ĐIỂm báo ngàY 01. 12



tải về 255.74 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu23.07.2016
Kích255.74 Kb.
#2706
1   2   3   4


Làng tôi mê Kiều


(Baohatinh.vn) - Nếu thuở xưa, ở huyện Hương Sơn có cuộc thi người mê Kiều thì thể nào bác tôi - Phan Đình Trương (xóm Tàu Sơn, xã Sơn Thủy) cũng giành giải nhất. Ông lại là người có vốn liếng về chữ Hán nên hiểu sâu về các điển tích...

Tôi nhớ làng tôi hồi đó rất hiếm sách, Truyện Kiều lại càng hiếm. Nhưng bác tôi lại có hẳn cuốn Truyện Kiều được in khá đẹp với bản dịch của cụ Bùi Kỷ. Đáng quý hơn, cuốn sách này từ chương đầu đến chương cuối đều có những trang minh họa tài hoa của họa sĩ. Cuốn Truyện Kiều có lẽ cũng “độc nhất vô nhị” đối với miền sơn cước quê tôi hồi ấy vì bác tôi được người con trai cả mang từ Hà Nội về tặng...



Soi bóng Ngàn Phố

Từ khi có Truyện Kiều, căn nhà bác tôi rôm rả hẳn. Cứ mỗi tối, hết tốp nọ đến tốp kia lại kéo nhau đến nhà bác vừa vui thú tổ tôm, vừa đàm đạo Truyện Kiều. Bên bát nước chè xanh bốc khói, anh Hiệp - con trai út học lớp 5 có giọng đọc ấm áp, truyền cảm được bác giao nhiệm vụ đọc Truyện Kiều cho mọi người nghe. Cứ mỗi đêm chỉ đọc vài trăm câu, đọc đến đâu, bác tôi lại giảng giải cho mọi người nghe đến đó. Xóm tôi hồi ấy, ông Lịch, ông Lê, ông Thế đều không biết chữ nhưng được thưởng thức nhiều lần Truyện Kiều ở nhà bác tôi, thành thử, ai cũng thích và người ít nhất cũng thuộc vài chục câu, nhưng nội dung cốt truyện họ đều nhớ vanh vách. Thuở ấy, tôi mới chỉ là một cậu bé học lớp 2 nhưng nhiều đêm cũng bỏ cuộc chơi trốn tìm và kéo lũ bạn hay nghịch ổ rơm đến nhà bác nghe đọc Kiều. Cho tới bây giờ, tôi vẫn nhớ như in gương mặt ông Lê. Ngày nào ông cũng vô rú đốt than đem bán lấy tiền đong gạo, nhưng đêm nào trăng thanh, gió mát, ông cũng tham gia sinh hoạt “hội Kiều” ở nhà bác tôi.

Một bữa, khi nghe anh Hiệp đọc đến đoạn: “Thúy Kiều mắc mưu Hồ Tôn Hiến” và viên quan tổng đốc này ép Kiều gảy đàn:



Hỏi rằng này khúc ở đâu?

Nghe ra muốn oán ngàn sầu lắm thay

Thưa rằng bạc mệnh khúc này

Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ

Cung cầm lựa những ngày xưa

Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây.

Bên ngọn đèn dầu tù mù, tự nhiên, tôi thấy ông Lê chảy nước mắt. Không khí lúc ấy càng im ắng hơn. Tôi nghe bác giảng giải cho mọi người hiểu quan tổng đốc Hồ Tôn Hiến dưới triều phong kiến là người đứng ở ngôi thứ nào? Vì sao Kiều mắc mưu Hồ Tôn Hiến để dụ Từ Hải ra hàng. Hồi lâu tan cuộc, tôi thấy ông Lê đốt bó đuốc nứa rồi đi ra ngõ, miệng vẫn lẩm bẩm “Chết đứng như Từ Hải mà mình vẫn thấy thương”. Trời ơi! Một người không biết chữ, quanh năm rau cháo qua ngày mà vẫn mê Kiều, lẽ nào bác mình có Truyện Kiều mà mình lại không tranh thủ đọc, tranh thủ ghi.





Thuý Kiều

Một bữa, hai đứa cùng nhau ra vườn ông Túc trèo hái ổi ăn, tôi nói với thằng Dùng: “Ở nhà bác tau có cuốn Truyện Kiều của Nguyễn Du hay lắm. Hai đứa ta cùng chép lại toàn bộ cuốn sách ấy được không?”. Thế là chúng tôi cùng chép. Thằng Dùng chữ đẹp như chữ viết giấy khen mà lại viết nhanh, nên tôi đọc cho nó chép. Hồi ấy, anh trai tặng tôi những 5 xếp giấy trắng và 2 lọ mực Cửu Long nên tôi không phải lo việc sắm giấy mực. Mỗi tối, Dùng lại xách cặp tới nhà tôi học, sau khi làm xong các bài tập thầy ra, chúng tôi dành hơn một tiếng để chép Truyện Kiều.

Khó nhất là đoạn minh họa các trang nhưng Dùng vẫn vẽ được, nào cảnh chị em Thúy Kiều đi chơi xuân gặp chàng Kim Trọng, rồi hình ảnh Hoạn Thư đánh ghen Kiều, đến anh hùng Từ Hải “Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”. Tuy còn bé tẹo nhưng thằng Dùng đã nghĩ ra những ý tưởng rất độc đáo. Nó giải thích: “Đối với Thúy Kiều thì phải dùng bút chì đỏ tô môi hồng, má hồng cho nàng đẹp lên; còn đối với Từ Hải lại dùng bút chì đen tô lông mày dài và thật đậm vì nhân vật này thuộc diện “Râu hùm hàm én mày ngài” mà.

Chẳng thể ngờ, chính nhờ đọc Truyện Kiều bằng bản chép tay này mà tôi và Dùng đứa nào cũng thuộc gần như trọn quyển sách, dù nhiều điển tích chúng tôi còn phải mò mẫm suốt cả cuộc đời. Nhưng có một điều tôi khẳng định rằng: chúng tôi yêu văn học, yêu tiếng Việt và yêu quê hương, bè bạn, xóm làng bắt đầu từ Truyện Kiều. Được chép Truyện Kiều từ hồi nhỏ và được học Truyện Kiều, 2 đứa tôi khoan khoái như “trúng tủ” đề thi. Mỗi lần làm văn về đề tài này, tôi và Dùng đều được điểm 8, là mức điểm xuất sắc thời ấy. Học xong phổ thông, vào bộ đội, mỗi lần gửi thư về cho gia đình hay bạn bè, cả tôi và Dùng đều không quên nhắc hay họa vài câu Kiều. Có lần Dùng đưa cho tôi một tấm ảnh của bạn gái rất thân hồi học phổ thông, sau bức ảnh đen trắng nhỏ xíu ấy, Dùng đề 2 câu Kiều:

Tiếc thay một đóa trà mi

Con ong đã tỏ đường đi lối về.

Tôi hỏi: “Sao cậu lại đề thế?”. Dùng buồn bã đáp: “Tao đang định tấn công nhưng nó đã có người bỏ trầu rồi”.

Rằm tháng bảy năm nay đúng là duyên kỳ ngộ, sau bao nhiêu năm xa cách, cả hai tóc đã bạc, chúng tôi gặp lại nhau. “Hội đọc Kiều” ở nhà bác tôi thuở xưa đều trở thành “người muôn năm cũ”. Tôi và Dùng thành kính thắp nén nhang trước bàn thờ bác. Thật ngạc nhiên, cuốn Truyện Kiều năm xưa vẫn được đặt trên bàn thờ. Anh Hiệp cho biết: “Lúc còn sống, ông dặn, khi ông mất, cứ đặt cuốn Truyện Kiều này lên bàn thờ”.

“Từ khi ông mất, tưởng xóm làng vắng bóng người mê Kiều, nhưng không, làng này vẫn có tới hàng chục thanh niên thuộc Truyện Kiều. Hôm vừa rồi liên hoan văn nghệ xóm, ai ngờ nam nữ thanh niên dựng vở “Kim Kiều gặp nhau” hay lắm. Hôm đó, chú mà về xem thì biết văn hóa Kiều đã ăn sâu vào tiềm thức con người Việt Nam như thế nào” - anh Hiệp xúc động kể thêm.



QUỲNH HẬU

Tháng 10/2015

Truyện Kiều - Bạn tâm tình của mẹ

(Baohatinh.vn) - Mặc dầu khi ấy đã lên ba, song mỗi lúc nằm ngủ bên mẹ trong căn nhà tranh nhỏ thiếu hơi ấm người đàn ông, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng mẹ ru như lúc còn ẵm ngửa:

À ơ! Lơ thơ tơ liễu buông mành

Con oanh học nói trên cành mỉa mai

Mấy lần cửa đóng then cài

Cửa đóng mặc cửa, then cài mặc then.

Sau này lớn lên, đọc và nghiên cứu Truyện Kiều, tôi mới hay là mẹ đã “chế” thêm câu cuối Cửa đóng mặc cửa, then cài mặc then để tạo nên một tình huống mới cho truyện theo cách hát giặm (đan vào, cài vào) của người Hà Tĩnh, chứ thực chất nguyên tác của Truyện Kiều là: Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu? Mấy câu này trong cảnh Kim Trọng đi tìm Kiều sau lần gặp gỡ đầu tiên. Đến tận bây giờ, khi hỏi lại mẹ, mẹ vẫn đọc lại y nguyên câu ấy.





Theo năm tháng lớn lên, chứng kiến bao nỗi vất vả của mẹ, một phụ nữ tuổi còn trẻ, chồng hy sinh, một nách 3 con dại cùng mẹ chồng mù lòa, bản thân bệnh tật, trải bao đắng cay, tủi nhục, đói rét cơ hàn, tôi càng hiểu hơn vì sao mẹ lại ngâm ngợi Kiều nhiều như thế. Con cái còn quá bé, anh em, bạn bè quyến thuộc ai cũng phải lo bát cơm, manh áo và chống đỡ với bom đạn, thiên tai. Xóm làng cho ở nhờ, giúp làm hầm, đỡ lúc tối lửa, tắt đèn đã là quá tốt. Ai có thể chia sẻ tâm trạng cô đơn, trống vắng, những mất mát, tủi hờn của mẹ hơn những trang Kiều? Ai hiểu và đồng cảm cho cảnh ngộ của mẹ hơn những dòng lục bát chứa chan nỗi niềm thế sự của Nguyễn Du:

Chút thân quằn quại vũng lầy

Sống thừa còn tưởng đến rày nữa sao?

Nghe mẹ đọc câu này nhiều lần mà đến tận bây giờ tôi mới thấm thía hết cảm xúc của mẹ ngày ấy. Thân phận của một góa phụ sống đi chết lại mấy lần (mẹ tôi đã 4 lần lên bàn mổ, lần cuối cùng suýt chết) đã được mẹ ví như nàng Kiều 2 lần kề bên cái chết, 15 năm chìm nổi lưu lạc.

Mẹ cứ ngâm ngợi như vậy sau những buổi tất tả ngược xuôi chợ búa kiếm ăn cho đàn con, sau những lời ong, tiếng ve, sau những buồn bực khi con cái còn dại dột, chưa vừa ý mẹ. Bà ngoại đông con, mẹ vừa học hết lớp xóa mù chữ và làm được vài con tính thì đã phải nghỉ học đi ở trông con cho người khác. Ru em, ru con người khác, ru con mình, mẹ đều học từ ông bà và làng xóm những câu Kiều mượt mà, êm ái, thấm đẫm nhân tình. Cuốn sách duy nhất mẹ có và mang bên mình là Truyện Kiều.

Có phải thân phận nàng Kiều vận vào mẹ không mà mẹ thường giở Kiều đọc sau những buổi chợ trưa vắng người, những đêm đông giá lạnh bên ngọn đèn dầu tù mù, trong mùi trầu cay phảng phất:



Ngẫm hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Hình như những câu thơ ấy đã an ủi được mẹ rất nhiều, nhất là những khi nhìn vào gia cảnh người khác sung túc, chồng con đề huề, để rồi mẹ lại an phận thờ chồng, nuôi con, tận tụy chăm sóc mẹ già, ngược xuôi mua lá tro về ngâm bùn lợp lại mái nhà dột nát, thuê người sửa sang lại gian bếp, tất bật chợ sớm, chợ chiều, bếp núc giỗ chạp, chăm lo sách áo cho đàn con tới trường... Khi buồn, mẹ đã có Kiều bên cạnh:



Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

Đòi phen nét vẽ câu thơ

Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa

Vui là vui gượng kẻo mà

Ai tri âm đó, mặn mà với ai.

Khi vui mẹ cũng có Kiều. Ấy là khi đàn con học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, biết đỡ đần mẹ, được xóm giềng, thầy cô ngợi khen. Những lúc ấy, mẹ lại giở cảnh đoàn viên ra đọc:



Hoa tàn mà lại thêm tươi

Trăng tàn mà lại thêm muời rằm xưa.

Tôi nhớ mãi một trong nhiều lần bói Kiều ở gia đình tôi hồi ấy. Đó là lúc đất nước đã hòa bình, dưới mái tranh nghèo, bên ngọn đèn dầu, mẹ gọi các cô em gái sang và chúng tôi, tất nhiên cũng xúm lại. Mẹ bảo dì út, lúc ấy sắp sửa lấy chồng, gấp cuốn Truyện Kiều lại, ngồi khoanh tròn, thành kính, nghiêm trang đọc theo mẹ: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, cho con bói một quẻ xem tình duyên thế nào”.





Bây giờ mẹ tôi đã không còn đọc được Kiều nữa vì mắt kém. Thỉnh thoảng, buổi tối về chơi với mẹ, tôi lại lấy Kiều ra đọc và kể cho mẹ những trích đoạn mẹ đã quên

Dì tôi làm đúng như lời chỉ dẫn của mẹ. Dì vừa giở cuốn sách ra, đọc to lên, ai nấy đều ngạc nhiên và vui mừng:

Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn

Đặt giường thất bảo vây màn bát tiên

Trai anh hùng, gái thuyền quyên

Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng.

Đây là đoạn nói về chuyện Từ Hải chuẩn bị cưới nàng Kiều, rất đẹp đôi, vừa lứa, mẹ giải thích. Thấy linh ứng quá, dì tôi về đọc lại cho chồng chưa cưới nghe và chúng tôi thì đọc đi, đọc lại đến thuộc làu.

Bây giờ thì mẹ tôi đã không còn đọc được Kiều nữa vì mắt kém. Thỉnh thoảng, buổi tối về chơi với mẹ, tôi lại lấy Kiều ra đọc và kể cho mẹ những trích đoạn mẹ đã quên. Mẹ bảo: “Mẹ không nhớ nhiều, các con bây giờ thuộc nhiều hơn mẹ, nhưng những câu này thì các con phải nhớ nhập tâm:

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.

Phật cũng dạy như vậy đó. Làm bất cứ việc gì cũng phải có Tâm các con ạ!”.



Bùi Minh Huệ

Khai trương phòng trưng bày “Di sản văn chương Nguyễn Du và Truyện Kiều”

(Baohatinh.vn) - Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, chiều 30/11, tại Khu lưu niệm Nguyễn Du, Sở VH-TT&DL tổ chức khai trương phòng trưng bày “Di sản văn chương Nguyễn Du và Truyện Kiều”.



Lãnh đạo địa phương và ngành VH-TT&DL cắt băng khai trương phòng trưng bày

Phòng trưng bày triển lãm gồm tập hợp các tác phẩm tiêu biểu di sản văn chương Nguyễn Du và Truyện Kiều; hình ảnh hiện vật di chỉ khảo cổ Phôi Phối – Bãi Cọi, mộc bản Trường Lưu và các tác phẩm văn phái Hồng Sơn; truyền thống lịch sử văn hóa và thành tựu KT-XH của Hà Tĩnh.

Phòng trưng bày trên 1.000 tác phẩm, tài liệu, hiện vật, hình ảnh, trong đó có hơn 600 tác phẩm, tài liệu khoa học, luận văn, luận án, hiện vật và sách báo tiêu biểu về Nguyễn Du và Truyện Kiều; trên 150 đầu sách quý được số hóa, các hiện vật gốc về dòng họ và quê hương Nguyễn Du; trên 150 bức tranh sơn dầu phóng tác minh họa truyện Kiều được trưng bày theo chủ đề nội dung.







Đông đảo đại biểu, du khách trong và ngoài nước, người dân tham quan phòng trưng bày

Đặc biệt, trưng bày 20 bộ tranh minh hoạ Truyện Kiều trên chất liệu giấy dó đã được trưng bày tại Hà Nội nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, 24 tài liệu giấy bản giá trị, 15 đầu sách Truyện Kiều được dịch sang tiếng nước ngoài và nhiều tại liệu quý giá khác.

Phúc Quang

Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng "Tiếng tơ Tiên Điền"

(Baohatinh.vn) - Nằm trong các hoạt động chào mừng kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, tối 30/11, tại Trung tâm Văn hóa huyện Nghi Xuân, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) phối hợp với Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh khai mạc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng đàn và hát dân ca khu vực đồng bằng Bắc Trung bộ và Châu thổ sông Hồng với chủ đề "Tiếng tơ Tiên Điền".



Về tham dự chương trình có Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vương Duy Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện và hơn 250 diễn viên, nghệ sỹ đến từ 10 đoàn: Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Trung tâm Văn hóa người cao tuổi Việt Nam, CLB Dân ca làng Mộc Quan Nhân - Nhân Chính Thanh Xuân (Hà Nội).



Phát biểu tại lễ khai mạc, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vương Duy Bảo và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện khẳng định: Sự nghiệp sáng tác của Đại thi hào Nguyễn Du mà đỉnh cao là kiệt tác Truyện Kiều – tập đại thành của văn học cổ điển dân tộc đã góp phần tôn vinh bản sắc, giá trị văn hoá Việt Nam trên trường quốc tế.



Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vương Duy Bảo...

Kiệt tác Truyện Kiều, vì vậy, đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca nhạc họa về sau. Đã có rất nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước chuyển thể sinh động tác phẩm này sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, âm nhạc, kịch… Nhiều loại hình nghệ thuật, sinh hoạt dân gian đã ra đời từ Truyện Kiều như: lẩy Kiều, bói Kiều, chèo Kiều, đố Kiều...



... và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện phát biểu tại lễ khai mạc

Liên hoan Nghệ thuật quần chúng “Tiếng tơ Tiên Điền” chính là một trong nhiều hoạt động nằm trong “Tuần Văn hóa – Du lịch Nguyễn Du”, là dịp để giới thiệu, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa do Nguyễn Du và Truyện Kiều để lại; tạo điều kiện cho các nghệ sỹ, diễn viên giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiêm, nâng cao nhận thức, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước, giới thiệu đến đông đảo bạn bè về quê hương Hà Tĩnh và các tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ và khu vực Châu thổ Sông Hồng về Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều.



Trao cờ lưu niệm cho các đoàn về tham dự

Chương trình sẽ diễn ra từ đêm 30/11 cho đến 05/12.

Ngoài tổ chức liên hoan tại Nghi Xuân, các đoàn sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân tại các huyện Can Lộc, TX. Hồng Lĩnh và TP. Hà Tĩnh.



Thêm một số hình ảnh các tiết mục nghệ thuật đặc sắc trong đêm khai mạc:











Phúc Quang

Giao lưu nghệ thuật Nguyễn Du và Truyện Kiều

(Baohatinh.vn) - Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, UBND huyện Hương Sơn vừa tổ chức Chương trình Giao lưu nghệ thuật Nguyễn Du và Truyện Kiều năm 2015.





Tiết mục diễn kịch Kiều trích đoạn "Hoạn Thư đánh ghen" và tiết mục Lẩy Kiều của trường THPT Lý Chính Thắng

Các giáo viên và học sinh của 4 trường THPT và Trung tâm Dạy nghề & GDTX trên địa bàn đã đem đến chương trình giao lưu các tiết mục về Nguyễn Du và Truyện Kiều như: Lẩy Kiều, vịnh Kiều, diễn trò Kiều, đố Kiều...



Tiết mục Đố Kiều của Trường THPT Hương Sơn

Trong diễn kịch đã tái hiện một số đoạn trích nổi tiếng trong truyện Kiều như Hoạn Thư đánh ghen, Kim - Kiều gặp gỡ... Ngoài ra, còn có một số tiết mục dân ca ví, dặm tự biên, các ca khúc với nội dung ca ngợi mảnh đất con người Nghi Xuân, Nguyễn Du và Truyện Kiều...



Tiết mục múa hát " Tiếng đàn Thúy Kiều" của Trường THPT Hương Sơn

Trong chương trình giao lưu còn có các tiết mục ngâm thơ, đọc thơ của các tác giả Hội văn học nghệ thuật Hà Tĩnh và nói chuyện về cụ Nguyễn Du, bình Kiều của giáo viên, học sinh...

Chương trình Giao lưu nghệ thuật Nguyễn Du và Truyện Kiều đã thu hút trên 500 cán bộ, giáo viên, học sinh và những người yêu Truyện Kiều tham dự.





Tiết mục dân ca ví, dặm "Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du ..."

Hơn 1 tháng qua, huyện Hương Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du thông qua các buổi giao lưu, nói chuyện, diễn đàn, thi tìm hiểu về Nguyễn Du và các tác phẩm tiêu biểu của cụ; tổ chức cho giáo viên, học sinh đi tham quan tìm hiểu tại Khu di tích lịch sử Nguyễn Du...

Thông qua các hoạt động đó đã giúp cho các thầy cô giáo, các em học sinh và mỗi người dân có dịp tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều với sức sống vượt thời gian góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc và hướng con người đến những giá trị nhân văn cao đẹp.



Hương Hà

Quá thời hạn thi công 19 tháng, công trình vẫn ngổn ngang!

(Baohatinh.vn) - Hội trường trung tâm văn hóa xã Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh) được chính thức triển khai xây dựng từ tháng 1/2014, do UBND xã Thạch Đồng làm chủ đầu tư. Theo hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công, công trình sẽ hoàn thành sau 90 ngày, nhưng đến nay đã gần 2 năm vẫn còn ngổn ngang.



Dở dang công trình Hội trường trung tâm văn hóa xã Thạch Đồng

Ông Trần Quốc Hương - Chủ tịch UBND xã Thạch Đồng cho biết: “Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do thiếu nguồn lực thực hiện. Ngoài 500 triệu đồng do UBND thành phố hỗ trợ thì xã phải bỏ ra khoảng 2,5 tỷ đồng. Số tiền này quá lớn, trong khi đó, nguồn thu ngân sách của xã cũng đang rất khiêm tốn”.

Đến nay, công trình này mới cơ bản hoàn thành phần thô. Được biết, do phải thi công ngắt quãng nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc của cán bộ, công chức xã trong thời gian dài. Ngoài ra, máy móc, thiết bị và vật liệu xây dựng để ngổn ngang ngay tại sân trụ sở cũng gây cản trở cho người dân khi đến giao dịch.

Để giải quyết vấn đề này, UBND xã Thạch Đồng đã ký cam kết với đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ công trình và sẽ tiến hành giải ngân cho bên B 70% tổng số vốn đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề này rất khó thực hiện bởi theo như lời Chủ tịch UBND xã Thạch Đồng thì xã vẫn chưa có đủ kinh phí để giải ngân.


Công trình Hội trường trung tâm văn hóa xã Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh) có tổng diện tích 395 m2, quy mô 250 chỗ ngồi.



tải về 255.74 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương