Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất Mở Rộng LÃnh đẠo theo phong cách thầy giê-su trong tin mừng mác-cô Giêrônimô Nguyễn Văn Nội



tải về 1.46 Mb.
trang10/21
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích1.46 Mb.
#33087
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   21

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Danh hiệu của Tin Mừng (1)

Cả bốn quyển mở đầu bộ Tân Ước chỉ bắt đầu được gọi là “Tin Mừng” nhiều năm sau khi được viết ra. Vào thời tác giả Máccô, “Tin Mừng” không có nghĩa là một quyển sách, mà là “những tin vui” do một sứ giả mang đến. “Các tin mừng” là những tin về các chiến thắng, các biến cố may lành, các hiệp ước hòa bình và nhất là tin về các cuộc chào đời. “Các tin mừng” làm bừng lên những niềm hy vọng về một cuộc sống tiện nghi, sức khỏe, bình an, nên dân chúng vui sướng khi nghe được.    



Mc 1,1 dùng từ ngữ “tin mừng” để giới thiệu “lời rao giảng của Kitô giáo”, cho chúng ta biết việc cứu độ và hạnh phúc không còn là kết quả của những tin vui về hoàng đế hoặc về một ai đó giống như hoàng đế, nhưng là kết quả đến từ lời rao giảng của Đức Giêsu, cũng là lời giảng về Đức Giêsu, cho thấy đã đến lúc Thiên Chúa can thiệp chung kết vào lịch sử loài người.

 * Hoạt động của Gioan (2-6)

Câu trích tổng hợp Is, MlXh (cc. 2-3) có mục đích xác định vai trò của Gioan trong quan hệ với Đấng Mêsia mà ta biết là chính Đức Giêsu. Nhưng một nét được nêu bật là Gioan không phải là vị Tiền Hô của Con Người sẽ đến, mà là của Đức Giêsu trần thế.  

Còn cc. 4-6 giới thiệu tóm tắt bản thân và hoạt động của Gioan: ông loan báo phép rửa bày tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Tác giả đặt đối lập phép rửa bằng nước của Gioan và phép rửa bằng Thánh Thần của Đấng Mêsia. Phép rửa bằng Thánh Thần liên hệ rõ ràng đến phép rửa tội Kitô giáo. Nói đến “để được ơn tha tội” là nêu một khẳng định liên hệ đến Thiên Chúa: Ngài sẵn sàng tha thứ các tội lỗi; nói đến “sám hối” là nêu một khẳng định về loài người: họ có tội và được dạy rằng Thiên Chúa tha tội cho họ. Sứ điệp của Gioan đưa đến cả nỗi sợ hãi lẫn niềm vui.

Dân chúng đã từ khắp nơi kéo đến (khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem); tác giả không nói đến Galilê, vì theo ngài, hoạt động của vị Tiền Hô tập trung vào miền nam. Họ thú nhận tội lỗi: ta có thể nghĩ đến một hành vi tương tự mà các thành viên ở Qumrân làm vào lễ tái lập giao ước (1 QS 1,22–2,1) hoặc người Do Thái làm vào ngày Lễ Xá Tội.  

 * Lời loan báo của Gioan (7-8)

Tương hợp với câu trích Is nói về tiếng nói của người loan báo, hoạt động của Gioan được mô tả như là một việc “hô to [như anh mõ làng]”; “công bố”; “phổ biến” (kçryssein). Hành vi này đưa ông đến gần Đức Giêsu (1,14.38t), các môn đệ (3,14; 6,12), Tin Mừng (13,10; 14,9), các sứ giả đức tin (1,45; 5,20; 7,36). Cùng với sự đối lập giữa phép rửa của ông với phép rửa của Đấng Mêsia, ông loan báo “Đấng quyền thế hơn (= Đấng mạnh hơn [ông])” đang đến. 

 

+ Kết luận

Đến đây, chúng ta đã có thể hiểu vì sao sứ vụ của Gioan lại là “khởi đầu Tin Mừng”. Bởi vì Tin Mừng là biến cố trước khi là sứ điệp. Qua vị Tẩy Giả, Thiên Chúa thực hiện các Lời Ngài hứa (cc. 2-3); Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu, Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần (cc. 6-8). Như thế, sứ vụ của Gioan đã thuộc về biến cố cánh chung, biến cố này xảy ra khi Đức Giêsu bắt đầu rao giảng tại Galilê và các môn đệ rao giảng khắp tứ phương thiên hạ.

Gioan chỉ là một sứ giả “đi trước mặt” Đức Chúa (c. 2). Nhưng cũng chính ông có nhiệm vụ viết trang dẫn nhập vào Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Chính vì thế, “trong số phàm nhân lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11).

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Chúng ta được mời gọi tin vào sự trung tín của Thiên Chúa: Ngài đã lên kế hoạch cứu độ, thì khi đến thời Ngài đã định, Ngài sẽ ban gửi các vị loan báo Tin Mừng Cứu Độ đến. Sứ điệp Gioan loan báo mang lại cả nỗi sợ hãi lẫn niềm vui, bởi vì ông nói cho họ biết rằng họ bị thất sủng, tương quan của họ với Thiên Chúa đã bị rối loạn, nhưng đồng thời ông khẳng định rằng Thiên Chúa đầy lòng thương xót đối với họ và Ngài muốn thắng vượt tình trạng thất sủng của họ. Đoạn văn này cũng cho thấy Ba Ngôi (Đấng xưng là “Ta”, “Đấng quyền thế hơn” và “Thánh Thần”) cùng làm việc để thực hiện công trình cứu độ.


2. Gioan không xác định tội ông nói đến là tội gì. Dĩ nhiên ông có thể hiểu ngầm rằng những người đang nghe ông biết các tội của họ. Từ sự hiểu biết này phát sinh ước muốn thú nhận các tội lỗi của mình (1,5). Tuy nhiên, tội căn bản là loài người không nhận biết Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình và là Chúa tể của mình, không tự hỏi về ý muốn của Thiên Chúa, nhưng muốn làm chúa tể của chính mình, đi theo những ý muốn của mình. Đặc biệt tội hệ tại việc không tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa vì các điều răn cho biết ý muốn của Thiên Chúa.   
3. Người Kitô hữu cũng có một vai trò tiền hô đối với anh chị em mình. Muốn thế, cần xác định rõ ràng quan hệ của mình với “Đấng đang đến”, để khiêm tốn và trung thực giới thiệu về Người như là Đấng đã đang có mặt trong lịch sử loài người.
4. Vị Tẩy Giả nhìn người ta lên khỏi nước. Ông gạt đi các lời cám ơn và ca ngợi. Ông nói với họ về “Đấng quyền thế hơn”, Đấng sẽ ban cho họ Thần Khí của đời sống mới. Đời sống này sẽ khởi sự khi người ta nhận ra và đón tiếp Đức Kitô cùng với sự khôn ngoan của Người vào lòng. Họ đang ở tại bờ của một khởi đầu; họ cần sẵn sàng, khao khát, mở lòng ra.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm

.

 



 
BÀI ĐỌC THÊM (2)

ĐỨC GIÊSU CHIẾN THẮNG XATAN

(Máccô 1,12-15 – CN I MC - B)

 

1.- Ngữ cảnh

Đây là phân đoạn cuối của Lời tựa (1,1-15), kể lại những hoạt động đầu tiên của Đức Giêsu sau khi chịu phép rửa.

 

2.- Bố cục

Bản văn này gồm hai đơn vị:

1) Cám dỗ trong sa mạc (1,12-13);

2) “Bản tóm tắt” công việc rao giảng của Đức Giêsu tại Galilê (1,14-15):

a- nơi chốn và thời gian (c.14a),

b- chính “bản tóm tắt” (cc. 14b-15).

 

3.- Vài điểm chú giải



- Thần Khí đẩy Người (12): Động từ Hy Lạp ekballô, “quăng ra; đuổi; kéo ra”, thuộc thì “hiện tại lịch sử” (historic present), một thì tiêu biểu của TM Máccô. Trong tác phẩm, động từ này luôn luôn hàm ý sức mạnh, có khi là một sức mạnh áp đảo (đuổi ma quỷ: 1,34; 3,15.22.23; 6,13; 7,26; 9,18.28.38; 16,9.17. Về người: 1,43; 5,40; 11,15; 12,8). Các Tin Mừng Nhất Lãm khác dùng những động từ nhẹ nhàng hơn (Mt: anagesthai, “được dẫn”; Lc: agesthai, “được dẫn”). Ý nghĩa: chính Thánh Thần đã là sức mạnh làm cho Đức Giêsu đi vào hoang địa.

- bốn mươi ngày (13): Trong MtLc, giữa những câu trao đổi giữa Đức Giêsu và Xatan, trích từ sách XhDs, chúng ta hiểu đây là một quy chiếu về biến cố Xuất Hành. Còn trong Mc, có thể con số “40” này là một âm vang của cuộc thử thách 40 ngày mà Môsê (Xh 34,28) và ngôn sứ Êlia (1 V 19,1-8) đã trải qua.

- hoang địa (sa mạc): Sa mạc có ảnh hưởng dọc theo lịch sử Dân Thiên Chúa. Lịch sử này đã ghi lại hai kỷ niệm có vẻ mâu thuẫn nhau, nhưng thật ra là hai mặt của cùng một hoàn cảnh: (1) Thời gian ở trong hoang địa trước tiên được trình bày như thời kỳ sống lý tưởng của Dân được Thiên Chúa tuyển chọn; khi ấy, lý tưởng tôn giáo của họ phát triển phong phú và họ sống lý tưởng này ở mức hoàn hảo. (2) Nhưng đây cũng là thời thử thách, thậm chí thời trừng phạt, dành cho tội lẩm bẩm kêu ca và bất phục tùng. Hoang địa vừa là nơi con người tách mình khỏi trần thế để được thanh luyện (các nhân vật lớn của dân Chúa đến đây để làm cho các chương trình của mình được chín muồi, hoặc để tái phục hồi lòng nhiệt thành), vừa là nơi thử thách. Ở đây, hoang địa là nơi đáng sợ bởi vì có các dã thú cư ngụ. Tác giả không quan tâm xác định một địa điểm theo địa lý.

- Xatan (Hp. Sâtân, “kẻ tố cáo, kẻ chống đối” (HL. satanas; x. Mc 3,23.26; 4,15; 8,33): Tên này tương tự với diabolos, “ác thần”, “quỷ”, kẻ điều hành những sức mạnh xấu xa, đối thủ của Thiên Chúa, kẻ thù của loài người.

- cám dỗ (HL. peirazomai, “bị thử thách”, “bị cám dỗ”): Ở đây động từ này hàm ẩn một ý đồ gian ác. Hành động cám dỗ được mô tả như là xảy ra suốt thời gian 40 ngày. Mặc dù tác giả Mc không mô tả chi tiết hơn việc quỷ cám dỗ Đức Giêsu, ta có thể giả thiết là cuộc cám dỗ có một lý do Kitô học, tức được nhắm vào việc thi hành nhiệm vụ Mêsia. Người đã thắng Xatan như một báo trước; Người sẽ thắng nó vĩnh viễn (x. 2 Tx 2,3-12; Kh 19,19t; 20,2.10).

- sống giữa loài dã thú và có các thiên thần hầu hạ: Hoang địa Giuđê là nơi cư trú của nhiều loại dã thú; sự kết nối giữa các thiên thần hầu hạ (diêkonoun: thì vị-hoàn [imperfect] để mô tả một việc phục dịch kéo dài suốt thời gian ở trong hoang địa) và sự che chở khỏi các thú dữ khiến có thể coi Tv 91,11-13 là một bối cảnh. Với hoạt cảnh này, tác giả cho hiểu là với Đức Giêsu, thời cánh chung đã bắt đầu: Đức Giêsu là Ađam mới, có thể đưa ta trở lại Địa đàng.  

- Sau khi ông Gioan bị nộp (14): Gioan Tẩy Giả lại được giới thiệu là Tiền Hô của Đức Giêsu. Đức Giêsu bắt đầu hoạt động công khai sau hoạt động của Gioan. Chi tiết này thuộc về lược đồ lịch sử cứu độ hơn là lịch sử trần thế: Đức Giêsu không thể bắt đầu được trước khi vị Tiền Hô ra khỏi sân khấu. Kết thúc tàn bạo Gioan phải chịu cũng gợi ý xa xa về số phận của Đức Giêsu. Động từ HL paradothênai (thái bị động) khiến ta phải thấy ở đây có bàn tay của Thiên Chúa làm việc (áp dụng cho Đức Giêsu: 9,31; 10,33; 14,41) .

- Tin Mừng của Thiên Chúa: Công thức với thuộc-cách này vừa có nghĩa là Tin Mừng đến từ Thiên Chúa và Tin Mừng nói về Thiên Chúa. Đây là một “Tin Mừng”, nghĩa là tin về một sự kiện có thật, chứ không phải là một suy diễn, một giả thiết, một lý thuyết, thậm chí một lệnh truyền. Do có mạo từ xác định, đây chính là Tin Mừng tuyệt hảo, mà người ta không thể thêm vào một tin nào hay hơn, tốt hơn, mừng hơn.  

- Thời kỳ đã mãn: “Thời kỳ” (kairos [thời gian đã định, lúc] ≠ chronos [khoảng thời gian]) là thời điểm quyết liệt Thiên Chúa đã định, mọi sự tùy thuộc thời điểm này (x. Đn 7,22; Ed 7,12; 9,1; Ac 4,18; Kh 1,3; 1 Pr 1,1). Trong TM Lc, có những quy chiếu về thời kỳ này (Lc 12,56; 19,44).

- Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần: Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được nhận biết như là Chúa Tể và Vua của Israel (x. Is 43,15; 52,7); và người ta chờ đợi Người tỏ mình ra công khai như là Đức Vua và Chúa Tể duy nhất và thống trị tất cả mọi sự thật rõ ràng (x. Mk 4,7; Xp 3,15; Dcr 14,9). Đức Giêsu không nói: “Triều Đại Thiên Chúa mà anh em vẫn chờ đợi đang hiện diện trong mức viên mãn”; nhưng: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. Đó là đặc điểm của thời kỳ hoàn tất này, thời kỳ đầy ân sủng và thời kỳ quyết liệt, thời kỳ này bây giờ đã bắt đầu. Như thế, trung tâm của sứ điệp của Đức Giêsu là: “Thiên Chúa là Chúa Tể; vị Chúa Tể này đã gần kề”. Người là vị Chúa Tể có quyền quyết định và lo lắng cho chúng ta. Đó là Tin Mừng tuyệt hảo. “Đến gần” có nghĩa là: khi đến lúc đã định, Triều Đại Thiên Chúa đã đến và kể từ nay bắt đầu tỏ rõ ra: một sự giằng co giữa hiện tại và tương lai. Đây là một sự kiện hiện tại và một sự kiện của thời cuối cùng.

- Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng: Lời này cũng có nghĩa là “Hãy sám hối tin vào Tin Mừng”, tức bằng cách (diễn tả qua việc) tin vào Tin Mừng.
4.- Ý nghĩa của bản văn

* Cám dỗ trong sa mạc (12-13)

Kể từ Giáo Hội sơ khai, các nhà chú giải đã coi bức tranh mô tả Đức  Kitô ở trong hoang địa với dã thú như là một đối trưng của Ađam trong vườn. Tình trạng thù nghịch giữa loài người và dã thú, một hậu quả của sự sa ngã của Ađam, không được áp dụng cho Đức Giêsu. Tình trạng Đức Giêsu ở trong hoang địa sống hài hoà với muôn loài và quan hệ thân tình với Thiên Chúa cho thấy đó là hoàn cảnh của nhân loại nếu Ađam đã không phạm tội. Một hoang địa biến thành địa đàng là một hình ảnh ngôn sứ Isaia dùng để mô tả ơn cứu độ (x. Is 11,6-9; 32, 14-20; 65,25).

Không như dân Israel ngày xưa, Đức Giêsu sống một mình khi ở trong hoang địa. Thông thường, sự cô độc này hẳn là dấu chứng tỏ một người điên hoặc bị quỷ ám. Tuy nhiên, các thiên thần là dấu chỉ Đức Giêsu luôn quan hệ với Thiên Chúa: cho dù không có loài người, Con Thiên Chúa có thể cậy dựa vào sự hỗ trợ của Thiên Chúa. Tác giả Mc đã nói vắn tắt về Xatan khiến các học giả đi đến nhiều kết luận. Một số vị cho rằng Đức Giêsu bị khép vào tình trạng xung đột với Xatan xuyên suốt tác phẩm. Tuy nhiên, Xatan không mấy khi xuất hiện trong phần Tin Mừng còn lại như tác nhân cám dỗ. Đức Giêsu mau chóng chứng tỏ Người có khả năng xua đuổi bất cứ thứ quỷ nào. Do đó, rất có thể Mc nhắm cho độc giả nghĩ rằng Đức Giêsu đã phá vỡ quyền lực Xatan trước khi sứ vụ của Người bắt đầu.

 

* Khởi đầu hoạt động rao giảng của Đức Giêsu tại Galilê (14-15)

Trước khi ghi nhận các chi tiết thuộc về đời sống công khai của Đức Giêsu, Mc tóm tắt hoạt động của Người bằng cc. 14-15. Biến cố Gioan Tẩy Giả bị bắt đã kết thúc hoạt động của ông. Đức Giêsu, trước đây đã được Gioan ban phép rửa cho (1,9-11), nay trở lại Galilê và tại đó, Người bắt đầu công trình của Người. Sứ điệp Người phải truyền đạt được xác định ngay từ đầu là Tin Mừng của Thiên Chúa: Tin Mừng đến từ Thiên Chúa và Tin Mừng nói về Thiên Chúa. Đây là Tin Mừng tuyệt hảo được Thiên Chúa thông ban cho ta và nói với ta về tương quan Người muốn thiết lập với ta. Đức Giêsu cho biết rằng những gì Thiên Chúa đã hứa, nay đang trở thành hiện thực. Thời gian đang khởi đầu với lời loan báo và hoạt động của Đức Giêsu là thời gian của sự hoàn tất, thời gian của hoạt động đặc biệt của Thiên Chúa. Tất cả những điều này khiến chúng ta vui mừng và tin tưởng. 

 

+ Kết luận

Không giống như TM Mt (4,1-11) và Lc (4,1-13), TM Mc không giải thích cách thức Xatan cám dỗ Đức Giêsu trong hoang địa. Các câu chuyện Israel đi trong hoang địa, cũng như Ađam và Evà ở trong vườn là những ví dụ về thế nào là bị cám dỗ và sa ngã. Những câu chuyện về Môsê và Êlia là những thí dụ về thế nào là bị thử thách và đứng vững. Nếu tin tưởng vào Lời Chúa thì đứng vững; nếu không tin tưởng vào Lời Ngài thì sẽ sụp đổ. Đức Giêsu luôn trung thành với Thiên Chúa, do đó, dã thú sống hoà bình với Người, còn các thiên thần thì hầu hạ Người.

Muốn chuẩn bị lòng trí đón Chúa đến, người ta phải triệt để quay về với Thiên Chúa, phải cậy dựa vào Lời Chúa.


5.- Gợi ý suy niệm

1. Người Kitô hữu chọn Đức Kitô và xin chịu phép rửa tội, thì chia sẻ số phận của Đức Kitô; người ấy sẽ bị Xatan cám dỗ. Tuy nhiên, người ấy cũng sẽ được hỗ trợ bởi chính Đức Kitô và các thiên thần của Người.


2. Vì Tin Mừng Đức Giêsu mang đến là Tin Mừng tuyệt hảo, Tin Mừng này là nền tảng cho niềm vui và sự tin tưởng của chúng ta. Ai đón tiếp Tin Mừng này và lưu tâm nghiền ngẫm, thì biết rằng Thiên Chúa ở gần bên để ban ơn cứu độ.
3. Thời kỳ Đức Giêsu loan báo liên hệ với các lời Thiên Chúa hứa trong Cựu Ước: Thiên Chúa trung thành với lời hứa. Do đó, chúng ta vui mừng, tin tưởng và yên tâm ký thác cho Thiên Chúa. Nhưng thời kỳ này chỉ là thời kỳ chan hòa niềm vui cho ai biết nhận định như thế, và có một thái độ thích hợp: “sám hối và tin vào Tin Mừng”, tức là biết chọn lựa.    
4. Thiên Chúa là Chúa Tể chứ không phải là nô lệ của chúng ta; chúng ta không thể coi Người như ngang vai; chúng ta không thể áp đặt cho Người bất cứ chuyện gì. Người có tất cả mọi quyền bính và sức mạnh; Người quyết định và quy định. Bởi vì Thiên Chúa là Chúa Tể chân thật duy nhất, chúng ta được tự do đối với mọi chúa tể và quyền lực khác. Sứ điệp nói rằng Thiên Chúa là Chúa Tể là sứ điệp về sự giải phóng cơ bản của chúng ta. Mọi chúa tể và quyền lực khác được trả về đúng chiều kích của họ.
5. Thiên Chúa là Chúa Tể mọi nơi mọi lúc, nhưng quyền chủ tể của Người có thể ở trong tình trạng giấu ẩn, rất khó nhận ra, đến nỗi người ta có thể nghĩ rằng Thiên Chúa và Triều Đại Người không hiện hữu. Để có thể nhận ra quyền chủ tể của Thiên Chúa, cần phải có đức tin, rồi khám phá ra dần nơi lối cư xử của Đức Giêsu: nơi Người, chúng ta được mạc khải cho biết Thiên Chúa đến gần chúng ta như thế nào với Triều Đại của Người và các hoa trái của Triều Đại Người.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm


LIÊN QUAN TỚI ĐỀ TÀI II
BÀI ĐỌC THÊM (3)

GIÁO HUẤN CỦA CHÚA GIÊ-SU
Chính trong một xã hội như thế mà thình lình, người ta nghe được một tiếng nói mới thốt lên như sau: “Thời giờ đã mãn. Nước Chúa đã gần đến” (Mc 1,15). Sự xuất hiện của Chúa Giê-su cũng đồng nghĩa với một tiếng kêu mãnh liệt: “Thiên Chúa đã sai tôi. Giờ đây, bởi vì tôi ở giữa anh em, cho nên Thiên Chúa cũng đang ở giữa anh em.” Đối với Chúa Giê-su, Thiên Chúa là Tất Cả. Chỉ có Thiên Chúa mới đáng kể. Nhưng cũng chính vì thế mà tất cả mọi người đối với Ngài đều quan trọng. Tất cả mọi người, không trừ một người nào. Mỗi một con người đều vô cùng quan trọng đối với Chúa Giê-su. Nghèo hèn, dốt nát, yếu nhược và ngay cả tội lỗi, địa vị xã hội dù có thấp hèn đến đâu, mỗi người đều quan trọng đối với Chúa Giê-su. Mỗi người đều quan trọng hơn cả lề luật, các nghi lễ, các lề thói và các qui định. Chúa Giê-su đã tuyên bố: “Ngày hưu lễ được làm ra vì con người, chứ không phải con người được dựng nên vì lề luật” (Mc 2,27). Những người biệt phái sửng sốt và khó chịu và khó chịu vì một lời tuyên bố như thế. Theo sự chú giải của những người biệt phái, trong ngày hưu lễ, không được phép chữa bệnh. Nhưng Chúa Giê-su vẫn chữa lành tất cả những bệnh nhân được mang đến với Ngài. Ngài đặt câu hỏi: “Tại sao trong ngày hưu lễ không được phép làm điều thiện….không được cứu sống?” (Mc 3,4). Tại sao chúng ta có thể để cho một người phải đau đớn thêm một ngày nữa chỉ vì ngày hưu lễ? Chúa Giê-su không khinh thường những qui định của Luật Cựu Ước. Tuy nhiên, Ngài không xem những qui định ấy là luật tối thượng của cuộc sống hoặc như là tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa. Những qui định về việc được phép hay không được phép ăn một số thức ăn không phải là lệnh của Thiên Chúa. Không có gì ở ngoài vào trong con người có thể làm cho nó ra nhơ bẩn. Bởi vì điều đó không vào trong tâm hồn, mà đi vào bụng mà thôi…Cái từ bên trong tâm hồn con người mà ra, cái đó mới làm cho con người nhơ bẩn. Vì từ bên trong, từ lòng người mà phát ra những tư tưởng xấu xa như tà dâm, trộm cướp, giết người, ngoại tình, tham lam, hung ác, gian dối, phóng đãng, ghen tương, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng (Mc 7,18-23). Tất cả đều tùy thuộc vào ở tâm hồn con người. Tâm hồn của con người trong sạch khi nó yêu Chúa với tất cả sức lực và yêu thương đồng loại như chính mình (Mc 12,30-32). Và người đồng loại ấy không phải chỉ là người bạn tốt, một người láng giềng, một người đồng bào. Người đồng loại ấy là tất cả mọi người không trừ một người nào, như Chúa Giê-su đã mô tả trong bài dụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân hậu (Lc 10,30-37). Một người thông luật hỏi Ngài: “Ai là người đồng loại của tôi?” Ai là tha nhân của tôi? Người thông luật tự đặt mình đứng giữa một vòng tròn. Vấn đề duy nhất của ông la ông phải nới rộng cái vòng tròn ấy bao nhiêu để ôm lấy người đồng loại. Và Chúa Giê-su đã trả lời bằng một dụ ngôn. Có một người kia bị cướp bóc và bỏ nằm dở sống dở chết bên vệ đường. Một vị tư tế từ Giê-ru-sa-lem đi qua, kế đó một thày Lê-vi, tức một người phụng sự trong Đền thờ, cả hai đều đi qua mà không hề dừng lại để nhìn đến con người đáng thương ấy. Sau vị tư tế và thày Lê-vi, một người Sa-ma-ri, tức một kẻ mà người Do-thái thù ghét, cũng đi qua đó. Khi thấy nạn nhân nằm bên vệ đờng, ông dừng lại. Ông thương cảm cho kẻ lạ mặt; ông bèn dừng lại rửa và băng bó các vết thương, rồi đặt người đàn ông lên lưng lừa của mình và đưa người đó đến một quán trọ. Ông trả tiền cho người chủ quán trọ. Chúa Giê-su kết thúc bài dụ ngôn bằng một câu hỏi: “Trong ba người đó, ông nghĩ ai là người đã tỏ ra là người thân cận với người sa vào tay bọn cướp?” Vị thông luật dĩ nhiên đã trả lời: “Thưa chính là người đã tỏ lòng thương đối với ông ta” Chúa Giê-su nói với ông: “Ông hãy về và làm như vậy”. Chúng ta không nên hỏi ai phải là người đáng chúng ta kể là thân cận. Tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những kẻ kém may mắn, những người mang thương tích, những tâm hồn đổ vỡ, tất cả những ai cần đến tấm lòng quảng đại và sự trợ giúp huynh đệ của chúng ta. Tất cả đều là những kẻ mà Chúa bảo chúng ta phải nhìn thấy Ngài trong họ. Chúng ta được đòi hỏi phải trở nên những người thân cận đích thực để yêu thương kẻ khác như chính mình. “Hãy yêu thương tha nhân như chính mình ngươi”. Vào khoảng cuối đời, Chúa Giê-su còn đi thêm một bước nữa: “Hãy yêu thương nhau, như Ta đã yêu thương các con” (Ga 13,34). Đó là giới răn mới của Chúa Giê-su. Đó là giới răn duy nhất của Ngài. Đó là giới răn bao trùm tất cả mọi giới răn. Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta hơn chính mạng sống của Ngài. Ngài chỉ sống và chết cho người khác. Yêu như Ngài đã yêu, đó là mệnh lệnh của Chúa Giê-su, đó là ý muốn của Chúa Cha. Nếu chúng ta không biết đến mệnh lệnh này, thì cho dù chúng ta có tuân giữ mọi nghi thức, tất cả cũng đều vô ích. “Khi ngươi đến dâng của lễ nơi bàn thờ và chợt nhớ ra người anh em có điều bất hòa với ngươi, hãy để của lễ lại trước bàn thờ và trở về làm hòa với người anh em trước đã, rồi mới đến dâng của lễ” (Mt 5,23-24). Thiên Chúa không muốn một lời cầu nguyện hay một hy lễ không có tình yêu. Ngay cả một tư tế suốt ngày bận bịu trong Đền thờ Giê-ru-sa-lem, nếu ông không có bác ái, thì ông chỉ là một người không hề biết đến quả tim của Chúa. Thái độ của Chúa Giê-su quả đã làm cho hàng tư tế ở Giê-ru-sa-lem khó chịu, bởi vì họ luôn bám vào quyền hành của họ.

Nhưng Chúa Giê-su không sợ chuyện người ta khó chịu về những lời nói của Ngài. Trong một xã hội mà sự thù ghét người ác được xem như là một nhân đức, Chúa Giê-su không ngần ngại đưa ra một thách đố: “Các ngươi hãy yêu thương kẻ thù của các ngươi”. Lời của Ngài thật rõ rệt và dứt khoát: “Hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho kẻ thù ghét các ngươi, hãy chúc phúc cho kẻ nguyền rủa các ngươi, hãy cầu nguyện cho kẻ vu vạ các ngươi. Ai vả má bên này, ngươi hãy giơ má bên kia cho họ nữa. Và ai cưỡng đoạt áo ngoài của ngươi, thì đừng cản họ lấy cả áo trong nữa. Ai xin điều gì, các ngươi hãy cho; Ai lấy của gì, đừng đòi lại. Các ngươi muốn người ta làm cho mình thế nào, thì hãy làm cho người ta như vậy. Vì nếu yêu kẻ yêu mình thì có phúc gì? Kẻ tội lỗi cũng yêu kẻ yêu mình. Nếu các ngươi làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình thì có phuc gì? Vì kẻ tội lỗi cũng làm như vậy. Nếu các ngươi cho vay mượn và mong được trả lại, thì các ngươi được phúc gì? Vì kẻ tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để thu lại đủ số. Phần các ngươi, hãy yêu thương thù địch mình, hãy làm ơn, hãy cho vay mượn mà không trông đòi lại. Như thế, phần thưởng của các ngươi sẽ rất lớn và các người sẽ nên con Đấng Cao Cả, vì Người nhân từ đối với kẻ vô ơn và ích kỷ. Các ngươi hãy nhân từ như Cha các ngươi là Đấng Nhân Từ”

(Lc 6,27-36).

Những phần tử của đảng cách mạng hẳn đã phải nghe những lời trên đây. Lúc đầu họ tưởng rằng Ngài là bạn của những người cùng khổ và bị áp bức; họ tưởng Ngài có thể là người lãnh đạo của phong trào đấu tranh. Nhưng giờ đây, họ thất vọng. Làm sao họ có thể khởi xướng một cuộc nổi dậy đẫm máu dưới sự lãnh đạo của một người tuyên bố rằng cần phải yêu thương kè thù?


[Lm Phê-rô Nemesheygi, SJ, Ý NGHĨA CỦA KI-TÔ GIÁO (THE MEANING OF CHRISTIANITY, Nxb Tôn giáo 2008, Chương Một “ĐỨC GIÊ-SU ĐƯỢC GỌI LÀ ĐẤNG KI-TÔ” (Mt 1,16), trang 15-19].

BÀI ĐỌC THÊM (4)

ĐỨC GIÊSU GIÁO HUẤN CÁC MÔN ĐỆ

(Mc 9,38-48 – CN XXVI TN - B)

 


tải về 1.46 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   6   7   8   9   10   11   12   13   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương