giữa vua Milinda (Menandros-Di Lan Ðà) và ngài Nàgasena (Na Tiên) qua tác phẩm “Nền Tảng Triết Học Phật Giáo” của Janjirò Takakusu. Theo tác phẩm này, vua Milinda (vua người Hy Lạp trị vì xứ Sàgala vào khoảng 115 trước Công nguyên) thắc mắc và vấn nạn rằng hẳn phải là điều phi lý khi một người làm các nghiệp ác có thể được cứu độ nếu người ấy đặt lòng tin vào đức Phật Amitàbha (A Di Ðà) vào khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời. Ðể đáp lại nghi vấn đó, Tỷ kheo Nagàsena nói rằng hòn sỏi, mặc dù nhỏ, sẽ không nổi trên mặt nước, nhưng ngay cả đá nặng hàng trăm tấn nếu đặt trên chuyến thuyền cũng sẽ không chìm. Nagàsena còn khẳng định thêm rằng có hai con đường để tiến vào Phật quả. Con đường thứ nhất thì gian khổ, khó khăn (tức con đường tự lực, tự giải thoát); con đường thứ hai dễ dàng và thuận lợi (tức con đường được cứu độ bằng tha lực). Tuy nhiên, những cách trình bày và giải thích vừa đề cập ở trên nghe có vẻ không rõ ràng và lỏng lẻo; chúng dường như không thực sự chuyển tải huyền nghĩa chân thật của hai bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa và kinh A Di Ðà. Theo thiển ý của tác giả, về mặt thực chất hai kinh này ắt phải có một mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong cả lãnh vực triết lý lẫn thực hành; do vì trong Phật giáo niềm tin và trí tuệ không thể tách rời nhau mà tồn tại được như ngài Nàgàrjuna (Long Thọ) đã bình luận. Do đó, một số khảo luận sắp tới về nền tảng triết lý của hai kinh này hy vọng sẽ mở ra một lối tư duy mới về kinh điển của Phật Giáo Phát Triển (Mahàyàna). 

---o0o---


Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharmapundarika Sutra)


Vấn đề nguồn gốc và tác giả của kinh Diệu Pháp Liên Hoa 

Trước hết, chúng ta cần phải xem xét sơ bộ một vài cứ liệu chính về lịch sử của bộ kinh này. Trong thực tế, hầu hết các học giả đều nhất trí rằng kinh Saddharmapundarika, một trong những bộ kinh quan trọng nhất của Phật giáo Bắc Truyền hay Phát Triển, được biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ nhất A.D. Các bản dịch kinh Diệu Pháp Liên Hoa từ Sanskrit sang ngôn ngữ Trung Hoa được tiến hành rất sớm, có thể vào năm 234 A.D; nhưng số dịch phẩm ấy không còn dấu tích. Bộ Khai Nguyên Thích Giáo Lục (K’ai-yuan-shih-chao-lu) do ngài Trí Sanh (Chih-sheng) biên soạn năm 730 A.D ghi lại rằng có tất cả là sáu dịch bản trọn vẹn kinh Diệu Pháp Liên Hoa từ tiếng Sanskrit sang ngôn ngữ Trung Hoa được thực hiện, và trong số đó ba bản hiện còn tồn tại. Trong khi ấy, theo nghiên cứu của học giả B.Nanjio, có tất cả là tám hoặc chín bản dịch bằng tiếng Trung Hoa, trong số ấy chỉ duy ba bản hiện còn lưu hành. Ðó là: (1) Chánh Pháp Hoa Kinh (Cheng-fa-hua-ching) do ngài Dharmaraksa dịch vào năm 286 AD, gồm 7 hoặc 10 tập với 27 chương; (2) Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Miao-fa-lien-hua-ching) do ngài Kumàràjìva dịch vào năm 383 hoặc 406 AD, gồm 7 tập và 27 chương, hoặc 8 tập 28 chương; và (3) Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (T’ien-pen-miao-lien-hua-ching) do ngài Jnanagupta và Dharmagupta dịch vào năm 601 AD, gồm 7 tập 27 chương. Tuy nhiên, trong lời tựa của bản dịch Anh Ngữ “Scripture of The Lotus Blossom of The Fine Dharma”, học giả Leon Hurvitz còn đề cập sự kiện cụ thể hơn liên quan đến thời gian của các phiên bản Trung ngữ. Theo ý kiến của học giả này, các dịch bản bằng Hoa ngữ của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa được thực hiện một cách rõ ràng và cụ thể trong các năm 255. AD, 286.AD, 290.AD, 335.AD, 406.AD. và 601.AD; trong số đó, chỉ có bản thứ ba, thứ năm và thứ sáu còn tồn tại. Như thế, bên cạnh việc kinh Pháp Hoa được tin tưởng là đã phổ cập, một số cứ liệu mang tính lịch sử vừa bàn luận ở trên có thể được xem là những bằng chứng tiêu biểu liên quan đến nguồn gốc và sự phát triển của nó.



Nhìn chung, người ta có thể nhận thấy rằng kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã trải qua một tiến trình dài để đi đến hoàn tất. Giới học giả thường có một lập luận thống nhất là kinh này có hai phần chính: phần nguyên bản và phần bổ sung. Theo ý kiến của Sir Chales Eliot, kinh Diệu Pháp Liên Hoa gồm hai phần; phần thứ hai, tức phẩm thứ 25 và 26 là được thêm về sau. Trong cùng cách suy nghĩ, Maurice Winternitz còn có ý kiến như sau: phẩm nào không chứa đựng các bài kệ (gathà) là được bổ sung vào thời sau; chúng gồm phẩm thứ 25 và 26. Trong khi ấy, học giả Nhật Bản Hajime Nakamura nói rằng bản mẫu đầu tiên của kinh Diệu Pháp Liên Hoa mà hiện nay còn tồn tại là được tạo ra trong khoảng thời gian của thế kỷ thứ nhất sau A.D, và bản gốc bao gồm 27 phẩm rõ ràng đã xuất hiện trước năm 150 A.D. Bằng việc phân tích chi tiết hơn, H. Nakamura nói thêm rằng 22 phẩm đầu của kinh đã tồn tại trước năm 100 A.D. Ba chứng cứ sử liệu trên có lẽ đã minh họa toàn bộ bức tranh về nền tảng lịch sử của kinh Saddharmapundarika mà qua đó chúng ta có thể làm sáng tỏ vấn đề. Ðó là, nếu như kinh Saddharmapundarika (Diệu Pháp Liên Hoa), hoặc những kinh khác của Phật Giáo Bắc Truyền (Mahàyàna), ví dụ A Di Ðà (Sukhàvati-vyùha), Kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka) v.v..., không phải do chính Ðức Phật thuyết mà chúng thật ra được biên soạn về sau, vậy tại sao câu văn: “Tôi nghe như thế này” (tiếng Trung Hoa: Ju shih wo wen; và Sanskrit: Evam mayà srutam), vốn chỉ có một mình tôn giả A Nan, vị đệ tử thị giả thân tín và tận tụy nhất của bậc đạo sư, có quyền sử dụng và được thừa nhận là hợp pháp, lại được biên tập ngay từ câu đầu của tất cả các tác phẩm ấy? Bằng cách nào mà câu nói đó có thể được hiểu và chấp nhận để phù hợp giáo lý của Ðức Phật như được ghi lại trong kinh tạng Nikàya của Phật giáo Thượng Tọa Bộ? Rõ ràng chúng ta sẽ không dễ dàng gì để có câu trả lời nhằm làm thỏa đáng vấn nạn như thế. Tuy nhiên, một số giải thích gợi ý sau đây hy vọng là đáng được quan tâm.  Gợi ý thứ nhất là, giới triết gia xuất chúng của Phật giáo đã sáng tạo ra kinh Diệu Pháp Liên Hoa để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của giới tín đồ và nhằm duy trì sức sống của Phật giáo trong khi phải đối mặt với sự đàn áp của các tôn giáo hữu thần, đặc biệt là đạo Hindu (hậu thân của Bà la môn) trong khoảng cuối thế kỷ thứ hai trước Công nguyên như đã nói trước đây. Với ngôn ngữ cập nhật và cách giải thích mới về giáo lý, rõ ràng kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã thổi một luồng không khí tươi mát và sống động vào trong thế giới Phật giáo thời bấy giờ. Tuy nhiên, các sản phẩm trên thật sự được mô phỏng và phát triển từ chính tư tưởng và lời dạy của Ðức Phật. Do vậy, giới biên tác ẩn danh không dám đề tên của họ như là tác giả của số kinh ấy. Ðề nghị thứ hai là như vầy, các bậc thầy biên soạn kinh Pháp Hoa chắc chắn rất thiện xảo trong phương diện tâm lý, bởi vì họ nhận thức được rằng kinh Pháp Hoa chắc chắn sẽ được đón chào nồng nhiệt, kính trọng và tin tưởng nếu như được tuyên bố là do chính Ðức Phật thuyết giảng. Quả thật, kinh này đã được Phật giáo đồ ở mọi nơi, mọi thời gian tôn sùng, và tu tập. Gợi ý sau cùng nhưng có ý nghĩa rất lớn là, theo truyền thống của Phật giáo Bắc Truyền (Mahàyàna), một bản kinh được chấp nhận là kinh và được liệt kê vào trong danh sách Tam Tạng giáo điển (Tripitaka) của Phật giáo Bắc Truyền bắt buộc phải thỏa mãn sáu điều kiện, và câu văn “Evam mayà satam”, nghĩa là “Tôi nghe như thế này” (tiếng Trung Hoa: Như thị ngã văn) là điều kiện quan trọng nhất trong chúng. Do vậy, tất cả kinh điển của Phật giáo Phát Triển đều thuộc phải tuân thủ nguyên tắc trên, nghĩa là phải ứng dụng mẫu thức “Evam mayà satam” (Tôi nghe như thế này) ở ngay phần đầu của chúng, cho dù trong thực tế người ta biết rất rõ chúng được những bậc đạo sư lỗi lạc của Phật giáo trước tác và biên soạn về sau.

 

---o0o---




tải về 0.83 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   ...   27




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương